Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Tiền! Niềm vui sướng - P. L. Sulitzer (P II)

Paul Loup Sulitzer

Tiền! Niềm vui sướng 

Người dịch: Phương Hà, Thái Vũ

Phần II - Chiến dịch “Rồng bạc”

1

Tôi thích về ở Cửu Long trên phần bán đảo chạy từ bến Star Ferry đến đại lộ Jordan, thường gọi là Tsimshatsui. Đây là nơi náo nhiệt hết mức, không bao giờ chịu ngủ yên nhưng tôi lại thích, cần quái gì phải ngủ cho nhiều? Hơn nữa lại đông hàng quán, khách sạn quốc tế với những quầy rượu lót nệm rạ. Nhưng Sarah lại bảo:
- Nhìn mãi khách sạn chán rồi. Với lại, ai cấm anh đến Cửu Long ở một mình. Mỗi tuần chúng mình gặp nhau một lần, vào ngày em được nghỉ. Nếu em không bận việc khác.
Một con bé tệ hại. Cuối cùng chúng tôi, thực ra là cô ta chọn một biệt thự ở khu Stanley, trên đảo Hong Kong chính. Qua cửa sổ nhìn được ra bờ biển, một bến cảng đậu nhiều thuyền, xuồng tam bản. Một nơi cùng trời, cuối đất, được cái là văn phòng của tôi ở khu trung tâm cách đây chưa tới mười kilomètres. “Tiền nhà chia đôi, mỗi anh chịu một nửa, Sarah tuyên bố. Em giữ sổ chi tiêu, nếu anh thấy không trở ngại”.
Cô đã kiếm được việc làm ở Repulse Bay, một trong ba cái lớn nhất Hong Kong, cô vẫn kiên quyết giữ vững quyền tự do. Những ngày đầu tôi không nén nổi tức giận: “Thế nếu tôi muốn ngủ với cô thì làm thế nào?”. Với nụ cười thần tiên chắc cô vẫn tặng cho khách tới chỗ cô đón tiếp: “Thì hẹn trước, cưng ạ!”. Ngay tối hôm đó, tôi đặt lên bụng phơi trần của cô nàng tờ giấy mười đôla Hong Kong, khoảng mười franc Pháp. Và giải thích: “Quà tặng”. Cặp mắt xanh lườm lườm. Cô dùng ngón cái và ngón trỏ cặp tờ bạc, xếp cẩn thận vào xắc tay, rồi quay lại với một tờ giấy giống hệt tờ ấy, cuộn tròn lồng vào dương vật, “Quà tặng”. Cô nàng trả miếng, rồi nằm xuống bên tôi.
Ngoài những cuộc đụng độ này ra, chúng tôi sống như vợ chồng, thật lạ, cô ta, không phải người nội trợ đảm đang tuy nắm trong tay một khách sạn có tới cả ngàn phòng trọ; nếu đổi màu vôi phòng khách của cô sang mầu tím cô cũng không hay. Tôi biết rõ, vì đã làm thế. Chúng tôi sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc là khác. Lần đầu tiên số vốn của tôi đạt xấp xỉ một triệu đôla vào ngày 14 tháng ba, sau này bạn đọc sẽ hiểu tại sao tôi nhớ kỹ như thế. Từ ngày quay về Hong Kong tôi chưa gặp lại ông Hak nhưng có nhận được lời chúc mừng của ông ta do Ching gì đó chuyển.
Vì còn có bản danh sách. Tôi mân mê nó, đọc đi đọc lại trong nhiều giờ, học thuộc lòng “đến lợm giọng” những thông tin trong đó. Nó khắc sâu vào lòng hận thù sắc lạnh của tôi. Qua nó tôi mường tượng được rõ hơn vương quốc của bố tôi ngày xưa. Tôi đặt cho mỗi tên một số thứ tự như Lavater đã làm, số một, đứng đầu bảng khá xa: Martin Yahl ở Geneva; số hai, Giancarlo thằng Ngu, anh ruột bố tôi, xuất thân từ giáo sư Anh ngữ hiện nay sống bằng lợi tức ở Lugano, không đáng giá hơn Yahl chút nào; số Ba, Alvin Bremer một cái tên hơi quen quen hình như ngày xưa đã có lần về nghỉ ngơi ở St. Tropez, nhà riêng rất xa hoa bên bờ hồ Michigan ở Chicago, không xa trường sở đại học đường Loyola, được biết với danh nghĩa chủ tịch một công ty xi măng và vật liệu xây dựng, với số vốn hai mươi triệu đôla. số Bốn và Năm (hai tên cộng tác với nhau) là John Hovius người Argentina và tên người Scotland, xứ Glasgow là James Donaldson, cả hai đều có nhiều danh lợi ở Mỹ La Tinh, nhất là ở Chile, gắn chặt với ngân hàng Yahl bởi mạng lưới tinh vi và nhiều doanh nghiệp, tinh vi nhưng có thật, số Sáu là Sydney H. Lamm người California kinh doanh bất động sản tại Chicago. Tên số bảy là một người Pháp, Henri George Landau, ngụ tại Paris, có nhà riêng ở quận XVI, có nhiều bất động sản, chủ nhân nhà máy bia lớn ở Elysées.
Chúng tôi gắng sức thu nhập tối đa thông tin về từng người, đúng như yêu cầu của tôi, Marc Lavater viết cho tôi khi gửi tập hồ sơ đầu tiên. Từ sau bữa đó, quan hệ giữa viên cố vấn thuế vụ với tôi đã chặt chẽ hơn, chúng tôi điện thoại cho nhau luôn, đến mức tôi đã mời hai vợ chồng anh ta sang Hong Kong dự các lễ hội cuối năm.
Họ đổ bộ ngày 23 tháng chạp, lưu lại năm ngày với Sarah và tôi. Chúng tôi dành phần lớn thì giờ của năm ngày đó để cùng nghiên cứu những hồ sơ do Lavater vừa mang sang. Bắt đầu từ thằng cha người Pháp Landau. Chúng tôi cũng ở Pháp, nắm thằng này nó dễ hơn. Nhất định tôi đã chạm trán nó ở St. Tropez hoặc ở nhà bố mẹ ở phố Pompe. Dù thế nào đi nữa, nó đã trông thấy tôi lúc còn bé tí.
Lavater đưa ra tấm ảnh một người trạc năm mươi, vẻ con nhà, Bắc Đẩu Bội Tinh, tóc nhuộm mầu bạc sáng. Môi hơi nhão.
Lavater nói:
- Có đủ các thông tin về tài chính tiền tệ của tên này. Còn biết cả việc nó gửi tiền bên Thụy Sĩ năm 1968 và tiền hiện vẫn còn ở đó. Khoảng bảy trăm ngàn franc. Tài sản đăng ký chính thức: Hai căn hộ ở Paris, một cái ở đường Lyautey nhìn sang trường đua ngựa Auteuil, một cái cũ hơn ở đảo Cité nơi cất giấu nhân tình. Còn là chủ nhân một biệt thự ở Cannes… À quên, căn hộ ở Cité đứng tên ả nhân tình, Amanda Fernet, tên thật là Marthe, nhưng chắc chắn ở đâu đó là có sẵn mảnh giấy hủy bỏ chứng từ chính thức này. Đó là toàn bộ tài sản phi sản xuất. Nguồn doanh thu: Nhà máy bia đường Elysées, trị giá trong khoảng tám đến chín triệu. Hắn mua chỉ có một phần tư số tiền này hồi tháng tư năm 1957.
- Tám tháng sau khi bố tôi qua đời. Nó lấy tiền ở đâu?
- Hắn đưa ra những bản khế ước và được ngân hàng Yahl trả ngay lập tức bằng tiền mặt. Ba triệu franc mới. Cho đến lúc ấy, hắn chỉ là người kiếm đủ ăn bên cạnh bố anh, không hơn.
Bao giờ mải suy nghĩ điều gì tôi cũng tản bộ. Nên cả hai chúng tôi đi ra đại lộ Des Voeux. Vừa đi Lavater vừa kể tiếp vừa thích thú ngắm phong cảnh lạ mắt ngoài đường. Tôi lôi anh vào Chợ Trung Tâm, phố hàng vải, hàng trứng.
- Ba triệu đồng của Judas.
- Cái gì bây giờ cũng lên giá.
- Nó làm gì bên bố tôi?
- Công của hắn là ở chỗ: Giúp đỡ thân phụ anh ngay buổi đầu ông sang Pháp. Thế thôi, Landau chưa bao giờ là đại bàng. Bố anh đã giao gã quản lý các quyền lợi trên đất Pháp. Có người nói vào khoảng 1956 trước khi từ trần bố anh định thay Landau vì kém tài. Nhưng đó là tin đồn thôi.
- Hãng bia của nó giờ ra sao?
- Cũng qua nhiều bước thăng trầm, hắn không để ý đến mấy. Nhưng hiện giờ thì đang phất. Vài tháng nay hắn còn mơ mộng kinh doanh thêm.
- Ai tài trợ?
Lavater mỉm cười. Chúng tôi vừa rời phố Aberdeen đi về phía Ma Mo. Một gã thầy bói vung chiếc lồng nhốt con chim sặc sỡ len vào giữa hai chúng tôi. Lavater gật gù:
- Anh thật nhanh trí. Đúng thế: Kẻ hở của vỏ thép là chỗ đó, những mánh mung của hắn, những khoản vay mượn để làm vốn.
- Bao nhiêu?
Lavater đứng dừng trước bác phó cạo rong, hành nghề theo cách cổ xưa, nghĩa là nhổ từng sợi râu của khách bằng phương pháp: Lần lượt thắt các sợi râu bằng chiếc thòng lọng tơ tằm nhỏ biến. Lavater bị cảnh tượng ấy làm cho mê mẩn, mãi mới trả lời.
- Độ bốn triệu franc.
Lại bước đi. Chúng tôi rẽ vào phố Con Mèo, dốc Kẻ Cắp chi chít ngõ hẻm bậc thang, Lavater ưỡn ngực hít khí trời, tỏ vẻ khoái được tới đây.
- Anh không thích Hong Kong sao, Franz?
- Không.
Tôi nghĩ đến Landau. Lavater quan sát tôi.
- Anh đã muốn nghe về tên Hovius và Donaldson chưa?
Tôi tức giận run bắn người. Lắc đầu:
- Sau hãy hay. Landau trước đã. Tôi bắt đầu từ thằng này.

 2

Paris ngày 20 tháng hai, tám giờ năm mươi phút sáng. Tôi ở trên đường Elysées này hơn một tiếng, gần chết cóng, tuy mặc áo khoác gabardine lót lông. Bầu trời thấp xám xịt, báo hiệu sắp có tuyết theo lời cậu hầu bàn trong quán rượu Colisée, nơi tôi uống tách cà phê thứ năm, thứ sáu gì đó, kể từ lúc trở dậy sau một đêm gần thức trắng. Đêm trước, tôi từ Hong Kong tới đây. Chờ đợi.
Còn phải chờ thêm hai lăm phút nữa mới thấy chiếc xe đó xuất hiện. Một chiếc BMW to đùng, sạch như lau như li, bóng loáng. Hắn ngồi phía sau đang đọc tờ báo trông như tờ Le Figaro. Xe dừng đúng chỗ người ta đã báo trước cho tôi biết, chỉ cách chừng một mét. Hắn đợi tài xế mở cửa xe mới bước xuống thả bộ. “Nói chung hắn không bao giờ đậu xe trước cổng nhà mảy bia. Cách hắn tập thể dục. Có khi hắn xuống tận quảng trường La Concorde, nhưng thông thường hắn không đi qua rạp hát Ambassadeurs. Đến đấy hắn quay lại, vào nơi làm việc”. Sáng đó hắn chỉ tới rạp Ambassadeurs hoặc ngang ngang rạp hát. Tôi bám theo cách ba chục mét. Hắn vừa đi vừa đọc. Sau vài phút hắn quay lại. Một giây sau, tôi đứng ngay trước mặt hắn.
- Xin lỗi ông, mong ông chỉ cho đại lộ Marigny phải đi đường nào?
Lúc đó vừa vặn tới bùng binh, mắt hắn đang nhìn lên cột tín hiệu giao thông sửa soạn băng qua đường. Hắn đưa mắt nhìn xuống tôi. Khoát tay:
- Ngay chỗ kia. Không thể lạc đâu.
- Rất cảm ơn.
Gật đầu chào nhau, hai cặp mắt rời nhau, ít ra cũng là cặp mắt gã lảng ra. Đèn đỏ. Landau bình thản qua đường. Tôi nhìn theo. Nếu hắn quay lại có nghĩa là đã nhận ra tôi, hoặc là khuôn mặt tôi đã làm hắn để ý: Tôi khá giống bố tôi, về tầm vóc và giọng nói. Nhưng không thấy hắn quay lại. Hắn vẫn đi tiếp, ngược đường Élysées, mắt vẫn dán vào tờ báo, chân bước đều đều, thản nhiên, với dáng vẻ thư thái của những tâm hồn thanh thản. Lát sau, tôi gọi taxi.
* * *
Tại phi trường Heathrow, Ute. Cô nện một bên vú vào mắt tôi khi ôm hôn. Tôi châm chọc.
- A, thế ra cô mình cũng biết rét đây nhỉ! Dù là gái Đan Mạch.
Cô khoác chiếc áo dài lông thú. Cô phanh áo. Dưới tấm áo, người cô trần như nhộng. Hai gã Pakistan vừa đi ngang qua mải nhìn. Choảng luôn vali vào đầu nhau.
Ute hỏi tôi:
- Con bé Ireland mắt xanh của anh đâu?
- Ở lại Hong Kong.
- Sắp cưới chưa?
- Hãy lo việc của cô. Khá không?
- Trần truồng.
- Tuyệt trần. Không phải trần truồng. [đáng lẽ nói “Aupoil” (tuyệt vời) cô gái Đan mạch nói nhầm thành “À poil” (trần truồng)]. Em đã gửi cho anh những số liệu cuối cùng, thật đáng kinh ngạc thực sự. Cái ống bỏ tiền Ngân Hàng Fantomas đặc biệt thành công.
- Em bán hàng giỏi đấy chứ?
- Rút ngay tay ra nào!
... Gã kế toán tôi phái đến kèm Ute đã viết cho tôi nói rằng theo anh ta cần có một tổ chức vững vàng hơn là cô gái Đan Mạch hộ pháp và cuồng dâm này, lúc nào cũng kéo theo sau một đại đội gái. Tôi không có ý định làm theo gợi ý của gã kế toán. Món hàng đồ vặt lạ mắt không tồn tại mãi được, tôi không muốn dựng nên một tổ chức có thể làm vướng cẳng tôi sau này.
- Phải công nhận em là gái bán hàng giỏi đi, nếu không em sẽ hiếp anh đấy.
- Cô ngủ đi.
Cô mới sắm chiếc Jaguar. Hai chúng tôi lên xe. Tôi hỏi:
- Tôi có hẹn lúc mấy giờ?
- Hắn đợi anh lúc mười hai giờ trưa.
- Cho tôi biết về hắn.
* * *
Mọi người vẫn gọi hắn ta là Thổ Nhĩ Kỳ. Ở một biệt thự lộng lẫy trên dãy đồi Hampstead, mảnh vườn có hơi bé nhưng chật kín những thiếu phụ trần truồng, trong mọi tư thế có thể có. Ute nhận xét: Gã Thổ là một tay “bị ám ảnh về tình dục”. Tôi để cô nàng ngồi lại trong chiếc Jaguar, vào nhà một mình. Ra mở cửa là cô gái tóc nâu thứ thiệt, trên thân chỉ có mỗi đôi hoa tai là không phải của trời cho.
- Ông Cimballi ạ? Ông đến sớm mất một phút.
Tôi bàng hoàng đến nghẹt thở, nhưng không nghi ngờ gì được, đúng là cô ta trần truồng thật. Tôi cởi áo khoác.
- Thế tôi có phải cởi hết không?
- Nếu ông muốn, - cô tóc nâu thứ thiệt đáp.
Tạm dừng chân một lát ở phòng khách, sau vài chục giây cô đi trước dẫn tôi lên thang gác, cảnh vú mông thỗn thện ngang trước mũi làm tôi hơi hơi rạo rực.
- Mời vào đây.
Tôi nghe rõ tiếng máy rào rào trước khi trông thấy chúng; và lọt vào giữa chúng trước khi nhận ra là tiếng máy gì: Máy điện báo telex, có đến hai chục cái là ít. Ba bốn cô gái theo dõi các băng giấy, tất cả đều trang phục y hệt cô gái tạm gọi là đầu bếp đang mở đường cho tôi.
- Mời vào đây.
Hai lần vách kính, hai lớp cửa. Tôi đặt chân vào gian phòng trải hàng chục tấm thảm Phương Đông chồng lên nhau theo phong cách “mỹ thuật lộn xộn” ở những khoảng trống giữa vô số chiếc xô pha êm ái. Người đàn ông bận chiếc sơmi lụa hồng rất rộng, chiếc quần cũng bằng lụa màu xanh lục rất rộng, đôi ủng da đen kiểu cosaque. Hyatt đã nói với tôi về gã Thổ, Lavater cũng có nói đến, Ute cung cấp cho tôi một bức chân dung khá ngộ nghĩnh về tên Thổ đang ở trước mặt tôi. Thật bõ công lặn lội! Gã rất Thổ, lực lưỡng, to béo và nếu không muốn nói là đầy mỡ, mắt hơi một mí và lừ đừ, chưng một bộ ria mép kiểu bộ binh Thổ, cái cổ bò mộng trân trọng đỡ chiếc đầu nhẵn thín. Trạc độ ba lăm.
Gã mỉm cười hỏi tôi.
- Trông tôi có thích không?
- Chưa đến mức muốn lấy anh.
- Hyatt ra sao?
- Tuyệt vời.
- Hắn nói với anh những gì về tôi?
- Hắn tả anh là người cần đến gặp khi tạm thời thiếu những món tiền lớn, là người sẵn sàng cho vay dù phải chấp nhận những rủi ro khiến mọi ngân hàng đều chùn tay, là loại chủ nợ không nên quỵt nếu không muốn bị rắc rối.
Đôi mắt đen, mơ màng như mắt đàn bà nhìn tôi hồi lâu.
- Anh tên gì ấy nhỉ?
- Cimballi.
- Tên hay. Nó gợi nghĩ đến bộ chũm chọe, đến thứ nhạc hơi man dại, đến nhảy nhót. Tôi có nghe nói đến một ông Cimballi, lâu rồi, trong nghề xâydựng.
- Bố tôi đấy.
Cánh cửa khép ngăn cách chúng tôi với phòng telex mở ra. Cô gái cầm mảnh giấy đưa cho gã Thổ. Gã gật đầu bảo cô ả: “Hai chục ngàn”. Tôi khó lòng rời mắt khỏi những thân thể phụ nữ trần truồng kia, cái nào cũng đẹp tuyệt trần.
- Hyatt còn cho biết anh là người mê đua ngựa, anh theo dõi từng giờ tất cả các cuộc đua trên toàn thế giới và đặt cuộc những món tiền khổng lồ.
Cô gái telex đi ra.
- Hình như anh có chuyện làm ăn với tôi?
Một cô gái nằm ngửa, không chút ngượng ngùng giang đùi thật rộng mỉm cười với tôi. Cô ta trạc mười sáu, mười bảy, tóc vàng, da rất trắng.
- Cách đây năm tháng anh có cho một người Pháp là Landau vay tiền để đổi mới và mở rộng nhà máy bia của hắn ở đường Elysées. Tôi muốn mua lại giấy vay nợ của hắn.
- Anh biết nó trị giá bao nhiêu không?
- Bốn triệu rưỡi franc. Tôi trả anh năm triệu.
- Tiền ngay?
- Tiền ngay. Theo phương thức mà anh thích.
- Anh lấy tiền đâu ra? Của ông nhà để lại chắc?
- Mỗi xu đều tự tôi làm ra.
Đoán trước được câu hỏi tiếp theo, tôi giơ tay chặn:
- Năm nay tôi hăm hai tuổi rưỡi.
- Cimballi... Cái tên thích thật. Đẹp, nhún nhảy.
- Rất sung sướng!
Tôi đoán chắc gã sẽ từ chối.
- Nhưng câu trả lời của tôi là: Không.
Hắn nói trong lúc mắt vẫn xa xăm tận đâu đâu, tay vẫn vuốt trên bụng cô bé.
- Tôi không bán tờ khế ước ấy, không phải vì chuyện giá cả tiền nong, mà vì tôi đã cam kết sẽ giữ nó. Có người đã đứng ra bảo lãnh.
Trong tôi lóe lên một ánh chớp trực giác:
- Ngân hàng Martin Yahl ở Geneva.
Đôi mắt đĩ quý phái nhìn tôi.
- Cô gái đưa anh tới đây là ai vậy?
- Bạn.
- Bạn thế nào?
- Bạn.
- Nghe nói cô ấy cao lớn và rất đẹp.
Tôi nhún vai. Quay nhìn các dàn máy telex, dần dần tôi hiểu ra và hỏi:
- Chắc đang có đua ngựa?
- Ở San Diego, bang California.
- Bắt đầu rồi?
- Đợt một đã kết thúc.
Nghe giọng nói tôi biết hắn đã hiểu tôi muốn gì. Vả lại hắn còn thêm: “Có thể chơi vào đợt ba”. Gã làm hiệu qua hai lần vách kính, bản danh sách ngựa đua được mang vào. Mười một con.
- Anh hiểu biết nhiều về ngựa chứ?
- Biết nhiều. Biết ngựa có bốn chân.
Gã đưa danh sách.
- Chọn đi.
Tôi đọc tên ngựa chẳng biết chọn con nào. Cầu may:
- Rồng Bạc, số 5.
Vì liên tưởng tới những con rồng trên đường phố Hong Kong nhân dịp Nguyên Đán?
- Không còn con nào tồi hơn. Con này một ăn mười bốn. Anh đặt bao nhiêu?
Tôi trả lời:
- Ta thỏa thuận nhau đi: Nếu con này thắng anh phải bán cho tôi bản khế ước.
Gã tủm tỉm.
- Đồng ý. Anh đặt bao nhiêu vào con Rồng Bạc?
- Một bảng.
- Về nhất mới được đấy nhé. Về nhì, ba không tính.
- Đồng ý.
Gã ra lệnh. Một cô da đen đùi to đùng đánh telex chuyển ngay tới nơi cách đây tám chín ngàn kilomètres.
- Tôi theo anh. Tôi đặt mười ngàn đôla. Anh có chơi không?
- Không.
Trong phòng bỗng lặng ngắt khác thường, nặng nề. Tôi hỏi chỉ cốt để xua tan sự im lặng đó:
- Có lâu không?
- Mươi mười lăm phút là cùng.
Cửa sau lưng tôi bật mở, tiếng máy telex ùa vào, cửa đóng, tiếng máy ngừng bặt. Tiếng Ute:
- Anh gọi em?
- Ai gọi? Biến ngay?
- Không sao, không sao, - gã Thổ bảo Ute. - Tốt là khác. Cô cứ ở lại đây.
Như để chứng minh câu nói đó, gã đứng lên. Tầm vóc gã chỉ suýt soát như tôi nhưng to ngang hơn rất nhiều lần, nặng có đến trăm ký. Gã lượn quanh người ả Đan Mạch của tôi. Cô Đen ở máy telex mang điện vào.
- Đợt hai tới đích! - Gã Thổ tuyên bố - Con ngựa được nhiều người đặt đã thắng. Hôm nay đúng là ngày của những con được số đông lựa chọn. Chú Rồng Bạc của anh xem chừng sẽ nặng cánh như chì, một ăn mười bốn. Vả lại, khoảng cách không có lợi cho nó.
Gã vẫn lượn quanh Ute, chạm vào ả. Gã tới đứng ngang trước mặt, dán đôi mắt đen vào chỗ da thịt lộ qua vạt áo khoác.
Ute mỉm cười với tôi:
- Franz, cứ yên trí. Lúc nào em muốn là em lật đổ hắn ngay!
Gã Thổ giơ cao tay nhẹ nhàng vén tà áo khoác.
- Gái Thụy Điển?
- Đan Mạch, anh bạn ạ, - Ute nói. - Nhìn thế mà không biết à?
Gã Thổ từ từ phanh hai tà áo từng phân một, thật chậm rãi. Gã bàng hoàng mất một lúc, rồi gật gù:
- Cimballi này, chắc anh thích đấm vào mõm tôi?
- Đó là chuyện rất có thể xẩy ra. - Tôi đáp.
- Anh có định làm thế không đã?
Gã Thổ xán lại gần hơn.
- Có thể tôi sẽ thử xem.
- Anh không thử đâu!
Tôi đáp:
- Có thể thật. Vì tôi không có dịp, và cái chính là vì anh chỉ định thử cân não tôi thôi.
Gã Thổ đột nhiên lùi xa Ute, không đụng chạm gì thêm. Gã ngồi xổm, tủm tỉm cười, gật gù rồi đứng vụt dậy nhanh nhẹn không ngờ tuy gã nặng nề đến thế. Ute khép tà áo, nháy mắt với tôi: “Anh cho hắn hốc xì rồi!”.
Gã Thổ cười khẩy, vươn vai.
- Đáng lẽ mình phải đánh cá con Rồng Bạc nhiều hơn nữa. Bắt đầu thấy tin rồi đây. Một thứ trực giác!
Trong phòng lại lặng ngắt. Không áp đặt mà là sự im lặng đồng tình: Hắn thì thản nhiên chờ đợi, tôi thì trong trạng thái vô thức. Bỗng nhiên tôi cảm thấy sợ. Nhiều hình ảnh lướt qua tâm trí. Tôi tự nhủ: Lúc này ở Diego là ba giờ chiều. Nắng dịu. Trường đua chắc phải rộng, cỏ xanh mượt mà. Mười một con ngựa, mười một con tôi không hề biết. Người phát lệnh: Ngựa chồm lên. Con Rồng Bạc là ngựa ô, ngựa hồng? Cũng chẳng biết: Có biết: Nó đen tuyền, bóng nhẫy như lưỡi kiếm. Thế cũng đòi! Một con ngựa tồi... Tôi không tưởng tượng nữa.
Gã Thổ nhìn tôi, vẻ lờ đờ, lả lơi. Xong rồi đây, tôi chả nhìn thấy gì. Máy chạy lách tách. Cô gái nõn nường uốn éo mang bức điện tới. Gã Thổ vẫn dửng dưng, một lát sau mới liếc qua tờ giấy rồi bảo tôi:
- Cậu nói được tiếng Pháp hả? Tôi cũng vậy. Hồi trẻ đã ở Beirut; cậu biết nơi đó không?
- Không.
- Sẽ có ngày ta cùng tới đấy. Cậu chống Landau vì cái gì? Nó là một thằng tồi.
- Chuyện riêng của mình.
- Còn Yahl? Tay này khác. Ở địa vị cậu mình không dại mà gây sự với hắn.
Rồi hắn lơ đãng chìa cho tôi xem bức điện: “Rồng Bạc về nhất”. Tôi xuýt nghẹn thở vì mừng, nhưng không hề động đậy một chiếc lông mi nào.
Ute ra trước, tìm cách quay đầu chiếc Jaguar trong lối đi hẹp rải sỏi. Cô đầu bếp có đôi vú quả táo và cặp mông núng nính mở cửa. Gã Thổ theo tiễn chân tôi.
- Này Cimballi, nếu có áp phe nào thì cứ bảo tôi, tôi rất muốn tham gia, tham gia hết mình. Đồng ý chứ?
Đi ngang qua cô đầu bếp có mái tóc hạt dẻ cắt ngắn, có cặp mắt xanh và đôi môi đỏ chót. Bất thình lình tôi giữ chặt lấy gáy cô ả, môi tôi đè chặt lên môi cô ả làm cô nghẹt thở. Lúc lên xe, hình ảnh cuối cùng tôi mang theo là hình ảnh gã Thổ trong bộ đồ nửa hồng nửa xanh đang gập đôi người mà cười chảy nước mắt.
Giấy ký nợ của Landau đã nằm gọn trong túi tôi.

3

Có tờ giấy đó trong tay, việc đầu tiên là phải đưa nó ra. Có nghĩa là phải tới gặp Landau, đặt trước mũi hắn vài tờ giấy rồi nói thật lễ phép: “Xin vui lòng hoàn lại ngay số tiền bốn triệu rưỡi franc, cộng thêm tiền lãi”. Vì đã nắm được tình trạng tài chính của gã, tôi thừa biết gã chẳng moi đâu ra tiền mà trả, ít ra là trong thời hạn cam kết.
Đúng chín giờ rưỡi sáng 26 tháng hai, phái viên của tôi (anh ta không được biết đến tên của tôi là gì) đến nhà Landau. Trên danh nghĩa anh được sự ủy nhiệm của ngân hàng “Hung và Chang” ở Singapore, ngân hàng này làm theo ủy nhiệm của một công ty vô danh do tôi thành lập ở Liechtenstein nhằm mục đích đã đề ra. Phái viên để lại tờ tối hậu thư pháp lý rồi ra về.
Khi bàn mưu tính kế, Lavater và tôi đã thử dự đoán phản ứng của Landau. Hắn ta hành động đúng như đã dự đoán từng điểm một. Trước tiên gọi điện về London chất vấn gã Thổ: “Tại sao, bằng cách nào mà tờ ký nợ đáng lẽ vẫn còn ở London trong vài tháng nữa bỗng nhiên lại do một ngân hàng Singapore đưa ra?”
Như đã thỏa thuận trước với tôi, trong ba ngày liền gã Thổ tránh mặt: Đi vắng, đi xa, ít nữa mới quay về, đang ốm, đang đi chữa răng.
Cuối cùng gã mới chịu gặp Landau:
- “Bạn khốn khổ ơi, tôi có hứa thật nhưng mong bạn thông cảm cho, chính tôi cũng rất khó xử. Bọn Tàu nó gớm lắm!”.
Landau vật nài:
- “Cứu tôi với!”
- “Vâng, tôi sắp tìm cách giúp bạn ngay đây, khi tôi lành bệnh”
- “Mười ngày nữa tôi đã phải trả nợ!”
- “Được, xin hứa: Bạn sẽ có tiền sau đây một tuần. Bốn triệu là cố hết mức rồi, tôi không làm hơn được, bạn tự lo chỗ còn lại”.
Xin bạn đọc đừng hiểu sai: Trong tháng hai này tuy bị đòi nợ đột ngột nhưng tình thế của Landau không đến nỗi tuyệt vọng. Hắn còn có nhà máy bia tuy đã đem cầm; tháng mười một năm ngoái một toán chủ nhà máy bia đặt giá tám triệu và chắc sẽ nhận mua với giá tám rưỡi. Nếu hắn bán trong điều kiện bình thường, hắn vẫn còn trong tay bốn triệu sau khi trả hết tiền cầm cố. Cộng thêm vào bốn triệu đó là hai triệu rưỡi tiền bán nhà đất có đăng ký chính thức: Ngôi nhà đường Lyautey, biệt thự ở Cannes (trị giá cao hơn nhưng gã đã vay trước một ít). Thành sáu triệu rưỡi. Và cộng thêm ba triệu tiền ngôi nhà trên đảo Cité, đăng ký tên ả Amanda Fernet. Thành bảy triệu tám. Cộng thêm bảy trăm ngàn trong tài khoản ở Geneva. Thành tám triệu rưỡi. Tổng cộng hơn chín triệu, nếu tính cả tiền bán đồ đạc, tranh ảnh, nữ trang của phu nhân, xe cộ. Khoảng một tỷ xu. Tài sản của gã là từng ấy, sau khi trừ bốn triệu rưỡi tiền cầm nhà. Và nếu không bị thúc ép về thời gian, Landau thừa sức trả món nợ đã ký nhận bằng doanh thu của nhà máy bia cũng đủ.
Nhưng Lavater và hai cố vấn khác đã cùng tôi vạch ra một mẹo làm hắn phải phá sản hoàn toàn trong thời gian ngắn đến rợn người một cách hợp pháp.
* * *
Phái viên của ngân hàng Singapore hẹn cho Landau mười ngày. Gã Thổ hứa giúp bốn triệu sau bảy ngày. Landau thấy thế là ổn. Nhưng lại xảy ra rắc rối với ngành thuế; thoạt nhìn thì có vẻ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thực ra Lavater vẫn có nhiều bạn trong ngành. Một nhân viên kiểm thuế yêu cầu giải thích rõ ngôi nhà ở Cité. Chẳng hạn: Cô Marthe tức Amanda lấy tiền ở đâu để tậu nhà? Sao tiền thuế nhà đất toàn trả bằng séc ký tên Landau? Tiền điện nước cũng vậy. Và tất cả: Người trang trí nội thất, người bán đồ cổ, người bán đồ ăn theo đơn đặt... Đều do Landau trả tiền hết.
Landau cố giãy giụa. Ngày 5 tháng ba, hai ngày trước khi hết hạn, gã vét vội được tất cả chừng sáu mươi triệu franc cũ. Còn thiếu bốn triệu franc mới. Gã Thổ đã hứa giúp. Landau gọi về London. Lại gặp điệu valse ngập ngừng của gã Thổ, sau hai mươi giờ chơi trò người tàng hình, cuối cùng gã Thổ mới trảlời:
- “Bạn ơi hôm nay chưa có đâu. Chịu phép. Tôi đang đợi một khoản vào ngày mai hoặc ngày kia”.
- “Tôi không thể liều được nữa”.
- “Có khoảng chín mươi tám phần trăm khả năng tôi sẽ có tiền sau bốn mươi tám giờ”.
Một lần nữa Landau lại yên trí, tính hắn vốn như vậy, dễ bằng lòng với những giải pháp dễ dãi.
Hai ngày sau vào lúc chỉ còn chưa đến hai bốn tiếng nữa là hết hạn, hắn lại đeo chặt gã Thổ.
Gã này thích thú hành hạ Landau vượt quá cả mức tôi đề ra (kể cũng đáng đời cho đồ rác rưởi thực thụ kia) nên cứ kéo dài mãi nỗi lo âu của Landau đến tột độ. Mãi mười lăm giờ sau khi phái viên gọi là của ngân hàng Singapore đến gặp Landau, gã Thổ mới thò ra sự thật, sự thật do chúng tôi nặn ra:
- “Rất tiếc, Landau. Món tiền tôi trông đợi không thấy đến”.
Chủ nhà máy bia run lên vì giận dữ và tuyệt vọng:
- “Anh nói có đến chín tám phần trăm khả năng có tiền cơ mà!”
- “Vẫn còn hai phần trăm rủi ro. Buồn quá! Tuy nhiên tôi đã rất ân hận và đã nghĩ hộ anh cách giải quyết...”.
Đó là:
“Tìm đến gã người Anh tên Hyatt đang nắm giữ nhiều khoản vốn lớn của người Việt Nam đang tìm nơi đầu tư có lợi. Anh ta hiện ở đâu đó giữa “Roma và London”. Anh ta có thể giúp đỡ với điều kiện là tìm thấy anh ta đúng lúc. Phải nhanh chân lên!”
Landau ôm chặt máy điện thoại. Hyatt! Hyatt đâu? Hắn tìm Hyatt hết khách sạn này đến khách sạn kia, phát hiện ra rằng tay người Anh này di chuyển xoành xoạch, đang ở London đã đi Roma, qua Geneva, sang Frankfurt, về Bruxelles... Cuốicùng tìm thấy ở Roma nhưng không phải ở khách sạn mà Landau dở điên dở dại vì lo đã gọi tới, mà ở một khách sạn khác, khách sạn Bernini quảng trường Barberini. Bộ phận tiếp tân trả lời: “Có, nhưng signor đi vắng. Dạ, không rõ mấy giờ signor Hyatt mới về...”.
Hyatt lúc thấy tôi bật đèn xanh liền gọi Landau đêm mùng 7 rạng mùng 8 tháng ba.
- “Vâng, tất nhiên rồi ông Landau, tôi sẵn sàng gặp ông... Vâng, loại áp phe đó rất hợp với những thân chủ mà tôi đại diện... Ngay đêm nay? Gấp thế? Nhưng hết mọi chuyến bay mất rồi... Thuê máy bay taxi? Vâng, vâng, tôi biết là ông sẵn sàng trả tiền thuê máy bay, nhưng để tôi tìm xem có chiếc nào không đã...”.
* * *
Hyatt lên máy bay taxi (thực ra chúng tôi đã thuê sẵn từ mấy ngày rồi) xuống phi trường Bourget lúc bốn giờ sáng. Một anh chàng Landau mệt lử, lo lắng gần chết đã chầu chực sẵn ở đấy.
- Thưa ông Landau, tôi đã tiếp xúc với các thân chủ của tôi. Họ không muốn can dự vào những vụ đòi hỏi số tiền quá lớn. Nhưng họ cũng nhận lời thanh toán khoản nợ của ông. Tất nhiên ông phải đến chỗ bán đấu giá và mua lại nhà máy của mình. Thân chủ của tôi đã đồng ý tham gia với điều kiện như vậy.
- Nhà máy bia của tôi trị giá đến tám, chín triệu!
- Thưa ông, tôi cũng đã bỏ thì giờ đi thăm dò. Có những người làm bia muốn mua nhà máy của ông thật, mới sáng nay ông còn gặp họ. Theo tôi biết, họ đã khước từ yêu cầu của ông. Chắc họ sẽ không dự cuộc đấu giá. Ông còn có cơ may chấp nhận được là mua lại nhà máy của ông với giá sáu triệu. Chúng tôi giúp bốn triệu rưỡi, còn lại do ông tự lo.
- Tôi làm gì có?
Nếu cộng thêm tiền lãi và các thứ lệ phí, Landau phải kiếm được hơn một triệu rưỡi trong thời gian thật ngắn. “Vấn đề của ông bạn chính là chỗ đó. Ông không có nhà cửa gì sao? Có à? Vậy thì đẩy đi. Nếu cần phải góp với ông một lời khuyên, thì đây: Làm ngay sốt sột. Cái chính là phải cứu được nhà máy bia. Giữ được nó ông mới có cơ hồi phục”.
Nhưng Landau không biết dạm bán ngôi nhà ở quận XVI và biệt thự ở Cannes cho ai trong lúc này! Không sao. Hyatt biết có khách mua, đó là một công ty vô danh trách nhiệm hữu hạn của Pháp do một tướng về hưu làm chủ tịch, có cố vấn tài chính là Lavater đại diện để thương lượng. Lavater tuyên bố sẵn sàng mua nhà, mua biệt thự, trả tiền ngay, đúng với thời điểm Landau cần có tiền, với giá một triệu bốn trăm nghìn franc.
Landau gầm lên:
- Đồ cướp ngày!
- Xin lỗi, mong ông cân nhắc lời nói cho cẩn thận. Tùy ông, thuận mua vừa bán không thì thôi.
Landau phải thuận vậy. Đành chịu thiệt một triệu, bán tống bán tháo cả nhà cả biệt thự cho công ty vô danh nọ. Ngay sau đó công ty giải thể luôn. Do tôi.
Hôm bán đấu giá, quả nhiên không thấy bóng một tay chủ hãng bia nào ló mặt đúng như Hyatt đã dự đoán (vì sao, rồi bạn đọc sẽ biết). Thành ra Landau phải mua lại xí nghiệp của chính mình với giá sáu triệu hai - Vì có một người nào đó đã nâng giá lên - Mua được rồi Landau kiệt sức, nhưng nghĩ rằng mình đã đến lúc được xả hơi. Hắn tin chắc như thế.
Hắn lầm to thực ra tờ giấy ký nợ bốn triệu rưỡi đã từ ngân hàng Singapore, hành động theo ủy quyền của công ty vô danh Sara ở Liechtenstein chuyển sang cho công ty tín dụng Luxembourg hành động theo ủy quyền của những thân chủ người Việt Nam (thực ra là ủy quyền của tôi) nói cách khác, giấy ký nợ ấy vẫn nằm trong tay tôi, Cimballi; tôi chỉ chuyển nó từ tay phải sang tay trái, có thế thôi.
Ngược lại, Landau tuy vẫn chỉ nợ có bốn triệu rưỡi cộng thêm khá nhiều tiền lệ phí và tiền lãi, nhưng tình thế ngày càng nguy ngập. Cuộc điều tra của sở thuế khiến hắn không được tùy ý sử dụng ngôi nhà ở Cité, có thể còn phải tính lại tiền thuế, lại đã bán mất những ngôi nhà đáng giá hai triệu rưỡi nhưng chỉ thu được có triệu tư. Tuy nhiên hắn vẫn còn nhà máy bia, tức là còn hy vọng thoát nạn, tuy đã bị trọng thương nhưng vẫn còn sống sót. Với một điều kiện: Không bị tờ ký nợ kia thúc ép, gã được có đôi chút thì giờ ngồi thở. Nhưng tất nhiên, mảnh giấy đó lại hiện ra trước mặt hắn, ngày 9 tháng tư.
Hôm ấy nhà kinh doanh Hyatt xuất hiện tại văn phòng trên lầu một nhà máy bia đường Elysées.
- Chắc ông cũng biết bên Đông Dương đang xảy ra nhiều diễn biến quan trọng. Các thân chủ Việt Nam của tôi rất lo ngại, thần kinh họ đang bị căng thẳng, họ có thể làm bất cứ điều gì và trên thực tế họ đang làm những chuyện không thể lường được. Rất lấy làm tiếc, nhưng tôi buộc phải thông báo để ông biết: Họ đòi ngay lập tức toàn bộ số tiền bốn triệu rưỡi ông đang nợ.
Con số chính xác mà tôi vẫn còn nhớ mãi là bốn triệu tám trăm tám mươi tám ngàn franc, tính đủ mọi khoản. Kể từ lúc này coi như Landau đã chết hẳn về mặt tài chính. Không thoát khỏi phải đem nhà máy bia bán đấu giá lần thứ hai. Cũng như lần trước, không thấy có nhà sản xuất bia nào đến tuy thông thường họ là khách mua tự nhiên và hợp lẽ. Sự im tiếng của họ, hai lần phải đem bán đấu giá, những lời đồn đại, tất cả những cái đó làm buổi đấu giá vắng teo. Thực tế chỉ có một người muốn mua: Một công ty tín dụng Đức tuyên bố sẵn sàng trả ngay năm triệu hai trăm ngàn franc. Landau lĩnh số tiền đó của quỹ tín dụng Đức (tôi), trả cho tín dụng Luxembourg (tôi) số bốn triệu tám, bốn triệu chín đang nợ. Hắn còn lại bảy trăm ngàn gửi bên Thụy Sĩ. Hắn phạm phải sai lầm: Rút tiền mang về Pháp. Vợ hắn rút xong, khi trở về thì bị bắt khi qua biên giới. Bảy trăm ngàn franc bị tịch thu, ngoài ra còn phải nộp phạt nữa.
Sau những biến cố ấy, tôi nhẹ người khi thấy hắn không đến nỗi phải tự sát. Nữ trang, đồ đạc bán hết đi, gã còn được một ít tiền, độ vài trăm ngàn franc. Hắn quay lại nghề dịch vụ ăn nhậu, hợp tác với một tên lưu manh dở trong một vụ kinh doanh ăn nhậu và mất vào đó phần lớn số vốn liếng còn lại. Thế là hắn phát điên, theo đúng nghĩa đen. Bữa hắn mò về cơ sở cũ đập phá bàn ghế ngoài hiên thì bị bắt giữ, và sau bữa hắn cởi hết quần áo, chửi bới, đánh đập nhân viên phục vụ và ba nhân viên cảnh sát định can thiệp thì hắn bị nhốt trong nhà thương điên.
Nạn nhân trong vũ khúc Cimballi, hắn vĩnh viễn không bao giờ hiểu tại sao bị như thế, không bao giờ biết hắn ăn đòn của ai.
* * *
Về bọn lái bia.
Trong khi đặt kế hoạch hành động, tôi coi bọn này là trở lực chính cần vượt qua, chúng còn tệ hại hơn gã Thổ.
Ngay sau hôm gã Thổ nhượng lại giấy kí nợ cho tôi, tôi đã tiếp xúc với bọn lái bia ngày 21 tháng hai, qua Lavater làm trung gian - tôi không lần nào chường mặt từ đầu đến cuối vụ Landau. Nhờ Lavater làm trung gian có hai cái lợi: Kín đáo (tôi không muốn bị Martin Yahl nhận diện mà muốn hắn vẫn coi tôi là con chó con rồ dại đang lang thang đâu đó bên Kenya), sau nữa, con người có uy tín đáng kính kia dễ được bọn chúng nghe lời hơn cái thằng nhóc vừa từ Hong Kong tới, là tôi. Vả lại, cố vấn thuế vụ của bọn chúng là bạn thân của Lavater. Giữa bọn mafia sở thuế với nhau.
Lavater bảo bọn lái bia:
- Tháng Mười một vừa rồi các ông định mua xưởng máy bia của Landau, lúc ấy hắn nói không bán. Bây giờ các ông có định mua nữa hay thôi?
- Việc gì đến ông?
Lavater đưa tờ khế ước ra. Và tiếp:
- Các ông đã đặt giá tám triệu. Có thể còn thêm chút ít. Cứ tạm gọi là tám rưỡi.
Những bộ mặt lạnh như tiền.
- Trong vài tháng tới; sẽ có những diễn biến khiến cho một số thân chủ mà tôi không được nói tên, sẽ mua nhà máy của Landau. Có điều rất rõ là: Bản thân nhà máy không phải là cái mà thân chủ chúng tôi quan tâm. Nên ngay sau khi mua xong ông ta sẽ bán lại cho các ông với giá rẻ hơn nhiều so với giá các ông đã đặt hồi năm ngoái.
- Rẻ hơn là bao nhiêu?
- Bảy triệu rưỡi. Các ông sẽ lợi từ nửa triệu đến một triệu, có thể hơn là khác. Vì từ hồi đó đến giờ giá cả đã tăng lên.
- Điều kiện như thế nào?
- Sẽ có hai cuộc bán đấu giá liền nhau. Các ông không được đến.
- Lấy gì đảm bảo?
- Một giao kèo khống chỉ, do thân chủ tôi ký tên nhận bán cho các anh.
- Loại giấy tờ bất hợp pháp.
Lavater cả cười:
- Đúng! Thế nào?
Im lặng.
“Tôi đi guốc trong đầu chúng”, sau này Lavater khoe với tôi.
- Thế ví dụ: Chúng tôi cứ đến chỗ đấu giá?
Lavater lại cười, rất thánh thiện:
- Nếu các anh đăng ký dự đấu giá bất cứ vào lúc nào, dù có hoặc không giao dịch với thân chủ tôi, chúng tôi sẽ theo đuổi đấu giá đến cùng. Thân chủ tôi nắm trong tay tờ ký nợ này. Và các anh cũng biết, trong điều kiện như vậy, có thể nâng giá lên mười lăm phần trăm mỗi tiếng. Do đó các anh sẽ chẳng ăn nhằm gì ngoài việc làm tăng giá xưởng rượu của Landau lên một cách giả tạo. Mà sau đó, thân chủ tôi nhất định sẽ bán lại cho bất cứ ai, ngoài các anh.
Sự mặc cả với bọn lái bia có nguy hiểm, có thể chúng báo động cho Landau. Nhưng báo động về cái gì? Chúng đâu có nắm được cái gì! Chúng tôi đặc biệt chú trọng khai thác đầu óc kinh doanh của chúng, khai thác thói bất lương đê tiện của chúng. “Cimballi này, trong buôn bán hai thằng lái bia thật tởm, đến cá mập cũng phải sợ. Chúng đã tận mắt thấy tờ ký nợ, vả lại nếu nhận đề nghị của chúng ta chúng cũng chẳng có gì phải lo ngại, Landau đã thẳng thừng bác bỏ lời dạm mua của chúng, không để chúng có chút hy vọng nào. Còn nếu sau khi ta mua được rồi và làm chủ hoàn toàn nhà máy rượu mà lật lọng không bán lại cho chúng như lời cam kết, chúng vẫn còn biện pháp nâng giá. Chúng không điên dại gì. Nếu nhận, chúng được lợi ngay một triệu, nếu tính cả tỷ lệ trượt giá do lạm phát thì đến triệu rưỡi”.
Bọn lái bia chấp nhận và giữ lời hứa, không can thiệp vào cuộc đấu giá, thản nhiên chứng kiến cuộc hành quyết với thái độ hoàn toàn đứng giữa. Sau khi thắng lợi trong cuộc đấu giá lần hai, tôi nhượng lại nhà máy bia cho chúng với giá bảy triệu hai trăm nghìn franc (nhận bớt cho chúng một ít trên dọc đường). Cũng trong ngày hôm ấy, tôi giải thể tất cả những tổ chức đã dựng lên trong vụ Landau: Công ty vô danh Sara, tín dụng Liechtenstein, tín dụng Luxembourg, tín dụng bên Đức, xóa sạch dấu vết công ty vô danh trách nhiệm hữu hạn đã đứng mua bất động sản của Landau và bán lại cho công ty Hong Kong của tôi. Toàn bộ đều biến hết. Tên tuổi Cimballi không hề xuất hiện.
Tôi đã giết được Landau về phương diện tài chính. Và được khá tiền, tuy đó không phải là mục tiêu. Ít lâu sau, bán ngôi nhà ở quận XVI và ngôi biệt thự, tôi thu về ba triệu hai trăm năm chục ngàn franc. Cuộc thương lượng với bọn lái bia đem về cho tôi gần hai triệu. Tổng cộng gần ba triệu bảy, tuy nhiên tôi không được ăn cả: Phải trích tiền cho Lavater, cho Hyatt, gã Thổ, tiền lệ phí, và ba chục phần trăm trả thuế theo luật nước Pháp. Kèm theo nụ cười rất tươi cho sở thuế của đất nước tôi.
Tôi thật sự mang món nợ ấy với họ!

4

Ở quần đảo Bahamas là nơi hết sức thuận lợi để dựng nên các công ty vô danh. Trong một chuyến đi chuẩn bị vụ Landau, tôi gặp cô ta ở Nassau. Một cô gái hơi nhỏ nhắn, tóc vàng ngả hung, có đôi mắt đặc biệt nổi bật: Ánh vàng, gần như trẻ thơ, ngay giây phút đầu tiên đã nhìn tôi với vẻ có thể gọi là dò hỏi, dường như cô ta đang thật sự đặt ra một câu hỏi gì đó về tôi.
- Đây là Franz Cimballi. Đây Catherine Varles.
Thiếu phụ giới thiệu hai chúng tôi với nhau là Suzie Kendall. Biết nhau từ nhiều năm nay, cũng có những kỷ niệm về những đêm điên cuồng ở Cannes, ở Portofino, ở Saint Moritz và gì gì nữa họa có Chúa mới biết. Trong căn phòng của tôi ở công viên St. James London, lúc cô gái nọ tự sát hai ngày trước khi tôi đi Kenya, Suzie đã ở đó với tôi. Tôi không tài nào nhớ ra đã ăn nằm với cô chưa, dù có đi nữa thì cũng không đáng lấy làm lạ. Sau hôm tôi đến khách sạn, hai chúng tôi đều sửng sốt khi gặp lại nhau. Cô ta chằm bặp ôm hôn tôi, tưởng tôi đã chết, hoặc tệ hại hơn đã xung vào đội Lê Dương, hỏi tôi có biết cô đã lấy chồng chưa.
Tôi nhìn cặp mắt ánh vàng.
- Pháp?
Cô gật đầu. Cô trạc mười sáu hoặc mười tám, tôi không rõ. Suzie nắm tay định lôi tôi đi.
- Franz, em sướng điên lên khi tìm lại được anh. Lại đây làm quen với chồng em. Có cả Peter Moses chồng Anita. Chắc anh vẫn nhớ họ. Ta sẽ làm một cuộc vui nổ trời.
Tôi gỡ tay, thật nhẹ nhàng nhưng kiên quyết.
- Ở Nassau một mình?
- Không một mình, - cô ta đáp. - Với nhiều bạn.
- Ở riêng chưa?
Cô ta cười.
- Chưa.
- Em có muốn lấy anh không?
- Không.
Tôi bảo Suzie: “Em đi trước đi. Bọn anh sẽ đến sau”. Và với cặp mắt ánh vàng: “Chúng mình cùng nhau làm một cái gì đi, cái gì cũng được nhưng phải làm ngay”.
Cặp mắt vàng ánh lên tia vui thích.
- Thuyền buồm?
- Ừ, thì thuyền buồm.
Bãi tắm riêng của khách sạn có những thuyền buồm hai thân xinh xắn. Hai chúng tôi mặc áo tắm bước lên thuyền. Tôi cố giương những cánh buồm chết tiệt lên, kéo, chộp bắt, thả ra, làm rối tung tất cả mọi sợi dây buồm quanh tôi. Kết quả thật thảm hại. Cô ta cười phá lên.
- Để đấy em. Anh học đi buồm ở trường nào thế?
- Học hàm thụ.
Cô nàng từ tốn, yểu điệu đưa đôi bàn tay xinh đẹp lên và chỉ trong nháy mắt con thuyền vượt đại dương chở chúng tôi lướt nhẹ trong im lặng. Sự im lặng thật hoàn toàn, không những vì không có động cơ mà còn vì tôi không nói một câu nào, điều gần như chưa bao giờ xảy ra đối với tôi, và vì thế mà cô ta cũng không phải trả lời tôi. Tôi chỉ ngồi nhìn cô, thế thôi, còn đôi mắt có đôi lúc cũng rời khỏi đường chân trời, cánh buồm trắng xóa, mặt biển Caribe xanh thẫm để cuối cùng vương vào ánh mắt tôi. Trong độ ba bốn chục phút như thế, rồi cô quay mũi thuyền vào bờ. Cô lẳng lặng mỉm cười đi về khách sạn. Còn tôi, để khỏi tỏ ra ngốc nghếch hơn nữa, nếu còn có thể thế, tôi ra sức kéo thuyền trên bãi cát cho thật xa ngấn thủy triều lên như nhân viên khách sạn đã dặn kỹ. Tôi kéo ra kéo, vừa kéo thuyền vừa nhìn theo cô. Nếu không có người giữ lại chắc chắn tôi đã đi thẳng vào phòng tiếp tân với chiếc thuyền sau lưng. Sau đó tôi ra bể bơi ở bên trái khách sạn và lại rơi vào Suzie.
- Nào, nào, - Suzie vẫy tay như một diễn viên balet đã hóa điên.
- Suzie...
Nó nhận xét: Hai người thật đẹp đôi. Con bé rất vừa với anh, anh không cao lớn quá mức.
- Thật đáng yêu. Cô ta hơi trẻ quá nhưng cả hai đều đáng yêu. Em nói điều ấy với...
- Suzie
- Gì vậy, anh Franz thân yêu?
- Cái mồm!
- Đây, cưng ạ.
Cô hôn tôi, tôi hôn cô rồi hai người tới gặp anh chồng, một cái mồm đầy răng với bộ râu kiểu Anh bao quanh. Cũng dễ có cảm tình, tuy hơn vợ đến hai chục tuổi. Cặp Moses và Anita đã có đây cùng nhiều đôi khác. Cả bọn uống champagne pha rượu punch, cách tuyệt vời để say mèm thật nhanh. Catherine Varles ngồi với cặp người Anh, sau đó khi trời tối, họ cùng bọn tôi tới dự buổi hòa nhạc của đội vệ binh Nassau tổ chức tại khách sạn Beach. Sau sáu tiếng liền nhảy Calypso, bọn tôi kết thúc đêm vui bằng bữa tiệc cua nướng ăn dưới ánh bình minh vùng biển san hô.
Lẽ ra ngay hôm sau tôi phải đi Paris gặp Lavater để xác định những chi tiết cuối cùng của cuộc hành quyết Landau. Nhưng tôi điện báo cho anh ta biết tôi sẽ đến chậm, không nói rõ tại sao; tất nhiên anh ta sẽ thắc mắc; tôi ở lại thêm vài ngày, sau đó lại thêm hai mươi bốn giờ phụ nữa. Và những giờ gần như chung sống với Catherine sẽ đặc biệt in sâu trong tâm khảm tôi, sau này không bao giờ có cái gì giống như thế nữa.
Để ghi nhớ đêm cuối cùng lưu lại Bahamas với Catherine tôi vận dụng hết sức tưởng tượng, thuê chiếc tàu đáy bằng thủy tinh qua đó nhìn rõ đáy biển san hô lộng lẫy, những đàn cá muôn màu. Tôi bắt lắp đèn pha, cho vài ba con thuyền hộ tống chở đầy nhạc công kết hoa chơi những bản nhạc êm dịu và hứng tình. Lúc đầu trò đó rất đạt, có thể nói là rất tuyệt vời nữa, nhưng sau đó một trận mưa giông nhiệt đới ập xuống, biến các con thuyền, nhạc và hoa thành những chiếc bè thảm hại; các ban nhạc bèn giở trò giỡn mặt tôi chơi bài “Được Tới Gần Chúa Hơn” bắt chước đồng nghiệp trên con tàu Titanic, phát ra những cung đàn lạc điệu kêu ồng ộc như thể hộp đàn và tâm hồn những chiếc vĩ cầm đang nứt rạn.
Tôi đưa cô ta về tận phòng. Hai người giống như đồ chết trôi cả với nhau.
Tôi bảo:
- Em biết đấy, anh thường gặp may trên trường đời. Không lần nào vồ trượt.
Im lặng.
Rồi tôi hỏi lại lần nữa xem cô có muốn lấy tôi không. Cô nhìn tôi nghiêm nghị:
- Chưa muốn.
- Nói “không” thì còn hiểu được, nói “chưa”, là thế nào?
- Vì em còn trẻ quá?
- Không phải chỉ vì thế.
Cô hôn lên má tôi.
- Vì anh có vẻ con người lông bông.
- Con người nhảy nhót. Cimballi không lông bông, mà nhảy. Anh, Cimballi là người như thế.
- Lông bông chạy theo cái mình đòi cho bằng được. Khi nào hết chạy mời anh đến gặp lại em.
- Mẹ kiếp! Nếu còn chạy hai mươi năm thì sao!
- Thì chạy thật nhanh lên. Hoặc nhảy nhanh lên.
Cô lại hôn lên má tôi (má bên kia), lướt qua môi tôi, đóng sập cửa.
Khi đến địa chỉ cô nói là chỗ cô ở cùng với bố mẹ ở quận XVI, tôi mới biết rằng, ở đó chẳng hề có ai tên là Catherine Varles.
* * *
Hôm sau tôi đi Paris, ở đó Landau như con cừu đi vào lò mổ vẫn chưa biết cái gì sẽ giáng xuống đầu. Tất cả lộn nhào hết; Landau, cặp mắt ánh vàng của Catherine, sự thông đồng với gã Thổ, chuyện xảy ra ở Hong Kong, tất cả đều diễn ra gần như trong cùng một thời điểm, và tôi đúng là có vẻ một gã luôn chân chạy. Quả là tôi luôn luôn rượt đuổi.
Như trong vụ móc ngoặc gã Thổ. Sau lần gặp nhau ở Hampstead, tự hắn tìm tôi.
- Franzy!
- Đừng gọi là Franzy. Franz, hoặc Cimballi.
- Đồng ý. Chỉ muốn nói với cậu rằng trong vụ Landau, mình đã đi xa hơn là...
- Tôi có yêu cầu thế đâu!
- Xa hơn là cậu yêu cầu. Mình sẽ còn đi xa hơn nữa. Vì đòn của cậu làm mình khoái, nó thối vô cùng, rất hợp ý mình và cũng vì mình mong được cậu cho một chân trong chuyến sau. Minh tin vào cậu, Allah ở cùng cậu người anh em ạ.
- Cả em gái cậu nữa!
Có Allah hay không thì không biết, chỉ biết rằng gã Thổ này rất thính mũi. Điều đã xảy ra ở Hong Kong với tôi sau đó lại xảy ra lần nữa, vào lúc món đồ vặt đang làm tài khoản của tôi ở Hong Kong, Thượng Hải phình lên rất nhanh.
Một buổi chiều thứ sáu, tôi thấy trên bàn làm việc ở đại lộ Des Voeux có mảnh giấy dặn tôi gọi cho số máy ở Đất Mới. Tôi quay số. Thoạt đầu chỉ có máy trả lời tự động bảo tôi đợi, sau đó có giọng nói tôi không nhận ra được ngay.
“Hak”. Khung cảnh cũ chợt tái hiện trong chớp mắt: Ngôi nhà ngầm một phần dưới biển, câm lặng như một ý tưởng, gã Tàu có cặp mắt thông minh, đôi chân thép lướt trên sàn nhà đen bóng trong tiếng lách cách nhẹ.
- Thưa ông Cimballi, chẳng hay ông có vui lòng đến nghỉ cuối tuần ở tệ xá không?
Sau lần hội kiến đầu tiên và duy nhất dưới sự bảo trợ của Ching gì đó, tôi chưa hề gặp lại ông Hak.
- Không có cái gì có thể làm tôi sung sướng hơn.
- Mời ông tự định lấy ngày giờ.
- Ngay ngày mai có được không?
- Sao lại không? Nghĩ đến lúc được tái ngộ tôi vô cùng hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn nếu Miss Kyle nhận lời cùng tới với ông.
Thế là gã đã biết Sarah. Còn cô này thì tò mò đến mức sẵn sàng bỏ qua trách nhiệm phải ở lại làm việc trong cái khách sạn chết tiệt của cô ta. Hơn nữa, có một điều khiến cô ả nhất thiết phải đi với tôi: Theo cô, trong tôi đã có một sự thay đổi nào đó. Thay đổi gì? Cô không biết, chỉ biết có thay đổi. Hình như tôi không còn như trước nữa sau chuyến sang Châu Âu và Bahamas. Quần đảo Bahamas. Cô gườm gườm nguýt tôi một nguýt, tỏ ra tinh ranh hơn bất cứ ai tôi đã gặp, sẽ gặp. Cô bảo: “Để rồi xem”.
* * *
Lần này có hai đầy tớ đứng đợi sẵn, một nam một nữ, khi chúng tôi đến ngôi nhà trên đảo.
“Ngài Hak sắp đến”. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi tham quan ngôi nhà. Sarah thấy ngợp:
“Thật điên rồ”.
Ông Hak xuất hiện sau lưng chúng tôi, tuy tôi đã báo trước nhưng Sarah suýt nhảy lên trần nhà. Cô thì thầm: “Mẹ kiếp, hắn đi không chạm đất!” - “Thì anh đã nói rồi, hắn di chuyển trên đệm không khí”.
- Các vị có ưng thức ăn Tàu không?
Cá nhân tôi thì không nhưng Sarah được dịp thỏa mãn khẩu vị bằng những món kì quái nhất. Có bốn người ăn, cô cháu ông Hak đóng vai thù tiếp, nói tiếng Anh như gió, thông thạo cả đến xứ Ireland để chịu chuyện với Sarah, tuy cô này không cần ai hâm nóng lòng ái quốc ái quần. Bữa tiệc như của chàng khổng lồ Pantagruel. Nếu nói được như thế bằng tiếng Tàu: Tôm sú tẩm bột, đùi ếch tẩm gừng, ngỗng tần mật ong, mực xào gan gà vịt, chim câu hầm ngọc trai, óc và dạ dày con gì ấy, gà rong câu, vây cá mập, yến sào... nhắm với Mao Đài tửu, rượu nho Tàu thật đặc biệt có đầy đủ mùi và độ đậm của người Tàu. Tuy thế vẫn chưa ăn thua gì với bữa trưa hôm sau, họ cho ăn một bữa tiệc rắn: Trăn, hổ mang, rắn ráo... Kết thúc bằng món dân Tàu gọi là Tam Quý Long (trăn), Hổ (mèo) và Phượng (gà) trộn nháo nhào. Thật lạ!
Cả hai tiệc đều dọn trước cảnh đáy biển chiếu sáng trưng. Để chúng tôi vừa nhậu vừa ngắm bọn cá mập tung tăng, họ móc những tảng thịt lớn tướng vào những móc sắt hàng thịt. Nhưng chỉ có mỗi một con có nhã ý đến cho chúng tôi chiêm ngưỡng: Con cá nhám voi dài có đến bảy tám mét. Tuy thế nhờ có chất Mao Đài, tôi trông thấy cả một hội đông đúc.
Sáng ra tôi xuống nhà đã thấy ông Hak dậy rồi. Đang ngồi đánh cờ một mình.
- Dùng cà phê nữa?
- Vâng, cảm ơn.
Ông nói về sự nhanh nhạy và hiệu quả của tôi trong vụ đồ vặt. Rồi dẫn dắt:
- Tôi còn nhiều món làm ăn với anh. Anh có thể tận dụng mạng lưới do anh thiết lập được trong thời hạn ngắn đáng khâm phục vào nhiều việc buôn bán khác, không phải chỉ đồ vặt mà còn nhiều thứ hàng nữa. Nhưng tôi biết, buôn bán không làm anh quan tâm. Đúng không?
- Đúng.
Cặp mắt tinh ranh dán vào tôi, đánh giá tôi. Chắc hẳn lão có điều gì đặc biệt muốn ướm hỏi nhưng còn do dự. Biết rõ vậy, tôi chờ đợi:
- Miss Kyle?
- Theo tôi biết, chưa đến ngọ thì cô ta chưa dậy?
Lão đi nước cờ cuối cùng, rồi quyết định thao tác trên bảng điều khiển ở đùi. Một chiếc bàn hiện ra, trên mặt thảm nhung đen có cái tráp sắt.
- Ông Cimballi có nghĩ tới điều sẽ xảy ra cho ông nếu ngày nào đó tôi không hài lòng vì ông?
Tôi nuốt nước bọt.
- Ông đừng nói ra. Xin dành cho tôi sự bất ngờ.
- Tôi sẽ giết anh.
- Tuyệt!
Tôi sợ thật sự. Nhìn nhau tủm tỉm. Không khí nặng nề đến nỗi tôi tưởng như ù tai.
- Một câu hỏi khác. Anh biết những gì về chuyện đầu cơ vàng và ngoại tệ?
- Gần như không. Không, hoàn toàn không.
- Nhưng chắc anh sẽ hiểu rất nhanh.
- Sẽ cố gắng.
- Tôi cần đến anh để thực thi một chiến dịch được hoạch định, chỉ hai người được biết tôi là người đề xướng. Anh và tôi.
Nghĩa là nếu bí mật bị tiết lộ, hẳn không phải do lão mà dứt khoát là do tôi hở miệng. Tôi càng thấy khó nuốt trôi nước bọt quá. Chui đầu vào tổ ong vò vẽ mất rồi.
- Tôi đang nắm giữ một thông tin hết sức quan trọng. Muốn sử dụng nó vào mục đích riêng. Nhưng tôi không trực tiếp ra tay được, cũng không thể ủy thác cho một ngân hàng Hong Kong nào làm ăn hoàn toàn hợp pháp. Những việc anh sẽ làm nhân danh tôi không bao giờ đặt anh vào tình thế bất hợp pháp. Nếu anh nhận.
- Nào tôi biết phải làm gì!
- Tôi sẽ hướng dẫn mọi chi tiết kỹ thuật cần thiết.
- Nhưng vẫn giữ kín thông tin quan trọng ông vừa nói tới?
- Đúng thế. Dĩ nhiên anh sẽ ăn to nếu chịu chơi.
Đôi mắt đen của lão to hơn mắt dân Tàu bình thường, sau này hiếm khi tôi gặp cặp mắt tinh nhanh đến thế. Vả lại, không cần gì nhiều để tôi đi đến chỗ có cảm tình, thậm chí có tình bạn với con người này; chỉ cần tôi thấy hết sợ lão ta.
- Tôi vẫn có quyền từ chối?
- Vẫn.
Lão đã hơi ngập ngừng một chút. Tôi nói:
- Nhận!
Lão gật đầu. Cặp chân thép duỗi ra, bước đi bằng động tác búp bê máy chở lão tới bên chiếc tràng kỉ phủ gấm thêu tuyệt đẹp. Lão ngồi xuống đó. Sờ tay vào bảng điều khiển trên đùi.
- Quên mất món cà phê ban nãy anh hỏi.
- Không vội gì.
Con cá nhám voi đã biến mất. Thay nó là một con nhám khác đang lướt nhẹ, quay ngoắt quanh những khúc thịt đỏ lòm treo vào móc sắt. Chiếc bàn thứ hai hiện ra, chở một bộ ấm chén tinh xảo nhưng tôi vẫn không rời mắt khỏi chiếc bàn thứ nhất phủ nhung đen chở chiếc tráp sắt từ nãy vẫn đứng yên tận cuối căn phòng vách thủy tinh này, tựa hồ nó không được phép xen vào cuộc bàn cãi của chúng tôi. Bây giờ nó bắt đầu hoạt động, nó lặng lẽ chạy lại với tôi với điệu bộ sinh vật làm tôi cảm thấy bồn chồn. Nó đi thẳng đến chỗ tôi, dừng lại vừa tầm tay.
- Anh làm ơn mở giùm tráp.
Tôi làm theo. Các bó giấy bạc hiện ra.
- Một trăm triệu đôla đấy, anh Cimballi. Xin gửi anh. Tất nhiên anh đừng để chúng lạc đường thì tốt hơn.

5

Nước nào cũng có thứ tiền của mình, tiền các nước chuyển đổi trong quá khứ xa xăm, sự chuyển đổi này là lí do tồn tại của những người ngày nay được gọi là nhà kinh doanh tiền tệ, thời ấy họ hành nghề trên chiếc ghế dài. [Banque (ngân hàng) gốc từ banc (ghế dài), ngay trên đường phố]. Ví dụ bạn có florin Hà Lan nhưng lại cần có peseta Tây Ban Nha. Bạn đi mua đồng tiền thứ hai bằng đồng tiền thứ nhất theo tỉ giá giữa hai thứ tiền. Bạn đưa florin nhận peseta. Bạn vừa hoàn thành một cuộc đổi tiền rất đơn giản.
Chỗ lí thú trong việc này xuất hiện khi bạn mua ngoại tệ hoặc vàng mà không trả tiền ngay, mua hoặc bán chịu. Đôi khi bạn cần làm như vậy vì công việc, nhưng nó còn là một trò chơi đầy ma lực, rất nguy hiểm, có thể được lớn mà cũng có thể thua to. Bạn ngụ ở Bresse bên Pháp, chăn nuôi gà, những chú gà béo tròn mềm mại có cặp mắt to nũng nịu. Bạn bán gà cho một người ở New York chẳng hạn. Tất nhiên người ấy phải trả bằng đôla. Vì Bresse không ở liền cạnh New York và vì hàng loạt lí do khác, khách hàng không thể trả tiền ngay hôm bạn gửi gà đi, mà chỉ trả khi nhận được gà, có khi còn muộn hơn nếu bạn chịu nhận hối phiếu. Tóm lại bạn sẽ nhận được tiền gà sau ba tháng. Bạn bán một nghìn con, mỗi con mười đôla (loại gà có cặp mắt rất nũng nịu) và sẽ nhận được mười ngàn đôla sau ba tháng. Bạn không khoái lắm vì phải chờ ba tháng, và trong ba tháng ấy đồng đôla có thể mất giá. Nghĩa là khi kí kết hợp đồng bán gà thì một đôla ăn năm franc, nhưng sau ba tháng bạn sẽ không được lĩnh năm chục ngàn franc mà có thể chỉ bốn tám, hoặc bốn lăm, có khi chỉ bốn chục ngàn franc. Phải chấp nhận sự rủi ro, bạn tới ngân hàng trình bày đầu đuôi. Ngân hàng sẽ hiểu ngay; họ rất thông minh trong việc này. Ngân hàng nhận mua trước số tiền mười ngàn đôla đó, sau khi đã kiểm tra khả năng thanh toán của anh bạn hàng Mỹ kia. Ngân hàng trả ngay cho bạn mỗi đôla ăn năm franc, trừ lãi suất một phần trăm tháng, mười hai phần trăm năm và phí bảo hiểm. Nói cách khác, ngân hàng chịu thay cho bạn sự rủi ro đồng đôla mất giá. Họ đã được bảo hiểm một phần rồi. Và nếu gặp may, giá đôla tăng lên họ sẽ được lợi lớn.
Đấy là trường hợp việc mua bán này do một nhà kinh doanh tài chính đeo trên ngực tấm Bắc Đẩu Bội Tinh, bận quần lửng, đứng ra chấp nhận sự rủi ro đồng đôla có thể tăng hoặc giảm giá trị trong một thời gian ngắn hoặc dài - nhân danh một tình yêu hoàn toàn vô tư đối với nền tự do kinh doanh. Còn nếu do một con người bình thường tiến hành, như tôi chẳng hạn, chỉ cốt thu lời, là mục đích không bao giờ ông chủ ngân hàng đặt ra, thì người ấy sẽ bị coi là một tên đầu cơ đốn mạt. Điều phải chứng minh là như vậy.
* * *
Ngày 11 tháng sáu, tôi lên máy bay. Không đơn độc; đến phút cuối cùng, Sarah đột nhiên đổi ý làm tôi ngớ ra: Cô quyết định đi.
- Thế khách sạn của em?
- Quỉ tha ma bắt nó đi.
- Sarah, có chuyện gì thế?
- Đâu có, chẳng có chuyện gì hết!
Vẫn cái nhìn quái quỉ, mặt hơi ngửa ra sau, mắt lim dim lấp lánh vẻ giễu cợt, tuồng như coi tôi là thằng cha trông tức cười nhất thế giới.
- Em thực bụng nói là sẵn sàng bỏ việc làm quí báu của em chỉ vì muốn đi với anh?
- Nếu không thích có em thì cứ nói thẳng.
Một hình ảnh chợt tái hiện: Giữa đám đông đen bóng trên đại lộ Kilindini ở Mombasa, nụ cười chế giễu và thân tình của Sarah tặng cho tôi đang ngồi trong cũi như một con thú. Nụ cười đã sưởi ấm tôi chính vì nó có vẻ giễu và thân tình, như muốn nhắn nhủ không sao, không có gì nghiêm trọng đâu, lại còn ngộ ngộ là khác.
- Anh rất cần có em, cần từ khoảnh khắc gặp em lần đầu.
- Anh yêu, nghe anh nói mà mát lòng mát dạ! Tất nhiên em trả tiền mua vé của em.
Cô nhận lời cùng đi một chuyến. Nhận cả chầu champagne tôi đãi trên máy bay, vừa nhấm nháp vừa nhìn bình minh ló dạng trên quần đảo Hong Kong, rải rác trên mặt biển Trung Hoa.
Đích của chúng tôi: Zurich qua Roma.
* * *
Tôi đã nói: Các dữ kiện chồng chất, Alfred Morf đưa tôi ra cửa hôm tôi rời London ngày 23 tháng 11 năm 1969; tôi tới Mombasa ngày hôm sau, 24; đến soát ngôi nhà St. Tropez một đêm trong tuần thứ hai của tháng Bảy; cũng vào thời gian này tôi tiếp xúc với Lavater; vài ngày sau tôi ra đi vĩnh viễn khỏi Kenya; sang Hong Kong gặp ông Hak rồi tung món đồ vặt lạ mắt ra thị trường vào tháng Mười; đi London, Paris, Geneva, gặp các cô nàng Ute và Letta ở Roma, cô Sarah sang Hong Kong với tôi; nhân dịp Noel vợ chồng Lavater đến ở với tôi tại Victoria Peak và cùng nhau thảo kế hoạch đánh Landau; khởi sự tấn công hắn vào tháng Hai vào dịp tôi găp Catherine Varles ở Nassau, Bahamas, cuộc tấn công dựa vào kết quả gặp gã Thổ, kéo dài trong những tháng tiếp theo đồng thời với cuộc nghỉ cuối cùng trên hòn đảo của ông Hak; lời đề nghị kỳ lạ của ông ta.
Lời đề nghị ấy khiến tôi đáp máy bay đi Zurich, đi xe hơi, thẳng tới cổng khách sạn Baur bên hồ. Tôi tới đây một mình. Một lần nữa Sarah lại chứng minh với tôi cô là người khó đoán trước: Khi tạm dừng ở Roma đột nhiên cô báo cho tôi biết với vẻ mặt thản nhiên và nụ cười châm biếm, rằng cô không cùng đi với tôi sang Thụy Sĩ nữa trái lại cô vừa quyết định đi một mình về Dublin.
- Em sang Ireland làm quái gì vậy?
- Thăm bố mẹ.
- Bao năm nay em không về, không thư từ rồi còn gì?
- Vì thế càng cần phải về.
Không moi được gì hơn. Một bức tường, tuy cô nàng vẫn mỉm cười bình thản. Cô ôm hôn tôi.
- Em sẽ điện về khách sạn ở Zurich.
- Không biết anh sẽ ở đây bao lâu.
- Nếu vậy, em sẽ hỏi Lavater. Hắn biết chỗ anh, phải không?
- Đồ quỉ!
- Đúng đấy anh yêu!
* * *
Ngày 12 tháng sáu tôi đổ bộ xuống Zurich. Nếu tính cả tình thế do Sarah tạo ra, đến nỗi bực tức cô gây nên, hoàn cảnh của tôi là như thế này: Việc kinh doanh đồ vặt tiến triển rất tốt, nhờ nó tôi thanh toán xong với gã Thổ năm triệu franc tiền mua bản khế ước của Landau, còn thừa một triệu đôla và một ít “bụi bặm”, đó vẫn là nguồn lợi lớn nhưng đã có dấu hiệu báo trước nguồn này đang cạn dần; đã có những kẻ chu đáo hơn, kiên nhẫn và được trang bị mạnh hơn tôi đang sắp nhảy vào thay chân tôi, nhất là bọn Nhật.
Tôi có trong tay một triệu đôla và số lẻ. Tôi quyết định tung một triệu này góp vào số một trăm triệu của ông Hak gửi. Món nào hời cho ông Hak tất nhiên cũng hời cho tôi, cả xứ Hong Kong này ca tụng tài kinh doanh của lão. Tung hết vào đây là sự liều mạng đối với tôi vì tôi chỉ còn chừng ấy tiền, vì tôi sẽ chỉ còn duy nhất tiền lãi bán đồ vặt để chi tiêu hằng ngày, số lãi này càng ngày càng giảm. Tệ hại hơn nữa; ném một triệu bé bỏng này vào cùng với tiền ông Hak phải sau ba tháng nữa, tức là đến tháng tám mới biết kết quả. Tức là chỉ hai ba tuần trước cuộc bán đấu giá nhà máy bia lần thứ hai, ở đó tôi phải chìa ra năm, sáu triệu franc để chiếm được hoàn toàn cơ ngơi của Landau.
Đây là cú nhào lộn siêu đẳng; tôi biết rất rõ như vậy.
Xế trưa ngày 12 tháng sáu, theo lời giới thiệu của ông Hak tôi tới chi nhánh ở quảng trường Paradeplatz của công ty ngân hàng Thụy Sĩ, đặt trụ sở chính ở Bâle. Tôi gửi vào, đúng hơn là chuyển vào đó số tiền một trăm lẻ một triệu đôla trong tài khoản đứng tên tôi rải rác khắp các ngân hàng trên thế giới.
Chiến dịch tôi sắp mở, theo đúng chỉ thị của ông Hak (trừ một triệu con con của riêng tôi tuồn lẫn vào trong gói) là một vụ đầu cơ đôla và vàng. Bằng cách mua chịu vàng trả bằng đôla sau ba tháng. Làm như sau: Tôi yêu cầu ngân hàng Thụy Sĩ đứng tên - nhưng do tôi chịu rủi ro - ký hợp đồng với một ngân hàng Hoa Kỳ, ví dụ ngân hàng Quốc Gia Số Một, trị giá năm trăm lẻ năm triệu đôla, qua hợp đồng này ngân hàng Thụy Sĩ cam kết sau ba tháng sẽ giao năm trăm lẻ năm triệu đôla cho ngân hàng Quốc Gia Số Một, còn ngân hàng này phải cam kết sẽ giao số vàng tương đương với số tiền ấy theo thời giá hiện hành của đồng đôla. Nếu trong thời gian đó đồng đôla bị sụt giá so với vàng, ngân hàng Thụy Sĩ sẽ mua số đôla ấy đúng vào thời điểm phải giao nộp để trả cho ngân hàng Quốc Gia Số Một. Anh này dù không muốn vẫn phải giao số vàng theo giá cũ từ ba tháng trước, khi đồng đôla chưa sụt giá. Cả hai ngân hàng chẳng thua thiệt gì: Họ chỉ đứng tên để giao dịch chứ không bỏ tiền. Chỉ có khách hàng đứng mũi chịu sào: Ở Zurich là Hak và tôi, ở New York hoặc ở một guichets bất kì của ngân hàng Quốc Gia Số Một là một gã nào đó, hai đối thủ chọi nhau bằng sự tăng và giảm giá đồng đôla (hoặc của bất cứ đồng tiền nào, của vàng hoặc bắp, lúa mì, đồng, hoặc bất cứ hàng gì đang có giá).
Nếu khách hàng chơi trò đầu cơ này vẫn là người có máu mặt xưa nay, có khi ngân hàng không yêu cầu phải kí quĩ, thành ra gã đầu cơ được đặt vào tình thế rất kỳ lạ: Nếu hắn ta trúng quả, hắn thu lãi qua việc bán hàng triệu đồng toàn nước bọt, trong tay chẳng có đồng vốn nào mà được lời vô kể. Tất nhiên, nói chung các ngân hàng thường đòi kí quĩ. Mặt khác tính cẩn thận đáng yêu của các chủ ngân hàng đã nặn ra rừng tiếng Anh rất đẹp margincall có nghĩa là nếu trong thời gian thỏa thuận, sự biến động trên thị trường vượt quá số tiền kí quĩ hoặc vượt quá khả năng chi trả của khách thì ngân hàng có quyền đòi bổ sung, nâng thêm độ an toàn “Xin trả thêm nếu không thì ngài bể mánh và mất đứt tiền cược”.
Ông Hak biết rõ những điều ấy, chính lão đã giảng giải cho tôi. Theo tỉ lệ phải kí quĩ mười phần trăm giá kinh doanh, cứ có một trăm triệu đôla trong tay lão có thể thực hiện việc chuyển dịch trị giá một tỉ đôla. Lão khôn ngoan xin ký quỹ với tỉ lệ hai chục phần trăm, chấp nhận khả năng giảm một nửa tiền lãi nhưng lại thủ tiêu được triệt để khả năng phải trả thêm margincall. “Ngộ nhỡ vẫn có, tôi gọi điện cho ông chứ?” Ông Hak: “Gọi cho Li và Liu”. - “Hai thằng hề chuyên về đồ vặt và kĩ xảo điện ảnh này sao lại chen vào đây?” - “Vì chúng là cháu tôi, anh không biết sao?”. 
Mẹ kiếp! Có ai nói cho đâu mà biết!
Đại diện giám đốc ngân hàng Thụy Sĩ chưa gặp tôi lần nào.
- Năm trăm triệu đôla phải không?
- Năm trăm lẻ năm triệu.
Dưới vẻ mặt thản nhiên nghề nghiệp, thực ra anh ta đang bối rối: Số tiền không bình thường, tuổi trẻ của tôi làm anh ta ngần ngại.
- Có cần xem hộ chiếu?
- Vâng, xin cảm phiền.
Rõ ràng tôi đã đủ hăm mốt tuổi, rõ ràng tôi vừa nói năm trăm lẻ năm triệu, kí quĩ một trăm lẻ một triệu. Anh ta xem kĩ các lệnh chuyển khoản, cộng lại thành số tiền tôi gửi.
- Số tiền lớn tôi cần xin lệnh cấp trên trước khi thỏa thuận với anh.
Tôi trả lời: Rất thông cảm. Tất nhiên chỉ có anh ta và người cấp trên chuyên trách các tài khoản đánh số là hai người duy nhất ngoài tôi ra, được biết rằng tài khoản số 18790 do ngân hàng Thụy Sĩ đứng tên để thực thi việc chuyển dịch năm trăm lẻ năm triệu đôla thành vàng, thực ra là của Franz Cimballi. Chính tôi.
- Tôi sẽ trở lại sau một giờ, được chứ?
Anh ta trả lời được. Tôi ra ngoài; Zurich là nơi tôi đã tới cùng với mẹ tôi hồi bé, hai mẹ con đã từng ngồi tàu đi chơi trên hồ; trong kí ức tôi vẫn còn in sâu hình ảnh dãy Alpes xanh ở Glaris khi hoàng hôn xuống, bờ hồ vách đứng như sắp đổ dưới những ngôi biệt thự tuyệt diệu. Zurich là nơi mẹ tôi đã sống thời thơ ấu khi chạy trốn khỏi nước Áo phát xít, nơi bố mẹ tôi gặp nhau. Bây giờ tôi đang ở đây. Khoảng hơn một giờ sau, qua nhiều lần ngược xuôi đại lộ Bahnofstrasse, sau khi đã trông thấy mặt tiền nhà ngân hàng tư nhân Martin Yahl trên bến Guisan như khi ở Geneva, tôi quay lại gặp người đại diện giám đốc. Họ bằng lòng, chấp nhận rủi ro. Đối với họ nào có rủi ro gì!
Tôi về khách sạn, gọi gã Thổ. Gã phản ứng nhanh hơn tôi tưởng. Mới nói ba câu gã đã hiểu ra.
- Anh ở đâu, Franzy?
- Franz.
- Anh ở đâu?
- Zurich.
- Chỗ nào?
- Khách sạn Baur.
- Sai lầm. Bọn kinh doanh tiền tệ đều ở đấy cả. Cậu sẽ bị chúng tỏi. Mình không muốn bị chúng bắt gặp ở đấy cùng với cậu, Yahl hơi mạnh hơn mình. Sẽ tới Dolder. Năm giờ sẽ có chuyến bay. Hẹn gặp ở Dolder ăn tối. Cậu chi tiền.
Phản ứng nhanh nhậy của gã làm tôi ngạc nhiên, nhưng gã giải thích cho tôi ngay khi ngồi riêng với nhau. Ngồi riêng chỉ là cách nói thôi: Gã kéo theo bốn ả, nhìn cảnh bọn bồi bàn của Dolder đỏ lựng mặt khi len lỏi giữa những thân hình gần như trần truồng này cũng đủ bõ cất công tới đây. 
- Trên máy bay đã trần truồng rồi?
- Đậy bằng chiếc dù; mình chưa đến nỗi thành quái vật. Thôi, nói chuyện nghiêm chỉnh đi, kể nghe thử.
Chẳng bao lâu tôi đã kể hết và ngạc nhiên thấy các tin tức của tôi rõ ràng không có trọng lượng nhiều, Cặp mắt mượt như nhung của gã Thổ nhìn tôi chằm chằm.
- Tóm lại, cậu buộc mình đi theo, nhả tiền ra, vì thằng cha Hong Kong nắm được nguồn thông tin cho biết đồng đôla sắp sụt giá?
- Mình không buộc, chỉ đề nghị thôi. Do cậu quyết định.
- Cậu có tin thằng Tàu dở hơi ấy?
- Có chứng cớ.
- Cái thằng gàn đi trên không khí, dưới đáy biển mà lại có những tin tức người khác không có?
Tôi có suy nghĩ của tôi. Ông Hak không kinh doanh riêng lẻ, ông có liên hệ với Bắc Kinh, đó là một nguồn tin. Sau này tôi còn được biết cuộc viễn du bí mật của Kissinger đến Bắc Kinh, những cuộc tiếp xúc kín đáo hồi này biết qua báo chí như mọi người khác, và tôi chỉ việc chắp nối mối quan hệ nhân quả.
Gã Thổ vẫn nhìn tôi:
- Cậu tung vào đấy bao nhiêu?
- Một triệu.
- Đôla Úc hay Hong Kong?
Tôi nhún vai:
- Mỹ.
Gã huýt gió:
- Thế mà mới vài tháng trước, cậu mua của tớ bản khế ước bằng năm triệu franc Pháp. Khá khen! Cậu lên mây?
- Sáu mươi tám tuổi, Thổ ạ! Khi chúng mình chia tay hồi tháng hai ở London, cậu dặn tớ rủ cậu tham gia vào vụ làm ăn sau đó của mình. Rồi lại nhắc một lần nữa. Mình thả thang máy xuống cho cậu lên, thế là sòng phẳng với nhau chứ!
- Nếu trúng quả.
- Đúng, nếu trúng.
Gã Thổ mút con tôm hùm. Lắc đầu:
- Mình đến phát khóc lên vì vui mừng, lòng tràn ngập biết ơn cậu, Franzy!
- Cậu làm mình căng đầu quá. Đừng gọi mình là Franzy.
Gã tiếp tục lắc đầu, chùi mồm, uống cạn li champagne.
- Đánh cá con Rồng Bạc mười bốn ăn một! Cứt thật! Tớ sẽ nhớ đời. Con nghẽo đó là cái gì? Điệp viên của Mao chắc? Chơi, Cimballi, tớ chịu chơi! Tớ cũng buộc như cậu; một triệu đôla. Tôi đã theo cậu và còn theo tất cả những đòn đánh Landau. Tớ không biết cậu thù hằn gì nó nhưng rõ ràng cậu đang giết nó. Răng cậu to thật, chú bé!
Gã tủm tỉm cười nhìn tôi bằng cặp mắt đàn bà. Bất thình lình gã đưa cánh tay gấu chộp lấy gáy tôi; chưa kịp phản ứng gì, môi đã bị ngoạm chặt. Tôi dãy giụa, vớ được cái gì đánh bằng cái ấy. Hóa ra là con dao, má gã đã bị cứa nhẹ, môi bị một nhát khá sâu. Gã lùi lại, gào lên cười, mặc cho máu túa ra.
- Mình chỉ muốn bộc lộ tình bạn thân thiết, - gã nói giữa hai trận cười.
- Còn làm thế nữa tớ sẽ giết!
Gã im bặt. Không phải vì sợ, gã đâu có biết sợ là gì. Nhưng thái độ quyết liệt của tôi làm gã sửng sốt và thắc mắc. Gã lim dim mắt.
- Cậu bị kích động quá đấy, Franzy. Vì đứa nào? Chắc không phải Landau. Nó là đồ mạt hạng như mình đã nói: Vậy đứa nào? Yahl? Nó mạnh hơn cậu nhiều. Cả hai đứa mình hợp lại, nó vẫn còn mạnh hơn hai mươi lần.
Bữa ăn vừa mới bắt đầu, nhưng tôi khinh bỉ ném xuống bàn một đồng tiền rồi bỏ đi.
* * *
Tôi mong đợi một tín hiệu nhắn gọi của Sarah, nhưng chẳng thấy gì. Bỗng nhiên nhận thấy mình biết về cô quá ít; có lẽ cô không ở Dublin. Cô sẽ còn im hơi lặng tiếng lâu, ngoài lá thư, thực ra chỉ là mẩu giấy ghi vắn tắt quẳng ở nhà Lavater: “Nhờ anh bảo Franz đừng lo lắng. Tôi chỉ muốn yên tĩnh một mình thôi”. Sau này được giải thích về sự im lặng đó tôi mới hiểu. Còn bây giờ, chỉ thấy tức giận phát điên. Bỏ rơi tôi vào giữa lúc này. Đến nỗi tôi không ngần ngại quay số máy ở Kensington, London, chẳng cần nghĩ cũng nhớ ra ngay vì đã gọi về đó nhiều lần trước. Một giọng ngái ngủ đáp lại.
- Suzie phải không? Franz đây.
- Trời! Anh biết đang mấy giờ không?
- London đang ba giờ sáng.
- Có một thời giờ này là giờ tốt nhất của em. - Cô thì thầm - Em lấy chồng rồi, nỡm ạ.
- Anh muốn biết địa chỉ Catherine Varles.
Im lặng. Tôi đã đoán trúng: Hai ả thông đồng nhau.
- Hôm ở Nassau, cô ấy đã cho anh địa chỉ ngay trước mặt em.
- Có, một địa chỉ ở Paris, anh đến đấy tìm và thấy một thứ công chứng viên người ở tận Breton, tính nết rất khó chịu, nó coi anh là thằng điên và tống cổ ra ngoài. Thôi Suzie, đừng giả ngây giả dại nữa, nếu không anh sẽ sang London kể hết với chồng em.
- Kể hết cái gì?
- Nhớ lại xem.
Nếu cô ả, cũng nhớ được ít chuyện cũ giống như tôi thì càng hay.
- Đồ khốn, em chẳng hiểu anh nói gì nữa.
- Anh muốn biết địa chỉ đó mà Suzie.
Cô ta im lặng rất lâu, tôi tưởng đường dây đã bị cắt. Mãi mới nói:
- Thôi được. Vả lại, đằng nào nó cũng đã hỏi thăm tin tức về anh rồi. Hai người liệu thu xếp. Chỗ ấy là Fournac, bên Pháp, vùng Thượng Loire, gần một nơi khỉ ho cò gáy gọi là Chomélix.
- Này, cô lại nói vờ...
Suzie đã gác máy.
Fournac chẳng là cái gì, hoặc chỉ là một nơi không đáng gì. Chỉ cần đi vòng qua thân cây, nhấc vài tảng đất là trông thấy làng, nếu có thể gọi đấy là cái làng. Lúc đến thành phố Lyon tôi gọi điện thoại cho viên thư ký tòa thị chính để hỏi thăm đường, và đi theo đúng lời chỉ dẫn của anh ta. Tôi còn gọi cả cho Lavater ở Paris hỏi anh có nhận được tin tức gì của Sarah không. Anh trả lời không - vì lúc ấy chưa nhận được mảnh giấy vắn tắt báo cô ta chỉ cần yên tĩnh một mình.
Ngôi nhà rất lớn, không dưới hai chục phòng. Tôi nhấn còi rất lâu mà không thấy ai thưa. Tôi bèn vào thẳng gian bếp rộng, tối, trong có hai người đàn bà đang gọt khoai. Người trẻ hơn độ sáu mươi tuổi. Cả hai đều có ria mép như những gã Hungari.
- Tôi tìm cô Varles, Catherine Varles.
Cả hai cụ vẫn nhìn củ khoai đang gọt, coi như không có tôi.
- Nói đi, nếu không tôi sẽ cởi truồng và gào lên bây giờ!
Hai cụ quyết định thừa nhận sự có mặt của tôi. Ngón cái tay phải ướm lên lưỡi dao. “Ở đằng kia”. Tôi trở ra ngoài vườn, trèo lên mô đất phủ cỏ, trồng nhiều cây đại thụ, từ đây nhìn xuống thung lũng rất đẹp. Bên phải có con đường nhỏ xuống dốc, tôi xuống theo dốc. Qua vườn cây, một mảnh đồng cỏ, nghe tiếng nước sông trong trẻo. Con đường mòn luồn qua tán lá đổ ra cánh trảng nhỏ.
Nàng đang ở đó. Nàng ngồi ngay ngắn trên khúc gỗ, nghiêng mặt quay đi, da rám nắng, thân hình mảnh mai, xinh đẹp hết mức. Cạnh nàng có con chó to kềnh, giống chó ở đảo Đất Mới, nặng đến tám chục ký đang nằm ngủ.
Nàng cảm thấy tôi đang tới, yểu điệu quay sang nhìn tôi, trong mắt lóe lên tia vui sướng pha lẫn chút giễu cợt:
- Anh đi tìm có dễ không?
- Chẳng có vấn đề gì, sau vài tuần.
Con chó vẫn ngủ. Tôi đập nhẹ mũi giầy lên người nó:
- Sẵn sàng chiến đấu, chú vệ sĩ!
Chó mở một bên mắt lườm tôi rồi ngủ tiếp.
- Sao em không đóng yên lên lưng nó?
- Làm thế nó bị nhột.
Tôi nhìn quanh: Nơi đây thật đẹp, toàn cây và hoa, con sông nhỏ róc rách, tô điểm bằng đàn chuồn chuồn, bươm bướm vờn múa khắp nơi, và nắng.
- Anh ngồi được chứ?
Cặp mắt ánh vàng tươi tỉnh.
- Mmmm...
Tôi ngồi xuống cỏ dưới chân nàng, quay nhìn ra con sông. Tôi gối đầu lên đùi nàng. Lát sau, bàn tay nàng lướt nhẹ lên vai tôi, ngón tay gần chạm vào má. Thời tiết tuyệt diệu. Tôi hoàn toàn sung sướng.

6

Tháng bảy đến rồi đi, tôi vẫn không có tin gì về Sarah ngoài mảnh giấy đã nói trên. Sực nhớ có một hôm cô ta đã nói đến một thành phố ở Ireland, tôi tra cứu bản đồ và tìm ra cái tên đó: Ennis, quận Clare, gần sân bay quốc tế Shannon. Tới Ennis tôi tìm ra nhiều cô có họ Kyle nhưng không cô nào có chị em xa hay gần tên là Sarah làm trong ngành khách sạn. Tôi dò hỏi không sót nơi nào, tiếp xúc cả với khách sạn White Sands ở Mombasa, hỏi tất cả các chủ cũ và những người cùng làm với cô, hỏi cả nơi chỉ trọ có vài ngày như khách sạn Parador ở Morzine. Không thấy gì. Biệt vô âm tín hoàn toàn. Cô biến mất không để lại chút dấu vết nào.
Thiếu vắng cô kia nhưng vẫn không được tận hưởng cô này. Chương trình nghỉ hè của Catherine chẳng ăn nhập gì với tôi: Tháng Bảy đi tham quan các đảo Hy Lạp, cả tháng Tám nghỉ chơi ở nhà bạn bè người Mỹ mà cô nhất định giấu tên. Sau đó? Chương trình đại học; dù sao nàng cũng vừa thi đỗ tú tài, điều mà tôi không hề biết. Từ Fournac tôi chỉ ở gần nàng có một thời gian ngắn, vì nhà này là của một ông chú, ông chú này tuy chưa đến nỗi hằn học nhưng cũng tỏ vẻ bực mình thấy có tôi trong nhà nên tôi không muốn ở lỳ.
Vợ chồng Lavater mời tôi nghỉ hè ở nhà nông thôn của họ phía Chagny. Chỉ một tuần mùa hè thôi vì họ cũng có chương trình đi chơi năm tuần ở Yucatan hoặc một nơi khác không kém vớ vẩn, từ 10 tháng Tám đến 15 tháng Chín. Họ rủ tôi cùng đi, nhưng thà bị treo cổ còn hơn đi Yucatan! “Franz, ngôi nhà Chagny là của cậu bất cứ lúc nào cậu cần đến, trong bao lâu cũng được”. Marc và Francoise hơn tôi ít ra cũng hai chục tuổi, tôi chỉ đáng tuổi con họ; nhưng cũng đã qua thời cần có bảo mẫu.
* * *
Cú điện thoại tới gã Thổ, gã đang rất phấn khích sau khi vừa nghe tin các công ty đa quốc gia của Mỹ cũng bắt đầu bán tống, bán tháo đôla, mà bán chịu nữa. “Tin tức do tên Tàu dở hơi của cậu xì ra có vẻ đúng, Franzy. Một cú thần kỳ đấy”. Gã làm tôi tức điên lên với kiểu gọi là Franzy.
Tôi quay về Hong Kong, vụ đồ vặt bắt đầu trục trặc. Sự cạnh tranh của bọn Nhật ngày càng gay gắt và tôi bị chúng qua mặt, chắc vì tôi không quan tâm đầy đủ đến công chuyện này. Hong Kong làm tôi ngạt thở. Chưa một lúc nào cái gọi là “sức quyến rũ” của nó ảnh hưởng được tôi, ý định rời xa nó lại ám ảnh tôi.
Nhưng đi đâu, thu nhập giảm, tài khoản giảm, tôi bắt đầu phải cân nhắc các khoản chi. Hyatt cũng trở về Hong Kong, gã hơi cằn nhằn, cứ làm như tôi đã gí súng vào ngực bắt hắn tham gia kinh doanh đồ vặt với tôi! Rốt cuộc trong hội chỉ còn Li và Liu thường xuyên tiếp xúc với tôi thôi. Hai đứa hoàn toàn điên rồ, những tác phẩm nhại theo phim Karate hay Kungfu của chúng thật là hoang tưởng. Người ta có thể cho là chúng không có họ hàng với Hak, là cháu Hak. Dù sao, mãi sau này tôi mới biết rõ thói điên khùng, lố lăng của chúng nhiều khi chỉ là vỏ ngoài. Còn lúc này, tôi hài lòng về tình thân thiện giữa đôi bên, tình thân mà chúng đáp lại khá hào hiệp. Tình thần làm tôi còn lâu mới hiểu được ngọn ngành điều sắp xảy ra.
Vào khoảng ngày 7 hoặc 8 tháng bảy, tôi sang Nhật. Có thể nói là chính hai gã Liu và Li đã tống tôi sang đấy, sau khi thuyết phục được tôi rằng tiền đồ sẽ sán lạn vô cùng nếu tôi tung ra thị trường các đồ dùng điện tử. Một cuộc viễn du vô ích; tôi thất bại không gạ nổi các bạn hàng Nhật đồng ý để tôi bán ra thế giới các đồ vặt kỳ diệu của họ, Liu và Li giải thích:
- Vì bản thân anh không tin tưởng lắm. Lý do là như vậy. Đáng tiếc, anh quay cuồng lung tung.
Chúng nói đúng, tôi quay cuồng không có hiệu lực, nếu quả thật tôi còn quay được. Lúc này vũ khúc Cimballi chẳng khác gì chiếc máy hát đã rão. Tôi càng ngày càng ít lui tới ngôi nhà Sarah đã từng ao ước, phòng khách đó vẫn quét vôi tím nhạt. Tuy vậy, đêm hôm đó tôi ngủ ở đó và nhận được một cú điện thoại, không phải do tình cờ vì sau này tôi biết cô ta đã hỏi Li và Liu để biết tôi ở đây.
- Franz?
Còn chưa tỉnh ngủ hẳn, tôi máy móc cầm ống nghe. Liếc nhìn đồng hồ: Ba giờ sáng. Bên Châu Âu, lúc này đã sáng rõ: Chín, mười giờ rồi còn gì.
- Em ở đâu?
- London, nhưng không ở lại lâu. Anh để em nói, nhé.
Từ giường tôi, giường chúng tôi, có thể trông rõ những con thuyền, những con xuồng tam bản trong cảng nhỏ Stanley, những đốm lửa người Tàu đôi khi nhóm lên ban đêm xung quanh đền Tin Hau. Tôi ngắm những con thuyền đang đậu trên bến.
- Anh sẽ không nói gì, Sarah.
- Nghe đây anh. Em không thể cầm máy hàng mấy tiếng được đâu. Đáng lẽ gọi cho anh từ lâu. Em không gọi... Không gọi, thế thôi. Lúc ấy đang có mang, với anh, tất nhiên. Giờ thì xong rồi, em đã làm cái cần phải làm. Mới vài phút trước đây em quyết định không nói cho anh biết, nhưng thế là xong. Cho qua. Đừng hỏi sức khỏe ra sao: Em rất khỏe. Đúng là đã trải qua một đận gian nan, nhưng bây giờ thì hết rồi, hết hoàn toàn, bây giờ em tẹt như một tấm áp phích ấy. Từ tháng hai em đã hiểu là chúng mình không còn có gì với nhau nữa, những cái sau đó chỉ là thêm thắt mà thôi. Vả lại ngay từ đầu em đã biết rằng chúng mình chẳng lâu dài với nhau, em đã đoán đúng. Em không về Hong Kong nữa đâu, tất nhiên rồi. Người ta đã cho việc làm ở chỗ khác, em không cho anh biết, để một hôm nào đó bất thình lình ta nhảy vào nhau mới khoái hơn. Một ngày nào đó, hoặc hai chục năm nữa lúc anh đã thành tỉ phú. Nhân thể, yêu cầu anh điều này: Đừng có mua ngôi nhà em đến ở, em không thích thế. Hứa chứ? Hôn anh.
Cô ngừng bặt nhưng không gác máy. Nghe rõ tiếng thở. Vài giây sau: “Anh Franz. Em hôn anh”.
Cô gác máy. Tôi vẫn nhìn những con thuyền kia. Hai đứa đã từng ôm nhau nằm hàng giờ như thế. Cô ta chọn ngôi nhà này chính là vì từ đây có thể phóng được tầm mắt ra quang cảnh đó: Bến nhỏ, ngôi đền thờ, bãi biển lúc nào cũng vắng vẻ chếch bên tay phải. Hầu như tôi thấy lại hương thơm của tấm thân mảnh dẻ mà cuồng ấy căng lên trong ái ân để sau đó rất lâu mới dịu lại như làn sóng tắt dần. Đến khoảnh khắc cuối cùng ấy mắt cô mới nhắm lại, cô nằm thật yên gối má lên nệm, lảng tránh không nhìn thẳng vào mắt tôi cho đến tận lúc đã hoàn toàn làm chủ được mình mới nguýt tôi giễu cợt: “Thằng nhóc không đến nỗi quá tồi!”. Vậy đấy, bây giờ thằng nhóc đang bưng mặt khóc ròng.
* * *
Tôi ở nhà nghỉ của Lavater ở Chagny đã được vài ngày. Đọc sách, lái chiếc Renault già nua của Lavater tới Chalon trên sông Saône, tôi vét hết các cuốn viết về kinh doanh ngân hàng, về hoạt động tài chính, tóm lại về tiền tệ nói chung. Tìm được cả một cuốn của nhà Rockefeller: “Trí tưởng tượng sáng tạo trong kinh doanh”. Đúng cái tôi đang cần. Lại nữa vì đằng nào cũng phải bắt chước ai đấy, tôi mua luôn cuốn Bá Tước Monte Cristo, cuốn sách tôi chưa hề đọc, chưa bao giờ đọc thật sự. Cụ Dumas bố, rất hấp dẫn, nhất định sẽ xua tan nỗi buồn chán trong lòng tôi. Đọc đến chương “Quán ăn bên cầu sông Gard” trong đó Caderousse, một trong những tên đã phản bội Dantès đang gặp một linh mục “bận đồ đen, đội chiếc mũ ba sừng” thì chuông điện thoại reo. Kể từ khi Marc và Françoise lên đường đi lang thang dưới những cây ngọc giá ở Yucatan, đây là lần đầu tiên có chuông điện thoại. Tôi lừng khừng không muốn nghe, sau cũng phải nhấc máy cho xong chuyện. Người đang gọi là Cannat phụ tá của Lavater.
- Tôi không được phép quấy rầy nếu không có việc hệ trọng. Vừa có một sự kiện tôi thấy đáng lưu ý: Alvin Bremer vừa từ trần ở Chicago, vì cơn đau tim. Ông Marc có nói là ông quan tâm đến ông ta.
- Cảm ơn.
Lúc ấy tôi đang ăn sáng, do người giúp việc được Françoise Lavater giao trông nom tôi dọn cho. Bà ấy nói giọng Bourguignon nặng đến nỗi từ lâu tôi vẫn ngỡ bà là người Ba Lan. Tôi đứng dậy đi vào phòng riêng.
- Cà phê của ông nguội mất rồi!
Tiếng rồi có đến hăm hai chữ R chứ không ít!
- Tôi sẽ quay lại ngay.
Trên một bức tường phòng tôi ghim tất cả những ghi chép, bảng kê, danh sách tích lại trong tám tháng qua kể từ ngày Lavater mang tới Hong Kong cho tôi tập hồ sơ đầu tiên. Tôi nhìn bản danh sách. Tôi đã dự tính riêng cho Bremer một đòn hiểm hơn nhiều so với đòn đánh gục Landau. Vậy mà thằng chó đẻ lại lăn cổ ra chết. Tôi thấy bị hẫng đến nỗi điên lên được. 
- Tôi hâm lại cà phê cho ông nhé?
Tôi tới bên bản danh sách, gạch tên hắn. Nhìn tấm ảnh trong hồ sơ; một thằng béo ị, đỏ ửng, mắt lạnh ánh thép. Trước nay tôi vẫn thấy nó có những nét Đức theo nghĩa xấu chứ không phải có ý khen ngợi hắn.
- Khổ chưa, ông nhìn xem. Cà phê lạnh tanh rồi...
Bảy trừ một còn sáu. Chưa đến năm rưỡi. Bây giờ đã trung tuần tháng Tám, Landau chả còn được mấy nả. Với điều kiện tôi không phạm sai lầm khi chạy theo ông Hak vào những vụ đầu cơ.
- Thật nguội rồi đấy nhé, nguội ra nguội.
Tôi không hề phạm sai lầm: Sau hôm nghe tin Bremer đột tử, một tin khác nổ bùng: Đồng đôla không còn giá trị chuyển đổi ra vàng nữa. Một sự kiện quan trọng phi thường. Suốt hai mươi lăm năm nay đồng đôla là đồng tiền bản vị của thế giới, đồng tiền độc nhất gắn với giá vàng một cách chính thức. Đồng tiền độc nhất có giá trị như vàng theo nghĩa đen. Bây giờ khả năng hoán đổi không còn. Hậu quả đầu tiên tất nhiên là đôla bị sụt giá. Đó chính là tin tức quan trọng ông Hak đã nắm được; biết trước chính xác ngày Chính Phủ Hoa Kỳ công bố tin này, ông ta đã tính được gần đến ngày kết thúc kỳ hạn gửi tiền.
Tuy đồng đôla mất giá ít thôi, nhưng số lãi thu được rất lớn. Khi tôi gửi năm trăm lẻ năm triệu đôla vào ngân hàng Zurich, giá chính thức một ouce vàng là ba mươi tám đôla chín mươi. Ba tháng sau đã lên thành bốn mươi hai đôla sáu mươi. Mức trượt nhỏ nhoi? Đúng. Dù thế, tiền lãi của ông Hak (tôi sẽ thích thú nếu được kiểm tra sổ sách của ngân hàng, nhưng chắc nó chính xác) lên tới bốn mươi bảy triệu đôla, trong đó tôi được trích lấy hai triệu rưỡi như đã thỏa thuận về tiền công đứng làm người môi giới kín tiếng, không lệ thuộc vào số phần trăm ngân hàng trừ đi phần của họ. Cộng với một triệu của tôi bỏ ra và số lãi bốn trăm bảy mươi lăm nghìn năm trăm bảy mươi tám đôla, tính đến ngày 12 tháng mười tôi đã có trên bốn triệu đôla.
Tôi cứ tưởng mình sẽ nổ tung vì sung sướng. Nhưng không, vẫn bình tĩnh, gần như dửng dưng, vẫn ở một mình trong ngôi nhà Chagny, và biết rõ đã đến lúc hành động.
Trước tiên phải kết liễu Landau, đó chỉ là chuyện ngày một ngày hai thôi. Rồi chuyển sang thằng khác. Tôi lại hỏi gã Thổ:
- Bằng lòng mình đấy chứ?
- Mình yêu Franz.
- Đồ pêđê bẩn thỉu, đi ngủ.
Im lặng. Rồi tiếng Ute.
- Chào Franzy thân thương.
- Em làm gì ở Hampstead, ở nhà thằng cha ngoại quốc tài sản bất minh ấy?
- Tình yêu vĩ đại mà anh bạn!
- Với gã Thổ?
- Với gã ngoại quốc tài sản bất minh. Anh ghen à?
Tôi phá lên cười. Cảnh tượng hai anh ả cặp đôi làm tôi cười rũ.
- Không đâu. Gã vẫn giữ lại đội vũ nữ khỏa thân chứ?
- Càng đông lũ điên càng vui. Điều quan trọng nhất là em làm trưởng trò, và thực tế em đang làm trưởng trò ở đây.
- Cho anh nói chuyện với ông chúa động. Hôn em.
Gã Thổ lại cầm máy. Gã cười sặc sụa. Tôi thật không thể căm ghét được gã.
- Ngạc nhiên, hả?
- Ngạc nhiên cái đít! Nói chuyện nghiêm chỉnh nào. Được chứ?
- Được.
- Mình cần được giới thiệu. Nassau, Bahamas.
- Một quả khác à?
- Việc riêng.
Gã nghĩ ngợi. Rồi bật:
- Không nói tên qua điện thoại, mình không thích điều đó. Bao giờ tới đây?
Tính nhẩm thật nhanh:
- Cuối tháng Mười, tức cuối tháng này.
Tôi nghe tiếng Ute nói nhưng không hiểu nói gì. Dù thế nào đi nữa, cô ta vẫn còn cầm máy trong lúc tôi và gã Thổ nói chuyện với nhau, điều đó chứng tỏ cô nói đúng, “cô thực sự là trưởng trò”.
Gã Thổ:
- Franz này, mình và cô Đan Mạch sẽ có mặt ở đấy từ 25 tháng Mười. Có làm phiền cậu không đây?
- Trái lại.
- Cậu thật sự không cáu vì chuyện cô Ute chứ?
- Không. Hôn cô ta thay mình. Chào.
Tôi sang cuốn băng để tặng Lavater chắc sắp từ Yucatan khỉ gió trở về.
Gọi lại số 2 ở Chomélix, nhưng ông chú Catherine không có nhà, chẳng ai trả lời.
* * *
Tôi lên máy bay đi Hong Kong. Cuối cùng tôi cũng mò ra Hyatt ở Bull và Bear, quán rượu Anh xây dựng bằng những cấu kiện làm sẵn mang từ Anh sang dần từng mảnh. Hyatt chưa say hẳn. Gã nâng cốc.
- Ông chủ nhỏ đã về.
Biệt danh họ tặng tôi ở Mombasa.
- Khao anh một chầu bia, - Hyatt còn nói thêm. - Bia Guinness nhiều bọt, Made in Dublin. Định ở lâu không?
- Không ở lại. Có công chuyện bàn với cậu, sang cho cậu toàn bộ khoản vặt.
- Toàn bộ?
- Ừ. Cậu sẽ tiếp tục, ưng không?
Đối với hắn món này không đến nỗi tồi. Tuy bây giờ không được lãi to như mấy tháng đầu, nhưng nhờ các bằng của tôi, nó vẫn là một món kinh doanh đáng chú ý, thu nhập khá, đối với ai thích có doanh thu không lớn nhưng đều đặn hơn là những cú có thể phất to nhưng cũng có khi sạt nghiệp. Như Hyatt. Nhưng há miệng còn mắc quai vì trước kia gã đã từ chối. Phải bàn cãi mất nửa giờ, bàn chuyện giá cả, tiền nong. Gã xin khất hai mươi bốn tiếng để suy nghĩ và tôi biết đến sáng mai gã sẽ chấp thuận với giá tám chục ngàn đôla.
- Một li cuối chăng? - Hyat hỏi.
- Không. Dạo này có gặp Ching không?
Từ đầu tôi đã cảm thấy gã người Anh hình như có điều gì hậm hực, lần này không còn nghi ngờ gì nữa. Đã thế gã còn giả ngây giả ngọng:
- Ching nào ấy nhỉ?
- Cậu biết quá đi rồi. Hắn đang làm gì?
- Không hiểu.
Gã lại nhúng mũi vào li Guinness đen. Tôi không ép, tuy trong bụng bồn chồn, cảm thấy đã hoặc sắp xảy ra chuyện gì có liên quan trực tiếp hoặc nhiều hoặc ít đến tôi. Tôi đổi tờ giấy bạc lấy tiền xu và bắt đầu gọi điện thoại. Không thấy Ching gì đó ở đâu cả, ở văn phòng, ở xưởng máy, ở nhà riêng đều không. Tệ hại hơn cả là mỗi lần tôi hỏi, họ đều im lặng một lúc rồi mới trả lời, tuy vẫn cùng một giọng. Không, không biết Ching đang ở đâu? Không biết.
Tôi gọi Li và Liu ở xưởng của chúng ở đại lộ Kennedy. Chuông đổ nhưng không ai cầm máy. Chính điều đó làm tôi lo lắng: Đang giữa tuần làm việc, hai thằng hề của tôi còn có nhiều tay sai, vậy mà không một ai nhấc máy. Tôi thử gọi về nhà riêng của chúng. Cũng không. Không lúc đầu thôi, vì sau nhiều lần đổ chuông, vào lúc tôi định bỏ máy thì có người ở đầu kia cầm máy.
- Li? hay Liu?
Im lặng. Tuy vẫn có ai đó ở đầu dây đằng kia.
- Li hay Liu đây?
Thằng cha nào đó nhẹ nhàng gác máy vào mũi tôi. Tôi ra khỏi cabin. Hyatt chuồn mất rồi. Tôi đi ra đường, đám đông Hong Kong ở ngay kia, nặng trĩu, đồ sộ như một đại dương. Bất thình lình cơn lo sợ ập đến, không giải thích nổi nhưng chính vì thế mà càng mãnh liệt.
Hyatt cần một ngày suy tính, nên hôm sau chúng tôi gặp nhau ở ngay cửa phòng đăng ký của Caxton Hause, phố Duddel lúc mười một giờ. Do đó tôi còn ở lại Hong Kong chừng hai mươi tiếng đồng hồ nữa. Tôi biết trước rằng hai mươi tiếng đồng hồ này sẽ nặng nề bất tận, chỉ muốn nhảy ngay lên chuyến bay đầu tiên đi bất cứ đâu miễn là chuồn khỏi đây.
Tôi về Stanley nhặt nhạnh nốt vài thứ còn lại, mấy chiếc quần áo và mấy cuốn sách của Sarah, tôi bỏ hết vào vali, trong lòng vẫn rối bời. Trở về khu trung tâm, đi xuyên qua đó để tới Cửu Long thuê một phòng ở khách sạn Peninsula giữa những bà quý tộc từ Ấn Độ trở về và những đại tá về hưu, cựu binh bên Miến Điện. Ở đấy tôi chợt nảy ra một ý, không chín chắn nhưng mãnh liệt không cưỡng nổi. Đi taxi đến sân bay, thuê chiếc máy bay nhỏ, hình như chiếc Cessna, do một chàng trai Australia có bắp tay gân guốc lái đi. Anh ta lạnh lùng nhìn tôi.
- Anh không biết tên hòn đảo khốn kiếp ấy thì tôi làm sao tìm?
- Tôi sẽ nhận ra.
Ngộ nhỡ lạc vào không phận Trung Quốc? Ngộ nhỡ bị quân Áo Xanh bắn thì sao? Ngộ nhỡ nó chỉ là hòn đảo anh tưởng tượng ra, mặc dù tôi đã hạ cánh xuống hai lần rồi? Gã Australia tranh cãi, nhưng vẫn đi chuẩn bị máy bay. Tôi chỉ hướng, gã bay theo tay tôi. Một tốp đảo tiên.
- Kia chăng?
- Đi nữa. Sau một con đê lớn.
Gã Australia bảo đây là hồ chứa nước Plover Cove. Chúng tôi bay rất thấp, khoảng ba bốn trăm mét phía trên các vật thể. Người ta thường hình dung Hong Kong chật ních người, nhưng khoảng đất dưới kia tuy là đất của thuộc địa nhưng gần như không người ở; không đường xá, chỉ có những lối mòn lúc này rải rác mấy bà nông dân đội nón to vành phủ kín khăn đen.
Biển chợt hiện ra dưới cánh.
- Thế nào, quý ông?
- Hòn kia.
Theo bản đồ, chúng tôi đang bay trên vịnh Mirs ở chót vùng Đất Mới của Hong Kong.
- Làm gì có đường băng? Đến con ruồi cũng không dám đáp xuống đẻ trên tảng đá này.
Tôi chưa kịp trả lời gã đã nhìn thấy bãi hạ cánh. Có thể nói là gã rơi phịch xuống đất; thản nhiên hãm lại thật đột ngột, tắt máy ngay, tựa vai trái vào thành máy bay, châm điếu xì gà Philippine đang hút dở, nhả ra luồng khói có thể giết chết một con bò.
- Tôi báo trước: Sau một giờ là tôi vù.
- Không chắc tôi kịp trở lại sau một giờ.
- Đúng sáu mươi phút, thưa quý ông. Ba chân bốn cẳng lên. Tôi bay theo mắt nhìn, mà trời thì sắp tối.
Tôi nhảy xuống, giận dữ bước đi. Được vài chục mét tôi chợt ý thức rõ tình thế của mình lúc này. Ăn đòn, chuyến này chắc bị ăn đòn! Liếc nhìn chiếc máy bay: Gã Australia đã xuống đất, vừa hút thuốc vừa khoan khoái nhìn lên mảnh trời Tàu với vẻ giễu cợt. Tôi vội vã rảo bước: Thằng đểu có thể vù đi bỏ mặc tôi.
Tôi đã tới đảo này hai lần, đều đi xe hơi. Tôi dự tính sẽ phải vắt chân lên cổ mà chạy, như chạy việt dã. Nhưng vừa cắt ngang một lèn đá, vượt qua một mỏm cao, tôi sửng sốt thấy mình đã lọt vào trong vườn, cũng tức là vào đến nhà.
Yên lặng.
Yên lặng càng lan rộng, càng đặc quánh như màn sương mù khi tôi càng đến gần.
Yên lặng nặng nề khi tôi đặt chân lên lối đi giữa hai hàng đa và long não. Tôi cất tiếng gọi, không có hồi âm. Tôi đi qua mảnh vườn đang bướng bỉnh tỏa hương, đặt chân lên thềm cửa lát cẩm thạch đen. Cánh cửa kéo để ngỏ.
- Ông Hak! Cimballi đây!
Tiếng vang đập đi đập lại không dứt. Tôi đâm sợ.
- Ông Hak!
Ông đã dặn tôi: “Xong việc, vào khoảng cuối tháng tám đầu tháng chín, anh trở lại Hong Kong. Có lẽ sẽ có việc khác cho anh. Anh trở về được, tức là mọi việc đều êm xuôi”. Tôi bước qua ngưỡng cửa phòng khách thứ nhất, nơi lần tôi đến vừa rồi có trang trí nhiều tấm thảm, bàn, bình phong lộng lẫy và vô giá, bây giờ chẳng còn gì. Tất cả đã dọn sạch. Phòng khách trống trơn. Phòng thứ hai, các phòng khác, phòng tôi nằm ngủ với Sarah, tất cả đều như thế. Tuy khiếp sợ nhưng vì tò mò tôi vào hẳn khu vực trước kia chưa bao giờ đặt chân tới. Chẳng còn gì. Mọi thứ đều dọn đi hết. Trong các căn bếp chắc là được tự động hóa cao, chỉ còn lại những chiếc lò gắn trong tường vì chúng được đúc hẳn vào bê tông. Xa hơn có gian kho, xếp những chiếc bàn điều khiển từ xa của ông Hak vẫn dùng, trông như những quái vật đứng nghỉ trên bánh xe. Đi vài bước tôi lọt vào gian phòng mênh mông có tấm vách cong bằng kính, ít nhất là trước kia bọc kính còn bây giờ ra sao không rõ vì bức sơn mài vẽ rồng đỏ rực đã che kín. Phòng này cũng trống trơn nốt. Trừ một thứ: Dưới đất có chiếc hộp hình chữ nhật thường thấy trong tay những người chơi mô hình máy bay có rất nhiều núm gạt. Tôi gạt một, hai, ba núm. Thoạt tiên chẳng thấy gì. Đột nhiên ba chiếc bàn hiện ra như ba cái bóng tạo bằng nhung đen và sắt thép sáng loáng. Chúng chạy về phía tôi, dừng lại đúng tầm tay, ngoan ngoãn lạ lùng, dễ sợ, như những con thú dữ đã thuần thục. Chỉ chút nữa là tôi phát sợ thực. Tôi gạt thêm những cần gạt khác: Các bức vách trượt đi, kéo lên, hạ xuống, tạo thành những gian phòng mới, nhạc nổi lên, bàn xoay dọc xoay ngang, cả ngôi nhà sống động theo lệnh tôi như một sinh vật.
Tôi không nghe tiếng nó chuyển động, có lẽ nó đã trượt đi ở sau lưng mà tôi không hay, do tôi vô tình ấn nút. Chỉ biết rằng khi cảm thấy có cái gì đó hiện diện phía sau, tôi quay lại thì cảnh tượng đập mạnh ngay giữa mặt tôi. Tấm vách hình bán nguyệt che bức tường thủy tinh đã trượt đi, cuốn gọn lại. Bọn cá mập lù lù ngay trước mặt, cách đó hai mét, có khi chưa đến hai mét, ngang tầm mắt, ba con dài ngót nghét hai mét rưỡi, con nào cũng như con nào đều tỏ vẻ hùng hổ rợn người. Ánh đèn pha do tôi vô tình bật sáng chiếu lên thân chúng những ráng đỏ máu. Ấy chỉ là cảm giác của tôi trong khoảnh khắc đầu tiên. Nhưng ngay sau đó tôi đã hiểu ra. Hiểu ra, khi tôi đưa mắt nhìn thẳng xúc thịt mọi khi ông Hak vẫn treo vào móc sắt cho chúng nuốt. Tôi hiểu ra sau khi nhìn, khắp người run bần bật vì khiếp sợ, tôi nhìn thật kỹ những tảng thịt đó. Không nghi ngờ gì nữa, chúng có hình dạng của thân người. Có cả đầu và tay. Một bàn tay đứt rời, nhợt nhạt vẫn đang lập lờ giữa làn nước biển.
* * *
Hyatt nhìn lảng sang phía khác. Tôi nói tiếp:
- Không hiểu tại sao tớ chưa đấm nát mõm cậu!
- Anh Franz, tôi không biết thật mà. Bây giờ cũng chưa biết gì hơn. Ngoài những điều đã nói với anh.
Đó là: Dân Hong Kong đồn đại ông Hak đã chiếm dụng nhiều món tiền không phải của mình mà là của Chính Phủ Trung Quốc, nguy hiểm hơn, có thể của những quan chức cao cấp ở Bắc Kinh dùng để làm ăn mảnh, Hyatt không biết rõ hơn. Tôi dễ dàng dựng lại một phần điều đã xảy ra: Lợi dụng nguồn tin tức từ Bắc Kinh lộ ra, ông Hak đã lợi dụng tiền của kẻ khác để mưu lợi cho bản thân; chắc chắn ông ta có ý định sẽ hoàn lại đầy đủ số một trăm triệu đôla đã chiếm dụng, nhưng họ không để ông ta có đầy đủ thì giờ. Sau này, mãi mãi tôi không thể biết người bị ném cho cá mập ăn thịt là ai.
Hyatt tới phòng đăng ký gặp tôi trễ mất bốn mươi phút. Tôi thực sự muốn đập cho hắn gẫy vài chiếc răng. Cơn giận qua đi, dù sao Hyatt ở đất Hong Kong này là ở trên đất hắn, tôi chỉ là người vãng lai: Tôi đi, hắn vẫn còn ở lại. Hơn nữa hắn đã thuận mua khoản đồ vặt của tôi theo đúng giá tôi đặt.
Tôi hỏi:
- Chúng đâu?
Gã lắc đầu không hiểu.
- Li và Liu đâu?
Gã cũng chẳng hay. Thề độc. Chúng tôi cạn ly cuối cùng; cuộc chia tay sắp tới làm cả hai đều thấy lại vài mảnh vụn của một tình bạn đã được phác họa nhưng chưa hình thành trọn vẹn, tuy đáng lẽ đã được hình thành, chỉ cần một chút xíu nữa là xong.
- Anh có bao giờ trở lại Hong Kong?
- Không, nếu tránh được điều đó.
Các cô gái cởi trần của câu lạc bộ Kosukai tủm tỉm cười với chúng tôi. Hyatt nói:
- Anh có nhớ mấy cô Ethiopia ở Nairobi không? Và cô anh cặp bồ ở Mombasa?
Tôi vẫn nhớ. Cũng như vẫn còn nhớ Joachim, nhớ Chandra, nhớ gã cảnh sát thối tha, tên dự thẩm gian xảo, ngôi nhà Jomo Kenyatta, nhớ bè bạn ở đại lộ Kilindini, nhớ Ching gì đó, Li và Liu, ông Hak, Landau. Và nhớ Sarah. Một dĩ vãng đã qua hẳn.
Tôi đang có trong tay bốn triệu hai trăm ngàn đôla.
Vũ khúc Cimballi càng tăng nhanh nhịp điệu.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét