Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Khoảng Trời Mênh Mông - Ch 5


Khoảng Trời Mênh Mông
(Hattie Big Sky)

Tác giả: Kirby Larson

Người dịch: Vũ Kim Dung

NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2008

Chương 5

Ngày 5 tháng Hai năm 1918
Cách Vida ba dặm về phía Tây Bắc, Montana.

Cậu Holt kính mến!
Cậu bảo cháu kể nhiều hơn về công việc hằng ngày. Cuộc sống ở đây “huy hoàng” lắm, cậu không tưởng tượng được đâu! Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của cháu là xách nước vào nhà. Nếu chưa cho Violet và Plug ăn uống trước, cháu chưa thể dùng điểm tâm. Chẳng có việc gì dễ dàng vì ở đây tuyết chất thành đống, cao hơn nhà chọc trời ở Chicago nữa kìa. Nhưng cho đến hôm nay, mọi chuyện không còn quá khó nữa: cháu và “Ngài” Whiskers đã tạo một con đường mòn từ nhà đến kho. Nhưng trong ngày đầu tiên, cháu phải lội bộ gần một tiếng đồng hồ mới ra đến nơi vì tuyết rơi quá dày, lấp cả lối đi. Đôi khi, cháu nghĩ mùa đông ở Montana này giống gã khổng lồ Goliath, còn cháu là David. Giá như cuối cùng cháu cũng được hưởng vinh quang như David thì hay biết mấy.
Ngày nào cũng vậy, sau khi vắt sữa Violet, cháu phải lau cả nền nhà. Ai cũng tưởng khi thời tiết quá lạnh, nhà cửa không hôi hám. Nhưng thực ra không phải thế. Ngựa Plug biết tự lo cậu ạ. Sau khi ăn nắm lúa mạch của nhà, nó tự ra ngoài kiếm ăn. Con ngựa này đúng là của quý trời ban.
Cháu mãi biết ơn cậu vì đôi ủng cũ cậu cho. Chắc cậu nghĩ ủng quá rộng so với chân cháu phải không ạ. Nhưng sau khi đi bít tất vào bọc thêm lớp giấy báo, ủng rất vừa vặn. Nếu không làm thế thì khi xuân về, chắc mười ngón chân cháu rụng hết cả.

Cháu của cậu
Hattie Inez Brooks

Sau khi viết xong thư gửi cậu Holt, tôi thêm vài dòng tái bút vào cuối thư gửi Charlie:

          Em đọc chuyện này trên báo Woft Point Herald. Tuy không biết tác giả nhưng em hy vọng anh và đồng đội sẽ cùng cười vui khi đọc: “Thứ ba nhịn thịt, thứ tư nhịn bánh mì. Dạ dày teo lại. Nhà cửa không lò sưởi, giường nằm không trải ga (Ga giường tặng Hội thanh niên Cơ Đốc). Quán xá không món ngon, cà phê không vị ngọt, đời ngày càng cơ cực, còn tôi thông thái hơn. Trong vớ chẳng còn chân, mặc quần không có đũng. Trời ơi, sao tôi căm thù gã vua Đức thánh vật”. Dù sự hy sinh của hậu phương quá nhỏ bé so với các anh, nhưng chúng em cũng biết cách biến nó thành chuyện tiếu lâm được.

Bạn thân đang phải “nhịn bánh mì”... của anh
Hattie

Dán xong cả hai phong bì, tôi vội vã làm cho xong việc buổi sáng. Có bao nhiêu quần áo, tôi đều khoác lên người tất cả vì biết rằng nếu không thế, người tôi sẽ đóng băng ngay phút đầu tiên bước ra khỏi cửa. Nhớ hồi ở Iowa, khuôn mặt và hai bàn tay mịn màng luôn là niềm tự hào của tôi. Giờ thì hết rồi. Có bao nhiêu kem Pond’s Cold Cream cũng không đủ làm mềm da má da mũi đang nứt nẻ của tôi. Bây giờ, tôi coi chúng như tấm Huân chương tặng cho sự siêng năng của một nông dân chuyên cần.
Trên đường ra nhà kho, “Ngài” Whiskers và tôi vất vả lội tuyết. Đây không phải lần đầu tiên tôi thầm trách cậu Chester dựng nhà kho quá xa nhà ở. Đang đi, tôi nghe tiếng chuông ngựa kêu leng keng, tưởng đâu Giáng sinh vừa đến. Hai con ngựa xám nhạt kéo chiếc xe trượt tuyết đang đến gần.
Jim Gà Trống cất tiếng chào từ xa:
- Chào cô láng giềng.
Dù đang bận việc nhà túi bụi, nhưng tôi biết: theo phong tục ở Montana, tôi nhất định phải mời khách vào nhà.
- Mời anh vào uống ly cà phê đã.
Jim Gà Trống thì thầm với mấy con ngựa nhưng chúng lắc đầu, tức tối dậm bốn vó xuống tuyết.
- Hôm nay chắc không được đâu. Tôi đang định đến Vida đây.
- Ngựa của anh đẹp quá. Ngựa màu ấy khá hiếm.
- Traft Martin tức điên lên vì tôi không bán chúng cho hắn. Gã đó thường vênh váo vì cho rằng chỉ có hắn mới có ngựa đẹp nhất vùng.
Nghe giọng Jim, tôi biết anh hả hê khi làm Traft Martin phật ý. Tôi chưa gặp Traft Martin. Nghe chị Perilee nói anh ta và bà mẹ (là bà béo mặc váy vàng chóe ở tiệm ông Hanson) là chủ trang trại lớn nhất vùng. Nhà họ không công nhận đường ranh giới phía Đông Bắc giáp với đất của tôi.
- Trời lạnh thế này, cô xoay xở ra sao?
- Khi nào hết mùa đông, chắc tôi phải ăn mừng. Tôi đoán mùa xuân ở đây đẹp lắm.
Jim cười sặc sụa:
- Vâng, ai đẹp bằng nàng xuân đâu. Nếu cô thích cảnh lầy lội. Mùa hè còn đẹp hơn, nếu cô thấy lửa địa ngục chưa đủ nóng.
Chắc chắn trên mặt tôi hiện rõ hàng chữ: “Tôi không tin!”. Jim Gà Trống cười gượng:
- Hôm qua, có gió ấm Chinook thổi qua. Chắc cũng đỡ lạnh phần nào. (Chắc anh ta lại thấy dấu hỏi to tướng hiện trên mặt tôi). Đôi khi, gió ấy cũng đến vào giữa đông.
- Chinook ư?
Tôi phải nhớ tên ấy để còn kể với cậu Holt. Còn nữa, tôi không thể bỏ qua Jim Gà Trống trong thư tới gửi cậu.
- Hattie này, ông Chester và tôi có một thỏa thuận nhỏ.
- Thế ạ?
Tôi hơi hoảng. Thỏa thuận gì? Tôi có cần thay cậu thực hiện nốt thỏa thuận ấy chăng? Sau chuyến đi dài đến đây và sau khi mua thêm đồ dùng thiết yếu, chút tiền phòng thân của tôi chẳng còn được bao nhiêu.
Jim rút chiếc khăn tay loại lớn trong túi, ồn ã xì mũi với lực mạnh như gió xoáy cấp mười ba. Khi anh bỏ khăn ra, tôi thực sự ngạc nhiên vì thấy mũi anh vẫn còn ở chỗ cũ.
- Vâng, thỏa thuận nếu khi chơi cờ, ông cho tôi thắng, tôi sẽ mang thư ông đến Vida bỏ giúp.
- Nhưng lúc ở chỗ ông Ebgard, tôi đã nói tôi không biết chơi cờ rồi.
- Thế mới tuyệt chứ. Tôi càng dễ dạy cô cách đánh cờ để thua dài dài.
Nói xong, Jim Gà Trống cười ha hả. Anh ta khiến tôi nhớ đến Thánh Nick được mô tả trong bài thơ “Đêm trước Giáng sinh” của Clement Moore.
- À, tôi cũng có mấy bức thư...
- Vào lấy ngay đi, tôi đợi.
Tôi vội vã vào nhà đến nỗi không buồn tháo ủng. Lúc quay ra, suýt nữa tôi vấp phải cuộn dây cậu Chester để lại. Tôi bèn đá nó vào góc nhà.
Tôi đưa Jim thư gửi cậu Holt và Charlie. Anh ta gật gù vẻ sành sỏi:
- Hai người yêu một lúc. Cũng sành điệu trong tình trường lắm đây. Muốn hai phải đoán già đoán non chứ gì.
Tôi mừng vì đỏ mặt sẵn vì lạnh, nếu không Jim sẽ biết tôi đang ngượng chin.
- Không phải đâu. Họ đâu phải người yêu tôi.
Anh lại cười ngặt nghẽo:
- Cô nào chẳng nói thế. (Jim phất dây cương bắt ngựa quay đầu). Vài hôm nữa tôi sẽ ghé dạy cô chơi cờ.
Mấy con ngựa lên đường cùng tiếng chuông leng keng vui vẻ. Tôi bảo “Ngài” Whiskers:
- Có hàng xóm như anh ta cũng vui, mày nhỉ?
Nó khẽ “meo” đáp lễ. Hai chúng tôi hối hả đến nhà kho xem Violet và Plug thế nào. Kho chỉ vừa đủ chỗ cho hai con gia súc, vài giạ cỏ khô, mấy vật dụng thay thế và một cây đinh ba. Plug, con ngựa trung thành, khỏe mạnh không thèm chấp nhặt những lỗi nho nhỏ ban đầu của tôi. Tôi biết chắc nó làm nhiều việc còn giỏi hơn tôi, có điều nó không thèm thi thố với tôi làm gì cho mệt. Sáng nào cũng vậy, nó phởn phơ nhấm nháp phần thức ăn ít ỏi dành cho mình rồi tự ra ngoài kiếm chác thêm.
Nhưng ả bò cái Violet khác hẳn. Plug càng tử tế bao nhiêu, nó càng quá quắt bấy nhiêu. Sau một ngày dài, tôi mới rút được kinh nghiệm “xương máu” rằng: đừng bao giờ đứng sau đuôi nó. Lông đuôi cứng như dây kẽm gai của nó tranh thủ mọi lúc để quất vào da mặt tê buốt vì khí lạnh của tôi. Không có trò nào khiến nó hả hê bằng trò chơi cho xô sữa đầy rồi đá đổ bằng chân sau.
- May cho mày đấy. Thịt mày dai quá, tao có hầm cũng chỉ tốn củi thôi.
Một sáng nọ, nó lại khoái trá trò “đá xô sữa” ưa thích. Tôi tức tối phát mạnh vào mông nó, đoạn dựng cái xô sữa trống trơn lên. Nếu nó không phải nguồn sữa tươi duy nhất thì ngay ngày đầu tiên, tôi đã đuổi nó đi cho rảnh.
- Ối!
Cái đuôi bò cào ngang mặt tôi. Làm như nó biết tôi đang nghĩ gì và lập tức trả đũa vậy. Đang trong cơn tức giận, tôi giáng cho nó một đòn nữa và dùng ngay câu chửi tục học được trên tàu. Mợ Ivy không ở đây, nhăn mặt kinh hãi với thứ ngôn ngữ bẩn thỉu tuôn ra từ miệng tôi. Nói thực, cảm giác được chửi rủa khi tức cành hông cũng đặc biệt ra phết.
Thế là xong việc ngoài nhà kho. Tôi xua Plug và Violet ra ngoài. Đúng như Jim nói, mấy ngày qua gió ấm có thổi qua đồng cỏ. Những mảng cỏ xanh hớn hở chui lên trên mặt đất lạnh giá. Tuy cỏ tươi không nhiều nhưng hai con gia súc có vẻ hài lòng khi được đổi món.
Tôi trở lại vào nhà. Hôm nay thứ hai, ngày giặt quần áo. Tối qua, tôi đã ngâm quần áo vào hai cái chậu lớn. Trước bữa sáng, tôi đặt nồi nấu quần áo lên bếp, xách cả chục ấm nước từ giếng đổ vào đó. Từ sáng sớm đến giờ, chắc nước đã gần sôi. Chị Perilee bảo quanh đây có hai ba chủ hộ độc thân có thể cần tôi giặt thuê. Chắc chắn trong số đó có Jim Gà Trống nhưng tôi sẽ phải xin kiếu thôi.
Quần áo trắng cần đun sôi trên bếp một lúc. Tôi đổ nước nóng vào nồi nhỏ, bỏ ván giặt vào trong, cắt một mẩu xà phòng, và bắt đầu chà mạnh. Vò quần áo, xả nước, vắt kiệt. Vò, xả, vắt. Sau khi xả nước, vắt kĩ cả đồ thường lẫn đồ trắng, hai bàn tay tôi đau rát, lưng đau như dần. Nhưng nhiệm vụ phơi quần áo vẫn còn đó. Lần này tôi phải đeo găng. Đeo găng không thuận tiện khi phơi quần áo, nhưng thà vậy còn hơn mười ngón tay biến thành băng.
Để bớt cô đơn, vừa làm việc tôi vừa trò chuyện với Thượng Đế. Tôi tự bắt mình thực hiện một nguyên tắc: Mỗi khi nói chuyện với Người đều phải bắt đầu bằng lời cảm ơn. Đôi khi, đó là cách để tôi dốc bầu tâm sự. Nhặt váy lót trong rổ lên, tôi lẩm nhẩm:
- Tạ ơn Người cho gió ấm, cho cả mùa xuân sắp đến. (Tôi cúi xuống lấy kẹp cho chiếc váy). Con hàm ơn Chúa vì chỉ phải giặt một ít quần áo thôi. (Đến đây, tôi nhớ chị Perilee nhắc chuyện giặt đồ cho bốn năm người lạ). May phúc thay, trong đồ giặt của con không có tã lót bẩn. (Nghĩ đến đây tôi bất giác rùng mình). Chắc Người cũng biết con cố chăm chỉ vì muốn cuộc sống sau này đỡ cơ cực, nhưng con phải mách với Người chuyện Violet. Nó chẳng giống con bò, mà là con quỷ.
“Ngài” Whiskers nhảy nhót quanh chân tôi, chẳng màng đến lớp tuyết phủ dày ngoài sân. Nó thích thú đùa với cái kẹp quần áo bị rơi khỏi rổ. Khi mới đến, nó chỉ rình cơ hội phóng vọt vào nhà. Bây giờ, chú mèo béo múp vì nguồn chuột nhắt dồi dào, lại thêm bộ lông dài ấm nên hầu như cả ngày Whiskers chỉ rong chơi bên ngoài.
- Whiskers ngoan nhé.
Tôi cúi xuống gãi nhẹ sau tai chú.
- Meo!
Con mèo né tay tôi, gồng người lên.
- Mày sao vậy?
Whiskers co rúm người lại, gầm gừ cảnh báo, hai tai dựng đứng lên trên cái đầu cứng ngắc.
Tôi nhìn quanh sân nhưng không thấy có gì khiến nó sợ như vậy:
- Ngoan nào Whiskers. Có gì đâu mà sợ.
Nhưng con mèo gừ to hơn nữa. Chưa bao giờ Whiskers như thế này cả.
- Mày có thôi đi không. Làm tao lạnh xương sống rồi đây.
Tôi muốn dựng óc gáy. Tôi cố nói tiếp như thể cách ấy sẽ làm yên lòng cả hai:
- Không sao đâu. Giờ thì hết rồi.
Tôi tiến đến gần nhưng nó rít lên, nhảy vọt lên cao rồi chạy biến vào nhà.
- Cái quái gì thế nhỉ?
Rồi đến lượt tôi cũng thấy: Một con chó sói lén lút lủi đến gần khe đá, nơi Violet tìm thấy được đám cỏ xanh vừa nhú. Nỗi sợ hãi thít chặt cổ tôi. Tôi cố gào to báo động, nhưng chỉ phát ra âm thanh ú ớ. Từ xa, Violet không nghe được tiếng tôi; mà nếu có nghe thì vốn xấu tính sẵn, nó cũng lờ đi như không biết.
Tôi dậm chân thình thịch. Cuối cùng, giọng tôi cũng thoát khỏi bàn tay giam giữ của nỗi kinh hoàng:
- Này! Xùy, xùy!
Con sói không hề nao núng.
- Chạy đi, Violet! Chạy đi chứ, đồ điên!
Tôi gào tướng lên, không còn biết sợ là gì, tôi liều mạng nhào tới chỗ con sói. Mọi cảm giác lo âu biến sạch khi tôi, trong trang phục của bù nhìn rơm, vừa lao về phía trước, miệng vừa rít lên như Nữ thần báo tử.
Con sói chỉ chăm chắm tới bữa ăn trước mặt. Không thèm liếc về phía tôi, nó khom hai chân trước, phần chân sau nhô hẳn lên, đầu cúi thấp.
Violet bị đám cỏ non mê hoặc, không hề biết hiểm họa chết người đang đến gần. Nó bình thản tiến một bước đến gần thêm đám cỏ xanh non.
Bất chấp đôi ủng rộng thùng thình và những đụn tuyết xốp cản đường, loáng cái tôi đã đến gần khe đá. Lúc này, trò la hét, khua khoắng tay chân của tôi đã khiến con sói chú ý.
Tôi gào lên:
- Cút!
Violet kêu la:
- Ùm...m bò!
Không chần chừ một giây, con sói nhảy vọt lên mình con bò.
Con bò cái khịt mũi kinh ngạc. Nó ngoái đầu ra sau, thấy con sói đang quắp chặt đuôi mình. Violet cuống cuồng bỏ chạy, nhưng một con bò vừa già vừa đần chạy trên nền tuyết phủ dày thì không thể gọi là nhanh được.
Tôi giật vội chiếc mũ trên đầu, vỗ vào chân phành phạch:
- Buông ra!
Giật mình, con sói thả đuôi bò.
Tôi cuống cuồng vẫy tay rối rít:
- Violet, chạy đi! Chạy đi nào!
Sau giây lát hoàn hồn, con sói lại chồm lên đuôi bò, nhưng lần này mẩu đuôi Violet nằm gọn trong hàm nó. Tôi cuống quýt tìm thứ gì đó ném con sói. Thời tiết ấm tạm thời để lộ mảnh đất sỏi đá lổn nhổn gần bờ sông cạn. Tôi lựa mấy cục đá to nhất và lần lượt ném về phía con sói.
Có một điều con sói không biết: Tôi học ném từ cầu thủ ném bóng giỏi nhất quận Fayette, Iowa: Charlie. Một cục đá trúng vào chân sau, hòn khác trúng gáy con sói. Thế nhưng nó vẫn gan lỳ, không chịu nhả đuôi bò ra. Chắc nó đang đói lắm. Nó vừa giằng vừa giật mạnh đuôi con bò.
Tôi nhặt cục đá cuối cùng. Cú này phải trúng chỗ hiểm. Tôi vung tay ném thật mạnh.
- Ẳng!
Con sói kêu đau đớn, xoay người chạy bán sống bán chết với mẩu đuôi bò khá dài lủng lẳng bên hàm.
Tôi đứng lặng mất một lúc rồi mới lùa được bò về. Khi tôi cầm sợi dây da lồng quanh cổ nó, Violet kêu ông ổng như con bê lạc mẹ. Một mẩu đuôi cụt ngủn vặn vẹo sau mông nó. Đó là tất cả những gì còn lại của cái đuôi hay quất mạnh như ngọn roi da.
Cơn sợ hãi tan biến, tôi cười đến trào nước mắt:
- May phúc cho mày đấy. Mợ Ivy nói chí phải. Thượng Đế toàn hành sự bí ẩn.
Trong vụ “trao đổi” này, tôi và con sói đều mãn nguyện. Nó có chút thịt bỏ bụng, còn tôi từ nay không phải chịu đựng cái đuôi quái quỉ của Violet nữa. Công bằng quá đi chứ.
Tôi nhặt cái mũ lấm lem, đưa Violet về chuồng, dịu dàng cho nó thêm nắm cỏ khô. Mẩu đuôi bị đứt đang rỉ máu. Violet cần được chăm sóc, còn tôi chẳng biết phải làm gì. Một miếng vải sạch buộc tạm chắc có tác dụng cầm máu. Khả năng có thể mất bò khiến thói hay đùa giỡn của tôi vụt biến thành cơn sợ hãi.
Tôi phải nhờ đến hàng xóm rồi đây. Vừa nghe tiếng huýt sáo của tôi, Plug phóng về ngay. Băng qua quãng đường phủ đầy tuyết trắng, chúng tôi đến nhà chị Perilee. Tuy chưa đến nhà chị bao giờ, nhưng tôi biết cứ theo đường mòn đến Vida thì thể nào cũng tới. May thay, xe trượt tuyết của Jim Gà Trống còn để lại manh mối. Chắc chắn Plug quen lối đến nhà chị Perilee nên khi gần đến nơi, nó chạy nhanh hẳn.
- Vào đi em, vào đi!
Chị Perilee vẫy tôi vào ngôi nhà ấm áp, một ngôi nhà đích thực với hai cửa ra vào, một phòng ngủ và cả bậc thềm. Hai tay cầm hai ly cà phê sữa, chị ra hiệu bảo tôi ngồi:
- Lạnh thế này, đến máu cũng phải đông. Uống cà phê xong, em sẽ dễ chịu hẳn.
- Còn cái đuôi con bò, biết tính sao hả chị?
Tôi ôm ly nước chị vừa trao, miệng kể ngay sự cố ban sáng:
Chị cười như nắc nẻ:
- Tiếc quá, chị không được thấy tận mắt. Biết cuối cùng Violet cũng bị trừng phạt, chắc ông Chester cũng vui.
- Em đang lo cho vết thương của nó đây.
Chị Perilee đặt ly xuống bàn:
- Anh Karl rành trị vết thương kiểu này lắm, nhưng tiếc là anh đi vắng. Bố chị bảo mạng nhện trộn với đường làm thuốc đắp rất hiệu nghiệm, nhưng trời lạnh thế này, làm gì có mạng nhện. À này, bột mì quấy thành hồ, quết lên giấy bìa cũng tốt đấy.
Tôi rùng mình:
- Lạnh thế này mà anh Karl cũng đi làm hả chị? Quần áo em giặt chưa kịp khô chắc đã đóng băng cả rồi.
Bé Fern khóc ré lên trong chiếc giường nhỏ vốn là hộp gỗ đựng táo. Chị Perilee đến bên vỗ nhẹ lưng con cho đến khi bé nín khóc.
Chị lấy tờ báo trên kệ đưa cho tôi:
- Anh ấy không đi làm.
 Ngoại kiều gốc Đức phải trình báo”, lời tựa bài báo đập vào mắt tôi.

Thông qua Ty Cảnh sát Montana, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ gửi chỉ thị và đề xuất sau tới mọi ngoại kiều Đức là nam giới thuộc tuổi từ 14 kể lên. Từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối các ngày từ mùng 4 đến mùng 9 tháng Hai năm 1918 là thời gian bắt buộc phải trình báo. Tại 9 thành phố lớn của bang, giám đốc bưu điện các quận sẽ tiếp nhận trình báo.

Tôi bỏ tờ báo xuống:
- Em chẳng hiểu gì cả.
Chị Perilee nhấc ly lên nhưng không uống. Hai bàn tay chị khẽ lăn nhẹ ly cà phê nóng hổi:
- Anh Karl đang trình báo ở bưu điện Vida.
- Thật sao? Anh là ngoại kiều Đức ư?
- Anh ấy sinh tại Đức.
Tôi nhìn lại tờ báo:
- Chắc phải có lý do, họ mới làm thế chứ?
Chị nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Có lý do nào giải thích lối cư xử hiện nay của người từng là hàng xóm láng giềng không?
Tôi nhớ những bài báo cậu Holt thường đọc to cho cả nhà nghe. Chúng kể nhiều chuyện kinh khủng về nhân dân Bỉ chết đói và bao cảnh chinh chiến bạo tàn. Thật không thể tin nổi. Nhưng người Đức tại chính quốc mới phải chịu trách nhiệm. Không phải ở đây. Càng không phải những người tôi quen. Không biết nói sao, tôi giơ tay lên trời:
- Em không biết. Nhưng họ đâu có vô cớ làm nhứ vậy, phải không chị?
 “Cạch”. Perilee dằn mạnh ly xuống bàn:
- Nếu trình báo xong mà không gặp chuyện, tụi chị cũng cảm ơn lắm lắm. Nhưng nào có được như vậy. Traft Martin và Hội đồng Tự vệ chắc sẽ chẳng để nhà chị yên.
Bé Fern lại khóc quấy. Perilee đặt nhẹ tay lên tay tôi:
- Trời, chị sao thế này. Chị xin lỗi nhé cưng. Hồi này chị hay nổi đóa lên. Không phải tại em đâu.
Tôi rút bàn tay rồi đặt lên tay chị:
- Muốn em sợ đâu có dễ. So với mợ Ivy, chị chưa thấm tháp gì đâu.
Nghe thế, Perilee mỉm cười, vừa nói vừa bế bé Fern lên:
- Em nên về xem con bò thế nào.
Tôi uống cạn ly cà phê:
- Vâng, thôi em về đây.
Chị đung đưa bé Fern trên tay:
- Em còn đủ bột mì quấy hồ không? Nếu hết, lấy đỡ chỗ chị một ít mà dùng.
Tôi cột chặt khăn quàng quanh mình:
- Em còn nhiều lắm.
Chị Perilee sẵn sàng giúp tôi mọi việc. Anh Karl cũng thế. Liệu có ban ngành nào cần nghe trình báo về những việc làm tốt đẹp như thế không nhỉ?
- Chắc chẳng có gì đáng lo đâu.
Tôi hy vọng chị hiểu tôi đang nói gì về chuyện anh Karl, không phải Violet.
Chị lắc đầu, tay vỗ nhè nhẹ lưng bé Fern:
- Mong là thế. Trộn đường với bột, quấy thành hồ đắp vào đuôi bò, sau đó lấy giấy bìa bọc lại. Cột chặt, để yên khoảng một tuần.
- Cảm ơn chị.
Tôi vỗ lưng chị giống như chị đang vỗ lưng bé Fern, đoạn kéo khăn choàng sát vào người rồi ra về.
Xóc nảy trên mình ngựa, tôi nuôi cảm giác bất an lớn dần. Lúc đầu là chuyện bánh ngọt, giờ là chuyện trình báo. Chiến tranh ở tận châu Âu chứ có ở đây đâu. Sao cứ làm khó dễ chuyện gốc gác của người ta? Quan trọng là hiện người ta đang sống ở đâu, hay nói đúng hơn là sống như thế nào. Những rắc rối ấy vây lấy tôi như “Ngài” Whiskers vờn chuột nhắt. Tôi lo đến độ suốt dọc đường về nhà, bao cơn gió lạnh căm cũng không làm tôi chú ý.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét