Harold Robbins
Người lữ hành kỳ dị
Người dịch: Mạnh Hà, Thanh Sơn
NXB Văn học - 1987
Quyển tám. Gieny Denton
9
Khi gặp Gieny Đentơn, Chali Xtanđơxt tám mươi mốt tuổi. Đó là một buổi sáng mùa xuân năm 1936, tám giờ sáng. Và ông thì nằm trên bàn mổ của Nhà an dưỡng Coltơn ở Xanta Monica. Ông là bệnh nhân chuẩn bị được mổ, còn cô y tá thì là y tá trưởng của Phòng phẫu thuật.
Ông thấy người ta nhấc hai chân mình lên buộc vào cái bàn đạp
và nhanh nhẹn phủ khăn lên chúng, sắp xếp khéo đến mức nếu ông có cố ngoảnh đầu
nhìn cũng không thể thấy được nửa dưới của mình. Khi họ làm xong tất cả những
việc đó, ông thấy cô xuất hiện từ một nơi nào đó ở phía sau ông, bước tới đuôi
bàn; cô nhấc tấm khăn phủ người ông lên.
Trong một thoáng, ông cảm thấy ngượng trước cặp mắt xem xét
các chỗ kín trên người ông một cách rất thản nhiên khách quan ấy. Sau năm đời vợ,
vô số tình nhân và hơn bốn chục đứa con trong đó ông chỉ chắc là có tám đứa là
kết quả của các cuộc hôn nhân, ông cảm thấy rất lạ rằng lại có người có thể
nhìn ông với cặp mắt lơ đãng thản nhiên đến vậy. Đã bao sinh lực vọt ra từ cái
nguồn ấy rồi.
Cô thả tấm vải che rơi lại xuống người ông, ngẩng lên. Một
ánh giễu cợt lóe lên trong cặp mắt xám thông minh của cô, và ông biết là cô đã
hiểu ông nghĩ gì.
Cô đi vòng qua bàn, nói gì đấy với một người ở phía sau ông.
Ông nhướng mắt lên, thoáng thấy một cô y tá nữa. Tay ông chợt nhói một cái, ông
quay ngoắt đầu lại. Cô đã rút cái kim tiêm bắp ra khỏi tay ông.
- Hì, cô bé nhanh quá đấy! - ông thốt lên.
- Nghề của cháu phải nhanh mà!
- Nghề của tôi cũng vậy.
Và cái ánh cười ấy lại hiện lên trong đôi mắt xám.
- Cháu biết rồi. Cháu đã đọc các báo.
Vừa lúc ấy bác sĩ Coltơn bước vào.
- Xin chào bác Xtanđơxt, - ông hồ hởi thốt lên. - Ngày hôm
nay ta đã có tý nước tiểu nào chưa nhỉ?
- Có thể là bác sĩ đã có, bác sĩ ạ. Còn bác hiểu rất rõ là
tôi làm gì có được một chút chết tiệt nào. - Xtanđơxt nói gọn - Nếu không thì
tôi đã chẳng bị lôi vào cái lò sát sinh này.
Bác sĩ Coltơn bật cười:
- Ồ, nhưng mà thôi, bác chẳng phải lo lắng chút gì đâu.
Chúng tôi sẽ lấy những hòn sỏi thận ấy ra trong nháy mắt thôi.
- Nhưng dù sao, Bác sĩ ơi, tôi cũng mừng là có chuyên gia
làm việc này. Chứ để vào tay bác, Chúa cũng chịu không biết bác sẽ cắt cái gì của
tôi vứt đi đây.
Lời giễu cợt của ông không làm bác sĩ chạnh lòng. Hai người
biết nhau lâu lắm rồi. Chính Chalj Xtanđơxt là người đã bỏ hầu hết số tiền cần
để xây dựng bệnh viện này. Bác sĩ lại vui vẻ cười phá lên.
Phẫu thuật viên đã đến đứng cạnh Coltơn.
- Sẵn sàng chưa ạ, thưa ông Xtanđơxt?
- Sẵn sàng như thường lệ suốt đời tôi rồi. Này, để lại chút
gì cho đám con gái nhé, bác sĩ?
Phẫu thuật viên gật đầu. Xtanđơxt cảm thấy tay kia của mình
lại nhói lên một cái. Ông ngoảnh sang, Gieny đang đứng đấy.
- Mắt xám ơi, - ông thốt lên với cô. Người vợ thứ hai của
ông cũng có đôi mắt xám. Hay là vợ thứ ba nhỉ? Ông cũng không nhớ rõ nữa. - Cô
định sẽ không bỏ khẩu trang ra để tôi không nom thấy cả mặt cô phỏng?
Lại thoáng lóe lên cái ánh cười cười giễu cợt.
- Cháu nghĩ là các bác sĩ sẽ không tán thành việc ấy đâu.
Nhưng sau khi mổ xong, cháu sẽ thăm bác. Được không ạ?
- Tuyệt lắm. Tôi có cảm giác là cô rất xinh cô bé ạ.
Ông không biết các bác sĩ gây mê ở phía sau ông đã gật đầu.
Gieny cúi xuống mặt ông.
- Nào bác Xtanđơxt, bây giờ bác đếm theo cháu nhé, từ mười
trở xuống. Mười, chín, tám...
- Bảy, sáu, năm, hai, chín... - Môi ông mấp máy chậm chạp.
Và mọi cái như lùi ra rất xa, thoải mái nhẹ nhõm vô cùng. - Mười, tám, một,
ba... sáu... bốn... một... hai... - Giọng ông nhỏ dần rồi tắt hẳn.
Bác sĩ gây mê ngẩng lên nhìn bác sĩ phẫu thuật.
- Ông ấy mê hoàn toàn rồi.
Họ cùng thấy ngay một lúc, qua vết cắt mà bác sĩ phẫu thuật
đã mở ra trên bụng ông - cái mảng xám sẫm đã phủ hầu hết một bên của một quả thận
và đang vươn những đường mảnh như chỉ tóc ra mọi hướng, lấn sang bên kia. Không
ngẩng đầu lên, bác sĩ phẫu thuật bỏ hai miếng thịt cắt bằng kéo lên mấy lát
kính Gieny chìa ra dưới tay ông. Cô chuyển chúng cho một cô y tá đứng cạnh,
không quay người lại.
- Bệnh lý, - cô thì thào.
Cô y tá nhanh nhẹn mang chúng đi, và Gieny cũng lặng lẽ
nhanh nhẹn nhặt hai cái kẹp cầm máu lên. Bác sĩ phụ mổ cầm lấy chúng, kẹp ngay
vào hai mạch máu vừa được con dao của bác sĩ chính rạch lộ ra.
- Anh có đợi lấy mẫu ra xem không? - Bác sĩ Coltơn đứng bên
cạnh bác sĩ chính, cất tiếng hỏi. Bác sĩ chính không ngẩng lên, các ngón tay của
anh ta đang lúi húi dò dò trong khối thịt.
- Không, trừ phi là bác sĩ muốn tôi làm thế. - Anh chìa tay
ra, Gieny đặt một cái thìa nạo tinh vào tay anh. Bây giờ thì anh làm rất nhanh,
nạo đầu quả thận nhiễm trùng, múc ra.
Coltơn ngập ngừng:
- Chalj Xtanđơxt không phải là người thường đâu...
Mọi người quanh bàn mổ này đều biết thế. Ở một thời điểm nào
đó bất kỳ, cái ông lão đang lặng lẽ nằm đây có thể có được tất cả cái gì mà ông
ta muốn. Thống đốc, nghị sĩ, mọi thứ. Với hơn hai mươi tờ báo ở khắp nước, cùng
một gia tài khổng lồ thu được qua các mỏ vàng và dầu hỏa, ông già thực sự chả
muốn trở thành ai nữa ngoài bản thân mình. Ngoài Hơxt ra, ông là niềm tự hào thứ
hai ở bang này về những trùm tư bản tự làm giàu trong nước.
Bác sĩ phẫu thuật - một thanh niên còn tương đối trẻ, người
đã nhanh chóng trở thành một trong những chuyên gia đi đầu trong lĩnh vực này của
thế giới, người đã đáp máy bay từ Niu Yooc đến để thực hiện riêng có ca mổ này
- bắt đầu nhấc quả thận ra. Cô y tá phía sau Gieny gõ gõ vào tay cô. Gieny quay
lại, cầm lấy mảnh giấy từ tay cô ta, chìa ra cho bác sĩ phẫu thuật xem. Cô có
thể nhìn thấy rất rõ những dòng chữ đánh máy đơn giản:
Ung thư biểu bì. Di chứng, ác tính.
Bác sĩ phẫu thuật khẽ thở dài, liếc nhìn lên Coltơn.
- Thôi, bây giờ thì ông ấy trở thành người thường như bất kỳ
ai trong chúng ta rồi.
Sáng hôm sau, khi bác sĩ bước vào phòng, ông Xtanđơxt đã thức.
Nếu như anh có để ý đến cái máy têlêtip đang lách tách ở góc phòng, thì mặt anh
cũng không thể hiện rõ sự chú ý ấy. Anh bước tới bên giường bệnh, nhìn xuống.
- Tôi đến để chào từ biệt ông, ông Xtanđơxt ạ. Sáng nay tôi
lại về Niu Yooc đây.
Ông già nhìn anh, nhoẻn cười.
- Hì, bác sĩ. Đã có ai bảo cho anh biết là ông bố anh làm thợ
may chưa hả?
- Ông Xtanđơxt, bố tôi là thợ may thực mà.
- Tôi biết. - Xtanđơxt nói nhanh. - Ông vẫn còn một cái kho ở
phố Xtanđơn. Anh từng là chủ tịch hội đòi thả Xacô và Vadeti của Trường đại học
ở Niu Yooc, khi anh tốt nghiệp trường đó năm hăm bảy, là thành viên chính thức
của Những người xã hội trẻ trong năm đầu anh ra làm việc ở P, và S, là bác sĩ
phẫu thuật Mỹ trong năm đầu ra nghề. Anh vẫn đang đăng ký là người theo chủ
nghĩa xã hội ở Niu Yooc, và có lẽ anh sẽ bầu Noman Thômơx làm Tổng thống trong
lần bầu cử tới này.
Bác sĩ mỉm cười:
- Ông biết khá nhiều về tôi quá.
- Tất nhiên phải thế chứ. Anh nghĩ là tôi để cho bất kỳ một
tay ba vạ nào đó cắt thịt tôi đi ư?
- Vậy có lẽ sau khi biết như vậy, ông cũng đâm hơi lo về việc
tôi mổ cho ông đấy nhỉ? Ông biết rõ là những người xã hội chúng tôi nghĩ về ông
như thế nào rồi.
Ông già bật cười, rồi nhăn mặt vì đau.
- Cóc khô! Theo tôi nghĩ, anh trước hết là thầy thuốc, rồi mới
là người theo phái xã hội.
Ông ranh mãnh ngẩng nhìn lên.
- Bác sĩ này, nếu anh bầu cho người của đảng Cộng hòa,
thì tôi có thể làm anh trong vòng ba năm trở thành triệu phú ngay đấy.
Bác sĩ cười, lắc đầu.
- Ồ, xin cảm ơn ông. Tôi sẽ đâm lo lắng quá nhiều mất.
- À, mà làm sao anh lại không hỏi tôi giờ cảm thấy thế nào
nhỉ? Lão Coltơn đã vào đây bốn lần, lần nào cũng hỏi như vậy cả.
Bác sĩ nhún vai.
- Tại sao tôi phải làm thế cơ chứ? Tôi biết giờ ông đang cảm
thấy thế nào. Ông đau đớn.
- Đau như hoạn ấy, bác sĩ ạ. - Xtanđơxt đáp. - Coltơn bảo
anh đã lấy những hòn sỏi thận to bằng bóng chày ra ấy.
- Phải, chúng cũng khá to thật.
- Ông ta còn bảo tôi phải đeo cái túi anh ngoắc vào sườn tôi
thế này cho đến khi thận lành và làm việc trở lại.
- Ông sẽ phải đeo nó hơi lâu đấy.
Ông già chằm chằm nhìn thẳng vào mặt anh:
- Anh biết không, cả hai người các anh đều nói dối như cứt ấy,
- ông già bình thản nói. - Tôi sẽ đeo cái của đó xuống đến tận mồ. Và cũng
không xa gì nữa đâu.
- Tôi không nói thế mà.
- Tôi biết là anh không nói thế đâu. - Xtanđơxt đáp. - Chính
vì vậy tôi là người nói. Này, nhìn đây, bác sĩ. Tôi đã tám mốt tuổi. Và ở cái
tuổi tám mốt, nếu người ta sống được đến đó, người ta ngửi thấy mùi cái chết rất
tinh - cái chết của bất kỳ ai, kể cả bản thân mình. Người ta học được cách nhìn
nó, nhìn qua mặt hay trong mắt. Thôi đừng có bịp tôi nữa. Tôi còn sống được bao
lâu nữa hả?
Bác sĩ nhìn thẳng vào mắt ông lão và thấy rõ là ông già
không sợ. Nếu có gì ánh lên trong đôi mắt ấy, thì đó là một sự tò mò sắc sảo.
Anh quyết định rất nhanh. Coltơn đã nhầm trong cách xử trí chuyện này. Đây là một
người đàn ông thực sự. Ông đáng được đối xử bằng sự thật.
- Ông Xtanđơxt, ba tháng nếu như ông gặp may. Còn nếu không,
sáu tháng.
Ông già nhìn không chớp mắt.
- Ung thư à?
Bác sĩ gật.
- Ác tính và di căn. - anh đáp. - Tôi đã cắt bỏ hẳn một quả
thận và gần một nửa quả kia. Chính vì vậy mà ông phải đeo cái túi đựng chất thải
ấy.
- Rồi nó có đau không?
- Rất đau. Nhưng ta có thể dùng moocphin làm tê.
- Vứt cha cái ấy đi! Hấp hối là chuyện duy nhất trong đời
tôi chưa từng trải. Đó là một việc tôi không muốn để lỡ dịp được thử qua đâu.
Cái máy Têlêtip đột nhiên kêu lách tách rộ lên. Ông già đưa
mắt liếc nó, rồi quay lại bác sĩ.
- Khi nào thì tôi biết là sắp đến chỗ ấy, anh bạn?
- Nhìn nước giải trong cái túi ấy. Càng đỏ thì càng đến gần.
Như vậy có nghĩa là thận đã cho máu qua chứ không phải cho nước giải qua nữa, bởi
vì ung thư đã ăn dần đến hết quả thận.
Ánh mắt ông già sáng quắc, thông minh.
- Như vậy có nghĩa là tôi có thể sẽ chết vì nhiễm độc urê
trong máu hả?
- Có lẽ vậy. Nếu không có gì hư hỏng nữa xảy ra.
Xtanđơxt bật cười.
- Hì hì, bác sĩ. Nếu tôi cứ tiếp tục uống rượu thì hai mươi
năm trước tôi đã vớ được chuyện này rồi.
Bác sĩ cười theo.
- Nhưng hãy xem ông sẽ bỏ mất bao nhiêu là điều vui thú!
Ông già mỉm cười, ngẩng nhìn lên.
- Chắc là đám xã hội chủ nghĩa các anh sẽ tuyên bố đó là
ngày lễ toàn quốc chứ hả?
- Tôi cũng không rõ, ông Xtanđơxt ạ. - Bác sĩ mỉm cười lại.
- Không biết khi ấy chúng tôi sẽ lấy ai mà phàn nàn nữa đấy.
- Tôi không lo. Lão Hơxt và Patơxơn vẫn còn đấy cơ mà.
Bác sĩ chìa tay.
- Thôi, tôi phải đi rồi, ông Xtanđơxt ạ.
Ông cũng chìa tay.
- Thôi, tạm biệt bác sĩ. Và, cám ơn nhiều.
Cặp mắt sẫm của bác sĩ trở nên nghiêm nghị.
- Thôi, tạm biệt, ông Xtanđơxt. Tôi xin lỗi.
Anh quay ra cửa. Giọng của ông già làm anh quay ngoắt lại.
- Bác sĩ, phiền anh làm hộ tôi một việc được không?
- Xin sẵn sàng, ông Xtanđơxt ạ.
- Cái cô y tá trong phòng mổ. Cái cô có đôi mắt xám và bộ ngực
đẹp ấy mà... - Xtanđơxt nói.
Bác sĩ hiểu ông già muốn nói ai.
- Cô Đentơn phải không ạ?
- Nếu như tên cô ta là như vậy.
Bác sĩ gật đầu.
- Cô ta nói nếu tôi muốn nhìn cô ta không đeo khẩu trang cô
ta sẽ xuống thăm tôi. Anh làm ơn nhắn lại với cô Đentơn trên đường ra về của
anh là tôi mời cô ta tới ăn bữa trưa với tôi, được không?
10
Gieny nhấc chai sâm banh lên, đổ vào cái cốc cao đã cho đầy đá. Sâm banh sủi lên thành bọt rất mịn rồi từ từ loang ra, ngấm dần xuống dưới cho đến khi cái cốc đầy đến miệng. Cô bỏ một cái ống hút thủy tinh vào cốc rồi chìa nó ra cho Xtanđơxt.
- Đây, bia gừng của bác đây.
Ông già tinh quái nhoẻn miệng cười với cô.
- Nếu muốn tìm cái gì làm ta bốc máu lên được, thì sâm banh
bao giờ cũng hơn hẳn bia gừng đấy.
Ông nhấp một ngụm, vẻ tán thưởng.
- Khà, - ông chép miệng, - cháu cũng uống một chút đi, có thể
nó sẽ làm cho cháu cảm thấy tê mê ngứa ngáy đấy.
- Nếu vậy thì có lợi gì nào? - Gieny bẻ lại.
- Thì tôi cảm thấy vui thích khi nhớ lại những cái mình đã
làm, nếu bây giờ là hai mươi năm về trước.
- Thôi cụ ơi, để cho chắc, thì cứ nói là bốn mươi năm đi!
- Không. - Ông già lắc đầu. - Hai mươi năm là tốt nhất. Bởi
vì có lẽ khi ấy tôi rất quý trọng nó, biết rằng nó sẽ không còn được bao lâu nữa.
Cái máy têlêtip ở góc thư viện đột nhiên kêu rộ lên lách
tách. Gieny nhổm dậy khỏi ghế, bước tới chỗ nó. Đợi nó dừng, cô xé bức điện ra,
mang lại chỗ ông.
- Người ta lại bầu Rudơvelt nhiệm kỳ thứ hai rồi, - cô thốt
lên, chìa cho ông cái băng giấy màu vàng.
- Tôi đã chờ chuyện này xảy ra thế mà. Giờ thì người ta
không thể bẩy cái thằng cha khốn kiếp ấy ra khỏi chỗ đó được nữa đâu. Mà việc
quái gì tôi phải lo cơ chứ? Tôi có còn đâu.
Ông vừa dứt lời thì chuông điện thoại cũng réo vang. Tòa báo
Lôx Angiơlex của ông gọi. Cô cầm ống nghe lên, đưa tới chỗ ông.
- Xtanđơxt đây, - ông nói.
Cô nghe thấy tiếng ù ù lạo xạo khe khẽ ở đầu dây đằng kia.
Ông lắng nghe, mặt không để lộ một vẻ gì cả.
- Mẹ kiếp, không! Còn thừa thời gian viết xã luận sau khi
lão ta đọc diễn văn nhậm chức. Ít nhất thì đến lúc ấy ta cũng biết qua được lão
ta sẽ nuốt những lời hứa nào. Từ giờ đến mai, không có xã luận gì. Tất cả các
báo khác cũng thế. Ra lệnh trên têlêtip đi.
Ông đặt ống nghe xuống, nhìn nó. Ngay lập tức, cái máy
têlêtip lại kêu lách tách. Cô đến bên nó, nhìn xuống. Từng con chữ xanh nối
nhau hiện lên trên nền giấy vàng.
CHALJ XTANĐƠXT GỬI LỜI CHÀO TẤT CẲ CÁC BÁO.
QUAN TRỌNG. HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ XÃ LUẬN VIỆC RUDƠVELT TÁI CỬ
CHO ĐẾN KHI CÓ DIỄN VĂN NHẬM CHỨC VÀ CÓ SỰ NHẬN ĐỊNH VỀ NÓ. NHẮC LẠI, HOÀN TOÀN
KHÔNG CÓ XÃ LUẬN VIỆC... RUDƠV...
Cô bước khỏi cái máy têlêtip vẫn đang lách tách.
- Đấy là lệnh của cụ rồi đấy, cụ chủ ạ.
- Tốt. Giờ thì tắt cái của nợ ấy đi để ta nói chuyện.
Cô đi tới, rút nút cắm ra, rồi quay lại, ngồi đối diện với
ông. Cô châm một điếu thuốc hút, ông tư lự nhấp sâm banh qua cái ống thuỷ tinh.
- Khi việc này xong thì cháu định làm gì?
- Cháu chưa nghĩ ngợi gì về nó cả.
- Cháu nên bắt đầu đi thì hơn. Từ giờ đến đó không còn lâu
la gì nữa đâu.
Cô mỉm cười nhìn ông.
- Cụ nóng lòng muốn tống tôi đi cho khuất mắt hả?
- Đừng có ấm ớ! Cái lý do duy nhất tôi còn cố sống thế này
là bởi vì tôi không muốn rời xa cô đâu, cô nỡm ạ.
Giọng của ông có một cái gì đó khiến cô vội chăm chú nhìn
ông, dò hỏi, tìm kiếm:
- Bác Chaly, bác biết không, cháu tin là bác nói thế là nói
thật đấy.
- Tất nhiên thật thế. - Ông đáp gọn.
Đột nhiên cảm động, cô cúi xuống ghế ông ngồi, hôn nhẹ lên
má ông.
- Này, y tá Đentơn, - ông thốt lên, vẻ nghiêm nghị đùa đùa.
- Tôi nghĩ là cô xiêu lòng rồi đấy. Tôi sẽ túm được cô em cho mà xem.
- Bác Chaly, bác đã làm em xiêu lòng từ lâu rồi đấy. Chỉ có
điều ân hận là ta không biết nhau sớm hơn mà thôi.
Rồi nghĩ lại lời nói đùa, cô cảm thấy đúng như thế thật.
Ngay từ lần đầu tiên cô xuống ăn trưa cùng ông trong phòng của ông ở bệnh viện ấy,
sau cái ngày ông mổ, cô đã thấy thích ông. Cô biết rằng ông sắp chết, và sau một
tháng, cô biết rằng ông cũng biết điều đó. Nhưng việc ấy không hề ngăn cản chuyện
tỏ ra hào hoa lịch thiệp với phái đẹp của ông. Không hề có một món ăn nhạt nhẽo,
vô vị nào của bệnh viện, mặc dù ông không ăn được.
Thay vào đó, thức ăn được đưa đến bằng ôtô từ nhà hàng
Rômanôf, có một cảnh sát phóng mô tô rú còi inh ỏi dẹp đường. Và cùng với thức
ăn là một đầu bếp trưởng và hai anh phục vụ.
Ông ngồi trên giường bệnh, nhấp sâm banh, chăm chú ngắm nhìn
cô ăn. Ông ưa thích cái cách ăn của cô. Những người khảnh ăn thường là những
người bạn chăn gối ích kỷ. Họ không cho ta được cái gì, mà chỉ đòi hỏi ở ta một
cảm giác thỏa mãn không thể nào đạt được trong chuyện ăn nằm, tương tự như họ
tìm kiếm ở bàn ăn. Ngay lập tức, ông quyết định luôn, như vẫn làm trong các
chuyện khác.
- Tôi sẽ còn phải nằm trong một thời gian nữa, - ông nói, -
tôi sẽ cần một y tá. Cô có thích việc ấy không nào?
Cô ngẩng lên khỏi cốc cà phê, ánh mắt ngỡ ngàng.
- Thưa ông Xtanđơxt, có những y tá chuyên chăm sóc bệnh nhân
tại nhà. Có lẽ họ thạo việc hơn tôi nhiều đấy ạ.
- Tôi hỏi cô kia.
- Tôi có việc làm ở bệnh viện trung tâm Lôx Angiơlex. Một chỗ
làm tốt. Tuy vậy đôi khi tôi được yêu cầu tới đây, phục vụ cho những ca mổ như
ca này. Tôi quen loại việc này mà.
- Cô lương bao nhiêu?
- Tám lăm một tháng, cộng ăn và ở.
- Tôi sẽ trả cô một ngàn một tuần, cộng ăn và ở.
- Thế thì khôi hài quá!
- Thật không! - Ông chăm chú nhìn cô. - Tôi chịu được thế
mà. Sáng nay, trước khi ở đây về, bác sĩ có bảo tôi là tôi chỉ còn sống được có
ba tháng nữa. Tôi luôn chờ sẽ được yêu cầu trả hơn giá thường khi không thể bảo
đảm có việc làm lâu dài mà.
Cô cúi xuống nhìn người phục vụ rót đầy thêm một lần nữa cốc
cà phê của mình.
- Ông sẽ ở đây khoảng ba tuần nữa. Như vậy là tôi có đủ thời
gian thông báo cho bệnh viện. Bao giờ thì ông muốn tôi nhận việc ạ?
- Ngay bây giờ. Và đừng có lo gì về chuyện thông báo thông
biếc nữa. Tôi đã bảo cả Coltơn lẫn Lôx Angiơlex rằng cô sẽ làm việc cho tôi rồi.
Cô tròn mắt nhìn ông một thoáng, rồi đặt cốc xuống, đứng dậy.
Cô khoát tay ra hiệu cho ông đầu bếp trưởng và ngay lập tức, hai người phục vụ
đẩy bàn ăn ra khỏi phòng.
- Ê, thế là thế nào hở cô nỡm? - Xtanđơxt bật hỏi.
Cô lặng thinh không đáp, đi tới dưới giường, cầm bảng theo
dõi nhiệt độ và mạch lên. Cô chăm chú nhìn nó một thoáng, rồi bước lại gần ông,
tước lấy cốc sâm banh ở trong tay ông.
- Nếu cháu bắt đầu nhận việc trông nom bác từ giờ, - cô đáp,
- thì bây giờ là lúc bác cần đi nghỉ một chút.
Thời gian chưa bao giờ trôi nhanh như lúc nó sắp cạn với một
đời người như thế này, ông nghĩ thầm. Không hiểu sao, hình như mọi cái trở nên
sắc nét hơn, rõ ràng hơn. Có lẽ thế là bởi vì các trách nhiệm về chúng không
còn đường quay lại nữa. Chả ai có thể thắng được một cuộc tranh cãi với cái mả
cả.
Một cơn đau đột ngột xốc qua người ông sắc như dao. Ông
không co rúm người lại, nhưng nhìn mặt cô, ông biết là cô đã biết ông đau. Giữa
họ đã nảy sinh một mối thông tin rất kỳ lạ. Lời nói nhiều khi không cần thiết.
Nhiều lần, ông có cảm giác rằng cô cũng chịu đau đớn như ông.
- Có lẽ bác nên đi nằm thì hơn bác ạ. - Cô thốt lên.
- Chưa đâu. Tôi muốn nói chuyện này với cháu.
- Được ạ. - Cô đáp. - Cháu nghe đây ạ.
- Cháu sẽ không trở lại làm ở bệnh viện nữa chứ?
- Cháu cũng chả biết nữa. Thực ra, cháu chưa nghĩ tới việc ấy.
- Cháu sẽ không bao giờ còn thấy hạnh phúc trong cái nghề ở
đó nữa đâu. Tôi đã làm hư cháu. Không có gì được như việc có nhiều tiền cả.
Cô bật cười.
- Bác Chaly, bác nói đúng quá. Cháu cũng đã nghĩ về việc đó.
Chả cái gì còn trở lại y như cũ được nữa rồi.
Ông tư lự chăm chú nhìn cô.
- Tôi có thể cho cháu một chút gì trong di chúc, hoặc thậm
chí lấy cháu làm vợ nữa. Nhưng đám con tôi sẽ kiện cháu đến tòa án liên bang,
và đảm bảo rằng cháu đã lung lạc tôi. Tất cả những gì cháu được sẽ chỉ là đau
khổ mà thôi.
Cô nhìn thẳng vào ông:
- Bác Chaly, dù sao cháu cũng cám ơn bác vì đã lo cho cháu.
- Cháu cần phải làm ra được rất nhiều tiền. - Ông thốt lên.
- Vậy tại sao cháu lại quyết định trở thành y tá nhỉ? Cháu luôn luôn như vậy ư?
- Không. - Cô nhún vai. - Cái mà cháu thực sự muốn là trở
thành một Hêlen Uyn thứ hai kia. Nhưng cháu nhận được một học bổng vào trường
Xant Mary, và thế là cháu đi.
- Thậm chí làm nghề đánh Tennis vớ vẩn cũng kiếm ra tiền đấy.
- Cháu biết. Nhưng dù sao thì giờ cũng quá muộn rồi. Cháu sẽ
rất hài lòng nếu như làm được đủ tiền thuê được một cầu thủ nhà nghề giỏi nhất
để tập mỗi ngày hai tiếng.
- Thấy rồi! - Ông thốt lên đắc thắng. - Như vậy là nguyên chỗ
ấy, cũng phải mất mỗi ngày một trăm đô la.
- Vâng ạ. Có lẽ rồi cháu lại phải chui vào lại bệnh viện.
- Cháu không việc gì phải làm thế cả.
- Bác nói vậy nghĩa là thế nào. - Cô thốt lên, nhìn ông. - Đấy
là tất cả những việc người ta đã dạy cháu làm.
- Cháu đã bắt đầu học làm một cái khác, trước khi học làm y
tá rất lâu rồi cơ. Làm một người đàn bà.
- Thế thì cháu đã từng làm không đến nơi đến chốn gì cho lắm.
- Cô nói ủ rũ. - Ngay từ lần đầu tiên cháu sử xự như một người đàn bà, cháu đã
bị một cú choáng người.
- Ý cháu muốn nhắc tới bác sĩ Grant ở Frixcô phải không?
- Làm sao mà bác biết được ạ?
- Hầu như là chỉ đoán thôi. - Ông đáp - Nhưng tòa báo thì đã
kiểm tra lại ngay, một cách tự động, những người đến gần tôi. Grant khét tiếng
về chuyện ấy, rồi cái việc cháu đang làm cho ông ta, đột nhiên bỏ đi đã khiến
tôi đoán ra. Chuyện gì đã xẩy ra thế? Vợ ông ta bắt quả tang được cháu à?
Cô chậm chạp gật đầu.
- Thật kinh khủng.
- Luôn luôn là như vậy khi ta vương vấn dính líu đến nó qua
con đường tình cảm. Chuyện đó đã xẩy ra với tôi không chỉ một lần. - Ông đổ đầy
sâm banh lại vào cốc. - Bí quyết là đừng để chết vì tình cảm.
- Làm cách nào để có được điều đó cơ chứ?
- Bằng cách bắt tình yêu phải trả tiền. - Ông đáp.
- Bác nói như thế có nghĩa... có nghĩa là... cháu nên trở
thành gái điếm ư? - Cô bàng hoàng thốt lên.
Ông mỉm cười:
- Đấy là tiếng nói của con người theo đạo trong cháu đang thốt
lên đấy thôi. Chứ còn trong thâm tâm, cháu thậm chí đã công nhận rằng điều đó
nghe có lý.
- Nhưng đi làm đĩ? - Cô vẫn bàng hoàng.
- Không phải là đĩ, mà là gái điếm hạng sang, hay nói theo
ngôn ngữ hiện đại, gái loại xịn. Trong các nền văn mình cổ, làm nghề này là một
việc được tôn trọng rất cao. Các chính khách, các nhà triết học đều tìm đến cầu
xin lòng thương của họ. Mà không phải chỉ vì tiền mà nghề này hấp dẫn đâu. Mà đấy
là một lối sống gần như hoàn chỉnh. Sang trọng, đầy đủ mọi cái.
Cô bật cười:
- Cụ ơi, cụ chỉ là một lão già dâm đãng bẩn thỉu thôi. Bao
giờ thì cụ chìa ra cho con xem những bức ảnh Pháp ấy nữa hả?
Ông cười theo.
- Tại sao tôi lại phải không cơ chứ? Tôi cũng đã là một gã
thanh niên phóng đãng đấy. Nhưng chưa bao giờ tôi là một thằng ngu cả. Cháu có
đủ mọi cái để trở thành một gái điếm hạng sang. Thân thể, trí óc - thậm chí cái
nghề y tá của cháu cũng không bị bỏ phí đâu. Tình dục chân chính đòi hỏi phải
có sự thông minh lớn hơn sự động cỡn thú vật nhiều.
- Thôi, cháu hiểu rồi, giờ đã đến lúc cháu đi ngủ rồi đấy. -
Cô vừa cười vừa nói. - Nếu không, chắc là bác bây giờ sẽ gợi ý rằng cháu phải đến
một trường nào đó mà học hẳn hoi cái ấy mất thôi.
- Hay lắm! - Ông thốt lên. - Đấy là một ý hay lắm. Người ta
cứ luôn đeo đuổi theo tôi bảo tôi nên thiết lập một trường đại học này nọ. Mà tại
sao tôi đã không nghĩ tới chuyện ấy nhỉ. Trường đại học tình dục mang tên
Xtanđơxt. Hay còn mang tên khác là trường phái Cối theo kiểu cũ. - Ông phá lên
cười vui vẻ, rồi đột nhiên, rúm mặt lại vì đau. Mặt ông bợt đi, trán lấm tấm mồ
hôi. Ông cúi gập người trên ghế.
Ngay lập tức, cô đâm bổ sang cạnh ông, lần vội cánh tay áo
choàng ông lên, lần tìm mạch. Cô nhanh nhẹn bơm liều moocphin vào tay ông. Những
ngón tay gầy guộc, lục cục xương của ông bấu chặt lấy tay cô, cố đẩy nó ra, mắt
ông trợn lên nhìn cô, dại đi vì đau đớn.
- Lạy Chúa, bác Chaly. - Cô cáu kỉnh quát lên. - Hãy để bản
thân mình nghỉ một tí chứ. Sao bác cứ tự làm khổ mãi thế?
Thôi tiêm thêm một liều moocphin nữa cho ông. Cô ngẩng lên
nhìn ông, thấy mắt ông ánh lên, ông cố cưỡng lại sức giảm đau mà moocphin đem lại.
Cô cầm bàn tay yếu ớt, khẳng khiu của ông, vụt đưa lên đụng vào môi mình.
Ông mỉm cười, mắt đã bắt đầu mờ đi vì thuốc.
- Gieny tội nghiệp, - ông nói dịu dàng, - ở vào thời khác
thì tôi đã làm cháu trở thành bà hoàng của tôi rồi đấy. - Tay ông mơn man vuốt
nhẹ trên má cô. - Nhưng tôi sẽ không quên những gì ta đang nói với nhau đâu.
Tôi sẽ không để cháu phung phí cuộc đời chỉ vì mỗi chuyện là tôi không còn ở đó
mà hưởng hạnh phúc nữa đâu.
11
Ba ngày sau đó, khi họ đang ngồi ăn trưa dưới hàng hiên, cô nhìn thấy một chiếc Rôll-Roy sang trọng màu xám đỗ xịch ở đường vào tòa nhà. Một người tài xế ăn mặc chỉnh tề mở cửa xe, một người đàn bà bước vào. Dăm phút sau, bác quản gia xuất hiện ở chỗ họ.
- Thưa ông Xtanđơxt, có một bà Xchuat muốn gặp ông ạ.
Xtanđơxt mỉm cười:
- Giaxon, anh bày một bộ đĩa bát nữa và mời xem bà Xchuat có
ăn cùng ta không nhé.
Bác quản gia cúi người.
- Vâng ạ, thưa ông Xtanđơxt.
Một thoáng sau, người đàn bà xuất hiện ở ngưỡng cửa.
- Chaly, - bà reo lên, giọng vui vẻ không lẫn vào đâu được.
Bà bước tới chỗ ông, chìa cả hai tay ra. - Gặp lại được anh vui quá.
- Aiđa. - Xtanđơxt hôn tay bà. - Tha lỗi vì tôi đã không đứng
lên được thế này nhá. - Ông nhìn mặt bà. - Cô vẫn xinh tươi không hề thay đổi
chút nào cả.
- Chaly, anh đúng là chả thay đổi chút nào hết! Anh có thể
nói dối như cuội, mà mặt vẫn cứ tỉnh bơ đi thôi.
Xtanđơxt phì cười.
- Aiđa, đây là Gieny Đentơn.
- Xin chào bà ạ. - Gieny nói. Cô nhìn người đàn bà, khoảng
già năm mươi, non sáu mươi tuổi gì đó, ăn mặc sang trọng và kín đáo. Người đàn
bà quay lại nhìn cô, mỉm cười thân mật. Nhưng đột nhiên cô có cảm giác rằng hầu
như không có cái gì trên người cô lọt khỏi mắt bà ta cả.
Bà quay lại phía Xtanđơxt.
- Đấy có phải là cô gái anh nói với tôi qua điện thoại
không?
Xtanđơxt gật đầu.
Người đàn bà quay lại Gieny. Lần nay cặp mắt bà mở to lộ rõ
vẻ tán thưởng. Bà bỗng nhiên mỉm cười.
- Chaly, có thể là anh đã mất cà, bà ta nói bình thản, -
nhưng chắc chắn là con mắt tinh đời sành sỏi của anh chả hỏng tí gì cả.
Gieny há hốc miệng trố mắt nhìn họ. Xtanđơxt bật cười hà hà!
Vừa lúc đó, bác quản gia lại xuất hiện ở cửa, vác một cái ghế. Bác đặt cạnh bàn
cho bà Xchuatj, bà ngồi xuống.
- Giaxơn, cho bà Xchuaty đây dùng một cốc shery nhé. - Bác
quản gia cúi người, biến mất. Xtanđơxt quay lại Gieny. - Chắc chắn cháu đang ngớ
người không hiểu đầu cua tai nheo thế nào nhỉ?
Gieny gật đầu, vẫn còn bàng hoàng chưa thốt nổi ra lời.
- Hăm lăm năm trước đây, Aiđa Xchuatj mở một ngôi nhà chứa nổi
tiếng nhất ở Chicagô, phía tây nhà chị em Evơlây ấy.
Bà Xchuatj cúi người về phía trước, vuốt ve tay ông.
- Anh Chaly nhớ tất cả mọi cái, - bà nói với Gieny. - Thậm
chí cả việc tôi không uống cái gì khác ngoài shery ra. - Bà cúi nhìn cái cốc của
ông ở trên bàn. - Và tôi đoán rằng anh vẫn uống sâm banh có đá trong cốc to chứ
gì?
Ông gật đầu.
- Thói quen cũ, như bạn bè cũ ấy mà, Aiđa ạ, khó có thể bỏ
đi được.
Bác quản gia đặt cốc rượu xuống trước mặt bà. Bà duyên dáng
đưa cái cốc lên môi, nhấp một ngụm. Rồi bà ngẩng lên, nhìn bác quản gia, mỉm cười.
- Cám ơn bác.
- Dạ, cảm ơn bà ạ.
Bà nhướng mày lên tỏ ý ngạc nhiên một cách vui vẻ.
- Cốc rượu này pha ngon quá. Ta khó mà biết được phải vất vả
như thế nào mới kiếm được một cốc côctei cho tử tế đâu, thậm chí ở những khách
sạn sang nhất cũng vậy. Hình như ngày nay có vẻ như các bà chỉ uống độc có
Mactini hay sao ấy. - Bà rùng mình một cái lịch thiệp. - Thật kinh khủng. Ở cái
thời tôi, không một cô gái nào, thậm chí nằm mơ, cũng nghĩ tới loại như thế
đâu.
Xtanđơxt nhìn Gieny.
- Aiđa không bao giờ cho phép bất kỳ cô gái nào của mình uống
một thứ gì ngoài shery ra cả.
- Uyxky sẽ làm rối loạn não. - Aiđa nói trang trọng. - Và
các cô nhà tôi không được trả tiền để làm cái việc uống rượu ấy.
Ông già cười khùng khục, hồi tưởng.
- Đúng là thế thật. Này Aiđa, cô còn nhớ cái lần trước chiến
tranh tôi thường tới cái tiệm của cô để xoa bóp lưng không nhỉ?
- Còn, tôi còn nhớ chứ. - Aiđa mỉm cười.
Ông nhìn Gieny đang ngồi bên kia bàn.
- Người tôi bị đau, bác sĩ đề nghị một tháng ba lần đến nằm
sấp xuống để xoa bóp. Lần đầu thì tôi tới làm ở phòng khám của ông ta. Sau lần ấy,
tôi quyết định rằng nếu tôi phải chịu xoa bóp thì ít nhất tôi cũng phải thưởng
thức nó. Thế là một tuần ba tối, tôi đến nhà Aiđa để xoa bóp lưng.
- Cái anh ấy không nói thêm là... - Aiđa tiếp lời... - anh ấy
bị kích thích rất ghê sau những lần xoa bóp ấy. Và các cô nhà tôi được rèn dạy
là không bao giờ để khách hàng phật ý cả. Thế là đến hai tuần sau, khi Chaly
quay lại ông bác sĩ, giải thích tại sao lại khỏe hẳn lên như vậy, ông ta phát
khùng lên mới ghê cơ chứ!
Xtanđơxt ngặt nghẽo cười:
- Tay bác sĩ bảo sẽ kiện Aiđa trước các nhà chức trách về tội
hành nghề chữa bệnh mà không có giấy phép gì.
Bà Xchuat cúi người, vươn tay qua bàn, vui sướng vuốt ve tay
Xtanđơxt.
- Thế anh còn nhớ Eđ Bary không?
- Hẳn rồi. - Ông cười khùng khục, nhìn Gieny. - Eđ Barry là
một trong những thằng cha giáo phái Baptixt người miền nam, khét tiếng là khắc
kỷ, khinh thị mọi cái, cái gì cũng dán ngay nhãn hiệu tội lỗi vào. Ờ, phải, khi
ấy là trước ngày bầu cử tổng thống, Eđ là ứng cử viên tranh cử với chương trình
cải cách lành mạnh hoá xã hội gì đó. Tôi lừa được hắn ta, chuốc rượu liên tục
nhân cái không khí tưng bừng ấy, và đến nửa đêm thì ông bạn đã say đến phát
khóc lên. Và thế là không nói một lời nào, tôi kéo ông ta tới chỗ Aiđa. Ông ta
suốt đời không quên được nó.
Ông cười phá lên, nước mắt dàn dụa. Ông quệt mắt.
- Tội nghiệp lão Eđ. Lão ấy không bao giờ còn rõ cái gì đã
làm lão ta thay đổi đến thế. Lão bị thua cử, nhưng có vẻ lão cóc thèm để ý mảy
may. Trong cái ngày Aiđa đóng cửa tiệm của cô ấy lại, sau khi chúng tôi đăng
lính, người ta thấy lão ngồi ở tầng hầm rượu dưới nhà, khóc thảm thiết như là cả
thế giới đã đến ngày tan nát hết.
- Đó là những ngày xưa tươi đẹp. - Aiđa thốt lên. - Chả bao
giờ chúng ta còn thấy lại chúng được nữa.
- Tại sao bà lại phải đóng cửa nhà chứa ạ? - Gieny tò mò hỏi.
- Có rất nhiều lý do đấy. - Aiđa nghiêm túc trả lời, quay lại
phía cô. - Trong và sau chiến tranh, có nhiều hoạt động tự do cạnh tranh quá.
Dường như tất cả cô gái nào cũng quyết tâm là sống cho buông tuồng. Và việc tìm
ra các cô gái có đủ lòng yêu thích và tận tụy trong công việc để đảm bảo được
các yêu cầu và tiêu chuẩn cao của tôi, đâm ra rất khó khăn. Tất cả những gì các
cô ả ấy quan tâm là bán dâm thôi. Bởi vì tôi cũng chẳng cần tiền, nên tôi đóng
cửa.
- Aiđa là người rất giàu có đấy. Bà đầu tư toàn bộ tiền của
mình vào bất động sản, nhà cho thuê, ở đây cũng như ở tất cả các thành phố lớn
khắp trong nước. - Xtanđơxt nhìn sang phía bà. - Aiđa, giờ cô có bao nhiêu nhỉ?
Bà nhún vai:
- Trên dưới sáu triệu đôla gì đó. Nhờ anh và mấy người bạn tốt
như anh. - Bà đáp vẻ thờ ơ.
Xtanđơxt nhoẻn cười.
- Nào, giờ thì cháu vẫn quyết chỉ trở lại bệnh viện nữa hay
thôi?
Gieny không đáp.
- Thế nào, Gieny?
Cô trân trân nhìn ông, rồi nhìn Aiđa. Hai người chăm chú
theo dõi cô. Cô chực nói, nhưng không thốt nổi thành tiếng.
Bà Xchuatj đột nhiên cúi người về phía trước, vuốt ve tay
cô, khuyến khích vỗ về.
- Chaly anh cứ để cho cô bé có một chút thời gian nghĩ cho kỹ
đã. - Bà dịu dàng thốt lên. - Đây là một quyết định mà người con gái nào cũng
phải tự mình tính lấy cho mình.
Xtanđơxt mỉm cười nhìn Gieny, mắt ánh lên một niềm vui thích
yêu thương rất lạ.
- Con bé phải quyết định sớm đấy, - ông nói khẽ, - không còn
thời gian nhiều nhặn lắm đâu.
Khi ấy ông đã không biết chính xác về thời gian. Nhưng đúng
là chỉ còn có hai ngày.
Ông ngật đầu sang bên, ngắm cô bước vào phòng mình trong buổi
sáng hai hôm sau.
- Gieny, có lẽ hôm nay tôi cứ nằm ở giường thôi, - ông nói
nhỏ. Cô vừa đưa tay gạt rèm cửa sổ sang hai bên, vừa nhìn ông trong ánh sáng
tràn ngập qua chiếc giường. Mặt ông trắng bệch, lớp da mỏng dính như dán chặt
vào xương. Ông lim dim nhắm mắt, như sợ ánh sáng làm nhức chúng.
Cô đi đến bên giường, cúi xuống nhìn.
- Bác Chaly, bác để cháu gọi bác sĩ nhé?
- Ông ta có thể làm được cái quái gì hả? - Ông vặn lại, trán
dâm dấp mồ hôi. Cô nhặt một tấm khăn mặt nhỏ đặt trên chiếc bàn đặt cạnh giường
lên. Cô nhanh nhẹn thay túi đựng nước giải, bắt gặp mắt ông lia theo nó. Cô vội
lấy chăn đắp lại cho ông. Cô nhặt cái túi lên, đi vào buồng tắm.
- Khá tồi phải không? - Ông hỏi, nhìn vào mặt cô khi cô trở
ra.
- Vâng, khá tồi ạ.
- Tôi biết. - Ông thều thào. - Tôi đã nhìn nó trước khi cháu
tới. Nó đen kịt như rốn địa ngục ấy.
Cô luồn một tay xuống dưới người ông, nâng ông lên, tay kia
vuốt lại gối cho phẳng. Rồi cô nhẹ nhàng đặt lại ông xuống.
- Cháu cũng chả rõ nữa. Có những sáng cháu còn nhìn thấy nó
đen hơn thế nhiều.
- Đừng có lừa tôi. - Ông nhắm mắt lại một thoáng rồi mở ra.
- Tôi có linh cảm rằng hôm nay sẽ là ngày ấy đấy. - Ông thều thào, nhìn thẳng
vào mặt cô.
- Bác sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, sau khi cháu cho một ít nước
cam vào người bác ngay ấy mà.
- Vứt cha nó đi! -
Ông hung hăng thì thào. - Người ta nghe thấy đứa quái nào đi xuống địa ngục với
nước cam chưa hả? Đưa cho tôi một cốc sâm banh.
Lặng thinh, cô đặt cốc nước cam xuống, cầm một cái cốc vại
lên. Cô lấy đá từ cái phích đựng ra, cho đầy cốc, rồi đổ sâm banh vào. Cô cắm ống
hút vào cốc rượu, chìa ra cho ông uống.
- Tôi vẫn còn đủ sức cầm được chai rượu của mình mà.
Cái máy têlêtip ở góc nhà đột nhiên kêu rào rào. Cô đi đến,
cúi xuống nhìn.
- Gì vậy cháu?
- Một bài diễn văn của Lanđơn đọc ở bữa tiệc đảng cộng hòa
đêm qua ạ.
- Tắt nó đi. - Ông nói cộc lốc.
Ông chìa cái cốc ra cho cô. Cô cầm lấy, đặt lại bàn. Điện
thoại chợt réo chuông. Cô nhấc ống nghe lên.
- Ông chủ bút mục chuyện tin ở Lôx Angiơlex ạ, - cô thông
báo, - ông ấy trả lời việc hôm qua bác gọi ông ta.
- Bảo với ông ta là tôi muốn Đick Traxty phụ trách tờ báo ở
đây. - Cô gật đầu, nhắc lại lời ông vào máy rồi bỏ điện thoại xuống. Cô quay lại,
và thấy mặt ông đầm đìa mồ hôi.
- Anh Chaly, con của bác đã bảo cháu hứa là sẽ gọi điện cho
anh ấy khi cháu nghĩ rằng cần thiết.
- Đừng. - Ông gắt lên. - Ai cần cái thằng chết tiệt ấy đến
đây để hau háu nhìn tôi hả? Nó đã chờ bao nhiêu năm nay rồi để tống được tôi
đi. Nó muốn nắm lấy chỗ báo chí mà. Ông cười không thành tiếng. - Tôi đánh cuộc
là ngay sau ngày tôi nằm xuống, cái thằng ngu ấy sẽ cho tất cả các báo hoan
nghênh lão Rudơvelt ngay.
Một cơn đau buốt đột ngột dội lên khắp người ông. Ông bật dậy,
gần như ngồi thẳng ở trên giường.
- Ôi, Giêsu! - ông đưa hai tay ôm vội lấy thắt lưng. Ngay lập
tức, một tay cô đã choàng lấy vai ông, đỡ ông, tay kia với lấy ống tiêm
moocphin. - Chưa, Gieny, chưa cần cháu ạ.
Cô nhìn ông một thoáng, rồi từ từ đặt ống tiêm xuống bàn.
- Thôi được. Bao giờ cần thì bác cứ bảo ạ.
Ông lại buông mình xuống gối, cô lau mặt cho ông một lần nữa.
Ông nhắm nghiền mắt, nằm lặng hồi lâu. Rồi đột nhiên, ông mở choàng mắt, để lộ
một nỗi khiếp sợ chưa bao giờ cô nom thấy cả.
- Tôi thấy như chết nghẹn mất, - ông vừa nói vừa nhỏm lên,
tay bưng vội lấy miệng.
Không ngoảnh người, cô nhanh nhẹn quờ tay ra đằng sau kéo lấy
cái khay để trên bàn, hứng dưới miệng ông. Ông ho hục hặc, rướn người, rồi thót
ngực lại, ông ộc nôn ra một dòng nước đen ngòm. Cô đặt cái khay xuống, lau miệng
và cằm cho ông, đỡ ông nằm lại xuống gối.
Ông giương cặp mắt giàn giụa nước lên nhìn cô, cố mỉm cười.
- Giời ơi, cứ như là nếm nước đái của chính mình ấy!
Cô lặng thinh không đáp. - Ông mệt mỏi nhắm mắt. Người ông
quằn quại trong những cơn đau. Mấy phút trôi qua, vẫn nhắm nghiền mắt, ông thều
thào thốt lên:
- Gieny, cháu biết không, bác có cảm giác cơn đau đớn nhất
chưa từng biết đang đến gần rồi. Nhưng biết được thế cũng đáng công đi hàng vạn
dặm.
Ông mở mắt, nhìn cô. Nỗi khiếp sợ đã biến mất khỏi chúng;
thay vào đấy giờ là một vẻ bình thản sâu xa, thông thái. Ông chậm rãi mỉm cười.
- Thôi được, Gieny, - ông thì thào, nhìn thẳng vào mắt cô. -
Nào!...
Mắt vẫn dán vào mắt ông, cô với tay ra sau mình lấy cái ống
tiêm nhỏ. Như cái máy, cô lần tìm mạch máu đã chìm của ông, bơm cạn ống thuốc.
Cô cầm một ống nữa lên. Ông lại mỉm cười khi nhìn thấy ống thuốc trên tay cô.
- Cám ơn cháu, Gieny nhé, - ông thì thào.
Cô cúi xuống, hôn lên cái trán nhợt nhạt, dâm dấp mồ hôi ấy.
- Thôi, xin chào bác, bác Chaly.
Ông ngả người xuống gối, nhắm mắt lại. cô tiêm tiếp ống thứ
hai vào tay ông. Chả bao lâu, trên cái nệm giường cạnh ông đã nằm lăn lóc sáu
cái ống thuốc không. Cô ngồi im phăng phắc, ngón tay trên mạch cổ tay ông, nghe
tiếng đập nhỏ dần, nhỏ dần. cuối cùng, mạch ngừng hẳn. Cô chằm chằm nhìn ông hồi
lâu, rồi vuốt mắt ông nhắm lại, kéo cái khăn đậy lên mặt ông.
Cô đứng dậy, nhặt những ống thuốc không bỏ vào túi áo blu của
mình, mệt mỏi bước đến bức tường đằng kia, nhấc ống điện thoại lên.
Bác quản gia gặp cô ở hành lang trên đường cô trở về phòng
mình. Tay bác cầm một cái phong bì.
- Thưa cô Đentơn, ông Xtanđơxt yêu cầu tôi chuyển cho cô ạ.
Ông ấy đưa cho tôi trước khi cô đến làm sáng nay.
- Cám ơn bác, bác Giaxơn.
Cô đóng cánh cửa phòng lại, xé phong bì, bước ngang qua buồng.
Phong bì có năm tờ một ngàn đôla và một bức thư nhỏ, nét chữ ngều ngào của ông.
GIENY THÂN YÊU,
Cho đến giờ thì nhất định cháu đã hiểu lý do tại sao bác muốn
chỉ có cháu ở lại với bác. Một trong những cái bác không tài nào hiểu nổi là sự
thương hại giả tạo mà nhiều người cố làm ra trong khi kéo dài giờ phút hấp hối
đau đớn của người bệnh. Trong phong bì này, cháu sẽ thấy số tiền lương thôi việc
của cháu. Cháu có thể dùng nó tùy thích - giữ lại phòng khi thất cơ lỡ vận,
trong khi cháu tiếp tục phí phạm cuộc đời cháu trong cái nghề thường không được
đền đáp lại gì là nghề chăm sóc các kẻ khác ấy; hay là, nếu cháu có một nửa cái
trí thông minh mà bác tin là cháu sẽ nổi danh vì nó, và một nửa cái bản chất
đàn bà mà bác chắc chắn là cháu có, cháu sẽ dùng nó làm học phí cho cái trường
của Aiđa mà bác sẽ gọi nó bằng một cái tên hay hơn là Trường Đại học Xtanđơxt;
và từ đó trở đi, cháu sẽ sống một cuộc đời sung túc sang trọng hơn.
Mãi mãi biết ơn và yêu thương cháu.
Bác
C. XTANĐƠXT
Tay vẫn nắm chặt bức thư, cô đi đến tủ quần áo, kéo cái vali
của mình xuống. Cô đặt nó lên giường, và bắt đầu chậm rãi gói ghém đồ đạc bỏ
vào đó. Chưa đầy một tiếng sau, cô ra khỏi xe tắc xi, lập cập bước vội lên bậc
thềm nhà thờ, kéo tấm khăn quàng cổ lên trùm kín đầu. Cô quỳ thụp xuống bức tường
sau của giáo đường, rồi vội vàng đi theo lối đi giữa các hàng ghế tới bàn thờ
thánh, rẽ sang bên trái tới tượng Đức Mẹ đồng trinh.
Cô quỳ gối, nắm hai tay vào nhau, cúi gục đầu một hồi lâu. Rồi
cô quay người, với một cây nến trên giá xuống. Cô cầm cây nến thon thon cháy
sáng trên tay một thoáng, sau đó mới đặt nó xuống cùng những cây khác đang cháy
dưới bức tượng. Và cô lại cúi gục đầu, quỳ lặng hồi lâu. Rồi cô quay đi, tất tả
bước ngược theo lối ra. Đến cửa, cô nhúng tay vào bình nước thánh, làm dấu, rồi
mở ví lấy ra một tờ bạc, nhét vào cái khe của cái thùng quyên tiền.
Đêm ấy, ông mục sư có một sự ngạc nhiên khoan khoái. Khi đổ
hộp tiền quyên cúng ra, giữa đống xu bằng đồng và bạc, là một tờ một nghìn đôla
được gấp cẩn thận.
Chiếc Rôll-Roy màu xám đang đỗ trên con đường trước toà
nhà cũ ở Đại lộ Đêlơxt, khu Oextut khi tắc xi chở Gieny chạy đến đó. Cô bước
ra, trả tiền xe cho người tài xế, rồi đi tới cửa. Cô đặt vali xuống ấn chuông.
Sâu ở một nơi nào đó của ngôi nhà, văng vẳng vọng ra tiếng
chuông ngân nga. Một thoáng sau, trên ngưỡng cửa hiện ra một cô hầu gái.
- Thưa cô, đi lối này ạ.
Aiđa đang ngồi trên đivăng, trước cái khay để chén nước chè
và một chồng bánh quy.
- Mary, cô xếp chỗ vali này vào chỗ vali ấy nhé.
- Thưa vâng ạ.
Gieny quay ra, thấy cô hầu gái đặt cái vali của mình cạnh
dăm chiếc nữa đang đứng bên ngưỡng cửa.
Cô quay lại nhìn Aiđa. Một tờ báo lớn mở toang nằm trên
đivăng cạnh bà. Hàng tít đen to tướng đập ngay vào mắt người đọc.
XTANĐƠXT ĐÃ CHẾT
Aiđa đứng dậy, nắm lấy tay cô, dịu dàng kéo cô về phía cái
đivăng.
- Ngồi xuống đi cháu thân yêu. Bác đã chờ cháu từ lâu rồi
mà. Chúng ta còn đủ thời gian uống chè đấy trước khi ra tàu.
- Ra tàu ư?
- Tất nhiên rồi, cô bé thân yêu ạ. - Aiđa đắp. - Chúng ta sẽ
đi Chicago. Đấy là nơi duy nhất ở cả cái nước Mỹ này phù hợp cho một người con
gái bắt đầu sinh cơ lập nghiệp.
12
Tấm áp phích khổng lồ ghép lại từ hai mươi tư tờ giấy in báo được đóng vào một tấm bảng gỗ dán, treo trên nó cái sân khấu dã chiến dựng trong căn cứ quân sự ấy. Đó là bức tranh phóng đại tấm ảnh màu nổi tiếng của bìa tờ tạp chí Đời sống dạo nọ. Ngẩng lên nhìn nó, Gieny lại nhớ tới tay phóng viên nhiếp ảnh, vắt vẻo chênh vênh trên đỉnh cái thang sát đến trần nhà, chĩa ống kính xuống cô đang nằm trên giường.
Từ góc chụp ấy, chân cô đâm ra quá dài, vượt cả khuôn hình.
Vì vậy, anh ta bắt cô nằm xoay lại, gác hai bàn chân lên cái gối satanh trắng
đánh phồng lên. Rồi đèn chụp sáng lòa lên, làm cô lóa cả mắt như vẫn thường bị
thế. Và thế là đi vào lịch sử.
Cô khi ấy mặc một cái áo choàng ngủ bằng đăngten đen cắt rất
đúng mực, đứng đắn, che kín cô từ đầu cuống họng đến mắt cá chân. Ấy vậy mà nó
phủ lên người cô một cách khêu gợi, làn da hồng dịu của cô nổi bật lên, đối lập
với màu đăngten đen, không để gì còn phải tưởng tượng nữa - hai núm vú cương
cương, hằn lên qua lần vải căng ngang đôi bầu vú nở căng, đường cong mềm mại của
cái bụng, xương mu đột ngột nhô cao, không thể nào dấu được vì cái thế chân như
vậy. Mái tóc dài, vàng óng ả của cô xoã bung ra mép giường, và ánh sáng loà của
ngọn đèn chụp đã hắt vào mắt cô một vẻ mời chào rất lẳng, khi cô nhoẻn cười với
người khán giả vô hình, từ trên cao xuống, ở cái góc dưới bên trái.
Tờ Đời sống đã in bức ảnh ấy, với vẻn vẹn có độc một chữ kẻ
hằn lên thành một khối trắng đậm ở phía dưới nó:
ĐENTƠN.
Chuyện đã xẩy ra được gần một năm rồi, vào tháng mười năm
1941, lúc bộ phim Người có tội bắt đầu chiếu buổi đầu tiên của cuộc đời nó ở
Niu Yooc. Cô nhớ lại nỗi ngạc nhiên của mình, khi đi trong hành lang của khách
sạn Oaldof cùng với Giônơx, đột nhiên cô bắt gặp hàng dãy ảnh mình treo la liệt
trên các giá để báo và tạp chí.
- Ồ, nhìn này! - Cô
thốt lên, đứng sững lại, ngỡ ngàng. Giônơx tủm tỉm cười với cô bằng cái lối rất
riêng của anh, giờ thì cô hiểu rồi, mỗi khi anh đặc biệt thích thú với một điều
gì đó. Anh đi băng sang quầy báo, quẳng một đồng hào xuống, rút lấy một tờ tạp
chí. Anh đưa nó cho cô lúc hai người bước vào thang máy.
Trên đường lên, cô mở nó ra xem. Cái đầu đề nổi bật trên
báo:
“TÌNH DỤC CÓ HỒN.
Giônơx Cođơ, một người đàn ông trẻ, giàu có, người làm ra
thuốc nổ, máy bay, chất dẻo và tiền (xin xem Đời sống, tháng 10 - 1939) và khi
hứng thú lôi cuốn anh, thỉnh thoảng có làm phim, (Thằng phản bội - 1930, Bầy quỷ
trên trời - 1932), vừa mới cho ra một câu chuyện nhân cách hóa rất cao, theo
truyền thống Đờ Milơ, về cuộc đời của Mary Magđơlen. Anh gọi nó, bằng sự thẳng
thắn thường có của mình, là Người có tội.
Không hề nghi ngờ gì nữa, cái nhân tố duy nhất quan trọng
đóng góp vào sự lôi cuốn mạnh mẽ của bộ phim này là sự trình diễn đầy ấn tượng
của người phụ nữ trẻ mà Giônơx Cođơ chọn đóng vai chính của bộ phim - cô
Đentơn.
Cô Đentơn, trước kia chưa hề tham gia bộ phim nào hoặc có một
chút kinh nghiệm biểu diễn gì, đã tạo nên một ảnh hưởng lớn lao, đáng ghi nhận
nhất trên báo chí đối với khán giả. Với tất cả những nhận biết về tình dục mà
những chuyển động của thân thể cô 92-52-90 đã khêu gợi lồ lộ, người xem đồng thời
thấy rõ được cái phẩm chất tinh thần sâu sắc luôn luôn phát ra từ cô.
Có lẽ nó có nguồn từ đôi mắt cô - đôi mắt cách xa nhau, màu
xám, sâu thăm thẳm, chứa đầy vẻ hiểu biết và khôn ngoan về nỗi đau khổ, tình
yêu và cái chết, vượt qua tuổi đời mình. Bằng một cách nào đó rất lạ kỳ, cô đã
thể hiện được những sự đối lập đến nghịch lý của thời đại chúng ta - những hung
hăng đập phá, cố tìm kiếm đạt tới sự thoả mãn về tình dục của con người và khát
vọng vươn tới những giá trị tinh thần to lớn hơn chính bản thân mình...”.
Cửa thang máy mở ra, cô cảm thấy bàn tay Giônơx bóp khẽ vào
cánh tay mình. Cô gập cuốn tạp chí lại, và hai người bước ra.
- Lạy Chúa tôi, người ta thực sự tin như vậy hay sao?
Anh mỉm cười.
- Anh nghĩ là như vậy. Đời sống là một trong số ít những tờ
báo không thể bỏ tiền ra thuê để nói tốt cho ta được. Anh đã bảo em rồi mà, em
sẽ trở thành một ngôi sao lớn, - anh thốt lên khi họ bước vào căn hộ của anh.
Cô sửa soạn phải đi đến bờ biển miền tây ngay sau buổi ra mắt
đầu tiên này, để đóng một phim mới. Cô nhìn thấy cái kịch bản nằm trên bàn trước
mặt đi văng. Giônơx bước tới, nhặt nó lên, lật lật xem qua.
- Anh không thích tí nào cả.
- Em cũng thế. Nhưng Morixơ nói rằng đó là cái nhà máy in tiền
cho ta đấy.
- Anh cóc cần cái đó. Anh chỉ không thích việc em tham gia
vào bộ phim ấy thôi. - Anh đi tới điện thoại. - Cho tôi gặp ông Bonơ ở khách sạn
Shery-Naithơlan.
- Ông Morixơ, Giônơx đây. - Anh nói cụt lủn. - Hãy hoãn làm
Mắt sao. Tôi không muốn cô Đentơn tham gia vào đó.
Đứng ở đầu phòng bên này, cô cũng nghe thấy tiếng phản đối đầy
kích động của Bonơ vọng qua điện thoại.
- Tôi cóc cần, - Giônơx đáp, - kiếm một ai đấy đóng nó... Ai
ư?... Hayuôt, Shêriđơn. Bất kỳ một ai ông thích. Và từ nay trở đi, Đentơn sẽ
không được bố trí đóng bất cứ một bộ phim nào trước khi tôi xem và tán thành kịch
bản của nó.
Anh đặt máy xuống, quay lại phía cô. Anh tủm tỉm cười.
- Em nghe thấy chưa hả?
Cô mỉm cười lại với anh:
- Rồi ạ, thưa ông chủ.
Bức ảnh ấy ngay lập tức trở nên nổi tiếng. Đi bất cứ đâu, ta
cũng thấy nó nhìn ta - từ các bức tường, từ các biển quảng cáo, từ những tấm lịch,
những tấm áp phích. Và cô, cô cũng nổi danh. Cô trở thành một ngôi sao. Rồi đến
khi trở lại miền tây, cô được biết rằng Giônơx đã tán thành một hợp đồng mới
cho cô làm việc với xưởng phim.
Nhưng một năm đã qua đi, kể cả sự kiện ném bom Trân Châu cảng,
mà cô vẫn chưa đóng thêm bộ phim nào cả. Không, không phải là có chuyện gì đã xảy
ra. Người có tội đã chiếu đến năm thứ hai ở cái rạp Noman đồ sộ ấy tại Niu
Yooc, và vẫn đang ở những thỏa thuận chiếu-hạn-chế-ban đầu ở bất kỳ nơi
nào nó được mua. Nó đang chứng minh là bộ phim thu được nhiều tiền nhất của
công ty từ trước đến nay.
Các hoạt động của cô trở nên đều đều, không thay đổi. Giữa
những lần ra mắt công chúng tại từng buổi diễn ở các địa phương khác nhau - bộ
phim đang lần lượt được chiếu rộng ra ở cả nước - cô ở lì ở bờ biển miền tây.
Sáng sáng, cô đến xưởng. Công việc nơi đó choán hết ngày của cô, các bài học về
nghệ thuật biểu diễn vào buổi sáng; ăn trưa thường là với một phóng viên phỏng
vấn nào đó; chiều luyện giọng, học hát và nhảy. Các buổi tối, cô thường thui thủi
một mình, trừ phi Giônơx tình cờ có mặt ở thành phố. Khi ấy thì đêm nào cô cũng
ở bên anh.
Thỉnh thoảng, cô tới ăn cơm chiều với Đêvit và Roda Ulf. Cô
mến Roda và chú bé con hạnh phúc của họ, bắt đầu lẫm chẫm biết đi và mang một
cái tên rất kêu là Henry Bơnơt, để tưởng nhớ thầy và cậu của Đêvit. Nhưng hầu hết
thời gian, cô ở trơ trọi một mình trong căn nhà nhỏ của cô với bà già người
Mêhicô ấy. Người ta bảo nhau, cô là của Giônơx. Và cô cứ là của Giônơx mãi thế.
Chỉ có những khi ở bên anh, cô mới không cảm thấy cô đơn và
vô công rồi nghề. Hai cái cảm giác này ngày càng lớn dần lên, lù lù chế ngự
trong cô. Cô bắt đầu thấy bồn chồn bứt rứt. Đã đến lúc cô phải đi làm rồi. Cô đọc
hết kịch bản này đến kịch bản khác, miệt mài, chăm chú. Rồi nhiều lần, bắt gặp
một kịch bản cô thấy là có thể mình sẽ thích đóng, cô liên lạc với Giônơx. Và lần
nào cũng vậy, anh hứa là sẽ đọc nó, rồi mười ngày sau, gọi điện báo lại rằng
anh thấy nó không hợp với cô. Lần nào cũng có một lý do nghe xác đáng lắm.
Có một bận, trong cơn tuyệt vọng, cô đã hỏi anh tại sao anh
lại vẫn giữ cô trong danh sách trả lương nếu anh không có gì cho cô làm cả. Anh
lặng thinh hồi lâu. Rồi khi anh trả lời, giọng anh lạnh lùng và dứt khoát không
cho ai cãi nữa:
- Em không phải là diễn viên. Em là một ngôi sao. Mà sao chỉ
sáng khi mọi cái khác đều đâu vào đấy.
Dăm hôm sau, Al Petrôxeli phụ trách phòng tuyên truyền bước
vào buồng hoá trang của cô ở xưởng.
- Hề Bôb Hôp chuẩn bị tổ chức một buổi biểu diễn cho binh sĩ
trong căn cứ Pentlentơn. Anh ấy muốn có cô tham già cùng đấy.
Đang ngồi trên đivăng, cô quay lại, đặt cái kịch bản cô đang
đọc xuống.
- Tôi có thể tham gia được ư? - Cô nhìn ông ta.
Cả cô và ông ta đểu hiểu ý câu hỏi.
- Bonơ đã nói với ông Cođơ. Hai người đều nhất trí là việc
trình diễn trước công chúng ấy sẽ có tác dụng tốt đối với cô. Đi Xantix sẽ chịu
trách nhiệm dựng lên một hoạt cảnh cho cô đóng đấy.
- Tốt lắm. - Cô vừa thốt lên vừa đứng dậy. - Thật là tuyệt
khi lại có việc mà làm thế này.
Và bây giờ, sau sáu tuần diễn tập căng thẳng khẩn trương một
đoạn giới thiệu và bài hát được cẩn thận trau chuốt, đặt lời, ghép với dàn nhạc
sao cho phô diễn cái giọng nho nhỏ, trầm trầm của cô đến mức có lợi nhất; cô đứng
trong cánh gà của cái sân khấu dã chiến, đợi lúc ra biểu diễn. Cô thoáng rùng
mình vì bầu không khí mát lạnh của đêm, mặc dù người đã khoác cái áo choàng
lông chồn.
Cô ghé mắt qua cánh gà, nhìn xuống khán giả. Một tiếng cười
gầm lên, ập vào cô từ những hàng binh sĩ nối nhau ngồi xa đến hút tầm mắt. Hôp
vừa kể xong một trong những câu chuyện cười trần trụi, rất lính tráng nổi tiếng
của anh ta, những câu chuyện không bao giờ có thể lọt lên được các buổi phát
thanh khắp đất nước mà anh ta vẫn thường đọc. Cô thụt đầu vào, vẫn còn rùng
mình.
- Hồi hộp hả? - Al hỏi. - Chắc chưa bao giờ trình diễn trước
khán giả có phải không? Nhưng cô đừng lo, rồi sẽ hết hồi hộp ngay thôi.
Một mẩu ký ức về Aiđa và những gì bà bắt cô trình diễn thường
ngày trước một nhóm nhỏ, nhưng có lựa chọn, gồm toàn những người đàn ông giàu
có, thời cô ở Niu Yooc chợt thoáng qua tâm trí cô.
- Ôi, tôi đã từng trình diễn trước khán giả rồi. - Cô chợt
nhìn thấy vẻ ngạc nhiên trên mặt ông ta. - Khi tôi đi học, - cô khô khan nói
thêm. Rồi cô quay ra xem Bôp Hôp. Không hiểu sao, đoạn ký ức ấy đã làm cô dễ chịu
hơn. Al quay sang người lính đang đứng cạnh ông.
- Thế nào, trung sĩ. Giờ anh đã rõ việc phải làm rồi chứ?
- Thưa ông Pêtrôxeli, tôi hoàn toàn nhớ rồi ạ.
- Tốt lắm. - Al thốt lên, liếc ra sân khấu, Hôp đã trình diễn
gần xong chương trình thường lệ. Al quay lại người lính, một tờ hai mươi đô la
hiện ra trên tay ông ta như có phép thần. - Cô ấy sẽ ra ngay bây giờ đây. Bây
giờ anh hãy xuống hàng đầu gần sân khấu. Và chớ có quên đấy. Nói to, rõ ràng
vào.
- Vâng ạ, thưa ông Pêtrôxeli. - Người lính đáp, tờ hai mươi
đô la biến ngay vào túi anh ta.
- Sẽ có một tờ nữa sau đêm biểu diễn, nếu mọi việc đâu vào đấy.
- Thưa ông Pêtrôxeli, có thêm tờ nữa như thế. - Người lính
đáp. - Ông không việc gì lo lắng sất cả. Thiên hạ sẽ nghe giọng tôi vang tới tận
Alaxka.
Al gật đầu lo lắng, quay về phía sân khấu. Tay trung sĩ đi
ra, vòng qua cánh gà. Hôp đang bắt đầu giới thiệu Gieny.
- Và bây giờ, thưa các bạn, - anh ta nói vào micro, - tiết mục
đặc sắc tối nay... - anh ta ngừng lại một thoáng, giơ hai tay lên làm hiệu dẹp
yên tràng pháo tay bắt đầu rộ lên. - Cái lý do tất cả chúng ta đều có mặt tại
đây; thậm chí toàn bộ câu lạc bộ sĩ quan nữa. - Anh ta chờ cho tiếng cười tắt hẳn.
- Bây giờ xin lắng nghe nào, anh em, - anh ta tiếp tục. -
Khi tôi lần đầu tiên báo cho Bộ chiến tranh biết ai sẽ đến đây tối nay, họ kêu
tướng lên: “Ôi, ôi không, ông Hôp ơi. Chúng tôi không đủ thắt lưng buộc ghế cho
toàn bộ số ghế nhiều như vậy đâu”. Nhưng tôi đã nói cho họ yên tâm; tôi đã bảo
họ rằng: anh em - những người lính - đã biết cách làm chủ bất kỳ tình thế nào.
- Tiếng cười lại rộ lên, nhưng lần này có một vẻ chờ đợi. Hôp giơ cả hai tay
lên. - Và như vậy, thưa các bạn, tôi xin giới thiệu với các bạn...
Đèn đóm đột nhiên tắt phụt, chỉ còn một luồng sáng rọi vào
mái đầu Gieny khi cô bước ra khỏi tấm màn.
- Cài thắt lưng ghế lại, anh em, - Bôp thét lên, - Gieny
Đentơn.
Sân khấu vụt tối om, chỉ còn lại một vùng sáng quanh Gieny.
Khán giả gầm lên khi cô cẩn thận, rón rén - theo cái cách đã được luyện tập kỹ lưỡng
- bước ra giữa, người kín mít trong cái áo choàng lông chồn.
Tiếng gầm gào ập đến cô, cô cảm thấy cái sàn gỗ cũng rung
lên bần bật khi dừng lại trước micro. Cô đứng lặng ở đó hồi lâu, nhìn xuống biển
người, mái tóc vàng cắt kiểu thiếu niên hầu bàn bắt ánh đèn, sáng lên lấp lánh.
Binh sĩ huýt sáo, hò la, gầm lên phất khởi, giậm chân.
Mấy phút đã trôi qua, tiếng ầm ầm không có gì là dịu đi cả,
cô nghiêng người, cúi về phía cái micro.
- Nếu các anh thứ lỗi cho em một phút, - cô nói, giọng khe
khẽ, để cái áo tuột khỏi một bên vai, - em sẽ cởi áo choàng ra.
Tiếng gầm rít, hò la lại dậy lên điếc tai khi cô chậm rãi một
cách cố ý, cởi cái áo khoác. Cô thả nó rơi xuống sàn sân khấu ở phía sau cô,
vươn người đứng thẳng, để lộ thân thể trong tấm áo choàng ngủ bó sát da, trắng
muốt, lấp lánh những hạt cườm trong suốt. Cô lại cúi người tới sát cái micro, một
sợi dây đeo áo tuột khỏi vai. Cô vội chộp lấy.
- Thật là ngượng quá, chưa bao giờ em đứng trước một đám
đông đàn ông đến thế này.
Khán giả gầm lên vui vẻ.
- Bây giờ em chẳng biết làm gì cả. - Cô nói khẽ dịu dàng.
- Đừng làm gì sất cả, cô em. - Một giọng oang oang thét lên
từ hàng ghế đầu, sát mép sân khấu. - Cô cứ đứng đấy thôi.
Và sự hỗn loạn lại bùng ra. Cô mỉm cười, nhướn mắt nhìn về
phía người vừa nói. Cô chờ cho tiếng ông dịu đi một chút.
- Em có một bài hát muốn hát tặng các anh, - cô thốt lên, -
các anh có thích nghe không ạ?
- Thích! - Hàng ngàn cái giọng gầm lên.
- Vậy được rồi. - Bây giờ, nếu các anh giả vờ như đang ở
nhà, đang nghe đài; nếu các anh nhắm mắt lại...
- Nhắm mắt lại ư? - Cái giọng ban nẫy lại oang oang cất lên.
- Cô em ơi, chúng anh có thể là lính, chứ chúng anh không là một lũ quỷ dâm
đâu.
Cô mỉm cười, bối rối chịu thua trước tiếng cười ầm ầm. Rồi
âm nhạc từ từ dấy lên. Ánh sáng thu nhỏ dần, đọng vừa gọn trên khuôn mặt cô.
Khán giả im phăng phắc. Nhạc sĩ của xưởng phim đã trổ hết tài phối khí cho bài
hát này. Một bài hát thất tình quen thuộc, nhưng được hát theo nhịp độ bôlêrô;
cây piano, bộ hơi và bè viôlong chơi giai điệu của bài ca trên nền trống và cái
kèn bax to tướng giữ nhịp.
Cô bắt ngay vào đoạn nhạc, mắt lim dim nhắm lại trong luồng
ánh sáng. Môi dưới mòng mọng, bóng son.
- Em thiết tha mong được anh yêu, - cô hát trầm trầm, - Chỉ
tình anh, không cần ai khác... Chỉ cần anh yêu anh là người duy nhất... à...
.à... một mình anh...
Tiếng gầm của khán giả ầm ầm rộ lên, rộ lên mãi theo lời cô
hát, che lấp mọi cái, trừ lời hát của cô. Và trong một thoáng cô kinh hoàng trước
sức lửa nhục dục hừng hực nén lại trong đó.
13
Morixơ Bonơ bước vào khách sạn Hôliut Braun Đabij, cái kịch bản dày cộp bọc bìa xanh cắp ở nách. Bác hầu bàn trưởng cúi đầu.
- Chào ông Bonơ ạ. Ông Piơx có mặt ở đây rồi.
Hai người đi tới một cái quầy ngăn riêng ra ở cuối khách sạn.
Đan ngẩng đầu khỏi tờ “Phóng viên Hôliut” đang đọc, đặt nó xuống cạnh cốc rượu.
- A, chào Morixơ.
Bonơ buông mình rơi phịch xuống chiếc ghế đối diện.
- Xin chào. - Ông ngoảnh sang nhìn tờ báo của ngành. - Thế
nào, cô nàng của chúng tôi được ca ngợi ghê đấy chứ nhỉ?
Đan gật đầu.
- Đấy chưa được một nửa đâu. - Bonơ nói tiếp. - Al Pêtrôxeli
bảo rằng chưa bao giờ ông ta được nhìn thấy một cảnh như vậy. Binh lính không để
cho cô ta rời sân khấu nữa. Rồi khi buổi biểu diễn kết thúc, họ gần như xé sạch
quần áo của cô ta khi cô ta lên ô tô. Tay Hôp sáng nay tinh mơ đã gọi điện cho
tôi nói rằng cô ta nghỉ lúc nào là tay ấy sẽ thuê đi biểu diễn liền.
- Càng thêm chứng minh là tôi đúng. - Đan tiếp. - Tôi cho rằng
cô ta giờ còn nổi tiếng hơn cả Malovi hồi trước nữa kia. - Lão ranh mãnh đưa mắt
nhìn Bonơ. - Còn mò đến đó mỗi tuần một tối nữa không, hả?
Bonơ mỉm cười. Chả có gì là bí mật được ở cái thành phố này.
- Sau khi Người có tội ra mắt ở Niu Yooc, Cođơ đã hủy hợp đồng
cũ, ký ngay với cô ta một hợp đồng mới rồi.
- Tôi chưa hiểu...
- Rất đơn giản. - Bonơ đáp. - Cái buổi sáng cô ta có được hợp
đồng, cô ta bước vào căn phòng của tôi. Cô ta mượn bút tôi, ký vào, rồi ngẩng
lên nhìn tôi, nói: “Giờ thì tôi không phải cối ai nữa rồi. Ngay cả ông!”. Và cô
ta nhặt bản hợp đồng lên, đi thẳng.
Piơx cười phá lên:
- Tôi không tin cô ta. Đã là bướm, thì vẫn mãi là bướm thôi.
Cô ta hẳn kiếm được chỗ nào bấu rồi.
- Đã. Đó là Giônơx Cođơ. Tôi nghi là cô ta sửa soạn lấy anh
ta đấy.
- Thế mới đáng kiếp cái thằng chó đẻ ấy. - Đan nói rin rít.
- Thằng cha vẫn chưa biết cô nàng là đĩ hả?
- Anh ta chưa biết.
- Đấy ông thấy chưa. Dù anh có nghĩ mình tinh ranh khôn khéo
đến thế nào đi chăng nữa, bao giờ cũng vẫn có kẻ bợm hơn anh. - Piơx cười sằng
sặc, - à mà Giônơx dạo này ra sao?
- Vẫn chả làm gì, ngoài việc kiếm thêm ối tiền. Nhưng ông đã
biết tính Giônơx rồi đấy. Anh ta vẫn không vui.
- Tại sao không?
- Anh ta cậy cục xin gia nhập không quân, nhưng người ta từ
chối anh ta. Người ta không phong hàm sĩ quan cho anh ta, nói rằng anh ta hiện
đang vô cùng cần thiết trong công nghiệp chiến tranh. Thế là anh ta đùng đùng bỏ
Oasinhtơn đi, bay tới Niu Yooc ghi tên đăng lính với chức vụ binh nhì. Cái thằng
ngu!
- Nhưng giờ anh ta có ở trong quân đội đâu.
- Tất nhiên không. Anh ta bị trượt vì sức khỏe - màng tai bị
rò, hay một cái gì vớ vẩn đại loại như vậy. Và thế là người ta xếp anh ta vào
loại 4-F. Còn tuần sau, người ta sẽ nhận Rogiơ Forextơ lại vào quân đội với chức
thiếu tướng đấy.
- Tôi nghe đồn là Đêvit cũng sắp đi khám sức khỏe thì phải.
- Nay mai thôi, cái thằng đần ấy. Anh ta có thể xin hoãn
quân dịch rất dễ dàng. Có vợ, có con nhỏ; nhất là bây giờ ngành này cũng đang
phát triển rất ghê. Nhưng anh ta không xin xỏ. - Bonơ nhìn qua bàn sang Piơx. -
Thậm chí cả lão Nêvađa cũng đem đoàn Miền tây hoang dã đi biểu diễn phục vụ
binh sĩ không lấy tiền.
- Như thế càng chứng minh là vẫn còn những thằng nghĩ là quả
đất dẹt đấy. - Đan thốt lên. Lão ngoắc tay với anh bồi gọi rót thêm một chầu rượu
nữa. - Tất cả những con người ấy đều do chính tay tôi dắt vào ngành. Bây giờ họ
có tất cả mọi cái. Còn tôi? Vẫn đang phải làm cái nghề môi giới hợp đồng thế
này.
Bonơ nhìn lão. Ông chả việc gì mà thương hại Đan. Lão hiện vẫn
là một trong những đại lý phát đạt nhất ở Hôliut.
- Vâng ạ, - ông dằn giọng châm biếm, - tim tôi đang ứa máu
vì xót xa cho ông đây. Nhưng Đan ơi, tôi đã được nghe câu chuyện đời ông từ trước
rồi. Tôi đến đây không phải vì thế đâu.
Là một người môi giới, Đan đủ tinh ranh để biết rằng lão
đang có nguy cơ mất người nghe đến nơi. Lão im bặt những lời phàn nàn, hạ thấp
giọng thì thào bí mật:
- Anh đã đọc bản thảo ấy chưa?
Bonơ nhặt tập giấy cạnh ông trên cái ghế, đặt lên bàn:
- Rồi.
- Tuyệt diệu, phải không nào? - Piơx hỏi, giọng bắt đầu lộ vẻ
háo hức chào hàng.
- Tốt đấy. - Bônơ gật gù cao đạo. - Tuy vậy cũng còn phải tốn
nhiều công sức vào đó mới nên chuyện được.
- Kịch bản nào mà không thế, hả? - Piơx mỉm cười hỏi lại.
Lão cúi người về phía trước. - Này, theo tôi, cái kịch bản này cần một đạo diễn
mạnh tay như anh. Oagnơ ở Hãng Univơxơl cứ phát điên phát cuồng vì nó. Cả
Zimbalixt ở Mêtrô cũng vậy. Nhưng tôi thấy nó không thể hợp với họ. Họ không có
cái nhạy cảm và khả năng thể hiện như anh.
- Thôi ông Đan ơi, cắt cái phần nịnh nhau ấy đi. Cả hai
chúng ta đều biết rõ rằng kịch bản này chỉ tốt nếu như ta kiếm được một cô gái
nhất định đóng nó. Và ta cũng biết cô gái ấy là ai rồi.
- Là Đen tơn. - Piơx nói nhanh. - Đấy cũng là ý nghĩ của
tôi. Chính vì thế mà tôi mới đem nó đến cho anh. Cô ta đang có hợp đồng với xưởng
của anh.
- Nhưng Giônơx là người tối hậu quyết định phim nào cô ta sẽ
đóng. Và anh ta đã từng quẳng đi mấy cái kịch bản khá hay rồi.
- Thằng cha ấy định cố làm gì thế không biết? - Piơx thốt
lên. - Cho con bé vào tủ, khóa lại dành riêng cho mình ư? Người ta không thể
làm thế với một ngôi sao được. Sớm muộn rồi nó cũng sẽ bùng ra thôi.
Bonơ nhún vai:
- Ông biết tính Giônơx rồi đấy. Không ai dám hỏi tại sao.
- Biết đâu anh ta sẽ thích cái kịch bản này thì sao.
- Thậm chí ngay cả khi anh ta thích. - Bonơ đáp. - Nhưng tới
lúc anh ta biết được rằng ông là người môi giới, thì toàn bộ chuyện này cũng sẽ
bay vèo qua cửa sổ.
- Nếu con bé ép anh ta, nói rằng nó không thể không đóng
phim này thì sao hả?
Bonơ nhún vai:
- Ông cũng đoán ra được chẳng kém gì tôi. Nhưng tôi không
đưa nó cho cô ta đâu. Tôi không muốn dính vào chuyện lôi thôi chỉ vì một cái kịch
bản. Dù nó có hay đến thế nào đi chăng nữa, bao giờ cũng còn những cái khác
không kém hay hơn.
Piơx chằm chằm nhìn ông, đôi môi mỏng dính của lão mím lại
khắt nghiệt.
- Tôi đã có cách để ta có thể bắt cô ta phải nhìn theo lối của
ta rồi. Tôi đang nắm được một...
Bonơ cắt ngang:
- Đừng nói thêm gì với tôi nữa. Nếu xẩy ra được thế, thì hãy
để nó là một sự ngạc nhiên thú vị đối với tôi. Tôi không muốn biết một tý gì về
những trò ấy đâu nhé.
Piơx chằm chằm nhìn ông hồi lâu. Rồi lão vươn người, ngả lại
vào thành ghế một cách thoải mái. Lão cầm thực đơn lên xem.
- Ôkê, anh Morixơ, - lão mỉm cười, - anh ăn gì nào?
Đám thư từ báo chí đã nằm trên cái bàn nhỏ trong phòng khách
khi Gieny từ xưởng phim trở về. Cô bước tới cái bàn, ngồi xuống.
- Ta sẽ ăn chiều vào khoảng tám rưỡi nhé, - cô thốt lên, -
tôi muốn tắm một cái, rồi nghỉ một lúc đã.
- Thưa cô, vâng ạ. - Maria đáp, lạch bạch bước đi.
Gieny nhìn chỗ bưu phẩm. Có hai cái phong bì. Một cái to tướng,
làm bằng bìa nâu mà theo kinh nghiệm, cô đoán là đựng một kịch bản. Cái kia là
một bức thư. Cô mở bức thư trước.
Ngay trên đầu là dòng chữ: Trường Cao đẳng y tá mang tên
Thánh Mary. Mắt cô sáng lên, lướt nhanh xuống dưới. Đúng là nét chữ chính xác của
xơ Krixôphơ rồi.
“GIENY THÂN YÊU.
Bức thư ngắn này là sự diễn tả nỗi hoan nghênh của các nữ
sinh và những người làm việc ở Trường Cao đẳng y tá Xanht Mary về việc em đã có
nhã ý bố trí chiếu riêng một buổi bộ phim của em cho chúng tôi xem.
Mẹ bề trên và các xơ, trong đó có bản thân tôi, vô cùng xúc
động bởi sự thể hiện cảm động cái tình yêu và niềm tin vào Đấng cứu thế của
chúng ta - Giêsu Krixt - mà em đã diễn đạt trong một chân dung phải nói là khó
khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng vô cùng. Tuy vậy, đáng tiếc là những người làm bộ
phim đã thấy cần phải cho vào phim mà chúng tôi nghĩ là có thể bỏ đi một cách dễ
dàng mà không ảnh hưởng tới cốt chuyện về Mary Magđơlen. Nhưng nhìn chung,
chúng tôi vô cùng hài lòng thấy rằng trong thời buổi khó khăn như thế này, lại
có một sự thể hiện cao quý đến thế về Ơn cứu rỗi tìm thấy trong Lòng Kính Chúa
cho tất cả mọi người chúng ta xem.
Thôi, tôi phải dừng bút vì sắp phải có mặt ở Phòng phẫu thuật
rồi. Từ ngày có chiến tranh đến nay, tất cả chúng tôi ở trường cũng như ở nhà
thương, đều phải làm hai ca một ngày vì thiếu người. Nhưng với Lòng Nhân từ của
Chúa, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi sức mình lên để thực hiện Tình thương cao cả của
Người.
Mẹ Bề trên gửi tới em những lời cầu nguyện thiêng liêng nhất
của Người và Người cầu mong rằng em sẽ tiếp tục tìm thấy sự thành công và hạnh
phúc trong nghề mới của em.
Ơn kính Chúa đời tôi
Xơ M. KRIXTÔPHƠ”
Trong óc cô thoáng hiện lên hình ảnh khuôn mặt thanh thản, đầy
vâng chịu của bà. Cô bồi hồi nhớ lại những năm đi học. Không hiểu sao, chúng có
vẻ như đã lùi xa, rất xa vào dĩ vãng. Dường như cô đã trở thành một con người
khác hẳn với cái cô bé mắt mở to, hồi hộp lần đầu tiên đến đứng trước Mẹ Bề
trên ngày nào.
Cô nhớ lại những giờ học yên tĩnh, những giờ thực hành dài đằng
đẵng, những buổi trực đến nhược người, quần quật ở nhà thương. Đã nhiều lần, cô
phát khóc lên vì căm uất trước nỗi bất lực của mình không học hết được tất cả
những gì được dạy cho cô. Chính vào những lúc ấy, cái bề ngoài khắc kỷ vụt biến
mất khỏi mặt bà, và bà sẽ đặt bàn tay lên vuốt ve vai cô, dịu dàng an ủi:
“Gieny, hãy làm việc chăm hơn nữa, cầu nguyện chăm hơn nữa, em... Và rồi em sẽ
học được hết. Chính em có trong em cái khả năng bẩm sinh biết hàn gắn, chăm sóc
những người khác đấy”.
Và thế là cô cảm thấy dễ chịu hơn, sức lực cô trở lại khi nhớ
tới bà đã tận tuỵ đến thế nào, hiến dâng hết con người bà đến mức nào cho bệnh
nhân và học trò. Hình như dù Gieny trực bất kỳ lúc nào, ngày hay đêm, bà đều
luôn ở bên cô.
Gieny với lấy một điếu thuốc lá. Nhất định là tất cả những
con người ấy đang vất vả đến kinh khủng, nếu đoán qua thư bà viết cho cô. Bà vốn
là người hầu như không bao giờ nói đến sự mệt nhọc cố gắng của mình. Cô đột
nhiên cảm thấy bứt rứt, nhớ tới cuộc sống tương đối nhàn hạ mình đang sống bây
giờ. Cô cúi xuống nhìn hai bàn tay thon thon, rắn chắc của cô. Bây giờ hầu như
cô không còn dùng gì đến chúng nữa. Dường như những kiến thức, những thủ thuật
chúng biết làm đang rào rạo, ngứa ngáy trên mấy đầu ngón tay. Nhất định là phải
có cách nào đó giúp được các xơ.
- Đây rồi. - Cô vồ lấy máy điện thoại ngay lập tức, quay số
rất nhanh. - Roda đấy phải không? Gieny đây.
- Cậu có khỏe không Gieny? Anh Đêvit đã kể cho mình biết là
cậu suýt nữa thì phá tan Quân đội Hoa kỳ bằng cái đêm biểu diễn của Bôb Hôp ấy
như thế nào rồi.
Gieny bật cười.
- Các anh chàng tội nghiệp ấy đã xa đàn bà quá lâu đấy thôi
mà.
- Đừng có lỡm mình như vậy nhá. Báo chí trong ngành đã ca ngợi
buổi trình diễn xuất sắc của cậu rồi.
- Đừng có nói dối mình là Đêvit đã bảo cậu đọc chúng nhá.
- Hẳn rồi. - Roda đáp. - Không phải tất cả các bà vợ trong
ngành đều làm thế sao? Đấy là cách duy nhất để họ biết được là các ông chồng
mình đang làm gì.
- Cháu Bơny biết làm gì rồi?
- Tại sao cậu không đến đây một tối nào đó ăn cơm với chúng
mình để tận mắt nhìn thằng cu nhỉ? Đã lâu lắm rồi đấy.
- Mình sẽ đến. Nhất định là mấy hôm nữa thôi. - Cậu có muốn
nói chuyện với anh Đêvit không?
- Nếu như anh ấy có ở đấy. - Gieny đáp nhã nhặn.
- Xin chào cô nàng nhé. - Roda đáp. - Và nhớ đến ăn cơm ngay
đấy. Đêvit đây rồi.
- Thế nào, niềm tự hào và niềm vui của xưởng Noman, cô có khỏe
không hả?
- Khoẻ lắm. Đêvit, em xin lỗi là đã quấy rầy anh lúc anh nghỉ
thế này. Nhưng đúng là em có một việc nhỏ em nghĩ là anh có thể khuyên em được.
Giọng anh trở nên nghiêm túc ngay:
- Cô nói đi.
Cô hắng giọng:
- Em đã từng đi học ở Trường Cao đẳng y tá mang tên thánh
Mary bằng một học bổng. Giờ em đang nghĩ không biết mình có thể thảo luận với
xưởng phim để dàn xếp việc hàng tuần bớt đi một số tiền trong món lương của em,
gửi cho họ; theo kiểu ta vẫn làm với Quỹ cứu tế điện ảnh ấy mà. Đấy là cách em
đền bù ít nhiều cho những gì họ đã làm cho em.
- Thế thì dễ không ấy mà. - Đêvit bật cười, giọng tỏ vẻ nhẹ
hẳn nỗi lo. - Sáng mai cô chỉ cần gửi đến văn phòng cho anh một mẩu giấy nói cô
muốn bớt đi bao nhiêu. Còn lại là việc của bọn anh. Còn gì nữa không?
- Không ạ. Chỉ có thế thôi.
- Tốt lắm. Giờ thì nhớ sớm đến ăn cơm, như Roda nói nhé.
- Nhất định em sẽ tới, anh Đêvit ạ. Chào anh.
Cô đặt ống nghe xuống, nhìn lại bức thư. Cô bắt đầu thấy dễ
chịu hơn. Ít nhất, nếu như cô không thể có mặt ở đó giúp đỡ được, thì tiền của
cô cũng có lợi chút ít. Cô đặt bức thư xuống, cầm cái phong bì nâu lên, xé
toang ra. Đúng mà, một kịch bản phim, một kịch bản dài.
Cô tò mò đọc cái tên của nó trên tờ bìa xanh Anphrôđit kịch
bản phim, dựa trên tiểu thuyết của Pierơ Luiz. Cô mở sang trang một. Một mảnh
giấy rơi ra. Mấy dòng chữ ghi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề:
“Thưa cô Đentơn thân mến,
Đã lâu, cô không làm một bộ phim nào nữa; và tôi thấy rằng
cô chờ một kịch bản phù hợp, xúng đáng tiếp theo thắng lợi to lớn của cô trong
Người có tội như vậy là rất khôn ngoan.
Anphrôđit tôi tin chắc, chính là cái kịch bản ấy. Nó là cái
kịch bản duy nhất mà tôi đã từng thấy, có cái tầm và cái chất sẽ đem thêm vinh
quang rực rỡ cho đời biểu diễn của cô. Tôi đang nóng lòng chờ ý đáp lại của cô.
Chân thành.
ĐAN PIƠX.”
Cô gấp bức thư lại, kẹp nó vào tập bản tháo. Cái lão Đan
Piơx này thật ranh ma. Lão biết cách đưa kịch bản vào đúng chỗ của nó, hơn là gửi
thẳng như thường lệ tới xưởng. Cô cầm nó lên, đứng dậy, đi lên gác. Ăn xong,
trước khi đi ngủ cô sẽ đọc.
14
“THƯA ÔNG ĐAN PIƠX THÂN MẾN,
Xin cám ơn ông đã gửi cho tôi bản thảo kịch bản phim
Anphrôđit mà tôi đang gửi trả lại đây. Nó là một kịch bản phim vô cùng thú vị.
Song nó không phải là cái mà tôi thấy mình háo hức muốn đóng.
GIENY ĐENTƠN”.
Cô thầm băn khoăn tự hỏi không biết mình từ chối phắt như vậy
có đúng không. Cô có những cảm giác lẫn lộn về nó. Ban đêm, lúc nằm trên giường,
đọc nó lần đầu, cô không thể bỏ nó xuống được. Câu chuyện ấy có một vẻ rạo rực
hấp dẫn gợi cô nhớ lại lời miêu tả của Xtanđơxt về cô gái điếm sang trọng đã góp
phần thống trị thế giới này. Kich bản phim hình như đã thể hiện hết được cái
hình tượng kích động và chất thơ của nguyên bản tiểu thuyết, vậy mà vẫn khéo
léo vượt ra ngoải những giới hạn của Luật làm phim. Nhưng rồi càng đọc, cô càng
thấy bớt háo hức.
Không thể phản đối được bất kỳ một dòng, một cảnh nào của nó
cả. Bề mặt thì thế. Nhưng rồi đi sâu vào trong, cô thấy hiện lồ lộ ra cái cốt
chuyện phụ đầy tính chất khiêu dâm, sẽ tác động một cách tinh vi vào tiềm thức
của khán giả. Đến khi đọc xong kịch bản, cô có cảm giác rằng đấy chính là mục
đích duy nhất của người viết.
Rồi cô ngủ thiếp đi trong một tâm trạng bối rối bất an rất lạ.
Sáng hôm sau, cô trở dậy cũng với tâm trạng ấy. Đến xưởng, cô yêu cầu thư viện
gửi cho cô cuốn tiểu thuyết nguyên bản, bỏ ra cả ngày hôm đó với nửa ngày hôm
sau ngồi đọc. Sau đó, cô đọc lại cái kịch bản phim. Và mãi tới lúc ấy, cô mới
nhận ra rằng vẻ đẹp và mục đích của cuốn sách đã bị bóp méo đi một cách thô bạo
trắng trợn tới mức nào.
Tuy vậy, trong tâm trí cô vẫn không hề có một chút nghi ngờ
nào về việc nó có thể sẽ trở thành một bộ phim lớn. Và càng ít nghi ngờ hơn, rằng
cô diễn viên nào đóng vai Anphrôđit sẽ trở thành người được nói đến nhiều nhất,
quan trọng nhất trong mùa chiếu này. Nữ thần Anphrôđit của kịch bản thực sự là
môt nữ thần và một người đàn bà có đầy đủ tất cả những cái mà toàn bộ đàn ông
mơ ước.
Nhưng, thế đã đủ đâu. Bởi vì trong kịch bản phim, cô không
tìm thấy tâm hồn của Anphrôđit ở chỗ nào cả, không có một khoảnh khắc nào của
tình yêu thuần tuý tâm hồn, của sự chiêm ngưỡng sẽ nâng Anphrôdit vượt qua khỏi
bản thân lên thực sự ngang hàng với các thần thánh. Nàng ta xinh xắn, nồng nàn,
thông minh, say đắm, thậm chí tiết hạnh nữa - theo cái quan niệm riêng của nàng
ta. Nhưng nàng ta chỉ là một con gái điếm, không hơn bất kỳ gái điếm nào từ thuở
khai thiên lập địa đến nay, không hơn bất kỳ gái điếm nào mà Gieny đã biết,
không hơn gì chính Gieny thuở xưa. Và những gì trong kịch bản đã đọc làm Gieny,
từ tít trong ngách sâu thẳm của lòng mình, bất giác thất kinh. Bởi cô đã nhìn
thấy bản thân cô - ở một thời khác và ở một nơi khác thôi - những gì cô đã từng
làm, và vẫn đang còn là như vậy.
Cô đặt cái phong bì xuống bàn trang điểm, ấn nút gọi một anh
chạy giấy vào định bảo mang nó đi thì chuông điện thoại kêu vang. Cô nhấc ống
nghe lên. Nhận ra giọng anh, cô bất chợt cảm thấy rằng cô đã nhớ anh cồn cào đến
thế nào.
- Ôi... Giônơx! Anh ở đâu vậy? Anh đã về khi nào vậy?
- Anh đang ở Bơbank, trong nhà máy. Anh muốn gặp em.
- Ôi Giônơx! Em cũng muốn gặp anh lắm. Chờ cả ngày nay thì
dài dằng dặc quá.
- Ơ kìa, việc gì phải đợi đến tối nhỉ? Em không đến đây ăn
trưa với anh được ư?
- Anh biết là em đến được mà.
- Một giờ nhé?
- Em sẽ đến. - Cô thốt lên, đặt máy xuống.
- Giôn, anh có thể để nó ở đây được rồi. - Giônơx nói. - Tự
chúng tôi sẽ xách tiếp.
- Thưa ông Cođơ, vâng ạ. - Anh phục vụ nhìn Gieny, rồi lại
nhìn Giônơx. - Liệu rồi... - anh ta ngập ngừng, - ... liệu tôi làm phiền hỏi
xin chữ ký của cô Đentơn có sao không ạ?
Giônơx phì cười:
- Hỏi cô ấy xem.
Anh phục vụ đưa mắt dò hỏi nhìn Gieny. Cô mỉm cười, gật đầu.
Anh ta liền rút một cái bút chì và giấy từ trong túi ra, cô nhanh nhẹn ký tên
mình vào đó.
- Xin cám ơn cô, cô Đentơn.
Cô bật cười khanh khách khi cửa đã đóng lại đằng sau họ.
- Cho chữ ký luôn làm em thấy mình cứ như nữ hoàng ấy thôi.
- Cô nhìn quanh: - Căn phòng đẹp quá.
- Không phải của anh đâu. - Giônơx đáp, rót cà phê vào hai
cái tách. - Của Forextơ đấy. Anh vừa mới dùng nó khi anh ấy không có ở đây.
- Ồ, thế ư? - Cô tò mò hỏi. - Vậy của anh ở đâu?
- Anh chả có cái văn phòng nào cả, trừ có mỗi một cái vốn là
của ba anh, ở cái nhà máy cũ, bang Nêvađa ấy. Anh chưa bao giờ ở chỗ nào lâu đến
mức thực sự cần có một cái văn phòng. - Anh kéo một cái ghế lại sát cô, ngồi xuống.
Anh uống cạn tách cà phê của mình, rồi lặng lẽ nhìn cô.
Cô có thể cảm thấy mặt mình từ từ đỏ lên ngượng ngập.
- Nom em làm sao phải không? Son phấn bị nhòe à, hay là có
cái gì vậy anh?
Anh lắc đầu, tủm tỉm cười.
- Không. Nom em hay lắm.
Cô nhấp cà phê của mình. Một không khí im lặng ngượng ngập
xuất hiện giữa hai người.
- Thời gian qua đã làm những gì thế ạ? - cô hỏi.
- Nghĩ ngợi, phần lớn là như vậy. Về chúng mình. - Anh nhìn
thẳng vào cô không rời. - Em, Anh. Lần cuối cùng xa em vừa rồi, là lần đầu tiên
trong đời, anh cảm thấy cô đơn. Không cái gì còn đâu vào đâu nữa. Anh chả còn
thấy thiết muốn gặp bất kỳ cô gái nào nữa. Mà chỉ nhớ em. Đến mình em.
Tim cô dường như đột nhiên nở phồng lên, làm cô nghẹn thở.
Cô có cảm giác rằng nếu định cử động, cô sẽ lăn ra ngất mất. Giônơx cho tay vào
túi, lấy ra một cái hộp nhỏ, rồi chìa cho cô. Cô cúi xuống nhìn nó trân trân
không thốt lên lời. Dòng chữ mạ vàng lấp lánh đập vào mắt cô Van Cleè &
Arples.
Những ngón tay cô run bắn lên, cô mở hộp. Viên kim cương cắt
hình trái tim lộng lẫy đột ngột tỏa sáng.
- Anh muốn cưới em, - anh nói khẽ.
Cô nhìn anh, mi mắt rưng rưng những giọt lệ nóng bỏng, đầy
biết ơn. Môi cô run rẩy, mấp máy, nhưng không thốt lên lời.
Đó là cái tin choán hết và chiếm gần trọn nội dung cột báo của
Luêla ngày hôm sau. Suốt buổi sáng, cái têlêphôn trong phòng phục trang của cô
réo liên hồi đến nỗi cuối cùng cô phải bảo tổng đài cắt tất cả các lời gọi cô
đi. Giọng cô tổng đài mang một vẻ kính trọng mới. Cô vừa định đặt ống nghe xuống
thì nghe thấy cô ta gọi:
- Thưa cô Đentơn.
- Gì đấy?
- Chị em tổng đài chúng tôi xin chúc mừng cô. Chúc cô gặp những
may mắn nhất ạ.
Người cô đột nhiên ấm sực lên một cảm giác hạnh phúc.
- Ôi, xin cám ơn các bạn.
Đến chiều, Roda gọi điện tới.
- Mình rất vui, mừng cho cả hai người lắm.
- Mình cứ đang đờ đẫn cả người đây này. - Gieny bật cười
khanh khách, nhìn viên kim cương lấp lánh trên tay.
- Cậu đã biết cái lời mời ăn tối ấy rồi chứ?
- Có.
- Anh Đêvit và mình đang nghĩ. Thế nào, cậu có thích làm cho
nó trở thành một bữa tiệc đính ước không? Tại khách sạn Rômanôf, với tất cả các
nghi lễ.
- Mình cũng chả biết nữa. - Gieny ngần ngừ. - Có lẽ tốt hơn
là để mình hỏi lại anh Giônơx xem sao đã.
Roda phá lên cười.
- Giônơx ư? Anh ấy giờ là cái quái gì hả? Chỉ là chú rể.
Không có ma nào đã từng hỏi chú rể xem anh ta muốn gì đâu. Nếu cậu không muốn,
thì không nhất thiết phải làm to đâu.
- Thôi được, Gieny cười theo. - Cậu đã vặn được tay mình rồi.
- Và cậu sẽ có dịp khoe cái nhẫn đính hôn của cậu. Mình nghe
đồn là nó thực sự là một báu vật tuyệt đẹp.
Gieny giơ tay lên, viêm kim cương lóe hào quang đập vào mắt
cô.
- Nó đẹp lắm, - cô đáp.
- Chú Bơny nhà mình đang gào đòi đi dự bữa tiệc ấy đấy. Thôi
nhé, tối nay về nhà mình sẽ gọi điện nữa cho cậu; và ta sẽ cùng sửa soạn bố trí
mọi cái.
- Cám ơn Roda vô cùng. Tạm biệt nhé.
Đêm ấy, khi về đến cổng nhà, cô thấy có một cái ô tô lạ đỗ ở
đường vào. Cô lái xe vòng qua lối sau, vào gara. Cô đi ra cửa sau vào nhà. Nếu
lại là một tay phóng viên nào đó, thì nhất định cô sẽ không tiếp nữa. Bà già
Mêhicô đang lúi húi trong bếp.
- Thưa cô, có một ông Piơx nào ấy đang ở phòng khách đợi cô
đấy ạ.
Không hiểu ông ta muốn gì nhỉ. Có lẽ ông ta chưa nhận được
cái bản thảo ấy và ghé lại lấy chăng. Piơx đang ngồi trong cái ghế bành, một bản
nữa của cái bản thảo mở toang, đặt trên đùi. Lão đứng dậy, gật đầu.
- Chào cô Đentơn.
- Chào ông Piơx. Ông đã nhận được cái bản thảo ấy chưa nhỉ?
Tôi đã gửi trả lại ông mấy ngày rồi mà.
Lão già mỉm cười.
- Tôi đã nhận được rồi. Nhưng tôi nghĩ biết đâu ta sẽ lại
bàn thêm về nó. Tôi đang hy vọng là có thể thuyết phục được cô thay đổi ý định
ban đầu đấy.
Cô lắc đầu.
- Tôi chỉ e không được đâu.
- À trước khi ta nói về nó. - Lão nói nhanh. - Cho phép tôi
chúc mừng cô nhân dịp cô đính ước chứ ạ?
- Xin cám ơn ông. Nhưng bây giờ tôi phải xin phép ông thứ lỗi
cho tôi. Tôi thực sự sắp có hẹn ạ.
- Tôi chỉ xin cô một phút thôi. - Lão cúi xuống, lôi lên cái
hòm nhỏ nằm trên sàn, khuất sau ghế.
- Nhưng thưa ông Piơx thực sự là...
- Tôi chỉ quấy quả dăm phút thôi mà. - Giọng ông ta có một vẻ
chắc chắn rất lạ. Dường như ông ta biết rất rõ ràng cô sẽ không dám từ chối ông
ta. Ông ta ấn nút, cái nắp hòm bật mở ra. - Cô Đentơn, cô có biết cái gì đây
không ạ?
Cô lặng thinh không đáp, bắt đầu bực mình. Nếu đây là ý khôi
hài của lão già, thì cô chắc chắn là sẽ chả thấy thích thú gì cả.
- Đây là một cái máy chiếu phim tám ly. - Lão nói đều đều, lắp
ống kính đánh tách.- Cái loại vẫn thường dùng để chiếu phim trong nhà ấy mà.
- Rất hay đấy. Nhưng tôi hầu như chả thấy nó dính dáng gì đến
tôi cả.
- Rồi cô sẽ thấy thôi. - Lão hứa, ngước mắt lên nhìn cô. Cặp
mắt lão lạnh lùng. Lão quay đi, ngó quanh tìm ổ cắm điện. Lão thấy có một cái ở
ngay sau chiếc ghế liền nhanh nhẹn cắm cái phích điện của máy chiếu vào.
- Tôi cho rằng bức tường trắng ở đằng sau cô kia có thể làm
màn ảnh rất tốt đấy nhỉ, phải không cô Đentơn? - Lão xoay cái máy về phía cô, bật
công tắc đánh tách một cái. - Trước khi tới đây, tôi đã tự cho phép mình lắp một
cuốn phim vào máy rồi.
Tiếng cuốn phim chạy xè xè, Gieny quay người nhìn hình ảnh
đang được hắt lên tường. Hai cô gái đang nằm trên một cái đi văng, trần truồng,
tay ôm nhau, mặt không thấy rõ. Tâm trí cô vang lên một tiếng chuông cảnh giác.
Nom hình ảnh này có cái gì quen thuộc quá.
- Tôi kiếm được cuốn phim này từ một người bạn ở Niu Ooclin.
- Piơx nói ráo hoảnh ở đằng sau cô. Đúng lúc ấy, một người đàn ông bước vào cảnh.
Ông ta cũng trần truồng, và một cô gái quay lại, nhìn thẳng vào ống kính máy
quay.
Gieny bất giác há hốc miệng, sững sờ. Cô gái đó chính là cô.
Rồi cô nhớ ra. Đó là thời cô ở Niu Ooclin. Cô quay lại mắt trừng trừng nhìn Đan
Piơx, mặt tái nhợt.
- Thậm chí ngay từ khi ấy cô đã rất ăn ảnh. Đáng nhẽ khi ấy
cô nên xem lại xem, để chắc là người ta không quay phim thì mới phải.
- Khi ấy không hề có. - Cô há hốc miệng, kinh ngạc. - Aiđa
đáng nhẽ phải cấm mới đúng... - Cô im bặt, lặng thinh nhìn lão, miệng và cổ họng
chợt khô nghét lại.
Đan ấn một cái nút, phim dừng lại, ánh sáng mờ dần.
- Tôi thấy cô có vẻ chả thích thú gì với loại phim chiếu
trong nhà thổ này lắm thì phải.
- Ông muốn gì? - Cô bật hỏi.
- Cô. - Lão bắt đầu đóng hộp máy lại. Rồi sực nhớ, lão vội
nói thêm. - Không phải cái ý thông thường của từ ấy đâu. Mà là tôi muốn cô đóng
vai Anphrôđit.
- Nhưng nếu tôi không được chọn thì sao?
- Cô xinh xắn, cô là ngôi sao, cô đã đính ước. - Lão già hờ
hững nói. - Cô có thể sẽ chẳng là ba người như thế nữa, nếu bộ phim này lọt vào
những bàn tay không thân thiện. Cùng với bản tóm tắt những hoạt động nghề nghiệp
của cô. - Mắt lão lóe lên nhìn cô, lạnh ngắt. - Không có một người đàn ông nào,
thậm chí điên cuồng như Giônơx Cođơ, lại muốn lấy một con đĩ đã ăn nằm với cả
thành phố này làm vợ hết.
- Tôi đang nằm trong hợp đồng với hãng Noman. Hợp đồng của
tôi không cho phép tôi đóng một bộ phim nào ngoài xưởng cả.
- Tôi biết. - Đan bình thản đáp. - Nhưng tôi tin chắc rằng
Cođơ sẽ ra lệnh mua kịch bản ấy. Bonơ sẽ dựng nó.
- Nếu anh ấy không làm thế thì sao? Giônơx có những quan niệm
riêng hơi khác về điện ảnh.
Một nụ cười thoáng hiện trên mép lão già.
- Khi ấy hãy buộc anh ta phải thay đổi chúng đi.
Cô từ từ hít vào ngực.
- Và nếu tôi làm thế?
- Ồ, thì cô sẽ nhận được cuốn phim này, tất nhiên.
- Cả âm bản nữa chứ?
Lão già gật.
- Làm sao tôi biết được là không còn có những bản sao nữa hả?
Lão già ngước mắt lên, tán thưởng.
- Tôi thấy đúng là cô đã học được khá nhiều. Tôi đã bỏ ra
năm nghìn đôla để mua cái hộp phim nho nhỏ này. Mà tôi hẳn là đã không làm thế
nếu không biết chắc là chẳng còn bản sao nào nữa cả. Ngoài ra, việc gì phải cạn
tàu ráo máng với nhau cơ chứ? Biết đâu đến một lúc nào đó, chúng ta lại muốn
làm ăn với nhau thì sao?
Lão đóng cái hòm lại.
- Tôi sẽ để kịch bản lại cho cô.
Cô lặng thinh không đáp.
Lão quay lại, tay cầm nắm cửa, nhìn cô:
- Tôi đã bảo cô là chỉ phiền cô có dăm phút thôi mà.
15
Đan Piơx loạng choạng đứng dậy, gõ cái thìa nhỏ xíu vào thành cốc rượu kêu lanh canh. Lão đưa mắt nhìn cả dãy bàn quàu quạu như cú. Lão đã say mèm, say đến sướng người, tràn trề đắc chí như chỗ rượu uyxky Xcotch lão đã thoải mái dốc vào họng từ đầu bữa tiệc.
Nhìn thấy mọi con mắt đã châu vào mình, lão hục hặc gật đầu:
- Đan Piơx này... ày, không bao giờ quên... ên ai là bạn của
mình. Ông ta bao giờ cũng là đu... úng mọi cái. Ta đã mang... ang đến tặng đôi
bạn trẻ mỗi... mỗi người một vật kỷ... ỷ niệm. - Lão quay người, búng tách ngón
tay.
- Thưa ông Piơx, vâng ạ. - Bác bồi bàn trưởng đáp nhanh, vẫy
tay ra hiệu. Một anh bồi tiến lại cầm hai cái gói trong tay. Anh ta nhìn dòng
chữ trên đó, rồi đặt cái gói to màu vàng trước mặt Giônơx, cái gói nhỏ hơn màu
trắng bạc cạnh Gieny.
- Xin cám ơn ông, ông Đan ạ. - Giônơx đáp.
- Giônơx, anh hãy mở ra đi... mở ra ngay đi. - Đan lè nhè. -
Tôi muốn mọi... mọi người đều nhìn thấy tặng phẩm.
Đột nhiên Gieny cảm thấy dấy lên trong mình một linh tính rất
lạ về điềm gở.
- Thôi ông Đan ạ, để rồi sau chúng tôi sẽ mở chúng.
- Không được. - Đan khăng khăng. - Bây giờ cơ.
Cô nhìn khắp dãy bàn một lượt. Tất cả đều đang chăm chú nhìn
một cách tò mò. Cô nhìn Giônơx. Anh nhún vai, nhoẻn cười với cô. Cô bắt đầu mở
cái gói tặng phẩm của mình. Nó được buộc chặt quá, cô vươn người với lấy một
con dao để rạch nó ra. Đúng lúc ấy, Giônơx đã tháo xong vỏ bọc món quà của
mình.
- Ô. - anh kêu to, phá lên cười, giơ lên cho tất cả mọi người
xem. - Một chai sâm banh hai lít rưỡi!
Quà tặng cô được đặt trong một cái hộp nhỏ nhung xinh xắn,
khảm gỗ đào hoa tâm. Cô mở nó ra, trố mắt nhìn, cảm thấy máu bợt hết ra khỏi mặt.
Giônơx dỡ lấy cái hộp từ tay cô, giơ lên cao cho mọi người nhìn rõ.
- Một bộ dao Ăng-lê, - anh kêu to, nhoẻn cười với Đan. - Nhất
định là mấy anh bồi đã xếp nhầm tên hai chúng tôi với nhau. Một lần nữa, xin cảm
ơn ông, ông Đan ạ.
Đan ngồi thụp xuống, tủm tỉm cười.
Gieny thấy quan khách đổ dồn mắt vào mình. Cô ngẩng đầu lên,
nhìn khắp dãy bàn một lượt. Dường như cô đã đọc được những gì họ đang nghĩ
trong đầu. Trong mười hai cặp mắt ngồi quanh cái bàn lớn này đây, cô đã biết
năm người đàn ông trước khi đóng thử đoạn phim ấy. Irving Xchuatz, Bonơ, ba người
khác - những quan chức cao cấp của các hãng phim khác. Bẩy người còn lại đều biết
chuyện. Một số bà vợ của họ nữa. Nhìn vào mắt họ, cô biết. Chỉ có trong mắt hai
người, cô thấy ánh lên niềm thông cảm, xót xa. Đêvit và Nêvađa Xmith.
Đêvit thì cô có thể hiểu được lý do. Nhưng cô không hiểu ra
được tại sao Nêvađa lại xót xa thương cho cô. Ông hầu như không quen cô. Dường
như ông lúc nào cũng tỏ ra quá lặng lẽ, quá khiêm nhường, thậm chí là ngường
ngượng nữa, khi họ gặp nhau ở xưởng. Nhưng giờ, trong cặp mắt đen người da đỏ của
ông bỗng quắc lên một nỗi căm giận điên dại sâu thẳm khi ông liếc từ cô sang
Đan Piơx.
Mười ba người đàn ông, cô thầm nghĩ, và tất cả - trừ có một
người - đều biết trước kia cô đã làm gì. Và cái con người thứ mười ba ấy thật
là bất hạnh. Anh ấy sắp sửa lấy cô. Có ai đụng khẽ vào tay cô. Giọng Roda phá
tan nỗi im lặng đang đe dọa làm đờ đẫn người cô.
- Tôi nghĩ đã đến lúc ta vào phòng cháu bé một lát rồi đấy.
Nghẹn ngào, Gieny gật đầu, theo Roda lặng lẽ đứng dậy rời khỏi
bàn. Cô có thể cảm thấy ánh mắt của tất cả khách ăn tiệc đang dán vào người cô,
theo sau họ. Không cần nhìn trả cái liếc của họ, cô cũng đã nhận ra dăm người
quen biết nữa, cô bắt gặp những nụ cười tủm tỉm, hiểu biết, gian ngoan của họ.
Đột nhiên, cô thấy buồn nôn. Roda kéo tấm màn che cái góc lại, Gieny lặng lẽ
buông mình rơi xuống đi văng. Roa châm một điếu thuốc, đưa cho cô.
Cô ngẩng lên nhìn Roda, điếu thuốc trên tay đã bị quên mất.
Mắt cô nhòa lệ.
- Tại sao thế? - cô đau đớn, kinh hoàng thốt lên. - Mình
không hiểu. Mình đã làm gì hại ông ta đâu, hả Roda?
Cô òa lên khóc, âm thầm, tức tưởi. Roda vội ngồi xuống cạnh
cô, kéo đầu cô đặt lên vai mình.
Đan Piơx khùng khục cười, loạng choạng lần qua cái bãi đỗ xe
tối đen, vắng ngắt, mò về phía ôtô của mình. Hãy chờ đến khi lão già này kể câu
chuyện vừa rồi trong phòng thường trực ở khách sạn Hilerext sáng mai nhé. Đám
đàn ông sẽ chết sặc vì cười mất. Họ trong tâm trạng có ưa gì Giônơx đâu.
Thực ra mà nói, họ dung tha cho anh ta, nhưng họ không chấp
nhận anh ta là cùng với họ. Hai điều ấy khác hẳn nhau. Tất cả bọn họ đều kính
trọng sự thành đạt của anh ta; nhưng sẽ không ai động tay cứu vớt anh ta lúc cần.
Đối với Đan Piơx thì khác, họ sẽ giúp lão, mặc dù lão giờ chưa cần. Lão là một
thằng trong bọn họ, lão cùng lớn lên trong nghề với họ. Họ có những quy tắc
riêng. Họ cố kết với nhau.
Hãy chờ đấy, chờ đến khi lão già này kể cho họ nghe con bé ấy
lúc đó mặt mũi nom như thế nào. Nó như muốn chui tuột ngay xuống đất, còn thằng
kia, suốt thời gian ấy lại cứ nhơn nhơn trơ ra như một thằng thộn, tủm tỉm cười,
nghĩ rằng cả thiên hạ thật tử tế vô cùng. Chuyến này rồi sẽ đi tong cả đám cưới.
Một bóng đen đột ngột hiện ra trong màn đêm trước mặt lão.
Lão căng mắt nhìn, lo sợ khi thấy cái bóng cứ lừ lừ tiến lại.
- Ối giời, té ra là anh, Nêvađa. Tôi lại cứ ngỡ là ai cơ chứ.
Nêvađa đứng sững trước mặt lão, lạnh ngắt.
Nhớ lại bữa tiệc, Piơx lại phá lên cười.
- Cái con ngựa cái ấy, ghê nhỉ? - Lão cười sằng sặc, đưa tay
chống vào người Nêvađa cho khỏi ngã. - Tôi tưởng là nó sẽ phát cuồng lên khi mở
hộp, thấy bộ dao cạo ấy. Còn Giônơx, cái... cái thằng đần, thậm chí nó cũng
không biết là bị đưa vào ... ái... á... á.
Giọng lão rú lên, tắc nghẹn đau đớn khi nắm đấm của Nêvađa
thọi thẳng vào bụng lão. Lão bật ngửa người, ngã vập vào một cái ôtô. Cào cào
tay túm vào thành xe, lão loạng choạng đứng dậy, trố mắt nhìn Nêvađa.
- Anh... anh làm thế để làm... làm gì hả? - Lão thốt lên đau
đớn. - Chúng ta là bạn cũ với nhau từ lâu... lâu lắm rồi cơ mà.
Nắm đấm của Nêvađa lại lao vụt tới mặt lão, lão cố cúi đầu
xuống tránh, nhưng không kịp. Quả đấm nổ bùng lên trong mắt lão. Rồi bụng lão lại
bị một cú nữa tắc nghẹn. Lão cúi gập người về phía trước, nôn ồng ộc. Một cú đấm
choáng óc đánh vào thái dương, lão bị tung lên, ngã sấp mặt xuống bãi nôn của
chính mình. Lão quều quào, ngẩng đầu lên nhìn Nêvađa thất đảm.
Mãi đến lúc ấy Nêvađa mới cất tiếng nói. Ngực Piơx đột nhiên
lạnh ngắt vì sợ.
- Đáng nhẽ tao phải làm như thế này từ lâu rồi mới đúng. -
Nêvađa chằm chằm nhìn xuống lão. - Đáng nhẽ tao đã phải giết mày. Nhưng cái thứ
mày, có cho vào phòng hơi ngạt cũng không đáng!
Ông khinh bỉ quay lưng lại, bỏ đi. Đan chờ mãi cho đến khi
tiếng đôi bốt gót cao xa dần, tắt hẳn. Lão từ từ hạ đầu xuống, vùi mặt vào hai
bàn tay đặt trên nền bê tông giá ngăn ngắt của cái bãi đỗ xe.
- Đây chỉ là chuyện đùa, một chuyện đùa, - lão kêu lên, mê
muội, - Nêvađa đùa ta đấy mà.
Giônơx theo sau Gieny bước vào tòa nhà đã tối lại vì tắt bớt
đèn.
- Em mệt rồi đấy, - anh thốt lên dịu dàng, cúi nhìn gương mặt
trắng bệch của cô. - lên giường đi ngủ đi. Sáng mai anh sẽ đến gặp em. Đêm nay
thật là một đêm vất vả.
- Không. - Cô đáp cộc lốc. Cô biết mình giờ phải làm gì. Cô
quay người, bước vào phòng khách, bật đèn lên. Anh tò mò theo chân cô.
Cô quay lại đối diện anh, chuội chiếc nhẫn khỏi tay, chìa ra
cho anh. Anh nhìn nó, rồi nhìn cô.
- Tại sao vậy? - Anh bật hỏi, - bởi vì tối nay anh làm cái
gì sai hả, phải không?
Cô lắc đầu.
- Không, - cô nói nhanh, - anh chẳng có gì liên quan tới việc
này cả chỉ xin anh cứ cầm lại nó thôi.
- Nhưng Gieny, anh có quyền phải được biết là tại sao chứ.
- Tôi không yêu anh. - Cô đáp. - Như thế đã đủ lý do chưa
nào?
- Trước kia thì làm gì có thế.
- Vậy thì tôi có một lý do xác đáng hơn. - Cô nói cay nghiệt.
- Trước khi tôi đóng đoạn phim thử ấy, tôi là một con gái điếm đắt tiền nhất của
cái thành phố Hôliut này.
Anh tròn mắt nhìn cô.
- Anh không tin, - một hồi lâu sau, anh chậm chạp thốt lên,
- em không thể lừa anh được.
- Anh là thằng ngốc! - Cô đáp gọn, - Nếu không tin, cứ hỏi
Bonơ hay bất kỳ ai trong số bốn người đàn ông ngồi cùng bàn với ta xem, họ đều
ngủ với tôi rồi đấy. Hoặc bất kỳ ai trong số hơn chục người tôi gặp ở khách sạn
lúc tối mà xem.
- Anh vẫn không tin được. - Anh khàn khàn nói.
Cô phá lên cười:
- Vậy hãy đi hỏi Bonơ xem tại sao lão Piơx lại tặng tôi món
quà ấy. Không làm gì có sự nhầm lẫn đâu. Sau cái sáng Bonơ ra khỏi tòa nhà này,
chuyện đã lan ra khắp Hôliut. Bộ dao cạo là định dành cho tôi đấy. Tôi đã cạo hết
lông khỏi người Bonơ, rồi tắm cho ông ta trong một cái bồn nước nóng có cả sâm
banh đấy.
Mặt anh bắt đầu tái mét, như chực nôn.
- Rồi thì anh có nghĩ tại sao tôi bảo để tôi đóng Anphrôđit
không? - Cô tiếp tục nói. - Không phải là vì tôi nghĩ nó hay nó đẹp gì đâu. Mà
là trả cho Piơx giá của cái này. - Cô bước nhanh lại cái bàn, lôi ra hai cuộn
phim nhỏ, cô lăn một cuộn về phía anh. Phim xổ tung ra như một băng côngpheti.
- Cái vai nổi tiếng đầu tiên của tôi đấy. - Cô thốt lên mỉa mai, - Một bộ phim
khiêu dâm.
Cô rút một điếu thuốc từ cái hộp trên bàn, châm lửa. Cô quay
lại phía anh. Giọng cô đã dịu đi:
- Hay là anh thuộc cái loại người thích được lấy đàn bà kiểu
ấy, để hễ bất kỳ khi nào anh gặp một người đàn ông khác, anh cũng có thể thầm hỏi:
“Tay này đã... hay chưa? Khi nào? ở đâu? Như thế nào?”.
Anh bước một bước về phía cô.
- Chuyện ấy giờ đã hết rồi. Không sao cả đâu.
- Không sao ư? Anh không cần phải làm thế, chỉ vì tôi đã trở
thành một con ngốc trong một phút giây nào đó. Anh nghĩ là anh có thể chịu đựng
cái tối hôm nay được bao nhiêu lần, nếu như anh biết trước được tình cảnh của
anh bây giờ nào?
- Nhưng anh yêu em!
- Thậm chí chính anh cũng đã lừa được anh trong chuyện ấy.
Anh không yêu tôi. Chưa bao giờ cả. Anh phải lòng với một cái kỷ niệm. Kỷ niệm
về một cô gái đã chọn ba anh hơn là chọn anh. Ngay từ lần đầu tiên, có dịp là
anh cố sức biến tôi trở thành cái hình ảnh của cô ta. Thậm chí cả lúc ăn nằm với
nhau - những cái anh muốn tôi làm ấy. Đúng là anh thực sự nghĩ rằng tôi ngây
thơ tới mức không biết đó là những cái cô ta đã làm với anh sao?
Chiếc nhẫn vẫn trên tay cô. Cô tháo ra, đặt lên bàn trước mặt
anh.
- Đây, - cô nói.
Anh cúi xuống chằm chằm nhìn cái nhẫn. Viên kim cương hình
như đang phát ra những tia giận dữ chọc thẳng vào mắt anh. Anh từ từ ngẩng lên
nhìn cô, mặt hốc hẳn đi, hằn những nếp nhăn.
- Giữ lấy nó, - anh thốt lên cộc lốc, bỏ đi thẳng.
Cô đứng sững ở đó hồi lâu, cho đến khi nghe thấy tiếng ôtô
anh rồ máy, chạy ra khỏi cổng.
Rồi cô tắt đèn, bước lên gác, để chiếc nhẫn vẫn nằm nguyên
trên bàn; và cuộn phim, như một băng côngpheti sau bữa tiệc, nằm loằng ngoằng
sõng sượt trên bàn.
Cô nằm trên giường, mắt mở to trân trân nhìn ngược vào đêm,
ráo hoảnh. Giá bật lên khóc được thì cô sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rồi đấy. Nhưng
lòng cô trống rỗng, bị những tội lỗi của chính bản thân cô gặm nhấm trơ trụi mất
rồi. Không còn có gì, để cô cho ai được nữa. Cô đã dùng cạn phần tình yêu chứa
đựng ở trong cô.
Có một thời, thuở rất xa xưa, cô đã yêu và từng được yêu
thương lại. Nhưng Tôm Đentơn đã chết, đã vĩnh viễn mất rồi, không còn gọi về được
nữa.
Cô bật thét lên trong bóng tối:
- Bố ơi, cứu con với! Giúp con với, bố ơi! Con không biết phải
làm gì bây giờ!
Ước gì cô có thể quay trở lại, làm lại mọi cái từ đầu. Trở lại
với cái mùi thơm quen thuộc của bắp cải nấu và thịt bò hộp ngày chủ nhật, tiếng
thì thào dịu dàng của lời cầu kinh Max buổi sáng bên tai, trở lại với các xơ và
nhà thương, với niềm thỏa mãn bên trong hồn ta, được làm một phần công việc của
Chúa.
Rồi giọng bố cô chợt thì thào vọng tới cô, trong ánh ban mai
đang mờ mờ sáng lên:
- Con có thực muốn đi không hả Gấu con Gieny?
Cô nằm lặng hồi lâu, nghĩ ngợi, hồi tưởng. Cái thời ấy có
vĩnh viễn qua đi không? Nếu trong khi xưng tội, cô không nói gì đến cái phần đời
ấy, cái phần hình như không còn là của cô, thì không cần thiết phải cố quên như
vậy. Người ta sẽ không biết đâu. Đó sẽ là tội lỗi duy nhất của cô. Còn đoạn sau
dời cô, thì tất cả mọi người đều đã rõ.
Làm như vậy sẽ là có tội. Tội cắt xén. Nó sẽ làm cho bất kỳ
một lần xưng tội nào của cô trong tương lai sẽ không còn thiêng liêng nữa.
Nhưng cô có rất nhiều cái có thể hiến dâng, và không hiến dâng chúng, không những
cô đã từ bỏ mình trước Chúa, mà còn từ bỏ cả những người cần đến sự giúp đỡ của
cô. Giữa hai tội cắt xén và từ bỏ, tội nào lớn hơn? Trong một thoáng cô kinh
hoàng khiếp sợ. Rồi cô quyết định rằng đó là việc riêng giữa cô và Đấng Sáng tạo
ra cô. Quyết định là của cô, chỉ mình cô chịu trách nhiệm về mình, cả bây giờ lẫn
bất kỳ lúc nào đó trong tương lai.
Và đột nhiên, cô quyết định. Cô không còn thấy sợ nữa.
- Thưa bố, có ạ. - Cô thì thào.
Giọng dịu dàng của ông vọng âm âm trong gió:
- Vậy thì được rồi, Gieny. Con mặc quần áo vào đi. Bố sẽ đi
cùng con.
16
Gần hai năm sau cái tối có bữa tiệc ấy, Roda lại mới biết tin về Gieny. Khi đó là gần sáu tháng sau khi cô nhận được bức điện đáng khiếp sợ từ Bộ Chiến tranh, vắn tắt không chút tình cảm báo tin rằng Đêvit đã bị giết trên bãi biển Anziô ấy, vào tháng 5 năm 1944.
Không còn ước mơ, không còn những hợp đồng vĩ đại, không còn
các cuộc tranh đấu, các dự định xây dựng một cái công ty khổng lồ bao trùm cả
trái đất, nối với nhau bằng những băng nhựa trong suốt, mỏng tang gọi là phim.
Người ta đã đem anh đến một cái dấu chấm hết, hệt như hàng nghìn người khác,
trong cái buổi sáng tinh mơ gầm gào bão lửa trên đất Ý ấy.
Các giấc mơ thế là cũng chấm dứt đối với cô. Tiếng thì thào
ân ái trong đêm, tiếng sàn nhà kêu cót két dưới những bước chân đi lên mé giường,
niềm rạo rực ngọt ngào ấm áp của bí mật nói riêng với nhau, và các dự tính cho
tương lai.
Lần đầu tiên, Roda cảm thấy biết ơn công việc. Nó rút cạn
tâm trí cô, làm kiệt quệ sức lực cô, thu hút cô vào những lo toan vất vả hàng
ngày. Dần dà, nỗi đau đã lùi sâu vào những ngóc ngách kín nhất của tâm trí cô,
chỉ dội lên những khí cô ở nhà một mình.
Rồi dần dần, cô bắt đầu hiểu ra, như tất cả những người còn
phải sống khác, rằng chỉ có một phần của các giấc mơ bị chôn vùi cùng anh mà
thôi. Con trai của anh ấy đang lớn, và một hôm, nhìn nó chạy băng qua thảm cỏ
xanh trước nhà, cô chợt nghe thấy tiếng chim hót líu lo. Cô ngẩng lên nhìn bầu
trời xanh ngăn ngắt, vầng mặt trời trắng lóa trên đầu, và biết rằng một lần nữa,
cô lại trở thành một con người đang sống, đang hít thở không khí, thân thể đang
tràn trề, dào dạt máu đỏ tươi và cái cảm giác tội lỗi đã từng cắn rứt cô, rằng
cô lại sống sờ sờ ra đây khi anh đã chết, vụt mất. Tất cả xẩy ra trong cái ngày
sau khi cô đọc bức thư của Gieny. Bức thư đề gửi cho cô bằng nét chữ nhỏ nhắn,
thanh thanh của con gái, thoạt đầu cô không nhận ra. Cô lúc đầu đã nghĩ đó là một
bức thư xin quyên tiền, khi nom thấy cái hình in ở dòng đầu tờ giấy.
“Nữ tu viện làm phước
Bơlingem, Caliphonia
Ngày 10 - 10 - 1944
Roda thân yêu,
Mình cầm bút trên tay viết thư cho Roda với một niềm xáo động
bối rối, tuy vậy vẫn biết rằng Roda sẽ tôn trọng niềm tin của mình. Mình không
muốn khơi ra những vết thương đến lúc này đã gắn miệng được một phần, nhưng mãi
đến mấy ngày vừa qua, mình mới biết tin về nỗi mất mát của Roda, và mong gửi tới
Roda cùng bé Bơny lòng thương cảm cùng những lời cầu nguyện của mình.
Anh Đêvit là một người đàn ông hoàn chỉnh và là một con người
thực sự trung hậu. Tất cả chúng ta ai từng biết đến anh đều sẽ thương tiếc anh.
Hằng ngày mình đã nhắc đến tên anh trong những lời cầu nguyện của mình, và mình
đã được an ủi bằng những lời của Chúa - Đấng Cứu thế của tất cả chúng ta: “Ta
là sự phục sinh và cuộc sống; kẻ nào tin ở Ta, thì ngay khi nó chết, nó sẽ sống;
và kẻ nào sống và tin ở Ta thì sẽ không bao giờ chết”.
Mãi mãi kính Chúa
Chân thành
Xơ M.THOMAS
(GIENY ĐENTƠN)”
Rồi sau đó, khi bước ra ngoài gọi con trai đang chơi vào,
Roda nghe thấy tiếng chim hót. Kỳ nghỉ cuối tuần sau đó, cô lái xe đến
Bơlinghem thăm Gieny.
Bầu trời thứ bảy chiều đó xanh ngăn ngắt, bồng bềnh mấy cụm
mây bông trắng muốt. Cô rẽ ôtô vào con đường dẫn tới tòa nhà chính. Đã có rất
nhiều xe đỗ ở đó. Cô cho ôtô của mình dừng lại ở một khoảng trống, cách hơi xa
tòa nhà dài ấy.
Cô ngồi nguyên trong xe, châm một điếu thuốc lá, bất giác cảm
thấy ngần ngại về việc đã tới đây. Có lẽ cô đừng nên đến thì đúng hơn. Gieny có
thể không muốn gặp cô, không muốn bị gợi nhớ về cái thế giới mình đã bỏ lại
phía sau. Chính là nỗi xúc động thuần túy đã dẫn dắt cô tới đây, và cô không thể
đổ tội cho Gieny nếu Gieny không muốn gặp.
Cô nhớ lại cái buổi sáng sau tối tiệc đính hôn ấy. Khi Gieny
không đến xưởng phim như thường lệ, không ai mảy may nghi ngờ gì cả. Và Đêvit,
sau khi đã tốn nhiều thời gian cố tìm cách liên lạc với Giônơx ở cái nhà máy
Bơbank, bảo với cô là anh cũng không tìm thấy tăm hơn Giônơx đâu.
Rồi ngày hôm sau, rồi một hôm nữa trôi qua vẫn không có tin
tức gì về Gieny; xưởng phim bắt đầu thực sự lo lắng. Cuối cùng thì người ta
cũng liên lạc được với Giônơx, đang ở cái nhà máy mới ở Canada. Đêvit liền gọi
điện cho anh. Giọng anh vang lên cục cằn trong máy nói, anh bảo với Đêvit là lần
cuối cùng anh nhìn thấy Gieny là vào lúc anh ra khỏi nhà cô đêm có bữa tiệc ấy.
Đêvit ngay lập tức gọi điện cho Roda, bảo cô chạy ngay tới
nhà Gieny xem. Khi cô tới nơi, người đàn bà Mêhicô ra mở cửa.
- Cô Đentơn có ở nhà không bác?
- Thưa Xênorita, không ạ.
- Bác có rõ cô ấy giờ ở đâu không? Tôi rất cần gặp cô ấy.
Bà già lắc đầu:
- Xênhorita đã bỏ đi. Xênhorita không nói đi đâu cả ạ.
Tuyệt vọng, cô đi qua mặt bà già, bước vội vào nhà. Suốt dọc
hành lang đầy các hòm và bọc được gói lại. Trên thành một cái là dòng chữ:
Bêkinz, Di chuyển và Cất giữ. Bà già người hầu nhìn thấy vẻ ngạc nhiên trên mặt
cô.
- Xênhorita bảo tôi đóng cửa nhà lại, và cũng đi.
Không đợi về được đến nhà, cô gọi điện ngay cho Đêvit từ trạm
điện thoại công cộng đầu tiên cô gặp. Anh nói là sẽ cố liên lạc một lần nữa với
Giônơx.
- Anh có gặp được anh Giônơx không thế? - Cô hỏi ngay tối
đó, khi Đêvit vừa về nhà.
- Có. Anh ấy bảo anh đình chỉ ngay lập tức việc làm
Anphrôđit và tống cổ Đan khỏi hợp đồng. Khi anh nói lại với anh ấy rằng như vậy
có thể ta sẽ bị kiện, anh ấy bảo anh rằng hãy nhắn cho Đan biết là nếu lão muốn
kiện cáo cái gì, Giônơx sẽ tiêu đến đồng xu cuối cùng để trị lão ta bằng được.
- Thế còn Gieny thì sao?
- Nếu đến cuối tuần này mà vẫn không thấy cô ấy đến xưởng
thì Giônơx bảo anh rằng xếp cô ấy sang danh sách dự trữ, và đình trả lương.
- Còn việc đính ước của hai người?
- Giônơx không nói, nhưng anh đoán thế là cũng đổ vỡ. Khi
anh hỏi anh ấy là liệu ta có phải chuẩn bị một bản tuyên bố với báo chí không,
anh ấy bảo với anh rằng không nói gì sất cả; rồi anh ấy cắt điện thoại.
- Tội nghiệp Gieny quá. Không biết bây giờ nó ở đâu?
Và bây giờ thì Roda đã biết. Cô bước ra khỏi xe, chậm chạp
nhằm hướng tòa nhà chính của tu viện bước tới.
Xơ M.Thomax đang lặng lẽ ngồi trong cái buồng nhỏ của mình,
đọc kinh thánh thì nghe có tiếng gõ khẽ ở cửa. Xơ đứng dậy, cuốn kinh thánh vẫn
cầm ở tay, ra mở cửa, ánh sáng từ cửa sổ hành lang trước phòng biến tấm mạng trắng
của người mới từ trên đầu xơ thành màu bạc.
- Có việc gì đấy, xơ?
- Có một người tới thăm xơ. Một bà tên là Đêvit Ulf. Bà ta
đang ở phòng khách dưới nhà.
Xơ Thomax ngần ngừ một thoáng rồi đáp, giọng bình thản, khẽ
khàng:
- Xin cảm ơn xơ, phiền xơ bảo với bà Ulf là tôi mấy phút nữa
sẽ xuống ạ.
Nữ tu sĩ kia cúi đầu, rồi đi xuống thang. Xơ Thomax đóng cửa
lại. Trong một thoáng, đột nhiên xơ cảm thấy bải hoải rã rời, nghẹn thở. Xơ phải
dựa vội người vào tường. Xơ không ngờ là Roda đã tới. Rồi xơ đứng thẳng người dậy,
bước ngang căn buồng nhỏ đến quỳ trước cái thánh giá treo trên bức tường trần
trụi gần giường. Xơ chắp hai tay lại cầu nguyện. Dường như mọi chuyện chỉ mới xẩy
ra ngày hôm qua thôi, khi xơ đến đây; dường như xơ vẫn là cô gái hoảng sợ ấy,
người đã suốt đời cô giấu mình khỏi tình thương kính của chính mình với Đức
Chúa.
Xơ nhớ lại giọng dịu dàng thương yêu của Mẹ Bề trên khi xơ
phủ phục xuống chân Người, khóc tức tưởi, đầu úp vào vạt vải mềm mại trên đùi Mẹ
Bề trên. Lại một lần nữa, xơ cảm thấy những ngón tay khe khẽ dịu dàng vuốt ve
mái tóc mình.
- Đừng khóc, con. Và đừng có sợ. Con đường dẫn tới Đức Chúa
của chúng ta có thể là con đường nhọc nhằn khốn khổ nhất, nhưng Giêxu Krixt, Đấng
Cứu thế của chúng ta, sẽ không từ chối một ai thực sự tìm đến Người.
- Nhưng thưa Mẹ Bề trên, con đã phạm tội nhiều lắm.
- Ai, trong số chúng ta đây, không có tội lỗi hả con? - Mẹ Bề
trên dịu dàng nói. - Và nếu con đem những tội lỗi của con xưng với Người - Người
nhận tất cả tội lỗi ở đời để cùng chịu - và làm Người cảm động trước sự ăn năn
sám hối của con, Người sẽ ban cho con sự Tha thứ thiêng liêng của Người, và con
sẽ được vui vầy đón nhận vào tòa nhà của Chúa.
Cô ngẩng lên nhìn Mẹ Bề trên, mắt giàn giụa nước mắt:
- Vậy là con có thể ở lại được ư?
Mẹ Bề trên cúi xuống mỉm cười với cô:
- Tất nhiên, con có thể ở lại, con ạ.
Thấy Xơ Thomax bước vào phòng khách, Roda đang ngồi trên ghế
liền đứng dậy.
- Gieny?... - cô thốt lên e dè. - Xin lỗi, xơ Thomax, tôi định
nói thế.
- Roda, được gặp lại Roda thật hay quá.
Roda chăm chú nhìn. Đôi mắt xám cách xa nhau, gương mặt
duyên dáng đáng yêu kia là thuộc về Gieny; nhưng cái vẻ thanh thản bình lặng
sáng hồng lên sau lớp mạng trắng của người mới tu, thì là của xơ Thomax. Và đột
nhiên, cô vụt hiểu ra rằng cái gương mặt cô đang chăm chú nhìn đây cũng chính
là cái gương mặt cô đã từng thấy trên màn ảnh, phóng đại lên hàng nghìn lần,
tràn ngập tình thương yêu - gương mặt của Magđalen khi nàng vươn tay ra nắm lấy
vạt áo choàng của Đấng Cứu thế.
- Gieny! - Cô thốt lên, mỉm cười. - Đột nhiên mình cảm thấy
vui quá, mình muốn ôm hôn Gieny quá!
Xơ Thomax giang rộng hai tay ra.
Rồi sau đó, hai người chậm rãi đi dạo trên những con đường
nhỏ tĩnh mịch, ngập trong nắng chiều. Lên tới đỉnh một ngọn đồi, cả hai dừng lại,
nhìn xuống cái thung lũng xanh rờn trước mắt họ.
- Vẻ đẹp của Người hiện ra khắp mọi nơi. - Xơ Thomax nói khe
khẽ, quay sang phía bạn. - Mình đã tìm thấy chỗ của mình trong ngôi nhà của Người
rồi đấy.
Roda nhìn xơ:
- Xơ sẽ ở trong thời kỳ sơ tu bao lâu?
- Hai năm. Đến tháng năm tới.
- Rồi sau đó?
- Nếu mình chứng minh được là xứng với ơn đức của Người,
mình sẽ nhận chàng mạng đen và bước theo con đường của Mẹ sáng lập ra Tu viện
này, đem tình thương của Người đến cho tất cả những ai cầu mong Người che chở.
Xơ nhìn sâu vào mắt Roda. Và một lần nữa, Roda lại thấy thăm
thẳm hiện lên hai hồ nước trong vắt, thanh thản, bình lặng vô cùng.
- Mà mình, so với những xơ khác, là người được may mắn nhất,
- xơ Thomax khiêm nhường nói thêm, - Người đã từng dạy mình cách thực hiện công
việc của Người. Những năm tháng ở nhà thương sẽ giúp ích cho mình ở bất kỳ nơi
nào mình có thể được phái đến; bởi vì đó là lĩnh vực mình có thể hiến dâng được
nhiều nhất, tốt nhất.
-------------
Còn tiếp…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét