Harold Robbins
Người lữ hành kỳ dị
Người dịch: Mạnh Hà, Thanh Sơn
NXB Văn học - 1987
NXB Văn học - 1987
Quyển chín - Jonas - 1945
1
Ngoài kia, mặt trời giữa tháng bảy sáng trắng đang hầm hập đổ xuống được băng sân bay Nevada, nhưng ở đây, trong văn phòng của viên tướng, chiếc máy điều hòa nhiệt độ làm việc quá tải kêu rè rè, giữ nhiệt độ trong phòng ở mức hãm sáu độ C thường xuyên. Tôi đưa mắt nhìn Morrisey, rồi ngó qua bàn tới viên tướng và đám tùy tùng của ông ta.
- Chuyện là thế đấy, thưa các vị. - Tôi kết thúc. - Chiếc phản
lực CA-X.P này sẽ đạt tốc độ một ngàn ba trăm cây số dễ dàng hơn chiếc phản lực
De Havillan-Rolz với tốc độ chín trăm mười mà người Anh đang quảng cáo ầm ĩ.
- Tôi mỉm cười đứng dậy. - Và bây giờ, nếu các vị có nhã ý bước ra ngoài, tôi sẽ
chứng minh cho các vị xem.
- Thưa ông Cord, tôi không hề nghi ngờ gì cả. - Viên tướng
nói trơn tuột, nhã nhặn. - Nếu trong óc chúng tôi lởn vởn ý nghĩa ngờ vực nào,
thì các ông đã không hề nhận được hợp đồng rồi.
- Vậy thì ta chờ đợi gì nữa? Tiến hành thôi.
- Thưa ông Cord, hượm một chút đã. - Viên tướng nói nhanh. -
Chúng tôi chưa thể cho phép thử bay được.
Tôi tròn mắt nhìn ông ta:
- Tại sao vậy?
- Ông không đủ tiêu chuẩn bay máy bay phản lực. - Ông ta
đáp, cúi xuống nhìn một tờ giấy ở trên bàn. - Hồ sơ sức khỏe của ông nói rằng
phản xạ của ông có hơi chậm. Tất nhiên, hoàn toàn bình thường thôi, nếu tính tuổi
tác của ông; nhưng xin ông hiểu cho, đấy là lý do tại sao chúng tôi không để
ông bay nó.
- Vứt béng cái trò ấm ớ ấy đi, tướng quân. Ông nghĩ xem thằng
cha quái nào đã bay nó xuống đây để giao cho các ông hả?
- Khi ấy, ông hoàn toàn có quyền... - Viên tướng đáp. - Nó
là máy bay của ông. Nhưng từ cái phút nó tiếp đất ở sân bay ngoài kia, theo hợp
đồng, nó trở thành tài sản của Quân đội và chúng tôi thì không thể liều để ông
bay nó được.
Tôi cáu kỉnh giáng nắm đấm vào lòng bàn tay bên kia của
mình. Qui tắc, không có gì khác ngoài quy tắc, quy định cả. Những cái hợp đồng
khốn kiếp ấy là thế đấy. Mới hôm qua, tôi có thể bay nó ngược lên đến tận
Alaska rồi quay về mà họ không dám ho he ngăn trở gì cả. Thậm chí có muốn cũng
không đuổi kịp được tôi. Chiếc phản lực CA-X.P này bay nhanh hơn bất kỳ một loại
máy bay tiêu chuẩn nào của Quân đội đang dùng tới gần bốn trăm cây số giờ. Rồi
có ngày, tôi phải bỏ thời gian ra đọc qua hợp đồng đã hẵng ký.
Viên tướng mỉm cười, bước vòng qua bàn lại chỗ tôi:
- Ông Cord ạ, tôi biết ông đang có cảm giác gì. Khi đám y tế
bảo tôi rằng tôi đã quá tuổi bay máy bay chiến đấu được, cùm tôi đằng sau một
cái bàn giấy, tôi cũng không già hơn ông bây giờ. Và cũng chả ưa việc đó hơn gì
ông. Không có một ai thích bị người ta bảo là mình đang ngày già đi rồi đâu.
Lão này nói cái chó gì không biết? Tôi mới bốn mốt. Già gì ở
cái tuổi đó. Tôi vẫn còn có thể bay vượt mặt hầu hết tất cả cái Đám nhãi ranh
tai cụp đeo vạch vàng vạch bạc, lá sồi úy, tá đang đi nhênh nhang ngoài kia
kìa. Tôi giương mắt nhìn viên tướng.
Nhất định là ông ta nhìn thấy vẻ ngạc nhiên trong mắt tôi, bởi
sau đó ông ta mỉm cười.
- Chuyện ấy xảy ra một năm trước đây. Năm nay tôi bốn mươi
ba. - Ông ta chìa bao thuốc mời. Tôi lặng thinh rút một điếu thuốc. - Trung tá
Sô sẽ bay nó. Anh ta đang chờ ngoài kia rồi, đã sẵn sàng cất cánh.
Và lại một lần nữa, ông ta đọc thấy câu hỏi trong mắt tôi.
- Xin ông đừng lo, - ông ta nói nhanh, - anh Sô đã hoàn toàn
quen thuộc với cái máy bay rồi. Ba tuần vừa qua anh ta đã ở cái nhà máy Berbank
của ông, kiểm tra, làm quen với nó.
Tôi liếc loáng sang Morissey, nhưng anh ta vẫn đang cẩn thận
đưa mắt nhìn đi đâu ấy. À ra thế, anh ta cũng tham dự vào chuyện này. Tôi rồi sẽ
bắt anh ta nhớ đời về nó. Tôi quay lại viên tướng.
- Thôi được, thưa tướng quân. Ta hãy ra xem con bé bay thế
nào.
Con bé chính là cái từ rất hợp, không những chỉ cho cái máy
bay. Trung tá Sô không thể già hơn hai mươi tuổi được. Tôi chăm chú nhìn anh ta
đưa nó bay lên; nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy, không thể cứ đứng trơ ra đấy,
nhìn anh ta biểu diễn tất cả các ngón nghề được. Tương tự như ta tốn bao nhiêu
công, lao tâm khổ tứ mới kiếm được một em “cốm”, và khi mọi thứ đã sẵn sàng,
đâu vào đáy, mở cửa buồng ngủ ra, ta đã thấy một thằng cha khác đang chễm chệ
trên giường, ăn hớt của ta mất rồi.
- Quanh đây có chỗ nào kiếm được cốc cà phê không nhỉ?
- Có một quán của hậu cần, gần cổng chính đấy ạ.
- Cảm ơn.
- Không dám ạ. - Viên sĩ quan đáp lại như cái máy, mắt vẫn
không rời khỏi chiếc máy bay. Tôi bỏ đi.
Cái quán ấy không có máy điều hòa nhiệt độ, nhưng được giữ
râm mát, cũng không đến nỗi tệ lắm, dùng là đá trong cốc cà phê của tôi đã chảy
ra hết trước khi tôi kịp bưng nó về bàn mình. Rầu rĩ tư lự, tôi đưa mắt nhìn
qua cái cửa sổ trước mặt. Quá trẻ và quá già. Đấy là câu chuyện đời tôi. Tôi mười
bốn tuổi, khi cuộc chiến tranh lần thứ nhất kết thúc, năm 1918; và gần như vượt
quá hạn tuổi khi nước này bước vào cuộc chiến tranh này. Bao giờ cũng có ai đấy
không hề gặp may một bận nào cả. Tôi đã thường nghĩ là thế hệ nào, cũng gặp phải
chiến tranh. Vậy mà tôi thì không. Tôi bị hẩm hiu sinh ra lửng lơ ở giữa.
Một chiếc xe buýt hạng trung của quân đội đỗ xịch ở cổng
quán. Hành khách bắt đầu nối đuôi nhau đi xuống. Tôi nhìn họ, bởi chả còn cái
gì nhìn nữa cả. Họ không phải là lính. Họ là dân thường, cũng không còn trẻ nữa.
Hầu hết cởi veston vắt trên tay, xách cặp tay kia. Một vài người tóc lấm tấm
hoa râm, còn rất nhiều người thì không có tí tóc nào cả. Tôi chợt để ý thấy có
một điều lạ. Không một ai trong số họ mỉm cười, ngay cả khi họ nói chuyện với
nhau trong những nhóm nhỏ mà họ ngay lập tức tụ lại trên vỉa hè trước đầu xe.
Mà việc quái gì họ phải mỉm cười với tôi chứ, tôi cay đắng tự
vặn hỏi. Chả có gì vui thú như họ cười cả. Họ cũng là những kẻ vô dụng như tôi.
Tôi rút ra một điếu thuốc, đánh diêm. Gió của cái quạt xoay thổi ngọn lửa tắt
phụt. Tôi đánh que khác, nghiêng người đi, khum khum tay che lửa.
- Ô, ông Cord! Thật bất ngờ quá! Ông làm gì ở đây thế?
Tôi ngẩng phắt lên, bắt gặp ông Strasmer.
- Tôi vừa mới giao một cái máy bay mới xong. - Tôi chìa tay
ra. - Thế còn ông? Tôi nghĩ là ông ở New York cơ đấy.
Ông ta bắt tay tôi thật chặt, lắc lắc theo cái lối đặc biệt
châu Âu của ông ta, ánh cười vụt biến mất khỏi mắt ông ta.
- Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi vừa giao xong một món hàng.
Giờ thì chúng tôi quay về.
- Ông thuộc cái nhóm ngoài kia phải không?
Ông gật đầu, nhìn qua cửa sổ, ngắm họ. Một vẻ ưu tư sa sầm
xuống mắt ông.
- Phải đấy, - ông nói chậm rãi, - chúng tôi cùng đến đây bằng
một máy bay, nhưng chuẩn bị ra về bằng những chuyến bay khác nhau. Ba năm liền
chúng tôi làm việc với nhau, nhưng giờ thì xong việc rồi. Nay mai là tôi trở lại
California thôi.
- Tôi cũng mong là như vậy. - Tôi cười. - Chúng tôi tin chắc
là có thể dùng được ông trong nhà máy ấy, nhưng tôi e là cũng còn hơi lâu ấy.
Chiến tranh ở châu Âu có thể kết thúc, nhưng nếu Tarawa và Okinawa là những dấu
hiệu chính xác, thì ta cũng còn phải mất ít nhất là sáu tháng hay một năm, Nhật
Bản mới đầu hàng đấy.
Ông ta lặng thinh không đáp.
Tôi ngẩng lên nhìn, và sực nhớ. Mấy cái ông châu Âu này là rất
kỹ tính về phép lịch sự.
- Ông Strasmer, xin lỗi ông. - Tôi vội nói nhanh, - Mời ông
uống với tôi một cốc cà phê nhé?
- Tôi không còn thời gian nữa. - Mắt ông lộ ra một vẻ lưỡng
lự rất kỳ quặc. - Ông ở đây có cái văn phòng riêng nào không ạ, như ở bất kỳ
nơi nào có cơ sở của ông ấy mà?
- Tất nhiên, hẳn thế rồi. - Tôi ngẩng lên nhìn ông ta. Trên
đường ra tôi có thể ghé qua căn buồng Nam giới. - ở phía sau tòa nhà ấy.
- Năm phút nữa tôi sẽ gặp ông ở đó. - Ông ta thốt lên, rồi vội
vàng đi.
Qua cửa sổ, tôi thấy ông ta nhập vào một nhóm, và bắt đầu
nói chuyện. Tôi thầm hỏi không biết cái bố già này có đâm ra quẫn rồi không nhỉ.
Cũng không thể nói trước được, biết đâu là ông ta đã làm việc quá sức và nghĩ rằng
mình đang ở nước Đức phát xít. Rõ ràng là chả có lý do gì để ông ta thấy phải
giữ bí mật không cho ai nom thấy được rằng ông ta đã nói chuyện với tôi. Bởi
xét cho cùng, chúng tôi đều ở một phe với nhau cả cơ mà.
Tôi dụi điếu thuốc vào một cái gạt tàn và uể oải bước ra.
Ông già không hề liếc lên khi tôi lững thững đi qua nhóm người, bước về phía
nhà vệ sinh. Một phút sau khi tôi đến đó, ông ta đã vào theo. Mắt ông ta lo lắng
đảo ngang dọc theo những ô chắn:
- Đúng là chỉ có mình ta không đấy?
- Tôi cho là như vậy. - Tôi vừa đáp vừa nhìn ông ta. Liệu
quanh đây có kiếm được bác sĩ không nhỉ, nếu ông ta phát khùng lên bây giờ?
Ông ta đâm bổ lại các ô chắn, mở cửa ngó vào. Yên chí, ông
ta quay lại phía tôi. Mặt ông ta căng thẳng, tái nhợt, mồ hôi lấm tấm rịn ra
trên trán. Có lẽ tôi đã nhận ra triệu chứng rồi. Phơi nắng bang Nevada này quá
nhiều đây mà, nếu không quen thì chết. Những lời đầu tiên ông ta càng chứng
minh là tôi đúng.
- Ông Cord ơi, - Ông ta thì thào khàn khàn. - Chiến tranh
không phải sáu tháng nữa mới kết thúc đâu.
- Tất nhiên là đúng thế rồi. - Tôi nói nhũn nhặn. Theo những
điều tôi được nghe, thì việc đầu tiên là phải tán thành mọi lời của họ, cố làm
cho họ bình tâm lại. Lạy trời cho tôi nhớ lại bước thứ hai phải làm tiếp theo.
Tôi quay sang cái bồn nước rửa tay. - Nào, hãy để tôi rót cho ông một cốc...
- Nó sẽ kết thúc vào tháng sau!
Nhất định là những gì tôi nghĩ đã hiện rõ lên trên mặt tôi.
Tôi há hốc mồm ra, đớ người ngạc nhiên khi thấy ông ta nói nhanh:
- Không, ông Cord ơi, tôi không phát điên đâu. Ngoài ông ra,
tôi sẽ không bao giờ cho ai biết điều đó cả. Đó là cách duy nhất tôi có thể đền
đáp được, việc ông đã cứu đời tôi. Tôi biết điều này có tầm quan trọng lớn lao
đến thế nào cho công việc làm ăn của ông mà.
- Nhưng... nhưng làm sao ông...
- Tôi không thể nói thêm được nữa. - Ông ta ngắt lời. - Hãy
tin ở tôi. Đến tháng sau thôi, Nhật Bản sẽ sụp đổ. - Ông ta quay ngoắt người, gần
như chạy bổ ra khỏi cửa.
Tôi trân trân nhìn theo ông ta một thoáng, rồi bước vội tới
bồn nước, vã nước lạnh lên mặt. Tôi có cảm giác là mình còn điên dại hơn ông ta
nữa, bởi bắt đầu thấy tin lời ông ta. Mà tại sao cơ chứ? Vô lý! Đúng là chúng
ta đang đẩy lùi đám Nhật lùn lại; nhưng chúng còn giữ được Malaysia, Hong Kong
và các quần đảo vùng Indonesia thuộc Hà Lan. Và đối đầu với cái triết học võ sĩ
đạo quyết tử của chúng, phải có một phép thần mới kết thúc được chiến tranh
trong vòng tháng tới.
Tôi vẫn đang còn mải nghĩ về điều ấy ngay cả khi đã cùng
Morrisey ngồi trên toa tàu hỏa.
- Anh có biết ở chỗ vừa rồi tôi đã bất ngờ gặp ai không?-
Không đợi anh ta trả lời, tôi nói luôn: - Strasmer.
Nụ cười của anh ta nhẹ hẳn đi. Tôi đoán có lẽ anh chàng đang
đợi một cơn gầm gào của tôi về việc ỉm cái tay phi công thí nghiệm của quân đội
như vậy.
- Ông ta là người tốt bụng tử tế đấy. Ông ta làm sao cơ chứ?
- Cũng chả thấy có gì lạ. - Tôi đáp. - Ông ta đang trên đường
quay lại New York. - Tôi đưa mắt qua cửa sổ ngắm nhìn sa mạc Nevada phẳng lì. -
À mà anh có biết chính xác là ông ta đang làm gì không hả?
- Không thật chính xác lắm.
Tôi nhìn anh:
- Vậy anh đã nghe được cái gì nào?
- Là một anh bạn ở Câu lạc bộ Kỹ sư, người cũng có dính dáng
tới công việc đó một thời gian ngắn. Nhưng anh ta cũng chẳng biết gì nhiều lắm
về nó. Anh ta chỉ biết nó được gọi là Công trình Manhattan, và nó có liên quan
với Giáo sư Einstein.
Chính tôi cũng cảm thấy rõ lông mày mình nhíu lại, khó hiểu:
- Strasmer có thể làm gì cho mọi người như cái ông Einstein ấy
nhỉ?
Anh lại mỉm cười:
- Xét cho cùng, chính Strasmer đã chế tạo ra được một loại
can đựng bia, rắn hơn kim loại.
- Thế ư?
- Thế cho biết đâu ông Giáo sư đã bảo Otto chế tạo ra một
cái thùng chất dẻo để đựng các nguyên tử thì sao. - Morrisey phá lên cười.
Người tôi chợt rực lên một niềm kích động mạnh mẽ rất lạ
lùng. Một cái hộp đựng nguyên tử, năng lượng khổng lồ nén trong một cái chai, vẫn
sẵn sàng nổ bùng ra khi anh bật nắp. Ông ta nhỏ bé ấy không điên, ông biết rõ
mình đang nói cái gì. Tôi mới là thằng điên dại.
Cần phải có phép thần mới làm được, tôi thầm nhủ.
Và Strasmer cùng với bạn bè của ông đã đi vào sa mạc, tạo ra một cái. Giờ thì họ về quê, việc đã làm xong. Nó như thế nào, làm cách nào, họ chế tạo ra nó - tôi không đoán nổi, và không cần biết.
Và Strasmer cùng với bạn bè của ông đã đi vào sa mạc, tạo ra một cái. Giờ thì họ về quê, việc đã làm xong. Nó như thế nào, làm cách nào, họ chế tạo ra nó - tôi không đoán nổi, và không cần biết.
Nhưng thâm tâm, tôi chắc chắn rằng nó đã được làm ra. Cái
phép thần sẽ chấm dứt chiến tranh ấy.
2
Tôi xuống tàu ở Reno, trong khi Morrisey tiếp tục đi tới tận Los Angeles. Không còn thời gian gọi bác Robert ở trại nữa, tôi nhảy lên một chiếc taxi, phóng thẳng tới nhà máy. Chúng tôi lao vèo qua cái cổng thép mắt cáo, trên có tấm biển đề to tướng Công ty THUỐC NỔ CORD cách tòa nhà chính của nhà máy hơn một cây số rưỡi.
Từ ngày có chiến tranh, nhà máy đã mở rộng ra một cách kinh
khủng. Tất cả các công ty khác của chúng tôi cũng vậy. Hình như chúng tôi dù có
lớn ra đến đâu, bao giờ cũng còn thừa chỗ như vậy.
Tôi bước ra khỏi xe, trả tiền. Tài xế lái chiếc Taxi chạy vụt
đi, tôi ngẩng lên nhìn tòa nhà cũ quen thuộc. Nó đã cũ kỹ rồi, nom nhem nhuốc
và lỗi thời so với những tòa nhà mới xây thêm; nhưng mái của nó vẫn sáng trắng,
phản chiếu ánh trăng lấp lánh. Không hiểu sao, tôi không thể làm như các giám đốc
khác là chuyển văn phòng của họ sang tòa nhà quản trị mới. Tôi vứt mẩu thuốc lá
xuống đường, di chân nghiến nát nó trong lớp bụi, rồi bước vào tòa nhà.
Vẫn cái mùi hóa chất ấy, vẫn tiếng thì thào bật ra từ môi những
người đàn ông, đàn bà mà tôi luôn nghe được mỗi khi đi ngang qua: “En Nijo”. Cậu
con. Đã hai mươi năm rồi, và hầu hết những người này chưa đến đây khi ba tôi mất,
vậy mà họ vẫn gọi tôi như thế. Thậm chí cả đám trẻ nữa, nhiều cô cậu tuổi còn
chưa bằng nửa tôi.
Và cái văn phòng cũng vậy, vẫn y nguyên. Chiếc bàn nặng trịch,
to quá khổ, đồ đạc bọc da đã rạn và sờn trơ ra vì năm tháng. Tôi không ngạc
nhiên khi thấy không có thư ký ngồi ở phòng ngoài. Chả có lý do gì cần có thư
ký ở đó cả. Người ta không chờ tôi sẽ đến đây.
Tôi đi vòng qua đằng sau bàn, ấn nút bật cái máy đàm thoại nối
trực tiếp với văn phòng của Mac Alister trong tòa nhà mới, cách đây bốn trăm
mét. Giọng anh vang lên, ngạc nhiên:
- Ôi, Jonas! Anh ở đâu đến thế?
- Không quân. Chúng tôi mới giao cho họ chiếc phản lực
CA-X.P xong.
- Hay lắm. Họ có thú nó không?
- Tôi dám là có. - Tôi đáp. - Nhưng họ không cho tôi bay biểu
diễn. Không tin sức khỏe của tôi nữa. - Tôi cúi người, mở cái cửa tủ con dưới
bàn điện thoại, lôi ra một chai whisky ngô. - Này, chúng ta có những bảo đảm gì
về việc đình chỉ sản xuất hàng quân sự, trong trường hợp giả dụ chiến tranh chấm
dứt vào ngày mai hả anh Mac?
- Với Công ty thuốc nổ ư?
- Với tất cả các công ty. - Tôi biết anh giữ mọi bản sao hợp
đồng ở đây, bởi vì anh coi đây là văn phòng chính của mình.
- Phải tốn một chút thời gian đấy. Tôi sẽ bảo người tìm hiểu
về việc này ngay.
- Trong vòng một tiếng được không?
Anh ngần ngừ. Rồi sau đó trả lời, giọng lộ vẻ tò mò:
- Thôi được. Nếu quan trọng đến như vậy.
- Quan trọng đến như vậy đấy.
- Anh đã nắm được tin gì ư?
- Không. - Tôi trả lời thật. Đúng là tôi thực sự chẳng biết
gì. - Tôi chỉ muốn biết việc này thôi.
Mac im lặng một thoáng, rồi nói tiếp:
- Tôi vừa mới nhận được các bản thiết kế từ Phòng Kỹ thuật về
việc chuyển rađa và những bộ phận nhỏ của máy bay vào công ty điện tử mà ta dự
định thành lập. Tôi mang đến cho anh xem nhé?
- Được đấy. - Tôi đáp rồi tắt máy. Với lấy một cái cốc từ
chiếc khay đặt cạnh phích nước, tôi đổ whisky đầy một nửa. Tôi ngẩng lên nhìn
sang tường đối diện, nơi có bức chân dung của ba tôi đang ngó xuống. Tôi giơ cốc
rượu về phía ông.
- Đã lâu quá rồi, ba nhỉ? - Tôi thốt lên, và dốc thẳng chỗ
whisky ngô vào họng.
*
* *
Tôi nhấc tay khỏi bản thiết kế, dỗ dỗ xuống bàn, cuộn chặt tất cả lại, đưa mắt nhìn Mac Allister:
- Tôi thấy ổn đấy.
Anh gật đầu:
- Tôi sẽ ghi dấu “đã duyệt”, rồi chuyển chúng cho Phòng đặt
hàng để họ làm hợp đồng đặt mua vật liệu theo kiểu dự trù, khi chiến tranh kết
thúc là bên bán sẽ giao hàng cho chúng ta ngay. - Anh nhìn chai whisky ngô trên
bàn. - Anh chả lấy gì làm mến khách cả. Cho tôi một cốc chứ?
Tôi ngạc nhiên nhìn anh. Mac không phải là hạng người ưa rượu
chè. Nhất là trong những giờ làm việc. Tôi đẩy cái chai và một chiếc cốc không
về phía anh.
- Xin anh cứ tự nhiên.
Anh rót một ít ra cốc, uống cạn ngay. Rồi anh hắng giọng.
Tôi đưa mắt nhìn anh.
- Tôi muốn nói với anh về một kế hoạch sau chiến tranh nữa...
- anh nói ngập ngùng, khó nhọc.
- Anh cứ nói đi.
- Về bản thân tôi. - Anh thốt lên, ngắt quãng. - Tôi không
còn trẻ trung gì cho cam... Tôi muốn về hưu.
- Về hưu? - Tôi tưởng mình nghe nhầm. - Để làm gì? Anh định
làm cái quái gì thế?
Mac đỏ mặt ngượng ngập:
- Tôi đã làm việc khá vất vả suốt cả đời, - anh đáp. - Tôi
có hai thằng con trai, một đứa con gái, năm cháu nội ngoại, trong đó có ba đứa
tôi chưa hề biết mặt. Hai vợ chồng tôi muốn dành một ít thời gian còn lại để sống
với chúng, đi đến chỗ hiểu chúng trước khi mọi cái trở nên quá muộn.
Tôi phì cười:
- Anh nói nghe có vẻ như là anh sắp sửa ngoẻo đến nơi rồi ấy.
Anh còn trẻ lắm.
- Tôi năm nay sáu ba rồi. Tôi đã làm cùng anh hai mươi năm rồi
đấy.
Tôi trợn mắt nhìn anh. Hai mươi năm. Chúng nó chui vào cái lỗ
nào không biết? Cha bác sĩ quân đội ấy nói đúng. Tôi cũng không còn là một đứa
trẻ nữa.
- Chúng tôi ở đây sẽ rất cần anh, - tôi thốt lên chân thành,
- tôi nói điều đó thực bụng.
Thế thật, Mac chính là người duy nhất mà tôi cảm thấy có thể
trông cậy được mỗi khi cần.
- Anh sẽ làm ăn đâu vào đấy. Hiện giờ ta đã có hơn bốn mươi
luật sư làm cho ta, mỗi người là một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của mình.
Anh không phải là ông chủ đơn độc nữa, anh bây giờ là cả một công ty lớn. Anh cần
phải có cả một bộ máy luật pháp lo công việc cho anh.
- Thế thì làm sao? - Tôi bẻ lại. - Người ta không thể nửa
đêm dựng cái bộ máy ấy dậy, khi người ta gặp chuyện không hay được đâu.
- Anh có thể làm thế với bộ máy này. Nó được trang bị đầy đủ
để đối phó với bất kỳ bất trắc nào.
- Nhưng rồi anh sẽ làm gì, hả Mac? Anh không thể nói với tôi
rằng anh sẽ thấy hạnh phúc được nằm ườn ra đóng vai ông nội, ông ngoại. Anh nhất
định phải có một cái gì để cho trí não làm việc chứ.
- Tôi cũng đã nghĩ về điều ấy. - Mac đáp, vẻ nghiêm trang hiện
lên trên mặt anh. - Tôi đã bỏ ra một khoảng thời gian khá dài xoay xở tính toán
với các điều luật hợp đồng, thuế má đến nỗi gần như quên bẵng đi mất cái phần
quan trọng nhất. Đó là điều luật liên quan đến con người, đến tâm hồn của họ. -
Anh lại với lấy chai rượu, rót cho mình thêm một ít nữa. Ngồi sững ở một chỗ,
nói lên những suy nghĩ của mình là một việc làm không dễ dàng gì đối với Mac.
- Tôi sẽ treo cái biển luật sư của mình ở cửa nhà tôi, tại một
thị trấn nhỏ nào đó. Lăng xăng bận rộn lo lắng cho bất kỳ một việc gì người ta
cần đến tôi. Tôi đã mệt vì lúc nào cũng phải nói đến hàng triệu đôla. Chí ít một
lần này, tôi muốn giúp dăm ba con người tội nghiệp thực sự cần đến cái nghề
này.
Tôi trố mắt nhìn anh. Đấy, làm việc ròng rã với một con người
hai mươi năm mà vẫn không hiểu hết anh ta. Đây là một mảng suy nghĩ của Mac
Alister mà tôi không bao giờ ngờ là có tồn tại.
- Tất nhiên, ta sẽ hủy hết mọi hợp đồng và thỏa thuận giữa
chúng ta. - Anh nói.
Tôi nhìn anh. Anh không thiếu tiền, tôi biết. Nhưng tôi cũng
vậy.
- Chúng ta làm thế để làm cái quái gì, hả? Ít nhất là vài
tháng một lần, anh cũng nên ló mặt đến cuộc họp giao ban giám đốc để cho tôi có
dịp nom thấy anh chứ.
- Vậy là anh... anh đồng ý ư?
Tôi gật đầu:
- Hẳn rồi. Hết chiến tranh là anh làm thế.
*
* *
Chồng giấy trắng cao dần lên theo lời Mac tóm lược lại từng bản hợp đồng. Cuối cùng, Mac kết thúc. Anh ngẩng lên nhìn tôi:
- Chúng ta có rất nhiều đoạn đảm bảo cho việc bị đình chỉ ở
tất cả các hợp đồng, trừ có một cái. Đó là hợp đồng dựa trên cơ sở giao hàng
trước khi kết thúc chiến tranh.
- Cái nào vậy?
- Cái thuyền bay mà ta đang làm cho Hải quân ở vịnh Sandiego
ấy mà.
Tôi hiểu anh đang nói đến việc gì. Cái máy bay Centurion. Nó
sẽ là cái máy bay to nhất từ trước tới nay, thiết kế ra để chở được cả một đội
gồm một trăm năm mươi người, cộng thêm đội bay mười hai người nữa, hai chiếc
tăng lội nước hạng nhẹ, súng, cối, pháo nhẹ, vũ khí, đạn dược trang bị đủ cho một
đại đội. Chính là ý nghĩ của tôi đã đẻ ra nó. Tôi cho rằng một cái máy bay như
vậy sẽ tỏ ra hữu hiệu trong việc đổ bộ các đơn vị biệt kích xuống các đảo nhỏ
Thái Bình Dương nằm sâu trong hậu phương địch.
- Tại sao ta lại ký một cái hợp đồng như vậy nhỉ?
- Anh muốn như vậy. - Mac đáp. - Nhớ ra chưa?
Tôi nhớ ra rồi. Hải quân khi ấy rất hoài nghi về một cái máy
bay khổng lồ như vậy lại có thể cất cánh lên không trung được, và tôi đã ép họ
ký một hợp đồng cho phép họ chỉ nhận cái máy bay sau khi chúng tôi đã thử toàn
bộ nó, trước khi chiến tranh kết thúc. Chuyện ấy xảy ra hơn bảy tháng trước.
Gần như ngay lập tức sau đó, chúng tôi toàn gặp chuyện không
hay. Các thí nghiệm độ bền chỉ ra rằng những loại vật liệu thông thường sẽ làm
chiếc máy bay nặng quá sức nâng của hệ thống động cơ. Chúng tôi mất đứt hai
tháng vào đó, cho đến khi các kỹ sư tìm ra được một hợp chất thủy tinh sợi, nhẹ
bằng một phần mười kim loại nhưng bền gấp bốn. Rồi lại phải xây dựng một hệ thống
máy đặc biệt để làm ra vật liệu mới. Tôi thậm chí đã kéo cả Amos Winthrop từ
Canada về phụ trách công trình này. Lão già ấy đã làm ăn nổi đình nổi đám ở
trên đó, và có một đức tính rất quý là bao giờ cũng tìm ra lối thoát ở chỗ mọi
người đã hết cách xoay xở.
Và ông ta cũng vẫn chó đen giữ mực như xưa. Ông ta đang ở thế
bắt bí được tôi, ông ta biết vậy. Ông ta bắt tôi phải nhắc ông ta lên chức phó
giám đốc Công ty máy bay Cord rồi mới chịu xuống làm.
- Cho đến giờ ta đã mất vào đấy cả thảy bao nhiêu rồi?
Mac cúi xuống nhìn tờ giấy:
- Mười sáu triệu, tám trăm bảy mươi sáu ngàn, năm trăm chín
mươi tư đôla ba nhăm xu. Tính đến ngày mười ba tháng Sáu.
- Chúng ta gặp chuyện rắc rối rồi! - Tôi thốt lên, vớ lấy điện
thoại. Có tiếng cô trực tổng đài đáp lại. - Gọi ông Amos Winthrop ở San Diego hộ
tôi. Và trong khi chờ nối được máy với ông ta, cô gọi cho ông Dalton ở văn
phòng Hãng hàng không liên lục địa Los Angeles, bảo ông ta gửi xuống đây cho
tôi một chiếc máy bay riêng.
- Có chuyện gì rắc rối thế? - Mac chăm chú theo dõi tôi.
- Mười bảy triệu đôla. Chúng ta sẽ mất trắng nó, nếu như
không đưa được cái máy ấy lên trời ngay.
Rồi Amos trả lời điện thoại tôi gọi.
- Ông cho rằng bao lâu nữa thì có thể đưa cái Centurion lên
trời được hả? - tôi hỏi.
- Ta bây giờ làm ăn trôi chảy lắm. Chỉ còn những việc cuối
cùng nữa thôi. Tôi tính là ta có thể cho nó cất cánh được vào quãng tháng Chín
hoặc đầu tháng Mười gì đấy.
- Còn cần phải làm gì nữa?
- Vẫn những cái trò đó, anh biết rồi đấy. Dựng giá, lắp, chỉnh
tinh, rà xiết lại, vân vân...
Tôi biết. Cái phần nhỏ thôi nhưng quan trọng, tốn thời gian
hơn cả. Nhưng không có gì là cơ bản cả, không có gì là ngăn được việc nó có thể
bay.
- Chuẩn bị nó đi, - tôi đột ngột nói, - mai là tôi cho nó cất
cánh.
- Anh điên à? Thậm chí chúng tôi còn chưa nạp nhiên liệu cho
nó nữa kìa!
- Vậy thì nạp đi.
- Nhưng thân nó còn chưa được thử nước! - Ông ta thét lên. -
Làm sao mà anh biết rằng nó sẽ không bị chìm nghỉm xuống vịnh San Diego khi rời
khỏi âu đà, hả?
- Thì thử đi. Ông còn hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa để biết
chắc là nó sẽ nổi cơ mà. Đêm nay tôi sẽ có mặt ở đó, nếu ông cần giúp.
Đây không phải là công trình có tính thêm phí tổn, được bảo
đảm về mặt tiền nong, được chính quyền quản lý tất cả, chịu tất cả hậu quả: lỗ,
lãi, hòa. Đây là tiền của tôi, và tôi không thích bị mất nó một chút nào cả.
Vì mười bảy triệu đôla, cái Centurion nhất định phải bay được,
cho dù tôi có phải nhấc nó lên khỏi mặt nước bằng chính hai bàn tay của mình.
3
Tôi để bác Robert đánh xe đưa tôi về khu trại, tắm nước nóng, thay quần áo trước khi lên máy bay tới San Diego. Tôi vừa đang định đi thì chuông điện thoại lại réo vang.
- Gọi ông đấy ạ, thưa ông Jonas, - Bác Robert nói. - Ông
Alister.
Tôi cầm lấy ống nghe từ tay bác.
- Gì thế anh Mac?
- Xin lỗi là đã làm phiền anh. Nhưng việc này quan trọng anh
Jonas ạ.
- Nói đi.
- Bono vừa mói gọi điện từ xưởng phim tới. Hết tháng là ông
ta sẽ rời xưởng sang làm cho Hãng Paramount. Ông ta ký được một hợp đồng rất hời
với Paramount.
- Đề nghị với ông ta thêm nhiều tiền vào.
- Tôi đã làm thế. Nhưng ông ta không muốn có tiền. Ông ta chỉ
muốn đi thôi.
- Hợp đồng của ta với ông ta thế nào?
- Cuối tháng này là hết. Ta không thể giữ được ông ta nếu
ông ta muốn đi.
- Thế thì kệ cha ông ta... Nếu ông ta muốn đi, cứ để ông ta
đi.
- Ta phải tìm một ai đó để nắm xưởng phim. Anh không thể có một hãng điện ảnh mà trong đó lại chả có ma nào làm phim cả.
- Ta phải tìm một ai đó để nắm xưởng phim. Anh không thể có một hãng điện ảnh mà trong đó lại chả có ma nào làm phim cả.
Tôi không phải là không biết điều ấy. Thật rủi ro là David
Ulf đã không trở về. Tôi có thể tin cậy vào anh ta được.
Anh ta có cảm giác rất nhậy về điện ảnh như là tôi đối với
máy bay.
Nhưng anh ta đã chết ở Anzio mất rồi.
Nhưng anh ta đã chết ở Anzio mất rồi.
- Đêm nay tôi sẽ bay tới San Diego. - Tôi đáp. - Hãy để tôi
nghĩ một tý đã, rồi ngày kia ta sẽ bàn đến nó tại văn phòng của anh ở Los
Angeles. - Tâm trí tôi giờ còn có những mối lo lớn hơn. Một chiếc Centurion đã
bằng thu nhập của xưởng phim suốt cả mười hai tháng rồi.
Khoảng một giờ sáng thì chúng tôi hạ cánh xuống San Diego.
Tôi đi taxi thẳng từ sân bay tới cái âu đóng tàu nhỏ chúng tôi thuê bên cạnh
căn cứ hải quân. Còn cách mười tòa nhà, tôi đã thấy những quầng sáng lóa lên từ
chỗ đó. Tôi mỉm cười một mình. Cứ để cho Amos ra tay mà xem. Ông ta đang có một
kíp thợ ca ba làm như điên, dù có phải vi phạm các quy định về phòng không cũng
mặc.
Tôi đang đi vòng qua cái vòm mái to tướng vốn để che tàu, giờ
dùng làm nhà để máy bay thì nghe thấy tiếng ai đó thét lên:
- Tránh khỏi đà ngay!
Và chiếc Centurion lừng lững ló ra, đuôi đi trước, trông y hệt
như một con kền kền khoang cổ xấu xí khổng lồ, bay thụt lại. Nó như được bôi mỡ,
lao vùn vụt khỏi triền đã về phía mép nước. Từ phía nhà máy bay, có tiếng reo ồ
lên của một đám đông. Rồi tôi suýt nữa thì bị xô ngã ngửa ra bởi một tốp người
vừa reo hò vừa chạy bổ xuống bờ nước. Tôi nhìn thấy Amos trong số đó, reo hò,
khoa chân múa tay chả kém gì ai.
- Rào... ào, - chiếc Centurion đâm nhào xuống nước. Không
gian chợt lặng ngắt, thoáng tiếng rền rĩ đau đớn khi đuôi máy bay chìm nghỉm ngập
cả ba cái bánh lái. Rồi một tiếng hò reo đắc thắng dậy lên khi chiếc máy bay dềnh
lên, nổi ngang ra, bồng bềnh trên mặt vịnh. Nó bắt đầu từ từ xoay đi, lăn ra
xa. Tôi nghe thấy tiếng mấy cái tời kêu to ken két cuộn dây lại. Người ta đang
kéo nó vào sát bờ.
Đám người vẫn hò reo ầm ỹ khi tôi tới được chỗ Amos.
- Ông... ông đang làm cái chó gì thế, hả?- tôi quát lên, cố át tiếng ầm ỹ.
- Cái mà anh bảo tôi làm đấy thôi - thử nước nó cho nó.
- Đồ ngu! Ông có thể đã làm chìm nó thì sao. Tại sao ông
không kiếm một cái buồng khí nén hả?
- Không có thì giờ. Cái sớm nhất tôi có thể kiếm được là ba
ngày nữa. Mà anh thì bảo là mai anh sẽ cho nó bay.
Máy bay đã được mấy cái tời kéo lên một nửa khỏi mặt nước, đầu
ở trên cao.
- Anh chờ ở đây một tý nhá, - Amos thốt lên, - để tôi bảo
đám thợ làm tiếp. Họ ăn lương gấp ba đấy.
Ông ta chạy xuống đà, tới chỗ cái thang mà một tay thợ đã dựng
vào sườn chiếc máy bay khổng lồ. Leo thoăn thoắt như một người bằng nửa tuổi
mình, Amos mở cánh cửa ngay dưới cabin, biến mất vào trong máy bay. Một thoáng
sau, tôi nghe thấy có tiếng động cơ kêu rù rù ở một nơi nào đó trong nó, rồi
cái hàm cửa đổ bộ khổng lồ hạ xuống, hở hoác ra một lỗ trống ở đầu máy bay, vừa
một chiếc xe tải chui lọt. Amos hiện ra ở đỉnh cầu lên trong lòng máy bay, nói
với đám thợ:
- Thôi nào, các chú. Các chú đã biết phải làm gì rồi đó. Chỉnh
cho hết sự lệch pha sớm đi. Ta không ăn lương gấp ba để ngồi tán suông đâu nhé.
Rồi ông ta bước lên triền đà, đi về phía tôi. Chúng tôi quay
về căn phòng của Amos. Có một chai whisky trên bàn. Ông ta lôi hai chiếc cốc giấy
từ cái giá trên tường xuống, đổ rượu vào.
- Anh định mai cho nó bay lên thật đấy à?
Tôi gật đầu.
Ông ta lắc đầu:
- Tôi thì sẽ tôi sẽ không làm thế đâu. Nó nổi được không hề
có nghĩa là nó sẽ bay được. Chúng ta còn chưa nắm chắc được rất nhiều cái. Thậm
chí là dù có bay lên được, không có gì đảm bảo là nó sẽ bay trót lọt, biết đâu
nó sẽ tung ra từng mảnh ở giữa trời thì sao?
- Việc này khá liều thật. - Tôi đáp. - Nhưng tôi vẫn cứ nhất
định sẽ cho nó bay.
Amos nhún vai.
- Anh là ông chủ. - Ông ta chìa một trong hai cái cốc giấy
cho tôi. Ông ta nâng cái cốc của mình lên miệng: - Chúc cho chúng ta gặp may mắn.
*
* *
Đến hai giờ chiều hôm sau, chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị xong. Hễ mở máy là động cơ số hai bên phải lại phụt đầu tung tóe ra như một cái giếng phun; chúng tôi không tài nào lần ra được nguyên nhân. Tôi đứng sững trên triền đà, trân trân nhìn chiếc máy bay.
- Ta phải kéo nó lên thôi, - Amos nói, - đưa nó lại xưởng để
chữa.
Tôi nhìn ông ta:
- Như vậy sẽ mất bao nhiêu lâu?
- Hai, ba tiếng. Nếu ta gặp may, tìm được ngay chỗ hỏng. Có
lẽ tốt hơn là hoãn đến mai hãy cho nó cất cánh.
Tôi nhìn đồng hồ của mình:
- Làm thế để làm gì cơ chứ? Từ giờ đến năm giờ, ta còn hai
tiếng rưỡi ban ngày nữa cơ mà.
Tôi quay về phía văn phòng của ông ta.
- Tôi tranh thủ chợp mắt một tý trên cái đi văng đây. Bao giờ
xong thì gọi tôi ngay nhé.
Nhưng cố ngủ ở đây thì thà đến ngủ ở một nhà máy xe lửa còn
hơn, tiếng công nhân gọi nhau, quát tháo ầm ỹ, tiếng búa rầm rầm, tiếng tán
đinh rivê choang choang. Rồi chuông điện thoại réo, tôi nhổm dậy, cầm lấy ống
nghe.
- Alo, ba đấy phải không ạ? - Giọng của Monica.
- Không, Jonas đây. Để anh gọi ông ta cho em.
Tôi đặt ống nghe xuống bàn, bước tới ngưỡng cửa, gọi Amos.
Tôi quay lại, nằm dài trên đi văng khi ông ta cầm lấy điện thoại. Nghe thấy giọng
nói, ông ta bất giác liếc nhìn tôi, ánh mắt là lạ.
- Phải ba đang mắc chút việc bận. - Ông ta lặng thinh một hồi,
lắng nghe. Rồi ông ta mỉm cười, thốt lên: - Thế thì tuyệt quá. Bao giờ con sẽ
đi?... Vậy là xong việc này, ta sẽ bay tới New York gặp con. Ta sẽ tổ chức ăn mừng.
Cho ba hôn Jo Ann nhé.
Ông ta đặt máy xuống, bước lại chỗ tôi.
- Monica đấy, - ông ta thốt lên, cúi nhìn tôi.
- Tôi biết rồi.
- Chiều nay nó sẽ chuyển đi New York. X.G Hadin vừa mới cử
nó sang làm chủ bút điều hành tờ Phong cách và muốn nó phải quay về đấy ngay.
- Vậy thì tuyệt quá. - Tôi đáp.
- Nó sẽ đưa Jo Ann đi cùng. Anh đã lâu rồi chưa gặp con bé
con nhỉ?
- Chưa. Kể từ cái buổi ông lôi hai mẹ con cô ấy ra khỏi
phòng tôi tại khách sạn Drek, năm năm trước ở Chicago ấy.
- Anh nên gặp con bé mà xem. Nó lớn bổng lên thành một đứa
con gái xinh vô cùng.
Tôi trố mắt nhìn ông ta. Bây giờ thì tôi đã có thể nói là
mình không còn cái gì là không thấy nữa - đến như Amos Winthrop cũng đang đóng
vai làm một người ông kiêu hãnh vì đứa cháu.
- Ông già ơi, ông có vẻ thực sự thay đổi rồi đấy nhỉ?
- Sớm muộn, rồi người ta cũng phải tỉnh ra. - Amos đáp, ngượng
đỏ mặt. - Ta nhận thấy rằng mình đã gây ra vô số điều đau đớn cho những người
mà ta yêu thương; và nếu như ta không phải là một thằng hoàn toàn khốn nạn, thì
ta sẽ cố đền bù lại những mất mát ấy chứ.
- Tôi cũng đã được nghe về cái chân lý ấy rồi đấy. - Tôi nói
mỉa. Giờ không phải lúc tôi hứng thú lắng nghe những lời giáo huấn của cái lão
già ấy, dù cho ông ta đã tu tỉnh cải tạo thành thánh rồi cũng mặc. - Người ta bảo
rằng chuyện đó xảy ra với ta, khi ta không còn sức vươn lên nữa đấy mà.
Mặt ông ta thoáng hiện lên một cái vẻ của Amos ngày xưa. Ông
ta đang tức, tôi biết.
- Jonas, tôi quyết định nói cho anh rõ một đôi điều.
- Điều gì vậy, ông Amos?
- Thưa ông Winthrop, động cơ có thể lắp lại được rồi ạ. - Một
công nhân từ ngưỡng cửa nói vọng vào.
- Tôi ra ngay đây. - Amos quay lại phía tôi. - Anh nhớ nhắc
tôi nói lại chuyện này, sau khi ta thử xong về nhé.
Tôi ngoác miệng cười, nhìn ông ta bước ra khỏi cửa. Ít nhất
thì ông ta cũng không quá trở thành thánh thiện đến mức tôi không trêu gan ông
ta được nữa. Tôi nhỏm dậy, quờ quờ chân dưới gầm đi văng tìm giầy.
Khi ra đến bên ngoài, tôi thấy cái động cơ đang chạy vù vù,
trơn tru.
- Máy bay tôi thấy giờ ổn rồi đấy, - Amos thốt lên, quay lại
nhìn tôi.
Tôi xem đồng hồ. Bốn rưỡi.
- Vậy thì đi nào. Ta còn đợi gì nữa?
Amos đặt bàn tay lên cánh tay tôi.
- Tôi không thể khuyên anh bỏ được ý định ấy đi sao?
Tôi lắc đầu. Mười bảy triệu đôla là một món quá to, không thể
làm cái gì được cả. Ông ta khum hai tay lên miệng làm loa, gọi lớn:
- Tất cả mọi người, trừ tổ bay, ra khỏi máy bay ngay!
Gần như ngay lập tức, động cơ tắt lịm, im lặng bao trùm cái
triền đà. Mấy phút sau, người cuối cùng đã leo khỏi cầu đổ bộ. Một người đàn
ông thò đầu qua cái cửa sổ nhỏ xíu của cabin lái:
- Thưa ông Winthrop, đã ra hết rồi ạ, trừ có tổ bay.
Amos và tôi đi ngược cầu lên, vào trong máy bay, rồi leo qua
một cái thang nhỏ từ sàn chở hàng lên khoang chứa người, đi thẳng tới cabin
lái. Ba thanh niên ở đó. Họ đưa mắt tò mò nhìn tôi. Cả ba người vẫn còn đội mũ
cứng bảo hộ lao động của công nhân dưới xưởng.
- Thưa ông Cord, đây là tổ bay của ông ạ. - Amos giới thiệu
theo đúng thể thức. Bên phải là Jo Kates, phụ trách vô tuyến. Ở giữa là Steve
Yabloski, kỹ sư chuyến bay, phụ trách các động cơ mạn phải: số 1, 3 và 5. Ở bên
trái là Barry Gold, kỹ sư chuyến bay phụ trách các động cơ mạn trái 2, 4 và 6.
Tất cả đều là cựu binh của hải quân và biết chức trách mình rất rõ.
Chúng tôi lần lượt bắt tay nhau. Rồi tôi quay sang Amos:
- Thế còn phi công thứ hai kiêm dẫn đường đâu nhỉ?
- Ngay đây. - Amos đáp.
- Đâu?
- Tôi.
- Thế là cái quái...
Ông ta nhoẻn cười với tôi:
- Anh còn đào đâu ra được ai biết rõ cô bé này hơn tôi hả?
Hơn nữa, già nửa năm nay, đêm nào tôi cũng ngủ với cô ta. Còn ai hơn tôi được
quyền cưỡi cái chuyến đầu tiên nào?
Tôi trố mắt trân trân nhìn ông ta. Rồi tôi chịu thua. Tôi hiểu
rất rõ cảm giác ấy. Mới hôm qua thôi, tôi cũng đã thấy như vậy, khi người ta
không cho tôi lái chiếc phản lực.
Tôi leo vào ngồi trong chiếc ghế phi công.
- Mọi người về vị trí!
- Rõ.
- Rõ.
- Thưa ngài rõ.
Tôi nhoẻn cười với chính mình. Đúng mấy tay này là lính thật.
Tôi cầm bản chương trình kiểm tra kẹp ở trước mặt lên, đọc:
- Đóng cầu lên!
Một động cơ bắt đầu kêu rù rù ở phía sau tôi. Thoáng sau,
trên bảng điều khiển trước mặt tôi, lóe lên một ngọn đèn đỏ.
- Thưa ngài, cầu lên đã đóng!
- Phát động cơ số 1 và số 2! - Tôi thốt lên, vươn người tới,
bật các công tắc cho phép các kỹ sư phát động chúng. Hai cái động cơ to tướng gầm
lên, phì ra một luồng khói đen. Các cánh quạt bắt đầu quay chậm rãi, rồi nhanh
dần thành một vòng trong suốt.
- Báo cáo, động cơ số 1 mạn phải đã khởi động xong.
- Báo cáo, động cơ số 2 mạn trái đã khởi động xong.
Mục sau trong danh sách kiểm tra là một mục mới đối với tôi.
Tôi mỉm cười với mình. Đây không phải là một cái máy bay nữa, mà là một chiếc
tàu chiến có cánh.
- Tháo neo!
Amos rướn người khỏi ghế bên phải, nhả cần thả các sợi dây
giữ ra. Một ngọn đèn đỏ nữa xuất hiện trên tấm bảng điều khiển trước mặt tôi,
và tôi cảm thấy rõ chiếc Centurion đang trượt dần xuống nước. “Rào... .ào”, nó
hơi chúi về phía sau, rồi khẽ đung đưa. Tiếng sóng vỗ vào thân nó vọng óc ách từ
phía dưới lên. Tôi cúi người về phía trước, xoay vô lăng lái. Từ từ, chiếc máy
bay khổng lồ quay mũi, nhằm hướng đại dương lướt ra. Tôi nhìn sang Amos. Ông ta
ngoác miệng ra cười với tôi.
Tôi nhoẻn cười lại. Từ trước đến giờ thế là rất tuyệt. Ít nhất
thì chúng tôi cũng đã bơi ra được biển.
4
Một con sóng đập vào đầu máy bay, vỡ vụn, tóe lên những tia nước mặn ngay trước cửa sổ cabin đúng vào khi tôi làm xong mục kiểm tra cuối cùng. Có đến gần một trăm mục, và tôi có cảm giác hàng mấy giờ đã trôi qua kể từ lúc xuất phát. Tôi xem đồng hồ tay. Mới có mười sáu phút từ lúc chúng tôi rời khỏi triền đà. Tôi nhìn qua cửa sổ. Sáu động cơ đang chạy trơn tru, sáu cánh quạt quay loang loáng trong nắng và bụi nước. Một bàn tay đụng vào tay tôi. Tôi quay lại.
Anh chàng phụ trách vô tuyến đứng ở phía sau ghế, một tay cầm
cái áo phao, tay kia lõng thõng chiếc dù.
- Thưa ngài, áo cấp cứu ạ.
Tôi nhìn anh ta. Anh ta đã mặc áo của mình, những người khác
cũng vậy.
- Nhét hộ vào sau ghế tôi.
Tôi nhìn sang Amos. Ông ta đã mặc xong cái áo, đang thắt đai
lưng của chiếc dù. Rồi ông ta buông mình lại xuống ghế, phì ra một tiếng kêu
khó chịu. Ông ta nhìn sang tôi:
- Anh cũng nên mặc cái áo vào đi.
- Tôi có một điều mê tín về cái đó. - Tôi đáp. - Nếu người ta
không mặc nó, thì không bao giờ phải dùng đến nó cả.
Ông ta lặng thinh, nhún vai. Anh chàng vô tuyến quay trở về
chỗ của mình, thắt lưng vào ghế. Tôi nhìn quanh cabin:
- Đã xác định được các đài dẫn đường chưa?
Tất cả trả lời đồng loạt:
- Rồi ạ, thưa ngài rõ rồi ạ.
Tôi vươn người tới, bật công tắc. Tất cả đèn trên bảng điều
khiển vụt chuyển từ đỏ sang xanh. Từ nay trở đi, chúng sẽ chỉ trở lại đỏ nếu có
điều gì bất trắc. Tôi quay mũi máy bay ra phía đại dương:
- Ok, nào ta đi!
Tôi từ từ mở cửa ga. Chiếc máy bay to tướng tròng trành, hơi
chúi xuống các làn sóng rồi dần dần ngóc đầu lên khi sáu cánh quạt bắt đầu tăng
tốc, chém mạnh vào không khí. Bây giờ chúng tôi ngóc lên cao, như một chiếc xuống
cao tốc đang tham dự một cuộc đua mùa hè. Tôi nhìn bảng điều khiển. Tốc độ ba
mươi lăm mét giây.
Giọng Amos vang lên bên tai tôi:
- Tốc độ nâng máy bay lên không trung đã tính toán, theo chế
độ bay này, là ba mươi bảy.
Tôi gật đầu, không ngoái sang ông ta, vẫn tiếp tục tăng ga.
Kim đồng hồ chỉ ba mươi ba, rồi ba bảy. Sóng vỗ ào vào đuôi máy bay như tán
đinh. Tôi đưa kim ga lên đến ba mươi tám, rồi bắt đầu từ từ kéo cần lái vào
lòng.
Trong một thoáng, chưa thấy có gì thay đổi cả, tôi tăng tốc
độ lên bốn mươi. Đột nhiên, chiếc Centurion có vẻ như rung lên bần bật, và nhấc
mình lên khỏi mặt nước. Không còn bị dính xuống nước nữa, nó như nhảy bung lên.
Kim chỉ đến tốc độ bốn mươi ba, và toàn bộ hệ thống máy móc nằm trong tay tôi
điều khiển rất dễ dàng. Tôi nhìn qua cửa sổ. Mặt biển đã ở dưới chúng tôi bảy
chục mét. Chúng tôi đã bay được lên trời.
- Mẹ kiếp tuyệt quá! - Một tay nào phía sau tôi bật kêu lên.
Ngồi nguyên trong ghế, Amos vặn người lại:
- Ok, thế nào, các tướng? - Ông ta chìa tay ra, - trả tôi đi
chứ!
Ông ta nhìn tôi, nhoẻn cười:
- Mỗi tay này cuộc với tôi một đôla là ta không bao giờ cất
mình lên khỏi mặt nước được đấy.
Tôi ngoác miệng cười lại với ông ta, vẫn tiếp tục cho máy
bay từ từ leo dần lên. Đến độ cao hai ngàn mét, tôi cho bay thẳng, nhằm thẳng
hướng mặt trời đang lặn, lao tới.
- Nó dễ điều khiển quá, như là đẩy xe nôi trẻ con ấy. - Amos
cười khanh khách vui vẻ trong ghế của mình.
Tôi đang đứng sau lưng anh chàng vô tuyến điện, nghe thấy vậy
bèn ngẩng lên nhìn ông ta. Trước đó, anh chàng vô tuyến đã giải thích cho tôi
biết về hệ thống recorder tự động phát tín hiệu. Tất cả những gì ta phải làm là
nói lại mệnh lệnh một lần, rồi bật công tắc tự động, cái máy sẽ nhắc đi nhắc lại
đến cạn acqui thì mới thôi.
Ánh mặt trời đã nhuộm bạc phơ mái tóc của Amos thành màu đỏ
rực thời trẻ. Tôi cúi nhìn đồng hồ tay. Sáu giờ mười lăm, chúng tôi đang ở trên
Thái Bình Dương, cách bờ khoảng ba trăm hai mươi cây số.
- Amos, tốt nhất là cho nó vòng lại, quay về đi. Tôi không
muốn lần đầu tiên ta hạ cánh nó vào ban đêm đâu.
- Thưa thuyền trưởng, cái thuật ngữ ấy trong Hải quân là “Hết
lái, vòng lại”. - Anh chàng vô tuyến điện nhăn răng cười với tôi.
- Ok, anh thủy thủ. - Tôi đáp, quay sang Amos. - Hết lái,
vòng lại.
- Rõ, rõ, thưa ngài: rõ.
Chúng tôi vòng lại rất êm. Tôi cúi người nhìn qua vai anh
chàng vô tuyến. Đột nhiên, máy bay rung lên, tôi suýt nữa ngã vập vào anh ta.
Tôi bấu vội vào vai anh ta; kỹ sư mạn phải hét lên:
- Số năm lại bị hỏng!
Tôi vừa lao người trở lại ghế vừa đưa mắt ngó ra ngoài cửa sổ.
Cái động cơ đang phụt dầu ra như giếng phun.
- Tắt nó đi! - tôi thét lên, ngồi vội vào ghế.
Mạch máu cổ Amos hằn lên như một sợi dây thép. Ông ta cố
xoay xở bánh lái để điều khiển chiếc máy bay đột nhiên nghiêng đi. Tôi chụp lấy
bánh lái của tôi, cùng khống chế nó với Amos. Dần dần, nó lấy thăng bằng trở lại.
- Báo cáo động cơ số năm đã tắt.
Tôi đưa mắt liếc ra. Cánh quạt đang quay chậm theo gió,
nhưng dầu đã thôi không phun ra nữa. Tôi nhìn Amos. Mặt ông ta trắng nhợt, mồ
hôi rỏ tong tỏng, nhưng ông ta cố mỉm cười:
- Chúng ta có thể quay trở về với năm động cơ mà chả sao cả.
- Ồ. - Chúng tôi có thể quay về với ba động cơ, theo số liệu
tính toán. Nhưng tôi chả thích phải thử thế. Tôi nhìn bảng điều khiển. Đèn đỏ
đã bật ở động cơ số năm. Rồi đột nhiên, một đốm đỏ nữa bỗng lập lòe ở đồng hồ động
cơ số bốn.
- Cái quái gì thế hả?
Nó bắt đầu khặc khừ, liên tiếp nghẹn lại khi tôi quay ra kịp
nhìn nó.
- Kiểm tra số 4! - tôi thét lên. Tôi quay lại bảng điều khiển.
Đèn đỏ xuất hiện ở đường ống dẫn nhiên liệu tới động cơ số 4.
- Số 4: ống nhiên liệu tắt!
- Dùng chân không thông ngay!
- Rõ, thưa ngài! - Tôi nghe thấy tiếng công tắc bật tách.
Anh ta mở bơm chân không. Một ngọn đèn đỏ nữa lại nảy ra trước mặt tôi.
- Báo cáo, bơm chân không không làm việc!
- Tắt số 4! - Tôi ra lệnh. Đừng có mảy may hy vọng cứ để đường
ống tắc như vậy cho nó tự động thông. Đường ống nhiên liệu bị tắc nghẹn lại
luôn luôn có xu hướng là sẽ cháy bùng lên. Mà chúng tôi vẫn còn bốn động cơ nữa.
- Báo cáo, số 4 đã tắt ạ.
Mười phút nữa trôi qua, tôi thở dài nhẹ nhõm khi thấy không
có trục trặc nữa.
- Giờ thì tôi nghĩ là ổn cả rồi!
Đáng lẽ tôi phải câm cái miệng béo phị khốn nạn của mình mới
phải. Vừa mới thốt mấy lời ấy ra, tôi đã thấy động cơ số một bắt đầu hục hặc, rồi
rống lên, bảng điều khiển trước mặt tôi sáng rực lên như một cây thông Noel thắp
chi chít bóng đèn. Động cơ số sáu bắt đầu nghẹn lại.
- Bơm dầu chính bị hỏng!
Tôi liếc thoáng sang dòng đồng hồ độ cao. Chúng tôi đang ở một
ngàn bảy, và đang rơi tùn tụt thẳng xuống.
- Báo động vô tuyến, chuẩn bị rời tàu! - tôi thét lên.
Tôi nghe thấy giọng anh chàng vô tuyến kêu to vào máy:
- May đay! May đay! Máy bay thí nghiệm của hãng Cord. Đang
rơi xuống Thái Bình Dương. Vị trí cách San Diego khoảng hai trăm cây số về phía
Tây. Tôi nhắc lại, vị trí cách Xant Diego khoảng hai trăm cây số về phía Tây.
May đay! May đay!
Tôi thấy vang lên một tiếng “cách” khá to và đoạn lời nói
trên lại được lặp lại. Anh chàng vô tuyến. Bất giác tôi ngạc nhiên đớ người ra,
rồi sực nhớ ra cái máy tự động đang phát lời kêu cấp cứu.
- Thưa ngài, nếu ngài cần, chúng tôi sẽ ở lại, - anh ta nói
ngắn gọn.
- Đây không phải chuyện vì Chúa trời và Tổ quốc, mà là chuyện
vì tiền! Các anh cứ đi đi.
Tôi nhìn sang Amôx vẫn đang ngồi nguyên trong ghế:
- Cả ông nữa, Amôx!
Ông ta lặng thinh. Chỉ tháo dây an toàn buộc ở bụng ra, đứng
lên khỏi ghế. Tôi nghe thấy tiếng cửa cabin ở đằng sau mình mở tung. Ba người
kia đã lao qua cửa cấp cứu ở khoang hành khách.
Đồng hồ chỉ độ cao một ngàn ba trăm. Tôi tắt động cơ số 1 và
6. May ra tôi có thể cho nó đáp xuống nước được, nếu hai động cơ còn lại chạy
được chỗ nhiên liệu chuyển từ bốn cái kia sang. Máy bay cách mặt biển một ngàn
bảy trăm. Đèn đỏ cửa cấp cứu bật sáng. Tôi nhìn loáng qua ô cửa sổ. Ba chiếc dù
nối đuôi nhau liên tiếp bung ra. Tôi quay lại nhìn bảng điều khiển. Chín trăm
ba mươi.
Có tiếng động cơ phía sau. Tôi quay ngoắt lại, Amôx. Ông ta
đang ngồi lại vào ghế của mình.
- Tôi đã bảo ông nhảy ra cơ mà! - tôi thét lên.
Ông ta với tay nắm lấy vô lăng lái:
- Đám thanh niên ấy thế là đã an toàn cả. Tôi tính là hai ta
có thể có dịp đưa nó đỗ xuống nước được đấy.
- Nhỡ không thì sao hả? - Tôi bực tức thét lên.
- Thì cũng chẳng có ai nhớ tiếc gì ta lắm. Ta không bị uổng
phí cả một đời dài như mấy cậu kia. Ngoài ra, cái cô bé này là cả một đống tiền!
- Thế thì sao hả? - Tôi thét váng lên. - Có phải tiền của
ông đâu.
Một vẻ không hài lòng rất lạ hiện lên trên mặt Amôx:
- Tiền không phải là thứ duy nhất đổ vào cái máy bay nay.
Tôi đã làm ra nó!
Đến độ cao ba trăm mét thì động cơ số 3 bắt đầu nổ ngắt
quãng. Chúng tôi nhào dậy, bíu người đu lấy vôlăng để chống lại trọng lực kéo
cánh phải sệ xuống. Còn bảy mươi mét, động cơ số 3 tắt lịm. Chúng tôi xô dúi về
bên phải.
- Tắt động cơ ngay! - Amôx thét lên. - Ta đâm nhào xuống bây
giờ.
Tôi vừa kịp tắt động cơ thì cánh phải cắm xuống nước, gẫy
văng ra, ngọt như một que diêm. Máy bay lao sập xuống nước như dập chiếu. Thắt
lưng ghế xiết chặt nghẹn vào bụng tôi. Mắt tôi đổ đom đóm, tôi suýt thét lên vì
đau đớn. Rồi sức ép vụt biến mất, mọi vật lại hiện lên rõ rệt. Tôi nhìn ra xung
quanh. Chúng tôi đang nổi lên mặt nước một cách khó khăn, cánh trái chổng ngược
lên trời. Nước biển đã chảy ồ ồ vào cabin dưới bàn chân chúng tôi.
- Hãy ra khỏi đây ngay! - Amôx thét lên, lao tới cửa cabin
đã đóng chặt lại. Ông ta xoay nắm cửa, đẩy mạnh, rồi lao cả người vào. Cánh cửa
vẫn trơ trơ.
- Kẹt cửa rồi! - ông thét lên, quay ngoắt lại phía tôi.
Tôi trố mắt nhìn ông ta, rồi nhảy bổ lên với cái chốt cấp cứu
ở trên đầu ghế lái. Một tay tôi kéo chốt, tay kia đẩy mạnh nắp cửa ra. Không có
gì suy chuyển cả. Tôi ngẩng phắt lên nhìn thấy ngay nguyên nhân. Khung máy bay
đã bị vặn đi, ép nó kẹt lại. Bây giờ chỉ có thuốc nổ mới phá tung ra được.
Amôx không đợi tôi bảo, vơ ngay lấy một cái cờlê từ túi đựng
đồ sửa chữa khẩn cấp, đập chan chát vào lớp thủy tinh hữu cơ, phá thành một lỗ ở
cái cửa sổ. Ông ta vứt cái cờlê xuống, nhặt cái áo phao lên, quăng cho tôi. Tôi
chui vào rất nhanh, kiểm tra lại van tự động để bảo đảm rằng nó sẽ làm việc
đúng khi tôi chạm xuống mặt nước.
- Ôkê. Amôx, theo truyền thống của biển chứ. Thuyền trưởng
là người cuối cùng rời khỏi tàu. Sau ông, Alphônxơ ạ.
- Hả? anh điên rồi sao - Ông ta quát lên. - Có cắt đôi ra,
tôi cũng không chui lọt cái lỗ ấy.
- Ông không béo đến thế đâu. Ta hẵng thử xem đã.
Đột nhiên, ông ta mỉm cười. Đáng nhẽ tôi đã phải khôn hơn,
hiểu được ra rằng không nên tin vào Amôx khi ông ta mỉm cười như vậy. Cái nụ cười
xảo quyệt như sói ấy chỉ đến với ông ta khi ông ta sắp sửa chơi trò xỏ lá đối với
người khác.
- Thôi được, Gaxtông ạ. Anh là thuyền trưởng mà.
- Thế mới hay hơn chứ. - Tôi đáp, khuỵu chân xuống, giơ hai
tay lên chuẩn bị đỡ ông ta chui qua cửa. - Tôi đã biết, rồi cũng có ngày ông sẽ
hiểu ra ai là chủ mà.
Nhưng ông ta đã không bao giờ hiểu ra điều đó cả. Và tôi
cũng không bao giờ còn biết ông ta đã đánh mình bằng cái gì. Tôi lao vèo vào Phố
Mê, đầu nặng trĩu. Tôi đang lết ra, nhưng không thực thoát hẳn ra khỏi Phố Mê ấy.
Tôi nhận thức được những việc xung quanh, nhưng không làm gì được nữa. Hai tay
tôi, hai chân tôi, đầu tôi nữa - tất cả như thuộc về một người khác.
Tôi cảm thấy Amôx kéo tôi về phía cái cửa, rồi mặt đau rát
lên như bị mèo cào. Tôi bắn văng ra khỏi cửa, rơi, rơi mãi, đến hàng nghìn dặm,
hàng nghìn tiếng đồng hồ. Rồi tôi ngã sụp xuống thành một đống trên cái cánh,
tay vẫn lần tìm sợi dây để giật cho dù mở ra.
Tôi loạng choạng đứng dậy, cố trệu trạo trèo lên thành cái
cabin, trở lại lỗ cửa sổ.
- Ra, ra ngay! Đồ khốn kiếp, đồ chó đẻ bẩn thỉu! - tôi thét
lên, òa khóc. - Ra, ra ngay, không ông giết mày!
Rồi cái máy bay vặn mình, một mảnh gì đó từ phía cánh bắn
văng lên, đập vào sườn tôi, hất tôi nhào xuống biển. Tiếng không khí ép rít lên
xì xì. Cái phao bắt đầu phồng lên quanh bẹn tôi. Tôi đặt đầu lên những cái gối
mềm, ngủ thiếp đi ngay lập tức.
5
Ở bang Nêvađa, nơi tôi sinh ra và được nuôi dạy lớn lên, hầu như chỉ có cát và các lèn đá với dăm ba hòn núi nhỏ. Không hề có biển và đại dương. Nơi ấy có suối và hồ, có bể bơi ở mọi câu lạc bộ và khách sạn. Nhưng những cái ấy đều đầy một thứ nước ngọt, tinh khiết, lục bục trong miệng ta như rượu vang, nếu như đang tắm mà ta có nhỡ uống phải.
Trong đời, tôi cũng đã từng đến đôi ba đại dương. Đại Tây
Dương - ở bãi biển Maiami và Atlantic Xity; Thái Bình Dương, ngoài khơi Malibu;
rồi những làn nước xanh thẫm của Địa Trung Hải nữa, ngoài khơi Rivêra. Tôi đã
ngâm mình trong làn nước ấm của dòng hải lưu Gălf Xtrim, chạy băng băng trên những
vạt cát trắng của bãi biển Becmuđa, đuổi theo một cô gái trần trụi, người chỉ
có một mong muốn duy nhất là được làm như cá. Tôi không tài nào hiểu ra được
cái bí quyết của loài cá heo, bởi không hiểu sao, trong nước mặn, mọi cái đối với
tôi đều nhẹ bỗng, đều chuội khỏi tôi. Tôi chưa bao giờ ưa nước mặn cả. Nó dính
nhơm nhớp vào da, làm mũi cháy rát lên, mắt cộm nhức. Và nếu nhỡ uống phải một
ngụm, thì cứ như là uống phải một ngụm nước súc miệng ăn từ hôm qua chưa rửa.
Vậy tôi đang lềnh bềnh ở đây làm gì thế này?
Đồ khốn kiếp, con người nhỏ bé ạ! - Tất cả sao trên trời
đang chõ xuống, cười nhạo anh. Thế này mới làm anh tỉnh ra, biết tôn trọng biển.
Anh không thích thú gì nước mặn lắm thì phải? Thế nào, anh có thích một triệu,
một tỷ tỷ lít nước mặn như thế này không? Hay là một tỷ tỷ tỷ?
- A... a... a... cút cha chúng mày đi! - Tôi kêu lên, rồi lại
ngủ thiếp đi.
Tôi lập cập lấy hết cái sức tám tuổi của mình co cẳng chạy
vòng ra sau tòa nhà ngang, kéo sền sệt, thắt lưng đạn và khẩu súng nằm trong
bao trên mặt cát.
- Này, cu! Anh bạn có cái gì thế hả? - Giọng ba tôi chợt đột
ngột vang lên ở phía sau lưng.
Tôi quay ngoắt người lại nhìn ông, cố giấu cái thắt lưng và
khẩu súng đi.
- Không có gì đâu ạ.
- Không có gì ư? - Ba tôi vặn lại. - Vậy thì để ba xem nào.
Ông vòng tay ra sau lưng tôi, giật cái thắt lưng khỏi tay
tôi, nhấc nó lên. Một khẩu súng lục và một tờ giấy gập tư rơi ra. Ông cúi xuống
nhặt chúng lên.
- Con lấy những thứ này ở đâu ra, hả?
- Trên tường nhà ngang, gần giường của anh Nêvađa ạ. - Tôi
đáp. - Con phải leo lên mới lấy được ạ.
Ba tôi nhét lại khẩu súng vào bao. Đó là một khẩu súng đen,
bóng loáng, có hai chữ M.X. khắc ở báng. Ngay khi ấy, tôi cũng đủ lớn để biết rằng
người nào đó đã khắc nhầm tên tắt của anh Nêvađa.
Ba tôi định nhét tiếp tờ giấy vào bao, nhưng lại tuột tay
đánh rơi. Nó mở tung ra. Tôi nhìn thấy đó là một bức ảnh của Nêvađa, với một
dòng chữ số ở phía trên và mấy chữ in ở phía dưới. Ba tôi chằm chằm nhìn nó một
hồi lâu, rồi gập tờ giấy lại như cũ, nhét nó vào bao súng.
- Bỏ lại nguyên về chỗ mày lấy nó. - Ông cáu kỉnh nói. Tôi
thấy rõ là ông đang phát khùng. - Đừng có bao giờ để tao thấy mày cầm những thứ
không phải của mày nữa nhé, nếu không thì dừ đòn với tao!
- Thưa ông Cord, chú nhỏ không việc gì phải chịu đòn như vậy
đâu ạ. - Giọng Nêvađa đột ngột vang lên ở phía sau chúng tôi. - Chính là lỗi tại
tôi đã để nó ở chỗ chú nhỏ có thể kiếm thấy. - Chúng tôi quay lại. Anh đứng sừng
sững, bộ mặt da đỏ của anh cháy nắng, không biểu lộ một vẻ gì cả. Anh chìa tay
ra, - Nếu ông đưa lại cho tôi, tôi xin cất cẩn thận ạ.
Lặng lẽ, ba tôi đưa trả lại cho anh khẩu súng và cái thắt
lưng đạn. Hai người đứng nhìn nhau. Cả hai chả nói lời nào. Tôi trố mắt nhìn họ,
ngỡ ngàng. Hai người hình như đang nhìn sâu vào mắt nhau, tìm kiếm một cái gì đấy.
Một hồi lâu sau, Nêvađa cất tiếng:
- Tôi sẽ tính thời gian làm việc của tôi, nếu ông muốn thế,
thưa ông Cord.
Tôi hiểu ý anh nói thế nghĩa là gì. Nêvađa sắp sửa bỏ đi.
Ngay lập tức, tôi kêu rú lên.
- Không, - tôi thét to, - Con sẽ không làm thế nữa. Con xin
hứa.
Ba tôi cúi xuống nhìn tôi một hồi. Rồi ông ngẩng lên nhìn
Nêvađa. Mặt ông thoáng hiện lên một nụ cười.
- Con trẻ và thú vật là những sinh vật thực sự biết chúng cần
gì, cái gì là tốt nhất đối với chúng đấy.
- Đúng là người ta đã bảo thế thật.
- Anh nên cất cái đó ở chỗ không ai có thể tìm thấy thì hơn.
Cái ánh cười bây giờ đã hiện lên ở mắt Nêvađa.
- Thưa ông Cođơ, vâng ạ. Nhất định tôi sẽ làm thế.
Ba tôi cúi xuống nhìn tôi, nụ cười của ông vụt biến mất.
- Thế nào, đã nghe rõ chưa hả thằng ranh? Còn động vào những
gì không phải của mình nữa, là dừ đòn!
- Vâng ạ. - Tôi đáp, vững vàng, đinh ninh. - Con nhớ ạ.
Một ngụm nước mặn ộc vào đầy mồm tôi. Ho sặc sụa, nghẹn thở,
tôi nhổ tóe ra. Tôi mở mắt.
Sao vẫn sáng lấp lánh, nhưng ở phương đông, chân trời đã
sáng lên nhàn nhạt. Hình như có tiếng động cơ rù rù ở đằng xa. Nhưng rồi tôi
nghĩ có lẽ đó chỉ là dư âm ở trong tai tôi mà thôi.
Sườn tôi, chân tôi đau nhức như là tôi đã nằm đè lên chúng
ngủ suốt cả đêm. Tôi cựa quậy. Một cơn đau chạy nhói lên óc, làm tôi chóng mặt.
Vẫn trời sao bắt đầu xoay tròn. Phát mệt vì chỉ nằm ngắm nó, tôi lại quay về giấc
ngủ.
Mặt trời trên sa mạc rất to, nóng rừng rực và chuyển động
trên nền trời thấp đến mức độ đôi lúc ta có cảm giác rằng nếu ta vươn tay về
phía nó, các ngón tay của ta sẽ bị bỏng. Và khi trời nóng như vậy, ta phải cẩn
thận dò đường đi giữa các kẽ đá. Bởi dưới chúng, trong các chỗ râm, đang ngủ
thiu thiu cho qua cái nóng ngột ngạt ban ngày, là những con rắn đuôi chuông, cuộn
tròn người, lờ phờ uể oải, cái nóng khó chịu của thời tiết ngấm vào trong các mạch
máu của chúng. Chúng phát khùng rất nhanh, tấn công như chớp, với cái tuyến nước
bọt chết người của chúng, nếu như ta tình cờ đe dọa phá tan sự yên tĩnh của
chúng. Con người cũng như chúng mà thôi.
Mỗi một chúng ta ai cũng có một tảng đá bí mật riêng mình,
nơi ta ẩn ở dưới đó, và tai vạ cho anh, nếu anh tình cờ đi qua đá lật nó lên. Bởi
vì khi ấy, giống như bầy rắn đuôi chuông ở sa mạc, chúng ta sẽ quăng mình lên,
mù quáng mổ vào bất kỳ ai tình cờ lúc ấy đi ngang qua.
- Nhưng mà anh yêu em. - Tôi thốt lên. Và ngay khi đó, tôi
đã thấy rõ sự hời hợt của những lời ấy.
Em cũng biết điều đó. Phải, em cũng biết. Bởi vì trong những
lời gay gắt tự buộc tội mình, em đã buộc cho tôi tất cả tội lỗi của toàn bộ giới
đàn ông, mà em đã biết. Và những lời ấy không sai tý nào cả, bởi đó cũng chính
là tội lỗi của tôi.
- Nhưng mà anh yêu em.
Tôi lặp lại. Và vừa mới thốt những lời ấy ra khỏi miệng, tôi
biết rằng em đã nhận ra sự yếu ớt của chúng. Qua miệng tôi, chúng trở nên trống
rỗng và hời hợt. Nếu như tôi trung thực, thậm chí là chỉ riêng với sâu kín lòng
mình, thì đáng lẽ tôi phải nói những lời này:
- Anh muốn em. Anh muốn em trở nên cái mà anh muốn em trở
thành cơ. Một sự phản ánh của hình tượng ấy trong những giấc mơ của anh, tấm
gương ghi lại những thèm khát thầm kín của anh, khuôn mặt anh khát khao muốn
phô diễn cho toàn thế giới chiêm ngưỡng, tấm gấm kim tuyến trên đó anh thêu
thành vinh quang cho anh. Nếu em là tất cả những điều ấy, anh sẽ đem lại cho em
sự hiện diện của anh đây, ngôi nhà của anh đây. Nhưng những điều ấy, đâu phải
dành cho em như em đang là người thế này; mà là cho anh và cho người mà anh muốn
em trở thành kia.
Và tôi đứng sững, không làm gì cả, lắp bắp những lời nhàm
chán rỗng tuếch, trong khi những lời em nói ra khỏi miệng lại chính là thuốc độc
cho tôi, em đang uống vào mà không biết. Bởi em đã bước qua tảng đá bí mật của
tôi, không hề rõ mảy may.
Tôi đứng sững ở đó hồi lâu, trong cái nóng hầm hập không
quen thuộc, trong ánh nắng mặt trời gay gắt chói chang, lòng thầm hổ thẹn với
dòng máu lạnh ngắt đang chảy trong huyết quản - dòng máu lạnh đã làm tôi khác hẳn
với bất kỳ ai trên trái đất. Và không phản đối, tôi đã để em dùng nọc độc của
tôi để tự hủy hoại em.
Và khi nọc độc đã làm xong tác dụng của nó, không để lại cho
em cái gì ngoài tâm hồn nhỏ nhoi, khiếp đảm, chưa được tha tội của em trong những
ngày đầu mới vào đời, tôi quay đi.
Hoàn toàn thiếu tình thương một cách rất lạ, tôi quay lưng lại
với em. Tôi quay lưng lại trước những nỗi khiếp sợ của em, trước việc em khát
khao được an ủi và cổ vũ, trước lời van vỉ không nói ra của em, cầu xin có sự
thông cảm, niềm xót xa, và tình yêu. Tôi bỏ chạy, chạy trốn khỏi mặt trời chói
chang, trở về cái hốc yên ả của tôi.
Nhưng rồi làm gì còn sự thoải mái trong cái bóng râm kín đáo
ấy nữa, bởi ánh sáng đang xuyên qua nó; làm gì còn sự thoải mái trong dòng máu
lạnh đang chảy trong tôi. Và tảng đá hình như đang nhỏ dần lại, nhỏ dần lại
trong lúc mặt trời cứ lớn lên, lớn lên mãi. Tôi cố thu mình cho nhỏ đi, cố tìm
lấy một chỗ ẩn dưới bề mặt tảng đá đang co quắp lại, chẳng bao lâu nữa thì tảng
đá bí mật cũng chẳng còn. Không có cách nào cưỡng lại được cả. Mặt trời đang
sáng chói mãi lên, sáng chói mãi lên... Sáng chói mãi, chói mãi...
Tôi mở bừng mắt.
Một đốm sáng quắc đang rọi thẳng vào mắt tôi. Tôi chớp mắt.
Đốm sáng lệch sang một bên. Giờ tôi đã thấy quang cảnh ở dưới nó. Tôi đang nằm
trên một cái bàn, trong một căn phòng trắng toát. Cạnh tôi là một người đàn ông
mặc áo choàng trắng, đội mũ trắng. Đốm sáng phát ra từ cái gương phản chiếu
tròn nhỏ ông ta đeo ở trán khi ông ta cúi nhìn tôi. Tôi có thể nom rõ những đốm
râu đen cạo chưa sạch trên mặt ông ta. - Môi ông ta mím chặt, sắt lại.
- Trời ơi! - Một giọng thốt lên từ phía sau ông ta. - Mặt
ông ấy bị nát bét ra kinh quá. Có hàng trăm mảnh thủy tinh ở trong ấy chứ không
ít.
Mắt tôi chớp chớp, đảo ngược lên, nhìn thấy người đàn ông thứ
hai khi người thứ nhất quay lại phía anh ta, mắng:
- Đồ ngốc, im đi! Anh không thể thấy là ông ta đã tỉnh rồi
à?
Tôi chực nhấc đầu dậy, nhưng một bàn tay nhẹ nhàng, nhanh nhẹn
đã đặt lên vai tôi, ấn tôi nằm lại. Và mặt em hiện ra. Mặt em - gương mặt vời vợi
tình thương yêu ái ngại chưa bao giờ tôi có được, đang cúi nhìn tôi.
- Gieny!
Tay em ấn khẽ xuống vai tôi. Em ngẩng lên nhìn ai đó ở phía
sau đầu tôi:
- Gọi bác sĩ Roda Strasmer ở bệnh viện Trung tâm, Lôx
Angiơlex; hoặc ở nhà an dưỡng Caltơn, Xanta Monica. Báo với bác sĩ rằng Jonas
Cord bị tai nạn nghiêm trọng, mời bác sĩ đến ngay.
- Thưa xơ Thomax, vâng ạ. - Giọng một cô gái trẻ thốt lên
phía sau đầu tôi. Rồi tiếng bước chân bước xa dần.
Cơn đau lại đột ngột dậy lên ở sườn và chân tôi. Tôi nghiến
răng kèn kẹt. Có thể thấy rõ là nó đang làm tôi ứa nước mắt ra. Tôi nhắm nghiền
hai mắt lại một thoáng rồi mở ra, ngẩng lên nhìn em.
- Gieny! - tôi thì thào, - Gieny ơi... anh xin lỗi em.
- Không sao đâu, anh Giônơx ạ. - Em thì thào lại. Hai tay em
luồn xuống tấm vải phủ người tôi. Tôi thấy tay mình nhói lên một mũi kim tiêm.
- Đừng nói nữa. Mọi việc bây giờ sẽ đâu vào đấy cả.
Tôi mỉm cười, đầy vẻ biết ơn; ngủ thiếp đi, loáng thoáng mơ
hồ tự hỏi không biết tại sao Gieny lại quàng một tấm mạng trắng nom buồn cười
trên mái tóc đẹp của em như thế.
6
Qua cửa sổ phòng tôi, từ ngoài phố đang rực rỡ nắng sớm, tiếng ồn ào của ngày hội vẫn âm ỷ vọng vào. Thậm chí con đường Hilerxt ôm vòng lấy Bệnh viện làm phước, ngày thường vốn vắng vẻ và lặng lẽ, giờ cũng đầy người, rộn ràng tiếng động vui vẻ. Thỉnh thoảng, từ cái căn cứ Hải quân ở đầu kia thành phố Xan Điêgô, u ủ vang lên tiếng còi đắc thắng của một con tàu nào đó. Suốt đêm qua là như vậy. Ngay từ chập tối, khi tin tức lan truyền tới. Nhật đã đầu hàng, chiến tranh đã kết thúc.
Giờ thì tôi đã rõ cái mà Otho Strasmer cố nói vòng vèo cho tôi
hiểu. Giờ thì tôi đã rõ cái phép thần trong sa mạc ấy. Từ đống báo chí và từ
cái đài ở cạnh tôi, chúng đã kể cho người nghe câu chuyện một cái hộp nhỏ xíu đựng
nguyên tử đã đưa nhân loại đến cổng thiên đường. Hay là cổng địa ngục. Tôi lật
lật người trên cái giường, tìm tư thế nằm thoải mái. Đám ròng rọc treo cái chân
bó bột của tôi kêu ken két như tiếng chuột, góp thêm vào bầu không khí tiếng động
ầm ỹ.
Tôi đã rất may, một cô y tá bảo tôi vậy. May mắn. Chân phải
tôi bị gãy ba chỗ, hông phải tôi bị gãy, mấy cái xương sườn bị dập ra nữa. Vậy
mà tôi vẫn còn được nhìn đời, qua đống băng dày quấn kít mít mặt tôi, hở ra có
kẽ mắt, mũi và miệng. Tôi thế là còn rất may đấy. Ít nhất thì tôi cũng còn được
sống.
Chứ không như Amos, giờ vẫn đang ngồi trong cabin chiếc
Xenchơriông đang nằm ở rìa một doi cát, dưới một trăm rưỡi thước so với mặt nước
Thái Bình Dương. Amos tội nghiệp. Ba nhân viên kia của tổ bay đã được người ta
tìm thấy bình yên vô sự, và tôi vẫn còn sống, nhờ ơn Chúa và những người dân
chài nghèo đã tìm ra tôi lềnh bềnh nổi giữa biển khơi, đem tôi vào bờ, trong
khi Amôx vẫn ngồi lặng thinh trong nấm mồ chìm sâu dưới nước của ông, cạnh bảng
điều khiển chiếc máy bay ông đã làm ra và đã không để cho tôi bay nó một mình.
Tôi nhớ lại giọng lão thủ quỹ trưởng gọi cho tôi qua điện
thoại từ Lôx Angiơlex tới.
- Thưa ông Cord, ông có thể không phải lo lắng gì cả, - ông
ta thốt lên, an ủi, - chúng tôi có thể tính toán tránh được cho nó tất cả các
khoản thuế đánh vào lợi nhuận. Khi ông đưa bảng tổng chi phí tính thuế bình thường
bốn mươi phần trăm và thuế lợi nhuận thêm chín mươi phần trăm, toàn bộ số lỗ của
chúng ta chỉ còn dưới hai tri...
Tôi đã dằn mạnh máy, cắt đứt cuộc nói chuyện. Tất cả những
điều ấy đều hay ho tốt đẹp. Nhưng người ta có thể nào dùng việc tính toán lỗ
lãi tiền nong để trừ được cuộc đời của một con người đã bị thiệt mạng vì chính
lòng tham của ta đi ư? Có khoản trừ nào trong thuế thu nhập cho phép xứng với
cái chết. Chính tôi, tôi là thằng đã giết Amos, và cho dù tôi có trừ đi bao
nhiêu chi phí cắn rứt của lòng tôi; tôi cũng không bao giờ còn đem ông về được
với cuộc sống nữa.
Cửa phòng mở, tôi ngẩng lên nhìn. Roda bước vào, theo sau là
một bác sĩ thực tập và một cô y tá đẩy cái bàn nhỏ có bánh xe. Cô đi vòng sang
bên trái giường tôi, đứng sững, cúi xuống mỉm cười.
- Chào anh Giônơx.
- Chào Roda. - Tôi nói lúng búng qua lớp băng. - Đã đến lúc
thay băng rồi ư? Anh không nghĩ là hôm nay cô đến đâu, mà phải là ngày kia cơ.
- Chiến tranh hết rồi anh ạ.
- Phải. - Tôi đáp. - Anh cũng đã biết.
- Và sáng nay, khi trở dậy, em thấy buổi sáng này thật là một
buổi sáng đẹp quá. Thế là em quyết định bay xuống đây tháo băng ra cho anh.
Tôi hé mắt nhìn cô:
- Anh hiểu rồi. - Tôi thốt lên, - anh luôn luôn hỏi không biết
đám bác sĩ kiếm ở đâu ra phần lôgic cho các lý lẽ của mình.
- Đây không phải là lôgic của bác sĩ đâu, mà là lôgic của một
người đàn bà. Em có cái lợi là được làm người đàn bà rất lâu trước khi trở
thành bác sĩ đấy.
Tôi bật cười:
- Anh rất biết ơn những lôgic ấy, dù cho chúng có thuộc về
cái phần con người nào trong cô. Được bỏ băng ra là rất hay, dù chỉ bỏ ra một
tý.
Cô vẫn mỉm cười, mặc dù ánh mắt đã nghiêm trang trở lại:
- Anh Giô nơx, lần này là bỏ hẳn đấy.
Tôi trố mắt nhìn cô. Cô nhặt một cái kéo dưới khay lên. Tôi
vươn tay ra, giữ tay cô lại. Đột nhiên, tôi thấy sợ không dám để cho cô tháo
băng. Tôi cảm thấy yên lòng khi được chúng quấn kín mít quanh mặt như một cái
kén thế này, ngăn mọi cặp mắt xoi mói của đời khỏi chõ vào tôi.
- Có sớm quá không Roda? Liệu có ổn không, cô?
Cô hiểu được cảm giác của tôi.
- Mặt anh thoạt đầu sẽ bị đau một ít, - cô lần lượt gỡ cái
kén. - Thậm chí nó sẽ đau nhức hơn khi thịt và các bắp cơ bắt đầu trở lại làm
việc. Nhưng rồi hiện tượng ấy sẽ qua đi. Chúng ta không thể cứ suốt đời ẩn sau
một cái mặt nạ, phải không anh?
Đây lại là con người bác sĩ nói, chứ không phải cái phần phụ
nữ trong cô nữa. Tôi ngẩng lên nhìn mặt cô, trong lúc cô lấy kéo cắt, dỡ, cắt,
dỡ dần lớp băng ra cho đến hết. Đột nhiên, mặt tôi mát lạnh; tôi cảm thấy trơ
ra như một đứa trẻ sơ sinh không một mảnh vải trên người. Tôi cố tìm kiếm hình
bóng của mình phản ánh qua mắt cô. Nhưng đôi mắt cô bình thản, không tỏ thái độ
gì cả, xa vời một cách rất đặc biệt kiểu bác sĩ. Tôi cảm thấy các ngón tay cô ấn
vào má tôi, kéo thịt ở dưới cằm tôi, vuốt vuốt tóc hai thái dương tôi lại cho gọn.
- Nhắm mắt lại anh.
Tôi nhắm mắt lạ. Những ngón tay cô nhẹ nhàng xoa xoa lên cầu
mắt tôi.
- Mở ra.
Tôi mở mắt ra. Mặt cô vẫn bình thản, kín đáo.
- Mỉm cười xem, - cô thốt lên, - như thế này.
Miệng cô nhệch ra, bắt chước một cách không có thần sắc cái
nụ cười ấm áp thường có của cô.
Tôi ngoác miệng, ngoác mãi cho đến khi những cơn đau nhấm nhức
lúc đầu ở hai bên má đã trở thành nóng rát mặt tôi. Tôi vẫn ngoác miệng ở
nguyên tư thế ấy.
- Thôi được rồi. - Cô thốt lên, đột nhiên mỉm cười thực sự.
- Anh có thể ngậm miệng lại được như thường rồi đấy.
Tôi ngậm miệng lại, ngẩng lên nhìn cô chằm chằm.
- Thế nào, bác sĩ? - tôi cố đùa, - nom kinh lắm hả?
- Không đến nỗi tồi. - Cô nói bình thản. - Anh chưa bao giờ
là một anh chàng điển trai, cái đó thì anh tự biết rất rõ rồi đấy. - Cô cầm một
cái gương ở chiếc bàn đẩy lên. - Đây. Nhìn tận mắt đi.
Tôi không nhìn vào nó. Tôi chưa muốn nhìn mình lúc này.
- Cho anh hút thuốc lá được không, bác sĩ?
Cô lặng lẽ để cái gương xuống, rút túi áo khoác ngoài ra một
bao thuốc lá. Cô ngồi xuống mép giường tôi, ngậm một điếu trên môi, châm lửa, rồi
chuyển nó cho tôi. Tôi rít một hơi thuốc dài, mùi son môi cô thơm thoang thoảng,
lẫn trong luồng khói.
- Anh bị cắt khá nhiều khi ông Uynthrop đẩy anh qua cái cửa
sổ. Nhưng may mà...
- Cô biết điều ấy ư? - Tôi ngắt lời. - Về Amos ấy mà. Làm
sao mà các cô biết được?
- Anh nói. Trong khi anh đang bị gây mê. Chúng em nhặt câu
chuyện ấy ra theo từng mảnh vụn, cùng với những mảnh thủy tinh lấy ra khỏi mặt
anh. May mà không có một cái cơ quan quan trọng nào ở mặt anh bị thương tổn
nghiêm trọng. Hầu hết chỉ là bị rách, cắt ở phần trên thôi. Chúng em có thể làm
cho da liền lại một cách nhanh chóng. Và thành công, em có thể nói thêm như vậy.
Tôi chìa tay ra:
- Nào, bác sĩ. Cho anh xin cái gương.
Cô cầm lấy điếu thuốc của tôi, đưa gương cho tôi. Tôi nâng
nó lên, nhìn vào nó. Người tôi bất giác lạnh toát.
- Bác sĩ! - Tôi thốt lên khàn khàn. - Tôi nom giống hệt ba
tôi!
Cô lấy cái gương khỏi tay tôi. Tôi ngẩng lên nhìn cô. Cô
đang tủm tỉm cười:
- Thế ư, anh Giônơx? Nhưng đúng là từ trước đến giờ, nom anh
lúc nào cũng như vậy đấy!
*
* *
Cuối buổi sáng hôm ấy, Rôbe đem báo mới vào cho tôi. Chúng đầy những tin Nhật Bản đầu hàng. Tôi liếc qua, rồi thờ ơ gạt chúng sang một bên:
- Thưa ông Giônơx, tôi mang cái gì khác vào cho ông đọc nhé?
- Không, tôi không cần, cám ơn bác. Tôi không muốn đọc lắm.
- Dạ thế cũng được ạ. Có lẽ ông thích chợp mắt một chút. -
Bác chực đi ra cửa.
- Bác Rôbe này.
- Dạ?
- Tôi đã... - Tôi ngần ngừ, vô tình lại vụt đưa tay lên sờ
má. - Tôi lúc nào cũng nom như thế này ư?
Hàm răng của bác trắng lóa lên trong một nụ cười.
- Vâng ạ.
- Giống ba tôi ư?
- Như hai giọt nước ấy ạ.
Tôi lặng thinh. Thật là kỳ lạ; suốt đời, người ta cố làm cho
không giống một ai đó, cuối cùng chỉ để nhận ra rằng người ta đã bị đúc giống y
hệt con người ấy, bằng cái dòng máu đang chảy trong những huyết quản này.
- Dạ, ông có cần gì nữa không ạ?
Tôi ngẩng lên nhìn bác, lắc đầu:
- Tôi bây giờ sẽ cố chợp mắt một lúc.
Tôi ngả người xuống gối, nhắm mắt lại. Có tiếng cửa đóng, rồi
âm thanh náo nhiệt ngoài phố lòe nhòe nhạt dần trong đầu tôi. Tôi ngủ thiếp đi.
Dường như tôi đã ngủ một khoảng thời gian rất lâu... Dường như tôi đã cố ngủ bù
lại tất cả những giấc ngủ mà mấy chục năm qua tôi bỏ. Nhưng rồi chả mấy chốc,
tôi bắt đầu nhận ra rằng có ai đó ở trong phòng.
Tôi mở mắt. Gieny đang đứng cạnh giường tôi, cúi xuống nhìn
tôi đăm đăm. Thấy tôi mở mắt, em mỉm cười:
- Chào anh Giônơx.
- Anh vừa mới ngủ một giấc đấy. - Tôi thốt lên khoe như trẻ
con. - Anh vừa nằm mê rất ngớ ngẩn. Anh mơ thấy mình một trăm tuổi đấy.
- Thế thì đó là một giấc mơ đẹp. Em rất mừng. Các giấc mơ
vui sẽ giúp anh chóng bình phục.
Chống tay, tôi nhỏm người lên, vớ lấy thuốc lá đật trên chiếc
bàn nhỏ ở bên cạnh giường. Mấy cái ròng rọc đỡ chân tôi kêu ken két. Em nhanh
nhẹn đánh phồng gối lên, luồn chúng xuống sâu hơn dưới lưng tôi, để tôi dựa.
Tôi rít thuốc lá. Khói thuốc xua hẳn cơn ngái ngủ khỏi đầu.
- Chỉ vài tuần nữa là người ta tháo bột chân cho anh; thế là
anh có thể về nhà được.
- Anh cũng mong như vậy, Gieny ạ.
Đột nhiên, tôi nhận thấy em không choàng khăn trắng của bệnh
viện.
- Gieny, đây là lần đầu tiên anh thấy em đội khăn đen đấy.
Có chuyện gì đặc biệt ư?
- Không, Giônơx ạ. Đấy là cái khăn lúc nào em cũng mang, trừ
những khi em trực ở nhà thương.
- Vậy hôm nay là ngày nghỉ của em ư?
- Không có ngày nào là ngày nghỉ trong việc thờ phụng Đấng Cứu
thế của chúng ta cả. - Em nói giản dị. - Không, anh Giô nơx ạ. Em đến để từ giã
anh.
- Từ giã anh ư? Anh không hiểu. Em vừa mới nói là còn mấy tuần
nữa anh mới...
- Em đi, anh Giô nơx ạ.
Tôi trố mắt ngớ ngẩn nhìn em:
- Đi ư?
- Vâng ạ. - Em nói lặng lẽ. - Em chỉ ở Bệnh viện làm phước
này cho đến khi được chuyển đi Philipin thôi. Chúng em sẽ xây dựng lại một bệnh
viện bị chiến tranh phá hủy ở đó. Giờ thì em được tự do để ra đi, bằng máy bay.
- Gieny, em không thể làm thế được. - Tôi thốt lên. - Em
không thể từ bỏ những con người em quen thuộc, các ngôn ngữ em đang nói. Em sẽ
là người xa lạ ở đó. Em sẽ cô đơn.
Những ngón tay em chạm vào chiếc thập ác treo qua sợi dây da
dưới tấm áo choàng của em. Một ánh thanh thản hiện lên trong mắt em.
- Em không bao giờ cô đơn cả, - em nói đơn giản, - Người
luôn ở bên em.
- Gieny, em không việc gì phải làm thế cả. - Tôi thốt lên,
giơ tay với lấy một cuốn sách nhỏ ở trên bàn, mở ra. - Em chỉ mới làm tạm việc
này thôi. Em có thể từ bỏ nó bất kỳ lúc nào em muốn. Vẫn còn thời kỳ thử thách
ba năm trước khi em tuyên thệ cuối cùng cơ mà. Gieny, em không phải là người
thuộc về cái chốn này. Chỉ vì em đau đớn và bực tức. Em còn trẻ quá, không thể
chôn vùi cuộc đời em ở sau một tấm chàng mạng đen được.
Em vẫn lặng thinh, không trả lời.
- Em có hiểu anh đang nói gì không, hả Gieny? Anh muốn em
quay trở lại chốn cũ của em, Gieny!
Em từ từ nhắm nghiền mắt lại. Rồi khi em mở ra, đôi mắt em
nhòe đi vì lệ. Nhưng đến khi em nói, giọng em cất lên vững vàng, đầy niềm tin
và sự hiểu biết:
- Anh mới là người không hiểu, Giô nơx ạ. Em không có nơi
nào muốn quay lại cả, bởi vì đây, trong ngôi nhà của Người, em đã trở về nơi em
quen thuộc, đây chính là chỗ của em.
Tôi chực nói, nhưng em đã nhẹ nhàng giơ một tay lên:
- Anh nghĩ là em tìm đến Người vì em đau đớn và bực tức ư?
Anh đã nhầm đấy, - em nói khẽ, - người ta không bỏ cuộc đời tìm đến Chúa, mà
người ta tìm đến Chúa để thấy lại cuộc đời. Suốt đời em, em đã tìm đến Người,
mà không hề rõ là mình đang tìm gì. Cái tình yêu em tìm thấy ở ngoài kia chỉ là
sự mỉa mai thuần túy của tình yêu chân chính mà em có thể biết; cái lòng từ thiện
mà em đã đem cho chỉ mới là một phần nhỏ nhất của lòng từ thiện mênh mông của
Chúa ở trong em; những việc nhân đức em đã làm thật chẳng thấm vào đâu so với
lòng nhân đức của Người, em đã tìm thấy một tình yêu lớn lao hơn bất kỳ một
tình yêu nào em từng biết. Qua tình yêu thương của Người, em thấy ra được niềm
cứu rỗi, bằng an và hạnh phúc, hợp với ý chí thiêng liêng của Người.
Em ngừng lại một thoáng, cúi xuống nhìn chiếc thập ác ở
trong lòng bàn tay. Rồi em ngẩng lên, đôi mắt trong vắt, thanh thản:
- Trên đời này, anh Giônơx, còn có gì có thể ban phát hơn
được Chúa hả anh?
Tôi lặng thinh không đáp.
Em chậm rãi giơ tay trái lại phía tôi. Tôi cúi xuống, nhìn
thấy chiếc nhẫn bạc to trên ngón tay giữa của em.
- Người đã gọi em vào nhà của Người, - em nói dịu dàng, - và
em đã nhận chiếc nhẫn của Người để mãi mãi được sống trong niềm vinh quang ấy.
Tôi đỡ lấy tay em, đặt môi hôn chiếc nhẫn. Tôi cảm thấy những
ngón tay em khẽ vuốt tóc tôi, rồi em lùi xuống cuối giường, đứng nhìn tôi.
- Bạn ơi, tôi sẽ luôn nghĩ tới bạn, - em thốt lên dịu dàng,
- và tôi sẽ cầu nguyện cho bạn.
Tôi lặng lẽ dụi tắt điếu thuốc. Trong mắt Gieny, một vẻ đẹp
chưa hề có trước kia bỗng hiện ra ngời ngời.
- Xin cảm ơn xơ ạ, - tôi khẽ đáp.
Không nói gì thêm, em quay đi, bước ra cửa. Tôi chằm chằm
nhìn xuống cuối giường, nơi em đã đứng. Thế là em đã đi hẳn, đã vĩnh viễn mất hẳn.
7
Đầu tháng chín, tôi ra viện. Tôi đang ngồi trên chiếc ghế đẩy xem bác Rôbe bỏ những thứ đồ đạc cuối cùng của mình vào vali thì cửa ra vào bỗng mở.
- Hì, chào Giônơx.
- Nêvađa! Anh mò xuống đây làm gì thế này?
- Đem chú về nhà chứ sao.
Tôi phá lên cười. Thật buồn cười, bao nhiêu năm người ta sống,
hầu như không nhớ đến một ai đấy nữa, rồi bất chợt, gặp lại con người đó, ta mới
phát hiện ra là mình sung sướng vì cuộc gặp gỡ ấy đến mức nào.
- Anh không cần phải làm thế đâu, - tôi đáp, - một mình bác
Rôbe cũng xoay xở được mà.
- Tôi đã nhờ ông ấy xuống đấy ạ, thưa ông Giônơx, tôi nghĩ rằng
mọi cái sẽ giống thời xưa. Chứ một mình ở cái trại ấy không làm gì thì buồn
chán lắm ạ.
- Còn tôi thì tính là có thể coi đó là một kỳ nghỉ. - Nêvađa
nói. - Chiến tranh hết rồi, đoàn biểu diễn thì đóng cửa nghỉ đông. Mà Matha, bà
không khoái cái trò nào bằng trò chăm nom người bị thương đâu. Bà đang ở trại
đó, chuẩn bị sẵn sàng mọi cái cho ta đấy.
Tôi lần lượt nhìn hai người, ngoác miệng cười:
- Vậy ra đây là một trò đã bố trí trước, hả?
- Phải đó. - Nêvađa đáp. Anh bước tới đằng sau cái ghế. -
Xong xuôi cả chưa?
Rôbe đóng sầm nắp vali, khóa lại.
- Xong rồi, ông Nêvađa ạ.
- Chúng ta phải dừng lại ở Bơbank đấy. - Tôi ngoái cổ lại
nói với Nêvađa. - Mac đang để một đống giấy tờ ở đó chờ tôi ký. - Tôi có thể bị
nằm bẹp một chỗ, nhưng công việc vẫn không một phút dừng lại.
Baz Daltơn đã cho một chiếc máy bay đặc biệt của Hãng ICA chờ
chúng tôi ở sân bay Xan Điêgô. Chiêu đó, chúng tôi đến Bơbank vào lúc hai giờ.
Mac Alixtơ đứng dậy, vòng qua bàn ra đón khi họ đẩy tôi vào văn phòng của anh.
- Anh biết không, đây là lần đầu tiên tôi thấy anh ngồi đấy
nhá.
Tôi bật cười:
- Phải tranh thủ mà. Bác sĩ bảo tôi còn mấy tuần nữa là đi đứng
được như thường thôi.
- Ồ, nhưng hiện nay, tôi thì tôi cứ lợi dụng đã. Anh em, đẩy
ông ta ra đằng sau bàn đi; tôi đã chuẩn bị sẵn bút.
Mãi đến gần bốn giờ, tôi mới ký xong tờ giấy cuối cùng. Tôi
mệt mỏi ngẩng lên:
- Thế nào, còn cái gì mới nữa không hả?
Mac nhìn tôi. Anh bước tới một cái bàn kê sát tường.
- Cái này, - anh vừa nói vừa bỏ nắp che một vật nom giống
như một chiếc đài thu thanh có cửa sổ.
- Cái gì thế?
- Đây là sản phẩm đầu tiên của Công ty điện tử Cord. - Anh tự
hào thốt lên. - Chúng ta đã làm ra nó ở bộ phận rađa chuyển sang đây. Một cái
vô tuyến truyền hình.
- Vô tuyến truyền hình ư? - Tôi hỏi lại.
- Hình ảnh được truyền qua không gian, như tiếng nói ấy mà.
- Mac đáp. - Cái máy này sẽ bắt, và hiện hình lên màn ảnh ở đây, như là phim ấy.
- Ồ, đây là cái mà hãng Đuymôngt trước chiến tranh đã cậm cạch
thử đi thử lại đây mà. Không ăn thua đâu.
- Bây giờ thì đã được rồi. - Mac nói. - Chuyện kỳ diệu thứ hai
sau điện ảnh. Tất cả các công ty vô tuyến và điện tử đều đổ xô vào nó. RCA,
Côlumbia, Emơxơn, GE, Phicô. Tất cả. Anh có muốn xem nó làm việc không?
- Hẳn rồi.
Anh bước tới bàn, nhấc ống điện thoại lên:
- Cho tôi phòng thí nghiệm nhé. - Anh bịt cái ống nói lại,
hướng về phía tôi: - Tôi phải báo họ phát một cái gì đã.
Một thoáng sau, anh đi tới chỗ cái máy, vặn nút. Một luồng
ánh sáng xuất hiện sau tấm màn, rồi hiện rõ lên thành từng nhóm vòng tròn và đường
thẳng. Dần dần, các chữ cái xuất hiện.
CÔNG TY ĐIỆN TỬ COĐƠ XIN TRÌNH BÀY...
Rồi đột nhiên, hàng chữ biến mất, thay vào đó là hình ảnh. Một cảnh phim miền Tây, có một người đàn ông cưỡi ngựa lao tới ống kính máy quay. Rồi bộ mặt hiện lên thành cận cảnh. Nêvađa. Ngay lập tức tôi nhận ra ngay. Cảnh săn đuổi trong phim Thằng phản bội. Năm phút liền, chúng tôi lặng lẽ xem cảnh phim.
- Chao ơi, tuyệt thật! - Nêvađa thốt lên, khi mọi cái đã hết.
Tôi ngó sang Rôbe. Một vẻ ngạc nhiên đờ đẫn đê mê hiện lên
trên mặt bác. Bác nhìn tôi:
- Ông Cođơ, đây là cái mà tôi gọi là phép thần đấy, - bác
nói chậm rãi, - giờ thì tôi có thể ngồi nhà mà xem phim được rồi, không cần phải
tới cái chỗ không lấy gì làm thân thiện lắm với dân da đen nữa.
- Vậy ra là họ muốn mua tất cả các phim cũ của tôi vì cái thứ
này đây. - Nêvađa thốt lên.
Tôi nhìn anh:
- Anh nói thế nghĩa là gì vậy?
- Chú còn nhớ hơn chín chục bộ phim ta đã làm và tôi giữ bản
quyền chứ?
Tôi gật đầu.
- Rất nhiều người đã đến tìm tôi và gạ bán đi. Đề nghị tiền
cũng bộn đấy. Năm ngàn một bản.
Tôi chằm chằm nhìn anh:
- Tôi đã học được một điều trong cái nghề làm phim là: đừng
bao giờ bán đứt cái gì ta có thể kiếm được phần trăm trong đó.
- Chú bảo là tôi hãy cho họ thuê như cho thuê rạp hả?
- Đúng như vậy đấy. - Tôi đáp. - Tôi biết rõ mấy cái công ty
phát hành ấy lắm. Nếu họ mua năm, là họ đã tính thu lãi được năm mươi rồi.
- Tôi không thạo những vụ lớn quá như vậy. - Nêvađa đáp. -
Anh giúp tôi làm nó được không, anh Mac?
- Tôi cũng không dám chắc đâu, Nêvađa ạ. Tôi không phải là
tay môi giới chuyên nghiệp.
- Anh Mac, anh cứ làm đi. - Tôi thốt lên. - Anh còn nhớ là
đã từng nói với tôi về việc phải ghi điểm khi có dịp tính ngay được không nào?
Mac đột ngột mỉm cười.
- Được rồi, anh Nêvađa ạ.
Đột nhiên, tôi cảm thấy mệt nhoài, ngã sụp lại xuống ghế.
Rôbe đã lập tức ở bên tôi.
- Ông Giônơx, ông không sao đấy chứ ạ?
- Tôi chỉ mệt thôi.
- Có lẽ đêm nay ông nên ở lại khách sạn đây đã. Sáng mai ta
hẵng về trại cũng được.
Tôi nhìn Rôbe. Cái ý được nằm xuống giường nghe hấp dẫn quá.
Hai mông tôi ê ẩm vì ngồi ghế.
- Tôi sẽ gọi xe. - Mac vừa nói vừa nhấc têlêphôn lên. - Anh
có thể cho tôi xuống xưởng phim, trên đường anh vào thành phố... Tôi cần phải
hoàn thành đôi việc ở đó.
Suốt dọc đường từ đấy tới xưởng phim, đầu tôi căng ra tính
toán. Khi chiếc xe đỗ xịch ở cổng, đột nhiên mọi cái trở nên rõ ràng đối với
tôi.
- Chúng ta phải làm một cái gì đó, kiếm người thay thế Bonơ.
- Mac thốt lên, bước ra khỏi xe. - Thật chả hay ho gì lắm khi để một luật sư thế
này điều khiển công việc của một xưởng phim. Tôi thật mù mịt về phim ảnh.
Tôi tư lự nhìn anh. Mac nói đúng, tất nhiên rồi.
Nhưng ai bây giờ? Chỉ còn Đêvit, mà anh ấy thì đã chết. Tôi
cóc cần nữa. Trong khi tôi chả có ý muốn làm một bộ phim nào nữa, chả còn ai
tôi muốn đưa lên màn ảnh cho cả thế giới ngắm nhìn. Và ở trong cái văn phòng
tôi vừa mới ra khỏi kia, có một cái hộp bé xíu mang một màn ảnh. Rồi nó sẽ sớm
có mặt ở tất cả mọi gia đình. Giàu lẫn nghèo. Cái hộp nhỏ ấy sẽ nuốt hết điện ảnh,
khác với nhà hát đã không bao giờ làm được điều ấy. Nhưng tôi cũng không quan
tâm.
Ngay từ hồi còn bé, mỗi khi đã chán một thứ đồ chơi, là tôi
thôi luôn. Không bao giờ còn quay lại với nó nữa.
- Hãy bán các rạp chiếu phim đi, - tôi thì thào với Mac.
- Hả? - Anh kêu tướng lên, tưởng nghe nhầm. - Đây là con đường
duy nhất thu lợi nhuận của ngành này.
- Hãy bán các rạp đi. - Tôi nhắc lại. - Dù sao thì mười năm
nữa cũng chả còn ai mò tới chúng để xem nữa đâu. Ít nhất thì cũng không như cái
cách hiện nay. Khi họ đã có thể xem được phim ngay trong nhà mình.
Mac chằm chằm nhìn tôi:
- Thế còn cái xưởng phim, anh muốn tôi phải làm gì với nó
bây giờ, - anh hỏi, giọng thoáng vẻ châm biếm. - Cũng bán nó đi ư?
- Phải. - Tôi nói lặng lẽ. - Nhưng không phải ngay bây giờ.
Có lẽ mười năm nữa. Khi đám người làm phim cho cái hộp nhỏ ấy đông nghẹt lên,
thiếu chỗ. Khi ấy thì hẵng bán.
- Thế còn hiện nay thì ta làm gì với nó đây? Để nó mục nát
ra trong khi vẫn phải đóng thuế ư?
- Không. - Tôi đáp. - Chuyển nó thành một xưởng cho thuê kiểu
xưởng Gôlduyn ấy. - Nếu ta hòa, hoặc hơi lỗ một tí, tôi thấy thế là ổn rồi.
Anh trố mắt nhìn tôi:
- Anh định thế thật ư?
- Thật đấy. - Tôi đáp, rồi quay đi, ngẩng đầu nhìn lên cái
mái sân quay. Lần đầu tiên, tôi mới thực sự để ý đến nó. Nó xám đen, nhem nhuốc
nhựa đường.
- Này anh Mac, anh có để ý thấy cái mái kia không?
Anh quay lại, nhìn theo, mắt nheo nheo chói nắng.
- Trước khi anh làm tất cả những việc khác. - Tôi nói nhẹ
nhàng. - Anh cho quét sơn trắng mái nhà đi đã nhé.
Tôi thụt đầu vào trong ôtô. Nêvađa đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt
là lạ. Giọng anh gần như đượm buồn:
- Chả có gì thay đổi cả, Giônơx con nhỉ?
- Vâng. - Tôi đáp, mệt mỏi. - Chả có gì thay đổi cả.
8
Tôi ngồi trong hàng hiên, nheo mắt nhìn ra nắng chiều. Từ trong nhà phía sau tôi, Nêvađa bước ra, buông mình ngồi phịch xuống một cái ghế bành bên cạnh. Anh lôi một bánh thuốc lá khỏi túi áo, cắn một miếng tướng, rồi nhét lại nó vào túi. Sau đó, anh móc một miếng gỗ và con dao nhíp từ túi bên kia ra, bắt đầu lúi húi gọt.
Tôi nhìn anh. Anh mặc một chiếc quần bò Lêvi xanh đã bạc; một
cái áo da hoẵng cũ kỹ, nhem nhuốc vết mồ hôi ôm khít lấy bộ ngực sâu và đôi vai
vạm vỡ. Anh buộc một cái khăn mùi xoa nửa đỏ nửa trắng ở quanh cổ để thấm mồ
hôi. Trừ mái tóc bạc của anh ra, nom anh vẫn hệt như hình ảnh tôi còn nhớ ngày
bé. Hai bàn tay anh rám nâu, rắn chắc, nhanh thoăn thoắt.
Anh ngẩng lên nhìn tôi bằng cặp mắt sáng quắc ấy.
- Hai cái nghệ thuật đã bị thất truyền. - anh thốt lên.
- Gì cơ?
- Nhai thuốc lá và gọt gỗ. - Anh đáp.
Tôi lặng thinh không đáp.
Anh cúi xuống nhìn miếng gỗ trong tay:
- Rất nhiều buổi chiều tôi đã ngồi ngoài hiên này với ba
chú, nhai thuốc và gọt gỗ.
- Thế ư?
Anh quay đi, nhổ một dòng thuốc lá qua hàng lan can của cái
hiên xuống mặt đất phía dưới. Rồi anh quay lại nhìn tôi.
- Tôi nhớ có một đêm, - anh thốt lên, - tôi với ba chú cũng
gần như thế này. Cái ngày hôm đó nóng nực mới khiếp chứ! Mồ hôi cứ ngập sũng cả
bẹn. Đột nhiên, ông già chú ngẩng lên nhìn tôi, nói: “Nêvađa, nếu có gì xảy ra
đối với tôi, anh hãy chăm nom thằng bé, nhé? Giônơx là thằng con trai thật sự.
Đôi khi nó cũng có cái kiểu ếch muốn to bằng bò, nhưng thực chất trong người nó
có những đức tính sẽ hơn hẳn bố nó sau này đấy, vào một ngày nào đó. Tôi rất
yêu nó, Nêvađa ạ. Nó là toàn bộ những gì tôi có được đấy!”. Ông ấy nói với tôi
vậy đó.
- Chưa bao giờ ông ấy nói với tôi một lời như thế cả. - Tôi
thốt lên, quay ngoắt lại nhìn anh. - Chưa bao giờ. Chưa hề có lấy một lần!
Mắt Nêvađa quắc lên với tôi:
- Người như ông ấy không phải lúc nào cũng ưa nói về những
chuyện đó đâu.
Tôi phá lên cười:
- Ông ấy không những đã không nói, mà còn không bao giờ để lộ
ra cả. Ông ấy lúc nào cũng đè sấp tôi xuống nện cho một trận, không lý do này
thì lý do khác.
Nêvađa nhìn thẳng vào tôi:
- Mỗi khi chú gặp chuyện chi bất trắc, bao giờ ông ấy cũng ở
bên chú. Ông ấy có thể đúng là đã rầy la chú, nhưng không bao giờ làm hại chú cả.
- Ông ta đã nẫng tay trên người yêu của tôi. - Tôi thốt lên
cay đắng.
- Có thể đó lại chính là vì lợi ích của chú. Ông biết rõ rằng
không bao giờ cô ấy hợp với chú cả.
Tôi để câu nói ấy qua đi.
- Tại sao bây giờ anh lại nói với tôi điều ấy hả?
Cặp mắt người da đỏ của anh thăm thẳm sâu, không để lộ ra
cho tôi biết điều gì cả:
- Bởi ba chú đã một lần bảo tôi trông nom chú. Tôi đã từng
nhầm lẫn một lần. Tôi đã thấy chú lanh lẹ thông minh vô cùng trong công việc
làm ăn. Tôi ngỡ thế là chú đã trưởng thành. Nhưng không phải vậy. Và tôi không
muốn phụ lòng một người như cha chú đến lần thứ hai nữa.
Chúng tôi ngồi lặng thinh hồi lâu. Rồi Matha mang nước chè
ra cho tôi. Chị bảo Nêvađa hãy nhổ cái bã thuốc lá ra ngay, và đừng có làm bẩn
thêm hàng hiên nữa. Nêvađa ngẩng lên nhìn tôi, gần như là ngượng ngập, lập cập
đứng dậy đi xuống sân, ra tận đằng sau mấy bụi cây để nhổ bã thuốc.
Anh vừa quay trở lại chỗ chúng tôi thì có tiếng ôtô rẽ vào
con đường dẫn lên tòa nhà.
- Quái, ai thế không biết? - Matha thốt lên.
- Có lẽ ông bác sĩ. - Tôi đáp. Cụ già Hatlây mỗi tuần hẹn đến
thăm và kiểm tra sức khỏe cho tôi một lần.
Đến lúc ấy thì chiếc xe đã vào đến con đường trước cổng. Tôi
biết là xe của ai rồi. Tôi đứng vụt dậy, dựa người vào cái gậy, nhìn Monica và
Jo-Ann đi lại phía chúng tôi.
- A, xin chào nhé! - tôi hồ hởi gọi tôi.
Hai người quay lại Caliphonia để thu dọn nốt căn hộ của
mình, Monica giải thích; và bởi vì em muốn nói chuyện với tôi về Amos nên hai mẹ
con mới tạt xuống Renô đây, trên đường lại Niu Yooc. Tàu hỏa của họ mãi đến bảy
giờ tối mới chạy.
Tôi bắt gặp Matha đưa mắt liếc nhìn Nêvađa đầy ngụ ý khi chị
nghe thấy như vậy. Nêvađa đứng dậy, nhìn Giô-An:
- Ở ngoài ràn kia, bác có một con ngựa hồng rất hiền. Cô
nàng chỉ có mỗi một ham muốn là có được một cô bé con xinh xắn như cháu cưỡi cô
nàng thôi.
Jo-Ann kính cẩn ngước mắt lên nhìn anh, đầy ngưỡng mộ. Rõ
ràng là cô bé đã xem hết các phim về anh. Anh là một nhân vật huyền thoại đang
hiện ra bằng xương bằng thịt trước mặt cô bé.
- Nhưng mà cháu... cháu chưa bao giờ cưỡi một con ngựa thực
cả, - cô bé ngập ngừng.
- Bác sẽ dạy cháu. Dễ ợt mà, dễ hơn chặt đổ một cây gỗ nhiều.
- Nhưng cháu nó không mặc quần cưỡi ngựa. - Monica nói.
Đúng thế thật. Cái váy hoa xinh đẹp thế kia làm cô bé giống
mẹ vô cùng. Matha nói nhanh:
- Tôi có một cái quần vải sồi chỉ nhỏ bằng nửa tôi thôi. Hẳn
là cháu nó sẽ mặc vừa đấy.
Tôi không rõ cái quần ấy là của ai, nhưng có điều này thì
tôi dám chắc: nó không bao giờ là của Matha cả. Không bao giờ, cứ nhìn mà xem.
Nó ôm khít lấy cái hông mười bốn tuổi của Giô-An, rắn chắc và phẳng, với những
nét mới đang phác ra của những đường cong duyên dáng sau này. Mái tóc sẫm màu của
cô bé được chải lật ra đằng sau, cặp vểnh đuôi chồn. Mặt cô bé có một vẻ gì
quen quen đặc biệt mà tôi không tài nào lý giải được cho thật rõ ràng.
Tôi chăm chú nhìn cô bé chạy vèo khỏi cửa theo ra chỗ Nêvađa.
Rồi tôi quay lại nhìn Monica. Em đang mỉm cười nhìn tôi. Tôi mỉm cười lại.
- Con bé lớn nhanh quá, - tôi thốt lên, - rồi thì nó sẽ rất
xinh.
- Mới hôm qua chúng còn là trẻ con, mai chúng đã là thiếu nữ.
Chúng lớn nhanh quá.
Tôi gật đầu. Chỉ còn hai chúng tôi ở với nhau. Một vẻ im lặng
ngượng ngập đột nhiên bao trùm chúng tôi. Tôi với lấy một điếu thuốc lá, nhìn
Monica:
- Anh muốn kể rõ cho em về Amos.
Đến gần sáu giờ thì tôi mới kể xong cho em nghe về những gì
đã xảy ra. Mắt em ráo hoảnh, mặc dù mặt em buồn và tư lự.
- Anh Jonas, em không thể khóc thương cho ông cụ được nữa,
- em thốt lên, nhìn tôi, - bởi vì em đã phải khóc rất nhiều khi ông cụ mất rồi;
anh có hiểu em không?
Tôi gật đầu.
- Ông cụ, trong cả cuộc đời mình, đã gây ra rất nhiều tội lỗi,
làm rất nhiều việc sai trái. Em rất mừng là cuối cùng ba em đã làm được một điều
đúng.
- Ông đã thực hiện một cử chỉ rất dũng cảm. Trước kia anh cứ
nghĩ là ông căm ghét anh vô cùng.
- Đúng vậy đấy. - Em nói nhanh. - Ba em thấy ở trong anh mọi
cái ông không có. Nhanh nhẹn, thành đạt, giàu có. Ông căm ghét cái nghị lực,
khí phách của anh. Em đoán rằng đến cuối đời, ông đã nhận ra rằng như vậy thật
ngớ ngẩn; rằng ông đã làm hại anh đến mức nào, và ông đã cố tìm cách chuộc lại
lỗi lầm ấy.
Tôi nhìn em:
- Ông đã làm hại gì đời anh đâu nhỉ? Giữa anh và Amos chỉ là
những mâu thuẫn, thù địch trong công việc thôi mà.
Monica quay lại nhìn tôi, ánh mắt là lạ:
- Anh vẫn chưa thấy ra ư?
- Không, có gì đâu nhỉ?
- Thế thì theo em, có lẽ suốt đời anh chẳng thấy ra đâu. -
Em thốt lên, bước ra ngoài.
Tiếng Jo-Ann cười khanh khách vui vẻ vọng lại chỗ chúng tôi.
Cô bé đang cưỡi con ngựa hồng cao to phi vòng quanh ràn. Mới tập lần đầu như vậy
là khá giỏi. Tôi cúi xuống nhìn Monica.
- Nom con bé cứ như là đã có khiếu bẩm sinh cưỡi ngựa ấy nhỉ?
- Tại sao không nào? - Monica đáp. - Người ta đã bảo những
thứ như vậy là thừa hưởng của bố mẹ đấy.
- Anh không biết là em cũng biết cưỡi ngựa đấy.
Em ngẩng phắt lên nhìn tôi, mắt đau đớn, cáu kỉnh.
- Tôi không phải là người duy nhất có nó là con! - Em lạnh
lùng đáp gọn lỏn.
Tôi trố mắt nhìn Monica. Đây là lần đầu tiên Monica nhắc đến
cha Jo-Ann với tôi. Cáu kỉnh về chuyện đó, theo tôi thì cũng đã muộn rồi.
Từ con đường rẽ vào. Ông già đỗ xịch xe ở gần ràn ngựa, bước
tới sát hàng rào. Ông ta không bao giờ có thể cho xe chạy vèo qua một con ngựa
mà không ngó ngàng gì đến nó cả.
- Bác sĩ Hatlây kia rồi. Ông già sẽ kiểm tra sức khỏe cho
anh đấy.
- Vậy thì em không thể giữ anh được. - Monica thốt lên lạnh
nhạt. - Thôi, em cũng xin tạm biệt anh luôn ở đây.
Em bước xuống thềm, nhằm hướng ràn ngựa đi tới. Tôi bàng
hoàng trố mắt nhìn theo. Tôi không tài nào lần ra được lý do vì sao Monica bỗng
dưng lại phát khùng lên như vậy.
- Anh sẽ bảo bác Rôbe đánh xe đưa hai mẹ con ra ga nhé? -
Tôi gọi với theo.
- Xin cảm ơn! - Em nói qua vai, không hề ngoái lại. Tôi thấy
em dừng lại, nói chuyện với bác sĩ. Tôi quay lưng, bước ra ngoài. Tôi đi vào
căn phòng ba tôi trước kia lấy làm văn phòng của ông, ngồi phịch xuống đivăng.
Đúng là Monica thực sự rất dễ phát bẳn. Ấy vậy mà ta cứ ngỡ là em đã biết cách
kiềm chế mình được rồi đấy. Tôi tủm tỉm cười, hình dung lại cái lưng vươn thẳng,
vẻ xấc xược nghênh ngang của em lúc bỏ đi. Ở tuổi như vậy, nom còn óng ả lắm.
Tôi năm nay bốn mốt, như vậy có nghĩa là em ba mươi tư. Và không một cái gì nây
nây, đầy đặn trên người em lại không còn nây nây, đầy đặn.
*
* *
Cái khổ mỗi khi gặp bác sĩ Hatlây là phải nghe các câu chuyện của ông ta. Ông ta huyên thuyên nói liên chi hồ điệp, đến mức độ ta choáng óc, ù tai, xây xẩm cả mặt mày. Nhưng cũng chả có cách nào thoát cả. Kể từ ngày chiến tranh nổ ra đến nay, hoặc là ông ta chữa, hoặc là chịu ốm nằm queo. Tất cả các bác sĩ trẻ đều đã nhập ngũ hết.
Đến sáu giờ rưỡi ông ta mới kiểm tra xong, và bắt đầu đóng hộp
đồ nghề của mình lại.
- Anh đang hồi phục đấy, - ông ta ề à nói, - nhưng tôi là
tôi không theo mấy cái quan điểm tân kỳ để cho ra viện ngay khi anh vừa mới
nhúc nhích động đậy được chân tay đâu. Nếu mà là tôi, thì tôi còn để anh nằm ở
bệnh viện thêm một tháng nữa cơ.
Nêvađa dựa lưng vào tường, tủm tỉm cười nhìn tôi xỏ chân mặc
lại quần. Tôi nhìn anh, nhún vai. Rồi tôi quay lại ông lão thầy thuốc:
- Bao lâu nữa thì tôi có thể đi bộ thực sự được hả cụ?
Ông già lé mắt khỏi cặp kính trễ, nhìn tôi:
- Anh có thể đi luôn ngay từ bây giờ.
- Nhưng tôi nghĩ là cụ không tán thành với mấy cái tay bác
sĩ ở tỉnh cơ mà. Tôi cứ tưởng cụ muốn để tôi nghỉ thêm một thời gian nữa cơ đấy.
- Tôi không tán thành quan điểm của họ. - Ông già đáp. -
Nhưng bởi vì anh đã ra viện, cũng chả vớt vát sửa chữa được việc đó nữa, và anh
nên tập đi đi thôi. Nằm ườn ra nữa thì được tích sự gì?
Ông ta đóng sầm nắp hộp dụng cụ lại, đứng dậy, bước ra cửa.
Ông già bỗng dừng lại, nhìn tôi:
- Anh có con bé xinh xắn kháu khỉnh thật đấy, con gái anh ấy
mà.
Tôi trố mắt nhìn ông ta:
- Con gái tôi ư?
- Phải. - Ông ta đáp. - Con bé buộc tóc như vậy khiến cho
tôi thấy chưa có đứa con gái nào lại giống bố đến thế. Ôi chao ôi, nó đúng là
đúc nguyên xi từ hình ảnh anh hồi trẻ!
Tôi không thốt nổi thành lời, chỉ trợn mắt trừng trừng. Cái
lão khọm này phát rồ rồi chăng? Mọi người đều biết rõ rằng Jo-Ann không phải là
con tôi.
Ông già thầy thuốc chợt rũ ra cười, vỗ đùi đánh đét.
- Tôi không bao giờ quên được cái lúc mẹ nó đến phòng khám của
tôi, - ông ta cười, - cô ta lúc ấy chưa là vợ của anh, tất nhiên. Gớm, cô ta có
cái bụng mới to chứ, chưa bao giờ tôi nhìn thấy bụng ai to đến như vậy. À té ra
là vì vậy mà anh chàng vội đánh đùng một cái cưới vợ ngay - tôi thầm nhủ. Anh
ta đã gieo hạt sớm hơn thời vụ rồi!
Ông ta ngẩng lên nhìn tôi, vẫn mỉm cười.
- Đấy là trước khi tôi khám cho cô ta, anh hiểu không? - Ông
nói nhanh. - Tôi suýt nữa chết ngất vì ngạc nhiên bởi sau khi xem xét kỹ, thấy
rõ cô ta mới được có sáu tuần. Một trong những trường hợp lạ lùng đặc biệt, khi
người đàn bà quá xúc động hồi hộp. Cô ta khi ấy lo lắng và hồi hộp đến nỗi bụng
cứ phình hơi lên như một quả khí cầu. Tôi thậm chí còn lục lại báo, xem lại
ngày cưới của anh ả cho chắc chắn nữa kia. Và xin cứ vặt trụi râu tôi đi, nếu
không phải là anh làm cô ta có con - sớm nhất là hai tuần sau khi cưới. Nhưng
tôi vẫn có thể nói với anh được một điều, cu cậu ạ, - ông già quay người ra cửa,
- lần sau khi đóng cọc, nhớ đóng cho cẩn thận nhá. Tít vào ngách trên ấy, cho
nó dính chắc ở đấy!
Và phá lên cười sằng sặc ông già đi hẳn.
Người tôi ngợp lên, ngực nghẹn thắt lại. Tôi ngồi phịch xuống
đi văng. Suốt bao nhiêu năm trời ròng rã, tôi đã gây nên tội mà không biết. Và
đột nhiên, tôi hiểu ra Amos sẽ định nói gì với tôi sau khi bay thử máy bay về.
Ông đã thấy trong đêm ấy, tôi cuồng điên đến mức độ nào nên đã dùng chính nỗi
căm tức của tôi xoay lại trị tôi. Monica - Monica không thể làm gì được về chuyện
ấy.
Thật là hai tính cách bổ sung, phù hợp với nhau rõ đẹp! -
Amôx và tôi. Nhưng ít nhất thì tự ông cũng đã nhìn ra được ánh sáng chân chính.
Không ai phải nện vào đầu ông để làm ông tỉnh cả. Và ông đã cố đền bù lại lỗi lầm.
Còn tôi... Tôi thậm chí đã không buồn quay đầu lại để nhìn ra sự thật, kiếm tìm
nó. Tôi đã sống nhơn nhơn như thế bao nhiêu năm, chửi rủa buộc tội cuộc đời,
tôi không biết là chính mình đã ngu ngốc phá hoại hạnh phúc của mình. Rồi lại
còn là đứa đã xung khắc với ba tôi và ngỡ rằng ông đã không hề yêu thương tôi.
Thực nực cười, nực cười vô cùng.
Và bây giờ, tôi thậm chí cũng không thể dám nhìn thẳng vào sự
thật của việc ấy. Không, tôi không bao giờ còn nghi ngờ tình yêu của ba tôi nữa.
Mà là tình yêu của tôi đây. Bởi sâu thẳm trong lòng tôi, tôi biết rằng mình sẽ
không bao giờ yêu được ông mãnh liệt như ông đã yêu tôi. Tôi ngẩng lên, nhìn
Nêvađa. Anh vẫn dựa vào tường, nhưng không còn mủm mỉm cười nữa.
- Anh... anh cũng thấy rõ điều ấy ư?
- Hẳn rồi. - Anh đáp. - Mọi người, tất cả - trừ chú.
Hệt như buổi sáng hôm nào trong bệnh viện, khi tôi nhìn vào
tấm gương và thấy mặt ba tôi trong đấy. Đó chính là cái vẻ quen quen vô cùng
khi tôi nhìn thấy Jo-Ann chiều nay. Mặt của cha nó. Mặt của chính tôi.
- Ôi anh Nêvađa, em phải làm gì bây giờ? - tôi rên lên.
- Chú muốn làm cái gì nào, chú nhỏ?
- Em muốn hai người quay trở lại!
- Chú thực muốn như vậy chứ?
Tôi gật đầu.
- Vậy thì kêu hai người quay lại đi. - Anh xem đồng hồ tay.
- Còn mười lăm phút nữa xe lửa mới chạy đó.
- Nhưng làm cách nào, làm cách nào bây giờ? Ta không thể nào
tới ga kịp!
Anh khoát tay về phía bàn.
- Còn têlêphôn kia.
Tôi ngây dại nhìn anh một thoáng, rồi tập tễnh bước lại điện
thoại. Tôi gọi cho văn phòng trưởng ga ở Renô, bảo họ cho người tìm em.
Trong khi chờ em trả lời điện thoại, tôi đưa mắt nhìn Nêvađa
mỗi khi thấy lo sợ.
- Nhưng... nhưng nếu cô ấy không quay lại thì sao?
- Cô ấy nhất định quay lại. - Anh đáp chắc chắn. Anh mỉm cười.
- Cô vẫn còn yêu chú. Đó cũng là điều ai cũng biết, chỉ có chú là không mà
thôi.
Rồi điện thoại vang lên giọng em, lo âu, hồi hộp:
- Jonas, anh vẫn khỏe đấy chứ? Có chuyện gì không lành ư?
Thoạt tiên tôi nghẹn lời không nói được. Rồi một hồi sau,
tôi thốt lên:
- Monica... Em đừng đi!
- Nhưng em phải đi ngay, anh Jonas. Cuối tuần là em phải nhận
việc mới rồi.
- Vứt nó đi. Anh cần em!
Đầu dây kia im phăng phắc. Tôi ngỡ là em đã bỏ máy.
- Monica, em có còn nghe anh nói đấy không, Monica?
Tiếng em thở hổn hển:
- Em vẫn còn đây, em đang nghe, Jonas.
- Anh đã phạm sai lầm suốt từ ngày ấy đến giờ; suốt bằng ấy
năm trời, anh thật có lỗi. Anh không hề biết gì về Jo-Ann cả. Xin em hãy tin ở
anh!
Lại im lặng.
- Monica.. anh xin em!
Em òa khóc. Tiếng em thì thào bên tai tôi:
- Ôi Giônơx, em không một giây phút nào là không yêu anh!
Tôi ngẩng lên, nhìn Nêvađa. Anh mỉm cười, bước ra, rồi đóng
cửa lại.
Có tiếng em thở vào thật mạnh; rồi giọng em đột nhiên rành rọt,
ấm áp, tràn ngập yêu thương:
- Khi Jo-Ann còn nhỏ, nó lúc nào cũng thích có em trai vô
cùng!
- Về nhà ngay đi. - Tôi thốt lên. - Anh sẽ cố hết sức.
Em phì cười. “Tách”, điện thoại cắt. Tôi không rời tay khỏi ống
nghe. Dường như còn cầm nó là tôi còn thấy em vẫn gần gũi bên tôi. Tôi cúi xuống
nhìn bức ảnh ba tôi đặt trên mặt bàn.
- Cụ ơi, - tôi thốt lên. Lần đầu tiên trong đời, tôi hỏi xin
lời đồng ý của ông. - Con làm thế có đúng không ạ?
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét