Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Khoảng Trời Mênh Mông - Ch 13


Khoảng Trời Mênh Mông
(Hattie Big Sky)

Tác giả: Kirby Larson

Người dịch: Vũ Kim Dung

NXB Văn Hóa Sài Gòn - 2008

Chương 13

Tháng Tư năm 1918

THỜI BÁO ARLINGTON
Nhà nông kể chuyện

Gieo Hạt

Nông dân có nhiều cách xem đất đã gieo hạt được hay chưa. Tôi áp dụng phương pháp anh Karl Mueller, người láng giềng sát bên ruộng nhà tôi thường sử dụng. Tôi vốc một nắm đất, bóp nhẹ trong tay. Đất không thành cục nhão, cũng không vỡ vụn thành nhiều mảnh nhỏ khô ráp. Nó như miếng bánh xốp trong tay tôi. Thế có nghĩa ta có thể bắt đầu trồng trọt. Hai mươi mẫu lanh kèm hai mươi mẫu trồng lúa mì. Tôi đã chờ lâu đến độ những tưởng ngày này không bao giờ đến. Tạ ơn trời vì tôi có ngựa Plug. Hy vọng nó thạo cày ruộng, bù cho tôi vì nhiều thứ tôi còn chưa biết. Tuy nhiên, đâu phải nông dân bây giờ mới gieo hạt lần đầu. Họ đã làm từ nhiều thế kỷ trước. Thế thì chắc chắn một người, dù dở tệ như tôi, cũng có thể làm được.

- Hấp!
Tôi hất yên cương trên lưng Plug, chỉnh lại một chút rồi đeo dây da vào cổ nó.
- Ngoan nào, cậu bé!
Tôi vỗ vỗ lên gáy nó. Plug kiên nhẫn chờ tôi dùng đoạn dây xích nối một đầu yên cương vào bắp cày. Sau khi cuốn mỗi đầu dây cương vào một bàn tay, tôi nắm chặt tay cầm phía trên lưỡi cày.
- Hấp!
Plug bước lên cho tới khi dây cương căng ra. Sau đó, nó dừng lại ngoái đầu nhìn tôi. Tôi phất nhẹ dây cương trên lưng nó:
- Mày đoán đúng rồi đấy. Chúng ta sẽ cày tung mảnh ruộng này. Mày và tao ấy.
Plug ngoảnh mặt lại nhìn với ánh mắt đầy thách thức như thể mình không xông vào nó, nó sẽ xơi tái mình. Biết đâu được đấy, có khi thế thật cũng nên.
Đến đây, Plug hiểu ý tôi hoàn toàn nghiêm túc. Nó bước tới. Tôi đu người lên tay cầm của cày để lưỡi cày cắm sâu hơn vào đất. Lưỡi cày xắn vào lớp đất đồng cỏ, lật lên hai dải đất màu sô cô la dài hơn nửa mét. Tôi mừng rỡ reo lên:
- Plug ơi, tụi mình cày được rồi này.
Tôi tiếp tục phất dây cương và có thêm một dải đất dài khoảng hai mét nữa. Đôi găng tôi xát mạnh vào tay cầm mỗi khi cày xóc nảy lên.
Cày thêm được hai mét nữa thì các nốt phồng rộp xuất hiện trên hai bàn tay tôi, dù có đeo găng hẳn hoi. Sau khi cày xong một đường hoàn chỉnh, các nốt phồng chảy máu. Sau đường cày thứ năm, hai vai tôi nhức buốt đến độ bàn tay không còn cảm giác nữa.
Vài người hàng xóm đi qua, thấy ngay “hiệu quả” công việc của tôi. Jim Gà Trống bảo:
- Nói chung, ai cũng phải biết cày theo đường thẳng, chứ không phải cày theo đường tròn.
Anh cười ngặt nghẽo đến khi mặt đỏ tía tai. Cô Leafie ghé qua sau khi tôi ngã một cú như trời giáng xuống nền đất cứng. Cô đưa tôi nắm thuốc lá:
- Mắt cháu thâm tím cả. Trộn cái này với mỡ heo muối. Đỡ lắm đấy. Cô không ở lại được. Định ghé Perilee xem sao.
Sau khi đắp thuốc của cô, mắt tôi đỡ hẳn.
Lát sau, anh Karl cưỡi ngựa đến ruộng tôi. Chúng tôi ngồi bên nhau, nhìn đăm đăm vào khoảng đất mênh mông đang chờ cày xới. Anh Karl nghĩ gì, tôi không biết. Còn tôi biết rõ rằng có thọ đến chín mươi tuổi, tôi chưa chắc cày xong bốn mươi mẫu đất.
Karl lắc đầu:
- Phải có máy.
Vừa nói anh vừa làm bộ như đang xoay tay lái. Anh xoay xở để đủ nhiên liệu cho máy kéo trong lúc cái gì cũng khan hiếm. Dù vốn tiếng Anh có hạn, anh vẫn tìm cách nói rõ ý mình. Anh sẽ cày giúp tôi sáu mươi mẫu đã, nếu được gieo trồng trên hai mươi mẫu. Tôi nghiền ngẫm đề nghị của anh trong... hai giây. Sau đó, chúng tôi bắt tay cùng đồng thuận thực hiện vụ làm ăn ấy. Lâu lắm rồi tôi mới có một giao dịch hời như vậy.
Vài ngày sau, khi anh Karl đã đem máy sang cày, tôi sang nhà anh tìm chị Perilee. Đó cũng là một phần trong thỏa thuận; anh không muốn chị ở nhà một mình. Em bé sẽ chào đời vào tháng Sáu, nhưng cô Leafie và tôi không biết chị có trụ được đến lúc ấy không. Cô Leafie hỏi:
- Này em, có gì trong bụng em thế? Voi chắc?
Chị Perilee bật cười:
- Có nhớ hồi em mang bầu bé Fern không? Chị tưởng em sinh đôi còn gì.
Hai người tâm sự với nhau từng chi tiết nhỏ trong trường đoạn bé Fern chào đời. Tôi dừng tay khâu vá lắng nghe. Cứ hễ nghe ai nói chuyện sinh nở, chăm sóc em bé thì dù đang làm gì, tôi cũng bỏ đó, nghe cho kỹ. Những gì tôi biết về đề tài này chỉ bé bằng đầu kim. Ơn trời vì trong chuyện này, chị Perilee không trông cậy vào tôi. Ít nhất là khi không có cô Leafie ở bên.
Hôm nay thứ Hai, ngày giặt giũ. Lại vất vả nữa đây. Khi quần áo trắng đang được đun trên bếp, tôi chà một núi quần áo trẻ em và áo khoác lao động. Với cái bụng chửa vượt mặt, tư thế chúi đầu bên chậu giặt khiến chị Perilee không được thoải mái. Mỗi khi giặt xong, vắt khô một món đồ, tôi lại đưa Chase hoặc Mattie mang ra cho mẹ phơi ngoài dây. Chị Perilee giũ mạnh chiếc váy may bằng vải bông xanh có sọc ca rô của Mattie:
- Hattie này, đừng ngạc nhiên nếu đồ mình giặt kéo khách đến nhà nhé.
- Khách nào cơ?
Gần đây nhất, người khách ghé nhà tôi là Jim Gà Trống. Anh ở lại dùng bữa, sau đó thắng tôi ván cờ (cũng vẫn là anh thắng). Món quà chia tay của Jim tặng tôi là đàn rệp bò lổm ngổm. Tôi phải mất đến hơn một lít dầu hỏa mới tạm dẹp yên lũ ký sinh ghê gớm ấy.
Perilee chống hai tay vào eo lưng:
- Tuần trước, có đàn sơn dương đứng ngó quần áo phơi ngoài dây.
Chị cười, hồi này rất hiếm khi tôi nghe chị cười như thế. Bất chợt, chị nhăn mặt đau đớn:
- Chase con, vào lấy ghế mới cho mẹ đi.
Tôi rất mừng vì chị chịu nhận ghế xích đu bằng tiền nhuận bút của tôi. Khi mang nó sang cho chị, tôi chỉ bảo:
- Cho em bé chứ bộ.
Chỉ khi nghe nói tặng con mình, chị mới nhận. Từ nhỏ đến lớn, tôi ít được tiếp xúc với trẻ nhỏ. Con cái những người họ hàng nhận nuôi tôi đều đã lớn; tôi giống như người thừa trong nhà họ. Những ngày đầu mới đến đây, tôi khiếp hãi thấy Mattie nói suốt ngày, bé Fern chảy mũi nhớp nháp. Nhưng giờ tôi đã quen luôn mang khăn tay cho Fern, thích cái thói gặp gì cũng hỏi của Mattie. Theo tôi nhận xét, sau này thể nào cô bé cũng là nhà văn tài năng. Charlie chắc sẽ cười bể bụng khi tôi tập làm người lớn kiểu này. Và Chase nữa! Thằng bé dần dần đã chiếm một chỗ đáng kể trong trái tim tôi. Mẹ nó thật có phúc: Nó ngoan ngoãn nghe lời mẹ như con ngựa Turk nghe lời anh Karl vậy. Chase đã ngoan, lại còn thông minh nữa. Cậu đã đọc xong cuốn Đảo Giấu Vàng, giờ đang đọc tiếp cuốn Hoa Ngải Đắng Tím.
- Ghế đây ạ.
Chase mang ghế đến. Tôi đỡ lấy, đặt ghế dưới khoảng bóng râm duy nhất trong sân và ấn chị ngồi xuống. Nhờ Violet, chúng tôi có sữa mát đủ dùng. Tôi rót sữa vào cái ca bằng thiếc, ước sao sữa đó sóng sánh trong ly thủy tinh hẳn hoi. Thoải mái trong chiếc ghế tựa, chị Perilee hỏi tôi:
- Nghĩ gì mà thần ra thế?
Tôi cười:
- Mợ Ivy em thường bảo: “Nếu ước mơ là con ngựa, ăn mày cũng có tuấn mã”. Dù câu ấy khó nghe nhưng phải công nhận mợ nói đúng.
Chị Perilee nhấm nháp ly sữa:
- Mẹ chị cũng hay bảo thế. Tất nhiên, cũng có khi mình cầu được ước thấy. (Chị xoa cái bụng căng tròn rồi uống thêm ly sữa). Ôi, sữa ngon quá.
Bé Fern ngọ nguậy trong lòng mẹ. Tôi nắm quai áo khoác của Chase:
- Em và Mattie trông em rồi đi kiếm ít rau dại về đây. Chị sẽ nấu chung với món hầm.
Chase đứng lại, ngước lên nhìn tôi:
- Chị nấu canh ngon hơn làm bánh mì chứ ạ?
Nó làm như vô tình hỏi, đôi mắt trong veo rất nghiêm trang. Chị Perilee mắng:
- Chase Samuel Johnson!
Chase cười nghiêng ngả. Tiếng cười mới trong trẻo, hồn nhiên làm sao. Chị Perilee cũng cười theo.
- Đừng hòng chị nấu cho em ăn nữa nhé.
Nói vậy thôi chứ tôi cũng cười. Dần dà, tài nấu nướng của tôi cũng cải thiện, tuy nhiên về mặt này tôi không thể bì với chị Perilee.
Hai đứa trẻ lấy hai xô sắt cũ ra hẻm đá hái rau. Chị Perilee uống nốt ly sữa:
- Chị chợp mắt chút nhé.
Chiếc ghế bớt đung đưa. Giây lát sau, tôi đã nghe tiếng ngáy khe khẽ.
Hết thay nước chậu giặt đang đun trên bếp, giữ lửa cháy đều, chà lại quần áo màu tối bằng ván giặt, vắt khô rồi phơi lên dây khiến hai cánh tay và lưng tôi đau như bị ai đánh. Mợ Ivy thường bảo: “Đàn ông chỉ làm việc từ sáng đến tối rồi nghỉ. Còn đàn bà chẳng ngơi tay bao giờ”. Lúc này, chính tôi là bằng chứng xác thực cho câu nói ấy.
Treo xong mảnh tã cuối cùng của Fern, tôi vươn vai cho đỡu mỏi. Chị Perilee ngáy lớn tiếng trong ghế xích đu. Tôi bèn đi tìm bọn trẻ. Vừa đi, tôi vừa sáng tác bài mới nhất cho tờ Thời báo Arlington.
Nếu chỉ muốn gây ấn tượng với độc giả, tôi lại cường điệu kỹ năng lần theo dấu vết của mình thì quả không chân thật. Tôi cũng không khoe rằng nhờ sống trên vùng đất hoang vu này, sở trường phân biệt lá khô và đá cuội màu đồng của tôi được phát triển đáng kể. Chẳng qua, đám cỏ mọc quanh nhà chị Perilee quá dày rậm nên tôi lần theo dấu ba đứa trẻ đi chân trần thật dễ dàng. Hơn nữa, tôi cũng có lợi thế riêng: biết đích xác chỗ có bụi mùi tây dại tươi ngon nhất vùng.
Vì theo đường tắt nên chỉ lát sau tôi đã bắt kịp ba anh em Chase. Chúng mải nhặt đá cuội ngoài lạch nước nên chểnh mảng hái rau. Tôi cúi xuống nhặt một hòn cuội nhẵn, màu sẫm lên. Chase tỏ vẻ hiểu biết:
- Hòn đá ấy lia thia không hay đâu.
- Đây là đá ước mơ. Quý hơn đá ném lia thia.
Mattie không chịu thua:
- Em cũng muốn một viên.
Tôi chỉ cô bé cách chọn viên cuội màu sẫm, có một vòng trắng viền quanh:
- Khi nào có sẵn điều ước trong đầu, em nhắm mắt lại rồi ném qua vai.
Nghe thế, con bé nhặt hòn đá cuội nhét đầy túi áo:
- Em phải để dành thật nhiều đá. Khi nào thật thích thứ gì mới mang ra ném.
- Nghe hay đấy.
Tôi cũng có cả tá điều ước. Nào là mong cấy trồng thuận lợi. Nào là ước trúng mùa lớn. Nào ước Charlie bình an trở về. Thêm điều ước em bé sắp chào đời hay ăn chóng lớn. Ngoài ra, tôi còn ước bản thân trưởng thành hơn, chin chắn hơn, giỏi việc hơn nữa.
Tôi nhìn nắm đá trong tay. Bé Fern đã chập chững biết đi. Tôi bảo Chase:
- Fern bé thế mà đã mải mê hái hoa thế kia. Nhìn xem, cảnh đẹp như trong chuyện cổ tích ấy.
Với đôi chân nhỏ mà rắn chắc, Chase cõng em đi hết vạt hoa dại này đến mảng xanh đồng nội khác. Một bàn tay mũm mĩm của con bé nắm chặt bông hồng dại bị dập đôi chút, còn tay kia cầm bông Iris héo rũ.
- Mình hái một bó về cho mẹ đi!
Mattie đưa xô cho tôi rồi mải miết hái hoa. Hai anh em Chase gom về một bó hoa đồng nội đủ màu sắc. Tuy nhiên, bé Fern chần chừ không chịu góp hai bông hoa của nó vào bó hoa chung.
- Mẹ mà biết sẽ không vui đâu.
Tôi vuốt ve những cánh hoa mượt như nhung. Liệu có bao giờ tôi được các con tặng hoa thế này không nhỉ? Trước đây, chẳng bao giờ tôi nghĩ đến điều ước nào như vậy. Tôi xoa đầu Chase:
- Nếu muốn nấu cho xong món hầm, chị em mình phải về nhà ngay thôi.
Bé Fern dúi bàn tay dính nhựa cây của nó vào tay tôi. Tôi vừa bế Fern, vừa xách một xô rau. Chase xách hai xô còn lại. Mattie viện cớ:
- Em phải bế Mullie.
Chị em tôi thong thả ra về. Bọn trẻ đi đứng rất thận trọng, không ai bị vấp hay té ngã. Tôi hít đầy hai lá phổi bầu không khí mang mùi hương ngọt ngào. Nó nhắc tôi nhớ đến hương thơm chào đón tôi khi lần đầu tiên tôi đến Woft Point. Người có đầu óc thực tế như chị Perilee sẽ bảo đó chỉ là mùi cỏ, nhờ ánh mặt trời mùa xuân làm cho nồng ấm, ngọt ngào hơn mà thôi. Nhưng thực ra không chỉ có vậy: đó là mùi của mái ấm, của gia đình. Của một nơi thuộc về ta, mãi không muốn rời.
Tính đến giờ, tôi đã xa Arlington được gần năm tháng. Liệu Charlie có ngạc nhiên khi biết tôi đã làm gì trong năm tháng ấy? Bằng hai bàn tay nhỏ bé, và được anh Karl giúp, tôi đã dựng nên vài dặm hàng rào. Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ thu hoạch vụ mùa đầu tiên. Thu sang, tôi sẽ gặt lúa mì và lanh. Đến tháng Mười một là hạn giao quyền sở hữu trang trại của cậu Chester. Trang trại của tôi. Trên cơ sở đó, tôi sẽ còn hoàn thành bao việc nữa. Sang năm mới 1919, tôi sẽ là một người hoàn toàn khác: Không còn là Hattie ăn nhờ ở đậu, nhờ họ hàng thương hại mới có chỗ chui ra chui vào, mà là Hattie Inez Brooks. Nói cho lãng mạn hơn, tôi là Hattie có khoảng trời Montana mênh mông này đây. Một Hattie có nơi ăn chốn ở đàng hoàng.
Mattie giật giật gấu váy tôi:
- Sấm phải không chị?
Tôi lắc đầu, cố thoát khỏi dòng suy nghĩ miên man:
- Chị không nghe...
Mặt đất ầm ầm rung chuyển dưới chân:
- Cái gì thế nhỉ?
Tôi cảm giác mặt đất chao đảo như đưa võng, âm thanh vang dội chụp xuống chúng tôi. Mặt Chase cắt không còn hột máu:
- Ngựa! Ngựa hoang!
Chase vừa dứt lời, tôi cũng kịp nhận ra tình huống lúc bấy giờ. Một đàn ngựa hoang đang kéo đàn lũ chạy thẳng về phía chúng tôi. Jim Gà Trống có lần cảnh báo:
- Con ngựa hoang đầu đàn to, khỏe và hung dữ đến nỗi có thể cắn đứt cổ ngựa nuôi.
Tôi sợ đến bủn rủn chân tay. Nếu với gia súc, ngựa hoang còn hung dữ đến thế, thì bọn trẻ sẽ ra sao nếu gặp chúng. Tôi hất Fern lên lưng:
- Lên chị cõng.
Đoạn chụp tay Mattie:
- Chạy thôi, em.
Quăng hết xô, rau, hoa xuống đất, chúng tôi nắm tay nhau chạy ngoằn nghoèo ngang đồng trống. Mặt đất gầm gào, quằn quại như trở về thời hỗn mang.
Tôi ngoái đầu nhìn đàn ngựa phóng rầm rập sát tới bờ suối bên kia. Chị trong nháy mắt, chúng sẽ đè bẹp mấy chị em tôi.
Con đầu đàn đang dẫn cả bọn đi thẳng về hướng này. Nó đang rút ngắn khoảng cách giữa đàn ngựa và bốn chị em tôi. Những con còn lại răm rắp làm theo nó. Tôi trao Fern cho Chase, ra lệnh:
- Về nhà đi!
- Nhưng...
- Đi đi!
Tôi gào lên. Bọn trẻ chạy bán sống bán chết. Trong túi tôi có mấy hòn đá. Với sói và người còn ăn thua, chứ với ngựa hoang, đá chẳng bõ bèn gì. Tôi như mê man, không biết phải làm sao. Nhưng nhất định, đàn ngựa kia không được qua suối. Chúng nhất định không được làm hại bọn trẻ. Khi xoay người, váy áo tôi bay phần phật. Chị Perilee từng bảo quần áo trên dây phơi lôi kéo đàn sơn dương đến ngắm. Biết đâu, với mấy con ngựa bất kham này, nó có tác dụng ngược lại.
Tôi tụt váy ngoài và váy lót, vẫy rối rít như con chim điên cuồng bị nhốt trong bao tải. Con đầu đàn đứng phắt lại ngay mép nước. Cả đàn đồng loạt dừng theo, miệng hí vang, bồn chồn trong lúc con đầu đàn bước tới bước lui tại chỗ.
- Hây!
Tôi vừa vẫy, vừa gào thét, vừa nhảy như loi choi. Con ngựa dẫn đầu rùng mình, khịt mũi trước khi co cẳng bước một bước dài xuống suối:
- Này!
Rồi vung chân múa tay rú lên như thầy cúng đuổi tà.
Con ngựa cúi đầu. Da thịt gần cái gáy bự, bóng nhẫy của nó giật giật. Nó lùi lại một bước. Và một bước nữa.
Hai cái cánh bằng len phồng lên, bay phần phật, nối vào hai cánh tay dang rộng của tôi.
- Lùi lại! Lùi!
Tôi vừa gào vừa tiến. Con đầu đàn lùi thêm bước nữa rồi đứng lại. Nó bất động, mắt gườm gườm nhìn tôi. Chắc nó đang đoán xem tôi thuộc loài vật nào. Tôi cầu nó tưởng tôi là giống thú dữ tợn kinh khủng nào đó. Tôi dấn thêm bước nữa, hai tay đập đen đét. Con ngựa xoay vòng đầu lại. Ngay sát bờ suối bên kia, con ngựa nhún nhảy, rướn trên hai chân sau. Sau đó, nó lắc mạnh đầu, phi nước kiệu dẫn theo “băng đảng” bốn chân đi về hướng ngược lại.
Tôi ngồi phịch xuống đất, thở dốc. Hình như tôi ngồi đè lên vật gì đó. Tôi nhích người, quờ tay tìm. Đó là một viên đá ước, chắc rơi từ túi váy trong màn trình diễn điên cuồng khi nãy. Không biết tại hòn đá, tại trò hề vừa rồi hay tại Thượng Đế hành sự bí ẩn mà mấy con ngựa đã quay đầu. Chẳng ai biết. Càng nghĩ tôi càng khiếp đảm, hơi thở hổn hển biến thành tiếng nấc. Nếu con chị Perilee có bề gì... tôi lấy váy lót lau mặt. Chẳng có thời gian nghĩ ngợi nữa. Tôi mặc váy áo đã rách tả tơi, phủi đất cát bám trên người, vội vã quay về nhà chị Perilee. Về đến nơi, thấy bọn trẻ an toàn, tôi nhẹ cả người. Tôi cất quần áo, nấu bữa tối. Tối ấy, khi tôi về đến nhà mình và thay quần áo, viên đá ước rơi từ trong túi ra. Tôi đặt nó trên bàn ăn (kỷ niệm một lần điều ước thành sự thật), châm đèn dầu viết nốt bài cho mục Nhà Nông Kể Chuyện.

            Tôi xin có đôi dòng cho đoạn kết của bài viết tháng này. Tôi hàm ơn rất nhiều lời mợ tôi hằng răn dạy: Quý cô không bao giờ ra đường nếu chưa mặc ít nhất một váy lót bên trong lớp váy ngoài. Những món đồ lót thân thương ấy đã cứu tôi và ba đứa trẻ nhỏ. Có vẻ như mùa gieo hạt năm nay, tôi không chỉ gửi giống của lúa mì và lanh vào đất. Cùng với những loại hạt ấy, tôi còn gieo thêm cả hạt giống tình bạn mẩy đều, chắc hạt.

Chủ nhật kế đó, tôi đi lễ nhà thờ. Tôi cố tình đi đường vòng để ghé qua chị Perilee xem nhà kho mới xây đến đâu rồi. Mới đây, mục sư Schatz thuộc dòng đạo Luti có tổ chức quyên góp tiền xây nhà kho. Tất nhiên, ai cũng vui khi thấy một công trình vững chãi vươn lên từ đống tro tàn. Nhưng điều làm tôi vui và cảm động nhất là được chứng kiến dân khắp thị trấn Vida đều tham gia.
Có điều mọi thành viên Hội đồng Tự vệ đều vắng mặt, nhưng ngược lại hầu hết dân làng đều sẵn lòng giúp đỡ hoặc cho lời khuyên bổ ích. Dù bị cúm, không đến được nhưng bà Nefzger vẫn gửi đến ba cái bánh nho khô. Chị Perilee cảm động, cứ chấm nước mắt suốt, còn anh Karl lắc đầu hoài. Trầm trồ với kết quả ngày hôm đó, Jim Gà Trống bảo: “Với đà này, công việc sẽ tiến triển đến tận sau mùa gặt. Gặt xong, ta có thể lợp mái được rồi”.
Tôi lắc đầu, cố không nghĩ nhiều hơn về ngày đó. Trở lại thực tại, tôi giật mình vì thấy con đường mòn đã đến khúc quanh. Chị Perilee hiện ra trong bộ váy đẹp nhất của mình, hai tay dắt hai cô con gái. Chase đứng ngay sau mẹ.
- Chị đi đâu thế?
Ánh mắt chị lộ rõ vẻ cương quyết:
- Đến nhà thờ. Hãy hứa là sẽ luôn sát cánh bên chị nhé?
- Em sẽ bám dai như đỉa.
Chị khoác tay tôi, dẫn cả nhà đi ngang qua đồng cỏ mùa xuân có muôn hoa khoe sắc. Hai chị em thay nhau ẵm bé Fern, còn Mattie và Chase ngoan ngoãn theo sau như bê con không rời mẹ. Thi thoảng, ánh mắt chúng đuổi theo một con bướm, bọ rùa hay một bông hoa lily mới nở.
Phía bên kia đồng cỏ, nhà thờ hiện ra. Nó như một con tàu cứu rỗi linh hồn đang lênh đênh trên đại dương toàn cỏ xanh non mơn mởn. Càng tới gần, chị Perilee càng bíu chặt tay tôi hơn. Khi đến cổng chính của nhà thờ, tôi tưởng tay tôi rời ra khỏi vai, rụng xuống đất từ lâu.
Mấy đứa trẻ nhà ông Saboe được nghỉ học ngày Chủ nhật kéo Mattie và Chase cùng đi chơi. Tay ẵm bé Fern, tôi dẫn chị Perilee vào bên trong, tìm một băng ghế gần cuối dãy ghế. Trước khi ngồi, hai chị em vuốt thẳng nếp váy bằng hai bàn tay chai sần, còn băng ghế lung lay như răng bà lão.
Cha Tweed bắt đầu buổi lễ:
- Nào bà con, ta cùng cầu nguyện.
Tôi liếc sang chị Perilee. Chị nhắm mắt đến độ không còn thấy lông mi đâu nữa. Một nếp nhăn chạy ngoằn nghoèo trên trán chị. Tôi nắm tay chị bóp nhẹ: Một, hai, ba. Chị hé nhìn, tôi nháy mắt với chị. Chị Perilee mỉm cười, nếp nhăn biến mất.
Cha Tweed đứng lên:
- Xin bà con mở sách thánh trang chín mươi bảy. Chúng ta cùng hát bài “Tình yêu Thiên chúa cao hơn tất cả”.
Bà Martin gõ mạnh phím đàn dương cầm ọp ẹp dạo một giai điệu gần giống với yêu cầu. Ca đoàn lúng túng, lộn xộn xướng lên âm thanh còn lâu mới giống thánh ca. Cả giáo đoàn vất vả hòa âm theo. Ngay cả người kém cỏi như tôi nghe cũng còn chối tai.
Thế rồi, một giọng dịu dàng, rõ từng âm tiết hệt tiếng thiên thần vút lên từ âm thanh hỗn độn của đám đông, dẫn dắt mọi lời ca rời rạc. Từ một biển rối ren toàn những âm thanh hỗn tạp, giọng ca xướng lên âm hưởng chính xác của bài thánh ca, nâng bài hát ấy lên thành lời ngợi ca Thiên chúa thiết tha, sùng kính.
Tôi không phải nghe ngóng đâu xa. Chính chị Perilee đang hát.
Vài người ngưng hát, nghển cổ nhìn trong nhà thờ nhỏ xíu nơi xuất phát của âm nhạc đích thực ấy. Tôi suýt bật khóc vì tự hào.
Sau buổi lễ, Cha Tweed bắt tay Perilee:
- Giọng con có thể sánh với thiên thần. Chẳng cần tìm đâu xa, nhân sự bổ sung tuyệt vời cho ca đoàn chính là con đấy.
Chị Perilee rạng rỡ hẳn lên. Trước khi chị kịp đáp lời, bà Martin đã xướng lên:
- Thưa cha, ca đoàn chúng tôi đã thừa giọng nữ trầm rồi ạ.
Cha Tweed định lên tiếng phản đối:
- Nhưng tôi chắc rằng...
Chị Perilee thoáng chút buồn, kéo sát khăn choàng trên vai:
- Thưa Cha, con cảm tạ thịnh tình của Cha. Ngặt nỗi, con sắp sinh cháu. Việc gia đình con còn chưa biết xoay xở thế nào.
Nói đoạn, chị bước xuống bậc tam cấp. Tôi chuyển bé Fern sang hông bên kia, chân vẫn sát theo chị. Tôi thoáng thấy bà Martin lập tức thế chỗ hai chị em tôi, nét mặt cau có như trái mận khô. Thể nào Cha Tweed cũng phải nghe đoạn cuối bài thuyết giáo đây.
Gọi bọn trẻ về xong, tôi bảo:
- Cái bà Martin này thật gớm ghiếc.
Chị nói như nuối tiếc:
- Được hát cũng thích quá đi chứ.
- Sanh xong, còn khối thời gian để quyết định mà chị.
Đến nước này, tôi càng quyết tâm đưa bằng được chị vào ca đoàn. Nếu họ không chịu, tôi sẽ bảo để tôi thay, chắc họ sợ ngay chứ gì.
Chị lại khoác tay tôi như lúc đến. Chúng tôi rủ rỉ trò chuyện suốt dọc đường về nhà chị. Bọn trẻ nhảy chân sáo phía trước, cùng chơi một kiểu đuổi bắt khá phức tạp nào đó. Chị Perilee bảo tôi ở lại ăn tối. Chị phân trần:
- Vài món tầm tầm thôi mà, em ăn tạm.
Tôi tự nhiên lấy thêm thịt gà và bánh bao vào đĩa:
- Món thường của chị cũng bằng nhà hàng Ritz rồi.
Chị cười hiền, đứng lên:
- Ngon lành gì đâu, tại có người cùng ăn đấy thôi. Để chị đi lấy cà phê.
- Chị ra ngay nhé.
Tôi rót cà phê cho ba người lớn trong nhà. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, cùng trò chuyện. Dần dà, tôi cũng hiểu gần hết thứ tiếng Anh pha tiếng Đức của anh Karl. Nghe anh kể chuyện con Violet trái thói, cả nhà cười ồ. Mỗi khi chực cắn anh Karl, Violet lại nhảy cỡn lên như dê con.
- Thôi mà, đừng kể nữa.
Dù bụng đau quặn do cười ngặt nghẽo, cảm giác của tôi vẫn dễ chịu biết bao. Tâm trạng vui vẻ bao bọc tôi, làm bạn với tôi suốt dọc đường về và cả buổi tối luôn tay với việc nhà.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét