Khúc Cầu Hồn
Tác giả: John Hart
Dịch giả: Phạm Thiện
Công ty phát hành Alphabooks & Nhà xuất bản Thời Đại
Ngày xuất bản: 04/2011
Giới thiệu
Một cuốn tiểu thuyết được viết bởi máu - máu của sự sống và
cái chết, máu của dòng tộc và máu của quá khứ... Khúc cầu hồn. Khi người em gái
song sinh bị bắt cóc, Johnny Merrimon mới mười hai tuổi. Giờ đây, sau một năm,
người ta phỏng đoán cô bé đã chết. Quá thương xót con gái, bà mẹ Johnny trở nên
kiệt quệ và vô hồn như một cái bóng, cha Johnny không rõ vì sao đã bỏ mẹ con cậu
đi xa, không trở về nữa. Và cuộc sống của Johnny chẳng bao giờ được như xưa...
Johnny có trong tay tấm bản đồ cổ của toàn bang, cái xe đạp
cà tàng và một kế hoạch chi tiết truy tìm tung tích người em gái. Cậu sẽ đi tìm
em, bất chấp việc bị theo dõi và kiểm soát bởi một nhân viên cảnh sát trong thị
trấn - viên thám tử cảnh sát Clyde Hunt - người luôn phiền muộn và bị ám ảnh bởi
việc truy tìm thủ phạm và tìm cho ra những cô bé bị mất tích trong thị trấn.
Ông coi đây như một nhiệm vụ hoặc buộc phải thực thi, hoặc là chết. Ông dành mọi
tâm sức và thời gian để tìm kiếm cô em gái của Johnny và biết được những chỗ
nào ám muội có vẻ là nơi khả nghi dẫn tới manh mối vụ án. Nhưng có lẽ thám tử
Hunt không thể hình dung được Johnny đã đi xa đến mức nào để khám phá ra sự thật
về vụ mất tích của em gái - Alyssa. Và ông Hunt cũng không mường tượng nổi ông
tìm thấy gì khi tìm ra nơi cất giấu bí mật vụ án...
Trong Khúc cầu hồn người đọc sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh
biểu tượng để lại những ám ảnh cho người đọc sau khi câu chuyện kết thúc. Bằng
ngôn ngữ của mình John Hart đã vẽ nên bức tranh phong cảnh vùng Đông nam nước Mỹ,
với những đường chân trời xa tít, choáng ngợp và đẹp mê người. Bên cạnh đó, nội
tâm của từng tuyến nhân vật cũng được tác giả soi rọi dưới góc nhìn nhân ái và
đầy yêu thương để rồi tạo nên một tuyệt tác trầm hùng và đầy sức ám ảnh.
Cuốn hút với những tình huống kịch tính được thể hiện bằng
giọng văn điềm tĩnh, lôi cuốn, với Khúc cầu hồn - nhà văn John Hart - tác giả
truyện hình sự trinh thám tiêu biểu đương đại, là tác giả hiếm hoi được trao 2
giải Edgar liên tiếp (năm 2009 và 2010) - giải thưởng lớn nhất dành cho thể loại
truyện hình sự trinh thám của Viện Hàn lâm Mỹ.
--------
Mở đầu
Nhựa đường cắt ngang miền đồng quê như một vết sẹo dài do vệt
lẹm sắc ngọt của cái dao cạo gây ra. Hơi nóng chưa xoắn quyện vào trong không
khí, nhưng người tài xế biết chẳng mấy chốc điều đó sẽ xảy ra, ánh nắng nóng
rát như đổ lửa, ở một nơi xa ánh sáng như một vệt xanh bị nén xuống. Ông chỉnh
lại cặp kính mát, liếc mắt nhìn lên gương chiếu hậu lớn ở tít phía trên kính chắn
gió. Chiều dài chiếc xe bus và toàn bộ hành khách đều hiện ra. Ba mươi năm qua,
ông đã thấy vô khối loại người qua cái gương ấy: từ những cô nàng xinh xắn tới
những gã đàn ông khánh kiệt, những gã say khướt và những kẻ điên rồ, cả những
cô nàng ngực bự nóng bỏng và những đứa trẻ nhăn nhúm. Người tài xế có thể tiên
liệu vấn đề cả dặm từ xa, ông có thể phân biệt ai bình thường và kẻ bỏ nhà đi
hoang.
Ông nhìn một thằng nhóc.
Cậu nhóc này trông như kẻ bỏ nhà đi hoang.
Da bong tróc khỏi mũi cậu, nhưng dưới lớp da sạm nắng là vẻ
xanh xao vàng bủng do thiếu ngủ hoặc suy dinh dưỡng, hoặc cả hai. Xương gò má
nhô cao dưới lớp da bị kéo dãn hết cỡ. Cậu bé còn nhỏ, độ mười tuổi, mái tóc
hoang dại mọc đen trên đầu. Mái tóc cắt không đều lởm chởm, như thể cậu tự cắt
cho mình. Quần áo sờn rách từ cổ áo sơ mi và từ đầu gối quần jeans. Đôi giày gần
như mòn vẹt. Trên đùi, cậu kẹp chặt cái ba lô màu xanh, và không biết những gì
chứa đựng trong đó, cũng không nhiều lắm.
Cậu nhóc trông khá kháu khỉnh, nhưng điều gây ấn tượng nhất
với người tài xế là đôi mắt cậu. To và đen thẫm, chúng di chuyển liên tục như
thể cảnh giác cao độ với mọi người xung quanh, với cái xe bus cà khổ đầy ích
các thể loại người vào một buổi sáng nóng nực của vùng đồi cát Bắc Carolina: nửa
tá là người lao động tha phương, vài tay cãi nhau nhìn giống cựu quân nhân, một
hoặc hai gia đình, vài người lớn tuổi, một vài tay anh chị choai choai xăm trổ
đầy mình tụ họp ở xóm nhà lá tít phía đằng sau.
Đôi mắt cậu bé thường chú ý vào gã đàn ông ngồi hàng ghế đối
diện, một người buôn bán chào hàng đầu tóc bóng mượt trong bộ vest nhăn nhúm và
đôi giày lười nứt nẻ. Chỗ đó cũng có một người da đen với quyển Thánh Kinh quăn
mép và hộp soda kẹp giữa đùi, có vẻ ông ta cũng bắt được cái nhìn của cậu nhóc.
Đằng sau ghế cậu là một bà cụ mặc bộ váy da cừu. Khi bà vươn người về phía trước
hỏi câu gì đó, cậu bé chỉ khẽ lắc đầu và trả lời cẩn trọng:
- Thưa bà không.
Lời của cậu lan nhẹ lên cao như khói tỏa, và bà già an vị trở
lại, những ngón tay với đường gân xanh sờ soạng trên sợi dây xích giữ cặp mắt
kính. Bà nhìn qua cửa sổ và tròng mắt kính lóe chớp, rồi chuyển sang đen thẫm
khi chiếc xe rẽ vào con đường rợp bóng cây với những hàng thông xanh vút. Cũng
ánh sáng này rọi vào trong xe bus, và người tài xế quan sát người đàn ông mặc bộ
vest nhăn dúm. Da ông ta xanh xao và mồ hôi vã ra do chưa tỉnh rượu, đôi mắt nhỏ
hí lạ thường và một sự bồn chồn căng thẳng của hắn làm người tài xế chột dạ. Cứ
mỗi một hoặc hai phút, ông ta lại cựa quậy trong ghế. Ông ta ngồi bắt chéo chân
rồi lại bung đôi chân ngồi bình thường trở lại, chồm người lên trước, rồi ngả
ra phía đằng sau. Những ngón tay của ông ta gõ nhịp trên bộ vest luộm thuộm và
ông ta luôn nuốt nước bọt mỗi khi hướng cái nhìn lờ đờ về phía cậu trai, rồi lại
quay đi chỗ khác, lờ đờ và nấn ná.
Người tài xế mệt nhoài vì công việc, nhưng ông giữ mọi chuyện
tươm tất trên xe bus. Ông không chấp nhận sự say xỉn, thác loạn hay những tiếng
nói ồn ào. Mẹ ông nuôi dạy ông trưởng thành như vậy hơn năm mươi năm về trước
và ông không có một thôi thúc nào cần thiết phải thay đổi. Do vậy ông để ý cậu
trai trẻ, và gã đàn ông hào nhoáng với cặp mắt hau háu, bụng dạ đứng ngồi không
yên. Ông quan sát cách gã nhìn cậu nhóc, thấy gã buông người trên chiếc ghế nhầy
nhụa mỡ màng khi con dao được móc ra. Cậu nhóc thờ ơ chuyện này. Cậu lôi nó ra
từ túi quần và bung lưỡi dao ra bằng một ngón tay cái. Cậu cầm nó một chốc, rõ
ràng ai cũng thấy, rồi lôi ra một quả táo từ trong túi xách và gọt nó bằng thao
tác bén, gọn. Mùi táo thoảng bay lên cao hơn cả những chiếc ghế ám mùi du khách
và sàn xe nhuốm đầy bụi bẩn của đường phố. Vượt lên mùi hôi nồng của dầu cặn
diesel, người tài xế ngửi được hương vị gắt, ngọt của nó. Cậu nhóc nhìn một lần
vào gã đàn ông bảnh bao có đôi mắt to rộng, khuôn mặt nhợt nhạt, sau đó cậu gấp
con dao và nhét nó trở vào trong túi quần.
Người tài xế buông người và chú tâm vào con đường, tâm trí
không bị quấy rầy trong vài phút. Ông ta thấy cậu nhóc này có vẻ quen quen,
nhưng cái cảm giác ấy đi biến. Ba mươi năm dài. Ông chùng cơ thể to béo sâu chặt
hơn vào ghế.
Ông từng thấy quá nhiều cậu trai trẻ.
Quá nhiều dân bụi đời đi hoang.
* * *
Mỗi lần người tài xế nhìn mình, cậu bé đều cảm nhận được điều
đó. Nó là một thiên bẩm cậu có, một biệt tài. Ngay cả khi đôi kính râm đen thẫm
đeo trên mắt ông ta và đường cong lớn trên bề mặt cái gương ngăn cản, cậu bé vẫn
có thể biết. Đây là chuyến thứ ba đi bằng xe bus trong nhiều tuần. Cậu ngồi ở
những ghế khác nhau và mặc quần áo khác nhau, nhưng đoán chừng trước sau gì
cũng có người sẽ hỏi cậu làm trò gì trên chuyến xe bus ngang dọc tiểu bang vào
lúc bảy giờ sáng trong ngày, cái giờ lẽ ra học trò phải đến trường học. Cậu
đoán chừng câu hỏi này sẽ đến từ người tài xế.
Nhưng chuyện này chưa xảy ra.
Cậu bé xoay ra nhìn cửa sổ và xoay nghiêng đôi vai để không
ai khác có thể nói chuyện được với mình. Cậu nhìn sự phản chiếu trong cửa kính,
sự chuyển dịch và những khuôn mặt. Cậu nghĩ về những cái cây cao ngút trời và
những bộ lông nâu đuôi màu trắng.
Con dao cộm lên trong túi quần cậu.
Bốn mươi phút sau, chiếc xe bus lựng khựng dừng lại ở một
cây xăng ẩn nấp trong một khoảng trống của rừng thông, bụi rậm và nóng bức, đất
cát. Cậu nhóc đi xuống hàng ghế chật hẹp và bước xuống bậc cuối cùng trước khi người
tài xế có thể nhắc nhở chẳng có gì ngoài những chiếc xe kéo nằm ụ trong bãi đậu,
hay không có người lớn nào ở đây để đón nhận cậu, một cậu bé mười ba tuổi nhìn
dáng người không quá tuổi thứ mười. Ánh nắng mặt trời như nung đỏ cổ cậu. Cậu xốc
cái balô sau lưng, và đám khói đen dầu cặn bốc lên cao; chiếc xe bus sau đó gầm
gừ và lăn bánh xuôi xuống phía Nam. Trạm xăng có hai đầu bơm, một băng ghế dài,
và một ông lão gầy gò trong bộ quần áo màu xanh dính đầy dầu mỡ. Ông ta gật đầu
chào từ đằng sau tấm kính lem luốc nhưng không buồn ra bên ngoài trời hừng hực
nóng. Máy bán nước lon tự động đặt ở trong chỗ có bóng râm của trạm xăng, quá
cũ kỹ đến nỗi chỉ đòi hỏi năm mươi cent cho một lon. Cậu nhóc thọc tay vào túi
quần, ngón tay lục lọi tìm năm đồng hào mỏng dính và mua lon nước nho tuột bung
ra dưới cái phễu đổ xuống trong cái chai thủy tinh lạnh. Cậu bật nắp lon nước,
xoay người về phía chiếc xe bus ban nãy trờ đến, và bắt đầu bước bộ xuống con
đường bụi mù mịt, đen ngòm như rắn bò.
Sau ba dặm đường và hai lần rẽ, con đường biến mất, nhựa đường
trở thành đá, đá càng ngày càng mỏng đi. Cái bảng không hề thay đổi từ lần sau
cùng cậu thấy nó. Nó cũ kỹ và bị bỏ hoang, những thớ sơn bong tróc để lòi thịt
gỗ ở phía dưới: SÔNG CÁ SẤU RỪNG BẢO TỒN CHIM ĂN THỊT. Phía bên trên các mẫu tự,
một con đại bàng tung cánh bay, và trên đôi cánh của nó, những cọng lông dính đầy
sơn bong tróc.
Cậu nhóc nhổ kẹo gum vào tay và đập dính miếng gum vào tấm bảng
khi cậu bước ngang qua.
Phải mất hai giờ đồng hồ để tìm một cái tổ chim, hai giờ của
mồ hôi, những bụi gai góc và muỗi rừng làm da cậu sưng đỏ ửng. Cậu tìm thấy một
bụi cành nhánh đan nhau to khủng khiếp trên những cành cao của loài thông lá
dài mọc thẳng đứng và cao ngồng trên nền đất ẩm dọc bờ sông. Ánh nắng mặt trời
xuyên thấu cánh rừng, bầu trời sáng rực và xanh ngắt làm chói đau cả mắt. Tổ
chim là một chấm nhỏ.
Cậu nhún vai hất bỏ balô và bắt đầu trèo lên cây, vỏ cây xù
xì làm đau buốt làn da bỏng nắng của cậu. Thận trọng và sợ hãi, cậu trông chừng
chim đại bàng khi leo lên cây. Có một con chim nhồi bông ngồi trên kệ trong viện
bảo tàng ở Raleigh, và cậu nhớ tới sự hung tợn của nó. Đôi mắt bằng thủy tinh,
nhưng đôi cánh của nó xoãi dài hơn một mét rưỡi từ đầu cánh bên này qua đầu
cánh bên kia, móng vuốt của nó dài bằng ngón tay giữa của một cậu bé. Chỉ nội mỏ
của nó đủ mổ đứt vành tai một người lớn. Cái mà cậu cần là cọng lông của nó. Cậu
thích một cọng lông đuôi màu trắng, sạch sẽ, hay một cọng lông thật to màu nâu;
nhưng rốt cục, nó có thể là một cọng lông nhỏ nhất từ những chỗ bồng bềnh mềm mại
nhất, một cọng lông kim, có thể, hoặc một cọng lông măng mềm dưới cánh.
Nhưng nó không thực sự là vấn đề.
Ma lực là ma lực.
Cậu càng leo cao bao nhiêu thì cành càng cong bấy nhiêu. Gió
quật cành cây và quật cả vào người cậu. Khi gió giật, cậu ép mạnh mặt mình vào
vỏ cây, tim đập thình thịch, và những ngón tay bám chặt chuyển màu trắng bệch.
Thông là vua của các loài cây, cao đến mức đứng từ trên nhìn xuống, con sông
thu nhỏ lại ở phía dưới như một chấm đen.
Cậu gần leo lên đến ngọn cây. Leo gần cỡ này, tổ chim dang rộng
như cái bàn ăn và có lẽ cân nặng khoảng chín kilogram. Tuổi đời của nó phải
hàng thập kỷ, hôi thối với những thứ mục rữa, cứt đái và xương cốt thỏ. Cậu mở
tung cõi lòng đón nhận cái mùi, và cái quyền năng của nó. Cậu di chuyển một
tay, chạm chân trên một cành xám tro vì năm tháng và trơ trọi không còn vỏ cây.
Phía dưới cậu, rừng thông trùng trùng điệp điệp tít tận những ngọn đồi xa thẳm.
Con sông uốn mình, đen, tối và bóng loáng như than đá. Cậu đu người lên trên
cao khỏi tổ chim và thấy những con chim con, hai con cả thảy, xanh xao và lốm đốm
màu, trong lòng chảo của cái tổ. Chúng ngoác mở to cái mỏ bén nhọn, nài nỉ thức
ăn, và cậu nghe một âm thanh như con diều mắc trên dây khi gió tốc mạnh hơn. Cậu
liều lĩnh nhòm ngó, đột nhiên một con đại bàng đâm bổ xuống từ bầu trời tuyệt đẹp.
Trong giây phút tích tắc, cậu chỉ thấy toàn lông, rồi sau đó đôi cánh đập vỗ xuống
và móng vuốt vươn ra. Con chim gào thét.
Cậu vươn tay lên trong khi móng vuốt của nó phập sâu vào
trong da thịt; rồi cậu rơi xuống, và con chim - đôi mắt vàng sáng rực, móng vuốt
móc dính vào da thịt và áo của cậu - rớt xuống cùng cậu.
Vào lúc 3:47, một chiếc xe bus lăn bánh cũng vào cái bãi đậu
xe ở trạm xăng một gian nhà đó. Lần này trực chỉ đi về hướng bắc, nó là chiếc
xe bus khác, tài xế khác. Tiếng cửa xe lọc xọc mở và một dúm người bệnh thấp khớp
xuống xe. Người tài xế gầy còm, gốc Tây Ban Nha, hai lăm tuổi và dáng dấp mệt mỏi.
Anh ta không buồn nhìn cậu bé gầy còm đứng lên từ cái ghế dài và cà nhắc đến cửa
xe bus. Anh ta cũng không để ý quần áo rách nát hoặc sự tuyệt vọng cùng cực
trên khuôn mặt cậu. Và nếu nó là vết máu trên bàn tay đưa tờ vé xe bus, rõ ràng
không phải việc của một tài xế xe bus để mà bàn luận về nó.
Cậu nhóc buông tờ vé xe bus. Cậu cố gắng lôi mình lên những
bậc bước và cố gắng giữ cho những mảnh vải áo liền với nhau. Cái balô cậu đeo
trông nặng nề, nhồi nhét đến mức gần như sắp vỡ tung, và một cái gì đó thấm đỏ ở
mí ghép dưới đáy túi. Người cậu bốc mùi, mùi của bùn sình, con sông và một cái
gì đó sống nhăn; nhưng chuyện đó cũng không phải việc liên can đến tay tài xế.
Cậu đi vào sâu hơn trong lòng xe bus. Cậu ngã, một lần va vào lưng một chiếc ghế,
rồi sau đó đi đến cuối tận cùng, nơi cậu ngồi một mình trong góc. Cậu ôm chặt
cái túi vào ngực và gác hai chân lên trên ghế. Những lỗ sâu hoắm găm sâu vào
trong da thịt và cổ của cậu bị rách toạc; nhưng không ai nhìn cậu, không ai
quan tâm. Cậu ôm chiếc túi chặt hơn, cảm thấy cái nóng còn lưu lại, cơ thể gãy
vụn, như một cành cây gãy nát. Cậu mường tượng hai con chim nhỏ còn lông măng,
một mình trong tổ chim. Một mình trong tổ và bị bỏ đói.
Cậu rung người trong bóng tối.
Cậu rung người trong bóng tối và lau những giọt nước mắt
nóng ấm, đắng cay.
Một
Johnny học được một điều từ tấm bé. Nếu ai đó hỏi cậu tại
sao cậu quá khác người, tại sao cậu có thể vững vàng đến như vậy và tại sao cặp
mắt của cậu dường như nuốt chửng được ánh sáng, cậu sẽ trả lời họ rõ ràng. Từ
nhỏ cậu đã biết rằng chẳng nơi nào ngoài kia là nơi an toàn, không phải sân vườn
hoặc sân chơi sau nhà, cũng không phải con đường tĩnh lặng bọc quanh vòng đai
thị xã. Không một nơi chốn nào ngoài đời là nơi an toàn, và không ai có thể bảo
bọc cho đời sống của cậu.
Tuổi trẻ là những tháng ngày ảo tưởng.
Cậu vừa choàng tỉnh khoảng một giờ đồng hồ, chờ cho những tiếng
động đêm khuya vắng xa, chờ đợi ánh bình minh ló rạng để bắt đầu một ngày mới.
Hôm nay là thứ Hai, trời vẫn còn tù mù tối, nhưng Johnny ngủ rất ít. Cậu thức dậy
đi rà soát một vòng các cửa sổ. Cậu rung lắc nhẹ các ổ khóa hai lần mỗi tối,
dõi mắt trông ra con đường vắng ngắt và cái xe bẩn thỉu nhìn như phủ phấn bụi
dưới ánh sáng đêm trăng. Cậu kiểm tra mẹ cậu, ngoại trừ khi nào có ông Ken ở
nhà. Ông Ken là kẻ nóng tính cộc cằn và trên tay có đeo một cái nhẫn vàng to mà
khi đấm vào ai có thể để lại một vết bầm to tướng.
Đó lại là một bài học khác.
Khoác vào người chiếc áo thun và chiếc quần jeans tơi tả, cậu
bước về hướng cửa phòng ngủ và lách cánh cửa mở ra. Ánh sáng hắt xuống hành
lang chật hẹp, không khí ẩm thấp. Mùi thuốc lá và rượu bourbon đổ ra sàn nhà xộc
vào mũi. Chỉ trong một thoáng, Johnny nhớ lại mùi vị của những buổi sáng, mùi của
trứng rán, cà phê và hơi nồng từ thuốc cạo râu của bố. Nó là những kỷ niệm đẹp,
cậu cố gạt chúng đi, phải quên đi quá khứ. Hồi tưởng về dĩ vãng chỉ làm cõi
lòng thêm tan nát.
Trên hành lang, thảm trải nhà cũ kỹ, nhăn nhúm lùng bùng dưới
giầy của cậu. Cánh cửa phòng mẹ cậu trơ trọi chênh vênh treo trên bản lề. Nó là
cánh cửa rỗng ruột, không sơn phết gì, và cũng không tiệp với khung sườn. Cánh
cửa đầu tiên nằm chỏng trơ ở ngoài sân sau vườn, tua tuả những dăm gỗ nham nhở,
nó bị đạp tung ra khỏi khung cửa khi mẹ cậu và ông Ken cãi cọ sau cơn say. Mẹ cậu
không hề tiết lộ họ cãi cọ nhau về chuyện gì, nhưng cậu đoán chừng ít nhiều
liên quan đến cậu. Chỉ mới một năm trước đây, người như ông Ken không bao giờ với
được tới gần một người phụ nữ như mẹ cậu, và Johnny không bao giờ để ông ta
quên chuyện đó; nhưng đó là chuyện của một năm về trước. Xa vời dường như cả một
đời người.
Họ biết quá rõ về ông Ken đã nhiều năm, và cũng có thể những
điều họ nghĩ là đúng. Bố của Johnny là một tay thầu khoán, cùng với ông Ken, họ
xây dựng cả khu phố. Họ cùng nhau hợp tác làm việc vì bố Johnny nhanh nhẹn và
tháo vát, và một phần cũng do ông Ken thông minh khi biết tôn trọng bố cậu. Bởi
lẽ đó, ông Ken lúc nào cũng dễ chịu và cởi mở, ngay cả sau vụ bắt cóc, cho đến khi
bố Johnny cảm thấy sự dằn vặt và nỗi uất hận đã vượt quá sức chịu đựng. Sau khi
bố cậu bỏ nhà đi xa, ông Ken bắt đầu thường xuyên lai vãng tới nhà. Bây giờ thì
ông ta điều hành mọi công việc. Ông ta buộc mẹ cậu luôn ở trong tình trạng bị
khống chế và cô độc, đặt mẹ cậu luôn trong trạng thái hoặc say thuốc hoặc say
rượu. Ông ta sai phái công việc và mẹ cậu chỉ thi hành. Rán thịt bò bít-tết. Đi
vào phòng. Khóa cửa lại.
Johnny uất ức, bực dọc về những chuyện này, và cậu thường
loanh quanh ở góc bếp vào buổi tối, đặt ba ngón tay lên trên cán con dao to nằm
trong kệ dao, tưởng tượng đến những vùng da thịt mềm trên ngực gã Ken, trầm
ngâm suy nghĩ về nó.
Gã đàn ông ấy là loài lang sói, rất đơn giản là như vậy; và
mẹ của Johnny dường như chỉ còn là cái bóng mờ không trọng lượng. Bà chỉ nặng
có hơn năm mươi kilôgam, thân hình còm cõi, nhưng Johnny từng nhìn thấy ánh mắt
của gã đàn ông ăn tươi nuốt chửng bà, cặp mắt thủ đắc của lão Ken mỗi khi bà ra
ngoài đường. Nước da của bà xanh xao nhưng không một tì vết, đôi mắt bà to, sâu
và ánh mắt hàm chứa tâm trạng của một con thú bị trọng thương. Khi ấy bà ba
mươi ba tuổi, có dáng dấp như một thiên thần nếu sự thực điều ấy có thật, mái
tóc đen tuyền, mong manh, không có cái vẻ của hồng trần. Cánh đàn ông bỏ dở
công việc khi có bóng dáng bà bước vào phòng. Họ trố mắt kinh ngạc như thể da
thịt bà tỏa ra hào quang, và bà có thể cất cánh bay về trời bất cứ lúc nào.
Bà cũng chẳng quan tâm chuyện này. Ngay cả trước khi cô con
gái của bà mất tích, bà gần như không quan tâm đến diện mạo của mình nữa. Áo
thun và quần jeans. Tóc đuôi gà và đôi khi trang điểm. Bà sống trong một thế giới
nhỏ bé, hạnh phúc, nơi bà thương yêu chồng con, chăm sóc vườn tược, tham gia việc
đạo ở nhà thờ, và ca hát giải khuây trong những ngày mưa bão; nhưng bây giờ tất
cả đã là quá khứ. Hiện tại chỉ còn lại sự câm lặng, trống vắng và đau khổ, hoàn
toàn tương phản với con người một thời của bà; nhưng nét đẹp vẫn còn vương vất
đâu đây. Johnny mục kích điều này hàng ngày, và mỗi ngày cậu nguyền rủa cái sắc
nước hương trời phủ lên người mẹ mình. Nếu bà ấy xấu xí, ông Ken có lẽ sẽ không
dùng đến bà. Nếu bà đừng sinh hạ những đứa trẻ kháu khỉnh, có lẽ em gái của cậu
vẫn còn ngủ ở phòng ngủ cạnh phòng cậu. Nhưng bà đẹp như búp bê hoặc một hình
bóng nào đó không như hiện thực, lẽ ra phải được trang hoàng trong tủ kính khoá
chặt. Bà là người phụ nữ đẹp tuyệt vời mà Johnny từng biết. Và cậu ghét bà thậm
tệ ở điểm này.
Ghét cay đắng.
Cuộc đời cậu đã thay đổi quá nhiều.
Johnny quan sát cánh cửa phòng mẹ cậu. Biết đâu ông Ken có mặt
ở đây, có thể không. Tai cậu ép sát vào mặt gỗ, nín thở. Bình thường, cậu có thể
phán đoán, nhưng nhiều ngày không ngủ đã khiến cậu đổ vật xuống, khi giấc ngủ đến,
cậu liền ngủ say như chết. Cứng đờ và hôn mê. Khi tỉnh giấc, cậu chồm người bật
dậy khi cảm giác nghe thấy tiếng kính vỡ. Lúc ấy là ba giờ sáng.
Cậu lùi bước khỏi cánh cửa, không biết phải làm gì, sau đó
rón rén bước về cuối hành lang, bóng điện phòng tắm vang tiếng u u khi cậu bật
công tắc. Tủ đựng thuốc mở tung và cậu thấy các loại thuốc: Xanax, Prozac, nhiều
viên màu xanh, nhiều viên màu vàng. Cậu cầm một lọ thuốc và đọc nhãn ghi trên lọ.
Vicodin. Chai này mới. Lọ Xanax đang mở, những viên thuốc nằm trên mặt bàn,
trong lòng Johnny dấy lên cơn tức giận. Thuốc Xanax giúp lão Ken lấy lại sự trầm
tĩnh sau một đêm ăn hàng thành công.
Cậu hiểu như thế.
Ăn hàng thành công.
Cậu đóng nắp lọ thuốc và bước ra khỏi phòng tắm.
Căn nhà bừa bộn như cái bãi rác, và cậu tự trấn an, mình
cũng chẳng còn là chủ sở hữu của nó. Căn nhà trước đây ngăn nắp và gọn ghẽ. Nóc
nhà mới lợp và cậu là người phụ một tay lợp mái. Cậu leo lên từng bậc thang mỗi
ngày trong dịp nghỉ lễ lập xuân, chuyển các tấm lợp lên cho bố cậu, giúp bố
đóng đinh với túi đồ nghề đeo trên lưng có khắc tên của mình trên túi. Nó là một
căn nhà tươm tất, với tường đá núi và sân sau nhà vun xới gọn đẹp không chỉ có
trơ trọi đất cát và cỏ dại. Nó chỉ cách đây vài dặm đường, nhưng cảm giác xa
xôi hơn, trong một khu phố với nhiều căn nhà ngăn nắp trên những thửa đất to và
mướt màu xanh cây cỏ. Nơi đó bây giờ chỉ còn trong trí nhớ, và đang bị nhà băng
xiết nợ. Người ta gửi cho mẹ cậu vài tờ báo, và cắm bảng phát mãi ở ngoài sân.
Căn nhà này là nhà cho thuê của ông Ken. Ông ta có khoảng một
trăm căn, và Johnny cho rằng có lẽ đây là căn nhà tệ nhất, như một cái thùng
rác đúng nghĩa ở tít tận cùng của thành phố. Phòng bếp thì nhỏ hẹp, với những mảnh
sắt màu xanh và sơn bong tróc ở nhiều góc. Một cái bóng đèn cháy sáng ngay trên
đầu bếp lò và Johnny chậm rãi quay một vòng tròn. Một nơi quá bẩn thỉu với toàn
những đầu lọc thuốc lá vứt đầy trong chảo, chai lọ ngổn ngang, và những ly rượu
dang dở. Chiếc gương nằm trên mặt bàn và Johnny thấy những vệt bột trắng còn
vương vãi dưới ánh đèn. Hình ảnh này khiến hơi lạnh như xâm chiếm và lan dần
trong lồng ngực cậu. Một tờ giấy bạc một trăm đô-la vấn tròn rơi xuống gầm bàn.
Johnny lượm nó lên, duỗi phẳng nó ra. Cả tuần nay cậu không có được một bữa cơm
nào tử tế trong khi lão Ken hít bạch phiến bằng tờ giấy bạc một trăm đô-la.
Cậu nhặt tấm gương lên, lau nó bằng khăn ướt, và treo trở lại
trên tường. Bố cậu thường ngắm mình trong gương, và Johnny vẫn có thể hình dung
ông thắt cà-vạt mỗi sáng Chủ nhật, những ngón tay của ông to và thô cứng, không
dễ gì thắt nút cà-vạt một cách gọn ghẽ. Ông chỉ mặc đồ vest khi đi lễ nhà thờ,
và ông cảm thấy ngượng ngùng khi biết con trai quan sát mình. Trong ký ức,
Johnny có thể nhớ mặt ông bỗng đỏ bừng và nụ cười không hề tạo nếp nhăn. Ông
nói, “Cảm ơn Thượng đế đã ban tặng cho ta mẹ của con”, và sau đó bà kéo thắt chặt
nút cà-vạt cho ông.
Hai tay ông đặt sau lưng của bà.
Tiếp theo là nụ hôn và cái nheo mắt.
Johnny lau chiếc gương một lần nữa, sửa nó ngay ngắn, chỉnh
cho đến khi tươm tất.
Cánh cửa mở ra ngoài sân trước dịch chuyển một cách nặng nề,
và Johnny bước ra ngoài sân vào một buổi sáng ẩm ướt, tối tù mù. Một ngọn đèn
đường chập chờn chớp tắt khoảng năm mươi mét về hướng cuối con đường. Những ngọn
đèn pha xe ô tô chiếu sáng trên đỉnh ngọn đồi ở một khoảng cách khá xa. Xe gã
Ken không còn đậu ở sân, và Johnny cảm thấy một sự khoan khoái tội lỗi và mãn
nguyện. Gã Ken sống ở phía bên kia khu phố trong một căn nhà to lớn được sơn phủ
đẹp đẽ, nhiều cửa sổ to rộng và nhà đậu xe chứa được bốn ô tô. Johnny hít một
hơi thật sâu vào đáy buồng phổi, liên tưởng đến mẹ của cậu chồm người lấy chiếc
gương, và tự nhủ chính mình rằng bà cũng chưa đi quá xa. Đó là những hệ luỵ của
gã Ken, đâu phải của bà ấy. Cậu cố gắng buông tay giãn nắm đấm ra. Không khí buổi
sáng trở nên trong lành. Cậu tự nhủ với chính mình hôm nay là một ngày mới, và
những chuyện tử tế có thể đến với cậu; nhưng với mẹ cậu buổi sáng là một cực
hình. Có một lúc nào đó, trong giây phút ngắn ngủi, đôi mắt của bà mở ra, đó là
trước khi bà nhớ ra rằng họ sẽ không bao giờ tìm được tung tích cô con gái duy
nhất của mình.
Em gái của Johnny.
Người em song sinh.
Allyssa chào đời chỉ sau Johhny ba phút, và hai đứa trẻ song
sinh khác giới tính giống nhau như hai giọt nước. Cả hai giống nhau ở mái tóc
và khuôn mặt, cùng giọng cười như nhau. Đúng, nó là con gái, nhưng ở khoảng
cách khoảng sáu mét, rất khó có thể phân biệt ai với ai. Cả hai cao bằng nhau,
bước chân y chang nhau. Nhiều buổi sáng cả hai dậy sớm cùng lúc, mặc dù ngủ ở
hai phòng khác nhau. Mẹ Johnny cho biết cả hai có ngôn ngữ riêng của mỗi đứa
khi còn rất bé, nhưng Johnny không hề nhớ điều này.
Cậu chỉ nhớ quãng đời sống tươi đẹp trước kia của mình, chẳng
bao giờ cậu đơn độc; có một ý tưởng hai ta là của nhau mà chỉ có hai đứa trẻ mới
hiểu được điều này. Nhưng Alyssa đã đi xa, và tất cả những gì liên quan đến nó
cũng đội nón ra đi. Điều này là sự thật, không thể nào chối cãi, và nó đã hằn
sâu vào tâm trí mẹ cậu. Johhnny đã làm những gì cậu có thể.
Cậu khóa trái cửa mỗi tối và dọn dẹp bãi chiến trường. Hôm
nay cậu dọn dẹp hết hai mươi phút, sau đó đặt cốc cà phê lên bàn và nghĩ đến tờ
giấy bạc vo tròn. Một trăm đô-la.
Ăn uống và quần áo.
Cậu kiểm tra căn nhà lần chót. Không còn bóng dáng chai lọ.
Sạch sẽ dấu tích của xì ke thuốc sái. Cậu mở cửa sổ để gió bên ngoài tràn vào
nhà, sau đó kiểm tra tủ lạnh. Hộp đựng sữa tươi kêu lọc cọc khi cậu lắc nó. Một
quả trứng nằm trong hộp sữa. Cậu mở ví của mẹ ra. Trong có chín đồng và một ít
bạc cắc. Johnny không động đến tiền của mẹ và đóng ví lại. Cậu rót đầy cốc nước
và lắc lấy hai viên aspirin ra khỏi lọ.
Cậu bước dọc xuống hành lang và mở cửa phòng mẹ.
Những ánh sáng đầu ngày ép sát mặt kính cửa sổ, một khối đỏ ửng
phía đằng xa lấp ló sau những rặng cây đen mun. Mẹ cậu nằm nghiêng, tóc xõa
trên mặt. Tạp chí và sách vở phủ đầy trên mặt bàn cạnh giường. Cậu gạt sách ra
tìm chỗ để cốc nước và đặt hai viên aspirin lên mảnh gỗ hằn vết. Trong giây
lát, cậu lắng nghe hơi thở của mẹ, sau đó nhìn vào đống tiền giấy ông Ken bỏ lại
cạnh giường. Vài tờ hai mươi đồng, một tờ năm mươi đồng.
Khoảng vài trăm bạc, những tờ bạc nhàu nát và lem luốc.
Xé một cuộn giấy đựng bạc cắc.
Vứt bỏ giấy bọc.
Chiếc ô tô đậu trên thềm xi măng đã cũ kỹ, một loại xe có
thùng phía sau mà bố cậu mua nhiều năm về trước. Nước sơn còn mới, bóng loáng,
hơi vỏ bánh xe được kiểm tra hàng tuần, nhưng đó chỉ là những gì Johnny biết để
làm. Khói xanh vẫn bì bọp xịt ra khỏi ống bô khi cậu đề máy, cửa kính phía bên
hành khách không thể nào quay lên sát mép. Cậu chờ cho đến khi khói chuyển qua
màu trắng, vào số và lăn bánh xuống cuối con đường xi măng. Cậu chưa đến tuổi lấy
bằng lái, và phải quan sát thật kỹ trước khi cho xe lăn bánh vào đường nhựa. Cậu
giữ xe chạy ở vận tốc vừa phải và chỉ chạy trên những con đường mòn vắng người
qua lại. Cửa hiệu tạp hóa gần nhất chỉ cách nhà hai dặm đường, nhưng nó là một
tiệm lớn, nằm trên con đường chính yếu, và Johnny biết người ta có thể nhận ra
cậu. Vì thế, cậu đi xa thêm ba dặm đường đến một cửa hiệu tạp hóa nhỏ chỉ cung
cấp những hàng hóa rẻ tiền. Vừa phải tốn tiền mua xăng xe, vừa phải chịu cảnh
thực phẩm đắt đỏ, nhưng cậu cũng không còn lựa chọn nào khác. Sở xã hội đã đến
thăm nhà cậu hai lần.
Chiếc ô tô hoà vào những chiếc đã đậu ở đó, phần lớn là xe
cũ, dòng xe Mỹ. Một chiếc ô tô sậm màu trờ lên sát phía đằng sau xe cậu và dừng
lại ngay cổng ra vào. Ánh sáng mặt trời hắt dội lên từ kính xe và một người đàn
ông khuôn mặt đanh lạnh ngồi đằng sau tay lái. Gã cũng chẳng buồn bước xuống
xe, Johnny quan sát người đàn ông đó khi gã bước vào trong cửa hiệu.
Johnny có một nỗi sợ hãi với bất kỳ kẻ nào đơn độc trong những
chiếc xe dừng lại.
Chiếc xe đẩy đựng hàng chòng chành khi cậu rảo bước từ kệ
hàng này qua kệ hàng khác. Cậu quyết định chỉ mua những thứ cần thiết: sữa, nước
trái cây, trứng, bánh mì, và trái cây. Cậu mua thêm aspirin cho mẹ. Nước ép cà
chua dường như hữu ích với bà.
Một viên cảnh sát chặn cậu lại ở kệ hàng thứ tám. Ông ta to
cao, tròng mắt nâu đen dường như quá mềm mại so với những lằn ngang dọc trên
khuôn mặt, với góc cằm cắt gãy khúc. Viên cảnh sát không có xe đẩy, đứng yên,
hai tay thọc trong túi quần, và Johnny nhìn thoáng qua đã biết ông ta theo cậu
vào trong tiệm. Cái nhìn của ông ta thong thả, nhẫn nại. Và Johnny lúc ấy chỉ
muốn ù té chạy.
- Anh bạn Johnny, - ông ta gọi lớn. - Cậu vẫn khỏe chứ?
Tóc ông ta dài hơn so với lần Johnny từng gặp trước đó, vẫn
đồng màu nâu với cặp mắt ông, buông dài và xoăn tít ngay phía trên cổ áo pha điểm
một ít trắng bạc hai bên thái dương. Khuôn mặt ông trông có vẻ gầy đi, và
Johnny nhận thấy năm tháng trôi qua tăng thêm phần khắc khổ trên gương mặt đó.
Khổ người to lớn mang dáng dấp một sĩ quan cảnh sát, trông ông ta dường như bị
gò ép, tinh quái, nhưng với Johnny cả thế giới này nhìn vào đều có cùng một tạng.
Cậu cũng không rõ lắm. Giọng của ông ta trầm ấm và ân cần. Nó gợi lại nhiều kỷ
niệm đau thương và trong giây phút đó làm cho Johnny không thể cất bước hoặc cất
lên tiếng nói. Viên cảnh sát tiến lại gần, vẫn cái nhìn cảm thông mà Johnny thường
thấy, cùng ánh mắt ưu tư lo lắng. Một phần nào đó trong tâm khảm, Johnny cảm thấy
thân thiện và tin tưởng nơi ông; nhưng ông ta vẫn là kẻ duy nhất đã để em gái
Alyssa của cậu biến dạng biệt tăm. Ông ta vẫn là kẻ làm mất cô bé.
- Tôi vẫn khỏe, - Johnny trả lời viên cảnh sát. - Ông cũng
biết mà, cũng phải cố gắng để sống.
Ông cảnh sát nhìn đồng hồ, sau đó hướng tia nhìn vào áo quần
lếch thếch và mái tóc đen, bù xù của Johnny. Bây giờ là 6:40 phút và là ngày tất
cả học sinh đều đến trường học. Ông hỏi, - Thế có tin tức gì từ bố cậu không?
- Dạ không. - Johnny trả lời, cố che đậy đi sự xấu hổ. - Hoàn
toàn không một manh mối gì.
- Tôi rất lấy làm tiếc.
Thời gian kéo dài ra, nhưng viên cảnh sát vẫn không hề chuyển
dịch. Cặp mắt nâu vẫn chăm chú nhìn cậu, cho đến khi ông ta tiến gần lại phía
Johnny, có thể thấy ông ta là một người cao lớn và thâm trầm, cũng tương tự như
lần đầu tiên Johnny gặp ông ta ở nhà cậu. Nhưng đó lại là một ký ức khác,
Johnny nhìn chòng chọc vào cổ tay to khỏe của người đàn ông, với móng tay được
tỉa gọn sạch sẽ, thô xòe. Cậu run run cất tiếng:
- Mẹ tôi nhận được thư đúng một lần. Bà nói ông ấy ở
Chicago, và có thể đang chuyển đến California.
Dừng lại chút, cặp mắt di chuyển từ bàn tay xuống nền nhà.
- Bố sẽ trở về với chúng tôi.
Johnny ngồi xuống với vẻ tự tin. Viên cảnh sát gật đầu đúng
một lần và xoay mặt đi hướng khác. Ông Spencer Merrimon đã bỏ nhà ra đi chỉ hai
tuần sau khi con gái bị bắt cóc. Quá đau khổ. Quá nhiều uất hận. Vợ ông không
bao giờ để ông quên điều lẽ ra ông phải đón con, không bao giờ để cô bé một
mình đi xuống đường khi trời tối, và nếu ông làm đúng như vậy thì đã không hề
có chuyện gì xảy ra.
- Bố tôi không có lỗi gì cả, - Johnny nói.
- Tôi có bao giờ bảo ông ấy có lỗi lầm gì đâu.
- Ông bận rộn với công việc. Ông quên mất thời gian. Đó
không phải lỗi ở ông ấy.
- Tất cả chúng ta ai cũng một lần mắc lỗi. Tất cả mọi người
chúng ta. Bố cậu là một người cha tuyệt vời. Đừng bao giờ nghi ngờ điều ấy.
- Tôi thì không. - Giọng của Johnny bất ngờ tỏ ra bực bội.
- Không sao.
- Tôi sẽ không bao giờ.
Johnny cảm thấy sắc diện của cậu thay đổi. Cậu không thể nhớ
lần sau cùng cậu nói chuyện với người lớn, nhưng có điều gì đó về viên cảnh
sát. Trông ông ta khá già so với tuổi bốn mươi tuổi, và không bao giờ hấp tấp bộp
chộp, khuôn mặt lúc nào cũng đậm đà, toát ra một phong thái ung dung tự tại
không hề giả dối hoặc toan tính điều gì khiến bọn trẻ con đặt niềm tin vào ông.
Cặp mắt ông luôn giữ độ trầm tĩnh, và Johnny có chút gì hy vọng ông ta là một
viên cảnh sát giỏi để có thể giải quyết thỏa đáng mọi công việc. Nhưng một năm
đã trôi qua, và vẫn chưa có tin tức gì về người em gái. Johnny lo lắng về chuyện
đang xảy ra trước mắt, và ngay giây phút này viên cảnh sát không phải người bạn
đồng minh.
Sở Xã hội luôn rình rập để chờ cơ hội ra tay hành động; và
những chuyện Johnny đã làm, những nơi cậu lui tới khi trốn học đi hoang, những
rủi ro rình rập mỗi khi trốn ra khỏi nhà giữa đêm khuya. Nếu cảnh sát biết những
chuyện Johnny đang làm, họ sẽ ra tay hành động. Nhà nuôi dưỡng tạm thời. Tòa
án.
Ông ta có thể bắt giữ Johnny nếu ông ta muốn.
- Mẹ cậu sao rồi? - Viên cảnh sát hỏi. Mắt ông ta chăm chú,
tay vẫn để trên xe đẩy của Johnny.
- Mệt mỏi, - Johnny trả lời. - Bệnh Lupus, ông biết không.
Bà rất dễ bị mệt.
Lần đầu tiên viên cảnh sát sững sờ.
- Lần trước gặp cậu ở đây, cậu nói với tôi bà ấy bị bệnh
Lyme.
Ông ta nói đúng.
- Không. Tôi nói bà bị Lupus.
Mặt ông ta chùng xuống và nhấc tay khỏi xe đẩy.
- Ngoài kia có những người muốn giúp đỡ cậu. Có người hiểu
ngọn ngành câu chuyện.
Bất thình lình Johnny trở nên giận dữ.
- Chẳng ai hiểu chúng tôi, không hề có ai giúp đỡ. Chưa bao
giờ. Mẹ tôi yếu đuối tơi tả. Không còn chút nghị lực nào.
Viên cảnh sát làm ngơ lời nói dối, nhưng mặt ông vẫn đau khổ
buồn bực. Johnny theo dõi cái nhìn chằm chặp của ông xuống chai thuốc aspirin,
nước cà chua. Ánh mắt ông ta vương vấn, rõ ràng ông ta biết không chỉ đơn giản
như những thành phần nghiện ngập và xì ke.
- Johnny. Không chỉ có mình cậu đau khổ. Cậu không hề cô
đơn.
- Tôi không chỉ cô đơn đâu.
Viên cảnh sát thở dài, dáng dấp mệt mỏi. Ông rút một tấm
danh thiếp từ trong túi áo, viết số điện thoại vào mặt sau tờ giấy rồi trao tấm
danh thiếp cho cậu bé.
- Gọi tôi bất cứ khi nào nếu cậu cần bất kỳ điều gì. - Cái
nhìn của ông dứt khoát. - Ban ngày hoặc giữa đêm khuya. Tôi nói thật đấy.
Johnny liếc sơ qua tấm danh thiếp, nhét nó vào túi quần jeans.
- Chúng tôi không sao cả, - cậu nói, và đẩy chiếc xe đi vòng
qua viên cảnh sát. Một tay ông đặt trên vai cậu.
- Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy đến với cậu một lần nữa...-
Johnny đanh cứng lại. - Hoặc xảy ra với mẹ cậu...
Johnny lắc nhẹ thoát khỏi bàn tay viên cảnh sát.
- Chúng tôi không sao, - cậu nhắc lại. - Tôi phòng thủ rất kỹ
rồi.
Cậu đẩy xe đi quá viên cảnh sát, run sợ ông ta sẽ chặn giữ cậu,
sợ ông ta sẽ hỏi vặn vẹo hoặc gọi điện báo đến các bà cán sự xã hội có khuôn mặt
lạnh lùng. Chiếc xe được đẩy tới chỗ bàn tính tiền, người phụ nữ to con ngồi
trên chiếc ghế đẩu sờn cũ cúi nhìn soi mói. Bà này mới làm ở cửa hiệu, và
Johnny thấy câu hỏi hiển hiện trên khuôn mặt của bà. Cậu mười ba nhưng nhìn còn
rất trẻ con. Cậu móc tờ một trăm đô-la ra khỏi túi, đặt nó nằm ngửa trên băng
chuyền cuốn.
- Bà có thể làm ơn nhanh tay dùm được không?
Bà ấy thổi vỡ bong bóng kẹo cao su và cau mặt.
- Không có gì em cưng. Ta sẽ bắt đầu.
Ông cảnh sát đứng hờ hững sau lưng chừng ba mét, và Johnny cảm
giác ông ấy ngay gần bên, cậu liếc mắt trông chừng phía sau lưng khi bà béo mập
đang tính tiền từng món. Johnny khó nhọc hít hơi, và sau chừng một phút ông cảnh
sát bỏ đi, lướt qua mặt cậu.
- Nhớ giữ tấm danh thiếp, - ông ấy nói.
- Dạ vâng.
Johnny không tài nào dám nhìn vào mắt ông ấy. Viên cảnh sát
quay cổ lại, với nụ cười gượng gạo trên khuôn mặt.
- Tôi rất vui được gặp cậu, Johnny.
Ông ta rời cửa hiệu, sau tấm cửa kính lớn vẫn nhìn rõ hình
dáng viên cảnh sát. Ông đi quá chiếc ô tô của Johnny, quay gót trở lại và đứng
tần ngần một lúc. Ông nhìn xuyên qua cửa kính xe, sau đó đi một vòng ra sau
đuôi xe kiểm soát biển số. Khi đã hài lòng, ông đi về hướng ô tô của mình, mở cửa
xe. Lách người vào, ông ngồi thu mình lại.
Ông chờ đợi.
Johnny cố nín thở giữ nhịp tim đập chậm, cậu với tay nhận tiền
lẻ thối lại từ bàn tay ẩm ướt và thô xù của bà thu ngân siêu thị.
Viên cảnh sát là thám tử Clyde Lafayette Hunt. Tên in rõ
trên danh thiếp. Johnny có một bộ sưu tập danh thiếp cất kỹ trong ngăn kéo trên
cùng, giấu dưới những chiếc tất và bức ảnh chụp bố cậu. Cậu nghĩ về số điện thoại
trên tấm danh thiếp; nhưng sau đó lại liên tưởng đến những cô nhi viện và nhà tạm
dung. Cậu nghĩ về người em gái mất tích, về đoạn ống nước cậu thủ dưới gầm giường
và bức tường tỏa hơi lạnh toát. Cậu nghĩ đến sự thành tâm trong lời nói của ông
thám tử. Có thể ông ấy là người tin cậy được. Nhưng cậu không tài nào nhìn
chính mình trong gương mà không nhớ đến cô em gái Alyssa, và cứ mỗi lần nhớ đến
chuyện đó lại đòi hỏi sự tập trung tinh thần. Cậu mường tượng trong đầu một cô
bé tràn đầy nhựa sống, tươi cười, không thể nào một cô bé như thế lại bị giam cầm
dưới nền đất của một hầm rượu nào đó hoặc đằng sau thùng hàng xe ô tô. Lần sau
cùng cậu nhìn thấy em gái khi cô mới mười hai tuổi. Một con bé mười hai tuổi với
mái tóc đen sẫm, cắt ngắn như con trai. Người đàn ông chứng kiến sự việc cho biết
cô tiến đến gần chiếc ô tô, vẫn tươi cười khi cánh cửa bật mở.
Vẫn tươi cười cho đến khi họ bắt cóc cô đi.
Johnny nghe mãi những câu này. Tươi cười. Nó dường như chết
dính trong đầu của cậu, nó bám chặt không thể nào hất văng ra khỏi. Nhưng cậu
thấy hình ảnh của em gái trong giấc ngủ. Cậu thấy đứa em gái của mình nhìn về
phía đằng sau khi những căn nhà càng ngày càng thu nhỏ lại. Cậu thấy nỗi lo sợ
trên khuôn mặt cô, và cô bé thét lên trong sợ hãi.
Johnny biết người đàn bà thu ngân đang nhìn mình chăm chú, một
tay cậu vẫn chìa ra, tay kia nắm chặt tiền thối lại, các thứ lỉnh kỉnh đã được
bỏ vào trong túi. Một bên chân mày của bà ta dựng ngược lên, hàm răng vẫn nhai
đều kẹo cao su.
- Cậu em có cần thêm gì không?
Johnny chống chế. Cậu vơ tóm những tờ bạc và nhét nó vào
túi.
- Không, tôi không cần thứ gì khác.
Phóng cái nhìn vượt qua cậu, bà ta nhìn về hướng ông quản lý
đứng đằng sau quầy cửa kính. Cậu dõi theo cái nhìn của bà ta, vơ tay túm lấy những
chiếc túi. Bà ta nhún vai, và cậu ra về, bước ra phía cửa dưới bầu trời trong
xanh. Mắt cậu nhìn về hướng chiếc ô tô của mẹ, không buồn để ý đến thám tử
Hunt. Những cái túi nhựa cọ xát vào nhau phát ra âm thanh sột soạt. Hộp sữa
sóng sánh, thõng nặng ở phía tay phải. Cậu đặt các túi hàng vào ghế ngồi phía
sau và chần chừ. Ông thám tử theo dõi cậu từ chiếc xe đậu thẳng góc, khoảng
cách không đầy sáu mét. Ông chạm mắt khi cậu de thẳng ô tô.
- Tôi biết lái ô tô, - Johnny nói.
- Tôi không nghi ngờ điều này. - Câu trả lời làm cậu ngạc
nhiên. Như là ông ấy đang mỉm cười.
- Tôi biết anh bạn trẻ rất cứng cỏi, - ông nói và nụ cười tắt
ngúm. - Tôi biết anh bạn trẻ có thể đương đầu với bất cứ thử thách nào, nhưng
luật là luật.
Johnny cũng không vừa.
- Tôi không thể để ông lái xe. - Johnny nói, - Tôi không thể
để ô tô ở đây. Nó là đôi chân duy nhất tôi có.
- Tôi sẽ chở cậu về nhà.
Johnny không nói thêm gì. Cậu đang băn khoăn không rõ ở nhà
hơi rượu bourbon còn không. Cậu đã dọn dẹp sạch sẽ những lọ thuốc vương vãi.
- Tôi sẽ cố gắng giúp cậu. - Viên thám tử ngừng. - Có nhiều
người muốn làm những việc như vậy, cậu hiểu chứ hả?
Giọng nói cay đắng tuôn trào:
- Hạng người nào?
- Không sao, - thám tử Hunt nói. - Bình tĩnh đi. Cậu cho tôi
biết địa chỉ nhà cậu.
- Ông biết tôi cư ngụ ở đâu mà. Tôi đã thấy ông đôi khi tuần
tra trước nhà tôi, tôi thấy ông rõ ràng cho xe chạy chậm lại. Ông đừng giả đò
ông không biết gì cả.
Thám tử Hunt nghe những lời nói đầy vẻ nghi kỵ.
- Tôi không có ý gạt gẫm gì cậu. Tôi muốn biết chính xác địa
chỉ nhà cậu để tôi gọi hẹn một chiếc xe tuần tiễu ở đó. Tôi cần ai đó chở tôi
trở lại đây để tôi lấy xe của tôi về.
Johnny trầm ngâm nhìn ông thám tử.
- Tại sao ông cứ tuần tra quanh nhà tôi thường xuyên vậy?
- Thì như tôi đã nói với cậu rồi đó. Có nhiều người thực sự
muốn giúp đỡ cậu.
Johnny chưa chắc mình tin tưởng ông ấy, nhưng cậu vẫn đọc
cho ông thám tử địa chỉ nhà và quan sát ông ấy gọi điện đàm yêu cầu gửi một chiếc
xe tuần tra tới địa chỉ ấy.
- Mau chân lên anh bạn.
Hunt bước ra khỏi chiếc ô tô công vụ không gắn huy hiệu, rảo
bước qua bãi đậu xe hướng về phía chiếc ô tô của Johnny. Cậu mở cửa phía bên
hành khách và ông thám tử trườn người vào ghế tài xế. Johnny đeo dây an toàn,
ngồi cứng đờ trong xe. Không hề nhúc nhích một quãng thời gian khá lâu.
- Tôi xin lỗi về tai nạn liên quan đến em gái cậu, - thám tử
Hunt nói. - Tôi rất tiếc tôi không thể mang cô ấy về với gia đình cậu. Cậu hiểu
điều này chứ hả?
Johnny nhìn chăm chú về phía đằng trước, hai bàn tay ghì chặt
trên đùi. Mặt trời vươn cao quá ngọn cây và tỏa những tia nắng nóng bỏng qua lớp
cửa kính.
- Cậu có thể nói điều gì đó không? - Hunt hỏi.
Johnny quay lại, giọng trầm đều.
- Hôm qua là tròn một năm. - Cậu biết giọng của mình lí nhí.
- Ông có biết chuyện đó không?
Thám tử Hunt bối rối.
- Có, tôi biết chuyện ấy.
Johnny nhìn đi chỗ khác.
- Ông làm ơn chỉ lái xe thôi được không?
Chiếc xe nổ máy, khói xanh bốc lên bay tỏa vượt quá cửa kính
phía bên Johnny ngồi.
- Được, Johnny, - ông thám tử nói.
Ông gài số xe. Họ đi trong yên lặng đến khu ven bìa thị xã.
Không một lời nói nhưng Johnny có thể ngửi được hơi của ông ấy. Người ông toát
ra một mùi như của xà phòng và dầu lau súng, và có thể là mùi khói thuốc lá ám
vào quần áo. Phong cách ông lái ô tô cũng như bố Johnny, nhanh lẹ và vững vàng,
mắt quét nhìn mặt đường rồi nhìn lên kính chiếu hậu. Môi của cậu bậm chặt khi
xe về đến gần nhà, một lần chót cậu lại có ý nghĩ mình phải mang em gái Alyssa
về nhà. Cậu đã tự hứa như vậy, một năm trước đây.
Một chiếc ô tô tuần tra đang nổ máy chờ ở sân nhà khi xe họ
đến nơi. Johnny trèo ra khỏi xe và mở thùng xe mang những túi đồ vào nhà.
- Tôi có thể giúp cậu những chuyện này, - thám tử Hunt lên
tiếng.
Johnny chỉ nhìn ông ta. Ông ta còn muốn gì nữa? Ông ta đã để
em ấy bị bắt đi.
- Tôi tự làm được rồi, - Johnny nói.
Thám tử Hunt lặng nhìn vào đôi mắt Johnny cho đến khi biết
chắc cậu không có điều gì để nói.
Cuối cùng ông nói: “Ngoan nhé”, và rút người nhanh vào bên
trong chiếc ô tô tuần tra. Cậu ôm chặt lấy những túi đồ và không nhúc nhích khi
chiếc ô tô quay trở ra con đường. Cậu không phản ứng gì với cái vẫy tay của
thám tử Hunt, chỉ đứng bên con đường mù mịt bụi bặm, nhìn chiếc xe ô tô tuần
tra leo lên trườn dốc ngọn đồi phía xa, và mất dạng. Cậu đứng thẫn thờ cho đến
khi trống ngực không còn đánh thình thịch, rồi xách túi trở vào trong nhà.
Những món đồ lỉnh kỉnh mua ngoài cửa hiệu nằm trên mặt bàn
trông thật nhỏ bé, nhưng cảm giác về nó thì vô cùng to lớn: một chiến thắng. Cậu
cất chúng vào trong tủ, pha cà phê, rán quả trứng gà trong chảo nhỏ. Ngọn lửa
xanh reo tí tách trên bếp, cậu trông chừng cho đến khi lòng trắng trứng chuyển
màu vàng nâu. Cậu trở trứng một cách khéo léo, và xúc trứng bỏ vào đĩa. Điện
thoại reo vang khi cậu với tay lấy tờ giấy lau. Liếc qua số điện thoại hiển thị
trên máy, cậu có thể biết được ai gọi. Cậu trả lời trước khi chuông reo tiếng
thứ hai. Giọng nói của cậu trai trẻ ở đầu dây bên kia lanh lảnh. Cậu nhóc ấy
cũng mười ba tuổi nhưng đã uống rượu và phì phèo thuốc lá như người lớn.
- Hôm nay có đi bụi không anh bạn? Tụi mình đi.
Mắt Johnny hướng về hành lang, giọng trầm xuống.
- Chào Jack.
- Tớ ngắm mấy căn nhà khu hướng tây thị xã. Khu đó cực kỳ
kinh hoàng. Rất tệ. Nhiều thành phần có tiền án cư ngụ ở đó. Và cứ nghĩ đến nó
thì lại thấy có lý.
Vẫn một điệp khúc cũ. Jack hiểu những gì Johnny làm khi cậu ấy
trốn học hoặc trốn nhà đi hoang khi trời tối. Jack muốn phụ giúp một tay, một
phần vì cậu ấy là đứa trẻ ngoan, phần cũng vì cậu ấy là đứa trẻ ngỗ nghịch.
- Đây không phải là trò chơi, - Johnny lên tiếng.
- Cậu có hiểu khi người ta nói về của trời cho không hả? Tớ
giúp cậu không điều kiện. Đừng có coi thường tớ như vậy.
Johnny hoảng hốt thở dốc.
- Xin lỗi Jack. Sáng hôm nay tớ có chút vấn đề.
- Mẹ cậu à?
Cổ họng Johnny thít lại, cậu gật đầu. Jack là người bạn cuối
cùng, kẻ duy nhất vẫn chơi rất thân với cậu, không vì thương hại hoặc xem cậu
là kẻ dị kỳ. Cả hai đều có nhiều điểm giống nhau. Jack chỉ là đứa trẻ mới lớn
cũng như Johnny, và cả hai đều đang đối diện với những vấn đề cá nhân.
- Tớ cũng nên ra khơi hôm nay.
- Đến ngày phải nộp bài luận lịch sử rồi, - Jack nói. - Cậu
làm xong bài chưa?
- Tớ nộp bài hồi tuần rồi.
- Ôi chết. Thật vậy sao? Tớ chưa bắt đầu trang nào.
Jack là kẻ luôn chậm trễ, và thầy giáo cũng làm ngơ luôn
chuyện này. Mẹ của Johnny có lần gọi Jack là đồ nhãi ranh, và điều đó quá chính
xác. Nó lấy cắp thuốc lá từ phòng giáo sư, bôi kem mỡ làm mái tóc bóng loáng
ngày thứ Sáu. Nó uống rượu mà lẽ ra con nít không ai được phép, và nói dối thì
như dân chuyên nghiệp; nhưng được cái nó giữ bí mật tuyệt đối khi đã hứa, và
trông chừng sau lưng bạn bè khi cần thiết. Nó là người dễ gần, thành thực chân
chất, và trong một giây phút nào đó, Johnny cảm thấy rất cao hứng; nhưng chuyện
xảy ra vào buổi sáng phủ chụp lên niềm cảm hứng của cậu.
Ông thám tử Hunt.
Những đồng bạc nhớp nhúa ở cạnh giường mẹ cậu.
Johnny nói:
- Tớ có việc phải đi.
- Chuyện trốn học thì sao?
- Tớ phải đi.
Johnny cúp điện thoại. Sợ rằng cậu bạn sẽ bị tổn thương,
nhưng Johnny không làm gì khác hơn được. Cậu cầm đĩa thức ăn lên, ngồi trước
hiên nhà ăn sạch trứng với ba lát bánh mì và uống sữa. Cậu vẫn còn đói khi ăn
xong, nhưng chỉ còn bốn tiếng nữa là đến giờ ăn trưa.
Cậu có thể chờ.
Rót sữa vào tách cà phê, Johnny đi về phía phòng ngủ của mẹ.
Ly nước đã cạn, các viên thuốc aspirin không còn nữa.Tóc bà xoã xuống má, một vệt
nắng nằm vắt ngang trên vùng mắt. Johnny đặt ly cà phê trên mặt bàn và mở cửa sổ.
Gió lạnh thốc vào từ hướng bóng mát bên hông nhà, Johnny đứng quan sát mẹ. Bà
trông xanh xao, mệt mỏi hơn, và thất thần. Bà không buồn tỉnh giấc nhấm nháp cà
phê, nhưng cậu cứ để ly cà phê ở đấy phòng chừng. Để đấy cho bà an tâm.
Cậu quay gót, bà rên nhỏ và bỗng nhiên quặt người thật mạnh.
Bà lẩm bẩm điều gì đấy và duỗi thẳng chân hai lần, sau đó bà vùng chồm dậy trên
giường, hai mắt trừng trừng và kinh hãi.
- Ối Chúa ơi! Ối Chúa ơi! - Bà kêu lên.
Johnny đứng trước mặt nhưng bà không trông thấy cậu. Điều
làm bà sợ hãi vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Cậu nghiêng người đến gần, nói với bà
nó chỉ là một giấc mơ, và chỉ trong tích tắc cặp mắt bà nhận ra được cậu con trai.
Bà đưa cao hai tay lên rờ nắn khuôn mặt của cậu. “Alyssa”, bà gọi nhỏ và chìm
sâu trong giọng nói là một câu hỏi.
Johnny cảm nhận được cơn bão sắp đổ ập đến gần. Cậu nói với
mẹ, “con Johnny đây ạ”.
- Johnny sao? - mắt bà chớp và dường như chợt bừng tỉnh sau
cơn mê sảng. Nỗi hy vọng sụp đổ, bàn tay rũ xuống, bà gục người đổ ập, cuộn gọn
trong chăn. Johnny chờ vài giây đồng hồ, nhưng bà không mở mắt trở lại.
Cuối cùng cậu hỏi mẹ:
- Mẹ có sao không?
- Giấc mộng hãi hùng.
- Con mang cà phê vào đây. Mẹ có muốn ăn điểm tâm gì không?
- Sư nhà nó.
Bà tung người ra khỏi chăn và bước ra khỏi phòng mà không hề
quay nhìn trở lại. Johnny nghe tiếng cánh cửa phòng tắm đóng sập. Cậu bước ra
sân trước và ngồi dưới hàng hiên. Năm phút sau, một chiếc xe bus đón học sinh
tiến đến mép cạnh con đường bụi bặm. Johnny không đứng dậy, cậu không hề lay động.
Cuối cùng chiếc xe bus lăn bánh.
* * *
Mãi một giờ sau mẹ cậu mới mặc xong quần áo và tìm thấy cậu
ngồi ngoài hàng hiên. Bà ngồi xuống bên cạnh, choàng cánh tay gầy yếu ôm chặt lấy
hai đầu gối. Nụ cười của bà héo hắt, và Johnny còn nhớ như in nụ cười ấy đã một
thời làm căn phòng bừng sáng.
- Mẹ xin lỗi con, - bà nói và hích vai chạm vào con. Johnny
nhìn lên hướng con đường. Bà hích cậu một lần nữa. - Xin lỗi. Con hiểu mà... một
lời xin lỗi.
Cậu cũng không biết nói gì, không sao giải thích cái cảm xúc
hiểu được mẹ đau khổ như thế nào khi nhìn thấy cậu. Cậu nhún vai.
- Không sao đâu.
Cậu cảm nhận bà đang tìm một từ ngữ nào đó thích hợp. Nhưng
rồi bà ấy cũng không tìm được. Bà nói:
- Con nhỡ chuyến xe bus rồi đấy.
- Cũng chẳng sao.
- Với trường học thì lại là chuyện khác.
- Con được điểm giỏi. Không ai quan tâm con có mặt ở trường
hay không.
- Con vẫn gặp giám thị của trường chứ?
Cậu phóng tia nhìn không dung thứ về hướng mẹ.
- Con không gặp ai sáu tháng nay rồi.
- Vậy à.
Johnny phóng tầm mắt trở lại con đường và cảm nhận mẹ đang
nhìn mình. Có một thời việc gì bà cũng tỏ tường. Hai mẹ con cậu thường đi bộ
bên nhau. Khi bà lên tiếng, giọng bà đầy chắc chắn.
- Bố con sẽ không bao giờ trở lại.
Johnny nhìn mẹ mình chất vấn.
- Mẹ nói gì?
- Con cứ nhìn tít về phía cuối con đường. Con làm việc ấy rất
thường xuyên, chừng như con mong đợi bố xuất hiện từ trên đỉnh đồi.
Johnny há hốc miệng, nhưng giọng bà lấn át cậu.
- Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra.
- Sao mẹ biết được điều này.
- Mẹ chỉ muốn cố gắng...
- Mẹ không biết điều đó!
Johnny đứng vững trên đôi chân của mình. Dường như cậu không
còn nhớ tại sao cậu có thể làm vậy. Hai bàn tay nắm chặt vào nhau lần thứ hai
trong buổi sáng, một sức mạnh vô hình nóng bỏng nào đó ép mạnh trong lồng ngực.
Mẹ cậu ngả người về phía sau, hai tay vẫn ôm chặt đầu gối. Mắt bà lạc thần đi,
Johnny biết điều gì sắp xảy đến. Bà chìa một bàn tay quá ngắn không đụng tới được
Johnny.
- Bố con bỏ mẹ con mình. Và không phải lỗi ở con.
Bà gượng đứng dậy. Môi bà mềm đi và khuôn mặt bà chuyển qua
thể dạng cảm thông một cách đau khổ, một biểu hiện cảm xúc mà người lớn dành
riêng cho trẻ em ở cái tuổi mà chúng chưa làm sao hiểu được thế giới này vận
hành như thế nào. Nhưng Johnny hiểu điều này. Cậu hiểu cái nhìn đó và không ưa
chút nào.
- Mẹ không bao giờ nên nói những điều này.
- Nhưng Johnny à...
- Bố con không có lỗi gì khi em con bị bắt đi. Mẹ không bao
giờ nên nói những gì mẹ đã nói.
Bà bước về hướng cậu. Johnny làm ngơ cử chỉ ấy.
- Bố con bỏ đi biền biệt tại vì mẹ.
Bà đứng chết trân, giọng bà khô lạnh. Môi bà không còn dáng
dấp của sự cảm thông.
- Ông ấy có lỗi, - bà nói. - Lỗi là ở ông ấy, không ai vào
đây cả. Bây giờ thì con bé mất rồi và mẹ hoàn toàn trắng tay.
Johnny cảm nhận luồng điện địa chấn co giật phía sau đôi
chân. Chỉ trong giây lát, cậu run lẩy bẩy. Vẫn những lập luận cũ rích trong những
lần tranh cãi, và nó như con dao sắc bén băm vằm sợi dây tình mẫu tử.
Bà đứng thẳng và trở gót quay đi. “Con lúc nào cũng về phe
ông ấy”, bà nói và bỏ vào trong nhà, tránh xa thế giới và cũng là nơi chốn dung
dưỡng đứa con cuối cùng. Johnny thẫn thờ ném cái nhìn về phía cánh cửa bạc phếch,
rồi cúi xuống đôi tay. Cậu nhìn chúng đang lẩy bẩy, và cố tự trấn tĩnh, đè nén
cảm xúc. Cậu ngồi bệt xuống nhìn từng luồng gió thổi tung cát bụi hai bên đường.
Cậu nhớ lại những lời nói của mẹ, rồi lại nhìn lên phía ngọn đồi. Nó cũng không
có vẻ gì thơ mộng. Trên ngọn đồi, lỗ chỗ những cụm cây nham nhở, đây đó là những
căn nhà với đường đất ngoằn ngoèo, những đường dây điện thoại thõng xuống như
chiếc võng giữa các cột điện thoại, mang một dáng dấp đặc biệt trên nền trời
xanh buổi sớm. Không một dấu tích nào ở đấy đánh dấu sự khác biệt của ngọn đồi,
nhưng cậu vẫn ngồi dõi mắt nhìn ngắm hàng giờ. Cậu suy tư ngắm nhìn cho đến khi
cổ mỏi nhừ, và đi vào bên trong nhà trông chừng mẹ.
Hai
Lọ thuốc Vicodin mở nắp đặt trên mặt bàn trong phòng tắm;
cánh cửa phòng ngủ mẹ cậu đóng kín. Johnny đẩy hé cánh cửa, nhìn vào trong bóng
tối lờ mờ và thấy mẹ cậu nằm thu mình dưới chăn, cứng đờ. Cậu nghe tiếng thở
mong manh của bà, ẩn bên trong là sự yên lặng sâu thẳm. Cậu đóng cửa và trở về
phòng mình. Chiếc vali nằm dưới gầm giường có những chỗ nứt nẻ trên bề mặt của
lớp da bao bọc, bản lề sét rỉ. Một bên quai da đã bị đứt, nhưng Johnny vẫn giữ
miếng quai da đó vì chiếc vali là tài sản ông kỵ cậu để lại. Trong chiếc vali
to lớn vuông cạnh có một tờ điện tín đã phai mờ, nhưng cậu vẫn có thể đọc được
chữ nếu để nghiêng tờ giấy ngoài ánh sáng. Trên đó ghi hàng chữ JPM, John
Pendleteon Merrimon, trùng với tên của Johnny.
Cậu lôi chiếc vali ra, kéo nó đặt lên trên giường, tháo dây
quai. Nắp vali được giở lên vẹo vọ nằm dựa vào thành tường. Bên trong nắp vali
có dán nhiều ảnh. Phần lớn là ảnh cô em gái, và trong đó có hai bức ảnh chụp
hai anh em cậu, nhìn y chang nhau với nụ cười như hai giọt nước. Cậu sờ tay vội
vã lên một bức ảnh, sau đó tiếp tục ngắm nhìn các ảnh khác, những tấm có bố cậu.
Spencer Merrimon là người đàn ông cao lớn với hàm răng to đều và nụ cười thân
thiện. Bàn tay thô xù của người làm nghề xây dựng, vóc dáng tự tin và mực thước
nơi ông khiến Johnny luôn cảm nhận mình rất may mắn được là con trai ông. Ông
đã dạy Johnny khá nhiều: lái ô tô, hãnh diện ngẩng cao đầu, có những quyết định
đúng đắn. Ông dạy cho cậu sự vận hành của thế giới xung quanh, dạy cậu những gì
đáng tin tưởng và những nơi có thể đặt niềm tin vào: Thượng đế và cộng đồng. Tất
cả những gì Johnny được rèn luyện để sống xứng đáng như một người đàn ông, dĩ
nhiên đến từ bố cậu.
Nhưng rốt cùng, bố cậu lại bỏ nhà đi xa.
Giờ phút này Johnny phải nghi vấn tất cả những điều ấy, tất
cả mọi thứ cậu đã được dạy với niềm tin mãnh liệt. Thượng đế đã không quan tâm
gì đến nỗi đau khổ của con người. Ngay cả đến những sinh linh bé nhỏ. Hoàn toàn
không có cái gọi là công lý, công bằng, hay cộng đồng; hàng xóm không ai giúp đỡ
ai và kẻ hiền thì chẳng bao giờ gặp lành trên cõi đời này. Tất cả những điều bố
nói đều là dối trá. Nhà thờ, cảnh sát, mẹ cậu... chẳng ai làm được điều gì ra hồn,
chẳng ai có tài cán gì. Cả năm trời, Johnny sống với một sự thật phũ phàng khi
cậu buộc phải tự lực cánh sinh.
Nhưng cuộc đời là vậy. Hôm nay chắc chắn như xi măng, ngày
mai có thể vỡ tan như cát vụn; sức mạnh chỉ là ảo tưởng; niềm tin chỉ là con số
không. Rồi thì sao? Cái thế giới huy hoàng một thời của cậu trở nên lạnh giá,
sương mù ẩm ướt. Cuộc sống là như vậy, một trật tự mới. Johnny không còn điều
gì để bám víu ngoài chính bản thân mình, và đó là lẽ sống cậu tự định đoạt
trong đầu - đường đi, chọn lựa, và không quay lưng trở lại.
Cậu ngắm nhìn kỹ những tấm hình của bố: một tấm chụp ông đứng
đằng sau chiếc bánh xe tải, đeo kính râm và mỉm cười; một tấm chụp cảnh ông đứng
rón rén trên nóc nhà, cái túi da đựng kìm, búa, đinh đeo thõng xuống một bên
hông. Vóc dáng của ông tráng kiện: bờ vai lực lưỡng, ria mép đen thẫm. Johnny
quan sát tìm xem có điểm nào giống bố không, nhưng trông cậu quá mong manh, làn
da lại quá mỏng. Cậu không có vẻ ngoài mạnh mẽ, nhưng nó chỉ là những gì trên bề
mặt.
Cậu là người mạnh mẽ.
Rồi tự nhắn nhủ mình: Mình sẽ mạnh mẽ.
Có nhiều điều khó biểu lộ, cho nên cậu không nói. Cậu làm
ngơ giọng nói nho nhỏ trong tiềm thức, tiếng nói của một đứa trẻ. Cậu nghiến chặt
xương hàm và sờ những tấm ảnh lần chót; sau đó nhắm nghiền mắt lại, và khi cậu
mở bừng đôi mắt, cảm xúc bỗng dưng biến mất.
Cậu không còn cô độc nữa.
Trong chiếc vali đựng tất cả những gì Alyssa mong nhớ nhất,
những món mà cô bé sẽ muốn có chúng khi trở về nhà. Cậu bắt đầu mang chúng ra:
nhật ký của cô, chưa hề đọc; hai con thú bông mà cô luôn mang bên mình; ba cuốn
album ảnh; sổ học bạ; những CD cô yêu thích; một cái hộp nhỏ đựng những bài kiểm
tra cô được điểm cao trong lớp mà cô lưu giữ chúng như báu vật.
Hơn một lần mẹ cậu hỏi về những đồ vật đựng trong vali,
nhưng Johnny thừa khôn ngoan để không hề tiết lộ. Nếu bà ấy trộn nhầm thuốc và
uống thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Bà sẽ vứt chúng đi hoặc thiêu đốt chúng ở
vườn sau nhà, đứng giữa trời như con ma trơi hoặc gào thét nói lên sự đau khổ của
bà như thế nào mỗi khi nhớ về đứa con gái. Đó là những gì đã xảy ra với các tấm
hình của bố cậu và những đồ vật nhỏ bé, linh thiêng một thời chất chứa đầy
trong phòng em gái cậu. Chúng đã lụi tàn trong màn đêm hoặc biến thành tro bụi
trong bão lửa khi mẹ cậu lên cơn thịnh nộ.
Dưới đáy vali là một tập bìa cứng màu xanh. Bên trong bìa cứng
là một xấp bản đồ và một tấm ảnh Alyssa cỡ 8x10 cm. Johnny để bức ảnh qua một
bên và giở tung những tấm bản đồ. Một bản đồ tỷ lệ lớn, trong đó vẽ vị trí quận
hạt nằm trải rộng bên trong vùng viễn đông Bắc Carolina, không hẳn nằm trong
các cồn cát, ở Piedmond hoặc vùng đầm lầy; mất hai tiếng đồng hồ đi từ Raleigh,
và có lẽ cách bờ biển khoảng một giờ đồng hồ. Vùng phía bắc của quận hạt hầu hết
đều là đồng quê: rừng, đầm lầy và rặng đá granite dài ba mươi dặm, nơi đây một
thời người ta đã đào hầm sâu vào lòng đất để tìm vàng. Một dòng sông chảy xuống
từ phía bắc chia đôi quận hạt, chỉ cách thị xã vài dặm đường. Phía tây là vùng
đất thịt đen, rất tốt cho việc trồng nho và dựng nông trại, phía đông là những
đồi cát với một chuỗi những sân gôn sang trọng, và xa hơn nữa là hàng loạt những
thị xã nhỏ bé, nghèo khó vất vả mưu sinh hàng ngày. Johnny đã từng đến vài nơi ở
vùng đất nghèo đó, cậu nhớ cỏ dại mọc cả trên rãnh nước, nhiều cửa hiệu và nhà
máy đóng cửa không còn hoạt động, những người đàn ông gầy yếu ngồi dưới bóng
cây uống những chai nước to đựng trong các túi giấy màu nâu. Đi quá những thị
trấn hoang tàn khoảng năm mươi dặm sẽ đến Wilmington và bờ biển Đại Tây Dương.
Bang Nam Carolina lại là một vùng đất xa lạ ở đâu đâu vượt ra ngoài tấm bản đồ.
Johnny xếp tờ bản đồ lớn vào trong tập bìa. Những tấm bản đồ
còn lại vẽ chi tiết đường phố trong thị xã. Mực đỏ đánh dấu số nhà trên đường,
các dấu X nhỏ đánh dấu những địa chỉ riêng biệt. Những dòng ghi chú viết tay ở
góc bìa tờ bản đồ. Một số khu phố hoàn toàn chưa ghi chép gì; một số trong đó bị
gạch chéo như những vùng đất cấm lai vãng. Cậu nhìn kỹ khu vực phía tây thị xã,
thắc mắc không biết khu vực mà Jack đề cập đến là khu nào. Cậu phải hỏi lại
Jack. Sau này.
Johnny nghiên cứu bản đồ thêm vài giây nữa, rồi xếp nó lại đặt
qua một bên. Những thứ liên quan đến Alyssa được bỏ gọn vào vali, chiếc vali được
cất xuống gầm giường. Cậu nhặt tấm ảnh lớn lên và nhét một cây bút mực đỏ vào
trong túi. Cậu vừa đi ra phía ngoài cửa chính và định khóa trái cửa thì một chiếc
xe bán tải rẽ vào con đường xi măng dẫn vào nhà. Sơn xe loang lổ đầy trên nóc tạo
thành những mảng to bé bừa bãi; thành xe phía trước bên phải bị móp méo, sét rỉ.
Chiếc xe trườn vào con đường dẫn vào nhà, động cơ co giật, và linh tính Johnny
báo trước có chuyện chẳng lành. Cậu quay người lại, cuộn tròn tấm bản đồ và
nhét nó vào trong túi cùng cây bút đỏ. Cậu giữ tấm ảnh trên tay để nó không bị
nhàu nát. Khi chiếc xe dừng hẳn, Johnny thấy một vệt xanh chói sáng qua lớp
kính; sau đó cửa kính hạ xuống. Khuôn mặt người bên trong xe xanh xao và húp
híp.
- Lên đi, - người đàn ông giục.
Johnny bước xuống bậc rồi phóng nhanh qua những mảng cỏ và cỏ
dại. Cậu dừng ngay tại bờ kè đường xi măng dẫn vào nhà.
- Steve, ông làm gì ở đây vậy?
- Chú Steve.
- Ông mà chú cháu với tôi cái gì.
Cửa xe kẽo kẹt mở bật ra, người đàn ông bước xuống. Ông ta mặc
bộ áo liền quần màu xanh, trên cầu vai có đeo huy hiệu màu vàng. Thắt lưng to
dày màu đen tuyền.
- Tôi là anh em họ với bố cậu, là họ hàng thân thuộc của
nhau. Hơn nữa, cậu đã từng gọi tôi là chú Steve khi cậu lên ba.
- Chú có nghĩa là thân tộc, và điều đó có nghĩa chúng ta phải
giúp đỡ lẫn nhau. Tôi không gặp ông sáu tuần lễ nay, và tính cả tháng trước đó.
Ông trốn biến đâu mất tiêu vậy?
Steve móc hai ngón cái vào thắt lưng làm cho sợi dây to cứng
kia cọ quẹt kẽo kẹt.
- Mẹ cậu dạo này qua lại với những người giàu có đấy Johnny.
Của trên trời rơi xuống.
Ông ta vẫy một tay.
- Nhà ở miễn phí. Không phải làm việc. Quá đã con trai ơi,
tôi không thể làm gì hơn để giúp bà ấy trong khi bạn trai bà ấy có thể làm hơn
tôi gấp ngàn lần. Ông ta làm chủ thương xá, rạp ciné. Ông ta làm chủ cả một nửa
cái thị trấn này rồi, lạy Chúa. Ông ta đâu cần những người như tôi đây đứng làm
kỳ đà cản mũi.
- Kỳ đà cản mũi? - Johnny không tin những điều chính tai
mình nghe.
- Không phải...
- Ông sợ ông ta thì có, - Johnny nói với giọng khinh miệt.
- Ông ta ký tên vào chi phiếu trả lương cho tôi và khoảng bốn
trăm gã khác. Nếu ông ấy bạc đãi mẹ cậu, hoặc làm những gì tương tự như vậy, nó
là một chuyện. Nhưng ông ấy đang giúp bà ta. Có đúng thế không? Nếu đúng vậy thì
tại sao tôi lại làm kỳ đà cản mũi. Bố của cậu hiểu điều này mà.
Johnny quay mặt đi chỗ khác.
- Không phải ông đang trễ giờ làm việc ở thương xá à?
- Đúng rồi. Lên xe mau đi.
Johnny không nhúc nhích.
- Ông đến đây làm gì vậy ông Steve?
- Mẹ cậu gọi điện thoại và hỏi liệu tôi có thể giúp chở cậu
đi học không. Bà ấy nói cậu nhỡ xe bus.
- Tôi sẽ không đi học.
- Cậu phải đi học.
- Không tôi không đi đâu cả.
- Lạy chúa, Johnny. Tại sao cậu cứ phải làm cho tất cả mọi
chuyện trở nên quá khó khăn vậy? Hãy lên xe đi.
- Sao ông không nói với bà ấy là ông đã đón tôi đi và làm lơ
luôn chuyện này?
- Tôi đã nói với bà ấy tôi sẽ đón cậu, cho nên tôi phải đón
cậu. Tôi sẽ không đi đâu cho đến khi cậu lên xe. Tôi sẽ bắt cậu nếu tôi buộc phải
làm như vậy.
Johnny chùng giọng.
- Ông đâu phải cảnh sát. Ông chỉ là nhân viên an ninh. Ông
đâu được phép bắt tôi làm bất cứ điều gì.
- Dẹp chuyện này đi, - Steve nói. - Cậu hãy chờ ngay tại
đây.
Ông ta bực tức lách người khỏi Johnny và tiếng kêu của kim
loại va chạm phát ra từ thắt lưng ông. Đồng phục của ông ta ủi hồ thẳng nếp và
từ hai bên đùi chúng phát ra âm thanh sột soạt.
- Ông đang toan tính chuyện gì vậy?
- Nói chuyện với mẹ cậu.
- Bà ấy đang ngủ, - Johnny nói.
- Tôi sẽ đánh thức bà ta. Đừng có đi đâu. Tôi nói thật.
Ông ta đi vào bên trong, căn nhà nhỏ bé hăng hắc mùi bia rượu
đổ và xà phòng lau nhà. Johnny nhìn dõi theo cánh cửa đã đóng hẳn, rồi liếc qua
chiếc xe đạp. Cậu có thể phóng lên và biến mất trước khi chú Steve trở ra,
nhưng điều này không nên với kẻ trượng phu. Sau đó Johnny lôi tấm bản đồ ra khỏi
túi, vuốt nó thẳng ra trên ngực áo. Cậu hít một hơi thở tự tin, đi vào bên
trong nhà, sẵn sàng đương đầu với vấn đề.
Trong nhà yên lặng như tờ, đèn vẫn tối mù. Johnny rẽ vào
hành lang ngắn và dừng lại. Cửa phòng mẹ cậu mở to, Steve đứng trước cửa, không
nhúc nhích. Johnny nhìn thoáng vài giây đồng hồ, nhưng Steve không nói cũng
không có động tĩnh gì. Khi Johnny đến gần hơn, cậu có thể trông thấy một khoảng
không gian trống trong phòng ngủ mẹ cậu. Bà vẫn ngủ, nằm ngửa, một tay vắt
ngang che hai mắt. Cái chăn đắp kéo tụt xuống tận bụng, và Johnny thấy mẹ mình
không mảnh vải che thân, nằm bất động, còn Steve thì đứng chết trân ngắm nhìn.
Sau đó Johnny hiểu ra.
- Thế này là thế nào?
Sau đó lớn tiếng hơn:
- Thế này là thế nào ông Steve?
Steve lúng túng trong tội lỗi. Ông ta đưa tay lên, những
ngón tay xua ra.
- Không phải như cậu nghĩ đâu.
Nhưng Johnny dường như không nghe điều gì cả. Cậu bước năm
bước nhanh chóng và kéo sập cửa phòng mẹ lại. Bà ấy không hề cựa mình. Johnny
xoay lưng về phía cánh cửa, cậu cảm thấy lửa bốc ngùn ngụt lên hai mắt.
- Steve, ông là kẻ bệnh hoạn! Bà ấy là mẹ tôi. - Johnny đảo
mắt nhìn quanh như thể đang tìm kiếm một cây gậy hoặc khúc chày vồ, nhưng không
tìm thấy gì. - Ông bị làm sao vậy hả?
Đôi mắt Steve phát một dấu hiệu chống chế hiếm thấy.
- Tôi chỉ mới mở cửa. Tôi có chủ ý gì đâu. Tôi thề trước thượng
đế đấy, Johnny! Tôi không phải hạng người như vậy. Tôi thề đó. Giơ tay lên trước
Chúa.
Một lớp mồ hôi nhễ nhãi bóng láng trên da mặt Steve. Gã quá
sợ hãi, trông thật thảm hại và tội nghiệp. Johnny chỉ muốn phóng cho ông ta một
cước vào hạ bộ. Cậu chỉ muốn vật gã xuống sàn nhà, lấy đoạn ống nước cất giấu
dưới gầm giường đánh cho hạ bộ của gã dập nát. Nhưng cậu nghĩ đến bức ảnh của
em gái Alyssa và những việc cần phải làm. Và những gì cậu đã tích lũy được
trong suốt một năm qua. Cậu học được điều cần thiết phải xếp hạng cảm xúc ưu
tiên của mình. Giọng nói của cậu trở nên lạnh lùng và điềm đạm. Cậu còn có việc
phải làm, và gã Steve sẽ phải giúp cậu.
- Chú nói với bà ấy chú đã chở cháu đến trường học. - Johnny gật gù bước đến gần hơn. - Nếu mẹ cháu
có hỏi, chú chỉ nói bao nhiêu đó.
- Và cháu sẽ không làm lớn chuyện này?
- Không, nếu chú làm đúng những gì cháu yêu cầu.
- Thề nhé?
- Đi đi chú Steve. Hãy đi làm đi.
Steve biến ra khỏi nhà, hai tay vẫn giơ lên.
- Tôi không có ý gì khác thật mà.
Nhưng Johnny cũng không có gì khác để nói. Cậu đóng cửa lại,
trải tờ bản đồ trên mặt bàn nhà bếp. Cây bút đỏ trơn tuột giữa các ngón tay. Cậu
vuốt bàn tay trên tờ giấy co nhàu, sau đó hướng ngón tay về khu phố mà cậu điều
nghiên trong suốt ba tuần qua.
Cậu chọn ngẫu nhiên một con đường.
-----------
Còn tiếp.
-----------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét