Khoảng Trời Mênh Mông
(Hattie Big Sky)
Tác giả: Kirby Larson
Người dịch: Vũ Kim Dung
NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2008
Chương 7
Ngày
5 tháng Ba năm 1918
Cách
Vida ba dặm về hướng Tây Bắc, Montana
Charlie
thân mến!
Tuyết
trắng đẹp đẽ đang tan, toàn vùng trở thành khu lầy lội bẩn thỉu. Chỗ nào cũng
thấy bùn lầy nước đọng. Sáng nay, em không đi ủng khi vào nhà kho vắt sữa bò.
Bùn phủ lên mặt đất một lớp dày. Tuần trước, em định gieo hạt thì bị anh Karl
và Jim Gà Trống cười cho. Anh Jim bảo: “Gieo hạt xuống sẽ thối hết cho coi”.
Nghe thế, em đành phải ngừng việc gieo hạt lại. Em định hôm nay sẽ tập làm hàng
rào cho thạo vậy.
Thư
anh, bức thư đầu tiên em nhận được tại nhà mới ở Montana này, toàn lỗ thủng. Chắc
bị mối ăn hay sao ấy. Đội kiểm duyệt làm việc nghiêm túc quá anh nhỉ! Nhờ họ mà
thư anh giống như bài toán đố. Khi họ cắt vài đoạn ở mặt giấy này, thì mặt sau
đố ai hiểu nổi. Tuy nhiên, sau khi đoán, em biết khi đến trại mới, anh nghỉ đêm
trong doanh trại chứ không ngủ ngoài lều như trước. Tuy nhiên, doanh trại cũng
không hơn lều là mấy nếu mỗi đêm mưa, anh phải mặc áo mưa mới mong ngủ được.
Sau
ván cờ vừa rồi (em thua), Jim Gà Trống kể rất nhiều tin chiến sự. Anh ấy bảo
quân Đồng Minh buộc lính Đức phải trở lại Paris. Nhưng em buồn xo khi biết tàu
Tuscania bị ngư lôi triệt hạ. Mọi thủy thủ đều hy sinh. May mà ít nhất anh cũng
ở trên cạn. Em không lo cho bộ binh Mỹ vốn dũng cảm vô song mà lo tình hình ở hậu
phương anh ạ. Ngày nào cũng có thông báo, cáo buộc không ít người tội làm loạn.
Hình như mọi hành động đều bị coi là phản nghịch. Em đọc báo thấy nói giống chồn
(dachshund dog)
của Đức giờ được coi là “chó tự do”. Nghe có lọt tai không chứ? Nghe nói ở đây
người ta cấm tiệt mọi từ ngữ tiếng Đức. Anh Jim nói nếu thế sẽ rất khó cho cha
Schatz và giáo dân thuộc giáo xứ Lu-ti: “Hay cha nói tiếng Hy Lạp, cô
Hattie nhỉ? Ngặt nỗi làm thế sao giáo dân hiểu được”. Jim ăn nói chua cay quá, em không tiện nói ra. Cũng như Jim, em băn
khoăn một chuyện: Hàng xóm chúng em thờ
Chúa bằng tiếng mẹ đẻ của họ có hại gì đến ai?
Nhiều
lúc, em không biết phải nghĩ thế nào cho phải.
Cô bạn
đang “trăm mối tơ vò”
Hattie
Innez Brooks
Bởi chưa thể gieo trồng, tôi quay sang công
việc cần nhiều sức lực: làm hàng rào. Đó là một trong hai yêu cầu phải thực hiện
để được chính thức sở hữu trang trại. Một việc không làm không được. Cậu
Chester từng cố làm, nhưng kết quả chưa đâu vào đâu. Tôi quyết tâm nhanh chóng
nối thêm đoạn hàng rào mới làm được mười sải chân của cậu. Cậu đã chuẩn bị nhiều
nguyên vật liệu, đủ để đóng 480 cọc theo yêu cầu.
Một tối cô đơn trong tiết trời giá rét, tôi
ngồi tính chiều dài của hàng rào. Năm mét nhân với bốn trăm tám mươi cọc. Hai
ngàn bốn trăm mét. Tôi suýt bật khóc. Chả trách nông dân hay nói đến số cọc:
tính chu vi đất bằng cọc dễ hơn. Dù tính theo cách nào, tôi cũng thầm khấn trời
vì không phải mất tiền mua cọc. Nguyên vật liệu đang chất đống sau nhà kho, chờ
bàn tay sẵn sàng đưa chúng vào sử dụng: Chính là hai bàn tay nhỏ bé của tôi
đây.
- Ơn trời vì con có đôi găng bảo hộ của mẹ
Charlie cho.
Tôi bắt đầu buổi cầu kinh sáng bằng câu nói
ấy. Chắc mợ Ivy phải tái mặt khi thấy tôi sắp “ăn diện” ra trò: Chân đi ủng bảo
hộ cậu Holt cho, người mặc bộ quần áo lao động vá chằng vá đụp anh Karl cho,
tay đi đôi găng bằng vải bạt dày cứng, đầu đội mũ rơm. Tôi chặc lưỡi cầm cuộn
dây thép gai, búa, nắm đinh rồi cặm cụi ra khe đá, nơi công việc còn dở dang từ
hôm qua. Tôi đang dựng hàng rào theo hướng Đông - Nam men theo chu vi khu đất,
ngay tại chỗ tiếp giáp với đất của anh chị Karl.
Nếu có ai nghĩ làm hàng rào là việc tầm thường,
dễ làm thì hãy để chính tay họ dựng khoảng mười mét rào, họ sẽ phải nghĩ khác.
Làm hàng rào nghe có vẻ đơn giản. Nhưng thực ra chẳng đơn giản chút nào. Trước
tiên, ta phải còng lưng đào hố chôn cọc. Tiếp đến, phải khó nhọc đưa thân cây
cao ngất ngưởng vào hố. Sau đó, phải xúc đầy đất vào hố, nén đất thật chặt
quanh cọc. Xong xuôi lại đào hố khác, trồng cọc khác. Suốt một ngày liền, tôi
chỉ làm bạn với cuốc chim và mai thuổng, cặm cụi đào hố chôn cọc. Đêm đầu tiên,
hai bàn tay tôi phồng rộp, rát bỏng đến độ trong bữa tối tôi không đưa nổi thìa
lên miệng. Đêm thứ hai, tôi thoa hỗn hợp dầu xoa bóp trắng lên tay. Dầu được chế
theo công thức của cậu Holt gồm armoniac, cồn thuốc kim sa, nước ép từ vỏ hạt
cây phỉ, nhựa long não, trứng, và rượu táo. Ơn trời, dù nặng mùi nhưng dầu giúp
giảm đau rất tốt. Đêm thứ ba, tôi quá đói và mệt đến độ hai bàn tay mất hết cảm
giác.
Tôi làm một chiếc thuyền đá cho Plug kéo.
Khi nhìn kỹ khu đất phủ đầy đá lớn nhỏ thuộc trang trại của mình, tôi cảm giác
mình hơi giống Noah. Noah tìm cách dựng con thuyền nổi trên mặt biển cuộn sóng.
Còn tôi tìm thuyền đá “nổi trên” đất đồng cỏ mấp mô. Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy
tảng đá dẹt, chắc chắn nhưng không quá nặng so với sức con Plug. Khi thấy anh
Karl mang dụng cụ làm đất tới gần ranh giới giữa hai nhà tôi đã học được từ anh
mẹo dùng thuyền đá. Nếu không, chắc đến chín mươi tuổi tôi vẫn chưa khiêng hết
số cọc bằng thân cây liễu quí giá và dây kẽm ra nơi dựng hàng rào. Tôi thầm cảm
ơn Karl.
Khi buộc xong đống vật liệu vào viên đá dài
hình tựa con thuyền, tôi hò ngựa. Hai chúng tôi cùng lên đường. Hôm trước, tôi
dừng tay ở gần cây anh đào dại um tùm. Hôm nay, tôi định sẽ giăng dây kẽm cho một
số cột hôm qua. Nếu may mắn, tôi sẽ trồng thêm được vài cọc nữa.
Phải chật vật lắm tôi và Plug mới lội bùn đến
được dãy hàng rào.
- Sao lạ thế này?
Tôi với tay bíu lấy thân anh đào, còn dụng
cụ trong tay thi nhau rơi tự do. Định thần nhìn lại, tôi cúi xuống nhặt chúng
lên. Đúng ở bụi cây này, tôi dừng tay hôm qua. Nhưng hôm nay, hàng rào của tôi
không dừng lại ở đó. Nó chạy thẳng tắp thêm một đoạn có chiều dài khoảng bốn
mươi cọc nữa. Tôi đến tận nơi xem cho rõ. Đây rõ ràng là phần tôi làm hôm trước:
đinh cong oằn giữ dây kẽm chạy thành đường ngoằn ngoèo, tuy nhiên vẫn đủ chắc để
dây bám được trên cọc.
Nhưng từ gốc cây anh đào trở đi, đinh được
đóng gập xuống, thật vuông đẹp. Tôi còn nhớ cách đây đã lâu lắm rồi, mẹ có đọc
tôi nghe chuyện có bác thợ giày nọ dùng mảnh da cuối cùng để may giày cho ba
nàng tiên. Từ hôm đó, ngày nào bác cũng thấy có đôi giày mới tuyệt đẹp trên kệ
giày nhà mình. Các nàng tiên đã trả ơn lòng tốt của bác như thế đó.
Còn chuyện tôi ngờ vực lúc ấy không phải
trong thế giới thần tiên. Đây là thế giới thực. Tôi bắt tay vào việc ở ngay chỗ
“vị tiên” dựng hàng rào cho tôi kết thúc lúc trước. Khi kéo căng dây rồi đóng
đinh, tôi nhớ câu chuyện trong tiệm thực phẩm giữa ông Hanson và chị Perilee.
Nhớ bao người thân quen muốn ăn dưa trong bữa tối phải gọi dưa cải muối theo kiểu
Đức là “bắp cải tự do”. Nhớ Charlie nghe lệnh cấp trên, hăng máu lao ra sa trường
kết liễu đời một hoặc hai tên lính Đức. Có nhiều rào giậu trên đời ngăn cách, chia
lìa hàng xóm láng giềng, giống hành động của vua Đức và những người dưới quyền
ông ta. Nhưng cũng có những loại hàng rào đưa bà con lối xóm xích lại gần nhau
hơn, giống đoạn hàng rào anh Karl Mueller đã dựng giúp tôi hôm trước. Anh không
nói ra nhưng tôi đã hiểu tất cả.
Tôi vỗ về con ngựa già:
- Này Plug, chuyện này chắc tao nhớ thư gửi
Charlie khi trước. Cuộc đời giống câu đố đầy bí ẩn. Tao phải sống bao lâu mới
hiểu hết sự đời hả mày?
Cách trả lời duy nhất của nó là lảng đi tìm
mảng cỏ xanh hơn.
Tôi cắm cúi làm cật lực trước khi trở vào
nhà ăn trưa.
“Ngài” Whiskers chễm chệ ngồi trên lồng gà
trống trơn, cẩn thận liếm bàn chân lấm bùn. Cái lồng nhắc tôi nhớ ý định sẽ mua
gà của nhà Sears và Roebuck.
Vừa định vào nhà, tôi bất chợt đứng sững.
Có tiếng động phát ra từ nhà kho. Chắc chắn không phải tiếng động của bò. Bất
giác, tôi thấy lạnh sống lưng. Đoán già đoán non mãi, tôi vẫn không thể đoán ra
cái gì, hay đúng hơn là ai đang ở trong đó. Lăm lăm búa trong tay, tôi rón rén
đi về phía nhà kho. Trước khi kịp nghĩ xem nên làm gì kế tiếp thì cửa nhà kho bật
mở. Một phụ nữ cao gầy bước ra. Thoạt nhìn, bà đã biết ngay tôi định làm gì.
- Định phang cô một búa chứ gì?
Bà tiến thêm một bước về phía tôi. Nhờ thế,
tôi mới thấy có khẩu súng săn dựng sát tường, phía sau lưng bà.
- Cô là...
Bà chìa bàn tay rộng bản nhưng chỉ có bốn
ngón:
- Ta làm quen nhé. Cô là Leafie Purvis.
- Khách thường vào nhà, không vào kho.
Người lạ có giới thiệu tên, nhưng tôi không
quen người này, cũng không biết bà ta là người như thế nào.
Nghe tôi nói, Leafie cười lớn :
- Nhìn là biết ngay người nhà Chester.
Tôi hạ “vũ khí” xuống:
- Cháu là Hattie Brooks, cháu ruột của ông.
Cô Leafie lúi húi sau bó cỏ khô:
- Cô biết. Giúp cô một tay nào.
Sát bức tường phía sau nhà kho là một chiếc
rương bằng gỗ có ba dây đai bằng da bền chắc cột chặt phần nắp vào thân rương.
Ba chữ cái CHB được khắc trên quai da chính giữa.
- Rương của cậu cháu ạ?
Liệu trong rương này có chứa thứ gì kể về
quá khứ của tôi chăng? Hay về mẹ tôi chẳng hạn?
Cô Leafie giải thích:
- Chester là người kín đáo. Khi ốm nặng,
ông nhờ cô chuyển rương xuống đây. Trước khi cháu tới, ông không muốn ai lục lọi
nó hết. (Tôi vuốt đoạn dây bằng da cũ sờn rồi dừng tay ở phần khóa. Khuôn mặt đầy
nếp nhăn của bà thoáng buồn). Chester mong đích thân cho cô cháu gái xem mọi thứ
trong rương, nhưng không kịp.
Tôi nhớ lời chị Perilee kể lúc trước:
- Cảm ơn cô đã có mặt khi cậu cháu qua đời.
- Nếu chúng tôi có chuyện, Chester cũng có
mặt ngay.
Bà lấy trong túi áo sơ mi kiểu đàn ông một
túi vải đựng thuốc lá. Mợ Ivy nhìn thấy chắc sẽ ngã lăn ra bất tỉnh, còn tôi thầm
than phục nhìn cô Leafie khéo léo vấn thuốc thành điếu.
Thấy chiếc rương, tôi hiếu kì lắm rồi. Tuy
nhiên, tôi vẫn cố gắng nói năng phải phép:
- Mời cô vào nhà dùng bữa với cháu. Ngựa của
cô có cần uống nước không ạ?
Cô Leafie cười thành tiếng, đồng thời thở
ra một làn khói mỏng trước khi ho sù sụ:
- Cô đi bộ.
- Cô bảo sao cơ ạ?
Bà kéo váy để lộ đôi giầy cao cổ bền chắc:
- Cô đi bộ mà. Lội bùn có cái khó là: nếu
đi một bước, ta phải lùi hai bước. (Cô lại cười). Cách duy nhất để đến nơi định
đến là đi về phía ngược lại.
Tôi cũng bật cười. Thấy cô vui như vậy, tôi
khó mà nghiêm trang được:
- Anh Jim bảo mùa hè còn tệ hơn mùa xuân.
Cô Leafie vuốt trán:
- Cậu ấy nói đúng đấy. Cô thà ngã như vồ ếch
còn hơn bị nướng chảy mỡ. (Cô chỉ tay vào ngực) Không có ngựa nên cô đủ nước
cho mụ già này uống.
- Cháu hâm cà phê nhanh lắm. Nếu cô không
chê món đậu...
Tôi vừa ra khỏi cửa kho, mặt đất tức thời
rung chuyển:
- Cái gì thế không biết.
Tôi nhìn quanh và thấy nơi phát ra tiếng ầm
ầm.
Một nhóm người cưỡi ngựa, có lẽ lên tới sáu
người, phi rầm rập trên đồng cỏ. Hóa ra họ đang đuổi theo một con bò cái chạy
như điên cuồng phía trước. Đám người ngựa dồn con bò chạy ngoằn ngoèo trên cánh
đồng rộng. Cuồi cùng, nó lồng lên, chạy xuống khe đá và hướng thẳng về phía lều
của tôi.
Tôi hét lên.
- Coi chừng!
Nhưng người và ngựa không hề chậm bước. Giờ
tôi đã thấy rõ nhóm có bốn người. Kìa là bốn con ngựa và một con bò lao thẳng
vào nhà tôi. Tôi vội đuổi theo họ:
- Dừng! Dừng lại!
Tôi gào to như muốn xé cuống họng. Hình như
có người trong nhóm cưỡi ngựa đang cười hô hố. Cả nhóm vẫn rầm rập lao về phía
nhà tôi. Họ định dồn con bò chạy xuyên qua căn lán ọp ẹp của tôi chăng?
- Bùm!
Tiếng nổ phát ra ngay phía sau lưng tôi.
Tôi quay ngoắt lại thì thấy cô Leafie đứng đó, nòng súng chĩa lên trời sẵn sàng
nhả phát đạn kế tiếp.
- Bùm!
Nhóm trưởng đột ngột ghì cương. Anh ta giơ
hai tay lên trời, ra hiệu cho những người khác.
Họ cùng quay ngoắt lại và bỏ đi, mặc con bò
ở lại. Nó chạy chậm dần rồi dừng ngay cạnh ngôi nhà, hai mạng sườn phập phồng
theo hơi thở gấp.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, lau lòng bàn tay ướt
mồ hôi vào áo bảo hộ:
- Họ chạy đâu rồi? Liệu họ có quay trở lại
không hả cô?
- Có đấy, nếu sắp tới họp mặt, họ rỉ tai
nhau rằng quanh đây có chuyện. Nhưng theo cô, cháu chẳng việc gì phải lo. Đừng
giây vào họ là được. Nhưng cháu phải nhớ lời cô dặn đấy.
Cô đưa cho tôi khẩu súng. Cô Leafie bước đến
gần, dạn dĩ nắm vòng dây da ở cổ con bò lạ dắt nó vào kho:
- Tội nghiệp quá, cho nó uống nước đi cháu.
Này Violet, mày có khách.
Tôi đi theo cô, tay cầm súng run lẩy bẩy.
Tôi ngồi bệt ngay cạnh rương của cậu Chester:
- Chuyện vừa rồi là thế nào ạ?
Cô lắc đầu:
- Chẳng ai ưa Traft Martin và cái gọi là Hội
đồng Tự vệ Hạt Dawson. Tin bài về những Hội đồng như thế hiện đăng nhan nhản
trên các báo. Chính thống đốc bang chỉ định người tham gia Hội đồng Tự vệ.
- Cháu tưởng Hội đồng là một tổ chức ái quốc?
Mục đích là vận động nhân dân tuân thủ nguyên tắc về lương thực, thực phẩm thời
chiến, mua Trái phiếu Tự do?
Cô Leafie bĩu môi:
- Theo cô biết, Hội đồng là cái cớ cho người
lớn vin vào đó để hành động như lũ học trò hư hỏng. Ái quốc kiểu gì mà đuổi bò
người ta chạy trối chết như thế? (Cô vỗ mạnh sườn con bò. Nó giật mình nhưng vẫn
tiếp tục ăn) Cuộc chiến này đang khiến người ta quên cả tình hàng xóm láng giềng.
- Bò nhà ai thế ạ?
- Cô định thế này. Trên đường đến trại cừu
nhà Ellie Watson, cô sẽ mang con bò này trả lại cho nhà Perilee.
Nghe vậy, lòng tôi quặn thắt.
- Cháu không hiểu. Sao họ lại làm thế? Anh
Karl và chị Perilee là hàng xóm tốt mà.
Ngoài kia còn có đoạn hàng rào vững chắc chứng
minh lời tôi vừa nói. Cô Leafie lấy chăn ngựa cũ lau mình con bò:
- Chiến tranh cho bọn người kia cái cớ họ cần.
Mọi trò đều xoáy vào chuyện gốc gác. Đáng lẽ thứ quan trọng phải là cách cư xử,
ăn ở của người ta trên đất Mỹ chứ. (Cô Leafie quăng mảnh chăn sang một bên trước
khi đến gần tôi). Mà thôi, cháu đừng bận tâm về những gì cô nói. Cô cứ hay xù
lông và mổ tứ tung như ả gà mái già xấu tính ấy mà. (Cô vỗ mạnh vào cánh tay
tôi). Tốt hơn hết, cô nên đi lo chuyện của mình trước đã.
Tôi tìm đoạn dây thừng đưa cho cô quấn
quanh cổ bò. Làm xong, cô quay lại nhìn tôi:
-
Cháu có súng không?
Tôi nhớ chuyện con sói:
- Không ạ. Cháu chưa từng bắn phát đạn nào.
- Chớ có dùng súng để gây sự chú ý đấy nhé.
Trước khi tôi kịp đáp lời, cô đã đi ngang
qua sân, sau đó cùng con bò lội bùn đến trại cừu, đồng thời đó cũng là đường đi
ngang qua nhà anh chị Mueller.
Khi cô Leafie đi khuất dạng, tôi chợt nhớ
cô chưa uống miếng nước, hay cà phê, hay dùng món xúp đậu tôi làm. Mong nhà
Watson sẽ mời cô dùng bữa. Tôi trở vào kho. Hai đầu gối vẫn còn run bần bật sau
câu chuyện con bò, tôi quỳ xuống cạnh cái rương, vuốt nhẹ dây đai bằng da. Cậu
Chester muốn cho tôi xem cái gì? Liệu có tìm thông tin gì làm sáng tỏ cuộc đời
bí ẩn của cậu trong rương này không? Tôi tháo khóa đai bên trái, rồi bên phải,
trước khi chầm chậm mở nắp rương. Cái nắp nặng nề, chắc chắn. Đủ bền chắc để giữ
an toàn cho hầu hết mọi điều bí ẩn trên đời.
Trật tự trong rương cũng ngăn nắp chẳng kém
ngôi lều chật chội, bẩn thỉu trước kh tôi đến. Quần áo xếp thành chồng từ đáy
rương. Nhét giữa các chồng quần áo là bít tất, quần dài và nhiều đồ vật nho nhỏ:
vé xem xiếc, vé khiêu vũ, bưu thiếp rẻ tiền, vài tấm hình. Tôi nhìn kĩ từng
khuôn mặt trong hình nhưng chẳng nhận ra ai. Tôi lùa tay xuống sâu hơn, bỏ qua
chồng sách giấu phía dưới. Trong một gói giấy nâu, cột bằng dây vải chúc bâu, một
mẩu vải như vải áo con gái thò ra. Trông như một mảnh vải may chăn ghép của ai
đó. Nhưng của ai mới được? Màu vải còn tươi mới, hình như chưa giặt lần nào. Đó
có phải một phần nỗi buồn cậu Chester thường mang nặng trong tâm tư? Mảnh vải
nhỏ của tình yêu thời tuổi trẻ không có hồi kết vì một nguyên do thật buồn?
Tôi chưa tìm thấy trong rương có thứ gì cậu
Chester phải nhờ cậy cô Leafie cất giấu thật kĩ, sợ người đời dòm ngó. Tôi
không thấy có manh mối nào dẫn đến quãng đời “du thủ du thực” (như cậu nói).
Không có hình cha mẹ tôi như tôi mong đợi. Tôi trả lại mọi thứ vào rương, hạ nắp
xuống và cài khóa dây đai như cũ.
Ngày hôm nay bày ra nhiều điều bí ẩn từ chiếc
rương, chẳng khác nào cuộc đời cậu ruột tôi. Nó nhắc tôi nhớ một động tác ném
bóng mà Charlie phải cố lắm mới dạy tôi ném thành thạo được. Anh gọi là “đường
bóng rắn”. Theo cách đó, người vụt bóng sẽ không biết bóng sẽ đập vào đâu. Đôi
khi, ngay cả người ném cũng không biết nốt.
Hôm nay có thể gọi là ngày “đường bóng rắn”.
Nào là chuyện anh Karl dựng hộ hàng rào, nào là chuyện gặp cô Leafie, nào là
chuyện cái rương, nào là Hội đồng Tự vệ và trò đuổi bò điên khùng. Ai biết được
hôm nay sẽ xảy ra lắm chuyện như vậy.
Tôi cố đứng thẳng dậy. Khi đầu óc dịu lại
cũng là lúc dạ dày lên tiếng phàn nàn. Đành gác cuộc đời đầy bí ẩn lại. Giờ tôi
phải tìm cái gì bỏ bụng cái đã.
*
* *
Một ngày sau khi cô Leafie đến, tôi cặm cụi
nhặt đá trên khoảnh đất dự định trồng lúa mì. Khi tôi hỏi tại sao nhà nào cũng
nhặt đá vun dưới chân rào, chị Perilee dùng ngay kinh thánh trả lời tôi:
- Em còn nhớ chuyện ngụ ngôn kể về người
gieo hạt không? Còn nhớ đoạn hạt giống thối hết khi gieo trên đất đá đầy sỏi
không? (Chị vục một nắm đất tơi xốp lên tay). Cưng à, nếu em không nhặt hết đá
trước khi gieo hạt, chẳng cây nào mọc được đâu.
Vì thế, tôi lại cặm cụi ngoài đồng, tự hủy
hoại sống lưng và hai bàn tay trong trò nhặt đá ném dưới chân dãy cọc làm hàng
rào xiên vẹo. Trong lúc đó, “Ngài” Whiskers mải miết đuổi theo một con rắn lành
từng khiến tôi sợ chết khiếp. Một con rắn bé tẹo teo cố co mình lấy sức và lao
thẳng vào “Ngài” Whiskers làm con mèo già nhảy dựng lên cả mét trên không
trung. Tôi bảo nó:
- Nếu ở đây có chợ bán đá và rắn, chắc tao
có đủ tiền mua cả hạt Dawson này rồi.
“Ngài” Whiskers không thèm trả lời, nó mải
mê chạy theo một con chim nhỏ đang tìm sâu quanh đó.
Vừa ngẩng lên, cột lại dây mũ tôi thấy một
người cưỡi ngựa tới gần. Anh ta kiêu kỳ ngồi thẳng trên yên ngựa:
- Chào quý cô. Mang tiếng là hàng xóm, thế
mà mãi đến giờ mới giáp mặt.
Nói đến đây, anh ta xuống ngựa, chìa bàn
tay phải ra. Tôi đi ngang qua miếng đất nhỏ xíu vừa nhặt hết đá để cầm lấy bàn
tay người lạ:
- Tôi là Hattie Brooks.
- Tôi là Traft Martin.
Tôi sững sờ. Dù cô Leafie có nói gì về anh
ta và Hội đồng Tự vệ, tôi vẫn cho rằng người đẹp trai thế này chắc chẳng đến nỗi
xấu bụng lắm.
- Tệ thật, đáng lẽ ta phải làm quen rất lâu
rồi mới phải.
Anh ta mỉm cười, nụ cười quyến rũ trên khuôn
mặt còn quyến rũ hơn. Người này chắc chắn không quá hai mươi tuổi.
Tôi kéo chiếc mũ ra sau đầu:
- Tôi tưởng Chủ nhật mọi người đều đi lễ?
Anh ta lại cười, lần này cả cặp mắt cũng cười
theo:
- Tôi đang định đến nhà Jim Gà Trống bàn về
chuyện ngựa.
Tôi nhớ Jim từng kể Traft Martin thích ngựa
của anh. Tôi đoán:
- Không bán chứ gì?
Có cái gì đó ẩn sau ánh mắt đang nhìn lảng
của Traft Martin:
- Chưa bán thì đúng hơn.
Sống lưng tôi bất chợt lanh buốt. Mợ Ivy
thường gióng giả: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Lúc này đây, trong tâm trí tôi,
câu nói ấy gắn liền với khuôn mặt Traft Martin. Tôi cúi xuống làm tiếp công việc
còn dang dở:
- Traft Martin, mong anh thứ lỗi, nhưng trước
khi trời tối, tôi còn phải làm đất cho xong cả cánh đồng này.
Tôi khoát tay chỉ xuống mặt đất đầy sỏi đá.
Traft rút túi vải đựng thuốc lá, quấn thuốc
hút:
- Tôi phục cô đấy. Nhặt đá vất vả quá. Chưa
kể cô chỉ có một mình.
Tôi vừa cúi xuống định nhặt một hòn đá
nhưng chợt dừng tay. Câu anh ta nói khiến tôi phải chú ý: giọng nói mang âm vực
của người từng nếm trải mùi vị của sự cô đơn. Trơ trọi, một mình.
- Tôi quen vất vả rồi.
Cục, cục, cục. Tôi nhặt được thêm ba hòn
đá.
Không nói thêm một lời, Traft đến bên tôi
cùng nhặt đá. Cục, cục, cục. Tôi can:
- Không cần đâu anh Traft.
Anh ta nói qua kẽ răng đang cắn chặt điếu
thuốc:
- Chỉ muốn làm láng giềng tốt thôi mà.
Cục, cục, cục. Tôi bối rối quá. Theo bà con
quanh vùng, ác quỉ vẫn còn là thánh khi so với Traft Martin. Nhưng ác quỉ nào lại
đi nhặt đá giúp người thế này? Tôi nghĩ mãi không ra. Hai chúng tôi cùng cặm cụi
dọn đá trên ruộng suốt một tiếng đồng hồ, có khi hơn. Mặt trời trượt dần xuống
phía chân trời xa thẳm. Traft đưa cổ tay lên lau mồ hôi trán:
- Chắc tôi phải đi đây.
Tôi phủi tay:
- Anh tốt bụng quá. Tôi cảm ơn anh nhiều!
- Chắc cô cũng đồng ý với tôi là hàng xóm
láng giềng nên giúp đỡ lẫn nhau?
- Anh nói phải.
Sau khi lịch sự gật đầu chào tạm biệt,
Traft leo lên ngựa, ra hiệu con tuấn mã quay đầu lại:
- Cô Brooks, hân hạnh được làm quen với cô.
Ta đi nào, Rắc Rối.
“Ngài” Whiskers nhẹ nhàng đến bên, nũng nịu
dụi đầu vào chân tôi. Tôi trầm ngâm giây lát rồi cúi xuống gãi nhẹ sau tai con
mèo:
- Ai lại gọi ngựa là Rắc Rối. Tao thấy có
lý nhất là dùng nó làm tên đệm cho Traft Martin.
*
* *
Tối đó, căn lều trở nên ngột ngạt đến nỗi
tôi phải mang sách ra ngưỡng cửa ngồi đọc. Mới xem qua vài trang, tôi đã bỏ
sách xuống. Cảnh Traft giúp tôi ngoài đồng sáng nay khiến tôi nhớ mùa hè nọ,
Charlie cùng tôi sơn hàng rào ở Arlington. Khi hai đứa cùng chung tay, sơn rào
không còn là công việc mà là một trò chơi thú vị.
Tôi dựa lưng vào mặt ván xù xì, ngước lên
ngắm bầu trời Montana. Tôi biết trời chỉ có một: Trời ở Iowa, ở Pháp (nơi có
Charlie), hay ở đây đều giống nhau. Nhưng với tôi, bầu trời này không giống bất
cứ nơi nào khác. Không có nhiều cây xanh hay núi non thu hẹp tầm nhìn, cho ta cảm
giác bầu trời như thấp xuống. Không hề. Trời ở đây cao lồng lộng và trải dài
tít tắp, giống như bức tranh kỳ diệu lồng trong khung kính vô hình. Ở Iowa, tôi
dành khá nhiều thời gian rảnh rỗi quý báu ngắm mây và sao. Có lúc, nằm trên bãi
cỏ phía sau nhà mợ Ivy và cậu Holt, tôi cảm tưởng chỉ cần vươn tay cào mạnh dưới
vòm trời, tôi sẽ vơ về một nắm sao.
Nhưng ở Montana, ngay cả một người khổng lồ
cao lớn nhất trong trí tưởng tượng của tôi cũng không thể hái được sao. Vòm trời
nơi đây cho tôi cảm giác thân phận mình giống cây xương rồng đầy gai từng bị
tôi dẫm bẹp: một con người nhỏ bé, không thân thế sống trên đồng cỏ gần Vida.
Nhưng không thể nói tôi cô đơn. Sao có thể cô đơn được? Hầu như ngày nào đi học
về, Chase và Mattie cũng ghé tôi chơi. Dấu chân Jim Gà Trống đang định hình một
lối mòn ngày càng rõ nét nối lều của anh với chòi của tôi. Liệu có từ ngữ nào
trong cuốn tự điển của cậu Chester miêu tả được cảm xúc của tôi lúc này? Cô độc
ư? Trơ trọi ư? Tôi tâm sự với “Ngài” Whiskers:
- Vở “Cô
gái già” miêu tả đúng cảm giác của tao. Cảm giác của một người thừa.
Con mèo ngọ nguậy trong lòng tôi, gừ gừ phản
đối. Tôi vuốt cái đầu có mảng lông màu sẫm của nó.
- Nói thế không có nghĩa là mày không phải
bạn tốt. Nhưng để làm tốt công việc trong trang trại nhỏ này, tao cần nhiều hơn
thế.
“Ngài” Whiskers nằm nghiêng đòi gãi bụng. Mọi
thứ nó cần chỉ là một nơi để ngủ, chút thức ăn và thỉnh thoảng được cưng nựng vỗ
về. Chắc tôi cũng nên noi gương nó, thôi ủ rũ để bắt đầu lo cho tháng Mười một
tới. Mơ tới lúc ngẩng cao đầu bước vào văn phòng ông Ebgard. Tôi nhắm mắt hình
dung cánh đồng lanh vào mùa thu tới. Chị Perilee bảo trông nó giống mặt biển
toàn màu xanh mát mắt. Còn đồng lúa mì thì mượt mà vàng óng. Tôi còn hình dung
cả dãy hàng rào chạy dài đánh dấu phần đất do tôi sở hữu.
- Được làm chủ đất cũng khoái, mày nhỉ?
“Ngài” Whiskers khẽ đập chân vào tay tôi.
Đôi mắt sáng trong xanh của nó nhìn tôi với vẻ đồng tình. Nó đã chán vuốt ve.
Tôi cũng thôi ủ rũ. Tại đây, dưới khoảng trời mênh mông này, một kẻ cù bơ cù bất
như tôi, nếu muốn có một nơi an cư lạc nghiệp, chỉ cần lao động chăm chỉ. Chẳng
phải với tôi, một nơi hoàn toàn thuộc về mình là ước mơ to lớn và sâu thẳm nhất
đó sao?
Một cảm giác ấm áp bao bọc lấy tôi, tựa như
một tấm chăn mềm mại. Tôi thì thầm lời cảm tạ Thượng đế, trở vào lều, tắt đèn
và đi ngủ.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét