Khoảng Trời Mênh Mông
(Hattie Big Sky)
Tác giả: Kirby Larson
Người dịch: Vũ Kim Dung
NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2008
Chương 23
Ngày
12 tháng Mười hai, 1918
Charlie
thân mến,
Khi
nào anh đến Wolf Point, hãy dừng chân gặp ông Ebgard. Ồng ấy sẽ đề nghị đưa anh
đến nơi em vẫn thường ngồi viết thư cho anh: Cách Vida ba dặm về phía Tây Bắc,
Montana. Ông ấy có chiếc xe gắn máy hiệu Luveme kiểu dáng đẹp, đời mới nhất, vì
thế nếu là anh, em sẽ nhận lời ngay. Ước gì anh thấy được ruộng của em khi xuân
về. Cả cánh đồng phủ một màu xanh non viền quanh đồng cỏ. Hoặc đến cuối hè,
lanh trên đồng chuyển sang màu nước biển sẫm.
Có thể,
chỉ có thể thôi nhé, nếu anh đứng trên ngưỡng cửa nhà em (Tất nhiên là nếu
Traft chưa dỡ nó đi để chăn thả gia súc cho rộng chỗ), anh sẽ nắm bắt được kỷ
niệm cũ của em còn thoảng bay trong gió. Nghe đi anh: Anh có nghe tiếng Chase cứu
em thoát khỏi vụ cần bơm nước trong ngày đông lạnh giá? Có thấy tiếng Mattie mắng
mỏ Mulie vì con búp bê vải ấy lỡ làm rách áo chị Mattie? Anh có nghe tiếng cô
Leafie dỗ hàng xóm láng giềng mình uống thuốc khỉ trái gió trở trời? Và nghe ả
gà mái Rose cục tác trong sân nhà Jim Gà Trống? Có nghe giọng ca như tiếng
thiên thần của chị Perilee cao vút, vượt hẳn lên trên âm thanh hỗn độn của giáo
đoàn nhà thờ Vida? Nếu đứng trên mảnh đất đó, chỉ giây lát sau anh sẽ hiểu những
gì em kể về bầu trời ấy, bầu trời mênh mang, cao vời vợi phía trên vùng đồng cỏ
Montana.
Em
ngây ngô quá phải không anh khi nhìn đời qua cặp kính màu hồng như thế. Thực tế,
em cũng không bao giờ quên được mùi chuồng ngựa hôi hám, mùi mồ hôi chua chua của
những nông dân quen chân lấm tay bùn, hay mùi thơm của nước hoa tỏa ngát từ mấy
bông hoa giấy kếp nhúng sáp, thứ hương thơm làm con tim tan vỡ. Ơn trời, những
nỗi đau như thế chỉ như vài miếng ghép lẻ loi trên tấm chăn dệt nên câu chuyện
của cả một năm dài.
Trong
thư, anh hỏi em về một chuyện lớn. Em chưa thể trả lời ngay, anh ạ. Hay anh xuống
tàu ở Great Falls anh nhé. Không thể nói rằng em thất vọng khi được ăn tối cùng
anh. Phải nói là tuyệt vời mới đúng. Kế hoạch hiện tại của em chỉ là làm việc
cho nhà Brown cho đến khi trả hết nợ nần. Người khác ở hoàn cảnh em sẽ suy sụp
hoàn toàn, nhưng quãng thời gian em ở vùng đồng cỏ này đã gieo vào hồn em một
niềm hy vọng mới: Năm sau sẽ tốt đẹp hơn.
Công việc mới không cho phép tôi được nuôi
thú cưng, nhưng “Ngài” Whiskers không hề phàn nàn một tiếng. Nó chứng tỏ rằng
không nơi đâu có cuộc sống bằng đất Vida này. Thôi thì, chí ít một trong hai
chúng tôi cũng tìm được mái ấm cho mình. Còn phải nói, cô Leafie thích mê khi
có “Ngài” Whiskers làm bầu bạn. Cô lắc đầu:
- Cháu với Perilee đi rồi, ở đây sẽ cô đơn
lắm lắm. Hàng đêm, chắc cô sẽ xắn miếng cô quạnh đặc quánh như mứt phết lên
bánh mì nướng được đấy.
Tôi đưa cô chiếc lồng nhốt mèo mỗi khi cần
di chuyển:
- “Ngài” Whiskers chẳng đi đâu nữa mà cần
cái lồng. Nhưng thỉnh thoảng, khi đêm đông giá rét, nó vẫn thích cuộn mình
trong lồng này.
Tôi cố quên đi bao đêm dài, chú mèo cưng đã
ủ ấm cho tôi. Jim Gà Trống hân hoan chào đón Rose, June và Albert về với đàn.
Martha không còn cho trứng nữa. Nó là món chính trong bữa liên hoan chia tay của
tôi. Dù hầu hết mọi đồ dùng tôi đều đem bán đấu giá, nhưng tôi vẫn dành tặng ngựa
Plug cho bé Elmer Ken Jr.
*
* *
Tôi không muốn bất cứ ai tiễn tôi ngoài sân
ga. Khi tôi đến chỉ có một mình nên khi đi tôi cũng muốn thế. Yên vị trong toa
tàu rồi, tôi bất giác mỉm cười. Đồng hành với tôi không gì khác hơn cặp bài
trùng đi cùng tôi từ Arlington đến Montana này: Đó là con đường gập ghềnh cùng
vài bộ quần áo cũ. Nhưng giờ đây, cả hai đều thân thương, quyến luyến biết bao.
Còn nữa, tôi phải thú nhận rằng, ông béo trên tàu đêm ấy nói đúng. Miền Đông
Montana hứa hẹn quá nhiều. Dù đã dâng hiến hết những gì mình có, đất Montana vẫn
không thể là chỗ dựa cho quá nhiều người đổ xô về đây lập nghiệp. Dân quê mùa cục
mịch! Ông ta gọi những người nhận đất công như chúng tôi như thế, và quả đúng:
Chúng tôi quả chất phác thật.
Con tàu rùng mình chuyển bánh. Một lá thư gấp
nếp trong túi áo tôi. Tôi gần như thuộc làu thư ấy:
“Công
ty Boeing Airplane đang cần thợ máy, còn anh tình cờ quen một tay thợ cừ: chính
là anh! (Charlie viết). Biết đâu,
Seattle sẽ là đích đến của cả hai ta”.
Tôi nhắm mắt, tựa đầu vào lưng ghế. Mới một
năm mà có biết bao chuyện vật đổi sao dời. Giờ tôi trên đoàn tàu đang hướng tới
Great Falls. Sau Great Falls là đâu, tôi chưa biết. Tôi muốn tiếp tục viết
lách. Thư gần nhất chị Perilee có kể: Tờ Thời Báo Seattle đã có một phóng viên
nữ. Biết đâu tòa soạn ấy đủ chỗ cho hai nữ nhà báo.
Con tàu lắc lư khi lăn bánh trên đoạn đường
ray không bằng phẳng. Cú lắc mạnh khiến tôi tỉnh cơn mộng giữa ban ngày. Ngoài
kia, bầu trời Montana trải rộng đến vô cùng.
Nghĩ cho thấu đáo thì Montana có giữ lời hứa
đấy chứ. Một năm sống với vùng đồng cỏ này, tôi đã có bao tình cảm ấm áp, thân
thương, hệt như được sống trong một mái ấm thực sự. Tình cảm hòa vào dòng máu
nóng đang chảy trong huyết quản tôi. Tình cảm còn mãi trong trái tim những người
tôi đã gặp.
Cô Leafie kinh ngạc khi thấy đống hành lý
xách tay của tôi:
- Cháu nhất thiết phải mang hết sách theo
à?
Tuy nhiên, có một thứ tôi bỏ lại sau lưng:
Đó là cô Hattie ăn nhờ ở đậu ngày nào.
Và tôi sẽ không còn vấn vương gì đến cô ấy
nữa.
Không hề.
Tôi ngồi ngay ngắn lại và xoay mặt về hướng
Tây.
---------------------
Phụ lục
Giới thiệu công thức làm bánh
1 - Bánh quế thời chiến của chị Perilee
1 ly đường - nâu, nén chặt
1 ½ ly nước
1/3 ly mỡ lợn hoặc shortening (một loại mỡ
pha vào bánh cho xốp giòn)
2/3 ly nho khô
1/2 thìa cà phê bột đinh hương xay
1/2 thìa cà phê bột nhục đậu khấu xay
2 thìa cà phê quế
1 thìa cà phê bột soda làm bánh
1 thìa cà phê muối
2 ly bột mì
1 thìa cà phê bột nở
Cách làm:
Nấu sôi hỗn hợp đường, nước, shortening,
nho khô, và gia vị trong ba phút. Để nguội. Hòa tan bột soda trong hai thìa cà
phê nước rồi thêm vào hỗn hợp nho khô nói trên. Thêm bột mì, bột nở vào dung dịch
nho khô và quấy đều. Hãy nhớ thêm từng ly một và đánh đều tay. Chuyển hỗn hợp bột
vừa quấy vào nồi cỡ vừa và nướng ở nhiệt độ 162°C trong khoảng 50 phút.
2 - Bánh bích quy nhẹ hơn chì của
Hattie
3/4 ly cháo yến mạch, để nguội
1 ½
ly bột mì hoặc bột lúa mạch đen
4 thìa cà phê bột nở
3/4 thìa cà phê muối
2 thìa cà phê mỡ lợn, Shortening hoặc bơ
1/4 ly sữa
Cách làm:
Trộn cháo yến mạch với bột mì, rây kỹ. Thêm
bột nở và muối, xắt nhỏ mỡ lợn, shortening hoặc bơ thêm vào hỗn hợp bột. Thêm sữa
trộn đều tạo thành bột nhão và mềm. Không nhào bột quá kỹ. Dàn hỗn hợp bột mỏng
thành miếng bột dày xấp xỉ 1 xăng ti mét. Dùng khuôn cắt bánh (hay miệng ly) cắt
thành nhiều bánh nhỏ. Nướng trên giấy có thoa mỡ ở nhiệt độ 218°C từ 12 đến 15
phút.
(Trong Chương 17, Hattie mời Jim Gà Trống ăn
bánh này).
Đôi lời của tác giả
Khi nghe nói bà cố tôi là Hattie Inez
Brooks Wright từng nhận đất công ở miền Tây Montana từ khi tuổi còn rất trẻ,
tôi thấy sao khó tin quá. Quan sát vóc người nhỏ bé và tính tình khó gây thiện
cảm của bà, tôi khó có thể liên hệ bà cố mình với tinh thần tiên phong. Nhưng
vì tò mò nên tôi chơi trò thám tử suốt mấy tuần liền. Tôi tìm hiểu thêm thông
tin về bà nhưng ít khi gặp may. Một ngày nọ, tôi tình cờ tìm được hồ sơ lưu trữ
của Phòng Quản lý Địa chính Montana. Tôi mừng khôn tả khi phát hiện số thửa đất
đi kèm với tên bà tôi. Sau khi gửi đơn yêu cầu lên Viện Lưu trữ Quốc gia, tôi
đã có trong tay hồ sơ xin nhận đất công của bà. Lập tức, tôi bị hút hồn vào những
thông tin thú vị về quá khứ của bà cố tôi.
Dù bà tôi không giữ thói quen ghi chép thường
xuyên hay ghi nhật ký, nhiều láng giềng của bà khi đó lại có ghi đầy đủ. Tôi
yêu cầu được cung cấp những ghi chép ấy qua hệ thống liên thư viện (cầu Chúa
phù hộ các thủ thư và hệ thống thư viện Mỹ) và được đọc hàng chục tài liệu của
hàng chục người ghi lại. Mỗi người trong số họ đều có lý do riêng để di cư đến
miền Tây Hoa Kỳ. Nhưng những câu chuyện họ kể đều có chủ đề chung: làm việc quần
quật suốt ngày, những đau khổ tột cùng, mất người mất của... và khó tin hơn cả
là những kỷ niệm thân thương trong những ngày làm nông trại với mức thu nhập gần
như không đáng kể.
Tôi bắt tay viết sách này một cách hoàn
toàn tự nhiên, không có gì phải đắn đo, suy nghĩ. Lúc đầu, tôi chỉ định viết một
câu chuyện kể về nông thôn xưa, thời chưa có nhiều máy móc, thành tựu công nghệ
tham gia vào chuyện nhà nông như bây giờ. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ, tôi thấy
mình không thể kể chuyện xảy ra vào năm 1918 mà không nói tới quan điểm bài
xích kiều bào Đức của người dân thời bấy giờ. Nhiều sự việc có trong truyện đều
dựa trên các sự kiện có thật, bao gồm cả hoạt cảnh đám đông vây quanh ông
Ebgard.
Khi tôi bắt đầu viết sách này cũng là lúc cuộc
chiến Irắc bùng nổ. Đúng ngày đọc thông tin nói rằng: Năm 1918, người ta đổi
tên dưa bắp cải muối kiểu Đức (sauerkraut) thành “bắp cải tự do”. Tôi cũng nghe
nói vào năm 2003, nhiều nhà hàng đã đổi tên món khoai tây chiên kiểu Pháp thành
“khoai tây chiên tự do”. Càng nghiên cứu cuộc sống người dân năm 1918, tôi càng
thấy có nhiều điểm tương đồng với hiện tại.
Tuy nhiên, trên tất cả, tôi viết sách này
nhằm mục đích kể với độc giả câu chuyên về một phụ nữ làm nông nghiệp. Giá mà
tôi biết được cô Hattie ngoài đời thực mơ gì khi rời Arlington, Iowa đến ngôi lều
trên mảnh đất công gần Vida, Montana! Khi bà cố mất, tôi mới mười tuổi đầu. Khi
đó, tôi không thể hình dung các bà lão già yếu, tóc bạc phơ lại có thể làm gì
khác ngoài việc nướng bánh cho đàn cháu nhỏ.
Ngày đó, bà tôi được cấp chứng nhận quyền sở
hữu đất, nhưng tôi không để cô Hattie “của tôi” giữ trang trại của mình. Hầu hết
nông dân nhận đất công ngày ấy đều phá sản; các ông chủ ngành đường sắt đã tô vẽ
quá nhiều về vùng đất miền Đông Montana, đúng như lời phàn nàn của ông béo trên
tàu. Dù người này thành công, người kia thất bại, nhưng cả hai cô Hattie đều
tìm được một thứ vô giá trong những ngày sống trên vùng đồng cỏ ấy: gia đình.
Liệu còn có kết cục nào vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn thế hay chăng?
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét