Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Mối tình người thợ gốm - Pierre Gamarra

Pierre Gamarra

Mối tình người thợ gốm

Người dịch: Hoàng Huy - Văn Phước.

“Tuyển tập truyện ngắn Pháp” - Nhà xuất bản Văn Học - 1986

Gió lướt trên cánh đồng và rải từng nắm lá vàng khô xuống những luống cầy mầu nâu sẫm. Hàng cây xiêm gai trên đồi đã rụng hết lá. Quạ bay tản trong làn hơi nước, báo hiệu mùa thu đến. Mặt nước hồ gợn sóng, đượm vẻ âu sầu buồn bã trước những cơn gió mạnh. Khói cuồn cuộn trên nền trời xám. Hãy đi kiếm một ôm cành nho khô. Đốt lửa lên. Đêm xuống rồi. Gia súc ngủ trong chuồng. Chó và mèo tìm đến góc lò sưởi. Đây là giờ chuyện trò và mơ mộng trong lúc đợi bữa ăn tối. Cành nho khô cong queo cứ việc bốc cháy trong nhà bếp tối om, những bóng dài cứ xuất hiện trên xà nhà. Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện về anh Vidan, người thợ gốm và mối tình của anh.
Nhà anh đây này, trong lòng đồi, sau rừng sồi. Từ đây, tựa mình vào cửa sổ, bạn có thể nhìn thấy nó. Muốn đến đó, trước hết phải men theo con đường hàng tỉnh chạy qua làng lượn khúc quanh co ven ruộng rạ và đồng cỏ. Trước đỉnh đồi, một con đường cũ trải ra từ rặng cây sồi đến tận nhà anh. Bước vào một cái sân rộng, đi qua chỗ chứa củi khô và lò nung là nhìn thấy căn nhà dài và thấp, mặt trước nhà xanh màu nho thẫm, xây theo kiểu trang trại vùng Lăngơđốc.
Trong không khí ấm áp của buổi chiều hè, Vidan dừng lại tại sân này. Cỏ cây xào xạc. Một bản nhạc giống như tiếng lụa xé của côn trùng ăn đêm từ phía chân đồi sâu thẳm vẳng lại nhưng không khuấy động cảnh yên tĩnh của vùng đồi.
Vidan đi bộ đã lâu, khoác ba chiếc túi nhỏ đựng đồ và chiếc áo lính bạc mầu, xoạc đôi cẳng chân khẳng khiu dồn bước không mệt mỏi. Anh qua làng vào giữa đêm. Tất cả đều đã ngủ hoặc dường như đã ngủ, đằng sau những cánh cửa đóng kín. Dưới rặng ngô đồng, Vidan nhận ra tiếng vòi nước đang rỏ những giọt nước long lanh tựa như ngọc trai. Không phải anh chỉ thấy lại vòi nước mà cả những kỷ niệm về thời niên thiếu, về những ngày xa xưa, lúc anh ngồi trên chiếc ghế dài, mắt nhắm lại, tai lắng nghe thác nước chảy trên tảng đá. Thế là anh tưởng tượng có những bàn tay phụ nữ đang đếm những hạt trai, xâu chuỗi dây chuyền rồi lại gỡ ra.
Chẳng có gì thay đổi. Xung quanh cái bể bằng đá hoa đã mòn, dưới những cành ngô đồng chằng chịt, phảng phất sự tươi mát không gì sánh kịp. mặc dầu phải vội vã về nhà, Vidan vẫn nán ngồi lại một lúc bên vòi nước rì rầm thánh thót để đón nhận hương thơm của làng quê. Xung quanh anh, ánh trăng bạc êm đềm lướt trên các mái nhà yên tĩnh. Vidan nhận ra tháp nhà thờ, trường học và trụ sở xã, các cửa hàng, ngôi hàng xén của cô Gali, cửa hàng thịt của Phelixiêng, quầy thuốc lá. Trong đêm phảng phất mùi hương của dầu hồi, bạc hà, thì là, và vả tươi. Mùi đất xông lên mềm mại dưới làn sương; Vidan say sưa thưởng thức hương vị đó. Anh cảm thấy chất mềm dẻo mịn màng của đất sét trên đầu ngón tay. Hương thơm của đất sét vùng đồi tỏa xuống phố, đến tận chỗ anh ngồi như để chào đón anh vừa tới.
Không ai ngờ rằng Vidan ở đó, rằng anh là một trong những người đầu tiên ở tù ra, và giờ đây anh đang đi về nhà mình trên con đường tràn ngập ánh trăng. Hình bóng anh dài ngoẵng như con sếu bị cắt khúc trên đường trông rất kỳ quặc. Nếu có ai nghe thấy tiếng anh và nhận ra anh, có lẽ họ sẽ gọi to: “Hãy lại đây, Vidan, anh đã đi nhiều rồi và đang khát, hãy dừng chân một lát, Vidan ạ; chúng ta sẽ trò chuyện về đất nước và con người ở đây, hãy tranh thủ xả hơi nào!...”
Nhưng không một ai nghe thấy tiếng anh, không một ai gọi anh, và Vidan, anh thợ gốm, lần theo con đường đồi trong tiếng gió thổi và dế kêu tựa như một bản nhạc trầm trầm. Anh nhận thấy người ta đã phải gặt thật sớm, đất đã nứt nẻ vì cái nóng nung người. Mùa ngô không được tốt. Nho chắc là ngọt, rượu vang sẽ hiếm nhưng ngon. Anh thợ gốm càng đến gần các ngọn đồi thì hương thơm của đất càng nồng nàn và trở nên quen thuộc hơn. Lần này thật đất của nhà anh, của những người thân của anh, cái thứ đất sét mầu vàng mà dòng họ Vidan đã từng nặn từ những thuở xa xưa.
Nói đúng ra thì Vidan Môrixơ đã không còn là thợ gốm nữa mà chỉ là một nông dân. Nếu có lúc anh làm nghề gốm thì chỉ là để vui chơi và theo tùy hứng. Đến đời cha anh, ông Vidan Andre chết vào những năm 30 thì nghề gốm chấm dứt. Từ lâu, công việc làm ăn không được khấm khá nữa. Cái bàn quay hành nghề của một người thợ thủ công ở nông thôn không thể chọi nổi các xưởng lớn. Tuy nhiên, những chiếc vò và chậu do dòng họ Vidan làm ra đã từng nổi tiếng trong vùng. Nhưng tiếng tăm đó không còn nuôi sống được ai, khi người ta không mua sắm nữa. Ông bố chết đi, để lại nợ nần và đất đai hoang hóa. Khi Vidan Môrixơ xuất ngũ, anh từ bỏ cái bàn xoay và cầm cày để phục hóa đồng ruộng bỏ hoang cho tới bây giờ. Anh làm công việc này một cách miễn cưỡng vì anh yêu thích nghề nặn đất sét. Anh cũng thích nặn cả những bức tượng nhỏ các cô gái nông thôn rồi anh tô mầu một cách thô kệch mà dân làng thường treo trên tường hoặc đặt trên lò sưởi. Lại một lần nữa công việc đó không nuôi sống được gia đình. Vidan Môrixơ đành để cho lò nung lụi tàn đi. Anh phải nuôi hai người em gái còn trẻ. Mẹ anh rất đảm đang nhưng sức yếu. Bà đã chết không bao lâu trước lúc chiến tranh bùng nổ. Giữa lúc ấy, Vidan lấy vợ. Vợ và mẹ vợ đến lò gốm ở chung với gia đình anh. Người ta vẫn gọi nhà anh là lò gốm và gọi anh là anh Vidan - thợ gốm. Tên cũ của cái nghề đã mai một trở thành biệt danh của gia đình anh.
Vợ Vidan Môrixơ tên là Ôdéttơ. Trước khi lấy chồng, chị sống với mẹ trong một túp lều tồi tàn ở đầu làng. Đó là một quán trọ cũ kỹ đổ nát. Hai mẹ con đi làm mướn. Ôdéttơ, người chắc nịch, nước da nâu, mặt xinh xắn. Miệng vừa dầy vừa nhỏ, mọng như một trái cây. Cặp mắt không đen nhưng mầu hạt dẻ xẫm, điểm hai hàng mi rất dài mà cô biết sử dụng một cách khá ranh mãnh. Người ta cho là cô đứng đắn. Điều đó không ngăn nổi một số người mỉm cười có ý nghĩa khi nói đến cô Ôdéttơ xinh đẹp, cô Ôdéttơ nâu, cái cô Ôdéttơ ở đầu làng, anh biết đấy… Vidan gặp cô trong những buổi khiêu vũ và hội hè, ở nơi họp mặt của thanh niên. Ở quân ngũ trở về, anh càng tìm cách gần gụi cô nhiều hơn. Chẳng bao lâu, không còn ai nghi ngờ gì nữa, cậu Vidan ở lò gốm đã phải lòng cô Ôdéttơ nâu. Cô gái có yêu cậu không? Điều đó chẳng ai có thể nói được. Vidan chẳng đẹp trai mà cũng chẳng hoạt bát gì lắm. cao lớn, gầy gò, lênh khênh trên cặp giò khẳng khiu, người anh như sẵn sàng rời  ra từng khúc theo từng cử chỉ, từng bước đi của mình. Mặt xương xẩu. hơi giống như mặt ngựa, khuôn mặt của tất cả những người trong dòng họ Vidan. Tuy nhiên, với những cử chỉ vụng về, nói năng lúng túng, anh có một vẻ duyên dáng trẻ trung và chân thành, khiến anh thu hút được cảm tình của mọi người. Người ta lại gần anh, mỉm cười thân mật nói: “A, anh thợ gốm đây rồi, công việc trên ấy thế nào, có khá không? Anh nói trồng thêm nho trên đồi phải không? Hình như anh đang khai phá cánh đồng cỏ thì phải? Này, cứ như thế có lẽ lại hóa hay cho gia đình anh hơn là sản xuất chum vại và đồ sành. Nếu anh lấy vợ, anh Vidan ạ. Anh sẽ đỡ vất vả hơn…”.
Một buổi chiều, sau khi dự hội ở làng bên về, Vidan bảo với mẹ là mình đã ngỏ lời với Ôdéttơ và cô đã bằng lòng lấy anh. Cô chỉ yêu cầu cho mẹ cô về ở chung với gia đình anh trên đồi.
Bà mẹ không được vui, nói:
- Thế là đúng như người ta nói với mẹ. Con bé Ôdéttơ rốt cuộc đã cám dỗ được con.
- Không, không phải thế đâu, mẹ ạ! - Vidan đáp lại.
- Tùy con thôi, con là chủ nhà này. Nhưng mẹ muốn con có một cô vợ kiểu khác kia. Mẹ con họ chẳng có gì cả. Cả đến đôi khăn trải giường cũng không có đủ để thay khi giặt giũ. Mẹ không đòi hỏi của hồi môn, chúng ta không giầu có gì, nhưng mà…
Tóm lại, bà mẹ tốt bụng muốn gì? Bà chẳng đưa ra được một điều gì cụ thể để trách móc cô con dâu tương lai của bà. Những lời nói bóng gió, úp mở, những cái cười độc ác của bọn đàn ông không thể gây nên tiếng tăm gì. Thực ra, bà mẹ của Môrixơ mong ước có một người con dâu là con gái nhà giầu, bởi vì một ít tiền mặt sẽ làm cho cuộc sống mới của Vidan dễ dàng hơn. Để phục hồi sản xuất, gia đình bà cần máy mới, phân bón và giống tốt.
Con trai bà cứ khư khư giữ ý mình. Gia đình cũng cần sức lao động. Ôdéttơ lại chịu thương chịu khó. Mẹ Ôdéttơ có tiếng hay lam hay làm. Bà mẹ Vidan cố đưa ra nhiều lý do khác.
- Bấy nhiêu đàn bà cùng sống chung như thế, chẳng tốt đẹp gì đâu con ạ. Các em con liệu rồi có hòa thuận được với Ôdéttơ và mẹ của nó không?
Thực ra, bà con xóm ngõ đã xì xào bàn tán khi biết có sự thu xếp như vậy. Anh thợ gốm sẽ đứng đầu một gia đình toàn đàn bà! Tình hình rồi sẽ ra sao? Đúng là cô em lớn của Vidan đã đính hôn với một chàng trai ở một làng khá xa. Chẳng bao lâu nữa cô sẽ về nhà chồng và rời khỏi Lò Gốm. Cô em út rồi cũng đi nốt. Sẽ phải chia cho hai cô phần gia tài của họ. Nếu Vidan lấy một cô vợ có lưng vốn khá hơn trong một gia đình đông đúc hơn, thì anh sẽ được giúp đỡ dễ dàng hơn. Trong làng các gia đình thường giúp nhau vào những ngày gặt hái, trồng cây, hái nho…
Đám cưới đã được tiến hành. Ôdéttơ và bà mẹ cô đến ở Lò Gốm. Một cuộc sống mới bắt đầu, chẳng có gì va chạm lắm. Ai tưởng rằng Ôdéttơ sẽ buồn ở trên ấy thì người đó lầm to. Trái lại, Vidan vui mừng thấy vợ mình sống sung sướng trong một căn nhà thực sự và rộng lớn. Chị ta đã giã từ túp lều hai gian dột nát với những đồ đạc tồi tàn thuê lại và đến ở ngôi nhà rộng rãi, có đầy đủ tiện nghi, nào tủ, nào giường, nào bát đĩa, khăn bàn… mà từ đời này qua đời khác dòng họ Vidan đã tích lũy được. Đó cũng là niềm vui đối với mẹ chị. Và hai mẹ con cố gắng ăn ở thuận hòa với các người khác trong nhà.
Một vài năm trôi qua, không có gì trở ngại. Gia đình Vidan làm ăn khấm khá lên. Nhờ được mùa nên đã trang trải được nợ nần do ông bố Vidan để lại. Vidan sắm được nông cụ mới và tậu được cặp bò để cầy vùng đất nặng. [Đất pha sét]. Như đã dự kiến, cô em lớn đi lấy chồng ở một làng khác cách đấy mười cây số. Cả gia đình Vidan đã kéo sang đấy để ăn cưới cô em gái và vui chơi, đánh chén, nhảy nhót… hai ngày ròng. Đó là cuối mùa hè năm 1937, khoảng giữa mùa gặt và mùa cỏ mọc lại.
Anh thợ gốm thường nhớ lại hai ngày này, nhớ đến chiếc áo dài mới của Ôdéttơ, khuôn mặt rạng rỡ của nàng, mớ tóc nâu tung bay theo nhịp của điệu nhảy. Cô nào đó nhỉ? Khách khứa trầm trồ hỏi nhau. Vợ của Vidan anh thợ gốm, chị dâu của cô dâu đó. Như người ta thấy, không thiếu lời chúc tụng Vidan, có những lời chân thành, có những lời bóng gió. Chuyện đó làm cho bà mẹ của Vidan bực bội. Những ngày sau, bà mẹ không thể không có những ý nghĩ khá khe khắt về một gã tên là Anphôngxơ, khá bảnh trai, đã cùng nhẩy với Ôdéttơ nhiều lần. Vidan không quan tâm đến chuyện đó. Anh biết mẹ chẳng ưa gì vợ mình lắm. Và ngày cưới em anh, đối với người khác là dịp vui chơi, giải trí, nhưng đối với anh, đó lại là ngày gây cho anh những điều phiền muộn. Em gái anh lấy chồng, ắt phải được chia một phần gia tài của cha ông để lại, kể cả nhà cửa ruộng nương. Mọi người trong nhà đi đến thỏa thuận là Vidan giữ lại nhà và đất, và anh hào phóng đưa cho em món tiền tròn trặn làm của hồi môn. Làm dâu tại một gia đình có nền nếp, cô không thể về nhà chồng với đôi bàn tay trắng. Mẹ anh nói: “Thế là phải, về phần con, khi con cưới Ôdéttơ, người ta có làm như thế với con không?”. Vidan nhún vai trả lời: “Không, quả vậy, bởi vì vợ con chẳng có cha và anh em gì cả!”.
Ôdéttơ sinh con, nhưng đứa bé không sống được. Vidan rất buồn, anh thích nghề làm ruộng và từ giờ đã nghĩ đến một căn nhà đẹp, với đàn con sẽ lớn lên và đỡ đần anh trong công việc. Anh lấy vợ sớm và hy vọng những đứa con trai của mình sẽ trưởng thành vào lúc bản thân anh cũng chưa già. Mẹ của Vidan cũng rất buồn phiền và nhiều khi ca cẩm ngầm trách con dâu mình không cho bà một mụn cháu. Nào đã muộn gì đâu? Nhưng bà mẹ tốt bụng cảm thấy mình đã gần kề miệng lỗ rồi và bà đã không nhầm. Mùa đông năm 1938, bà qua đời. Không khí trong gia đình thay đổi. Thoạt đầu còn mơ hồ, sau này Vidan mới nhận ra. Ôdéttơ đã trở thành bà chủ nhà. Hẳn là chị có cái quyền ấy. Nhưng mẹ chị đã thúc đẩy chị xác minh quyền đó trong hầu hết các quyết định mua bán, cày cấy, trồng trọt. Cô em út của Vidan, dù còn trẻ nhưng đã sớm thấy điều đó. Môrítxơ dễ thuyết phục. Anh tìm cách dàn hòa. Cô em út của anh rất giống tính mẹ: bình tĩnh và kiên trì theo đuổi ý muốn của mình. Vắng mặt Vidan thường xẩy ra những cuộc cãi vã ngắn ngủi, khô khan. Ba người đàn bà va chạm nhau liền lặng thinh không nhìn nhau khi anh thợ gốm xuất hiện. Cuối cùng Vidan cũng nhận ra mối hiềm khích ngấm ngầm ấy. Nhưng anh chẳng thể nào lo nghĩ nhiều về việc đó. Những biến cố lớn đã xẩy ra. Đó là chiến tranh, là lệnh động viên. Vidan chuẩn bị lên đường đi chiến đấu. Năm năm sau anh mới trở về, trong một buổi tối đẹp trời và nóng ấm, vội vã băng qua làng để trở lại nhà anh, gặp lại vợ anh mà anh đã bặt tin tức hơn một năm nay.
* * *
Vidan không thể nào quên được ngày anh ra đi, vào một buổi cuối hè, gió mát hiu hiu thồi. Năm đó, nho trĩu quả. Ruộng đất mùa màng giống như một phụ nữ đứng tuổi, xinh đẹp và mắn con. Vườn nho bắt đầu chín đỏ. Đó là năm được mùa táo và cây trong vườn trĩu quả. Đối với Vidan, đất giống như khuôn mặt Ôdéttơ, vợ anh. Cô gái có nước da nâu, thân hình hơi mảnh dẻ trong những tháng đầu về nhà chồng, nay trở thành người phụ nữ thật sự, đỏ da thắm thịt hơn. Những quả đào đầu mùa tháng Tám phủ lớp tơ vàng óng như lông măng trên đôi cánh tay chị. Mầu hồng xẫm pha lẫn mầu đồng thau khuôn lấy bộ mặt chị. Ánh lửa nâu của đôi mắt chị không còn vẻ sắc sảo của thời thanh xuân nữa, nhưng nó như rực lên ánh sáng mới của sức mạnh và sự nồng cháy.
Phải từ biệt tất cả những cái đó: người vợ đang ở độ xinh đẹp nồng nàn nhất của tuổi đới, mảnh đất đang lúc sẵn sàng mang lại mùa màng tốt đẹp nhất, ngôi nhà vừa được tu bổ công phu. Tuy nhiên, Vidan tưởng rằng chỉ phải ra đi trong vài tuần hoặc vài tháng. Vắng anh, ba người đàn bà sẽ trông nom nhà cửa, họ là những người đảm đang.
Ngày lên đường, anh dậy từ sáng tinh mơ. Anh ra sân và đi dạo hết gian nhà này đến gian nhà khác, lấy một ôm cỏ cho thỏ, vãi một hũ thóc cho đàn gà mái. Anh vào xưởng gốm cũ, nơi cha ông đã từng nhào nặn đất. Bàn xoay ở một góc xưởng. Người ta không bao giờ mó tới những dụng cụ cũ kỹ này mà đẩy chúng vào cuối xưởng giờ đây chỉ dùng làm nhà kho và xưởng mộc. Vidan đến gần bàn mộc và lò rèn. Anh phủi bụi bám trên gỗ và sắt. Thỉnh thoảng anh vào xưởng, nặn chơi những mặt người nhỏ nhắn, những chiếc gạt tàn thuốc lá, những chiếc bình nho nhỏ. Anh vẫn thường làm như thế mà chẳng sầu muộn gì. Anh không luyến tiếc chút nào cái nghề của dòng họ Vidan. Đó là cái nghề từ thủa xưa. Những người khác thì có ông cha làm thợ bánh mì, thợ ngõa, cuộc sống đổi thay, ai mà tránh được! Nhưng sáng hôm lên đường, anh nhìn cái bàn xoay và những đồ nghề của cha ông để lại với con mắt khác xưa. Cái nghề đó mới đẹp biết bao! Người ta lấy đất trên đồi về, nhào nặn, vuốt xoa cho nó nhuyễn ra  rồi trở thành sườn của chiếc bình, trôn của cái đĩa, khuôn mặt, đường cong của một thân hình. Dưới những bàn tay khéo léo, kiên trì, thứ đất trơn có thể trở thành những khuôn mặt.
Từ trong bóng tối, những tiếng nói cất lên, kể chuyện những năm xưa, công việc của cha ông và vô vàn câu chuyện rõ ràng và mơ hồ. Nhưng Vidan phải tự bứt mình ra khỏi giấc mơ đó.
Ngôi nhà như đang còn ngủ. Ánh sáng bắt đầu ló ra, trong hương thơm mát của những bóng tối cuối cùng. Cánh đồi yên tĩnh bao quanh con người trầm ngâm. Rồi chim chóc thức giấc.
* * *
Vidan tiến về phía nhà anh, ánh trăng tràn ngập trong sân, khác nào như một tấm áo rộng mịn màng phủ lên sát sỏi. Quanh vườn, cây lila, cây vả rì rào trong làn bụi trắng như bạc. Căn nhà như vừa ra khỏi giấc mơ, khoác chiếc áo thơ mộng mầu sữa và mầu tuyết của buổi chiều hè. Lá cây tỏa mùi hương thơm như mùi mật hoa thoang thoảng.
Vidan dừng bước, một lần nữa anh xốc lại mấy cái túi dết với một cử chỉ máy móc. Sao anh làm  như thế nhỉ? Bỗng anh nở một nụ cười trên môi. Thế là hết, những chiếc túi dết, những ngày cuốc bộ, những nỗi cực nhọc, thế là hết, cảnh đợi chờ và quạnh hiu. Quân ngũ, trại lính, đói rét, bom đạn, tất cả nhòa đi trước căn nhà yên nghỉ trong đêm.
Ồ, anh Vidan, nhà anh đang ngủ dưới bóng trăng, anh đang ngắm nhìn mái hiên xưa, xanh mầu nho thẫm, bao phủ một lớp tuyết nhung ngào ngạt hương thơm. Cành nho kiên nhẫn bám quanh cửa ra vào đóng kín. Những cành nho trĩu nặng dưới những cánh cửa chớp bằng gỗ đặc.
Căn nhà im ả. Người và đất đang ngủ yên. Không ai hay biết Vidan đã trở về từ những miền xa xôi của nước Đức để chào mừng ngôi nhà mình. Không một tiếng chó sủa. Có lẽ đàn chó đang chạy rông trong các bụi bờ đó đây.
Xa xa, tiếng cú mèo kêu râm ran. Vidan quay về phía con đường anh vừa đến, lòng đường lút sâu trong rặng cây sồi và xiêm gai. Phía đằng kia, ngọn đồi in hình mềm mại trên nền trời trăng sao vằng vặc. Vầng trăng tròn lướt trên các đỉnh đồi. Lồng ngực anh căng phồng, rồi anh từ từ bước tới cửa. Thoạt đầu anh còn đứng giữa sân, định gọi: “Nhà ơi, nhà ơi, mình đây, mình là Vidan Moríxơ đây; mình trở về đây!”. Bấy giờ, lẽ ra, cửa sổ buồng phía trên giàn nho sẽ phải mở ra, Ôdéttơ, vợ anh, nhẽ ra sẽ tựa cửa sổ nhìn xuống sân để trông thấy cái hình bóng kỳ lạ của người lính trong bộ quân phục cũ kỹ và thốt lên: “Anh đấy à? Trời ơi! Anh đấy à! Thế là anh đã trở về!”.
Nhưng anh muốn đợi khi đến thật sát mặt trước nhà, lấy tay sờ vào cánh cửa cũ kỹ, gỗ sù sì, sờ vào ổ khóa đóng chặt, sờ vào cái then cửa của cha ông. Chỉ tới lúc đó, anh mới gõ cửa và sẽ gọi. Phía trên đầu anh, dưới giàn nho thơm mát, cánh cửa buồng sẽ mở ra, kêu cót két.
Bước lên hai bậc bằng đá là tới cửa. Anh thấy lại mùi cỏ khô và mùi khói xa xưa của nhà anh. Xa xa. tiếng cú kêu inh ỏi và râm ran như để cho anh biết mức độ sâu thẳm của khu nhà. Khoảng không của vùng đồi mở ra xung quanh nhà anh và anh cảm thấy dưới gan bàn tay sức nóng êm ả của bức tường và bộ khung vững chắc của ngôi nhà dòng họ Vidan. Anh gõ cửa. Đằng sau cửa là một phòng đợi rộng rãi, lát gạch vuông đỏ đã rạn nứt và gồ ghề. Anh lại gõ cửa và cất tiếng gọi: “Ôdéttơ ơi! Ôdéttơ ơi! Anh đây! Môrixơ đây!”.
Anh dán tai vào cánh cửa. Không động tĩnh gì. Không một hơi thở, không một tiếng xào xạc hoặc lách cách bên trong. Vậy là không có ai cả. Nhưng anh tiếp tục gõ và gọi to. Tiếng nắm tay đập cửa thình thình như tiếng trống và tiếng gọi khàn khàn của anh vang lên dường như vô tận trong sự yên tĩnh của đêm tối. Cuối cùng anh dừng lại, quay nhìn quang cảnh vùng đồi; tiếng lá xào xạc và tiếng côn trùng chiếm lĩnh không gian.
Vidan bỏ những chiếc túi dết trên vai xuống và ngồi trên phiến đá ngưỡng cửa. Bức thư cuối cùng của vợ anh cho biết mọi việc ở nhà đều tốt. Nhưng từ đó đến nay đã hơn một năm rồi. Cô em út của anh vẫn chưa lấy chồng. Năm 1942, gia đình phải bán bò đi vì thiếu ăn. Không có thuốc trừ sâu, nên mất mùa nho. Ai mà không gặp khó khăn trong thời kỳ đó; nhưng cái chính là ruộng đất vẫn được chăm sóc và ba người đàn bà ra sức làm lụng.
Vidan lại gọi cửa và nhận ra sự thật hiển nhiên. Không có ai trong nhà. Anh chạy đến cửa chuồng gia súc và vặn quả đấm. Cánh cửa cứ trơ ra không mở. Anh nhớ đến chỗ trước đây mọi người thường cất giấu chìa khóa. Đó là một cái hốc gạch xây dưới miệng giếng. Giếng nằm ở phía trái lối vào vườn. Nơi đây ẩm ướt, cỏ mọc cao, cây gai và tầm ma phủ kín mít che lấp chỗ giấu chìa khóa. Ba chiếc chìa khóa nằm đó, đã han gỉ. Một chiếc mở cửa nhà trên, một chiếc mở chuồng gia súc và một chiếc mở cửa nhà kho và xưởng mộc.
Anh tìm cách tự lý giải cho mình. Này nhé, nếu mấy người phụ nữ bỏ nhà ắt phải có lý do chính đáng. Có lẽ em anh đã đi lấy chồng. Ôdéttơ đã phải xuống ở dưới làng. Tại sao vậy? Mấy chiếc chìa khóa cầm vào rát cả tay cho biết căn nhà đã được khóa hàng tuần có khi hàng tháng rồi. Ở đây có cái gì nguy hiểm chăng? Bọn Đức chăng? Du kích? Chắc là thế. Sau này anh sẽ biết rõ.
Anh vào nhà. Tất cả đều chứng tỏ nhà đã bỏ không từ lâu rồi. Bụi bặm, mốc meo, khói lạnh, rõ ra cái cảnh hỗn độn, hoang vu. Thoạt đầu anh nghĩ nhà bị cướp phá. Nhưng không, bàn ghế, giường tủ vẫn nguyên chỗ cũ. Áo quần trong tủ ngả mầu vàng. Nhưng hình như còn lại rất ít. Phải, em anh có lẽ đã đi lấy chồng và mang theo tài sản của cô ta. Anh trèo vào tận căn buồng của anh. Giường nệm xộc xệch. Một chiếc chăn rách vứt trên chiếc gối. Anh mở tủ đứng, tủ com-mốt, một hốc tường dùng để treo quần áo. Anh thấy lại bộ đồ đen anh mặc ngày lễ cưới, những chiếc quần và đôi giầy cũ. Quần áo của Ôdéttơ không còn gì cả. Váy, áo dài, áo lót… đều không còn. Những đồ trang trí bầy trong tủ biến mất. Tấm ảnh họ chụp ngày cưới trước vẫn treo trên đầu giường nay không còn ở đấy nữa. Anh tìm thấy nó trong đống rác. Tấm kính lồng khung ảnh bị vỡ tan.
Anh lại xuống bếp, mở toang cửa ra cho không khí ban đêm tràn vào. Sáng tinh mơ, anh ngồi hút thuốc lá, khuỷu tay tựa vào cái bàn cũ của dòng họ Vidan. Đứng im như tượng đá, anh ngắm nhìn những ngọn đồi cao mà mặt trời dần dần rọi xuỗng những tia nắng vàng. Anh sợ phải xuống làng. Anh đã hoài công tự nhủ: Ta điên rồi, ta điên rồi… Có một lý do chính đáng để… Anh sợ gặp phải những khuôn mặt sẽ nở một nụ cười thương hại khi anh đến gần họ, vào lúc người ta sẽ nói với giọng thông cảm: “Chà! Vidan đáng thương, anh đã không gặp may”.
* * *
Và sự việc đã diễn ra đúng như vậy. Anh vừa bước vào ngôi nhà đầu tiên trong làng, người ta đã cho anh biết rõ sự thật, sau nhiều phút đắn đo, lắc đầu thông cảm. Đó là gia đình cụ Đuypơlăng. Cụ có người con trai bị tù ở Đức chưa được về. Cụ thân mật mời anh ngồi:
- Sao, cháu chưa ăn sáng à? Cháu về từ khuya mà không cho ai biết. Cháu hẳn là người đầu tiên trong làng được trở về. Ở Tuludơ, khi cháu xuỗng xe lửa, người ta không giữ cháu à?
Vidan giải thích rằng anh muốn trở về làng càng nhanh càng tốt. Anh đã đi nhờ một chiếc xe tải đến tận đường hàng tổng, từ đấy anh đi bộ về làng. Anh vội về thăm lại nhà anh.
Cụ Duypơlăng cúi đầu xuống tách cà phê giả (vì chiến tranh nên hồi ấy Pháp không có cà phê thật), rồi chậm rãi kể lại. Trong làng, người ta được biết rất nhanh là gia đình Vidan không được hòa thuận. Sau khi Vidan lên đường, Ôdéttơ và mẹ chị trở thành chủ nhân tuyệt đối trong nhà. Vấn đề đặt ra là phải có người giúp việc và họ mướn một thanh niên ít tuổi. Nhưng rồi chú bé ấy phải rời đi khỏi làng. Họ bèn mướn một đàn ông để thay thế. Đó là lúc người ta bắt đầu dị nghị. Người đàn ông này tên là Anphôngxơ gì đó mà Ôdéttơ đã biết từ lễ cưới cô em gái lớn của chồng. Thực ra, dân làng đã không nhầm. Ở Lò Gốm, Ôdéttơ và Anphôngxơ sống như vợ chồng, không ngượng ngùng gì cả. Mẹ của Ôdettơ ủng hộ cô con gái, tất nhiên là như vậy. Đối với cô em gái thứ hai của Vidan, cuộc sống chung đã trở nên không thể nào chịu đựng được. Cô đã đính hôn với một anh thanh niên làng bên. Anh cũng bị Đức bắt cầm tù. Nhưng anh đã trốn thoát và họ lấy nhau vào năm 1943. Cô em út của Vidan rời Lò Gốm. Anh không biết tin về cuộc hôn nhân này. Bức thư cuối cùng của vợ anh không đả động gì đến việc đó. Em anh có viết thư cho anh không? Anh không biết. Anh đã nhiều lần thay đổi đơn vị, đã từng làm việc tại Hămbua, trong một nhà máy. Về sau, người ta đưa anh đến một trang trại, rồi từ đấy lại đến một nhà máy khác. Tóm lại, hơn một năm rồi, anh không nhận được tin tức của những người thân.
- Ăn đi, ăn đi cháu. - cụ Đuypơlăng vừa nói vừa đưa cho Vidan miếng jambon to tướng bọc trong vải thưa. - Bác để dành cho thằng con trai bác, nhưng chính cháu lại khai mạc đấy. Cũng như nhau thôi…
Vidan ăn tự nhiên. Anh lắng nghe cụ già tốt bụng . Cụ tu liền mấy hớp rượu vang và giờ thì lời cứ tuôn ra. Thế là cô út rời bỏ Lò Gốm. Ôdéttơ cùng người tình và mẹ chị làm chủ trên đó. Không ai tranh giành nhà cửa với họ cả. Thật là xấu hổ.
Cụ Đuypơlăng nói tiếp:
- Thật là xấu hổ, không phải cho cháu đâu, Vidan ạ, mà cho chúng nó. Trong khi cháu chịu khổ ở Đức thì vợ cháu dẫn một người khác về nhà. Đã nhiều lần, bác muốn lên Lò Gốm nói với chúng nó cái điều bác nghĩ. Cháu nhớ nhé, không phải là việc của bác đâu; nhưng phải chứ, đấy cũng là việc của bác chứ. Bác quen biết cháu. Bác đã thấy cháu lớn lên, bác biết người cha đáng thương của cháu. Rốt cuộc thì cháu biết đấy, mỗi người có mối phiền muộn riêng của mình. Về phần bác cũng vậy. Phải, thật là xấu hổ cho chúng. Đáng lẽ chúng phải hiểu như vậy, nhưng chúng chẳng tỏ ra hiểu biết chút nào. Vợ một anh tù binh, rốt cục là thế!
Vidan lắc đầu.
- Thật là quái gở. Cháu không phải là người duy nhất. Còn rất nhiều người khác cũng vậy.
- Đây không phải là một lý do để bào chữa. Cháu xem chúng đón tiếp cháu trở về như thế đấy.
- Tại sao chúng lại bỏ đi?
- Em cháu, đứa lớn, một hôm đã lên Lò Gốm cùng với chồng nó. Chắc họ đã cho bọn này một bài học. Nhưng họ chẳng nói gì với ai cả. Vả lại, cái thằng Anphôngxơ là một thằng vô tích sự, một tên đại lãn. Nó mà còn coi sóc ruộng đất của cháu thì… Bác nói là em cháu đã lên đấy. Bác chẳng biết nó nói gì với bọn kia. Một tháng sau, chúng xếp mấy cái hòm lên xe bus rồi đi biệt. Người ta đồn là chúng đi Tuludơ. Bác chẳng biết gì hơn nữa. Bác không thích bàn tán chuyện đó với người khác. Lúc đầu họ bàn tán quá nhiều và nói lung tung. Đó là tất cả những gì mà bác có thể nói với cháu. Nhà cháu còn đó, ruộng đất còn nguyên…
Hai tay bóp trán, Vidan khóc không ra tiếng. Cụ Đuypơlăng mím chặt môi, nhìn Vidan, hai nắm tay chống xuống bàn bên cạnh đĩa thức ăn. Cụ bà ngồi cạnh bếp lửa nơi nồi súp đang sôi.
* * *
Anh Vidan thợ gốm trở về căn nhà cô quạnh của mình như thế đó. Phải, căn nhà cô quạnh và bản thân anh cũng cô đơn. Không một con chó, một con vật nào hoạt động. Xung quanh toàn là chim rừng, sáo sậu, chào mào và cú vọ. Thoạt đầu, gia đình cụ Đuypơlăng có theo sát anh, cho là anh có thể sẽ làm liều. Họ báo cho các em anh biết và mời anh đến cùng ăn. Vidan dần dần bình tĩnh lại. sau một hồi khóc lóc đến hết nước mắt, anh bắt đầu nhúc nhắc làm lụng. Người ta thấy anh dỡ bức rào ngăn khu vườn, rồi cuốc xới, dọn cỏ. Đằng sau rừng sồi, những cành cây gai được đốt lên cháy lép bép và gió đồi cuốn đi mùi khói cay sè.
Mỗi khi gặp người làng, Vidan lại nở nụ cười bình thản, buồn rầu, Dường như anh đã quyết định vê hoàn cảnh của mình. Anh suy đi, nghĩ lại, dừng chân hồi lâu, ngắm nhìn cảnh vật. Gia đình cụ Đuypơlăng cho anh một con chó và giúp anh những thứ cần thiết để đóng chuồng thỏ, chuồng chim. Đến lượt con trai cụ Đuypơlăng trở về. Và cụ có nhiều thời giờ rảnh rỗi hơn để lui tới thăm anh thợ gốm.
Vợ chồng các cô em gái đều đến thăm anh. Họ kể với anh mọi chuyện. Nhưng anh chẳng cần biết thêm gì nữa. Vợ anh đã bỏ anh và đi theo một người khác. Nói thêm để làm gì? Đó là một phụ nữ trẻ trung có trái tim nồng cháy. Bất kể chàng trai nào gặp lần đầu tiên cũng có thể làm cho nàng xiêu lòng. Vidan đã chọn nhầm. Anh nhớ lại những lời mẹ anh trước đây đã nói. Thì ra bà mẹ đáng thương của anh đã có lý khi bà cho rằng Ôdéttơ không đứng đắn.
- Chẳng mất gì cả, cháu ạ. - cụ Đuypơlăng nói. - Cháu hãy còn trẻ và khỏe mạnh. Nhà cháu còn đó, đất đai cũng còn đó. Cháu có thể lấy một người nội trợ khác.
Vidan nhún vai và chẳng ai biết anh nghĩ gì. Anh chẳng xuống làng nữa. Một tuần ba lần, người thợ làm bánh mì bỏ một ổ bánh vào một hộp gỗ đặt ở đoạn đường lên đồi vào nhà anh. Dầu ăn, muối và vài thứ lặt vặt khác thì nhà cụ Đuypơlăng lo cho anh. Chẳng bao lâu, Vidan bắt tay vào công việc đồng áng với một sự hăng say thầm lặng. Gia đình cụ Đuypơlăng cho anh mượn bò cày, và cụ tới giúp anh.
-Rất tốt, cháu ạ. - cụ nói. - Sang năm tất cả đâu lại vào đấy thôi. Cháu có thể nghĩ đến chuyện vợ con. Trước tiên cháu phải giải quyết hoàn cảnh của cháu và đòi ly hôn.
Cụ Đuypơlăng nhận thấy Vidan thường hay đóng cửa ngồi một mình trong xưởng gốm. Nhưng cụ chẳng lấy làm ngạc nhiên. Chàng trai trở lại với cái nghề cổ truyền của dòng họ Vidan. Trước đây anh đã có thói quen nặn đất và trên lò sưởi nhà cụ Đuypơlăng có hàng loạt hình người ngộ nghĩnh do Vidan nặn và tô mầu: những người nông dân đi hội chợ đang thỏa thuận bắt tay nhau, chàng say rượu đang mân mê chai rượu và nhiều hình người khác nữa. Hơi thô kệch, không giống lắm nhưng đầy sức sống  và óc quan sát tinh tế.
Một chiều chủ nhật, cụ Đuypơlăng lên Lò Gốm và vào xưởng mà không báo trước. Cụ bắt gặp Vidan đang nhào đất. Cụ già tốt bụng bước tới gần, chẳng có ý gì. Vidan ngồi trước cửa sổ, quay lưng lại vị khách. Khi cụ tới sát anh, Vidan giật mình và đứng sững trước công trình của mình như để che giấu nó đi. Cụ chẳng để ý gì tới điều đó.
- Bác thấy cháu đang giả trí. - cụ nói. - Cháu đang định nặn gì cho bà con thế?
- Ồ, có gì đâu. - Vidan ấp úng trả lời.
- Một cái đầu người, cháu lại nặn tượng.
Và cụ già tốt bụng kìm lại những lời bông đùa, bởi vì cụ đã nhận rõ mặt người phụ nữ được nặn là ai rồi. Không thể lầm lẫn được. Người phụ nữ mà Vidan hồi tưởng lại trên đất sét chính là Ôdéttơ, vợ anh, người đàn bà đã phụ bạc anh và bỏ anh.
Cụ Đuypơlăng chẳng biết nói gì nữa và theo anh thợ gốm đi ra sân.
* * *
Anh Vidan đáng thương vẫn yêu cô Ôdéttơ của anh. Trong những gian phòng hoang vắng của căn nhà, anh thấy lại hình dáng cô. Bên cửa sổ nhà bếp, dưới bóng râm của giàn nho xanh, mặt trời tỏa những tia nắng vàng lên cánh tay trần của một người đàn bà vô hình. Trên lối đi vào vườn, dưới rặng cây đoạn, khuôn mặt trái xoan của cô hiện ra. Trong những đêm dài, Vidan thấy khuôn mặt đó bằng xương, bằng thịt hiện lên trong bóng tối, vừa mờ nhạt, vừa rạng rỡ. Mớ tóc dày tỏa xuống vai. Vidan giơ tay ra. Anh sờ vào mớ tóc ấy, gỡ ra rồi giũ xuống. Đôi vai người phụ nữ đã mất hút còn run rẩy dưới tay anh. Rồi bóng tối, bóng tối từ mọi phía ập tới, xâm chiếm đôi vai, làn tóc. Anh thợ gốm chẳng còn gì trong vòng tay nữa, ngoài hình ảnh trong không khí và đêm tối, một giấc mơ…
Anh vẫn yêu Ôdéttơ và chẳng dám thổ lộ điều đó với ai, ngay cả với cụ Đuypơlăng. Anh lao vào công việc nặn đất, luôn ấp ủ một mối tình còn nguyên vẹn. Giấc mơ cứ đến, không một sự mệt mỏi nào đủ mãnh liệt để ngăn cản nó. Nhưng giấc mơ làm anh đau khổ. Đêm đêm Vidan lại khám phá ra nỗi bất hạnh của mình. “Anh hãy ly hôn đi, người hàng xóm nói, anh lấy người vợ khác và thế là ổn”. Vidan không trả lời. Trong thâm tâm anh nghe như có tiếng đáp lại: trong nhà này chỉ có một người đàn bà, một người duy nhất, tôi sẽ không quên và sẽ chẳng bao giờ quên được người đó.
Một buổi chiều, Vidan bước vào xưởng gốm, lòng nồng cháy. Lần này giấc mơ sẽ không tan biến. Khuôn mặt của người trong mơ sẽ hiện ra và ở lại.
Anh cầm hòn đất sét mà anh đãj anh. chuẩn bị sẵn từ trước. Và tức khắc lòng anh cảm thấy thư thái, không phải một sự thư thái hoàn toàn và thỏa mãn, mà đây là sự hài lòng đầu tiên làm yên lòng anh. Cơn sốt tình yêu của anh không còn xoay quanh hình ảnh một khuôn mặt hư ảo nữa. Một khuôn mặt gần như hiện thực sừng sững trước mặt anh.
Đôi tay anh làm việc. Cái cổ và đôi vai hiện ra, rồi đến mái tóc và đường nét của khuôn mặt. cái mà trước đây một vị khách chỉ thấy như một khối vô hình thì giờ đây người ấy sẽ nhận ra một hình ảnh thật. Chẳng bao lâu, từ chỗ hư không, cái đầu và nửa người xuất hiện. Anh tiếp tục công việc không mệt mỏi. Anh dừng lại hồi lâu trên đường nét của cái miệng nhỏ nhắn và căng mọng. Thỉnh thoảng anh ngừng tay, lùi lại một bước để ngắm nhìn công trình của mình, rồi lại tiến lên, cúi xuống bức tượng bán thân. Môi anh ghé sát đôi môi bằng đất sét. Chỉ tới khi anh cảm thấy hơi lạnh và hương vị cay cay của đất, anh mới dừng lại không thực hiện trọn vẹn cái hôn khắc khổ của mình.
Chủ nhật đó, sau khi bị cụ Đuypơlăng bắt gặp trong xưởng gốm, anh mang pho tượng bằng đất sét về phòng anh. Hơn nữa chính là anh chỉ để bức tượng này ở phòng anh thôi. Anh đặt nó trên đầu giường. Bức tượng hiện rõ trên bầu trời buổi hoàng hôn. Đó là vợ anh. Chị vẫn tồn tại và lại sống dưới mái nhà anh.
Đêm đến. Bóng tối từ trên xà nhà đổ xuống bao vây bức tượng bán thân. Vidan, đứng tựa khuỷu tay, say sưa ngắm nhìn hình ảnh về mối tình của anh. Màu nâu của đất sét trong đêm tối nhá nhem trở thành màu của da thịt thật sự. máu lưu thông dưới làn da sống động đang run rẩy.
Đó, cái nghề xưa của tổ tiên đã trở lại; nó sẽ giúp cho một trái tim hòa nhịp đập. Từ những năm xa xưa, trong dòng họ Vidan, người người đã nặn hình, nặn chậu, đâu có ngờ rằng có ngày một trong những con cháu mình lại sẽ chơi cái trò khủng khiếp và tuyệt vời này. Thứ đất sét tốt để nặn bình, nặn chậu trở thành đất nặn mặt người. Nó phục vụ một anh chàng si tình đáng thương và trung thành.
Đôi khi Vidan có một cử chỉ đột ngột như để xua đuổi giấc mơ và trò chơi ấy: “Ồ, mình điên rồi, anh nghĩ bụng, mình điên rồi. Dân làng sẽ bảo thế. Họ sẽ nói là mình đang sống với một bức tượng bằng đất sét; mình đang loạn óc. Cụ Đuypơlăng nói chẳng đúng hay sao? Nhất định sẽ có một người phụ nữ đến sống chung với mình ở đây, bởi vì người…phụ nữ kia…”.
Người phụ nữ kia, chị ta ở đâu? Chị chẳng bao giờ tìm gặp lại anh để giải quyết hoàn cảnh của họ, mà đáng lẽ phải như thế mới đúng.
Anh lại quay về cửa sổ. Khuôn mặt vẫn còn đó, trong bóng tối. Vidan tay ôm trán, những giọt nước mắt nóng bỏng rơi lã chã trên mi mắt anh. “Ta đã yêu em và hiện vẫn yêu em biết bao”, anh lẩm bẩm.
* * *
Ngoài cụ Đuypơlăng ra, không còn ai khác thấy bức tượng. Người ta không biết Vidan đã đập nó đi hay còn giữ nó. Bức tượng có vẻ đẹp và rất giống người thật. Có những người cho rằng cụ Đuypơlăng nhận xét không chính xác lắm. Thực tế là cụ đã nhận ra khuôn mặt Ôdéttơ. Chính là Ôdéttơ với mớ tóc dày, đường cong của đôi môi, cái mũi thanh tú. Vidan khắc sâu hình ảnh đó trong ký ức với một sự trung thành cao độ. Anh thực sự đã nhìn thấy nó và có thể tạc lại không ngần ngại từng đường nét một.
Bạn thấy đấy, ngôi nhà trên đồi ở đàng kia, sau rừng sồi. Người ta gọi nó là Lò Gốm và bao đời thợ gốm đã sống ở đây, nhào nặn đất sét vàng với đôi bàn tay khéo léo. Ở tất cả mọi nhà trong vùng, bạn dễ dàng nhận thấy một cái liễn đựng canh, một cái chum đựng nước sản xuất ở đây. Và đúng là tất cả mọi người trong dòng họ Vidan thợ gốm đều không hay biết một trong những con cháu của họ lại sẽ đặt trái tim mình trong một bức tượng bán thân bằng đất sét, Bởi vì, bạn thấy không, quả là có một trái tim đang đập trong bức tượng, đó là trái tim của Vidan, tiếng kêu rộn ràng và kiên trì của mối tình của anh.
Thế nhưng…
* * *
Đêm hè mênh mông và yên tĩnh bao phủ vùng đồi. Vành trăng vành vạnh lại lướt trên các đỉnh núi. Một con cú mèo từ đám cây sâu thẳm cất tiếng kêu râm ran. Gần về sáng, gió nổi lên. Vidan thức thâu đêm đến rạng đông, bên cạnh bức tượng của mối tình anh. Cánh cửa sổ nhà anh mở rộng. Những âm thanh của đêm tối vang đến buồng anh. Gần về sáng, tiếng lá cây xào xạc đu đưa luồn qua xà nhà với mùi hương tươi mát và ngào ngạt. Thân cây ngô rung rinh đâu đó về phía vườn. Gió lướt qua cành cây làm người ta liên tưởng như có bóng người xuất hiện. Theo bản năng, Vidan vểnh tai nghe ngóng. Không, đó chỉ là gió thổi vào thân ngô; đó chỉ là cành táo, cành du non mà thôi.
Ánh sáng lờ mờ chiếu vào sân. Bức rào chắn ngang lộ ra trong bóng tối và người ta thoáng thấy lối đi vào con đường trũng dẫn tới làng.
Rốt cuộc anh nông dân cô đơn buông mình vào trong giấc ngủ. Anh làm việc suốt ngày, chẳng quản mệt nhọc, vất vả. Từ lâu, anh đã nằm mơ bên cạnh bức tượng anh tạo nên. Thật là quá căng thẳng và mệt mỏi. Đã gần đến lúc anh nằm vật xuống giường, mắt nhắm lại, tay duỗi ra.
Gió lướt trong vườn ngô, lay động bức rào chắn ngang. Không, không phải là gió! Ai đó đang đi ở trên đường.
Thế là Vidan ngồi dậy, tựa người vào cửa sổ. Trong ánh bình minh anh nhận thấy khuôn mặt vợ anh, khuôn mặt sinh động. Đất có hồn. Không, không, đất không có hồn. Người phụ nữ đang đi về ngôi nhà anh thợ gốm không phải là người trong mộng, trong ảo thuật. Đó là một con người thực sự đang trên đường đi về nhà anh. Ôdéttơ đứng trong sân đá sỏi, nhìn người thợ gốm bên cửa sổ.
- Ồ! Em đây rồi, - anh thợ gốm khẽ nói, - em đây rồi…
Bỗng anh quay người lại, nhảy ra khỏi buồng để lao xuống cầu thang.
Giờ đây, anh ôm vợ trong tay, một trái tim khác đập bên cạnh trái tim anh. Còn muốn gì hơn nữa. Vợ anh đã trở về như thể theo tiếng gọi của những bàn tay trung thành.
Bạn hãy nhìn xem. Căn nhà sừng sững đó, trên đồi, sau rừng sồi và cây xiêm gai. Căn nhà của Vidan, anh thợ gốm và của mối tình của anh.


Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét