William Somerset Maugham
Lốt Sư tử
Nguyễn Việt Long dịch
Khá nhiều người sửng sốt khi nghe tin đại úy Phore-xtơ đã tử
nạn trong một đám cháy rừng khi cố cứu con chó yêu của vợ vô tình bị nhốt trong
nhà. Một số người nói họ không ngờ ông ta lại có hành động như vậy; số khác lại
nói đó đúng là cái điều họ dự đoán được, nhưng cũng lời nói ấy được họ ngụ ý
khác nhau.
Sau cái việc bi thảm ấy, bà Phore-xtơ nương thân tại biệt thự của cặp
vợ chồng Hady mà bà và chồng bà chỉ mới quen gần đây. Đại úy Phore-xtơ không
thích họ, ít ra là ông không thích Phret Hady, nhưng bà nghĩ rằng giá chồng bà
qua khỏi cái đêm khủng khiếp ấy thì hẳn ông sẽ thay đổi lại ý nghĩ về Hady. Ông
sẽ hiểu ra là trong Hady có biết bao cái hay trái hẳn với tiếng đồn, và vốn là
một bậc chính nhân quân tử thực thụ, ông sẽ chẳng ngần ngại gì mà không thừa nhận
sự ngộ nhân của mình. Bà Phore-xtơ không
thể tưởng tượng nổi làm sao bà có thể giữ được lý trí sau cái chết của một người
đối với bà là tất cả trên thế gian này, nếu không có lòng tốt tuyệt vời của gia
đình Hady. Với nỗi đau buồn vô hạn của bà, thì sự cảm thông bất biến của họ là
niềm an ủi duy nhất đối với bà. Họ, những người đã tận mắt chứng kiến sự hy
sinh lớn lao của ông nhà, hơn ai hết biết rõ ông là một người tuyệt diệu như thế
nào. Bà không bao giờ quên được những lời nói của Phrét Hađy khi báo cái tin khủng
khiếp ấy với bà. Chính những lời này giúp bà không những chịu đựng nổi cái tai
họa nặng nề kia, mà còn giúp bà chống chọi lại cái tương lai cô quạnh với một
lòng quả cảm mà bà biết con người can đảm ấy, bậc chính nhân quân tử cao thượng
ấy, người mà bà yêu hết lòng ấy, hẳn sẽ phải ngậm cười.
Bà Phore-xtơ là một
người đàn bà dễ thương. Những người tốt bụng vẫn nói như thế về một người đàn
bà khi họ không biết nói gì hơn, và cái điều ấy nên hiểu như một lời khen lạnh
lùng. Tôi thì không muốn nói như vậy. Bà Phore-xtơ đã chẳng kiều diễm, xinh đẹp, cũng không thông
minh; ngược lại, bà thô kệch, xấu xí và ngu ngốc; nhưng nếu bạn càng hiểu biết
bà nhiều bao nhiêu thì bạn càng thích bà bấy nhiêu, để rồi khi được hỏi tại
sao, bạn chỉ còn biết nhắc lại đấy là một người đàn bà rất dễ thương. Bà cao bằng
một người đàn ông trung bình, bà có cái mồm rộng và cái mũi khoằm to, cặp mắt cận
thị xanh lơ và đôi tay to rất thô. Da bà nhăn nheo và thô ráp, nhưng bà tô son
đánh phấn rất nhiều, tóc bà để dài, được nhuộm thành một mầu vàng óng, được uốn
cẩn thận và chải kỹ lưỡng. Bà đã làm mọi cái để làm giảm cái sắc thái đàn ông
như ngoáo trong tướng mạo của mình, nhưng
chỉ đạt đến cái mức như một anh kép kịch vui sắm vai đàn bà. Giọng bà là giọng
nữ, nhưng bạn thường có cảm giác là, như ở cuối màn kịch, nó bỗng chuyển xuống
giọng trầm, còn nếu có gỡ bỏ lớp tóc giả vàng óng kia thì sẽ trơ ra cái mảng đầu
hói đàn ông. Bà đã tiêu rất nhiều tiền về khoản quần áo ở những hiệu may thời
thượng nhất Paris, nhưng dù rằng đã năm mươi tuổi đầu, bà vẫn có cái gu tai hại
cứ thích chọn những trang phục thanh nhã trên người những cô mặc áo chiêu hàng
mảnh dẻ đang độ xuân sắc. Bà đeo rất nhiều đồ trang sức đắt tiền. Dáng đi của
bà vụng về, còn cử chỉ thì lóng ngóng. Nếu bà vào một phòng khách nơi có một bức
tượng ngọc ngà đáng giá, thì thế nào bà cũng có cách cho nó lăn xuống sàn mới
thôi, còn nếu bà dùng bữa với bạn và bạn có một bộ đồ ăn bằng thủy tinh được
nâng niu, thì nhất định bà sẽ làm vỡ tan tành một chiếc cho mà xem.
Ấy thế nhưng cái vẻ ngoài vô duyên kia lại chứa chất một tâm
hồn dịu dàng, lãng mạn đầy lý tưởng. Phải mất một thời gian bạn mới khám phá ra
điều này, lần gặp đầu tiên bạn thấy tức cười vì diện mạo của bà, rồi khi bạn đã
biết bà rõ hơn một chút (và đã phải hứng chịu sự lóng ngóng của bà), bà ta làm
bạn bực mình, nhưng khi bạn đã khám phá ra tâm hồn của bà, bạn sẽ thầm nghĩ sao
mình lại ngố đến nỗi mãi không nhận ra điều ấy, bởi lẽ ngay từ đầu cái tâm hồn ấy
đã nhìn vào bạn qua cặp mắt cận thị xanh lơ kia; có chiều rụt rè, nhưng với vẻ
chân thực mà chỉ có những anh ngốc mới để sót. Lớp vải muxlin trang nhã và phin
nõn oócganđi mát màu xuân kia, lớp lụa trong trắng kia phủ lên không phải một
thân hình vụng về mà lên một tâm hồn thanh nữ tươi mát. Bạn sẽ quên rằng bà ta đã
đánh vỡ đồ sứ của bạn và trông bà ta giống như một người đàn ông vận bộ đồ phụ
nữ, bạn sẽ thấy bà ta như chính bà ta thấy mình, đúng như bà ta trong thực tế,
chỉ cần nhìn ra cái bản chất thực của bà, như một bé con xinh xắn có trái tim
vàng. Khi đã nhận ra rồi, bạn thấy bà cũng đơn giản như một đứa trẻ; một sự chú
ý nhỏ nào cũng làm bà cảm động biết ơn; lòng tốt của bà thì thật là vô tận, bạn
có thể nhờ bà làm bất cứ điều gì, cho dù việc ấy có khó nhọc mấy chăng nữa, và
bà làm sốt sắng như thể chính bạn đang gia ơn cho bà một cơ hội để gắng sức vì
bạn. Bà có một khả năng thương yêu không vụ lợi đến mức hiếm có. Bạn biết là
không có một ý nghĩ không tốt hay ranh ma nào thoáng qua trong đầu bà. Và khi
đã công nhận tất cả những điều ấy, bạn lại nhắc lại một lần nữa rằng bà Phore-xtơ
là một người đàn bà rất dễ thương.
Tiếc thay, bà cũng ngu ngốc thượng hạng. Bạn nhận biết điều
này khi gặp chồng bà. Bà Phore-xtơ là người Mỹ và đại úy Phore-xtơ là người
Anh. Bà sinh tại Portland bang Oregon và chưa bao giờ sang châu Âu cho đến cuộc
chiến tranh năm 1914. Lúc ấy người chồng thứ nhất của bà mới chểt, bà gia nhập
đội y tá, hộ lý và lên đường sang Pháp. Xét theo tiêu chuẩn dân Mỹ thì bà không
giầu, nhưng theo tiêu chuẩn người Anh chúng ta thì bà khá dư dật. Qua cái cách
sinh hoạt của vợ chồng bà, tôi đoán rằng bà có quãng chừng ba mươi nghìn đô la
một năm. Nếu không kể việc bà lầm lẫn thuốc luôn, quấn băng đến nỗi chúng đâm
ra còn tệ hơn là vô dụng và đánh vỡ bất cứ đồ dùng nào có thể vỡ được, thì tôi
tin chắc bà là một hộ lý cừ khôi. Tôi nghĩ là bà không ghê ngại một việc gì và
sốt sắng làm ngay; dĩ nhiên bà không tiếc mình trong công việc và chắc chắn
không mất bình tĩnh. Tôi có cảm tưởng là có khá nhiều những kẻ tội nghiệp có lý
do để tôn sùng sự dịu dàng nơi trái tim bà, và ắt hẳn có không ít kẻ đã bước
cái bước cuối cùng vào cõi chưa biết, với sự dũng cảm đặc biệt nhờ có lòng
thương người trong tấm lòng vàng của bà. Chính trong năm cuối của cuộc chiến
tranh, đại úy Phore-xtơ đã được bà chăm
sóc và chẳng bao lâu sau khi hòa bình được lập lại, họ đã cưới nhau. Họ dọn đến
ở một biệt thự xinh đẹp trên những ngọn đồi gần Cannes và trong một thời gian
ngắn đã có tiếng trong các giới thời thượng ở Riviera. Đại úy Phore-xtơ chơi bridge
giỏi và là một tay đánh golf thạo. Ông cũng là một đấu thủ tennis không tồi,
ông có một chiếc thuyền buồm, và trong dịp hè, ông bà Phore-xtơ lại cùng bạn bè
tổ chức du lịch giữa các đảo. Sau mười bảy năm chung sống, bà Phore-xtơ vẫn hết
mực yêu ông chồng đẹp trai của mình, nên nếu bạn là người quen biết bà đã lâu
thì thế nào cũng được nghe đầu đuôi câu chuyện tình duyên của họ qua cái giọng
miền Tây ê a của bà.
- Tình yêu đến ngay từ cái nhìn đầu tiên. - Bà kể, - Anh ấy
được đưa đến lúc tôi không phải phiên trực, khi tôi vào thì thấy anh ấy trên một
trong những cái giường của tôi, chao ôi, tôi thấy nhói trong tim như thể tôi đã
làm việc quá sức và sắp kiệt sức. Anh ấy là người đàn ông đẹp nhất mà tôi trông
thấy trong đời.
- Anh ấy có bị thương nặng lắm không?
- Kể ra anh ấy không bị thương. Thật là một chuyện kỳ lạ hết
sức, anh ấy đã qua suốt cả cuộc chiến tranh, có khi hàng tháng liền trong bom đạn,
còn phải nói, anh ấy liều mình đến hai mươi lần một ngày, anh ấy thuộc loại
không biết sợ là gì, ấy vậy mà không bị đến một vết xước. Anh ấy bị đám nhọt.
Có lẽ từ cái bệnh không lấy gì làm thơ mộng này mà đã nảy nở
một sự quyến luyến sâu sắc. Bà Phore-xtơ khá là hay xấu hổ, nên dù chỗ nhọt của
đại úy Phore-xtơ làm bà rất quan tâm, lần nào cũng phải chật vật mới cho bạn biết
cụm nhọt ấy ở chỗ nào.
- Chỗ nhọt ở tận dưới cùng của lưng, còn dưới nữa ấy, và anh ấy
không ưa để tôi băng chỗ ấy. Người Anh quả là nhã nhặn hết sức, tôi đã nhiều lần
ngẫm thấy, còn anh ấy thì bị dằn vặt ghê gớm. Lẽ ra trong tình cảnh như thế, nếu
ông hiểu ý tôi nói, thì chúng tôi phải thân thiết với nhau hơn. Đằng này lại
không thế. Anh ấy không cởi mở với tôi gì cả. Cứ mỗi lần đến giường anh ấy, tôi
lại thấy khó thở và tim đập đến nỗi tôi không hiểu có chuyện gì xẩy ra với tôi.
Thường thì tôi có lóng ngóng như thế đâu, tôi chẳng đánh rơi đánh vỡ cái gì bao
giờ, thế mà ông có tin được không, khi tôi đưa thuốc cho Rôbớt thì nào đánh rơi
thìa hay đánh vỡ cốc. Thật chịu không biết anh ấy nghĩ gì về tôi.
Không thể không cười khi nghe bà Phore-xtơ kể chuyện ấy. Bà
cũng mỉm cười khá là dịu dàng.
- Tôi cho là chắc ông lấy làm lạ lắm, nhưng ông ạ, tôi chưa
bao giờ có cảm giác như vậy, Khi tôi lấy người chồng đầu thì ông ấy đã góa vợ,
có con lớn, ông ấy là một người hay lắm và là một trong những công dân có tiếng
nhất ở bang, nhưng mọi cái nay đều khác.
- Thế rồi làm sao bà lại nhận ra là bà yêu đại úy Phore-xtơ?
- Ấy, tôi không dám bảo ông tin, tôi biết, nghe ra thì buồn
cười lắm, nhưng có một cô hộ lý bảo với tôi thế, cố nhiên là tôi thấy đúng như
vậy. Lúc đầu tôi bồn chồn ghê gớm. Tôi có biết tí gì về anh ấy đâu. Cũng như mọi
người Anh, anh ấy rất ít nói, nhỡ anh ấy có vợ và có đến nửa tá con cái rồi thì
sao?
- Sau đấy là sao bà dò biết được anh ấy chưa có vợ con?
- Tôi hỏi anh ấy. Cái lúc anh ấy bảo tôi rằng anh ấy chưa vợ
tôi mới quyết chí, dù muốn đến đâu thì đến, tôi sẽ lấy anh ấy bằng được. Anh ấy
đau lắm, thật tội; ông thử hình dung xem, gần như lúc nào anh ấy cũng phải nằm
quay úp mặt xuống, nằm sấp như thế thật là cực hình, mà ngồi thì anh ấy không
dám nghĩ tới. Nhưng tôi không tin rằng anh ấy đau khổ hơn tôi. Đàn ông người ta
thích lụa là và những thứ mịn màng đỏm dáng, chắc ông hiểu ý tôi nói, mà tôi
trong cái bộ đồng phục của hộ lý thì nom thật bất tiện. Bà quản lý trưởng lại
là một bà cô chưa chồng xứ New England ghét cay ghét đắng phấn son trang điểm,
mà ngày ấy tối có cũng có đánh son đánh phấn gì đâu; người chồng đầu của tôi
không thích cái thứ ấy; với lại tóc tôi đâu có đẹp như bây giờ. Anh ấy hay nhìn
tôi bằng đôi mắt xanh tuyệt diệu, tôi có cảm giác là anh ấy coi tôi trông không
ra dáng lắm, anh ấy rất trầm mặc; tôi nghĩ tôi có bổn phận phải làm hết sức cho anh ấy vui lên, nên hễ
có dăm ba phút rảnh rang là tôi lại đến trò chuyện với anh ấy. Anh ấy bảo anh ấy
day dứt với ý nghĩ là một gã khỏe mạnh tráng kiện như anh ấy mà lại nằm trên
giường hết tuần này sang tuần khác, trong khi đồng đội đang ở ngoài chiến hào.
Nói chuyện với anh ấy, thể nào ông cũng nhận ra anh ấy thuộc loại người cảm nhận
nỗi vui của cuộc sống không lúc nào mạnh mẽ bằng cái khi đạn rít chung quanh,
mà cái khoảnh khắc đó có khi là khoảnh khắc cuối cùng trong đời. Sự hiểm nguy
là kích thích tố với anh ấy. Chả giấu gì ông, khi tôi ghi nhiệt độ cho anh ấy
vào phiếu theo dõi, tôi vẫn hay thêm một, hai phần mười độ vào để các bác sĩ tưởng
anh ấy yếu hơn thật. tôi biết anh ấy chỉ rình được xuất viện, và cho rằng không
để anh ấy ra viện ngay thì chỉ là điều không công bằng với anh ấy. Anh ấy hay
trầm ngâm nhìn tôi khi tôi nói, và tôi biết ấnh ấy mong đợi những dịp chuyện
phiếm nho nhỏ ấy lắm. Tôi bảo anh ấy tôi đã góa chồng và không phải phụ thuộc
ai cả. Tôi bảo anh ấy tôi đang tính chuyện ở lại châu Âu sau chiến tranh. Dần
dà anh ấy cởi mở hơn. Anh ấy không nói nhiều về mình, nhưng anh ấy đã bắt đầu
đùa với tôi, ông biết đấy, anh ấy có khiếu hài hước lắm, đôi lúc tôi đâm nghĩ
là dẫu sao anh ấy cũng thích tôi. Cuối cùng người ta báo là anh đã bình phục.
Thật ngạc nhiên, anh ấy mời tôi cùng đi ăn vào cái buổi tối cuối cùng ấy. Tôi
thoát được bà quản lý, thế là chúng tôi lên Paris. Ông không hình dung được là
anh ấy trông hay đến mức nào trong bộ quân phục đâu. Tôi chưa thấy ai nổi bật
như vậy. Quý phái cho tới tận đầu ngón tay. Nhưng có điều này điều kia khiến
anh ấy không phấn khởi như tôi tưởng. Anh ấy nóng lòng ra trận.
- Sao hôm nay anh trông ủ ê thế? - tôi hỏi anh ấy. - Xét cho
cùng, mong muốn của anh đã được thực hiện rồi cơ mà.
- Anh biết. - anh ấy bảo. - Nếu hôm nay anh có hơi buồn thì
em có đoán ra tại sao không?
Tôi không dám ngẫm xem anh ấy muốn nói điều gì. Tôi nghĩ nói
một câu nói đùa thì hay hơn.
- Em không thạo đoán cho lắm. - tôi vừa nói vừa cười. - Nếu
anh muốn em biết thì nói với em đi.
Anh ấy cúi nhìn xuống và tôi thấy anh ấy mất bình tĩnh.
- Em tốt với anh vô kể. - anh ấy nói. - Anh chẳng bao giờ đền
đáp được lòng tốt của em. Em là người phụ nữ tốt đẹp nhất mà anh từng gặp.
Tôi bàng hoàng ghê gớm khi nghe anh ấy nói như thế. Ông biết
đấy, người Anh lạ lùng lắm, trước kia anh ấy có khen tôi bao giờ?
- Em chỉ làm những cái mà bất kỳ một hộ lý hiểu biết nào
cũng đều làm.- tôi nói.
- Anh có còn gặp lại em nữa không nhỉ? - anh ấy hỏi.
- Tùy ở anh đấy. - tôi mong anh ấy đừng nhận ra giọng tôi
run run.
- Anh chẳng muốn chia tay em tí nào, - anh ấy bảo.
Khó khăn lắm tôi mới nói được lên lời.
- Có cần phải thế không? - tôi nói.
- Chừng nào quốc vương và đất nước cần, anh còn phải phụng sự.
Khi bà Phore-xtơ kể đến đấy, đôi mắt xanh lơ của bà đẫm lệ.
- Nhưng chiến tranh không thể kéo dài mãi được. - tôi nói.
- Khi chiến tranh chấm dứt, - anh ấy đáp. - nếu như không có
viên đạn nào kết liễu đời anh, thì anh sẽ chẳng có lấy một xu. Anh chẳng biết rồi
sẽ xoay xở ra sao để sống. Em giàu lắm, còn anh thì nghèo rớt.
- Anh là một chính nhân quân tử Anh quốc. - tôi nói.
- Cái đó có ý nghĩa gì nhiều một khi thế giới này đã được tạo
ra cho nền dân chủ? - anh ấy cay đắng nói.
[“Thế giới này được tạo ra cho nền dân chủ”. - lời của Tổng
thống Mỹ W. Wilson, 1856-1924]
Suýt nữa thì tôi òa lên khóc. Tất cả những điều anh ấy nói
sao mà hay thế. Tất nhiên tôi hiểu ý anh ấy. Anh ấy cho rằng hỏi tôi làm vợ thì
không được danh dự cho lắm. Tôi biết, anh ấy thà chết còn hơn là để tôi có ý
nghĩ rằng anh ấy săn tiền của tôi. Anh ấy quả là tuyệt vời. Tôi biết mình không
xứng đáng với anh ấy, nhưng nếu tôi đã cần anh ấy thì phải mạnh dạn hành động.
- Cứ giả vờ là em không yêu anh say đắm thì thật không hay
tí nào, bởi vì sự thật là thế, - tôi nói.
- Đừng làm cho lòng anh nặng nề thêm nữa, - anh ấy nói, giọng
khàn khàn.
Tôi nghi có thể chết được. Tôi yêu anh ấy quá chừng lúc anh
nói câu đó. Giờ thì tôi biết tôi phải làm gì. Tôi chìa tay cho anh.
- Anh sẽ lấy em chứ, Rôbớt? - tôi nói rất giản dị.
- Êlinơ! - anh ấy khẽ nói.
Rồi anh ấy kể anh ấy đã yêu tôi ngay hôm đầu gặp tôi. Lúc đầu
anh ấy cứ nghĩ tôi là hộ lý bình thường nên định tính chuyện yêu đương, nhưng rồi
phát hiện ra tôi không phải loại ấy mà là người cũng có tiền nên anh ấy phải
nén tình yêu lại. Ông thấy đấy, anh ấy cho rằng không thể có chuyện hôn nhân ở
đây được.
Có lẽ không có điều gì làm bà Phore-xtơ sung sướng hơn cái ý
nghĩ là đại úy Phore-xtơ đã định tỏ tình với bà. Có lẽ chưa từng có người nào
đưa ra những lời cầu hôn chớt nhả với bà, cả đại úy Phore-xtơ cũng không làm điều
ấy, nhưng chỉ nội một nhận thức là anh ấy đã nuôi một ý nghĩ như vậy, đối với
bà đã là một nguồn hạnh phúc khôn nguôi. Khi họ đã lấy nhau, họ hàng của Êlinơ,
những người phương Tây có đầu óc thực dụng, cho là ông chồng của bà nên đi làm
chứ không nên sống bằng tiền của bà, thì đại úy Phore-xtơ cũng nhất trí. Ông chỉ
bổ sung thêm như sau:
- Có những cái mà bậc chính nhân quân tử không thể làm,
Elinơ ạ. Còn mọi cái khác anh sẽ rất sung sướng được làm. Nói có ông trời, anh
cũng không quan trọng hóa cái chuyện ấy, nhưng đã làm ông thì không thể dở ông
dở thằng được, mẹ kiếp, mỗi người đều có ít nhiều nghĩa vụ trước giai cấp của
mình, nhất là vào thời buổi này.
Êlinơ nghĩ là vì đất nước của mình mà anh ấy đã liều thân
ngoài sa trường đẫm máu trong suốt bốn năm ròng rã là quá đủ rồi, nhưng vì quá
sĩ diện về ông chồng, tránh cho thiên hạ bàn tán rằng ông là kẻ đào mỏ, lấy bà
chỉ vì tiền, nên bà cũng không phản đối nếu ông tìm được việc làm xứng đáng. Rủi
thay, lại chỉ có những công việc không được oai phong cho lắm. Nhưng ông không
hề lẩn tránh trách nhiệm của mình.
- Tùy ở em đấy, Êlinơ, - ông nói. - chỉ cần em nói một lời
là anh chấp hành ngay. Cho dù cụ thân sinh của anh có phải lật mình dưới mồ khi
thấy anh làm việc ấy. Nghĩa vụ trước em là trên hết.
Êlinơ mủi lòng không muốn nghe những lời như vậy nữa, nên dần
dần cái dự định để ông đi làm đã biến mất. Ông bà Phore-xtơ phần lớn thời gian
trong năm sống ở Riviera. Họ rất ít khi sang Anh. Rôbớt bảo rằng, kể từ sau chiến
tranh, ở đấy không phải là chỗ cho một bậc quân tử nữa, và tất cả đám anh em bạn
bè tốt, những con người thực sự mà ông vẫn thường giao du cái hồi ông còn cùng
“cánh nhà lính” ấy, đã hy sinh cả rồi. Ông chỉ thích sang Anh mùa đông, một tuần
ba ngày đi săn bắn, đấy mới đáng gọi là cuộc sống đối với một người đàn ông,
nhưng tội nghiệp cho Êlinơ, bà sẽ mòn mỏi buồn chán lắm, nên ông không dám cầu
xin ở bà một sự hy sinh như vậy. Êlinơ đã sẵn sàng chịu bất cứ sự hy sinh nào,
nhưng đại úy Phore-xtơ lắc đầu. ông cũng không còn trẻ nữa, cái thời săn bắn của
ông đã lùi vào dĩ vãng. Ông hoàn toàn bằng lòng với cái việc nuôi nấng lũ chó
nòi Siliơm và đàn gà Oócpintơn. Họ có khá nhiều đất, một căn nhà trên đỉnh đồi,
trên bãi đất bằng, ba phía là rừng cây, mặt trước là vườn nhà. Êlinơ nói là ông
nhà sung sướng những khi mặc bộ complet cổ xưa bằng vải tuýt đi dạo quanh cơ
ngơi của mình với người coi chó săn kiêm trông gà con.. Chính những lúc ấy,
trông ông hiện lên tất cả những thế hệ điền chủ tiền bối. Những câu chuyện
không dứt giữa ông với người coi chó về các giống gà làm Êlinơ cảm động và thấy
ngồ ngộ, thật cứ như thể ông đang đàm luận về giống gà lôi với vị kiểm lâm trưởng
của mình; còn giống chó Siliơm ông chăm lo như chăm đàn chó săn, làm ai cũng có
cảm tưởng là ông quen thạo với lũ chó săn từ hồi còn ở nhà. Cụ cố của đại úy Phore-xtơ
là một trong những tay ăn chơi nhất thời Nhiếp chính. [1811-1820, Quận công xứ
Wales nhiếp chính thay cha là vua George III]. Chính cụ cố đã phá tán gia đình,
bao nhiêu cơ ngơi đều bán hết. Họ Phore-xtơ từng có một dinh thự lâu đời rất
tuyệt ở Srốpsia suốt mấy thế kỷ và Êlinơ cũng thích đến đấy ngắm một chút, tuy
nó không còn thuộc về họ nữa, nhưng đại úy Phore-xtơ bảo rằng nó chỉ gợi lên
đau xót nên không đời nào ông đưa bà đến đấy được.
Khách khứa vẫn thường hay lui tới gia đình Phore-xtơ. Đại úy
Phore-xtơ là người sành rượu và vẫn hãnh diện về hầm rượu của mình.
- Ông cụ anh Rôbớt có tiếng ở Anh về khẩu vị tinh tế, -
Elinơ nói. - nên anh ấy cũng thừa hưởng nó từ ông cụ.
Đa số bạn của họ là người Mỹ, người Pháp và người Nga. Nói
chung, Rôbớt cho rằng họ hay hơn người Anh, mà ông đã thích ai thì Elinơ cũng
thích người đó. Rôbớt nghĩ rằng người Anh không xứng tầm với họ. Đa số những
người mà ông đã quen biết ngày xưa đều có chân trong trong các câu lạc bộ bắn
súng, săn bắn, và câu cá; những anh bạn
xấu số ấy nay đều đã khuynh gia bại sản cả, và dù rằng, đội ơn Chúa, ông không
phải là kẻ hợm mình, ông cũng không thể dung hòa được với cái ý nghĩ là vợ ông
đánh bạn với cái lũ nouveaux-riches [giầu xổi, mới phất - tiếng Pháp] mà chẳng
ai biết đến tên tuổi. Bà Phore-xtơ cũng không rành chuyện đó lắm, nhưng bà tôn
trọng định kiến của ông và khâm phục sự khác thường đó ở ông.
- Tất nhiên anh ấy cũng có trái tính trái nết, - bà nói. -
Nhưng tôi nghĩ là có bổn phận phải chiều anh ấy. Biết được nguồn gốc xuất thân
của anh ấy thì phải thấy là anh ấy có trái tính trái nết đi nữa cũng là lẽ tự
nhiên. Suốt ngần ấy năm làm bạn với nhau, chỉ có một lần tôi thấy anh ấy phật
ý, là cái lúc ở casino có một anh chàng vũ công tiến lại và mời tôi nhảy. Chỉ
thiếu chút nữa là anh ấy nện anh chàng kia. Tôi bảo với anh ấy là anh chàng tội
nghiệp kia chỉ hành nghề mà thôi, nhưng anh ấy bảo là không thể để cho cái đồ lợn
chết tiệt ấy mời vợ anh nhảy được.
Đại úy Phore-xtơ có một chuẩn mực đạo đức cao. Ông vẫn tạ ơn
Chúa là không đến nỗi đầu óc hẹp hòi, những vẫn phải có một ranh giới phân
minh, cho nên dù có ở Riviera đi nữa, ông cũng không đàn đúm được với cái bọn
nát rượu, bọn hoang toàng và bọn du đãng. Ông nghiêm khắc với cái thói phóng
túng tình dục và không cho Elinơ đi lại với đám đàn bà có tai tiếng dị nghị.
- Anh ấy là một người đứng đắn hết mực, - Elinơ nói, - một
người thanh cao nhất mà tôi biết; nếu đôi khi anh ấy cố chấp một chút thì cũng
nên nhớ rằng anh ấy có bao giờ đòi hỏi ở người khác cái mà chính anh ấy không sẵn
sàng tuân thủ đâu. Suy cho cùng, không thể không khâm phục một con người có những
nguyên tắc cao quý như vậy và sẵn sàng bảo vệ nó bằng bất cứ giá nào.
Khi nào đại úy Phore-xtơ bảo với Eelinơ rằng người này người
nọ, mà ai cũng coi là khá dễ chịu, không phải là pukkah sahib [bậc tôn quý - tiếng
Ấn Độ], thì cãi lại là vô ích. Bà biết rằng sự xét đoán của chồng là dứt khoát,
nên bà sẵn lòng nghe theo. Sau gần hai mươi năm chung sống, bà dám chắc một điều,
nếu không nói là nhiều hơn, rằng Rôbớt Phore-xtơ là kiểu mẫu hoàn thiện của một
chính nhân quân tử Anh quốc
- Không biết Thượng đế đã bao giờ tạo ra được một cái mẫu
nào hơn thế không? - bà nói.
Phải nói rằng đại úy Phore-xtơ đúng là một kiểu mẫu quá ư
hoàn thiện của bậc chính nhân quân tử Anh quốc. Ở cái tuổi bốn lăm (ông kém
Elinơ hai tuổi) ông vẫn rất đẹp trai với mớ tóc lượn sóng, điểm nhiều sợi bạc
và có một bộ ria khá bảnh; ông có nước da dày dạn sương gió, khỏe mạnh của một
người ở nhiều ngoài trời. Ông có vóc người cao lớn, hơi gầy và vai rộng, có chất
lính từ đầu đến chân. Phong cách ông chân thật, không màu mè, tiếng cười dài và
cởi mở. Trong cách nói chuyện, cách cư xử, trong trang phục ông điển hình đến mức
khó tin. Ông mang nhiều nét của một bậc quân tử miền quê đến mức người ta liên
tưởng đến một anh diễn viên thủ vai một cách xuất sắc. Nếu bạn trông thấy ông
đi dạo dọc bờ biển, cái tẩu trên miệng, khoác chiếc áo vét bằng vải tuýt và
đánh cái quần gôn, thì ông giống một nhà thể thao Anh quốc đến nỗi bạn phải sửng
sốt. Cách nói chuyện của ông, cái lối ông vẫn thuyết lý, tính chất hời hợt, vô vị
ở những lời ông phát biểu, cái vẻ ngờ nghệch có giáo dục đáng yêu của ông, tất
cả đều rất đặc trưng cho một sĩ quan về hưu, khiến người ta vô tình nghĩ răng
ông đang làm trò.
Khi Elinơ hay tin ông Phrêdêric Hađy và vợ đã thuê căn nhà nằm
ngay dưới chân quả đồi của họ, thì bà rất mừng rỡ. Thật dễ chịu cho Robert khi
có được người cùng gia tầng làm chỗ láng giềng gần. Bà đã dò hỏi nơi bạn bè ở
Cannes về Hady. Thì ra ông Phrêđêric, sau khi ông chú chết mới đây, đã được thừa
hưởng tước tòng Nam và ở Riviera hai ba năm cho đến khi mãn tang. Nghe nói lúc
còn trẻ ông đã từng phóng túng một thời, nhưng khi đến Cannes ông đã ngoại ngũ
tuần, gia cảnh đề huề, với một bà vợ nhỏ nhắn dễ ưa và hai cậu con trai. Tiếc một
điều là bà Hady đã có thời là diễn viên, mà Rôbớt lại hơi có thiên kiến đối với
các diễn viên, tuy mọi người đều nói bà ta rất đứng đắn, ra dáng phu nhân,
không ai dám bảo là bà đã từng là đào kép trên sân khấu. Ông bà Phore-xtơ gặp
bà lần đầu tại một tiệc trà mà ông Phrêđêric không đến dự. Robert phải thừa nhận
rằng bà có vẻ là loại người rất lịch lãm, thế là Elinơ, với mong muốn làm thân,
đã mời họ dự một bữa cơm trưa. Họ đã định ngày. Gia đình Phore-xtơ đã mời nhiều
khách khứa đến để làm quen với ông bà Hady, còn ông bà Hady thì đến hơi muộn.
Elinơ thấy mến ngay ông Phrêđêric. Ông trông trẻ hơn là bà tưởng, trên mái tóc
cắt ngắn của ông không có lấy một sợi bạc nào; khuôn mặt ông có cái gì đó trông
trẻ con khá hấp dẫn. Vóc dáng ông nhẹ nhàng, không cao như Elinơ; ông có đôi mắt
sáng thân thiện và nụ cười tươi. Bà nhận thấy ông thắt cái cravat Cận vệ như
cái mà Rôbớt thỉnh thoảng vẫn đeo; ông ta ăn mặc xoàng xĩnh hơn Rôbớt. Rôbớt của
bà lúc nào cũng trông như từ tủ kính bày hàng bước ra, còn cách ăn vận của ông Phrêđêric
như thể không thành vấn đề gì nhiều. Elinơ hoàn toàn có thể tin rằng thời trai
trẻ ông cũng hơi phóng túng, nhưng không thấy phải lên án điều đó.
- Tôi thấy phải giới thiệu nhà tôi với ông bà. - bà nói.
Bà gọi chồng, Rôbớt đang mải chuyện với một vài vị khách
ngoài hiên nên đã không để ý thấy vợ chồng ông Hady đã tới. Ông đi vào với cử
chỉ cởi mở, thân tình và bằng vẻ phong nhã luôn chinh phục được Elinơ, ông bắt
tay bà Hady. Rồi ông quay sang ông Phrêđêric. Ông Phrêđêric nhìn lại một cách
băn khoăn.
- Chúng ta đã gặp nhau rồi thì phải? - ông ta nói.
Rôbớt mặt lạnh lùng đáp lại:
- Tôi không cho là như vậy.
- Tôi dám cam đoan là khuôn mặt ông trông quen lắm.
Elinơ cảm thấy mặt chồng mình đanh lại và nhận thức được
ngay là có điều gì không hay nảy sinh ở đây. Rôbớt cười to.
- Có thể thế này là quá khiếm nhã, nhưng điều chắc như đinh
đóng cột là tôi chưa bao giờ thấy ông trong đời. Cũng có thể ta đã chạm trán
nhau ngoài mặt trận. Nhưng có thiếu gì những cuộc gặp gỡ đại loại như vậy? Bà
Hady, xin mời bà dùng cocktail.
Suốt bữa ăn Elinơ để ý thấy Hady cứ liếc nhìn Rôbớt. Chắc là
ông ta đang cố nhớ trong đầu. Rôbớt đang bận tiếp các bà ngồi ở hai bên cạnh
ông, nên không hay biết. Ông cố làm cho khách khứa vui vẻ, tiếng cười vang,
ngân to của ông bay khắp phòng. Ông thật là một chủ nhà tuyệt diệu. Eelinơ luôn
khâm phục cái ý thức về bổn phận xã hội của ông; cho dù các bà có thuộc loại
chán ngắt đến đâu chăng nữa, ông vẫn chủ trò hết sức mình. Nhưng khi khách khứa
đã ra về, tính vui vẻ tuột khỏi Rôbớt cứ như cái áo lễ tuột khỏi vai. Bà có cảm
giác là ông bực dọc điều gì.
- Cái bà hoàng ấy chán quá hay sao? - bà thân ái hỏi.
- Thật là cái đồ mèo già ranh ma, nhưng vẫn còn chịu được.
- Ông Phrêđêric bảo là có biết anh thì ngộ nhỉ?
- Anh chưa bao giờ để mắt đến lão ta trong đời. Nhưng anh biết
rõ về lão. Ở địa vị em thì ít tiếp xúc với lão ta càng tốt, Elinơ ạ. Anh cho
lão ta không hoàn toàn bằng vai với ta được.
- Nhưng ông ta là dòng dõi một trong những dòng Nam tước lâu
đời nhất nước Anh, có tên ở trong quyển “Ai là ai”. [Who’s Who - sách ghi tóm tắt
tiểu sử các danh nhân, yếu nhân đương đại, xuất bản hàng năm]
- Lão ta là cái đồ xỏ lá mạt hạng. Thật không ngờ là đại úy
Hady. - Rôbớt sửa lại. - Cái gã Phret Hady mà anh từng biết ngày xưa nay lại là
ông Phrêđêric. Giá biết thì không đời nào anh lại cho em mời hắn đến đây như vậy.
- Sao vậy, anh Rôbớt? Có thể nói em thấy ông ta rất hấp dẫn.
Lại một lần nữa Elinơ nghĩ là ông chông hơi vô lý.
- Nhiều phụ nữ đã thấy hắn ta hấp dẫn để rồi phải trả giá đắt.
- Anh biết thiên hạ người ta hay đặt điều ra sao rồi. Làm
sao mà tin được mọi lời đồn chứ.
Rôbớt cầm lấy tay bà
- Elinơ, em biết rằng anh đâu phải là loại người nói xấu người
khác sau lưng, nên anh sẽ không nói cho em biết những gì anh biết về Hady, anh
chỉ yêu cầu em chấp nhận một điều là hắn ta không phải loại người tốt để có thể
quan hệ.
Đó là một lời kêu gọi mà Eelinơ không thể quay mặt làm ngơ
được. bà xúc động thấy Rôbớt đặt niềm tin như vậy ở bà; vào những giờ khắc quyết
định, ông biết là chỉ cần kêu gọi đến sự chung lòng của bà, bà sẽ không để ông thất
vọng.
- Về sự đứng đắn hết mực của anh, anh Rôbớt ạ, - bà đáp
nghiêm túc. - thì không ai biết rõ hơn em; em biết nếu có thể được thì anh đã kể
cho em nghe rồi, nhưng bây giờ giá anh có muốn kể em cũng không cho; bởi vì thế
chẳng hóa ra em tin anh ít hơn anh tin em hay sao? Em sẽ tuân theo lời xét đoán
của anh. Em hứa là vợ chồng Hady sẽ không bao giờ bước qua cửa nhà ta nữa.
Nhưng Elinơ vẫn thường đi ăn một mình những khi Rôbớt bận
chơi golf, và rất hay gặp vợ chồng Hady. Bà rất lạnh nhạt với ông Phrêđêric, vì
một khi Rôbớt đã không ưa ông ta thì bà cũng phải có thái độ như vậy, nhưng ông
ta thì lại hoặc là không để ý thấy điều đó, hoặc là bất cần. Ông vẫn lịch thiệp
với bà và bà thấy vẫn dễ gần ông như trước kia. Khó mà không thích một người
đàn ông vẫn thường công nhiên cho rằng đàn bà có hay đến mấy cũng vẫn là đàn
bà, ấy vậy mà vẫn rất nhã nhặn và có phong thái dễ chịu như thế. Có lẽ ông ta
chẳng phải là loại người đáng có quan hệ, nhưng vô tình bà vẫn thấy thinh thích
cái nhìn ở cặp mắt nâu của ông ta. Đó là cái nhìn giễu cợt buộc người ta phải
dè chừng, mà vẫn rất âu yếm khiến người ta không dám nghĩ điều gì không tốt
trong đó. Nhưng càng nghe về ông ta, Elinơ càng nhận thức rõ Rôbớt có lý biết
bao. Ông ta là thằng đểu cáng vô luân. Người ta có nhắc đến tên những người đàn
bà đã hy sinh hết thảy cho lão và rồi bị lão bỏ rơi thẳng thừng lúc đã chán.
Hình như bây giờ ông ta có khuôn phép hơn, để tâm hơn vào vợ vào con; nhưng con
báo có đời nào lại thay được những vết đốm trên da? Chỉ có thể là bà Hady phải
chịu đựng nhiều hơn người ta tưởng.
Phret Hady là một tay xấu. Gái đẹp, bài bạc, lại còn cái tật
tai hại chuyên đánh cá ngựa, thua, đã đẩy hắn ta ra tòa vì vỡ nợ khi mới hai
mươi lăm tuổi, và buộc phải xuất ngũ. Lão chẳng thấy xấu hổ gì khi mặc nhiên để
cho những người đàn bà chẳng còn trẻ trung gì nữa, những người không cưỡng được
vẻ hấp dẫn của lão cung phụng cho lão; khi chiến tranh nổ ra, lão lại tái ngũ
vào trung đoàn cũ và đã được tặng huân chương “Phục vụ xuất sắc”. Rồi lão sang
Kenia, ở đó lão sinh chuyện và cùng liên danh với bị cáo trong một vụ kiện đòi
ly dị náo động, lão rời Kenia về một số chuyện rắc rối quanh một tấm ngân phiếu.
Cái ý niệm ở lão về sự chính trực thật lỏng lẻo. Mua ô tô hay mua ngựa của lão
thật là mạo hiểm, còn rượu sâm banh mà lão nồng hậu chào mời thì tốt hơn hết là
nên từ chối. Khi lão đem vẻ lôi cuốn của mình ra để mời bạn cùng tham gia một
cú áp phe có thể làm giầu cho cả bạn lẫn lão ta, thì cứ tin chắc rằng lão có
thu lợi bao nhiêu đi nữa, bạn sẽ chẳng được gì cả. Lão đã lần lượt làm tay bán
ô tô, buôn bán cổ phiếu, nhân viên bán hàng ăn hoa hồng và diễn viên. Giá trên
đời này có ít nhiều công lý thì chắc lão
phải chết rũ, nếu không trong tù thì cũng ngoài cống rãnh đâu đó. Ấy thế nhưng
nhờ bởi một trong những trò trớ trêu kỳ quái của số mệnh mà sau khi thừa hưởng
tước tòng Nam và một thu nhập kha khá; sau khi đã lấy một phụ nữ xinh xắn,
thông minh làm vợ lúc đã qua tuổi bốn mươi, để rồi bà ta đằng thằng đẻ cho lão
hai đứa trẻ khỏe mạnh và kháu khỉnh, lão đã nhận được sự phong lưu, địa vị và sự
kính trọng. Đối với cuộc sống, chưa bao giờ lão có thái độ nghiêm túc hơn thái
độ của lão đối với đàn bà, và cuộc sống cũng tử tế với lão chẳng khác nào đàn
bà tử tế với lão. Nghĩ về dĩ vãng, lão thấy kiêu hãnh; lão đã sống một thời
oanh liệt, lão khoan khoái với những thăng trầm của mình, còn bây giờ với sức
khỏe tốt và lương tâm sạch sẽ, lão sửa soạn làm một điền chủ an cư lạc nghiệp,
và, mẹ kiếp, nuôi dạy lũ nhóc đúng cái cách cần phải nuôi dạy; chờ khi cái thằng
già thay mặt cho khu vực bầu cử của lão về chầu giời, úi chà chà, thì chính lão
bước vào nghị viện.
- Ở đó tôi có thể nói với thiên hạ một đôi điều mà họ không
biết. - lão nói.
Có thể lão nói đúng, những lão lại không nẩy ra cái ý nghĩ
là chắc gì người ta đã muốn biết những điều ấy cho lắm.
Một buổi chiều, quãng mặt trời lặn, Phret Hady bước vào một
cái quán bên đường Croazet chạy ven biển. Vốn thích giao thiệp và không thích uống
rượu một mình, nên lão nhìn quanh xem có ai quen không. Mắt lão bắt gặp Rôbớt
đã chơi golf xong và giờ đang đợi Eelinơ.
- Ê, Bốp, có định làm tí tửu không?
Rôbớt rùng mình. Ở Riviera không ai gọi ông là “Bốp” cả. Khi
đã nhận ra người gọi, ông đáp lạnh lúng:
- Tôi đã uống rồi, cảm ơn.
- Thì làm thêm chút nữa. Bà xã nhà tôi đâu có tán thưởng chuyện
tôi uống trước bữa ăn, nhưng hễ lủi được là tôi thường chui vào đây và làm một
chén quãng giờ này. Tôi không biết cậu nghĩ thế nào, chứ theo tôi, Thượng đế đã
tạo ra sáu giờ chiều là để cho anh đàn ông có dịp nhấm nháp chút đỉnh.
Lão ném người xuống cái ghế da to cạnh Rôbớt và gọi người hầu
bàn. Lão ban cho Rôbớt nụ cười hiền lành, dễ mến.
- Thấm thoắt thoi đưa, kể từ cái dạo ta mới gặp nhau, chả mấy
chốc mà đã thành lâu rồi đấy nhỉ, cha nội?
Rôbớt, mặt hơi cau lại, ném sang lão một cái nhìn mà người
ngoài có thể mô tả là một cái nhìn cảnh giác.
- Tôi không hiều ông định nói cái gì. Theo chỗ tôi biết chắc
chắn thì ta mới gặp nhau lần đầu cách đây ba, bốn tuần khi ông cùng bà nhà có
nhã ý lại chơi và ăn cơm với chúng tôi.
- Thôi, đừng giở cái giọng ấy ra nữa, Bốp. Tôi biết là đã gặp
cậu hồi trước. Tôi cứ vắt óc nghĩ mãi rồi mới sực nhớ ra. Cậu đã làm cái nghề
lau rửa xe ở gara phố Brutơn, nơi tôi vẫn thường để xe ấy mà.
Đại úy Phore-xtơ phá lên cười thích thú:
- Xin lỗi, ông nhầm đấy. Tôi chưa bao giờ được thấy chuyện
buồn cười đến thế.
- Trí nhớ tôi tốt hết ý, và tôi chưa bao giờ quên một khuôn
mặt nào. Tôi đánh cuộc là cậu cũng chưa quên tôi. Nhiều lần tôi trả cho cậu đồng
nửa curon để cậu tha chiếc xe từ nhà tôi đến gara những lúc tôi không muốn mất
thì giờ tự tay lái nó.
- Ông chỉ rặt nói chuyện ba láp. Tôi chưa lần nào gặp ông
trong đời cho tới tận hôm ông tới nhà tôi.
Hady toét miệng cười vui vẻ:
- Cậu hẳn còn nhớ tôi là tay chơi máy ảnh Kodac đã lâu. Tôi
còn những anbum ảnh mà tôi đã chụp. Chắc cậu đến phải ngạc nhiên nếu biết là
tôi đã tìm thấy một pô ảnh cậu đang đứng cạnh chiếc xe hai chỗ tôi vừa mua. Cái
hồi ấy trông cậu đẹp trai bỏ xừ, tuy cậu mặc bộ quần áo lao động và mặt mũi
không được sạch sẽ lắm. Giờ cậu đã to ra, tóc đã bạc, lại có thêm bộ ria, nhưng
cũng vẫn là thằng cha ấy. Không trượt đi đâu được.
Đại úy Phore-xtơ lạnh lùng nhìn lão:
- Chắc hẳn có sự giống nhau ngẫu nhiên nào đấy làm ông trông
nhầm. Những đồng nửa curon là ông cho người nào đấy chứ, đâu phải tôi.
- Thôi được, nếu anh không phải là tay rửa xe ở gara Brutơn
thì anh ở đâu quãng giữa năm 1913 và 1914?
- Tôi ở Ấn Độ.
- Cùng với trung đoàn của anh? - Phret Hady lại nhe răng cười
khi hỏi.
- Tôi săn bắn.
- Nói phét.
Mặt Rôbớt đỏ lên.
- Đây không phải là chỗ để ẩu đả, nhưng nếu ông cứ nghĩ rằng
tôi sẽ đứng đây để hứng những lời lăng mạ từ một con lợn say mềm như ông, thì
ông nhầm đấy.
- Cậu có thích nghe những điều khác tôi biết về cậu không?
Khi đã hồi tưởng thì chuyện này chuyện khác cứ theo nhau hiện về, nhớ ra nhiều
lắm.
- Tôi không quan tâm đến chuyện của ông làm gì. Tôi đã bảo
ông là ông nhầm to rồi. Ông lẫn tôi với một người nào đó.
Nhưng lão vẫn chưa rục rịch muốn đi.
- Ngay cái hồi ấy cậu cũng phất phơ lắm. Tôi còn nhớ một lần
tôi định về quê sớm, tôi dặn cậu sửa soạn ô tô trước chín giờ, nhưng rồi ô tô vẫn
chưa xong, tôi làm om lên, thế là cụ Thômxơn bảo với tôi: “Bố cậu với cụ là chỗ
bạn bè với nhau nên cụ mới thương tình cho cậu vào làm vì cậu đã hết kế sinh
nhai”. Bố cậu hầu rượu ở cái câu lạc bộ nào tôi quên mất rồi. Oai tơ hay Brucxơ
gì ấy, còn cậu làm cái chân bé con chạy điếu đóm chứ đâu. Rồi cậu ghi tên vào trung
đoàn Cônđơxtrim, nếu tôi nhớ không nhầm, sau có một lão nào đó lôi cậu ra và
cho làm lính hầu.
- Thật hoang đường hết sức. - Rôbớt khinh khỉnh nói.
- Ồ, tôi còn nhớ hồi về nhà nghỉ phép, có một lần đến chỗ
gara, cụ Thômxơn có kể với tôi là cậu đã sung vào Quân đoàn Hậu cần. Cậu không
muốn mạo hiểm hơn, phải không cha nội? Những câu chuyện mà tôi nghe được về sự
gan dạ của cậu ngoài chiến hào cũng có hơi bốc, có đúng không nào? Ít ra cậu
cũng được phong quân hàm sĩ quan, hay cũng lại chuyện phịa nốt?
- Tất nhiên tôi được phong quân hàm.
- Chà, ngày ấy thiếu gì những kẻ ba vạ cũng được phong sĩ
quan, nhưng cha nội ơi, nếu đấy là Quân đoàn Hậu cần, thì ở địa vị cậu, tôi sẽ
không đời nào đi đeo cái cravat quân Cận Vệ.
Đại úy Phore-xtơ theo bản năng đặt tay lên cái cravat. Phret
Hady, ngắm ông với cặp mắt giễu cợt, cầm chắc rằng dù nước da Rôbớt có sạm nắng
nó vẫn cứ trắng bệch ra như thường.
- Tôi đeo cái cravat nào thì can hệ gì đến ông?
- Đừng cáu kỉnh, cha nội. Lồng vó lên phỏng có được tích sự
gì. Tôi biết chuyện cậu, nhưng có định làm lộ tẩy cậu đâu, vậy làm sao cậu
không nhận toẹt đi cho rồi?
- Tôi chẳng có gì để nhận toẹt cả. Tôi nói với ông rằng đấy
là một sự nhầm lẫn ngu xuẩn. Và xin tuyên bố với ông là nếu ông cứ lan truyền
những chuyện nhảm nhí như vậy về tôi, tôi sẽ kiện ông về tội vu khống.
- Dẹp nó lại, Bốp. Tôi không định lan truyền gì cả. Để làm
gì kia chứ? Tôi chỉ nghĩ toàn bộ sự việc khá là ngộ. Tôi không có ác ý gì với cậu.
Tôi cũng đã từng lang bạt kỳ hồ lắm phen. Xun phục cậu ở cái điểm tháu cáy phi
thường này đấy. Bắt đầu là một cậu bé điếu đóm, rồi đăng lính; làm thằng hầu và
chân rửa xe, thế mà bây giờ cậu đã là một bậc quân tử nổi bật, có nhà cao cửa rộng,
tiếp đãi toàn các vị tai to mặt lớn ở Riviera, giật giải đấu golf, làm phó chủ
tịch câu lạc bộ bơi thuyền, không biết cậu còn làm những gì gì nữa. Ở Cannes
này cậu có vai vế rồi. Thật phi thường. Tôi cũng đã có thời làm những chuyện động
trời, nhưng cái ý chí của cậu thì… xin ngả mũ trước cha nội!
- Tiếc là tôi không xứng đáng với lời khen của ông. Bố tôi
phục vụ trong đơn vị kỵ binh Ấn Độ và ít nhất tôi sinh ra đã là bậc quân tử.
Tôi có thể không có công danh xuất sắc lắm, nhưng không có gì để hổ thẹn cả.
- Thôi đi, Bốp. Cậu biết đấy, tôi không hở chuyện này ra
đâu, kể cả với bà xã nhà tôi. Tôi không bao giờ kể lể với đàn bà điều gì mà họ
chưa biết. Cứ tin ở tôi, tôi có lẽ còn lâm vào những cảnh ngộ éo le rắc rối hơn
nhiều, nếu tôi không đặt cái ấy thành quy tắc cho mình. Theo tôi, cậu sẽ cảm thấy
sung sướng được có bên cạnh một người mà cậu có thể trở về với chính con người
mình những khi chỉ có anh ta. Lúc nào cũng giữ gìn giấu diếm có căng đầu óc
không chứ? Cậu cứ giữ kẽ với tôi thì thật ngốc. Tôi cũng có hơn gì cậu đâu, cha
nội ạ. Bây giờ quả tôi có là tòng Nam tước và điền chủ thật, nhưng cũng từng
rơi vào những tình thế gay cấn mà giờ đây tôi cũng phải ngạc nhiên là đã không
bị tóm cổ vào tù.
- Cái ấy thì nhiều người cũng phải ngạc nhiên.
Phret Hady phá lên cười ha hả.
- Xin chịu cha nội thật. À mà này, tôi nói cậu đừng giận
nhé, tôi nghĩ cậu bảo với vợ rằng tôi không phải là hạng người để có thể đi lại
với nhau thì có hơi quá lời đấy.
- Tôi không nói như thế bao giờ.
- Ờ, không, cậu có nói. Bà ấy là loại gái già hết chê, chỉ
có điều hơi bẻo lẻo một tí thôi, hay là tôi nhầm?
- Tôi không có ý định đem vợ tôi ra bàn luận với một người
như ông. - Đại úy Phore-xtơ lạnh lùng đáp.
- Ấy, đừng có ra dáng quân tử phong nhã thái quá ra với tôi,
Bốp ạ. Tôi với cậu đều vô công rồi nghề cả, chỉ có thế thôi. Những lần sau ta
có thể cùng nhau giết thời giờ một cách êm vui, chỉ cần cậu có đầu óc suy xét
hơn một chút. Cậu là đồ nói dối, đồ bịp bợm, đồ mạo nhận, nhưng cậu rất đúng mực
với vợ, thế là đáng trọng rồi. Vợ cậu mê cậu như điếu đổ, có phải không? Đàn bà
thật lạ. Bà ấy là một người đàn bà rất dễ thương, Bốp ạ.
Mặt Rôbớt đỏ rực, ông nắm chặt tay thành quả đấm và hơi chồm
dậy khỏi ghế.
- Đồ chết tiệt, câm ngay chuyện vợ tao đi. Nếu ông còn nhắc
đến chuyện vợ tôi nữa thì tôi thề sẽ nện ông gục tại đây bây giờ.
- Ấy chết, không thể xử sự thế được. Cậu là một bậc chính
nhân quân tử vĩ đại như vậy, đời nào lại đánh một gã nhỏ mọn hơn mình.
Hady nói những lời trên một cách nhạo báng, đồng thời quan
sát cầm chừng Rôbớt, sẵn sàng né mình nếu quả đấm đồ sộ kia giáng xuống. Lão sửng
sốt vì hiệu quả lời nói của lão. Rôbớt ngồi phịch xuống ghế và thả nắm tay ra.
- Ông nói phải. Chỉ có loài súc vật hèn hạ mới lợi dụng cái
đó.
Lời đáp có tính chất sân khấu đến nỗi Phret Hady cười khúc
khích. Nhưng rồi lão thấy kẻ kia không đùa. Hắn hết sức nghiêm túc. Phret Hady
không phải là thằng ngốc; lão khó sống suốt hai mươi lam năm bằng những nguồn vật
chất không được minh bạch cho lắm nếu như lão thiếu sự khôn ngoan. Lúc này, còn
trong cơn bàng hoàng, chăm chăm nhìn con người to lớn, hùng mạnh kia, kẻ trông
giống hệt một vận động viên thể thao Anh quốc điển hình, lão chợt hiểu ra rằng,
đây không phải là một tay bịp tầm thường quyến rũ một người đàn bà đần độn để sống
trong xa xỉ và an nhàn. Bà ta chỉ là một công cụ để hắn đạt đến một mục tiêu lớn
hơn. Hắn bị cuốn hút bở một thứ lý tưởng mà để theo đuổi nó, hắn không từ một
mánh khóe nào. Có thể ý nghĩ ấy đã nẩy sinh khi hắn còn là một thằng bé điếu
đóm ở một câu lạc bộ sang trọng, mà hội viên ở đó, với vẻ nhàn hạ thư thái, với
phong cách thoải mái rất hấp dẫn đối với hắn; rồi sau này khi là người lính, khi
là thằng hầu, khi là tay rửa xe, nhiều người mà hắn gặp trong đời thuộc một thế
giới khác, hắn nhìn họ qua màn sương thần tượng, lòng tràn ngập kính phục và
ghen tị. Hắn muốn được như họ. Hắn muốn là một người trong số họ. Đó chính là
cái lý tưởng của hắn. Hắn muốn - quả là lố bịch, quả là khiên cưỡng - hắn muốn
làm một bậc chính nhân quân tử. Chiến tranh và quân hàm sĩ quan mà nó đem lại,
đã cho hắn một cơ hội. Tiền Eelinơ là phương tiện. Cái quân khốn khổ ấy đã hai
mươi năm đóng giả một nhân vật quý phái, mặc dù cái giá trị duy nhất của sự quý
phái là ở chỗ không phải đóng giả. Cái đó cũng lố bịch, cũng khiên cưỡng. Vô
tình Phret Hady thốt thành lời cái ý nghĩ xuyên suốt trí óc lão:
- Tội nghiệp thằng cha! - Lão nói.
Phore-xtơ dòm nhanh sang lão. Hắn không hiểu được lời nói ấy
ngụ ý gì cũng như cái giọng thốt ra. Hắn đỏ mặt.
- Ông nói có ý gì?
- Ồ, không, không có ý gì cả.
- Tôi nghĩ chúng ta cứ tiếp tục câu chuyện thế này thì thật
vô nghĩa. Hiển nhiên là tôi không dùng cách thuyết phục ông là ông lầm. Tôi chỉ
có thể nhắc lại là không có lấy một lời nào đúng sự thật trong đó. Tôi không phải
là cái kẻ mà ông tưởng.
- Thôi được, cha nội, tùy ý muốn thế nào cũng được.
Phore-xtơ gọi người hầu bàn.
- Trả tiền cả cho ông nữa chứ? - Phore-xtơ hỏi, giọng lạnh
tanh.
- Vâng, cha nội ạ.
Phore-xtơ tỏ ra đĩnh đạc đưa tiền cho người hầu bàn và bảo cầm
cả lấy, đoạn không nói thêm một lời, không nhìn Phret Hady thêm một lần nào nữa,
oai vệ bước ra khỏi quán.
Họ không gặp lại nhau nữa, cho đến cái đêm mà Rôbớt Phore-xtơ
gặp nạn.
Đông qua để xuân tới, vườn tược Riviera rực rỡ khoe màu. Các
sườn đồi sặc sỡ những loại hoa dại. Xuân đi cho hè về. Trong các thành phố dọc
Riviera phố xá bị ngột bởi cái nắng chói chang, ray rả làm máu chạy rần rật; phụ
nữ đi dạo trong bộ pyjama và cái mũ rơm rộng vành. Bãi biển chật ních người.
Đàn ông mặc quần tắm, đàn bà gần như trần truồng nằm dưới ánh mặt trời. Buổi tối,
các quán trên đường Croazét nêm chặt một đám đông nhốn nháo, lao xao, nhiều mầu
sắc chẳng kém gì hoa xuân. Đã hàng tuần liền trời không mưa. Có một vài đám
cháy rừng xảy ra dọc bờ biển, và Rôbớt Phore-xtơ, bằng cái lối vui đùa của
mình, một vài lần nói rằng nếu khu rừng chỗ họ ở cháy thì cũng chật vật chứ chẳng
chơi. Một vài người khuyên ông chặt bớt dăm ba cây phía sau nhà, nhưng ông
không chịu. Khi ông bà tậu nơi này thì cây cối còn trơ trụi, dần dần họ chặt bỏ
cành khô, diệt trừ sâu bọ thì chúng mới tươi tốt như ngày nay.
- Chặt đi một cây thì khác nào như chặt một chân của mình vậy.
Chúng hầu hết cũng xấp xỉ trăm tuổi cả rồi đấy.
Ngày Mười bốn tháng Bẩy, ông bà Phore-xtơ đi dự hội hè ở Monte
Carlo, còn đám gia nhân thì được thả cho đi Cannes. Hôm ấy là ngày Quốc khánh, ở
Cannes người ta tổ chức khiêu vũ ngoài trời dưới những cây ngô đồng, có pháo
hoa, nên dân chúng xa gần đều kéo đến vui chơi. Gia đình Hady cũng cho kẻ hầu
người hạ được đi chơi. Còn họ thì ở nhà, hai đứa trẻ nằm trên giường. Phret
đánh bài paxien một mình, bà Hady thì loay hoay làm đệm ghế bành. Bỗng có hồi
chuổng réo và có tiếng gõ mạnh vào cửa.
- Đồ khỉ gió nào thế?
Hady ra mở cửa và trông thấy một thằng bé. Thằng bé nói đám
cháy đã bùng lên ở cánh rừng nhà Phore-xtơ. Một số người trong làng đến, đang dập
lửa; nhưng họ cần thêm người giúp, và ông nên đến.
- Tất nhiên, tao sẽ đến. - ông nói và vội vã quay vào bảo vợ,
- Đánh thức lũ trẻ dậy cho chúng ra xem đám cháy. Bỏ mẹ thật, sau cái đận hanh
khô này thì nó cháy phải biết.
Ông lao bổ đi. Cậu bé nói với ông là người ta đã gọi điện
cho trạm cảnh sát và họ sẽ cử người đến. Có người đã nối dây với Monte Carlo và
báo cho đại úy Phore-xtơ biết.
- Phải mất một giờ ông ấy mới về được đến đây. - Hady nói.
Vừa chạy, họ vừa trông thấy quầng sáng rực trên trời, khi
lên tới đỉnh đồi họ thấy những ngọn lửa đang liếm mạnh. Nước không có nên cái
cách duy nhất là cố dập dụi chúng. Có một số người đang làm việc đó. Hady nhập
vào với họ. Nhưng chưa kịp dập lửa ở bụi cây này thì bụi khác đã bắt đầu lép
bép và chưa kịp định thần thì nó đã biến thành một bó đuốc phừng phừng. Nóng khủng
khiếp nên mọi người cứ phải lùi dần. Một ngọn gió thổi là những tàn lửa lại bay
từ cây xuống bụi. Sau những tuần hanh khô, mọi thứ đều chả khác gì bùi nhùi,
nên cái lúc mà một tàn lửa rơi xuống là cả cây cả bụi đều bắt lửa. Nếu không thấy
khủng khiếp thì cũng thấy kinh hãi khi nhìn một cây linh sam đồ sộ, cao sáu mươi
phút [foot = 30,48 cm] cháy như que diêm. Lửa gầm gào như trong lò cao. Cái cách
chắn lửa tốt nhất là chặt cây đốn bụi, nhưng người đã ít mà rìu cũng chỉ có
hai, ba cái. Hy vọng duy nhất đặt vào đám lính đã quen chữa cháy rừng, nhưng họ
vẫn chưa đến.
- Nếu họ không đến ngay lúc này thì ta sẽ không cứu được
ngôi nhà. - Hady nói.
Bất chợt trông thấy vợ và hai con đi tới, ông vẫy gọi. Người
ông đã đen bụi than, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Bà Hady chạy lại.
- Ôi, Phret, còn chó và gà con nữa.
- Ừ, khỉ gió thật.
Cũi chó và chuồng gà ở sau nhà, nơi đã được phát quang. Lũ
súc vật khốn khổ đã cuồng lên vì sợ. Hady thả chúng ra và chúng chạy thục mạng.
Hãy tạm cho chúng được tự do. Vầng lửa bây giờ trông thấy rõ từ xa. Nhưng lính
cứu hỏa vẫn chưa đến, cái nhúm người ít ỏi kia bất lực trước đám lửa đang tiến
lại.
- Nếu lũ lính chết tiệt kia không đến ngay bây giờ thì căn
nhà sẽ đi tong. - Hady nói. - Tôi nghĩ khuân ra được thứ gì hay thứ đó.
Căn nhà bằng đá, nhưng lại có hàng hiên gỗ chung quanh,
chúng mà cháy thì chẳng khác gì củi đóm
cháy. Người hầu của gia đình Phore-xtơ về. Ông tập hợp họ lại, vợ ông góp một
tay, lại có thêm hai cậu trai nữa; mọi người khuân ra bãi cỏ những thứ gì có thể
mang ra được: khăn vải các loại, đồ đạc, quần áo, đồ trang trí, tranh ảnh, đồ gỗ…
Cuối cùng lính cứu hỏa đã đến, hai xe tải chở họ, và bắt tay vào việc đào hào đốn
cây. Chỉ huy họ là một viên sĩ quan, và Hady sau khi chỉ ra cái nguy cơ đe dọa
ngôi nhà, đã đề đạt với anh ta trước hết hãy hạ những cây bao quanh ngôi nhà xuống.
- Ngôi nhà không phải việc của tôi, - anh ta nói. - tôi phải
lo ngăn đám cháy lan ra khắp đồi đã.
Có ánh đèn pha ô tô quét nhanh dọc con đường quanh co, và một
lát sau Phore-xtơ cùng vợ bước ra khỏi xe.
- Đàn chó đâu rồi? - ông ta kêu lên.
- Tôi thả chúng ra rồi. - Hady nói.
- À, thì ra là ông.
Ban đầu, qua cái con người nhem nhuốc, mặt dính muội than và
mồ hôi, Phore-xtơ không nhận ra được ngay đó là Phret Hady. Ông chau mày giận dữ.
- Tôi nghĩ ngôi nhà có thể bị dính lửa, nên đã khuân ra những
thứ gì có thể khuân được. - Hady nói.
Phore-xtơ nhìn cánh rừng đang rực lửa.
- Thôi, thế là hết cả cây với cối của tôi rồi, - ông nói.
- Lính họ đang chữa cháy trên sườn đồi. Họ cố cứu những cơ
ngơi quanh đó. Ta đi xem có thể giúp được gì không.
- Tôi sẽ đi, ông khỏi cần. - Phore-xtơ nói, giọng bực tức.
Bất thần Eelinơ rú lên não nùng.
- Ôi, nhìn kìa. Căn nhà!
Từ chỗ họ đứng có thể thấy hàng hiên phía sau bùng lửa.
- Không sao, Elinơ ạ. Căn nhà không cháy được đâu. Nó chỉ
cháy phần gỗ thôi. Cầm cho anh cái áo vét, anh đi giúp đám lính.
Ông cởi áo khoác đưa cho vợ.
- Tôi sẽ đi với ông, - Hady nói. - Bà Phore-xtơ, tốt hơn hết
bà hãy ra chỗ để đồ đạc kia kìa. Hình như những thứ gì quý giá chũng tôi đã đem
hết ra cả rồi.
- May quá, tôi đeo hầu hết sô đồ nữ trang quý trên người.
Bà Hady là một người phụ nữ nhanh trí.
- Bà Phore-xtơ, ta gọi đám người hầu lại và chuyển đồ đạc xuống
nhà tôi đi.
Hai người đàn ông đi về phía đám lính cứu hỏa đang làm việc.
- Ông khuân hộ đồ đạc ra khỏi nhà như thế thật quý hóa. - Rô
bớt nói, giọng cứng nhắc.
- Chuyện vặt, - Phret Hady nói.
Họ chưa đi được xa thì nghe có người gọi. Họ quay lại nhìn
và thấy thấp thoáng một người phụ nữ chạy theo.
- Monsieur. Monsieur. [tiếng Pháp: Ông, ông chủ]
Họ dừng lại. Người phụ nữ sải tay, bươn bả chạy tới. Đó là
cô hầu của bà Eelinơ. Vẻ mặt cô thảng thốt.
- La petite Judy. [con cún Judy - tiếng Pháp]. Con Judy. Con
đã nhốt nó trong nhà khi đi chơi. Nó đang bị kẹt. Con để nó trong buồng tắm của
chị em đầy tớ.
- Trời ơi! - Phore-xtơ kêu lên.
- Chuyện gì thế?
- Con chó của Eelinơ. Dù thế nào đi chăng nữa, tôi cũng phải
cứu nó.
Ông quay lại và định chạy bổ về nhà. Hady nắm tay giữ lại.
- Đừng có mà ngu ngốc thế, Bốp. Ngôi nhà đang cháy. Làm thế
nào mà chui vào được.
Phore-xtơ vùng vẫy để thoát ra.
- Buông ra, đồ khốn kiếp. Ông tưởng rằng tôi bỏ mặc con chó
bị thiêu sống à?
- Thôi, im đi. Giờ không phải lúc đóng kịch.
Phore-xtơ đẩy Hady bắn ra, nhưng Hady lại chồm tới và ôm
ngang lưng Phore-xtơ. Phore-xtơ giơ nắm đấm, lấy hết sức thụi vào giữa mặt Hady.
Hady loạng choạng, thả tay ra, và Phore-xtơ lại nện tiếp, Hady ngã vật ra đất.
- Đồ ba que xỏ lá. Tao sẽ cho mày biết bậc quân tử phải xử sự
thế nào.
Phret Hady lồm cồm đứng dậy và sờ lên mặt. Đau quá.
- Trời, chỗ này ngày mai sẽ thâm tím lại đây. - Lão choáng
váng, mắt hoa lên. Cô đầy tớ bỗng òa lên khóc như mưa gió.
- Câm ngay, đồ đĩ. - ông gắt lên, cáu kỉnh. - Cấm kể một lời
nào với bà chủ.
Phore-xtơ đã biến đi. Hơn một giờ sau người ta mới tìm thấy Phore-xtơ.
Ông nằm trên đầu cầu thang phía ngoài phòng tắm, đã chết, với con chó Siliơm
cũng đã chết trên tay. Hady nhìn ông một lúc lâu rồi mới cất tiếng:
- Đồ ngu. - Lão lẩm bẩm qua kẽ răng, giọng giận dữ. - Đồ ngu
thượng hạng!
Sự lừa gạt rốt cuộc đã bắt hắn phải trả giá. Như một kẻ mắc
một tật xấu cho đến lúc cái tật ấy biến thành thòng lọng mắc vào cổ hắn và hắn
trở nên là nô lệ ngoan ngoãn cho nó, hẳn gã nói dối quá lâu đến nỗi chính hắn
đâm tin vào những lời nói dối của mình.
Bốp Phore-xtơ đã làm ra bộ một bậc chính nhân quân tử hàng
bao nhiêu năm để rồi cuối cùng, quên rằng đó là một sự giả mạo, hắn đi đến chỗ
hành động theo cái cách mà bộ óc đần độn, tầm thường của hắn nghĩ là một bậc
chính nhân quân tử ắt phải hành động như vậy.
Không nhận thức được sự khác biệt giữa cái rởm và cái thật,
hắn đã đem đời mình ra hy sinh cho một thứ chủ nghĩa anh hùng hão huyền.
Phret Hady còn phải báo tin này cho bà Phore-xtơ. Bà ta đang
ở chỗ vợ lão, trong ngôi biệt thự dưới chân đồi, và vẫn đinh ninh rằng Rôbớt
đang cùng lính đốn cây, phát quang bụi rậm.
Hady nói với bà bằng cách nho nhã nhất mà lão có thể có,
nhưng lão phải kể với bà, phải kể mọi chuyện.
Thoạt đầu, hình như bà không nắm bắt được ý nghĩa lời nói của
lão.
- Chết rồi sao? - bà thảng thốt. - Chết rồi sao? Anh Rôbớt
của tôi?
Thế là Phret Hady, một kẻ phóng đãng, một kẻ vô liêm sỉ, một
kẻ thô bỉ vô lương, đã nắm lấy tay bà trong tay lão và nói những lời duy nhất
có thể giúp bà vượt qua được nỗi đau buồn.
- Bà Phore-xtơ, ông nhà quả là một bậc chính nhân quân tử rất
cao thượng.
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét