Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Hoa từng mùa - Andre Maurois

Andre Maurois

Hoa từng mùa

Etienne Carlut xuống tắc-xi trước cổng chính nghĩa địa Montparnasse. Anh ôm một bó cúc cháy rực đủ các sắc hoa mùa thu, từ đỏ sẫm đến vàng nhạt. Một trong hai người gác cổng chào anh khi anh đi ngang qua chỗ họ. Bị vướng bó hoa, anh chỉ gật đầu chào lại.
- Ngài quen ông ta đấy ạ?
- Ừ, cũng sơ sơ. Ông ta là giáo sư. Bà vợ vừa mất dạo cuối tháng Chín, chôn ở khu số Bảy. Thứ Năm nào ông ta cũng đến… vì ngày đó ông ta không phải lên lớp… ông ta đã giải thích với tôi như vậy… ngay từ hồi đầu.
- Quá trẻ với một người đàn ông góa vợ… Chắc gì ông ta còn đến đây lâu.
- Biết đến bao giờ. Không, cũng chẳng biết. Cái đó còn tùy từng người.
Nếu họ hỏi người đàn ông có bộ râu ngắn mặc đồ tang đen, ôm bó hoa cúc một cách vụng về, lúc bế trong hai cánh tay như đứa trẻ, lúc cầm quặt ra phía sau lưng, anh ta sẽ trả lời là sẽ vẫn đến vào một thứ Năm hàng tuần, cho đến lúc chết, cái chết mà anh ta đang cầu mong đến cho nhanh.
Lucile mất đi với anh là tai họa khủng khiếp mà tâm trí anh không thể nào chấp nhận nổi. Anh cưới vợ năm năm về trước, vợ anh đã làm thay đổi cuộc đời anh. Trước khi có chị anh là một con người nghiêm nghị (và có phần hơi buồn tẻ, theo như một số phụ nữ nhận xét), chỉ biết chuyên tâm vào công việc. Anh thích lên lớp, chữa bài, soạn luận án tiến sĩ. Cuộc sống xung quanh hầu như không tồn tại trong con mắt anh.
Đột nhiên, tại một khách sạn miền núi mà anh đến nghỉ hè, anh đã gặp Lucile, một vẻ đẹp hiếm có với mái tóc vàng óng, mắt tím biếc, đôi vai tròn trĩnh, đến nỗi sau năm năm chung sống, anh vẫn khó tin là có thật. Ngay cả khi ôm vợ trong lòng, những khi ân ái, anh vẫn cảm thấy Lucile như một nhân vật huyền thoại hay của một câu chuyện thần tiên nào. Chị gợi anh nhớ đến những nhân vật kiều diễm của Shakespeare hay của Musset. Anh tự trách mình là một thầy giáo quen tật, một anh chàng thông thái rởm khi anh làm những so sánh như vậy cả trong tình yêu. Không, Lucile không phải là bản sao của những nhân vật tưởng tượng, mà là một người phụ nữ có nụ cười dịu dàng, nét mặt linh lợi, tấm thân mềm mại, tươi mát.
Với sự đỏm dáng của mình, Lucile cũng đôi lúc trêu tức, làm anh lo ngại. Anh chỉ còn nhớ đến vẻ quyến rũ không gì sánh được của chị.
- Mình đã mất nhiều hơn là cái mà mình có, – anh vừa than thở vừa đi về phía ngôi mộ mà đối với anh quả thật thiêng liêng.
Khu thứ Ba phía Nam, khu thứ Hai phía Tây. Những tuần đầu anh phải nhớ những chỉ dẫn ấy để tìm ra ngôi mộ. Bây giờ, anh cứ việc đi thẳng đến tấm đá cẩm thạch màu xám tro chỉ ghi có dòng chữ:

“Lucile Carlut, nhũ danh Auban (1901 - 1928)”.

Đã có lúc anh nghĩ đến dòng khác bằng tiếng La tinh: “Conjugi, amicae”. (Tưởng nhớ vợ, tưởng nhớ bạn), song anh lại nghĩ là vợ anh sẽ không đồng ý.
Để đến được ngôi mộ của vợ, anh phải đi qua một dãy nhà mồ của những gia đình thần thế, những lâu đài xấu xí, cái thì theo kiểu gô-tích, cái thì theo kiểu Ai Cập, phô trương sự giàu có của mấy tay triệu phú sắt thép hay kinh doanh hàng bách hóa.
Anh yêu thích biết bao tấm bia đá không trang trí ấy, quà tặng cuối cùng anh chọn cho vợ với tất cả tình yêu. Cuối cùng? Không hoàn toàn là như vậy, bởi vì còn có những bông hoa cúc này, những bông cúc màu sắc rực rỡ mà Lucile hẳn phải vừa lòng. Có thể nào nàng lại đang nằm dưới mộ này? Anh tưởng như nghe được giọng nói của chị:
- Anh lại mang hoa đến cho em đấy ư? Đẹp quá!
Anh vẫn còn nhớ là anh không tin, anh đã phản đối kịch liệt khi ông bác sĩ, sau khi nghe nhịp đập của tim Lucile, đã tuyên bố: “Chết rồi!”. Có lẽ nào Lucile lại bỏ anh bơ vơ? Lucile của anh vẫn thường chăm chút, cả lo và không bao giờ nản chí kia mà.
Anh đặt nghiêng bó hoa dưới dòng chữ trên bia, và đứng đó mặc niệm. Tuần nào cũng vậy, anh gắng ôn lại những quãng đời hạnh phúc: đính hôn, tuần trăng mật, những đêm dài ân ái; hạnh phúc ngọt ngào biết bao khi tối tối, anh đang làm việc, bất chợt ngẩng đầu và gặp ngay nụ cười kín đáo và thông cảm của chị; rồi xao xuyến mong đợi đứa con ra đời. Hai người hoàn toàn hợp ý nhau, từ việc trang trí buồng riêng đến những vở kịch mà họ muốn cùng đi xem. Chị còn đọc được và trả lời cả những câu hỏi mà anh chưa kịp nói ra. Bây giờ anh chẳng còn vợ, chẳng còn con.
- Tội nghiệp, Lucile. Những lời nói cuối cùng của em là để an ủi anh. Rồi, giữa chừng…
Suốt mùa đông, anh đến vào mỗi thứ Năm. Mỗi lần, một loại hoa khác nhau, chừng như với trí tưởng tượng phong phú của mình, anh muốn làm đẹp lòng người chết cũng như trước đây anh đã làm đẹp lòng người sống.
Vào dịp Nô-en, nhớ niềm vui hớn hở như trẻ nhỏ của Lucile, trước cây thông Nô-en, cành nào cành nấy trĩu nặng các quà tặng, anh trang trí mộ vợ bằng lá xanh, bằng cây ô-rô, bằng các cành cây dại. Rồi ngày nối ngày, tuần nối tuần dài ra mãi. Anh bắt đầu trông thấy trên các xe bán hoa những loại hoa mới. Một ngày tháng Ba, anh mang đến một bó gồm hoa vi-ô-lét và hoa báo xuân. Bầu trời trong xanh, mặt trời rực rỡ, nắng đùa rỡn trên những tấm đá. Anh chợt thấy trong lòng khoan khoái, và ngay lúc đó anh tự trách mình.
Vẫn như mọi ngày, anh bước vào nghĩa trang, như đi trong mơ. “Em yêu mùa xuân. Ngày đầu tiên có thể đi ra ngoài không mặc áo choàng với mấy bông hoa cài lên ve áo, em đầy vẻ hân hoan. Chẳng bao giờ anh còn có thể được ngắm dáng đi đẹp như nàng tiên nữ của em nữa…”. Anh bỗng quay đầu lại. Một người phụ nữ bận đồ đen vừa bước vào và dừng lại trước một ngôi mộ cách anh chừng chục mét. Chị ôm bó hoa, và đặt lên ngôi mộ một cách duyên dáng. Sau đó chị quỳ xuống.
Chiếc mũ che đi một phần khuôn mặt của chị. Etienne rình lúc chị quay đầu lại. Khi chị đứng lên, anh thấy chị đang khóc. Nét mặt chị nghiêm trang trong trắng. Mái tóc đen rủ xuống vầng trán rộng. Chiếc áo choàng may sát làm nổi rõ thân hình mảnh khảnh. Trước lúc ra đi, chị không hề nhìn ngó xung quanh. Đi qua giữa những ngôi mộ và những nhà mồ, chị ra lối cổng chính. Khi nghe bước chân chị đã đi xa, anh đến bên ngôi mộ mà chị vừa viếng. “Antoine Constant - 1891 - 1928”. Vậy là chị khóc chồng, chứ không phải cha, cũng không phải con. “Có thể là một người tình”. Anh nghĩ vậy, nhưng không tin.
Thứ Năm sau, anh đến vào đúng giờ ấy, cố quên đi việc mình đang mong gặp lại người ấy. Chị không đến. Anh chờ khá lâu và buổi mặc niệm của anh hôm đó buồn hơn thường lệ. Anh tự thấy thương mình. Cuộc đời anh hoàn toàn trống trải. Anh không có bạn thân. Lucile và anh đã cố giữ một cách nghiêm ngặt để gia đình mình được tách biệt ra, không cho một ai xâm phạm vào cuộc sống của mình, cuộc sống mà tự hai người cảm thấy người này đã là quá đủ với người kia.
“Thật một trời một vực, anh nghĩ, những buổi tối hạnh phúc xưa kia và cảnh cô đơn của ta bây giờ! Thật là buồn khi phải ăn vội vàng cho xong chuyện, chẳng thấy ngon lành gì, sau đó đến ngồi trong chiếc ghế bành, để đọc vài tờ báo buổi chiều, cố tìm hứng thú trong trang sách mà không nổi, rồi đợi chờ hàng giờ đằng đẵng một giấc ngủ mà nó chẳng chịu đến cho”.
Công việc làm anh say mê khi có người vợ bên cạnh để cùng chia sẻ. Anh đọc cho chị nghe một câu rồi chờ câu trả lời của chị thường là nhạy bén và thông minh. Rồi đến lúc, hai người cùng vào buồng ngủ. Em thật đáng yêu trong bộ đồ ngủ, với mái tóc buông xõa. Lẽ nào anh không bao giờ còn được hưởng cái khoái cảm vô biên ấy nữa?
Không bao giờ! Phải nói là không bao giờ nữa, anh được vuốt ve âu yếm, đến cả ý nghĩ tái giá, hay chỉ là tán tỉnh một người phụ nữ nào khác, cũng đủ làm anh cảm thấy tội lỗi rồi. Làm sao anh có thể lặp lại với một người khác những lời mà anh đã chỉ dành cho chị. Làm sao anh có thể đưa một người dưng vào ngôi nhà khi mà tất cả mọi đồ vật đều gợi nhớ về chị? Chị có mặt ở tất cả. Quần áo trong tủ chị treo thế nào thì nay vẫn nguyên như vậy. Bà Auban, mẹ vợ anh từ dưới tỉnh lên, đã gợi ý là anh nên đem quần áo của Lucile cho hội từ thiện.
- Đúng thế đấy… Con chẳng giữ nó làm gì… Nó chỉ làm con buồn khổ mà thôi.
Anh cảm thấy ý nghĩ ấy là tội lỗi và xấu xa.
Một bà già đi ngang qua gần anh, tay mang một cái bình sắt tây đựng đầy nước, chắc là để tưới cho hoa tươi lâu… Một bóng mây che khuất mặt trời. Etienne rùng mình, ngắm lại một lần nữa ngôi mộ và bước ra. Tuy không cố ý nhưng đáng lẽ đi thẳng ra cổng thì anh lại rẽ vào ngôi mộ của Antoine Constant. Một bó hoa iris [55] đặt trên ngôi mộ vẫn còn tươi.
Người đàn bà chưa quen biết ấy đã đến đây vào hôm qua, có thể là sáng nay.
Thêm hai ngày thứ Năm nữa, anh vẫn không gặp chị. Lần thứ ba, khi anh đến thì chị đã ở đó rồi. Etienne có cảm giác là chị liếc trộm bó hoa anh cầm trên tay. Hoa tuy-líp màu vàng và màu đỏ.
“Có sao đâu… Em thích loại hoa này. Em vẫn thường nói: Phải đánh thức căn phòng khắc khổ này… Trời! Lại chính là em mà anh muốn đánh thức, đôi má thơm tho của em, vầng trán ấm áp của em”.
Sau đó, anh cũng liếc sang phía người phụ nữ bận đồ đen, xem hôm nay chị mang đến cái gì.
Cũng như anh, chị chọn hoa màu sáng, nhưng không phải là hoa tuy-líp mà là hoa cẩm chướng.
Từ đó trở đi, thứ Năm nào anh cũng gặp chị. Chị đến nghĩa địa hoặc trước hoặc sau anh, nhưng luôn đúng vào ngày thứ Năm. “Có thể là vì mình”, anh nghĩ. Tuy vậy, anh cũng chỉ đợi chị với một niềm xúc động thoáng qua. Cả hai đều chọn hoa kỹ hơn và bây giờ họ quan sát có đỡ phần giấu giếm hơn, xem người kia mang đến cho người đã khuất loại hoa gì. Cả hai ngấm ngầm ganh đua với nhau, và hai ngôi mộ vì thế ngày càng đẹp hơn vì các bó hoa cũng ngày càng đẹp. Họ mang đến cùng lúc những bông hồng đầu mùa, chỉ khác là hoa của chị màu đỏ, còn của anh là hồng nhung. Rồi đến lúc cả hai đều mang đến những bó hoa lay-ơn màu sắc rực rỡ như pháo hoa.
Anh cố đợi chị đi xa rồi mới ra về, sợ làm chị bối rối, khi chị thấy anh có vẻ muốn đi theo hay muốn nói chuyện với mình. Còn chị thì rõ ràng không muốn, vì bao giờ chị cũng đi rất nhanh, không hề ngoái đầu lại.
Vào một ngày tháng Năm, khi anh đang băng qua khu nhà mồ để đi về phía mộ của Lucile, anh nghe tiếng ồn ào và nhìn thấy người gác cổng đang nắm cánh tay bà lão mang bình nước mà bao lần anh đã gặp trong nghĩa địa. Bà lão cố rút cánh tay ra. Người gác cổng có vẻ như muốn thiếu phụ mặc đồ đen đứng đó làm chứng, và khi trông thấy Etienne liền gọi:
- Thưa ông, việc này cũng có liên quan đến ông đấy ạ.
Etienne tay vẫn ôm bó hoa, đến gần họ:
- Có chuyện gì vậy?
Người gác cổng nói:
- Tôi đã bắt quả tang mụ này ăn cắp hoa. Đúng vậy, thưa bà… mụ đã lấy cả hoa trên mộ chồng bà và trên mộ vợ ông… Mấy tuần nay, tôi rình mụ nhưng hôm nay mới bắt tận tay.
Thiếu phụ có vẻ bối rối.
- Thôi, ông buông bà ta ra. Việc ấy đối với tôi có quan trọng gì đâu. Hoa đã héo, và tôi đang đến để thay hoa khác đây mà.
- Héo à? - Người gác cổng nói lại. - Không phải đã héo hết đâu ạ. Mụ ta khéo chọn lắm, chỉ nhặt hoa nào còn tươi thôi. Bà thử lại ngôi mộ 107 Khu số Tám mà xem. Trong bình mụ ta còn cắm cả một bó hoa huệ mà chắc chẳng mất bao lăm tiền mua. Tôi nói chắc với bà như vậy. Mụ ta đã cóp nhặt hoa ở các nấm mộ.
- Thế thì có gì xấu? Bà ta có nhặt để đem bán đâu. - Thiếu phụ lại tiếp.
- Tại sao bà lại làm thế? - Etienne hỏi bà lão.
Anh ngắm kỹ hơn. Bà có vẻ mặt không đến nỗi tầm thường. Bà lão cúi đầu.
- Tại sao bà lại làm như vậy? - Anh nhắc lại. - Bà không có tiền để mua hoa à, có phải vậy không?
Bà lão ngẩng đầu lên:
- Đúng, tôi không có tiền. Thế thì đã sao… Thưa bà, nếu như bà có đứa con trai nằm dưới mộ này, và chồng bà thì keo kiệt không cho bà lấy một xu để mua một nhánh huệ hay một cành vi-ô-lét thì bà sẽ làm thế nào?… Hả…? Bà sẽ làm thế nào?
- Tôi cũng sẽ làm như bà, bà lão ạ. - Thiếu phụ không ngần ngại trả lời.
- Thôi được, nhưng tôi thì tôi phải làm nhiệm vụ của tôi. - Người gác cổng vừa ngả mũ vừa buông tay bà lão và vơ lấy Etienne để biện bạch cho mình. - Thưa ông, ông thấy thế nào…? Chắc trước kia ông cũng đã ở trong quân ngũ… ? Mệnh lệnh là mệnh lệnh, phải không ông? Không phải là tôi riết róng người khác. Nhưng công vụ là công vụ.
- Thôi ông ạ, có ai kêu ca gì đâu. Bà đây và tôi tuần nào cũng đến để thay hoa. Nếu người nào đó tìm thấy trong bó hoa tuần trước những bông hoa còn tươi thì càng tốt chứ sao.
- Vâng… Vâng… - Người gác cổng nói. - Nếu ông bà vui lòng thì mọi người cũng vui lòng cả thôi ạ.
Rồi ông ta quay sang bà lão tội nghiệp.
- Thôi, bà đi được rồi đấy.
Etienne cho bà lão ít tiền, và người đàn bà bận đồ đen cũng cho thêm chút ít. Etienne đứng mặc niệm bên mộ vợ như mọi lần. Nhưng cuộc giằng co hồi nãy còn xáo động tâm trí anh, làm anh không thể tĩnh tâm được đến mức sâu lắng như mọi khi. Những hình ảnh quen thuộc mà anh cố gắng nhớ cứ lảng xa đi.
Khi người đàn bà bận đồ đen ra về, anh quả quyết đi theo.
- Cám ơn ông, - chị nói. - May sao lúc nãy ông đến kịp. Dầu sao thì đàn ông cũng có uy tín hơn.
- Tội nghiệp bà lão. Tôi với bà, chúng ta hiểu rõ hơn ai hết lòng thiết tha muốn làm được một cái gì, dù là nhỏ bé, cho người thân yêu.
- Đúng như vậy. Vì người chết mà cũng vì bản thân mình.
- Để giữ mãi cho người chết sống trong mình.
Chị ngạc nhiên nhìn anh, ánh mắt thầm cảm ơn.
- Ông cũng có những cảm giác giống như tôi… vả lại cũng đã từ lâu tôi nhận thấy… lòng tha thiết của ông ở những bông hoa ông chọn. Chắc ông yêu vợ lắm, phải không ông Carlut.
- Bà biết tên tôi?
- Một hôm không có ông ở đây, tôi đã đọc… Bà nhà mất trẻ quá… mới 27 tuổi… Thật là kinh khủng.
- Kinh khủng lắm… Cô ấy thật là hoàn mỹ… đẹp, dịu dàng, và rất có trí thức.
- Thế thì ông cũng giống tôi. Tôi đã mất đi người chồng tốt nhất trên đời. Thật vậy, tôi chưa thấy có người phụ nữ nào lại được yêu nồng nàn và được che chở với cả tấm lòng nhân ái như tôi… Có phần hơi quá… Antoine đã làm tất cả vì tôi và anh ấy mất đi khiến tôi thấy chơi vơi, không nơi nương tựa.
- Ông nhà mất trẻ quá! Tôi thú thật với bà là tôi cũng vì… tò mò và… quý mến bà… nên đã đọc dòng chữ khắc trên mộ ông nhà: 1891-1928. Ông nhà làm sao mà mất đây ạ?
- Bị tai nạn ô tô… Người ta mang anh ấy về bất tỉnh nhân sự… Buổi sáng, khi từ biệt tôi, anh ấy còn tràn trề hạnh phúc… Anh ấy vừa được thăng chức chủ sự.
- Ông nhà là công chức?
- Không… ở một nhà máy hóa chất lớn. Mới 37 tuổi anh ấy đã là nhân vật số ba của xí nghiệp, cứ đà ấy, chả bao lâu nữa mà thành người đứng đầu.
- Ông bà được mấy cháu rồi ạ?
- Đến cả niềm an ủi ấy cũng không, ông ạ.
Họ đi qua cổng, người gác cổng chào họ, vẻ hóm hỉnh.
- Này. - ông ta nói với người giúp việc… - Nhìn đôi này… Khéo lại hay đấy nhỉ? Còn gì nữa mà chẳng…
Thứ Năm sau, như đã có một ước định giữa hai người, sau khi viếng mộ, họ lại cùng nhau đi ra cổng. Etienne kể về mình. Anh là giáo sư hạng nhất ở một trường trung học lớn ở Paris. Và đôi khi anh cũng viết. Một tạp chí lớn nào đó đã mời anh làm chân phê bình văn học.
- Lúc vợ tôi mất, tôi đang viết dở một vở kịch. Bây giờ tôi chẳng còn tâm trí đâu mà viết tiếp.
- Ông nên viết. Bà nhà cũng mong như vậy đấy.
Anh như được khích lệ:
- Bà nói đúng, vợ tôi vẫn thường khuyên tôi tiến thân bằng con đường ấy.
Chị cũng nói là mình rất yêu sân khấu. Chị học khá nhiều về văn học. Hai bằng tú tài văn chương, ngoài ra một bằng cử nhân về tiếng Anh.
- Tốt quá! Thế bà không thấy chán khi sống giữa giới thương gia à?
- Không, chừng nào Antoine còn sống. Để vui lòng anh ấy, tôi có thể tiếp chuyện bất cứ ai… Tuy vậy, tôi vẫn thích được cùng anh ấy tiếp xúc với các nghệ sĩ, nhà văn hơn.
Anh hỏi chị đã thăm đài kỷ niệm nhà văn Sainte-Beuve và nhà thơ Baudelaire cũng ở trong nghĩa địa này chưa. Chị trả lời chưa biết và anh đã vui lòng dẫn chị đi thăm. Chị thấy rằng những đài kỷ niệm đó xấu ghê gớm.
- Do thời gian, - anh nói.
Họ cứ đi mãi, chuyện trò sôi nổi, đến nỗi không thấy bầu trời đã trở nên sẫm xịt và cũng không nghe thấy tiếng sấm ầm ĩ báo hiệu cơn giông. Họ ra đến cổng thì mưa cũng bắt đầu nặng hạt.
- Tôi sẽ đi tắc-xi, - chị nói. - Bến xe cũng gần đây.
- Tôi cũng bắt chước bà vậy. Mùa này không chỉ là mưa rào đâu, cả một trận đại hồng thuỷ đấy.
Họ rảo bước, thế mà quần áo vẫn ướt sũng. Cả bến chỉ có độc một chiếc tắc-xi.
- Bà lên ngay đi.
- Còn ông?
- Tôi đợi xe khác. Chắc cũng sắp có.
- Đợi trong mưa gió thế này à? Chắc gì đã có xe. Tôi nỡ lòng nào bỏ ông lại dọc đường thế này?
- Bà về đâu?
- Nhà tôi. Đại lộ Mozart.
- Thật may! Tôi ở ngay kề bên. Phố La Pompe. Tôi sẽ đưa bà về nhà.
Người nọ nhường người kia, cuối cùng chị ghi cho anh địa chỉ. Nhìn thấy nhau trong cùng một chiếc xe, cả hai đều cảm thấy có gì hơi ngượng ngập. Mỗi người đều cố thu mình vào mỗi góc và không nói một lời nào.
Anh nhớ lại một buổi tối, anh đưa chân một chị bạn dạy cùng trường về nhà và bị Lucile bắt gặp. Chị giận dỗi:
- Nếu em không nhìn thấy liệu anh có kể với em không?
- Có chứ… Chị ta bị mệt và cần đến anh. Anh không thể bỏ mặc chị ta được, vả lại chị ta hơn em những hai chục tuổi cơ mà.
- Điều đó chứng minh được cái gì nào? Chị ta trông còn được lắm!
“Em sẽ nói gì, hả Lucile?”, anh thầm nói chuyện với vợ khi xe đi qua ga Montparnasse. “Em sẽ nói gì khi em thấy anh ngồi trong xe với một người đàn bà trẻ, đẹp và… còn sống hẳn hoi?”. Rồi anh nghĩ miên man, “Anh tưởng như em đang ngồi với anh trong xe, ngực em phồng căng làn áo… Anh cảm thấy thật là ngượng khi mọi tình cảm lại trỗi dậy nơi anh!… Anh cần có em”. Anh thở dài. Người đàn bà mặc đồ đen nhìn anh buồn rầu và cũng thấu hiểu tâm trạng anh.
- Ông thật bất hạnh. Chúng ta là những kẻ bất hạnh!
- Bà sống một mình à?
- Vâng… Không hẳn thế, vì tôi sống với Amélie, bà giúp việc. Bà ấy tốt lắm. Chính bà đã nuôi chồng tôi. Mọi việc trong nhà, bà ấy quán xuyến hết. Còn ông?
- Tôi cũng vậy, một mình. Sáng sáng bà giúp việc của tôi đến và năm giờ chiều đã lại ra đi, để lại cho tôi bữa ăn chiều nguội ngắt.
Anh nói chuyện khó khăn, cố giấu đi những ý nghĩ thực, những tình cảm thực đang trỗi dậy trong con người anh bởi sự có mặt gần gũi đến như vậy của một thân thể phụ nữ. Mưa đã tạnh và ngọn tháp mạ vàng của điện Invalides lại lấp lánh dưới ánh mặt trời.
- Trời đẹp quá! - Anh thốt lên. - Liệu bà có như tôi cũng cảm thấy tủi thân, bởi vì cuộc sống xung quanh thì đẹp vậy, mà…
Chị đáp lại một cách nhiệt thành:
- Tôi không diễn tả nổi, nhưng tôi cảm thấy điều đó.
Anh hỏi:
- Phải chăng lần nào đến nghĩa địa, bà cũng đi tắc-xi?
- Vâng, vì còn bó hoa. Chúng tôi trước cũng có xe riêng, nhưng chỉ có nhà tôi lái thôi.
- Tôi cũng đi tắc-xi, cũng vì một lý do ấy.
Anh lưỡng lự hồi lâu rồi vẫn với giọng rụt rè ấy, anh hỏi nhỏ chị:
- Liệu… Chẳng biết bà có thấy là kỳ quặc không… Tôi và bà đi cùng một đường, lại cùng ngày, tại sao chúng ta lại không thể cùng đi chung một tắc-xi. Tôi sẽ đến đón bà.
- Ông tốt quá… Nhưng tôi không muốn để Amélie… Có trời mà biết được bà ấy sẽ nghĩ gì khi thấy tôi đi với ông.
- Hay là ta làm ngược lại. Bà sẽ đi tắc-xi, và qua đón tôi. Tôi đứng đợi sẵn ở cổng.
- Có lẽ như vậy tốt hơn. Nhưng còn họ… ông nghĩ là hai người sẽ chấp thuận?
- Sao lại không? Chúng ta cùng đi để trang trải cùng một nghĩa vụ của tình thương và tình yêu…
- Ông để tôi suy nghĩ đã. Dù thế nào tôi cũng không để ông phải trả cả tiền xe đâu.
- Chuyện đó chẳng có gì là khó khăn cả. Nếu bà muốn chúng ta sẽ cùng trả.
- Tôi sẽ suy nghĩ thêm nhé. Nhà tôi đây rồi.
Chị tháo găng và đưa tay cho anh bắt. Bàn tay đeo nhẫn với những ngón dài trắng muốt.
Thứ Năm sau, vẫn mỗi người đi một đường nhưng dù không hẹn, khi họ về lại cùng nhau ra bến và cùng lên một tắc-xi. Trên đường đi, chị bảo anh:
- Tôi đã nghĩ đến lời mời đầy thiện cảm của ông. Tôi thấy có thể chấp thuận được. Thật vô lý khi hàng tuần mình phải trả tiền hai xe. Vả lại có ông ở bên tôi yên tâm hơn. Thứ Năm tới tôi sẽ qua đón ông.
Và điều đó đã trở thành lệ. Thứ Năm nào cũng vậy, chị ôm hoa đi đến phố La Pompe đón anh, anh đã đứng đợi ở hiên, cũng một bó hoa trên tay.
Xe đỗ lại, và anh lên xe. Hai người quyết định không đi thẳng đến nghĩa địa để mấy người gác không nhìn thấy họ sóng đôi. Xe đỗ trước chỗ rẽ, họ xuống xe và người trước người sau cách nhau một quãng dài, đi vào nghĩa địa, sau khi đã mỉm cười thay lời hò hẹn: “Lát nữa lại gặp nhau”.
Khi đã cùng chung một quãng đường dài, họ tâm sự với nhau đủ điều. Hoa là một trong những chủ đề đầu tiên, cả hai đều thích hoa mùa hè và những bó hoa đồng nội có cắm xen cả những bông lúa mạch. Từ nay họ chăm chút chọn hoa, vì những người xấu số nằm dưới mộ tất nhiên, nhưng cũng vì cả người ngồi bên cạnh.
Do công việc, Etienne phải đọc rất nhiều. Anh cho chị mượn sách và hướng dẫn chị đọc. Khi chị trả sách, anh ngạc nhiên thấy những lập luận của chị rất chuẩn mực. Có lẽ chị có nhận thức sâu sắc hơn cả Lucile. Ngay lúc nảy sinh ra ý nghĩ đó, anh lại lập tức tự trách mình.
Như ngầm thỏa thuận với nhau, họ ở lại Paris trong dịp hè, họa hoằn mới rời Paris để đi thăm bà con một vài ngày. Ngày giỗ đầu của Lucile được tổ chức vào tháng Bảy. Anh cảm động thấy Gabrielle Constant, nay anh đã được biết tên chị, ngồi ở ngay hàng ghế đầu tiên trong nhà thờ.
- Tôi không thích kiểu giỗ chạp thế này, - chị nói với anh, - nhưng đây là một truyền thống gia đình.
Tháng Tám nóng bức, chị tự cho phép mình mặc đồ tang hai màu trắng và đen.
- Anh Antoine không thích tôi mặc đồ đen. - Chị nói như thể thanh minh.
Một buổi tối, anh mời chị đi ăn ngoài trời ở vùng ngoại ô Paris. Ngồi quanh một chiếc bàn con bị che khuất, họ tâm sự với nhau, lãng quên đi tất cả.
- Anh Antoine rất thích ăn trong rừng Boulogne. Quả thật là rất thú vị. Rừng và Paris xen vào nhau. Thường là đi làm về, anh ấy bất ngờ nói với tôi: “Em cùng vào rừng với anh đi”. Anh ấy quả là một người chồng tuyệt diệu.
- Đối với một phụ nữ như bà thì ông chồng như thế chẳng phải là điều quá khó.
- Tại sao?
- Vì bà có tất cả, sắc đẹp, tâm hồn và một tính cách cao quý.
- Ông đừng quá khen. Ông còn chưa hiểu hết tôi đâu. Nhiều khi tôi cũng làm cho anh Antoine phải khổ sở.
- Thật vậy ư? Tôi không tin.
Chị cười và nói tiếp, nhưng gương mặt lại thoáng vẻ u buồn.
- Có đấy. Tội nghiệp cho Antoine… Anh ấy có tật hay ghen. Cũng có một đôi khi do tin vào lòng chung thủy của mình, tôi đã chơi với lửa… Anh ấy cáu, tôi cãi lại. Bây giờ tôi ân hận là đã làm anh ấy bực… Nhưng thường là tại anh ấy.
Đột nhiên, lòng đầy ân hận, chị nhìn anh, vừa sợ hãi, vừa tha thiết, van lơn:
- Trời đất, tôi vừa nói gì với ông vậy? Ông hãy quên đi! Đêm nay trời đẹp quá, làm người ta dễ thổ lộ tâm tình, nói cả những điều không nên nói ra… Một buổi tối như thế này… - chị nói với một giọng đầy thất vọng. - tôi cần có anh ấy bên tôi biết bao…
Chị quay đi, lấy khăn thấm hai hàng nước mắt giàn giụa.
- Tôi còn trẻ quá, trẻ quá nhưng đời tôi thế là hết rồi. Không một phụ nữ nào lại khốn khổ như tôi.
Anh đặt bàn tay lên vai chị.
- Không, - anh nói, - không phải tất cả đã hết đối với bà… Cuộc đời không hẳn như vậy. Mùa này hết thì mùa kia lại tiếp đến, với những sắc hoa riêng của nó… Buông thả vào những ám ảnh của quá khứ là không khôn ngoan và cũng chẳng tốt lành. Làm như vậy là làm mất đi tính nhân ái của nó. Đúng vậy, những kỷ niệm đẹp đẽ giúp mình sống chứ không cản trở cuộc sống của mình. Kỷ niệm cho ta thêm sức mạnh, chứ không phải làm ta mềm yếu. Bởi vì bà và tôi đều đã trải qua cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, chúng ta biết là có thể có những cuộc hôn nhân hòa hợp… Bà không tin như vậy sao?
Chị để yên tay mình trong tay anh, dõi nhìn anh qua làn nước mắt, rồi chị lắc đầu.
- Không, tôi không tin… Điều buồn nhất không phải là nỗi buồn, mà chính là ta không còn cảm thấy được nó nữa… Tôi đã thề sẽ thủy chung…
- Tôi cũng vậy! - Anh trả lời hơi lên cao giọng. - Còn đau khổ là vẫn còn có tình yêu.
Người phục vụ mang đến bảng các món ăn tráng miệng. Chị chọn dâu ngâm đường và lái câu chuyện về những vấn đề bớt riêng tư hơn.
Hôm sau như thường lệ, khi ra nghĩa trang chị lại qua đón anh. Nhưng suốt dọc đường cả hai đều cảm thấy có chút gì ngượng ngập, e lệ. Ông lái xe không ngớt càu nhàu về khách qua đường, về cảnh sát, về thời tiết. Buổi mặc niệm cô đơn của họ dài hơn mọi lần. Khi ra cổng, họ phải đi qua biết bao nấm mộ hoang tàn. Đây đó vương vãi vài mảnh bia mà họ còn đọc được những dòng chữ: “Tưởng nhớ…”, “Đời đời nhớ…”. Chị dừng lại.
- Đây là những nấm mộ không còn ai chăm chút, - anh nói - Khi một nấm mộ không còn gì chăm chút, sau vài năm nó sẽ đổ nát, họ phá đi để lấy chỗ.
- Etienne, - chị nói, lần đầu tiên chị gọi thẳng tên anh. - tôi thấy cảnh này buồn lắm. Những kẻ xấu số này chẳng còn ai, chẳng còn ai nhớ đến họ nữa, và một lần nữa họ lại chết.
Anh khoác tay chị, chị nép vào người anh.
Trên xe tắc-xi trở về nhà, họ nói với nhau về quyển sách anh hứa cho chị mượn, và anh ngỏ ý mời chị rẽ qua nhà anh để lấy. Đây là lần đầu tiên kể từ khi quen nhau, chị lên nhà anh. Trên tường, trên bàn làm việc, khắp mọi nơi, chỗ nào cũng thấy ảnh của Lucile.
- Em có thấy cái nhà âm u này bừng sáng lên khi em bước vào không? - Anh hỏi.
Chị đoán là anh sẽ cầu hôn, nhưng chị không muốn điều đó lại xảy ra trong ngôi nhà dành riêng cho kỷ niệm về một người khác.
- Tối nay anh sẽ làm gì? - Chị hỏi.
- Chưa định làm gì. Hay ta cùng đi ăn tối nhé?
Chị gật đầu, đưa tay cho anh hôn rồi vội vã ra khỏi nhà. Một mình, chị lang thang ngoài phố mãi mới về nhà.
Bàng hoàng nhưng sung sướng, chị thấy ngạc nhiên vì thấy mình lại thiết tha với cuộc sống.
- Anh Antoine chắc chắn không muốn mình từ bỏ tình yêu ở vào độ tuổi này, - chị nghĩ. - Chắc anh sẽ mong cho mình đi bước nữa… Nếu mình chết trước, mình cũng muốn anh như thế.
Tất cả những điều đó là hoàn toàn đúng. Nhưng vì trước đây chị cứ nhất định ở vậy, nên bây giờ thật là khó mà báo với gia đình, bè bạn một quyết định hoàn toàn trái ngược lại; thời gian chưa phải quá lâu. Rồi Amélie sẽ nói gì? Chắc bà ấy sẽ trách mình. Nhưng mình sống cho mình hay cho người khác? Mình sẽ tổ chức đám cưới thật đơn giản, không ầm ĩ, chỉ làm những thủ tục không thể thiếu được.
Chị tưởng tượng ra cái áo mình sẽ mặc hôm đó, một cái áo màu xanh cổ trắng cao và một chiếc thắt lưng màu trắng thật hài hòa.

                                                                  Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét