Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Tiền! Niềm vui sướng - P. L. Sulitzer (P I)

Paul Loup Sulitzer

Tiền! Niềm vui sướng 

Người dịch: Phương Hà, Thái Vũ

Phần Một - Một cơn say dữ dội và vui

1

Tôi nghĩ rằng, ta có thể bắt đầu câu chuyện từ sáng 23 tháng Mười Một, vào lúc mười một giờ ba mươi phút, trong ngôi nhà ở đường Old Queen bên rìa công viên St. James thành phố London. Sao lại không? Chính vào lúc đó cuộc chơi bắt đầu. Có lẽ không thật đúng vào lúc mười một giờ ba mươi, mà là mười một giờ ba mươi rồi kéo dài trong năm sáu tiếng đồng hồ sau đó.
Viên cảnh sát từ công viên Scotland tới ngồi trước mặt tôi. Đến bây giờ trong mắt tôi vẫn còn lưu lại đường nét chiếc veston bằng vải tuýt anh ta mặc hôm đó. Anh ta trạc độ bốn mươi, có khuôn mặt người xứ Scotland hung hung, mái tóc dày và xoắn có đường ngôi bên trái kéo dài sang phải bởi một làn sóng có hai chỗ duỗi, tên là Ogilvie hoặc Watts. Anh ta theo dõi những người dọn nhà thuê đang khuân vác đồ đạc.
- Anh rời bỏ căn nhà này?
- Chính nó rời bỏ tôi. Người ta đang lấy lại những thứ tôi chưa trả hết tiền. Tôi chưa trả hết tiền một thứ nào.
Điện thoại, tôi nhấc máy, lại ngân hàng gọi tới: Tấm séc thứ hai đã tới nơi, họ không chịu đựng nổi tình thế này, tôi định làm gì, mấy giờ tôi mới đến gặp họ, không biết rằng càng sớm càng tốt hay sao? Tôi có biết chứng thư kháng nghị là cái gì không? “Tôi sẽ cố đến thật sớm! Bao giờ? - Một giờ nữa!”. Tôi gác máy, thấy cặp mắt màu hạt dẻ đăm chiêu của viên cảnh sát vẫn dán vào tôi. Chắc chắn gã đã nghe hết, đã biết rõ ai gọi tôi, gọi để làm gì, nhưng cứ giả ngây giả điếc như chẳng hay biết gì.
Gã bảo:
- Hay, tôi vừa nảy ra một ý: Có lẽ tốt nhất là anh nên làm lại từng bước một những cái gì anh đã làm đêm hôm đó. Không bắt buộc đâu. Nhưng tranh thủ được thời gian. Và tôi có thể để anh được tự do sớm hơn.
Tôi đứng lên, chân nặng trịch.
- Nào, đi!
Các người dọn nhà thuê đã và đang làm việc rất tốt: Họ bắt đầu từ lầu hai, đã dọn sạch mọi thứ trên đó, lầu một cũng trống trơn, chẳng sót thứ gì. Bây giờ họ đang tấn công vào tầng trệt, mang đi hết, nhẵn nhụi, có mảnh giấy vẽ ngôi nhà ở St. Tropez bằng bút mực.
- Anh bao nhiêu tuổi?
- Hăm mốt. Hai mươi mốt năm, hai tháng và mười bốn ngày.
- Anh thuê căn nhà này từ bao giờ?
- Cách đây hai tháng mười bốn ngày.
- Buổi tối hôm kia là lần đầu tiên?
Tôi nhìn theo bức tranh trong tay một người dọn nhà thuê.
-  Không phải lần đầu.
Giữa lầu một và tầng trệt có vài bậc tam cấp. Chúng tôi trèo lên. Tôi ngoái nhìn lại lần cuối cùng mong trông thấy bức vẽ, nhưng người mang nó đi đã ra tới ngoài phố, tới xe tải.
- Không phải lần đầu, nhưng chắc chắn là lần cuối cùng.
- Đêm ấy anh ăn mừng cái gì là chính?
- Sự phá sản của tôi.
- Chúng tôi lên thang gác lầu một. - Tôi nói. - Tôi ở dưới kia, trong phòng khách bên phải. Trông rõ cô ta trèo lên cầu thang này. Cô dừng lại đứng chỗ này, quay đầu nhìn xuống. Nhìn tôi, giơ tay làm dấu rồi tiếp tục lên gác.
- Có tỏ vẻ gì đặc biệt?
- Không.
- Lúc ấy có đông khách không?
- Tôi mời năm chục. Họ kéo đến gấp ba lần. Như điên.
- Mấy giờ?
- Ba giờ sáng, áng chừng vậy.
Lên tới thềm cầu thang lầu một. Đứng lại. Tôi nói tiếp:
- Sau ba chục, bốn chục phút gì đó. Tôi vẫn ở dưới phòng khách. Cũng muốn lên với cô ấy, nhưng không thể len nổi qua đám đông bạn bè, vả lại ai cũng nhận ra tôi, hỏi han, chèo kéo...
- Nhưng sau đó anh vẫn lên được...?
Chúng tôi lại đi tiếp, cầu thang lầu hai.
- Cuối cùng, tôi lên được.
Một lớp sáng dữ dội lóe lên trong kí ức tôi: Hình ảnh chiếc cầu thang này, bây giờ trống vắng, mất cả đến tấm thảm lót chân nhưng lúc ấy bị biển người cuồng nhiệt lấp kín. Bọn họ bám từng chùm vào các bậc cầu thang, hét tướng khi tôi đi qua: “Chúc mừng phá sản, Franz!”. Hình ảnh tái diễn trong một giây, khoảng đó, có lẽ không đến một giây. Ngay sau đó trước mắt tôi là hình ảnh thực của cầu thang lúc này: Im lìm, vang tiếng, vắng lặng.
- Lúc ấy do đâu anh biết chắc chắn cô ta ở lầu hai, ở đúng chỗ này trong nhà?
- Chỉ một mình cô ấy và tôi có chìa khóa phòng. Tôi đã khóa lại vì có khách.
- Hai người cãi nhau?
- Không. Có sơ sơ.
- Anh biết cô ấy xài ma túy?
Thềm cầu thang lầu hai.
- Có biết.
Chúng tôi đi dọc theo hành lang, đến trước cửa phòng tôi; lúc này mở cửa, lúc ấy thì đóng chặt. Lần thứ hai trí nhớ của tôi lại lóe sáng, lần này có cả âm thanh lẫn hình ảnh, bỗng nhiên tôi thấy lại mình lúc ấy đang cố công vô ích mở cánh cửa, ba mươi hai giờ trước đây.
- Còn anh, tôi muốn nói đến ma túy?
- Không. Không bao giờ?
Tôi đặt chân lên ngưỡng cửa nhưng không thể nào bước qua nổi, đơn giản thế thôi, tôi không bước qua nổi, cổ họng và dạ dày thắt lại.
- Lúc ấy tôi không sao mở được cửa. Cô ấy khóa trái, để chìa trong lỗ khóa.
- Anh đập cửa.
- Tôi đập cửa, thế là lũ ngu xuẩn ở cầu thang cũng thi nhau đập theo tôi, tưởng đó là trò đùa hoặc một...
- Một cuộc cãi lộn giữa đôi bạn tình. - viên cảnh sát nói lạnh như tiền.
Thực ra, tôi cũng đã nghĩ tới những từ đó rất đúng lúc, nhưng nói ra được là chuyện khác.
- Bọn họ làm ầm ĩ xung quanh tôi đến nỗi nếu cô ta có kêu to bên trong tôi cũng không thể nghe thấy.
- Anh bèn đi vòng...
Tôi toát mồ hôi hột. Cảm giác khó chịu tăng lên từng giây.
- Lúc ấy tôi đi vòng theo sân trong. Và chui vào phòng tắm qua lá cửa con.
Thấy tôi vẫn đứng im không nhúc nhích, viên cảnh sát nhẹ nhàng gạt tôi sang bên và bước qua cửa. Anh ta đi thẳng tới cuối phòng, rẽ ngay về tay phải để vào buồng tắm. Tôi không trông thấy anh ta nữa, nhưng nghe rõ anh ta hỏi:
- Là cửa này à?
- Có mỗi cái đó thôi.
Tôi tì vai rồi tì trán khung cửa, người ướt sũng mồ hôi như tắm. Tiếng viên cảnh sát:
- Tại sao anh vội vàng đến mức liều mạng nhào lộn như thế? Gãy cổ như chơi! Có thể cô ấy chỉ muốn tách mình ra riêng một chỗ để hờn dỗi. Thế cô ta có nói bóng gió xa xôi gì đến chuyện tự vẫn không?
- Không.
Tôi nghe tiếng anh ta mở lá cửa nhỏ, trèo lên, nhảy xuống.
- Nhưng lúc ấy anh nghĩ rằng với bản tính xốc nổi vốn có, lại bị chấn động vì cuộc cãi lộn với anh, vì ảnh hưởng của chất ma túy cô ấy có thể đã dùng, của rượu chắc cô ấy đã uống, với tất cả những cái đó anh đã nghĩ rằng có thể cô ấy định tự sát?
- Vâng.
Anh ta mở tung các tủ.
- Mặc dầu vậy, anh đã đợi hàng ba mươi, bốn mươi phút mới chạy vào với cô ta?
Ẩn ý trong câu hỏi như ngọn roi quất mạnh vào tôi, bởi nó bất công và cũng bởi nó khơi dậy cảm tưởng tội lỗi trong tôi. Tôi bước nốt mấy bước ngăn cách tôi với buồng tắm. Tôi vào buồng. Lần thứ ba kí ức tôi vụt lóe sáng chói lọi như mặt trời đỏ rực; lần này cùng với hình ảnh và âm thanh còn có cả mùi nữa, mùi nhạt thếch của máu từ người cô phun ra khắp nơi, vấy lên tường, bồn tắm, bồn rửa mặt bằng cẩm thạch, lên tận tấm kính mờ của lá cửa nhỏ, khi cô điên dại dùng dao cạo rạch cổ tay, cổ chân, cứa bụng, cứa vú rồi thắt cổ. Tôi chỉ còn kịp chạy vội đi, nôn thốc tháo.
Vẫn ngày này, hai tiếng sau, tức vào khoảng một giờ rưỡi chiều tôi tới phố Charles Đệ Nhị, tới trước cửa ngân hàng có bộ phận Hòa Giải Tranh Chấp đã gọi điện thúc tôi suốt ngày hôm qua, rồi suốt cả sáng nay. Tôi đặt chân vào đại sảnh, đến giây phút cuối cùng tôi mới quyết định quay lại, không vào nữa. Khi tôi đi xuyên qua công viên St. James, mưa lại tiếp tục rơi, màn mưa nhẹ mà lạnh buốt theo tôi trên đường Pall Moll, theo suốt quãng đường cắt ngang công viên Xanh. Người mệt mỏi, mưa như trút nước, nhưng được đi bộ thế này tôi thấy dễ chịu hơn. Cơn buồn nôn biến mất. Trong thực tế, chính vào lúc đó mà cái ấy đến với tôi, bằng cách nào thì không biết nhưng với sức mạnh với đường nét rõ ràng thật kỳ lạ. Một giây trước tôi đang kiệt sức, bị đè bẹp dí, bị đánh bại thế mà đột nhiên tôi bỗng như một người ngã xuống nước, đã chìm xuống tận đáy nhưng lại đạp chân ngoi được lên với một nghị lực man dại không biết từ đâu đến. Cái ấy đến từ sâu thẳm trong tôi, đó là sự cuồng nhiệt, một sự cuồng nhiệt hung dữ mà vui, đó là cảm giác đầy quyến rũ về tính bất khả xâm phạm của mình. Nó không liên quan đến tuổi, đến hai mươi mốt năm hai tháng mười bốn ngày của đời tôi, nó mạnh hơn nhiều, bền vững hơn. Nó xuất hiện ngày hôm ấy, nó còn trở lại sau này, trong những tháng năm sắp đến. Ngay lúc ấy, nó đã làm dáng đi của tôi đổi khác: Trời mưa, sau hơn bốn mươi tiếng đồng hồ chưa được chợp mắt, tôi vẫn như đang phấp phới giữa làn không khí có vẻ nhẹ nhõm hơn, bước chân nhảy nhót. Nhún nhảy như tên tôi vậy.
Tôi tới nghĩa trang Brompton vào lúc gần ba giờ. Gia quyến thân thuộc đã có mặt, đứng nép vào nhau dưới một biển ô lúp xúp, đen nhẫy. Không dám đến gần họ, tôi nấp tạm dưới mái che có cột chống của một ngôi mộ xây. Người ướt đẫm nước mưa, tôi rét run. Cách xa huyệt có độ một trăm mét, tôi nhìn rõ lúc quan tài đến, rồi hạ huyệt. Tiếp đến những lời chia buồn kéo dài. Hai mươi phút nữa trôi qua, đám đông họ hàng bè bạn mới ra về hết. Đợi đến lúc con đường đã trở lại hoàn toàn vắng lặng tôi mới đặt chân lên.
Tôi đứng trước mộ hai ba phút. Trời vẫn mưa. Hẳn là tôi buồn rầu, hơn thế nữa, lòng đau như xé; tuy vậy cũng trong lúc này tôi thấy vẫn còn cơn cuồng nhiệt gần như cơn say đã xâm nhập vào tôi lúc nãy trên đường. Sau này mỗi lần nó đến tôi đều nhận dạng được dấu hiệu của nó.
Một người đứng tuổi đi trước tôi vài mét, ra đến đường cái sửa soạn lên ngồi sau tay lái chiếc Vauxhall.
- Tôi về gần công viên St. James. Ông cho tôi đi nhờ được không?
Thoạt tiên ông ta lắc đầu, sau đó quay nhìn vào nghĩa trang. Rồi ngắm thật kỹ dáng vẻ chết trôi của tôi; lúc ấy giá tôi có chảy nước mắt khóc cũng không thể biết được.
- Người nhà anh hử?
- Một thiếu nữ quen.
- Cô ấy bao nhiêu tuổi?
- Mười chín. Nếu còn sống, ba tuần nữa thì tròn mười chín tuổi.
Ông gật gù:
- Còn tôi, là bà vợ.
Ông mở cửa xe:
- Ông vừa nói về công viên St. James?
Ông cho tôi xuống ở cửa nhà thờ Garde. Tuy chẳng nói với nhau câu nào khác, chúng tôi bắt tay nhau đi khi từ biệt như thể đã gắn bó với nhau bằng một sự đồng lõa thầm kín.
Căn nhà phố Old Queen bây giờ trống rỗng, thảm trải phòng khách cũng chẳng còn. Nhà vang tiếng rất khác lạ và thê thảm. Lá thư trắng lóa trên sàn gỗ xoài đánh xi. Thư bỏ vào qua khe hở dành cho việc này trên cánh cửa sơn màu đỏ máu. Trong thư vỏn vẹn vài từ tiếng Đức báo tin có người tên là Morf, đại diện cho Martin và bác tôi, Giancarlo, đang đợi ở Dorchester.
* * *
Alfred Morf, từ Zurich tới. Gã hơi cao hơn tôi một tí chút, chuyện này thường xảy ra vì thân hình tôi không thuộc loại kếch xù; có khuôn mặt choắt, mắt hơi một mí, gò má cao, má trũng sâu có thể thi thố với những bộ xương người. Gã nhìn tôi có ý khinh bỉ. Của đáng tội, nước trên người tôi đang tuôn ra như suối: Để đi tới khách sạn Dorchester bên công viên Lane này, lần thứ hai trong ngày, tôi lại phải đi bộ xuyên qua công viên St. James, công viên Xanh; bọn gác ở quãng trường Birmingham chắc hẳn đã phải để mắt đến tôi vì thấy tôi đi qua chỗ họ quá nhiều.
- Anh ướt từ đầu đến chân. - Morf bậm môi nhận xét.
- Có đầu óc quan sát nhỉ? Mồ hôi đấy!
Tôi ngồi xuống, dưới cặp mắt hoảng hốt của người phục vụ. Chẳng mấy chốc nước đã đọng lại dưới chân, người tôi bốc hơi nghi ngút như con bò mới về chuồng. Tôi cười với anh ta:
- Đừng lo, còn nhiều người đang tới nữa. Tôi đã bỏ họ lại đằng sau khi tới ngang bờ biển Ireland. Lấy champagne ra đây, nhanh nhẩu lên anh bạn!
Tôi quay về phía Morf. Gã thật dễ ghét. Mới đó tôi đã ghét rồi. Gã nói:
- Tôi được ủy quyền của ngân hàng Martin Yahl, ở Geneva và Zurich. Bác anh là một khách hàng chính của chúng tôi. Ông giao cho tôi thu xếp một lần cho xong tình trạng của anh.
- Bác tôi là đồ bịp bợm.
Vũng nước dưới chân loang rộng, lan rộng như nước thủy triều dâng, đến liếm đôi giầy của một bà khoác áo lông chồn. Tôi mỉm cười, bà ta giận dữ lườm tôi. 
Morf tiếp:
- Ông Martin Yahl chủ tịch ngân hàng chúng tôi...
Tôi vẫn mỉm cười với bà kia. “Lại một tay bịp bợm, già đời hơn tay thứ nhất. Mà tay kia cũng không phải vừa đâu nhé...”.
- Thật là nhục, - bà lông chồn cáu.
Tôi gật đầu đồng tình với bà ta.
- Tôi thừa biết như thế!
-... Ông Martin Yahl vì tình bạn xưa cũ gắn bó với phụ thân anh đã sẵn sàng một lần nữa, lần cuối cùng, đến cứu trợ anh. Theo ý nguyện của phụ thân anh, cách đây chưa đầy ba tháng, nhân dịp sinh nhật lần thứ hai mươi mốt, anh đã được nhận số tiền một trăm lẽ ba ngàn bảng là số dư gia tài của ông nhà. Anh đã...
- Và sáu xu lẻ. Một trăm lẻ ba ngàn sáu xu...
Tôi rét run, suýt để trượt ly champagne. Tôi uống một chút vang. Lại buồn nôn. Và cơn giận dữ bốc lên tức thì, từng đợt cuồn cuộn âm thầm. Tôi nói với lưng bà mặc áo lông:
- Chúng lấy cắp của tôi, nó và bác tôi. Tôi là đứa côi cút bị cưỡng đoạt nhẵn nhụi, thưa bà...
- Anh đã vung phí hết sạch trong có hơn hai tháng, không còn một bảng nhỏ. Đã thế, theo kết quả cuộc điều tra chúng tôi đã cho tiến hành, anh còn mang nợ tất cả gần mười bốn ngàn bảng.
- Và sáu xu.
- Tôi có nhiệm vụ trả hết nợ cho anh nếu những giấy vay nợ của anh có giá trị. Và trao cho anh mười ngàn bảng với điều kiện: Sau sáu tiếng nữa anh phải đi khỏi Châu Âu. Tôi được lệnh cùng đi với anh tới chân máy bay.
Thoắt cái, tôi thấy mình không còn ở London, tại khách sạn Dorchester trông sang công viên Hyde Park xanh rờn thảm cỏ, giữa một chiều mưa lạnh cuối năm; tôi đã về trong ngôi nhà ở St. Tropez vào dịp tháng tám, bãi tắm Pampalone gần như vắng lặng, ngoài ba cô gái trần truồng đang nhìn bố tôi, cười rũ. Quả thật, có bố tôi kia; đang ngồi xổm bên tôi, không ngó ngàng mấy cô gái ở trần truồng mà đang cố sửa cỗ máy nửa mã lực của chiếc Ferrari đỏ chót dài một mét rưỡi tôi đang ngồi. Tôi lên tám, trời nóng ấm, không khí rung nhè nhẹ, thoang thoảng hương thơm hơi quánh nhưng ngây ngất của ban mai, tôi sung sướng hát thật to...
Tôi đặt ly champagne, vẫn rét run.
- Nếu tôi từ chối?
- Anh đã dùng séc không có bảo chứng. Một tờ đưa cho chủ hiệu kim hoàn, một tờ trả cho chủ hiệu bán đồ cổ. Ngân hàng chấp thuận đợi đến sáng mai. Quá mười giờ, họ đệ đơn kiện.
Tôi nhìn cái lưng giận dữ của bà áo lông.
- Hơn nữa chúng còn định bỏ tù tôi. Bà nói gì về điều đó?
- Đủ rồi, anh bạn! - Ông lão sáu mươi đi với bà lông chồn nói.
- Anh không được lựa chọn đâu, - Morf nói.
- Tôi được lựa chọn nơi đến?
- Miễn là anh rời khỏi Châu Âu sau sáu giờ nữa, kể từ phút này. Anh định đi đâu?
Quầy rượu trong khách sạn Dorchester đông dần. Mọi cặp mắt đổ dồn vào tôi, vào vũng nước trên thảm. Càng lúc tôi càng cảm thấy mình có mùi chó ướt, có lẽ tôi đang bốc mùi chó ướt, và tuyệt vọng. Cuối cùng mắt tôi dừng lại ở tờ quảng cáo vứt trên bàn bên cạnh. Một địa danh, một hình ảnh trên đó đập vào mắt. Đi Alaska, đi Patagonia hay đi đâu cũng thế thôi, tôi trả lời Morf:
- Đi Mombasa, Kenya.
Tôi biết gần như chắc chắn rằng Kenya ở Châu Phi, mới đây nó vẫn còn đấy, hình như ở bên kia sa mạc Sahara, khi đi đến ốc đảo cuối cùng hay một cái gì tương tự thì rẽ trái, tôi không biết rõ hơn. Còn Mombasa thì, thật tức cười, cái tên đó nghe quen quen, một cách lơ mơ, hình như tôi đã đọc thấy nó trên một tờ áp phích điện ảnh. Thế thôi chẳng biết gì hơn. Morf lẳng lặng biến đi, với dáng điệu chậm chạp lén lút của dân thủ quĩ. Tôi làm nốt chỗ champagne, càng thấy ghét dữ. Chắc mình không tới được Kenya; mình sẽ chết dọc đường khi ngã từ lạc đà xuống, đoàn lữ hành thờ ơ bỏ lại, thản nhiên đi khuất sau đụn cát phía xa.
Tôi nhìn rõ đoàn lạc đà đi xa dần, rõ ràng chất champagne trong dạ dày lép kẹp đang tàn phá.
Morf trở lại:
- Chừng hơn ba giờ nữa sẽ có chuyến bay của hàng không Anh Quốc từ London đi Nairobi, Kenya, ở Nairobi có xe liên vận đi Mombasa. Tôi đã giữ chỗ, mua vé ngay tại sân bay. Ta đi, có taxi đợi.
Gã trả tiền chai champagne tôi uống và chai nước khoáng gã không đụng tới. Gã đã ra đến cửa, tôi vẫn chưa buồn nhúc nhích. Đoán biết tôi không theo sau, gã dừng lại ở cửa nhưng không quay lại nhìn. Gã đứng đợi. Thế là rõ: Tôi căm ghét gã.
Trên taxi, đúng lúc xe nổ máy, Morf sực nghĩ ra:
- Anh không thể lên đường trong tình trạng này, có thể họ không cho lên máy bay.
Nói tóm tắt, không phải gã lo tôi bị viêm phổi, hoặc khi sang tới Châu Phi sẽ bị chết ngạt trong bộ đồ len chải chuốt may đo. Không phải, gã lo cái mẽ ngoài của tôi làm phật ý hãng hàng không khiến họ từ chối không cho tôi lên máy bay. Tất nhiên chẳng thèm hỏi qua ý của tôi, gã ra lệnh cho xe đổi hướng, bảo dừng lại ở đường West Oxford trước mặt ga tàu điện ngầm Bond Street. Hai mươi phút sau chúng tôi cùng nhau qua các cửa hàng Michael Beria rồi Lili và Skinner, thế là trên người tôi có đủ đồ mặc ngoài, đồ lót, giầy, tất cả đều mới toanh, đều là hàng nhẹ, hàng nhiệt đới.
- Trông tôi vừa mắt chưa, Alfred? Hãy nói anh yêu tôi đi nào?
Gã chẳng thèm quay đầu nhìn tôi. Tôi thì chỉ muốn đấm gã vỡ mõm. Trước hết, việc đó sẽ làm người tôi nóng lên. Xe lại mở máy, chạy trên đường Marble Arch phía Kensington, hướng về sân bay Heathrow lúc ấy vào khoảng năm giờ bốn mươi. Màn đêm phủ xuống London loang loáng nước mưa. Tôi sắp rời bỏ nó tuy không tự mình quyết định, cũng không hiểu rõ điều gì đang xảy ra, điều gì đã xảy ra. Đột nhiên cơn buồn nặng trĩu đau đớn buộc tôi phải ngã đầu lên thành ghế nhắm nghiền mắt, thọc hai tay vào túi áo. Tôi đoán cuộc đời mình sẽ thay đổi hẳn, sáng mai tỉnh dậy tôi sẽ hoàn toàn khác với tôi hai ngày trước; đó sẽ không chỉ đơn giản là một chuyển hướng mà là cuộc hóa thân triệt để, một lần chào đời thứ hai. Mặt khác, có thể do uống rượu, do quá mệt mỏi hoặc do cả hai thứ, lúc này đầu óc tôi quay cuồng.
- Xin ký vào đây cho.
Gã chìa cho tôi những tờ giấy đặt trên chiếc túi đeo bằng da nâu, gã giải thích:
- Biên lai. Tôi trao cho anh mười ngàn bảng và phải báo cáo với ông Martin Yahl. Lại còn có những thủ tục thông thường nữa: Hôm nay là 23 tháng mười năm 1969, sự ủy thác di sản của phụ thân anh đã hết hiệu lực lúc mười hai giờ trưa nay. Từ hôm nay trở đi...
Tôi chỉ nghe một bên tai, bứt rứt vì những cơn buồn nôn, mắt chưa mở ra nổi.
- Từ hôm nay trở đi anh phải tự lo liệu mọi chuyện. Tấm séc mười ngàn của anh đây. Cẩn thận đấy, séc vô danh được chi trả cho người xuất trình. Ký vào đây. Đây nữa.
Trong khoảnh khắc độ một phần trăm giây thoáng qua vô cùng nhanh, tôi cảm giác có cái bẫy tàn nhẫn đang sập xuống. Cũng có thể về sau tôi mới tưởng tượng ra cảm giác này. Khi đã biết rõ sự thật. Chỉ biết rằng tôi đã ký đúng vảo chỗ gã chỉ tay. Sân bay.
- Anh có muốn ăn uống thứ gì nóng không?
Ô kìa, bây giờ gã lại quan tâm đến tôi! Nhưng vẫn giữ vẻ lạnh lùng. Gã mặc bộ đồ may sẵn, và điều tệ hại hơn, dáng vẻ gã đúng là dáng vẻ người bận đồ may sẵn; mang đôi giầy da to, loại thường dùng, chưng một chiếc đồng hồ bỏ túi mà gã lôi ra xem luôn tay, tuồng như không tin vào các đồng hồ trong đại sảnh. Tôi vẫn chưa trả lời câu gã hỏi. Gã kéo tôi tới một cửa bán vé, mua tấm vé London - Mombasa trả bằng phiếu. “Vâng, một lượt”. Nhưng gã giữ vé không đưa cho tôi, cả hai cùng đến cửa dành riêng cho khách tay không, trong khu vực không qua hải quan. Tôi chọn chỗ để chuồn lẫn vào đám đông, chen giữa tốp người Pakistan chít khăn. 
Thiếu phụ ngồi bán hoa có cặp mắt xanh dịu, hơi đần, ngực lép, đôi tay đỏ ửng của thợ giặt.
- Chị có hoa hồng bạch không? Cho một cô gái trẻ.
Tôi ghi tên, địa chỉ, cô phát hoảng:
- Nghĩa trang Brompton?
- Dãy 34 phía Tây. Mới chôn cất sáng nay. Không, không cần danh thiếp, không đề tặng, chỉ những bông hồng bạch là đủ.
Tôi ký chuyển nhượng lên phía sau tấm séc đưa cho chị ta.
- Mười ngàn bảng. Tôi mua mười ngàn bảng hoa hồng trắng, và sáu xu lẻ nữa đây. Chị có đủ thì giờ kiểm tra để biết chắc séc này có giá trị. Đủ thì giờ. Đồng sáu xu này cũng là tiền thật, cá nhân tôi xin bảo đảm.
Tôi nhận tờ biên lai chị đưa cho tôi sau một lúc khá lâu, vừa vặn Morf cũng đến tìm tôi, chẳng tỏ vẻ gì ngơ ngác, hơi thở vẫn bình thường. Tôi bảo:
- Nào ta đi, bạn Alfred thân mến!
Gã sững sờ, hai lần quay đầu nhìn cửa hàng hoa, có lẽ gã tự hỏi liệu có thể tìm được cái gì, liệu có chút khả năng nào lấy lại được số tiền kia chăng? Thành ra lại là tôi kéo gã đi theo. Gã xuất trình cho người soát vé hai tấm vé, tôi đi Kenya, gã về Zurich. Hai người sóng vai đi vào khu vực phi hải quan. Tôi đi tới quầy sách nhỏ. Sự tình cờ đã giúp tôi: Quầy có bán cuốn sách rất hay: “Trang Trại Châu Phi” của Karen Blissen, hồi đó tôi chưa được đọc. Tôi mua sách và bảo Morf:
- Trả tiền đi, ông bạn, anh thừa biết tôi chẳng còn đồng nào, sáu xu cũng không nốt.
Bảy mươi bảy phút sau máy bay đưa tôi lên, chọc thủng tầng mây. Tôi mở sách đọc. Bỗng thấy đói, đói dữ dội, cảm giác đói đã vắng bóng từ nhiều ngày nay bây giờ mới trở lại, như sự trở lại của chính tôi, báo hiệu mọi cái từ đây bắt đầu trở lại bình thường sau những tháng những năm điên loạn. Lúc này độ tám giờ mười hoặc hai mươi. Tôi mở cuốn sách vừa mua, đọc đi đọc lại mấy dòng đầu tiên: “Tôi có một trang trại bên Châu Phi dưới chân núi Ngong. Đường xích đạo chạy trên dãy núi phía bắc cách đây có hai mươi lăm dặm Anh, nhưng chúng tôi ở độ cao hai ngàn mét...”.
Trang trại Châu Phi của Karen Blissen ở Kenya. Ở Kenya. Tìm mãi không thấy có bản đồ kèm theo, tôi tiếc đã không nghĩ đến việc mua một cái trước khi lên đường. Vậy Mombasa quái quỉ ở chỗ nào so với Ngong trong cuốn sách?
Máy bay đã lên hết độ cao, tiếng động cơ dịu bớt, các hàng ghế trước mặt tôi đã ngang bằng. Đầu óc tôi trống rỗng, nó cũng nhợt nhạt tựa thứ ánh sáng trong khoang máy bay. Có lẽ tôi đang nghĩ đến hoa. Những bông hồng bạch; một núi hồng bạch. 
Kilimandjaro? Không biết ở đâu.
Tôi luồn tay trong túi áo trống rỗng não nề.
Lúc đó cảm thấy nó như một vết thương mềm mại nhưng rất rõ ràng. Không bao giờ, không bao giờ như thế này nữa. Không một lý do gì có thể làm tôi chấp nhận tình trạng này. Tay tôi bỗng nắm được một chất liệu cứng, nóng bỏng, dịu dàng và ghê gớm.
Tôi thấy rõ môi mình cất lời gọi nó. Tôi nghe rõ tiếng tôi gọi tên nó: “Money!”
Trước đây tôi chưa lần nào gặp gỡ với tiền. Điều đó chưa hề bao giờ làm tôi bận tâm. Từ nay thì khác hẳn. Vĩnh viễn khác. Tên tôi là Cimballi. [Cimballi (Cymbale): Cái chũm chọe trong bộ gõ]
* * *
Tôi mang cái tên rất bóng bẩy, rất kêu, một cái tên nhảy nhót. Ít ra, đó cũng là nhận thức của tôi về nó, tôi bao giờ cũng tưởng tượng nó kèm theo một điệu nhạc gần như dã man, dù thế nào đi nữa cũng hoang dại, hung dữ, rất vui, nhảy nhót. 
Và cuộc ra đi vội vã từ London, vào một chiều tháng mười nhằm hướng mặt trời Châu Phi, đối với tôi thực sự là bước dạo đầu của Vũ Khúc.

2

Trên phi trường Mombasa, chiếc xe buýt sơn vàng chở nặng hành khách và đồ đạc từ chuyến bay của hãng hàng không Đông Phi.
Xe đi vào con đường ít được tu sửa, lỗ chỗ ổ gà, mặt nhựa ruỗng nước mưa. Tưởng sẽ gặp trời oi bức nặng nề, hóa ra thời tiết tốt, vừa phải, riêng không khí thì dính dấp, chở theo vô số mùi, mà không nhất thiết mùi nào cũng ngon lành. Những người quanh tôi tất nhiên đều là da đen, phần đông chứ không phải tất cả:Những người kia nước da sáng hơn, có lẽ nước da người Ấn Độ, có ít nhất hai người Ả Rập và một người Âu. Tôi tìm ánh mắt người này và khi bắt gặp tôi bèn gửi ngay một nụ cười chớm nở. Người ấy không đáp lại, quay ngay sang phía khác. Xe dừng bánh, mọi người xuống hết. “Trạm cuối”, người lái xe báo cho một mình tôi khi thấy tôi vẫn ngồi im. Tôi bước xuống.
Đã gần giữa trưa ngày 24 tháng mười ấy. Trong lúc chờ xe liên vận ở Nairobi tôi không ra khỏi sân bay; ngồi đọc Karen Blissen và gần như chẳng nhìn thấy gì của Kenya. Cho đến đây tôi vẫn chưa thấy gì hơn; ngoài một ngôi làng trên đường đi Mombasa, chia thành từng lô với những chiếc lều tròn trát vữa trắng, mái rạ hình nón, với những phụ nữ phần lớn mặc đồ vải màu hồng, quấn những chiếc váy tôi đoán là những chiếc khăn tắm, chít khăn xanh, mũi tẹt nhưng không vì thế mà xấu xí, rất tiếc là họ không để ngực trần.
Ra khỏi chiếc xe buýt màu vàng, đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc trực tiếp với xứ sở mà tôi nhảy vào. Một đường phố lớn đông đúc, hai bên này cửa hiệu, hàng quán, tôi được biết đó là phố Kilindini, huyết mạch chính của thành phố cổ Mombasa. Tất cả tài sản của tôi đều ở trên mình, tôi không có lấy một chiếc vali, cả đến một chiếc bàn chải đánh răng cũng không, điều này còn khó chịu hơn.
“Đã đến lúc làm giàu”. Cơn say man rợ trên đường Old Queen không rời tôi. Rơi xuống càng thấp thì ngoi lên càng nhanh, len lên càng cao. Tôi tự hỏi ai nói câu ấy? Tôi, có lẽ. Trong cảnh ngộ của tôi, phải ngoi lên với tốc độ sao băng. Tôi hoàn toàn tay trắng. Để làm việc ấy cần biết tiền ở Kenya là gì. Ngọc trai, gương soi bỏ túi hay séc du lịch? Phía xa tấm biển đề ngân hàng Barclay hút tôi đến. Tôi chăm chú đọc bản thời giá hối đoái, nhờ đó tôi biết rằng từ nay tôi phải làm giàu bằng cái có tên là đồng shilling Đông Phi, rằng thứ đó trị giá xấp xỉ bảy mươi xu Pháp, rằng phải có mười tám shilling rưỡi mới được một bảng Anh, và bảy shilling ăn một đôla Mỹ. Biết được điều đó tôi tận dụng ngay cặp giò.
Tôi trở lại đường Kilindini, tản bộ suốt dọc đường,soi mói vào bóng tối các hàng quán trong đó có những người Ấn Độ với đôi mắt đàn bà và mái tóc óng mượt, chắc hẳn sẵn sàng trao thân để kiếm thêm đồng lãi. Rồi tôi cũng thấy được cái mình tìm kiếm: Một gã xấp xỉ tuổi, xấp xỉ tầm vóc tôi, thậm chí còn hơi thấp hơn, cũng đang ở trong tình thế phải chứng minh tài năng của mình giống như tôi; ít ra là như thế!
Tôi bảo gã:
- Này anh bạn thân mến! Tôi cố ý đi thẳng từ London sang đây bằng chiếc máy bay nhanh nhất để giúp cậu thực hiện vụ áp phe của thế kỉ. Cái đồng hồ tuyệt đẹp này của tôi có thể là của cậu; không, cậu không nằm mơ đâu, thật đấy! Nó sẽ là của cậu nếu cậu chịu đổi sáu trăm đôla! Tôi mua ở nhà hàng Boucheron tại Paris với giá gấp đôi từng ấy. Cậu gọi điện cho họ, xưng tên tớ và hỏi ngay xem tớ nói đúng hay sai!
Gã chẳng biết Boucheron là cái quái gì, hiển nhiên như thế, hơn nữa còn tỏ ý cóc cần biết. Nhưng cái chính là ở chỗ khác kia, có lẽ ở ánh vui vui vừa hiện ra trong cặp mắt lỏng.
- Ở đây có bao nhiêu là cửa hàng, nhưng tôi chọn hàng cậu. Tình yêu bất ngờ, hả?
Tôi đặt cuộc rất trúng. Tôi nở rộng nụ cười, gã bắt đầu cười nụ. Tôi cười thật to, gã cũng cười bằng tôi, có lẽ hai chúng tôi sẽ đi đến chỗ vỗ vào bụng nhau cũng nên. Đôi bạn thân thiết.
- Này, - tôi nói tiếp, - một việc ngon lành, dịp may hiếm có đừng bỏ lỡ. Thấy cậu thích mua quá, tôi để cho cậu năm trăm rưỡi thôi.
Gã càng cười to hơn, cười ngặt nghẽo, sặc sụa. Gã tránh sang một bên ra hiệu mời tôi vào; không lẽ vị khách vui cười như tôi lại đứng ngoài cửa. Mười phút sau, tôi đã kể với gã chuyện tôi từ London tới, mọi chi tiết về tình cảnh hiện nay, chơi đến cùng con bài nói thẳng, tình nghĩa bạn bè về sau. Gã mời tôi nước trà, bánh gatô dính dấp nước đường nhỏ giọt. Chiếc đồng hồ truyền tay một ông bố, dăm ông chú, mười anh em ruột và anh em họ được gọi đến tăng viện để làm một cuộc kiểm định toàn bộ.
- Một trăm đôla.
- Bốn trăm rưỡi.
Lại cười sặc sụa, lại uống trà. Đồng hồ lại đi thêm một vòng thứ hai.
- Một trăm hai chục.
- Bốn trăm.
- Ba trăm.
- Ba trăm tám mươi bốn đôla và mười bảy xu.
Tôi vui thích thực tình, bao giờ cũng như vậy. Sau bốn lăm phút và sáu chén trà nữa, cười đã chán chê, chúng tôi ngã giá. Chandra thuận trả cho tôi một trăm bảy lăm đôla, một dao bào với ba lưỡi mới trong đó có một lưỡi thật sự còn mới, thêm một quần lót vải bông trắng kiểu quần tắm của Đội Quân Ấn Độ, thêm một bàn chải răng và một bản đồ Kenya. Chandra trở thành bạn thân, gần như một người anh em, gã thân thiết quàng tay lên vai tôi trong khi tôi phòng xa cứ phải để mắt theo dõi bàn tay gã, sợ nó đi lạc vào túi mình (tôi nhầm, sau này mới biết Chandra là người chu đáo, chắc chắn trong công việc). Gã mách cho tôi khách sạn Castle ở ngay phía sau đôi ngà voi bê tông to tướng đóng ở đường Kilindini.
Đó là một ngôi nhà hao hao phong cách Victoria, ghép thêm chiếc ban công kiểu Tây Ban Nha Hồi Giáo và một hố xí xổm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ ở cuối hành lang. Tiền phòng mất mười hai shilling, gần hai đôla. Tắm xong ở phòng tắm độc nhất dành cho khách tôi nằm dài trên giường mở bản đồ ra xem, cốt để tìm xem Kenya giống với cái gì. Nói thẳng ra, nhìn trên giấy, xứ sở này chẳng giống cái gì. Nhiều lắm cũng chỉ như một cái phễu, cuống tì vào biển Ấn Độ. Quay mặt vào đất liền, ta có Somalie bên phải, rồi đến Éthiopie, Uganda, hồ Victoria, bên trái là Tanzanie. Tôi tìm Kilimandjaro, núi tuyết con báo. Không có Kilimandjaro, chỉ thấy núi Kenya cao năm ngàn hai trăm mét, Kilimandjaro bị đánh cắp rồi sao? Mãi mới tình cờ thấy nó ở Tanzanie, không xa lắm. Người ta mới đổi vị trí của nó hay sao ấy, lâu nay tôi vẫn xác định nó nằm trên đất Kenya.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy cô đơn, rất cô đơn, cách biệt với tất cả, theo nghĩa bóng và nghĩa đen, theo tất cả mọi nghĩa của từ này. Nói tóm lại, một nỗi buồn man mác đang lướt qua hồn tôi trong khi tôi nằm trên chiếc giường sạch sẽ về lý thuyết, trong căn phòng ồn ào có chiếc quạt hổn hển như người lên cơn hen.
Tâm trạng này không kéo dài. Sức mạnh đã gặp trên đường Old Brompton vẫn còn đây. Tôi có trong tay một trăm bảy lăm đôla, hai mươi mốt năm hai tháng mười lăm ngày tuổi rồi. Tồi lắm thì cũng cầm cự được một tháng rưỡi, khi hết sẽ nói theo Robinson Crusoé, không phải từ Thứ Sáu mà từ Hôm Trước. Nhất định sẽ tìm được một cái gì trước đó. Cũng chưa biết là cái gì: tôi chưa hề lao động, chưa hề kiếm nổi một đồng xu mẻ, lăn lóc từ các trường trung học Paris về các trường tỉnh lẻ đến các trường bên Thụy Sĩ, bên Anh, đầu trò trong các đêm vui nhộn ở London và Paris, trong các trạm trượt tuyết bên Thụy Sĩ, các điểm xịn nhất trên bãi biển Côte, thằng vô tư lự và vô tích sự, dám thản nhiên ném qua cửa sổ một trăm mười bảy ngàn bảng Anh trong có hai tháng rưỡi, điều mà chính hắn cũng phải thừa nhận là một việc làm không thông minh.
Nhưng có một Cimballi khác đã ra đời, hoặc đang sắp ra đời. Tôi tự đặt ra thời hạn: Một tuần lễ.
Sự thật tôi đã đợi đúng bảy ngày mới gặp Joachim.
* * *
Từ tầm cao một mét tám lăm hơn chút ít, Joachim nhìn xuống tôi bằng cặp mắt voi ti hí bất động, gắn sâu vào bộ mặt có thể làm cả một bộ lạc Masai khiếp sợ. Gã hỏi tôi:
- Cậu tưởng tớ định chôm tiền của cậu sao?
Tôi cười phá lên:
- Chia đôi!
Gã cau mày, không hiểu. Rồi thật lạ, gã đỏ bừng mặt như một cô gái (thứ thiệt). Gã lắc đầu: 
- Ồ, không cần. Tôi thích đàn bà cơ.
- Tôi cũng thích.
Gã là người Bồ Đào Nha, mới gặp nhau chẳng mấy lúc gã đã kể với tôi rằng gã ở Mozambic bốn, năm năm trước đó, ở Angola, gã mặc áo lính cho đến lúc - gã rụt rè thì thầm - rời quân đội, nói trắng ra là đào ngũ. Bộ mặt đỏ bầm của gã ban ngày trông cũng đã thấy sợ huống hồ ban đêm: Mũi hình bán đảo lồi dài ra, nổi gồ cao, da mặt dày rỗ huê, má có vết nhăn lõm sâu như vết sẹo. Tên thật, ít ra cũng là tên ở Kenya của gã là Joachim Ferreira da Silva và mười bốn, mười lăm tên khác nhau nữa.
Tôi gặp hắn ta trong các công trình kiến trúc ở sân bay. Bảy ngày sau khi tôi tới Mombasa. Những ngày trước đó tôi dành cho việc đi bộ vòng quanh thành phố. Gọi là thành phố thì hơi quá: Hai cửa sông, mấy vùng châu thổ đang bị biển lấn dần, giữa có một bán đảo nổi trên mặt nước chừng vài mét. Trên bán đảo, người Ả Rập, người Ba Tư, rồi người Bồ Đào Nha lần lượt xua đuổi hết các nô lệ người bản địa, dựng lên những pháo đài, đền thờ Hồi Giáo, nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Phía Đông Bắc: Cảng cũ, đầy tàu thuyền kiểu Ả Rập từ Arabi sang; phía Nam: Cảng mới Ladindini tấp nập tàu buôn lớn. Xe lửa từ Nairobi, Uganda chạy tới cảng này ăn hàng. Từ Mombasa vào đất liền có đường ngầm. Đi theo đường này rồi rẽ lên Bắc ta sẽ gặp một bãi tắm rất rộng, rất đẹp, phía trên cảng cũ, dọc theo bãi có hàng dãy khách sạn loại sang mới xây dựng và nhà riêng của Jomo Kenyatta. Chẳng bao lâu nữa, vì những duyên cớ đáng buồn tôi sẽ biết tường tận từng chi tiết mặt tiền ngôi nhà này.
Trên đây là khung cảnh.
Không cần bỏ ra nhiều tuần lễ mới tìm ra giới hạn khu vực này. Cảng mới? Bất cứ một nhà vận tải quá cảnh người Ả Rập hay Ấn Độ nào cũng biết hơn tôi hàng trăm lần. Nghề buôn? Buôn gì? Vả lại tôi không dứt khoát một điều gì khác ngoài điều duy nhất này: Không bao giờ chấp nhận một sự vươn lên chậm chạp, bền bỉ, chiếm mất ít nhất hai mươi hoặc ba mươi năm lao động của đời mình. Đúng là sẽ đến lúc làm giàu, nhưng phải làm thật nhanh tay. Chắc chắn đó là một tham vọng rất chủ quan, nhưng tôi cóc cần.
Mặt khác, tôi đang nắm trong tay một con chủ bài, tuy bản thân còn chưa biết đến mà phải đợi Joachim phát hiện tôi mới biết. Tôi trông thấy gã lần đầu tiên ở hàng hiên khách sạn Castle. Với bộ mặt kẻ giết mướn thất nghiệp, gã không thể lọt qua mắt tôi. Hôm sau tôi lại gặp, và hôm sau nữa còn gặp hai lần nữa, sau đó trong những cuộc tản bộ lang thang trong thành phố Mombasa tôi thường bắt gặp gã nhiều lần khác, lần nào gã cũng lảng tránh tôi với vẻ rụt rè của gái đồng trinh. Thấy vậy tôi rất ngạc nhiên và còn nghi oan cho gã: Tôi cho rằng gã định xâm phạm đức hạnh của tôi và ý nghĩ ấy không làm tôi thích thú gì. Chỉ một tí nữa thôi là tôi cho gã nắm đấm vào giữa mặt. Hai điều khiến tôi không đấm là: Bản tính vui vẻ và tự nhiên và sau nữa là nỗi sợ bị gã đấm lại tôi sẽ vụn thành cám.
- Đúng là tôi bám theo anh, - gã nói trong lúc thân hình đung đưa từ chân nọ sang chân kia như con gấu. - Nhưng đó là vì tôi có việc muốn bàn.
Bản tính rụt rè nhút nhát, có một trái tim học trò chất phác dưới bộ lông Kinh Kông; gã trình bày: Gã sinh sống nhờ tổ chức những cuộc đi săn thú, loại thường, không phải những cuộc săn loại sang.
- Khách chính là bọn Đức, đôi khi có bọn Thụy Điển, Đan Mạch hoặc Anh muốn thật nhanh chóng kiếm một con trâu giữa hai chuyến bay.
Joachim nói tiếng Anh, ít ra cũng là thử nói, một cách khó nhọc, phát âm vô cùng tồi tệ. Chúng tôi hiểu nhau hơn qua thứ tiếng hổ lốn Pháp - Ý - Anh pha thêm tí chút Tây Ban Nha. 
- Cậu lấy chúng bao nhiêu?
- Mười ngàn shilling.
- Bảy ngàn franc Pháp! Cậu cần gì mình?
Joachim giải thích:
Tôi còn trẻ và dễ thương (chính tôi cũng tự cho mình là như vậy) lại biết nói nhiều thứ tiếng; ngoài tiếng Pháp và tiếng Ý ở xứ sở này cũng có ích gần như giầy trượt băng, tôi còn nói được tiếng Anh và tiếng Đức.
- Mình cứ đến gần bọn du khách người Đức là họ sợ mất vía. Và cũng chẳng hiểu được mình nói gì.
Joachim trả cho tôi hai ngàn shilling cho mỗi khách tôi dẫn đến. Thỏa hiệp ở mức ba ngàn. Chúng tôi uống chầu Coca Cola hữu nghị, Joachim không uống rượu vì “đã hứa với Đức Bà Fatima”. Tôi sững sờ nhìn gã nhưng mặt gã vẫn nghiêm trang như mặt đức Giáo Hoàng. Tôi thì vì chỉ quen uống champagne tuy không nhiều và dù thế nào đi nữa thì cũng không có mà uống. Tôi nhẩm tính những công thức hoang đường nhất: Giả dụ tôi kiếm được hai, mà tại sao lại không là bốn hoặc năm khách mỗi tuần? Sẽ thu được mười ngàn shilling mỗi tuần, sẽ bắt mối với nhiều Joachim khác ngay khi gã này không đảm bảo được yêu cầu, nhưng nếu tôi đứng ra tuyển mộ các Joachim tương lai, tôi sẽ thu không chỉ ba ngàn mà sáu ngàn shilling của mỗi khách, nhân với ba mươi khách mỗi tuần, nhân với số tuần trong tháng; lại giả dụ, vẫn là giả dụ thôi, rừng Kenya có hàng chục vạn du khách Đức, thậm chí có đến hàng triệu những người thích xếp đội ngũ theo hàng năm, tôi dễ dàng đoạt doanh thu sáu trăm sáu mươi chín nghìn bốn trăm năm bốn shilling mỗi tháng. Đó là mức tối thiểu, sau đó tôi sẽ mở rộng kinh doanh sang các nước láng giềng, có thể đến tận Senegal cũng nên...
Vừa tính toán xong đã thất vọng ngay. Thực ra các du khách xuống máy bay là mơ tưởng ngay đến những bãi tắm trên bờ Ấn Độ Dương, những cảnh lạ, đến Mombasa cảng nô lệ, Mombasa ngày xưa có người tên là Stanley đi tìm Livingstone. Họ đâu có mê săn thú, nếu có cũng rất ít. Nói theo kiểu các nhà kinh tế học thì thị trường hẹp không đáng kể. Tôi tỉnh ngộ ra điều đó sau vài ngày giăng bẫy các du khách mới tới ngay tại chân cầu thang máy bay, bám lẵng nhẵng theo chân họ trong lúc họ đi lang thang với vẻ ngốc nghếch tìm mua những tranh khắc gỗ kinh tởm và những vũ khí Masai dởm thứ thiệt.
Tuy nhiên...
Trong ý của Joachim nói, tôi bắt đầu nhận ra mầm mống của một sáng kiến. Đúng, con chủ bài của tôi là giống da trắng, là giao tiếp được với du khách, gây được lòng tin. Không đến mức ấn được cho họ những cuộc săn thú mà họ không thích, nhưng liệu có nhất thiết phải có cái gì để bán cho họ không?
Tôi trở về với anh bạn người Ấn đã mua đồng hồ. Từ sau lần gặp gỡ đầu tiên tôi đã nhiều lần quay lại cửa hàng của Chandra, có thể nói là chúng tôi đã kết bạn với nhau, bởi lẽ gã đã bán lại chiếc đồng hồ với số lãi nào đó gã không dám thú nhận với tôi.
Tôi hỏi Chandra, những câu gã trả lời càng củng cố thêm ý định ban đầu của tôi.
Đã đến lúc làm giàu? Được, tôi đã có cách.
Khách đầu tiên của tôi là một người miền Nam nước Đức, tôi còn nhớ hình như ở loanh quanh Munich, làm nghề luật sư hoặc thầy thuốc gì đó, đại loại một nghề tự do. Tôi vừa mở miệng vài câu, khách đã nhìn chằm chằm:
- Anh học tiếng Đức ở đâu?
- Mẹ tôi là người Áo.
Không, ông ta không đi săn, không phải nhà thiện xạ. Không, không cần người hướng dẫn, cũng không cần phiên dịch. “Nếu cần đàn bà, tự tôi sẽ có cách tìm ra”. Tôi giơ tay chào thua.
- Tôi không định mời ông mấy khoản đó. Chỉ xin nói điều này rất đơn giản: Ông sắp đổi tiền. Ví dụ đổi một trăm đôla, Sở Hối Đoái ngay trước mặt kia sẽ chuyển một trăm đôla của ông thành bảy trăm shilling theo đúng giá chính thức. Tôi sẵn sàng đổi cho ông bảy trăm năm mươi. Ông lợi năm mươi shilling, tức gần ba chục mark. Đổi một ngàn, lãi năm trăm shilling, ba trăm mark.
Tuổi trẻ, mồm mép tía lia của tôi làm ông chú ý. Cặp mắt xanh của ông tỏ ý thân thiện, hơi trầm ngâm và nghi ngại.
- Mánh nào?
Tôi cười:
- Chẳng mánh mung gì sất. Bảy trăm năm mươi đổi một trăm, không mánh mung vớ vẩn. Không có cớm ló mặt.
- Đợi tí.
Ông ta tới Sở Hối Đoái, hỏi giá chuyển đổi chính thức bằng tiếng Anh rất đạt. Khi quay lại, vẫn hơi do dự:
- Shilling xịn chứ?
- Ông cứ việc mang đến ngân hàng kiểm tra nếu ông muốn.
Ông quyết định đổi bốn trăm đô. Tôi ra hiệu Chandra vẫn đứng đợi đằng xa từ nãy; gã lôi trong cái tạm gọi là xắc-cốt của gã ra, đếm rất cẩn thận đủ ba ngàn shilling toàn bạc đã dùng rồi. Tôi đã dặn Chandra rất kĩ: Phải đưa bạc cũ vì những tờ mới cứng dễ làm khách hàng nghi hoặc. Tất nhiên đó là thứ bạc thiệt hết, nhưng tôi không muốn để nhân viên ngân hàng Trung Tâm Kenya chú ý đến công việc đổi tiền của tôi.
Ông Munich đi rồi, Chandra thanh toán tiền hoa hồng cho tôi: Hai trăm shilling - tới hai mươi tám đô. Giá bán đôla ở chợ đen không phải là bảy shilling mà gần tám rưỡi. Với giá này rất dễ bán. Ở Mombasa cũng như ở Nairobi có rất đông kiều dân Ấn Độ, họ đang chuẩn bị nối tiếp cuộc di tản bắt đầu năm 1968 đưa hàng ngàn người Châu Á, nhất là người Ấn Độ trở về tổ quốc trước những biện pháp của Kenyatta nhằm gạt họ khỏi những vị trí chủ chốt trong nền thương mại. Chandra và đồng bào của gã chỉ có cách mua đôla mới mong mang theo được của cải, tiền tiết kiệm khi phải ra đi, có khi phải ra đi rất vội vàng. Do đó họ đổ xô vào mua đôla với giá tám rưỡi, chín, thậm chí mười ăn một. Tôi đánh vào chỗ đó: Chênh lệch tỉ giá giữa hai đồng tiền, và cơn sốt đôla. Mà phải đánh thật nhanh.
Tôi tận dụng một sự kiện mới mà chính những người Ấn Kiều không thấy rõ: Sự gia tăng đột ngột các du khách Châu Âu, nhất là người Đức. Và phải làm nhanh vì sớm muộn nhà chức trách Kenya sẽ hỏi thăm tôi, họ không thể chấp nhận sự can thiệp của tôi tuy trước mắt nó chưa thật sự trái pháp luật. Chandra nở nụ cười vô cùng rạng rỡ: Tuy đã trích ra tiền hoa hồng của tôi, gã chỉ phải trả có ba ngàn hai trăm shilling thay vì ba ngàn bốn trăm để mua bốn trăm đô. Gã sẵn sàng chơi nữa, kéo thêm vào cuộc một số đồng loại.
Tôi giao hẹn:
- Với một điều kiện: Cả cậu, cả bọn đó đều chỉ làm ăn với một mình tôi.
Gã thề độc nếu sai lời thì trời tru đất diệt. Không nói rõ diệt ai, mong không phải là tôi.
- Điều này nữa Chandra: Không được nói với ai khác. Cậu sẽ được lợi ở chỗ: Mua đôla của tôi với giá ưu đãi, tám shilling chứ không phải là tám rưỡi.
Thế nghĩa là: Ngoài số bán cho gã, tôi sẽ bán cho người khác tám rưỡi một đô mà tôi mua chỉ mất bảy shilling rưỡi. Lãi mỗi đô một shilling. Với điều kiện vớ được những ông Munich khác. Hai ngày tiếp sau tôi không rời sân bay nửa bước. Nhiều giờ trôi qua không có kết quả, sau đó tôi được mẻ lưới to: Ba người Đức đi cùng vợ, các bà thấy tôi xinh trai. Tôi đổi cho họ hai ngàn hai trăm năm chục đô, một nửa lại bán cho Chandra, nửa kia bán cho một thương gia ở đường Kalindini. Lãi ròng: Một ngàn sáu trăm tám bảy shilling - Hai trăm mười đô. Khoảng tám trăm chín mươi hai franc Pháp.
Tôi điên lên vì sung sướng. Thành công rồi! Thời vận đến rồi! Lần đầu tiên trong đời, tôi làm ra tiền và khám phá ra điều kì lạ làm tôi sững sờ và sung sướng cực kì: Đơn giản quá! Đơn giản phi thường! Một điều gì đó đã đến và ý định đó biến thành đồng tiền rủng rẻng. Tuy ý đó chẳng có gì xuất chúng, số tiền kiếm được cũng chẳng to tát gì. Nhưng tôi biết chắc đó mới là bước khởi đầu thôi, và còn xa tôi mới đoán được sẽ thành công đến mức nào, còn xa mới tưởng tượng được rằng ở cuối con đường tôi đi sẽ có hàng trăm triệu đôla đang chờ đón. Con đường mà tôi gọi và mãi mãi sẽ là vũ khúc của tôi.
Trong cơn hăng say tôi nảy ra một ý kì cục. Khi trở về Mombasa tôi mua hai tấm bưu thiếp y hệt nhau in hình con chó rừng. Tôi gởi một tấm cho ông bác, Giancarlo Cimballi ở Lugano, tấm thứ hai cho Martin Yahl - Đấng Tối Cao ngành ngân hàng, Chủ tịch, tổng giám đốc nhà băng cùng tên, ngân hàng tư doanh (tư cách tồi tệ) trên bến General Guisan tại Geneva. Trên cả hai tấm điều ghi câu: “Ông thấy chưa, tôi không quên ông”. Trò trẻ con? Nhất định rồi. Dù sao, nó không để lại hậu quả gì. Ấy là tôi tưởng thế. Và cứtưởng như thế rất lâu cho đến khi nhận được trả lời, một câu trả lời khác thường, ầm ĩ.
Tôi còn tìm hộ cho Joachim được một khách hàng, có thể gọi là khách đôi cũng được vì đây là một cặp vợ chồng, từ Zurich tới. Tên là Hans và Erika. Chồng làm gì đó trong ngành bưu điện, vợ trong ngành điện tử, ít ra cũng kỹ sư. Cả hai đều dễ thương, rất yêu nhau. Họ dặn trước Joachim: “Chúng tôi thật sự không muốn bắn giết. Dẫn chúng tôi đi thăm thú phong cảnh đất nước”. Thoạt đầu mới gặp Joachim, họ giật mình lùi lại, lo ngại trước dáng vẻ gã. Bây giờ họ thấy thích cách cư xử vồn vã của chú gấu đã thuần, họ hòa hợp với nhau rất tốt.
Bốn chúng tôi từ Mombasa đi lên phía bắc, hướng tới Malindi và Lamu theo con đường ven bờ có những bãi san hô là là mặt biển tạo thành những phá nước lặng và trong kỳ lạ.
Buổi tối ngồi ăn thịt chim quay, gà rừng chiến lợi phẩm của Joachim chúng tôi bàn luận về nước Thụy Sĩ. Hans và Erika tưởng tôi là người Thụy Sĩ. Tôi cải chính:
- Tôi là người Pháp, sinh ra ở St. Tropez.
Họ reo lên: Mùa hè năm ngoái họ vừa đến đó. Họ đã tắm truồng ở Pampelone.
- Tôi chôn rau cắt rốn trong ngôi nhà trên bờ biển đó. Hoặc trước kia nó ở đó.
Chỉ một tí nữa là họ nhớ ra ngôi nhà ấy, ngôi nhà hiển nhiên họ không nhìn thấy, không để ý đến; họ sốt sắng rà soát lại ký ức với hy vọng tìm thấy một hình ảnh: “Ngôi nhà lớn trăng trắng? Hay tòa lâu đài có tháp cao?”. “Không phải, nhà ngay sát mép nước. Có bức tường đá chắn trước mặt, nền đất cao trồng cọ”. Kỷ niệm xưa dồn dập trong tôi. Do đâu mà tôi giữ được hình ảnh chính xác, rõ ràng đáng ngạc nhiên đến thế về ngôi nhà tôi biết từ hồi còn là đứa trẻ con, và không lần nào trở lại từ khi bố tôi qua đời?
- Lúc ông nhà mất anh bao nhiêu tuổi?
- Lên tám.
- Cimballi là tên gốc Ý phải không?
- Quê gốc bố tôi ở Tessin, không phải Tessin thuộc Thụy Sĩ mà ở bên kia biên giới. Vài trăm mét nữa làông cụ thành người Thụy Sĩ.
Joachim lấy chiếc ghita, lướt những ngón tay thô kệch mơn man dây đàn một cách dịu dàng tinh tế không ngờ.
- Bà cụ anh cũng không còn nữa?
- Mẹ tôi mất năm tôi mười hai tuổi.
Mẹ chết vì bệnh ung thư. Không phải ở chỗ nào khác: ở Paris, phố Nhà Lạnh. Tên phố nghe thật lố lăng, nhưng thật chính xác một cách bi thảm. Tôi cũng còn nhớ kỹ nơi ấy, vẫn nhớ những tháng hấp hối của mẹ tôi, nhớ như in hình ảnh người bác Giancarlo múa may quay cuồng bên giường bệnh, nhớ điệu nhảy nhộn nhạo ma quái của lão. Tôi biết rõ lão theo lệnh của Martin Yahl thúc ép các bác sĩ phải bằng mọi cách kéo dài cuộc sống - cũng là kéo dài sự đau đớn của bà, không phải vì thương yêu mẹ tôi mà chỉ là để bà ký được hết các giấy tờ lão cần có. Mối hận thù dữ tợn của tôi đối với người bác và Martin Yahl không phải đến lúc này mới nẩy nở, nó là một mối hận thù bản năng, nhưng qua mấy tuần lễ mùa xuân 1960 này nó mới bắt rễ vào một cái nền vật chất và phát triển mạnh lên.
Lòng căm ghét thật mãnh liệt, đôi khi chính tôi cũng không hiểu nổi. Nó khiến tôi đốt hết mọi thứ họ cho tôi, học vấn, tiền bạc... Như một ám ảnh bệnh hoạn.
- Bố anh ta rất giàu, đổ đi không hết của. - Joachim cất giọng như lệnh vỡ, hất hàm về phía tôi. - Father very, very rich...
Gã mỉm cười với tôi, mắt tươi rói tình bạn đáng ngạc nhiên. Gã gật gù:
- Very rich. Rất giàu, về sau, nhẵn nhụi.
Gã hát bài Amicas Das Violetas, bài dân ca Bồ Đào Nha gã rất thích. Hans và Erika nép vào nhau, còn tôi, tôi ngắm nhìn chòm sao Hiệp Sĩ.
Mỗi du khách người nước ngoài, nhất là người Đức trung bình đổi tám trăm đôla khi đặt chân tới đây. Tôi kiếm được xuýt xoát tám trăm shilling tức hơn trăm đôla mỗi khách. Bài toán rất dễ, trình độ lớp một. Hai tuần sau khi khám phá ra nguồn lợi này, tôi không cần đến Chandra xuất vốn nữa, nghĩa là tôi bắt các đồng shilling của tôi phải sinh lợi, những shilling có được nhờ bán đôla cho các nhà buôn Ấn Độ. Sau đúng mười hai ngày - tôi nhớ rõ vì đây là ngày cuối của tuần thứ ba trên mảnh đất Mombasa của Kenya - tôi đã có đủ vốn mua ngay một lúc số đôla của bốn du khách: Sáu nghìn shilling, và trong một ngày hôm đó tôi mua bốn đợt như vậy. Cứ mỗi hai tiếng đồng hồ làm ăn tôi thu lãi ròng bốn trăm hai chục đôla. Tất nhiên không phải ngày nào cũng có được của trời cho như vậy, ngày hôm đó thật đáng được cắm mốc ghi nhớ, ở giai đoạn làm ăn này của tôi.
Một điều chắc: Tôi sống bằng cái mình làm ra, sống dư dật. 
Ngày 22 tháng 12, hai ngày trước lễ Giáng Sinh, tôi giã từ khách sạn Castle, chiếc quạt kêu hổn hển, những bức tường lấm tấm xác muỗi nát bét, phòng tắm công cộng cuối hành lang khai nực mùi nước đái. Dọn về khách sạn White Sands cách không xa tư dinh của ngài Jomo Kenyatta. Trước mắt tôi bãi biển trắng xóa tuyệt vời, và Ấn Độ Dương rực rỡ san hô.
Sau một tháng đổ bộ vào Mombasa tôi cảm thấy như ở nhà mình. 
Ngày 23 tháng chạp có thư đến. Đề tên tôi, viết rất chính xác với đủ hai chữ L và chữ C ở đầu, riêng chỗ ở chỉ đề “Mombasa, Kenya”. Tôi không bao giờ biết được bưu điện Kenya có phép thần thông gì mà đưa được thư đến đúng chỗ tôi; có thể vì số người Âu trong thành phố hai trăm vài chục ngàn dân này không nhiều, nhất là những người không phải dân Anh. Thư được gửi vào bưu điện Paris mười một ngày trước đây, tức ngày 12 tháng chạp, lúc mười sáu giờ mười lăm phút, phố Beethoven quận XVI. Tôi bóc ra xem. Giấy viết thư khổ 21x37, không có bóng mờ, đánh máy.

“Lúc thư ủy thác di sản hết hạn, ông đã nhận khoảng một triệu franc số dư tài sản của phụ thân ông. Thực tế, số tài sản ấy vào khoảng từ năm mươi đến sáu mươi triệu đôla. Chúng đã cưỡng đoạt của ông”.

Không ký tên.

3

Lễ Noel, tôi hội đàm suốt đêm với cô gái Somali có cặp vú đẹp tuyệt trần, hơn nữa, nét lượn từ thắt lưng đổ xuống dưới có thể làm thác Niagara phải tuột xuống xếp hạng sau. Cô ta dịu dàng, tươi tắn, ân cần, chỉ thiếu đầu óc kinh doanh.
Công việc đổi tiền tiến triển nhanh hơn nhiều so với dự tính của tôi. Những lễ hội cuối năm, mùa nghỉ bên Châu Âu hút khách du lịch sang đây từng chuyến máy bay đầy chật. Không phải chỉ bằng những chuyến thường lệ mà còn có những máy bay thuê riêng, càng ngày càng nhiều, do những tổ chức loại Kuoni đứng thuê. Ngày 26 tháng chạp, ba mươi ngày sau khi đổ bộ, tôi lập một kỷ lục mới: Bảy khách, sáu trăm chín chục đôla tiền lời. Hai người trong số đó còn làm một cuộc du ngoạn săn thú chụp ảnh do Joachim dẫn đường; chàng Bồ Đào Nha nhất quyết thanh toán cho tôi khoản phần trăm dắt mối - dồn thú, nâng thu nhập trong ngày của tôi lên hơn chín trăm đô. Trở về phòng trọ trong khách sạn White Sand, tôi rải tất cả số tiền lên giường mà ngắm nghía, nghi hoặc, say sưa, mê mệt. Tôi đến soi mình trong tấm gương bồn tắm. Đúng là tôi thật! Tôi trở về giường, leo lên tấm nệm giấy bạc. Cú nhảy của thiên thần...
* * *
Đã đến lúc làm giàu: “Make money”. Nó đang tới. Và đến ngày 31 tháng chạp, sửa soạn chào đón năm mới tốt lành, tôi sắm một bộ cánh màu trắng, đôi giầy mới, một vali và nhiều thứ lặt vặt khác. Những khoản chi quá đáng, nhưng không hề làm sứt mẻ vốn liếng của tôi. Lần đầu tiên đạt mười ngàn đôla - khoảng năm chục ngàn franc Pháp.
Những ngày sau đó, tôi biết trước rằng du khách sẽ giảm, họ trở về quê hương. Tuy nhiên, mức sụt giảm đột ngột từ mười, mười hai khách xuống còn có một, hai người vẫn còn là đòn nặng giáng cho tôi, ngay cả ngày có khách. Có lần tôi chầu chực ba ngày liền vẫn không móc được người nào. Mới đó tôi còn tính chuyện tuyển Chandra phụ giúp một tay, gã cũng rất nóng lòng cộng tác với tôi. Không thành vấn đề nữa rồi, ít nhất trong lúc này. Để làm dịu cơn căng thẳng thần kinh đang làm tôi điên tiết, tôi triệu tập cô bé Somali đến họp phiên toàn thể. Giữa lúc chúng tôi đang đú đởn trong buồng tắm nhân dịp đầu năm, thì có tiếng đập cửa. Tiếng đập hùng hổ tự nhiên làm tôi nghĩ ngay tới gã Bồ Đào Nha với những nắm đấm to tướng, lông lá, nặng trình trịch. Tôi hét:
- Mình ra đây, Joachim!
Tuy có sẵn khăn ngay đấy, nhưng muốn trêu anh chàng Joachim cả thẹn tí chơi, tôi quấn khăn lên trán, cứ thế tồng ngồng đi ra cửa. Tôi mở cửa và thấy ngay trước mũi - cứ tạm nói như thế - một ông tóc hoa râm cắt bốc, mắt nhăn nheo sau cặp kính, tự giới thiệu là cảnh sát trưởng, đến để bắt tôi.
Ông nhìn tôi từ trên xuống dưới.
- Anh cởi truồng?
- Bao giờ cũng thế. Khi tắm. Tại sao vậy?
- Tại sao cái gì?
- Tại sao bắt giữ tôi?
- Vi phạm luật hối đoái.
Bình thường ra, lão phải đợi tôi mặc xong quần áo rồi giải đi. Đằng này lão điềm nhiên bước vào phòng, đi thẳng tới buồng tắm. Cảnh sát trưởng đóng cửa lại, thế là tôi hiểu. Tôi ngồi xuống. Đúng cái lão mà Joachim đã nói chuyện với tôi, đã dặn tôi phải đề phòng. Tên lão tạm gọi là Wamai, mã người chẳng ra sao, bé nhỏ, xương xẩu, sắc mặt xạm đen, hai mắt đen tròn, vằn tia máu.
- Này ông Cimballi, tôi thấy ông nhiều rồi. Đã thấy ông nhiều ở Mombasa này.
- Chắc ông đánh giá cao cảnh đó?
Đầu óc hài hước của lão chỉ là chiếc giẻ lau. Lão không hề nhếch mép. Thu nhập bình quân của một người Kenya là mười lăm đến hai chục đôla tháng. Lãonày là cảnh sát trưởng, chắc độ gấp tám, gấp mười chừng đó, theo tôi nghĩ. Được, tôi sẵn sàng thí một trăm đôla. Có thể đến một trăm năm mươi.
- Tình thế của ông rất hiểm nghèo, - Wamai nói, - rất hiểm nghèo.
Joachim đã bảo tôi: Wamai móc ngoặc với thẩm phán, thành equipe. Tốt nhất là chi tiền thẳng cho chúng, cả hai tên, hơn là tin vào công lý của chúng. Bằng lòng, tôi sẽ chi đến ba trăm đôla, mỗi đứa một trăm năm chục.
Tôi hỏi rất tử tế:
- Tôi phải làm gì để thoát khỏi tình thế này?
- Tôi có thể can thiệp giúp ông.
Tôi vừa thầm quyết định: Mở đầu cuộc đấu giá từ hai trăm đôla, năm chục cho cả hai, giá bán buôn. Hai lăm? Sao không hai mươi? Như thế sẽ thêm được một chặng trong cuộc thương lượng chắc sẽ kéo dài.
- Tất nhiên, - Wamai tiếp, - sẽ có những tốn phí.
Tôi dúi cho lão nụ cười sầu não, tỏ ý lực bất tòng tâm.
- Khả năng tôi rất hạn chế. Hiện còn chưa biết làm thế nào trả tiền thuê phòng trọ này...
Lão gật gù:
- Năm ngàn đôla, ông Cimballi. Ông trả dần mỗi tháng, và sẽ được yên thân.
Tôi lặng im.
Lão giải tôi đi.
Cho đến giây cuối cùng của tôi vẫn cho là lão bịp tôi, lão muốn dọa cho tôi sợ thôi. Tôi bắt đầu tin khi lão đưa tôi diễu qua đại sảnh khách sạn, giữa hai cớm. Lúc đi ngang qua phòng tiếp tân, tôi không sao chịu nổi, nói pha trò một câu: “Tôi tiễn chân mấy ông này rồi sẽ quay lại ngay”. Tôi tin lão khi lão bắt tôi trèo lên sau chiếc Land Rover, vẫn hai bên hai cảnh sát ngồi kèm, thêm đôi còng ở tay. Tôi tin lão bớt đi một ít, nghĩa là tôi bắt đầu có nghi vấn ở Sở Cảnh Sát, tôi bị lão bỏ mặc hoàn toàn trong căn xà lim rộng, mùi khó ngửi, làm bạn với chừng nửa tá can phạm nói rặt một thứ tiếng Swahili, và tỏ ra rất khó chịu khi thấy có mặt một gã da trắng giữa bọn chúng (sự có mặt này cũng làm tôi khó chịu).
Tôi có chiều hướng không tin gì lão nữa khi bị đẩy lên chiếc xe xà lim quái gở trước đây tôi đã trông thấy một hai lần trên các đường phố Mombasa. Nó là chiếc xe tải thường, trên thùng xe cũi sắt có duy nhất một cửa mở ra phía sau. Dọc thùng xe có một thanh sắt dài gắn chặt xuống sàn. Xích ở cổ chân cổ tay tôi, cũng như các bạn đồng hành trên xe đều bị cột vào thanh sắt này; tất cả có độ mười lăm hoặc hai mươi người trong cũi, được dong khắp thành phố như thể họ lấy đó làm thú vị. Đối với cư dân Mombasa cảnh tượng này không có gì đặc biệt tuy nó vẫn làm mọi người để mắt nhìn, họ đã quen với chiếc xe xà lim vẫn thường chạy qua các phố. Nhưng rõ ràng đây là lần đầu họ trông thấy một gã người Âu bận chiếc quần Bermuda trắng dơ dáy in hình những cây cọ hồng, cọ xanh.
Dĩ nhiên, cho đến hôm nay tôi chưa hề bị xích, càng chưa bao giờ bị nhốt cũi. Không thích thế, không thích một tí nào. Trong vài giây sáng láng, tôi cảm thấy nỗi kinh hoảng, sự điên giận của con thú mắc cạm. Wamai có trước mặt tôi lúc này nhất định sẽ bị tôi bóp cổ đến chết. Tôi muốn nôn ọe, muốn gào lên, muốn dẫy dụa đến rứt đứt cả hai tay. May là những cái đó không kéo dài, tôi trấn tĩnh lại được. “Hãy nhìn mình, Cimballi, hãy đứng ra ngoài mà nhìn vào mày xem, trông có hay không?”. Tôi ngồi xuống một thứ giống chiếc ghế bằng gỗ, dụi đầu giữa hai đùi, cắn răng ngoặm vào bắp tay. Một lúc thấy đã khá hơn, tôi ngẩng đầu lên vừa lúc xe ngoặt mạnh vào phố Kalidini. Chúng tôi diễu dọc theo vỉa hè đầy hàng quán mà tôi quen biết mọi chủ nhân. Nối nhau vút qua những bộ mặt hốt hoảng, bóng nhẫy, quay hết về phía tôi với cặp mắt trống vắng của những người đứng trên sân ga lúc tàu chuyển bánh. Xe chạy qua khách sạn Castle chui dưới đôi ngà voi bê tông và tôi phát hiện ra người con gái ấy: Một cô người Âu mảnh dẻ, tóc nâu, nhanh nhẹn, có đôi mắt biếc, đôi môi đỏ thoáng vẻ giễu cợt. Hai cặp mắt gặp nhau, dán vào nhau, không rời nhau nữa. Tự nhiên, hoàn toàn do phản xạ của lòng kiêu hãnh, tôi thẳng người, nâng hai tay bị xích làm điệu chào cô ta và mỉm cười. Nếu không bị xiềng xích hẳn tôi sẽ chào theo kiểu võ sĩ thắng trận. Xe tăng tốc độ sau một đoạn chạy chậm, tôi cúi gập người để nhìn cô ấy, để trì hoãn giây phút phải rời xa cô, và thấy cô cũng nghiêng đầu nhìn theo tôi. Tôi còn kịp thấy cô mỉm cười nữa. Tôi không quen biết, chưa trông thấy cô lần nào, thái độ của cô chứng tỏ cô cũng không quen biết tôi. Một khúc đường ngoặt đã chia li hai chúng tôi; xe chạy theo hướng Bắc.
Sau đó, tòa án.
Tôi chờ đợi một cuộc tranh luận kịch liệt. Nghĩ đến lãnh sự, luật sư, đại sứ, lời khai của lão bác tồi tệ hoặc tai hại hơn cả, của Đấng Tối Cao chủ ngân hàng Martin Yahl, nó sẽ cho tôi rơi xuống tột cùng bất hạnh. Chẳng thà lĩnh ngay hai mươi năm. Cuối cùng...
* * *
Tòa án là một ngôi nhà hai lầu, hành lang kiểu Bồ Đào Nha bọc quanh mảnh sân trong, nơi chiếc xe xà lim đỗ lại. Người ta lôi chúng tôi xuống, xiềng vẫn ở chân và chân đá vào đít, trừ tôi, vì tôi rất dễ thương. Quả thật có vẻ họ đặc biệt quan tâm đến tôi, họ tách ngay tôi ra khỏi những kẻ kia rồi thúc tôi vẫn đeo xiềng mà lê lên lầu một, một gian phòng nhỏ có gã Ấn Độ tròn như khúc dồi, rỉ nước nhầy nhụa như cây nến đương chảy ngồi sau chiếc bàn.
- Ông đã vi phạm nghiêm trọng luật hối đoái. Tội rất nặng.
Tôi chỉ kịp: “Có ý kiến” và “tôi đòi có luật sư”, lão đã đưa cho các vệ sĩ của tôi mảnh giấy ký sẵn từ trước cuộc trò chuyện thú vị này, họ xốc nách lôi tôi ra ngoài. Chưa kịp hiểu mô tê gì tôi đã thấy mình ngồi trên xe xà lim, những bị cáo khác theo nhau lên thêm, lát sau xe giật mạnh lao về phía Bắc.
Xe chạy ngang trước mắt các khách sạn lộng lẫy dọc bờ biển, qua White Sand của tôi, qua tư dinh Jomo Kenyatta. Chạy tiếp ba chục kilomètres vẫn theo hướng chính Bắc thì đến trại giam. Trong lần đi với Joachim và cặp Thụy Sĩ đến Malindi và Lamu tôi đã có dịp liếc mắt qua. Nhưng không hề giữ lại một kỷ niệm sâu sắc nào: Xét theo con mắt du lịch, cảnh này không đáng công đi đường vòng. Bây giờ mới nhìn kỹ: Một thứ trại tập trung với những căn nhà xây có hàng rào tre tô điểm qua loa vài hàng dây thép gai. Nhà thấp lè tè sát mặt đất, mái bằng, xây bằng gạch xỉ không trát, tất nhiên không quét vôi. Qua các lỗ thông hơi có chấn song lắp thêm lưới sắt, mùi hôi thối bên trong xì ra từng luồng đặc sệt chẹn vào họng, các lán trại bị nung đốt đến nóng chảy phản chiếu lên những bộ mặt kín mít cố dướn ra ngoài sáng, đầm đìa mồ hôi, trang điểm một lớp ghét dày cộp. Chỉ trong mấy giây tưởng tượng mình bị tống vào đó, tôi đã ngạt thở, kinh tởm và nói thẳng ra là khiếp sợ nữa. Thành ra khi thấy được dẫn đi tôi bỗng nhẹ hẳn người. Nghĩ rằng đã thoát chết. Tôi khập khiễng lê trên mặt đất lồi lõm, đôi mắt cá như toét ra vì xiềng sắt cứa thẳng vào da thịt, trên người tôi cũng có chiếc quần Bermuda và áo sơmi kiểu Hawai, chân đi dép tông Nhật. Tôi vấp chân loạng choạng, hết nghĩ đến thân phận mình.
Thành ra đến phút cuối cùng mới trông thấy chiếc cửa song sắt. Nằm sát mặt đất, khóa chặt. Người ta mở khóa cho tôi. Thả xuống chiếc thang - chỉ là thang gỗ đóng những thanh ngang không đều.
“Xuống!”
Bên dưới có sáu người chen chúc trong hố đất tròn sâu năm mét, rộng hai, lõng bỏng một thứ bùn thối kinh hồn gồm những chất đã quá rõ. Chân tôi lún sâu đến tận mắt cá, gần phát khóc vì những cơn ói quặn ruột, loạng choạng dò dẫm mãi mới tìm dược một chỗ trong xó, dựa lưng vào thành hố. Cửa sắt trên đầu sập lại, bọn cảnh sát bỏ đi. Thoạt đầu tôi chỉ thấy quanh mình toàn những bóng đen. Lúc sau mới nhìn kỹ mặt sáu bạn tù, họ cũng đang nhận mặt tôi. Bốn gã nhìn tôi vẻ ngạc nhiên, thậm chí hơi châm chọc; hai gã kia chỉ liếc qua vẻ khinh miệt. Hai hộ pháp cao to không tưởng tượng được, đầu gần chạm tới bờ hố; sọ cạo nhẵn một mảng phía trên trán, món tóc còn lại chùm mạng đỏ, cổ đeo vòng sặc sỡ nhiều mầu, vẻ mặt chúa tể lạnh lùng, đặc cứng một niềm kiêu hãnh thú vật. Hai gã Masai, người chúng bốc mùi rất tởm. Bốn gã kia là người Kikuyn tướng mạo cướp đường dễ sợ. Sau này mới biết họ chỉ là dân săn trộm, bị kết án vì tội bắn hạ thú rừng trong một vườn cấm. Nhưng lúc này tôi khiếp sợ họ hơn sợ gã Masai kia: Những lời thì thầm bằng tiếng Swahili đáng ngờ, những ánh mắt nhìn táo bạo có ý xấc xược, những cái đó đều không làm tôi yên lòng. Tôi bước qua khu đệm “No man’s land” ở giữa hố đến ngồi chen giữa hai gã Masai. Hai gã không nhúc nhích nửa li. Một giờ trôi qua, ánh sáng giảm dần, lòng can đảm của tôi cũng giảm theo. Những vết đốt đầu tiên làm tôi giật nẩy, những vết tiếp theo làm tôi buốt như phải bỏng. Trong bóng tối đang xẫm lại tôi nhìn thấy chân tay bị hàng đàn côn trùng mầu nâu phủ kín đang ra sức xâu xé, định ăn tươi nuốt sống tôi. Tôi dậm chân, nhảy múa tại chỗ gần như điên. Mấy gã Kikuyn gào lên cười, còn hai gã Masai vẫn tỉnh khô không trông thấy tôi, như tuồng tôi ở cách xa chúng đến mười ngàn kilomètres.
Sáng ra chúng tôi được lên mặt đất. Họ dọn ra món thịt đã ngả màu tím xanh bốc mùi xác chết, tôi sợ mất vía không dám đụng vào. Nhìn mặt trời tôi đoán đã bảy giờ sáng khi họ đẩy tất cả bọn tôi cùng với độ một chục tù nhân khác lên năm, sáu chiếc xe tải, sau khi chờ đợi khá lâu.
Trở về Mombasa. Vừa hé niềm hy vọng được đến trước mặt thẩm phán, cảnh sát trưởng, trước mặt bất cứ ai mình có thể quát tháo gây sự, tôi đã nhanh chóng thất vọng. Họ bắt chúng tôi lần lượt xuống xe. Vài mệnh lệnh quy định rõ điều họ đang mong đợi ở tôi: Phải sửa đường, san hố, khiêng đá, rất nhiều đá, khiêng đủ đá để xây cả một thành phố, theo tôi nghĩ. Mà con đường tôi vinh dự được tái thiết lại ở ngay trước mặt dinh cơ Jomo Kenyatta, tổng thống Kenya.
* * *
Khoảng gần trưa Joachim hiện ra, vẻ lo ngại, gã không đám sán đến gần, ra những dấu khó hiểu. Chỉ thấy rõ là gã đang quan tâm đến tôi. Bữa ăn trưa dọn ngay vệ đường dưới nắng như đổ lửa. Tất nhiên tôi đứng không nổi nữa, hoặc gần như thế. Mệt đến lảo đảo như say rượu, hai mươi bốn giờ lòng không dạ đói, suốt đêm không ngủ vì phải chống chọi với lũ côn trùng ma quỷ và canh chừng mấy gã Kikuyn. Cứ nghĩ đến đêm tiếp sau chắc chắn sẽ giống hệt đêm vừa rồi, tôi muốn ngất luôn.
Vào khoảng ba giờ, một chiếc Austin dừng lại trước mặt tôi. Cảnh sát trưởng Wamai xuống xe.
- Nghĩ kỹ chưa Cimballi?
Muốn đấm quá đi mất! Không, không đấm, lấy đá nện vỡ đầu nó, rồi chụm chân nhảy lên xác nó.
- Không! năm ngàn quá đắt.
Gã quay đi, làm như sắp trèo lên xe và lập tức tôi thấy buồn nôn. Phải gọi lại. Chỉ một tích tắc nữa là tôi gọi. Gã dừng lại, đi về phía tôi.
- Ba ngàn vậy.
Chân tôi nhũn ra, bụng bốc lửa, đầu nhẹ hẳn đi và đôi lúc thấy mắt hơi mờ. Nhưng tôi không chịu để cho tay cớm Kenya này đánh thắng ván cờ. Tôi đận đà nhặt hòn đá đống thứ nhất chuyển sang đống thứ hai, lùi lại vài bước ngắm nghía công trình với vẻ mãn nguyện tự hào ra mặt, nghĩa là tôi có sức làm cho điều đó hiện lên thật rõ ràng trên mặt.
- Năm trăm. Không hơn, ông thừa biết.
- Hai ngàn.
- Ngàn rưỡi.
- Hai ngàn.
Tôi đã ở trên con đường khốn kiếp này tám tiếng liền. Bắt đầu thấy nó đáng ghét. Nghĩ đến bốn gã Kikuyn ngồi lù lù trên đống nước bẩn mà cười nhạo báng, nhìn tôi với những cặp mắt nẩy lửa - chưa kể cái còn lại cũng nóng bỏng không kém. Tôi cũng nghĩ đến những con sâu. Bèn thử một trận cuối cùng:
- Bằng lòng hai ngàn. Nhưng phải viết biên lai.
Bị đòn, lão trợn mắt. Tôi long trọng giải thích:
- Một tờ biên nhận tiền, ông nhận có cầm tiền của tôi. Tôi phải xuất trình với nhân viên thanh tra thuế vụ.
Lão vẫn chưa lại hồn, tự hỏi liệu tôi đang lên cơn điên hay đang chế giễu lão.
- Không đời nào, - mãi lão mới nói.
- Thế thì một ngàn thôi.
Tùy lão, muốn chia chác với thẩm phán thế nào thì chia. Tôi không can thiệp, tôi cũng đã tuyên thệ rồi.
Đọc trong mắt lão, tôi biết lão nhượng bộ, điều gay nhất đối với tôi lúc ấy là cưỡng lại sự thôi thúc nội tâm: Bổ một nhát xẻng vào đầu cho lão rồi đời. Lão vớt vát danh dự:
- Ngàn hai.
Tôi tì mạnh lên cán xẻng. Đau muốn khóc lên được. Tôi nói:
- Xong!
* * *
Tôi được tha sớm trước thời hạn hai tiếng. Và ngày hôm sau, ngày 5, tôi tiếp tục hoạt động từ nay tôi gọi là công việc phi thường. Kết quả: Hai khách. Một kết quả khác: Tôi khám phá ra sự việc vừa qua không hề làm tôi nhụt đi. Do may mắn? Không, do tôi hết. Sự việc vừa qua đã mài giũa tôi thành lưỡi dao sắc nhọn cạo sạch mọi vết rỉ sét yếu đuối trong tôi, làm bộc lộ tính hung hăng lạnh lùng và hiệu nghiệm trước nay chưa bao giờ tôi thấy mình có. Mặt khác, cái lõm sóng đã hình thành sau những lễ hội cuối năm đang giảm dần và mất hẳn, công việc làm ăn lại rôm rả. Tổng kết tháng giêng, trừ hết mọi khoản chi phí, tôi được lãi ngót nghét mười ngàn đôla. Sau đó sang tháng hai, tháng ba tôi vượt qua mức này; tháng ba tôi được hai mươi lăm ngàn tiền lãi ròng, mặc dầu vẫn phải nộp một ngàn hai cho cảnh sát trưởng và thẩm phán, mặc dầu phải mướn thêm Chandra giúp việc - hai ngàn đôla tiền công tháng. Gã phân chia thời gian vừa mua bán đôla vừa trông nom cửa hàng, thuận trả cho tôi hai lăm phần trăm tiền mua hàng của những khách do tôi dắt mối. Giữa tháng ba tôi mở rộng dịch vụ môi giới này tới tất cả các thương gia chịu chấp nhận tỷ lệ hoa hồng đó. Mà số này ngày càng đông.
Điều đáng ngạc nhiên là: Tôi vừa ăn hai lăm phần trăm giá bán, lại thêm hai chục phần trăm trên giá mua, (do khách hàng trực tiếp trả tôi), vậy mà du khách vẫn được lợi. Theo phương thức của tôi, họ mua sắm mọi thứ: Tượng, khí giới, sừng tê giác, ngà voi, đồ nữ trang, với giá rẻ hơn ba mươi đến bốn mươi phần trăm so với họ tự giao dịch. Tóm lại, với hai nhát cứa đó, tôi là ân nhân của kẻ mua và người bán.
Thu nhập qua kinh doanh phụ này: Từ ngàn rưỡi đến hai ngàn đôla lúc đầu, sau đó vào khoảng mười lăm ngàn - tháng, tôi sắp rời Kenya.
Cuối tháng tư trong chuyến đi chớp nhoáng đến Nairobi để lập một chi nhánh đổi tiền dựa vào người anh họ Chandra (chi nhánh cũng nhanh chóng ăn nên làm ra như cơ sở đầu tiên), tôi mua chịu bốn chiếc xe Mini Moke, một kiểu Jeep mui trần. Tôi định cho thuê ở Mombasa. Dịch vụ săn thú của Joachim ngày càng xuống dốc, gã nhận đảm đương việc này. Thực tình mà nói, ngoài chuyện súng đạn, chuyện lễ bái tụng kinh ra, ngành máy móc là lĩnh vực gã có biết qua chút đỉnh. Chỉ ba tuần sau các bánh xe quay tít báo hiệu: Trúng rồi. Tôi lập tức đặt mua thêm bốn xe. Khi tôi ra đi, Joachim đã cai quản một đoàn xe mười sáu chiếc. Một con số để dễ hình dung: Tháng năm, sau khi trừ mọi chi phí kinh doanh, tổng cộng các khoản lãi của tôi xấp xỉ sáu chục ngàn đôla. Ngày 21 tháng tư vừa qua tôi đã có trong tay số vốn trên một trăm ngàn đôla. Sau gần năm tháng tới Kenya, thiếu độ một hai ngày gì đó.
Và tôi tìm thấy cô gái mắt biếc đã cười với tôi, như trong bức “Người Xứ Auvergnat” của Brassen, lúc tôi bị giải trên xe xà lim, chỉ có chiếc quần Bermuda che thân. Cô khai với tôi cô hai bốn tuổi. Đến Mombasa hồi đầu tháng giêng, đúng vào hôm trước ngày tôi bị bắt, tên là Sarah Kyle, làm việc ở bộ phận quản trị khách sạn White Sand. Về khổ người, hai chúng tôi bằng nhau, nếu cô không đi giầy quá cao. Cô cũng nói được tiếng Pháp.
- Em đã theo học trường khách sạn ở Lausanne.
Mỗi khi đôi mắt biếc ấy đặt vào tôi, bao giờ tôi cũng nhận thấy trong đôi mắt có ánh cười cợt thích thú, như thể tôi là cái thằng kỳ cục nhất đời, lại như thể lúc nào cô ấy cũng sắp sửa cười bò ra vì tôi.
- Trông anh kỳ lắm sao?
- Vừa phải. Anh làm em thú vị.
Nghe cũng hơi bực mình. Tôi nói:
- Thế là cũng không đến nỗi nào.
- Anh làm gì trong cái chuồng ấy?
- Anh đang tưởng mình là con hoàng yến thì trông thấy chú mèo.
- Một sai lầm của tòa án?
- Đúng.
- Lần đầu tiên em trông thấy một sai lầm của tòa án mặc quần Bermuda đấy!
Cô hơi ngửa khuôn mặt hình tam giác ra sau, lim dim nhìn qua mi mắt khép hờ có ý đánh giá tôi, còn tôi bỗng có cảm giác khó chịu thấy mình như mới có mười lăm tuổi. Nghĩ thầm không biết chọn cách quái quỷ nào rủ được cô vào giường với mình. Nhưng cô đâu có để cho tôi lựa chọn, mãi mãi không bao giờ cho tôi lựa chọn. 
Ngày 7 tháng giêng, sau hôm được tha, tôi thăm dò vài câu rồi mời cô trong hành lang dẫn tới phòng tôi. Cô vào đó, nói là để xem phòng tôi trọ có chu đáo không. Cô thử vòi tắm và bồn tắm, cống thoát nước, hệ thống điện, máy điều hòa, kiểm tra cửa lớn cửa nhỏ và ngăn kéo xem khóa có tốt không.
- Chỉ có giường nằm không tốt. Cứng quá.
- Thật à? - Cô hỏi.
Cô cởi tung hết váy áo, leo lên giường nằm dài bắt chéo hai chân, gối đầu lên bàn tay. Cô dướn bụng hai ba lần, lò xo giường nhún rất tốt. Tôi bảo:
- Lạ nhỉ! Mới sáng nay nó còn ngay đơ. Cô cho phép?
- Xin mời, - cô đáp.
Tôi cũng cởi hết quần áo, lát sau cả đôi cùng nhau làm nệm giường nẩy tung.
Một giờ, hai giờ, tóm lại một hồi lâu sau đó, cô cam đoan:
- Thế là rõ: Khách sạn em xài toàn đồ tốt nhất hạng.
Tôi đáp:
- Đúng thế. Cũng như anh vậy.
Riêng tháng bảy tôi lãi bảy mươi tám ngàn đôla. Chi nhánh Nairobi cũng lãi lớn. Nhưng trên tất cả, tháng bảy là tháng mở đầu giai đoạn vàng, giai đoạn ngắn ngủi đầy ắp vàng mà tôi sẽ sống.
* * *
Trong cuộc đi Nairobi hồi cuối tháng tư tôi đã quen biết Hyatt. Cuộc gặp gỡ chẳng có gì đáng ghi nhớ và chắc chắn tôi đã quên khuấy nếu hai tuần sau đó Hyatt không mò về Mombasa.
- Món xe cộ có chạy không?
Chính gã bán xe cho tôi. Gã tìm thấy tôi ở quầy rượu trong White Sand, nhưng muốn bàn công chuyện nên gã kéo tôi ra bãi tắm; một đoàn du khách Hà Lan đỏ như tôm luộc đang nô giỡn với vẻ yểu điệu của voi.
- Tôi nghe nói nhiều về anh - Hyatt nói.
Tôi nhìn gã, chưa hiểu gã định đi đến đâu.
- Do tay người Ấn trông nom công việc của anh ở Nairobi nói, cả những người Ấn khác ở Mombasa này nữa, những người gọi anh là ông chủ nhỏ ấy.
Và kể một loạt tên. Gã nói: Rất phục sự thành đạt nhanh chóng của tôi; mong được cùng làm ăn. Gã đang cần một người cộng tác.
- Kinh doanh vàng.
- Sao lại là tôi?
- Vì chỉ hai người làm chung thôi, không hơn, anh có khả năng bỏ vốn.
- Sao anh không bỏ?
- Ai bảo không? Tôi cũng chơi. Anh lại được bọn Ấn tin cậy nữa.
Công việc phát triển nhanh. Nói cho cùng, do tôi quyết định. Hyatt cùng với tôi thỏa thuận xong về nguyên tắc, hai tuần sau chúng tôi bắt tay ngay vào chuyến đầu. Cũng đơn giản thôi: Các tay buôn Ấn Độ từ Calcutta, Bombay tới bằng đường biển, đợi ở đường ranh giới lý thuyết giữa lãnh hải và vùng biển quốc tế, chúng tôi mang vàng mua ở Nam Phi ra bán cho họ, khách buôn Ấn Độ, đôi khi là khách buôn người Do Thái gốc Anh mua nhiều vàng vì chính quyền Ấn Độ tuy không cấm hẳn nhưng quản lý rất chặt việc nhập vàng trong khi dân Ấn rất chuộng nữ trang bằng vàng. Với số dân đông đúc của Ấn Độ, thị trường vàng dĩnhiên rất rộng lớn.
Cách thực hiện chi tiết khá cổ điển: Đưa vàng lậu về theo đường Rodelia, Zambia và Tanzania, toàn vàng thỏi, vàng nén. Đến Mombasa, một chuyên viên định tuổi vàng được cả hai bên công nhận - trong trường hợp này là một người Do Thái gốc Amsterdam có hai quốc tịch Anh và Israel - đánh giá chất lượng hàng; người này thường phải đi lại giữa hai thành phố Tel Aviv và Nairobi để làm việc đó. Sau khi kiểm định xong, vàng được đúc thành giá đỡ cột buồm, mỏ neo, dây neo, cọc cáp buộc tàu... Chuyên viên phân kim hưởng hai phần trăm giá trị món hàng, thợ đúc được từ tám đến mười phần trăm. Phần việc còn lại thường khó khăn và nguy hiểm hơn hết: Đưa vàng ra khơi đổi lấy đô-la từ Calcutta, Bombay tới. Đến nơi trót lọt với hai tay ôm đầy vàng, miệng cười làm duyên, lòng đầy tin tưởng.
Là công việc đầy mạo hiểm, nhất là vào ban đêm. Phép tắc trong việc này quy định những thể thức phức tạp như trao đổi con tin, trao đổi những tờ giấy bạc cắt đôi ở hai chặng đường, rất nhiều tình tiết mà tôi không thích và sẽ khiến tôi không mặn mà kéo dài chuyện buôn bán quá là kỳ cục này. Riêng Hyatt thì rất khoái. Sự đe dọa đến tính mạng hình như lại làm gã vui vẻ. Có lẽ rượu whisky uống hàng lít một góp phần không nhỏ làm gã luôn nhởn nhơ. Chuyến nào gã cũng nhận làm con tin, chức vụ cao quý mà tôi không bao giờ đòi hỏi. Nên gã được bổ nhiệm trong tất cả các chuyến hàng, và chuyến nào gã cũng say bí tỉ, chẳng còn hay biết gì hết. Giá có bị uy hiếp bằng đại bác gã cũng dám chui đầu vào nòng pháo, miệng hát vang bài Tipperary. Tôi đã năm phen chật vật mới lấy lại được gã, chỉ vì gã quá gắn bó với các quản ngục tạm thời.
Tôi làm có năm chuyến, một vào cuối tháng năm, ba trong tháng sáu, chuyến cuối vào tháng bảy. Mỗi chuyến được lãi độ hơn ba lăm phần trăm. Chuyến đầu tôi bỏ vốn ba chục ngàn. Để thử xem. Tôi đã xem kỹ. Các chuyến sau, tôi ném vào cuộc gần toàn bộ vốn liếng trong tay. Nên chuyến tháng bảy, chuyến cuối cùng, tôi lãi khoảng tám lăm ngàn đôla, vốn bỏ ra là hai trăm bốn chục ngàn.
* * *
Tôi đến Kenya được bảy tháng rưỡi rồi.
Nhờ được Hyatt mách bảo trong lúc chợt tỉnh rượu giữa hai bữa nhậu, tôi tìm ra đường dây bí mật có cơ sở ngân hàng trên hòn đảo mang cái tên tiền định: “Đảo Mafia”, ngoài khơi Tanzania. Qua đường dây này tôi chuyển gần toàn bộ vốn liếng về một ngân hàng ở Hong Kong, ba trăm bốn lăm ngàn đôla. Chưa kể số tôi giữ lại, tạm gọi là tiền tiêu vặt. Vì có thói thích vây vo hơi trẻ con, tôi tiết lộ cho Hyatt biết những con số này, gã vô cùng kinh ngạc. Tôi cũng thế. Ngay cả Sarah nữa, tuy cô không chịu thú nhận.
Đối với tôi, đã đến lúc hành động. Ngày 7 tháng bảy, tôi nói với Sarah, Joachim, Chandra, Hyatt, với tất cả các bạn hàng, chân tay, bạn hữu ở Mombasa, ở Nairobi rằng tôi đi Seychelles vài ngày nắm tình hình để đầu tư, nhưng thực ra tôi vượt qua biên giới Tanzania.
Sự thận trọng có thể là vô ích và hơi buồn cười, nhưng tôi muốn giấu kín việc sắp làm. Lên máy bay từ Nairobi, ngay trước mũi lũ đàn em đang tác chiến trên sân bay Embakasi thì quá lộ.
Tôi thực hiện một kế hoạch đã nghiền ngẫm rất kỹ rất lâu.
Từ Dares Salam, tôi lên máy bay. Đi Le Caire, từ Le Caire đi Roma, từ Roma đi Nice. Mua vé máy bay bằng tiền mặt, trả tiền thuê xe hơi ở sân bay Nice cũng bằng tiền mặt. Trên người tôi có chừng hai lăm ngàn đôla.
Chiều ngày 9 tháng bảy tôi về tới địa phận St. Tropez.

4

Bố tôi qua đời ngày 28 tháng tám 1956. Tôi sinh ngày 9 tháng chín 1948. Lúc bố chết tôi suýt soát 8 tuổi, thiếu vài ngày.
Bố tôi tên là Andrea Cimballi sinh ra ở Campion. Đó là một thành phố Ý nhưng không ở trên đất Ý mà ở bên Thụy Sĩ; một mảnh nước Ý nhỏ nhoi trên đất Thụy Sĩ. Tôi đã tới đây, một thị trấn xinh xắn, yên tĩnh, phẳng lặng, sòng bạc ở chung một mái với nhà thờ Đức Mẹ Dòng Con Nhạn. Trèo qua các bậc thềm nhà thờ ta nhìn khắp bốn phía đều là đất nước Thụy Sĩ; hồ và thành phố Lugano phía trước mặt. Nhưng ta vẫn đứng trên đất Ý, tuân theo luật pháp Ý. Làng Thụy Sĩ đầu tiên, Bissone cách đấy ba kilomètres, bên kia cây cầu chưa xây khi bố tôi còn sống, bây giờ vừa là đê, vừa là cầu đường bộ, đường sắt và xa lộ. Nếu bố tôi chào đời cách chỗ này ba kilomètres có lẽ mọi chuyện sẽ khác, sẽ không xẩy ra điều gì không hay. Có khi vì thế mà ông vẫn còn sống đến ngày nay.
Gia đình bố tôi là người Florenz, không giàu nhưng đủ ăn, trên nữa là người xứ Lombardi thì phải. Gia đình cổ điển: Buôn bán, một hai giáo sư, vài ba nhà luật. Vào đúng lúc sắp nổ ra Thế Chiến Thứ Nhất, ông tôi tậu ngôi nhà ở Campion, nấp bóng nền trung lập Thụy Sĩ để tránh đại bác quân Áo mà vẫn được ở trên lãnh thổ của tổ quốc mình. Bố tôi ra đời ở đó. Ông là người rất thông minh. Ông vừa kết thúc việc học hành - tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân luật - thì bị động viên, bị đưa đi đánh nhau ở Libi, Tripoli, bị thương, bị bắt làm tù binh. Đầu năm 1946, sau một năm ở Canada và Hoa Kỳ, ông trở về Ý. Một năm trên đất khách quê người đã gợi cho ông một ý mà ông cho rằng sẽ giúp ông trở nên giầu có: Kinh doanh ngành bất động sản, bằng một loạt hoạt động mua đất, sửa sang, xây dựng rồi cho thuê làm bãi đậu các nhà lưu động và làm chỗ trú chân cho các đoàn đi du lịch, đi cắm trại thường có nhiều ở Bắc Mỹ. Điều phiền phức duy nhất: Ý định này chỉ thực hiện được ở các bang nước Mỹ thôi, và một chừng nào đó ở Canada. Bố tôi có một ít vốn. Ông quyết định đưa vào kinh doanh. Ông làm đơn xin chính quyền Ý cho phép chuyển vốn ra nước ngoài. Nếu là người Thụy Sĩ, người Đức, đơn xin phép này chỉ là chuyện thủ tục. Nhưng ở Ý, ở Pháp, những nước vẫn được coi là tự do, thì lá đơn của một người không có tên tuổi như thế này chỉ tổ làm các nhà chức trách cười khẩy. Đơn bị bác. Sự khước từ này quyết định tất cả.
* * *
Tôi dừng lại ở Sainte Maxime phía bên kia vịnh đợi đêm xuống, mãi gần mười giờ mới nổ máy xe. Không đi thẳng được vào St. Tropez, tôi rẽ phải, rẽ trái, rồi đi vòng vèo qua nhiều đường hẻm ra đường lớn đi Pampelonne, chính mình cũng lấy làm lạ sao lại thuộc đường đến thế. Những năm còn đi học, giữa hai lớp chẳng ra gì, tôi đã nhiều lần trở lại St. Tropez nhưng chưa lần nào đi đâu đến Capilla. Có một cái gì đó luôn cản bước tôi. Ngôi nhà không còn là của tôi nữa và cho đến bây giờ tôi vẫn không thể chấp nhận ý nghĩ nó đã lọt vào tay người khác, đã thay đổi.
Ở một chỗ trên con đường hẹp phải qua cây cầu nhỏ tí bắc qua suối. Quặt sang phải, một đoạn thẳng, thông bên trái, nhô bên phải. Tôi bỏ xe ở lối rẽ vào con đường nhỏ. Người ta đã xây dựng được khá nhiều trong mười ba năm nay; hay là tôi nhầm, nhớ lại chỗ này vắng vẻ hơn là cảnh có thực ngày xưa. Tắt máy, im lặng hoàn toàn. Bóng đêm bất động và êm dịu, mọi hương thơm đều nồng nàn hơn mùi thơm trong ký ức. Cơn sốc thứ nhất, ở đây có con đường mòn tôi tìm ra rất tự nhiên như thể mới dẫm lên nó hôm qua. Biển vàbãi tắm cách tôi sáu trăm mét, như vậy ngôi nhà ở chếch về phía tay trái tôi, nếu nó vẫn còn. Một khoảnh rừng dương mai thấp nở hoa ngào ngạt. Đường mòn hết lên dốc, trái lại nó bắt đầu đổ xuống bờ biển. Tôi bỗng thấy trong lòng bối rối: Đáng lẽ ra, nếu tôi không nhớ nhầm một lần nữa, lúc này tôi phải trông thấy ngôi nhà thẳng trước mặt, trông thấy ánh sáng đèn. Mặc dầu có những bụi trúc đào. Thế nhưng chẳng thấy gì sất. Không một ánh lửa, không một tiếng động. Hai trăm mét nữa; và rất đột ngột tôi cảm nhận ra nó, hiện diện trong tối đêm. Cảm nhận thấy nó như ta cảm nhận thấy người đàn bà nằm cạnh mình ban đêm. Nhà không có người ở.
Gần một tuần lễ sau khi nhà cầm quyền Ý bác đơn, bố tôi về Lugano, ở đây, ông gặp và quen biết một chủ ngân hàng Thụy Sĩ hơi lớn tuổi hơn tên là Martin Yahl, người Zurich. Yahl sang đây mở một chi nhánh của ngân hàng tư nhân đặt trụ sở ở Zurich rồi Geneva. Bố tôi và Yahl tỏ ra hợp nhau, hoặc bố tôi đã tỏ ra có sức thuyết phục. Dù thế nào đi nữa, Martin Yahl nhận tài trợ bố tôi, hoặc bằng cách tìm ra phương pháp chuyển sang Thụy Sĩ số vốn bằng tiền Ý của bố tôi, hoặc cho bố tôi vay tiền. Bằng cách nào thì không rõ, chỉ biết là hai người cộng tác với nhau. Hơn nữa Martin Yahl vẫn là giám đốc ngân hàng, lại còn là người góp vốn, là cổ đông trong công ty của bố tôi, và là người quản trị, người được ủy thác trông nom công ty này.
Đây là một Holding, tức là một công ty vô danh được thành lập để chuyên trách việc giám sát và điều hành một tập đoàn doanh nghiệp cùng loại với nhau - trong trường hợp này, chúng có quy mô toàn cầu - và cùng hoạt động trong một lĩnh vực kinh doanh, Martin Yahl chính thức chịu trách nhiệm quản trị công ty này, theo một văn bản gọi là chứng thư ủy quyền. Trong tiếng Anh chứng thư này gọi là “chứng thư tin cậy”. Martin Yahl là người tin cẩn, người duy nhất xuất đầu lộ diện, duy nhất biết chắc có ai, có bao nhiêu tiền, ai sáng lập, ai thực sự điều khiển công ty Holding này.
Bố tôi nhất thiết cần phải giữ tuyệt đối bí mật các điều đó. Ông đã, một cách nào đó, gian lận với thuế vụ Ý. Mặc dù số tiền ông bỏ ra để thành lập công ty là tiền của ông, đã chịu thuế ở Ý. Nhưng nhà chức trách đã cấm ông sử dụng số tiền đó theo ý ông, mà ông cứ làm, đó là tội lỗi của ông. Ông có thể vung hết vào cuộc cá ngựa, dán nó lên tường nhà ông ở Campion, nhưng không được đưa ra nước ngoài dù là để lập ra hãng Dupont De Nemours hay hãng General Motor. Trừ phi ông là thành viên, là chủ tịch, là tổng giám đốc một công ty đa quốc gia thì trong trường hợp này mới có thể dàn xếp xong được với trời.
Bố tôi cần sự bí mật và tận dụng nó. Sau đó, thời gian trôi qua, ông không thể lùi được nữa. Khó lòng đến trước mặt ông thuế Ý và bảo: “Tôi đã lậu thuế, ông có vui lòng bỏ qua - với cái giá! - và cho tôi chính thức tái định cư ở quê hương tôi, với tư cách là người sáng tạo ra quyền lực?”. Hơn nữa trong thời gian đó bố tôi đã sang Pháp ở, lấy một cô Do Thái gốc Áo gặp ở chỗ Yahl, đã lập nghiệp hợp pháp bên đó, có thu nhập đóng thuế đầy đủ. Trong tài sản hợp pháp của bố tôi, ngoài hai xí nghiệp xây dựng, tiền hùn vốn vào nhiều công ty khác nhau, nhiều ngôi nhà trong đó có cái bố tôi chính thức cư ngụ tại phố Pompes ở Paris, còn có ba chục hécta đất và ngôi nhà ở Đông Nam bán đảo St. Tropez.
Hoạt động chính của công ty Holding là xây cất nhà và các cuộc đầu tư có lãi lớn: Phân lô, mua đất và bất động sản nói chung, cùng với việc tham gia mạnh mẽ vào các doanh nghiệp xây cất, chế biến vật liệu xây dựng trên khắp thế giới. Có người nói với tôi vào một lúc nào đó: “Cái khác thường nhất của ông nhà, là mỗi khi có một dịp làm ăn hé ra qua một chỗ hở, một kẽ nứt là ông lập tức nhảy vào ngay với sự nhanh nhạy kinh khủng, mở rộng khoét sâu ngay, phát triển ngay. Nói đơn giản, ông suy tính nhạy hơn mọi người xung quanh. Lúc mọi người vừa nhận ra ông đang xây dựng cái gì thì ông đã vọt đi chỗ khác rồi. Có hai cách thành đạt: Kiên nhẫn hoặc nhanh như chớp. Ông nhà thuộc phái thứ hai”.
Từ 1946 đến 1956, mười năm. Trong mười năm ấy,ý tưởng cơ bản của bố tôi tỏ ra rất hiệu nghiệm. Ông không thỏa mãn. Ông tấn công nhiều hướng, khắp nơi. Tôi còn nhớ những chuyến đi vào những tháng cuối của cuộc đời ông, của cuộc sống chung ngắn ngủi giữa hai bố con; sang tận Châu Mỹ La Tinh; còn nhớ mẫu kim loại ông đưa cho tôi xem và bảo: “Trong công nghiệp hiện nay còn ít dùng đến. Một ngày kia nó sẽ thành chủ yếu. Ngày đó bố, cả hai bố con mình sẽ là những người hiếm hoi trên trái đất nắm giữ quyền đưa nó ra thị trường”.
Tôi biết - nhưng chỉ biết sơ sơ thôi - rằng công ty Holding là công ty vô danh đặt trụ sở ở Curacao, trong quần đảo Antill thuộc Hà Lan. Công ty này trước khi đột ngột biến đi vào một ngày tháng chín 1956, nắm trong tay nó toàn bộ các cổ phần của nhiều công ty khác có trụ sở chính ở Neveda, Hong Kong... những công ty này lại nắm toàn bộ cổ phiếu của một lớp thứ ba những công ty đặt trụ sở ở Hoa Kỳ, Argentina, Luxembourg, ở Pháp... Một kim tự tháp huyền diệu trên đỉnh là Curacao, bản thân công ty này lại nằm trong tay một chi nhánh bí mật của ngân hàng tư nhân Martin Yahl.
Và năm 1956, tháng tám 1956, mọi dấu hiệu đều chứng tỏ kim tự tháp này đúc bằng vàng ròng.
* * *
Tôi đứng cách nhà có ba mét nhưng không nhìn rõ gì hết. Bên trái, dãy nhà để xe, các kho và cái chái nhỏ trước để chiếc Ferrari đỏ lửa - ngựa của tôi. Mọi cánh cửa gỗ ở đây đều đóng chặt, chằng xích khóa lại. Không thể nhìn bên trong có những gì.
Trước mặt là ngôi nhà ở. Không nhớ kỹ, nó có độ mười hai hay mười bốn phòng thì phải. Ngôi nhà hình chữ u mở ra phía biển. Cửa chính có hai cánh cách tôi có vài mét. Tôi đến gần, đập chiếc búa gõ cửa. Tiếng búa trầm đục vang to trong đêm khuya nhưng sau mấy phút vẫn không có động tĩnh gì. Tôi bật đèn pin, luồng sáng soi rõ hàng rào trúc đào bên phải tôi, các bụi cây hình như đã mọc cao thêm, nhưng tôi chợt cảm thấy mảnh vườn có lẽ đã bị bỏ hoang.
Khi ngôi nhà bị rao bán, ai đã mua nó?
Tôi đi vòng quanh nhà, mùi nước biển luôn sực nức. Vườn vẫn còn đó với các cây cọ, cây thúa, cây hoa giấy, ngọc giá, trúc đào, những bồn tú cầu xếp thành đội ngũ dày đặc. Bể bơi chắc vẫn còn ở phía bên trái, cuối vườn có lẽ còn bức tường đá cao ba mét, có cửa chấn song và bậc thang đi ra bãi biển và cầu nổi. Tôi quay lại, bước lên mấy bậc thềm đi vào giữa chữ U, lên chỗ giống như chiếc sân trong kiểu Tây Ban Nha, nơi gia đình tôi thường ngồi ăn tối, có những cánh bướm làm rung động màn đêm, cả sáu cửa đều đóng kín. Ánh đèn từ tay tôi lần lượt chiếu sáng ba bức tường mặt tiền, các khuôn cửa đóng, con trạch ngói màu son nhô cao trên mái nhà, và càng nhìn tôi càng tin chắc rằng những cửa lớn cửa sổ kia không hề mở ra từ nhiều năm rồi. Có lẽ nào ngôi nhà Capila này lại trống rỗng vào giữa tháng bảy, tháng cuộc sống mùa hè của St. Tropez đang sôi động, mỗi mét vuông đất lại bị hai đợt người thay nhau đến chiếm chứ không chỉ có một như các tháng khác? Hơn nữa, Capila vẫn nguyên như cũ, không bị thay đổi chút nào.
Tôi tìm lại được con đường thuở nhỏ: Trèo lên nóc chái là nóc cao nhất dãy nhà kho, bò lên đến tận chỗ có chiếc cửa sổ nhỏ. Như ngày xưa, tôi dễ dàng mở được chiếc móc cửa; một phút sau đã nhảy được vào lầu một, trong lòng cảm thấy tăng dần cảm giác lo lắng âm ỉ và cảm giác mơ hồ về một sự có mặt câm lặng. Tuy ngôi nhà hoàn toàn trống vắng, tôi dám cam đoan như thế. Vậy mà vẫn cứ thấy... Bên tay trái là khoảng trống phía trước phòng ngoài mênh mông, bên tay phải là các phòng ngủ. Phòng tôi ở cuối hành lang, nhìn thấy biển qua cửa sổ. Phòng bố mẹ tôi ở chái bên kia, thành ra mỗi buổi sáng tôi vừa ra ban công thì mẹ tôi ở ban công buồng mẹ đã cười, hỏi tôi qua khoảng cách tám chín mét của sân trong.
Do dự. Nhưng có cái gì đó hút tôi xuống tầng trệt. Xuống mỗi bậc thang tôi lại có cảm giác đắm mình sâu thêm trong một thế giới vừa thân quen vừa xa lạ. Một sức hấp dẫn mỗi lúc mỗi tăng, tôi cảm nhận rất rõ nhưng không giải thích nổi. Gần như không có chủđịnh, tôi đưa luồng sáng đèn lên cửa căn phòng ở chái bên tay trái, căn phòng của bố mẹ. Cánh cửa phòng vẫn hé mở. Kỷ niệm kéo đến dồn dập: Hai bố con đều ở ngoài bãi tắm, vài phút sau khi người khách đó ra đi. Trên bãi có ba cô gái trần truồng nhìn bố tôi mà cười. Bố tôi nói gì đó với các cô bằng giọng trầm âm, ông nói tiếng Pháp hơi lơ lớ. Hai bố con rời bãi tắm, lên mấy bậc tam cấp, đi qua vườn. Chiếc Ferrari đỏ nằm ở sân trong giữa những chiếc tràng kỷ. Tôi ngồi vào xe. Bố tôi xoa đầu tôi làm tóc rối tung, đi qua, vào phòng làm việc của ông ở chái bên trái. Trong nhà chỉ có hai bố con. Mẹ tôi ra phố, hai vợ chồng bác Pascal giúp việc đi mua bán gì ở đâu không rõ. Bố tôi quay điện thoại. Nói bằng tiếng Đức. Tôi cố khởi động chiếc Ferrari mãi không được. Bỗng có tiếng va chạm mạnh, tiếng kêu tắc nghẹn, phải mất một lúc tôi mới hiểu ra và chạy vội vào phòng. Bố tôi nằm dưới đất, đang cố lồm cồm bò lại với tôi, mặt đỏ gay gắt, mắt trợn trừng. Ông lết dưới đất, giơ một tay về phía tôi mồm lắp bắp không ra tiếng. Tôi hét toáng lên, chạy vào bếp, thấy không có người, tôi đâm bổ ra bãi tắm. Ba cô gái trần truồng đã đứng lên đi cách xa tôi chừng một trăm mét. Tôi cũng cắm đầu chạy trên bãi cát ướt và chắc. Khi bốn chúng tôi vào nhà thì bố tôi đã chết rồi, nằm ngửa dưới đất, mồm há to, tay còn cầm bức tượng Phật bằng đá đen như hạt huyền. Phật cũng trần truồng, bụng phệ, hai tay duỗi cao trên đầu, ngón tay xòe thẳng đứng, đầu gục một bên vai, mắt nhắm nghiền miệng mở nụ cười nhập định huyền bí.
Tôi đẩy cửa bước vào phòng, bị động với luồng ánh sáng đèn pin trên tay. Sửng sốt đến bàng hoàng. Thảm trải sàn vẫn còn kia, nó như bị nhàu nát ở chỗ bố tôi lăn xuống, vẫn nhăn nheo vết bò của ông hồi nào. Bộ tổ hợp điện thoại bố cầm trên tay lúc chết vẫn còn nguyên chỗ mười ba năm trước đây, nguyên vẹn, không thay đổi, giống hệt trước kia một cách kỳ quái. Thời gian đứng lại, tôi lên tám. Tựa lưng vào cánh cửa đã đóng lại, tì đầu vào đó, tôi òa lên khóc, lần đầu tiên từ mười ba năm nay, mặt lẫn vào bóng tối, chỉ có luồng sáng đèn rọi thẳng vào tượng Phật đen nhánh đặt trên góc bàn đang cười với tôi, nụ cười bí ẩn từ cõi cực lạc vô biên.
* * *
Bố tôi mất sau một cơn đau tim ngày 28 tháng tám 1956 trong phòng làm việc ở ngôi nhà St. Tropez lúc đang gọi điện thoại cho một người nào đó tung tích hoàn toàn bí mật. Lúc ấy bố tôi ba mươi bảy tuổi.
Tháng tám 1956 theo ý nguyện của cha tôi, tôi là người thừa kế duy nhất. Trên giấy tờ, tôi phải nắm quyền sở hữu công ty ở Curacao, ít nhất cũng được quyền sở hữu những phần vốn đã góp vào công ty. Di chúc của bố tôi ghi rõ như vậy, đồng thời ủy thác cho hai người: Martin Yahl và bác Giancarlo. Thư ủy thác di sản bao gồm toàn bộ các khoản có, các khoản thu nhập chính thức ở Pháp, Thụy Sĩ và qua công ty Holding.
Trên giấy tờ. Tôi nhận được quyền sở hữu các cổ phiếu vô danh. Tôi đã nhìn thấy chúng, họ đã cho tôi xem, và khi tôi đủ hai mươi mốt tuổi họ đã trao tận tay. Nhưng chúng chẳng có giá trị gì, không đáng giá bằng số giấy in ra chúng. Họ giải thích rằng nguyên nhân là do cái cung cách bố tôi xây dựng cơ nghiệp ngay từ buổi đầu. Đấng Tốì Cao giám đốc ngân hàng Martin Yahl bảo tôi: “Bố anh là một bậc kỳ tài, có năng lực kinh doanh xuất chúng. Nhưng kinh doanh đòi hỏi phải quản lý chặt, đào lò đến đâu phải chống lò đến đấy. Bỏ qua những lời cảnh cáo kịch liệt của tôi, bố anh không chịu chống lò. Thế là nó đổ sập. Đáng tiếc, cơn đau tim đã cướp ông cụ đi có thể do cảm giác thất bại gây ra”. Đấng Tối Cao nói thế. Lão nhấn mạnh “những lời cảnh cáo kịch liệt của tôi”. Tôi cho rằng trên đời này không thể có một người nào bị tôi căm ghét đến thế. Ngay cả ông bác Giancarlo, một kẻ ngu ngốc.
Người ta còn bảo tôi: Tất cả các khoản có bên Pháp, bên Thụy Sĩ đều đập hết vào các khoản thua lỗ ở nơi khác. Tất nhiên họ có đủ chứng từ, họ sẵn sàng tiếp nhận sự kiểm tra của bất kỳ chuyên viên nào trong trường hợp khó xảy ra là có sự nghi ngờ thiện chí của những người được ủy thác di sản. “Anh Franz, chúng tôi và bác anh đã chăm sóc anh, theo dõi, chiều chuộng anh có lẽ hơi quá, nói thẳng là như thế. Bây giờ anh đã đủ hăm mốt tuổi, đã thành niên theo luật lệ Pháp. Vì trong tình nghĩa với bố anh, tuy ông có lầm lạc, chúng tôi quyết định trích tiền riêng cấp cho anh ít vốn để anh bước vào đời đỡ chật vật do việc học hành của anh không được trôi chảy lắm”. Tôi nhận tấm séc họ đưa và bỏ đi, sang Anh, sang London là nơi tôi tưởng rằng ở đó sẽ không đến nỗi cô đơn vì có cô gái nọ, cô gái hôm nay không còn sống. Tôi ra đi vì căm ghét hai tên đó, lòng căm ghét không giải thích được vì sao nhưng nó làm tôi gần phát điên. Mà không phải chỉ gần phát điên nữa: Tôi đã tiêu sạch số tiền đó trong có hai tháng mười bốn ngày, trong tâm trạng cuồng loạn chết người.
* * *
Tôi ngồi vào bàn làm việc của bố, trên chiếc ghế bành lưng tựa cao bọc da đen, ghế của bố tôi. Phật quay lưng lại phía tôi. Tôi xoay bức tượng, để tôi và Phật nhìn thẳng vào nhau tuy mắt Phật nhắm nghiền. Tôi móc túi sơmi lấy ra mảnh thư nặc danh nhận ở Mombasa hai ngày trước lễ Noel. Đọc lại đến lần thứ một nghìn:

“Lúc thư ủy thác di sản hết hạn ông đã nhận khoảng một triệu franc số dư tài sản của phụ thân ông. Thực tế số tài sản ấy vào khoảng từ năm mươi đến sáu mươi triệu đôla. Chúng đã cưỡng đoạt của ông”.

* * *
Đối với Martin Yahl và bác Giancarlo thì bố tôi chết hồi tháng tám 1956 trong phòng tôi đang ngồi vì cơn đau tim sau khi bị phá sản đến nỗi phải bán hết, bán cả ngôi nhà có căn phòng này, cả Capilla. Và vì trân trọng tình thân hữu với ông nên mặc dù vậy, Đấng Tối Cao ngân hàng và bác Giancarlo vẫn tài trợ thời niên thiếu của tôi, đã nuông chiều tôi - đúng hơn là đã đầu độc tôi, bây giờ tôi biết họ đâu có tử tế gì - hơn nữa khi tôi trưởng thành họ còn bỏ tiền túi ra tặng món hồi môn cho chàng trai tân này. Đó là cách giải thích của họ.
Tôi biết chắc là nó không đúng sự thật.
Trong ba tiếng sau, tôi lục soát mọi xó xỉnh trong ngôi nhà, hi vọng tìm ra một cái gì do bố tôi để lại, để lại cho một mình tôi, một dấu vết, một tín hiệu. Nếu từ bên kia cái chết ông có điều nhắn nhủ tôi, nhất định ông gửi gắm trong ngôi nhà này chứ không ở đâu khác. Bố tôi yêu Capila, nhất định ông không đánh đổi nó lấy bất cứ cái gì. Đáng lẽ tôi phải nghĩ ra điều này: Trong cơn hoạn nạn nguy khốn nhất thể nào bố tôi cũng tìm ra cách cứu được ngôi nhà. Ông đã không làm. Đối với tôi thế là rõ.
Khi ánh bình minh đầu tiên thấp thoáng mặt biển tôi rời bỏ ngôi nhà. Mang theo bức tượng Phật ngồi nhập định tôi đánh cắp.
* * *
Tôi tới khách sạn Carlton ở Cannes lúc chín giờ. Tắm xong tôi bắt đầu quay điện thoại, mất gần một tiếng mới tìm ra ông công chứng viên.
- Tôi quan tâm đến một dinh cơ ở St. Tropez gần bãi tắm Pampelonne. Tên là Capila.
- Dinh cơ này không đặt bán.
- Tôi sẵn sàng xem xét bất cứ giá nào.
- Rất tiếc, thưa ông. Không hề có chuyện đem bán.
- Nhưng người ta cho tôi biết hiện nay bỏ không.
Im lặng.
- Họ nói không đúng.
Giọng nói lịch sự nhưng chắc nịch, hơi pha giọng xứ Provence.
- Tôi có thể gặp chủ nhân được không? Tôi muốn trực tiếp bàn với ông ta vì những lý do riêng tư.
Tôi đi thật sâu vào việc nhưng không xưng tên. Vô ích.
- Không được đâu thưa ông.
Công chứng viên quả là một bức tường. Tôi cảm ơn, gác máy, đứng nhìn chiếc máy trong vài giây. Tại sao không thử ướm tiền nhỉ? Nếu không xin được tin tức, vẫn có thể mua được bằng tiền. Nhưng tôi tin, dù có làm chuyện ấy tôi cũng sẽ thất bại. Tôi nổi cáu trong mấy phút sau đó. Sao lại có điều bí ẩn này? Ai đã đứng mua Capila, mua chỉ để giữ nguyên hiện trạng như cách đây mười ba năm, như trong ngày bố tôi qua đời, ngày 28 tháng tám? Chắc không phải ông bác Giancarlo, con người đa cảm như chiếc màn che phòng tắm, hơn nữa lại ganh ghét người em tài ba.
Martin Yahl chăng? Chuyện nực cười!
Người “đang có quyền sở hữu dinh cơ” theo công chứng viên cho biết, khi mua đã phải cố gắng lớn về mặt tài chính. Dù cách đây mười ba năm rồi, nhưng ba mươi héc ta đất trên bán đảo St. Tropez vẫn có giá cao nhất là vì trên khoảnh đất còn có ngôi nhà mười lăm phòng, có bể bơi, nhiều công trình phụ, cầu nổi riêng. Người đứng mua rõ ràng thuộc loại có máu mặt, hiện nay vẫn thừa thãi đến mức không cần đến số vốn tồn đọng ở đấy. Chủ nhân bí mật rất giàu.
Chiều hôm ấy tôi rời Cannes đi Paris.
Ngày 10 tháng bảy tới Paris, vào trọ khách sạn Ritz là nơi chưa bao giờ đến, do đó không sợ gặp người nào còn nhớ thời trai trẻ điên cuồng của tôi. Lại chầu chực bên điện thoại sau nhiều phen vật nài, đe dọa, nài nỉ tôi mới được biết rằng tối hôm đó người tôi đang cần tìm sẽ đến ăn tại khách sạn La Burgo ở phố Bosque. Thoạt đầu người đó tỏ vẻ ngạc nhiên, đến khi tôi nói đến tiền anh ta mới tỏ ra dễ tính hơn, chấp nhận một cuộc gặp gỡ ở quảng trường Trocadero, ngay đầu đại lộ Georges Mandy. Anh ta nghi ngại hỏi thêm:
- Làm sao nhận ra anh?
- Tôi ngồi xe Rolls Royce.
Câu đó làm anh ta yên trí, làm gì có bọn bắt cóc ngồi xe Rolls? Đúng giờ anh ta dừng chiếc Citroen ngay cạnh chiếc Rolls. Hơi do dự giây lát, nhưng thấy tôi còn trẻ và chỉ có một mình, anh ta lên ngồi cạnh tôi, nhận xét:
- Anh còn rất trẻ.
- Không phải bệnh truyền nhiễm đâu.
Tôi đưa xấp giấy bạc:
- Mười ngàn đôla.
Anh ta cười có vẻ hơi xúc động; sau này nhớ lại buổi đầu gặp gỡ hai chúng tôi đều buồn cười:
- Nếu anh còn một đàn em.
Tôi đưa cho anh ta cuốn sổ tay và chiếc bút chì.
“Ngân hàng Martin Yahl, trụ sở ở đại lộ General Grisan, Geneva. Và Giancarlo Cimballi. Địa chỉ...”.
Tôi thuật lại đầu đuôi vụ Curacao. Những nghi vấn thực ra là điều tôi tin chắc rằng đã xảy ra chuyện biển thủ cách đây mười ba năm. Anh ta sửng sốt: Đã từng ấy năm rồi!
- Tôi muốn biết có chuyện lừa đảo đó không, có tìm ra chút chứng cớ nào không, tóm lại có thể phanh phui được mưu đồ của chúng không? Sau hết tôi muốn biết có tên nào khác can dự ngoài Yahl và Giancarlo.
- Nếu quả thật có một âm mưu.
- Anh mở cuộc điều tra được chứ? Nhất thiết phải tuyệt đối bí mật. Không được để Yahl đánh hơi thấy.
Anh ta chăm chú nhìn tôi. Nhờ bóng tối trong xe, tôi không sợ lộ mặt, vả lại tôi có kính mát. Anh ta hỏi:
- Sao anh biết tôi?
Tôi nêu tên nhân vật cuối cùng của đường dây, tôi đã lần tới sau mười lăm, hai mươi số điện thoại. Đó là một bộ trưởng đương quyền.
- Tôi sẽ kiểm tra lại, tất nhiên, - anh ta nói.
- Tất nhiên.
Rõ ràng từ nghi ngại anh ta đã chuyển sang tò mò, vẻ bí mật của tôi làm anh ta thắc mắc. Tôi cũng thấy anh ta hay hay. Tên anh là Marc Lavater, trạc năm mươi tuổi, về sau sẽ trở thành một bạn thân nhất của tôi; đã từng là quan chức cao cấp trong ngành thuế quan Pháp, chỉ huy đội kiểm tra thuế phố Volney; sau đó lại nhảy sang bên kia chiến tuyến, mách nước cho những người anh săn đuổi trước kia. Tôi đã nghe nhiều người ca tụng khả năng của anh, những mối quan hệ tầm cỡ quốc tế của anh, và cái mà anh ta gọi là “sự đáng tin cậy” theo tiếng lóng của anh.
- Cái khó là ở chỗ việc của anh dính líu với Thụy Sĩ nhiều. Bên ấy tôi khó hoạt động hơn ở Pháp. Vả lại...
- Anh nhận lời, hay từ chối?
- Để tôi nói nốt. Vả lại ngay trên đất Pháp, cuộc điều tra này cũng đã khó, nhất là vì phải giữ rất bí mật với các đương sự.
- Có hay không?
- Mặt khác, tôi vẫn còn nhiều bạn thân trong ngành thuế bên Thụy Sĩ.
Anh ta nhìn xấp bạc. Tôi nói:
- Một trăm ngàn đôla khi hoàn thành. Khi tôi nhận được mọi câu trả lời.
Anh ta cười:
- Được, tôi nhận. Không phải vì số tiền. Tuy nó... nhưng vì câu chuyện của anh làm tôi thú vị. Thật đấy.
Lúc ấy tôi không tin. Tôi đã lầm. Sau này tôi mới biết. Tôi nói:
- Còn việc khác nữa...
Tôi nói về ngôi nhà St. Tropez.
- Cần biết ai tậu. Và biết xem chủ nhân hiện nay có phải vẫn là người cách đây mười ba năm không?
Anh ta hỏi tôi vài điều. Không, anh ta không tiện tìm gặp tôi, trái lại tự tôi phải đến tìm anh ta. Cuối cùng tỏ ra thoải mái hỏi qua nụ cười:
- Tôi muốn biết anh tên là gì?
Tôi trả lại nụ cười cho anh ta.
- Gọi tôi là Monte Cristo
* * *
Hôm sau 11 tháng bảy tôi trở về Mombasa, người hơi lảo đảo.
Tôi bảo Sarah:
- Seychelles, thiếu em như bữa ăn thiếu pho mát vậy!
Lát sau, bảo Hyatt:
- Cậu có nói đến chuyện chúng mình cùng đi Hong Kong. Nào thì đi.
Kenya từ nay thuộc về quá khứ.

5

Điều chắc chắn là Hyatt biết rất rõ Hong Kong, nơi anh ta sinh ra. Anh nói thạo tiếng Tàu, rõ ràng anh ta ở đây như ở nhà mình vậy. Chúng tôi đã tới đây được hai tuần. Chúng tôi, riêng bản thân tôi đã rời Mombasa bốn ngày sau chuyến đi Châu Âu về. Tôi thấy Sarah do dự và tôi cũng do dự, không biết nên giữ mối quan hệ này hay nên nhân dịp ra đi này mà kiếm cớ cắt đứt. “Có lẽ em sẽ đuổi theo anh sau. May ra kiếm được việc làm ở bên ấy”. “Không cần đi làm, có anh rồi mà”. Lắc đầu: “Dẹp, em thích độc lập”.
Trên đại lộ Des Voeux, đảo Victoria giữa trung tâm Hong Kong, tôi đi theo vệt đã đi hai ba chục lần từ khi tới đây, tới ngay trước hai ngôi nhà vàng xám, vuông vức xấu xí nhưng đồ sộ, bên trái là Trung Quốc Ngân Hàng, bên phải là Hong Kong - Thượng Hải Ngân Hàng.
Ba trăm năm chục ngàn đôla “Kenya” của tôi đang nằm ngủ ở ngân hàng này.
Hai tháng nữa tôi sẽ hăm hai tuổi. Điều gì đã xảy ra bên Kenya? Có những ngày tôi tự hỏi không biết mình có ngủ mê không. Có phải tôi đã kiếm ra từng ấy tiền thật không? Nhanh đến thế? Có phải vì gặp được những điều kiện đặc biệt không? Giá trị của tôi thực sự như thế nào?
Đường tàu kéo bằng dây cáp chạy sau khách sạn Hilton vài trăm mét. Dốc đứng, toa tàu - thực ra là hai toa giằng nhau - càng lên cao, càng thấy chóng mặt hụt hơi, trước hết thấy nhà thờ St. James và các ngọn đồi bọc bờ biển, bên trái là sở thú, dần dần cảnh tượng huyền dịu mở rộng ra các tháp cao trên đảo Victoria, bãi biển và thung lũng Hạnh phúc, rồi Wanchai vàCauseway, đằng trước mặt phía bên kia eo là bán đảo Cửu Long, địa đầu lục địa Trung Hoa có đại lộ Nathan thẳng tắp thọc sâu.
Tôi đã được lãi ba trăm năm chục ngàn đôla. Dù may dù không. Tôi có thể dừng lại ở đây, dẹp sang bên được, mua một quán rượu - thuốc lá, lấy một cô nào đó. Cũng có thể quẳng hết vào một ván bài khác, bắt đầu từ đầu như ở Mombasa. Thực ra tôi không bị cảm giác mệt mỏi này đánh lừa: Do thiếu vắng Sarah, tôi thiếu nàng nhiều hơn tôi hình dung trước kia; còn do nỗi lo ngại, bực bội mỗi khi tôi nghĩ đến chuyện đang tiến hành bên Châu Âu qua trung gian Lavater. Nó còn do cái đất Hong Kong này, không phải là đất của tôi; đám đông người Châu Á không ngừng di động kia làm tôi khó chịu. Vả lại biết làm gì ở đây? Tôi đã thuận theo lời Hyatt mà tới đây. Tới đây rồi mới thấy hết qui mô phức tạp to lớn của cái mà tôi đương đầu. Đến nỗi đâm nhớ tiếc những buổi ngồi trên chiếc Mini Moke đi vênh vang trên đại lộ Kilindini, chào hỏi khách hàng, bè bạn, họ coi tôi là “Ông Chủ Nhỏ”. Ở đây, tôi chẳng là cái gì, mà cũng chưa nghĩ được cách trở thành một cái gì.
Từ toa tàu kéo ra, tôi vào thẳng Lo Fung, tiệm ăn trên lầu hai tháp Victoria Peak. Các cô phục vụ len lỏi qua các dãy bàn, cổ đeo những chiếc giỏ đựng đến hàng chục thậm chí hàng trăm mặt hàng khác nhau. Hyatt bảo Lo Fung là cái “nồi ninh kiểu Quảng Đông”, một cái dimsum nghĩa là trái tim nhỏ theo tiếng Quảng Đông. Gã đã ngồi đây rồi, giơ tay vẫy:
- Sao mặt mũi thế kia? Không ổn hả? Nhưng ít ra cũng đừng rắc rối với tay sắp đến. Tuy chỉ là giám đốc hãng buôn thôi, nhưng nhiều thứ phụ thuộc hắn.
Gã bắt đầu thao thao về tương lai đang chờ đón chúng tôi, vừa vặn người chúng tôi chờ gặp đang đi tới. Một anh chàng người Tàu mảnh dẻ, sang trọng, mặc bộ đồ có lẽ bằng hàng Sơn Đông, dù sao cũng là hàng mầu kem sữa, nói tiếng Anh như xướng ngôn viên đài BBC. Anh ta hơi có vẻ bề trên đối với Hyatt, tuy anh này tỏ ra không nhận thấy điều đó, hoặc làm ra vẻ như thế. Thái độ của anh ta đối với tôi có khác. Tuổi trẻ của tôi làm anh ta băn khoăn.
Nhân một lúc Hyatt ngừng nói, anh ta hỏi tôi:
- Hai anh làm ăn với nhau lâu chưa?
Tôi cười:
- Từ nhiều năm nay. Đã tham chiến bên nhau.
Hơn hai giờ sau cả ba chúng tôi phóng xe trên vùng đất liền, qua Cửu Long về hướng Đất Mới. Tôi nhìn phương hướng: Tây Bắc. Bên trái có hòn đảo.
- Tsing Yi đấy. - Hyat bình phẩm. - Các xưởng đóng tàu của Hong Kong nay dời về đó.
Xe chạy dọc theo cơ ngơi bất tận của nhà máy bia San Miguel, cùng với bia Tsing Tao là thứ đang tràn ngập thị trường Châu Á. Chạy thêm một quãng:
- Đến rồi.
Xí nghiệp có sáu trăm người. Không có một dân Châu Âu nào, đây là thế giới người Tàu.
- Làm đồ chơi, - Hyatt lại thuyết minh. - Mình có đầy đủ: Điểm chạm bên Châu Âu, mối với bạn bán buôn, đủ hết. Cậu có biết con búp bê làm ở đây so với con búp bê y hệt làm bên Âu giá thành bao nhiêu không? Chưa tới một nửa. Tối đa! Đây là một áp phe ngon lành. Mỗi năm làm việc ba bốn tháng, sau đó...
Đôi bàn tay nhỏ mũm mĩm vung rộng. Tương lai Hyatt là đó: Yên tĩnh, chắc chắn, ba tháng làm việc ngắn ngủi rồi vui thú với chữ nhàn đến hết năm. Tóm lại, sự rút lui.
- Cậu có vẻ không khoái hả! Làm đồ chơi có gì đáng phản đối? Sắp Noel rồi.
Tôi không phản đối đồ chơi, cũng không phản đối nhàn hạ. Nhưng không chấp nhận sống ở Hong Kong, giữa biển người ai trông cũng như ai không phân biệt nổi. Chúng tôi lượn qua các phân xưởng, mọi người đều mỉm cười dễ thương, một quản đốc, hoặc tương đương, tuôn ra một tràng dài. Hyatt dịch lại cho tôi. Nhưng tôi lại nghĩ đến Sarah, đến thân hình mảnh mai nhạy cảm, đến ánh mắt diễu cợt thường hé qua cặp mi lim dim.
- Chỗ này là phòng nghiên cứu của xí nghiệp.
Tôi thấy có đủ thứ máy chạy pin, các con thú, xe cộ, những con búp biết gọi mẹ bằng ba mươi sáu thứ tiếng, biết khóc.
Ở hai giờ trong nhà máy tôi đã thấy chán muốn chết. Lúc sắp ra về, tôi mới để ý đến một thứ, giống cây gãi lưng. Đúng, nó là thứ đồ dùng để gãi lưng.
- Nhưng chạy bằng điện. Đặt nó lên lưng, nó tự động gãi cho anh, khỏi cần động đậy tay cho mệt. Chỉ là một đồ dùng lạ mắt.
Viên giám đốc thương mại đã ngồi ăn trưa với chúng tôi tên là Ching gì đó. Tôi hỏi anh ta:
- Có còn những trò loại này không?
Anh ta lắc đầu cười:
- Bọn thanh niên ở phòng nghiên cứu thích nghịch thế thôi. Một đồ dùng lạ mắt thôi mà.
- Có bán không?
Lại cười:
- Không, tất nhiên. Nó chỉ là...
- Một đồ dùng lạ mắt, tôi hiểu.
Một trò ngốc. Hết sức ngốc.
Trở về Hong Kong. Theo đề nghị của tôi, Ching gì đó kể cho tôi nghe về “bọn thanh niên ở phòng nghiên cứu thích nghịch”. Hai cậu trong bọn chắc là hai cậu điên gàn nhất ở ngay khu trung tâm. Họ làm chủ yếu trong ngành điện ảnh, chuyên về những kĩ thuật kĩ xảo đặc biệt, có chân trong đội ngũ những chuyên viên làm máu chảy như nước lũ trong các bộ phim Made in Hong Kong. Ngay tối hôm đó tôi gặp họ trong khách sạn Wanchai. Một tên Li, một tên Liu hoặc ngược lại thì phải, mãi tôi vẫn không phân biệt nổi cậu nào là Li cậu nào là Liu.
Cũng trạc tuổi tôi. Nghe tôi trình bày dự định xong, họ cười bò ra.
- Anh định tung các máy gãi lưng đó ra bán ở đường Carnaby London thật chứ?
- Cả các nơi khác nữa.
Lại cười, chảy cả nước mắt. Chúng tôi cùng uống một thứ rượu Saké tàu, tên là Hsiaoshin hoặc na ná thế, một loại rượu mầu vàng nước đái, hoàn toàn giống nước đái, cất từ gạo, uống nóng, đựng trong bình hâm cách thủy đặt ngay trước mặt. Mới sau ba bốn ngụm tôi đã phải bám chặt lấy bàn. Sáng hôm sau lại gặp nhau ở đại sảnh phòng thương mại, và sau khi nghe tôi phác qua vài ba đề án chế tạo đồ dùng lạ mắt, cả hai anh chàng lại cười lăn cười lóc, mà lần này rõ ràng không phải vì rượu Hsiaoshin.
Ở Hong Kong không có những luật lệ hải quan đánh vào hàng nhập, tất nhiên càng không có đối với hàng xuất khẩu: Họ chỉ có thuế gián thu đánh vào vài loại sản phẩm như thuốc lá, rượu và xăng dầu. Các thứ đồ vặt của tôi không có vấn đề gì, sẽ chỉ làm nhà chức trách phì cười mà thôi. Vụ đăng ký kinh doanh của Bộ Công Thương cấp ngay cho tôi giấy môn bài miễn phí và còn kèm theo một nụ cười nữa. Họ bảo tôi, điều này Hyatt đã nói trước với tôi rồi, rằng các hàng xuất khẩu của tôi được miễn thuế. Tuy nhiên tôi cũng phải trả khoản tiền không đáng kể vì nguyên liệu - chất dẻo chẳng hạn - là những thứ sản xuất tại địa phương, phải đóng thuế trước khi xuất khẩu trực tiếp từ một nhà máy. Sau này, tôi đã vận động để họ hủy bỏ quy định này đối với tôi. Lúc này thì chưa. Chiều hôm đó, Bộ Công Thương đồng ý trên nguyên tắc sẽ cấp cho tôi bằng chứng nhận xuất xứ, mặc dầu sản phẩm chưa ra đời nhưng chắc chắn không bao lâu nữa chúng sẽ xuất hiện. Đây là bằng chứng nhận xuất xứ loại ưu đãi toàn bộ, nó sẽ cho phép tôi tự do xuất hàng sang sáu nước đầu tiên tham gia Thị trường chung Châu Âu, cộng thêm các nước Anh, New Zealand, Cộng Hòa Ireland, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo, Nhật, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Hy Lạp, Canada, Australia và nhiều khu vực khác.
“Còn thiếu Béloutchistan, Burundi và Samoa”, Hyatt vùng vằng nhận xét. Hyatt cho rằng tôi đã điên thật rồi. Vào giai đoạn này của công việc, không thể trách được gã. Tôi cố giải thích, nói cho gã biết điều tôi đã cảm nhận trên đường Carnaby London, trước đống đồ vặt vãnh không tên gọi, vô nghĩa, ngớ ngẩn mà thiên hạ tranh cướp nhau như điên, những thứ càng vô dụng lại càng được ưa chuộng, càng bị xâu xé dữ dội. Mà chỉ là những thứ bày bán trong những quán tồi tàn phơi mặt bên cửa hàng Mary Quant.
- Bây giờ, đang có nhu cầu về những thứ không dùng được vào việc gì. Nếu chưa có thì chúng ta sẽ tạo ra nhu cầu đó.
- Không phải chúng ta. Mình không chơi.
Gã dở bướng, hờn dỗi. Tôi làm đủ thứ để thuyết phục nhưng gã không lay chuyển. Gã nhất định bám lấy kế hoạch: Làm một quí chơi ba quí, không chịu rời ra. Gã tuyên bố dứt khoát không nhượng bộ. Tôi thì lại cần đến gã, nếu không cần con người gã thì cũng cần đến tiền của gã. Xưởng máy của Ching gì đó nhận sản xuất khối lượng vô cùng lớn những thứ: Đồ xỏ giầy dạ quang để đi giầy không làm vợ tỉnh giấc, đục lạnh để cắt kính, bật lửa biết chửi một câu khi anh châm điếu thuốc, tượng gã say có mũi đỏ nhấp nháy khi cốc anh đã cạn, quả chuối biết hét (khi bóc vỏ)... Sản xuất bằng dây chuyền liên tục nếu tôi chịu kí hợp đồng ổn định sản lượng. Có nghĩa là tôi phải ném vào đây toàn bộ vốn liếng. Mà đồng vốn của tôi đâu phải là thứ có thể giãn nở vô cùng tận, hơn nữa có thể tôi còn phải thanh toán khoản tiền công - chín mươi ngàn đôla - do Lavater gửi tới vào bất cứ lúc nào. Đóng vai bá tước Monte Cristo ngồi xe Rolls tốn quá trời, tuy lúc này rất thích thú. Lại còn phải có tiền để sang Châu Âu đặt mối, tiền ăn tiền ở Hong Kong, ở các nơi khác trong khi chờ có tiền lãi.
Nếu có lãi.
Lời khước từ kiên quyết của Hyatt khiến tôi hết đường chống đỡ. Tôi thiếu độ một trăm, đúng hơn là một trăm năm mươi ngàn đôla; các ngân hàng tôi hỏi vay đều không tin sản xuất đồ vặt lạ mắt mà phải cần chừng đó vốn.
- Hyatt, ít ra cũng phải cho mình vay ít tiền.
Gã rụt cổ:
- Mình mách cho cậu một áp phe bằng vàng, ba tháng làm, chín tháng chơi mà cậu không chịu. Đến lúc mình cũng không chịu.
* * *
Ngày lại ngày trôi qua. Lúc này vào khoảng giữa 15 và 20 tháng tám. Hai lần tôi định gọi Paris nhưng cả hai lần văn phòng Lavater đều trả lời Lavater đi vắng không nhắn lại gì cho tôi hết. Có lẽ anh ta chưa có tin gì mới, chắc thế, tôi cho anh không phải loại người sống chết mặc bay tiền thầy đút túi. Nhưng sự im lặng này làm tôi bứt rứt. Cùng như thái độ của Sarah: Tôi đã hai lần gửi điện tín, điện báo, gọi điện thoại đến sạt nghiệp, lúc thì bốc lên: “Có tiền cho anh vay năm trăm ngàn”. lúc thì van nài: “Đến với anh, anh thiếu em” - “Khó tìm ra việc làm ở Hong Kong lắm anh ơi, nếu là con gái thứ thiệt” - “Đồ quỷ, anh cần gì phải nói đến việc làm” - “Em cần, không phải nói suông đâu, anh bạn!”...
Lại còn Ching gì đó, mỗi lần gặp lại lễ phép báo tin nhà máy đang đợi tôi. Gã Hyatt một lần cuối: Vô hiệu. Gã còn nói dù lúc này gã có thiện chí cũng đành bó tay: Gã đã bỏ vốn vào áp phe đài bán dẫn. Tôi quay lại với Ching gì đó.
- Ching này, phải có cách dàn xếp chứ.
- Nếu không có đảm bảo chắc chắn thì không thể thay đổi biểu đồ tổ chức của nhà máy.
Cuộc cãi vã này giữa chúng tôi đã diễn ra mười lần rồi.
- Công ty của anh cũng phải gánh một phần rủi ro. Thị trường đồ chơi đã bão hòa, thị trường đồ vặt đang mở ra.
- Liệu có thật là một thị trường không?
Lại quay lại từ đầu.
- Ai có quyền quyết định cho hãng anh có thể tham gia cùng với tôi? Ai chỉ huy?
- Không phải tôi.
-Ai?
Một tối kia Hyatt đã nói ra một tên, lúc này tôi thật sự nhớ.
- Ông Hak.
Ching gì đó nhìn tôi ngạc nhiên.
- Ông Hak là nhân vật rất quan trọng, rất, rất quan trọng.
- Tôi muốn gặp ông ta. Thu xếp cho tôi một cuộc gặp.
- Không thể được.
Tôi cố nài. Cuối cùng gã nhận lời sẽ thử xem.
Đêm sau tôi gọi Paris lần thứ ba, vào lúc bên đó đã mười giờ rưỡi sáng do chênh lệch múi giờ. May sao, chính Lavater đến cầm máy.
- Tôi đã lượm được vài thông tin anh cần. Về ngôi nhà đã: Ngày 11 tháng mười năm 1956, một tháng rưỡi sau khi phụ thân anh qua đời, một công chứng viên được ủy nhiệm riêng đã đứng ra mua với giá một triệu một trăm ngàn franc mới. Không đắt, phải không ạ? Chủ nhân chính thức là một công ty ở Liechtenstein, bên ấy họ gọi là Einstein, doanh nghiệp. Hoàn toàn kín nhẹm, không dò thêm được gì.
- Bây giờ vẫn ông chủ ấy?
- Vẫn.
- Hoạt động của Einstein này?
- Không biết. Hoàn toàn mù tịt. Chỉ biết có người hàng năm nộp một ngàn franc Thụy Sĩ tiền thuế lợi tức cho chính quyền Liechtenstein và trả tiền thuê luật sư ở Vaduz là người chính thức làm đại diện cho doanh nghiệp. Tôi lần theo dấu vết và biết: Tiền từ Thụy Sĩ sang, đăng ký ở tài khoản đánh số. Xin đừng hỏi tôi đã làm cách nào để biết thêm điều này nữa: Một luật sư thứ hai ở Geneva cũng nhận tiền công trích từ một tài khoản đánh số khác, được thường xuyên bổ sung. Tôi đã gặp hắn nhưng hắn cũng câm như hến. Chỉ dò được tới đây là hết, thật không thể tìm hiểu gì về điều bí mật kín như hũ nút này. Có điều chắc chắn: Đó không phải là vị giám đốc ngân hàng của anh. Chính lão cách đây vài năm cũng mở cuộc điều tra như tôi và đã gẫy răng.
Thì ra Martin Yahl cũng đã tìm hiểu tung tích người tậu ngôi nhà. Tôi nghiền ngẫm tin mới này.
- Còn việc kia?
- Đang hình thành.
Tuy cách xa mười ngàn kilomètres tôi vẫn thấy giọng anh ta có vẻ xúc động, khác hẳn mọi khi vẫn điềm tĩnh, rõ ràng. Bản thân tôi cũng bị ảnh hưởng đứng trước đêm Hong Kong sáng choang tôi bỗng thấy người nóng bừng bừng gần như run bắn lên.
- Nghe đây, - Lavater nói, - đúng là vụ biển thủ quái dị nhất mà tôi biết. Xin chú ý: Tôi không có chứng cớ. Và nếu anh hỏi lời khuyên của tôi, tôi sẽ không bao giờ có. Không hy vọng gì, lát nữa sẽ nói tại sao. Không, không có chứng cớ, nhưng đây không phải chỉ là cảm tưởng mà gần như là một niềm tin tuyệt đối. Phụ thân anh không thể trắng tay khi qua đời. Cuộc điều tra đã khẳng định...
Tôi bỗng chú ý: Lavater nói “Phụ thân anh” tức là anh ta đã biết tôi là ai. Thì đã sao?
- Đây là vụ gian lận, biển thủ, cưỡng đoạt, chiếm tài sản thừa kế, anh muốn gọi là gì thì gọi. Người viết thư nặc danh nói từ năm mươi đến sáu mươi triệu đôla. Theo tôi định giá còn thấp. Phải đến gấp đôi, có khi gấp ba chừng đó.
- Có khả năng tiến hành tố tụng không?
- Không, trừ phi có những yếu tố mới, ít ra phải có người nào đó cung khai. Ngay trong trường hợp ấy cũng chưa chắc.
- Sao vậy?
- Vì vụ này được bố trí vô cùng khéo.
- Tên nào?
- Không nói trên điện thoại được. Thủ phạm, hoặc các thủ phạm có nhiều đồng phạm. Chúng tôi đang sàng lọc. Có điều chắc chắn là có những người cách đây mười ba năm đã đột ngột trở thành giàu có, hơn hẳn mơ ước của họ, mà chỉ trong có vài tháng.
- Tôi muốn biết tên.
- Sẽ được biết. Cho tôi ít thời gian nữa. Tôi cần có tiền.
- Gửi cho anh bốn chục ngàn.
- Xin đừng đề tên tôi, gửi vào tài khoản, số tôi đã dặn.
- Đồng ý. Chỗ còn lại sẽ gửi sau khi nhận báo cáo của anh.
- Tôi không biết địa chỉ.
Không do dự:
- Đề tên tôi. Nhờ người chuyển thư: cô Sarah Kyle khách sạn White Sand, Mombasa, Kenya. Ban nãy anh bảo sẽ giải thích tại sao tôi không bao giờ chứng minh được đã có biển thủ. Tại sao?
- Vì tôi tin rằng chính kẻ đã vạch ra sơ đồ công ty của bố anh sau đó đã rất khôn khéo, tài tình tháo tung tất cả, xóa sạch tất cả, mang đi nơi khác. Không để lại dấu vết gì, bằng chứng gì. Tôi không ngần ngại nói rằng kẻ đó là một thiên tài. Hắn làm như trò ảo thuật, như phép thần thông. Cá nhân tôi rất khâm phục, thật tình khâm phục.
- Anh có biết nó là ai?
- Anh có xem cuốn phim cũ của Errol nhan đề Robin Chúa Sơn lâm không? Trong ấy có diễn viên John Carradine sắm vai Scarlett, Will Mặt Đỏ. Vì cũng có tên là John Carradine nên mọi người tặng biệt hiệu Scarlett cho một luật sư Mỹ tốt nghiệp Harvard, ở đó hắn cùng học với một giám đốc ngân hàng Thụy Sĩ mà hình như hắn không ưa. Chính Scarlett đã thực thi vụ gian lận này. Tên phù thủy là hắn.
Từ lúc bắt đầu nói chuyện Lavater khăng khăng từ chối không đụng đến tên người nào, vậy mà lúc này anh ta chẳng do dự tung cái tên vừa rồi lên không trung.
Anh ta cười khẩy:
- Đáng tiếc Scarlett ngoẻo rồi.
* * *
Ching gì đó gọi điện thoại:
- Chiều mai, sau sáu giờ anh rỗi không?
- Nhất định.
- Tôi xin phép được tới đón và dẫn anh tới khách sạn Mandarin lúc năm giờ rưỡi.
Thế thôi, nhưng tôi đã hiểu: Sẽ đi gặp vị rất quan trọng, ông Hak.
Tôi muốn biết rõ thêm về nhân vật này nhưng Hyatt ngạc nhiên nhìn tôi:
- Cậu mà gặp được hắn là chuyện lạ.
- Hắn có cái gì ghê gớm? Sống trên trời, cưỡi trên mây à?
- Hắn rất quan trọng.
- Tớ là thằng quan trọng nhất từ trước đến giờ. Hắn giàu thế cơ à?
- Không phải chuyện lắm tiền nhiều của. Chỉ thế không đủ. Ta đang ở Hong Kong.
Rồi chằm chằm nhìn tôi, như thể vừa tiết lộ một tin tức đặc biệt.
Ngày nào đó có lẽ tôi sẽ giết chết gã.
* * *
Chiếc Mercedes to kềnh đón chúng tôi vừa đổ bộ ở Star Ferry. Xe chạy về sân bay Kaitak, chúng tôi lên chiếc máy bay du lịch xinh xắn. Hướng chính Bắc, tức là phía lục địa Trung Hoa. Ching gì đó ngồi bên tôi không nhúc nhích. Đường bay rất ngắn, sau mười phút dưới ánh chiều ta đã thấy xuất hiện dưới cánh máy bay một hòn đảo núi non nhấp nhô hình như chỉ có sinh khí nhờ làng chài nhỏ bên vũng sâu.
- Đang bay trên không phận Trung Quốc à?
- Không, vẫn là Hong Kong, trên vùng đất mới. Trung Quốc ngay kia.
Một vệt trên đường chân trời, cách có vài kilomètres. Máy bay hạ cánh, nẩy trên đường băng ngắn lát xi măng. Chiếc xe có gã lái xe người Tàu hoàn toàn câm lặng, con đường nhỏ xuyên qua vài ba quả đồi trọc lởm chởm đá tảng, đột nhiên thảm cây xanh hiện ra làm thay đổi hẳn khung cảnh ảm đạm. Tôi nhận ra những cây đa, cây long não, cây thông... do bàn tay con người trồng tỉa. Xa hơn một chút, có chiếc cổng xây ở cuối con đường hai bên trồng bạch đàn chạy xuyên qua một biển trắng xóa hoa trà, hoa mộc lan lùn, hoa lệ quyên. Ching và tôi xuống xe đi dọc bức tường hoa phong lan. Dưới chân nền lát xi măng rất mịn phẳng phiu không có qua một bậc nào cao thấp. Thật là đẹp, sự yên tĩnh khác thường gần thành nặng nề.
Nhà ông Hak ở trước mặt. Tôi sắp có cuộc hội kiến trong ấy, cuộc hội kiến lạ lùng nhất đời tôi.

6

Ngay từ phút đầu tôi đã dán mắt vào đôi bàn tay ông ta: Dài, thon, duyên dáng, có thể nói là yêu kiều nữa; móng ngón áp út vươn dài có dễ đến mười centimét.
Chỉ một thoáng sau sự chú ý của tôi lại chuyển sang một điều lạ lùng khác, bị hút chặt vào hai chân ông ta. Ông Hak bận tấm áo mặc trong nhà bằng lụa đen, xẻ tà từ lưng chừng đùi để lộ hai bộ máy kỳ lạ bằng kim loại sáng bóng. Những đoạn ống không được gia công cho giống những ống chân người. Sự thờ ơ đối với mĩ thuật, đối với tập tục ấy thật đáng kinh ngạc, ít ra nó cũng làm tôi kinh ngạc. Trên ống thép, ở vào khoảng đầu gối, có những rãnh đan nhau vạch thành tám ô vuông. Cả hai chân đều như thế. Ông Hak đang ngồi.
- Ông Cimballi ưa dùng thứ giải khát gì?
Tôi quay lại: Ching gì đó đã lẳng lặng rút êm, bỏ mặc tôi một mình. Căn phòng tôi đang ngồi là phòng khách, các phòng bên cạnh, rất nhiều, chỉ ngăn cách bằng những tấm vách mỏng nhẹ, chắc có thể tháo lắp dễ dàng. Nền nhà hình như bằng cẩm thạch xẫm đen có vân màu xám bạc, không có bậc cao thấp, cầu thang, toàn bộ nền nhà đều hết sức bằng phẳng.
Đồ đạc rất ít, thứ nào cũng trên mức xa hoa, như những tấm bình phong lạ mắt kia bằng hàng sơn mài hai màu: Đen nhánh, đỏ son.
- Ông dùng champagne?
- Xin lỗi. Vâng, cảm ơn.
Tôi tưởng sắp có đầy tớ mang ra. Nhưng vẫn có hai người thôi, chỉ có bàn tay ông Hak cử động: Đặt lên đùi trái ông ta. Móng ngón đeo nhẫn lách vào đường rãnh nạy một cặp rất bé lộ ra chiếc bảng tí hon có bốn nút bấm nhỏ bằng đầu đinh ghim. Ngón tay Hak lướt trên nút bấm theo một thứ tự nào đó. Nắp đậy lại như cũ. Ông Hak đứng dậy, tôi trố mắt ngạc nhiên, nhìn ông ta bước đi: Chân bước nhưng thân hình không hề cử động, tôi dám cam đoan đôi vai ông ta kẻ một đường thẳng tắp. Trong khi ông chuyển dịch, tiến lên phía trước, y hệt những đồ chơi điện tử được căn chỉnh hết sức chính xác, chỉ có riêng cái bệ cử động. Cử động của ông ta cũng trơn tru, cùng với kỹ thuật hoàn hảo như chúng.
Chúng tôi vào căn phòng có bức tường hậu hình bán nguyệt. Giữa phòng bày mấy chiếc ghế bành, tràng kỷ, đều quay mặt vào bức vách cong.
- Xin mời ngồi.
Sau lưng tôi có tiếng động nhè nhẹ: Một chiếc bàn lắp bánh xe cao su đang lặng lẽ từ từ chạy về phía chúng tôi, không người đẩy người lái. Đến bên ông Hak nó tự động dừng lại rất có ý tứ.
- Ông thích dùng champagne hiệu nào?
- Tôi không nghĩ có nhiều đến thế. Xin ông chọn cho.
Ông Hak ngồi xuống. Rõ ràng đây là động tác khó nhất đối với ông ta: Gần như ngã xuống. Sau khi yên vị, ông ta mở những nắp khác bên đùi phải; nhiều sự việc khác liền diễn ra trước mắt tôi: Một bàn thứ hai nhiều tầng cũng lặng lẽ như chiếc trước chở đến hàng tá những miếng patê tí xíu, cá băm viên, tôm, mực, nhiều món tẩm bột rán, bánh mì có nhân, bánh kẹp, cùng lúc đó nhạc nổi lên tràn ngập căn phòng, những bản nhạc Phương Tây, cổ điển, có lẽ là nhạc Brahms. Sau hết, kì lạ hơn cả là cùng một lúc ấy tấm sơn mài đen nhánh trên bức tường bán nguyệt từ từ trượt từ trái sang phải: Quang cảnh cho thấy chúng tôi đang ở dưới mặt biển lúc này sáng rực ánh đèn pha nhiều màu thay đổi ngăn cách với chúng tôi bằng một khoang kính cao hai mét rưỡi, dài mười hai mét.
Tôi rất xúc động.
- Cảm ơn, ông Cimballi.
Tự tay ông ta rót champagne mời tôi. Rồi đột ngột hỏi về nước Kenya. Tôi không rõ ông ta đã biết về tôi những gì, nhưng tôi cũng chẳng có gì phải giấu giếm. Tôi thuật lại hoàn cảnh khi tôi rời London, chuyện mua bán đôla. Cả chuyện buôn vàng. Đôi mắt linh hoạt, thông minh không lúc nào rời tôi.
- Sao lại đi Kenya?
- Sao lại không đi Kenya?
Ông Hak tủm tỉm cười:
- Đồng ý. Cho tôi nghe vụ đồ vặt lạ mắt của ông.
- Chẳng có gì đáng nói, tôi tin chắc có nhu cầu và tôi sẵn sàng mở thị trường hoặc phát triển rộng thêm. Có thế thôi.
Mấy phút trước đó tôi có ý định giải thích thật hùng hồn, đề cao sáng kiến của mình. Nhưng từ khi đứng trước mặt con người bán nhân tạo này tôi bỗng có cảm tưởng là thế chẳng đi đến đâu. Có khi sự kín đáo của tôi lại làm ông ta xiêu lòng cũng nên; mà cũng có thể sự việc đã được quyết định trong có vài giây như vẫn thường xảy ra. Dù thế nào đi nữa, tối hôm đó ông ta cũng thông báo với tôi rằng nhà máy do Ching gì đó làm giám đốc thương mại là nhà máy của ông, cũng như nhiều nhà máy khác và nhân tiện đây ông cho biết: Bằng lòng cấp vốn cho tôi sản xuất đồ vặt với mức một trăm năm chục ngàn đôla. Nếu cần có thể cấp hơn. Tuy nhiên ông không nói ra điều sau đó sau tôi mới biết: Thực ra ông là một nhà kinh doanh đầu tàu của nước Trung Hoa ông Mao; với tư cách đó ông ta quản lý nhiều tài sản, vốn liếng rất lớn không chỉ có ở Hong Kong mà ở khắp nơi trong vùng Đông Nam Á, và ở xa hơn nữa. Thực tế này về sau đối với tôi sẽ có ý nghĩa rất cơ bản, quyết định, và trên một số phương tiện, nó sẽ là nguồn gốc một nỗi lo sợ lớn nhất cuộc đời tôi.
* * *
Dù sao đi nữa khi tôi quay về Hong Kong, khách sạn Victoria, không còn có gì cản trở tôi lao vào công việc mà Hyatt đã chê. Tuy vậy, cuối tháng này, có lẽ vì thấy tôi lập được kỳ công trong việc tìm kiếm tài trợ của ông Hak, gã cũng có phần nao núng và nhận giúp tôi: Mạng lưới thương mại tại Châu Âu mà gã vẫn phô trương thực ra là có thật, và gã hứa sẽ cùng đi với tôi sang Paris để bố trí những đầu mối cần thiết. Tôi đề nghị lần cuối cùng (một việc ngu ngốc), nhưng gã từ chối góp vốn với tôi (thật may hết sức). Gã chỉ thích được trả một khoản tiền không cố định.
Đây sẽ là thất bại lớn nhất trong cuộc đời kinh doanh của gã. Trong mười một tháng kém vài ngày, việc sản xuất, phân phối và tung ra bán các đồ vặt lạ mắt đã đạt doanh thu mười triệu đôla. Phần của tôi sau khi trừ phần của ông Hak: Một triệu rưỡi đôla.
Cuộc nhảy tiếp tục. Càng nhanh, càng nhanh hơn...
Hyatt cũng tới London đã vài ngày; ở đây những quan hệ của Hyatt xét cho cùng là rất có ích, tuy ít hơn lời khoe của gã nhưng nhiều hơn mong ước của tôi. Tất nhiên tôi không có ý định tự mình đi gặp từng người bán lẻ trên toàn nước Anh để chào hàng, nên đã thuê một cô gái rất đẹp làm việc này, người Đan Mạch, tên Ute Janssen, cao một mét tám sáu hoặc tám bảy, mỗi khi được hỏi tại sao cứ khư khư mãi chiếc măng tô trên người lại thản nhiên bộc lộ thân hình trong một mảnh vải che. Tôi tìm được cô ta trong một cửa hàng cho thuê các cô người mẫu quần áo. Đích thực một cô người mẫu, không thể nghi ngờ gì được: Chỉ cần nhìn cô la cà đây đó với hai tập Bách Khoa Toàn Thư Anh đội trên đầu, mồm nhai củ cà rốt ưa thích. Cô không đeo nịt vú, nên mỗi khi cô cúi xuống để trình bày cái mở nút bằng thuốc nổ TNT, con cá sấu móc túi đạp chân, thì khách hàng có thể nhìn suốt đến tận đũng slip của cô ta, ấy là nói nếu cô có mặc thứ đó. Ngoài tội ngốn một khối lượng cà rốt đáng sợ, cô không đến nỗi đắt. Tôi định trả theo giờ công như thường trả các cô chào mẫu quần áo. Cô cực lực phản đối:
- Tôi muốn hưởng theo phần trăm. Món hàng đồ vặt ấm ớ của anh là thứ hết sức ngu ngốc, nhưng mỗi ngày thiên hạ lại lập một kỉ lục mới trong việc tiêu thụ món hàng này, phải bán được hàng tấn.
Chúng tôi đang ở trong khách sạn Ritz tại London. Sau lưng cô gái Đan Mạch, anh chàng Hyatt như một gã thủy thủ hải quân hoàng gia bị đắm tàu đang đứng sau ả cá voi mắc cạn, đang múa tay ra hiệu cho tôi đừng nhận lời cô ả, (làm ăn với Hyatt có lợi ở chỗ: Hễ gã phản đối có nghĩa là công việc sẽ trôi chảy, lần nào gã cũng nhầm). Ute phát hiện ngay các tín hiệu cờ tay của Hyatt, cô cặp luôn gã vào nách, lôi ra ngoài hành lang, đóng chặt cửa.
- Thế đấy! Tuy tôi trông như cái tháp canh nhưng không đến nỗi đần. Tôi đòi giữ độc quyền ở Anh và Đan Mạch.
* * *
Ở Pari.
Sau cơn tỉnh công phu thường ngày, tôi biết lúc này ở Hong Kong hơn ba giờ sáng, giờ Li và Liu khỏe khoắn nhất trong ngày. Do một phép thần có thể làm bất cứ công dân người Pháp nào cũng phải sửng sốt, hệ thống điện thoại hoạt động ngay lập tức, tôi gặp ngay Li hoặc Liu ở đầu dây. Hôm ở London tôi đã phát hiện thêm được những đồ vặt mới và đã đăng ký xin ngay bằng sáng chế, trong đó có “Túi cười”, (khi ta nhấc túi lên nó sẽ tuôn ra một chuỗi cười của ma cà rồng), và nhất là “Ngân hàng Fantomas”, cái ống tiền có bàn tay thò ra giật lấy đồng tiền trong tay ta bỏ vào ống; đây sẽ là một con ngựa chiến hàng đầu của tôi. Li và Liu cho ra một tràng cười xuyên lục địa. “Hãy khoan định giá đơn vị”, Hyatt nói, càng ngày càng tỏ ra bực bội vì nhận thấy áp phe này càng ngày càng phát triển không ngờ. Thành công trông thấy. Thấy qua phản ứng của thị trường Pháp. Càng thấy rõ hơn khi gã tiếp xúc một số nhà kinh doanh Hoa Kỳ. Họ chú ý món hàng của tôi, tôi lại nắm hết bằng sáng chế trong tay; chúng tôi ký ngay hợp đồng cho phép họ mua thẳng của tôi để bán lại, hoặc sản xuất theo giấy phép của tôi. Tôi quyết định cử Hyatt đi với họ sang Mỹ để giải quyết nốt các chi tiết, còn tôi ở lại Châu Âu. Đáng lẽ đảo ngược sự phân công, Hyatt ở lại đây còn tôi sang bờ bên kia đại dương, nhưng tôi muốn gặp Lavater.
* * *
- Chưa có tin mới, - Lavater bảo tôi: - Tôi đã nói với anh về nhà Leoni chưa nhỉ?
- Chưa.
- Hai vợ chồng được thuê trông coi Capila cách đây mươi mười hai năm. Do công chứng viên thuê. Tôi đã trực tiếp hỏi chuyện họ: Họ chẳng biết, chẳng nhìn thấy gì, ngoài chiếc xe đăng kí ở Thụy Sĩ, hình như xe Mercedes thì phải, tới đây lúc đêm rồi đi ngay khi trời sáng rõ. Viên công chứng đã báo trước cho hai vợ chồng dặn không tiếp xúc và cũng không được tìm hiểu xem ai đi trên xe. Thực tế họ không nhìn thấy ai thật.
- Vào hồi nào?
- Ngày 28 tháng tám, ba năm trước.
- Đúng dịp kỷ niệm mười năm bố tôi qua đời.
Lavater mỉm cười. Tôi còn nghĩ bụng: Biết đâu không phải là anh!
- Hay nhỉ! - Tôi cười phá lên.
- Bình tĩnh. Cặp Leoni không biết gì hơn. Họ chỉ được lệnh trông nom nhà cửa, không được thay đổi chút gì.
Tôi vô cùng tức giận. Ai là chủ ngôi nhà ở St. Tropez? Hắn là ai? Điều bí ẩn này làm tôi phát điên.
Tôi hỏi Lavater:
- Còn tay công chứng viên? Mua được không?
- Nghe kỳ quá, - Lavater đáp.
Tôi cười phá lên, anh ta mỉm cười an ủi:
- Thôi, đừng nhìn mọi cái với cặp mắt bi quan thế. Tất cả rồi sẽ rõ ràng. Sao không lại nhà mình ăn tối một bữa?
- Thế còn bản danh sách cậu đã hứa đâu?
- Đang định sau vài ngày nữa sẽ gửi sang Kenya cho anh một bản báo cáo. Nhưng anh lại về Paris. Vậy anh còn phải đợi. Anh có muốn tôi trả anh số tiền năm chục ngàn đôla không? Trả ngay lập tức nếu anh đòi?
Tình bạn của chúng tôi chắc chắn đã có từ trước rồi, nhưng từ phút ấy nó mới chính thức ra đời. Mặc dầu trong bụng vẫn giận thật, mặt tôi vẫn mỉm cười với anh ta.
- Đồng ý đợi đến lúc có báo cáo. Và sẽ đến ăn tối với anh một bữa. Rất vui lòng.
* * *
Hai ngày sau đó là hai ngày chạy long tóc gáy. Dựa trên mạng lưới rất hữu hiệu của Hyatt, tôi tạo nên một tổ chức có đầy đủ tính chất Châu Âu, gồm những người sau này sẽ gắn bó mật thiết với tôi mặc dầu có vụ kinh doanh “đồ vặt”. Những người ấy về sau tôi đều gặp lại, chẳng hạn như Letta ở Roma. Tuy nhiên, những kết quả, có thể gọi là chiến thắng của tôi vẫn không làm tôi trút bỏ được nỗi băn khoăn tức giận, gần như mối hận thù do những tin tức của Lavater làm nẩy nở trong lòng. Hyatt đã sang Mỹ, tôi còn có một mình trong lúc chỉ hai ngày nữa là sinh nhật hai mươi hai tuổi. Sau mười, hai mươi cuộc nói chuyện, tranh cãi, người tôi mệt mỏi, phải trốn trong phòng trọ. Tay mân mê chiếc bật lửa ghi âm, cứ mở nắp là nó hét tướng: “Bạn khốn khổ ơi, mắc bệnh ung thư đấy!”. Tế nhị như quỷ sứ, dễ nhìn nữa, tệ hại hơn là nó sẽ rất ăn khách, ngay lúc này đã được ưa chuộng. Trong ba ngày đã bán hơn chục ngàn cái. Tôi ngắt điện thoại.
Cách một ngày sau, vào thứ sáu, tôi cùng với Sarah hạ cánh xuống Geneva. Tôi thuê xe ở Cointrin, không dừng lại Geneva mà quay về Pháp qua Annemasse. Đường lên dốc dần. Đến Cluses tôi rẽ trái về hướng Morzine, ở đấy khách sạn Parador sắp đóng cửa nhưng hứa sẽ đợi và cho trọ với điều kiện chỉ có hai chúng tôi, và số người phục vụ sẽ rất ít. Ánh mắt xanh giễu cợt của Sarah:
- Tại sao bỗng nhiên lại mê núi non đến thế?
- Chán ngấy bọn Kikuyn, bọn Tàu, chán vùng nhiệt đới rồi. Muốn xem bò cái.
- Thế thì phải tới Normandie. Đầy bò cái.
Cô nàng rất ranh ma. Tôi không bao giờ, sẽ không bao giờ giấu nổi cô ta điều gì.
- Lúc nào đi Geneva?
- Ai bảo đi Geneva? Đi làm gì?
- Mắt em bảo. Bao giờ? Hôm nay? Ngay đêm nay, khoác áo choàng, đeo mặt nạ?
- Mai. À không, ngày kia.
- Biết rồi. Hôm ấy là chủ nhật, đường phố sẽ vắng tanh không có ma nào đi ra ngoài. Thừa biết đi ấy chứ! Nhân tiện, chúc mừng sinh nhật chàng Zouave. Anh có biết tại sao em bỏ rơi cả một tá nhân tình người Châu Phi không? Chúc mừng sinh nhật anh! Có những lúc em thấy anh gần như thương được.
* * *
Đúng như cô nàng dự đoán. Chín giờ sáng chủ nhật, Geneva cũng vắng vẻ như khách sạn chúng tôi trọ đêm qua. Để cẩn thận đến cùng, tôi bỏ qua cái cười chế giễu của Sarah, đỗ xe tận bờ bên kia hồ Léman, đi bộ qua cây cầu nhỏ Bergues để qua sông Rhône, dọc đường nghỉ chân trong vườn cây trên đảo Rousseau. Đứng đó nhìn rất rõ trụ sở ngân hàng, mặt tiền có để tên Yahl. Người tôi run lên. Sarah nắm tay tôi, dựa vai vào vai tôi.
- Anh điên mất rồi, Franz. Anh định bỏ cả cuộc đời vào việc trả thù thằng già ấy sao?
Đời thuở nào, có ai rửa nổi hận thù đối với một thằng giám đốc ngân hàng Thụy Sĩ? ...
Eo cô áp sát eo tôi. Thân hình Sarah mảnh dẻ thường xuyên rám nắng từ đỉnh đầu đến gót chân, tóc nâu tự nhiên gần như đen; nhỏ con nhưng chắc lẳn, cặp vú nhỏ xinh mà rắn. Làm tình với cô ta không nhất thiết là một cuộc ái ân mà thường là một trận chiến mà tôi chỉ thắng khi gặp dịp.
- Anh ơi, hãy quên hết đi. Chúng mình sang Hong Kong với nhau. Tương lai anh rất sáng sủa, em không biết nói gì nữa, không lẽ anh cần nghe lên lớp? Quên thằng ấy đi. Anh sắp giàu to. Một ngày kia còn có thể giàu hơn nó. Lúc ấy anh sẽ làm cho nó, gì nhỉ, một cánh tay danh dự.
- Cứt!
- Em muốn uống cà phê.
- Ít nhất cũng đi ngang qua đó đã.
- Và đái vào cửa nhà nó một bãi.
Chúng tôi qua sông Rhône, xuyên qua quãng trường đầu cầu Mont Blanc; vòi nước phun bên trái, mặt tiền nhà ngân hàng bên phải.
Sarah thì thầm:
- Có khi nó đang nấp trong bóng tối kia kìa, rình anh bằng cặp mắt đen của chó rừng.
- Xanh, cặp mắt nó xanh.
- Cà phê của em đâu?
Đến trước mặt trụ sở câu lạc bộ Touring chúng tôi rẽ phải để ra phố Rive. Thế là hết. Chẳng được việc gì, cố nhiên. Nhưng tôi vẫn còn tái xanh, gần như phát ốm. Sarah lo sợ: “Lạy Chúa! Đến nông nỗi này cơ à, Franz? Anh điên thật rồi. Em nói nghiêm chỉnh đấy”.
Chúng tôi trở về Morzine, ở trên đó, tự cô nàng làm tình với tôi, rất dịu dàng, khác hẳn mọi bận.
Xong, cô đi lại trong phòng với vẻ bận rộn mà các cô thường có trong những nơi họ coi như nhà mình, dù nơi đó chỉ là căn phòng khách sạn.
Tôi hỏi:
- Em thật sự tin điều em đã nói chứ, là anh sắp giàu đến nơi ấy?
Cô bật cười, tôi lại nhận được ánh mắt lườm qua mi rất quen thuộc.
- Tin. Và bụng ông sẽ phệ ra, ông sẽ diện những bộ đồ len chải, ông có du thuyền, có hai dao cạo điện để phòng có một cái bị trục trặc. Còn bây giờ, xin ông nhanh chân lên kẻo lỡ chuyến bay.
* * *
Từ Paris tôi lại gọi đi Hong Kong. Công việc trôi chảy, xưởng máy của Ching gì đó chạy hết công suất, nhiều nhà máy khác của ông Hak đã dự vào vũ khúc, nhả ra hàng tấn đồ vặt lạ mắt. Cùng với Sarah tôi đi khắp Châu Âu: Đức, Ý, Tây Ban Nha, Scandinavia, sang cả Morocco và Ai Cập, Hy Lạp. Đến đâu cũng tranh cãi, ký kết hợp đồng. Làm thật nhanh, tôi không thể ngồi yên chỗ, gần như lúc nào cũng cuống cuồng. Hyatt điện cho tôi, ngay sau đó gã trở về từ New York và California, nơi gã thu được kết quả vượt mọi mơ ước. Gã vừa hãnh diện, lại vừa buồn phiền vì những thành công này: Gã không được xơ múi gì. Tôi an ủi gã nhưng không mở két bạc: Có cơ hội tốt mà không xoáy thì mặc xác gã.
Tôi quá bận nên quên không gọi lại cho Lavater như đã hẹn. Cuối cùng cũng tìm được anh ta không ở văn phòng mà ở một máy khác tại căn nhà gần Chagny ở xứ Bourgogne. Anh đã cho tôi số máy từ trước.
- Tôi đang thắc mắc không biết anh ở đâu...
Chắc có tin mới, tôi bỗng nhiên có trực cảm.
- Không biết làm cách nào liên lạc được với anh. Nói vắn tắt, đã có bản danh sách cho anh đây rồi.
Im lặng. Tôi bóp ống nghe gần vỡ bét ra. Trong thù hận cũng có nhiều khoái cảm xác thịt.
- Bao nhiêu thằng tất cả?
- Bảy.
- Có Martin Yahl?
- Tất nhiên. Trong phạm vi có thể, tôi đã xếp các vị này theo thứ tự trách nhiệm, trách nhiệm trong câu chuyện đã xẩy ra, hẳn là vậy, và Yahl đứng đầu bảng, số một.
Tôi đang nói với Lavater từ Roma, đúng lúc định về Hong Kong gặp Ching gì đó, hắn ta đòi gặp tôi từ mấy hôm nay rồi.
Tôi nghĩ thật nhanh rồi bảo Lavater:
- Cô Sarah sẽ tới khách sạn Ritz ở Paris tối nay. Anh đưa danh sách cho cô ấy được chứ?
- Rất tốt.
Sarah cau mày khi nghe tôi tự tiện sai phái cô như vậy.
- Cảm ơn Lavater.
Tôi định gác máy. Lavater:
- Cimballi? Franz?
- Gì nữa?
- Hãy làm cho chúng thật khốn khổ điêu đứng. Chỉ có mỗi thứ đó là chúng chưa ăn cắp được!
Tôi mỉm cười với chiếc máy. Như nước thủy triều đang lên, trong lòng tôi lại bừng lên cơn say dữ dội đã cảm thấy trên đại lộ Old Brompton hồi xưa. Lúc này nó càng mãnh liệt, càng dữ dội bội phần.
Đúng! Chúng nó sẽ khốn đốn vì tay tôi.
-------------
Còn tiếp...

1 nhận xét:

  1. Đọc nhan đề tôi thấy mắt mình sáng trưng !!! Đọc từng phần mắt thấy tối dần rồi.

    Trả lờiXóa