Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Người lữ hành kỳ dị - Harold Robbins (Q 8 - phần 1)

Harold Robbins

Người lữ hành kỳ dị

Người dịch: Mạnh Hà, Thanh Sơn
NXB Văn học - 1987


Quyển tám. Gieny Denton

1

Gieny bước qua ngưỡng cửa che màn, tiến thẳng tới ống kính của camêra. Giọng đạo diễn quát lên:
- Cắt! Gói nó lại! - Và thế là xong.
Cô đứng sững hồi lâu ở đó, đờ đẫn, chớp chớp mắt vì chưa quen với ánh sáng khi các ngọn đèn chiếu cực mạnh bắt đầu từ từ tối lại, rồi tắt hẳn. Và đột nhiên, cái nóng ngột ngạt của tháng tám bỗng ập tới người cô, làm cô nghẹt thở, như muốn ngất. Cô giang vội một tay ra cho khỏi ngã. Như vẳng lại từ rất xa, cô nghe thấy sàn quay khổng lồ bỗng ồn lên như một cái chợ hỗn loạn. Dường như tất cả mọi người đều ồ lên nói và cười cùng một lúc.
Có người nào đó ấn một cốc nước vào tay cô. Cô uống ừng ực rất nhanh, khoan khoái. Rồi đột nhiên, cô bắt đầu run lập cập, cảm thấy lạnh thấu xương. Anh phụ trách phục trang quăng vội 1 cái áo choàng lên hai vai cô, che bộ quần áo trong mờ mờ của cô đi.
- Cám ơn anh, - cô thì thào thốt lên.
- Có gì đâu, cô Đentơn. - Anh ta đáp. Anh ta chằm chằm nhìn cô một thoáng. - Cô làm sao thế?
- Không sao cả đâu. - Cô thốt lên. Cô cảm thấy những giọt mồ hôi lạnh ngắt chợt rịn ra ươn ướt ở trán. Anh phụ trách phục trang khoát tay vẫy, người trang điểm lập cập chạy vội tới. Anh ta lấy một miếng cao su xốp thấm thấm mặt cô. Cô ngửi thấy mùi hương cây phỉ dại thoang thoảng thơm. Cô bắt đầu thấy dễ chịu hơn.
- Cô Đentơn. - Người trang điểm thốt lên. - Cô nên đi nằm đi một lúc. Cô bị kiệt sức rồi đấy.
Cô ngoan ngoãn để anh ta dẫn ra đằng sau, tới một căn buồng nhỏ dùng làm chỗ hóa trang di động. Bước qua cửa, cô ngoảnh đầu lại lại nhìn cái sàn quay. Rượu đã được đem ra, đang chảy tung tóe, mọi người đang quây chặt lấy đạo diễn, hô tướng những lời chúc tụng ông ta, những lời ca ngợi mà họ cảm thấy cần thiết phải có để đảm bảo là bộ phim sau ông ta sẽ nhận mình vào làm. Và có vẻ họ đã hoàn toàn quên mất cô.
Cô đóng cửa lại, nằm dài trên chiếc giường nhỏ, mệt mỏi nhắm mắt. Ba tháng dự định làm bộ phim đã kéo dài ra thành năm. Năm tháng trời ròng rã quay ngày đêm, năm tháng trời kiệt sức, dậy từ năm giờ sáng và ngã gục xuống giường, ngủ say như chết vào nửa đêm, đôi khi còn muộn hơn. Năm tháng liền như vậy, cho đến khi cái ý nghĩ từng ở trong kịch bản đã bị biến mất vào trong mớ hỗn loạn của các cảnh quay lại, viết lại, rối mù lên. Cô lại rùng mình. Kéo vội cái chăn len mỏng đắp lên người, cô nằm run cầm cập. Cô nhắm nghiền mắt lại, nằm nghiêng sang một bên, kéo đầu gối lên sát ngực, co quắp người lại. Dần dần, hơi người cô tỏa ra xung quanh nhiều hơn, cô bắt đầu đã thấy dễ chịu hơn.
Khi mở mắt tỉnh dậy, cô thấy Ilenơ Gala đã ngồi bên cạnh mình trên một chiếc ghế từ bao giờ.
- Chào chị, - Gieny ngồi nhỏm dậy, - em ngủ thiếp đi có lâu không?
Ilenơ mỉm cười.
- Độ một tiếng. Em cần như thế.
- Ngượng thật đấy. - Gieny thốt lên. - Thường thì em không bao giờ lại xỉu đi như thế cả. Nhưng đúng là em mệt quá.
- Em đã bị ở trong một tình trạng căng thẳng kinh khủng. Nhưng giờ thì em không còn phải lo gì nữa rồi. Khi bộ phim này được chiếu ra, em sẽ trở thành một ngôi sao lớn - một trong số những ngôi sao lớn nhất.
- Em cũng mong như vậy. - Gieny khiêm nhường nói. Cô nhìn Ilenơ. - Khi em nghĩ về những con người ấy, họ đã làm việc vất vả như thế, đặt nhiều mong đợi, tiền của như thế vào bộ phim, em thấy không thể chịu nổi nếu như em lại chẳng xứng với điều họ trông mong ở em.
- Em sẽ xứng đáng. Xem các đoạn nháp, chị đã thấy em rồi sẽ thành công rực rỡ. - Ilenơ đứng dậy, nhìn Gieny. - Có lẽ em nên uống chút gì nóng đi.
Gieny mỉm cười khi thấy Ilenơ lấy cái can đựng sôcôla.
- Sô-cô-la ư chị?
- Chứ sao? - Ilenơ đáp. - Nó có nhiều năng lượng hơn là nước chè. Hơn nữa, em không cần phải lo lắng gì về chuyện ăn kiêng của em nữa rồi. Phim đã quay xong.
- Cám ơn Chúa về chuyện ấy! - Gieny thốt lên, đứng dậy. - Thêm một bữa trưa nữa với món pho mát nhà quê ấy là em phát điên lên mất. Có lẽ em phải đi thay cái của này ra thôi. - Cô bước ngang qua căn phòng bé xíu tới chỗ rửa mặt.
Ilenơ gật đầu. Cô chăm chú ngắm nhìn Gieny tuột người ra khỏi bộ trang phục - cái quần lụa ống rộng kỳ cục, cái áo sa trong mờ mờ, chiếc áo chẽn ngoài bằng nhung xanh nước biển đính thêm các hạt vàng - trang phục của cô trong cảnh cuối cùng. Cô lướt mắt nhìn nhanh những đường nét thân thể Gieny một cách tán thưởng. Cặp mắt người vẽ mẫu của cô hài lòng với những gì cô nhìn thấy.
Giờ cô thầm vui vì Giônơx đã cho người tìm cô. Thoạt tiên, cô không cảm thấy như vậy. Cô đã không muốn quay trở lại Hôliut, trở lại với cảnh lừa bịp nhau giành phần hơn, những chuyện ngồi lê đôi mách, những nỗi ghen tức nhỏ nhen. Nhưng trên tất cả, là lý do ấy. Cô không muốn trở về gặp lại những kỷ niệm.
Nhưng khi chăm chú xem xét bức ảnh, có một cái gì đó toát ra từ cô gái khiến cô như bị hút vào đó. Cô có thể hiểu ra Giônơx đã nhìn thấy được cái gì trong cô gái này. Có một cái gì đó như Raina phảng phất ở cô ta; nhưng cô ta cũng là một phẩm chất đặc biệt, của riêng mình.
Nhưng chỉ mãi đến khi đã nghiên cứu kỹ bức ảnh rất lâu, cô mới nhận ra đó là cái gì. Đó là vẻ trong sáng đức hạnh một cách khắc khổ, ngời lên rất lạ qua cái vẻ quyến rũ xác thịt bên ngoài. Đôi mắt của người trong ảnh nhìn thẳng vào ta là đôi mắt thơ ngây thuần khiết của một trẻ thơ, được giấu đằng sau một vẻ hiểu đời rộng rãi. Khuôn mặt ấy là khuôn mặt của một cô gái đã giữ được tâm hồn mình nguyên vẹn, dù đã phải lăn lộn trải qua những điều kinh tởm tồi tệ xấu xa đến thế nào đi chăng nữa.
Gieny cài móc xu chiêng lại, kéo gấu cái áo xăng đay dày cộp màu đen xuống cho tới khi nó chạm đến cạp chiếc quần rộng lùng thùng. Cô ngồi xuống, đỡ lấy tách sôcôla bốc hơi ngùn ngụt từ tay Ilenơ.
- Ôi, đột nhiên em cảm thấy đói quá, - cô thốt lên, hớp một ngụm sôcôla, - em đã kiệt hết cả sức.
Ilenơ mỉm cười, uống chỗ sôcôla của mình.
- Khi một bộ phim được làm xong, ai cũng cảm thấy tương tự như thế cả.
- Em có cảm giác là em sẽ không bao giờ có thể đóng nổi một bộ phim nào nữa đâu. - Gieny tư lự nói tiếp. - Rằng một vai khác sẽ chẳng làm em thích thú gì nữa. Không hiểu sao, hình như tất cả con người em đã dốc trọn vẹn vào bộ phim này rồi, và giờ em chả còn lại cái gì nữa.
Ilenơ lại mỉm cười.
- Cái đó sẽ biến ngay ở phút người ta đặt vào tay em một kịch bản khác.
- Chị nghĩ thế ư? Xảy ra thật thế hả chị?
Ilenơ gật đầu.
- Lần nào cũng thế cả.
Một loạt tiếng ầm ỹ chợt rộ lên qua mấy bức tường mỏng của căn buồng. Gieny mỉm cười.
- Họ đang tổ chức một vũ hội với nhau ở ngoài đó.
- Anh Cođơ đã đặt hẳn bàn ăn từ một kho quân nhu, thuê hẳn hai người lập thành một quầy rượu ở ngoài đó. - Ilenơ uống cạn tách sôcôla của mình. Cô đứng dậy, nhìn xuống cô gái. - Chị vào đây thực ra là để chia tay với em.
Gieny ngẩng lên nhìn, dò hỏi.
- Chị đi ư?
Ilenơ gật đầu.
- Chị quay về miền Đông bằng tàu hỏa đêm nay.
- Ôi. - Gieny thốt lên. Cô đặt tách xuống, đứng dậy. Cô chìa tay ra cho Ilenơ. - Em xin cảm ơn chị về tất cả những điều chị đã làm cho em. Em học được ở chị nhiều lắm.
Ilenơ nắm lấy tay cô.
- Trước thì chị không muốn tới đâu. Nhưng giờ chị lại mừng vì mình đã tới.
Hai người trang trọng bắt tay nhau.
- Em mong là ta sẽ lại được làm việc với nhau, - Gieny nói.
Ilenơ đi ra cửa. Cô ngoảnh lại nhìn Gieny.
- Chị cũng tin chắc là ta sẽ làm việc với nhau nhiều nữa. Nếu em cần chị, cứ viết thư. Chị sẽ rất vui mừng được quay lại.
Một lúc sau, cửa phòng lại mở ra, và Al Pêtrôxeli, trưởng phòng tuyên truyền, ló đầu vào.
Một luồng tiếng nhạc ồ vào theo.
- Nào ra đi, - ông ta kêu lên, - bữa tiệc đang rất vui. Ông Cođơ đã gọi cả một dàn nhạc tới.
Cô đặt điếu thuốc xuống.
- Xin chờ cho một phút, - cô quay lại cái gương, vuốt thẳng lại tóc.
Pêtrôxeli trợn tròn mắt.
- Cô không định đi ra mà ăn mặc thế chứ hả? - Ông ta thốt lên, vô cùng kinh ngạc.
- Tại sao không? Phim làm xong rồi thôi.
Ông ta bổ vào phòng, đóng cửa lại.
- Nhưng, Gieny thân yêu ơi, cô bé con ơi, cô hãy thông cảm một tí chứ. Chính tạp chí Đời sống đã đăng cai tường thuật lại bữa tiệc này đấy. Nó sẽ nom ra sao trước con mắt độc giả, nếu ngôi sao của bộ phim nổi tiếng nhất chúng ta làm trong vòng mười năm trở lại đây lại mặc quần và một cái áo xăng đay cao cổ đen kịt thế này? Chúng ta phải cho họ được nhìn nhiều hơn thế này chứ.
- Tôi sẽ không chui vào cái của khỉ ấy nữa đâu. - Gieny ương bướng thốt lên.
- Gieny thân yêu, xin cô. Tôi đã hứa với bọn họ một vài pha ngọt mắt mất rồi.
- Nếu họ thèm cái trò lõa lồ như thế, đưa cho họ mấy bức ảnh chụp tư liệu ấy.
- Bây giờ không phải lúc lằng nhằng bàn cãi về sở thích tính khí đâu. Nào, Gieny, từ trước đến giờ cô vẫn là một cô bé ngoan mà. Nào, một lần này nữa thôi.
- Ông Al, thôi được, - Giọng Bơnơ vang lên ở phía sau. - Nếu Gieny không muốn thay quần áo, cô ấy không việc gì phải làm cả. - Ông ta bước vào phòng, cái mặt xấu xí của ông ta nhoẻn một nụ cười dễ chịu. - Mà thực ra, tôi cho rằng đó chính là một sự thay đổi đáng hoan nghênh đối với độc giả của tạp chí Đời sống đấy.
Al nhìn ông ta.
- Dạ thưa ông Bơnơ, nếu ông đã nói thế, thì thôi được ạ.
Bơnơ quay sang phía cô, mỉm cười.
- Ồ, cô thế là làm được chuyện ấy.
Gieny lặng thinh không đáp, chỉ đưa mắt nhìn ông ta.
- Tôi đã suy nghĩ về cô. - Ông ta nói, không rời mắt khỏi mặt cô. - Cô sẽ trở thành một ngôi sao lớn đấy.
Cô lặng thinh không nói.
- Sau Người có tội, đóng các phim khác cho được như thế đâm ra vất vả đấy.
- Tôi chưa nghĩ gì về chuyện ấy cả. - Cô đáp.
- Tất nhiên. Cô chưa nghĩ tới, cả Giônơx nữa. - Bơnơ phá lên cười. - Mà tại sao cô lại phải nghĩ đến cơ chứ? Đó không phải là việc của cô. Mà là của tôi. Tất cả những gì Giônơx đã làm đều là vì anh ta thích thế thôi. Anh ta thấy thích làm một bộ phim - thế là anh ta làm. Nhưng biết đâu tám năm nữa anh ta mới lại thích như vậy.
- Thế thì sao? - Cô bàng hoàng nhìn thẳng vào mắt ông ta.
Ông ta nhún vai:
- Chính tôi mới là thằng làm cô có việc liên tục. Nếu cô đóng hai phim cách nhau lâu đến thế, thiên hạ sẽ quên phứt cô đi ngay. - Ông ta thò tay vào lục túi áo vét tông, lấy ra một bao thuốc lá. - Bà già Mêhicô vẫn làm cho cô đấy chứ?
- Vẫn.
- Cô vẫn sống ở chỗ cũ chứ hả?
- Tất nhiên.
- Có lẽ tuần sau, tôi sẽ tới vào một tối nào đấy. - Ông ta nói. - Tôi đang có mấy cái kịch bản phim, để rồi ta cùng xem xét.
Cô lặng thinh.
- Giônơx sắp sửa đi. - Ông ta thốt lên. - Đi Canađa, có việc. - Ông ta mỉm cười. - Cô biết không, tôi cho rằng thật may là anh ta không nghe được một tý gì về những chuyện ấy của cô, nhỉ?
Cô từ từ thở ra:
- Phải.
- Có lẽ tối thứ tư nhé.
- Tốt hơn là ông nên gọi điện tới trước. - Cô thốt lên, môi cứng đờ, rin rít.
- À, tất nhiên rồi. Tôi quên mất đấy. Mọi cái chả thay đổi gì, nhỉ?
Cô nhìn ông ta.
- Phải, - cô thốt lên âm thầm. Rồi cô đi lướt qua ông ta ra cửa. Người cô chợt bải hoải rã rời. Không có gì thay đổi cả. Mọi cái đều xoay ra như thế với cô, lúc nào cũng vậy. Mọi cái đều nguyên như cũ, không hề thay đổi; trừ có loại tiền mua bán là khác thôi.

2

Cô tỉnh giấc. Điều đầu tiên cô nhìn thấy là những tấm vải trải giường bằng lanh trắng toát tung bay lên trong gió, phơi ở cái dây căng ngoài cửa sổ. Mùi thịt bò hộp và bắp cải thơm sực từ cửa bếp theo cơn gió mùa hè thổi thốc vào căn phòng, nói với cô rằng hôm nay là chủ nhật. Chủ nhật nào với cô cũng là như thế, chỉ có cái khác là hồi còn nhỏ, cô thấy nó có nhiều niềm vui hơn.
Những ngày chủ nhật ấy, khi cùng mẹ đi lễ nhà thờ về, cô thấy bố cô đã dậy và đang tủm tỉm cười, bộ ria của ông đã được tỉa cẩn thận, bôi sáp, mặt ông nhẵn nhụi sạch sẽ, thoang thoảng mùi hương rượu nguyệt quế. Ông tung bổng cô lên, nhanh nhẹn vồ lấy cô, ghì sát vào ngực mình, gầm gừ:
- Thế nào, cô Gấu con Gieny của tôi sáng nay ra sao, hử? Có phải nó đã trở nên ngoan ngoãn, trong sạch, sau khi được uống nước thiêng của Chúa từ cái vòi nước ở đằng sau nhà thờ ấy phải không, hử?
Rồi ông phá lên cười. Gieny khanh khách cười theo, và đôi khi mẹ cô cũng bật cười. Bà vừa cười vừa nói:
- Này, này, anh Thômax Đentơn, đấy là cái lối bố dạy con thế hử? Nhồi nhét cho con những mầm mống bất kính Chúa của bố nó như thế đấy hử?
Bố mẹ cô khi đó còn trẻ, hay cười, tràn trề hạnh phúc, và nắng mặt trời của Chúa khi ấy vàng rực, ấm áp, lấp loáng trên mặt Vịnh Xan Franxicô. Sau bữa ăn chiều thịnh soạn, ông mặc bộ complê xanh thẫm mới tinh của mình một cách cẩn thận, nắm lấy tay cô; rồi hai bố con rời khỏi nhà, đi tìm kiếm phiêu lưu.
Họ gặp chuyện phiêu lưu đầu tiên trên toa xe cáp chạy ngang qua nhà họ. Hai tay bế cô, ông co chân nhảy phắt lên toa xe đang chạy; rồi vẫy vẫy tấm thẻ hai màu xanh nước biển và trắng của người soát vé, tấm thẻ cho phép ông có thể đi bất cứ tuyến xe nào của công ty mà không mất tiền, ông lách lên đầu toa xe, ngay cạnh bác lái. Ông bế bổng cô lên, cho cô đối mặt với luồng gió thổi ngược lại, cho đến lúc cô cảm thấy hơi thở mình như tắc lại trong họng, cô như chết sặc vì niềm vui, vì luồng gió trong lành, mới tinh khôi đang đầy nghẹt trong phổi.
- Đây là con gái tôi, cô gấu con Gieny. - Ông kêu tướng lên cho mọi người nghe, và kiêu hãnh giơ bổng cô lên cho mọi người ai thích nhìn thì có thể nhìn rất rõ.
Và hành khách, trước lúc ấy, mỗi người bận bịu lo nghĩ về chuyện riêng, đều mỉm cười với cô, không hiểu sao như cùng chia sẻ niềm vui đang ửng hồng rạng rỡ trên khuôn mặt ngời ngời, tròn trĩnh của cô bé.
Rồi hai bố con đi tới công viên, hoặc đôi khi ra bến tàu, ăn những con tôm hùm và cua nóng giẫy, bơi ngập trong tỏi. Và bố cô uống bia, những cốc vại to tướng, đầy bọt, mua của những ông đi ủng bán công khai ngay cạnh quầy thức ăn. Nhưng tất nhiên, làm thế là để cho hết mùi tỏi thôi. Hoặc có khi hai bố con tới vườn bách thú, bố cô mua cho cô một túi lạc để cô cho mấy con voi và bầy khỉ đang bị nhốt trong chuồng ăn. Và đến chạng vạng tối, trên đường trở về nhà, cô đã cảm thấy mệt, đôi khi ngủ thiếp đi trên tay bố. Rồi ngày hôm sau là thứ hai, cô không thể thản nhiên đợi quá sáu ngày dằng dặc nữa để tới chủ nhật tiếp.
Phải, không có gì trôi nhanh hơn những ngày chủ nhật của thời thơ ấu. Rồi cô đi học, thoạt đầu kinh hoàng trước các bà sơ mặc tuyền quần áo đen, khắc khổ và cấm đoán trong cách sống. Khuôn mặt tròn xinh xinh của cô nghiêm nghị trên cái áo bludơ trắng và cái váy màu xanh kiểu hải quân. Nhưng rồi các bà ấy dạy ta giáo lý bằng cách vấn đáp, làm lễ Kiên tín cho ta, và mất dần nỗi sợ hãi trước kia; ta dần dần chấp nhận họ là cô giáo của ta, đưa ta đến một cuộc đời phong phú hơn của người có đạo. Và những ngày chủ nhật tràn trề hạnh phúc của tuổi thơ chìm sâu, sâu mãi vào những góc mung lung nhất của ký ức, cho đến khi ta gần như quên mất chúng.
Gieny vẫn nằm nguyên trên giường của tuổi mười sáu, đôi tai thính của cô nghe được hết các âm thanh buổi sáng chủ nhật. Thoạt tiên, mọi cái đều im lặng, rồi giọng the thé của mẹ cô rít lên:
- Ông Đentơn, lần cuối cùng, mời ông dậy đi lễ Max ở nhà thờ cho tôi nhờ. Đến giờ rồi!
Giọng bố cô trầm trầm, ồ ồ không nghe rõ lời. Cô có thể hình dung ra ông, râu chưa cạo, người còn đờ đẫn vì bữa bia chiều thứ bảy hôm qua, mặc đồ lót màu đen, đang nằm sấp trên chiếc giường rộng, mềm mại, vùi mặt vào cái gối to. Cô lại nghe thấy tiếng mẹ:
- Nhưng tôi đã hứa với Cha Hatlây rằng chủ nhật này nhất định ông sẽ tới. Nếu ông không đếm xỉa gì đến linh hồn của chính mình, thì ít nhất ông cũng phải quan tâm chút ít đến linh hồn của mụ vợ và đứa con gái của ông chứ?
Không có tiếng đáp. Rồi cánh cửa đóng sập lại. Mẹ cô đã lùi về bếp. Gieny tung chăn, thả chân xuống dưới sàn, quờ quờ tìm dép. Cô xỏ chân vào dép, đứng dậy, cái áo choàng ngủ bằng vải trắng lướt thướt rủ xuống đến mắt cá chân theo bước cô đi ngang qua cửa phòng.
Cô qua bếp, tới nhà tắm. Mẹ cô từ cái bếp lò, quay người lại:
- Con có thể đội cái mũ xanh mẹ mới làm cho để đi lễ Max, Gieny yêu ạ.
- Vâng ạ.
Cô đánh răng kỹ càng, nhớ lời dặn của Xơ Philomêna đã nói với lớp trong giờ vệ sinh thường thức. Dùng bàn chải đánh vòng tròn, từ dưới lên tới chân răng, tất cả những mẩu thức ăn còn sót lại có thể làm hỏng răng sẽ được chải sạch đi. Cô xem xét răng mình kỹ càng qua chiếc gương. Cô có hàm răng đẹp. Sạch bóng, trắng tinh, đều đặn.
Cô ưa sạch sẽ. Khác với nhiều bạn gái khác học cùng trường trung học làm phước với cô, những người cũng ở cùng một khu phố nghèo với cô và một tuần chỉ tắm có một lần vào thứ bẩy, Gieny đêm nào cũng tắm thậm chí ngay cả khi phải đun nước nóng trong cái bếp của căn hộ cũ kỹ mà gia đình cô đang ở.
Cô ngắm gương mặt mình qua cặp mắt xám trong sáng, cố hình dung ra bản thân trong chiếc mũ và bộ đồng phục trắng của một nữ y tá. Cô phải nhanh chóng quyết định ngay. Tháng sau là tốt nghiệp rồi. Và không phải nữ sinh nào cũng có thể nhận được một học bổng vào trường cao đẳng y tá mang tên Thánh mẫu Mary.
Các bà xơ đều yêu mến cô và cô luôn luôn đạt được điểm cao ở trường làm phước. Ngoài ra, Cha Hatlây đã viết một bức thư cho mẹ M.Ơnơxt, ca ngợi cô vì lòng tận tụy ngoan đạo và việc chăm đi lễ của cô, khác hẳn với nhiều thanh nữ ngày nay, bỏ nhiều thời gian trang điểm trước gương hơn là quì gối trước Chúa của mình. Cha Hatlây đã bày tỏ hy vọng là Mẹ nhân từ đã tìm ra được cách ban thưởng cho đứa con tội nghiệp xứng đáng ấy vì niềm tận tụy của nó.
Học bổng vào trường thánh Mary hàng năm được trao cho một nữ sinh duy nhất có thành tích học tập và sùng đạo nhất, theo nhận xét của một ủy ban đứng đầu là Đức tổng giám mục. Năm nay, học bổng ấy sẽ là của cô, nếu cô quyết định trở thành một y tá. Sáng nay, sau khi đi lễ ở nhà thờ xong, cô sẽ phải đến trình diện mẹ M.Ơnơxt tại văn phòng các bà xơ để trả lời ý kiến ấy.
- Chính lòng nhân từ của Chúa sẽ tha thứ cho em. - Xơ Xiril nói, sau khi đã thông báo cho cô biết quyết định của ủy ban. - Nhưng em phải quyết định cho kỹ. Có thể việc chăm nom những người ốm yếu và bất lực không phải là nghề em thực sự thích thì sao.
Xơ Xiril ngẩng lên nhìn cô gái đang đứng lặng lẽ trước bàn của mình. Gieny đã trở thành người lớn hẳn, dong dỏng cao, thon thả, thân thể đầy đặn là phụ nữ. Vậy mà trong cặp mắt xám yên tĩnh đang nhìn thẳng vào bà đây, vẫn có một vẻ ngây thơ lặng lẽ của trẻ nhỏ. Gieny không đáp. Xơ Xiril mỉm cười với cô.
- Chủ nhật sau, làm lễ Max xong, em hãy đến Văn phòng. Mẹ Mary Ơnơxt sẽ ở đó nghe câu trả lời của em.
Bố cô cáu kỉnh rủa khi nghe được chuyện về cái học bổng.
- Kiểu sống như vậy là cái chết tiệt gì đối với một đứa trẻ hả? Chùi giường đổ bô cho những lão già bẩn thỉu ư? Rồi chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, người ta sẽ dỗ ngon dỗ ngọt con bé cạo đầu để đi tu mất.
Ông hung hãn quay phắt lại phía mẹ cô.
- Bà, chính bà ấy, - ông quát to, - bà và cái đám thầy tu bà nghe lời ấy đã gây ra chuyện này. Có gì thiêng liêng cao cả trong việc đem một đứa trẻ, sinh lực bắt đầu tràn trề rạo rực trong người như vậy, nhốt vào mấy bức tường của tu viện, hả? Thiêng liêng cao cả cái gì thế, hả?
Mặt mẹ cô trắng bệch?
- Thomax Đentơn, nhà ngươi lộng ngôn đấy! - Bà nói lạnh lẽo: - Nếu ông chỉ đến gặp Cha Hatlây nhân từ lấy một lần thôi, ông sẽ biết ông sai đến thế nào. Và nếu con gái của chúng ta trở thành người nhà của Chúa, thì tôi sẽ là bà mẹ tự hào nhất trong tất cả các bà mẹ theo đạo. Có gì sai trong việc dâng đứa trẻ trong trắng của ta cho Chúa nào?
- À, - Bố cô nặng nề thốt lên. - Nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm, khi con bé lớn lên và nhận ra rằng bà đã cướp mất của nó những niềm vui được làm đàn bà, làm mẹ, hả?
Ông quay sang Gieny, cúi xuống nhìn cô.
- Gấu con Gieny, - ông nói dịu dàng, - không phải bố phản đối việc con trở thành y tá, nếu con muốn thế. Mà bố muốn con làm những việc và trở thành bất kỳ loại người nào con thích. Mẹ con và bố, đừng có để ý đến điều ấy. Cái quyết định là con muốn trở thành người thế nào. - Ông thở dài, - Hiểu ý bố không, cô bé con?
Gieny gật đầu.
- Bố, con hiểu ạ.
- Chừng nào chưa thấy con gái mình trở thành một đứa nhà thổ thì nhà ngươi còn chưa lấy làm hài lòng sung sướng đâu! - Mẹ cô đột nhiên thét vào mặt ông.
Ông quay vụt lại.
- Tôi thà nhìn thấy con gái tôi là nhà thổ, theo quyết định của chính bản thân nó, - ông quát lên cộc cằn, - hơn là bị lùa vào nhà tu, trở thành thánh một cách bắt buộc.
Ông quay xuống nhìn Gieny, giọng trở lại dịu dàng:
- Con có muốn trở thành y tá không, hở Gấu con Gieny?
Cô ngẩng lên nhìn ông bằng đôi mắt xám trong vắt:
- Bố ạ, con nghĩ là có đấy.
- Nếu con thích vậy, Gấu con. - Ông nói lặng lẽ, - thì bố sẽ đồng ý như vậy.
Mẹ cô nhìn ông, mắt ánh lên một vẻ đắc thắng lạnh ngắt:
- Khi nào thì ông hiểu ra được rằng ông không thể chống lại được Chúa tối thượng, hở ông Thômax Đentơn?
Ông chực đáp, nhưng rồi mím chặt môi lại, và sải chân đi khỏi phòng.
Xơ Xirl gõ khẽ vào cánh cửa gỗ sồi nặng nề của Văn phòng.
- Xin mời vào, - một giọng vững vàng, rành rọt vang ra. Xơ mở cửa, ra hiệu cho Gieny.
Gieny ngập ngừng bước vào phòng. Xơ Xiri ở phía sau cô.
- Thưa Đức mẹ bề trên, đây là Gieny Đentơn ạ.
Người đàn bà trung niên mặc bộ đồ đen của nữ tu sĩ đang lúi húi cúi trên mặt bàn, ngẩng lên. Một cốc nước chè uống dở đang ở trong tay bà. Bà chăm chú nhìn Gieny bằng cặp mắt dò hỏi sáng quắc đến kỳ lạ.
- Vậy ra con là Gieny Đentơn đấy, - bà thốt lên chìa tay ra cho cô.
Gieny nhanh nhẹn khuỵu chân chào, hôn lên chiếc nhẫn trên tay bà.
- Dạ, thưa Đức mẹ bề trên, vâng ạ. - Rồi cô nhấc thẳng lưng, đứng cứng người trước cái bàn.
Mẹ bề trên M. Ơnơxt lại mỉm cười, mắt thoáng ánh lên một nét vui vẻ.
- Con có thể cứ tự nhiên. Ta không ăn thịt con đâu mà sợ.
Gieny vụng về mỉm cười.
Mẹ Ơnơxt nhướn bên mắt lên, tỏ ý hỏi.
- Có lẽ con thích uống một cốc nước chè chứ? Một cốc nước chè bao giờ cũng làm ta cảm thấy dễ chịu hơn đấy.
- Dạ, thế thì hay quá ạ. - Gieny lúng túng đáp.
Đức mẹ bề trên ngẩng lên nhìn Xơ Xiril gật đầu.
- Dạ thưa Đức mẹ bề trên, con sẽ đi lấy ạ, - Xơ Xiril nói nhanh.
- Và cho ta xin thêm một cốc nữa, nhé. - Mẹ Ơnơxt quay lại nhìn Gieny, mỉm cười. - Ta thật sự rất thích một cốc nước chè ngon. Mà ở đấy người ta thực sự có chè ngon đấy. Không phải là thứ nước loãng tuếch loãng toác như ở bệnh viện đâu, mà là chè thực sự, pha trong ấm, theo đúng kiểu pha chè. Kìa con, sao con không ngồi xuống đi hả?
Câu cuối cùng thốt ra bất ngờ quá đến nỗi Gieny tưởng nghe không rõ.
- Dạ, thưa bà, gì... gì cơ ạ? - Cô lắp bắp hỏi.
- Kìa con, ngồi xuống đi chứ. Con không việc gì phải sợ ta. Ta muốn là bạn con mà.
- Dạ thưa, vâng ạ. - Gieny thốt lên, ngồi xuống, hồi hộp hơn cả lúc mới vào.
Mẹ bề trên chăm chú nhìn cô một lúc.
- Như vậy là con đã quyết định trở thành y tá rồi đấy, nhỉ?
- Dạ, thưa Đức mẹ bề trên, vâng ạ.
Cặp mắt sáng một cách kỳ lạ của Mẹ Ơnơxt nhìn xoáy vào cô.
- Tại sao thế? - Bà đột ngột hỏi.
- Tại sao ư? - Gieny ngạc nhiên. Cô cụp mắt xuống trước cái nhìn của mẹ Ơnơxt. - Tại sao ư? - Cô ngẩng lên, nhìn thẳng vào mặt bà. - Con không rõ. Có lẽ chưa bao giờ con nghĩ đến việc hỏi tại sao lại thế ạ.
- Con bao nhiêu tuổi rồi?
- Tháng sau, trước khi tốt nghiệp một tuần, con sẽ mười bảy ạ.
- Có phải ngay từ bé con đã muốn trở thành y tá, giúp đỡ những người ốm yếu, phải không?
Gieny lắc đầu.
- Không ạ, - cô đáp bình thản, - mãi đến bây giờ, con mới nghĩ nhiều đến nó.
- Trở thành y tá là một việc rất vất vả. Ở trường thánh mẫu Mary, con có rất ít thời gian riêng. Con làm việc và học cả ngày; tối phải ngủ trong trường. Mỗi tháng một ngày con được về thăm nhà. - Mẹ bề trên khẽ xoay cái tách để quai cầm của nó không chĩa thẳng vào mình. - Bạn trai của con có thể không thích điều đó.
- Nhưng con không có bạn trai nào cả ạ. - Gieny nói.
- Con đã đi nghe các buổi hòa nhạc dạo với Maikơl Halôrơn. - Mẹ bề trên nói. - Rồi con thứ bẩy nào cũng chơi quần vợt với cậu ta. Như thế không phải cậu ta là bạn trai của con sao?
Gieny bật cười.
- Không ạ, thưa Đức mẹ bề trên. Cậu ta không phải là bạn trai của con theo kiểu ấy.
Cô lại bật cười, lần này là với mình, khi hình dung lại cái anh chàng gày gò, lóng ngóng, cao lêu đêu ấy, người chỉ có ước muốn lãng mạn duy nhất là luyện sao cho cái cú vụt bóng tay trái được mạnh hơn.
- Cậu ta chỉ là người chơi quần vợt giỏi nhất ở khu này, thế thôi ạ. - Cô nói thêm. - Và nhất định có ngày con sẽ đánh bại cậu ta.
- Năm ngoái con là đội trưởng đội quần vợt nữ của trường phải không?
Gieny gật đầu.
- Con sẽ không có thời gian chơi quần vợt ở Trường Y tá đâu.
Cô bé lặng thinh không đáp.
- Ngoài y tá ra, con còn muốn làm gì nữa không?
Gieny nghĩ ngợi một thoáng. Rồi cô ngẩng lên nhìn thẳng vào Mẹ bề trên.
- Con muốn đánh bại được Hêlen Uyn để giành chức vô địch quần vợt nước Mỹ.
Mẹ bề trên bật cười. Bà vẫn còn cười khi Xơ Xiril mang nước chè bước vào. Bà nhìn qua bàn, tới cô gái:
- Con nhất định làm được điều đó, - bà nói, - và ta có một cảm giác nữa là con sẽ trở thành một nữ y tá rất tốt.

3

Vừa tiến tới được cửa phát lương, Tôm Đentơn đã nhận ra ngay là có chuyện gì đó không ổn rồi. Thường thì lão kế toán trưởng đã chờ sẵn ông với một câu nói đùa, đại loại là có muốn lão ta giữ lại cái phong bì cho vợ ông không, để quán bia chiều thứ bảy sẽ không nuốt trôi được nó? Nhưng lần này thì không có lời nói đùa, câu châm chọc thân thiện nào cả, những câu nói đùa đã trở thành một phần của các cuộc gặp mặt hàng tuần giữa họ với nhau gần mười lăm năm nay. Thay vào đó, ông bạn kế toán chỉ đẩy vội cái phong bì lương qua kẽ chấn song thép, cụp mắt xuống ủ rũ, tránh ánh mắt của Tôm.
Tôm chằm chằm nhìn ông ta một thoáng. Ông đưa mắt liếc vội mấy khuôn mặt xếp hàng sau ông. Họ cũng đã biết điều đó. Nom thái độ của họ là ông hiểu rõ. Người ông chợt nghẹn lên một cảm giác xấu hổ rất kỳ quặc. Chuyện này không thể xẩy ra với ông được. Không thể, sau mười lăm năm như vậy. Ông cụp mắt xuống, rời cửa phát lương, cái phong bì trong tay.
Ông không cần ai phải bảo cho biết rằng thời buổi đang khó khăn. Lúc này là năm 1931, bằng chứng của nó hiển hiện quanh ông chứ đâu xa. Những gia đình đã phải sống bằng cứu tế, các hàng người xếp dài dằng dặc mua bánh mỳ, các khuôn mặt xám xịt, mệt mỏi của dòng người vô tận sáng sáng leo lên xe cáp của ông đi làm.
Ông đã đi ra gần đến cổng tòa nhà để xe điện; và đột nhiên ông thấy không thể chờ được nữa. Đâm bổ vào một góc tôi tối, ông rút cái phong bì ra. Ông xé nó bằng những ngón tay run lẩy bẩy. Vật đầu tiên rơi vào tay ông là miếng giấy màu xanh đáng sợ ấy.
Ông trợn tròn mắt nhìn nó, kinh ngạc. Nhất định đây là chuyện nhầm lẫn. Họ không định gửi cho ông. Ông không phải là người mới làm có một năm hay hai năm, thậm chí không phải là năm năm nữa. Ông có thâm niên kỳ cựu. Mười lăm năm. Họ không thể thải đám đã làm việc cho họ mười lăm năm được. Chưa thể được.
Ấy vậy mà họ đã thực sự làm. Ông nhếch mắt nhìn tờ giấy trong ánh sáng chập choạng của cái góc ấy. Bị thải. Thật là một trò cười cay đắng. Từ trước đến giờ, lý do giải thích cho một lần cắt lương đều là nó - để khỏi phải thải bớt thợ. Ngay cả tổ chức công đoàn cũng bảo họ thế.
Ông nhét lại cái phong bì vào túi, cố trấn áp một cảm giác sợ hãi bỗng cuộn lên trong lòng. Ông sẽ làm gì bây giờ? Tất cả những gì ông biết đều thuộc xe điện. Ông đã quên hết mọi công việc đã từng làm trước đó. Ông chỉ còn nhớ hồi trẻ có thời gian ông đã làm phụ nề ở công trường.
Ông đi ra khỏi tòa nhà để xe điện tôi tối, lóa mắt vì ánh sáng ban ngày chói chang. Một tốp đàn ông đang đứng tụm lại trên vỉa hè, bộ đồng phục màu xanh bạc của họ trở nên đỏ quạch trong ánh nắng. Một người gọi:
- Này Đentơn, ông cũng vớ được cái đó phỏng?
Tôm nhìn ông ta, gật đầu.
- Phải.
- Chúng tôi cũng vậy. - Một người khác đáp. - Họ thải những anh có thâm niên cao ra bởi chúng ta nhận được nhiều lương hơn. Tất cả những người mới đều được giữ lại hết.
- Các ông đã tới công đoàn chưa vậy? - Tôm hỏi.
- Chúng tôi tới rồi, và đã quay trở lại đây đây. Hội trường đóng cửa. Lão gác cổng ở đó bảo thứ hai hẵng quay lại.
- Đã ai gọi điện cho Riođan chưa?
- Điện thoại ở nhà ông ta không có ai cầm máy.
- Nhất định phải có một ai đó biết lão Riođan giờ đang ở đâu. - Tôm thốt lên. - Ta hãy tới hội trường, bắt gác cổng phải cho ta vào. Xét cho cùng, ta nộp tiền công đoàn phí để làm gì, nếu ta không được họp ở đó hả?
- Tôm ạ, ý đó hay đấy. Chúng ta không thể ngồi trơ ra để họ thay ta bằng đám nhận năm mươi lăm xu, dù họ có nói năng thế nào đi chăng nữa.
Họ bắt đầu tới hội trường công đoàn, cách nhà để xe hai khối nhà. Tôm lặng lẽ rảo bước. Không hiểu sao, ông vẫn chưa thể tin là việc này có thật. Mười xu một giờ không thể có ảnh hưởng gì ghê gớm lắm đối với công ty. Mà ông rất sẵn sàng chịu giảm lương một lần nữa nếu người ta hỏi ông. Thật là bất công, cái lối họ đã làm như thế này. Bọn ông phải tìm cho ra Riođan. Ông ta biết các lý do. Ông ta là thủ lĩnh công đoàn.
Hội trường tối om lúc họ tới. Họ đấm thình thình vào cửa cho đến khi ông già gác cổng phải mở nó ra.
- Tôi đã bảo lũ các anh là ông Riođan không có ở đây, - ông già cáu kỉnh thốt lên bằng cái giọng rè rè của người có tuổi.
- Riođan đâu?
- Tôi không biết. - Ông gác cổng đáp, chực đóng cửa lại. - Các anh về nhà đi.
Tôm đặt chân lên cửa, đạp mạnh. Ông già bị đẩy bắn vào phía trong, loạng choạng xuýt ngã. Đám người ùa vào nhà theo sau Tôm.
- Các anh xéo khỏi đây đi! - Ông già cáu kỉnh réo lên.
Họ lờ ông lão đi, xô nhau đi tới phòng họp ở cuối hành lang. Đến giờ, đám đông đã lên tới gần ba mươi người. Vào được đến nơi rồi, họ ngập ngừng đứng lại, không rõ phải làm gì tiếp nữa. Họ xoay người nhìn nhau.
- Ta hãy vào văn phòng Riođan, - Tôm đề nghị, - có thể ở đó ta sẽ biết ông ta đang ở đâu.
Văn phòng của Riođan là một cái buồng quây bằng kính ở cuối hội trường. Họ đẩy nhau tới đấy, nhưng chỉ mấy người có thể vào lọt được. Tôm cúi xuống nhìn mặt bàn của tay thủ lĩnh công đoàn. Một cuốn lịch, một cái thấm mực màu xanh lá cây, dăm cái bút chì gác vào nó. Ông mở một ngăn kéo ra, rồi lần lượt mở hết tất cả các ngăn kéo khác, ông chỉ tìm thêm được bút chì, hóa đơn nộp lệ phí công đoàn chưa điền, giấy biên nhận.
Ông già gác cửa xuất hiện ở cuối tòa nhà.
- Nếu các ông không xéo khỏi đây ngay, - ông già thốt lên, - tôi sẽ gọi cảnh sát.
- Đi gọi cứt khô ấy, ông già ạ! - Một tay soát vé tàu mặc áo xanh quát trả.
- Phải đấy. - Một người khác quát theo. - Đây là công đoàn của chúng tôi. Chúng tôi nộp lệ phí, trả tiền thuê nhà. Chúng tôi cứ ở đây, nếu chúng tôi thích.
Lão gác cổng biến mất vào hành lang. Mấy người nhìn Tôm.
- Chúng ta phải làm gì bây giờ?
- Có lẽ ta nên quay về để tới thứ hai chăng? - Một người đề nghị. - Khi đó ta sẽ xem Riođan nói năng ra sao?
- Không. - Tôm đáp cộc lốc. - Đến thứ hai thì không còn ai có thể làm gì được nữa đâu. Chúng ta phải giải quyết việc này ngay trong hôm nay.
- Bằng cách nào?
Tôm đứng lặng một thoáng, nghĩ ngợi.
- Công đoàn là dịp may duy nhất của ta. Ta phải bắt công doàn làm một cái gì đó cho ta.
- Nhưng không có Riođan ở đây thì ta làm cách nào?
- Riođan không phải là công đoàn. - Tôm đáp. - Chúng ta là công đoàn. Nếu ta không tìm ra ông ấy, ta sẽ phải làm việc này không có ông ấy. - Ông quay sang một người đàn ông. - Patrick, ông có chân trong ban chấp hành công đoàn. Riođan thường làm như thế nào trong những trường hợp như thế này?
Patrick trật mũ, gãi gãi mớ tóc bạc của mình.
- Tui cũng chả biết cái chi. - Ông ta tư lự thốt lên. - Nhưng tui cho rằng việc đầu tiên ông ta làm là triệu tập một cuộc mít tinh.
- Được. - Tôm nói. - Ông đem một số người quay trở lại nhà để xe điện, bảo ca ban ngày tới đây họp ngay.
Đám người háo hức hẳn lên, mấy phút sau, dăm người quay về nhà để xe làm theo lời Tôm.
- Nếu chúng ta có mít tinh, - một ai đó thốt lên, - ta phải có chương trình nghị sự. Người ta không thể mít tinh mà không có chương trình nghị sự đâu.
- Chương trình nghị sự của chúng ta là “Công ty có thể thải chúng ta như vậy ư?” - Tôm nói.
Họ gật đầu tán thành.
- Phải, chúng ta có quyền như vậy.
- Cái trò mít tinh thế này làm tớ khát khô cả họng. - Một người khác thốt lên. - Tất cả chuyện nói năng quát tháo vừa rồi đã làm tớ đến cháy họng mất thôi.
- Đi mua ngay lấy một thùng bia! - Một giọng thét lên ở phía cuối đám đông.
Đám người ầm ĩ reo lên đồng ý, vui mừng và háo hức thật sự. Một cuộc thu tiền nhanh chóng được thực hiện, hai người được phái đi làm ngay. Và khi họ trở lại, thùng bia được bê lên đặt trên một cái bàn ở cuối phòng.
- Bây giờ, anh em ôi! - Một người kêu lên, đưa cốc bia của mình đi đi lại lại ngang trước mắt. - Bây giờ thì ta có thể chính thức bắt đầu vào công việc được rồi.
Cái hội trường ồn ào nhốn nháo như chợ. Hơn một trăm người đi lại loanh quanh, bàn tán, quát tháo vào nhau. Thùng bia đầu tiên đã hết. Hai thùng mới đang đứng trên bàn, chảy ra hai dòng bia mát lạnh một cách hào phóng.
Tôm lấy cái búa gõ tìm thấy trong ngăn kéo của Riođan gõ bồm bộp xuống bàn.
- Trật tự, trật tự nào anh em. Cuộc mít tinh bắt đầu!
Ông quát lên lần này là lần thứ năm trong vòng mười phút qua. Ông gõ bồm bộp liên hồi như vậy cho tới khi mấy người ngồi ở hàng ghế trước chú ý, nhận ra lời ông.
- Im nào! - Một người quát lên. - Im để nghe xem bố già Tôm định nói gì nào?
Tiếng ồn giảm dần xuống, chỉ còn rì rầm ở chỗ này chỗ nọ. Rồi mọi cặp mắt đều chăm chú nhìn Tôm. Ông đợi cho căn phòng im lặng theo ý mình muốn rồi mới hồi hộp hắng giọng, nói:
- Chúng ta tổ chức cuộc mít tinh này bởi vì hôm nay, công ty đã thải năm mươi người và chúng ta không tìm ra Riođan để giải thích rõ lý do cho chúng ta nghe. - Ông xoay xoay cái búa trong một thoáng. - Công đoàn, tổ chức được coi là người bảo vệ công việc của chúng ta, giờ phải ra tay hành động, thậm chí ta không rõ giờ Riođan ở đâu. Những người bị thải hôm nay đều có thâm niên cao. Và công ty không thể có lý do nào để từ chối việc nhận họ trở lại.
Đám đông gầm lên tán thưởng.
- Trong khi các bạn đang uống bia. - Tôm nói. - Tôi đã xem lại các nội quy trong cuốn sổ công đoàn của tôi. Nội quy nói rằng một cuộc mít tinh được quyền quyết định kêu gọi bãi công nếu có trên hai mươi lăm đoàn viên công đoàn có mặt. Ta ở đây hiện giờ có trên hai lăm, và tôi đề nghị ta sẽ biểu quyết có bãi công hay không vào ngày thứ hai, nếu như công ty không nhận ta trở lại ngay.
- Bãi công! Bãi công!
- Chúng ta đã làm ăn trung thành với công ty bao nhiêu năm như vậy, luôn trung thực như vậy với họ, lý đếch nào mà họ lại đá bay ta ra như thế, hả?
- Ph... ải.
- Đừng có để xu dính chặt vào tay nhớ, Tôm. - Một người ở đằng sau kêu to. - Trong đám đông thế này, có thể có chỉ điểm đấy!
- Nếu có chỉ điểm. - Tôm sắt giọng lại. - Cứ để nó quay về báo cho công ty biết là ta đang làm gì ở đây. Ta sẽ cho họ biết là họ không thể chèn ép ta thế được.
Một tràng vỗ tay rộ lên.
Tôm vẫy tay:
- Bây giờ ta sẽ biểu quyết bãi công. Tất cả những ai đồng ý, xin giơ tay.
Đám đông đột nhiên lặng ngắt. Người nọ nhìn người kia hồi hộp. Cánh cửa ở phía sau phòng họp bỗng bật mở, Riođan đứng sững ở đó.
- Ăn nói buông tuồng về chuyện bãi công là thế nào vậy, hả các bạn?
Ngạc nhiên, họ quay lại, trố mắt nhìn ông ta. Viên thủ lĩnh công đoàn to béo nặng nề, mặt đỏ ửng đứng nhìn chằm chằm xuống phòng họp. Một tiếng rì rầm bỗng nổi lên trong đám đông, gần như một hơi thở dài nhẹ nhõm. Riođan đến đây rồi. Ông ấy sẽ bảo họ phải làm gì. Ông ấy sẽ giải quyết mọi chuyện.
- Chào anh Tôm. - Riođan thốt lên, bước tới bàn chủ tọa, chìa tay ra. Tôm bắt tay ông ta. Đây là lần đầu tiên ông làm thế.
- Chúng tôi đã đến đây bởi vì chúng tôi nghĩ công đoàn cần phải làm một cái gì đó cho chúng tôi.
Riođan xảo quyệt nhìn Tôm.
- Tất nhiên, tất nhiên rồi anh Tôm ạ, - ông ta nói êm êm, - và anh làm thế là đúng lắm.
Tôm thở dài nhẹ nhõm. Trong một thoáng trước, ông đã nghĩ là Riođan sẽ phát khùng về cái lối bọn các ông đã phá cửa chiếm hội trường như thế này. Ông chăm chú theo dõi Riođan. Ông ta quay lại đám đông, giơ một tay lên. Hội trường lạnh ngắt.
- Anh em. - Riođan trầm ngâm nói. - Cái lý do anh em không thể tìm ra tôi là bởi vì tôi ở lỳ trong văn phòng công ty từ lúc biết được chuyện thải người ấy. Khi đó không còn thời gian triệu tập mít tinh nữa, nhưng tôi muốn thông báo cho anh em biết là công đoàn đứng về phía anh em đòi việc làm.
Đám đông hò reo phấn khởi. Họ nhìn nhau ngượng ngập.
- Và tôi muốn bày tỏ sự hoan nghênh hành động nhanh chóng của bạn Tôm Đentơn đây đã triệu tập tất cả anh em tới hội trường này. Điều ấy thể hiện rằng bạn Tôm Đentơn, như bất kỳ ai trong số các bạn, đã hiểu rằng công đoàn chính là bạn của mình.
Tôm đỏ mặt giữa tiếng hoan hô rầm rộ lên lần nữa. Riođan quay lại đám đông.
- Tôi đã làm việc suốt chiều nay, tranh đấu với ban quản trị, và cuối cùng đã làm cho họ phải chùn lại một ít.
Tiếng hò reo dậy lên tưởng sập cả trần nhà.
Riođan giơ một tay lên, mỉm cười.
- Đừng mừng sớm, anh em ạ. Như đã nói đấy, tôi chỉ làm cho họ lùi lại được một chút thôi, nhưng đấy là khởi điểm. Họ hứa tháng sau sẽ họp thêm với tôi nhiều lần nữa.
- Họ có nhận lại chúng tôi không? - Tôm hỏi.
Riođan nhìn ông, rồi quay lại đám đông.
- Ban quản trị đồng ý nhận lại mười người trong số bị thải hôm nay. Họ cũng đồng ý là nhận tiếp mười người nữa vào tháng sau.
Cả phòng chợt lặng đi một cách kỳ lạ. Người nọ bối rối nhìn người kia.
- Nhưng có hơn năm chục người chúng tôi bị thải, - Tôm nói to, - mười người được nhận lại thì ăn thua gì trong số đông đó?
- Anh Tôm, đấy là khởi đầu. Ta không thể làm ngay tất cả trong một lúc được.
- Tại sao không hả? - Tôm nóng nảy vặc lại. - Công ty đã thải tất cả cùng một lúc đấy thôi.
- Việc ấy khác. - Riođan đáp. - Công ty có quyền giãn thợ nếu công việc làm ăn có khó khăn.
- Chúng tôi biết. Nhưng chúng tôi căm là căm cái cách người ta làm ấy. Họ không thèm đếm xỉa gì đến chuyện thâm niên cao, là điều họ đã thỏa thuận trong giao kèo với công đoàn. Họ thải tất cả những người sáu lăm xu để giữ lại những người năm lăm xu.
- Tôi biết. - Riođan đáp. Một thoáng sắc lạnh lộ ra trong giọng nói của lão ta. - Nhưng việc họ nhận lại mười người là khởi đầu. Nó còn tốt hơn là để tất cả năm mươi người các anh bị tống ra đường. - Lão quay lại đám đông. - Mười người các bạn sẽ trở lại làm việc. Có thể tháng sau, lại thêm mười người nữa. Như thế còn tốt hơn là không có gì. Công ty không sợ các bạn bãi công đâu. Họ tuyên bố là ngừng hoạt động, họ lại tiết kiệm được tiền.
- Tôi nói là ta nhận. - Một người trong đám đông kêu lên. - Mười người trong bọn ta đi làm còn hơn là không ai cả, đúng như lời ông Riođan nói đấy.
- Không. - Tôm cáu kỉnh đáp, đứng vụt dậy. - Công ty cần phải nhận lại tất cả chúng ta. Mỗi một chúng ta đều có quyền làm việc không kém gì nhau cả. Nếu tất cả đám sáu mươi lăm xu chúng ta chịu giảm xuống nhận năm mươi lăm xu, thì công ty có thể nhận tất cả chúng ta lại được.
Riođan phá lên cười khàn khàn.
- Nghe thấy chưa, anh em, - lão ta kêu to, - anh em có thích bị cắt lương một lần nữa không?
Có tiếng rì rầm trong đám đông. Họ bứt rứt ngọ ngoạy trên ghế.
- Tôi thà chịu cắt lương còn hơn để tất cả chúng ta bị sa thải. - Tôm nói.
Riođan quắc mắt nhìn ông. Không còn chút gì thân thiện trong cái nhìn ấy nữa cả. Lão đã cáu ngay từ phút nhận được cú điện thoải của viên giám đốc phụ trách nhân sự của công ty, khuyên lão ta nên đến hội trường công đoàn ngay. Điện thoại gọi đến Riođan đúng vào cái thời điểm tế nhị khó nói nhất. Lão chồm khỏi giường, làu bàu chửi, trong lúc lóng ngóng mặc lại quần áo.
- Cái gì thế, anh yêu?
- Một thằng soát vé khốn nạn đã chiếm hội trường và đang kêu gọi bãi công cho đám thợ nghe.
- Nhưng không thể thế được. - ả nhân tình của lão bàng hoàng kêu lên. - Anh đã hứa với công ty là sẽ không có chuyện gì rắc rối cho các ông ấy cơ mà.
- Sẽ không có. - Lão rít lên. - Không một đứa nào có thể làm Riođan này nuốt được lời hứa đâu!
Cho đến khi lái xe đến hội trường công đoàn, lão đã dịu dịu đi được một chút. Nhưng giờ lão lại phát khùng. Giải thích cho mụ vợ chịu tin lão đã sử dụng những tối thứ bẩy ở đâu đã là một việc đủ nhọc rồi, nữa là phải mệt thêm với một đám công nhân xe điện ngu ngốc này.
Lão quay ngoắt lại đám đông.
- Tôi cho rằng ta sẽ giải quyết việc này ngay ở đây, ngay bây giờ, - lão thét to, - các anh chọn đi. Mười người trở lại làm việc hay là bãi công.
- Hượm đã. - Tôm phản đối.
- Anh em đã vứt bỏ lời đề nghị của anh rồi. - Riođan đáp cộc cằn. Ông ta giơ một tay lên. - Ai đồng ý mười người trở lại làm việc, giơ tay!
Khoảng chín mười người giơ tay.
- Ai không?
Ngoài Tôm ra, chỉ lưa thưa mấy người nữa.
- Phái đồng ý đã thắng. Thôi bây giờ anh em về hú hí với vợ đi. Sáng thứ hai tôi sẽ báo rõ ai là người đi làm.
Đám đông bắt đầu chậm rãi đi ra khỏi phòng. Tôm nhìn Riođan. Nhưng lão tránh ánh mắt của ông, bước vào phòng làm việc quây kính của lão, nhấc điện thoại lên gọi.
Tôm mệt mỏi lê bước ra cửa. Một vài người thợ liếc nhìn ông, rồi vội vã bước qua ngay, dường như sợ phải nhìn thẳng vào mắt ông. Đến cửa, ông quay lại nhìn, Riođan vẫn đang nói gì vào điện thoại.
Đêm trong vắt, sáng sủa. Một làn gió ấm hiu hiu thổi vào từ vịnh. Tư lự, ông bước dọc theo vỉa hè. Ông sẽ không là một trong mười người thợ may mắn được nhận lại. Ông biết chắc như thế. Ông đã nhìn thấy nỗi căm giận cháy lên trong mắt Riođan. Rẽ qua góc phố, ông bước tới điểm đỗ của xe cáp ở tòa nhà bên cạnh. Ông thoáng uể oải nghĩ không biết tấm thẻ đi tàu của mình còn giá trị không, khi ông bây giờ đã bị thải.
Hai người đàn ông đi vượt qua ông trong cái phố tôi tối. Một người dừng lại.
- Ông có que diêm nào không ạ?
- Có đây. - Tôm nói. Ông lục lục trong túi. Có thể ông không còn có việc làm nữa, nhưng diêm thì vẫn còn. Ông đánh diêm. Vẻ sắt lại trong con mắt người đàn ông và tiếng chân gã thứ hai đột ngột vang lên sau lưng ông là một lời báo động quá muộn. Một quả đấm giáng mạnh xuống gáy ông, ông ngã khuỵu xuống đầu gối.
Ông quài tay, vớ lấy chân gã đứng trước. Thở hồng hộc, gã chửi bật lên một tiếng, thúc bung hai đầu gối lên đúng vào bẹn ông.
Tôm rú lên đau đớn, ngã vật ra, đầu đập bốp xuống vỉa hè. Như từ rất xa, ông cảm thấy mơ hồ hai gã lưu manh đá tới tấp vào người ông. Ông lăn qua mép vỉa hè, rơi xuống rãnh nước.
Ông cảm thấy một bàn tay thọc vào túi, lấy cái phong bì lương. Ông yếu ớt cố sức túm lấy bàn tay ấy.
- Không, không, - ông van vỉ, - xin đừng lấy, đấy là lương của tôi, tôi chỉ còn có thế.
Gã đàn ông cười gằn, nhằm thái dương ông đá một cái cuối cùng.
Tôm nhìn thấy chiếc ủng nặng trịch bổ vụt xuống, nhưng không kịp tránh. “Bốp!” mặt ông nổ đom đóm, ông lăn vật sang một bên,úp mặt sấp xuống một vũng nước trong rãnh.
Ông tỉnh dậy, từ từ, đau đớn, trong tiếng nước chảy róc rách qua mặt. Mệt mỏi, ông nghiêng đầu sang một bên. Trời bắt đầu mưa lắc rắc.
Người ông đau như dần. Ông chống tay, từ từ đứng dậy. Trời đất chợt quay cuồng trước mặt ông, ông phải chụp vội lấy một cột đèn đường. Ngọn đèn nhấp nháy rồi tắt phụt. Đã gần sáng bạch. Khung cảnh buồn bã ảm đạm của buổi sáng dần dần hiện rõ quanh ông.
Ông nhìn thấy cái mũ xanh đồng phục soát vé của ông nằm ngập trong rãnh nước, không xa chỗ đang đứng. Chậm chạp, ông quỳ xuống, nhặt nó lên. Ông chùi chùi nó vào cái áo khoác ngoài rồi bước ra góc đường. Trong một cái tủ kính của hiệu thuốc có một cái gương. Ông đứng lại soi.
Bộ đồng phục của ông rách toạc, xơ chỉ ra nhiều chỗ, caravat lệch sang một bên, cúc áo sơ mi đứt hết. Từ từ, ông đưa tay lên mặt sờ sờ. Mũi ông vẹo đi, sưng mọng lên. Một mắt đã bầm tím. Đầu lưỡi ông chạm phải cái cạnh sắc lởm chởm của mấy cái răng gẫy.
Nghẹn lời, choáng váng, ông trố mắt nhìn hồi lâu. Rồi ông bắt đầu hiểu ra. Riođan đã gây ra chuyện này. Ông tin chắc là như vậy. Chính vì thế mà Riođan đã gọi điện thoại khi ông rời khỏi hội trường công đoàn đi ra.
Đột nhiên, ông chợt nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ còn có thể quay về làm cho công ty xe cáp điện nữa. Riođan sẽ để ý đến chuyện đó, sẽ làm cho nó trở nên thế. Ông đứng sững ở đó hồi lâu, nước mắt bắt đầu ròng ròng lăn xuống má. Mọi cái đều hỏng hết. Mọi cái. Giờ ông không có việc làm, không có tiền nữa. Và kinh khủng nhất, là phải kể lại cho Êlen nghe.
Bà sẽ không bao giờ tin rằng ông đã không say sưa chè chén ở quán rượu. Và thật khôi hài cay đắng là ông đã thực sự không uống một tí gì cả, ngoài một cốc bia.

4

- Thế nào, ông định ngồi đấy suốt ngày đọc báo, nghiên cứu xem công việc nào phù hợp với hai bàn tay cao quý của mình hả? - Êlen Đentơn mỉa mai, đay nghiến.
Mặt bà sa sầm. Bà đang gói bữa ăn trưa của Gieny vào một miếng giấy tráng sáp. Tôm lặng thinh, vừa cúi lại xuống tờ báo thì Gieny bước vào phòng.
- Con chào mẹ, - cô vui vẻ nói, - con chào bố.
- Chào Gấu con Gieny. - Ông đáp, mỉm cười với cô. - Thế nào Con ốc hương thắng cuộc sáng nay ra sao?
- Khỏe lắm ạ. - Đấy là một chuyện đùa riêng của hai bố con. Ông đã gọi cô như vậy khi cô được nhận vào làm nghề đánh máy tại một công ty bảo hiểm tháng trước... Khi đó ông đã mất việc ở hãng xe điện được năm tuần và Gieny thì tốt nghiệp trường trung học làm phước được hai tuần.
- Con bây giờ là con ốc hương thắng cuộc rồi đấy. - Ông thốt lên với cô. - Nhưng một hai tuần nữa là bố sẽ tìm được việc làm ngay. Và rồi con sẽ có thể vào học Trường cao đẳng y tá thánh Mary như con đã dự định.
- Gieny, mày bôi son nhiều quá đấy. - Mẹ cô kêu lên. - Tốt hơn là nên chùi bớt đi.
Tôm nhìn con gái. Cô không bôi quá nhiều son như bà mẹ đã kêu. Mà còn ít hơn rất nhiều so với đám con gái hồi còn đi làm sáng sáng ông nom thấy trên xe cáp.
- Ôi, mẹ, - Gieny phản đối. - Con đang đi làm văn phòng, chứ không phải còn đi học. Con phải nom tử tế chứ ạ.
- Mày phải nom ra tử tế, chứ không phải bôi trát như vậy.
- Ô... ôi, Êlen, để cho con bé yên! - Tôm chậm rãi nói.
Êlen nhìn ông, mắt nẩy lửa.
- Khi nào ông đem được mấy xu về nuôi gia đình thì ông hãy nói nhớ!
Tôm trợn mắt nhìn bà, mặt sầm xuống. Ông cảm thấy rõ máu đang nhợt đi trên mặt mình.
Gieny mỉm cười thông cảm với ông. Và thế lại càng làm ông khó chịu. Ông chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày Gieny thấy thương hại ông. Ông mím chặt môi, ngăn một tràng rủa cáu kỉnh chực bật ra.
- Lạy Chúa, con muộn mất rồi. - Gieny nhảy vội lên. Cô vồ lấy cái túi giấy trên bàn, chạy bổ ra cửa.
- Chào mẹ, - cô nói với qua vai, - chào bố. Chúc bố hôm nay gặp may.
Tôm nghe thấy tiếng chân cô chạy rào rào xuống cầu thang. Ông lại cúi xuống đọc báo.
- Cho tôi xin một tách cà phê nữa được không?
- Không. Ông chỉ được một tách thôi. Ông nghĩ ta có thể mua được bao nhiêu cà phê với mười đôla lương hàng tuần của con bé hả?
- Nhưng bà đã có bình cà phê ở ngay đây thôi. Pha rồi.
- Đấy là để sáng mai hâm lại.
Ông cẩn thận gập tờ báo, đứng dậy, bước vào buồng tắm. Ông mở vòi nước, cứ để nó chảy như vậy trong khi với lấy bàn chải và dao cạo râu. Ông đưa tay hứng dưới vòi nước.
- Êlen, không có nước nóng cho tôi cạo râu đây này.
- Thế thì dùng nước lạnh đi. - Bà nói với ra. - Trừ phi ông có hai lăm xu bỏ vào đồng hồ ga nhé. Tôi giữ chút ga còn lại để đun nước tắm cho con bé đấy.
Ông nhìn hình mình trong gương. Mặt ông đã lành sau trận bị đánh, nhưng mũi ông giờ hơi bị khoằm xuống, hai cái răng cửa gẫy sàn sạn trước miệng. Ông bỏ cái bàn chải xuống, bước vào bếp.
Êlen vẫn quay lưng lại phía ông. Ông đặt tay lên vai bà, xoay bà lại.
- Êlen, Êlen, - ông nói dịu dàng, - chuyện gì xẩy ra với chúng ta vậy?
Bà trân trân nhìn vào mặt ông một thoáng, rồi đưa tay lên vai, hất tay ông ra.
- Đừng có đụng vào tôi. Ông Thômax Đentơn. Đừng có đụng vào tôi!
Giọng ông lộ vẻ nhẫn nhục.
- Êlen, tại sao vậy? Chuyện xẩy ra không phải lỗi ở tôi. Đó là ý Chúa.
- Ý Chúa ư? - Bà cười rít lên. - Ông giờ lại là người nói đến ý Chúa ư. Ông, cái kẻ bao nhiêu năm rồi tôi không nhớ nổi nữa, không thèm đi lễ nhà chùa. Nếu ông nghĩ tới Đấng cứu thế hơn cái món bia chiều thứ bẩy của ông, thì Người đã ban cho ông một chút tình thương của Người rồi!
Ông hít một hơi thật mạnh, rồi từ từ thở ra. Ông quay đi, bước trở lại phòng tắm, bắt đầu cạo râu bằng nước lạnh. Trước kia bà đâu có như thế này - ăn nói cay độc, tàn nhẫn, chạm vào người như chạm phải gai. Rồi phát điên phát dại vì nhà thờ và mấy lão thầy tu. Đã một thời, bà là Êlen Fitgiơrold, mắt cười sáng long lanh, chân xinh xinh lúc nào cũng thích nhảy. Ông nhớ lại cái lần họ gặp nhau đầu tiên ở Vũ hội Ái Nhĩ Lan trên phố Đây ngày ấy.
Đêm đó, bà là cô gái xinh nhất vũ hội, mái tóc vàng nâu, mắt xanh ngắt, đôi chân xinh xinh. Đó là năm 1912, năm sau họ lấy nhau. Một năm sau nữa Gieny ra đời.
Khi ấy, ông đã là người lái xe của hãng xe điện, và khi hết chiến tranh, giải ngũ trở về, họ dọn tới căn hộ này. Một năm sau, một đứa con giai ra đời.
Tội nghiệp thằng Tomy bé bỏng. Đời không cần nó; và khi nó hai tuổi, họ để nó an nghỉ ở nghĩa trang Calvơry. Gieny lúc đó mới tám tuổi, hầu như chưa hiểu nổi chuyện gì đã xẩy ra đối với em trai mình; nhưng còn Êlen thì tìm thấy nguồn khuây khỏa trong cảnh lặng lẽ của nhà thờ. Và thế là hàng ngày, bà dẫn con gái mình đến đó. Thoạt nhiên, ông không chú ý đến điều đó lắm. Việc Êlen gắn bó quá với nhà thờ thế là tự nhiên thôi. Rồi cô ấy cũng sớm dứt ra được đấy mà.
Nhưng không phải vậy. Ông nhận ra điều đó khi một đêm nằm cùng nhau, ông với tay về phía bà, thấy bà lạnh lùng, không đáp lại. Ông lần tìm vú bà trong tấm áo choàng ngủ bằng vải thô, nhưng bà xoay lưng lại phía ông.
- Anh mấy tháng rồi không đi xưng tội. Tôi sẽ không để anh làm cho tôi có con nữa đâu.
Ông cố biến chuyện thành khôi hài.
- Ma nào muốn làm ra con hả? Anh chỉ cần một tí chút yêu đương thôi mà!
- Như thế lại còn tệ hơn. - Bà đáp, giọng nhỏ đi vì cái gối. - Như vậy là có tội, tôi không muốn chịu chung tội với anh đâu.
- A, vậy ra đó là cái mà mấy thằng cha cố đạo của cô đã nhét vào tai cô đấy phỏng? Họ dạy cô phải từ chối chồng cô phỏng?
Bà lặng thinh. Ông túm lấy vai bà, xoay bà quay trửo lại phía ông.
- Có phải thế không? - Ông rít lên.
- Các cha chẳng bảo tôi cái gì sất cả. Tôi làm theo trí suy xét giáo lý của mình. Tôi đủ biết Kinh thánh tới mức đâu là đúng, đâu là sai. Và xin anh thôi quát tướng lên như vậy đi. Anh làm con bé Gieny ở phòng bên thức dậy bây giờ.
- Tôi sẽ thôi không kêu nữa. - Ông cáu kỉnh đáp. Và hơi vai bà bốc lên nóng sực trong tay ông; không kìm được nữa, ông chiếm bà bằng vũ lực. Cơn kích thích làm ông lịm đi, ông nằm trên bà, thở nặng nhọc, nhìn thẳng vào mắt bà.
Bà lặng lẽ nhìn trả ông, không động đậy, thụ động như trong suốt thời gian ông ép buộc bà. Ông rùng mình một lần cuối cùng. Rồi bà cất tiếng. Giọng bà thản nhiên, xa xăm, lơ đãng, dường như không có ông ở trên đó.
- Thế nào, anh đã trút hết cái tanh tưởi của anh vào tôi xong chưa?
Ông cảm thấy bụng mình chợt cuộn lên một cảm giác buồn nôn lặng ngắt. Trừng trừng nhìn bà thêm một thoáng, ông lăn khỏi người bà, rơi xuống chỗ nằm của mình trên giường.
- Tôi xong rồi, - ông đáp, giọng đều đều, không thần sắc.
Bà nhỏm dậy, quỳ thụp xuống bên cạnh cái ảnh Chúa giáng sinh bé xíu đặt dưới thập tự. Ông có thể cảm thấy mặt bà quay về phía ông trong bóng đêm.
- Tôi sẽ cầu nguyện Đức Mẹ Đồng trinh để cho cái hạt giống anh đã tống vào tôi không tìm thấy chỗ sinh sôi nảy nở, - bà rít lên cay nghiệt, khe khẽ.
Ông nhắm nghiền mắt, trở mình quay lưng lại phía bà. Họ đã làm cho cô ta trở nên như vậy đấy, đầu độc mọi cái hai người đã từng có. Lòng ông chợt nghẹn thắt lại một nỗi đắng cay.
Từ đó, không bao giờ ông còn bước chân vào nhà thờ nữa.

5

Ở đây, trong gian giữa của giáo đường, mọi vật đều yên tĩnh. Êlen Đentơn quỳ trước tượng thánh, đầu cúi gục, tay lần chuỗi hạt, cảm thấy lòng yên ả thư thái vô cùng. Không có một lời cầu nguyện nào trên môi bà, không có những ý nghĩ xáo động trong óc bà - chỉ một sự trống rỗng yên tĩnh, ngọt ngào. Nó thấm ngập khắp người bà, ngăn cách bà với thế giới ngoài kia, sau những bức tường đầy an ủi êm dịu này.
Cái tội chểnh mảng, lúc ở ngoài mấy bức tường này đã hành hạ cắt rứt lương tâm bà hàng mấy giờ đồng hồ liền, giờ đây chỉ còn đôi ba tiếng vọng mơ hồ xa xăm. Bé Tomy đã nằm yên trong nấm mồ của bé, không một lời trách móc nào trên đôi môi xinh xinh như hai nụ hồng ấy nữa, về chuyện bà đã chểnh mảng không chăm sóc đầy đủ khi bé ốm. Không còn ký ức nào hành hạ bà, đối lập cảnh bà trần truồng, oằn oại trong cơn yêu đương cuồng nhiệt, khi đứa con trai đang lịm đi, hấp hối trong cùng một căn phòng.
Thoạt đầu, có vẻ đó chỉ là một cơn nhiễm lạnh sơ sơ, trẻ con đứa nào cũng thường mắc phải, và sáng hôm sau tỉnh dậy lại khỏe như thường. Làm sao bà có thể biết được là trong khi bà nằm đó, thì thào những lời khoan khoái vào tai chồng thì một cục đờm dãi bé xíu đã mắc trong cổ đứa con, ngăn không khí không vào được phổi nó nữa? Và do vậy, khi bà đứng dậy thay khăn cho nó, như bà vẫn thường làm trước khi đi ngủ, và thấy nó lạnh ngắt một cách lạ lùng, người đã tím lại. Làm sao bà biết được rằng đó chính là sự trừng phạt đối với tội lỗi của bản thân bà?
Cha Hatlây đã cố gắng tìm cách an ủi bà. “Đừng có tự buộc tội mình thế con. Chúa đã ban cho, thì Chúa lại lấy lại. Ý Chúa phải được thực hiện”.
Nhưng bà thì biết rõ hơn. Bà vẫn còn nhớ rõ mồn một niềm khoái lạc trong những giây phút tội lỗi ấy, mặc dù bà đã cố gắng tìm cách tháo cởi nó bằng hàng ngàn buổi xưng tội. Nhưng tất cả những lời an ủi của các cha đều không đem lại sự yên tĩnh cho tâm trí bà. Tội lỗi của bà là do chính bà gây ra, và chỉ có bà, chính bà mới có thể xóa bỏ được nó. Nhưng ở đây, trong cái tịch mịch của gian giữa giáo đường - dưới Đức Mẹ Đồng trinh lặng lẽ, đau khổ - là sự yên tĩnh, trống trải và lãng quên.

*
*   *

Giôny Bơc buồn chán quá. Nó rít hơi cuối cùng rồi quẳng toẹt mẩu thuốc lá xuống rãnh nước vỉa hè. Thằng bạn mặt đầy mụn ngồi cạnh nó chợt thốt lên.
- Ta hãy đến xem liệu Texy có bận không.
- Texy lúc nào cũng bận cả. Ngoài ra, tao nghe được là con bé đã cho một thằng nào đó xơi cả một liều thuốc. Tao không chơi dại thế đâu. - Giôny rút một điếu thuốc khác ra, châm lửa, đưa mắt hồi hộp ngó nghiêng đường phố. - Lần này, ta muốn kiếm một con mà chưa có đứa nào phạng nó.
- Làm sao mà mày kiếm được, hả Giôny?
- Anđy, tất nhiên là có cách chứ. - Giôny úp úp mở mở, vẻ bí hiểm. - Tất nhiên là phải có cách chứ mày.
Anđy chăm chú nhìn thằng bạn.
- Mày thở ra cái giọng như là mày biết rồi đấy.
Giôny gật đầu, vỗ vỗ cái túi.
- Tao có một chút cái thứ làm bất cứ con nào cũng phải tụt hết ra.
- Thế ư, Giôny? - Anđy hỏi nhanh. - Cái gì vậy?
Giôny cẩn thận hạ giọng.
- Môxca cantarit.
- Thế là cái quái gì hả?
- Ruồi Tây Ban Nha, đồ ngu ạ. - Giôny đáp. - Tao mổ được khi ông bác sĩ bảo tao trông cửa hàng hộ cho ông ấy lên gác.
- Ối giời tuyệt quá. - Anđy khoái trí thốt lên. - Đứa nào cũng có tác dụng chứ hả?
Giôny gật đầu.
- Hẳn rồi. Nếu ta lén bỏ được vào nước uống của nó. Chỉ một ít thế thôi, rồi thì con bé sẽ bốc máu, nóng sực như bánh mỳ vừa lôi trong lò ra ấy.
Ông chủ hiệu dược phẩm ló đầu ra khỏi khung cửa ra vào.
- Giôny, trông hàng hộ tao tí được không? Tao muốn lên gác một tí.
- Dạ được ạ.
Hai đứa nhìn ông ta rẽ ngoặt vào cửa lên gác ở bên cạnh, rồi bước vào cửa hàng. Giôny đi vòng vào quầy hàng ngả người dựa hờ hững vào cái máy tính tiền.
- Giôny, làm một cốc Cô ca cô la chứ mày?
- Ồ... ồ, - Giôny thốt lên. - Không xực những của ăn mày khi tao trông hàng cho ông bác sĩ nhé. - Nó uể oải kéo ra kéo vào mấy cái ngăn kéo dưới cái quầy. - Này, Anđy! - Nó gọi. - Mày có muốn xem ông bác sĩ cất những cái capôt ở đâu không?
- Đâu mày? - Anđy hỏi, đi vòng quay vào cái quầy.
- Cho tôi mua một cốc Côcacôla nào. Được không?
Giọng một cô gái vọng từ đằng sau vòi nước xôđa. Hai gã con trai ngẩng phắt lên, vẻ biết lỗi. Giôny vội đóng cái ngăn kéo lại.
- Được chứ, Gieny.
- Bác sĩ đâu rồi?
- Ông ấy lên nhà một tí.
- Nó nhìn thấy rồi. - Anđy thì thào. - Nó biết ta đang nhìn cái gì rồi.
Giôny nhìn Gieny, bước tới cái vòi xôđa. Có lẽ con bé biết thật. Mặt nó có một nụ cười là lạ thế kia mà. Nó ấn cái khóa ở vòi bơm nước ngọt Côcacôla và chăm chú nhìn dòng nước đặc chảy vọt vào cốc.
- Đằng ấy đã nhận được tin tức gì của anh chàng quán quân ấy chưa, hả Gieny?
Cô lắc đầu.
- Chúng tôi định tối nay đi xem phimn, nhưng anh ấy lại chưa ở Bơcơlay về. Tôi mong rằng không có gì xẩy ra với chuyện học bổng của anh ấy.
Giôny mỉm cười.
- Làm sao có thể xẩy ra được chuyện gì cơ chứ. Anh chàng đã giật hết giải chung kết toàn bang rồi còn gì.
Anđy bước lại phía sau nó.
- Liệu có ăn thua gì với con bé ấy không?
Anđy thì thào. Giôny hiểu rằng thằng bạn muốn nói gì. Nó chợt ngẩng phắt lên. Và ngay lập tức, dường như nó cảm giác rằng trước kia chưa bao giờ thực sự nhìn thấy Gieny cả. Con bé là một trong những đứa nó chạm mặt chào hỏi hàng ngày, và thường là nó không để mắt đến đám ấy. Con bé đã uống xong hớp nước, bỏ đấy ra xem mấy tờ tạp chí. Nó thích cái lối tấm áo mùa hè mỏng phủ quanh người con bé như thế. Nó không ngờ là con bé có những cái của ấy to như vậy. Chả lấy gì làm ngạc nhiên khi anh chàng Maik Haloron lại giữ chịt con bé như thế. Đột nhiên, nó thò tay vào túi, móc ra cái gói giấy bé tý, dốc chỗ bột vào cốc của cô gái.
Gieny cầm lấy một tờ tạp chí quay lại chỗ vòi xôđa. Giôny nhìn xuống cốc của cô gái. Loáng thoáng còn mất vết bột nổi trên mặt nước trong đó. Nó cầm lên, mở vòi nước thêm xiro rồi đặt cái cốc xuống dưới miệng ống xôđa, vừa lắc liên hồi vừa vặn cho xôđa chảy tràn vào cốc. Nó để cái cốc xuống trước mặt Gieny, nhìn đồng hồ.
- Giờ này đằng ấy mới đi chơi thì muộn nhỉ?
- Hôm nay là thứ bảy cơ mà. - Gieny đáp. - Trong nhà nóng quá, tôi nghĩ ra đi dạo cho thoáng một tí. - Cô đặt một đồng năm xu lên mặt quầy rồi rút một ống rơm từ cái khay thủy tinh ra.
Giôny lo lắng nhìn cô hút cốc nước.
- Được không hả?
- Có lẽ hơi ngọt quá thì phải.
- Tôi sẽ cho thêm một ít xôđa vào nữa. - Giôny nói nhanh. - Được rồi chứ.
Cô hút chỗ nước.
- Ngon lắm rồi. Xin cảm ơn.
Giôny nhặt đồng năm xu lên, bước lại chỗ cái máy tính tiền, cho nó vào lắc lên loảng xoảng.
- Tao đã nom thấy mày vừa làm gì rồi, - Anđy thì thào.
- Im đi.
Gieny vừa hút cốc nước vừa chậm rãi giở tờ tạp chí. Cốc nước của cô còn một nửa thì viên chủ hiệu trở lại.
- Ổn cả chứ, Giôny?
- Mọi việc ổn cả, thưa bác sĩ.
- Cám ơn Giôny nhé. Mày có muốn uống một cốc Côcacôla không?
- Dạ không ạ, thưa bác sĩ. Cám ơn ông. Mai tôi sẽ lại đến ạ.
- Mày làm thế để làm quái gì hả? - Anđy hỏi khi hai đứa đã ra đến đường. - Giờ thì ta không thể nào biết được nó là có tác dụng không.
- Ta sẽ biết. - Giôny đáp, quay lại nhòm qua cửa sổ.
Gieny đã uống xong cốc nước và leo khỏi cái ghế cao trước quầy. Cô đặt trả tờ tạp chí vào giá, bước qua cửa... Giôny bước lại chặn đường cô.
- Đằng ấy về nhà đấy hả Gieny?
Cô đứng dừng lại, mỉm cười nhìn nó.
- Có lẽ tôi sẽ ra công viên một chút. Có thể ở đấy sẽ có gió mát từ vịnh thổi vào.
- Để tụi này đi cùng có được không? - Giôny hỏi. - Tụi này cũng chả có việc gì làm cả.
Cô thầm hỏi không biết vì sao Giôny lại đột nhiên ngỏ lời muốn đi dạo với cô thế này. Trước kia, anh chàng có bao giờ tỏ vẻ quan tâm đến cô đâu.
Khi Tôm từ cái quán rượu đối diện với tòa nhà để xe điện bước ra, thì đã mười giờ đêm. Ông đã say mụ mẫm người đi, khóc rưng rức, buồn bã, khổ sở. Ông mở to mắt trân trân nhìn sang phía bên kia đường 2-12 tội nghiệp đang ở đó. Chiếc tàu điện cũ của ông. Nhưng con bé không còn là của ông nữa rồi. Con bé sẽ không bao giờ còn là tàu điện của ông nữa. Nó đã là của một người khác mất rồi.
Nước mắt ông ròng ròng lăn xuống má ông. Đời ông thế là lụn bại. Không tàu điện, không công ăn việc làm, về nhà thì vợ cũng không còn là vợ nữa. Giờ đây, bà ta đang ngồi ở một xó xỉnh nào đó trong nhà thờ, cầu nguyện.
Liệu bà có hiểu rằng một người đàn ông lúc đã nằm trên giường thì không phải chỉ cần độc có mỗi một lời cầu nguyện không?
Nếu trong túi có lấy đôi ba đôla, ông đã biết ông có thể đi đến đâu rồi. Đám con gái ở hiệu Magie biết rõ cách phải đối xử với đàn ông như thế nào lắm. Ông lục lọi trong túi moi ra được một nắm xu. Cẩn thận, ông đếm từng đồng một. Ba mươi lăm xu tất cả. Ông định trở lại quán rượu. Ông có đủ tiền uống được cốc nữa. Nhưng như thế thì thứ hai ông sẽ phải mở mồm xin tiền tiêu vặt ở Êlen.
Ông cảm thấy hơi rượu mùi loáng choáng nhạt dần. Cáu kỉnh, ông nhét nắm xu vào túi. Uống còn vui thụ nữa khi phải chắt bóp tính từng đồng kẽm thế này. Ông chậm chạp quay về, người đã gần tỉnh hẳn.
Ông âm thầm ngồi trong bóng tối cạnh cái bàn ở bếp. Nửa tiếng sau thì Êlen về. Thấy bà bật điện, ông mệt mỏi ngẩng lên nhìn.
- Tôi không ngờ ông lại mò về sớm đến thế đấy. Chuyện gì đã xảy ra thế? Họ hết rượu bán rồi ư?
Ông lặng thinh.
Bà bước ra khỏi bếp, đi vào cái hành lang hẹp. Ông nghe thấy tiếng bà mở cửa phòng Gieny rồi đóng lại. Một thoáng au, bà lại hiện ra ở bếp:
- Con Gieny đâu rồi?
- Tôi không biết. Có lẽ nó đi chơi với thằng Maik.
- Thằng Maik vẫn còn ở Bơcơlay. Khi tôi đi nhà thờ, con bé vẫn còn ở nhà mà. Nó bảo nó sẽ đi ngủ sớm.
- Trời nóng quá. - Ông đáp. - Có lẽ nó đi dạo một lát cho thoáng.
- Tôi không thích cái lối nó đi đêm hôm một mình thế.
- Êlen, đừng có trách mắng nó nữa. Nó đã là người lớn rồi.
Bà nhấc một cái ấm từ trên giá xuống, đổ nước vào.
- Ông có thích uống chè không?
Ngạc nhiên, ông ngẩng đầu lên. Đã lâu lắm rồi Êlen mới bảo ông uống chè tối như thế này. Ông gật đầu một cách biết ơn.
Bà mở tủ chè lấy ra mấy cái cốc, đặt trên bàn. Rồi bà ngồi xuống đối diện với ông, chờ cho nước sôi. Một vẻ lo âu hằn trên mặt bà.
- Đừng lo. - Ông đột nhiên cảm thấy ái ngại cho bà. - Gieny sắp về ngay thôi mà.
Bà ngẩng lên nhìn, và trong một phút hiếm hoi, đột nhiên nhận ra mình đã làm những điều gì đối với ông và bản thân bà nữa. Nước mắt bỗng dưng ầng ậng trên mi, bà đặt hai tay úp lên tay ông.
- Tôm, em xin lỗi. Em không hiểu sao mình đã lại đổ đốn ra như thế. Đến một nửa thời gian, em làm mà không biết mình đang làm gì.
- Anh biết, Êlen ạ. - Ông dịu dàng đáp. - Anh biết.
Đúng lúc đó, một viên cảnh sát tới gõ cửa, báo cho họ biết rằng Gieny đã được người ta tìm thấy trong công viên, bị hiếp và bị đánh. Nom vẻ mặt kinh hoàng của Êlen, Tôm biết mọi cái đối với họ thế là hết.

6

Ba người từ trong nhà thờ bước ra, ngập ngay vào ánh nắng rực rỡ. Và ngay lập tức, họ cảm thấy những ánh mắt tò mò chĩa luôn vào chỗ mình. Tôm thấy con gái ông bất giác rúm người lại; ông để ý thấy một vệt đỏ ửng từ từ hiện lên trên khuôn mặt của cô, khuôn mặt hãy còn sưng từ cái lần bị đánh ấy, gần hai tuần trước. Cô cúi gằm nhìn bước chân của mình. Họ bắt đầu đi lại phía vỉa hè.
- Ngẩng cao đầu lên, Gieny, Gấu con. - Ông thì thào. - Chính là những thằng con giai của họ phải thấy nhục, chứ không phải là con.
Gieny ngẩng mặt lên, mỉm cười nhìn ông, đầy vẻ biết ơn.
- Và cả bà nữa, Êlen Đentơn, - ông nói thêm, - bỏ cái lối nhìn xuống đất ấy đi được rồi đấy.
Về một phương diện nào đó Êlen cảm thấy đắc thắng. Thế là cuối cùng chồng bà cũng đã trở lại nhà thờ. Bà nhớ lại sáng sớm hôm ấy. Khi bước chân vào gọi Gieny, bà đã ăn mặc chỉnh tề, sẵn sàng đi lễ nhà thờ. Bà mở cửa phòng Gieny. Con gái bà đang ngồi trên một chiếc ghế, trân trân nhìn qua cửa sổ.
- Gieny, con chưa mặc quần áo kìa! - Bà bàng hoàng kêu lên, - Đã đến giờ ta đi lễ rồi.
- Con không đi đâu mẹ ạ. - Gieny đáp, giọng đều đều.
- Nhưng từ khi con ra viện đến nay, con đã đi nhà thờ lần nào đâu. Hầu như con chả ra khỏi nhà một bước.
- Mẹ, con đã ra khỏi nhà. - Cô quay lại nhìn mẹ mình, những quầng thâm dưới mắt cô trong ánh sáng ban ngày nom càng tối hẳn xuống. - Mọi người giương mắt nhìn con, thì thào bàn tán khi thấy con đi ngang qua. Con không thể chịu nổi. Con sẽ không đi nhà thờ để trở thành một quái vật cho thiên hạ trừng trừng nhìn châu vào đâu.
- Mày đã xa lìa Đấng cứu thế! - Êlen nóng nảy quát lên. - Làm sao mày có thể nhận được sự tha thứ cho những tội lỗi của mày, nếu không đi lễ nhà thờ hả?
- Con bé có tội tình gì mà cần phải tha thứ hả? - Giọng chồng bà đột nhiên vang lên ở đằng sau.
Bà quay ngoắt lại, ngay lập tức phát khùng.
- Nhà này có một kẻ phản đạo là quá đủ rồi. - Bà quát lên. - Chúng tôi không cần phải có kẻ thứ hai.
Bà quay lại Gieny.
- Mặc quần áo vào. Mày sẽ phải đi với tao, cho dù là tao phải lôi mày đi xềnh xệch.
- Mẹ, con không đi đâu. Con không thể chịu nổi.
Êlen bước một bước về phía cô, đầy vẻ hăm dọa. Bà giơ một tay lên. Đột nhiên bà cảm thấy hai cổ tay mình bị giữ chịt lại như cùm trong hai bàn tay bằng thép. Bà ngẩng lên, bắt gặp bộ mặt của chồng bà. Đôi mắt vốn thường xanh biếc dịu dàng của ông giờ lạnh ngắt, khắc nghiệt.
- Để cho con bé yên! Bà phát dại rồi hả?
Bà trân trân nhìn ông một hồi, cơn giận bất chợt lúc nãy từ từ tan. Bà đột nhiên cảm thấy mệt rã rời, yếu ớt. Mắt bà rưng rưng.
- Nhưng cha Hatlây bảo tôi đem nó tới. Người nói là Người sẽ cầu nguyện an ủi nó.
Ông từ từ thả tay bà ra. Chúng rơi thõng xuống hai bên người bà. Ông quay lại chỗ con gái.
- Gấu con Gieny, có phải đấy là lý do con không đi đến nhà thờ không? - ông dịu dàng hỏi,- bởi vì người ta nhìn trừng trừng vào con hả?
Cô lặng lẽ gật đầu.
- Nếu bố đi cùng thì con có đi không? - Đột nhiên ông hỏi.
Cô nhìn vào mắt ông. Đôi mắt ngời ngời tình thương. Sau một hồi nín lặng, cô đáp:
- Có ạ.
- Vậy được rồi. Con mặc quần áo đi. Bố sẽ cạo râu xong ngay đấy. - Ông quay ngoắt người bước nhanh ra khỏi phòng. Êlen trố mắt nhìn theo, đờ người vì kinh ngạc, không kịp thốt ra lời nào.
Cả nhà thờ dào lên tiếng ngạc nhiên khi họ đi dọc theo dãy ghế tới chỗ ngồi của họ. Tôm nhìn thấy tua tủa những cái đầu quay ngật hẳn lại, miệng há hốc nhìn họ. Người ông bỗng rung lên kinh tởm trước sự độc ác tiềm tàng ở trong lòng tất cả mỉm cười, quỳ xuống trước bàn thờ làm dấu rồi mới ngồi xuống chỗ của mình.
Nhưng đến khi họ đi ra, tình thế còn tệ hơn rất nhiều. Những kẻ tò mò đã có đủ thì giờ tụ tập lại trên các bậc thềm nhà thờ trong nắng sớm rực rỡ. Dường như họ đang phải chạy giữa hai hàng những thằng đần ném đá như mưa, phang gậy tới tập vào họ.
- Thôi thế là xong! - Tôm khẽ thốt lên khi họ rẽ qua góc phố.
Họ băng qua đường, tiến tới cái hiệu thuốc ở góc phố tiếp. Một đám thanh niên choai choai đang vơ vẩn dựa vào cửa sổ cái hiệu thuốc, diện quần áo ngày nghỉ. Thấy ba người đi đến gần, chúng đột nhiên im phăng phắc, giương những cặp mắt ranh ma, lêu lổng của chúng lên trân trân nhìn họ. Tôm cáu kỉnh, trừng trừng nhìn lại. Chúng cụp mắt xuống. Họ đi qua chúng, rẽ về phố nhà.
Từ cái góc phố đằng sau, Tôm chợt thấy bật lên những lời đối thoại thì thào sôi nổi. Rồi một thằng choai choai khịt mũi, một đứa khác phá lên cười. Tiếng cười sằng sặc ấy có một âm hưởng bẩn thỉu tởm lợm làm đau xé lòng ông. Đột ngột, ông rời tay nắm Gieny, quay ngoắt lại góc phố. Đám choai choai ngạc nhiên nhìn ông, mặt đờ ra.
- Có chuyện gì vui vẻ thế, hả chúng mày? - Tôm thốt lên, cơn giận làm mặt ông trắng bệch ra, lạnh ngắt. - Kể cho tao nghe mới, biết đâu tao lại cười với chúng mày đấy.
Chúng tròn mắt lặng thinh nhìn ông, xấu hổ. Rồi chúng cúi nhìn xuống chân, ngượng ngập di di chân, liếc trộm nhau bằng những cái nhìn đầy ý nghĩa mà Tôm thời trẻ cũng đã từng biết. Dường như chúng ngạc nhiên khi được nom thấy những bức ảnh trần truồng.
Lòng ông chợt dào lên một niềm hổ thẹn với bản thân lúc bằng tuổi chúng. Và một nỗi mệt mỏi đột nhiên thay thế cơn thịnh nộ trong ông.
- Đi khỏi góc phố này ngay đi, - ông khẽ khàng thốt lên, - và nếu tao còn nghe được đứa nào cười cợt hay bình phẩm cái gì về tao hoặc bất cứ người nào trong gia đình tao, tao sẽ tới đây, tay không này sẽ xé tan xác nó ra ngay lập tức.
Thằng choai choai cao to nhất trong đám bước ra. Nó giương mắt gườm gườm nhìn ông, láo xược. Nó cao hơn Tôm một chút. Một nụ cười thoáng vẻ khinh miệt hiện ra trên môi nó.
- Đây là đất nước tự do, - nó cúi xuống nhìn ông, - thích chỗ nào là chúng tôi cứ việc đứng.
Cơn giận đột nhiên bùng lên trong người Tôm. Ông vồ lấy cổ áo thằng nhãi, ấn nó ngã khuỵu gối.
- Tự do hả? - ông thét lên, mạch máu ở trán hằn lên tím ngắt. - Tự do để chúng mày đứng đây chọn xem đêm nay sẽ hiếp ai hả? - Ông vả bốp vào mặt thằng nhãi.
Nó co rúm lại, vẻ xấc láo biến mất.
- Bác Đentơn, bác trút giận lên chúng cháu làm gì? Chúng cháu có phải là những đứa “cối” Gieny đâu.
Máu như đột nhiên đông lại trong người Tôm khi ông nghe những lời ấy. Ông đờ ra, bàn tay sững sờ giương lên trong không khí. “Cối” Gieny. Chúng có thể nói như vậy về đứa con gái rứt ruột của ông thế đấy, và ông không thể làm gì để gỡ lại được nữa rồi. Từ từ, ông hạ tay xuống, rồi lẳng thằng choai choai bắn ra xa.
Ông trừng mắt nhìn lại từng đứa. Chúng dù sao cũng còn trẻ dại, ông thầm nhủ. Ông không thể ghét tất cả chúng chỉ vì cái mà hai thằng trong số chúng đã làm. Thằng ranh nói đúng. Chúng không phải là những đứa có tội. Ông đột nhiên cảm thấy bị đánh bại. Nếu tính người có tội, chính ông là kẻ nặng nhất. Nếu ông thực sự là đàn ông, nếu ông có công ăn việc làm, thì có lẽ chuyện ấy đã không xẩy ra.
- Xéo khỏi góc phố này ngay. Và nếu đứa nào nhìn tao đi trên phố này lần sau, thì liệu hồn bước sang hè đường bên kia nhé.
Chúng nhìn ông, rồi nhìn nhau. Và gần như là chúng đang thầm thương hại ông. Sau đó, dường như giữa chúng có một tín hiệu bí mật nào đó đã được truyền đi một cách bí ẩn, chúng bắt đầu tản đi, thành từng tốp hai ba đứa một.
Một thoáng sau, chỉ còn lại một mình Tôm ở góc đường. Ông đứng đó hồi lâu cho dịu một cơn xúc động bỗng dưng làm người ông run lên bần bật. Rồi đến lượt mình, ông cũng quay đi, bước khỏi góc phố, tới chỗ vợ con ông đang chờ.
- Thôi mọi chuyện thế là xong, - ông lại thốt lên, lần thứ hai trong buổi sáng ấy, cầm lấy tay Gieny và bước về nhà. Nhưng lần này, ông biết, dù là đã nói thế ra lời, rằng mọi chuyện chưa thể nào kết thúc - nó không bao giờ xóa sạch đi được, chừng nào ông còn sống ông còn nhớ đến nó. Trong cơn gió mát tháng chín hiu hiu, đã loáng thoáng có những dấu hiệu đầu tiên của mùa thu. Gieny nhìn qua cửa sổ toa tàu cáp điện tới bến đỗ của mình. Bố cô đang đứng dưới cột đèn đón cô. Bây giờ chiều nào ông cũng làm như vậy. Tàu đỗ, cô bước xuống.
- Con chào bố!
- A, chào Gấu con Gieny.
Đến chỗ ngoặt rẽ về phố nhà, cô bước chậm lại một bước.
- Hôm nay bố có gặp may không?
Ông lắc đầu.
- Bố chả hiểu thế là tại sao cả. Chẳng có việc.
- Biết đâu mai sẽ có thì sao.
- Bố cũng mong như vậy. Có nhẽ sau bầu cử, mọi chuyện sẽ khấm khá hơn. Rudơveld bảo rằng chính phủ phải đi đầu trong việc cung cấp công ăn việc làm cho thợ, rằng các nhà tài phiệt đã không làm tròn trách nhiệm. Ông ấy nói về công nhân nghe có lý hơn so với lão Huvơ và Đảng cộng hòa. - Ông nhìn cô. - Con ngày hôm nay thế nào?
- Ổn ạ. - Nhưng thực ra vẫn còn lơ lửng một bầu không khí khó chịu trong sở. Nhiều gã nhân viên đà đận dừng lại ở bàn cô trên đường ra vào của mình. Đôi lúc họ chỉ thuần túy tán tỉnh dăm câu thôi, nhưng đôi kẻ đã cố hẹn hò với cô. Có lẽ nếu mọi chuyện đã xẩy ra khác thế, cô đã nhận lời. Nhưng giờ thì cô ngẩng lên nhìn thẳng vào họ, và cô hiểu họ đang nghĩ gì. Cô nhã nhặn từ chối. Một số người trong bọn họ đâm lúng túng, thậm chí đỏ mặt, vì họ biết rằng cô hiểu thấu tim đen của họ.
- Bố, bố không cần phải đêm nào cũng đi đón con thế này đâu. - Cô đột nhiên thốt lên. - Con không sợ đi về một mình đâu.
- Bố biết là con không sợ. Bố biết từ cái hôm đầu tiên đi đón con cơ. Nhưng bố muốn làm việc này. Cả ngày chỉ có lúc này là bố cảm thấy thực sự có việc để làm.
Gieny im lặng không đáp. Hai người lẳng lặng đi tiếp một hồi lâu.
- Con có muốn bố thôi không?
- Không bố ạ, bố cứ đi đón nếu bố thích thế ạ.
Họ đã về tới bậc thềm nhà. Cô chực bước lên thì thấy ông đặt cánh tay lên cánh tay cô.
- Gấu con Gieny, ta hượm hẵng lên nhà đã. Ngồi đây nói chuyện một tí đã.
Cô nhìn ông. Mặt ông nghiêm nghị.
- Bố có chuyện gì thế ạ?
- Bố đã không nói chuyện này với mẹ con. Hôm qua bố đã đến gặp cha Hatlây.
- Vậy ạ?
- Ông ta nói sẽ không ra tòa làm chứng cho tính cách của con. Ông ta bảo bố như thế là trái với lề luật của nhà chung. Các bà xơ ở trường con cũng làm như vậy.
- Ôi! - Cô thốt lên. Lòng cuộn lên như muốn nôn. Cái ông luật sư ấy đã nói đúng. Một tháng trước ông ta đã đến gặp họ, cái lão loắt choắt mặt chồn ấy.
Ông ta ngồi xuống ở cạnh cái bàn ở trong bếp, nhìn thẳng sang phía họ ngồi đối diện.
- Ông Bơc và ông Tanơ yêu cầu tôi tới gặp gia đình ta. Tôi nghĩ rằng ông bà có biết hai ông ấy lấy làm tiếc đến thế này về cái... ơ...  - Ông ta liếc thoáng cô, rồi quay đi ngay, -... cái sự kiện ấy, và muốn đền bù nếu có thể được.
Mặt bố cô đỏ ửng lên tức giận.
- Ông Ô.Cono, xin nói ngay, - ông nói nhanh, - rằng cái sự việc ấy không phải là sự kiện đơn thuần. Hai thằng ấy đã hi... 
Viên luật sư giơ tay ngăn lại.
- Chúng ta đều biết hai đứa ấy đã làm cái gì. Nhưng thưa ông Đentơn, phiên tòa xử họ sẽ đem lại được điều gì, ngoài việc gợi thêm sự chú ý lớn hơn đến cô con gái ông và làm cho cô ấy nhớ lại cái đối với cô ấy là một sự việc đau đớn. Và ngộ nhỡ hai thanh niên ấy được xử trắng án thì sao, không có tội thì sao?
Bố cô bật cười.
- Không có tội ư? Tôi có mặt ở đồn cảnh sát lúc cảnh sát bắt hai thằng ấy. Tôi đã thấy chúng sụt sùi than khóc rằng chúng ân hận vô cùng vì đã làm như vậy.
- Thưa ông Đentơn, những lời chúng nói khi ấy. - Viên luật sư đáp. - là không quan trọng. Quan trọng là những gì họ nói ở trước tòa cơ. Và họ sẽ bảo là con gái của ông rủ rê họ, kéo ra công viên.
- Chúng sẽ phải chứng minh điều ấy. - Tôm lạnh lùng nói.
- Ông chứng minh phản lại mới khó hơn. - Viên luật sư đáp. - Họ có hai người, còn con gái ông thì chỉ có một mình. Rồi họ cũng sẽ có nhân chứng về hạnh kiểm của họ nhiều không kém gì nhân chứng của con gái ông đâu.
- Mọi chuyện đâm ra có vẻ như là con gái tôi, chứ không phải là hai thằng ấy, bị xử án thì phải! - Tôm nổi khùng.
- Chính xác thế đấy. - Gã luật sư gật đầu. - Các trường hợp loại này đều như vậy cả. Bên nguyên sẽ bị thua thiệt nhiều hơn so với bên bị.
- Hạnh kiểm nổi tiếng của con gái tôi sẽ tự chứng minh cho nó. - Tôm thốt lên. - Cha Hatlây ở nhà thờ Xanh Pol và các bà xơ Trường trung học làm phước sẽ bảo cho các người biết về con bé Gieny nhà tôi.
Lão luật sư mỉm cười bí hiểm.
- Tôi nghi lắm, ông Đentơn ạ, - lão nói khẽ khàng, - tôi rất nghi ngờ là việc ấy không xảy ra đâu.
Lão liếc Gieny một lần nữa, rồi quay sang Tôm.
- Tôi được các khách hàng của tôi cho quyền đề nghị đưa ông một ngàn đôla, nếu con gái ông rút đơn kiện hai thanh niên ấy.
- Ông Ô.Cono, tôi nghĩ là tốt hơn hết ông nên đi đi. - Ông vừa nói vừa đứng dậy. - Ông không thể mua cái đã bị đánh cắp rồi.
Viên luật sư cũng đứng dậy. Lão lôi một miếng bìa từ trong túi ra, đặt lên bàn, rồi bước ra cửa.
- Ông có thể liên lạc với tôi bất kỳ lúc nào trước khi tòa xử, nếu như ông đổi ý.
- Bố, ta phải làm gì bây giờ? - Cô bật lên hỏi, tâm trí trở về với thực tại.
- Cha Hatlây nói rằng ba tuần trước đây người ta cũng đã nói như vậy với mẹ con rồi.
Cô trố mắt nhìn ông.
- Như vậy, té ra là mẹ biết hết cả mà không bảo gì ta ư?
Ông gật đầu. Cô bất giác thấy lạnh toát cả người. Phải xem lại cái thứ Đức Chúa trời ấy, Chúa gì mà lại cho phép mẹ để đứa con đẻ của mình phơi ra trong nỗi nhục nhã, trơ trẽn như thế, cốt cho bà ta được hưởng sự yên tĩnh với linh hồn của riêng bà ta.
- Cha Hatlây cũng bảo là học bổng cấp vào Trường thánh Mary vẫn là của con, nếu con vẫn muốn.
Cô đột nhiên bật cười. Người ta đã từ chối việc đem lại cho cô danh dự, nhưng lại vẫn sẵn sàng bỏ của bố thí ra với cô. Cô không thể cùng chấp nhận cả hai cái được. Vậy thì phải có cái này bù cho cái kia.
Tôm ngạc nhiên ngẩng lên nhìn cô:
- Con cười gì thế, Gieny?
Cô nín bặt, nhìn ông, không mỉm cười.
- Không có gì đâu, bố ạ. Con nghĩ có lẽ bố nên gọi điện thoại cho cái lão luật sư ấy đi.
- Vậy là con nhận lấy một nghìn đôla ư?
Cô gật.
- Và cả học bổng vào Trường thánh Mary nữa. Như vậy bố có thể sống được lúc con xa nhà.
- Bố sẽ không nhận tiền của con đâu.
- Không, bố ạ, bố phải nhận. - Cô nói dịu dàng. - ít nhất thì cũng đến khi bố kiếm ra được việc làm, và trở lại như xưa.
Ông cảm thấy tự nhiên mắt nhòe lệ. Ông đột ngột kéo cô vào lòng mình.
- Con yêu bố không, Gấu con Gieny? Con có yêu ông bố tội nghiệp khổ sở, lụn bại mọi cái trong đời của con không?
- Bố biết là con yêu bố mà. Bố... - Cô đáp nhanh, gục đầu vào ngực ông. Và họ ôm chầm lấy nhau, òa lên khóc, trên bậc thềm nhà ấy, trong ánh chiều muộn chập choạng mát mẻ, tĩnh mịch của mùa thu.

7

Căn phòng im phăng phắc. Trong một hồi lâu, chỉ có tiếng kêu ro ro của mấy ngọn đèn huỳnh quanh chiếu trên bàn mổ. Tay của bác sĩ Grant hoạt động rất nhanh nhẹn, vững vàng. Ông lẳng lặng cắt khúc ruột thừa hoàn toàn không bị sao ra khỏi bụng người đàn bà giàu có, béo phị đang nằm trên bàn mổ. Giọng trầm trầm rất đàn ông của ông rung lên trong bầu không khí im lặng.
- Thế là ổn rồi, - ông thở dài hài lòng, - bây giờ anh có thể đóng bụng bà ta lại, bác sĩ Lob ạ.
Ông quay người, rời khỏi bàn mổ. Một cô y tá vội nhanh nhẹn thấm những giọt mồ hôi trên mặt ông trong khi bác sĩ nội trú Lob bắt đầu khâu kín bụng bệnh nhân lại.
Gieny đưa mắt liếc nhìn xơ M.Krixtôphơ. Nếu người y tá trưởng ấy có nhận dạng rằng khúc ruột thừa của bệnh nhân không viêm nhiễm gì cả, bà cũng không để lộ một ý nghĩ nào qua cặp mắt tối thăm thẳm trên gương mặt che kín kia.
- Chỉ khâu. - Bác sĩ Lob nói gọn, chìa tay ra. Nhanh nhẹn, Gieny đưa chỉ cho anh. Rồi trong mấy phút sau đó, cô bận túi bụi, không có thời gian ngẩng lên nhìn nữa. Nhưng cô biết rằng xơ Krixtôphơ đang chăm chú theo dõi nó. Điều ấy không còn làm cô hồi hộp như những ngày đầu nữa. Vậy mà đã gần ba năm rồi. Tháng sau là thi tốt nghiệp.
Xơ Krixtôphơ tán thưởng nhìn Gieny. Cô gái này là một trong những học trò xuất sắc nhất của lớp bà. Có lẽ trăm cô mới có một người hợp với nghề phẫu thuật như Gieny. Cần phải có rất nhiều thứ, Gieny đã có đầy đủ tất cả. Máu me không làm cho cô hoảng sợ, ngay từ lần đầu cô trông thấy máu. Các cử chỉ, động tác của cô rất lặng lẽ và chính xác. Cô nhanh chóng tạo nên được một sự gắn bó ăn ý giữa cô với các dụng cụ, rồi giữa cô với các bác sĩ phẫu thuật. Không có sự ăn ý tạo ra giữa bác sĩ và y tá giúp việc một mối thông cảm hiểu nhau không cần nói ra lời ấy, các ca mổ có thể bị kéo dài một cách nguy hiểm, trong khi dụng cụ bị lúng túng đưa đi trả lại lập cập nhiều lần.
Và cái yếu tố quan trọng cuối cùng là sức mạnh. Chưa hề có ai hiểu thấu được cái tầm quan trọng của việc một y tá phẫu thuật cần phải khỏe khoắn thế nào. Để đủ sức đứng liên tục mấy giờ liền bên cái bàn lặng lẽ, mặc cho bàn chân đau nhức, hai đùi và lưng mỏi nhừ trong cái tư thế hơi cúi khom khom về phía trước rất đặc biệt như vậy. Để có khả năng truyền lại cho bác sĩ cái sức mạnh ấy, hỗ trợ ông, làm cho quá trình hàn gắn các vết thương diễn ra trôi chảy tốt đẹp. Rồi cái sức mạnh ấy lại phải vững vàng khi quá trình bị đứt đoạn, khi người bệnh phải mãi mãi trở thành lặng im và được đưa đi; phải lặng lẽ trụ lại ở đó, lấy lại tinh thần, tin chắc rằng mọi cái rồi lại đâu vào đấy, thông đồng bén giọt khi có bệnh nhân mới được đưa vào.
Bác sĩ Lob ngẩng lên, gật đầu. “Băng lại đi”, anh giơ bàn tay đi găng trắng ra trên vết mổ đã được khâu lại gọn ghẽ.
Gieny đã cầm sẵn một miếng gạc. Bác sĩ vừa nhấc tay ra, cô đặt ngang nó lên vết mổ, còn tay kia với lấy một đầu cuộn băng dính ở cái bảng kẹp bên cạnh bàn. Các ngón tay cô ấn miết cuộn băng xuống, vuốt vuốt nó cho thẳng và chắc. Rồi cô nhấc tay lên, ra hiệu là đã xong.
Xơ Krixtôphơ gật đầu, bệnh nhân nhanh chóng được quấn lại, chuyển sang một bàn khác bởi các y tá phụ. “Tách”, các ngọn đèn huỳnh quang vụt tắt. Lịch mổ buổi sáng trong phòng giải phẫu của Trường thánh Mary thế là đã được hoàn thành.
- Đấy là cái ruột thừa nguyên lành thứ tư ông ấy cắt trong tháng này. - Gieny thốt lên trong tiếng nước chảy rào rào trong chậu rửa tay. - Tại sao ông ấy lại làm thế nhỉ.
Anh chàng bác sĩ nội trú phá lên cười.
- Ở cái giá hai trăm năm mươi đôla một vết mổ, ta không nên cãi bệnh nhân làm gì.
- Nhưng ông ấy không cần phải làm thế. - Cô thì thào. - Ông ấy là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng cơ mà. Ông ấy hầu như không đủ thời gian làm việc đấy thôi.
- Hẳn thế rồi. - Bác sĩ Lob thì thào lại. - Nhưng thậm chí bác sĩ phẫu thuật cũng cần phải ăn. Hầu hết các ca mổ khó hoặc là không được tiền hoặc rất khó thu tiền. Vậy thì chết ai, nếu thỉnh thoảng ông ta lôi một cái ruột thừa vô tội vạ ra khỏi bụng một lão già hay mụ già giàu có mắc chứng nghi hoặc là mình lúc nào cũng có bệnh, hả? Chả có gì xảy ra cả. Bác sĩ thì có tiền tiêu, còn bệnh nhân thì có cái mà khoe.
Anh chàng vươn người thẳng dậy, với lấy một cái khăn mặt.
- Ồ, ồ, - anh ta vui vẻ kêu lên, - đích thân con người vĩ đại ấy đã đến đây rồi.
Gieny với một cái khăn trên giá xuống, lau tay. Giọng ông bác sĩ vang lên từ phía sau cô:
- Cô là cô Đentơn phải không?
Gieny quay lại, nhìn ông.
- Vâng ạ, thưa bác sĩ Grant.
- Theo tôi biết, tháng sau cô tốt nghiệp thì phải.
- Dạ tôi cũng mong như thế ạ.
- Tôi thấy cô chẳng có gì phải lo về chuyện ấy cả. Tôi vừa nói chuyện với xơ Krixtôphơ. Bà rất chú ý cô. Tôi cũng vậy.
- Dạ cám ơn bác sĩ ạ.
- Cô đã có kế hoạch gì sau khi ra trường chưa?
- Thực ra thì chưa ạ. - Gieny đáp. - Tôi sẽ ghi tên dự thi quốc gia rồi đăng ký xin vào một bệnh viện lớn nào đó.
- Tất cả các bệnh viện đều đủ người rồi.
Gieny biết Grant định nói ý gì. Thực ra các bệnh viện đều đã đủ người, xét cho cùng. Chúng thiếu nhân viên vì không đủ tiền trả cho số người họ cần. Nhất là những ai ở phòng phẫu thuật. Đó là những người phải được trả nhiều nhất.
- Dạ, tôi biết thế ạ, - cô đáp.
Ông thoáng ngần ngừ.
- Bây giờ cô có định làm gì không?
- Tôi định ra quán ăn trưa một chút thôi.
- Tôi muốn nói chuyện với cô một lúc. Xơ Krixtôphơ đã nói rằng cô có thể ra khỏi bệnh viện ăn trưa được đấy. Cô nghĩ thế nào, quán “Bít tết và Xốt” nhé?
- Dạ, thế thì tốt quá ạ.
- Tốt lắm. - Ông mỉm cười. - Tôi sẽ gặp cô ở xe của tôi. Cái Pacơt đen ấy.
- Tôi biết ạ.
Cô đáp nhanh. Tất cả y tá đều biết nó. Nó luôn luôn đỗ ở ngay trước mặt nhà tập thể của họ. Trừ cái Cađilac đen của bác sĩ Giêđơn ra, nó là cái ôtô đắt tiền nhất bệnh viện này.
- Vậy thì hẹn gặp cô mười lăm phút nữa nhé.
Gieny đi hết hành lang, ấn nút gọi thang máy. Cửa buồng thang máy mở, cô bước vào. Bác sĩ Lob đâm bổ vào theo ngay sau cô.
- Tiệm “Bít tết và Xốt”, hết ý chưa?
- Em không hiểu ông ấy muốn gì ở em cơ chứ? - Cô hỏi.
Nụ cười của anh chàng bác sĩ rộng ngoác thêm ra.
- Anh thì biết tỏng ông ta muốn cái gì rồi, - anh ta đùa, giả vờ thốt lên dâm đãng, - cái mà anh đã không gặp may khi xin cô ở quán “Thìa mỡ” ấy mà.
Cô nhoẻn cười lại.
- Thế thì ở hiệu “Bít tết và Xốt”, ông ta cũng chả kiếm chác được gì đâu.
- Anh chịu, - Lob phá lên cười. - Rồi một ngày nào đó, cô phải trao nó cho một tay nào đó chứ. Thật là vô lý nếu cô lại đem nó xuống đến mồ cho bọn giun đất!
- Sẽ không bao giờ có chuyện ấy đâu. - Cô đáp. Quá muộn rồi, cô thầm nhủ. Nhưng giờ việc ấy không làm cô đau khổ nữa. Nó đã bị quên rồi, và ở đây không ai biết gì về chuyện ấy cả. - Em vẫn không hiểu ông ấy muốn gì.
- Có thể là ông ấy muốn cô làm việc cho ông ấy. - Cô đã nghĩ đến chuyện đó chưa?
- Em đã nghĩ rồi. - Cô thú thật. - Nhưng thế thì vô lý quá. Tại sao lại là em? Ông ấy có thể chọn được những người tốt nhất cơ mà.
Bác sĩ Lob nhoẻn miệng cười, nhưng mắt anh nghiêm túc.
- Cô nàng ơi, em chính là người giỏi nhất đấy. Đã đến lúc em nên nhận ra điều ấy.
Cửa thang máy mở ra, họ bước vào cái hành lang tầng hầm, nơi có quán ăn trưa của nhân viên bệnh viện. Gieny cúi nhìn bộ đồng phục trắng của mình.
- Có lẽ em nên cởi cái của này ra, mặc thứ gì đó cho tử tế một chút.
- Anh sẽ rất lấy làm sung sướng nếu thấy cô cởi cái của này ra. - Lob cười cười. - Cô không cần phải mặc cái gì nữa vì anh đâu.
Cô nhìn anh, phì cười. Rồi sẽ có ngày, anh chàng bác sĩ trẻ này sẽ trở nên rất nổi tiếng trong nghề đây.
- Nhất định có lúc em sẽ làm anh ngạc nhiên cho mà xem.
- Hãy làm cho anh ngạc nhiên bằng việc mang về cho anh một cái bánh mỳ bò thịt nhé! - Anh gọi với. - Anh đã đầu hàng về cái khác rồi.
Bác sĩ Grant chìa một bao thuốc lá về phía cô. Cô rút một điếu. Ông đánh diêm châm lửa cho cô. Mắt ông nhìn thẳng vào mắt cô qua ngọn lửa lập lòe.
- Có lẽ cô đang thầm ngạc nhiên tại sao tôi lại mời cô đi ăn trưa nhỉ?
Cô gật đầu.
- Ít nhất thì tôi cũng tò mò muốn biết.
Ông mỉm cười.
- Tôi xin lỗi vì đã làm cô tò mò. Nhưng đúng là tôi muốn thế thực, khi tôi nói là không muốn nói chuyện công việc trong bữa ăn. Nhưng có lẽ giờ thì ta có thể bàn đến nó được rồi.
Cô lặng thinh không đáp.
- Cô Đentơn ạ, trong năm vừa qua, tôi đã có dịp tốt thấy được cô làm việc trong phòng mổ. Ngay từ rất sớm, tôi đã nhận ra năng khiếu của cô; và là một bác sĩ phẫu thuật, tôi luôn luôn đánh giá rất cao việc cô giúp đỡ tôi hết sức đắc lực và đầy hiệu quả.
- Thưa bác sĩ Grant, tôi xin cám ơn ạ.
- Có thể cô cũng đã biết rồi đấy, cô Đentơn ạ, tôi khá bận và phải làm nhiều việc. Có khá nhiều bác sĩ giới thiệu bệnh nhân đến cho tôi mổ. Phần nhiều công việc ấy là thông thường thôi, và trong những điều kiện phù hợp, có thể làm ngay trong văn phòng của tôi được. Như thế, người bệnh đỡ tốn một khoản tiền đáng kể.
Gieny lặng lẽ gật đầu.
- Sáng hôm nay, tôi được cô Giênây, người đã làm việc với tôi nhiều năm, báo cho biết rằng cô ấy sắp sửa lập gia đình và định chuyển xuống miền Nam Caliphonia. - Ông rít một hơi thuốc. - khi tới bệnh viện, tôi đã tự cho phép mình được nói chuyện với Xơ Krixtôphơ về cô. Bà đã nhất trí rằng cô sẽ là một sự thế chỗ rất tuyệt vời cho cô Giênây.
- Ông nói thế có nghĩa là ông muốn tôi làm việc cho ông ư?
Ông mỉm cười.
- Theo cái lối vòng vèo của tôi, đấy chính là điều tôi định hỏi cô đó. Cô có thích đề nghị ấy không?
- Tất nhiên là có chứ ạ. Có y tá nào mà lại không thích cơ chứ?
- Cô biết đấy, việc không nhẹ nhàng gì đâu. Bệnh xá của tôi có rất ít giường, và thường là chúng tôi phải làm việc muộn. Đôi khi, tôi thậm chí còn giữ một bệnh nhân nào đó qua đêm nữa kia. Trong những lúc ấy, cô phải ở lại trực đấy.
- Bác sĩ Grant, - Gieny thốt lên, mỉm cười. - Suốt tuần vừa rồi, mỗi ngày tôi làm hai ca tám tiếng, chỉ được bốn tiếng giữa hai ca ấy thôi. Làm cho bác sĩ, đối với tôi chỉ là một cuộc đi chơi ngày nghỉ.
Ông mỉm cười, với tay qua bàn, vuốt ve bàn tay cô, ân cần, khẳng định. Gieny mỉm cười với ông. Xét cho cùng, ông không đến nỗi tồi quá, thậm chí là dù ông có cắt đi năm cái ruột thừa lành lặn. Ông chỉ là nhà phẫu thuật thôi. Ông không thể chịu trách nhiệm về sự chuẩn đoán sai của tất cả những bác sĩ đã gửi bệnh nhân đến cho ông mổ.
Nhưng đấy chỉ là trước khi cô làm việc với ông. Mãi về sau này, cô mới phát hiện ra rằng những khúc ruột thừa lành lặn không phải là cái duy nhất mà ông đã lôi khỏi bụng bệnh nhân. Ông còn bận bịu rất nhiều với đám thai nhi, đứa nhiều nhất là đã được mười tuần tuổi. Có lẽ trong thực tế, ông là bác sĩ phá thai bận bịu nhất của cả cái bang Caliphonia này.
Nhưng đến khi cô biết được điều này, thì cô cũng không đếm xỉa gì đến nó. Bởi vì cô đã yêu ông. Cô cũng không tính gì đến chuyện ông đã lấy vợ và đã có ba con rồi.

8

Chuông điện thoại réo lên đúng lúc cô sửa soạn rời khỏi cái căn hộ hai buồng bé xíu ở tầng trên bệnh xá. Cô quay lại, nhấc ống nghe lên.
- Văn phòng bác sĩ Grant đây, - cô nói. Máy của cô là đoạn nối thêm với văn phòng ở dưới gác kia.
- Gieny đấy phải không em? - Một giọng thì thào.
- Vâng ạ.
- Em ở lại đấy một lúc nữa, nhé?
- Em đang định về thăm ông bà già em một tí đây. Ba tuần rồi em không gặp các cụ. Chủ nhật này nữa là thứ ba...
Giọng ông cắt ngay lời cô:
- Tuần sau anh sẽ bố trí cho em nghỉ vào ngày thường. Gieny, Gieny! Anh phải gặp được em.
Cô ngần ngừ một thoáng. Ông đã cảm thấy điều đó qua điện thoại.
- Gieny, anh xin em. Không gặp em anh phát điên lên mất.
Cô nhìn về phía cái đồng hồ bàn. Đã hơn bảy giờ tối. Đến khi cô đi hết qua thành phố về tới nhà, thì đã đến giờ bố cô đi ngủ. Ông hiện giờ có việc làm ở WPA và phải có mặt hàng ngày rất sớm.
- Ôi, thôi được. - Cô khẽ thốt lên.
Giọng ông nhẹ nhõm bớt đi ngay.
- Hay lắm, Gieny. Hai mươi phút nữa anh sẽ đến. Anh yêu em.
- Em yêu anh. - Cô đáp và nghe thấy ống nghe của ông đặt xuống kêu tách một tiếng. Cô đặt ống nghe của mình xuống, từ từ cởi áo khoác. Cô cẩn thận treo nó vào trong tủ, bước tới đivăng ngồi xuống. Cô châm một điếu thuốc lá, ngồi trầm ngâm.
Khi cô tới làm việc ở đây, ba tháng trước, ai mà ngờ được rằng ông sẽ yêu cô? Và cô sẽ yêu ông. Nhưng mà làm sao cô có thể cưỡng lại được lòng cô cơ chứ? Nhất là khi cô biết ông ở gia đình như thế nào. Lấy phải một mụ vợ trẻ, giàu có, đành hanh, luôn luôn quát vào mặt ông rằng chính là tiền của cô ta đã khiến cho ông có thể mở được phòng khám riêng, chính là thế lực của bố cô ta đã tạo địa vị cho ông trong xã hội. Lấy phải một người đàn bà đẻ cho ông ta ba mặt con không phải vì yêu ông, mà là vì có một nỗi khát khao điên dại muốn buộc ông mãi mãi vào cô ta.
Cho nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi ông lấy công việc làm chỗ ẩn náu của mình, ông dành hầu như toàn bộ thời gian không ngủ cho công việc. Giờ thì cô hiểu cái gì đã thúc đẩy hành động của ông. Còn các cô gái và những người đàn bà đến cho ông mổ nữa? Và khi ông giải thích tại sao ông làm thế, cô hiểu ra điều đó ngay.
Cô như nhìn thấy lại lòng trắc ẩn bên trong hiện ra trên khuôn mặt nhạy cảm của ông khi ông nói.
- Gieny, tôi phải làm gì bây giờ? - Ông hỏi lại. - Xua đuổi họ đi ư? Hay là để họ rơi vào tay một gã lang băm nào đó sẽ làm cho họ suốt đời mang tật, thậm chí giết chết họ, chỉ vì một điều luật tôn giáo đã cổ lỗ sĩ lắm rồi ư? Những điều luật tôn giáo như vậy kéo nhằng ra hết đời này sang đời khác cho đến khi thành ra giáo điều cứng nhắc, kiểu như cái quan niệm ngớ ngẩn của dân Do Thái về thịt kiêng ấy mà. Thậm chí luật bộ của chúng ta cũng cho phép phá thai trong một số trường hợp nhất định cơ mà. Rồi có ngày, nó sẽ cho phép làm việc đó công khai, hoàn toàn hợp pháp, như nhiều nước đã làm. Cuba, Đan Mạch, Thụy Điển và nhiều nước khác. - Ông quay cặp mắt nâu, nằm sâu trong hai hốc mắt về phía cô. - Khi trở thành bác sĩ, tôi đã có lời thề rằng tôi sẽ làm hết sức mình để giúp bệnh nhân của tôi, bằng mọi cách tôi có thể, cả về mặt thể xác lẫn tâm lý. Lời thề ấy đối với tôi quan trọng hơn bất kỳ cái gì khác. Khi một đứa trẻ tội nghiệp, hoảng sợ đến tìm tôi xin cứu giúp, tôi không thể chơi trò đóng vai Đức Chúa Trời đạo mạo và xua cô gái ấy đi được.
Cô thấy những lời ấy có lý. Có nhiều cái của nhà thờ cô không tài nào hiểu được. Cô đã biết nhà thờ xử sự như thế nào trong trường hợp của cô, và nỗi cay đắng vẫn còn nhức nhối ở sâu thẳm trong cô. Nếu họ coi phẩm chất của cô là trọng như họ nói, tại sao họ lại không dám đứng ra bảo vệ cho đức hạnh của cô? Họ thực sự muốn tìm kiếm quyền lực chi phối cô, chứ không phải là trách nhiệm đối với cô.
Thế là dần dần, cô đi đến chỗ chấp nhận những người đàn bà tìm tới sự giúp đỡ của ông. Một chị có chồng, không thể bỏ việc được vì hai vợ chồng chị ta đã có quá nhiều miệng con phải nuôi rồi; những cô gái trẻ khiếp đảm, một số vẫn còn đi học phổ thông, hoặc chỉ vừa mới ra trường, những người đàn bà trung niên, thấy đời mình bắt đầu đến lúc thay đổi, gia đình con cái đã lớn rồi; thậm chí cả những cô gái mãi dâm, sống bạt mạng qua ngày, vậy mà bước vào văn phòng đây với một nỗi sợ hãi khắc khoải, bồn chồn, giấu dưới những chuỗi cười giòn tan, tươi tỉnh. Cô cảm thấy thương họ. Cô có một khả năng thấy ái ngại cho họ, như ông. Và từ đó, đi đến chỗ yêu ông, chỉ còn có một bước.
Chuyện ấy xẩy ra khi cô đã ở đây khoảng một tháng. Cô đang ở trong căn hộ của mình trên gác thì nghe thấy có tiếng động trong văn phòng chính dưới nhà. Lúc ấy là tám giờ tối. Thoạt đầu, cô bối rối, nghĩ đấy là một đêm làm việc. Nhưng rồi cô nhận ra hôm ấy là thứ ba, còn bác sĩ Grant thì chỉ làm việc vào các tối thứ hai, tư, sáu mà thôi. Cô vặn nhỏ ngọn lửa dưới ấm cà phê, với lấy cái áo choàng mỏng, đi xuống dưới nhà xem có chuyện gì.
Khi cô mở cánh cửa văn phòng riêng của ông, nhìn vào, ông đang ngồi ở sau bàn, mặt xám nhợt, nom mệt mỏi:
- Tôi xin lỗi, thưa bác sĩ. Tôi không biết đó là bác sĩ. Tôi nghe thấy có tiếng động... 
Ông mệt mỏi mỉm cười:
- Cô Đentơn, không sao đâu.
- Thôi, chào bác sĩ ạ. - Cô chực khép chặt cánh cửa lại.
- Hượm đã, cô Đentơn. - Ông đột ngột thốt lên.
Cô mở cửa, nhìn ông.
- Dạ, thưa bác sĩ?
Ông lại mỉm cười:
- Ta đã bận nhiều việc quá. Tôi chẳng còn có lúc nào hỏi cô nữa. Cô ở đây có thấy vui vẻ không?
Cô gật đầu:
- Dạ thưa bác sĩ, có ạ. Rất vui ạ.
- Tôi rất mừng.
- Thưa bác sĩ, bác sĩ nên về nhà đi ạ. Nom bác sĩ có vẻ kiệt sức mất rồi.
- Về nhà ư? - Ông hỏi lại, môi gượng cười. - Đây là nhà tôi, cô Đentơn ạ. Tôi chỉ ngủ ở cái chỗ kia thôi.
- Thưa bác sĩ, tôi... tôi... không hiểu.
- Tất nhiên là cô không hiểu. - Ông nói dịu dàng. - Tôi cũng không chờ đợi là cô sẽ hiểu chuyện ấy đâu. Cô còn quá trẻ, chưa thể để ý được những kẻ như tôi đâu. - Ông đứng dậy. - Thôi cô Đentơn, cô lên gác đi. Tôi sẽ giữ yên lặng, không làm phiền cô nữa. 
Ánh đèn bàn hắt lên mặt ông làm khuôn mặt ấy trở nên đẹp đẽ khác thường. Cô đứng sững ở ngưỡng cửa, nhìn ông không chớp. Cô cảm thấy tim mình đập thình thịch rất lạ ở trong cô.
- Nhưng thưa bác sĩ, tôi lo cho bác sĩ quá. Bác sĩ đã làm việc quá nhiều rồi. 
- Tôi không sao đâu. - Giọng ông đều đều, không chút thần sắc. Ông quay người lại, nhìn cô. Mắt họ tìm thấy nhau, dừng hẳn lại. Cô thấy người quay cuồng, dường như cô đang bị hút vào cái khoảng không thăm thẳm của đôi mắt nâu dịu dàng kia, hút vào mãi, vào mãi... . Cô bíu vội lấy cánh cửa cho khỏi ngã, hai chân run bần bật. Môi cô không thốt nổi ra lời. Cô mở to mắt nhìn ông trân trân, họng nghẹn lại.
- Cô Đentơn, cô làm sao vậy?
Cô phải cố hết sức một cách tuyệt vọng mới nói được một tiếng “Không”.
Cô lắc đầu, khẽ thì thào, gắng gượng nhìn đi chỗ khác. “Không ạ”. Rồi đột nhiên cô vùng chạy lên gác.
Mãi đến khi ông giữ được cô ở cửa ra vào căn hộ của cô, cô mới biết là ông đã đuổi theo mình. Hơi ấm của bàn tay ông túm lấy vai cô thấm qua lần vải mỏng cái áo choàng nóng rực.
- Gieny, cô sợ tôi, hả? - Ông cộc cằn gắt lên.
Cô ngẩng lên, nhìn vào mặt ông. Đôi mắt ông ngời ngời, đau đớn. Người cô chợt mềm lả đi. Không có tay ông giữ vội, cô đã ngã sụp xuống.
- Không... - cô thì thào.
- Vậy thì tại sao hả?
Cô cúi mặt, không đáp. Hơi bàn tay ông bắt đầu tỏa ra thành lửa khắp người cô.
- Nói đi, - ông giục, lắc cô.
Cô ngẩng lên nhìn ông, mắt dâm dấp nước.
- Tôi không thể, không thể nói được.
- Không, cô có thể, Gieny, cô có thể. - Ông sôi nổi nhấn mạnh, khăng khăng. - Tôi biết Gieny đang cảm thấy gì. Gieny cảm thấy cái mà tôi cũng cảm thấy. Tôi không bao giờ ngủ mà không mơ thấy Gieny, không cảm thấy Gieny ở gần gũi bên tôi.
- Đừng. Xin ông... Như thế thật không đúng.
Bàn tay mạnh mẽ, bàn tay bác sĩ phẫu thuật của ông ôm lấy mặt cô.
- Gieny, anh yêu em. Anh yêu em.
Cô mở to mắt ngước lên nhìn mặt ông, thấy nó hạ thấp dần, thấp dần... Rồi môi ông miết lên môi cô. Cô nhắm nghiền mắt lại. Người cô như rơi vào một biển lửa nóng rừng rực. Đột nhiên, cô giằng mặt ra khỏi ông. Cô lùi vào nhà. Ông bước vào theo, đưa chân đá sập cánh cửa lại.
- Em cũng yêu anh, - ông thốt lên, - hãy nói đi.
Cô mở to mắt, trân trân nhìn ông không chớp.
- Không, - cô thì thào.
Ông bước tới một bước, những ngón tay rắn chắc của ông ôm ngập vào bả vai cô.
- Nói đi! - Ông cộc cằn ra lệnh.
Chạm vào da thịt ông, người cô rùng lên như có điện, mềm xỉu xuống. Cô không thể quay mặt khỏi ánh mắt của ông được nữa.
- Em yêu anh, - cô thốt lên.
Ông lại miết môi mình lên môi cô, hôn cô. Cô cảm thấy hai bàn tay ông ở trong tấm áo cô, những ngón tay ông lần lần lưng cô, mở khóa xu chiêng. Thoát khỏi kìm giữ, vú cô căng lên, hai núm vú xinh xinh sung sướng nhảy gọn vào lòng bàn tay ông. Một luồng điện đê mê ngất ngây rùng rùng chạy khắp người cô, cô gần như ngã quỵ xuống.
- Đừng anh... - môi cô mấp máy dưới môi ông. -... Như thế là có tội... 
Ông luồn tay qua người cô, bế bổng cô lên, đi băng qua phòng tới giường. Ông nhẹ nhàng đặt cô nằm xuống, rồi quỳ xuống cạnh cô.
- Khi một người đàn ông và một người đàn bà yêu nhau, - ông thì thào bên tai cô, - không một cái gì họ làm riêng với nhau trong nhà họ là có tội cả. Và đây là nhà của chúng ta.
Ông lại đặt môi mình lên miệng cô lần nữa.
Ngồi cạnh bàn, Tôm đưa mắt nhìn cái đồng hồ treo trên tường bếp. Mười giờ hơn mấy phút rồi. Ông gập tờ báo lại.
- Có lẽ con bé chả về nữa rồi, - ông thốt lên, đứng dậy. - Tôi cũng đi ngủ thôi. Mấy cậu Liên minh bảo là nay mai tôi sẽ trở thành đốc công đến nơi. Chả hay ho gì cho tôi nếu thò mặt đi làm muộn.
Êlen khịt mũi khinh bỉ.
- Nếu ông cứ nghe lời mấy thằng cha cộng sản ở Liên minh công nhân ấy, thì rồi may lắm ông mới giữ được chỗ làm ở WPA đấy.
- Họ khá tử tế. Bà không thể từ chối được điều đó. Chính họ đã làm cho tôi nhận được việc cả ngày thay cho nửa ngày, và bà cũng biết điều ấy. Chính họ mới là người tranh dấu cho dân thợ thuyền.
- Đám cộng sản ấy là lũ vô thần. - Êlen đáp. - Cha Hatlây bảo với tôi rằng họ chống lại nhà thờ vì họ không tin có Chúa. Người nói rằng họ ve vãn dân thợ cho đến khi leo lên cầm quyền được, như ở nước Nga ấy. Rồi khi ấy họ sẽ đóng cửa hết tất cả nhà thờ và biến mọi người chúng ta thành tôi đòi hết.
- Nếu thế thì sao, hả? - Ông vặn lại. - Tôi chả thấy cái nhà ông thày tu Hatlây ấy kiếm việc cho tôi, hay giả hộ tiền ăn cho nhà ta được một xu nào cả. Không hề. Liên minh mới là người kiếm ra việc làm cho tôi, và chăm lo tranh đấu cho tôi có việc làm đầy đủ để mua cái ăn và giả tiền nhà. Ông Hatlây muốn gọi họ là gì tôi cóc cần, chỉ biết rằng họ đối xử tốt với tôi là tôi quý họ rồi.
Bà mỉm cười cay đắng.
- Tôi có một gia đình hay ho quá thể! Một ông chồng cộng sản, một cô con bận đến nỗi không còn tìm đâu ra thời giờ về thăm nhà được nữa.
- Biết đâu con bé bận thật thì sao? - Tôm đáp gượng gạo. - Bà biết nó có trách nhiệm lớn lao thế nào đấy thôi. Có phải các xơ ở Trường y tá Mary đã nói là con bé may vô cùng lại được nhận vào làm cho một ông đốc tờ quan trọng như vậy, đúng không nào?
- Phải. Nhưng đáng lẽ nó cũng phải đảo về nhà năm thì mười họa chứ. Tôi đánh cuộc rằng từ khi ra trường đến giờ, nó chưa hề đi lễ Max nào cả.
- Sao mà bà biết hả? - Tôm cáu kỉnh hạch lại. - Nhà thờ Xanh Pol không phải là nhà thờ độc nhất ở cái thành phố Xan Pranxixcô này!
- Tôi biết. Tôi cảm thấy như vậy. Nó không muốn về thăm ta. Nó giờ làm được ối tiền rồi, nó cảm thấy nhục vì ta nghèo đấy.
- Nó kiêu hãnh cái quái gì cơ chứ hả? Vì bà, lúc nào cũng leo lẻo răn đe giáo lý vào tai nó ư? Vì những thằng ranh con khịt mũi, cười ông ổng sau lưng nó, mỗi khi nó đi ngang qua ư? Bà nghĩ đấy là những thứ làm cho một đứa con gái thích về nhà ư?
Êle lờ không trả lời.
- Con gái con đứa là không được bỏ nhà đi biền biệt thế mới phải. - Bà vẫn khăng khăng giữ ý của mình. - Cả tôi với ông đều biết rõ những chuyện gì đang xẩy ra ở khu đồi trên ấy. Rượu chè, ngủ nghê lang chạ với vợ của nhau... Tôi cũng đọc báo, có kém gì ông đâu.
- Gieny là con bé ngoan. Nó không bao giờ làm những chuyện ấy đâu.
- Tôi không dám chắc là như vậy. Đôi khi, một chút khoái lạc giống như một thìa mật ấy. Đủ ngọt lưỡi, nhưng không đủ cho người ta thấy đầy mồm. Mà cả tôi với ông thì đều biết rõ là nó đã biết thế nào là khoái lạc quyến rũ rồi.
- Bà vẫn còn chưa tin nó, phải không? - Ông cay đắng vặn hỏi. - Bà thấy tin lời hai thằng du côn ấy hơn là con đẻ bà ư?
- Vậy tại sao nó lại không đi kiện? Nếu không có một chút xíu gì là thật trong lời hai đứa kia, thì nó đã không việc gì phải sợ cả. Nhưng đằng này thì không, nó nhận một ngàn đôla, để được cái nhãn hiệu luôn con nhà thổ đấy!
- Bà biết rõ không kém gì tôi là tại sao nó lại làm thế. - Tôm đáp. - Bà nên cảm ơn cái nhà thờ của bà về việc ấy đi. Họ thậm chí không muốn ra tòa để nói rằng con bé là đứa tử tế đứng đắn. Không, họ sợ là cha mẹ của hai thằng kia không thích, và thôi không góp tiền hàng tuần cho họ nữa!
- Nhà thờ đã cho con bé đi học. Lại tìm việc cho nó nữa. Nhà thờ đã làm tròn bổn phận của mình.
- Vậy thì bà còn kêu ca càu nhàu gì nữa?
Bà ngồi lặng hồi lâu, nghe thấy ông cáu kỉnh quẳng hộp giày xuống sàn buồng ngủ lúc thay quần áo đi tắm. Rồi bà đứng lên khỏi ghế, sờ tay vào bếp đun nước nóng. Tắm nước nóng qua một cái bây giờ chắc chắn sẽ làm bà bớt đau nhức đi được một ít. Cái thời tiết ẩm thấp mùa thu này đã làm khớp bà viêm trở lại. Bà vớ lấy một que diêm, quỳ thụp xuống bên cạnh cái bếp. Bà bật diêm, vặn to khóa ga. Ngọn lửa phựt lên cháy một ít rồi lụi dần, vàng khè, nhỏ lại và tắt hẳn. Bà ngẩng lên nhìn đồng hồ đo. Họ không còn ga. Cái kim nhỏ dựng đứng. Bà nhỏm dậy, bước tới trước túi đựng tiền tiêu vặt. Bà mở cái ví nhỏ đựng tiền lẻ, lục tìm. Không có đồng hai lăm xu, toàn năm xu với một hào. Bà thoáng nghĩ đến việc hỏi xin Tôm hai lăm xu, rồi nhún vai. Nghe những lời báng bổ của ông ta thế là quá đủ rồi. Không tắm cũng được. Sáng mai đi lễ Max về, bà sẽ rửa mặt. Khi bà xong bước ra, Tôm đang đứng giữa bếp, mặc quần dài, cởi trần trùng trục. Bà lặng thinh đi lướt qua mặt ông, vào phòng ngủ, đóng cánh cửa phía sau mình lại.
Ông bước vào phòng tắm, dội ào ào. Đột nhiên, nước trở nên lạnh ngắt. Ông làu bàu rủa, vội mặc quần áo vào ngay. Ông lục túi lấy ra một đồng hai lăm xu, vươn người bỏ nó vào cái đồng hồ đo, rồi chăm chú ngắm cái vệt đỏ trên mặt đồng hồ nhỏ dần, biến mất hẳn. Ông gật gù, hài lòng.
Sáng mai, ông sẽ vặn to bếp ga đun nước nóng và chỉ mấy phút sau là ông có đủ nước cạo râu. Ông đi vào phòng ngủ, cứ để nguyên cửa mở toang, không để ý thấy tiếng rít khe khẽ vọng ra từ dưới cái bếp ga.
Ông gấp quần, vắt lên ghế, rồi ngồi xuống giường. Một lúc sau, thở dài, ông nằm xuống. Vai ông đụng vào vai Êlen bà trở mình quay đi.
À, cái mụ chết tiệt, ông thầm nghĩ, xoay lưng lại phía bà. Có lẽ đám mấy tay cộng sản ấy chủ trương tự do yêu đương thế lại đâm đúng. Ít nhất thì một người đàn ông cũng không phải è cổ chịu một cái gánh nặng sống chung với một con mẹ như thế này.
Mắt ông bắt đầu thấy nằng nặng. Ông nghe thấy tiếng bà thở đều đều, khe khẽ. Bà đã ngủ hẳn. Ông mỉm cười với mình trong bóng tối. Được tự do yêu đương, ông sẽ chọn người hợp với mình. Rồi bà ấy sẽ phải xử sự khác. Mắt ông nhắm nghiền lại. Ông ngủ thiếp đi cùng bà. Và cùng chết.
Gieny ngồi sững sờ trên giường, quấn chặt tấm vải trải nệm quanh thân thể trần trụi của mình giương mắt khiếp đảm nhìn người đàn bà đứng lạnh lùng ở ngưỡng cửa. Ở bên kia giường, Bob Grant đang lập cập cài cúc áo sơ mi.
- Cô nghĩ là anh ta bỏ tôi để đến với cô sao? - Bà ta thét vào mặt Gieny. - Cô tưởng cô là người đầu tiên phỏng? Anh ta chưa bảo với cô rằng đã bao nhiêu lần tôi tóm được anh ta trong tình cảnh thế này ư? - Giọng bà ta trở nên khinh bỉ. - Hay là cô ngờ rằng anh ta thực sự chết mê chết mệt vì cô, hả?
Gieny lặng thinh.
- Bảo cô ta đi, Rôbơt. - Bà vợ bác sĩ Grant cáu kỉnh thốt lên. - Bảo cho cô ta biết rằng anh muốn ăn nằm với tôi tối nay, nhưng khi tôi từ chối, anh chạy bổ đến đây. Bảo cho cô ta biết ngay đi!
Gieny trố mắt nhìn ông. Mặt ông trắng bệch, không nhìn về hướng cô. Ông với lấy cái áo khoác trên ghế, bước về phía vợ.
- Em đang mất bình tĩnh quá. Thôi để anh đưa em về nhà nào.
Về nhà. Một cảm giác buồn nôn chợt quặn lên trong lòng Gieny. Đây là cái nhà của họ - ông và cô. Ông đã nói như vậy. Đây chính là nơi họ đã yêu nhau, đây là nơi họ đã ở bên nhau. Nhưng giờ thì ông đang nói về một nơi nào đó khác. Một nơi khác.
- Rôbơt, tôi lúc nào cũng mất bình tĩnh ư? Lần nào anh cũng hứa là sẽ không bao giờ còn xẩy ra nữa. Nhưng tôi thì tôi hiểu biết hơn, có đúng không nào? Thôi được. - Giọng bà ta đột nhiên sắt lại, lạnh ngắt. - Ta sẽ đi. Nhưng anh sẽ phải nói với cô ta trước đã.
- Em yêu, anh xin em. - Ông đáp nhanh. - Lần khác. Chứ không phải ngay bây giờ.
- Không, Rôbơt, ngay bây giờ! - Bà ta đáp lạnh lùng. - Ngay bây giờ, nếu không cả thế giới sẽ biết đến tên bác sĩ Grant, thằng lang băm, gã nạo thai trái phép, tên đàn ông phóng đãng.
Ông quay lại, nhìn Gieny ngồi trên giường.
- Cô Đentơn, cô sẽ phải đi khỏi đây thôi, - ông trầm trầm nói. - Cô đã thấy rồi đấy, tôi không yêu cô, giọng ông căng thẳng. - Tôi yêu vợ tôi.
Và gần như đúng lúc cánh cửa ra vào khép lại phía sau ông ta, ở căn hộ cũ kỹ phía đầu kia thành phố, bùng lên tiếng nổ lớn. Sau khi lôi hai cái thi thể méo mó cháy đen ra khỏi đám cháy, những người cảnh sát cứu hỏa phát biểu nhận định của họ. Các nạn nhân đã gặp may. Họ chết trước khi đám cháy nổ ra.
-------------
Còn tiếp…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét