Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

Tokyo

Tokyo
(Nguyên tác: Shitamachi (1949) “Xóm Nghèo”)

Tác giả: Hayashi Fumiko
Người dịch: Nguyễn Tuấn Khanh

I

Một chiều Đông mưa dầm gió bấc, Riyo hối hả bước trên phố, vai khoác chiếc túi, cô đi né sát hè đường, nơi ánh mặt trời nhợt nhạt còn hửng trên nóc mấy tòa nhà lớn. Thỉnh thoảng cô bối rối nhìn quanh - một tòa nhà, chiếc xe hơi bên vệ đường, hoặc một trong vô vàn hố bom rải rác khắp khu trung tâm buôn bán của thành phố Tokyo.
Khi nhìn qua một hàng giậu, Riyo thấy một đống sắt vụn hoen rỉ, cạnh đấy có một túp lều gỗ cửa kính. Trong lều, một ngọn lửa bập bùng cháy và cô nghe rõ âm thanh ấm áp của mấy thanh củi nổ lép bép. Một người đàn ông mặc quần yếm, khăn đỏ thắt ngang trán đứng trên thềm. Con người cao lớn này có một vẻ gì thực dễ mến. Riyo lấy can đảm cất tiếng rao:
- Ai mua trà không? Thưa ông, ông mua trà không ạ?
- Trà à? - người đàn ông hỏi.
- Vâng. - Riyo mỉm cười đáp. - Trà Shizuoka chính hiệu.
Cô bước qua chỗ cửa ngỏ ở hàng giậu, gỡ hai quai chiếc túi đeo ở vai rồi đặt xuống chân vách. Cô thấy bên trong lều có một lò than hồng, một luồng hơi nước từ vòi chiếc âm bằng đồng thau đang phun.
Riyo hỏi:
- Xin lỗi, tôi vào sưởi một lát bên bếp liệu có làm phiền ông không? Trời lạnh quá, mà tôi đã phải đi bộ không biết bao dặm đường rồi.
- Được chứ. Chị khép cửa lại rồi vào mà sưởi.
Anh kia chỉ cho cô chiếc ghế đẩu, đồ vật duy nhất trong lều, còn mình thì ngồi xuống chiếc hòm đặt ở góc lều. Riyo lưỡng lự, đoạn cô mang túi vào trong, ngồi xổm bên lò than, hơ hai bàn tay lạnh ngắt trước ngọn lửa hồng.
- Chị ngồi trên cái ghế đẩu này tiện hơn. - Người đàn ông bảo. Anh nhìn khuôn mặt đầy sức quyến rũ của cô ửng hồng vì hơi nóng, cùng bộ y phục tồi tàn.
- Chị vẫn mang trà đi bán từng nhà à?
- Vâng, đấy là kế sinh nhai của tôi. Tôi nghe nói khu phố này đắt khách, thế nhưng từ sáng sớm đến giờ tôi cứ quanh quẩn ở đây mãi mà mới chỉ bán được có một gói. Tôi định về nhà, nhưng rồi lại nghĩ phải ghé vào đâu ăn trưa đã.
- Chị cứ tự nhiên ở đây dùng cơm, đừng ngại. Mà này, chị đừng quá phiền lòng vì hàng ế ẩm. - Anh mỉm cười nói thêm. - Chị còn lạ gì, tất cả đều có vận hạn hết. Không biết chừng ngày mai chị gặp may cũng nên.
Tiếng nước sôi ùng ục trong ấm. Khi anh bận nhắc chiếc ấm treo trên thanh sắt xuống, Riyo đưa mắt liếc nhanh túp lều. Cô nhận ra lớp ván lát trên mái lều ám đen vì khói. Bên cửa sổ treo tấm bảng đen. Trên cái giá gỗ dùng làm bàn thờ tổ tiên bầy một chậu cây sakaki. [Một loại cây dùng vào việc thờ cúng, trồng ở những chùa, miếu, có nhiều ở vùng Shinio, Nhật Bản].
Anh cầm cái gói nhỏ trên mặt bàn, lấy ra khúc cá tuyết. Mấy phút sau khắp lều sực nức mùi cá nướng.
- Lại đây chị. Mời chị ngồi ăn tí chút.
Riyo lấy trong túi ra chiếc cặp lồng đựng cơm, rồi ngồi xuống ghế đẩu.
- Bán thứ hàng này chắc chẳng kiếm được mấy, phải không chị? - Người đàn ông hỏi, tay lật con cá tuyết trên chiếc vỉ nướng. - Mỗi lạng chè chị được bao nhiêu lãi?
- Nếu bán được ba mươi lăm yen mỗi lạng thì mới kiếm được chút lãi. Nhưng những người giao hàng cho tôi thường hay trộn trà xấu vào, nên phải may mắn lắm mới bán được ba mươi yen.
Trong cặp lồng cơm của Riyo có hai con cá khô nhỏ, dăm lát dưa góp. Cô bắt đầu ăn.
- Nhà chị ở đâu?
- Trong khu Sitaya. Quả thực, tôi không biết gì về Tokyo cả. Tôi lên đây mới được dăm tuần. Một người bạn gái cho tôi ở nhờ cho tới khi nào kiếm được chỗ trọ.
Con cá tuyết đã chín vàng. Anh bẻ một nửa đưa cho Riyo, rồi sẻ thêm khoai, cơm vào chiếv đĩa gỗ mời cô. Riyo mỉm cười, khẽ cúi đầu cảm ơn, đoạn lấy trong túi ra gói trà, cô trút mấy cánh trà lên một tờ giấy.
- Anh bỏ giùm chỗ trà này vào ấm. - cô cầm chỗ trà đó đưa anh.
Anh lắc đầu mỉm cười, để lộ hàm răng trắng bóng.
- Ồ, bày vẽ làm gì! Phí phạm quá.
Riyo nhắc nắp ấm, đổ trà vào trước khi anh kịp ngăn cô lại. Người đàn ông bật cười. Anh đi kiếm một chiếc tách và một chiếc chén sắp trên giá.
- Chồng con chị thế nào? - Anh hỏi, tay bầy tách, chén lên mặt hòm. - Chị có gia đình rồi phải không?
- Vâng, tôi đã có gia đình. Chồng tôi đã mất trong cuộc chiến tranh vừa rồi. Bởi thế tôi đành kiếm sống như thế này.
Riyo trạnh lòng nhớ tới người chồng mà cô bặt tin từ sáu năm nay. Giờ đây hình bóng anh đối với cô dường như xa xăm đến nỗi cô phải gắng lắm mới nhớ lại được cái nhìn của anh, hoặc âm điệu của giọng anh mà có thời với cô xiết bao thân thuộc. Đã bao buổi sáng cô thức giấc với một cảm giác trống trải, u buồn. Thiên hạ chẳng mấy người nói tới cuộc chiến tranh ấy nữa, nhưng cô hầu như vô cùng lúng túng mỗi khi nghĩ rằng ngộ nhỡ chồng mình đang bị cầm tù ở đâu đó thì sao.
Lúc xếp dọn cặp lồng, Riyo mới được ngắm kỹ người đàn ông nọ. Anh ta có một vẻ gì rất giản dị, nó khiến cô thèm được chuyện trò cởi mở mà đối với những kẻ có học, cô lại hết sức ngại ngùng.
- Chị có con chưa”
- Dạ, tôi được một cháu trai lên sáu. Lẽ ra cháu đi học rồi, nhưng ở đất Tokyo này xin được chỗ học cho cháu thực khó quá. Các công chức chính phủ phải hiểu rằng đời dân lành gặp biết bao chuyện rắc rối chứ.
Người đàn ông lấy khăn lau tách, chén rồi rót trà.
- Thứ trà này được nước đấy chứ, - anh nói, miệng xuýt xoa nhấp từng hớp nhỏ.
- Anh thích loại trà này à? Đây chưa phải thứ hảo hạng. Mua buôn chỉ một trăm yen một pao thôi. Nhưng anh nói phải, trà khá ngon.
Gió thổi mỗi lúc một mạnh trong khi hai người trò chuyện; gió hú ào ào trên nóc túp lều lợp tôn. Riyo nhìn qua cửa sổ, gắng lấy lại nghị lực khi nghĩ tới dặm đường xa trở về nơi ở.
- Chị để cho tôi xin một pao rưỡi trà. - Anh bảo cô, rút từ túi quần yếm ra hai tờ một trăm yen nhầu nát.
- Đừng làm thế. Anh cầm lấy, bận tâm làm gì.
- Ồ không, tôi không thích vậy đâu. Mua bán là mua bán! - Anh giúi món tiền vào tay cô. - Có thế chứ. Nếu chị có dịp qua đây, mời chị ghé vào, ta chuyện phiếm chơi nhé.
- Được thế còn gì bằng, - Riyo đáp, mắt nhìn quanh gian lều chật hẹp. - Nhưng anh có ở đây luôn đâu?
- Tôi ở đây mà. Tôi coi chỗ này và giúp việc khuân vác. Cả ngày tôi có mặt ở đây.
Anh khẽ đẩy cánh cửa trượt dưới giá gỗ, một chiếc giường gọn gàng hiện ra. Riyo để ý thấy một tấm bưu thiếp mầu in hình cô đào hát Yamada Isuzu ghim sau cánh cửa. [Nữ tài tử điện ảnh và sân khấu (1917-2012), diễn viên chính trong nhiều phim của đạo diễn Mizoguchi Kenji. Cũng đã đóng phim Shitamachi với Mifune Toshirô năm 1957. Thời điểm của câu chuyện, có lẽ cô mới ngoài 30 tuổi]
- Chà, anh sắp đặt chỗ ở ngăn nắp quá. - cô mỉm cười. - Anh định ở mãi đây sao?
Cô thầm hỏi không rõ anh bao nhiêu tuổi.

II

Kể từ hôm đó, ngày ngày Riyo vẫn tới Yotsugi bán trà, và lần nào cô cũng ghé thăm túp lều tồi tàn bên hố bom. Cô được biết người đàn ông tên là Tsuruishi Yoshio. Hầu như đã thành thói quen, anh luôn dành chút thức ăn ngon để gắp vào cặp lồng cho cô. Khi thì quả mận dầm, khi thì miếng thịt bò hoặc con cá trích hương. Việc buôn bán của cô bắt đầu khấm khá và có thêm được mấy nhà láng giềng đặt mua hàng thường xuyên.
Một tuần lễ sau buổi đầu hai người làm quen nhau, cô cho Riukichi, con trai cô cùng tới. Tsuruishi chuyện trò với thằng bé một lúc rồi dắt nó đi dạo. Khi hai bác cháu trở về đã thấy thằng Riukichi cầm trên tay chiếc bánh ngọt to tướng.
- Cháu nó ăn ngon miệng quá, - Tsuruishi bảo, tay vuốt nhẹ cái đầu húi ngắn của thằng bé.
Riyo mơ hồ tự hỏi không hiểu người bạn mới của cô đã có gia đình chưa? Sự thực cô cũng nhận thấy lòng mình muốn được biết mọi khía cạnh trong cuộc đời anh. Giờ đây cô đã hai mươi tám tuổi, và cô giật mình khi thấy rằng đây là lần đầu tiên ngoài chồng mình ra, cô đã thực lòng để ý tới một người đàn ông lạ. Không hiểu sao, tính nết xởi lởi, vô tư của Tsuruishi cứ khiến cô phải chú ý, mặc dù cô đã hết sức ý tứ để anh không nhận thấy điều đó.
Mấy ngày sau Tsuruishi gợi ý đưa mẹ con Riyo tới thăm Asakusa vào một ngày rỗi rãi.
[Asakusa nằm trong khu buôn bán sầm uất nhất Tokyo sau năm 1945. Ở đây có đền thờ Phật rất lâu đời]
Họ hẹn gặp nhau trước phòng điện thoại công cộng trong ga Ueno. Tsuruishi mặc bộ Âu phục cũ mầu xám, xem ra quá chật đối với anh, còn Riyo mặc áo xanh thô, ngoài khoác chiếc áo măng tô màu nâu nhạt. Mặc dù y phục của cô thuộc loại rẻ tiền, nhưng ở con người cô vẫn toát lên một cái gì thực trẻ trung, duyên dáng, khi cô đứng giữa sân ga đông nghịt. Bên cạnh anh chàng Tsuruishi cao lớn, vạm vỡ, nom cô chẳng khác nào  một cô học trò vào ngày nghỉ. Trong chiếc giỏ của cô có bữa cơm trưa cho ba người: bánh mỳ, táo và món tảo biển ghế lẫn cơm.
- Hay lắm, chỉ mong sao trời đừng mưa. - Tsuruishi nói, quàng nhẹ cánh tay qua eo lưng Riyo khi anh đưa cô qua đám đông.
Họ lên tàu tới ga Asakusa, rồi xuống dạo bộ từ cửa hàng bách hóa Matsuya tới cổng Niten [Nhị Thiên]. Họ lướt qua dễ hàng trăm quầy hàng tạp hóa nho nhỏ, Khu Asakusa thực hoàn toàn khác xa với những điều Riyo hằng tưởng tượng. Cô sửng sốt khi Tsuruishi chỉ một ngôi đền xinh xắn, sơn đỏ chói và bảo với cô rằng đây là đền thờ Phật bà Quan Âm. Từ xa cô đã nghe tiếng than vãn rền rĩ của kèn hơi và kèn xắc xô phát qua loa phóng thanh, âm điệu ấy hòa với tiếng gió thổi qua lá cành của dăm cây cổ thụ thành những âm thanh kỳ quái.
Ba người qua chợ bán quần áo cũ rồi tới dẫy quầy thực phẩm, quầy nọ kế quầy kia chật như nêm, ngay sau hồ Asakusa. Chỗ này không khí nồng nặc mùi dầu rán. Tsuruishi bước tới một quầy hàng mua cho thằng bé Riukichi một miếng đường phèn. Nó gặm miếng đường khi ba người bước vào một phố hẹp dán đầy quảng cáo các hiệu cao lâu, tửu quán, phim ảnh, kịch thời sự của Mỹ. Mới chưa đầy hai tuần lễ kể từ buổi đầu Riyo gặp Tsuruishi ở túp lều của anh, vậy mà bên anh cô cảm thấy thoải mái như thể cô đã quen biết anh từ lâu lắm.
- Chà, trời lại mưa rồi, - anh vừa nói vừa chìa tay ra. Riyo ngước nhìn những giọt nước mưa đang lất phất rơi trên bầu trời xám đục. Cô thầm nhủ: cuộc dạo chơi kỳ diệu của họ thế là hỏng hết.
- Tốt hơn hết là ta hãy vào đây đã. - Tsuruishi bảo, tay chỉ một quán hàng ngoài cửa treo chiếc đèn lồng sặc sỡ, mấy chữ “Song Hỷ trà thất” nổi bật. Họ tới ngồi bên một cái bàn, trần nhà vẽ hình mấy bông hoa đào nom hết sức giả tạo.
Không khí trong quán không được thoải mái, cũng chẳng lấy gì làm hấp dẫn, nhưng họ vẫn thấy hài lòng và gọi một ấm trà. Riyo chia bánh mì, táo, tảo biển cho mọi người. Chẳng mấy chốc bữa ăn đã hết sạch, đến lúc này trời mới bắt đầu mưa to.
- Chúng ta đợi trời ngớt mưa đã, - Tsuruishi gợi ý - Rồi tôi sẽ đưa hai mẹ con về nhà.
Riyo không hiểu anh định nói đến nhà cô hay nhà anh. Cô hiện ở nhờ trong ngôi nhà nhỏ của một cô bạn, thậm chí không có lấy một phòng riêng, thà ở quách đây còn hơn về nơi ấy. Cô thích được quay lại túp lều của Tsuruishi, nhưng có lẽ không đủ chỗ cho ba người. Cô rút ví đếm tiền dưới mặt bàn. Bảy trăm yen chắc đủ thuê một chỗ trú qua đêm trong một quán trọ xoàng.
- Anh biết tôi thích gì không? Tôi muốn chúng ta đi xem phim, rồi vào một tửu quán nào đó ăn qua chút ít trước khi chia tay. Tôi chỉ sợ những cái đó tốn kém quá chăng?
- Ồ, chắc là tốn rồi. - Tsuruishi bật cười, đáp - Đi nào! Chúng ta sẽ hưởng tất cả những cái đó.
Nhấc chiếc áo khoác ở mắc, anh che cho bé Riuchiki, rồi họ chạy qua màn mưa dày tới một rạp chiếu bóng. Rạp không còn chỗ ngồi. Họ đành đứng xem, thằng nhỏ đã ngủ, đầu tựa trên ngực Tsuruishi. Không khí dường như mỗi lúc một ấm và ngột ngạt hơn, họ nghe rõ tiếng những giọt mưa đổ rào rào xuống mái rạp.
Ra khỏi rạp trời đã tối đen, họ hối hả chạy dưới làn mưa đang trút như thác đổ xuống những tầu lá chuối lay lắt trong gió. Cuối cùng, họ tìm được một quán trọ quèn, lão chủ dẫn họ tới một căn phòng trải thảm tận cuối hành lang gió lùa hun hút. Riyo cởi đôi tất ngắn ướt sũng của cô. Thằng bé được đặt ở một nơi kín gió, nó vẫn thản nhiên ngủ.
- Đây, lấy tạm cái này làm gối cho cậu cả!
Tsuruishi vừa nói vừa nhấc tấm nệm cũ vắt trên thành ghế rồi đặt xuống dưới đầu thằng Riukichi. Từ chiếc máng nước trên cửa sổ, nước đổ rào rào thành một dòng thẳng đứng xuống mảnh sân con. Âm thanh của nó tựa tiếng thác chảy ở một làng miền núi xa xăm nào.
Tsuruishi lấy khăn tay lau mái tóc ướt cho Riyo. Ngước nhìn anh, cô bỗng thấy lòng ngập tràn vui sướng. Dường như trận mưa kia đang cuốn đi hết thảy nỗi cô đơn sầu muộn chồng chất trong tâm hồn cô suốt bao năm qua.
Riyo ra ngoài xem thử có gì để ăn không, cô gặp một người hầu gái bận âu phục ở hành lang, tay bưng khay trà. Riyo bảo cô ta mang lên hai bát mì, đoạn cô cùng Tsuruishi ngồi uống trà, khoảng giữa hai người là một lò than hồng. Ít phút sau, Tsuruishi tới ngồi xuống sàn bên Riyo. Họ tựa lưng vào tường, ngắm nhìn bầu trời mưa tối mịt mùng.
- Chị bao nhiêu tuổi, Riyo? Tôi ước chị khoảng hai mươi nhăm là cùng.
Riyo bật cười.
- Không phải, anh Tsuruishi ạ, tôi là bà già rồi! Tôi những hai mươi tám tuổi cơ!
- Vậy thì chị hơn tôi một tuổi.
- Trời, anh còn trẻ thế ư! Tôi cứ ngỡ anh ít nhất cũng tới ba mươi.
Cô chăm chú nhìn anh, nhìn thẳng vào đôi mắt đen hiền từ ẩn dưới hàng mi dày. Anh hơi đỏ mặt, bẽn lẽn. Anh cúi xuống, cởi đôi tất ướt của mình.
Mưa vẫn trút xuống không ngớt. Người hầu gái mang vào mấy bát mì. Riyo đánh thức con trai dậy, xúc cho nó mấy thìa mì, nó ăn hết độ nửa bát lại ngủ tiếp.
- Riyo này, chúng ta phải trọ lại đây đêm nay mất. Mưa to gió lớn thế này chị về nhà thế nào được, phải không?
- Vâng, chắc không về được rồi.
Tsuruishi ra khỏi phòng, lúc về mang theo mấy tấm nệm xếp chần bông, anh trải kín sàn nhà. Riyo cuốn con trai trong một tấm nệm, thằng bé vẫn ngủ say. Đoạn cô tắt đèn, cởi áo ngoài rồi nằm xuống. Cô nghe Tsuruishi đang sửa soạn chỗ nằm phía góc phòng.
- Tôi đoán thể nào mọi người trong quán cũng tưởng chúng ta là vợ chồng, - Tsuruishi nói sau một lát im lặng.
- Vâng, tôi cũng đoán thế. Chúng ta đánh lừa họ như vậy thực chẳng hay ho gì!
Cô nói đùa, nhưng bây giờ nằm trong chăn ấm, lần đầu tiên trong đời cô cảm thấy mình có tội và tâm hồn mình đang xáo động vô cùng. Bởi một lẽ gì chẳng rõ, nhưng bao năm qua chưa bao giờ cô thấy hình bóng chồng gần gũi như giây phút này. Đương nhiên cô phải nán lại đây chỉ vì trời mưa, cô thầm tự vấn lương tâm mình. Và dần dần, trí tưởng tượng của cô bắt đầu phiêu lãng một cách thú vị, cô thiếp đi.
Khi cô tỉnh giấc, trời vẫn tối đen. Cô nghe tiếng Tsuruishi đang thì thầm gọi tên mình. Cô giật mình ngồi dậy.
- Riyo, Riyo, tôi có thể sang trò chuyện với Riyo một lúc được không?
- Đừng, Tsuruishi ạ. Tôi không nghĩ anh lại thế.
Trên mái nhà mưa vẫn rơi rả rích, nhưng gió đã giảm nhiều, một dòng nước nhỏ chảy từ ống máng xuống mảnh sân con. Qua tiếng mưa rơi, cô nghe tiếng Tsuruishi khẽ thở dài.
- Anh Tsuruishi à - cô nói sau ít giây lưỡng lự. - tôi chưa bao giờ hỏi anh điều này, anh có vợ rồi phải không?
- Chưa. Hay đúng ra mà nói, bây giờ thì chưa.
- Vậy thì trước kia có phải không?
- Khi được giải ngũ, tôi mới biết vợ tôi đã ăn ở với người khác.
- Và anh đã nổi giận?
- Nổi giận? Vâng, cứ cho là thế đi. Nhưng quả thật tôi cũng không khổ tâm vì chuyện đó lắm đâu. Cô ấy bỏ tôi, và thế là hết.
Họ im lặng.
- Chúng ta nói chuyện gì đi chứ. - Riyo bảo.
Tsuruishi bật cười.
- Ừ phải, chẳng lẽ không có chuyện gì đáng nói nữa hay sao? Cái món mì vừa nãy dở quá nhỉ?
- Đúng, dở quá. Mỗi bát dễ họ tính chúng ta một trăm yen đấy.
- Nếu chị và cháu Riukichi có được căn buồng riêng để ở thì hay quá nhỉ?
- Ờ, được thế thì còn gì bằng. Mẹ con tôi có thể tìm được một căn buồng gần nơi anh ở không? Thực quả tôi rất thích được ở gần nhà anh, anh Tsuruishi ạ, chắc anh cũng hiểu...
- Thời buổi bây giờ kiếm được một chỗ ở thực khó khăn, nhất là ở thành phố. Nhưng tôi cố để tâm và sẽ báo cho chị hay sau... Chị là người đàn bà kỳ diệu lắm, Riyo à!
- Tôi ấy ư? - Riyo bật cười - Đừng có nói bậy nào.
- Thực, thực thế mà, chị kỳ diệu lắm, rất kỳ diệu!
Riyo nằm xuống sàn. Thốt nhiên cô chỉ muốn được quàng hai tay mình quanh người Tsuruishi, để biết cái cảm giác khi cơ thể anh áp sát cơ thể mình. Cô không dám nói, vì sợ để lộ ý muốn ấy ra. Hơi thở cô dồn dập - khắp người rộn ràng khôn tả. Bên ngoài, một chiếc xe tải chạy chuyến sớm vụt qua, hàng hóa va vào nhau kêu lốc cốc.
- Các cụ nhà ta sống ở đâu, anh Tsuruishi? - cô hỏi sau mấy phút im lặng.
- Ở quê, gần Fukuoka.
- Anh còn một bà chị ở Tokyo phải không?
- Vâng, chị tôi cũng ở vậy, giống chị, trông nom hai thằng con trai. Chị ấy có một cái máy khâu, làm nghề may chữa quần áo. Chồng chị ấy chết cách đây bẩy năm trong cuộc chiến tranh ở Trung Hoa.
Nhìn qua cửa sổ, Riyo thấy mấy tia bình minh đầu tiên vừa hé dạng. Thế là một đêm hai người được sống bên nhau sắp tàn rồi, cô buồn bã nghĩ. Cô ước sao Tsuruishi đừng để thời gian buông trôi như vậy, tuy nhiên cô cũng tự nhủ nên thế thì tốt hơn. Chỉ vừa rồi cô mới biết anh đã có vợ. Cô có thể hiến trọn thân mình cho anh không chút lưỡng lự. Bởi lẽ, đối với Tsuruishi thì đây là một việc hoàn toàn khác.
- Riyo à, tôi không sao ngủ được. - tiếng anh vọng sang phía cô - Tôi thức trắng đêm. Chưa bao giờ tôi ở vào cảnh ngộ thế này.
- Cảnh ngộ gì?
- Sao! Ngủ chung phòng với một người đàn bà mà!
- Ồ, anh Tsuruishi, anh chẳng nói với tôi rằng thỉnh thoảng anh cũng có một vài người bạn gái đấy à?
- Họ chỉ là mấy cô làm nghề ấy thôi.
Riyo cười:
- Đàn ông các anh thì hay thoải mái lắm! Trong một chừng mực nào đó...
Cô nghe thấy Tsuruishi ngồi dậy. Đột nhiên anh đã tới bên cô, ngả xuống người cô. Riyo không né tránh, thậm chí khi cô cảm thấy đôi tay anh ôm lấy cơ thể mình, khuôn mặt anh kề sát mặt mình. Trong bóng tối, đôi mắt cô vẫn mở to, và trước mắt có hai đốm sáng chói đang tỏa chiếu. Đôi môi nóng hổi của anh áp chặt vào má cô.
- Riyo... Riyo em...
- Thế không tốt đâu, anh hiểu đấy! - cô thì thầm - Như vậy là có tội với chồng em...
Nhưng hầu như lập tức cô hối tiếc vì đã nói ra những lời đó. Khi Tsuruishi cúi sát xuống người cô, cô thấy rõ hình bóng khuôn mặt anh in trên khoảng trời đang hé dạng. Lúc cúi xuống, dường như ở anh vẫn có một cái gì như lòng tôn kính đối với cô. Riyo lưỡng lự giây lát. Rồi cô ghì chặt hai tay ấm áp quanh cổ anh.

III

Hai ngày sau, Riyo lòng tràn ngập hạnh phúc cùng con trai đến thăm Tsuruishi. Tới gần chỗ hố bom, cô ngạc nhiên vì không thấy anh trước lều với chiếc khăn tay màu đỏ quen thuộc mà anh vẫn quấn quanh trán. Thằng bé Riukichi chạy ngay tới thử xem anh có nhà không, nhưng nó quay lại ngay.
- Mẹ ơi, mẹ, ở đây toàn người lạ!
Riyo hoảng hốt chạy bổ tới túp lều, hé mắt nhìn vào. Hai người đàn ông đang tất bật dọn đống của nả của Tsuruishi vào một xó lều.
- Thưa bà, bà cần gì? - một người quay đầu lại hỏi.
- Tôi tới tìm anh Tsuruishi.
- Ủa, thế ra bà vẫn chưa biết? Ông Tsuruishi chết hôm qua rồi.
- Chết rồi? - cô thảng thốt. Cô muốn hỏi mấy điều nữa nhưng không thốt nổi lấy một lời.
Cô thấy một cây nến nhỏ đang leo lét cháy trên bàn thờ, và đến giờ phút này cô mới ý thức hết ý nghĩa đau buồn của nó.
- Vâng. - người thợ nói tiếp. - Ông ấy bị tai nạn vào lúc tám giờ tối qua. Ông ấy ngồi trên xe tải với một người bạn nghề đi chở dăm bó sắt ở Omiya về. Trên đường về, khi qua một chiếc cầu hẹp, chiếc xe tải bị lật úp xuống mặt đường. Ông ấy và tay lái xe đều bị chết. Hôm nay bà chị ông ấy đã cùng mấy viên chức của công ty tới Omiya để lo việc tang lễ.
Riyo thấy trước mắt mình là một khoảng trống vô định. Cô ngây dại nhìn hai người đàn ông nọ đang thu dọn đồ đạc của Tsuruishi. Cô bỗng thấy bên cạnh cây nến là hai gói trà anh đã mua của cô ngày đầu hai người quen nhau - có lẽ nào mới chỉ hai tuần trôi qua thôi? Hai gói trà, một gói dùng dở, gói kia vẫn còn nguyên.
- Thưa bà, có lẽ bà là bạn của ông ấy? Ông ấy quả là người tốt bụng! Thực xót xa khi nghĩ rằng giá ông ấy không đi Omiya thì đâu đến nông nỗi này. Thấy gã lái xe khó ở, nên Tsuruishi bảo rằng sẽ đi cùng gã đến Omiya để giúp gã dỡ hàng. Thế có khốn nạn không cơ chứ, sau bao nhiêu trận mạc, thoát mọi mũi tên hòn đạn, nay bị chết uổng như thế đấy!
Một người đàn ông cúi nhặt tấm ảnh cô đào Yamada Isuzu bị phủ một lớp bụi dầy. Riyo thẫn thờ nhìn đống gia tài của Tsuruishi nằm trên nền nhà: ấm đun nước, chảo, đôi ủng cao su. Khi mắt cô lướt qua tấm bảng đen, cô chợt để ý tới dòng chữ viết nguệch ngoạc vụng về bằng phấn đỏ mà anh viết dạo hai người mới quen nhau: “Chị Riyo, tôi đã đợi chị tới hai giờ chiều. Tối nay chị lại nhé”.
Bất giác cô cúi mình chào hai người đàn ông nọ, quàng chiếc túi lên lưng. Cô thấy lòng tê tái khi dời khỏi túp lều, tay dắt thằng bé Riukichi. Nhưng khi hai mẹ con cô vừa qua chỗ hố bom, nước mắt cô bỗng ứa trào.
- Bác ấy chết rồi hả mẹ?
- Phải, bác ấy chết rồi con ạ.
- Tại sao bác ấy chết?
- Xe của bác ấy bị rơi xuống sông.
Bây giờ nước mắt đã ướt đẫm hai má cô. Cô không sao cầm nổi nước mắt khi cô hối hả qua đường phố. Cô đi tới một chiếc cầu bắc qua sông Sumida, qua khỏi cầu, cô thờ thẫn đi dọc theo phía bắc dòng sông về phía Shirashige.
“Em đừng nên lo lắng nếu em có mang”. Buổi sáng hôm ấy ở Asakusa, Tsuruishi đã nói với cô. “Dù bất kể thế nào, anh cũng sẽ là người chăm sóc mẹ con em. Riyo ạ”. Và mới đây thôi, trước buổi hai người chia tay, anh ấy còn bảo: “Anh cũng chẳng khấm khá gì, nhưng anh có thể đỡ đần em đôi chút. Trong số lương của anh, anh sẽ đưa em hai nghìn yen mỗi tháng”. Anh ấy còn dẫn thằng Ruikichi tới một cửa hiệu chuyên bán hàng nước ngoài mua cho nó chiếc mũ lưỡi trai quần vợt, trên mũ có in tên nó.
Rồi ba người vui vẻ cùng nhau đi dọc theo đường xe điện, vòng vèo tránh các vũng nước đọng sau cơn mưa. Lúc qua một cửa hàng sữa, Tsuruishi đưa hai mẹ con vào, gọi cho mỗi người một cốc sữa to tướng.
Từ dưới dòng sông đục ngầu, một cơn gió lạnh buốt thổi lên. Một đợt sóng tung bọt trên bờ bên kia, lạnh giá và buồn bã. Mấy chiếc xà lan chầm chậm ngược xuôi trên mặt sông.
- Mẹ ơi, con muốn có một quyển vở vẽ. Mẹ chẳng bảo con sẽ có một quyển vở vẽ đấy thôi?
- Lát nữa con ạ, lát nữa mẹ sẽ mua cho con một cuốn.
- Kìa mẹ, mẹ con mình vừa đi qua một hiệu bán đầy vở vẽ đấy. Con đói quá, mẹ ạ. Mẹ con mình sao không mua cái gì ăn đi?
- Lát nữa. Đợi lát nữa thôi, con.
Hai mẹ con qua một dãy nhà dài dằng dặc, nom như trại lính. Hẳn đây là khu cư xá, cô thầm đoán. Có lẽ những người sống trong đó là chủ các phòng này. Qua một cửa sổ, cô thấy một ổ bánh mì loại xấu thò ra ngoài và trong buồng có người đàn bà đang thu dọn đồ đạc.
- Ai mua trà hảo hạng ra mua! - Riyo nhẹ nhàng rao - Trà Sizuoka hảo hạng đây!
Không thấy ai hỏi, Riyo cao giọng rao lại.
- Không cần mua đâu, - người đàn bà nọ bảo. Bà ta nhấc ổ bánh mì vào trong rồi đóng sập cửa sổ.
Riyo đi hết cửa này tới cửa khác dọc dãy nhà để rao hàng, nhưng chẳng ai mua trà. Thằng bé Ruikichi lẽo đẽo theo sau, cằn nhằn rằng nó vừa đói vừa mệt. Chiếc túi khiến vai cô đau nhói, thỉnh thoảng cô phải dừng bước xốc lại đôi quai. Tuy vậy, cô thấy bằng lòng khi phải chịu đựng nỗi đau đớn thể xác ấy.

IV

Hôm sau cô để Riukichi ở nhà, một mình vào khu buôn bán. Khi tới gần hố bom, cô thấy trong lều có ánh lửa. Cô chạy tới, bước vào lều. Một bà lão khoác trên mình chiếc áo ngắn cũn cỡn, ngồi bên chiếc lò của Tsuruishi, bà đang bỏ thêm củi cho lửa cháy đượm. Lều sặc sụa khói, khói cuồn cuộn tỏa qua lối cửa sổ.
- Cô cần gì? - Bà lão hỏi, mắt nhìn quanh.
- Cháu bán trà Sizuoka.
- Trà Sizuoka à? Tôi còn khối thứ trà ấy đây.
Riyo không đáp, quay ra và vội vã bỏ đi. Cô nảy ra ý định tới nhà chị của Tsuruishi, thắp mấy nén nhang khấn vong hồn anh, nhưng rồi cô cảm thấy điều này thực hoàn toàn vô nghĩa. Cô quay trở lại dòng sông bấy giờ đang hửng dưới ánh trời chiều. Cô ngồi xuống bên đống bê tông đổ nát. Cách đống bê tông mấy bước chân có xác con mèo con. Nhớ tới Tsuruishi, từ đáy lòng cô tự hỏi liệu mình còn có dịp gặp người như anh nữa không? Không, không, chắc chẳng khi nào. Cô không hề hối tiếc vì đã quen anh, cũng như những gì cô đã từng gắn bó cùng anh. Cô cũng không ân hận vì đã tới Tokyo. Mới khoảng tháng trước đây thôi, khi vừa đặt chân tới Tokyo, cô đã tính tới chuyện về quê nếu việc buôn bán trắc trở. Nhưng bây giờ thì cô hiểu rằng cô sẽ phải ở lại Tokyo - đúng vậy, có thể cô còn tới ở ngay khu buôn bán này của Tokyo, nơi Tsuruishi đã sống.
Cô đứng dậy, quàng chiếc túi lên vai rồi đi khỏi bờ sông. Khi dạo dọc hè phố, cô để ý tới túp lều ghép tạm bợ bằng mấy tấm ván cũ. Cô bước tới gần, rồi rao:
- Ai mua trà ra mua! Ai mua trà không?
Cửa lều hé mở, ở lối ra xuất hiện một người đàn bà ăn mặc còn tiều tụy hơn Riyo nhiều.
- Một gói bao nhiêu, chị? - người đàn bà hỏi. Rồi khi nhìn thấy chiếc túi trên vai Riyo, chị nói thêm - Nếu chị muốn, mời chị vào nghỉ chân một lát đã. Tôi cũng phải xem nhà tôi còn bao nhiêu tiền. May ra đủ mua mấy gói trà.
Riyo bước vào, hạ chiếc túi xuống đất. Trong túp lều nhỏ ấy có bốn người đàn bà làm nghề may đang ngồi dưới sàn quanh một chiếc bếp dầu, cặm cụi bên đống quần áo. “Họ cũng là đàn bà như mình”, Riyo thầm nghĩ khi cô nhìn họ thoăn thoắt đưa kim trên mặt vải. Một cảm giác ấm áp truyền khắp cơ thể cô.
-------------
Đọc thêm:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét