Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Kẻ hưởng lạc

William Somerset Maugham

Kẻ hưởng lạc

Nguyễn Việt Long dịch

Phần nhiều con người ta, có thể nói là đại đa số, cam sống một cuộc sống mà hoàn cảnh đã áp đặt lên họ, và tuy có vài người than vãn khi nhìn lại mình như nhìn cái cọc tròn cắm vào cái lỗ vuông, và nghĩ rằng giá thế cuộc khác đi, thì họ đã có thể làm nên những trò trống hay ho hơn nhiều, còn cái đa phần kia chấp nhận số mệnh của mình, nếu không phải với sự an phận, thì cũng với sự cam chịu trong mọi trường hợp. Họ cũng như những chiếc xe điện cứ chạy mãi trên mỗi một con đường ray ấy. Chúng chạy đi rồi lại chạy lại, chạy lại rồi lại chạy đi, cứ quanh quanh quẩn quẩn như thế, cho tới khi nào chúng không còn chạy nổi nữa và bị bán làm sắt vụn. Có mấy khi bạn gặp được một người dám cả gan nắm lấy tiến trình cả cuộc đời vào tay mình. Khi bạn gặp được một người như thế, thì cũng đáng xem xét, ngắm nghía anh ta lắm.
Đó là lý do tại sao tôi tò mò muốn gặp Thomas Wilson. Hành động của ông thật lý thú và can đảm. Dĩ nhiên cái kết cục còn chưa đến, và chừng nào thí nghiệm chưa chấm dứt thì chưa thể gọi nó là thành công được. Nhưng qua những gì tôi đã nghe được thì chắc ông phải là loại người lạ kỳ, và tôi rất muốn biết ông. Nghe nói ông là người kín đáo, nhưng tôi quan niệm là với lòng kiên trì và sự lịch duyệt, tôi có thể thuyết phục ông tâm sự với tôi. Tôi muốn nghe tất cả sự việc từ chính miệng ông kể. Thiên hạ hay phóng đại, họ thích thi vị hóa, và tôi đã chuẩn bị sẵn để đón nghe một câu chuyện khác thường lắm như người ta đã làm tôi tin.
Cái ấn tượng này càng dược khẳng định khi tôi đã làm quen được với ông. Hôm ấy ở quảng trường chính của Capri, nơi tôi đang nghỉ tháng Tám ở villa của một người bạn, mặt trời sắp lặn, đa số dân chúng, cả dân địa phương và  ngoại quốc, đang tụ tập để tán chuyện phiếm cùng bè bạn của mình trong cái lạnh man mác của buổi chiều tà. Thềm nhà trông ra vịnh Naples, và khi mặt trời đang từ từ ngụp xuống biển, đảo Ischia nổi lên trên mảng nền có ráng màu rực rỡ. Đó là một trong những nơi nên thơ nhất thế giới. Tôi đang đứng với người bạn ngắm cảnh ấy, thì bỗng bạn tôi nói:
- Nhìn kìa, Wilson đấy.
- Đâu?
- Người đang ngồi trên bờ tường chắn, quay lưng lại chỗ ta ấy. Ông ta mặc cái áo sơmi xanh.
Tôi thấy một cái lưng bình thường và một cái đầu nhỏ tóc hoa râm ngắn và khá mỏng.
- Giá ông ấy quay lại đây nhỉ, - tôi nói.
- Ông ta quay lại ngay bây giờ ấy mà.
- Mời ông ấy đến và đi uống chút đỉnh với ta ở khách sạn Morgano nhé.
- Được rồi.
Cái chốc lát tràn ngập vẻ đẹp kia đã trôi qua và mặt trời, như cái chóp đầu quả cam, đã lặn dần xuống dưới mặt biển đỏ mầu rượu. Chúng tôi quay lại, dựa lưng vào bờ tường chắn nhìn dân tình lượn qua lượn lại. Họ nói chuyện thao thao bất tuyệt, tạo nên một vẻ nhộn nhịp huyên náo. Rồi chuông nhà thờ, hơi bị rạn, bắt đầu điểm với những nố âm vang thanh mảnh. Quảng trường chính (Piazza) của Capri, với cái tháp đồng hồ trên con đường bộ từ bến tầu lên, với nhà thờ vươn lên trên dãy bậc thang, là một địa điểm lý tưởng cho một vở opera của Gaetano Donizetti, và bạn cảm thấy cái đám đông nhộn nhạo kia bất cứ lúc nào cũng có thể bùng ra thành một dàn đồng ca ầm ĩ. Thật là mê li và phi thực.
Tôi chăm chú với cảnh vật đến nỗi không nhận thấy Wilson đã nhảy xuống tường từ bao giờ và đi lại phía chúng tôi. Khi ông đi ngang qua, anh bạn tôi bắt chuyện:
- Chào ông Wilson, mấy ngày nay không thấy ông tắm ở đây.
- Tôi tắm ở phía bên kia cho nó đổi cảnh.
Rồi bạn tôi giới thiệu tôi. Wilson bắt tay tôi một cách lịch sự, nhưng với vẻ lãnh đạm; có khá nhiều người lạ đến Capri trong mấy tuần qua, và tôi chắc rằng ông vẫn gặp gỡ người đến và người đi luôn. Sau đó bạn tôi mời ông cùng đi ăn uống với chúng tôi.
- Tôi cũng vừa định về đi ăn đây, - ông nói.
- Đã ăn được chưa? - tôi hỏi.
- Chắc được rồi đấy. - ông mỉm cười.
Tuy hàm răng ông không được đẹp lắm, nụ cười của ông rất cuốn hút. Nó nhã nhặn và thân ái. Ông mặc áo sơmi bằng vải bông xanh lơ, quần màu xám, nhàu nát nhiều và cũng chẳng sạch sẽ gì, may bằng vải bạt mỏng, chân đi một đôi giày vải rất cũ. Cách ăn mặc sinh động, rất hợp với cảnh sắc và thời tiết nơi đây, nhưng không ăn nhập với khuôn mặt tí nào cả. Mặt ông dài, có vết nhăn, sạm ánh nắng, môi mỏng, còn cặp mắt màu nâu khá gần nhau, những đường nét cô đọng, gọn gàng. Mớ tóc hoa râm được chải cẩn thận. Đấy không phải là một khuôn mặt chất phác, hẳn thời trẻ Wilson nom cũng dễ ưa, mà là một khuôn mặt đạo mạo. Cái áo sơmi hở cổ và cái quần vải bạt ông mặc, trông không giống của ông, mà cứ như là sau khi đắm tàu còn độc một bộ pijama, ông được người ta thương tình chu cấp cho bộ trang phục kỳ dị kia. Tuy quần áo xuềnh xoàng như vậy, ông vẫn nom giống như người quản lý một chi nhánh của một hãng bảo hiểm, có đủ điều kiện mặc áo vét đen, quần bằng vải len lốm đốm den trắng, cổ cồn trắng và một cái cravat hảo hạng. Tôi mường tượng khá rõ cái cảnh mình đến chỗ ông đòi tiền bảo hiểm sau khi đánh mất cái đồng hồ, và bị chưng hửng khi trả lời các câu hỏi ông đặt ra mà có ấn tượng rõ ràng như là ông coi, mặc dù hết sức lịch sự, những người cứ hoạnh họe chuyện ấy hoặc là đồ ngốc, hoặc là đồ đểu.
Rời chỗ ấy, chúng tôi đi dọc quảng trường xuống phố đến khách sạn Morgano. Chúng tôi ngồi trong vườn. Xung quanh người ta chuyện trò râm ran bằng tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Italia, tiếng Anh… Chúng tôi gọi đồ uống. Dona Lucia, vợ chủ quán, đi lại núng nính và bằng cái giọng trầm ngọt ngào của mình cùng giết thời gian trong ngày với chúng tôi. Tuy giờ đã trung niên và bệ vệ, bà vẫn còn có những nét đẹp tuyệt trần thuở ba năm trước đã đẩy các nghệ sĩ đến chỗ vẽ quá nhiều các bức chân dung kém cỏi về bà. Mắt bà to và ướt như mắt của Hera, [vợ thần Zeus, nữ hoàng của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, có đôi mắt rất to], nụ cười của bà khả ái và yêu kiều. Ba chúng tôi tán dóc một lúc, vì bao giờ chả có chuyện tai tiếng này khác ở Capri để làm đề cho câu chuyện, nhưng chẳng có chuyện gì đặc biệt quan tâm hứng thú cả, và được một tí thì Wilson đứng dậy cáo từ chúng tôi. Chỉ lát sau chúng tôi đã đi bách bộ về nhà bạn tôi ăn tối. Trên đường về, anh bạn hỏi xem tôi nghĩ gì về Wilson.
- Chẳng có gì sất, - tôi nói. - tôi không tin một tí nào câu chuyện cậu kể là có thật.
- Sao lại không tin?
- Ông ta không phải loại người làm được những chuyện đại loại thế.
- Làm sao biết được rằng ai là người có khả năng làm được?
- Tôi cho ông ta là một người làm ăn hoàn toàn bình thường, giờ về nghỉ hưu với một số thu nhập kha khá từ những khoản bảo hiểm lớn. Tôi nghĩ chuyện anh kể chẳng qua chỉ là trò đồn đại tầm phào ở Capri.
- Anh nghĩ vậy thì thôi tùy anh. - bạn tôi nói.
Chúng tôi có thói quen tắm ở bãi biển được gọi là Nhà tắm Tiberius.
 [Nhà tắm Tiberius: một mảng tường ở phía bắc đảo Capri, tương truyền là nhà tắm của Tiberius, Hoàng đế La Mã (42 tr CN - 37 CN)]
Chúng tôi phóng xuôi con đường đến một chỗ đi qua những vườn chanh và vườn nho, rộn tiếng ve sầu và hầm hập mùi nắng mặt trời. đến khi lên tới đỉnh mỏm đá mà phía dưới là con đường ngoằn ngoèo dẫn xuống biển. Một hai ngày sau, đúng trước lúc chúng tôi đi xuống thì anh bạn tôi bảo:
- Này, ông Wilson lại ở kia kìa.
Chúng tôi dẫm lạo xạo trên bãi biển, cái nhược điểm duy nhất của bãi tắm này là nó toàn bằng đá cuội mà không có cát, và khi chúng tôi tiến lại thì Wilson trông thấy và vẫy chúng tôi. Ông đứng dậy, cái tẩu thuốc ngậm trong miệng, chỉ mặc độc mỗi chiếc quần đùi. Cả người ông màu nâu sạm, thanh mảnh nhưng không còm cõi và nếu so với những nếp nhăn trên mặt và mớ tóc hoa râm, thì hãy còn trai tráng. Nóng lên vì cuốc bộ, chúng tôi lẹ làng cởi quần áo ngoài ra và nhảy tùm ngay xuống nước.
Cách bờ sáu bộ, độ sâu đã tới ba mươi bộ, nhưng nước trong đến nỗi bạn trông thấy cả đáy. Nước ấm như tiếp thêm sinh lực. Khi tôi lên bờ thì đã thấy Wilson nằm sấp trên cái khăn tắm đọc sách. Tôi châm điếu thuốc rồi ngồi xuống cạnh ông.
- Tắm thỏa thuê rồi chứ? – ông hỏi.
Ông đặt tẩu thuốc đánh dấu trang sách, gập nó lại và đặt lên chỗ đá cuội bên cạnh. Rõ ràng ông đang muốn bắt chuyện.
- Thú ghê, - tôi nói. - Đây là cái nơi tắm hay nhất thế giới.
- Người ta cứ tưởng đây là Nhà tắm của Tiberi. - Ông vẫy tay về phía cái khối đá xây chẳng ra hình thù gì nửa nước, nửa trên cao. - Toàn chuyện nhảm nhí. Chẳng qua đây chỉ là một trong những biệt thự của ông ta mà thôi, anh biết chứ?
Tôi biết. Nhưng cứ để thiên hạ nói với bạn những điều họ muốn nói thì cũng có sao. Người ta càng có thiện ý với anh nếu anh chăm chú nghe họ truyền đạt tin tức. Wilson bật cười khùng khục.
- Cái thằng cha Tiberius cũng kỳ. Mỗi tội là bây giờ những chuyện người ta kể về hắn chẳng có một lời nào đúng cả.
Ông ta vắt đầu kể cho tôi nghe mọi chuyện về Tiberius. Tôi đã đọc Suetonius và cũng đã đọc các sách sử viết về Đế quốc tiền La Mã, nên chẳng có gì mới đối với tôi trong những chuyện ông nói. Nhưng tôi nghiệm thấy ông không phải loại độc giả tầm phơ. Tôi nêu nhận xét ấy ra.
- Ồ, khi an lạc ở đây, tôi thấy thích một cách tự nhiên lắm, mà tôi có vô khối thì giờ để đọc. Khi anh sống ở một cái nơi như thế này, với tất cả những hiện tượng thì hình như lịch sử quá khứ vẫn sống động lắm. Anh cứ ngỡ như chính mình đang sống trong những thời đại lịch sử ấy.
Tôi muốn nói thêm ở đây rằng lúc này là năm 1913. Thế giới đang êm đềm, dễ chịu và không có ai có thể tưởng tượng nổi có cái gì nghiêm trọng có thể xẩy ra và phá vỡ cái cảnh sống thanh bình ấy.
- Ông ở đây đã được bao lâu rồi? - tôi hỏi.
- Mười lăm năm. - Ông đưa mắt nhìn mặt biển xanh êm lặng, và một nụ cười êm ái lạ lùng đậu trên cặp môi mỏng. - Tôi cảm thấy say mê nơi này ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi đoán chắc anh đã nghe huyền thoại về một người Đức đến đây trên một chiếc thuyền từ Naples chỉ để ăn trưa và ngắm Động Xanh một cái mà đã ở lại đây bốn mươi năm. Mà tôi không thể nói là đã làm đúng như thế đâu nhé, nhưng rốt cuộc cũng đi đến cái kết cục ấy. Chỉ có điều trong trường hợp của tôi sẽ không có tới bốn mươi năm. Chỉ có hai mươi lăm năm, thế cũng còn hơn cái cảnh bị cấn cứa con mắt.
Tôi đợi ông nói tiếp. Bởi những gì ông vừa nói cũng có vẻ như những dấu hiệu nào đó của câu chuyện khác thường mà tôi đã được nghe. Nhưng đúng lúc ấy anh bạn tôi đã lên, người ướt sũng và rất hãnh diện vì đã bơi được một dặm, thế là câu chuyện đã chuyển sang hướng khác.
Sau đó, tôi có gặp Wilson vài lần, cả trên quảng trường lẫn ngoài bãi biển. Ông rất thân ái và nhã nhặn. Ông lúc nào cũng thích nói chuyện và tôi vỡ lẽ là ông không chỉ biết rõ từng tấc đất trên đảo mà còn biết cả vùng đất liền gần đây. Ông đã đọc rất nhiều và đủ các loại chủ đề, nhưng chuyên sâu của ông là về lịch sử La Mã và ông rất thông thạo về vấn đề này. Ông có vẻ như không nhiều tưởng tượng lắm và có một trí tuệ không quá mức trung bình. Ông cười khá nhiều, nhưng rất từ tốn, và cái cảm quan hài hước của ông dễ bị cù bởi những câu đùa đơn giản. Một con người bình thường. Tôi không quên cái nhận xét kỳ quặc của ông trong lần chuyện phiếm ngắn ngủi đầu tiên giữa tôi với ông, nhưng ông chẳng bao giờ đả động đến vấn đề ấy nữa. Một hôm, sau khi từ bãi biển trở về, khi xuống xe taxi ở quảng trường, tôi và anh bạn dặn người lái xe sẵn sàng đón chúng tôi đi AnCapri vào lúc năm giờ. Chúng tôi định leo núi Monte Solaro, ăn ở quán nào chúng tôi thích ăn, rồi sẽ xuống núi lúc trăng lên. Đó là vào kỳ trăng tròn, cảnh đêm sẽ rất diễm lệ. Wilson đứng ngay đấy lúc chúng tôi dặn dò người lái xe, vì chúng tôi đã rủ ông đi cùng xe để tránh cho ông một cuộc đi bộ bụi bặm và nóng bức, và vì lịch sự hơn là vì một lý do nào khác, tôi đã mời ông ngập hội với chúng tôi.
- Đây là do tôi đề xướng. - tôi nói.
- Hay quá, thế nào tôi cũng đến. - ông trả lời.
Nhưng đến lúc sửa soạn lên đường thì anh bạn tôi cảm thấy không được khỏe, anh cho có lẽ vì đã dầm nước lâu quá, nên chắc không chịu được một chuyến đi dạo dài và mệt mỏi. Thế là mình tôi đi với Wilson. Chúng tôi leo núi, chiêm ngưỡng quang cảnh bao la và quay về trọ khi màn đêm buông xuống, vừa nóng, vừa đói, và khát. Chúng tôi đã đặt bữa ăn từ trước. Thức ăn ngon, vì Antonio là một đầu bếp giỏi, rượu vang thì làm từ chính nh vườn nhà anh ta. Nó nhẹ đến nỗi cảm thấy như uống nước nên chúng tôi đánh hết ngay một chai với món mỳ ống. Khi đã cạn chai thứ hai, thì chúng tôi thấy đời tươi phơi phới. Chúng tôi ra ngồi trong khu vườn nhỏ dưới một cây nho lớn trĩu quả. Không gian mềm mại lạ thường. Đêm khuya êm đềm và chỉ có một mình chúng tôi. Cô hầu bưng ra pho mát bel paese và một đĩa vả. Tôi gọi cà phê và xtơrêga, một loại rượu mùi ngon nhất ở Italia. Wilson không hút xì gà, mà châm tẩu.
- Còn khối thì giờ trước khi lên đường, - ông nói. - Phải một giờ nữa trăng mới khuất, sau đồi.
- Trăng hay không trăng, - tôi phấn chấn nói. - thì ta cũng còn khối thì giờ. Thật là một trong những lạc thú của Capri, chẳng tội gì phải vội vàng.
- Thú rảnh rỗi, - ông nói, - Giá người đời biết được. Nó là thứ quý giá nhất mà con người có được, cho nên thật rõ ngốc nếu không biết dùng nó vào việc gì. Làm việc ư? Người ta làm việc chỉ để mà làm việc. Họ chẳng có đầu óc nhận thức rằng cái mục tiêu duy nhất của làm việc là để đón nhận sự rảnh rỗi.
Rượu vẫn tác động lên một số người làm họ sa vào những suy ngẫm mông lung. Những nhận xét trên kia đúng, nhưng chẳng ai có thể bảo rằng đấy là những nhận xét độc đáo. Tôi không nói gì, chỉ xòe diêm châm điếu xì gà.
- Lần đầu tôi đến Capri cũng trăng tròn. - ông tiếp tục với vẻ suy tư. - Chắc phải là vầng trăng y như hôm nay.
- Cũng vẫn y như thế, đấy ông xem. - tôi mỉm cười.
Ông nhe răng cười. Cái ánh sáng duy nhất phát ra từ ngọn đèn dầu treo trên đầu chúng tôi. Đồ ăn thì ít ỏi, nhưng lúc này đúng là lúc để tâm sự.
- Tôi muốn nói ý khác cơ. Tôi muốn nói, chắc phải là hôm qua rồi. Mười lăm năm rồi đấy, vậy mà khi nhìn lại cứ ngỡ như mới một tháng. Hồi trước tôi chưa bao giờ đến Italia cả. Tôi đến để nghỉ hè. Tôi đi tàu từ Marseille đến Naples, tôi được đi xem một vòng, Pompeii này, Paestum này, và một hai chỗ nữa cũng như thế; rồi tôi đến ở đây một tuần. Tôi thích cảnh vật ở đây ngay tức thì, tôi muốn nói là ngay từ ngoài biển nhìn vào ấy, vì tôi quan sát nó tiến lại mỗi lúc một gần, sau đó chúng tôi từ tàu chạy hơi nước chuyển tàu con vào cập bến, có cả một đám đông huyên náo ai cũng xăng xái muốn xách hành lý cho anh, rồi những anh chào hàng của khách sạn, rồi những mái nhà lụp xụp ở bãi bến Marina, rồi đợi cuốc bộ lên khách sạn, rồi bữa ăn ngoài sân hiên - chà, nó làm tôi mê ngay. Thật thế đấy. Tôi không rõ là mình đứng bằng đầu hay bằng chân nữa. Trước kia tôi chưa uống rượu vang Capri bao giờ, nhưng có nghe nói; chắc hôm ấy tôi khá chếnh choáng. Tôi ngồi trên sân hiên mãi, khi mọi người đã về đi ngủ hết, tôi ngắm vầng trăng trên biển, có cả núi Vesuvius với cái chùm khói đỏ to tướng bốc lên. Tất nhiên giờ thì tôi biết cái thứ rượu tôi uống chỉ như mực thôi, cái thứ rượu Capri ấy mà, nhưng lúc ấy tôi thấy đã quá. Không phải rượu nó làm tôi say mà tại hình thù hòn đảo và đám người huyên náo kia, tại mặt trăng và biển cả, tại cây trúc đào trong vườn khách sạn. Trước kia có bao giờ tôi trông thấy trúc đào đâu.
Mạch nói đã dài làm ông khát nước. Ông cầm cốc lên nhưng cốc đã cạn. Tôi hỏi ông xem ông có muốn làm một chầu xtơrega nữa không.
- Cái thứ này ngang ngang thế nào ấy. Ta làm một chai vang đi. Cái ấy mới lành, nó là nước quả tinh khiết từ nho mà ra, nó không gây tai họa gì hết.
Tôi gọi tthêm rượu vang. Khi rượu được bưng ra, tôi rót đầy hai cốc, ông làm một hơi dài và sau hơi thở đầy khoan khoái, lại tiếp tục câu chuyện.
- Hôm sau tôi tìm đường ra chỗ tắm mà ta vẫn ra đấy. Cũng không tồi, tôi nghĩ bụng. Rồi tôi đi phất phơ quanh đảo. Vừa gặp may, lúc ấy đang có hội hè ở Punta di Tiberium, thế là tôi xông thẳng vào giữa đám. Có ảnh tượng của Đức Mẹ Đồng trinh, còn những cố đạo, thầy tu đang đung đẩy các lư hương, rồi một đám đầy những người cười nói, vui nhộn, phấn chấn, nhiều người quần áo chỉnh tề. Tôi chạy ra chỗ một người Anh đang đứng đấy hỏi xem hội hè gì thế. À, đấy là lễ thăng thiên của Đức Mẹ Đồng trinh - ông ấy bảo tôi - ít ra thì đấy là điều mà nhà thờ Thiên chúa nói như vậy, chứ đây chăng qua là cái trò đồng bóng của họ. Nó là ngày hội của nữ thần Venus đấy. Ngoại đạo mà. Nữ thần Aphrodite bước lên từ biển cả hoặc na ná như vậy. Nghe ông ấy nói, tôi buồn cười quá. Lúc quay về đường đi có vẻ dài lắm, chắc ông hiểu ý tôi nói. Sau đấy tôi đi suốt đêm để xem hòn Faraglioni dưới ánh trăng. Nếu  số trời muốn tôi cứ tiếp tục làm cái anh quản lý ngân hàng thì lẽ ra phải đừng để tôi đi chơi chuyến ấy.
- Ông đã làm quản lý ngân hàng à? - tôi hỏi.
Tôi đã đoán sai về ông, nhưng không sai nhiều lắm.
- Phải, tôi đã làm quản lý chi nhánh phố Crophớt của ngân hàng “York and City”. Tôi sống ở ngay trên đường đi Henđơn, tiện lắm. Tôi đi bộ từ nhà đến đấy mất có ba mươi bảy phút.
Ông phì phụt hút cái tẩu, rồi lại châm lại.
- Đấy là đêm cuối cùng của tôi đấy. Tôi phải về lại ngân hàng vào sáng thứ Hai. Khi nhìn hai cái mỏm đá lớn sừng sững nhô lên khỏi mặt nước, có vầng trăng ở trên, và bao nhiêu ánh đèn dân chài trên các thuyền đánh cá của họ, cảnh vật thanh bình, đẹp đẽ thế kia, tôi mới tự hỏi mình là, ừ nhỉ, cớ sao mình lại cứ phải quay về mới được chứ? Tôi có ai phải nhờ cậy vào mình đâu. Vợ tôi đã chết vì bệnh viêm cuống phổi bốn năm về trước rồi, con tôi sống với bà ngoại. Bà ấy già nua lẩm cẩm, trông nom con bé nhà tôi chẳng ra sao cả, đến nỗi nó bị nhiễm trùng máu, người ta cưa ống chân nó đi mà cũng không cứu được, thế rồi nó chết, tội nghiệp con bé.
- Khủng khiếp quá! - tôi xen vào.
- Phải, tôi đờ đẫn cả người, tuy cũng không nhiều đến mức giá như con tôi nó sống với tôi mà phải chết, nhưng tôi dám nói thế là phúc. Một cô gái có mỗi một chân thì cuộc đời cũng chẳng tốt đẹp gì nhiều. Tôi thương nhớ vợ tôi. Chúng tôi đã sống rất ăn ý với nhau. Dẫu rằng tôi không thấy rõ có còn như thế được đến giờ hay không. Bà ấy thuộc loại đàn bà lúc nào cũng áy náy về những điều người khác nghĩ. Bà ấy không thích đi du lịch. Ý tưởng nghỉ ngơi của bà ấy chỉ gói gọn ở mấy chữ Eastbourne. [khu nghỉ mát ở bờ biển miền nam nước Anh]. Ông biết không, tôi chưa bao giờ vượt eo La Manche cho đến tận lúc bà ấy mất.
- Chắc ông còn những người thân thích khác nữa chứ?
- Chẳng còn ai cả. Tôi là con một. Cha tôi có một ông em, nhưng chú ấy đã sang Australia trước khi tôi ra đời. Tôi cho là trên đời này không có ai cô đơn hơn tôi. Chẳng có lý do nào bắt tôi không được làm cái điều tôi mong muốn. Hồi ấy tôi ba mươi tư tuổi.
- Ông đã nói với tôi là ở đảo này mười lăm năm. Vị chi năm nay ông bốn mươi chín. Đúng cái tuổi tôi đoán về ông.
- Tôi đi làm từ năm mười bảy tuổi. Tất cả những gì đợi chờ ở phía trước là cứ làm mỗi cái việc nhàm chán ấy, ngày nối ngày cho đến khi về hưu. Tôi bèn tự hỏi, thế có bõ không? Bỏ tất cả những thứ ấy đi mà dành phần cuộc đời còn lại cho nơi đây thì đã chết ai? Đây quả là một nơi đẹp đẽ nhất mà tôi được thấy. Nhưng tôi đã được giáo dục về tính làm ăn, bản tính tôi cẩn thận. Tôi bảo: “Không, không được sa đà như thế, mình đã nói ngày mai về là về, và coi chuyện ấy thế là chấm dứt. Biết đâu khi về lại London, tôi lại nghĩ hoàn toàn khác đi?” Ngốc ơi là ngốc. Tôi mất thêm cả một năm là vì vậy.
- Thế sau ông vẫn không thay đổi quyết định à?
- Không. Suốt quãng thời gian tôi đi làm, tôi cứ vương vấn về bãi tắm nơi đây, về những vườn nho, những cuộc đi dạo trên đồi, về vầng trăng và biển cả, về cái quảng trường buổi tối lúc mọi người dạo chơi chuyện phiếm chút ít sau một ngày làm việc. Chỉ có mỗi một điều làm tôi lo nghĩ: tôi chưa dám chắc là mình đúng khi không làm việc như mọi người. Rồi tôi đọc một cuốn sách sử của một tác giả tên là Mariôn Crophớt, trong đó có câu chuyện về Sybaris và Crotone. Đấy là hai thành phố, ở Sybaris người ta chỉ an lạc với cuộc đời, vui chơi qua ngày tháng. Còn ở Crotone người ta chăm chỉ cần cù hết chỗ nói. Rồi một ngày kia người Crotone tràn đến quét Sybaris đi, ít lâu sau lại có một bọn từ nới khác nữa tràn đến và quét Crotone đi. Sybaris chẳng còn lại gì, ngoài một mảnh đá, và những gì còn lại của Crotone cũng chỉ là một cái cột. Điều ấy đã phân định vấn đề cho tôi.
- Thế à?
- Rồi thì kết cục cũng như nhau cả thôi, phải không? Giờ thì anh nhìn lại xem ai dại hơn ai?
Tôi không đáp, và ông lại tiếp tục.
- Tiền nong là mối lưu tâm chính của tôi. Ngân hàng không trả lương hưu cho ai chưa phục vụ đủ ba mươi năm, nhưng nếu anh về hưu sớm hơn thì sẽ được một món trợ cấp. Với trợ cấp ấy và số tiền bán nhà, cộng với số ít tiền tôi tiết kiệm được vẫn không đủ cho tôi mua một khoản trợ cấp bảo hiểm cho quãng đời còn lại. Thật là ngốc một khi đã hy sinh mọi thứ để giành lấy một cuộc sống an lạc mà lại không đủ thu nhập để làm cho nó trở nên an lạc. Tôi muốn có một cơ ngơi nho nhỏ của riêng mình, một người đầy tớ coi sóc, muốn có tiền mua thuốc lá, thức ăn ngon, thỉnh thoảng mua sách đọc và rồi dăm ba thứ phòng xa. Tôi biết khá rõ là mình cần bao nhiêu. Rút lại tôi chỉ còn đủ tiền mua khoản trợ cấp bảo hiểm cho hai mươi lăm năm.
- Lúc ấy ông ba mươi lăm nhỉ?
- Vâng, nó sẽ bảo đảm cho tôi đến năm sáu mươi tuổi. Sau rốt, chẳng ai dám chắc là mình sống lâu hơn thế, nhiều người chết ở quãng ngoài năm mươi, còn lúc bước vào tuổi sáu mươi thì đã qua những giây phút kỳ thú nhất của cuộc đời rồi.
- Mặt khác cũng không ai dám chắc mình chết năm sáu mươi tuổi cả. - tôi nói.
- Chà, tôi không rõ. Nó phụ thuộc vào mình chứ, phải không?
- Ở địa vị ông, tôi sẽ ở lại ngân hàng cho đến khi được hưởng lương hưu.
- Thế thì lúc ấy tôi đã bốn mươi bảy rồi. Tôi sẽ đâm quá già để có thể tận hưởng cuộc sống ở đây. Tôi sẽ già hơn bây giờ và cũng tận hưởng nó như tôi vẫn tận hưởng thôi, nhưng tôi sẽ đâm ra quá già không nếm được cái khoan khoái đặc biệt của tuổi trẻ. Chắc anh biết là có thể hưởng những giây phút thích thú ở tuổi năm mươi cũng như ở tuổi ba mươi, nhưng đấy không phải cùng những giây phút như nhau. Tôi muốn sống một cuộc sống hoàn hảo khi có sinh lực và tinh thần để tận dụng nó. Hai mươi lăm năm có vẻ cũng dài đối với tôi, mà hai mươi lăm năm hạnh phúc có vẻ đáng để đổi lấy những cái khá trọng yếu. Tôi đã quyết định đợi một năm và đã đợi đúng một năm. Rồi tôi xin thôi việc và chẳng bao lâu sau khi họ trả trợ cấp cho tôi, tôi đã mua khoản trợ cấp bảo hiểm và đến đây ở.
- Trợ cấp bảo hiểm cho hai mươi lăm năm?
- Phải.
- Thế ông không bao giờ hối tiếc?
- Không bao giờ. Tôi đã bỏ tiền ra xứng đáng. Mà tôi còn mười năm nữa. Anh không nghĩ là sau hai mươi lăm năm hạnh phúc hoàn hảo, người ta sẽ mãn nguyện xuôi tay coi đó là trọn vẹn rồi hay sao?
- Có thể vậy.
Ông không nói nhiều về việc khi ấy ông sẽ làm gì, nhưng ý định của ông thì đã rõ. Nó gần tựa như câu chuyện anh bạn tôi đã kể cho tôi, nhưng khi tôi nghe nó từ chính miệng Wilson thì lại là chuyện khác. Tôi nhìn trộm ông. Chẳng có gì bất bình thường ở ông cả. Không một ai, khi nhìn khuôn mặt cô đọng, gọn gàng kia, có thể nghĩ là ông có khả năng hành động một cách khác thường. Tôi không trách ông. Đấy là chuyện đời riêng của ông mà ông đã sắp xếp theo cách lạ lùng làm vậy, và tôi thấy ông làm cái điều ông thích thì được lắm chứ. Ấy thế mà tôi vẫn không kìm được sự rùng mình chút ít đang chạy dọc sống lưng.
- Anh lạnh à? - Ông mỉm cười. - Có lẽ ta bắt đầu đi dạo đi. Trăng sẽ lên bây giờ đấy.
Trước khi chia tay, Wilson mời tôi đến thăm ngôi nhà ông vào một buổi nào đó; và chỉ hai ba hôm sau, khi đã tìm được nơi ông ở, tôi lại chơi chỗ ông. Đó là một ngôi nhà kiểu nông dân cách khá xa thành phố, trong một vườn nho, nhìn ra biển. Bên cửa có một cây trúc đào lớn đang rộ hoa. Chỉ có hai phòng nhỏ, một cái bếp xinh xinh và một mái che để chứa củi. Phòng ngủ kê dọn bày biện như phòng đơn của thầy tu, nhưng phòng khách, thơm mùi thuốc lá, khá đủ tiện nghi, có hai cái ghế dựa to ông đã mang từ Anh sang, cái bàn rộng có mặt nắp trượt, chiếc đàn piano nhỏ và những giá đầy sách. Trên tường treo những tranh khắc có khung, tác phẩm của G.F Oátxơ và Nam tước Laitơn. Wilson bảo tôi là ngôi nhà này của ông chủ vườn nho sống trong một ngôi nhà khác phía trên đồi, vợ ông ta hàng ngày đến đây dọn phòng và nấu ăn. Ông đã tìm ra chỗ này trong lần đến Capri đầu tiên và khi quay lại đã thuê nó và sẽ ở đấy mãi mãi kể từ lúc đó. Thấy chiếc đàn piano và quyển nhạc mở ra trên đó, tôi hỏi ông có chơi nhạc không.
- Tôi không giỏi, nhưng lúc nào cũng thích âm nhạc nên rất khoái đánh bập bèng cho vui.
Ông ngồi xuống và chơi một bản sonata của Beethoven. Ông chơi không giỏi. Tôi nhìn quyển nhạc của ông: Schumann và Schubert, Beethoven, Bach và Chopin. Trên bàn chỗ ông vẫn thường ăn có một bộ bài bóng láng. Tôi hỏi ông có chơi bài paxien không.
- Khá nhiều.
Từ những gì mắt tháy về ông và từ những gì tai nghe qua những người khác, tôi đã vẽ ra cái mà tôi nghĩ chắc sẽ là bức tranh khá chính xác về cuộc đời ông suốt mười lăm năm qua. Tất nhiên đó là một cuộc sống rất vô hại. Ông đi tắm, ông đi dạo khá nhiều, và hình như ông không bao giờ mất cảm quan về cái đẹp của hòn đảo mà ông đã biết khá tường tận, ông chơi piano và chơi bài paxien; ông đọc sách. Khi được mời đi dự tiệc thì ông đi, và tuy ông khá chậm chạp, nhưng lại dễ tính. Ông không phật ý khi bị quên lãng. Ông thích mọi người, nhưng có một vẻ cách biệt ngăn ngừa mọi sự thân mật. Ông sống tằn tiện, nhưng khá đầy đủ. Ông không bao giờ nợ ai một xu. Tôi hình dung ông không phải loại người mà tình dục quấy nhiễu nhiều, nếu như trong những năm tháng còn trẻ trung hơn, thảng hoặc ông vẫn tơ tình qua thời với một du khách đến đảo, trí óc bị nất ngây vì không khí ở đây, thì bây giờ nếu cái mối xúc cảm ấy có còn, tôi tin chắc là nó chịu sự điều khiển của ông. Tôi cho là ông đã nhất quyết rằng không gì có thể len lỏi quấy phá sự độc lập tinh thần của ông. Đam mê duy nhất của ông là vẻ đẹp thiên nhiên, và ông tìm kiếm hạnh phúc trong những cái đơn giản và tự nhiên mà cuộc sống vẫn dành cho mỗi người. Bạn có thể gọi đó là một sự tồn tại quá ích kỷ. Quả có thế thật. Ông chẳng được lợi ích gì cho ai, mà mặt khác cũng chẳng làm hại ai điều gì. Đối tượng duy nhất của ông là hạnh phúc của riêng ông, và xem ra có vẻ như ông đã đạt được nó. Rất ít người biết nên tìm hạnh phúc ở đâu; tìm ra nó lại còn ít hơn nữa. Tôi không rõ ông là một anh ngốc hay một người sáng suốt. Tất nhiên ông phải là người biết rõ trí óc mình. Cái điều kỳ lạ về ông đối với tôi là ông là một người vô cùng bình thường. Tôi chẳng còn phải nghĩ đi nghĩ lại gì về ông ngoài những điều đã biết, rằng một ngày nào đó, mười năm nữa, nếu không có một cơn ốm tình cờ nào làm đứt đoạn cuộc đời ông, thì ông sẽ phải chủ động từ giã cái thế giới mà ông yêu nhường ấy. Tôi băn khoăn không biết có phải chính cái ý nghĩ ấy, không lúc nào rời khỏi óc ông, đã tạo cho ông cái vẻ hăm hở hiếm có khi ông tận hưởng từng giây phút trong ngày hay không.
Tôi sẽ không công bằng với ông, nếu bỏ qua cái nhận xét là ông không hề có thói quen nói về mình. Tôi nghĩ anh bạn tôi là người duy nhất ông đã thổ lộ với. Tôi tin là ông nói chuyện với tôi chỉ vì ông ngờ rằng tôi đã biết, và cái buổi tối ông kể với tôi thì ông đã uống khá nhiều rượu.
Cuộc du ngoạn của tôi đã đến hồi kết thúc và tôi rời đảo. Năm sau, chiến tranh nổ ra. Một số sự việc đã xẩy ra với tôi, cho nên dòng đời tôi đã bị thay đổi nhiều, và mãi mười ba năm sau tôi mới trở lại Capri. Bạn tôi đã về lại đấy được ít lâu, nhưng anh không còn sung túc như xưa, đã phải dọn đến một căn nhà không còn chỗ cho tôi ở nữa, nên tôi phải ra khách sạn. Anh đến gặp tôi trên thuyền và chúng tôi cùng ăn với nhau. Trong bữa ăn tôi hỏi xem nhà anh cụ thể ở chỗ nào.
- Anh biết nó rồi. - anh trả lời. - Chính là cái chỗ Wilson ở đấy. Tôi đã xây một phòng ở đấy và tạo dựng nó rất tuyệt.
Với nhiều điều choán trong óc, tôi đã không mảy may nghĩ đến Wilson bao năm nay rồi, nhưng bây giờ, hơi bàng hoàng, tôi lại nhớ ra ông. Cái mười năm ở phía trước đời ông hồi tôi làm quen với ông đã trôi qua từ lâu.
- Ông ấy có tự tử như ông ấy đã nói không?
- Đấy là một câu chuyện khá ác nghiệt.
Kế hoạch của Wilson đúng cả. Chỉ có mỗi một vết rạn trong đó mà tôi cho là ông không trông thấy trước được. Không bao giờ có ý nghĩ len vào đầu ông là sau hai mươi lăm năm hạnh phúc hoàn toàn, ở nơi tù túng, phẳng lặng này, nơi không có gì trên đời quấy đảo sự bình yên của ông, bản lĩnh của ông sẽ dần dần mất đi sức mạnh. Ý chí cần phải có trở ngại để thực thi quyền lực của nó; khi nó không hề bị ngăn trở, khi không cần có một nỗ lực nào để đạt đến mong muốn của mình, bởi vì mong muốn đã được đặt vào những chỗ có thể nhận được ngay chỉ cần với tay ra, thì ý chí trở nên bất lực. Nếu lúc nào anh cũng đi trên đường bằng thì những cơ bắp anh cần để leo núi sẽ teo đi. Những lời nhận xét này có nhàm, nhưng vẫn đúng. Khi trợ cấp bảo hiểm của Wilson đã hết, ông không còn đủ cương quyết để tự tử, cái giá mà ông đã đồng ý chịu trả cho cả một thời kỳ êm đềm hạnh phúc dài lâu. Tôi không nghĩ, dù sau tất cả những điều thu thập được, là ông thiếu can đảm. Chẳng qua là ông không quyết định nổi. Ông cứ lần lữa ngày này qua ngày khác.
Ông sống trên đảo đã lâu và ấn định chi tiêu tỉ mỉ từng li từng tí nên ông vay mượn dễ dàng; trước kia chưa bao giờ vay tiền, nên có nhiều người sẵn lòng cho ông vay những món tiền nho nhỏ mỗi khi ông ngỏ lời. Ông đã trả tiền nhà đều đặn suốt những năm qua nên chủ nhà, có bà vợ Axunta vừa làm người phục vụ cho ông, cũng đồng ý cho ông thư thả trong vài tháng. Mọi người đều tin lời ông nói là có người thân đã chết và nay ông bị lấn bấn tạm thời vì còn chưa hoàn tất một số thủ tục để nhận phần tiền của mình. Ông trì hoãn theo kiểu đó  được đâu chừng một năm. Rồi ông không tài nào mượn được tiền của những nhà buôn địa phương nữa, và chẳng còn ai dám cho ông vay đồng nào. Chủ nhà đã đánh tiếng với ông là nếu không trả hết số tiền nhà khất lại trước một thời hạn nào đó, thì ông nên đi khỏi căn nhà.
Một hôm ông vào phòng ngủ xinh xắn của mình, đóng cửa ra vào và cửa sổ lại, buông rèm và đốt lò than lên. Sáng hôm sau, khi Axunta đến lo bữa sáng cho ông thì thấy ông lịm đi nhưng vẫn còn sống. Căn phòng có gió lùa, tuy ông đã đóng cửa không cho không khí trong lành lọt vào. Dường như vào cái giây phút cuối cùng ấy, cho dù tình thế của ông đang tuyệt vọng đi nữa, ông cũng trải qua một sự bứt rứt không cương quyết nào đó trong việc thực hiện ý định. Wilson được đưa vào bệnh viện và dù ốm nặng mất một thời gian, cuối cùng ông đã bình phục. Nhưng hoặc do kết quả của sự nhiễm độc than củi hoặc bị sốc mà ông không còn có một trí năng hoàn hảo nữa. Ông không bị điên, hay chí ít thì cũng chưa điên đến nỗi phải vào nhà thương tâm thần, nhưng rõ ràng là ông không còn có một trí óc minh mẫn nữa.
- Tôi đến thăm ông ấy. - bạn tôi kể. - Tôi cố gặng cho ông nói chuyện, nhưng ông ấy cứ nhìn tôi kỳ cục lắm, như thể không hoàn toàn định thần được xem ông ấy đã gặp tôi ở đâu trước kia. Ông ấy cứ nằm trên giường thật kinh dị, râu bạc mọc được một tuần trên cằm, nhưng ngoài cái nhìn kỳ cục trong mắt ra thì ông có vẻ như hoàn toàn bình thường.
- Thế cái nhìn kỳ cục ra sao?
- Tôi không biết tả thế nào cho đích xác. Cái nhìn khang khác. Kể ra so sánh thì thật phi lý, nhưng cứ giả định như anh ném một hòn đá lên không trung rồi thì nó không rơi xuống mà cứ ở yên trên đó.- Chắc phải khá thảng thốt. - tôi mỉm cười.
- Phải đấy, cái nhìn từa tựa như thế.
Thật là khó, không biết giải quyết ra sao. Ông không có tiền, cũng chẳng còn phương tiện, của cải gì. Đồ đạc đã bán hết rồi nhưng được quá ít, trả không hết nợ. Ông là người Anh, các nhà chức trách Italia không muốn dính vào ông. Lãnh sự Anh ở Naples không có quỹ để chi cho trường hợp này. Ông có thể bị trả về Anh, nhưng hình như không ai biết phải giải quyết thế nào khi ông còn ở đây. Axunta, bà hầu phòng, nói rằng ông từng là một người chủ tốt và một người thuê nhà tốt. Hồi còn tiền ông có bao giờ không trả đâu; ông có thể ngủ ở cái lều củi trong căn nhà vợ chồng bà đang ở và họ có thể san sẻ bữa ăn cho ông. Người ta đề nghị như thế với ông. Thật khó mà biết được ông có hiểu hay không. Khi Axunta đến bệnh viện để đưa ông về, ông đi với bà chẳng nói chẳng rằng. Hình như ông không còn ý chí nào nữa. Bà ấy cứ nuôi ông ta như thế được hai năm nay.
- Chẳng tiện nghi gì cho lắm, đấy anh xem, - bạn tôi nói. - Họ làm tạm cho ông một cái giường ọp ẹp và cho ông hai cái chăn, nhưng không có cửa sổ gì cả nên mùa đông thì lạnh như băng, mùa hè thì cứ như cái lò. Thức ăn cũng khá thô. Anh biết nông dân họ ăn thế nào rồi đấy, chủ nhật toàn ăn mỳ ống, năm thì mười họa mới có thịt.
- Suốt thời gian ấy ông ta làm gì?
- Ông ta cứ lang thang khắp các ngọn đồi. Tôi đã cố tìm cách gặp ông ta hai ba lần, nhưng chẳng ăn thua gì, cứ thấy người là ông ấy chạy như thỏ. Axunta vẫn thỉnh thoảng đến chỗ tôi nói chuyện phiếm, tôi cho bà ấy ít tiền để mua thuốc lá cho ông ta, nhưng có trời mà biết được ông ta có nhận được hay không.
- Họ đối xử với ông ta phải đạo chứ? - tôi hỏi.
- Tôi chắc Axunta khá tốt bụng. Bà ấy đối đãi với ông như với một đứa trẻ. Tôi e chồng bà ta không được tử tế lắm với Wilson. Ông ta cứ hầm hè với cái chuyện nuôi nấng Wilson. Tôi không cho là ông ấy tàn ác hay là cái gì đó đại loại như thế, nhưng tôi nghĩ ông ấy hơi nghiệt ngã với Wilson. Ông ta bắt Wilson đi lấy nước, lau rửa chuồng bò hay những việc na ná như thế.
- Nghe ra cũng khá tàn tệ đấy nhỉ? - tôi nói.
- Mình làm mình chịu chứ sao. Xét cho cùng, ông ta chỉ phải gánh chịu những gì ông ta đáng phải chịu.
- Tôi nghĩ nói chung tất cả chúng ta ai mà chả phải chịu những gì đáng phải chịu, - tôi nói. - nhưng điều ấy không có nghĩa là nó không rùng rợn.
Hai, ba hôm sau tôi và anh bạn cùng đi dạo. Chúng tôi đi thơ thẩn dọc theo con đường hẹp qua một rừng olive.
- Wilson kia kìa. - đột nhiên anh bạn tôi lên tiếng. - Đừng nhìn, anh sẽ làm ông ấy hoảng đấy. Cứ đi thẳng.
Tôi đi mà mắt cắm cúi vào con đường, nhưng bên góc mắt, tôi vẫn thấy một người nấp sau một thân cây olive. Người ấy không động đậy khi chúng tôi tiến lại gần, nhưng tôi cảm thấy ông ta đang theo dõi chúng tôi. Khi chúng tôi vừa đi ngang qua, tôi nghe thấy tiếng chân chạy lướt vụt đi. Wilson như con thú bị săn đuổi, phóng mình chạy trốn. Đấy là lần cuối cùng tôi trông thấy ông ta.
Ông ta chết năm ngoái.
Ông ta sống vất vưởng như thế sáu năm. Một buổi sáng người ta tìm thấy ông trên sườn núi, nằm hết sức thanh thản, như chết lịm đi trong giấc ngủ. Từ nơi ông ta nằm, ông ta có thể nhìn thấy hai khối đá to được gọi là hòn Faraglioni dưới ánh trăng.
Có lẽ ông ta đã chết bởi cảnh đẹp ấy.

Hết

1 nhận xét: