Henri Duvernois
Thưa Ông
Người dịch: Đức Giang
“Tuyển tập truyện ngắn Pháp” - Nhà xuất bản Văn Học - 1986
Trong cuộc ly hôn vừa mới xẩy ra giữa bố mẹ em, Clốt không đứng
về bên nào. Đối với bố, em trìu mến một cách hơi khinh miệt; em gọi bố là “bố
già”. Đúng là một ông bố rất già, lưng đã còng, với một chùm râu điểm bạc buồn
man mác. Một hôm em nghe thấy bà quản gia tiết lộ với chị nấu bếp: “Bà chủ giữ
hết tiền”. Cuộc sống ngày nay là như thế đấy, nó đã để cho một em bé mười tuổi
cũng có thể chịu sự cám dỗ xấu xa của danh từ ấy. Từ đấy, em nhìn mẹ em với một
con mắt kính trọng, đáng sợ, coi mẹ em như là người ban phát những cái xa hoa
mà em ưa thích.
Em coi bố em như một người bạn không bằng vai với mình, coi mẹ
như một nữ thần; em tôn thờ mẹ một cách thầm lặng, không giới hạn; em than thở:
“Mẹ xinh đẹp!”, khiến mẹ em, bà Pôngtonniê kêu toáng lên: “À không! Một sáng kiến
vớ vẩn! Bà nhạc! Quỷ quái! Con làm mẹ già đi hai mươi bốn tuổi!”. Và bà cười để
lộ hai hàm răng lộng lẫy, tin tưởng vào sắc đẹp, vào tuổi thanh xuân bất tận của
mình.`
[Belle maman (không gạch nối) có nghĩa là mẹ xinh đẹp;
Belle-maman (với gạch nối) nghĩa là bà nhạc. Bà Pôngtonniê chơi chữ, cũng để đánh
trống lảng việc con bà khen bà xinh đẹp]
Ông Pôngtonniê đã có
thể bị lu mờ, biến mất, không để lại một dấu vết gì của ông, không một bức chân
dung, không một vật trang trí, trong khi sự hiện diện của vợ ông bao trùm lên tất
cả. Mỗi khi bà vắng nhà, cậu bé hít lấy hít để, như một kẻ si tình, mùi nước
hoa bà để lại.
Ông Pôngtonniê luôn toát ra mùi xà phòng Macxây và mùi tàn
thuốc lá.
Thật ra, theo hộ tịch, Clốt mang họ là Juyn, cũng như ông nội
em; nhưng sau khi ly dị chồng, bà Pôngtonniê đã lấy lại tên con gái, tức là
Lơbradơ-Đuytily và đặt cho con trai một tên lịch sự hơn.
Về phía ông Pôngtonniê, ông đã trở lại nghề thợ vẽ với cuộc
đời bình dị, thiếu thốn, buồn tẻ, mà ông đã trải qua trước khi người đẹp Clerơ
nảy ra ý kiến kỳ cục chọn ông làm chồng. Vả lại, ông tỏ ra hoàn toàn yên phận;
ông không thiếu bạn giao du; dần dần ông lấy lại thói quen của tuổi già phóng
đãng, cái cà vạt lại tuột lên trên cổ áo; ông xỏ chân vào đôi giầy vẹt gót và
rách nát; cảnh nghèo đối với ông cũng thú vị như những đôi giầy cao cổ cũ kỹ mà
xỏ chân vào ông thấy thoải mái. Và ông đến thăm con trai mỗi tuần lễ một lần.
Vui đến là vui! Ngày thứ Tư, ông Pôngtonniê đến phố Đamơ,
trong sân của ngôi trường nhỏ có Clốt học để thi vào trường trung học. Em bé
rình bố ở cửa sổ. Giữa trưa. Sống lưng tròn của con người đôn hậu, cái áo đuôi
tôm cũ của ông xuất hiện; người ta nghe thấy tiếng chân của ông lê bước trên mặt
đường lát đá.
“Bố mày tồi tàn quá!”, một thằng bạn của Clốt có bố làm nghề
môt bò rất bự, đã nói với em như vậy.
Có thể là tồi tàn, nhưng dễ thương biết bao! Trước hết, ông
hôn em rất lâu, giống như em hôn mẹ, khiến mẹ đã phải thốt lên: “Thôi, con làm
mẹ ngạt thở! Trời! Con quá lắm, con cưng của mẹ!”.
- Có gì mới không, Lustucru? - ông Pôngtonniê hỏi. Ông không
muốn gọi con là Juyn và không thể gọi nó là Clốt; do đó ông gọi nó là Lustucru,
như vậy là ổn thỏa cả. Em bé thổ lộ tâm tư bằng những lời lẽ tràng giang đại hải,
tô điểm bằng những điều dối trá kệch cỡm. Họ vào một quán rượu, đúng thế, một
quán rượu thực sự, nhậu nhẹt những món ăn kỳ lạ: ốc sên, đậu xào với thịt cừu,
dạ dầy nấu kiểu Lyông…, trong những chiếc đĩa bé tí.
Đến ba giờ, họ phải ra về. Họ kề cà thưởng thức món tráng miệng
tứ quả [bốn thứ quả: hạnh đào, nho, vả, hạt dẻ]; họ nhấp nháp một chút rượu hồi
trong bầu không khí ám khói thuốc lá và vui đùa ầm ĩ khiến em bé thích thú. Tuy
nhiên ông Pôngtonniê trở lại nghiêm túc:
- Lustucru, con học tập tốt chứ?
Em bé đáp, không trả lời thẳng vào câu hỏi:
- Này, bố già, cái cà vạt của bố lại trườn lên; cái sơ mi của
bố không sạch; bố lại quên không chải áo đuôi tôm…
Cũng như mẹ em, Clốt thuộc vào loại những người chỉ huy, ông
Pôngtonniê thuộc hạng người chỉ biết phục tùng. Để pha trò, ông bố giơ cùi tay
lên như một đứa bé sợ sệt, rồi kéo chiếc cà vạt xuống, phủi bụi trên cổ áo đuôi
tôm và đẩy cổ tay áo giả nhơ bẩn vào trong tay áo. Các bạn thử tưởng tượng xem:
với tuổi năm mươi bẩy, có một đứa con mười tuổi, sướng biết bao mà cũng buồn biết
bao! Nếu lại được gặp nó hàng ngày thì thật là tuyệt.
- Con nói với mẹ là bố cảm ơn mẹ. - ông bảo con như vậy, mỗi
lần tạm biệt.
Hai cha con chia tay ở quảng trường Malécbơ. Bà quản gia đợi
ở đấy, thẳng đờ như một cái cột mốc; bà vào hùa với bà chủ, và trong nhà bếp,
người ta vui mừng là từ nay không phải phục vụ một ông chủ ăn mặc lôi thôi.
Ông Pôngtonniê chào bà quản gia với dáng điệu van vỉ rồi trở
về trong đêm tối cho đến thứ Tư sau.
Ông nói chuyện về Clốt với một ông giáo sư già dậy tiếng Tây
Ban Nha ở cùng một tầng nhà với ông; giáo sư lắng nghe ông mà không ngắt lời vì
giáo sư mắc bệnh viêm thanh quản và muốn giữ gìn giọng nói để lên lớp giảng dạy.
- Có một điều nó làm tôi thích thú, - ông bố lặp lại. - là
nó giầu tình cảm. Vâng, thưa ông Gômêcô, nó là đứa trẻ có tấm lòng vàng, về điểm
này, nó giống tôi; phụ nữ, ông biết đấy, thường là hơi vị kỷ, hơi thờ ơ với những
tư tưởng cao cả.
Chẳng bao lâu, bà Pôngtonniê thiết lập cho mình một phòng
khách, thấy trường học của Clốt không đáp ứng yêu cầu, cả về học tập lẫn giao
du. Bà quyết định gửi con vào một trường trung học; thằng bé xúng xa xúng xính
trong bộ quần áo mẹ may theo kiểu Anh, quần mầu xám, mũ dạ tròn, giầy véc ni và
mẹ dặn nó đủ điều, và lấy đầu ngón tay giúi vào mồm nó một cái kẹo như giúi cho
một con chó.
- Con cưng của mẹ, con nên nhớ rằng con sắp vào một trường
trung học, ở đấy, con sẽ làm quen với những con nhà sang trọng, SANG TRỌNG, con
nghe chưa? Trong lớp có con trai một vị Bộ trưởng và con trai một nhà triệu
phú. Con sẽ cố kết bạn với họ. Đến trường, đầu tóc phải chỉnh tề, móng tay luôn
sạch sẽ và mẹ tin chắc rằng họ sẽ mời con đến nhà. Bây giờ, con là một người lớn,
biết chưa? Mẹ có thể nói chuyện với con chứ?
- Mẹ cứ nói!
- là thế này: bố con vẫn cứ đến thăm con vào ngày thứ Tư.
Tuy nhiên… mẹ chẳng biết giải thích cho con thế nào đây… Bố con là một nghệ sĩ.
Bố chẳng bao giờ săn sóc đến bản thân và cô [bà quản gia, gái già] đã thuật lại
với mẹ là hiện nay ông ấy còn tồi tệ hơn bao giờ hết. Ở phố Đamơ, ông vẫn cứ luộm
thuộm như thế thì chẳng sao. Nhưng ở trường trung học với tất cả những cha mẹ đến
đón con trong những chiếc xe nhà, điều ấy làm phiền cho mẹ và có thể ảnh hưởng
đến con. Bởi thế, con rõ chứ, trước mặt mọi người, con sẽ gọi bố là ông…
- Ông?
- Phải, con chẳng cần phải tỏ vẻ ngớ ngẩn và giương cặp mắt
tròn xoe ra nhìn mẹ. Con sẽ nói với tụi bạn tí nhau của con đấy là ông giáo già
hằng quan tâm đến con… Với bố, con nói là ở trường trung học, không cần thiết để
cho mọi người biết là mẹ đã bỏ bố. Sao con lại hít mạnh thế? Con hỉ mũi đi. Con
hiểu chưa?
- Con hiểu.
Thứ Tư đến. Ông Pôngtonniê xúc động trước quang cảnh lộng lẫy
của trường trung học. Ông đi vào một cái sân danh dự có những rặng cây đang nở
hoa trông rất đẹp. Làm thế nào nhận ra thằng Juyn của ông giữa đám phong lưu
công tử đã nặng trĩu trên vai những của cải mai sau của chúng? Nhưng kìa, cậu Pôngtonniê
đã đến, thư thả hơn thường lệ, giữa xon trai vị Bộ trưởng và con trai nhà triệu
phú.
- Úi chà, Lustucru, oách quá! Sao? Người ta đã cắt mất lưỡi
của con ư?
- Không…
- Không, ai?
- Thưa ông, không.
Clốt tưởng rằng bố nó đã già như thế thì thôi không thể nào
già hơn nữa. Nhưng bỗng nhiên nó thấy ông già đi hẳn. Xúc động, nó nói với các
bạn của nó:
- Tạm biệt, Pinloa; tạm biệt, Blumenfen.
Rồi, với một nhiệt tình đầy ân hận, nó nắm lấy bàn tay tội
nghiệp hơi run run. Bây giờ, hai bố con đã ở ngoài đường và em bé tìm cách cứu
vãn tình hình.
- Còn bố, bố khỏe chứ, bố già của con? Này bố, bố nhìn cái cặp
của con với một con số bằng bạc… Con còn một cái hộp đựng bút bằng gỗ mun. Con
sắp học piano, học nhảy, học cưỡi ngựa! Bố có biết cưỡi ngựa không?
- Không, - ông Pôngtonniê trả lời, giọng âm thầm, - bố không
biết cưỡi ngựa.
Ông phát hiện ra một hàng ăn trên vỉa hè. Ngồi ở đấy, người
ta có cảm giác như là ở nông thôn, sau một hàng rài cây fusain trồng trong chậu.
Và Clốt vỗ tay thích thú. Vui quá! Khách hàng gồm hầu hết là lái xe và người
đánh xe ngựa. Một người trong bọn họ, chiếc roi ngựa cặp giữa hai chân, lau vội
cái đĩa của mình, chú tâm vào con ngựa.
- Rồi các vị xem con thổ tả này sẽ phốc lên hè cho mà xem! Rồi
tao sẽ sửa cho mày một mẻ, đồ con lừa!
Ông Pôngtonniê, vẻ đăm chiêu đập đập quả trứng luộc. Cuối
cùng ông lẩm bẩm:
- Tại sao ban nãy con lại gọi bố là ông?
- Thưa bố, đó là do những người khác.
- A…! Và chính là con đã nghĩ ra cái đó!
Clốt không ngần ngừ:
- Thưa bố, vâng.
- Một mình con ư?
- Thưa bố, vâng.
- Mẹ con không hề dính dáng chứ?
Em bé vẫn kiên trì dối trá, tưởng như vậy là dũng cảm. Không
nên đạo đức giả và em vẫn dán cặp mắt trong suốt vào mắt bố để chứng tỏ là em
nói thật.
- Không. - em trả lời.
Như là cái gì gắn bó hai bố con vừa mới tan vỡ. Ông Pôngtonniê
nhìn con với vẻ ngạc nhiên, kinh hoàng, như ngày trước ông đã từng bị vợ ông
chi phối.
Than ôi! Thằng bé giống hệt mẹ nó, nó có cái vẻ đẹp của mẹ
nó, có cả cái tính cứng rắn, tính khoe khoang…
Tối hôm ấy, ông trao đổi về chính sách đối ngoại của chính
phủ, với ông hàng xóm, giáo sư tiếng Tây Ban Nha.
Thứ Tư sau, khi ra về, em bé không thấy bố ở sân danh dự. Em
thấy bố ở bên ngoài, gần cổng sắt; ông đang đứng đợi một cách khúm núm, lẫn
trong đám cậu nhỏ, con sen.
- Con chào bố.
Ông Pôngtonniê đáp:
- Chào Clốt.
Đấy là lần đầu tiên ông gọi con với cái tên ấy. Cho đến lúc
đó, ông thường gọi con là Juyn hoặc Lustucru.
Bấy giờ trái tim của nó như vỡ tan, nó muốn thú nhận tất cả.
Nhưng sự xấu hổ bóp nghẹt cổ họng nó; nó khóc rất khẽ, âm thầm, đau khổ như một
người lớn.
Ông Pôngtonniê hiểu lầm lý do của nỗi buồn ấy, vì cái hiểu lầm
tồi tệ nhất là sự hiểu lầm chia rẽ hai tâm hồn đa cảm.
Và ông nói:
- Đừng khóc nữa, con trai cưng của bố! Bố đã có một cái cà vạt
xanh chấm trắng, cái cà vạt không thể trườn lên được nữa. Bố mặc một chiếc áo
đuôi tôm mới. Bố đi găng, bố mới cạo râu và bố con mình sẽ đi ăn ở một hiệu ăn
thực sang trọng.
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét