Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Tiền! Niềm vui sướng - P. L. Sulitzer (P IV)

Paul Loup Sulitzer
       
Tiền! Niềm vui sướng 

Người dịch: Phương Hà, Thái Vũ

Phần IV - Vành Đai Nắng

1

Léonard Sussman bảo tôi: Điều đó xảy ra chủ yếu ở Florida. Cả ở nhiều nơi khác nhưng chủ yếu ở bang Florida, ở đây cảnh tượng trông thật nổi bật. Nhất là bên sườn phía Đông bán đảo. Bắt đầu từ Bắc Palm Beach, càng đi về phía Nam ta càng nhìn rõ cảnh đình đốn, qui mô và tính chất nghiêm trọng của nó. Léonard bảo tôi: Anh hãy đi về phía Nam, qua sông Beach, tới Tây Palm Beach, qua tất cả các vịnh nối nhau thành chuỗi: Vịnh Boyton, Delray, Deerfiled và Pompano, đến Fort Lauderdale và Hollywood không phải điện ảnh mà một nơi khác, đến Miami. Cả một vùng đình đốn. Frank, với chữ D hoa như bệnh Vĩ Đại.
* * *
Đến New York tôi lại tới trọ ở Pierre, không phải vì thần tài đã trở lại với tôi mà để đoán trước dịp phát tài sắp đến. “Dĩ nhiên ông cứ phải dành dãy phòng này cho tôi mặc dầu tôi vắng mặt, có thể lâu cũng được”. Đại gia. “Vâng, thưa ông Cimballi”.
Tôi oai vệ đi ra, cầm tay lái chiếc Porsche thuê trong tám ngày - không nên quá tay - và phóng theo hướng Nam.
Tôi ở lại Florida sáu ngày, trong sáu ngày đó tôi gặp hai mươi tám người kinh doanh nhà đất, môi giới nhà đất, một phóng viên chuyên mục của Miami, một luật gia và hai nhà kinh doanh tiền tệ. Khi trở về New York, cốp xe thật ra không rộng lắm, đầy ứ những tờ quảng cáo đủ loại in bốn màu. Ba mươi hai cuộc gặp gỡ dưới nắng dịu mùa đông Florida là ba mươi hai lần tôi tăng thêm lòng tin tưởng vào ý nghĩ bằng vàng của mình.
Đúng là một Vùng Đình Đốn, nhưng là Vùng Đình Đốn tuyệt vời!
Tôi phải bỏ ra cả một buổi sáng và một phần buổi chiều mới thành công, cuối cùng mới gặp được người tôi muốn gặp. Lão không biết điều đó, sẽ chẳng bao giờ biết, nhưng đó là cấp trên rất trên, tận trên cùng bậc thang của Léonard Sussman. Qua tấm vách kính phía bên phải căn phòng làm việc cao chót vót của lão ta có thể thấy một trong những bộ xương đang được đắp da thịt của hai ngọn tháp cao gần bốn trăm mét của Trung Tâm World Trade. [Trung tâm thương mại quốc tế].
Bên trái, một vách kính khác nhìn ra ngọn tháp trên cao ốc của US Stell [Công ty Thép Hoa Kỳ] nhìn ra Battery và xa xa bức tượng Thần Tự Do.
Người đối diện tôi tạm gọi là Henry Adam.
- Ông Cimballi, tôi tiếp ông vì thấy ông nằn nì dữ quá.
- Ông đã hứa cho tôi mười phút.
- Không thêm một giây.
- Thế là đủ.
Tôi nhắc lại lý lẽ của tôi như một gã bán dạo máy hút bụi, tôi đã nhẩm kỹ đến thuộc lòng. Tôi đọc như đọc bài, hết sức nhanh, vừa đánh giá vừa hi vọng may ra lão này không phải là thằng ngốc.
- Điểm thứ nhất, ở Hoa Kỳ có cái được gọi là Vành Đai Nắng, Sun Belt. Nó bao gồm tất cả vùng phía Nam, tức Florida, Tân Mexico, Arizona, California và có thể cả một mẩu bang Texas. Dân New York, New England, Detroit, Chicago, Oregon, Dakota, Nebraska, và Canada, tất cả những dân bị cóng tai tám tháng trong năm tất nhiên đều mong được về ở trong Vành Đai Nắng, nhất là khi nghỉ hưu. Vậy, họ tìm tậu nhà đất. Hiện tượng này mới có vài năm nay ở Hoa Kỳ đây là hiện tượng hoàn toàn mới mẻ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn nổ ra một cuộc chạy đua xây cất kinh khủng, chỗ nào cũng xây, hàng nghìn đầu nậu tranh nhau hoạt động, và thu những món lợi nhuận huyền thoại. Một tình thế mà các nhà ngân hàng khắp thế giới không thể thản nhiên ngồi nhìn. Họ xông vào, tuy vốn đầu tư qua trung gian của RIT, tức Reals Investment Trust.
Lưu ý một điểm: Khác với các ngân hàng châu Âu, các ngân hàng Mỹ không quen đầu tư vào ngành bất động sản; họ có khuynh hướng giao phó hết cho các đầu nậu; cấp vốn cho chúng đủ một trăm phần trăm, ứng trước mọi khoản: Mua đất xây cất, quảng cáo và các món lệ phí. Làm ăn dễ dàng như bất cứ ai mò đến đều trở thành cai đầu dài được. Thế là bi kịch bắt đầu, thưa ông Adam. Không, tôi không làm trò hề đâu. Ông cho tôi những mười phút, đã hết đâu! Xin nghe tiếp. Tấn bi kịch bắt đầu vì xây cất nhiều quá, hàng chục hàng trăm ngàn rồi lên tới hàng triệu căn hộ để bán hoặc cho thuê Vành Đai Nắng, đến một thời điểm thì cung vượt quá cầu rất ghê. Đó là nạn “xây quá mức”, Over built. Thêm vào đó nền kinh tế bắt đầu suy thoái, ngay món khách hàng New York vốn có truyền thống rút về ẩn dật ở Florida cũng ngừng đầu tư. Tất nhiên các ngân hàng nắm giữ hợp đồng cầm nhà, nhưng chẳng làm gì được vì bọn đầu nậu không có khách thì lấy đâu ra tiền chuộc? Tình thế hiện nay là như thế, ông Adam. Lấy ví dụ một ngân hàng nào đó của Chicago hay New York tôi không nêu tên. Ngân hàng đã cho vay hàng trăm triệu đôla để xây cất nhà cửa có được dựng lên thật sự, đứng lù lù ra đây, rất lộng lẫy, ở Fort Lauderdale,ở Pompano Beach, hay ở Corpus Christi bang Texas, hoặc Santa Monica bang California. Nhưng đó là những ngôi nhà trống rỗng, không ai thèm, chỉ có vài người thuê nhưng không trả tiền nhà, mà vẫn không bị tống đi vì có họ ở đó làm cho những chiếc nhà mồ này có đôi chút sinh khí. Đã thế, hàng tháng hàng năm, từ ba năm nay rồi, các ông chủ vẫn trả tiền thuế nhà đất, tiền bảo dưỡng, tiền canh gác. Và đến mỗi cuối năm tổng kết chi thu, lại trông thấy hàng trăm triệu đôla vốn liếng nằm chềnh ềnh ra đó, nó chọc tức các ông, nó nằm ngủ trong lúc các ông rất cần vốn, nó vắng mặt nhưng lại tạo nên một hình ảnh không mấy đẹp đẽ...
- Ông Cimballi, ông còn hai phút mười giây.
Henry Adam có mái tóc bạc trắng như tuyết phủ, mặt hồng hào, mắt rất gợi cảm. Tôi mỉm cười với lão. Tôi đã biết rằng chính con người này sắp làm tôi giàu to, tôi sẽ nhảy lên vì điều đó.
- Tôi nói xong rồi, chỉ còn thiếu hai điều. Điều thứ nhất: Tôi biết ông đã ném vào những ngôi nhà hiện đang ế ẩm của ông, nhất là ở Florida, số vốn bốn trăm triệu đôla. Thứ hai: Tôi biết cách đẩy hết các ngôi nhà đó đi, đẩy cho ai, làm cách nào đổi chúng lấy những đồng tiền tươi rói.
Lão không nhúc nhích. Tôi cũng đợi. Xem ai mở miệng ra trước. Đó là lão ta, với giọng nhẹ nhàng:
- Xin cho biết chi tiết hơn, được không?
Tôi tặng lão nụ cười rạng rỡ nhất của tôi. Sao không được! Tôi giải thích cặn kẽ kế hoạch định thực hiện. Gần như toàn bộ kế hoạch. Lão ngả hẳn người trên ghế, không quay đầu nhìn, chỉ thò tay với máy điện thoại:
- Không cho ai gọi đến máy tôi.
Nói tiếp với tôi:
- Điều kiện thế nào?
- Ứng trước cho tôi một trăm năm chục ngàn đôla lệ phí và hai mươi phần trăm hoa hồng.
- Mười.
- Mười lăm.
- Xong!
Tôi chỉ hy vọng có mười hai. Chúng tôi bàn vào cụ thể và nhanh chóng thỏa thuận. Một trăm năm chục ngàn đôla có thấm gì với Adam, với ngân hàng của lão, vả lại lão có mất mát gì đâu! Nếu không kiếm ra người mua nhà, tôi sẽ hốc xì.
Ngay tối đó tôi bay đi Bruxelles rồi từ đó đi Luxembourg.
* * *
Đi thật nhanh. Kế hoạch của tôi chỉ ra tiền ở chỗ tôi là người nghĩ ra đầu tiên. Và còn vì tôi làm ăn với các ngân hàng Mỹ, có đủ tài dạy khôn cho bất cứ ai trên bất cứ lãnh vực nào, nhưng trong công chuyện này lại có chỗ yếu. Họ sẽ nhanh chóng khắc phục chỗ yếu này, sẵn sàng loại tôi ra, nếu cần thì thẳng tay không thương xót (điều họ sẽ làm). Nên tôi cần đua tốc độ. Tôi tự cho mình thời hạn sáu tháng, hơn kém chút đỉnh thôi, trước khi bị các ông lớn trong các pháo đài khổng lồ toàn bê tông và sắt thép kia lườm nguýt và tống cổ tôi đi với quỉ sứ.
Ý đồ của tôi rất đơn giản: Tôi tin rằng lúc này ở Hoa Kỳ không có khách hàng người Mỹ tìm mua những ngôi nhà Mỹ, vì những lí do cụ thể do tình thế tạo nên, chỉ có tính chất tạm thời, những lí do thật ra tôi cóc cần biết. Được thôi, ta tìm khách mua ở nơi khác, ở đâu cũng được. Trên khắp thế giới này. Đông Dương đang có chiến tranh. Cận Đông đang có chiến tranh, Châu Phi không được sung túc, Châu Mỹ La Tinh đang bị các nhà độc tài xâu xé, lại đang sợ rúm trước tấm gương cách mạng Cuba. Bên châu Âu, không phải ai cũng có điều kiện chuyển tiền sang gửi ngân hàng Thụy Sĩ để đề phòng một “Tháng Năm, Năm 68”, [Tháng 5 - 1986, tháng nổi dậy của thanh niên và nhân dân Pháp, suýt lật đổ chính quyền nước này], nếu lần này xảy ra chắc sẽ vượt qua các chiến lũy ý nhị và mỏng manh của nước này. Vì vậy tôi cho rằng, tôi tin rằng ở tất cả các vùng này của thế giới đều có những khách hàng tiềm tàng, những người nhất thiết sẽ dám đầu tư vào sứ sở tượng trưng cho chủ nghĩa tư bản là Hoa Kỳ, nơi lí tưởng để gửi gắm đồng tiền bỏ ống, nơi không thể ngày một ngày hai xảy ra chuyện quốc hữu hóa ồ ạt.
Các nhà kinh doanh tiền tệ Hoa Kỳ vốn xài quen đồng vua đôla, rất khó tưởng tượng đến việc đi kiếm tiền ở đâu xa, ngoài đất Mỹ. Khi ngồi ở Montélimar mà thèm kẹo Ituga, chẳng ai nghĩ đến chuyện đi tận Kansas City để kiếm. Đây chính là chỗ yếu của những người Mỹ đối thoại với tôi.
Nếu lập luận rất sơ đẳng, rất cơ bản về sự chắc ăn của đồng tiền bỏ vào ống chưa đủ sức thuyết phục, tôi còn có nhiều chủ bài khác để đánh quị khách hàng. Chính hai tá người bạn bán nhà ở Florida đã chứng minh cho tôi điều này với số liệu trong tay: Giá một mét vuông ở Hoa Kỳ chỉ bằng nửa bên Châu Âu. Tính toán dễ ợt: Căn hộ rộng một trăm mét vuông trong một ngôi nhà loại sang, ví dụ ở khu Tây Palm Beach là một nơi rất đẹp, một căn hộ xây cất thật tuyệt vời giá sáu chục ngàn đôla. Tức vào khoảng hai ngàn rưỡi đến ba ngàn Franc một mét vuông. Một căn hộ như thế, hoàn toàn giống thế ở Cannes giá phải gấp đôi là ít, thậm chí gấp ba hoặc gấp bốn. Ví dụ khác? Với số tiền tậu một phòng vú em ở Geneva mang sang Delray Beach có thể tậu được căn phòng trông ra bãi biển rộng năm chục, sáu chục mét vuông kèm theo một bể bơi, bãi tắm, ánh nắng. Thế mà lại không tìm ra khách mua sao?
Trong mấy ngày ở lại Florida tôi cho chụp khá nhiều ảnh không phải loại ảnh tầm thường: Chính giữa là ngôi nhà định bán, chụp thật nổi bật mọi đường nét kiến trúc tinh tế, mọi hoa văn trang trí, mảnh vườn trồng toàn hoa nhiệt đới, bể bơi, bãi tắm gần kề. Không chỉ có thế - anh phó nhòm cáu kỉnh nghiến răng: Tôi còn đòi chớp được toán thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tình cờ đi ngang qua, cờ giong trống mở. Có nghĩa là nói với ai đó ngắm tấm ảnh bốn màu minh họa lời tán tỉnh của tôi: “Thấy chưa? Vừa đẹp, vừa tràn trề ánh nắng, vừa rẻ hơn bên Âu, vừa đảm bảo chắc chắn đồng vốn được chuyển đổi thành thứ tiền không đời nào mất giá quá nhanh quá nhiều, lại đầu tư vào trung tâm của cường quốc mạnh nhất thế giới, được cả quân đội Hoa Kỳ canh giữ món tiền để dành nhỏ bé của ngài!”.
Tôi kiếm được một tay nhà in ở Bỉ. Đưa âm bản, bản thảo, phác họa market.
“Năm ngàn bản để bắt đầu”.
* * *
Không những chỉ moi được sự thỏa thuận và một trăm năm chục ngàn đôla của Henry Adam, tôi còn muốn đi xa hơn. Lúc đầu Adam hất mái tóc bạc oai vệ kiên quyết từ chối:
- Đừng đòi nhiều quá.
- Thưa ông Adam, nếu tin tức tôi nắm được là chính xác, mà nhất định nó là chính xác, thì hiện nay ông phải cõng mười hai nghìn căn hộ, không đẩy được, rải rác từ Florida đến California, tháng nào cũng phải trả đủ thứ tiền lệ phí. Giá mỗi căn trung bình sáu chục ngàn...
- Cao quá.
- Thì năm chục, chẳng sao. Nhân với mười hai ngàn thành sáu trăm triệu đôla nằm chết dí. Và từ bao lâu rồi ông Adam? Gần ba năm tôi không nhầm. Vậy là ba năm nay, hoặc gần ba năm này ông bị kẹt mất sáu trăm triệu đôla, chỉ nắm trong tay những bản hợp đồng cầm nhà với lãi suất mười hai phần trăm. Nhưng ông có được nhận số lãi đó không? Không. Trong hầu hết các trường hợp, chẳng được một xu nhỏ.
- Ý anh thế nào?
- Tôi có thể tìm ra những người chịu trả sáu chục ngàn đôla mua một căn hộ cộng thêm tốn phí bảo dưỡng mà tôi sẽ thành thực báo cho họ biết. Nhưng chỉ có hy vọng tìm được những người như thế nếu tôi có thể hứa với họ một điều.
- Gì?
- Họ được hưởng lãi suất năm phần trăm số tiền mua nhà.
Chà, con tính này rất dễ: Một vị người Pháp cẩn thận muốn gửi tiền vào ngân hàng Thụy Sĩ cho chắc ăn phải nộp thuế lên tới ba lăm phần trăm số tiền gửi. Tôi, ở Hoa Kỳ, độ tin cậy, độ bảo đảm của đồng đôla xấp xỉ đồng franc Thụy Sĩ, tôi biếu họ thêm năm phần trăm chứ không bớt của họ ba lăm phần trăm.
Adam nhăn nhó:
- Số lời này do ngân hàng của tôi trả?
- Dĩ nhiên, ông Adam. Còn ai nữa? Xin đừng nhìn tôi với vẻ mặt thế kia! Về phía tôi, tôi bán cho họ mỗi căn hộ bảy chục ngàn đôla và nói thẳng cho họ biết tại sao giá bán tăng thêm mười ngàn: Vì sau khi họ trả được, ví dụ sáu chục phần trăm tiền mua nhà, mỗi năm họ sẽ được nhận năm phần trăm tiền lãi, tức là được nhận ba ngàn năm trăm đôla trên số tiền bảy chục ngàn đôla. Ba ngàn năm trăm đôla do ông Adam trả. Mà ông sẽ rất vui lòng chi ra, vì ông thừa biết rằng: Ông trả có năm phần trăm tiền lời cho người mang tới cho ông số tiền những năm, sáu chục hoặc bảy chục ngàn đôla, chẳng qua cũng như ông vay số tiền ấy rồi lại cho một người nào đó ở ngay nước Mỹ này vay với lãi suất những mười hai phần trăm, có khi cao hơn. Bỏ ra năm phần trăm, thu về mười hai. Lãi bảy. Nhưng thôi, ông thạo chuyện này hơn tôi nhiều.
- Năm nay anh lên mấy?
- Còn hơn thế nữa, nếu ông biết tôi từ hồi còn trẻ!
* * *
Vị thánh đầu tiên, bốn vị đầu tiên do tôi tự kiếm ra. Một là người Bỉ đã từng cộng tác với tôi từ thời các đồ vặt lạ mắt, chưa xa. Hồi đó anh ta có được khá tiền, nên nếu ông sẵn lòng biết ơn tôi ít nhất cũng sẵn lòng nghe theo lời tôi. Anh ta lại có bạn bè cũng quan tâm đến chuyện mua nhà. Thêm một viên công chức cũngquen anh ta, và có những thân chủ sẵn nghe lời khuyên của công chứng viên.
Thêm bạn bè của thân chủ công chứng viên đọc bản “luận chứng” của tôi thành vết dầu loang. Anh bạn Letta ở Roma vừa nghe tôi thuyết đã ngã ngay. Lập tức mở cuộc vận động và hứa với tôi sẽ có hiệu quả tức thì.
Người làm tôi bất ngờ lại là Marc Lavater. Tôi đã tham khảo ý kiến anh ta vì tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện giấu giếm anh ta điều gì, và cũng vì anh ta có điều kiện hơn ai hết giới thiệu khách hàng cho tôi.
- Mình biết một người.
Tôi sửng sốt trố mắt nhìn:
- Anh?
- Vụ này có ngon lành không? Có hay không?
- Ngon ăn.
- Vậy thì mua cho mình năm căn, được chứ? Với tất cả số tiền cậu cho mình suốt ba năm qua, không mua nhà thì để làm gì?
Dĩ nhiên trong vụ làm ăn này không lần nào tôi chính thức ra mặt. Công ty in bản “luận chứng” của tôi ở tận Luxembourg, đại diện của họ bên này là một tay nhà báo đang cần mua chiếc xe hơi mới. Còn các chủ nhân của căn hộ đẹp mới tậu ở Florida thì cũng thường giấu mặt sau những công ty đóng trụ sở ở Bahamas chẳng hạn. Những công ty này giao dịch với họ qua trung gian một công ty do tôi mới thành lập ở Curacao.
Curacao nằm trong quần đảo Antille thuộc Hà Lan, ngoài khơi Venezuela ở bên tay phải khi ta từ Maracaibo đi ra, bạn không thể nhầm được. Bé tí tẹo, chẳng ra hình thù gì. Tôi đã có lần đến đây giải sầu, khi đang gặp buồn phiền ở Nassau. Đã trông thấy tấm bảng, phía sau là vương quốc bố tôi đã dựng nên theo lời khuyên của John Carradine tức Scarlett. Và chẳng cần băng qua đường cũng nhìn thấy cả tấm bảng che chở cho Martin Yahl theo kế hoạch của Scarlett, thực hiện vụ biển thủ huyền thoại. Scarlett đã chết, Martin Yahl vẫn còn kia.
Tôi thu xếp để đến ở ngay bên.
Đấng Tối Cao ngân hàng và tôi từ nay gần như chung bảng số nhà. Hàng xóm với nhau.
* * *
Tôi huy động vào việc toàn bộ mạng lưới trong áp phe đồ vặt trước đây. Đưa gã Thổ vào cùng thuyền khiến gã rất khoái, cả Ute cũng thích. Gọi Hyatt từ Hong Kong sang. Thêm một dịp hiểu rõ tính cách của gã: Nếu bảo hắn: Hãy tham gia đi, nhất định gã sẽ từ chối phăng, nhưng tôi lại bảo: Đi kiếm khách đi, cho cậu năm phần trăm. Thế là gã hiểu ngay và nhận liền. Một tay sai bẩm sinh.
Cừ nhất hội là Letta bên Roma. Sau có vài ngày, tay lao động cật lực này gửi tới cả một đàn khách nghiêm chỉnh. Công việc tiến triển mau lẹ chính tôi cũng kinh ngạc, đến nỗi phải tạm thời gác lại kế hoạch lúc đầu. Nhét tất cả khách hàng lên chuyến máy bay thuê đưa sang Florida có bọn con gái mặc váy xòe vũ nữ balet ra đón ở cầu thang máy bay, tổ chức những cuộc thăm viếng dưới vườn cọ. Trong thời gian đầu, thấy chưa cần thiết, về sau tôi sẽ phải dùng tới cách này, trong những hoàn cảnh bạn đọc sẽ biết.
Trở về New York, gặp lại Adam. Tôi đang mệt muốn chết.
- Đã bán cho ông được bốn mươi sáu căn hộ. Không đáng kể so với mười hai nghìn cần đẩy đi, ông không cần nói tôi cũng hiểu. Nhưng cái có giá nhất là mạng lưới tôi vừa thiết lập xong, hiệu quả sẽ gia tăng trông thấy sau mỗi tuần. Tôi vượt Đại Tây Dương không phải để nhận huân chương. Ta nói chuyện con số. Tôi đã tính: Mỗi khách trong số bốn sáu người này mang tới bình quân bốn mốt ngàn đôla và chỗ lẻ. Tổng cộng một triệu tám trăm chín ba ngàn hai trăm hăm hai đôla. Tôi tính lấy mười lăm phần trăm hoa hồng được hai trăm tám ba ngàn chín trăm tám ba đôla ba mươi xu. Ông tính lại xem.
Adam nhìn tôi. Thỉnh thoảng ánh mắt gần như có vẻ con người. 
“Rất tiếc trưa nay tôi khộng rảnh, ông Cimballi, Nhưng một cộng tác viên của tôi sẽ sung sướng được mời ông dự bữa ăn trưa”.
Tôi trả lời không, cảm ơn, tôi mệt, trông thì biết.
“Xin phép được đưa ông về chỗ nghỉ vậy. Khách sạn Pierre?”.
Ở đây tôi đã kết bạn với một tiếp viên sinh cùng ngày với nhau. Nhìn vẻ mặt biết ngay anh ta có chuyện cần nói với tôi. Tôi kéo riêng ra một nơi.
- Họ đến đây hỏi ông. Bọn thám tử, khá mạnh, họ tới chỗ giám đốc, không hỏi bọn tôi.
Tôi cảm ơn theo phép lịch sự. Tôi kiệt sức rồi, tin vừa được nghe không vào cho. Tôi bỏ ra mười tiếng nằm ngủ, sau đó đi tắm, tắm xong đêm đã khuya, nhưng tôi đã lại người. Tôi nằm dài trước màn ảnh nhỏ đang phát hình trận đấu bóng bầu dục Mỹ. 
“Bọn thám tử tư”. 
Mắt nhìn các cầu thủ bọc kín cao su và nhựa nhưng đầu óc để chỗ khác.
Cuối cùng tôi quay số điện thoại:
- Chị Francoise? Cho tôi gặp Marc? Ôm hôn chị.
Hai vợ chồng họ đang ở ngôi nhà Chagny làm gì đó, chắc làm vườn, tôi chẳng hay biết lúc này là đêm hay ngày, đang là mùa nào nữa.
- Marc, anh đã để mắt đến chưa?              
- Rồi, Yahl đã thuê công ty thám tử lớn nhất Hoa Kỳ, bám anh hết ngày này sang ngày khác, gần hai mươi bốn tiếng liên tục. Chúng đã nắm được chuyện bên Florida, công ty Luxembourg và Curacao. Vụ Landau và cả vụ Lamm.
- Về tên Argentina và tên Scotland?
- Yahl biết. Không thật chi tiết, không đích xác mức độ anh nhúng tay nhưng lão biết anh kiếm được bao nhiêu với gã đi chân sắt, và mất bao nhiều ở Nassau. Theo tôi, lão ước tính được tài sản của anh với sai số trong khoảng một ngàn đôla.
- Anh làm thế nào mà biết lão nắm được như thế?
Anh ta cười:
- Làm bật tung các cửa sau.
Không chịu nói rõ hơn; có thể vì phải qua điện thoại nhưng không phải chỉ vì thế. Tên súc sinh này giấu tôi điều gì đó, nhưng vì tôi tuyệt đối tin cậy anh ta nên bức màn bí mật bao phủ nguồn tin của anh ta tuy có làm tôi bực mình nhưng không hề lo ngại. Rồi đây đằng nào tôi cũng sẽ biết.
Vấn đề còn lại, Đấng Tối Cao ngân hàng sẽ hành động ra sao? Vậy, có thể lão ước đoán đúng số tiền tôi có, chêch lệch độ một ngàn đôla? Được, thì đã sao? Tuy nhiều năm nay không trông thấy lão nhưng tôi dễ dàng hình dung lão mỗi ngày hỏi tin tức về tình hình tài sản của Cimballi Franz hiện ngụ tại khách sạn Pierre ở New York có trong tay độ ba trăm năm chục ngàn đôla. Theo cách vẫn thường làm để nắm giá cả thị trường chứng khoán. Rõ ràng Yahl khiếp sợ tôi theo tỉ lệ số tiền tôi có. Lão không nhầm. Và dĩ nhiên, với ba trăm năm chục ngàn đôla tôi chưa đủ sức khiến lão lo sợ. Vả chăng nghĩ cho sâu, thì hồi trước, dù lão có biết sau chuyến buôn vàng tôi có đến mười lăm lần nhiều hơn, lão cũng chẳng thèm đếm xỉa.
Tôi cần đạt mức giàu có đến chừng nào mới khiến được lão bắt đầu thấy sợ? Một trăm triệu? Hai trăm triệu đôla? Và cứ giả thuyết tôi sẽ vươn lên tới đỉnh cao ấy, tôi sẽ làm được gì chống lại lão ta? Về mặt tài chính, quá lắm tôi chỉ mới ngang tầm lão. Tôi chưa hề có chút ý niệm nào về phương sách tiến công vào pháo đài của lão.
Tôi nhìn các cầu thủ bóng bầu dục đeo những con số to tướng, đôi vai khổng lồ. Một trăm triệu đôla. Tôi vừa kiếm được hai trăm tám ba ngàn và biết rõ rằng nếu gặp may, giữ vững nhịp điệu này, có lẽ tôi phải mất hai đến ba năm mới đạt được mức đã đạt với sự giúp đỡ của ông Hak. Với giả thiết: Các vị chủ ngân hàng loại Adam để im cho tôi hành động, điều chẳng lấy gì làm chắc chắn.
Bỗng nhiên như có luồng điện giật. Tôi tung người lên. Tôi nhảy múa một mình trong phòng như thằng điên. Tôi mở tủ lạnh bật nút một chai champagne.
Đồ ngu! Ngu ơi là ngu, Cimballi, thằng khốn khổ!
Có thể mà không nghĩ ra!

2

Tiếng Anh gọi cái đó là Leverage, đòn bẩy. Nó là một nguyên tắc rất Mỹ - không riêng ở Mỹ mới có nhưng không ở đâu vận dụng nó tài tình như ở Mỹ - theo nguyên tắc này muốn mua một món đồ đã được đem cầm cố; người mua không nhất thiết phải trả toàn bộ số tiền cầm món đồ.
Nguyên tắc đòn bẩy là khả năng rất thực tế như bạn đọc sẽ thấy - bạn chỉ trả hai ngàn đôla để mua một mảnh đất trị giá một trăm ngàn đôla trên hợp đồng cầm cố. Và tất nhiên bạn có quyền đem bán nó và dùng số tiền bán nó mà trả nốt tiền mua - trả nốt chín mươi tám ngàn còn thiếu vì trước đó mới trả có hai ngàn đôla. Hai ngàn đôla đó là đòn bẩy. Đơn giản thế thôi, nhưng “Hãy cho tôi một đòn bẩy tôi sẽ nâng cả quả đất này…v.v.”.
Nếu gặp thuận lợi, bạn bán mảnh đất mua một trăm ngàn đôla này (theo hợp đồng cầm cố) được những hai trăm ngàn đôla (bạn mới trả có hai phần trăm, tức là hai ngàn đôla), bạn sẽ thu lãi không phải chỉ một trăm phần trăm, mà những năm nghìn phần trăm: Bỏ hai nghìn, thu lãi một trăm nghìn. Đó là cơ chế thứ nhất mà tôi sẽ vận dụng.
Còn có cái thứ hai nữa.
Trong hội đồng quản trị các ngân hàng đang bị vướng cẳng trong Vùng Đình Đốn, và trong các công ty bảo hiểm đã đầu tư vào đấy trong những hoàn cảnh tương tự, tâm trạng tuyệt vọng đã tới mức khiến họ sẵn sàng chấp nhận mọi điều miễn sao nhanh chóng giải quyết được mấy chục ngàn hợp đồng cầm cố ứ đọng kia. Từng ấy tiền vốn bị chôn làm các chủ ngân hàng mất ăn mất ngủ, các nhà kinh doanh tín dụng kị nhất đồng tiền nằm im không sinh lợi. Thứ đó làm họ mọc nhọt. Đến nỗi nhiều ngân hàng, nhiều công ty bảo hiểm quyết định bán đổ bán tháo các thứ họ nhận cầm. Lấy nửa tiền thôi.
Điều kì lạ xảy ra chính là ở chỗ này. Chúng ta thử tưởng tượng, mà cần gì phải tưởng tượng, điều này đã thực sự xảy ra và không phải chỉ xảy ra một lần: Có một ngôi nhà ở Palm Beach bang Florida; tên đầu nậu nhận xây cất nó bị phá sản vì không đẩy được. Ngân hàng của đầu nậu - ví dụ ngân hàng Illinois ở Chicago - đã cho hắn vay mười triệu đôla và nắm trong tay bản hợp đồng cầm nhà với giá mười triệu. Nói cách khác, ngôi nhà này giá mười triệu đôla. Ngân hàng giữ bản hợp đồng đã ba năm nay. Ngân hàng đã phát ớn, không muốn nhìn mặt nó trong bảng cân đối thu chi nữa, mà đâu phải chỉ có một cái mà hàng ngàn cái như thế. Đến lúc ngân hàng Illinois ở Chicago sẵn sàng để lại bản hợp đồng đó lấy nửa tiền. Tức năm triệu thay vì mười triệu đôla.
Và bây giờ, nếu ta áp dụng nguyên tắc đòn bẩy vào số năm triệu này?
Tôi cần có tối đa năm trăm ngàn đôla để được quyền rao bán ngôi nhà trị giá mười triệu đôla. Bán xong tôi sẽ trả nốt ngân hàng bốn triệu rưỡi, giá sang nhượng quyền nhận cầm. Đấy, tóm tắt trong vài câu những điều đã nói.
Vào hồi này mạng lưới bán nhà của tôi bên Châu Âu đã hình thành, cả ở Châu Á nhờ bàn tay của Hyatt ở Hong Kong, nhưng tôi chưa gom đủ năm trăm ngàn đôla, mới được hai phần ba nhưng không dùng làm vốn kinh doanh được: Dù sao tôi vẫn cần tiền ăn uống, đi lại. Tôi có thể đi vay. Không nghi ngờ gì nữa, sau khi được biết lập luận đòn bẩy của tôi, bất cứ ngân hàng nào kể cả ngân hàng Adam cũng sẵn sàng cho ứng số tiền ấy. Nhưng chính đó là điều tôi không muốn, đơn giản thôi: Tôi không muốn ý định của mình lan rộng. Và một lí do nữa không kém phần xác đáng: Đi vay sẽ phơi mặt ra ánh sáng, chẳng khác nào hét vào tai bọn thám tử Yahl đã thuê bám tôi: “Hãy coi chừng, tớ đang chuẩn bị một đòn tóe khói cho ông chủ của mấy người biết tay”.
Sự thực là: Tuy chưa biết làm cách nào đánh Martin Yahl nhưng nhất định tôi sẽ đánh, kiên quyết đánh. Nhưng rõ ràng phải có tiền, thật nhiều tiền. Lão càng có ảo tưởng tôi yếu kém lão bao nhiêu, càng tự ru mình trong ý nghĩ tôi chỉ còn sống nhờ vào số tiền hoa hồng, tuy khá tươm nhưng quá bé nhỏ so với tài sản của lão, do Henry Adam trả cho tôi, thì khi ăn đòn lão càng bị bất ngờ.
Tôi cần năm trăm ngàn đôla, nhưng không được vay của ngân hàng, của gã Thổ, ngay cả của Marc Lavater nữa, tuy cả hai đều đủ sức cho tôi vay. Không, cái tôi cần là một cơ chế có thể vận dụng bất cứ lúc nào, mỗi khi tôi có khả năng đòi sang nhượng quyền nhận cầm một ngôi nhà.
Trong tất cả các anh các ả, như Ute Janssen, tôi đã sử dụng tài năng trong áp phe đồ vặt, có một gã nổi bật về trí thông minh, sức làm việc và cái có thể gọi là tính hung tợn trong khi giành giật hợp đồng, bắt mối, bán hàng. Tên là Letta, hơi Pháp, hơi Ý, hơi Tunisien, hơi đủ thứ. Kể cả cái còn lại. Tôi gặp ở Roma sau một hành trình vòng vèo lắt léo không tưởng tượng được để đánh lạc hướng mọi kẻ bám đuôi dù nó có là nhân viên của “thám tử tư lớn nhất Hoa Kỳ” chăng nữa. Tôi phác ra một chuyến đi California, nhưng lại chuồn sang Montreal, từ đây đi Chicago, bay thẳng sang Geneva rồi thuê xe đi Lyon, từ đây lên tàu hỏa đi Roma. Bảo Letta:
- Cần ngay lập tức mười khách có khả năng trả ngay mỗi người năm chục ngàn đôla lấy một căn hộ.
- Mười?
- Mười.
Gã vẫn bình thản. Lưng hơi gù, đầu thụt trong cổ, tay thỉnh thoảng động đậy theo kiểu tay hồ lì quờ các thẻ thua trên chiếu bạc, mắt hay nhìn trộm người tiếp chuyện như thể muốn định giá người ta theo cân nặng. Gã rút cuốn sổ nhàu nát, bắt đầu tính toán.
- Người Ý? Hay ông thích người nước nào?
- Nước đếch nào chả được.
- Có mười gã Ý đây. Đều có anh em chú bác bên Hoa Kỳ, tôi biết, tôi đã thăm dò chính vì lẽ đó. Dễ mối lái. Sẽ tăm được cho ông trong bốn tám giờ. Có khi không đến, tôi sẽ gặp từng người một. Nhân tiện, có người xưng là sở thuế đến hỏi tôi việc làm chung đụng với ông. Nhưng qua người em họ có anh họ làm trên Bộ, tôi biết chúng theo dõi ông, theo lệnh từ Thụy Sĩ.
Vậy là Đấng Tối Cao ngân hàng săn tôi ngay cả tại đây.
Thạo Roma hơn, Letta dẫn tôi đi ăn ở Trastevere, bên kia sông Tibre, trong một tiệm Tipico chuyên nấu các món hải sản. Tôi ngồi ngắm gã lau chùi một con nhím biển. Sau khi gã chùi xong, có soi kính hiển vi cũng chẳng tìm thấy gì sót trên đĩa. Một thằng cha như thế mà lại kiếm ra cho tôi năm trăm ngàn đôla sau bốn tám giờ! “Có khi chưa đến”.
Tôi tủm tỉm:
- Anh họ gì?
- Adriano.
Ngoài tiếng Ý, tiếng Pháp gã nói được tiếng Ả Rập và đôi ba câu Tây Ban Nha.
- Anh nói thạo tiếng Ả Rập?
- Như tiếng Pháp, tiếng Ý.
- Adriano, tôi cần người trông nom công việc bên Châu Âu... không, xem nào, cả Châu Âu lẫn Cận Đông, vì anh nói được tiếng Ả Rập. Được không?
Gã thấy được.
- Có một điều kiện này: Trên danh nghĩa chính thức và trong một thời gian, anh sẽ chỉ là người môi giới như những người khác thôi, những vụ anh làm ăn với tôi chỉ là những vụ mách mối bình thường. Nói cách khác: Làm những tên đến dò hỏi anh tưởng rằng tôi chỉ buôn bán nhì nhằng nay một căn nhà mai một căn nhà. Chuyến hàng năm trăm ngàn đôla này phải được giữ bí mật, tuyệt đối bí mật.
Chúng tôi thỏa thuận: Gã sẽ gom tiền của mười người tậu nhà rồi chuyển cho tôi qua ngân hàng Liechtenstein, không qua Curacao vì chỗ này đã bị bọn mật thám của Yahl tăm rồi.
“Curacao vẫn dùng để mách mối”, gã hiểu ngay, tôi tin tưởng vào gã vì không có cách nào khác.
Hai ngày trôi qua. Kể ra đáng lẽ tôi có thể tót sang Paris, hôn mẹ con cô Catherine, nhưng sợ làm thế sẽ lộ chuyện tôi đang ở Roma. Tôi đợi, bồn chồn đi đi lại lại không dứt trong vườn biệt thự Medicis. Sau hơn bốn mươi giờ, Letta thực hiện đúng lời hứa tập hợp đủ mười khách. Không làm tiền ngu ngốc (như sau này tôi sẽ làm để đánh lừa Yahl) là mang nộp số tiền này cho Adam và nhận tiền hoa hồng, tôi lập ra một xanh-đi-ca (syndicat) người mua nhà, mua bán hợp đồng cầm nhà trị giá mười triệu đôla do một ngân hàng ở Boston nhượng lại với giá năm triệu.
Từ phút này trở đi, tôi không còn là kẻ đứng bán nhà ăn hoa hồng của ngân hàng Henry Adam nữa (sau khi đã bán đủ cho các vị khách Ý mỗi người một căn) mà trở thành chủ bán nhà của mình.
Tuy tôi mới trả có năm trăm ngàn đôla. Năm trăm ngàn này cũng lại không phải tiền tôi bỏ ra, và tôi chỉ phải nộp cho ngân hàng Boston có bốn triệu rưỡi nữa là xong. Tôi có đủ thì giờ trả hết. Ngân hàng cũng rất hài lòng, vì xóa sổ được món hàng tồn kho khó chịu này, đẩy được “của nợ” sang tay tôi.
Trước chuyến đi Florida, trong chuyến đi, và sau chuyến đi, lúc trở về New York tôi đã phỏng vấn rất nhiều người kể cả những tay hàng xách lõi đời, tất cả đều đồng thanh tuyên bố: “Cơn khủng hoảng thừa này không kéo dài đâu, không thể có chuyện đó, ngay hồi 29 cũng không thế”. [Năm 1929, năm đại khủng hoảng của nền kinh tế thế giới]. Các ông chủ ngân hàng muốn tống tháo hết mọi hợp đồng cầm nhà đất cho tôi cũng hót theo điệu này. Được thôi, tôi tin họ, và lúc tôi mua lại bản hợp đồng đầu tiên chính là lúc tôi tin nhất trần đời. Tôi biết chắc chắn rằng sớm muộn thì nạn xây thừa - Over built sẽ chấm dứt, mọi thứ sẽ trở lại bình thường, khách hàng truyền thống, người Mỹ, sẽ trở lại với thói quen của họ. Tất cả các ngôi nhà hiện đang phải đem bán đấu giá, đang là đồ đồng nát, do phản xạ đặc biệt Mỹ là vứt bỏ hết mọi thứ chưa cần dùng ngay, chẳng bao lâu nữa sẽ có người tìm mua. Lúc đó chính tôi cũng không ngờ mình lại suy luận đúng đến thế.
Điều quyết định vẫn là: Chạy thật nhanh. Mỗi ngày mỗi tuần đều phải tâm tâm niệm niệm: Chính những ngân hàng mà tôi đang giao dịch theo kiểu hai mang: Vừa bán thẳng nhà của họ lấy hoa hồng, vừa kín đáo mua thật nhiều hợp đồng cầm cố nhà đất mà họ có, chính những ngân hàng này sẽ đứng ra làm việc tôi đang làm, đi kiếm khách hàng bên ngoài nước Mỹ. Họ có thể làm chuyện đó, với những phương tiện mạnh hơn tôi nhiều. Hơn nữa bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của sự hồi phục. Léonard Sussman người nói với tôi trước nhất về Vùng Đình Đốn và chỉ đường cho tôi cũng là người báo động cho tôi trước nhất. Người ta thường nói: Muốn nắm tình hình một đạo quân, đôi khi quen biết một viên đội còn có lợi hơn một vị tướng; Léonard chính là viên đội trong đạo quân của tướng Henry Adam. Léonard điều hành công việc của bộ phận trong ngân hàng Adam chuyên trách về bất động sản. Anh ta thông minh, nhanh nhạy, ít ra là như vậy. Là một trong những chuyên viên đầu tiên của New York tin rằng bắt đầu, sắp bắt đầu hồi phục. Anh ta bí mật báo cho tôi biết tin: “Với một điều kiện, anh Franz: Cho tôi làm ăn cùng với anh”. Tôi nhận.
Ba tuần tiếp theo dồn dập như điên. Khi Léonard Sussman ngỏ lời, tôi mua ba hợp đồng. Trong ba tuần, mua thêm mười sáu cái. Con số thực tế tất nhiên không được tròn trịa và phức tạp hơn nhiều, nhưng có thể hình dung khá chính xác tình hình như sau: Tôi trở thành ông chủ trên giấy của mười chín ngôi nhà trị giá mỗi cái mười triệu đôla, nhưng được các ngân hàng nhượng lại với giá chín lăm triệu tất cả. Giá chín mươi lăm triệu, nhưng theo nguyên tắc đòn bẩy, tôi chỉ trả trước có mười phần trăm tức chín triệu rưỡi thôi. Tôi gom đủ chín triệu rưỡi này một phần nhờ vào syndicats người mua nhà, được một nửa, còn một nửa đi vay các nhà ngân hàng nhỏ do Léonard Sussman chỉ cho. Tất nhiên chưa hẳn đã chắc ăn, chưa chắc đã ăn to. Nhưng thực tế không phải chỉ là một thành công mà còn là một kỳ tích khó tin.
Vì cơn khủng hoảng chấm dứt vô cùng đột ngột, thị trường bất động sản hồi phục nhanh như điện, trên đất Mỹ, phản ứng của thị trường bao giờ cũng nhanh nhạy như điên. Nếu mười chín căn hộ tôi mua chỉ bán lại được đúng giá của chúng là mười triệu mỗi căn hộ tôi cũng đã được lãi khá nhiều. Mỗi cái lãi năm triệu trên vốn bỏ ra có năm trăm ngàn, tức một ngàn phần trăm, cũng đã khá.
Nhưng giá cả bỗng tăng vọt theo tình hình hồi phục, tốc độ tăng rất nhanh, những căn hộ ở bờ biển Florida hoặc California mới sáu tháng trước không ai thèm mua với giá năm triệu tuy nó đáng mười triệu, bây giờ đáng giá hai chục, hai lăm, thậm chí ba mươi triệu đôla. Tôi đã trông thấy thiên hạ xếp hàng, gần đánh lộn nhau chỉ để mua một căn hộ mấy tuần trước Letta hoặc một tay dắt mối ở Bruxelles, ở Geneva ngay đến Hyatt cũng khó lòng gạ bán được cho một ông bác sĩ ăn hối lộ. Bán lại với giá ba chục triệu một ngôi nhà mua bảy tháng trước có năm triệu, mà mới phải trả trước có một phần mười số tiền mua! Không phải chỉ một cái, mà nhiều cái trong suốt thời kì cuồng loạn này. Tôi thu về hai lăm triệu trên số vốn bỏ ra có năm trăm ngàn. Ba lần tiền. Những căn hộ khác tuy không được lãi nhiều như thế nhưng cũng mang về cho tôi vô khối tiền.
Tôi biết phải chạy cho nhanh và đã chạy rất nhanh, nhưng tình hình diễn biến còn nhanh hơn. Nếu được thêm một tháng, nếu có ô dù to hơn, ít nhất tôi cũng lãi gấp mười lần như thế này. Tuy vậy, khi kết thúc cuộc chơi nồng nhiệt kéo dài tất cả chín tháng trời, tôi tổng kết toàn bộ và thấy chóng cả mặt.
Từ đầu đến cuối tôi vẫn giữ vững chủ trương lúc đầu: Tách biệt riêng hẳn ra các khoản thu nhập chính thức, sẽ được thông báo cho Martin Yahl nắm, tức là những khoản hoa hồng mười lăm phần trăm do Henry Adam phải chi cho tôi trên mỗi khách hàng Châu Âu, Châu Á (Hyatt sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của hắn).
Những khoản này tổng cộng được hơn một triệu bốn trăm ngàn đôla, kiếm được trong chín tháng. Cộng với ba trăm lẻ vài ngàn tôi sẵn có, tất cả thành một triệu bảy. Đó là tài sản tạm coi là chính thức của tôi, mà Yahl chắc đã nắm vững. Lão chẳng bận tâm đến. Ngay từ mười một tháng trước đây, lúc tôi đã có trong tay bốn triệu rưỡi đôla trước khi các chiến hữu của Robert Zarra kéo đến, Yahl đã tỏ vẻ chẳng thèm đếm xỉa đến mối nguy tôi có thể gây ra cho lão. Vậy thì với số một triệu bảy này, hẳn tôi là kẻ vô hại đối với lão.
Điều này lão không biết, tôi dám thề độc như thế, là tôi đã làm ăn hai mang trong vụ Vành Đai Nắng, với hai loại mánh mung hoàn toàn khác nhau. Nguyên tắc đòn bẩy đã phát huy tác dụng tuyệt vời. Vốn kinh doanh của công ty Liechtenstein, do tôi thành lập lên tới bảy chục triệu đôla!
Tôi chẳng bao giờ đánh bài, không thích. Súc sắc cũng không. Chẳng hay biết gì về luật chơi poker. Nhưng tôi tin một điều. Tin rằng trong cuộc sống có những lúc, một hoặc hai ba lần nếu số đỏ, có những lúc trong vài giây ta bỗng nhiên có một thứ giác quan tiên đoán, lúc tập trung tư tưởng cao độ kèm theo một tâm trạng hứng khởi khiến ta mơ màng nửa tình nửa mê. Vào lúc đó, ta biết rằng quân bài còn úp mặt kia chính là quân K thứ tư ta đang cầm. Ta biết chắc chắn quân bài đó sẽ tới tay, dù xảy ra điều gì, trong bất cứ tình huống nào. Ta biết như vậy.
Tôi biết sắp có cách đánh Martin Yahl.
Hôm ấy, vào khoảng thời gian sắp tắt đợt bùng nổ cuối cùng kết thúc chiến dịch Vành Đai Nắng, tôi bay từ California về New York. Đáng lẽ Léonard Sussman cùng đi nhưng đến phút cuối cùng xảy ra trục trặc nhỏ trong việc mua ngôi nhà ở Santa Barbara nên ở lại: Cảm thấy cô đơn, tôi không ngủ được.
Ghế bên là một người lịch sự, trang phục hơi điểm tí chút lạ kiểu vừa phải, đúng mức. Giá có Léonard Sussman ở đây, hẳn tôi đã luôn miệng trao đổi công việc với anh ta suốt dọc đường. Nhưng lúc này tôi chỉ có một mình. Cộng thêm thói ba hoa Mỹ, anh ta bắt chuyện. Mời tôi cạn một li, tôi nhận. Nói về đủ thứ: Du lịch bằng máy bay, xứ Califonia vừa rời chân, New York sắp gặp lại. Anh ta trao danh thiếp, cho xem ảnh chụp nhà riêng ở Harrison vùng ngoại ô rất hợm hĩnh của New York, ảnh vợ, ảnh hai đứa con và con chó. Anh ta là luật sư, luật sư kinh tế, có văn phòng ở Manhattan đã từng làm với Mac Enroe, có hai cậu con trai hình như rất có triển vọng trong môn quần vợt. Toàn chuyện vớ vẩn tôi cóc cần biết. Trên ve áo đeo tấm huy hiệu trông quen quen nhưng thoạt đầu tôi không nhớ đã trông thấy ở đâu. Anh ta cười:
- Tôi tốt nghiệp Harvard.
Tôi chợt nhớ ra: Martin Yahl thường vẫn đeo huy hiệu đó. Tuy chúa ghét cái tên ấy, không muốn nói đến nhưng vẫn hỏi:
- Anh có quen một tay kinh doanh ngân hàng Thụy Sĩ tên là Martin Yahl trước cũng học Harvard không?
Anh ta có nghe cái tên này rồi, đã đọc thấy trong danh sách sinh viên cũ, nhưng Yahl học khóa trước.
- Nếu tôi còn nhớ, ông ta học từ thời còn Carradine danh tiếng cơ.
- Scarlett đấy.
Anh ta ngạc nhiên thấy tôi còn ít tuổi mà lại biết được biệt hiệu Carradine.
- Vả lại ông ta rút khỏi cuộc sống xã hội từ nhiều năm nay rồi.
Có một cái gì man rợ bùng lên trong tôi.
- Sao? Rút lui là thế nào? Người ta nói lão chết rồi mà?
Anh ta tròn mắt nhìn tôi:
- Chết à? Ma nào bảo anh lão chết rồi?
Các sự kiện thời nay đan vào nhau, chồng chất lên nhau rối tinh rối mù dù tôi muốn cũng khó sắp xếp đúng thứ tự thời gian.
Việc sau đây xảy ra trước khi kết thúc chiến dịch Vành Đai Nắng, trước cả lúc tôi biết tin Carradine tức Scarlett chưa chết.
* * *
Cú điện thoại của Adriano Letta là hồi chuông khai mạc. Tôi đã dặn Adriano không được gọi tôi ở Pierre trong bất cứ trường hợp nào. “Thế nhỡ có chuyện rất cần kíp?”. Tôi chẳng thấy có chuyện gì cần kíp trong việc bán nhà đất nhưng để anh ta vui lòng tôi bảo: Trong trường hợp ấy thì gọi cho Léonard Sussman, anh ấy nói tiếng Tây Ban Nha nên hai người nói chung có thể hiểu được nhau. Léonard bảo: “Hắn nói tiếng Tây Ban Nha như một con bò cái Pháp. Nhưng nếu tôi hiểu đúng thì hắn muốn anh gọi ngay về khách sạn Paris ở Monte Carlo cho hắn”. Adriano gọi điện cho tôi đã là chuyện lạ, nhất là vì anh ta vốn là con người tạm gọi là tằn tiện lại bỏ tiền túi ra trả tiền điện thoại. Nhưng lại còn gọi thẳng từ khách sạn Paris ở Monte Carlo thì lại càng là điều huyễn hoặc thực sự. Tôi gọi ngay, gặp ngay, và được biết phải đến tìm hắn càng sớm càng tốt, rất cần và quan trọng. Hắn không chịu nói thêm. Từ máy bay này sang máy bay kia, tôi tới Pháp, xin lỗi, đến Monaco. Trên bờ biển Xanh bầu trời đầy mây và dữ tợn khi tôi từ sân bay Nice đi ra cùng Adriano Letta anh ta kể cho nghe điều đã xảy ra. Anh ta ở trong tình thế một gã sen đầm đang bình thản đuổi theo tên bắt trộm gà thì lại tóm được “Kẻ Thù Số Một”.
Chúng tôi bắt đầu nói đến chuyện đầu tư sang Hoa Kỳ. Hắn để mặc cho tôi nói tỏ vẻ thích thú và tôi cảm thấy có điều gì khác thường. Tuy thế sau khi tôi thuyết trình xong, hắn bảo:
- Được. Giả dụ tôi không mua của anh có năm nhà mà mua những năm ngàn hoặc năm chục ngàn thì anh nghĩ sao?
- Lạ thật đấy!
- Tôi cũng thấy lạ, thật đấy.
- Anh chưa cho biết tên người đó.
Với Adriano Letta, điều làm tôi thường bực là hắn quá thạo tiếng Ả Rập chính cống. Nên hắn bị ảnh hưởng khi phát âm. Hắn tuôn ra một tràng tên họ nhưng tôi chỉ nhớ mang máng: Aziz.
- Hắn là một tay Ả Rập Saudi. Tôi kiểm tra rồi, của cải như nước... 
Theo Letta, có chủ bài này: Hoàng tử (hình như đây là một hoàng tử), hoàng tử Aziz cùng tuổi với tôi, đó là một cái cầu chắp mối bang giao. “Nhưng hắn không tự quyết định được, hoặc không quyết định khi chưa xin ý kiến của người đi theo đồng thời là bõ già của hắn. Cần chú ý: Người này gốc Libanais hơi hơi pha Syrien, vẫn giả bộ không thạo tiếng Anh tiếng Pháp tuy thực ra hắn nói như gió”. Đó là một tay già đời trong giới tài chính, kì cựu của Intrabank ở Beidas. Tên là Fezzali.
Vì thế nên sau đó hai tiếng, chỉ kịp tắm qua và thay quần áo, tôi có trước mặt hai gã Ả Rập, một con tôm hùm chiên phồng và một tô chó sói hầm, món đặc sản truyền thống của khách sạn Paris. Tôi quyết định chơi tới cùng con bài thẳng thắn. Tôi kể với họ toàn bộ câu chuyện làm ăn của tôi thật cặn kẽ, ít ra cũng nói hết phần gọi là chính thức: Kenya, Hong Kong, vàng, đồ vặt, vụ bất động sản ở Paris và San Francisco, kể hết mọi chi tiết từ đầu đến cuối vụ Vành Đai Nắng, chỉ giấu kín các vụ giành giật với Landau, Lamm, với vẻ đồng tình, xem chừng hai người có thể ngồi nhậu bên nhau đến nơi, ngược lại người kia hoàn toàn dửng dưng, không tỏ thiện cảm hay ác cảm, cặp mắt chó đá nhìn tôi không một chút tỏ ra quan tâm.
- Anh cho mình là người đầu tiên nảy ra sáng kiến tìm khách hàng ở nước ngoài khi thấy thị trường Hoa Kỳ hết khách?
- Hết khách mua trong thời điểm này thôi. Cơn khủng hoảng không kéo dài.
- Nhưng anh là người đầu tiên.
- Tôi dám thách ai chứng minh được điều ngược lại!
Nói chuyện với Aziz nhưng tôi vẫn nhìn sang Fezzali, đang ăn món tôm rất hờ hững như thể ăn vốc chà là. Cho dù Adriano Letta không dặn trước thì tôi vẫn đề phòng tên này: Vẻ thô kệch nặng nề của dân đầu đường xó chợ giữa khung cảnh thanh tao của Monte Carlo thế nào cũng khiến tôi dè chừng. Chính hắn là người tôi cần thuyết phục, có khi hắn lại là chính. Nhưng ở hắn ta có cái gì đó làm tôi bối rối, cảm giác hắn ta biết một sự kiện mà tôi không biết do đó nên hắn ta hơn tôi một con chủ bài. Hắn dường như ở cách xa chúng tôi hàng ngàn dặm, trong khi tôi cố sức cù cho Aziz cười ầm lên bằng việc kể lại thật dí dỏm cuộc gặp gỡ Henry Adam đầu tiên, chuyến bán hàng đầu tiên ở Bỉ và Luxembourg. Kể chuyện thuê riêng một chuyến bay, nhét tất cả các khách hàng đang ao ước có nhà ở Florida, cho họ hạ cánh xuống Miami, lễ đón tiếp tổ chức trên cơ sở xe hơi Cadillac, dàn nhạc Cuba và gái đẹp mặc áo tắm nhan nhản ở các bể bơi (mỗi khi tôi cần thu về thật nhiều tiền chứ không phải chỉ nhận hoa hồng).
Mắt Aziz sáng rực:
- Nhiều con gái đẹp hả?
- Nhiều cô tuyệt trần đời.
Aziz và tôi cùng nhau cười đồng lõa. Hẳn là giữa hai chúng tôi đã có luồng thiện cảm và sự thỏa thuận ngầm sẽ cùng có cuộc vui chung. Chính vào lúc ấy, tôi đi đến quyết định, được ăn cả ngã về không.
Sự lựa chọn của tôi rất rõ ràng. Tôi có thể đóng vai trò môi giới, cỡ bự, tất nhiên, nhưng vẫn chỉ là người môi giới thôi, làm trung gian giữa bọn Mỹ có nhà bán với khách hàng có tiềm lực kinh khủng là hoàng tử Aziz. Chắc tôi sẽ được nhiều tiền.
Lại cũng có thể tiết lộ trò hai mang của tôi trong vụ Vành Đai Nắng, vừa ăn hoa hồng, vừa làm ăn riêng rẽ bằng cách mua lại thật nhiều hợp đồng cầm cố; một kiểu làm ăn nếu êm xuôi sẽ giúp tôi phất tung trời, nhưng lúc đó tôi chưa thật tin chắc sẽ thành công. Tiết lộ chuyện đó tôi gặp hai nguy cơ. Một là nếu giữa Fezzali và Yahl đã có sự móc ngoặc, tên chủ ngân hàng sẽ được thông báo về sự gia tăng mạnh mẽ có thể về lực lượng của tôi; nguy cơ thứ hai: Tôi có thể để lọt mất khách hàng sộp nhất trước nay tôi chưa bao giờ tìm thấy. Thật vậy, Fezzali dại gì nhờ đến tay tôi để thực hiện một kế hoạch tự hắn có thể làm lấy cũng được, sau khi đã được tôi chỉ vẽ đường đi nước bước?
Tôi đánh bài liều chấp nhận mọi bất bất trắc, mắt dán vào bộ mặt kín như bưng của Fezzali. Hắn trạc sáu mươi, cho đến lúc này vẫn chưa hề tỏ thái độ, chưa mở miệng lần nào, có mỗi một lần thì lại nói bằng tiếng Ả Rập. Nhưng bây giờ nghe tôi giải thích về cơ chế đòn bẩy, hắn bắt đầu xen vào câu chuyện. Hắn hỏi bằng tiếng Ả Rập, Aziz dịch ra cho tôi:
- Nếu lời tiên đoán của anh về đợt khủng hoảng này có cơ sở, điều gì sẽ xảy ra?
Một lần nữa tôi lặp lại sự suy luận của tôi:
- Hãy hình dung một ngôi nhà được cầm lấy mười triệu đôla. Anh trả tối đa một phần mười số tiền đó để chấm dứt hợp đồng cầm cố. Khi đợt khủng hoảng này kết thúc, tôi tin chắc như thế, ngôi nhà này sẽ trị giá mười lăm hoặc hai mươi triệu. Giá đem cầm ngôi nhà chỉ có mười triệu, giá thực của nó khi xây cất là hai mươi triệu. Anh bán nó lấy hai mươi triệu. Trừ đi chín triệu anh còn nợ, anh vẫn còn mười một triệu. Anh thu về gấp mười lần số vốn bỏ ra. Và nếu tìm được những ngân hàng chịu bán hợp đồng cầm nhà với giá bằng nửa giá trị của chúng, anh sẽ thu về gấp hai mươi lần vốn.
Tôi làm xong đĩa cá. Và bài thuyết trình. Tôi ngồi đợi hai gã đối thoại bàn với nhau bằng tiếng Ả Rập. Bộ mặt Fezzali vẫn kín mít, không hiểu gã nói gì, tôi thử đoán qua thanh điệu xem sao nhưng cũng chẳng ăn thua. Một lần nữa trực cảm lại mách bảo tôi: Hắn nắm được một cái gì đó mà tôi không biết, mà tôi nhất thiết phải biết vì nó hết sức quan trọng. Tôi thầm nghĩ theo bản năng: Cimballi hỏng bét rồi, cậu đánh cuộc và thua cuộc mất rồi. Thằng này sẽ khước từ mọi đề nghị cùa cậu. Có khi hắn đã thông đồng với Martin Yahl, hắn thu xếp cuộc gặp mặt này chẳng qua chỉ để tăm mánh lới của tôi thôi. Suýt nữa là tôi đem lòng nghi Adriano Letta phản bội tôi.
- Tráng miệng?
Không tráng miệng, trừ Fezzali gọi cốc kem to đùng, tôi và Aziz cà phê với xì gà. Tôi không nghiện, thỉnh thoảng làm một điếu Havane, tuy không thấy khoái lắm. Tôi châm điếu Château gì đó, ngắm mặt biển và bờ biển sáng rực. Kỉ niệm trồi lên trong ký ức: Cuộc đua giành giải thưởng lớn Monaco, bố dẫn tôi đến dự, những chiếc Ferrari đỏ trên đường băng, hình thù y hệt nhưng kích thước lớn hơn chiếc ở Capila...
- Anh Cimballi?
Giọng nói là lạ, tuy lúc này chỉ có ba chúng tôi ngồi đây, người phục vụ đã ra hết. Tôi quay lại và nhận ra chính Fezzali vừa gọi tôi lần đầu tiên, trực tiếp, bằng tiếng Pháp rất trơn tru.
- Anh Cimballi, tôi rất quen thân phụ anh. Thực ra, ông cụ là bạn thân. Đáng lẽ tôi đến dự tang lễ, nhưng nó được tổ chức riêng trong nội bộ gia đình. Là bạn thân không có nghĩa nhất thiết phải tin tưởng vào con bạn. Hoàng tử Aziz định gửi anh một trăm triệu để anh tung vào áp phe anh vừa đề nghị với chúng tôi. Phải chi nhiều, trong thời hạn gấp đến thế có sự đòi hỏi cần thiết nên vừa rồi chúng tôi phải bàn kỹ. Cuối cùng chúng tôi đã thỏa thuận: Số tiền giao cho anh, dĩ nhiên do tôi kiểm soát, sẽ là hai trăm năm chục triệu đôla. Sẽ có sau không quá hai tiếng nữa.
Tôi há hốc mồm nhìn ông ta. Suýt nữa phì cười. Thế đấy, bản năng của tôi. Cimballi, mày chỉ là thằng ngu!
Aziz không hiểu chúng tôi nói gì bằng tiếng Pháp, cười hỏi bằng tiếng Anh:
- Có cái gì không ổn?
Tôi lắc đầu, tủm tỉm cười với Fezzali hình như đang khoái trêu chọc tôi:
- Không thể tốt hơn thế này.
Tôi không ngờ mình nói đúng đến thế. Không chỉ vì số vốn này thật khổng lồ so với tầm cỡ tôi. Xét đến cùng, đó chỉ là chuyện vặt. Hậu quả của điều vừa xảy ra, mãi sau này mới bộc lộ và những hậu quả ấy mới thực sự li kỳ, hơn nữa, thực sự quyết định.
* * *
Chiếc xe thuê đang đợi tôi trước cửa khách sạn Caesars nơi tôi ngủ đêm, ở khu Las Vegas. Tôi lên đường lúc bảy giờ sáng. Chạy trên đường Strip, gần tới “Sahara” thì rẽ trái. Còn sớm, nhưng nhiều máy tự động bán hàng đã có khách. Lại rẽ trái, theo đại lộ Rancho về hướng Reno. Theo bản đồ, phải chạy hai trăm ba chục kilomètres. Tôi chạy với tốc độ vừa phải và tới cửa thung lũng Thần Chết lúc độ mười giờ.
Tôi chưa đặt chân tới đây bao giờ; riêng cái tên cũng đã vừa hấp dẫn vừa làm tôi ngần ngại, tuy thực ra đó chỉ là một biệt danh kiểu Homériques do các người khai hoang đặt ra. Luật sư người New York tôi gặp trên máy bay hôm đó bảo tôi: “Đi theo đường thung lũng Salt Creek, rẽ trái theo hướng Stove Pipe Wells, xuyên qua Đụn Cát. Bên tay trái có con đường mòn đi Mosaïc Canyon và thành phố ma Skidoo. Đừng  theo đường ấy, tuy đáng tiếc, những cái tên nghe thật kỳ cục. Phải rẽ tay mặt. Đi hết Titus Canyon, và đi quá Grapevine bốn kilomètres anh sẽ thấy ngôi nhà. Không sợ nhầm đâu: Trong vòng hàng trăm dặm xung quanh không có ngôi nhà nào khác, một mình nó đứng giữa cảnh sa mạc, hoàn toàn cô độc, khá kỳ lạ, xây theo kiến trúc lạ mắt Tây Ban Nha - Hồi Giáo, giống kiểu các trại ấp trong phim quay bên Mexico...”.
Ngôi nhà ở đấy thật, ở đoạn cuối trận đồ bát quái được cắm mốc bằng những tên gọi có thể coi là của các nhà biên kịch Hollywood nghĩ ra. Nó ngay kia, toát ra một vẻ cô đơn kỳ lạ. “Này Franz, nếu anh tới đó trong thời gian gần đây thì thật đáng lo ngại cho anh, ở đấy nóng kinh khủng, có lúc lên đến trên năm lăm độ trong bóng râm”. Xe tôi có máy điều hòa vậy mà tôi vẫn cảm thấy sức nóng khô rang như ngoài cửa kính. Nó đập mạnh vào tôi như một cú đấm khi tôi mở cửa xe bước xuống, sau khi lái xe đến sát con đường mòn và tắt máy.
Khoảng một phút trôi qua trong im lặng thời khai thiên lập địa, nặng trĩu như bộ áo tế. Tuy có người trong đó, người ấy đang đi tới, tôi biết rõ vì đã thấy bóng Tôi cứ đợi, người sũng mồ hôi. Nhà có sân trong rất rộng bọc quanh là các công trình chính, một tầng lầu trên nền đắp cao. Ba mặt sân có hành lang, mặt thứ tư là cổng lớn có mái cuốn vòm. Hoa dày đặc mọi nơi, leo lên tường thành chùm lộng lẫy. Trong không khí có có mùi riêng biệt của đất cháy nắng gặp nước.
- Đây là tư dinh.
Tôi không nghe thấy tiếng chân người tới gần. Chẳng đáng ngạc nhiên: Bà ta đi đất, điều không hợp với bộ trang phục trên người: Áo Blouse, mũ y tá sạch bong.
- Tôi hiểu. Tôi cần gặp ông Carradine.
- Ông Carradine không tiếp khách.
Lần này sự chuyển động ở bên tay phải: Một y tá nữa hiện ra cũng lặng lẽ, cũng trạc tuổi người thứ nhất, khoảng năm mươi nghiêm nghị, không một nét nào ưa nhìn, mang trên người tất cả các dấu hiệu của thời gian nghiệt ngã. Người mới tới dừng lại, chắp tay trước bụng, lạnh lùng nhìn tôi. Từ dãy phòng u tối tuy tường rất trắng và hình như không trổ chiếc cửa sổ nào, hiện ra người đàn bà thứ ba cũng khô đét như hai người kia.
- Ông ấy sẽ tiếp tôi. Nếu chị đưa cho ông cái này.
Tôi đưa mảnh giấy chữ nhật vừa viết lên vài từ, chìa ra. Cả ba người đàn bà tôi đang trông thấy không người nào nhận. Và tôi cảm thấy hình như còn có nhiều người đàn bà khác mà tôi không trông thấy, đi chân đất, choàng áo blouse trắng toát và có thể nói là lạnh băng, cũng đứng bất động như thế này, hai tay chắp trước bụng trong một cử chỉ thật đàn bà. Tôi quyết định tiến lên mấy bước, trèo lên bậc tam cấp dẫn vào hành lang bọc sân trong.
- Ông Carradine không bao giờ tiếp khách. Không tiếp bất cứ ai. Không có ngoại lệ.
Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngoài sân nắng rãi với hành lang mát mẻ không phải chỉ tương đối, mà rất rõ, có đến hai lăm độ. Tôi ngước nhìn lên, thấy những cửa máy điều hòa gắn trên trần.
- Tôi là người duy nhất trên thế giới được ông Carradine nhận lời tiếp. Đưa cho ông mảnh giấy này.
Im lặng. Tôi vẫn cầm mảnh giấy. Tôi đi hết hành lang, bước vào căn phòng tiếp khách rộng rãi bày toàn đồ gỗ kiểu Tây Ban Nha tuyệt đẹp đối với tôi; nhiều tủ, một chiếc tủ buffet bằng gỗ màu rất sẫm, có một phần để ngỏ phô rõ phía trong đầy ứ những bản khắc, ngăn kéo. Tôi đặt mảnh giấy lên chiếc ghế kiểu Tây Ban Nha.
- Ông Carradine sẽ tiếp sau khi đọc được cái này.
- Ông Carradine không đọc.
- Thì đọc cho ông. Tôi sẽ không rời khỏi đây.
Một trong ba người bỗng nhượng bộ. Chị ta chỉ nhún mình động đậy. Đi về phía tôi, ngang qua mặt mà không thèm nhìn, lượm mảnh giấy trên bàn rồi biến mất trong dãy buồng. Mất độ mười phút im lặng nhà mồ, mấy mụ đứng im không động, lạnh lùng canh chừng tôi. Từ cõi hư vô xuất hiện mụ ban nãy mang mảnh giấy đi.
- Mời theo tôi.
Nhìn bên ngoài ngôi nhà đã có vẻ rất rộng, thực ra nó còn rộng hơn nhiều lắm. Tuy nhiên đó không phải là cái làm tôi chú ý, cũng không phải sự trang trí xa hoa điên rồ của nó, không phải bầu không khí bảo tàng ảm đảm ngự trị khắp ngôi nhà. Mà là cái mùi.
Đầu tiên, mùi đó thoảng qua mũi rồi biến mất, khiến tôi ngỡ ngửi phải trong mơ. Sau đó một rồi hai đợt ập đến, tiếp đến là cả một lớp dày đặc trùm lên tôi. Nó quánh nhớp, dán lên da thịt, hôi thối làm ngạt thở, thật kinh tởm. Khi nhận ra mình càng đi sâu thì mùi càng bốc mạnh, tôi lưỡng lự gần như lùi bước. Người đàn bà đi trước dẫn đường chắc đoán ra. Mụ dừng một bước chân, hơi quay về sau:
- Chưa ăn nhằm gì đâu! Nhưng tự ông đòi vào.
Chúng tôi lại cất bước, mùi càng nồng nặc ngạt thở thực sự. Tôi chưa bao giờ phải ngửi thứ gì tởm hơn, tởm hơn tất cả những mùi có thể tưởng tượng nổi. Một mùi thối khẳm không chỉ xộc vào mũi mà còn ám vào từng phân vuông da thịt, như hơi độc.
- Vào đây.
Mụ dẫn đường vừa mở cánh cửa cuối cùng, mùi thối trào ra như một con sóng. Chắc chắn không ở đâu trên trái đất này có một nơi chứa xác chết hôi thối hơn gian phòng tôi vừa bước vào. Một gian phòng khác thường: Trên các bức tường, mà không phải chỉ ở trên tường, cả trên trần, dưới sàn treo đầy các tấm danh họa. Tôi nhận ra tác phẩm của Van Gogh, Renoir, Gauguin đặt bên nhiều họa sĩ tôi không biết tên. Như vậy các bức họa treo trên năm mặt phẳng căn phòng, mặt thứ sáu là khuôn chữ nhật mở ra toàn cảnh không giới hạn của thung lũng Thần Chết đẹp dị thường. Mở ra thực sự, có thể đi qua đó ra ngoài, hàng loạt máy điều hòa đang chống chọi với sức nóng định tràn vào.
Tuy thế con người đang ở trong phòng này mặc dầu có thể thả sức ngắm bộ sưu tập kỳ diệu của ông ta nhưng không thể đụng tay vào các bức họa: Ông ta ở trong một cái lồng thủy tinh úp trong căn phòng, các mặt của chiếc lồng đều cách năm mặt phẳng độ mười centimètres. Tôi chợt hiểu tại sao có sự bố trí lạ lùng ấy khi nhìn thấy các vệt mủ vàng ệch vung vãi trên các mặt kính, cảnh tượng làm tôi lợm giọng nấc lên.
Người trong phòng là một người đàn ông nằm sóng soài trên chiếc ghế sắt nhẵn lì, có lẽ được chế tạo để dễ rửa. Vì toàn thân ông ta chỉ là một cái mụn khổng lồ, đang mưng mủ gớm chết. Không có được mười centimètres vuông da thịt nào không lở loét nhầy nhụa, ngay bộ mặt cũng bị mụn ăn nham nhở. “Ông Carradine không đọc”, mấy mụ nói thế. Lạy chúa, ông ta đọc bằng gì được! Trên chiếc mặt nạ kinh khủng hàng vẩy và mụn, không thấy đâu là mắt nữa. Trong khắp ngôi nhà, không chỗ nào mùi thối khẳm mạnh bằng ở đây, nơi tiếp xúc trực tiếp với cái còn lại của John Carradine tức Scarlett.
Mụ y tá đưa tôi vào đã rút êm như một bóng ma. Mụ hay một người nào khác đã đặt mảnh giấy của tôi lên chỗ tì tay chiếc ghế sắt. Tờ danh thiếp đã vấy bẩn, một vệt vàng trên góc. Bộ mặt lở loét ghê sợ quay chầm chậm về phía tôi. Im lặng rất lâu. Rồi tiếng nói cất lên trong trẻo rõ ràng đến kì lạ, hơi pha giọng Harvard.
- Vậy anh là con trai Andrea?
Tôi nhìn tấm danh thiếp để tránh khỏi nhìn vào điều ô nhục là bộ mặt kia. Người ấy bảo:
- Xin vui lòng đọc cho nghe anh viết những gì.
- “Tôi là con trai Andrea Cimballi. Tôi thách ông tìm được cách đánh gục Martin Yahl”.
Nét mặt mủ hơi động đậy, có thể tạm coi đấy là nụ cười. Nó vẫn quay về tôi như chiếc radar.
- Anh tên gì?
- Franz.
- Sinh năm nào?
- Ngày 9 tháng chín 1948.
- Anh còn nhớ La Capilla chứ? Chắc phải nhớ nếu đúng là con Andrea. Mười lăm năm trước tôi đã cho con Andrea một món quà. To, màu đỏ.
- Chiếc Ferrari kiểu thu nhỏ.
- Có đánh số.
- Số bảy.
Im lặng.
- Giọng anh hệt giọng ông ấy. Anh có giống ông không?
- Hơi hơi.
- Tầm vóc thế nào?
- Hơi cao hơn.
Trong cuộc đối thoại này, điều làm tôi kinh ngạc nhất là tiếng nói của Carradine rất rõ ràng, cách diễn đạt hết sức chính xác; đó là tiếng nói của vị luật sư quen thuộc với phòng xử án, của vị giáo sư đầy danh vọng trên bục giảng. Nhưng lại phát ra từ nắm thịt rữa nát nửa đỏ nửa vàng, chảy mủ, không còn vẻ người.
- Làm cách nào tìm được tôi?
- Tình cờ.
- Nhưng anh có tìm tôi đâu?
- Tưởng ông đã qua đời.
Mỗi giây trôi qua tôi càng thấy buồn nôn hơn tuy đã bắt đầu quen thứ mùi này. Tôi đi vài bước xuyên qua phòng, ra ngoài nắng, lảo đảo dưới sức nóng đột ngột úp xuống người. Tiếng nói sau lưng:
- Franz, tôi đang tính tuổi anh, độ hăm ba hăm bốn thì phải. Vậy mà định đánh Martin Yahl.
- Không chỉ một mình lão ấy.
Tôi nôn thốc nôn tháo, có đến một phút mới hết. Sau đó tôi lảng ra xa đến ngồi bên phiến đá dưới gốc cây xương rồng Mexico ngay gần cửa phòng, quay lưng lại Scarlett cách xa chừng ba bốn mét.
- Anh nói là định lao vào một trận rửa hận?
- Đã thực hiện rồi.
Phong cảnh thung lũng Thần Chết đẹp mê hồn mặc dầu lúc này mặt trời đứng bóng làm nhòe bớt chiều nổi của cảnh vật. Tôi đã đỡ buồn nôn.
- Trả thù tên nào rồi?
- Đã thanh toán xong phần của Landau, Lamm, Hovius và Donaldson. Bremer tự sát. Với bác Giancarlo tôi chỉ cần nhổ vào mặt là đủ. Còn lại lão Martin Yahl.
- Và tôi nữa.
- Tôi đã nói: Tưởng ông chết rồi.
- Chưa chết.
- Chết đi tốt hơn cho ông. Tôi không thương hại ông đâu, trái lại. Tôi sung sướng gặp lại ông, thấy ông như thế này. Khi nghe tin Bremer chết, tôi thấy bị hẫng, bị tước đoạt. Với ông, không thấy thế. Tôi sung sướng thấy ông chỉ là đống phế thải của một con người.
Sau lưng tôi có sự chuyển động, một loạt tiếng lướt đi, tiếng hì hục, tiếng trườn ghê tởm. Tôi hình dung ông ta tuột khỏi ghế sắt, lết về phía tôi bằng động tác bò chậm chạp của con amibe. Ông ta rên rỉ, càu nhàu. Đã đến gần. Tôi không quay lại. Tôi nói:
- Tất cả bọn ấy, kể cả ông bác ngu si của tôi xét đến cùng chỉ đóng những vai phụ. Trừ Martin Yahl và ông. Tôi biết chắc, tất cả sự điều tra của tôi đã chứng minh chính lão đã cùng với ông tổ chức mọi cái. Tôi không rõ lão hay ông là người đã nghĩ ra đầu tiên. Không quan trọng. Ông đã tháo dỡ tất cả những gì đã xây dựng nên theo yêu cầu của bố tôi, ông đã chỉ đạo vụ lừa đảo về mặt kỹ thuật, ông đã hành động khéo đến nỗi tuy biết có lừa đảo nhưng không ai tìm ra chứng cứ.
Ông ta tiếp tục lết chậm chạp. Phát khóc vì đau, vì căm tức mỗi lần cử động. Đến cách tôi hai mét. Mùi hôi thối trùm lên tôi.
- Điều làm tôi căm thù các người, cả Martin Yahl và ông, căm thù quá sức tưởng tượng, không phải là vì mấy người đã ăn cắp tiền bạc của bố tôi. Cũng không phải vì mấy người đã nhẫn tâm phản bội lòng tin cậy của bố tôi.
Giữa hai chúng tôi chỉ còn khoảng cách có một mét, nhưng ông ta đã đau đớn quá mức, mỗi centimètres là một cực hình. Thôi không bò được nữa, ông ta thở dốc từng hồi như người sắp chết ngạt.
- Điều làm tôi căm thù nhất là cái mấy người đã khiến mẹ tôi phải chịu đựng. Tôi còn nhớ điệu nhảy nhộn nhạo quanh giường mẹ tôi trong lúc mẹ tôi đang hấp hối. Đáng lẽ để mẹ tôi được chết yên ổn thì mấy người bắt tiêm cho bà đủ thứ, không những để kéo dài hơi thở mà còn để làm cho bà đủ tỉnh táo và đặt được chữ kí hợp pháp lên đủ thứ giấy má mấy người cần. Lúc ấy, đúng là mấy người không thèm đếm xỉa đến nỗi đau đớn của bà. Tôi đã nghe các bác sĩ xì xào với nhau. Carradine hoặc Scarlett, hoặc gì gì cũng vậy, tôi không bao giờ quên điều đó! Tôi căm thù Yahl, căm thù ông bằng lòng căm thù con trẻ và qua bao năm tháng lòng căm thù ấy không hề nguôi. Vậy mà ông còn muốn rủ lòng thương à?
Ông ta vẫn không động đậy. Tôi quay lại. Bàn tay ông ta - cái mỏm cụt đầy mủ - cách tôi có độ hai tấc, vùi trong bụi đất đỏ. Người nằm vắt trên bệ bê tông lẫn sắt thép có rãnh trượt để đóng mở tấm kính lớn của căn phòng. Thân hình rũ rượi, phập phồng, máu, nước vàng, mủ chảy thành vũng loang dần, ngấm một phần xuống nền cát thung lũng. Nhìn vào vết nứt trên mặt ở chỗ trước kia là đôi mắt, nhìn thân hình rung rung trong tiếng nấc, có thể biết ông ta đang khóc.
Tôi đứng dậy, gõ cửa kính phòng bên có hai người đàn bà ngồi. Sau một lát họ mới đến, chân tay đều bọc găng nhựa dẻo, lúc ấy tôi mới hiểu tại sao họ đi chân đất. Họ nhẹ nhàng nâng người ông ta, thấm khô, tiêm nhiều mũi thuốc màu trắng, lau chùi trong mức độ có thể lau chùi; trong lúc đó hai người khác rửa toàn bộ gian phòng kính, chiếc ghế sắt, xịt thật nhiều nước có mùi ete bằng vòi tưới cây. Họ đặt Scarlett lên ghế. Họ vừa quay gót ra khỏi phòng, mủ bắt đầu chảy. Sự im lặng nhà mồ của thung lũng Thần Chết lại trùm lấp tất cả. Mãi mới nghe cất lên giọng nói rành rọt:
- Martin Yahl là kẻ bày mưu tính kế. Chúng tôi cùng học ở Harvard, tôi chịu ơn ông ta nhiều. Ông ấy đã giúp tôi những năm mới vào nghề, cho vay tiền, giới thiệu với bố anh. Tôi đã dựng nên Curacao Số Một do bố anh nắm giữ. Năm tháng trôi qua. Tôi vẫn cần rất nhiều tiền và bao giờ Yahl cũng đáp ứng. Rồi năm 1955, mụn lở đầu tiên mọc ra. Tôi đi khám tất cả bác sĩ nhưng họ đều bó tay, đổ cho một thứ siêu vi gì đó. Bao giờ chả thế, khi họ không biết là bệnh gì...
Trước nay tôi vẫn hình dung thung lũng Thần Chết là một nơi hoang vắng cháy nắng. Thực tế khác hẳn: Vẻ đẹp nơi đây thật kỳ diệu, sự sống nơi đây biểu hiện dưới nhiều hình thái phong phú, côn trùng, bò sát, hàng chục động vật thoáng vụt qua trong đó hình như có con thỏ rừng, bên tay phải cách tôi một tầm ném có tia nước vọt ra từ khối đá màu son hồng chảy xuống chiếc bồn thiên tạo thành dòng suối trong veo.
- Mùa xuân 1956 tôi đã không ra trước công chúng được nữa vì một bên má bắt đầu loét. Martin Yahl tới thăm. Tôi đang cần tiền hơn lúc nào hết. Ông ta hỏi liệu tôi có cách nào dỡ bỏ cái đã xây nên, liệu tôi có thể xóa sạch dấu vết của Curacao Số Một, làm như nó chưa bao giờ tồn tại rồi sau đó với vốn liếng ấy, tài sản ấy tựa hồ từ số không hiện lên, liệu tôi có thể lập nên một công ty khác, Curacao Hai do Martin Yahl làm chủ nhân độc nhất? Tôi trả lời: Trở lực cơ bản là bố anh. Bố anh và các cộng tác viên thân cận của ông, họ biết rõ mọi điều. Không thể bịp nổi những người ấy.
- Landau, Lamm, Bremer, Hovius và Donaldson.
- Còn một gã người Ý nữa tên là Revere chết trong tai nạn xe hơi năm 57. Tôi chưa hề gặp Landau và Donaldson. Anh đã thấy họ chưa?
- Tôi không cần thấy mặt chúng. Chúng đã khánh kiệt, cả hai đứa, cũng như Lamm, Bremer đã chết, như Hovius. Nhưng không phải do tôi giết.
- Bọn đó đều là những trở ngại. Tôi bảo Yahl thế và ông ta nói sẽ lo chuyện đó, sẽ làm cho họ im tiếng. Tôi hỏi: “Còn Andrea?”. Martin nhún vai: “Tim ông ta sẽ đứng lại hoặc sớm hoặc chầy. Chỉ cần một cơn xúc động mạnh là đủ”. Ông mất hồi nào?
- Ngày 28 tháng tám 1956.
- Chết tự nhiên.
- Nhồi máu cơ tim.
- Lúc ấy ông đang làm gì?
- Gọi điện.
- Anh có biết gọi cho ai không?
- Không. Nhưng biết ông nói bằng tiếng Đức.
Tôi quay lại đối mặt với Scarlett. Tay tôi run bần bật. Bộ mặt mủ lắc chầm chậm từ trái sang phải, vẫn quay về phía tôi.
- Anh không hiểu sao, Franz? Ở đầu dây đằng kia là Martin Yahl.
Mồ hôi toát ra người tôi như tắm. Nhưng lúc này nhìn đôi mắt chết kia tôi hầu như không thấy tởm lợm nữa.
- Ông hoàn toàn không nhìn thấy gì...?
- Năm ngoái còn thấy lờ mờ, bây giờ chịu chết.
- Martin Yahl vẫn tài trợ?
- Tôi sống nhờ tiền lãi số vốn ông ta cấp từ 1956. Ông ta biết tôi không quản lý nổi của cải, không cho tôi đụng vào vốn, chỉ được hưởng lãi thôi. Martin Yahl là tay kinh doanh ngân hàng lọc lõi. Ông ta không bao giờ nhầm lẫn, bao giờ cũng biết nên làm gì.
Giữa thân hình đang thối rữa với giọng nói châm biếm hài hước có sự tương phản thật rõ ràng và bi thảm. Scarlett nhận xét:
- Tôi nhớ tới anh như một đứa trẻ cởi truồng đùa nghịch trên bãi biển Pampelonne. Anh đã trả thù tất cả bọn kia?
Tôi trả lời phải. Và tự nhiên tôi kể lại mình đã làm cách nào, hơn nữa, kể cả cuộc ra đi từ London cho đến giây phút đặt chân vào thung lũng Thần Chết. Câu chuyện khá dài, có một lúc tôi phải tạm ngưng khi các mụ đeo găng đi ủng, che mặt như nhà phẫu thuật viên lại hiện ra, làm lại những công việc hồi nãy, lau rửa thật kĩ càng ở mức có thể được nhưng chẳng có tác dụng gì vì ngay lúc họ vừa ra khỏi phòng thì mủ lại chảy, mùi thối khẳm lại tụ đến.
- Này Carradine, tôi muốn đánh ngã Martin Yahl.
- Bằng đồng tiền.
- Đúng thế.
- Anh có bao nhiêu?
Tôi chỉ do dự trong một thoáng:
- Độ bảy mươi triệu đôla.
- Chưa đủ. Martin Yahl có gấp ba chừng đó, chưa kể ngân hàng của ông ấy. Anh có thể gây rắc rối, làm ông ta mất nhiều tiền, nhưng bản thân anh cũng hết sạch, thế thôi.
- Theo ông, tôi không còn phép gì khác?
- Một mình anh? không có...
- Nếu ông giúp cho?
Im lặng. Bộ mặt ghê sợ từ từ quay tròn như quay theo đường đỉnh dãy Grapevine.
- Với sự giúp đỡ của tôi mọi sự sẽ khác hẳn, anh bạn trẻ Cimballi ạ. Anh có con chủ bài rất đặc biệt để đánh bại Martin Yahl, nhưng có lẽ chính anh đến lúc này chưa thấy hết sức mạnh của nó. Cách đây năm năm Martin đến gặp tôi, cũng trong ngôi nhà này. Lão cũng đứng chỗ anh đang đứng, giữa nắng, lấy cớ người tôi bốc mùi. Chúng tôi đã... Không, nói cho đúng thì chính lão đã nói rất nhiều về anh. Đấy là lí do duy nhất đưa lão đến đây: Lão đi một vòng trái đất để nói với tôi, với một mình tôi, tên tòng phạm của lão. Còn nhớ bữa ấy tôi đã cười, đã chê lão ta. Tôi bảo: “Này Martin, thật nực cười, một người quyền thế như anh, giàu có như anh, phẩm chất như anh mà lại khiếp sợ, căm ghét đến mức ấy một thằng bé mười tám mười chín tuổi đầu, cho đến nay chẳng có mục đích gì khác trong đời, ngoài việc lo tiêu phí được thật nhiều trong thời gian thật ngắn, điều mà chính anh đã cố làm nó chạy theo. Martin, anh bị thằng nhóc này ám ảnh rồi”. Đấy, bạn trẻ Cimballi con trai Andrea, con chủ bài của anh là chỗ này: Martin Yahl khiếp sợ anh một cách vô lý, và không kiểm soát được nỗi căm thù anh.
Mồ hôi chảy tong tỏng khắp người, quần áo tôi vắt ra nước. Nhưng không phải vì trời nóng mà tay tôi run thế.
- Tôi đánh gục Martin Yahl được chứ? Có khả năng đánh thắng chứ?
Scarlett co mình trên ghế sắt, gập các mỏm cụt ở chân dưới thân mình bằng một cử chỉ rất người của con quái vật.
- Có thể lắm. Có khi còn khá dễ dàng nữa. Nếu là đánh cờ, tôi có thể nói: Chiếu bí sau chín nước đi.

3

Tôi hỏi Scarlett:
- Tại sao ông nhận giúp tôi?
Ông ta có câu trả lời kỳ lạ:
- Nghệ thuật vị nghệ thuật. Anh bạn trẻ, tôi sắp chết đến nơi, anh có hiểu không? Đáng lẽ chết từ mấy năm trước, không phải vì bệnh tật, bệnh này không chết người, chỉ là bệnh da liễu thôi. Nhưng vì tôi đã định tự sát từ lâu; bây giờ thì muộn rồi, người ta ngăn cản tôi. Hỡi đứa con của Andrea Cimballi, tôi đã xây dựng rồi đã phá vỡ Curacao Một, đẻ ra Curacao Hai mà không để chút dấu vết nào của sự đánh tráo, đã hưởng niềm khoái lạc vật chất xác thịt của người nghệ sĩ sáng tạo được bức tranh hay bức tượng. Tôi không hề hối hận về chuyện đã làm, vì quá bận với bản thân, với những điều xảy ra cho bản thân nên không bận tâm đến chuyện đó. Anh đã gặp may, hoặc đã rất khôn khéo: Đáng lẽ anh đến đây để thử tìm cách ép buộc tôi giúp đỡ, ví dụ bằng cách đe dọa chẳng hạn, và tôi sẽ bật cười một lần đầu tiên và có thể cũng là lần cuối cùng từ nhiều năm nay. Tôi thì còn sợ cái gì nữa? Một viên đạn vô sọ chăng? Mới cách đây vài tuần, tôi định tưới xăng lên người nhưng mấy mụ chết tiệt kia chạy đến quá sớm. Thế thì còn sợ cái gì? Chưa bao giờ tôi có tình bạn với Martin Yahl. Lão không phải loại người gợi được tình bạn, ngay khi chúng tôi mới hai mươi tuổi. Tôi chỉ bị hiệu lực đáng gờm của lão cuốn hút thôi. Còn lão thì lợi dụng tôi, lợi dụng tài năng của tôi. Tôi vẫn luôn mơ ước có một mánh khóe tài tình nào đó buộc được lão quỳ gối, chứng tỏ cho lão biết hiệu lực của tôi trên một số phương diện còn hơn hoặc chí ít cũng bằng lão. Tôi đã suy nghĩ nhưng cũng biết tự mình không đủ nghị lực để thực thi. Và bây giờ đây, anh đã tới, với mấy triệu đôla bé nhỏ làm anh tự hào, với lòng căm thù trẻ thơ, với hoài niệm về cô gái chết bên London, và với hi vọng về cô gái giang hồ đang chờ anh ở Paris. Anh rất hài lòng về số tiền tự tay kiếm ra. Anh bạn trẻ, giọng nói của anh là giọng nói của Andrea; giá mà tôi được sáng mắt trong vài giây để xem mặt một tí. Anh có đôi mắt của bố anh không? Ông có cách nhìn mọi người rất đặc biệt, có thể nói, tôi rất yêu ông. Gọi giúp tôi một chị y tá, chú nhóc Cimballi đã thôi quấn tã kia! Bảo mang máy ghi âm và băng tới đây. Tôi sẽ nói từng điểm một những điều anh cần làm. Anh sẽ sắp xếp, chắp nối lại. Tôi đảm bảo một điều: Cuối cùng Martin Yahl bị lộn cổ với chữ L hoa.
* * *
Việc trước hết là đi Roma. Bản thân Fezzali rõ ràng không phải khách của các đại khách sạn. Theo chỉ dẫn của Letta, tôi mò ra ông ta trong một khách sạn nhỏ trên đường Sforza, gần giữa đường từ Saint Marie tới tiệm Colisée. Ở đó không có tiệm ăn, chúng tôi tới hàng hiên một quán cà phê, ngồi trước những gelati có thể làm chú gấu trắng cũng phải nản lòng. Fezzali im lặng nghe tôi trong nhiều phút không nói lời nào. Cuối cùng mới bảo:
- Một kế hoạch khá kì quặc.
Ông ta gật gù, như một gã bán thảm ngoài chợ thành Fez đang đánh giá một sản phẩm cạnh tranh.
- Theo ông, thực hiện được không?
Kem mang tới, kem dính đầy mép. Ông nhún vai.
- Dù sao, - tôi nói, - không phải do tôi thảo ra.
Tôi kể lại chuyến đi thung lũng Thần Chết. Một lần hiếm hoi tôi thấy ông ta để lộ một cái gì khác với vẻ ghê tởm nhân loại, vẻ buồn của con lạc đà già thấy mình đã đến hạn tuổi.
- Tưởng Scarlettt chết rồi. Tôi có quen.
- Ông ta cũng biết ông. Dặn tôi hỏi xem ông có còn nhớ vụ Bester.
- Còn nhớ.
Ông ta ngốn cốc kem nhanh đến khiếp, gọi luôn cốc nữa. Trong khi chờ đợi, ông nhìn xuống hè thật chăm chú và hỏi:
- Anh vừa nói cần bao nhiêu?
- Ba trăm năm chục triệu ở New York, sáu trăm triệu ở Geneva. Ban nãy ông nghe rõ rồi thôi!
- Tổng cộng chín trăm năm chục triệu đôla. Có lẽ nào!
- Tôi biết đếm đến từng ấy. Và xin nhắc lại là ít nhất có một trường hợp chỉ là chi trên giấy thôi.
Một cốc kem nữa tới, còn bự hơn cốc trước. Ông ta ngắm với vẻ buồn sâu sắc rồi bắt đầu nuốt.
- Tất nhiên không thể trả lời ngay bây giờ.
- Tôi cũng nghĩ thế.
- Cần xin lời phê của các hoàng tử.
- Tôi đợi.
Ông ta vừa nói vừa ngoạm những ngoạm kem và mứt trái cây to đùng như những miếng ngoạm của chàng khổng lồ Gargantua. Tôi quan sát ông ta: Người này đã từng quen biết bố tôi, đã tự nhận bạn thân của ông, dù sao cũng là người đầu tiên thú nhận với tôi điều đó, trong khi tôi vẫn tin rằng cả đời bố tôi chỉ gặp toàn những sự phản trắc.
- Ông có hợp với bố tôi không?
Ông ta uống một hớp cà phê đen rất đặc, một hớp nước mát, ăn kem, uống cà phê, cứ thế liên tục. Giả bộ không nghe thấy tôi hỏi, ngắm nghía cốc kem tôi chưa đụng đến.
- Sao không ăn đi?
- Của ông đấy.
Tôi đứng dậy.
- Gọi về New York cho tôi, ở số máy tôi đã ghi cho ông. Đừng gọi về Pierre.
- Chúc lên đường may mắn!
Tôi bước đi, ông ta gọi giật lại, tỉnh bơ.
- Trả tiền nước đi chứ!
- Xin lỗi.
- Chuyện vặt vãnh ấy mà!
* * *
Sau một ngày, ông ta gọi cho tôi: “Chấp nhận cả hai khoản. Chúc may mắn”.
Tôi đang ở trong nhà Léonard Sussman, ở đây Léonard đã cho mắc thêm ba đường dây phụ do tôi chịu tiền. Ba người: Léonard, chị vợ Robin và tôi ngồi vào bàn ăn. Hai vợ chồng nhìn mặt tôi:
- Tin dữ à?
- Không. Trái lại.
Thêm một bước. Một bước của vũ khúc.
Một bước quyết định. Bắt đầu rồi.
Tiếng nói trong trẻo dễ nghe của Scarlett từ băng cassette đưa ra:

“... Nước cờ thứ nhất: Giao cho Martin Yahl số vốn sau này lão sẽ cần tới. Chìa khóa của việc này dĩ nhiên là Fezzrali. Nhất thiết ông này phải nhận lời, dù thế nào đi nữa anh cũng phải thuyết phục ông ta bằng được. Phải dứt điểm. Ông ta sẽ nghe theo anh vì đã từng là bạn thân của bố anh và vì trong vụ kinh doanh nhà đất ở Vành Đai Nắng anh đã tỏ ra có ít nhiều tài năng. Ông ta sẽ nghe theo anh, nhưng chuyện khó hơn là thuyết phục ông ta tham gia với khoản tiền lớn đến thế; không ai làm ăn chỉ bằng tình cảm tốt đẹp, nếu thế chỉ là quà tặng thôi và được miễn thuế. Không, Fezzrali nhận lời vì điều anh đề nghị làm ông ta quan tâm, kể cả các vị hoàng tử quấn khăn do ông ta đại diện. Quan tâm trước tiên đến nhóm kinh doanh mà ông ta cho rằng sẽ chinh phục được. Fezrali nhận lời còn vì ông ta thấy rõ khả năng chiếm được quyền kiểm soát một ngân hàng Thụy Sĩ, điều lâu nay các triệu phú dầu lửa vẫn thèm mà chưa được.
Sau khi được Fezali ưng thuận, được nhận mấy trăm triệu đôla, anh nhờ hắn giúp...”.
* * *
Từ Roma tôi về thẳng New York, bỏ ra gần một tháng thực hiện những hoạt động ngầm; những hoạt động này tự nó đã phức tạp hơn gấp bội vì tôi phải hành động hoàn toàn bí mật, không để lộ - hi vọng thế - cho bọn mật thám của Yahl thuê theo dõi tôi đánh hơi thấy.
Thoạt đầu trò ú tim này cũng hay hay nhưng chỉ sau ít bữa tôi chịu hết nổi phải thực hiện biện pháp do Marc Lavater mách nước cho ngay từ đầu: Báo cho cảnh sát việc tôi bị theo dõi.
Bốn tuần sau khi nhận cú điện thoại của Fezzali báo tin ông ta chịu chơi, sau khi kiểm tra thấy số tiền kia đã được chuyển vào tài khoản công ty Liechtenstein của tôi, sau khi thực hiện thỏa thuận về việc thành lập công ty Panama mới mà tôi sắp dùng đến, cuối cùng, sau khi đã bàn bạc nhiều lần với ba luật sư của tôi, sau tất cả những việc đó, tôi đến ngân hàng ở đường Nassau trong khu Manhattan, khu “làm ăn”.

“… Nước thứ hai. Anh bạn trẻ Cimballi, sau khi Fezzali nhập cuộc sẽ tới gặp một chủ ngân hàng tên là Stern đã đứng tuổi, định thôi kinh doanh từ hai năm nay. Ông ta đã tưởng để lại cơ nghiệp trong bàn taỳ tin cậy của cháu nội, nhưng cậu này đã chết, sau đó Stern đổi khác nhiều lắm. Tôi cho rằng ông ta sẵn sàng bán với giá phải chăng các chứng khoán của ông, càng sẵn sàng bán nếu được trả thật cao, cao hơn giá ông ta có thể mong đợi ở khách hàng khác. Tên anh ta là gì rồi, à, Franz. Anh hãy nghe đây Franz và sẽ thấy chuyện này rất đơn giản. Từ ngày bố anh mất đi, từ ngày Martin Yahl nắm quyền lèo lái cái tôi gọi là Curacao Hai, công trình sáng tạo đẹp nhất của tôi, Yahl đã dựng nên trong lĩnh vực riêng của lão mà anh đã biết, một nhóm, đúng hơn là một trong những công ty đa quốc gia mạnh nhất thế giới. Đến nỗi trong thế giới tư bản Phương Tây chúng ta chỉ còn một tổ hợp lớn hơn nó thôi, đó là Unichem. Curacao Hai và Unichem kình địch nhau, ít nhất cũng trên nguyên tắc; trong thực tế thì chúng thỏa thuận ngầm không xâm phạm lẫn nhau và chia nhau phần lớn thị trường thế giới, trong lĩnh vực kinh doanh của chúng. Tương quan lực tượng? Unichem nặng cân gấp đôi Curacao non già vài triệu đôla. Anh vẫn nắm được đấy chứ Franz? Tốt. Bây giờ cần biết cấu tạo của Unichem. Nó là một công ty có bốn lăm phần trăm cổ phần chứng khoán, nằm trong tay những người ít vốn. Do đó - điều này anh cần tìm hiểu thêm - nó có vào khoảng hai mươi lăm nghìn cổ đông phần lớn là công dân nước Mỹ tự do. Ta sẽ trở lại chuyện này sau. Còn lại năm lăm phần trăm tức phần lớn hơn, thì nằm trong tay hai gia đình, do hai ngân hàng đại diện, do hai người điều hành, năm lăm phần trăm tương đương sáu trăm bảy chục ngàn cổ phần. Người nắm số lớn những cổ phần này và nắm quyền giám đốc Unichem chính là ông Aaron Stern…”.
* * *
Stern đang ở trước mặt tôi. Tôi phải viết là: Trước mặt chúng tôi. Tôi không đến một mình. Có ba luật sư cùng đi, cả ba đều là môn đệ, học trò cũ của Scarlett mà họ coi là người cha tinh thần. Hơn nữa đích thân Scarlett từ cõi chết trở về đã gọi điện cho họ và yêu cầu họ hết mình tham gia trận đánh của tôi, tất nhiên tôi phải chi khá nhiều tiền cho họ.
Philip Vandenberg một trong ba luật sư giới thiệu:
- Ông Franz Cimballi, các cố vấn: James Rosen và Joseph Lupino.
Bắt tay nhau. Chủ khách ngồi xuống. Philip Vandenberg được phân công phát biểu. Đó là một chàng người New York, ba lăm đến bốn mươi tuổi, tốt nghiệp Harvard, thông minh như quỉ, lạnh lùng như Thần Chết, dưới mắt anh ta ai cũng bị coi là kiều dân nước ngoài. Khó có cảm tình với anh ta, nhưng tôi chẳng bận tâm. Bữa gặp anh ta lần đầu (anh ta cao hơn tôi một cái đầu), anh ta thẳng thừng tuyên bố nếu không có Carradine “mà tôi đã tưởng chết, như mọi người vẫn tưởng” trực tiếp can thiệp, anh ta dứt khoát không tham gia vào công việc chúng tôi làm. Tuy trận đánh kì lạ này, tôi công nhận là rất hấp dẫn xét riêng về mặt trí tuệ. Anh ta còn nói: Lập nên Equipe gồm có anh, Lupino và Rosen là tập hợp được những bộ óc cừ nhất của thế hệ trẻ New York và các vùng lân cận. “Có tôi, Lupino và Rosen là thừa, nhưng chắc ông già Scarlett ghép chúng tôi với nhau để không anh nào sang làm cho phía bên kia”.
Philip Vandenberg nói mãi. Nhưng Stern nhìn tôi:
- Thế ông Cimballi đại diện cho ai?
- Cho tôi. Franz Cimballi.
- Ông sẵn sàng trả tôi ba trăm năm mươi đôla mỗi cổ phiếu cho đến nay giỏi lắm chỉ bán được ba trăm ba lăm, và hiện giờ trị giá có ba trăm ba mươi?
- Tôi đến vì việc đó.
- Và mua với giá ấy toàn bộ bốn trăm mười ngàn cổ phiếu của chúng tôi?
Tôi đưa mắt cho Philip Vandenberg, anh này được dặn trước bèn rút tấm séc ra khỏi cặp đặt lên chiếc khay rỗng trên bàn.
- Một trăm bốn ba triệu năm trăm ngàn đôla. Trả ngay. Tức bốn trăm mười ngàn lần ba trăm năm mươi đôla.
Tôi không theo dõi đôi mắt mà nhìn chăm chú đôi bàn tay của Stern; trong chớp mắt chợt cảm thấy ông ta sẽ nhận ngay tại trận và thế là hỏng bét. Dự kiến điều đó, ba chúng tôi thống nhất cách xử trí: tôi nói ngay bằng giọng thật kiên quyết:
- Thưa ông Stern, tôi không mong đợi ông vội vã trả lời. Tôi biết ông cần suy nghĩ. Nhưng không nên chậm trễ vì tôi không có nhiều thì giờ. Hôm nay là ngày thứ tư, 7 tháng năm, mười giờ mười hai phút sáng. Tôi sẽ có mặt ở đây gặp ông để nhận trả lời vào lúc mười một giờ đúng, ngày mai. Xin chào, hẹn đến mai!
Theo bàn định trước, lúc này Philip Vandenberg phải tỏ vẻ ngạc nhiên và bực mình trước sự vụng về của tôi. Thật ra, chúng tôi nhất thiết phải làm Stern tin rằng thói hăng máu vịt tuổi trẻ và tính huênh hoang của tôi đã cản trở việc ngã giá cuộc thương lượng tuy ông ta sẵn sàng chấp thuận. Hơn nữa tôi không để ông ta kịp mở mồm, tôi đứng dậy và đi thật nhanh ra ngoài. Dừng lại ngay bậc cửa, ưỡn ngực thật hiên ngang, nhại đúng giọng thích hợp: “Ngày mai, mười một giờ đúng”. Rồi đi thẳng; các mưu sĩ tỏ vẻ ngán ngẩm trước cơn bốc đồng ngu ngốc của tôi cũng rút lui, mặt lạnh như tiền, chỉ hơi buồn tí chút.

“Nước cờ thứ nhất: Fezzali tung ra sáu trăm triệu đôla, những đồng đôla dầu mỏ đang “tìm nơi đầu tư có lợi”. Sáu trăm triệu này đã gửi vào ngân hàng Yahl ở Geneva, do Fezzali đích thân mang đến bờ hồ Léman, trực tiếp gặp Yahl và bàn bạc với lão.

Nước thứ hai: Cuộc gặp Aaron Stern vừa rồi, với trong tay tôi tấm séc hợp lệ của ngân hàng Hoa Kỳ ghi số tiền một trăm bốn ba triệu đôla.

Nước thứ ba: Sau cuộc gặp gỡ Stern anh tới gặp Glatzman. Tốt nhất là ngay trong ngày hôm đó, độ một tiếng sau khi gặp Stern. Văn phòng họ liền nhau, Rosen sẽ thu xếp xong ngay. Sự hấp tấp này rất hợp vai anh phải sắm: Một con chó con hơi huênh hoang. Vì thắng cuộc nên hăng máu chồm lên bất kể ra sao. Không, tôi không bảo anh đóng vai thằng ngu. Chỉ làm mọi người nghĩ rằng vì anh kiếm được nhiều tiền một cách quá nhanh nên có phần mất tỉnh táo. Bây giờ nói về Glatzman. Anh này khác với Stern, Stern già rồi và muốn bán hết. Glatzman trẻ hơn đến hai chục tuổi, chỉ bán đi nếu có lợi. Chú ý đừng dại đóng kịch với hắn ta, sẽ không đánh lừa được hắn đâu. Đi thẳng vào vấn đề. Nói thật tại sao anh nhất quyết phải nắm lấy hai trăm sáu chục ngàn cổ phiếu Unichem mà hắn đang có…”.
* * *
Glatzman nhìn Philip Vandenberg, Lupino rồi nhìn Rosen. Sau cùng nhìn tôi. Nhướng lông mày.
- Gì thế này? Một cuộc chạy đua họp bạn chắc?
Tôi mỉm cười:
- Xin đợi thêm người đang tới, họ không thuê được taxi.
Anh ta đưa bàn tay mịn màng, mũm mĩm, cầm tờ séc đã xác nhận có chín mốt triệu đôla.
- Rất nhiều tiền.
- Tôi cũng thấy thế.
- Anh đã qua bố già Stern rồi?
- Vừa từ đó ra.
- Bố nói sao?
- Mai ông ấy mới trả lời.
- Anh cho rằng ông sẽ nhận lời?
- Phải.
Đôi mắt hơi tẻ chăm chú xét nét vẻ mặt tôi trong khi tay anh ta lần lượt đặt trước mặt một cuốn sổ rồi một bút chì. Anh ta tính toán cẩn thận, mỗi con tính đều thử hai lần, xem mình có tất cả bao nhiêu: Bốn trăm mười ngàn cổ phiếu của Stern, hai trăm sáu chục ngàn của anh ta, tổng cộng sáu trăm bảy chục ngàn cổ phiếu giá ba trăm năm chục đôla mỗi cái. “Hai trăm ba mươi bốn triệu năm trăm ngàn đôla”.
“Franz, anh ta sẽ hỏi tại sao anh muốn mua những cổ phiếu ấy”.
Glatzman hỏi câu đó:
- Tại sao anh lồng lộn để trở thành người nắm giữ nhiều cổ phần nhất của Unichem?
“Đừng quanh co, Franz. Hãy nói toạc ra”.
- Vì tên tôi là Cimballi, còn kẻ đang điều hành nhóm kinh doanh quốc tế ngoài Unichem tên là Martin Yahl. Ngày nào còn chưa tiêu diệt được Martin Yahl tôi còn chưa yên. Nếu anh không sang tên cho tôi, anh sẽ là một khán giả đứng xem cuộc chiến đấu nhưng sẽ thiệt lớn; đây là một cuộc chiến một mất một còn, hoặc tôi sẽ nổ tung.
“Franz, tay Glatzman trước hết là nhà kinh doanh. Anh làm hắn thắc mắc, hắn muốn biết sức anh có thể đến tận đâu, và cũng do bản tính tự nhiên nữa nên hắn sẽ đặt lại vấn đề. Anh trả giá mỗi cổ phiếu ba trăm năm chục đôla? Hắn sẽ cố nài thêm”.
- Hai trăm sáu chục ngàn cổ phiếu của tôi phải được một trăm triệu, - Glatzman nói.
“Anh phải từ chối”.
- Không.
- Chín lăm triệu mới xong.
Tôi đứng phắt dậy, cố tỏ vẻ tức giận ra mặt.
- Đừng cho tôi là trẻ con, anh Glatzman ạ! Chín mốt triệu, không thì thôi. Và anh đừng hiểu sai ý tôi: Tôi chỉ nhận mua nếu số cổ phiếu này đảm bảo tôi là người nắm nhiều cổ phần Unichem nhất. Tự chúng chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Tôi chỉ mua nếu chiếm được cả số của Stern. Và chỉ trả ba trăm rưỡi một phiếu, không thêm một xu. Thế là cao rồi, và phải trả lời ngay lập tức. Sáng mai, mười một giờ Stem sẽ trả lời. Sau đó nửa giờ, người của tôi sẽ tới gặp anh. Tôi mua của cả hai người, hoặc không gì hết. Chào.
* * *
Trở về Pierre. Ngồi trong chiếc Mercesdes 600 tôi thuê, Lupino lầm rầm hát, tay gõ nhịp theo. Tuy tên thế nhưng tóc anh vàng hung, màu tóc vàng thường được gọi là màu vàng vénitienne. Anh ta nháy mắt với tôi, ra ý nói: “Thật tức cười!”. Trong ba mưu sĩ, anh ta trẻ nhất, mới hăm hai nhưng đã khá nổi tiếng. Philip Vandenberg nói bằng giọng điềm đạm, lạnh lùng cố hữu: “Đừng quên gọi điện cho Scarlett biết tình hình”.
Tôi tỏ dấu đồng tình, trong lúc xe chậm chậm chạy ngược phố số 6. Bây giờ cuộc chiến đấu đã mở màn, tôi đâm sợ đủ thứ. Ném vào đó những khoản tiền khổng lồ, lực lượng hùng hậu của địch thủ trong cuộc vật lộn sống mái..., tất cả những cái đó đột ngột hiện ra, phóng to thêm do trí tưởng tượng bị kích động mạnh, do bị mệt mỏi rã rời. Tôi có cảm tưởng mình đã qua nhiều ngày đêm không ngủ, mà cũng đúng thế thật, tôi bị kích thích đến độ không tài nào tìm được giấc ngủ ngay cả khi có thì giờ đi tìm. Tôi hỏi bâng quơ:
- Có ai đi ăn với mình không?
Philip Vandenberg từ chối với vẻ lịch sự lạnh nhạt mọi ngày, nó làm tôi sởn gai ốc, Rosen nói đã có người mời, chỉ Lupino nhận lời. Đến ngang dốc trung tâm Rockefeller, Vandenberg và Rosen xuống xe. Trước khi đóng cửa xe Vandenberg nhắc:
- Nhớ gọi điện cho Scarlett.
- Cứt!
Lupino phá lên cười lớn khi xe lao đi:
- Rosen, Glatzman, Stern, Cimballi, Lupino cùng chiến đấu. Vandenberg coi tất cả là kiều dân. Nhưng thằng côn đồ đểu ấy là luật gia loại cừ, ranh ma gần bằng tôi tuy trông có vẻ học trò ngoan. Franz anh có biết rằng Scarlett đã gom cho anh một Equipe đáng gờm không? Anh có biết. Anh lo lắng à? Đừng, cứ bình tĩnh, anh sẽ thắng. Trò này làm tôi rất khoái. Nó là trò bịp kì lạ nhất trong lịch sử tài chính, theo ý tôi. Xin đề nghị anh chi tiền cocktail, tiền champagne và đồ nhậu, tôi chi cà phê. Được chưa?
* * *
Tôi không quên. Tiếng Scarlett qua điện thoại nghe xa vời, vang vang như phát ra từ nhà mồ. Tôi dễ dàng hình dung ông ta, thật dễ dàng hình dung ra ông ta nằm co quắp như chiếc bào thai quái dị da thịt chảy mủ nhầy nhụa trên chiếc ghế sắt đặt trong lồng thủy tinh, một mụ đeo găng che mạng cầm điện thoại dùm ông.
Sau khi tôi nói vài câu, ông ta tỏ dấu ngập ngừng. Dường như ông ta đã quên mất cả tên tôi, cả lý do khiến tôi gọi điện thông báo cho ông. Sau đó có lẽ đầu óc ông mới tỉnh táo, hoạt động trở lại.
- Đừng quên chi tiết nào, Franz. Tôi cần biết tất cả.
- Tôi không quên gì hết.
Im lặng.
- Bạn trẻ này, được đấy. Tốí qua Vandenberg đã gọi cho tôi, chúng tôi đã trao đổi rất lâu. Anh ta đã xác minh tất cả. Vào giờ này, hoặc trong vài phút sắp tới, nếu Stern hoặc Glatzman không bắt tay vào điều đó sẽ làm tôi rất ngạc nhiên - thì tin tức vẫn bay về Geneva. Tôi cũng không ngạc nhiên nhiều nếu Martin Yahl đã hay tin. Dù sao, khi biết tin là lão ra tay liền. Không một giây nào có thể nghĩ rằng lão cam tâm để cho kẻ lão ghét và sợ nhất trên đời lại nắm chỏm các công ty địch thủ chính của lão, và lại có lực lượng gấp đôi lão. Không thể nghĩ rằng lão chịu bó tay, vì lòng căm thù anh đã đành, mà còn vì những tính toán chiến lược trong kinh doanh, vì đây là vận hội giúp lão trở thành số một trong lĩnh vực làm ăn của lão. Lão nhất định sẽ ra tay, Franz má búng ra sữa hãy tin như vậy. Và lão chỉ có một giải pháp độc nhất: Mau chóng mua với giá cao, với giá đè bẹp mọi giá, toàn bộ sáu trăm bảy chục ngàn cổ phiếu của Stern và Glatzman. Vung lưỡi gươm chém anh thẳng cánh. Tôi dám đánh cuộc bằng cái chết tức thì, cách chết cực kỳ êm ả cho tôi rằng trong vài giờ nữa Martin Yahl sẽ phản công. Nếu không, tôi không phải là Scarlett. Chính anh sẽ phát hoảng trước đòn phản kích chớp nhoáng của lão. Trước lời công bố RMT của lão.

4

RMT: “Rao Mua Toàn Bộ”.
Đó là thuật ngữ chuyên ngành. Có nghĩa: Thông báo công khai qua thật nhiều phương tiện quảng cáo rộng rãi để ai ai cũng biết - người rao phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông báo này - rằng người rao sẵn sàng mua với giá thỏa thuận, dĩ nhiên cao hơn giá hiện hành, toàn bộ chứng khoán của một doanh nghiệp. Mua trong thời hạn nhất định, không hạn chế số lượng. Nói cách khác, người rao cam kết mua tất cả các chứng khoán được đưa đến bán cho anh ta.
Martin Yahl chính thức tung lời “Rao Mua Toàn Bộ” ngày thứ năm, 8 tháng Năm, lúc mười giờ sáng, giờ New York. Ai mang bán trong thời hạn này đều được trả ba trăm tám mươi đôla một cổ phiếu, lời rao có giá trị trong mười lăm ngày. Tức đến thứ sáu, 23 tháng Năm, lúc mười giờ.
Tôi nhận được tin trong ngôi nhà thuê ở phố 59 dưới tên công ty Panama mới thành lập, trong những điều kiện giữ bí mật hết sức nghiêm ngặt không cho một tay sai nào của Yahl đánh hơi được. Tin do một phụ tá của Rosen báo qua điện thoại từ đài quan sát của anh ta ở ngân hàng dự trữ New York. Để bạn đọc hình dung được phần nào cuộc triển khai lực lượng đã thực hiện từ nhiều tuần nay, từ trước khi tôi đến Roma gặp Fezzali, xin nói rõ: Người phụ tá của Rosen chỉ là một trong số bảy chục người làm việc suốt buổi, chỉ riêng ở New York, dưới quyền bộ tham mưu gồm ba mưu sĩ và bản thân tôi. Có liên lạc chặt chẽ với Scarlett. Bên ngoài New York, còn hơn hai trăm người nữa. Cả một đạo quân.
Lúc tin tới nơi bốn chúng tôi đều có mặt: Philip Vandenberg, Rosen, Lupino và tôi. Chúng tôi biết trước sẽ có tin này vậy mà khi nó đến, cả bốn người không ai mở miệng nói được câu nào trong một lúc lâu. Tôi đứng lên, đi đi lại lại. Đi ngang qua Lupino, cậu này nháy mắt theo truyền thống, Rosen nguệch ngoạc lung tung trên giấy, còn gã Vandenberg lạnh lùng thì nhếch mép cười khẩy.
- Lão rơi hẳn vào bẫy rồi.
Đến lượt Philip Vandenberg đứng lên, nhìn tôi chằm chằm, trong đồng tử sáng lên một ánh chưa từng bao giờ có, có thể nói vừa là tò mò vừa là mến mộ. Như thể mới thấy tôi lần đầu. Và nói bằng giọng Harvard cố hữu:
- Tôi rất kính trọng Scarlett. Bao giờ cũng kính trọng nhưng trong việc này tôi không nghĩ ông ta có thể đúng. Ba trăm tám chục đôla. Lạy Chúa! Không ngờ một chủ ngân hàng cỡ Yahl lại dám trả đến thế. Scarlett đoán đúng: Lão già Thụy Sĩ vì quá căm anh nên mất tự chủ.
Anh ta cao hơn tôi cái đầu. Tôi hỏi:
- Điều đó làm anh thắc mắc?
- Ừ. Vì phải đánh giá con người qua kẻ thù của anh ta.
Tôi tủm tỉm. Từ lâu vẫn chờ có dịp làm anh chàng này phải câm mõm.
- Đúng đấy, anh bạn. Vì thế tôi báo cho anh một tin quan trọng: Tôi rất có ác cảm với anh. Có thể nói, tôi không thương được anh.
* * *
Năm giờ chiều ngày 17 tháng Nãm, tôi đi chiếc Fiat rất bình thường của một gã tài xế tốt bụng một cách đáng ngờ và đặc biệt ít nói. Anh ta cho tôi xuống phía sau khách sạn nhỏ gần đường Aurélia ở Roma. Theo hẹn tôi lên lầu một gặp Fezzali đã đợi sẵn.
- Đi đường tốt chứ? Thế chúng ta không trao đổi mật hiệu theo kiểu “Cẩn thận, bồn rửa mặt bị tắc?”
- Đếch cần, tôi bị táo bón. Đề phòng trường hợp tôi không phải tôi, ông không phải ông. Họ vẫn làm thế trong các phim gián điệp.
Fezzali mỉm cười:
- Vẫn ba hoa như thế? Thôi để lần khác sẽ chơi. Tôi phải đóng vai đang họp trong dãy phòng thuê ở khách sạn Hassler, nên không có nhiều thì giờ. Tốt đấy, tình hình diễn ra đúng dự đoán.
- Ông gặp Yahl chưa?
- Một lần thứ nhất ở Roma này. Nhưng không tại đây mà ở Hassler.
- Hồi nào?
- Thứ tư, mùng 7, lúc chín giờ tối. Ba giờ chiều ở New York.
Tôi há hốc mồm: Phản ứng của Martin Yahl nhanh đáng sợ, như Scarlett đã nói trước với tôi. Chưa đến bốn giờ sau khi tôi gặp Glatzman và Stern, lão đã liên lạc ngay với Fezzali, bay tới Roma, mở cuộc thương lượng.
- Lão đề nghị gì?
- Trước hết lão nhắc lại đề nghị của tôi, của hoàng tử Aziz và tôi lúc gửi vào ngân hàng lão sáu trăm triệu đôla. Hồi ấy chúng tôi đề nghị lão giúp đỡ và gợi ý cho cách đầu tư thật có lợi. Lão bảo: “Có dịp may rồi. Tôi có món rất hay dành cho anh”. Và lão đề nghị tôi mua nhóm doanh nghiệp của lão giá hai trăm sáu chục triệu.
- Ông nhận lời chứ?
- Không. Tôi trả hai trăm ba chục triệu. Và thỏa thuận trên cơ sở đó tôi chịu trách nhiệm đảm bảo trong mười năm sắp tới vẫn để lão điều hành nhóm doanh nghiệp này, thống nhất với nhau rằng không thể giao cho ai quản lý tốt hơn lão. Ngoài ra còn đảm bảo thực hiện điều khoản: Unichem không cạnh tranh với nhóm của lão.
Fezzali buồn rầu nhấn chìm xuống bụng vại kem, một lít là ít. Tôi thở dài:
- Đồng ý, lão già lái buôn lạc đà, nếu ông thích làm tôi chờ đợi thì cứ việc dông dài nữa đi. Và muốn buộc mình phải đặt câu hỏi chứ gì! Thì đây, câu hỏi: Việc của tôi ra sao?
Lão súc sinh đận đà khoái trá nuốt thêm khối kem đủ làm đắm một chiếc Titanic thứ hai.
Mãi mới nhìn tôi với vẻ buồn bã:
- Yahl cũng đề nghị tôi mua tất cả các cổ phiếu của Unichem được đưa ra thị trường ngoài số sáu trăm bảy chục ngàn do ngân hàng Stern và Glatzman nắm. Tôi trả lời: Ngay lúc này riêng tôi không thấy có khó khăn gì nhưng trước khi cam kết tôi cần báo cáo và được các hoàng tử chuẩn y. Cách đây hai ngày tôi đã điện sang Geneva báo cho lão tin: Các vị ủy nhiệm tôi đồng ý.
- Ông đã ký kết gì chưa?
- Chưa. Chỉ thỏa thuận mồm thôi. Tóm lại, nếu trừ đi hai trăm ba chục triệu mua nhóm doanh nghiệp Yahl, tôi vẫn còn ở đây ba trăm bảy chục triệu. Tôi cũng bảo lão rằng: Từ nay đến khi hết hạn RMT của lão, khả năng xuất hiện nhiều cổ đông cỡ nhỏ mang bán cổ phiếu là không đáng kể vì tính chất phân tán rời rạc lắt nhắt như bụi sương của họ.
Fezzali lại tọng một vốc kem nữa. Ông ta kết luận:          
- Lão công nhận tôi nói đúng.
Ăn hết phần kem, ông ta nhìn chiếc cốc rỗng với vẻ buồn chưa từng có. Hỏi tôi:
- Công việc của anh thế nào?
- Stern và Glatzman đã bán toàn bộ cổ phiếu cho Đấng Tối Cao ngân hàng, vậy là lão trở thành người nắm nhiều cổ phần nhất trong Unichem đồng thời là người quản trị nhóm địch thủ của nó. Còn tôi, thằng nhóc ngây thơ đáng thương quá hăng máu vịt, đành đau khổ đứng nhìn kẻ tử thù kia trả giá cao hơn và nẫng tay trên mất món hàng mình mơ ước bây lâu. Tiếc chảy máu mắt ra, ông ạ.
- Còn việc kia?
- Các đội của Vandenberg, của Rosen và Lupino làm việc cật lực từ một tháng nay. Tiến triển tốt.
Hai chúng tôi nhìn nhau. Dám chắc ông ta đã thấy vẻ lo lắng thầm kín lộ ra trên nét mặt tôi. - Một cốc kem nữa nhé, - Fezzali gạ.
- Chén cốc của tôi đi, như mọi khi.
- Sợ gì, anh trả tiền cơ mà, - Fezzali trả lời đầy vẻ khoan dung.
* * *
Tiếng Scarlett vang trong lồng kính:
“- Anh bạn trẻ hãy nhớ lại. Nước cờ thứ nhất, anh rủ được các bạn Ả Rập gửi sáu trăm triệu vào ngân hàng Yahl và ba trăm năm chục triệu vào tài khoản của anh. Nước thứ hai anh đến gặp Stern trả ba trăm năm chục đôla một cổ phiếu. Nước thứ ba, cũng trả giá ấy cho Glatzman. Đấy là ba nước đầu. Đến thời điểm này nếu mọi việc trót lọt tình thế là như thế nào? Trên lý thuyết và theo tôi biết tính lão, lão sẽ phản ứng và phản ứng rất nhanh. Cậy có hậu phương vững chắc nhờ dựa vào sáu trăm triệu đôla dầu mỏ, cách duy nhất - lão có thể cản trở anh giành được năm lăm phần trăm cổ phiếu của Unichem là tự lão tranh mua bằng một RMT, lão là nhà kinh doanh tín dụng rất coi trọng vỏ ngoài hợp pháp nên lão chỉ có nước chơi RMT. Lão không đủ vốn nhưng có sẵn giải pháp: Sang nhượng nhóm doanh nghiệp của lão cho người Ả Rập. Tôi rất hiểu tay Fezzali: Hắn không chịu để Martin Yahl moi được của hắn hai trăm năm chục triệu đôla đâu. Chỉ nhả ra hai trăm ba chục là cùng. Yahl muốn đặt giá cao hơn giá anh trả cho Stern và Glatzman tất phải nâng lên ba trăm bảy, theo tôi lão dám trả cao hơn thế nữa để đánh gục anh, để phô bày sức mạnh tuyệt đối của lão. Vả lại dù có trả đến ba trăm tám hoặc hơn một chút lão cũng vẫn lợi chán: Unichem là một doanh nghiệp vững, nó chỉ gờm sự cạnh tranh của nhóm Yahl. Dù lão đã sang nhượng nhóm này cho Fezzali lão vẫn có thể yêu cầu được giữ quyền làm giám đốc, điều mà tôi có thể khuyên lão nên làm.
Ta thử tính toán xem, Franz hay nhảy! Sáu trăm bảy chục ngàn cổ phiếu giá mỗi cái cho là ba trăm tám, nhân lên thành hai trăm năm tư triệu sáu trăm ngàn, quy tròn là hai trăm năm chục triệu. Lão sẽ nhận của Fezzali hai trăm triệu ba trăm ngàn: Còn thiếu mất hăm bốn triệu sáu trăm ngàn. Lão có đủ, nếu trích ở vốn riêng. Lão trích. Mua được toàn bộ cổ phiếu của Stern và Glatzman. Thú vị bắt đầu từ điểm này...
Và hãy nhớ: Lão không điên. Lão biết ở đâu đó trong thiên nhiên vẫn còn độ năm trăm năm chục ngàn cổ phiếu Unichem cũng là đối tượng của RMT. Lão rất rành pháp luật, lão già Martin rất tử tế của chúng ta, lão biết bất cứ ai đưa ra thông báo RMT, cũng bị luật bắt buộc phải mua toàn bộ các cổ phiếu mang đến bán trong thời hạn RMT. Tất nhiên các cổ phiếu này rất tản mác, li ti như bụi sương theo cách ta nói, nhưng lão dại gì liều mạng? Sau khi đặt lên bàn hai trăm năm chục triệu đôla để lấy về năm lăm phần trăm cổ phần Unichem, Yahl đã tiêu hao mất phần trăm lớn lực lượng tác chiến. Chỉ còn trong tay độ năm, sáu chục triệu hoặc hơn tí chút, tôi không biết chắc. Cộng thêm ngân hàng của lão nữa, tất nhiên, nhưng đời nào lão dám nhả nó ra, dù có phải chết mười lần! Vả lại số vốn dự trữ này cũng chưa chắc đã huy động ngay được, chúng đang được đầu tư nơi nào đấy, Yahl đâu phải là người kinh doanh ngân hàng! Do đó nếu vì một sự trùng hợp ghê gớm nào mà bỗng nhiên số năm trăm bốn chục ngàn cổ phiếu “thiểu số”, tạm gọi như vậy, xuất hiện hàng loạt trong thời hạn RMT, lão sẽ không đủ sức đáp ứng. Martin Yahl không tin có thể xảy ra chuyện đó và lão tuyệt đối có lý. Nhưng lão rất thận trọng, rất kín cạnh. Nên trước khi lão vào cuộc, lão sẽ yêu cầu Fezzali cam kết mua tất cả các cổ phiếu Unichem xuất hiện trên thị trường, số cổ phần lão không đủ tiền tự mua lấy...
Đó là nước thứ tư...”.
* * *
Tuy không có thì giờ, tôi vẫn không đi thẳng từ Roma về New York. Tôi dừng lại Paris, không lâu, chừng bốn tiếng, giữa hai chuyến bay. Thế cũng đủ để ôm hôn Catherine đến tìm tôi ở Roissy.
- Anh có vẻ mệt.
- Có mệt. Nhưng vẫn không quên lời em hứa.
Đôi mắt ánh vàng lóe lên vẻ ranh mãnh trêu ngươi.
- Không hiểu.
- Đừng vờ. Lần đầu tiên, chúng ta ở Bahamas em mặc chiếc áo tắm bé tí tẹo, lần thứ hai ở Paris em mặc tấm áo xanh đầy hoa. Cả hai lần em đều nói: “Em sẽ lấy anh, anh Franz yêu quý, ánh sáng của đời em, thiếu anh cuộc đời này không đáng sống, em sẽ lấy anh ngay khi anh hết ngu ngốc chạy đủ bốn phương và nhảy điệu nhảy điên rồ của anh”.
- Anh tin chắc em đã nói thế?
- Đại ý như vậy.
Nàng không cười nữa, nước mắt trào ra.
- Lạy chúa, - nàng thầm thì, - thế mà em cứ ngỡ anh quên em rồi.
Tôi không đủ thời giờ đi Paris, vả lại cả hai người đều không muốn. Thay vào đấy, chúng tôi cho xe chạy chầm chậm trên con đường làng, Catherine cầm lái, tôi ngả đầu vào vai nàng. Hình như chúng tôi chạy xuyên qua rừng Halatte, đi bộ lên đỉnh gò Aumont, rồi đi về và vào hẳn Senlis đang mùa đẹp tháng năm. Sau đó nàng đưa tôi quay lại sân bay, hai chúng tôi chỉ nói với nhau đôi lời nữa thôi.
- Em này, anh không mất nhiều thì giờ nữa đâu. Gần kết thúc rồi, gần lắm rồi.
- Bao lâu nữa?
- Hai đến ba tuần. Có lẽ không đến. Vũ khúc Cimballi đang kết thúc. Đã bắt đầu những nhịp cuối cùng.
- Và sẽ xảy ra điều gì?
- Điều phải xảy ra khi vũ khúc chấm dứt, đàn vĩ cầm ngừng bặt. Mọi người trở về nhà mình. Đóng kín cửa, treo tấm biển: “Xin miễn gọi”.
* * *
“- Nước thứ năm, chàng trẻ tuổi Cimballi. Nếu tất cả, nếu toàn bộ diễn biến đúng với dự kiến, lúc này cần nhớ đến số ba trăm năm chục triệu của Fezzali chuyển vào tài khoản của anh trong khi gửi vào ngân hàng Yahl tại Geneva sáu trăm triệu. Anh đã sử dụng số tiền ấy lần thứ nhất để bảo chứng những tấm séc giơ ra trước mắt Stern và Glatzman tuy không có ý định giao hẳn cho họ. Lần này anh sẽ thực sự dùng đến chúng trong kế hoạch gọi là “Đại Càn Quét”. Hãy nhớ: Phải luôn luôn kiểm soát, nuôi dưỡng, đẩy mạnh nó. Tất cả sẽ phụ thuộc vào thành công của nó. Phải đánh giá từng ngày, từng giờ, thúc người, dù chỉ một phút. Nếu họ kêu ca, thưởng thêm tiền cho họ...”.

Việc này bắt đầu làm từ trước khi tôi gặp Fezzali ở Roma để yêu cầu bỏ ra ngót một tỷ đôla. Cả bộ máy đã hoàn chỉnh trước khi ông ta ưng thuận, nên ông ta vừa chấp nhận là cổ máy lập tức khởi động liền. Nó là cái gì?

“- Franz! Anh có hai khả năng để lựa chọn. Một là thành lập “Hội bảo vệ các cổ động nhỏ” bằng cách làm như đang có âm mưu chuẩn bị một vụ lừa đảo các cổ đông “thiểu số”. Hoặc tốt hơn hết là tìm mọi cách mua thật nhiều cổ phiếu để bán lại cho các hoàng tử Ả Rập như đã hứa với Fezzali. Chi tiết cụ thể của vụ “Đại Càn Quét” chứng khoán lớn nhất và kín đáo nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán này, hãy để Vandenberg, Rosen và Lupino hành động, nhất là Rosen, thiên tài trong việc này. Không phải bỗng dưng mà tôi tuyển chọn mấy gã này. Họ sẽ mộ ngay được cho anh vài ba trăm dân hàng xách. Những tay cừ nhất và kín như bưng”.
* * *
Dĩ nhiên tôi phải bỏ tiền thuê bọn dắt mối, tiền trả công cắt cổ cho Vandenberg, Rosen và Lupino, tiền trả cho tay chân của họ đông vô kể. Đó không phải là chi phí duy nhất tuy đã rất tốn kém. Tôi hứa sẽ bán lại cho Fezzali tất cả các cổ phiếu “thiểu số” mà tôi kiếm được, tức là số nằm ngoài chỗ năm lăm phần trăm do Yahl mua.
Fezzali vừa ngốn kem vừa nói:
- Đồng ý. Nhưng mặc dù ông cụ anh là bạn thân, tôi không nhất thiết phải tỏ ra hoang phí vô độ. Anh cứ việc dùng số tiền ba trăm năm chục triệu tôi cho vay để “ra mắt” mà mua, rồi bán lại cho tôi. Tôi sẽ mua hết, nhưng xin bình tĩnh: Cổ phiếu Unichem hiện nay trị giá có ba trăm hai tám, tôi sẽ trả cho anh ba trăm ba chục.
- Tôi phải trả cho cổ đông những ba trăm tám để thuyết phục họ bán cho tôi!
- Đấy là vấn đề của anh, anh bạn trẻ. Không phải của tôi.
Ông ta lại ngoạm món kem chết tiệt:
- Ba trăm ba, không thêm một xu. Bỏ tiền túi ra mà bù chênh lệch.
* * *
Martin Yahl tung thông báo RMT ngày thứ năm, 8 tháng Năm. Nó sẽ hết hiệu lực ngày thứ sáu, 23 tháng Năm. Chiến dịch “Đại Càn Quét” do Scarlett đề xướng bắt đầu hai mươi sáu ngày trước đó, ngày 10 tháng Tư. Ngày ấy khoảng hai trăm người môi giới do các luật sư mưu sĩ của tôi tuyển mộ bắt đầu xung trận. Mệnh lệnh: Trước hết tìm cách mua tối đa số cổ phiếu, chỉ khi nào cổ đông không thuận rời bỏ cổ phiếu mới rủ họ gia nhập ”Hội bảo vệ cổ đông nhỏ”. Tất nhiên phải tiến hành mọi việc thật bí mật.
Để tiện theo dõi từng phút diễn biến cuộc càn quét phi thường này, tôi đã biến các văn phòng thuê tại phố 59 thành một sở chỉ huy thực thụ. Không dưới một tá nữ báo vụ viên chịu trách nhiệm thu thập báo cáo của các người môi giới, trong đó có những người truy bám các cổ đông đến tận nơi ẩn dật vàng son của họ ở vùng Jamaïque, ở trên các hòn đảo của Hy Lạp, bên Thụy Sĩ, thậm chí đến tận Scottsbluff ở Nebraska. Ngoài số tiền công khá tươm tất, các tay môi giới còn được hưởng một ngàn đôla cho mỗi hai lăm ngàn cổ phiếu mua được. Đây là sáng kiến của Rosen lúc nào cũng rất rộng rãi bằng tiền của tôi. Hắn là một gã Do Thái bé nhỏ, lầm lì và ủ rũ, làm việc cực kỳ chăm chỉ, có năng khiếu về tổ chức và làm việc tập thể tựa như Mozart trong âm nhạc. Nghị lực, sức bền bỉ của hắn thật dữ dội. * * *
Thứ tư, 7 tháng Năm, một giờ trước khi chúng tôi đến chỗ Stern. Rosen tổng kết tình hình chung lần thứ nhất:
- Cổ phiếu Unichem ổn định từ năm năm nay và vẫn tiếp tục. Các người môi giới của ta không cứng nhắc đòi mua lại Unichem mà thường gạ đổi bằng những cổ phiếu loại một: Của IBM, Royal Dutch, General Motor và Hoffman, La Roche do tôi cấp cho. Thông thường họ khéo léo làm cho các cổ đông tự mình xin đổi cổ phiếu Unichem vì nó không ổn định bằng các thứ kia.
- Con số cụ thể?
- Đến hôm nay đã tiếp xúc tám ngàn cổ đông. Sáu tám phần trăm nhượng lại cổ phiếu, hai bảy phần trăm xin gia nhập hội. Cộng mua được một trăm ba lăm ngàn cổ phiếu, và qui tụ được bốn tám ngàn trong hội.
- Trên bao nhiêu?
- Năm trăm bốn tám ngàn.
- Còn xa mới đạt mức!
- Đừng quá tin vào con số. Chúng tôi tiến nhanh hơn là vẻ bên ngoài. Đến nay mới tiếp xúc với những cổ đông loại nhỏ, nhiều người chỉ có một hoặc hai cổ phiếu. Từ bữa qua bắt đầu tập trung hỏa lực vào những cổ đông loại bự, có người có đến hai chục ngàn cổ phiếu trong ví. Số này về một mặt nào đó lại dễ thuyết phục: Họ theo dõi thị trường chứng khoán chặt hơn, nên khi thấy ta trả mười phần trăm cao hơn giá của RMT sẽ trả thì...
- Trả thế làm tôi mất cả một gia tài lớn.
Vandenberg nhếch mép. Tôi rất quí anh ta.
- Trả thù thì phải trả giá đắt, - anh ta tuyên bố.
* * *
Quả nhiên tôi mất vào đấy một gia tài lớn.
Ngày 12 tháng Năm, tổng số cổ phiếu “thiểu số” chui vào tay tôi bằng sang nhượng và bằng sự tập hợp trong hội đã vượt qua mức ba trăm ngàn. Hai ngày sau lên ba trăm năm chục ngàn. Sau đó, các con số trên bảng do Rosen đặt trong văn phòng số 59 thay đổi từng giờ. Và cứ vọt lên mãi với sức mạnh không gì cưỡng nổi của triều dâng. “Giá sắp công bố của RMT cộng thêm mười phần trăm”, các người môi giới theo lệnh Rosen đảm bảo với mọi cổ đông bằng lòng sang nhượng. Điều đó có nghĩa là tôi phải mua cổ phiếu với giá bốn trăm mười tám đôla và sẽ chỉ bán lại cho lão Fezzali khốn kiếp được có ba trăm ba mươi đôla.
Sáng 22 tháng Năm sơ kết, cộng tất cả các khoản tiền công, tiền thưởng, tiền kinh phí của người môi giới, tiền giờ công đế vương của Vandenberg, Lupino và Rosen, lương các người giúp việc họ, tiền thưởng đủ thứ để mua hàng trăm ngàn cổ phiếu sẽ bán lỗ vốn, cộng các thứ tiền chi phí khác, tiền hối lộ cửa này cửa kia, tôi đã tiêu hết ba mươi triệu sáu trăm ngàn đôla. Bay theo gió hết.
Nhưng kết quả đã hiển nhiên, đầy sức quyến rũ trong sự tàn nhẫn khó tin. Martin Yahl tung ra thông báo RMT, đã bỏ ra - kể cả tiền bán nhóm doanh nghiệp ăn cắp của bố tôi - tổng cộng hai trăm năm mươi triệu sáu trăm ngàn đôla, chắc chắn thực tế còn hơn vì còn nhiều khoản chi phí khác. Lão đã rút khoảng hai chục triệu.
Sáng thứ năm 22 tháng Năm, trong lúc tôi vừa tính sổ trong căn phòng khách sạn Pierre vừa nhìn ban mai hiện lên trên công viên Central Park, tôi thích thú nghĩ rằng lúc này chắc lão ta cũng đang tính sổ. Có lẽ lão đang vui mừng nhấm nháp thắng lợi ở Geneva hay Zurich, tôi chẳng biết lúc này lão đang ở đâu. Ở New York đã sáu giờ sáng, cả đêm qua tôi không chợp mắt, mấy đêm trước cũng thao thức không kém, nhưng vì quá căng thẳng nên không tài nào ngủ được. Bên Thụy Sĩ mười hai giờ trưa.
Chắc lão vẫn còn ở văn phòng, lão là người có kỷ luật, chính xác, cứng rắn. Tôi nhấc máy quay số của ngân hàng ở bên General Guisan tại Geneva.
- Tôi muốn gặp riêng đích thân ông Martin Yahl.
- Ông là ai xin cho biết tên.
Chợt nhớ đến một cái tên:
- Hoàng tử Henri D’Orléans.
Sau vài giây, giọng của lão, lạnh lùng, pha giọng Đức.
- Rất sung sướng được tiếp chuyện Đức Ông.
Tôi không nói. Lắng nghe sự im lặng từ hơi thở của lão toát ra. Ở đầu dây đằng kia lão tỏ ra lo lắng trước sự im lặng này.
- Allô? Allô? Allô?
Tôi gác máy. Lúc tám giờ kém mười lăm, tôi đi dạo buổi sáng New York, ngược đại lộ 5 rất từ từ, la cà, nhấm nháp hai tách cà phê kinh tởm như nhau. Dù sao, không khí thoáng và đầm ấm. Khi bước vào căn phòng số 59 đã gần chín giờ. Rosen và Lupino đã có mặt hoặc vẫn còn ở đó. Cặp mắt đen của Rosen bắt vào mắt tôi, anh trả lời khi tôi chưa kịp hỏi.
- Mua ba trăm chín mươi ngàn, tập hợp trong hội một trăm ba mươi ngàn. Cộng bốn trăm bảy tư ngàn.
- Còn lâu nữa?
- Chưa chắc, theo tôi, đầy ắp rồi.
Kể từ lúc biết giấc ngủ đã bỏ đi, tôi cương quyết vùng khỏi giường đến bây giờ, đây là lần thứ một trăm tôi xem đồng hồ: Chín giờ hai phút sáng. Thời hạn của RMT sẽ chấm dứt sau hai mươi bốn giờ năm mươi tám phút. Tôi ngồi xuống, chân tê mỏi.
- Bốn trăm bảy tư ngàn cổ phiếu giá...
Điện thoại réo, Lupino nhấc máy đưa ống nghe cho tôi:
- Franz hở? - Fezzali gọi. - Franz, tôi đang ở sân bay Roma. Sắp lên đường. Ông bác thân thiết của tôi đang bệnh nặng, một mình giữa sa mạc nơi không có điện thoại, điện báo, radio. Hai ngày đi, hai ngày ở, hai ngày về. Trong sáu ngày đó không ai tiếp xúc được với tôi, dù có việc thật hệ trọng. Không một ai có thể đâu, Franz! Anh hiểu chứ?
- Hiểu.
Đường dây nín lặng. Philip Vandenberg bước vào. Anh ta chắc cũng không ngủ được nhưng vẫn mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, trái hẳn với Rosen trông chẳng khác một chiếc bao tải rách. Tôi nói, với anh ta và với tất cả:
- Trong sáu ngày tới không ai có cách gì liên lạc với Fezzali.
Không cần nói rõ thêm: Chỉ Fezzali mới có quyền sử dụng mấy trăm triệu đôla dầu mỏ gửi ngân hàng tư nhân Martin Yahl. Các người có mặt ở đây cũng như tôi đều thấy rõ sức nặng của thông tin này. Thêm một bộ phận nữa của cạm bẫy vừa được lắp đặt,
Tôi làm tiếp con tính bỏ dở khi Fezzali gọi máy: Bốn trăm bảy tư ngàn cổ phiếu, giá mỗi cái ba trăm tám, vị chi một trăm tám chục triệu một trăm hai chục ngàn đôla.
Đó là số tiền Martin Yahl, theo đúng luật, sẽ phải chi trả. Và lão sẽ phải trả lúc tôi đưa bốn trăm bảy tư ngàn cổ phiếu này ra bán khi thông báo RMT của lão sắp hết hạn. Cố nhiên, tôi chỉ để cho lão một khoảng thời gian tối thiểu. Vài giờ là cùng.
Theo Scarlett, theo Lavater và các điều tra viên của anh ta, theo tất cả những dự đoán chúng tôi đã phân tích thì Martin Yahl có nhiều nhất, đến ngày thứ năm, 22 tháng Năm này, khoảng sáu chục triệu đôla, nhưng không phải tất cả đều có thể huy động ngay. Đây là nói trong trường hợp tốt nhất (cho lão). Và trong trường hợp tốt nhất này, lão sẽ phải kiếm được đủ một trăm hai chục triệu đôla trong quãng thời gian để băng qua một đường phố.
Lão đã cậy vào tiền của Fezzali, thậm chí số tiền này đã nằm sẵn trong két lão. Nhưng sự ra đi không đúng lúc của gã Libanais, lệnh gã giao cho người tạm thay: “Không được làm bất cứ điều gì”, đã làm kẹt cứng số vốn mà Yahl hy vọng sử dụng.
* * *
“- Nước thứ sáu, anh bạn trẻ Cimballi: Đưa cho lão cả gói, ngay trước khi kết thúc đợt RMT của Martin Yahl một chút thôi, càng nhiều cổ phiếu “thiểu số” càng tốt, cả thứ sang nhượng và thứ của “Hội bảo vệ” tập hợp được. Lão sẽ không có tiền mua. Lão quay sang Fezzali, cửa đóng vì một lý do anh sẽ tìm lấy. Dù bị đòn choáng váng này vào phút cuối cùng, Martin Yahl vẫn còn hy vọng: Vay mượn của các nhóm tài chính khác. Lão sẽ cố. Dù sao lão vẫn còn mấy chục triệu đôla, còn cả ngân hàng của lão. Đúng lúc ấy anh cho khởi động cái anh đã tiết lộ với tôi”.

“Cái tôi đã tiết lộ với Scerlett” bắt đầu khởi động cũng vào ngày thứ năm 22 tháng Năm, dưới hình thức hai cột báo cùng xuất hiện trên tờ báo Thế Giới ở Paris, tờ Thời Báo Tài Chính ở London, tờ Bưu Điện Washington ở Hoa Kỳ, tờ Diễn Đàn Geneva, tờ Bild Zeitung của Hambourg (đăng tải trên ba cột, kèm ảnh của Martin Yahl, trên trang nhất) và tờ Allgemeine Zeitung ở Frankfurt.
Nhìn chung các báo đều dựa theo tư liệu tôi kín đáo cung cấp cho họ, xoay quanh chủ đề: Vụ RMT khác thường của viên cựu giám đốc ngân hàng Quốc Xã đánh vào một doanh nghiệp người Mỹ gốc Do Thái.
Tập hồ sơ này đã ngốn của Lavater và tôi bốn năm tìm kiếm và cơ man tiền của. Thực ra nó cũng không đầy đủ và sắc bén như chúng tôi mong muốn. Nhưng nó cũng xác minh không thể chối cãi mối liên hệ móc ngoặc của gia đình Yahl, của bản thân Martin Yahl với Heinrich Meinhardt, chỉ huy đội biệt kích do Hitler phái sang Thụy Sĩ mùa xuân 1933 để thu hồi toàn bộ của cải của người Đức, nhất là những người Đức gốc Do Thái giấu trong két các ngân hàng Thụy Sĩ, hồ sơ có đủ tư liệu về sự cộng đồng tinh thần giữa chàng trai Martin Yahl với những kẻ như tên Gaufurher Robert Tobler ở Zurich và tên đã sáng lập các chi nhánh phát xít bên Thụy Sĩ là Arthur Fonjallaz: Hồ sơ cũng chỉ rõ ít ra có một lần ngân hàng Yahl (kẻ trực tiếp đứng ra thi hành là Martin Yahl chứ không phải người bố) tổ chức “hồi hương” các khoản vốn của người Đức gốc Do Thái trong những điều kiện không bình thường. Chẳng hạn như nó đã chuyển khoản sang cho một ngân hàng Đức số tiền do một nhà ngân hàng Do Thái ở Hanover gửi, viện cớ việc chuyển khoản này là do con trai nhà ngân hàng Do Thái yêu cầu khi anh ta đến ngân hàng Yahl với hai người bận áo mưa kèm hai bên và đưa ra tờ lệnh chuyển viết bằng tay run run. Hồ sơ còn chụp những tấm ảnh chụp Martin Yahl đứng bên các chiến hữu SS nhân cuộc sang Nuremberg năm 1941. Đặc biệt nó còn lưu lại lá thư Yahl viết cho một quan chức của Volksdeutsche Mittelstelle, cơ quan cai trị của SS trong đó liệt kê danh sách - Bổ sung vào bản đã nộp, thư viết thế - những khách hàng Do Thái - Đức có tiền gửi và có khả năng bắt tiền phải “hồi hương”. Những sự tiết lộ như thế cho “người thứ ba” nắm được, dù người đó là ai, hơn nữa đây là bọn Đức Quốc Xã, rõ ràng là sự vi phạm điều 47 đạo luật của Liên Bang Thụy Sĩ về kinh doanh ngân hàng và quĩ tiết kiệm, đề ngày 8 tháng Mười 1943. Chính đạo luật này đã đặt ra thể thức “tài khoản đánh số” để giữ bí mật tiền gửi của khách hàng, như các ngân hàng Do Thái này.

“- Bạn Cimballi, sau nước cờ anh vừa đi, lão sẽ, chắc chắn lão phải cảnh giác. Lão biết không thể có một nhóm ngân hàng nào, nhất là của Thụy Sĩ, có thể trong khoảng thời gian ngắn lạ thường như thế lại dám chạy đến cứu nguy cho lão. Hãy đặt mình vào địa vị những người kinh doanh ngân hàng: Lúc đầu họ cho thấy là một RMT, gần như bình thường, được thực hiện thường xuyên ở Hoa Kỳ, cả bên Châu Âu tuy có ít hơn. Nhưng tình hình vừa qua chứng tỏ thực ra đây là một trận đấu khủng khiếp giữa ngân hàng Yahl và một địch thủ ẩn danh: Hàng trăm ngàn cổ phiếu bỗng xuất hiện đột ngột và rất muộn màng, những bài tố cáo trên báo... Địch thủ nào vậy? Chẳng ai biết. Vậy dại gì can dự vào cuộc chiến lúc chưa biết địch thủ là ai, lúc thời hạn chỉ còn hai mươi bốn giờ? Này anh bạn Franz hay nhảy, nên nhớ: Trong giới tài chính, khi thấy có kẻ sắp chết đuối, người ta liền ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác. Yahl bị cô độc. Nước cờ thứ bảy của cậu rất đẹp, cậu bé! Hãy để tôi đi nước thứ Tám...”.
* * *
Giọng nói bình thản, lạnh lùng, có giáo dục của Philip Vandenberg, giọng nói của bác sĩ phẫu thuật đĩnh đạc giữa im lặng trong phòng mổ, cất lên:
- Thưa ông Yahl, tôi vừa nói với ông. Nói tên tôi, tư cách là gì, của ai, do ai ủy quyền tiếp xúc với ông.
- Tôi nghe rõ tất cả những điều ông nói. Tôi chỉ muốn hỏi ông gọi tôi có việc gì.
Tôi đã nghe giọng nói của Yahl hàng ngàn lần, có lần còn nghe cả trong mơ nữa, những đêm ở Kenya rung rinh, những đêm Hong Kong ngột ngạt. Nhưng chưa lần nào nó vang âm trong tai như lần này, không bao giờ căng, đục như lần này, giọng của người bị buộc phải chấm dứt chiến đấu mà biết chắc mình không thể chiến thắng.
- Thưa ông Yahl, tôi là Philip Vandenberg, trông coi một phòng luật sư quan trọng ở New York. Tôi từ đấy gọi cho ông, theo lời dặn của ông John Carradine, tôi được ủy nhiệm không phải của cá nhân ông ta mà của các thân chủ do ông ta đại diện để trả cho ông năm trăm ngàn đôla Mỹ đổi lấy sáu trăm bảy chục ngàn cổ phiếu Unichem ông đang nắm giữ. Nếu ông thuận bán với giá dứt khoát như thế, thân chủ tôi cam kết bằng văn bản sẽ đảm nhận RMT của ông và kết thúc nó.
Im lặng một lát.
- Ông vừa nói số tiền bao nhiêu?
- Năm trăm ngàn đôla. Còn một điều này nữa, ông Yahl.
Với thái độ bình thản của nhà phẫu thuật, Philip Vandenberg mở mạnh tờ báo, cố ý làm tiếng giấy sột soạt lọt được vào ống nghe xuyên qua Đại Tây Dương.
- Thưa ông, trước mắt tôi là bản photo mới nhận hôm qua, chụp lại lá thư ông viết ngay 11 tháng Hai 1935 gửi cho người tên là Joachim Schaer, thuộc chi nhánh hải ngoại của đảng Quốc Xã ở Berlin.
Thực ra trước mặt Philip Vandenberg lúc này là bài tường thuật buổi diễn một vở ca kịch thử nghiệm bị giới phê bình coi là thất bại thảm hại.
- Thưa ông Yahl, thời hạn RMT của ông kết thúc sau hai giờ nữa. Ông không có khả năng đáp ứng đòi hỏi của người bán cổ phiếu do chính ông mời đến. Mong ông hãy chấp nhận đề nghị của thân chủ tôi...
- Họ là ai?
- Tôi không được phép tiết lộ.
- Có phải Franz Cimballi không?
- Xin cam đoan không phải người này.
Điều đó rất đúng sự thật, không phải tôi đứng ra - ít nhất trong lần này - trả năm trăm ngàn đôla là hoàng tử Aziz.
-... Không phải người này. Mong ông chấp thuận lời đề nghị, như vậy ít ra ông còn giữ được ngân hàng. Đó là lời khuyên của ông John Carradine bảo tôi chuyển tới ông. Nếu ông cần trực tiếp nói chuyện với ông Carradine tôi có thể...
- Không... Không.
Giọng Martin Yahl rất đục, rất khó nghe. Cặp mắt xanh lơ lạnh lẽo của Philip Vandenberg rời tờ báo đi tìm mắt tôi, trong con ngươi màu sáng có câu hỏi: “Đứng trước kẻ thù đã chết ta cảm thấy gì?”.
Vandenberg nói tiếp vẫn bằng giọng lạnh lùng ấy:
- Thưa ông Yahl, bây giờ là tám giờ bốn phút, giờ New York. Hai người cộng sự với tôi trong vụ này ông James Rosen và Joseph Lupino vừa tới Geneva. Họ đang ở chỗ ngân hàng Quốc Gia Thụy Sĩ cách chỗ ông có vài trăm mét. Họ đợi ông làm thủ tục bán sáu trăm bảy chục ngàn cổ phiếu Unichem giá năm trăm ngàn đôla. Họ có đủ tư cách đảm bảo với ông là các thân chủ của tôi cam kết sẽ mua hết số bốn trăm bảy tư ngàn cổ phiếu mà ông không có sức mua. Sau khi được ông bán cho, họ sẽ liên lạc với văn phòng chúng tôi ở New York.
* * *
“- Anh bạn trẻ Cimballi, sau nước cờ thứ tám, Yahl đã bán lại với giá năm trăm ngàn đola số cổ phiếu lão mua với giá hai trăm năm mươi triệu sáu trăm ngàn đôla hoặt ít hơn tí chút. Anh thử tính xem lão thua lỗ chừng nào. Tất nhiên chưa sạt nghiệp. Lão còn nhà ngân hàng, đối với lão nó có giá trị hơn tất cả, vì nó mà lão chấp nhận mất trắng hơn một phần tư tỉ, với nó lão hy vọng sẽ làm lại tất cả, ít ra ở tuổi ngoài sáu mươi của lão, cũng hy vọng trả lại được và tu bổ một phần nào lực lượng của lão. Lúc này ta đi nước thứ chín, lão bị chiếu bí và chịu thua cờ, như tôi đã tuyên bố…”.
* * *
Marc Lavater là người đi nước cờ thứ chín. Anh ta có nhiều bạn thân bên Thụy Sĩ. Đặc biệt có nhà kinh doanh ngân hàng ở “Ban theo truyền thống” bên đó, đang làm chủ tịch liên hiệp các ngân hàng Thụy Sĩ. Sau khi hẹn qua điện thoại Marc Lavater đến đại sảnh khách sạn Dolder ở Zurich. Mang theo chiếc vali nhỏ đựng tập hồ sơ, trong đó có những tư liệu đã cung cấp cho báo chí, thêm bản khai của John Carradine, nội dung ghi ở Nevada theo đúng thể thức pháp luật, nói về toàn bộ các mánh khóe biến Curacao Một thành Curacao Hai, nói cách khác, về vụ trộm cắp có tầm cỡ này.
Ngày hôm sau thứ ba 27 tháng Năm đích thân Martin Yahl tới Zurich, do các đồng sự mời đến dự cuộc họp thực chất là phiên tòa xét xử lão. Lão biết cái gì đang chờ đợi mình, và thực tế đã diễn ra đúng như lão đoán.

“- Anh bạn trẻ Cimballi, nước thứ chín là nước khủng khiếp nhất. Lão sẽ đến đấy, trước mặt các đồng sự đồng thời là quan tòa. Franz, người đã nhảy vũ khúc tử thần xung quanh lão, Franz có thể vui mừng được rồi đấy, thời cơ đã đến. Franz nên biết: Ở Thụy Sĩ có rất đông những kẻ dùng tiền của người Do Thái, người Ả Rập, của bọn vua chúa da đen, bọn độc tài các cỡ thiên tả và thiên hữu, bọn lái buôn ma túy và vũ khí... để làm những việc như Martin Yahl, tệ hại hơn Martin Yahl. Riêng Martin Yahl đã bị tóm cổ, chuyện của lão được công bố, hồ sơ của lão kèm theo lời tôi thú tội sẽ bị công bố tiếp nếu lão không chịu tuân theo tối hậu thư: Ngay lập tức và vĩnh viễn từ bỏ mọi hoạt động kinh doanh ngân hàng và tài chính có liên quan nhiều hoặc ít với Thụy Sĩ. Franz, anh chưa làm cho lão phải khuynh gia bại sản, đó là điều không thể làm nổi. Nhưng lão đã bị anh hủy hoại. Bị hủy hoại như chính tôi đây, chỉ còn nằm chờ cái chết ngọt ngào”.
* * *
Tôi ăn trưa cùng với Rosen và Lupino, còn Philip Vandenberg vẫn như mọi bữa, không rảnh.
Tối, tôi khoản đãi chia tay Léonard Sussman và chị vợ Robin.
Trở về Pierre ngồi uống champagne một mình. Cho đến lúc ngủ gật.
Sáng hôm sau Fezzali gọi điện.
- Anh bạn thân mến, chúng ta gặp nhau chứ?
- Không gặp ngay được.
- Các hoàng tử và anh em các vị đó có những dự án bàn với anh. Anh đã khiến họ rất chú ý.
- Không gặp vào lúc này.
Tôi gác máy. Bộ phận tiếp tân đã báo: Mua được vé máy bay rồi, sắp có người đến lấy hành lý.
Tôi ngắm nhìn công viên Central Park.
Nghĩ đến Sarah và Joachim, đến Hyatt và Li và Lui, đến gã Thổ và cô Ute Jenssen, đến David, Léonard và Robin Sussman, đến Marc và Fransoir Lavater, đến Philip Vandenberg, Rosen và Lupino với cặp mắt đồng lõa, tôi nghĩ đến Robert Zarra và Suzie Kendall tuy hai người là hai thế giới khác biệt, nghĩ đến ông Hak.
Rồi lại nhớ Sarah, nước mắt trào lên.
Chuông reo rất lâu, không ai trả lời. Tôi hình dung mấy chị y tá bận blouse hồ cứng, tay chắp trước bụng, lững thững chân đất đi tới trong im lặng nhà mồ. Mãi mới có người nhấc máy, tôi xưng tên, xin gặp ông ta, và được trả lời: Ông đã chết từ mười ngày trước đây, không hiểu làm cách nào ông lết được trên cát bỏng của khu thung lũng Thần Chết, vây quanh ngôi nhà kiểu Tây Ban Nha - Hồi Giáo, lết đến tận nhà để xe, kiếm được xăng tưới lên người, chấm dứt dòng mủ chảy ra từ thân thể ông ta.
Ông không chịu thoi thóp nằm chờ cái chết ngọt ngào đến giải thoát cho mình.
Tiếng nói của Carradine tức Scarlett đã chỉ dẫn tôi trong trận đấu cuối cùng này thế là đã từ thế giới bên kia vọng về.

5

Tôi bảo Catherine:
- Ý của em không xài được. Giữa tháng bảy này đừng hòng kiếm nổi phòng trọ ở St. Tropez. Nếu có, thì với giá cắt cổ. Làm như anh là tỉ phú không bằng!
- Còn gì nữa, anh là tỉ phú rồi.
Chúng tôi vừa cưới nhau cách đây chưa lâu, tại nơi xó xỉnh Fournac mà chúng tôi tìm cách rời xa thật nhanh. Vừa ra khỏi làng Catherinee nằng nặc đòi lái, nói cô có sáng kiến tuyệt vời cho cuộc du ngoạn tân hôn này.
Ngày 2 tháng Bảy, vào lúc mặt trời rõ ràng đang định biến đi, chúng tôi vào St. Tropez, không vào hẳn St. Tropez vì cô vợ thân yêu của tôi rẽ phải về hướng Ramatuelle. Đầu tôi ngả trên vai cô, tôi hoàn toàn sung sướng. Tôi nói, mắt vẫn nhắm nghiền:
- Cẩn thận, độ ba chục mét nữa đường hẹp đấy.
- Em biết rồi, biết rõ đang đi đâu và tại sao lại đến đây.
- Anh biết từ lâu mẹ em là em họ Martin Yahl, chính bà đã gửi về Kenya cho anh mảnh giấy nọ, biết rõ em là ai, biết tại sao mẹ lại nhìn anh, nhìn chúng mình với cặp mắt hôm ấy.
Chúng tôi hôn nhau, một mảnh sườn chiếc Ferrari bật tung lên bức tường bên đường, Catherine bảo: “Loại xe Ý này không bám đường mấy”.
- Từ lúc mười lăm tuổi mẹ em đã yêu bố anh, nên khi ông qua đời, tuy biết nhưng không có bằng chứng, ông anh họ chỉ là thằng khốn khiếp ghê tởm, mẹ em đã mua lại ngôi nhà St. Tropez và giữ nó nguyên vẹn như trước kia.
Chúng tôi lại hôn nhau, đuôi trái xe quệt vào cột điện thoại.
- Thế cuộc gặp nhau ở Bahamas?
- Marc Lavater không nói với anh sao? Anh ta ở đấy lâu thế. Chính anh ấy nói cho mẹ biết anh sắp đi Nassau. Em chỉ còn kịp nhảy lên máy bay cùng với các bạn người Anh. Em muốn xem bộ mặt anh lúc ấy!
Đường càng lúc càng hẹp, lúc chúng tôi hôn nhau lần nữa thì đuôi xe quệt vào bức tường thấp.
- Em lái xe chắc hơi nhanh?
Càng tới gần cô càng tăng tốc độ. Như trong một trò chơi, cả hai chúng tôi đều bồn chồn, cuống quít. Hết đường nhựa, đến con đường nhỏ gần như đường mòn.
- Dừng lại.
Cô đạp phanh.
- Anh muốn xuống đi bộ.
Cô im lặng nghe theo, trên môi nở nụ cười nửa miệng, bây giờ tôi đã biết nó là dấu hiệu cô đang vui sướng trong lòng. Tôi đi vòng quanh xe, nắm tay cô dắt đi trên con đường mòn. Cả hai chứng tôi đều thấy mình vừa muốn khóc vừa muốn cười lên, bước đi thật chậm, cố nén nỗi bồn chồn, tận hưởng thời gian đã thuộc về chúng tôi. Đi qua các hàng dương mai về phía ngôi nhà, ở đây chưa trông thấy nhưng từ lâu đã biết có nó trên bờ biển Pampelonne rãi nắng đang đợi chúng tôi.
Chúng tôi rẽ theo con đường vòng và tôi chợt nhìn thấy những bức tường cao trát vữa màu sơn mượt mà. Ngực tôi nẩy lên lần thứ nhất.
Catherine thấy tay tôi nắm chặt. Cô không cười nữa. Tôi đi vòng quanh nhà, ngắm thật kỹ. Bậc thềm, hàng hiên, mảnh vườn, bể bơi vắng ngắt giữa mùa này. Các cửa sổ đóng kín. Tôi buông tay Catherine bước xuống mấy bậc. Biết bao hình ảnh dồn dập trong ký ức, cả những tiếng cười. Hình ảnh như thế. Những tiếng cười xa vời. Tiếng con trẻ nô đùa.
Tôi bước đi, chợt thấy mình đã đến gần cầu nổi, nơi ngày xưa có chiếc du thuyền êm ả lắc lư. Không hiểu mình đang nghĩ đến cái gì. Tôi nhìn ra bãi biển Pampelonne vắng vẻ mà không cô đơn.
Ngực tôi nẩy lên một lần nữa.
Tôi ngồi xuống thả chân trong làn nước ấm.
Catherine đến đứng sau lưng, không nói. Chắc cô cũng không thắc mắc tại sao tôi không cởi giày.
Bầu trời ngả tím, hoàng hôn đang xuống.
Những hình ảnh khác. Rõ nét hơn. Bàn tay bố tôi giơ ra, đỡ tôi trèo lên xuồng máy. Cổ tôi nghẹn lại. Tôi nghe rõ giọng nói trẻ thơ của tôi thầm thì: “Bố ơi!”
* * *
Là người đã tự tay tổ chức, tiên liệu, dàn dựng mọi chi tiết nên tôi dễ dàng tưởng tượng ra cảnh đang diễn ra cùng vào giờ này hoặc sớm hơn một chút trong dinh cơ uy nghi và lạnh lẽo bên bờ hồ Léman phía Thụy Sĩ, tức là phía bên trái khi ta từ Geneva đi ra, vượt qua Nước Chảy và đi tiếp về phía Evian.
Cùng trong ngày hôm đó, chiếc xe tải nhẹ tôi thuê riêng cho việc này chở về vô số báo. Do Alfred Morf đặt mua.
Bước chân nhanh nhẹn, cứng đờ, anh ta đi trên con đường lớn vào nhà, theo sau là người tài xế đưa báo. Có tờ Thế Giới và Bưu Điện Washington. Cả tờ Nhật Báo Phố Wall, tờ Thời Báo, Die Welt, Corriere della Sera, Bild Zeitung của Hambourg, Kronen Zeitung của Vienna; tờ La Meuse và Gazet ở Anvers, Presse ở Montréal, tờ Toronto Star, New York Times và tờ Diễn Đàn Chicago, tờ Thời Sự Los Angeles và Tấm Gương Mỗi Ngày, Tin Nhanh, Mặt Trời, Thời Báo Tài Chính, Il Messagero, tờ Aharonath của Tel Aviv, tờ Akbar của Caire, tờ Asahi Shimbub ở Tokyo, tờ Diễn Đàn Nhân Dân của Varsovie. Lại còn cả tờ Expressen của Stockholm, De Telegraaf của Amsterdam, Ya của Madrid; rất nhiều báo của Argentina, Mexico, Australia, báo của Bahamas Nairobi và Mombasa ở Kenya, báo Hong Kong, San Francisco, Marseille, báo từ Nice, từ quần đảo Antilles thuộc Hà Lan, từ Glasgow... tóm lại từ tất cả những nơi đã chứng kiến vũ khúc Cimballi.
Đây là nhịp cuối cùng, nhịp kết thúc, nhịp vang dội nhất và huy hoàng nhất của Vũ Khúc. Không tờ báo nào tới đây chỉ cốt để phô diễn tờ bìa, trang nhất của nó cho người xem.
Alfred Morf lần lượt cầm từng tờ một, làm đúng theo lệnh của tôi từ bữa tôi thuê anh ta về làm, mới gần đây thôi. Alfred Morf chính thức là người như thế, một kẻ thừa lạnh lùng, bốn năm trước đã giải tôi lên máy bay tống đi Mombasa. Anh ta mở từng tờ báo, chỉ vào tên báo, nói rõ nguồn gốc địa lý, giở đúng chỗ cần giở, xếp ngay ngắn bên nhau trên chiếc bàn mênh mông bằng gỗ sồi đánh vernir bóng lộn mọi khi Martin Yahl vẫn ngồi ăn một mình.
Lúc này tôi hình dung bộ mặt Martin Yahl, không những với sự vui mừng mà hơn thế nhiều với sự thích thú, với niềm khoái lạc vô biên. Bộ mặt Martin Yahl nhất thiết phải như thế này: Thoạt tiên tỏ vài giây vẻ sửng sốt rồi sau tỏ ra giận dữ gần như phát điên cuồng.
Tất cả những tờ báo này xuất hiện từ khắp nơi trên thế giới, thay mặt cho toàn thế giới, tuyên bố trước nhân loại, gào to không chút kiêng nể cho toàn thế giới biết tin, tờ nào cũng dành hẳn một trang giống nhau như hệt, dành hẳn một trang để trắng, chỉ in một tấm ảnh to bằng bàn tay ngay giữa trang, chụp Catherine và tôi trong đám cưới.
Dưới tấm ảnh vẻn vẹn mấy từ chú thích:
I AM HAPPY!
“Tôi sướng!”
-------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét