Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Tai họa của vàng - Andre Maurois

Andre Maurois

Tai họa của vàng

Ngay từ lúc mới đặt chân vào cái nhà hàng ở thành phố New York ấy, tôi đã để ý một ông già bé nhỏ, ngồi ở bàn đầu, đang ăn miếng thịt bò bít-tết rất dày. Miếng thịt màu đỏ thu hút sự chú ý của tôi, bởi vì lúc này thịt bò đang là của hiếm, đồng thời cũng vì cả khuôn mặt thanh nhã đượm buồn của người đó nữa. Chắc chắn trước kia tôi đã từng quen biết ông già, ở Paris hoặc ở đâu đó. Vừa ngồi vào chỗ, tôi liền gọi Périgourdin, tay chủ cửa hàng khôn ngoan và tháo vát đã biết cách biến cái hũm này thành nơi hang động của những kẻ sành ăn.
- Ông Robert này, ông khách ngồi ăn ở bên phải cửa ra vào kia là người Pháp có phải không?
- Ai kia? Cái ông ngồi một mình ấy à?… À, đấy là ông Bordacq. Ngày nào mà ông lão chả tới đây.
- Bordacq? Nhà công nghiệp? Phải rồi, tôi nhớ ra ngay bây giờ đây mà… Mà tôi có bao giờ trông thấy ông ta ở đây đâu?
- Chả là vì ông lão có thói quen đến trước tất cả mọi người. Đây là một con người thích sống cô độc. - Tay chủ khách sạn cúi thấp xuống và nói khẽ: - Kỳ quái lắm ông ạ, cả hai vợ chồng nhà ấy, ông biết không… kỳ quái hết chỗ nói… Bây giờ ông thấy ông lão ăn sáng một mình, tối nay nếu ông tới đây vào lúc bảy giờ, ông sẽ lại thấy bà vợ cũng đang ăn tối một mình. Mọi người nghĩ rằng họ không muốn gặp nhau. Nhưng không phải thế đâu, quan hệ giữa hai người tốt lắm, họ sống chung với nhau ở khách sạn Delmonico… Cứ như tôi nghĩ, đôi vợ chồng này có một cái gì bí ẩn đây.
- Thưa ông chủ, tính tiền cho vị khách ở bàn số 15 ạ, - một người hầu bàn nói.
Robert bỏ đi, tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ về đôi vợ chồng nhà Bordacq… Đúng rồi, tôi đã từng quen biết ông ta ở Paris. Vào khoảng thời gian giữa hai cuộc đại chiến, mọi người thường hay gặp ông ta ở chỗ Fabert, kịch tác gia, con người tuy không hẹn mà tỏ ra có cùng một sở thích riêng với Bordacq, cả hai đều thích đặt tiền một cách chắc chắn, đều kinh hãi vì sợ mất của. Bordacq… Ông ta năm nay cũng phải đến ngót tám mươi. Tôi nhớ vào khoảng năm 1923, ông ta vừa rút khỏi công cuộc kinh doanh, đang có trong tay một khoản tiền đáng kể, phải tính đến hàng triệu. Lúc đó ông ta đang cuống cuồng lên vì đồng frăng sụt giá…
- Thật kỳ cục! - Ông ta nói - Tôi đã làm việc trong suốt bốn chục năm trời để bây giờ thấy mình vẫn khố rách áo ôm. Đâu phải chỉ có chuyện lợi tức của tôi và trái phiếu của tôi không còn chút giá trị nào nữa, mà cả những hoạt động công nghiệp cũng chẳng tăng tiến gì hơn. Tiền bạc đang tan chảy qua kẽ tay. Chẳng biết rồi vợ chồng tôi sẽ trải qua những năm tháng già nua như thế nào đây?
- Ông hãy làm như tôi ấy, - Fabert nói với ông ta. - Tôi chuyển mọi thứ mà tôi có thành đồng sterling [đồng tiền nước Anh] tất… Đó là một đồng tiền rất ổn định.
Khi tôi gặp lại họ vào ba hoặc bốn năm sau, cả hai đều đang ỉu xìu xìu. Bordacq đã làm theo lời khuyên của Fabert, đúng vào lúc chính phủ Poincaré đưa ra những biện pháp nhằm nâng giá trị đồng frăng và đồng livre đang mất giá nghiêm trọng. Ý định của Bordacq lúc bấy giờ là làm sao trốn được khoản thuế thu nhập vừa mới nâng lên.
- Ông rõ thật trẻ con, - Fabert lại nói với ông ta. - Hãy làm như tôi đây này… Có một thứ có giá trị vững vàng, và chỉ một mà thôi: ấy là vàng. Nếu như từ năm 1918 ông mua vàng, nhìn bề ngoài ông chẳng có khoản thu nhập nào sất, ông sẽ không bao giờ phải đóng thuế, và bây giờ ông đã giàu có… Hãy chuyển tất cả những gì ông có thành vàng và cứ việc ăn ngon ngủ yên.
Vợ chồng Bordacq nghe lời. Họ mua vàng, thuê tủ sắt trong ngân hàng để cất vàng, và cảm thấy vô cùng thích thú khi họ thỉnh thoảng đi đến đấy, hé mở cánh cửa thiêng liêng để bày tỏ lòng sùng kính đối với đấng chúa tể của mình.
Mười năm liền, tôi mất hút vợ chồng Bordacq. Thế rồi một hôm, vào năm 1937, tôi gặp lại cả hai người tại một cửa hàng bán tranh ở vùng ngoại ô Saint-Honoré, ông chồng vẫn lịch lãm nhưng hơi buồn, bà vợ thì có vẻ sung mãn và hồn nhiên, với cái dáng của một bà già nhỏ nhắn trong chiếc áo dài bằng lụa đen có gấu viền đăng-ten.
Vẻ rụt rè, ông Bordacq hỏi tôi:
- Ông là một nghệ sĩ, thưa ông, ông có tin rằng các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng vẫn còn có cơ lên giá không?… Ông không biết à?… Người ta nói với tôi rằng còn có đấy, nhưng mà giá mua họ thì đã lên quá cao rồi. Cần phải tự đặt mình vào thị trường của những năm đầu thế kỷ này… Dĩ nhiên là rất lý tưởng nếu ta biết trường phái mới nào sẽ thừa kế trường phái Ấn tượng và mua ngay lúc đó thì chả mất bao nhiêu. Chỉ tội là thế này thôi, chả ma nào có thể cho mình một sự bảo đảm. Thời đại lạ lùng thật! Đến các chuyên gia cũng chẳng biết cóc gì. Tóm lại, ông sẽ phải thừa nhận với tôi rằng quả thật là khó tin. Tôi hỏi họ: “Thế họa sĩ nào đang lên giá bây giờ?”. Họ ngần ngại ông ạ, họ lúng ba lúng búng. Người này thì nói là Utrillo, người khác lại là Picasso. Nhưng mà các họa sĩ đó thì đã nổi tiếng lắm rồi.
- Thế còn các thỏi vàng của ông? - Tôi nói với ông ta.
- Tôi vẫn luôn luôn có vàng… Luôn luôn có… Và còn nhiều thứ khác nữa… Nhưng mà Chính phủ đang nói tới việc trưng thu vàng, nói tới việc mở các tủ sắt… Thật kinh khủng… Ông sẽ bảo tôi rằng: người khôn ngoan phải lo chuyển mọi thứ ra nước ngoài… Tất nhiên…, thưa ông, tất nhiên là thế… Nhưng chuyển đi đâu? Chính phủ nước Anh thì cũng cứng rắn như chính phủ nước ta, nước Hà Lan và nước Thụy Sĩ có nguy cơ bị đẩy vào vòng chiến… Chỉ còn có nước Mỹ, nhưng từ ngày Roosevelt lên làm Tổng thống, đến đồng đô-la cũng… Rồi thì chúng tôi cũng sẽ phải đến sống ở nước Mỹ thôi, để tránh cái nguy cơ bị cắt mất con đường rút ông ạ.
Tôi không nhớ lúc đó mình đã trả lời như thế nào. Vợ chồng nhà Bordacq bắt đầu làm tôi khó chịu, họ cứ khư khư ôm lấy bọc tiền giữa cái thời mà một nền văn minh đang sụp đổ. Ra khỏi phòng tranh, tôi chào từ biệt hai người và nhìn họ đi xa dần với những bước ngắn thận trọng, cả hai bận đồ đen, đứng đắn nhưng trông có cái gì tang tóc. Và giờ đây tôi đang gặp lại họ ở nhà hàng Con rắn vàng trên đại lộ Lexington. Họ làm gì trong những năm chiến tranh? Họ trôi dạt đến New York như thế nào? Tôi cảm thấy tò mò muốn biết những điều đó, và khi ông già Bordacq đứng lên, tôi bước đến và tự giới thiệu.
Tôi không nhớ lúc đó mình đã trả lời như thế nào. Vợ chồng nhà Bordacq bắt đầu làm tôi khó chịu, họ cứ khư khư ôm lấy bọc tiền giữa cái thời mà một nền văn minh đang sụp đổ. Ra khỏi phòng tranh, tôi chào từ biệt hai người và nhìn họ đi xa dần với những bước ngắn thận trọng, cả hai bận đồ đen, đứng đắn nhưng trông có cái gì tang tóc. Và giờ đây tôi đang gặp lại họ ở nhà hàng “Con rắn vàng” trên đại lộ Lexington. Họ làm gì trong những năm chiến tranh? Họ trôi dạt đến New York như thế nào? Tôi cảm thấy tò mò muốn biết những điều đó, và khi ông già Bordacq đứng lên, tôi bước đến và tự giới thiệu.
- À, tôi vẫn còn nhớ rõ lắm, - ông già nói. - Thật vui sướng được gặp lại ông. Tôi hy vọng rằng ông cho vợ chồng tôi vinh dự được hầu ông một chén trà. Chúng tôi ở tại khách sạn Delmonico. Được ông đến, bà nhà tôi thật là sung sướng… Cuộc sống của chúng tôi đơn điệu lắm ông ạ, cả hai người đều không biết tiếng Anh…
- Thế ông bà sống thường xuyên ở Mỹ sao?
- Cần phải thế, ông ạ, - ông già nói. - Rồi tôi sẽ nói rõ với ông. Hẹn ông ngày mai, vào lúc năm giờ.
Tôi nhận lời và đến đúng hẹn. Bà Bordacq vẫn mặc chiếc áo dài màu đen có viền đăng-ten như hồi năm 1923, cổ đeo chuỗi hạt ngọc. Trông bà có vẻ rầu rĩ.
- Tôi chán lắm, ông ạ, - bà ta nói. - Chúng tôi chỉ quanh quẩn trong hai căn buồng, không hề có bè bạn. Ôi! Tôi không nghĩ rằng mình sẽ chấm dứt cuộc đời trong cảnh đất khách quê người thế này đâu.
- Nhưng mà thưa bà, nào có ai bắt buộc bà phải đem thân đến chốn này? Cứ như tôi biết thì ông bà chẳng có lý do đặc biệt nào để phải sợ bọn Đức cả. Tất nhiên, tôi hiểu rằng ông bà muốn không phải sống cạnh chúng nó, thế nhưng từ chuyện đó rồi ông bà tự nguyện lưu vong đến một đất nước mà cả hai người đều không nói được tiếng của họ…
- Ồ, - bà ta nói, - bọn Đức không liên quan gì đến chuyện này cả. Chúng tôi sang đây từ lâu, trước khi nổ ra chiến tranh.
Ông chồng đứng dậy, đến mở cửa thông ra hành lang để biết chắc rằng không có ai nghe trộm, cài chốt cẩn thận rồi trở lại chỗ ngồi và nói khẽ:
- Để tôi nói rõ hết mọi chuyện với ông. Chúng tôi biết rằng ông là người kín đáo và chúng tôi sẽ không hề phật ý, nếu có được một lời khuyên của ông. Chúng tôi có hẳn một luật sư người Mỹ. Nhưng ông hiểu chúng tôi hơn… Chuyện nó là thế này, ông ạ… Tôi không biết là ông có còn nhớ cái lần sau khi chính phủ Mặt trận Bình dân lên cầm quyền hay không, lúc đó chúng tôi cho rằng gửi vàng ở một ngân hàng Pháp là hết sức nguy hiểm. Chúng tôi liền tìm cách chuyển vàng sang Mỹ, chuyển bằng con đường bí mật nhưng chắc chắn. Tất nhiên chúng tôi cũng quyết định đi luôn sang đó. Không thể có chuyện người xa vàng được… Tất nhiên là như thế. Tuy vậy đến New York, từ dạo năm 1938 chúng tôi đã chuyển vàng thành đô-la, bởi vì chúng tôi không nghĩ (và chúng tôi có lý) rằng nước Mỹ sẽ làm một cuộc định giá mới, và bởi vì có những người chúng tôi biết là nắm được nhiều thông tin, nói với chúng tôi rằng theo các cuộc thăm dò mới nhất của họ thì nước Nga sắp hạ giá vàng… Nhưng vấn đề chính là ở chỗ cần phải cất trữ đô-la ở dạng nào? Mở tài khoản tại ngân hàng? Giữ đô-la giấy? Hoạt động kinh doanh?… Nếu mua cổ phiếu, chúng tôi sẽ phải đóng thuế thu nhập cho người Mỹ, một khoản thuế rất cao. Cuối cùng chúng tôi đành giữ tiền đô-la giấy.
Tôi không thể không ngắt lời ông ta:
- Nói cách khác là để khỏi phải chịu khoản thuế năm chục phần trăm, ông bà đã tự nguyện đóng khoản thuế một trăm phần trăm?
- Còn có một lý do khác nữa, - ông ta nói với tôi, mỗi lúc một bí mật hơn. - Chúng tôi nhìn thấy chiến tranh đang tới gần và nghĩ rằng lúc đó có thể các tài khoản gửi ở ngân hàng sẽ bị kẹt, các tủ sắt bỏ ngỏ và thế kẹt ấy càng chắc chắn hơn khi chúng tôi không phải là công dân Mỹ… Chính vì vậy mà chúng tôi quyết định luôn luôn giữ tiền bạc bên người.
- Giữ bên người, - tôi kêu lên, - ông muốn nói cái gì vậy? Giữ ở đây à, tại khách sạn?
Hai vợ chồng cùng quay đầu lại với một nét cười thoáng qua, rồi tiếp đó là một cái nhìn hóm hỉnh và kiêu hãnh.
- Đúng thế đấy ạ, - ông ta tiếp tục nói bằng thứ giọng hơi khó nghe. - Vâng, tại đây, tại khách sạn. Chúng tôi để tất cả, một ít vàng và đô-la, trong một chiếc hòm lớn. Chiếc hòm ở ngay đấy, trong phòng ngủ của vợ chồng tôi.
Ông ta đứng dậy, mở cánh cửa thông sang buồng bên và chỉ cho tôi thấy một chiếc hòm màu đen trông hết sức bình thường.
- Nó đấy, - ông ta thì thầm và khép cánh cửa với một kiểu cách có vẻ như quỵ lụy.
- Thế ông bà không sợ là câu chuyện về cái hòm giữ của này sẽ bị tiết lộ ra ngoài à? - Tôi hỏi. - Quả thật chuyện đó hấp dẫn vô cùng đối với bọn trộm đấy!
- Không sợ, - ông ta nói. - Trước hết vì không một ai trên thế giới này biết cái hòm, ngoài luật sư của chúng tôi… Và ông, những người chúng tôi hoàn toàn tin tưởng… Mọi việc đã được tính toán đâu vào đấy, tôi đoán chắc với ông như vậy. Cái hòm không thu hút sự chú ý như là một cái tủ sắt. Sẽ không có ai nghĩ rằng trong căn buồng này có cả một gia tài. Và nhất là chúng tôi canh giữ ở đây suốt ngày đêm.
- Ông bà không lúc nào đi ra ngoài sao?
- Không bao giờ cả hai vợ chồng tôi cùng đi ra ngoài. Chúng tôi có một khẩu súng ngắn, để trong ngăn kéo bên cạnh cái hòm và luôn luôn có một trong hai người ở nhà. Tôi đến ăn trưa ở cái nhà hàng kiểu Pháp mà ông vừa gặp đấy. Bà nhà tôi thì đến đó để ăn tối. Như vậy là cái hòm không bao giờ phải ở nhà một mình. Ông hiểu chứ?
- Tôi chịu đấy, ông Bordacq thân mến ạ, tôi không hiểu tại sao ông bà lại phải tự giam mình trong một cuộc sống tù hãm, khốn khổ này…! Thuế à? Này, tội quái gì mà phải lo! Ông bà chả đã có đủ mọi thứ cần thiết để sống đến trọn đời rồi đó sao?
- Thuế không thành vấn đề, - ông ta nói. - Tôi chỉ không muốn cho họ đồng bạc mà tôi đã kiếm được với biết bao khó nhọc.
Tôi cố lái câu chuyện sang một chủ đề khác. Bordacq là người có học, ông ta biết lịch sử. Tôi cố gợi ông ta nói về bộ sưu tập các thủ bút mà ông ta đã có từ ngày xưa, nhưng bà vợ lại còn bị ám ảnh về chuyện tiền nong hơn cả ông chồng nên đã đưa chúng tôi quay trở lại với đề tài duy nhất mà bà quan tâm:
- Có một người làm tôi sợ, - bà nói khẽ. - Đấy là tay chủ khách sạn người Đức vẫn đưa quà sáng đến cho vợ chồng tôi. Đôi khi hắn ta phóng vào cánh cửa này những cái nhìn mà tôi chẳng thích một chút nào. Nhưng vào lúc này, cả hai vợ chồng tôi đang cùng có mặt. Tôi không tin rằng hắn ta có thể gây ra một điều gì nguy hiểm.
Lại còn một vấn đề khác nữa là chuyện con chó. Hai vợ chồng có một con chó bông khá đẹp, con vật khôn ngoan đến lạ lùng, luôn luôn nằm ở một góc trong phòng khách, nhưng cần phải cho nó ra ngoài đi dạo chơi mỗi ngày ba lần. Để làm việc đó, hai vợ chồng luân phiên nhau.
Từ biệt họ, tôi cảm thấy vừa bực mình vì sự gàn dở điên khùng của họ, lại vừa bị quyến rũ bởi những con người không bình thường ấy.
Sau chuyến viếng thăm đó, tôi thường cố gắng rời văn phòng sớm hơn để đến ăn tối ở nhà hàng “Con rắn vàng” đúng vào lúc bảy giờ. Như vậy tôi có thể ngồi cùng bàn với bà Bordacq. Còn cởi mở hơn cả ông chồng, bà nói tuột ra với tôi một cách hồn nhiên mọi lo lắng và dự định của mình: - Eugène là một con người thông minh tuyệt vời, - một buổi tối bà nói với tôi. - Ông ấy nghĩ đến tất cả. Đêm vừa rồi, ông ấy nảy ra ý nghĩ là một khi muốn ngăn chặn việc tích trữ tiền giấy, có thể người ta sẽ thu hồi toàn bộ tiền về và đổi sang một thứ tiền khác. Trong trường hợp ấy, chúng tôi bắt buộc phải khai báo số tiền của mình.
- Đúng thế. - Tôi nói. - Nhưng khai báo thì có gì bất tiện đâu nhỉ?
- Sẽ hết sức nghiêm trọng, ông ạ, - bà ta nói. - Chúng tôi đã không khai báo gì khi sở Ngân khố Mỹ tiến hành kiểm kê tài sản của người nước ngoài tị nạn hồi năm 1943… Thật chán kinh khủng… Nhưng mà Eugène đã có một kế hoạch mới. Nghe đâu ở một số nước Cộng hòa thuộc Nam Mỹ, không còn khoản thuế thu nhập nữa. Nếu như chúng tôi có thể chuyển vốn liếng của mình đến đó…
- Làm thế nào để có thể chuyển được tiền mà lại không phải khai báo với cơ quan thuế vụ?
- Eugène đã nghĩ cả rồi, - bà ta nói, - trước hết cần phải trở thành công dân của cái nhà nước mà chúng tôi chọn. Chẳng hạn, nếu chúng tôi là người Uruguay, chúng tôi sẽ có quyền chuyển tiền.
Thấy chuyện có vẻ lý thú, ngay hôm sau tôi đến ăn trưa cùng với ông già Bordacq. Ông ta lúc nào cũng đón tiếp tôi một cách vui vẻ:
- A, - ông ta nói, - được gặp ông thế này tôi thật vừa lòng, đang có một việc định hỏi ông đây. Ông có biết các thể thức phải làm để trở thành công dân nước Venezuela không?
- Quả tình tôi không biết, - tôi trả lời.
- Thế còn nước Colombia?
- Tôi cũng có biết gì hơn đâu. Ông phải nêu các câu hỏi ra với tòa lãnh sự các nước đó.
- Với các tòa lãnh sự? Ông điên rồi sao?… Để cho họ chú ý à!
Ông ta đẩy con gà quay của mình ra với vẻ chán chường và thở dài:
- Thời với thế! Giá mà tôi có thể sinh ra từ năm 1830 để suốt đời không có chuyện thuế má, không lo sợ bị trấn lột. Ngày nay trên khắp mọi xứ sở đều có bọn cướp đường… Nước Anh cũng thế thôi… Tôi có cất giấu ở đấy một số bức tranh và các tấm thảm, bây giờ đang định đem sang đây. Ông có biết họ bắt tôi phải làm gì không? Một điều luật xuất khẩu quy định phải chịu thuế một trăm phần trăm, như vậy thì cũng có khác gì là bị tịch thu… Chúng tôi bị trấn lột như trong một góc rừng, ông ạ, như một góc rừng.
Sau chuyến đó, vì công việc kinh doanh tôi phải chuyển đến California và không biết vợ chồng nhà Bordacq đã trở thành người Uruguay, người Venezuela hay người Colombia?
Một năm sau trở lại New York, tôi hỏi Robert, chủ nhà hàng Con rắn vàng về hai người đó.
- Vợ chồng ông già Bordacq thế nào rồi? Ông vẫn thường xuyên gặp họ đấy chứ?
- Thưa không ạ! - Ông chủ nhà hàng nói với tôi. - Thế nào? Ông không biết gì sao? Bà vợ vừa mất tháng trước, vì bệnh tim và từ đó tôi không còn gặp lại ông chồng nữa. Tôi cho rằng việc bà lão mất đi làm ông lão choáng váng và phát ốm.
Riêng về tôi, tôi cắt nghĩa việc đó hoàn toàn khác. Tôi gửi một bức thư chia buồn đến ông Bordacq và hỏi xem liệu tôi có thể đến thăm ông ta được không. Ngay ngày hôm sau ông ta gọi điện mời tôi tới. Tôi thấy ông ta xanh, gầy, đôi môi trắng nhợt, giọng nói phều phào.
- Mãi tới hôm qua tôi mới biết ông gặp chuyện buồn, - tôi nói, - và lập tức tôi muốn đến để xem có giúp được gì ông không, bởi vì ngoài nỗi đau buồn ông phải chịu do mất mát lớn lao đến như vậy, tôi nghĩ rằng cuộc sống của ông lúc này phải khó khăn lắm.
- Không có gì đâu, - ông ta nói, - không có gì đâu… Cũng phải tập cho quen… Tôi nhìn qua cửa sổ cảnh người đi, xe chạy… Và rồi để tôi nói ông nghe: cách sống này rốt cuộc đã đưa lại cho tôi một cảm giác an toàn kỳ lạ. Trước kia, cứ mỗi lần ra khỏi khách sạn để đi ăn trưa, là y như tôi phải trải qua một tiếng đồng hồ cực nhọc, tôi cứ tự hỏi chẳng biết có chuyện gì xảy ra trong lúc mình vắng mặt không… Tôi biết rõ là vẫn còn có bà vợ tội nghiệp của mình ở đó, nhưng bà ấy làm sao sử dụng nổi khẩu súng ngắn, nhất là với một trái tim đang ở trong tình trạng như thế… Giờ đây, ngay cả khi ra ngoài cửa, tôi vẫn có thể luôn luôn để mắt tới cái hòm… Tôi có luôn bên cạnh tất cả mọi thứ của mình… Điều đó làm dịu đi nỗi khó nhọc… Chỉ còn một khó khăn duy nhất, ấy là con Ferdinand tội nghiệp.
Con chó bỗng nghe nhắc đến tên mình liền đứng dậy và vừa đến ngồi bên chân chủ, vừa ngước nhìn ông lão với vẻ dò hỏi.
- Vâng, tất nhiên là như vậy, tôi không thể tự mình đưa nó đi dạo chơi được, nhưng tôi tìm được một trong số những người hầu, một gã bồi chuông như ở đấy họ thường gọi… Tôi xin được hỏi ông một chút, là tại sao họ lại không nói người hầu như tất cả mọi người vẫn nói?… Ôi! Tôi đến chết cười với cái tiếng Anh của họ. Tóm lại là tôi đã tìm được một gã trai trẻ, cậu ta nhận làm với một khoản thù lao vừa phải cho việc đưa Ferdinand ra ngoài đi dạo và giúp nó về những nhu cầu vặt vãnh. Như vậy là coi như không còn có bất cứ một vấn đề nghiêm trọng nào phải giải quyết. Ông thật là người tốt bụng khi ông có ý định cho tôi được nhờ cậy, nhưng thưa ông, mọi việc đều ổn thỏa, tôi cam đoan với ông là ổn thỏa.
- Thế ông không còn muốn được đến sống ở Nam Mỹ nữa à?
- Thôi, ông ạ, thôi… Tôi đi sang đó để làm gì? Ở Washington không thấy nói đến việc đổi tiền nữa, và vào tuổi tôi…
Quả thật ông ta đã già đi ghê gớm, và cái cách mà ông ta tự buộc mình phải phô bày đã không còn hợp với ông ta nữa. Chút hồng hào trên khuôn mặt đã biến mất, và ông ta nói một cách khó khăn.
“Có thể nào lại gọi đó là sống?” - Tôi nghĩ.
Thấy mình chẳng giúp được chút gì cho ông ta, tôi đành cáo lui.
Tôi vẫn còn đang có ý định thỉnh thoảng đến thăm ông ta, nhưng chỉ mấy hôm sau vừa mở tờ New York Thời báo, một hàng tít đã lập tức thu hút sự chú ý của tôi.
Người Pháp lưu vong chết. Hòm đầy đô-la.
Tôi đọc hết bài báo nhỏ: đúng là họ nói về ông già Bordacq của tôi. 
Sáng hôm đó, người ta thấy ông già đã chết, nằm trên chiếc hòm đen và cuộn mình trong một tấm chăn. Cái chết bình thường, hòm tiền vẫn nguyên vẹn. 
Tôi đến khách sạn Delmonico để hỏi xem người ta định chôn cất ông già vào lúc nào và ở đâu. Cũng nhân thể, tôi hỏi người gác cửa tin tức về con chó Ferdinand.
- Thế còn con chó của ông Bordacq thì thế nào rồi ạ?
- Chẳng có ai xin cả, - người gác cửa nói. - Chúng tôi đã đưa cho phòng gửi đồ của sở cảnh sát.
- Còn tiền nong?
- Nếu không có người thừa kế, khoản tiền đó sẽ thuộc về Chính phủ Hoa Kỳ.
- Quả là một kết thúc đẹp, - tôi nói.
Duy kết thúc câu chuyện là điều tôi vẫn còn đang suy nghĩ.
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét