Lê Minh Khuê
Thằn Lằn
“Truyện ngắn chọn lọc - 14 tác giả nữ” - NXB Hội Nhà Văn - 1995
Đã lâu lắm rồi, có dễ từ thời tiền sử, hôm nay gã mới được
vài tiếng nghỉ ngơi. Gã đi lại trong căn nhà trống huếch sặc sụa mùi nước đái
trẻ, cảm thấy mình là vua là quan, là người làm chủ cả một hòn đảo. Gã không ngờ
khi người ta được một thân một mình, người ta lại có thể sung sướng đến như thế
này… Gã cảm thấy như mình hơi dở người. Gã cười. Rồi bỗng dưng gã khóc hu hu…
Gã ngờ ngợ rằng mình cũng đã có thời là con người tử tế, hạnh phúc. Có lẽ trong
cái rương nằm ở góc nhà kia còn cái gì nhắc gã đến ngày xưa?
Lúc nào gã cũng thấy mình khốn khổ khốn nạn. Tóc bạc ở tuổi bốn hai, hai cái vai còng xuống vì
gánh nước, bổ củi, nuôi lợn, vì những bài giảng trước sau như một ở môn Sinh vật.
Gã dạy về con thằn lằn năm nay cũng y như gã dạy con thằn lằn cách đây mười mấy
năm, khi mới ra trường. Năm nào gã cũng nói từng ấy chữ vì có bao giờ kiến thức
của gã được bồi bổ thêm đâu. Gã không đọc thêm bất cứ thứ tài liệu nào. Đi bồi
dưỡng giáo viên, gã cố ngoi vào chỗ tối để tranh thủ ngủ. Mắt gã lúc nào cũng đỏ
như mắt cá chày. Hai cái đít quần nặng chịch vì cho lợn ăn xong, gã chưa kịp rửa
tay thì vợ gã gào: xem con bé chạy sau kìa! Đứa con thứ bao nhiêu chả rõ, đang
dúi đầu vào chuồng gà, nhặt mấy hòn phân gà cho vào mồm. Thế là gã chùi vội cái
tay đầy cám lên đít quần rồi vồ lấy con nhãi. Lúc nào gã cũng không kịp rửa
tay, mà suốt ngày tay gã bám đầy thứ nọ thứ kia, vơ trước vơ sau để đủ miếng mà
tọng vào mồm lũ nhóc. Bẩy con hĩm từ thấp đến cao với cô vợ vàng bủng má màu đất
set. Nàng đẻ như gà, cứ chửa là đẻ, nhanh như vãi ra đất vậy. Mà nàng lại quấn
con. Lúc nào nàng cũng gào: Xem kìa, nó chạy sau đấy! Và gã lại chùi tay vào
đít quần. Hơn mười năm rồi, cái mông quần của gã dày như mo nang. Thay cái quần
mới vài ngày lại thấy nó dày lên. Thành thử khi đi qua lũ con gái dạy cùng trường,
các nàng khúc khích cười, còn gã cứ tự thấy toàn thân mình sột soạt.
Sáng nay gã cũng vừa lên lớp để dạy về đời sống con thằn lằn.
Tự dưng gã thấy ghen với loài thằn lằn. Chúng nó sung sướng bò giữa những tảng
đá kiếm ăn, phơi nắng, đùa giỡn với nhau. Còn gã... bữa cơm nào gã cũng chỉ nuốt
vài miếng cháy. Cơm vừa cạn, quay ra quay vào đã thấy bọn nhãi mỗi đứa một bát
đứng ở góc bếp, góc sân thổi phù phù. Nồi cơm quá to so với mọi nhà mà lại quá
nhỏ so với nhà gã. Bọn nhãi ăn rào rào, nhau rau ráu. Sau bữa cơm là hàng rổ
khoai lang cứ hết veo. Hàng nồi sắn cũng nhoáng cái là hết. Cái gì cũng veo
véo. Mà con gì vào nhà gã ăn cũng khỏe. Đến nuôi con mèo cho lũ chuột nó sợ, nó
đỡ cắn bọn trẻ, con mèo cũng mỗi bữa hai bát. Con chó ngoài chức năng thu dọn
chất thải của lũ nhóc thì bạ cái gì cũng ăn hết... Mấy năm rồi hai vợ chồng gã
chả được miếng nào ra hồn. Rõ là con thằn lằn trong loài sinh vật mà gã dạy sướng
hơn gã bao nhiêu. Con thằn lằn còn có cái áo màu xanh, màu lục thẫm óng dưới
ánh nắng mặt trời. Gã đã lúc nào được mặc áo màu xanh, ngoài cái áo màu cháo
lòng mà hai vạt cứng những sữa con bé trớ ra, cùng những bột, cùng nước dãi trẻ...
Gã y như mụ đàn bà, loại đàn bà chỉ biết mỗi việc đẻ con, quấn con, rên ư ử như
chó cái!
Gã về sớm, quăng cái cặp sứt môi lồi rốn trong có đựng cái
giáo án gã soạn từ thuở xa xưa mà năm nào gã cũng thay bìa cho ra vẻ mới. Gã
thay cái sơ mi độc nhất mà ông hiệu trưởng tặng gã dạo hè, móc lên cái đinh
trong buồng. Rồi như cái máy, gã đi ra sân và vác cây chuối vào, kê lên hòn gạch,
gại cái dao sứt sẹo vào vại nước và thoăn thoắt, gã thái. Những con lợn nhảy
như ngựa trong chuồng, con nào cũng ăn như hùm mà gầy ngẳng, y như người ở nhà
này... cái gì cũng qua họng được mà cả lũ cứ xác xơ. Cả gã, cả vợ gã, cả bảy
con hĩm, đứa lớn thì buồn bực hổ thẹn với chúng bạn, đứa nhỏ thì mũi dãi hôi
như cú ngày.
Lát sau vợ gã đạp cái xe độc nhất của cả nhà, loại xe chả
phanh chả chuông, không cả gác đờ bu... từ bên kia sông về. “Nàng” dạy trường
tiểu học của xã bên, cách trường gã dạy nửa cây số. Da nàng màu đất sét vì trận
hậu sản khi sinh con hĩm thứ bảy. Nàng bước vào sân. Hai cái má bị sị - chả bao
giờ gã thấy nàng cười với gã khi đi đâu về. Thân thể nàng như một cái dây sắn
run lẩy bẩy. Ấy vậy mà dựng cái xe đạp vào vách xong, nàng lập tức linh hoạt
lên:
- Em đâu rồi? Bọn mày để em đâu rồi?
Con Bốn, con Năm, con Sáu đang chơi trò mổ tử thi con giun đất
ở góc sân, vội chạy vào. Chúng nó chui vào đống quần áo của cả nhà, một đống hổ
lốn vừa lành vừa rách chất trên cái nong phơi sắn, lôi ra một đống tã rách. Con
hĩm thứ bảy. Gã biết rõ nó là thứ bảy vì nó ngủ, từ lúc mới đẻ đến giờ hễ gã
nhìn nó ở đâu là thấy nó ngủ ở đấy. Nó như con mèo hen sau trận ốm của mẹ. Con
Sáu con Năm tung em từ tay này sang tay kia và cười sằng sặc. Vợ gã lao tới:
- Vưỡn ngủ hả?
- Ngủ từ sáng mẹ ạ.
Vợ gã lườm về phía gã một cái, mắt nàng đầy trách móc:
- Về trước mà không biết lôi con dậy. Người đâu mà...
Gã im. Gã làm sao lôi nó dậy được. Anh y tá xã có lần tới
chơi với gã, nhìn con Bảy đã phán: cháu sẽ hay ngủ li bì đây. Cháu đẻ non, thiếu
cân, sữa mẹ không đủ.
Lúc đó gã đã nghĩ: giá như nó là con trai, đứa con trai út
ít cũng được, gã sẽ quẳng hết mọi thứ, bù trì cho nó nên người. Nó lại là con
gái. Nhìn đứa con gái thứ bảy gã thất đảm. Bảy đứa, thêm vợ. Tám cái “âm khí” nặng
như cùm, vây chặt cặp kính cận dày như cái mông quần của gã... gã thấy mình mỏng
ra, nhỏ đi, ngoi ngóp thở. Cảm giác thật và tự nhiên, đúng như vậy, đôi lúc gã
cứ như ngoi ngóp giữa một bầy đàn bà con gái. Cũng vì vậy mà gã khát con trai.
Một đứa thôi cũng được để gã có “đồng dương khí”. Để gã đỡ tủi phận... và gã cố.
Cố mãi.
Con hĩm út đã dậy kêu ọ ẹ. Vợ gã vạch cái vú xanh lét, con
bé mở mắt và giơ cái tay bé như tay chuột lần tìm bên kia vú mẹ. Gã rất muốn lại
xem khi con Bảy bú, nó ở trong trạng thái thức như thế nào. Nhưng nghĩ sao gã lại
thôi. Kệ! Vợ gã lại đang tươi tỉnh. Nàng rên ư ử những lời nựng nọt. Nàng xuýt
xoa, thậm chí có vẻ như rơm rớm nước mắt. Tình mẫu tử ở nàng vẫn tràn đầy như
nước. Gã kinh sợ cả cái đó nữa.
Nàng bỗng ngẩng phắt lên, quắc mắt. Dù gầy yếu, khi quắc mắt
trông nàng vẫn sợ.
- Nhanh lên chứ. Ra chợ gánh hộ nó gánh ngô cho lợn!
Nó đây là đứa thứ mấy gã cũng chả cần hỏi, cứ sáng sớm chúng
nó túa đi như bầy nhặng bị xua bằng quạt nan. Chúng nó đi học. Phải học chứ. Bố
mẹ giáo viên con bỏ học sao đặng? Học xong, mỗi đứa một việc kiếm ăn. Công bằng
mà nói, gã nhớ tên, nhớ tính ba đứa đầu. Nhớ nhất là con cả, con Kim Chi. Dạo mới
có con đầu, gã là người sung sướng, gã nhớ rất rõ. Nó mũm mĩm, trắng như cục bột.
Vợ gã cũng trắng, cũng béo. Gã đun đun nấu nấu cho vợ. Thần Phật ơi, nàng còn
dùng cả tam thất, cả gà tần. Nàng đi tất, che tai, đội nón khi ra ngoài. Đồng
nghiệp, hàng xóm đem cho cả rổ tướng trứng gà. Chuối treo đầy vách. Ban đêm con
Kim Chi thức dậy. Gã lần sang giường hai mẹ con. Gã kinh ngạc nhìn vợ cho con
Kim Chi bú. Thật là đẹp đẽ, thơm phức. Trông như tranh. Ngửi như hoa. Gã thấy
mình bay lượn trên mây. Rồi khi Kim Chi biết bò, nàng xoa bụng nói với gã: chửa
rồi, anh ạ! Cũng được - gã tặc lưỡi.
Và cứ thế cho đến nay. Những ác mộng là ác mộng! Mới đến đứa
thứ tư, bọn con gái dạy cùng trường đã dài giọng: Nhìn thế kia mà sản ra rặt thị
mẹt! Yếu ghê...
Vợ gã lại lườm:
- Đã bảo bỏ đấy ra gánh cho nó. Nặng thế thì gãy mẹ nó
xương!
Gã lẩm bẩm:
- Gẫy bớt đi.
Vợ gã hét:
- Rồi phải hầu nó chứ chó vào đấy mà hầu. Con cái đẻ ra mà cứ
như quân thù quân hằn. Từ nay cạch nhá. Đừng có mà rúc mũi vào nữa...
Gã biết là vợ gã chuẩn bị lên cơn chợ búa. Từ ngữ đầu đường
xó chợ vợ gã tích cóp thật phong phú, bất kể lúc nào cũng trút ra cả tá. Nghe
mãi đâm nhàm, gã cũng chả thèm động não nữa. Gã vẫn im lìm lia con dao cùn trên
cây chuối tướng. Gã đang định thi gan một bữa với vợ thì cái con gánh ngô cũng
lặc lè gánh nặng về. Gã nhìn ra. Đây là con Ngọc Diệp. Đi sau là con Bích Ngân
gánh một gánh dây khoai lang. Đã bảo gã nhớ tên nhớ tính ba đứa đầu mà.
Dạo đó ba đứa đầu như trứng gà trứng vịt vẫn chưa làm vợ chồng
gã cuống. Nhưng đã bấn lắm. Gã đang phấn đấu để được đi học thêm tận Hà Nội. Vợ
gã cũng phấn đấu vì là thành viên của Hội đồng giáo viên tiên tiến, loại nhì của
huyện. Gã lên lớp giảng bài, vợ gã dúi Bích Ngân, Ngọc Diệp vào tay gã:
- Anh phải quản hai con này. Tôi đèo Kim Chi qua lớp.
Vợ gã dạy xa. Đèo được Kim Chi đi là may. Gã mang Bích Ngân,
Ngọc Diệp ra trường. Vào lớp dạy, gã để hai đứa chơi ngoài thềm. Bọn học trò
nông thôn dù sao cũng dễ thông cảm với thầy. Chúng nó cũng đông em, cũng vất vả.
Mấy đứa con gái thương con thầy, cứ dấm dúi chạy ra săn sóc hai đứa con gã. Gã
làm bộ không nhìn thấy. Nhưng định bụng cuối năm để ý đến điểm sinh vật cho
chúng nó. Bích Ngân, Ngọc Diệp chơi với mấy con chuồn chuồn, với đất sét, với
lá chuối. Hai đứa cũng biết thân biết phận. Nhưng nhiều hôm, con Ngọc Diệp kêu
tướng lên:
- Bố ơi, cái Ngân nó ỉa!
Thế là gã phải vất học trò đấy, vác con ra giếng. Con nhà
nghèo, ăn lung tung ỉa đái cũng chả có giờ giấc. Gã phải bỏ lớp đi rửa cho con
luôn. Ông hiệu trưởng cũng thông cảm lắm. Cho đến hôm ông không chịu được. Ông
phải ái ngại góp ý:
- Làm sao gửi con đi chứ! Trên phòng nó về kiểm tra, nó lại
nghiền tôi.
Gã đứng như trời trồng. Gã định về bàn với vợ thì nàng lại
xoa bụng báo tin: Chửa rồi đây anh ạ! Gã lại tặc lưỡi: thôi, trời sinh voi…
Gã đóng một cái cũi như cũi nhốt lợn con. Gã thả Ngọc Diệp,
Bích Ngân vào đó rồi lên lớp. Thôi, kệ chúng mày! Gã tự nhủ như vậy nhưng đến
giờ ra chơi, gã lại tít mù chạy về xem con ra sao. Vợ gã đèo Kim Chi đến trường
tiểu học. Nàng quáng quàng ra mấy con tính cho bọn trẻ lớp hai làm, rồi quáng
quàng chạy ra chợ. Nàng đến nhà ông Ân lấy kẹo lạc đem ra mấy cái quán gần đường
cái. Trên đường về, nàng qua nhà bà Cả đèo thùng đậu phụ ra chợ đưa cho hàng
ăn. Khi quay lại lớp, bọn học trò đang náo loạn, có đứa chán quá nằm còng queo
trên bàn cô giáo làm một giấc. Nàng phải ra kỷ luật sắt, bắt thằng lớp trưởng
quản chặt lớp, không cho ồn. Cứ như vậy được thời gian dài. Nàng bỏ lớp ra đi,
bụng tâm tâm niệm niệm: Kẹo lạc này, đậu phụ này... Kim Chi ngủ gà ngủ gật phía
trước, trong cái ghế mây rách. Còn nàng thì kẹo lạc này, đậu phụ này! Thế mà
nàng cũng kiếm được vài đồng một ngày. Buổi chiều nàng đến nhà ông Diệc, góp
tay xay bột làm bánh cuốn với hai ông bà. Bữa chiều việc của gã là trông ba tố
nữ, chăn lợn chăn gà. Gã thấy vẫn còn thở được. Vẫn còn có lúc nhìn nhau chào hỏi
mỗi khi đi đâu về. Ấy là thời hoàng kim với ba tố nữ có tên có tuổi. Khi tố nữ
thứ tư ra đời, gã bảo: tên tuổi làm cái gì? Gọi nó là con Tư.
Và cứ như thế, con Năm, con Sáu, cũng trứng gà trứng vịt. Gã
đã bắt đầu không nhớ rõ mặt con. Gã thấy mình loạng quạng đi giữa cuộc đời,
không có gì để gã níu tay cho khỏi ngã chúi mặt xuống bùn.
Bây giờ vợ gã vẫn cho con Bảy bú. Gã vẫn thái chuối. Khi
quay lại, gã thấy Kim Chi, Ngọc Diệp, Bích Ngân đã có mặt đủ. Tư, Năm, Sáu cũng
ở nhà. Có chuyện gì mà hôm nay kéo hết về thế? Vợ gã ủ con Bảy trong tay, mặt
mũi mãn nguyện. Đàn bà cũng y như con dê con bò, cho con bú xong mãn nguyện ra
mặt. Nàng tủm tỉm. Mấy tháng nay mới thấy nàng tủm tỉm. Tim gã đập lồng lên. Chả
hiểu sao gã lại thấy thót tim mỗi khi nàng tủm tỉm. Tay nàng xoa lên bụng trông
càng hãi. Gã run rẩy chờ đợi lời phán thì vợ gã lườm:
- Chúng mày xem mặt bố kìa, cứ thẳng đuỗn ra như mặt lươn!
Con Kim Chi nghiêm nghị không cười. Lúc nào nó cũng bực bội.
Con Bích Ngân, con Ngọc Diêp cũng bực bội. Chúng nó đầu tắt mặt tối mà chả có
cái quần cái áo ra hồn. Chúng nó đều quay lại nhìn bố. Gã hỏi:
- Có chuyện gì mà hôm nay về hết thế?
Vợ gã ngọt ngào. Lâu lắm mới lại thấy nàng ngọt ngào:
- Giỗ ông ngoại bọn này. Mẹ nhắn đến cả nhà. Quên hả?
- Chiều nay hả?
- Chiều. Có cậu Chùng ở tỉnh về. Làm cả con lợn. Mẹ con nhà
này được bà ưu tiên, chỉ việc đến chén thôi.
Lũ trẻ ào lên. Con Tư, con Năm bỏ con giun đang mổ giở, chạy
vào nhà, chí chóe tranh nhau vác chậu ra giếng. Con Sáu còn bé mếu máo đòi các
chị cho rửa trước. Kim Chi, Ngọc Diệp, Bích Ngân im lìm mỗi đứa một việc. Vợ gã
giục, nàng không gọi đích danh nhưng gã biết cái giọng nào nàng giành cho gã:
- Nhanh lên còn đi chứ, ngồi như chết dí ở đó mãi.
Tự dưng gã thèm khát tự do. Gã cũng thèm bát tiết canh bà nhạc
đánh rất khéo, nhưng gã thèm rảnh rang hơn. Cái gì làm gã dở chứng như thế gã
cũng không biết. Nhưng rồi óc gã bỗng à lên. Phải rồi. Sau giờ dạy, gã đang tất
bật đi về, gã thấy vù qua bên cạnh cái gì vừa xanh vừa đỏ vừa hồng. Nhìn kỹ, hóa
ra giáo Đức dạy môn lịch sử. Đức mới tậu cái xe bãi rác trông sáng choang. Hắn
đèo vợ với hai đứa con, một trai một gái, bảo rằng lên thị xã chơi. Hai đứa con
nó sạch như búp bê, còn vợ thì ăn mặc như đàn bà trên tỉnh. Trông chúng nó ngồi
xe máy, đố ai biết chúng nó là giáo làng... Phải rồi. Từ khi nhìn thấy vợ chồng
Đức phóng xe máy, gã thấy buồn, thấy tủi phận. Nó có thằng con trai, thế là nó
làm vua, còn mình làm thằng ở. Cái số của gã khốn nạn quá!
Gã chả muốn nhìn thấy cái đống nhếch nhác đang vây chung
quanh gã nữa. Gã uể oải đứng lên bưng rổ chuối lại cối giã. Vợ gã đang te tái
như con gà mái giữa những Tư, Năm, Sáu ngoài giếng. Con Kim Chi chạy lại đỡ
thúng ngô để trên miệng cối xuống giúp bố. Nó nhoẻn miệng cười với bố. Bao giờ
nhìn thấy con Kim Chi cười, gã lại nghĩ rằng có lẽ mình vẫn là người. Mà là người
tử tế hẳn hoi. Con bé gầy ngẳng nhưng xinh quá. Giống vợ gã cái thời... Gã thì
thào với con:
- Bố mới được người ta cho mảnh vải. Con cầm đi may lấy cái
áo.
- Thôi bố ạ, bố may đi. Bố có cái áo nào ra hồn đâu.
Một tiếng hét chói tai xiết vào đầu gã:
- Con Chi còn xớ rớ ở đó, vào mặc thêm cái áo cho con Bảy rồi
bế nó đến nhà bà trước đi. Nhớ đặt nó vào chõng trong buồng không là người ta dẵm
nát nó đấy.
Kim Chi định quay đi, gã níu áo con.
- Bảo mẹ là bố không đi, bố muốn ở nhà!
- Sao thế bố? Bố đến uống rượu với các cậu, ăn tiết canh cho
nó thư thái một chút bố ạ.
- Thôi, bố ở nhà một buổi. Thương bố thì cho bố ở nhà một buổi.
Mày nói thế nào cho mẹ mày nghe thì nói.
Con bé nhìn cái kiểu đứng còng lưng giã chuối của bố nó một
thoáng rồi chạy ra giếng. Nó nói cái gì nho nhỏ. Gã thấy vợ gã trề môi, dài mắt,
hấm hứ về phía gã. Nhưng như vậy gã biết là việc đã xuôi.
Trước khi đi vợ gã còn hét đám con Năm, con Sáu:
- Hai con ranh kia cấu chí nhau cho chết bớt đi. Con Tư đưa cho
tao cái que, tao chọc mù mắt hai con ranh này...
Gã rùng mình mỗi khi vợ quát con. Toàn những lời độc địa. Và
gã thấy nhức hai bên thái dương. Cũng có lúc gã bị vợ, bị ai đó quát như vậy,
gã thấy thân phận mình như con sâu con bọ, gã cứ muốn chui đầu xuống. Con Ngọc
Diệp, con Bích Ngân đi sau cùng. Hai chị em cũng đã mười hai mười ba. Cả hai
lúc nào cũng cau có bực bội. Khác với con Kim Chi, hai đứa này hầu như ghét bỏ
bố. Chúng nó cho rằng vì bố ham nên bố đẩy chúng vào chỗ khổ. Gã cũng xấu hổ với
hai đứa này nên hễ thấy chúng nó đâu, gã lại cúi gằm mặt xuống.
* * *
Phải, có dễ từ thời tiền sử tới giờ, hôm nay gã mới được hít
thở tự do. Gã dạy sinh vật, gã biết thời tiền sử có con khủng long to tướng. Tiến
hóa mãi loài khủng long còn lưu lại hình hài ở con thằn lằn. Gã cũng vậy. Thời
thanh niên gã chơi thể thao, đánh bóng bàn, bóng chuyền. Người gã nở nang. Cơ bắp
tràn trề sức lực. Bây giờ gã còn bốn nhăm ký. Đàn ông cao lòng khòng như gã mà
nặng trên bốn chục ký. Bọn con gái cùng trường gọi gã là cái móc áo bằng gỗ mọt.
Thây kệ chúng nó. Gã đang có một mình, gã là người sung sướng...
Gã biết số gã chả ra gì. Nhưng cứ nhìn người ta đi cuồn cuộn
ngoài đường kia, gã lại thấy thể cả thôi. Thằn lằn rắn rết giun dế cả, cứ một đống
lùi lũi húc nhau, tưởng là cái gì hóa ra chả là gì sất. Lúc nha lúc nhúc dưới bầu
trời này. Thây kệ...
Có lẽ trong cái rương ở góc nhà kia còn cái gì nhắc gã đến
“ngày xưa”. Gã sầm sầm đi lại đó. Cái rương sắt bé tí xíu thời chiến tranh hay
dùng đựng tài liệu, bây giờ lọt thỏm dưới một đống những rổ sắn, rổ khoai, những
đòn gánh, cuốc xẻng. Gã hì hục lôi, bới, bê cái rương ra giữa nhà. Bọn gián hốt
hoảng tóe loe, bò cả lên cánh tay, bò cả lên mặt gã. Mặc kệ, gã cậy cái móc sắt
đã gỉ cứng buộc nắp rương ra. Mở được.
Đây rồi. Một cuốn sổ gã tặng nàng “năm ấy” có dán cái ảnh gã
và nàng chụp ở hiệu ảnh trên huyện. Mặt nàng tròn, cặp kính cận của gã sáng
choang. Cuốn sổ chép dày đặc những thơ. Dày đặc những hình vẽ chim câu, vẽ mặt
trời. Và đây, giữa cuốn sổ kẹp cái túi ni lông. Bên trong cái túi ni lông là
cái cà vạt lụa.
Gã nhớ ra cái cà vạt lụa. Trong lễ cưới gã đã đeo nó trên cổ.
Ông bác ruột của gã ở một nước tư bản về tặng gã. Thời ấy hơi hướng tư bản còn
là của lạ của hiếm ở xứ ta nên mấy tay giáo viên cùng trường đã thay nhau ngắm
nghía. Cái cà vạt của tư bản. Nó óng ánh, nó mềm mại, nó sang trọng như cái dải
lụa của nàng công chúa trong cổ tích. Gã hãnh diện vì cái cà vạt tư bản. Khi đẻ
con Kim Chi, nàng ỏn ẻn bảo gã:
- Anh cất cái cà vạt đi, lúc nào có dịp hội hè đeo vào đưa
hai mẹ con em đi chơi.
Dạo yêu nhau nàng ỏn ẻn dịu dàng. gã vẫn mê một cô giáo dạy
cấp tiểu học, có gương mặt và hình vóc như nàng. Gã đã từng phải “tay bo” với một
tay cấp tá trong quân đội đóng quân ở nhà nàng, để cướp lấy nàng. Có nàng, lại
có cái cà vạt tư bản treo trên cổ, đám cưới gã vui nhất vùng. Gã cũng không biết
từ lúc nào, vợ gã trở thành hổ cái. Chỉ nhớ một hôm nàng chạy te tái ra sân, chửi
toáng lên:
- Lại chửa rồi. Chửa mãi. Đã bảo là có thèm thì thèm, cố mà
thắt bụng vào. Cứ để cho nó ộc ra như chó ộc cứt ấy. Ộc mãi vào bụng bà. Đàn
ông có mỗi một việc (...) vợ thôi mà không xong. Chết đi cho khuất mắt bà.
Nàng đứng giữa sân quang quác, giãy đành đạch, vỗ phành phạch.
Mắt nàng quắc lên. Gã hãi, gã ngượng với mấy con lớn. Gã sợ hàng xóm chê cười.
Gã lao bừa ra, dùng đầu húc vào lưng nàng. Nàng ngã sấp xuống sân, trợn mắt,
sùi bọt mép. Nàng ăn vạ nửa ngày trời. Từ đó gã câm như hến mỗi khi nàng lên
cơn.
Gã nhớ ra rồi. Nhìn cái cà vạt, gã nhớ rằng gã đã ước mơ được
đeo nó đi chơi vào dịp lễ tết hội hè. Thế mà gã bỏ quên nó mười mấy năm. Nó nằm
trong cái rương sắt gỉ, bình an vô sự. Còn gã thì lăn lộn với đời. Gã tủi thân
cùng cực, gã áp cái cà vạt lên cặp kính cận, gã cất tiếng khóc hu hu. Gã khóc
như con chó tru giữa đêm. Gã cũng chả trách móc gã, cũng chả giận nàng. Cái số
của gã nó như vậy. Gã biết gã là giun dế trong đám giun, nhưng gã vẫn tủi lắm.
Ngoài sân im ắng lắm. Bọn gà bọn lợn thấy im tiếng người, chừng
như cũng hốt, nằm im. Gã cứ ngồi thế gã khóc. Rồi tẩn mẩn, gã ướm cái cà vạt
vào cổ. Bây giờ cổ gã đen lắm, ngẳng lắm, không đeo cà vạt được nữa. Hoài của
quá. Ngoảnh đi ngoảnh lại thì thấy dường như mình chẳng có tuổi trẻ, chẳng có
tình yêu, chẳng có lạc thú gì ở đời. Không những tuổi già ở trước mặt, mà là nỗi
sợ hãi, thất vọng, nó bóp nghẹt tim gã. Gã nín khóc. Gã bắc cái ghế, ướm cho vừa
người tới xà ngang. Gã treo cái cà vạt lên đó, thắt làm cái thòng lọng. Cà vạt
Tây thời đó đang có mốt dài nên cái thòng lọng vừa với đầu gã. Gã buộc thật chặt
đầu bên kia vào xà gỗ. Gã nghĩ có lẽ như thế này đời gã sẽ rảnh rang hơn. Vợ gã
sẽ không đay nghiến gã được nữa. Con Ngọc Diệp, con Bích Ngân sẽ không khinh gã
được nữa. Gã không phải lại gần con Bảy mà cứ thấy nó ngủ nữa… Trời ơi, con bé
hình như chán chường tới mức không thèm mở mắt. Nó ngủ như cầu sự yên thân… Gã
sẽ không phải nhìn nó nữa… Nói tóm, gã chào cuộc đời này. Tư Năm Sáu cũng không
biết khóc gã đâu, chúng nó còn nhỏ thế. Chỉ thương con Kim Chi. Con gái của bố
ơi!
Gã lại tru lên một hồi rồi chui đầu vào cái thòng lọng cà vạt.
Gã định đạp cái ghế thì con Kim Chi xuất hiện. Bố! Nó hét lên. Bát tiết canh nó
mang cho bố rơi xuống đất, vỡ tan. Máu lợn tung tóe ra nền nhà làm gã đưa tay
lên cổ xem có máu không. Khi nhìn thấy con, gã hoảng. Gã tháo cái thòng lọng khỏi
cổ, chạy xuống bịt miệng con:
- Con ơi con ơi, đừng la, đừng khóc. Người ta đến bây giờ.
Gã trấn an con bé. Gã quên phắt đi là gã vừa định làm gì. Gã
chỉ biết mỗi một việc là con bé đang sợ. Gã thương con này nhất. Gã sống cũng
chỉ vì nó. Gã ôm lấy vai con, vỗ về, miệng lắp bắp:
- Thôi thôi, bố không làm thế nữa. Đừng nói với mẹ!
Con bé gật đầu. Gã chắc là nếu nàng biết gã thắt cổ hụt, thế
nào cũng cười khẩy: hoài của! Đối với nàng, chắc chỉ khi nào gã chết thật, nàng
mới tin là đã mất gã, đã tống khứ được một kẻ vô tích sự. Còn bây giờ, gã sợ
nàng biết...
Con Kim Chi nghẹn ngào:
- May quá là con lại về. Con cứ thấy ngờ ngợ. Chiều nay bố
làm sao ấy!
- Tại bố nhìn thấy cái cà vạt. Tại bố tiếc, bố nhớ cái thời
ngày xưa. Bố có đến nỗi nào. Chả đến nối dị mọ như bây giờ.
Gã lại khóc. Gã lọ mọ cho cái cà vạt vào túi ni lông. Để vào
giữa cuốn sổ, đóng cái rương, cài móc sắt, đẩy cái rương vào chỗ củ. Con Kim
Chi bưng hai thúng khoai để lên cái rương.
Tháng 6 - 1994.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét