Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Khách sạn Thanatos - Andre Maurois

- Bao nhiêu, cái công ty Thép ấy? - Jean Monnier hỏi.
- Năm mươi chín một phần tư, - một trong số mười hai cô thư ký đánh máy trả lời.
Tiếng lạch tạch của những chiếc máy chữ nghe giống như một điệu nhạc jazz. Qua cửa sổ, ta có thể nhìn thấy các khối nhà khổng lồ của khu Manhattan. Máy điện thoại đổ chuông và các cuốn băng giấy được nhả ra với một tốc độ nhanh ghê gớm, chất đống khắp phòng, trông như những con rắn quái dị bao bọc bằng chữ và các con số.
- Công ty Thép, bao nhiêu? - Jean Monnier lại hỏi.
- Năm mươi chín, - Gertrude Owen trả lời.
Cô ta ngừng việc một lúc để nhìn anh chàng trẻ tuổi người Pháp. Ngồi rũ rượi trong ghế bành, hai tay ôm đầu, anh ta có vẻ đã kiệt sức.
“Lại một tên nữa thua cuộc”, cô ta nghĩ. “Thôi thì mặc xác hắn, và mặc xác Fanny…”.
Chả là hai năm về trước, Jean Monnier, trợ lý tại văn phòng New York của ngân hàng Holmann đã cưới cô thư ký người Mỹ của mình.
- Bao nhiêu, công ty Kennecott ấy? - Jean Monnier lại hỏi nữa.
- Hai mươi tám, - Gertrude Owen trả lời.
Một tiếng nói vang lên sau cánh cửa. Harry Cooper bước vào, Jean Monnier đứng dậy.
- Họp với hành! - Harry Cooper nói. - Sụt giá hai mươi phần trăm toàn bộ thị trường chứng khoán. Chỉ có những thằng ngốc mới nói rằng đây không phải là một cuộc khủng hoảng.
- Thì khủng hoảng chứ còn gì nữa. - Jean Monnier nói và bước ra ngoài.
- Hắn ta bị rồi. - Harry Cooper lên tiếng.
- Vâng, - Gertrude Owen nói, - cậu chàng thua cháy túi. Fanny vừa nói với tôi. Tối nay cô ả sẽ bỏ hắn.
- Biết làm thế nào được? - Harry Cooper nói. - Khủng hoảng mà lỵ.
* * *
Hai cánh cửa bằng đồng đẹp đẽ của thang máy được đẩy ra.
- Xuống. - Jean Monnier bảo.
- Công ty Thép bao nhiêu ạ? - Người giữ thang máy hỏi.
- Năm mươi chín, - Jean Monnier trả lời.
Anh đã mua với giá 112. Mỗi cổ phiếu lỗ mất năm mươi ba đô-la. Và các loại cổ phiếu khác cũng chẳng hơn gì. Tất cả cái gia tài nhỏ nhoi ngày nào anh kiếm được ở Arizona đã ném hết vào canh bạc này rồi. Fanny chẳng bao giờ được lấy một xu. Thế là hết. Trên đường phố, trong lúc đi nhanh cho kịp tàu, anh đã thử hình dung tới tương lai. Làm lại từ đầu ư? Nếu Fanny tỏ ra can đảm, điều đó không phải không làm được. Anh nhớ lại những cuộc vật lộn ban đầu, những đàn súc vật chăn giữ trong sa mạc, hồi mà anh phất lên khá là mau lẹ. Dù sao, anh cũng chỉ mới có ba mươi tuổi. Nhưng anh biết rằng Fanny sẽ chẳng động lòng.
Cô ta là thế mà.
Sáng hôm sau, Jean Monnier thức dậy một mình, anh tự thấy mất hết can đảm. Cho dầu Fanny bạc bẽo, anh đã từng yêu cô ta. Chị giúp việc người da đen dọn cho anh món dưa gang, cháo ngũ cốc và hỏi tiền công.
- Thưa ông, bà chủ đâu ạ?
- Đi chơi rồi.
Anh đưa chị mười lăm đô-la rồi kiểm lại tiền nong. Chỉ còn lại chưa đầy sáu trăm đô-la. Đấy là tất cả những gì để anh sống trong hai tháng, có thể là ba tháng. Rồi sau đó? Anh nhìn qua cửa sổ. Đã một tuần nay, hầu như ngày nào cũng vậy, người ta đều đọc thấy trên mặt báo những câu chuyện về các vụ tự tử. Chủ ngân hàng, thư ký hãng buôn, các tay đầu cơ, đã chọn cái chết sau một cuộc đấu tranh thất bại. Đâm nhào từ từng gác thứ hai mươi xuống? Mất bao nhiêu giây? Ba? Bốn? Sau đó là nát nhừ… Nếu nhào xuống mà không chết thì sao? Anh hình dung ra nỗi đau ghê gớm, với những chân tay dập gãy, những mảng thịt bị hủy hoại. Anh thở dài rồi sau đó, cặp một tờ báo đi đến tiệm ăn, và anh ngạc nhiên khi thấy mình vẫn ăn ngon miệng món bánh cờ-rếp tẩm nước đường thơm mùi nhựa cây phong.
- “Khách sạn Thanatos, New Mexico”… Ai viết thư cho mình ở cái địa chỉ kỳ quái này nhỉ?
Cũng còn một lá thư nữa của Harry Cooper mà anh chọn đọc trước. Ông chủ hỏi tại sao anh không trở lại văn phòng. Khoản tiền anh còn nợ ngân hàng là tám trăm chín mươi đô-la. Anh trù tính làm sao về khoản đó?… Câu hỏi độc ác hay ngây thơ? Nhưng mà sự ngây thơ xưa nay chưa hề có trong những tật xấu của Harry Cooper.
Đến lượt lá thư kia. Bên dưới hình vẽ ba cây bách, lá thư viết:

“Khách sạn Thanatos.
Giám đốc: Henry Boerstecher.

Ông Monnier thân mến! Sở dĩ chúng tôi gửi thư cho ông hôm nay, chẳng phải tình cờ, mà bởi vì chúng tôi đã có được những chỉ dẫn về ông, cho phép chúng tôi hy vọng rằng công việc của chúng tôi có thể sẽ có ích đối với ông.
Không hẳn ông đã không để ý rằng trong cuộc đời của một con người dũng cảm nhất, vẫn có thể xảy ra những cảnh ngộ hoàn toàn đối nghịch, đến nỗi sự phấn đấu trở thành bất lực và lúc đó ý tưởng về cái chết hiện ra như một sự giải thoát.
Nhắm mắt, ngủ thiếp đi, không còn nghe nữa những câu hỏi, những lời trách cứ… Nhiều người trong chúng ta có ước mơ ấy, bày tỏ nguyện vọng ấy. Tuy nhiên, trừ một vài trường hợp hiếm hoi, con người ta không ai dám tự giải thoát khỏi nỗi bất hạnh của mình, và điều đó cũng dễ hiểu khi ta quan sát một số trường hợp của những người đã thử làm việc ấy. Bởi vì phần lớn các vụ tự tử đều thất bại thảm hại. Người này muốn tự bắn một phát đạn vào sọ, kết cục lại làm đứt dây thần kinh thị giác và chịu cảnh mù loà. Người khác định tự đầu độc bằng thuốc ngủ có hợp chất Barbituric, đã dùng nhầm liều lượng để rồi sau ba hôm thức dậy, đầu óc u mê, trí nhớ không còn, chân tay bại liệt. Tự tử là một nghệ thuật, nó không chấp nhận tính tầm thường cũng như thói tài tử, và tuy vậy, cũng do bản chất của nó, nó không cho ta được phép có kinh nghiệm.
Kinh nghiệm ấy, thưa ông Monnier thân mến, như chúng tôi nghĩ, nếu ông cần, chúng tôi đã sẵn sàng để hầu ông. Làm chủ một khách sạn trên biên giới Hoa Kỳ và Mexico, thoát ra ngoài mọi sự kiểm soát phiền phức do tính chất xa xôi, hoang vắng của vùng này, chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của mình là cung cấp cho những anh chị em đồng loại nào vì những lý do nghiêm túc và xác đáng, mong muốn được rời bỏ cõi đời này, những phương tiện để làm việc đó mà không hề đau đớn và chúng tôi còn dám nói rằng, không hề nguy hiểm.
Ở khách sạn Thanatos cái chết sẽ đến với ông trong giấc ngủ và dưới một hình thức êm dịu nhất. Trình độ kỹ thuật tinh xảo thu thập được sau mười lăm năm hoạt động liên tục có kết quả (năm vừa rồi chúng tôi đã tiếp nhận hơn hai nghìn khách hàng), cho phép chúng tôi đảm bảo một liều lượng chính xác và đạt hiệu quả ngay lập tức. Cũng cần nói thêm rằng với những vị khách có đạo thường cho rằng tự tử là một tội lỗi, bằng một phương pháp khéo léo, chúng tôi sẽ giúp những người đó gạt bỏ mọi trách nhiệm thuộc về đạo đức.
Chúng tôi biết rất rõ rằng phần đông khách hàng của chúng tôi có ít tiền, và tần số tự tử là tỷ lệ nghịch với số dư của những khoản tiền gửi ở ngân hàng. Chính vì thế, chúng tôi đã cố gắng hạ thấp giá tiền ở khách sạn Thanatos đến mức có thể hạ được, mà không hề làm giảm các tiện nghi. Đến đó, khách hàng chỉ cần đặt trước ba trăm đô-la. Khoản tiền ấy sẽ trang trải cho ông tất cả mọi phí tổn trong thời gian ông lưu lại ở chỗ chúng tôi, lưu lại bao nhiêu lâu, ông chẳng cần biết, sẽ thanh toán cho các phương tiện dùng vào việc tự tử, việc chôn cất, và cuối cùng là việc trông coi phần mộ. Bởi những lý do hiển nhiên, khoản thù lao cho người phục vụ cũng đã tính gộp vào số tiền đặt trước đó, và sẽ không có ai đòi ở ông bất cứ một khoản tiền thưởng nào.
Cũng cần phải nói thêm rằng khách sạn Thanatos nằm tại một vùng có cảnh trí tự nhiên rất đẹp, có bốn sân quần vợt, một sân golf 18 lỗ và một bể bơi cỡ thế vận. Khách hàng chúng tôi gồm những người thuộc cả hai giới, và hầu hết họ xuất thân từ môi trường xã hội thanh lịch, do tình thế lạ lùng như vậy, cho nên về phương tiện giao tiếp, ở đây đặc biệt hấp dẫn, không một nơi nào sánh nổi. Hành khách được mời xuống xe lửa ở ga Deeming, tại đó sẽ có xe ca của khách sạn tới đón. Chỉ xin quý khách cho biết trước ít nhất là hai ngày, bằng thư hoặc điện. Địa chỉ để đánh điện như sau: “Thanatos, Coronado, New Mexico”.

Jean Monnier lấy một cỗ bài và thử bói xem kết quả ra làm sao, theo cách Fanny đã dạy anh.
* * *
Cuộc hành trình khá là dài. Hết giờ này sang giờ khác, xe lửa chạy qua những cánh đồng bông có những người da đen đang làm việc nổi lên giữa một biển bông trắng xốp. Rồi những khoảng ngắt quãng vì giấc ngủ và những giờ đọc sách, đọc báo đã lấp đủ hai ngày hai đêm. Sau cùng là một vùng phong cảnh núi non hùng vĩ và thần tiên. Con tàu chạy qua một lũng hẹp, nằm giữa các ngọn núi đá cao ngất. Những vật lớn màu tím, màu đỏ rạch ngang qua các ngọn núi. Ngang sườn núi một dải mây trôi lơ lửng. Dọc các ga xép tàu đỗ lại, người ta thoáng thấy những người đàn ông Mexico đội mũ dạ rộng vành, mặc áo da có các đường thêu.
- Ga tới đã là ga Deeming rồi đấy ạ, xin quý ông đi giày cho, - người da đen phục vụ trên toa tàu hạng sang nói với Jean Monnier.
Anh chàng người Pháp sắp xếp sách vở, và đóng va-li lại. Sự đơn giản của cuộc hành trình vừa qua làm anh ngạc nhiên. Anh nhận ra tiếng nước chảy ào ào của một dòng thác. Tiếng phanh nghiến rít lên. Con tàu dừng lại.
- Khách sạn Thanatos, thưa ngài? - Người Anh-điêng làm công việc khuân vác vừa chạy dọc các toa vừa hỏi anh.
Trên chiếc xe đẩy của anh ta đã thấy có hành lý của hai cô gái tóc hung đi theo phía sau.
“Chẳng lẽ, - Jean Monnier nghĩ, - những cô gái xinh đẹp thế kia mà lại tới đây để chết ư?”.
Hai cô gái cũng nhìn anh, những cái nhìn rất nghiêm trang, và họ thì thầm với nhau những tiếng gì, anh không nghe được.
Xe chở khách không có cái vẻ gì của một chiếc xe đám ma để có thể làm ta sợ hãi. Với nước sơn màu xanh thẫm, đệm màu xanh và màu da cam, chiếc xe bóng loáng lên dưới ánh mặt trời, giữa đám xe cũ kỹ với những người Tây Ban Nha và người Anh-điêng đang cãi cọ nhau tạo cho bãi đỗ xe này cái vẻ của một khu chợ mua bán đồ đồng nát. Các ngọn núi đá hai bên đường phủ đầy rêu, như được trùm một tấm khăn mỏng màu xám xanh. Phía trên cao lấp lánh những màu sắc sáng chói của những tảng đá có ánh kim. Lái xe là một tay to lớn, có cặp mắt lồi, bận đồng phục màu xám. Jean Monnier ngồi cạnh tay này, rất giữ ý và để cho hai người nữ đồng hành được ngồi với nhau; rồi trong khi do các đoạn đường vòng gập, xe phải leo trên đường núi, anh chàng người Pháp đã thử bắt chuyện với người ngồi bên cạnh mình.
- Ông làm lái xe cho khách sạn Thanatos bao lâu rồi?
- Ba năm, - anh kia trả lời lầu bầu.
- Kể cũng là một công việc lạ lùng.
- Lạ lùng? - Người lái xe nói. - Tại sao lại là lạ lùng? Tôi lái xe của tôi. Có gì lạ lùng ở đây nào?
- Những người khách ông đưa lên có bao giờ quay xuống không?
- Ít khi lắm, - người này trả lời có vẻ hơi khó chịu, - ít khi lắm… Nhưng cũng có. Như tôi đây chẳng hạn.
- Ông à? Thật chứ? Ông đã từng đến đây như… khách hàng?
- Thưa ông, - người lái xe nói, - tôi nhận làm nghề này cốt để không bao giờ nói về tôi nữa, và những đoạn đường vòng gấp này, khá là nguy hiểm. Hẳn là ông cũng không muốn để tôi giết cả mấy người chứ, ông và hai cô gái kia nữa?
- Tất nhiên là không, - Jean Monnier trả lời.
Rồi sau đó nghĩ rằng câu trả lời của mình có vẻ khôi hài, anh mỉm cười.
Hai tiếng đồng hồ sau, người lái xe không nói không rằng, đưa tay chỉ cho anh hình khối lờ mờ của khách sạn Thanatos trên cao nguyên.
* * *
Khách sạn được xây theo kiểu nửa Tây Ban Nha, nửa Anh-điêng, rất thấp, với những mái bằng và những bức tường trát xi măng màu đỏ, giả làm đất sét một cách thô vụng. Các căn buồng đều mở cửa về hướng nam, trông ra những cổng vòm chói chang ánh mặt trời.
Một gã gác cổng người Ý đón các vị khách. Bộ mặt cạo nhẵn của anh ta chợt làm Jean Monnier nghĩ đến một xứ sở khác, với những con đường của một thành phố lớn, những đại lộ đầy hoa.
- Quái, tôi đã từng thấy anh ở đâu rồi hay sao nhỉ, - anh hỏi gã gác cổng khi một người bồi phòng đến đem va-li của anh đi.
- Ở khách sạn Ritz của thành phố Barcelona, thưa ngài… Tôi tên là Sarconi… Tôi rời đấy từ hồi cách mạng.
- Từ Barcelona đến New Mexico, anh đi ghê thật.
- Ồ thưa ngài, nghề gác cổng thì ở đâu cũng thế cả thôi ạ… Chỉ có những giấy tờ mà tôi phải yêu cầu ngài điền vào cho thì ở đây khá phức tạp hơn là những nơi khác… Xin ngài thứ lỗi cho.
Các bản khai in sẵn mà gã gác cổng đưa cho ba người khách mới đến, quả thật như vậy, đầy những ô để trống những câu hỏi và những bản thuyết minh. Họ được lưu ý là phải khai thật chính xác ngày và nơi sinh, những người để báo tin trong trường hợp xảy ra tai nạn.

“Xin cho biết ít nhất hai địa chỉ của cha mẹ hoặc người thân, và nhất là, phải tự viết bằng tay, bằng thứ ngôn ngữ thường dùng theo mẫu A sau đây:
“Tôi ký tên dưới đây, thân thể và trí óc lành lặn, cam đoan rằng tôi hoàn toàn tự nguyện từ bỏ cuộc sống, và ban giám đốc cũng như các nhân viên khách sạn Thanatos được miễn trừ mọi trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tai nạn”.

Ngồi đối mặt với nhau ở chiếc bàn bên cạnh, hai cô gái xinh đẹp chép một cách cẩn thận bản mẫu A, và Jean Monnier để ý thấy họ dùng tiếng Đức.
* * *
Henry M. Boerstecher, giám đốc khách sạn là một con người trầm tĩnh, đeo kính gọng vàng, tỏ ra rất tự hào về cơ ngơi của mình.
- Khách sạn là của ông à? - Jean Monnier hỏi.
- Thưa ông, không ạ, khách sạn thuộc về một Công ty vô danh, nhưng tôi là người nghĩ ra, và vì thế, tôi làm giám đốc suốt đời.
- Làm thế nào mà ông lại không gặp phải những rắc rối nghiêm trọng với các nhà chức trách địa phương nhỉ?
- Những rắc rối à? - Boerstecher nói, vẻ sửng sốt và khó chịu. - Mà chúng tôi có làm gì đâu, thưa ông, không làm gì trái với trách nhiệm chủ khách sạn của chúng tôi cả. Chúng tôi cung cấp cho khách hàng của chúng tôi cái mà họ muốn. Tất cả mọi cái mà họ muốn, không có gì hơn nữa… Vả lại, thưa ông, ở đây không có nhà chức trách địa phương. Vùng đất này khó phân ranh giới đến nỗi không ai biết đích thực là có thuộc phần của Mexico hay của Hoa Kỳ. Từ lâu cao nguyên này có tiếng là nơi không thể đặt chân tới được. Một truyền thuyết nói rằng cách đây vài trăm năm, có một bộ lạc người Anh-điêng đến tụ tập ở đây, cùng chết với nhau để tránh cái họa người Âu, và người dân vùng này cho rằng hồn người chết cấm không cho bất cứ ai đặt chân lên núi. Chính vì thế mà chúng tôi có thể giành được chỗ đất này với giá cả hết sức phải chăng và thực hiện ở đây một sự tồn tại độc lập.
- Và không bao giờ gia đình của khách hàng kiện ông à?
- Kiện chúng tôi? - Boerstecher kêu lên, vẻ tức tối. - Lạy Chúa, tại sao lại kiện? Kiện trước tòa án nào? Gia đình của các khách hàng rất lấy làm sung sướng, chính thế đấy ông ạ, khi họ thấy đã giải quyết được một cách êm thấm những việc hết sức tế nhị, thậm chí còn khó khăn nữa là đằng khác… Không, không, thưa ông, mọi việc ở đây đều diễn ra một cách tử tế, đúng đắn, và khách hàng với chúng tôi là bè bạn… Ông có thích xem qua buồng của mình không? Buồng số 113, nếu ông thấy ưng ý. Ông không phải là người mê tín đấy chứ?
- Hoàn toàn không, - Jean Monnier trả lời, - nhưng tôi là người có đạo, thú thật với ông, ý nghĩ về tự tử làm tôi áy náy…
- Nhưng thưa ông đây không phải và cũng sẽ không bao giờ là vấn đề tự tử, - Boerstecher nói một cách quả quyết đến nỗi người đối thoại với ông ta không gặng thêm nữa. - Sarconi, anh chỉ cho ông Monnier đây buồng số 113. Còn về khoản ba trăm đô-la, thưa ông, xin ông làm ơn giao thẳng cho thủ quỹ, phòng làm việc của ông ấy ở ngay cạnh phòng tôi đây thôi.
Trong phòng số 113, sáng bừng ánh sáng rực rỡ của mặt trời sắp lặn. Jean Monnier cố tìm nhưng vô ích, vì anh không hề thấy có dấu vết nào của một khí cụ giết người.
* * *
- Ăn tối vào lúc mấy giờ?
- Tám giờ rưỡi, thưa ngài, - người hầu phòng trả lời.
- Có cần phải ăn mặc chỉnh tề không?
- Dạ, thưa ngài, phần đông các quý ngài đều làm thế ạ.
- Được! Tôi sẽ ăn mặc chỉnh tề… anh chuẩn bị cho tôi một cà-vạt đen và một áo sơ mi trắng.
Khi xuống phòng khách, quả thật anh thấy các bà, các cô đều mặc áo hở cổ, còn cánh đàn ông mặc áo đuôi tôm.
Boerstecher chạy đến đón anh, lễ phép và ân cần.
- À! Ông Monnier… Tôi đang tìm ông… Chả là ông có một mình, cho nên tôi mới nghĩ rằng có thể ông sẽ vui lòng ngồi cùng bàn với một trong những khách hàng thuộc giới nữ của chúng tôi, bà Kirby-Shaw.
Monnier làm một cử chỉ tỏ vẻ chán chường.
- Tôi không đến đây, - anh nói, - để theo đuổi một cuộc sống xã giao… Tuy vậy, liệu ông có thể cho tôi biết bà ấy mà chẳng cần phải giới thiệu tôi không?
- Được thôi, ông Monnier… Bà Kirby-Shaw là người đàn bà trẻ mặc áo dài bằng vải crêpe láng màu trắng, ngồi cạnh đàn pi-a-nô và đang giở tờ đặc san đó. Tôi không tin rằng nhan sắc bà ấy có thể làm ông phật ý. Còn lâu mới như vậy… Đấy là một người đàn bà rất dễ chịu, cốt cách thượng lưu, thông minh, nghệ sĩ nữa, ông ạ.
Bà Kirby-Shaw là một người phụ nữ rất đẹp. Bộ tóc nâu, được uốn thành từng búp nhỏ rủ xuống tận gáy và để lộ ra một vầng trán cao, khỏe khoắn. Đôi mắt dịu dàng, hóm hỉnh. Một con người đáng yêu như vậy lại muốn chết được hay sao?
- Chẳng lẽ bà Kirby-Shaw…? Cuối cùng té ra bà ấy cũng là một trong những khách hàng của ông, cũng cùng hoàn cảnh, cũng cùng một lý do như tôi à?
- Chắc chắn là như vậy, - Boerstecher nói, dường như có ý nhấn mạnh để làm tăng sức nặng cho ý nghĩa của giới từ ấy. - Chắ…c ch…ắ…n.
- Vậy thì xin ông hãy giới thiệu tôi đi.
Khi bữa ăn tối, đơn giản nhưng hết sức ngon lành và được phục vụ tốt, chấm dứt, Jean Monnier đã biết, ít ra là ở những nét chủ yếu, cuộc đời của Clara Kirby-Shaw. Đã kết hôn với một người đàn ông giàu có, rất tốt, nhưng chưa bao giờ yêu, sáu tháng trước đây nàng bỏ chồng để đi sang châu Âu cùng với một nhà văn trẻ, đẹp, quyến rũ và trâng tráo mà nàng gặp ở New York. Gã trai trẻ mà nàng nghĩ là sắp tới trở thành chồng mình, ngay từ lúc đặt chân đến nước Anh, nàng đã biết rằng hắn có ý định xua đuổi nàng càng nhanh càng tốt. Sửng sốt và đau khổ vì sự tàn nhẫn của người tình, nàng đã tìm cách làm cho hắn hiểu rằng vì hắn, nàng đã phải vứt bỏ những gì, và cả tình cảnh thê thảm mà nàng đang phải chịu nữa. Hắn cười sằng sặc:
- Clara, anh nói thực đấy, - hắn bảo nàng, - em quả là một con người của một thời đại khác!… Nếu anh biết trước là em cổ hủ đến thế này, anh đã để em lại với chồng em, với con em. Hãy trở về với chồng con đi em ạ. Em sinh ra là để chăm sóc một gia đình con cháu đầy đàn.
Lúc bấy giờ nàng chỉ còn một hy vọng cuối cùng là xin với chồng, Norman Kirby-Shaw cho được trở lại.
Nàng tin chắc rằng, nếu có thể gặp riêng ông, nàng sẽ chiếm lại được ông. Nhưng ông sống giữa vòng vây của gia đình, của bạn bè cùng một công ty, những người luôn luôn gây sức ép buộc ông ghét bỏ Clara. Norman đành phải tỏ ra không nhân nhượng. Sau nhiều toan tính nhọc nhằn và vô ích, một buổi sáng, nàng tìm thấy trong đống thư từ của mình tờ quảng cáo của khách sạn Thanatos và hiểu rằng đấy là giải pháp duy nhất, mau lẹ và dễ dàng, cho nỗi đau của mình.
- Thế bà không sợ chết à? - Jean Monnier hỏi.
- Có chứ, sợ là cái chắc… Nhưng vẫn chưa bằng sợ sống.
- Một câu trả lời hay tuyệt, - Jean Monnier nói.
- Tôi không muốn tìm một câu trả lời hay, - Clara nói. - Và bây giờ ông hãy kể cho tôi nghe tại sao ông lại ở đây?
Nghe xong câu chuyện của Jean Monnier, nàng trách móc anh một cách nặng nề.
- Hầu như không thể tưởng tượng nổi! - Nàng nói. - Như thế nào…? Ông muốn chết bởi vì cổ phiếu của ông sụt giá?… Ông không thấy rằng trong một năm, hai năm, ba năm hoặc hơn nữa, nếu ông có can đảm để sống, ông sẽ có thể lấy lại những gì ông đã mất ư?
- Mất tiền chẳng qua là cái cớ. Tiền nong, quả thực, có là cái gì đâu, nếu như tôi còn có lý do để sống. Nhưng tôi cũng xin nói với bà rằng vợ tôi đã bỏ tôi. Ở bên Pháp, tôi chẳng còn ai là người thân thích, tôi cũng không để lại bên đó một người bạn gái nào… Và rồi thì, nói hoàn toàn thành thực, tôi đã rời bỏ quê hương sau một nỗi thất vọng về tình… Còn bây giờ, tôi sẽ phấn đấu để cho ai?
- Cho chính ông… Cho những người sẽ yêu ông… và rồi ông sẽ gặp. Trong cảnh ngộ khó khăn ông đã gặp phải một người phụ nữ không xứng đáng. Xin ông đừng vì thế mà lên án một cách bất công tất cả những người phụ nữ khác…
- Bà tin một cách thành thật rằng vẫn còn có những người phụ nữ. Tôi muốn nói những người phụ nữ mà tôi có thể yêu… và họ có khả năng chấp nhận, ít nhất là trong vài ba năm, một cuộc sống nghèo khổ, vật lộn…?
- Tôi dám chắc là có, - nàng nói. - Có những người phụ nữ thích phấn đấu và họ tìm thấy trong cảnh nghèo khổ một cái gì hấp dẫn có tính chất tiểu thuyết… Như tôi đây chẳng hạn.
- Bà ư?
- Ồ, tôi chỉ muốn nói rằng…
Nàng dừng lại, ngập ngừng, rồi nói tiếp:
- Tôi nghĩ rằng chúng ta nên trở lại phòng khách… Chỉ còn có tôi với ông ngồi lại trong phòng ăn, và ông chủ khách sạn đang đi đi lại lại quanh chúng ta với vẻ lo lắng.
- Bà không nghĩ, - anh vừa nói vừa khoác vào vai Clara Kirby-Shaw một tấm áo choàng bằng lông chồn, - bà không nghĩ rằng… ngay trong đêm nay…?
- Ồ, không đâu! Ông vừa đến xong mà…
- Thế còn bà?
- Tôi ở đây đã hai hôm.
Khi chia tay, họ hẹn nhau sáng hôm sau cùng đi chơi núi.
* * *
Mặt trời buổi sáng rọi xiên, phủ lên vòm cổng khách sạn một lượt ánh sáng ấm áp. Jean Monnier vừa tắm nước lạnh xong, đang ngạc nhiên thấy mình nghĩ: “Sống kể ra cũng khoái thật!”. Sau đó anh tự nghĩ rằng mình chỉ còn lại vài đô-la và vài ngày sống thôi. Anh thở dài: “Muộn giờ rồi!… Clara đang đợi mình”. Anh vội vàng mặc quần áo và cảm thấy nhẹ nhõm trong bộ đồ bằng vải lanh trắng. Khi anh gặp lại Clara ở cạnh sân quần vợt, nàng cũng mặc quần áo trắng, và đang đi dạo cùng với hai cô gái người Áo ôm quàng lấy hai bên, các cô này vừa nhận ra anh chàng người Pháp liền bỏ đi:
- Tôi làm các cô ấy sợ à?
- Ông làm các cô ấy ngượng… Hai chị em vừa kể cho tôi nghe chuyện của họ.
- Chuyện hay chứ? Lát nữa bà kể cho tôi nghe với nhé… Bà có ngủ được chút nào không?
- Có, tôi ngủ ngon lành. Tôi ngờ rằng lão Boerstecher đáng sợ kia đã pha thuốc ngủ vào nước uống của chúng ta.
- Tôi không tin thế, - anh nói, - tôi ngủ say như chết, nhưng đấy là giấc ngủ tự nhiên, sáng nay tôi cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo.
Một lúc sau, anh nói thêm:
- Và hoàn toàn sung sướng.
Nàng nhìn anh, mỉm cười và không trả lời.
- Ta đi theo lối này, - anh nói, - và bà kể cho tôi nghe chuyện về hai cô bé người Áo đi… Ở đây, bà sẽ là nàng Scheherazade của tôi.
- Nhưng đêm của chúng ta sẽ không là một nghìn lẻ một…
- Chà!… Đêm của chúng ta…?
Nàng ngắt lời anh:
- Hai cô bé này là hai chị em sinh đôi. Họ cùng được nuôi dạy, thoạt đầu ở Vienna, sau đó là Budapest, và ngoài hai người, không có ai là bạn bè thân thiết. Đến năm mười tám tuổi, họ gặp một chàng trai người Hung, thuộc dòng dõi quý phái lâu đời, đẹp như một thiên thần, say mê âm nhạc như một gã Tzigan và cả hai chị em, cùng trong một ngày, yêu anh chàng đến phát điên phát cuồng lên. Vài tháng sau, anh chàng đến cầu hôn với một trong hai cô. Cô kia thất vọng đã toan tự vẫn nhưng không thành. Lúc đó, cô đã được chọn liền quyết định từ hôn với bá tước Nicky và họ có ý định cả hai cùng chết. Chính vào lúc đó, cũng như tôi và ông, họ nhận được tờ quảng cáo của khách sạn Thanatos.
- Điên thật! - Jean Monnier nói. - Hai chị em cùng trẻ và đẹp mê hồn… Sao họ không sang Mỹ, ở đó thiếu gì những người khác sẽ yêu họ?… Chỉ một vài tuần lễ kiên trì…
- Chính là vì luôn luôn thiếu kiên trì cho nên họ mới đến đây… - nàng nói một cách buồn rầu, - khốn nỗi chúng ta lại chỉ khôn ngoan về chuyện của người khác… Vậy cho nên mới có một ai đó nói rằng người ta luôn luôn có đủ can đảm để gánh chịu mọi đau khổ của người khác đó sao…?
Cả ngày hôm đó, khách hàng của khách sạn Thanatos thấy một đôi mặc trắng tuyền, dạo chơi nhàn nhã trong các lối đi của vườn hoa khách sạn, trên sườn núi, dọc thung lũng. Hai người bàn luận say sưa. Khi đêm xuống, họ trở về khách sạn, và lão làm vườn người Mexico trông thấy họ ôm hôn nhau, liền quay mặt đi.
* * *
Sau bữa ăn, Jean Monnier ngồi cạnh Clara Kirby-Shaw suốt cả buổi tối trong một phòng khách nhỏ vắng vẻ, thì thầm những câu gì đó làm nàng có vẻ xúc động. Sau đó trước khi về buồng mình, anh đi tìm Boerstecher. Anh thấy viên giám đốc ngồi trước một cuốn sổ lớn màu đen, đang soát lại các con tính cộng và thỉnh thoảng, bằng một nét bút chì đỏ, gạch xóa đi một dòng.
- Chà, ông Monnier!… Tôi có thể giúp được ông việc gì đây?…
- Có đấy ông Boerstecher ạ… Ít ra tôi cũng hy vọng ông… Điều tôi sắp nói ra sẽ làm ông ngạc nhiên… Một sự thay đổi khá là đường đột… Nhưng cuộc đời là thế… Nói tóm lại, tôi đến để báo cho ông biết rằng tôi đã thay đổi ý định… Tôi không muốn chết nữa.
Boerstecher ngạc nhiên, mở to đôi mắt:
- Ông nói nghiêm túc đấy chứ, ông Monnier?
- Tôi biết chắc, - anh chàng người Pháp nói, - rằng ông sẽ coi tôi là một kẻ tiền hậu bất nhất, không kiên định… Nhưng mà, khi hoàn cảnh đã đổi khác, ý muốn của chúng ta cũng đổi khác, đó là điều tự nhiên, có phải thế không ông?… Tám hôm trước đây, khi nhận được thư ông, tôi cảm thấy tuyệt vọng, tuyệt vọng nhất trên thế gian này… Tôi không nghĩ rằng sự phấn đấu còn có một chút giá trị nào đáng để làm nữa… Hôm nay tất cả đều đã đổi thay… và thực chất, chính là nhờ ông đấy, ông Boerstecher ạ.
- Nhờ tôi à, ông Monnier?
- Đúng đấy ạ, bởi vì chính người thiếu phụ mà ông giới thiệu ngồi cùng bàn với tôi đã làm nên chuyện thần kỳ đó… Bà Kirby-Shaw là một người phụ nữ tuyệt vời, ông Boerstecher ạ.
- Tôi đã nói mà, ông Monnier.
- Tuyệt vời và dũng cảm… Được tôi nói cho biết tình cảnh khốn cùng của tôi, bà ấy muốn được cùng tôi chia sẻ… Nghe thế hẳn ông ngạc nhiên?
- Không hề ngạc nhiên một chút nào. Chúng tôi ở đây đã quen với những chuyện có tính kịch như vậy. Và tôi lấy làm vui sướng, ông Monnier ạ… ông hãy còn trẻ, rất trẻ…
- Vậy thì, nếu ông không thấy có trở ngại gì nữa, chúng tôi xin được sẽ lên đường vào ngày mai, bà Kirby-Shaw và tôi nữa, chúng tôi sẽ ra ga Deeming.
- Như vậy là cả bà Kirby-Shaw, cũng như ông, đều thôi…
- Vâng, tất nhiên… Để rồi ngay sau đây bà ấy sẽ thưa lại với ông… Cũng còn một vấn đề khá tế nhị cần được giải quyết… Khoản 300 đô-la tôi đã nộp ông, liệu nó là thuộc hoàn toàn về khách sạn Thanatos hay tôi có thể xin lại một phần nào để mua vé xe lửa ạ?
- Chúng tôi là những người đứng đắn, ông Monnier ạ. Chúng tôi không bao giờ để khách hàng phải trả tiền cho những công việc mà thực tế chúng tôi không làm cho họ. Đến sáng ngày mai, thủ quỹ sẽ thanh toán với ông, cứ mỗi ngày lưu trú mất hai chục đô-la, kể cả tiền thù lao cho người phục vụ, số còn thừa sẽ xin hoàn lại ông.
- Ông là một con người hết sức nhã nhặn và hào hiệp… Ôi! Ông Boerstecher ạ, tôi mang ơn ông quá nhiều! Một niềm hạnh phúc đã tìm lại được… Một cuộc đời mới…
- Xin sẵn lòng phục vụ ông, - Boerstecher nói.
Lão nhìn Jean Monnier bước ra và đi xa dần. Sau đó lão ấn một cái nút và gọi:
- Bảo Sarconi lên gặp tôi.
Vài phút sau, người gác cổng bước vào.
- Ngài cho gọi tôi ạ, thưa ngài giám đốc.
- Phải, này Sarconi… ngay đêm nay, cần phải cho hơi ngạt vào buồng 113, vào lúc hai giờ sáng.
- Thưa ngài giám đốc, có cần phải cho hơi mê trước hơi ngạt không ạ?
- Tôi nghĩ là không cần… Hắn ta ngủ rất ngon. Công việc của ông hôm nay chỉ thế thôi, Sarconi ạ… và tối mai hai con bé ở buồng số 11, cứ thế mà làm.
Ngay khi người gác cổng đi ra thì Kirby-Shaw xuất hiện ở cửa phòng làm việc.
- Vào đi, - Boerstecher nói. - Đúng lúc tôi sắp gọi cô. Khách hàng của cô vừa đến đây báo cho tôi biết về cuộc lên đường của hắn.
- Hình như, - ả nói, - em đáng được thưởng. Công việc đã chu tất.
- Rất nhanh… Tôi sẽ tính cho cô khoản đó.
- Vậy là ngay đêm nay à?
- Đêm nay.
- Tội nghiệp anh ta! - Ả nói. - Anh ta tử tế, mơ mộng.
- Tất cả chúng nó đều mơ mộng, - Boerstecher nói.
- Ông kể cũng thật độc ác, - ả nói. - Đúng vào lúc người ta lấy lại được lòng yêu cuộc sống thì ông bắt người ta phải lìa đời.
- Độc ác! Ngược hẳn lại thì có, phương pháp của chúng ta hoàn toàn nhân đạo… Tay này cứ ngại ngùng vì tín ngưỡng của hắn… Tôi đã dẹp yên cho hắn những ngại ngùng.
Lão xem lại sổ sách:
- Ngày mai được nghỉ… Nhưng ngày kia, tôi sẽ có cho cô một khách hàng mới đến. Cũng chủ ngân hàng nhưng lần này là người Thụy Điển… Và gã không còn trẻ lắm nữa đâu.
- Em rất thích cậu bé người Pháp ấy, - ả nói, vẻ mơ màng.
- Không thể chọn việc theo ý thích của mình được, - lão giám đốc nói một cách nghiêm khắc. - Này, cầm lấy, đây là mười đô-la của cô, cộng thêm mười đô-la tiền thưởng.
- Cảm ơn, - Clara Kirby-Shaw nói.
Và cùng lúc với việc bỏ giấy bạc vào túi, ả thở dài.
Khi ả đã đi ra, Boerstecher tìm bút chì đỏ, rồi sau đó, hết sức cẩn thận, lão dùng một chiếc thước kẻ bằng kim loại, gạch đi trong cuốn sổ của lão một cái tên người.  
---------------
Thanatos: Tiếng Hy Lạp có nghĩa là chết.

                                                                Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét