Thứ Năm, 4 tháng 1, 2018

Người Đàn Ông Mang Tên Ove - Chương 1&2

Người Đàn Ông Mang Tên Ove

Tác giả: Fredrik Backman
Người dịch: Hoàng Anh
Nhà xuất bản Trẻ - Phát hành 8-2017

Giới thiệu

Người Đàn Ông Mang Tên Ove là cuốn sách về tình yêu thương giữa những người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng và về những giá trị đã được xác lập mà Ove, đơn giản là người duy trì những giá trị đó.
Người Đàn Ông Mang Tên Ove thu hút độc giả không từ những châm biếm mà từ câu chuyện yêu thương lấp lánh bên trong. Đằng sau ông Ove với vẻ bề ngoài vụng về, nguyên tắc, dửng dưng, hay cáu gắt và có những lời lẽ dễ tổn thương là một trái tim ấm áp, không chấp nhận đầu hàng trước những bất công đè xuống cuộc đời vợ chồng ông, không bao giờ đứng yên cam chịu những kẻ yếu thế bị bắt nạt.
Người Đàn Ông Mang Tên Ove năm nay năm mươi chín tuổi. Ông là kiểu người hay chỉ thẳng mặt những kẻ mà ông không ưa như thể họ là bọn ăn trộm và ngón trỏ của ông là cây đèn pin của cảnh sát. Ove tin tất cả những người ở nơi ông sống đều kém cỏi, ngu dốt và không đáng làm hàng xóm của ông. Ove nguyên tắc, cứng nhắc, cấm cảu và cay nghiệt.
Người Đàn Ông Mang Tên Ove lên kế hoạch tự tử. Nhưng những nỗ lực của ông liên tiếp bị phá đám. Bắt đầu từ việc một buổi sáng, một cặp đôi trẻ trung hay chuyện với hai đứa con cũng hay chuyện không kém chuyển đến gần nhà Ove và vô tình lùi xe đâm sầm vào tường nhà ông. Rồi đến con mèo hoang nhếch nhác, tình bạn không ngờ… cuộc sống của ông già mang tên Ove thay đổi hoàn toàn.
Người Đàn Ông Mang Tên Ove là cú tát vào thế hệ smartphone, phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, tôn sùng chủ nghĩa tiêu dùng đến mức mất đi những kỹ năng cơ bản.
Mang chất trào lộng duyên dáng kiểu Bắc Âu nhưng cũng tràn đầy tính nhân văn, Người Đàn Ông Mang Tên Ove là cuốn sách văn học hay trở thành một hiện tượng toàn cầu với gần 3 triệu bản in được bán ra, và được dịch sang 40 ngôn ngữ.

1

MUA MỘT CHIẾC MÁY TÍNH KHÔNG PHẢI MÁY TÍNH

Ove năm mươi chín tuổi. Ông lái một chiếc Saab. Ông là kiểu người hay chỉ thẳng mặt những kẻ mà ông không ưa như thể họ là bọn ăn trộm và ngón trỏ của ông là cây đèn pin của cảnh sát. Lúc này ông đang đứng tại quầy của một cửa hàng, nơi những kẻ lái ô tô Nhật tới mua mấy sợi dây cáp màu trắng. Ông nhìn chăm chú vào cậu nhân viên bán hàng một hồi, trước khi lắc lắc một cái hộp cỡ vừa màu trắng trước mặt cậu ta.
- Này cậu, đây chính là cái O-pad á hả? - Ông hỏi.
Cậu nhân viên bán hàng gầy nhom dường như đang rất vất vả cưỡng lại khao khát giật cái hộp ra khỏi tay ông Ove.
- Dạ, vâng ạ. Một cái iPad. Bác có thể ngừng lắc nó như vậy được không...
Ông Ove ngờ vực liếc nhìn cái hộp, như thể nó là một nhân vật mờ ám mặc quần túi hộp cưỡi xe tay ga, leo lẻo gọi ông là “ông bạn” và tìm cách gạ bán cho ông một cái đồng hồ đểu.
- Hiểu rồi. Vậy nó là một cái máy tính, đúng không?
Cậu nhân viên gật đầu, nhưng rồi ngập ngừng và lắc đầu lia lịa.
- Dạ… ý cháu muốn nói… nó là một cái iPad. Người ta gọi nó là “máy tính bảng”, cũng có người gọi nó là “thiết bị di động”. Tùy theo cách nhìn nhận nó…
Ông Ove nhìn cậu nhân viên như thể cậu ta vừa nói tiếng người ngoài hành tinh. Ông lại lắc lắc cái hộp.
- Nhưng cái này có tốt không?
Cậu nhân viên bối rối gật đầu:
- Dạ tốt. Nhưng mà… ý bác là tốt thế nào ạ?
Ông Ove thở dài và bắt đầu nói thật chậm rãi, rành mạch từng chữ, như thể vấn đề duy nhất ở đây là cậu ta bị nặng tai.
- Nó. Có. Tốt. Không? Nó có phải là một cái máy tính tốt hay không?
Cậu nhân viên gãi cằm.
- Ơ… có… nó rất tốt. Nhưng cũng còn tùy thuộc loại máy tính mà bác cần.
Ông Ove quắc mắt.
- Tôi muốn một cái máy tính! Một cái máy tính thông thường!
Im lặng bao trùm hai người đàn ông một lúc. Cậu nhân viên bán hàng hắng giọng.
- Dạ… cái này không hẳn là một chiếc máy tính thông thường. Có lẽ bác muốn một cái…
Cậu ta ngừng lời, có lẽ để tìm một từ nằm trong tầm hiểu biết của người khách lớn tuổi. Rồi cậu đằng hắng lần nữa và nói nốt:
- … Một cái máy tính xách tay chăng?
Ove lắc đầu. Ông tì người lên mặt quầy một cách đe dọa.
- Không, tôi không muốn một cái máy tính xách tay. Tôi muốn một cái máy tính.
Cậu nhân viên gật đầu trấn an.
- Máy tính xách tay cũng là máy tính bác ạ.
Chạm tự ái, ông Ove quắc mắt nhìn cậu nhân viên và nhấn ngón tay trỏ xuống mặt quầy.
- Cậu coi thường tôi hả? Tôi biết quá đi chứ!
Lại một sự im lặng khác, giống như khi hai kẻ thách đấu chợt nhận ra họ quên đem theo súng lục. Ông Ove nhìn cái hộp hồi lâu, tựa như đang chờ nghe lời thú tội của nó.
- Kéo bàn phím ra ở chỗ nào nhỉ? - Cuối cùng ông lẩm bẩm.
Cậu nhân viên bán hàng chùi bàn tay vào mép quầy và sốt ruột đổi chân, hành vi mà những chàng trai làm việc trong các cửa hàng bán lẻ thường làm khi họ nhận ra một khách hàng cần nhiều thời gian hơn hẳn so với hi vọng ban đầu của họ.
- Dạ, cái này không có bàn phím ạ.
Ove nhướng mày.
- Ờ, phải rồi. - Ông nói. - Bởi vì tôi sẽ phải mua thêm bàn phím, đúng không?
- Dạ không. Ý của cháu là cái thiết bị này không có bàn phím rời. Bác điều khiển mọi thứ trên màn hình.
Ông Ove lắc đầu không tin, như thể vừa chứng kiến cậu nhân viên đi vòng ra phía trước quầy hàng và liếm vào mặt kính.
- Nhưng tôi phải có một cái bàn phím. Cậu có hiểu không?
Cậu thanh niên thở dài đánh sượt một cái. Dường như cậu ta đang kiên nhẫn đếm thầm từ một đến mười.
- Dạ rồi… Cháu hiểu rồi. Trong trường hợp đó, cháu nghĩ bác không nên chọn cái này. Bác nên mua một cái MacBook.
- Một cái MacBook à? - Ông Ove tỏ ra đăm chiêu. - Có phải nó là một cái thiết bị đọc sách điện tử đang làm mọi người xôn xao không?
- Không ạ. MacBook là một… nó là một cái máy tính xách tay và có bàn phím.
- Được rồi! - Ông Ove rít lên. - Vậy nó có tốt không?
Cậu nhân viên bán hàng cụp mắt nhìn xuống quầy, cố nén khao khát vò đầu bứt tóc. Bỗng mặt cậu sáng bừng, một nụ cười tươi tắn vụt xuất hiện.
- Bác này, để cháu xem anh bạn đồng nghiệp tiếp khách hàng xong chưa, anh ấy sẽ thử máy cho bác.
Ông Ove xem giờ và miễn cưỡng đồng ý, không quên nhắc cho cậu ta nhớ rằng một số khách hàng có nhiều chuyện hay ho hơn để làm thay vì đứng chờ cả ngày. Cậu nhân viên nhanh chóng gật đầu rồi biến mất và quay lại ngay sau đó cùng với một đồng nghiệp. Anh chàng đồng nghiệp này trông rất tươi tỉnh, kiểu tươi tỉnh của những người làm công việc bán hàng chưa lâu.
- Xin chào, ông cần hỗ trợ gì thế ạ?
Ông Ove chọc chọc ngón tay trỏ kiêm đèn pin cảnh sát xuống mặt quầy.
- Tôi muốn một chiếc máy tính!
Anh chàng kém vui hẳn đi. Anh ta liếc cậu đồng nghiệp với một ánh mắt mang hình viên đạn. Cậu ta thì thầm đáp lại:
- Em chịu hết nổi rồi. Em đi ăn trưa đây.
- Ăn trưa? Thời nay bọn trẻ chỉ nghĩ tới mỗi chuyện đó thôi. - Ông Ove lẩm bẩm.
- Sao ạ? - Anh chàng đồng nghiệp quay lại hỏi ông Ove.
- Ă-n-t-r-ư-a! - Ông dài giọng.

2

(BA TUẦN TRƯỚC ĐÓ)
ĐI TUẦN TRA KHU PHỐ

Ông Ove và con mèo chạm mặt nhau lần đầu tiên lúc sáu giờ kém năm phút sáng. Con vật lập tức không ưa ông. Ông cũng chẳng ưa gì nó.
Như thường lệ, Ove thức giấc mười phút trước đó. Ông không thể hiểu nổi làm sao người ta có thể ngủ quên rồi đổ lỗi cho đồng hồ báo thức không đổ chuông. Suốt cả đời mình, ông chưa bao giờ cần một cái đồng hồ báo thức nào. Ông luôn mở mắt lúc sáu giờ kém mười lăm phút và ngồi dậy luôn.
Gần bốn mươi năm chung sống trong ngôi nhà này, sáng nào cũng vậy, ông bật máy pha cà phê, sử dụng cùng một lượng cà phê như mọi buổi sáng, rồi cùng vợ uống mỗi người một tách. Một liều cho mỗi tách, và thêm một liều để tráng máy, không nhiều hơn cũng không ít hơn. Ngày nay người ta không còn biết cách pha cà phê đúng điệu nữa. Cũng giống như không còn ai viết tay nữa. Bởi vì họ đã có máy tính và máy espresso. Thế giới sẽ đi về đâu khi người ta không thể viết lách và pha cà phê đúng điệu?
Trong thời gian chờ cà phê, ông Ove mặc quần dài, khoác áo gió màu xanh biển rồi xỏ chân vào đôi giày gỗ. Tay đút túi quần đúng kiểu một ông già chờ đợi cái thế giới yếu kém ngoài kia làm mình thất vọng, ông bắt đầu chuyến tuần tra buổi sáng. Những ngôi nhà có sân vườn xung quanh ông chìm trong bóng tối và sự im lặng. Tịnh không một bóng người. Cũng chẳng lạ, ông Ove nghĩ bụng. Trên con phố này, không ai mất công thức dậy sớm hơn bắt buộc. Ngày nay chỉ có những người lao động tự do và các thành phần dở hơi sống ở đây.
Con mèo với bộ mặt uể oải ngồi chễm chệ trên lối đi dạo giữa hai dãy nhà. Nó bị cụt mất nửa cái đuôi và chỉ còn một tai. Bộ lông của nó trụi lủi nhiều nơi như thể bị người nào đó túm lấy mà giật. Một con mèo không lấy gì làm ấn tượng.
Ông Ove giậm chân bước tới. Con mèo đứng dậy. Ông dừng lại. Họ đứng đó gườm gườm nhau một lúc, tựa như hai gã giang hồ trong một tửu quán tỉnh lẻ. Ông cân nhắc việc ném một chiếc giày gỗ vào con mèo. Con mèo có vẻ tiếc nuối vì đã không mang theo giày gỗ để có cái ném ông.
- Xùy! - Ông đột ngột kêu lên, làm con mèo nhảy dựng.
Con mèo nhanh chóng đánh giá ông già năm mươi chín tuổi đi giày gỗ rồi ngoảy đít, ung dung bỏ đi. Ove dám thề là nó vừa đi vừa đảo mắt chế nhạo mình.
Đồ quỷ sứ, ông rủa thầm và nhìn đồng hồ. Còn hai phút nữa tới sáu giờ. Phải lên đường thôi, nếu không con mèo mất nết đó sẽ được dịp hí hửng vì trì hoãn thành công chuyến tuần tra của ông. Lẽ ra nó phải suôn sẻ.
Ông bắt đầu đi dọc theo con đường nằm giữa hai dãy nhà. Dừng chân trước một biển cấm chạy xe vào khu vực dân cư, ông đá một cú vào cái trụ bằng sắt của nó. Không phải để dựng ngay tấm biển lại, mà để kiểm tra độ chắc chắn của nó. Ông là kiểu người hay kiểm tra tình hình của mọi thứ bằng những cú đá.
Ông băng qua bãi đỗ xe và rảo quanh các nhà để xe để bảo đảm không có nhà nào bị trộm đột nhập trong đêm hoặc bị bọn phá hoại phóng hỏa. Những chuyện như vậy chưa bao giờ xảy ra tại đây, nhưng ông cũng chưa bao giờ bỏ tuần tra một ngày nào. Ông lay thử tay nắm cửa ga ra của mình ba lần, nơi ông đỗ chiếc Saab. Cũng giống như mọi buổi sáng.
Sau đó, Ove đảo qua khu vực đỗ xe của khách, nơi những chiếc xe chỉ được đỗ lại tối đa hai mươi bốn giờ. Ông cẩn thận ghi các số xe vào cuốn sổ nhỏ bỏ trong túi áo, rồi đối chiếu với danh sách ghi được hôm qua. Nếu có số xe nào bị trùng lặp, Ove sẽ về nhà gọi cho Sở quản lý phương tiện để tìm ra chủ nhân của chiếc xe, sau đó ông gọi cho người này và bảo anh ta là đồ vô dụng không biết đọc biển báo. Ông không thèm quan tâm ai là người đỗ xe trong khu vực dành cho khách vãng lai, tất nhiên rồi. Nhưng đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc. Nếu tấm biển quy định hai mươi bốn giờ, thì đó là thời hạn tối đa họ được phép đỗ xe. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như mọi người cứ đỗ xe lung tung tùy theo ý thích? Hỗn loạn sẽ xảy ra. Ô tô sẽ đỗ tràn lan khắp nơi.
Ngày hôm nay, ơn trời, không có chiếc xe nào đỗ sai quy định cả, và Ove có thể chuyển sang khu vực đi tuần tra tiếp theo: Khu vực gom rác. Không phải vì đó là phận sự của ông, đương nhiên rồi. Ông đã nhất quyết chống lại ý tưởng phân loại rác sinh hoạt mà mấy người hàng xóm mới đến đã biểu quyết áp đảo để thông qua. Nhưng một khi quy định phân loại rác đã được ban hành, ai đó phải bảo đảm chúng được thực thi. Không phải ông được người ta yêu cầu làm điều này, nhưng nếu như những người như ông không tự động kiểm tra, mọi chuyện sẽ bung bét hết. Túi rác sẽ nằm lăn lóc khắp nơi trong khu gom rác.
Ông đá mấy cái thùng rác, rủa sả vài câu, rồi moi một cái hũ từ trong thùng đựng rác thủy tinh tái chế ra, lầm bầm chửi “đồ lười biếng” trong lúc mở nắp hũ. Ông bỏ cái hũ trở lại thùng rác thủy tinh, và quăng cái nắp bằng kim loại vào trong thùng rác kim loại.
Hồi còn là tổ trưởng tổ dân phố, Ove đã tích cực vận động việc lắp đặt camera giám sát để mọi người có thể theo dõi và ngăn chặn những kẻ đổ rác bừa bãi. Nhưng đề nghị đó đã không được biểu quyết thông qua, trong sự bực bội của ông. Những người hàng xóm cảm thấy “không thoải mái” về chuyện đó, ngoài ra họ còn cho rằng lưu trữ các đoạn băng video giám sát là một vấn đề đau đầu. Thế đấy, mặc dù ông đã nhắc đi nhắc lại rằng những người “không làm gì sai” thì chẳng việc gì phải sợ “sự thật”.
Hai năm sau, khi Ove không còn được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố nữa (một sự lật lọng mà ông xem như một “cuộc lật đổ”), vấn đề lại được đặt ra. Ban điều hành mới giải thích với các cư dân một cách hùng hồn rằng có một loại camera tối tân được kích hoạt bằng cảm ứng chuyển động sẽ phát trực tiếp hình ảnh giám sát trên Internet. Với sự giúp sức của một chiếc camera như vậy, người ta có thể giám sát không chỉ khu vực thu gom rác, mà cả bãi đỗ xe, nhờ đó sẽ ngăn ngừa các vụ phá hoại và đột nhập. Hay hơn nữa, các đoạn phim sẽ tự động bị xóa sau hai mươi bốn giờ, qua đó tránh mọi sự “xâm phạm quyền riêng tư của các cư dân”. Để có thể lắp đặt hệ thống camera này, cần phải có một sự đồng thuận tuyệt đối của mọi người trong khu phố. Nhưng đã có một phiếu chống.
Bởi vì ông Ove không tin vào mạng Internet. Ông cứ thích phát âm nó thành Anh-ẹc-nét, mặc dù vợ ông khăng khăng cho rằng ông phải phát âm là In-tơ-nét mới đúng. Ban điều hành nhanh chóng nhận ra rằng thà ông chết đi còn hơn để cho Internet phơi bày cảnh ông đi đổ rác. Thế là rốt cuộc chẳng có chiếc camera giám sát nào được lắp đặt. Tốt thôi, ông nghĩ bụng. Dù sao thì việc tuần tra hằng ngày cũng hiệu quả hơn nhiều. Ta biết ai làm chuyện gì và ai đang giữ mọi việc trong tầm kiểm soát. Bất cứ người nào có não cũng hiểu được điều đó.
Khi đã kiểm tra xong khu vực gom rác, ông khóa cửa như mọi lần, rồi lay mạnh cánh cửa ba cái để đảm bảo nó đã đóng chặt. Sau đó, ông quay người và nhìn thấy một chiếc xe đạp dựng vào vách tường phía ngoài nhà cất xe đạp. Bất chấp một biển báo to tướng cảnh báo người dân không được để xe đạp bừa bãi. Ngay bên cạnh chiếc xe đạp, một người nào đó đã dán một mẩu giấy viết tay đầy phẫn nộ: “Đây không phải là chỗ để xe đạp! Học cách đọc biển báo đi!”. Ông Ove lầm bầm chửi, rồi mở cửa nhà cất xe đạp, cắp cái xe lên, đặt nó ngay ngắn bên trong, trước khi khóa cửa lại và vặn thử nắm cửa ba lần.
Ông giật tờ giấy viết tay trên tường xuống. Chắc ông phải đề nghị ban điều hành cho dán một biển báo “cấm dán giấy lung tung” trên bức tường này. Ngày nay người ta cứ nghĩ là mình có thể tùy tiện dán thông điệp bất bình của mình mọi nơi mọi chỗ. Đây là bức tường, chứ có phải bảng thông báo đâu?
Ove đi dọc theo con đường nằm giữa hai dãy nhà. Ông dừng lại ở phía ngoài ngôi nhà của mình, khom người trên những viên đá lát đường, và hít hà dọc theo các khe hở.
Nước tiểu. Có mùi nước tiểu.
Cùng với ghi nhận này, ông vào trong nhà, khóa cửa lại, và uống cà phê.
Sau khi xong xuôi, ông hủy thuê bao điện thoại cố định, hủy luôn việc đặt báo dài hạn. Ông sửa lại vòi nước trong buồng tắm. Gắn thêm ốc vít vào tay nắm cửa bếp mở ra hiên nhà. Sắp xếp lại chỗ hòm xiểng trên gác mái. Thu dọn đồ đạc trong lán cất dụng cụ và chuyển những cái lốp xe mùa đông của chiếc Saab sang một chỗ mới. Thế mà cũng gần hết một ngày.
Cuộc sống của ông lẽ ra không như thế này.
Lúc này đang là bốn giờ chiều, một ngày thứ Ba của tháng Mười một. Ông tắt máy sưởi, máy pha cà phê và các bóng đèn trong nhà. Ông đánh bóng lại mặt quầy bằng gỗ trong bếp, bất chấp việc mấy con lừa ở IKEA đã cam đoan rằng việc đó là thừa thãi. Trong nhà của ông, mọi bề mặt gỗ đều được đánh bóng với dầu mỗi sáu tháng một lần, cho dù là cần thiết hay không cần thiết. Bất luận họ nói gì, mấy cô mặc áo thun vàng ở cái cửa hàng đồ nội thất tự phục vụ ấy.
Ông đứng trong phòng khách của ngôi nhà hai tầng có một gác mái lửng và nhìn qua cửa sổ. Tay hàng xóm bốn mươi tuổi râu ria lởm chởm phía bên kia đường đang chạy bộ ngang qua. Hình như tên anh ta là Anders. Một người mới đến, và có lẽ sẽ không sống ở đây quá bốn, năm năm. Thế mà anh ta đã xoay xở thế nào để lọt được vào ban điều hành tổ dân phố. Một con rắn. Anders tưởng cả con phố này là của mình. Dọn về đây sau khi ly dị, hình như thế, và trả một mức giá cao hơn hẳn so với thị trường. Điển hình của bọn đểu giả, chúng kéo đến đây và đẩy giá nhà lên cao quá tầm với của những người lương thiện. Như thể đây là một khu phố nhà giàu vậy. Lại còn đi xe Audi nữa chứ. Ông biết quá mà. Bọn lao động tự do hay tương tự đều đi xe Audi cả. Ove nhét hai tay vào túi quần. Ông đá vào ven tường. Ngôi nhà này hơi quá lớn đối với vợ chồng ông, phải thừa nhận điều đó. Nhưng nó đã được thanh toán xong. Vợ chồng ông không còn nợ lại một xu nào nữa. Đâu như cái gã đỏm dáng kìa, chắc chắn rồi. Ngày nay ai cũng nợ nần, mọi người thừa biết điều đó. Ông đã trả hết nợ, hoàn thành nghĩa vụ, và đi làm không nghỉ ốm một ngày nào. Ông đã đóng góp và nhận một số trách nhiệm. Không ai làm như vậy nữa. Giờ đây cái gì cũng máy vi tính, cái gì cũng cần đến chuyên gia tư vấn, các quan chức địa phương thì gái gú và chấm mút trong các dự án bất động sản. Mọi người chỉ muốn trốn thuế và chơi cổ phiếu. Không ai muốn làm việc. Một đất nước toàn những kẻ chỉ muốn ăn chơi suốt ngày.
“Ông nghỉ ngơi một chút cũng tốt mà!”. Hôm qua người ta đã nói với ông Ove như thế ở chỗ làm. Họ cũng giải thích rằng tình trạng thiếu việc buộc họ phải “cho thế hệ lớn tuổi nghỉ hưu”. Một phần ba thế kỷ trung thành với một chỗ làm, để rồi ông nhận được những lời như thế. Bỗng dưng ông là cả một “thế hệ”. Bởi vì ngày nay mọi người đều ba mươi mốt tuổi, diện quần ôm sát và không còn uống thứ cà phê thực sự nữa. Nhận trách nhiệm càng không. Một đám đàn ông râu ria tỉa tót, thay đổi công việc, vợ và ô tô tùy theo ý thích. Thế đấy.
Ove bực bội nhìn tay hàng xóm đang chạy bộ. Không phải việc chạy bộ làm ông tức mình. Không hề. Người ta có chạy bộ hay không ông mặc kệ. Điều ông không thể hiểu là tại sao họ cứ làm quá nó lên. Vừa chạy vừa nở nụ cười tự mãn trên khuôn mặt, như thể họ đang chữa bệnh khí phế thũng. Bọn họ chẳng qua chỉ là đi bộ nhanh hoặc chạy chậm. Cái gã đàn ông bốn mươi tuổi kia đang nói với mọi người rằng anh ta cóc cần hoàn thành bất cứ thứ gì hữu ích. Ngoài ra, có cần phải ăn mặc như một vận động viên thể dục mười bốn tuổi người Rumani để làm chuyện đó hay không? Ăn mặc như vận động viên chỉ để chạy loanh quanh khu nhà bốn mươi lăm phút sao?
Anders còn có một cô bồ trẻ hơn anh ta những mười tuổi, Ove gọi cô ta là cây sậy tóc vàng. Khi ông trông thấy cô ta lênh khênh bước đi trên đôi giày cao gót như đi cà kheo, khuôn mặt bôi trát như hề và đeo cặp kính râm to như cái mâm, ông đã nghĩ đến một con gấu trúc say rượu. Cô ta cũng dắt theo một con thú cưng bé như cái xắc tay, nó chạy lon ton khắp nơi và tè vào những viên đá lát đường ở trước cửa nhà ông. Cô ta tưởng ông không nhận thấy, nhưng có chuyện gì qua được mắt ông kia chứ.
Cuộc đời ông đáng lẽ không như thế này. Tuyệt đối không.
“Với ông nghỉ ngơi một chút cũng tốt mà!”. Hôm qua người ta đã nói với ông như thế ở chỗ làm. Và giờ thì ông đứng đây, bên cạnh quầy bếp bằng gỗ vừa được đánh bóng. Đây lẽ ra không phải là việc ông làm vào chiều ngày thứ Ba.
Qua cửa sổ, ông quan sát ngôi nhà giống y hệt nhà mình ở bên kia đường. Một gia đình có trẻ con vừa mới dọn về đó. Hình như là người nước ngoài. Ông chưa điều tra được họ đi xe hiệu gì. Miễn là không phải Audi, hoặc tệ hơn là xe của Nhật. Ove gật gù như thể vừa nói một điều gì rất tâm đắc, rồi ngước lên nhìn trần phòng khách. Hôm nay ông sẽ gắn một cái móc trên đó. Không phải loại móc vớ vẩn như kiểu làm ăn qua quýt của mấy tay chuyên viên máy tính mặc đồ phi giới tính ngày nay. Cái móc của ông sẽ cứng chắc như đá tảng. Ông sẽ bắt nó vào trần chặt tới nỗi khi ngôi nhà này bị phá hủy thì nó sẽ là thứ còn lại sau cùng.
Chỉ vài ngày nữa, một tay cò nhà đất đeo cái cà vạt to tổ bố sẽ đứng ở ngay chỗ này, khua môi múa mép về “tiềm năng cải tạo” và “hiệu quả không gian”, cũng như sẽ tha hồ bình phẩm về ông. Nhưng gã sẽ không có gì để phàn nàn về cái móc của ông.
Một trong hai cái thùng đồ nghề đa dụng của ông đang nằm trên sàn phòng khách. Vợ chồng ông phân chia các vật dụng trong nhà như thế. Tất cả những thứ vợ ông mua đều mang tính “dễ thương”, hoặc “thân thiện”. Và mọi món đồ mà ông mua đều hữu dụng. Những thứ có công năng. Ông cất chúng trong hai cái thùng khác nhau, một lớn và một nhỏ. Cái đang nằm kia là cái nhỏ. Bên trong chỉ toàn là đinh vít, cờ lê, mỏ lết và những thứ tương tự. Thời buổi này người ta toàn sắm những món đồ vớ vẩn. Cả chục đôi giày trong khi không có cái xỏ giày. Trong nhà họ toàn là lò vi sóng, ti vi màn hình phẳng, nhưng có kề dao vào cổ mà thúc ép thì họ cũng không biết phải bắt loại tắc-kê [Tiếng Pháp: taquet. Còn gọi là vít nở] nào đối với tường bê tông.
Ove có cả một ngăn trong thùng đồ nghề dành cho các loại tắc-kê. Ông đứng đó nhìn như thể chúng là những quân cờ vua. Không cần phải gấp gáp trong việc lựa chọn tắc-kê. Mọi chuyện đâu còn có đó. Mỗi cái tắc-kê là một quy trình, với một mục đích sử dụng riêng. Người ta không còn tôn trọng vai trò của các đồ vật nữa. Mọi thứ chỉ cần trông sạch đẹp trên máy tính là họ vui rồi. Nhưng ông đã làm cái gì thì phải làm cho đúng.
Khi ông đến văn phòng vào ngày thứ Hai, họ bảo rằng họ không muốn thông báo với ông vào thứ Sáu vì sợ “làm hỏng những ngày cuối tuần của ông”.
“Với ông nghỉ ngơi một chút cũng tốt mà!”. Họ đã nói như thế. Nghỉ ngơi á? Họ thì biết gì về việc mở mắt thức dậy sáng thứ Ba và không còn mục đích sống nữa? Với Internet và những tách cà phê espresso của mình, bọn họ có biết thế nào là sống có trách nhiệm hay không?
Ông Ove nhìn lên trần nhà, nheo mắt. Quan trọng là cái móc phải nằm ở chính giữa, ông tự nhủ.
Trong lúc ông đứng đó, miên man suy nghĩ về tầm quan trọng của cái móc, một tiếng động lớn thình lình vang lên, lôi ông về với thực tại. Nó giống như âm thanh được tạo ra khi một anh chàng hậu đậu lui chiếc ô tô Nhật không đúng cách và đâm sầm vào tường nhà ông.
-----------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét