Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

Không Chiến Zero Rực Lửa - P 7

Không Chiến Zero Rực Lửa

Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*

Ảnh Nude

- Việc điều tra tiến triển đến đâu rồi?
Sau khi đến thăm ông Izaki một ngày, trong bữa cơm tối, bất chợt mẹ hỏi tôi. Tôi vẫn chưa kể với mẹ chuyện ông ngoại. Bởi chị đã nói trước khi biết được toàn bộ sự tình, thì đừng nên kể với mẹ. Đặc biệt chúng tôi thống nhất giấu mẹ chuyện ông ngoại bị lên án.
Tôi chỉ nói hai tuần nay, chúng tôi đã gặp được ba người.
- Vậy cơ à? Thế chuyện của ông, họ có còn nhớ không?
Tôi biết trong giọng của mẹ có sự khẩn trương.
- Bọn con đã nghe được rất nhiều chuyện. Vốn con định tóm gọn chi tiết từng chuyện rồi mới thưa với mẹ, nhưng ông ngoại... nói thế nào nhỉ, là người rất yêu thương bà ngoại và mẹ.
Trong mắt mẹ ánh lên niềm vui sướng nhưng không nói gì, ngước nhìn trần nhà.
- Ông còn là một phi công xuất chúng nhưng đồng thời cũng quý trọng mạng sống đến mức dường như hèn nhát.
- Chà! Nghe đầy mâu thuẫn nhỉ?
- Con không hiểu người yêu cuộc sống đến vậy tại sao lại tình nguyện gia nhập Hải quân. Sau đó còn tự nguyện ứng tuyển vào lực lượng không quân. Thời đó hình như lái máy bay rất nguy hiểm nên nhiều phụ huynh đã khuyên can con em mình đừng làm phi công mà.
- Mẹ nghĩ điều đó chẳng có gì khó hiểu. - Mẹ đặt đũa xuống, nhìn tôi. - Có lẽ đó là tính bồng bột của tuổi trẻ, nếu thích phiêu lưu mạo hiểm thì cũng dám làm những chuyện nguy hiểm thôi. Mẹ rất vui vì biết sau khi kết hôn, ông đã vì mẹ và bà mà quý trọng mạng sống của mình. Ông rất yêu thương mẹ và bà mà, phải không?
Những lời cuối của mẹ nghẹn lại. Trong mắt mẹ ánh lên điều gì đó. Tôi cố không nhìn mẹ, lẳng lặng lùa cơm.
- Con vẫn tiếp tục điều tra chứ?
- Vâng, vẫn còn vài người nhớ đến ông ngoại.
- Thế cơ à!
Khi mới bắt đầu cuộc điều tra này, tôi đã nghĩ rằng chỉ cần tìm được một người nhớ đến ông thôi cũng thật may mắn rồi, thế nhưng cũng đã gặp được đến ba người. Tôi cảm giác như mình đã được liên kết bởi một sợi dây kỳ lạ nào đó.
Khi về phòng, tôi lại nghĩ về chuyện của ông. Người ông mà cách đây hai tuần tôi hoàn toàn không biết tới, giờ lại như hình bóng đứng ngay sau lưng tôi, như chỉ cần quay đầu lại là có thể thấy.
Ba ngày sau tôi gặp chị. Ngày hôm đó, hai chị em tôi đến nhà một cựu Chuẩn úy bảo trì Hải quân sống ở Wakayama. Vì là ngày thường nến chị phải hoãn công việc của mình để đi chuyến này.
Trên máy bay, tôi kể lại cuộc nói chuyện với mẹ hôm trước.
- Hiểu rồi. Chị nghĩ khi còn trẻ, ông là một thanh niên liều lĩnh, nhưng sau khi yêu bà, ông đã biết trân trọng mạng sống hơn.
Tôi lừng khừng như muốn nói.
- Sao thế? Có gì à? - Chị hỏi.
- Không có gì. Em hiểu được việc ông yêu bà nên mới xem trọng mạng sống của mình. Nhưng lý do gia nhập Hải quân là do sự bồng bột của tuổi trẻ thì nghe không thuyết phục cho lắm.
- Tại sao?
- Em có cảm giác điều đó không hợp với hình tượng Miyabe Kyuzo hay nói đúng hơn là không xứng. Nhưng theo cảm giác đó thì không chừng lúc nhỏ ông là một thiếu niên quân quốc* cũng nên.
*[Là những thiếu niên tiếp thu nền giáo dục chủ nghĩa Đế quốc, trưởng thành cùng ý nghĩ tương lai mình chắc chắn sẽ trở thành một quân nhân, nguyện chết vì quốc gia]
- Chị không muốn ông là thiếu niên quân quốc.
- Có lẽ em bị ám ảnh bởi những lời anh Takayama bên tòa soạn nói hôm trước. - Chị không nói gì. - Khi tham gia tấn công cảm tử, xả thân vì nước, chắc trong ông vẫn có niềm vui nào đó.
- Chị thì nghĩ khác. Khi tấn công cảm tử, chắc chắn ông không hề cảm thấy vui vẻ.
Chị nói thế, sau đó khẽ nói thêm rằng.
- Chị nghĩ anh Takayama đã sai rồi.
Từ sân bay Kansai chúng tôi đi xe điện và xuống ga Kokawa ở Wakayama. Chúng tôi vừa ra đến vòng xoay trước nhà ga thì có tiếng gọi.
- Cô cậu nhà Saeki phải không? Tôi là con trai ông Nagai.
Người đàn ông trạc 50 tuổi, mặc bộ đồ lao động đã bạc màu xưng tên. Chú ấy đã đến tận đây đón chúng tôi.
- Cô cậu cất công từ Tokyo đến đây nghe câu chuyện của cha tôi à. Thật vất vả quá! - Trong xe, người đàn ông ấy cười nói. - Cha tôi trước kia đã từng tham gia chiến tranh với Mỹ. Ghê thật đấy! Cùng chiến đấu với ông nhà cô cậu ở Rabaul phải không?
- Vâng ạ.
- Chẳng biết cha tôi nhớ được đến đâu nhưng nếu được nghe một câu chuyện hay thì thích quá!
- Chúng cháu cám ơn ạ.
Nhà của cựu Chuẩn úy bảo trì Hải quân, Nagai Kiyotaka là một ngôi nhà kiểu nông thôn, tuy cũ nhưng khá lớn. Trước nhà có một khoảng sân rộng, cây cối được chăm sóc kỹ lưỡng.
Ông Nagai chống gậy đứng chờ chúng tôi.
- Cha tiếp khách một mình được không?
- Không sao đâu. - Ông Nagai cười.
- Vậy, con có chút việc bên Hiệp hội Nông nghiệp.
Con trai ông Nagai quay về phía chúng tôi.
- Khi nào về, cô cậu cứ gọi điện, tôi sẽ đưa hai người ra nhà ga.
Nói rồi chú ấy liền lên xe đi. Tôi và chị được dẫn vào căn phòng kiểu Nhật rộng rãi.
- Ta vẫn còn nhớ rõ về Miyabe đấy. - Ông Nagai nói. - Chúng ta gặp nhau ở Rabaul. Ta là lính bảo trì động cơ của máy bay Reisen.
Máy bay khác với xe hơi, không phải cứ gắn động cơ vào là chạy ngay được, nó luôn cần được bảo trì thường xuyên. Sau khoảng 100 giờ bay là phải tháo mô-tơ Reisen ra bảo trì. Rabaul là đảo núi lửa, ngọn Hanabuki vẫn luôn hoạt động, nên phi trường lúc nào cũng đầy tro bụi. Khi máy bay cất cánh, cả đường băng mịt mù cát bụi, không thể mở mắt ra được. Việc đầu tiên ta phải làm khi thức dậy vào buổi sáng là dùng chổi cọ quét tro núi lửa phủ đầy trên các cánh máy bay. Trong động cơ bụi cũng đóng đầy nên rất cực. Nếu không bảo trì kỹ, giữa đường động cơ ngừng hoạt động thì các thành viên phi đội sẽ chết, chúng ta cũng chết chắc.
Binh trưởng* Kimura Heisuke cùng thời với ta đã mổ bụng tự sát khi chiếc Reisen mà ông bảo trì bị rơi trên biển vì động cơ trục trặc, phi công cũng thiệt mạng. Ta thì không đến mức đó nhưng khi làm việc sẽ rất chú tâm, nghiêm túc. Dù vậy, vẫn có những máy bay sau khi cất cánh gặp bất ổn và quay lại. Những khi như thế chúng ta rất khó xử.
*[Binh trưởng: trên Thượng đẳng binh một cấp, thấp hơn Chuẩn úy ba cấp]
Tuy chỉ là lính bảo trì nhưng chúng ta lại luôn chiến đấu cùng với các Reisen. Khi những chiếc máy bay do mình bảo trì xuất kích mà không trở về, ta rất đau lòng. Cảm giác như mất đi đứa con của mình vậy. Hơn nữa, phi công lái cũng tử trận nên nỗi thương tiếc còn gấp bội. Ta luôn băn khoăn có phải do mình bảo trì không tốt mà máy bay bị thua trong trận chiến không? Liệu có phải do sự cố của mô-tơ mà trên đường trở về máy bay đã rơi xuống biển hay không? Cứ nghĩ tới là ngực ta đau nhói.
Toàn bộ thành viên phi đội trở về hết là chuyện rất hiếm. Việc những người buổi sáng còn cười nói khỏe mạnh, buổi tối đã không còn trên cõi đời dần trở thành bình thường. Ban đầu, ta sốc không sao nuốt nổi cơm nhưng chẳng bao lâu ta đã quen dần. Đó là chuyện đương nhiên ở Rabaul. Nhưng với các thành viên phi hành đoàn trên máy bay tấn công mặt đất nếu một chiếc rơi thì cả bảy người cùng chết nên vẫn khiến ta rất buồn. Ở Rabaul, có hơn 1.000 thành viên phi hành đoàn máy bay tấn công đã hy sinh. Bây giờ nghĩ lại, lính không quân thật đáng thương. Hầu như mỗi ngày đều phải xuất kích đến Guadalcanal.
Các tham mưu thường đùa rằng. “Phi công là hàng tiêu hao”. Nhưng dường như đó lại là sự thật. Còn lính bảo trì bọn ta chỉ là các trang thiết bị.
Nói thật lòng, ta đã từng mong muốn trở thành một phi công. Họ thật hào sảng, anh dũng, thật sự rất khí khái. Ta từng nghĩ thế mới đáng mặt nam nhi. Khi đó, ta chỉ chừng 18, 19, hoàn toàn không sợ cái chết. Tuổi trẻ nông nổi mà. Nhưng thật ra các trận không kích rất đáng sợ, chết vì bệnh tật cũng đáng sợ nhưng được chết khi chiến đấu oanh liệt trong một trận không kích chẳng phải đáng thỏa lòng sao. Dù đó là một sự nhầm lẫn lớn, nhưng khi ấy, ta đã nghĩ vậy đấy. Ta còn tiếc rằng nếu mình vẫn đang ở nội địa thì đã có thể dự thi khóa huấn luyện bay rồi.
Nhưng nếu trở thành phi công, chắc ta đã không còn sống đến ngày hôm nay. Còn một điều nữa, nói ra nghe thật xấu hổ, đó là thức ăn của phi công ngon và có chất dinh dưỡng hơn. Nếu nhìn từ vị trí của một lính bảo trì thì đó là một điều đáng ganh tị.
Lính bảo trì bọn ta có một niềm vui là được nghe báo cáo không chiến từ các phi công. Bọn ta rất thích nghe các thành viên phi đội khi trở về kể rằng: “Hôm nay tôi đã bắn rơi mấy chiếc”. Ta luôn nài nỉ để nghe các câu chuyện, có cảm giác như chính mình đã tham gia không chiến vậy.
Trong đội không quân Miyabe có chút khác biệt. Nói thế nào nhỉ... anh ấy chẳng có điểm nào gọi là can đảm cả. Ngôn từ lại lễ độ, giống như nhân viên công sở nhã nhặn thời bây giờ vậy. Thật không thể nhìn ra một phi công lái chiến đấu cơ. Dù có gợi chuyện thế nào, anh ấy cũng không bao giờ kể cho bọn ta nghe về trận chiến.
Có nhiều tin đồn không hay về Miyabe. Ta không nhớ rõ lắm. Hình như nhiều thành viên phi đội gọi cậu ấy là “Thằng hèn”. Thú thật ta nghĩ những tin đồn ấy cũng không quá khác thực tế. Vì hầu như không khi nào trở về mà anh ấy bị trúng đạn. Dù có ưu tú đến độ nào cũng không thể luôn trở về lành lặn, đặc biệt là khi yểm trợ Chuko. Máy bay yểm trợ dù có phải lãnh đạn của địch cũng bảo vệ Chuko cho bằng được, nên rất khó mà trở về lành lặn được. Chúng ta mất nhiều phi công ưu tú cũng là vì vậy.
Thế nhưng Miyabe lại luôn trở về nguyên vẹn, việc này có khác gì anh ta đã không đem thân mình bảo vệ chuko. Vì vậy ta nghĩ những lời nói sau lưng của một số người có thể là đúng. Thêm một lý do nữa là đạn của anh ấy lúc nào cũng còn, nghĩa là anh ấy hầu như không tham gia chiến đấu.
Dù là phi công của Hải quân Đế quốc nhưng không phải tất cả đều là những quân nhân khí phách, vẫn có những phi công không hay ho gì. Ví dụ, ta đã nghe một phi công vênh váo hùng hồn bảo: “Hôm nay ta đã bắn rơi một chiếc”. Nhưng khi kiểm tra máy bay thì thấy băng đạn còn nguyên. Không dùng một viên đạn nào mà lại bắn hạ được máy bay địch, hắn dùng kỹ thuật quật của Mifune* sao?
*[Kyuzo Mifune: bậc thầy Judo, từng vật ngã bốn võ sĩ lực lưỡng hơn mình rất nhiều]
Các phi công mới thường còn nguyên đạn. Bởi họ vẫn còn khá căng thẳng nên không tìm thấy máy bay địch. Tuy tham gia không chiến nhưng thực chất họ chỉ hoàn thành được mỗi việc trốn thoát mà thôi. Dù. vậy, bình yên vô sự trở về đã là may mắn rồi. Ta nói như thể tận mắt chứng kiến vậy nhưng toàn bộ là nghe các phi công lão luyện kể lại.
Ngoài ra, máy bay của các chỉ huy cũng thường còn đạn, bởi họ thường được các hạ sĩ quan kỹ thuật dày dạn kinh nghiệm bảo vệ. Họ sẽ bay ở tầm cao, không tham gia hỗn chiến mà chỉ huy chiến đấu. Mặc dù máy bay thời đó trang bị bộ đàm rất kém, vậy mà cũng có chỉ huy không trung. Chính vì lẽ đó, nên khi bảo trì máy bay của Miyabe, ta đã nghĩ anh ấy gần như không chiến đấu, chỉ giỏi trốn chạy đúng như mọi người đàm tiếu.
Một điểm này nữa, thực ra chỉ là cảm nhận của riêng ta thôi, nhưng Miyabe khá phiền phức, rất khó tính trong việc bảo trì máy bay. Anh ấy thường nói “Tôi vẫn cảm thấy có gì đó không ổn” về các động cơ đã được lính bảo trì kiểm tra. Nếu nói thẳng ra nghĩa là “Có thể kiểm tra lại một lần nữa được không?”. Anh chàng đó khá nhạy cảm với vấn đề động cơ. Mà không chỉ động cơ, cả cánh liệng* hay bất cứ chỗ nào anh ấy cảm thấy có chút kỳ lạ là lập tức đến tìm chúng ta. Ta nghĩ điểm này cũng là một lý do khiến Miyabe bị gọi là thằng hèn.
*[Cánh nhỏ của máy bay]
Chỉ tiêu tháo động cơ và bảo trì đối với mô-tơ của Reisen là 100 giờ bay. Nhưng Miyabe chưa bay đủ 100 giờ cũng đến nhờ chúng ta tháo ra kiểm ưa. Anh ta rất căng thẳng dù chỉ là động cơ có chút âm thanh khác lạ. Vì thế trong đám lính bảo trì cũng có những người ghét Miyabe ra mặt.
Tuy điều này nghe có vẻ mâu thuẫn với chính lời ta nói, nhưng Miyabe không nhạy cảm, lo xa một cách vô cớ. Mỗi khi anh ấy nói động cơ bất ổn, thì xác suất rất lớn là thật sự có trục trặc gì đó. Chính điều đó lại là điểm mà lính bảo trì không ưa.
Anh ấy không bao giờ quên bày tỏ lòng biết ơn đối với bọn ta. “Nhờ anh em bảo trì, tôi mới có thể chiến đấu hết mình được”. Đó là câu cửa miệng của Miyabe. Nhưng những binh lính bảo trì xấu miệng vẫn nói sau lưng rằng, “Không chiến đấu hết mình thì đừng có nói là mình đã chiến đấu”.
Tuy vậy, ta không biết vì lý do gì mà mình lại được Miyabe yêu mến.
“Được Nagai kiểm tra cho, tôi thấy yên tâm lắm”.
Nghe anh ấy nói thế, không hiểu sao ta cảm thấy rất vui. Con người là như vậy đấy, phải không?
Thực lòng mà nói, ta rất tự tin vào kỹ thuật bảo trì của mình nên khi có người công nhận điều ấy, ta rất phấn khích. Trong Hải quân thời đó, hạ sĩ quan mở lời khen ngợi công việc của binh lính là rất hiếm. Vì thế, dù ghét tính hèn nhát của Miyabe, ta lại cảm mến con người anh ấy.
Bảo trì máy bay cho Miyabe rất nhẹ nhàng, bởi cách anh ấy bay không quá ép máy.
Máy bay là thứ rất tinh vi, nếu bay bất cẩn thì bảo trì chúng ta sẽ biết ngay. Ví dụ, chiếc máy bay cố bổ nhào thì miếng kim loại của cánh sẽ có nếp nhăn và những vết nứt nhỏ. Ngoài ra, nếu bắn súng liên tục, nòng bị đốt nóng thì cũng sẽ hư hỏng, có chiếc còn bị chính súng máy của nó bắn vào cánh quạt. Thông thường, súng máy sẽ bắn qua khe hở của cánh quạt đang quay, do đạn bắn ra được đồng bộ với chuyển động của cánh quạt. Nhưng khi nòng bị đốt nóng, sức nóng đó sẽ làm nổ đạn, trúng cánh quạt.
Tuy nhiên, máy bay của Miyabe lúc nào cũng sạch sẽ. Là lính bảo trì, nếu máy bay được người dùng trân trọng, ta rất vui. Có câu “Vô sự thị chiến mã*”, riêng với trường hợp Miyabe, theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều đúng.
*[Con ngựa lành lặn trở về mới là ngựa chiến tốt]
Reisen là một chiếc máy bay tốt, nhưng từ sau năm 1943, chất lượng của nó đã giảm sút. Không còn được sản xuất nhiều mà lại cẩu thả hơn trước. Đó là điều mà chỉ lính bảo trì chúng tôi nhận ra. Vậy mà ngạc nhiên thay, Miyabe cũng nhìn thấu việc ấy.
“Các Reisen được đưa đến dạo này chất lượng có thay đổi phải không?”
Một ngày nọ, trong lúc đang bảo trì động cơ, Miyabe hỏi thế. Dù khá ngạc nhiên trước con mắt sắc bén của anh ấy, nhưng ta cũng không dễ thừa nhận.
“Không thay đổi nhiều lắm đâu”. Ta dừng việc bảo trì, rồi đứng nghiêm trả lời.
“Vậy sao? Chắc do tôi tưởng tượng”, Miyabe nói thế và khẽ cúi đầu khiến ta cảm thấy hơi khó chịu.
“Chính xác thì so với trước, việc chế tạo có phần hơi cẩu thả, nhưng không ảnh hưởng đến chuyến bay đâu”.
“Vậy thì tôi yên tâm rồi”.
“Sao anh lại nhận ra được vậy?”
“Lái nên biết thôi”, Miyabe mơ hồ nói.
Việc đó khiến ta rất khâm phục.
“Nghe đồn rằng”, ta hạ giọng. “Các công nhân có tay nghề đang dần ít đi. Lục quân tuyển lính nghĩa vụ quân sự nên đã ban hành Giấy đỏ. Vì vậy, công nhân của các nhà máy cũng lần lượt phải đăng lính”.
“Có chuyện đó sao?”
“Anh biết đấy, Reisen là chiếc máy bay đặc biệt có nhiều đường cong, không chỉ bên ngoài mà cấu tạo cũng vậy. Việc cắt những đường cong tinh xảo như thế bằng máy tiện, nếu không phải do công nhân có tay nghề tương đối thì rất khó. Tôi nghĩ những công nhân ấy mà phải đi lính, công xưởng sẽ rất khó khăn”.
“Tôi không biết chuyện đó. Hóa ra Reisen là do những thợ lành nghề chế tạo. Theo tôi, nó là chiến cơ hoàn hảo”.
Miyabe nói thế rồi đưa tay chạm vào cánh Reisen. Sau đó khẽ nói:
“Chiến tranh là cuộc chiến bắt đầu từ các nhà máy công xưởng nhỉ”.
“Đúng vậy. Để một chiếc máy bay có thể cất cánh, đằng sau đó là công sức của rất nhiều người.”
Ta cố ý ám chỉ sự tồn tại của lính bảo trì.
“Tôi cũng nghĩ vậy. Công nhân xưởng chế tạo và các anh em bảo trì rất quan trọng.”
Ta có chút ngượng ngùng:
“Nói ra thì cũng hơi khó, không phải một lúc mà có thể thay thế được các thợ lành nghề. Trong nước đang huy động lao động là học sinh trung học và phụ nữ. Nhưng họ không thể thay thế những thợ lành nghề bậc nhất được.”
“Nói vậy, có lẽ càng về sau càng tệ rồi.”
“Có thể. Tuy nhiên, đáng lo hơn cả là...”, ta khựng lại, có chút hối hận vì đã lỡ lời.
“Là gì thế?”
“Động cơ”, ta mạnh dạn nói.
“Động cơ cũng cần bàn tay của các thợ lành nghề phải không?”
“Điều đó cũng cần, nhưng khi các máy sản xuất bị hao mòn, thì số lượng động cơ được sản xuất chắc sẽ giảm xuống.”
“Máy sản xuất sao?”
“Bởi vì động cơ cần máy sản xuất cắt kim loại chính xác đến từng một phần trăm. Nếu không có máy sản xuất tốt thì không thể chế tạo một động cơ tốt. Nếu loại máy đó mà hao mòn đi thì việc sản xuất cũng sa sút”.
“Máy sản xuất đó không phải là máy Nhật sao?”
Ta lặng lẽ gật đầu. Thật ra đây là chuyện ta nghe từ các giảng viên đội huấn luyện phi công. Họ kể rằng ngày xưa chúng ta cũng có xưởng chế tạo động cơ nhưng người ta lại khen ngợi các máy sản xuất của Mỹ, bảo rằng ở Nhật chẳng có máy nào tốt thế.
Nghe ta nói thế, Miyabe buông một tiếng thở dài lớn.
“Chúng ta đang chiến đấu với đất nước đó mà”.
“Dù vậy, động cơ Sagae của Reisen là hàng Nhật. Sử dụng máy sản xuất của Mỹ nhưng chế tạo ra động cơ tuyệt hảo này lại là người Nhật”.
“Nhưng, một lúc nào đó Mỹ sẽ chế tạo được một chiến cơ ưu việt hơn phải không?”
“Cũng có thể, nhưng tôi nghĩ ngay cả là Mỹ cũng không dễ đâu”.
“Nếu thế thì tốt rồi”, Miyabe nói vậy nhưng tỏ ra không mấy yên tâm.
Thế rồi nỗi lo của Miyabe không may đã thành sự thật. Chiếc máy bay vượt trội Reisen, Grumman F6F đã xuất hiện trên bầu trời Rabaul vào cuối năm 1943.
Chuyện về Miyabe ngoài việc chiến đấu à? Chà, ở Rabaul ngoài chuyện chiến đấu ra thì chẳng còn gì khác. Đúng rồi! Ta nhớ ra rồi! Miyabe rất thích đánh cờ vây. Sao ta lại quên chuyện này được nhỉ. Lính bảo trì bọn ta, thường chơi bài Hanafuda*, cờ Shogi và cờ vây.
*[Bài Hoa, một loại bài truyền thống của Nhật]
Công việc của lính bảo trì chỉ vất vả trước khi máy bay xuất kích và sau khi xuất kích trở về, các khoảng thời gian khác trong ngày khá rảnh rỗi. Đến giờ nghỉ trưa, dưới bóng râm của mái hiên doanh trại bảo trì, người thích chơi Shogi, cờ vây tụ tập lại với nhau. Đó là trước khi hải chiến Guadalcanal bắt đầu. Đến năm 1943 thì chúng ta chẳng còn thời gian nào cho việc đánh cờ nữa.
Mùa thu 1942, lính bảo trì vẫn như mọi khi tập trung trước doanh trại đánh cờ. Bất ngờ, Tham mưu Bộ Tư lệnh Hạm đội Tsukino vô tình xuất hiện tại doanh trại bảo trì. Tại Rabaul không chỉ có phi đội, còn có cảng quân sự là căn cứ của nhiều tàu thuyền. Ngoài ra còn có lục quân, một số lượng lớn lính bộ binh cũng ở đó. Thiếu tá Bộ tư lệnh Hạm đội đối với binh sĩ cao như mây trên trời, nên bọn ta căng thẳng đến cứng đờ người. Nhưng thiếu tá Tsukino lại nói chuyện với bọn ta khá thoải mái, còn ngồi xuống thảm cỏ xem đánh cờ vây. Sau khi xem vài ván, Thiếu tá bảo Hashida - người chơi giỏi nhất ban bảo trì rằng, “Chơi với ta một ván được không?”. Hashida giật mình, còn bọn ta rất ngạc nhiên. Dù sao thì thiếu tá cũng không phải đối tượng mà binh sĩ có thể dễ dàng nói chuyện, đến mức đánh cờ nữa thì chẳng thể nghĩ đến. Ta nhớ vẻ mặt của Hashida nhìn chúng ta như sắp khóc.
Khoảnh khắc đó đối với bọn ta như nghẹt thở. Trước mặt thiếu tá nên không ai dám nói nhiều như bình thường. Khi xem cờ cũng đứng yên bất động. Thiếu tá cởi mở nói với chúng ta.
“Khi đánh cờ, không xem cấp bậc. Nhưng chỉ đến lúc có báo hiệu bị không kích thôi đấy!”
Nghe thế, mọi người cười phá lên. Khoảng thời gian đó, thỉnh thoảng hay có các trận không kích từ Cảng Moresby đến.
Dù thiếu tá đã nói “Thoải mái đi!” nhưng bọn ta chẳng như thế được. Thấy dáng vẻ bọn ta như vậy, thiếu ta mở lời. “Vậy... Ta ra lệnh! Thoải mái đi!”. Tiếng cười vang lên giữa các binh sĩ. Thế là mọi người ngồi lên ghế dài, ngồi cả xuống đất xem cờ.
Kỹ thuật của thiếu tá rất khá, Hashida giỏi nhất ban bảo trì cũng bị thua đậm. Thiếu tá Tsukino nói, “Kỳ thủ chuyên nghiệp chấp ta hai quân đấy”. Ta nghe không hiểu lắm, nhưng nhìn Hashida thua dễ dàng như vậy cũng đủ biết kỹ thuật của thiếu tá rất khá rồi.
Thế là từ đó, thiếu tá thường xuyên đến xem đám lính bảo trì đánh cờ. Khi đến ông ấy thường mang theo bánh bao hấp nên bọn ta rất thích. Thiếu tá Tsukino là người yêu cờ vây bẩm sinh, ông ấy xem trọng cờ vây hơn cả Shogi.
Một lần ông ấy đã nói.
“Đô đốc Yamamoto rất thích Shogi, nhưng có vẻ ông ấy không biết chơi cờ vây. Ta nghĩ nếu ông ấy biết chơi cờ vây, cuộc chiến này đã đánh theo cách khác rồi”.
Đây là câu nói nghiêm trọng. So sánh Shogi và cờ vây mà đánh giá Đô đốc Yamamoto thì khó chấp nhận được.
“Xin hỏi thiếu tá! Shogi và cờ vây khác nhau sao ạ?”, ai đó hỏi.
“Trong Shogi trận cờ sẽ kết thúc khi chiếu bí vua của địch. Dù binh lực có kém, có yếu thế đến mức nào, chỉ cần chặt đầu vua địch là chấm hết”.
“Vâng”.
“Nói cách khác, nó giống như Oda Nobunaga với hai ngàn quân đã đánh bại hai vạn quân của Imagawa Yoshimoto*. Vốn dĩ hai ngàn quân thì không lý nào thắng được hai vạn quân, nhưng do đã lấy được đầu Yoshimoto nên cuộc chiến kết thúc. Đó chính là Shogi”.
*[Imagawa Yoshimoto (1519 - 1560) là một trong các lãnh chúa phong kiến vào đầu thời đại Sengoku ở Nhật Bản, là một trong những lãnh chúa có ảnh hưởng lớn cho đến khi qua đời]
“Cờ vây thì không giống vậy sao?”
Thiếu tá khẽ gật đầu nói tiếp.
“Cờ vây vốn là trò chơi bắt nguồn từ Trung Quốc. Dựa trên 361 điểm, ban đầu nó dùng để tính toán, dự báo những sự việc sẽ diễn ra trong một năm, nhưng không biết từ bao giờ nó lại trở thành trò chơi chiến thuật. Nói cách khác, cờ vây cũng giống một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ vậy”.
“Nó cũng giống như chiến tranh giành Thái Bình Dương với Mỹ phải không?”
“Có thể nói như vậy. Trong chiến tranh Nhật-Nga trước đây, Hạm đội Liên hợp đã đánh bại Hạm đội Baltic. Hạm đội Liên hợp từ đó cứ nghĩ rằng chỉ cần đánh bại vua của phe địch, hạm đội chủ lực sẽ chiến thắng. Thế nhưng, cuộc chiến lần này không phải chỉ cần chiếu tướng địch là thắng đâu”.
Những lời của thiếu tá Tsukino mang sức nặng không ngờ, đánh vào lòng chúng ta. Bọn ta hiểu rằng giành thắng lợi trên Thái Bình Dương trước quân đội Mỹ đang tiến tới với quân lực khủng khiếp không phải là chuyện dễ dàng.
Sau chiến tranh ta mới bắt đầu đam mê cờ vây, nhưng hồi đó thì không. Ta nhìn những quân cờ trắng đen bày trên bàn mà cứ ngỡ là những hòn đảo trên Thái Bình Dương. Sau chiến tranh, ta bắt đầu chơi cờ cũng bởi tâm trạng kỳ lạ lúc đó.
“Đô đốc Yamamoto cũng đã bắt đầu một cuộc chiến khó khăn”, Thiếu tá Tsukino khẽ nói.
Ta từng thấy Miyabe đánh cờ một lần. Đối thủ không ai khác chính là Thiếu tá Tsukino.
Hôm đó, thiếu tá Tsukino cũng đến doanh trại lính bảo trì chơi. Như mọi lần, ông xem các binh lính chơi cờ. Khi đó, thiếu tá nhìn Miyabe và bắt chuyện.
“Cậu đang chơi cờ vây à?”
Trong đám lính bảo trì lại có một phi công quả là chuyện hiếm có phải không?
“Vâng”, Miyabe đáp.
Thiếu tá gật đầu bảo.
“Tốt! Chơi một ván nào!”
“Xin ngài chỉ giáo cho”, Miyabe cúi đầu thấp và ngồi xuống trước mặt thiếu tá. “Tôi xin đi trước”. Miyabe nói và rút một quân đen. Chúng ta ai nấy đều ngạc nhiên. Ngay cả anh Hashida chơi cờ giỏi nhất đám lính bảo trì cũng không thể so tay mà. Tuy vậy, thiếu tá không tỏ vẻ gì khó chịu mà im lặng lấy quân trắng.
Trận cờ bắt đầu, ban đầu thiếu tá đánh rất khí thế, Miyabe ngược lại đánh chậm rãi từng bước từng bước một.
Nếu ta có thể tả lại thế của ván cờ thì hay quá, nhưng sau chiến tranh ta mới biết chơi cờ. Trận chiến trên bàn cờ đó ta hoàn toàn không hiểu. Thế nhưng, đến trung bàn chiến* thì dễ nhận thấy thiếu tá Tsukino suy nghĩ lâu hơn. Ngược lại Miyabe vẫn tiếp tục đánh như đoạn bố cục*. Thiếu tá khi đánh thường ngừng lại một chút rồi nắm quân cờ nhẹ nhàng đặt lên bàn, không gây ra tiếng động. Hoàn toàn không giống kiểu các lính bảo trì thường đánh như đập quân cờ.
Đến đoạn thâu quan*, thiếu tá vừa đánh vừa lẩm bẩm. Nhìn vậy ta nghĩ không phải ông ấy đã thua rồi đấy chứ. Nếu thế thì sẽ rất tuyệt. Không phải ta có ác cảm với thiếu tá Tsukino, nhưng dù chỉ là trò chơi mà hạ sĩ quan thắng được sĩ quan thì thật sự rất vinh quang. Sự mong mỏi của bọn ta dâng trào. Kết thúc ván, đếm điểm trên bàn cờ thì thiếu tá hơn một điểm.
*[Cờ vây có ba giai đoạn: bố cục, trung bàn chiến, thâu quan]
Mọi người, kể cả ta, đều xưng tụng chiến thắng của thiếu tá nhưng thật tâm thì có phần thất vọng.
“Cảm ơn ngài rất nhiều!”
Miyabe nói thế và cúi gập người. Anh ấy làm vậy khiến thiếu tá cũng bối rối cúi đầu nói.
“Không chính ta mới phải cảm ơn!”
Rồi thiếu tá liếc nhìn lại trận cờ.
“Cậu tên gì?”
Miyabe đứng thẳng người xưng tên và cấp bậc.
“Nhất đẳng phi tào Miyabe à? Đánh thêm một ván nữa được không?”
“Vâng”. Miyabe gật đầu quả quyết.
Thiếu tá mỉm cười, lần này ông ấy kéo quân đen về mình. Mọi người đều ngạc nhiên. Các cháu có biết không, trong cờ vây người giỏi sẽ lấy quân trắng. Quân đen đi trước có lợi, quân trắng đi sau phải có kỹ thuật cao để cứu vãn sự bất lợi đó. Trong cờ vây chuyên nghiệp hiện nay người đi trước chấp sáu điểm rưỡi cho đối phương, nhưng thời đó không có chuyện như vậy.
“Không. Chuyện này...”, Miyabe vội nói, định lấy quân đen.
“Không. Ta đi quân đen”.
Thiếu tá chặn tay Miyabe lại. Miyabe không còn cách nào khác, đành lấy quân trắng. Chuyện sau đó càng bất ngờ hơn. Thiếu tá cầm hai quân đen đặt lên bàn.
“Có hơi ít, nhưng như vậy được không?”
“Tôi hiểu rồi. Xin chỉ giáo”. Miyabe khẽ nói.
Thiếu tá tự hào là kỳ thủ cờ vây mà lại muốn Miyabe chấp hai quân như vậy, chứng tỏ tài năng của Miyabe cũng không thua kém chút nào.
Trận này khác trận trước, từ đầu cả hai đều suy nghĩ kỹ lưỡng từng bước một. Đến trung bàn chiến, ván cờ đột ngột thay đổi. Thiếu tá đã chấp nhận thua. Đối với một người không biết về cờ vây như ta thì không hiểu chuyện gì đã đành, nhưng ngay cả những người cao cờ của ban bảo trì cũng phải nghiêng đầu thắc mắc. Nên chắc hẳn ván cờ này đã kết thúc đột ngột. Thế nhưng Miyabe không tỏ vẻ gì ngạc nhiên khác thường, chỉ lặng lẽ cúi đầu.
“Đúng là không thể đấu lại”, Thiếu tá nói. “Nhất đẳng phi tào Miyabe đã theo học kỳ thủ chuyên nghiệp phải không?”
“Vâng. Tôi đã theo học thầy Segoe Kensaku”.
“Thầy Segoe à? Thầy của Go Seigen*”.
*[Phiên âm tiếng Việt là Ngô Thanh Nguyên, người Nhật gốc Hoa, sinh năm 1914, tại Phúc Kiến, Trung Quốc, là nhà Trung Quốc học và kỳ thủ cờ vây ở Nhật Bản. Ông được xem là kỳ thủ cờ vây giỏi nhất thế kỷ 20].
Cái tên Go Seigen thì ai cũng biết. Ông ấy là thần đồng Trung Quốc, rất nổi tiếng trong giới cờ vây Nhật Bản trước chiến tranh. Danh tiếng của ông ngay cả những người không biết chơi cờ như tôi cũng biết, đến mức có cả bài thơ hài đại loại như “Go Seigen người mà Hangyoku thương thầm”. Hangyoku là geisha trinh nữ nổi tiếng thời bấy giờ. Ông Go Seigen bây giờ vẫn còn sống. Tuy đã qua tuổi 90 và vẫn đang nghiên cứu cờ vây. Giỏi thật!
Ta nhớ được cái tên Segoe cũng vì chuyện này.
“Cậu có nguyện vọng trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp không?”, Thiếu tá hỏi.
“Không”, Miyabe nói. “Tôi đã từng mong muốn thế, nhưng cha tôi không cho phép”.
“Vậy à?”, Thiếu tá không hỏi gì thêm nữa, rồi thu dọn các quân cờ. “Cám ơn nhé. Ta đã học được nhiều điều. Sau này có cơ hội, mong cậu lại chỉ bảo”.
Miyabe cúi đầu. Nhưng không có ván cờ nào giữa họ nữa. Hai tuần sau, thiếu tá Tsukino chuyển công tác sang phục vụ trên hạm đội, chiến đấu trên khu trục hạm Ayanami. Ông cũng chịu chung số phận với con tàu trong đêm pháo kích đảo Guadalcanal vào cuối năm đó.
Thiếu tá trở về trại sĩ quan. Miyabe cũng rời trại lính, ngồi dưới gốc cọ. Ta đuổi theo sau và ngồi cạnh Miyabe.
“Nhất đẳng phi tào Miyabe chơi nghiêm túc nhỉ”.
“Đó là môn cha tôi thích, bởi vậy nên tôi mới được học cờ vây, nhưng sau lại quá ham mê nên định trước khi lên trung học sẽ trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp”.
“Anh bị cha phản đối phải không?”
“Cha tôi là người buôn bán nên muốn tôi kế thừa sự nghiệp. Dù bị phản đối nhưng tôi vẫn lén đến lớp của thầy Segoe tiếp tục học cờ vây. Tôi không thể trả học phí hằng tháng nhưng thầy bảo không cần”.
“Ông ấy quả thực là một thầy giáo tốt”.
“Nhưng hình như cha tôi đã bí mật trả học phí cho thầy. Ông ấy yêu cờ vây hơn tất cả, nên dù không muốn tôi trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp nhưng có lẽ vẫn muốn tôi giỏi lên”.
“Sau đó thì sao?”
“Sau đó chẳng bao lâu, cha tôi lỡ bước trong kinh doanh, cửa tiệm tiêu tán rồi phá sản. Sau đó cha tôi treo cổ tự vẫn, thay lời xin lỗi đến các chủ nợ”.
Một câu chuyện hết sức chấn động, ấy vậy nhưng giọng kể của Miyabe lại rất hững hờ.
“Những người ở lại cũng không chịu đựng nổi. Tôi thôi học trung học. Mẹ ngã bệnh, rồi không bao lâu cũng qua đời. Chỉ trong nửa năm tôi đã trở thành kẻ côi cút trên cõi đời này. Tiền bạc không có, người thân không có, họ hàng để nhờ cậy cũng chẳng còn. Trong tình cảnh đó, tôi không biết phải làm gì, nên đã gia nhập Hải quân”.
Lần đầu tiên ta nghe về quá khứ của Miyabe.
“Thầy Segoe bảo tôi đến chỗ ông học nghề rồi ông sẽ nuôi tôi. Nhưng nhà thầy cũng chẳng khá giả gì, nên tôi đã từ chối. Tôi dự định nếu rớt kỳ tuyển quân, tôi sẽ xin học nghề trong một tiệm buôn nào đó”.
Thì ra Miyabe cũng vậy. Các hạ sĩ quan Hải quân thường là những người nhập ngũ vì muốn giảm miệng ăn trong gia đình. Con trai thứ trong một nông gia chỉ có hai con đường sống là lên đô thành làm công học việc hoặc gia nhập quân đội. Rất ít trẻ con có thể học lên trung học. Thực ra, học viên trường Hải quân phần nhiều xuất thân từ gia đình không mấy khá giả. Vì học trường quân sự không mất học phí nên nhiều đứa trẻ ưu tú không có điều kiện học lên cao đẳng, đã đến trường quân sự. Thời đó Nhật Bản rất nghèo, xã hội phân chia giai cấp, các cháu bây giờ khó lòng tưởng tượng nổi.
Miyabe không phải con thứ nhưng gia cảnh bất hạnh nên cũng đành nhập ngũ.
Bản thân ta là con thứ ba trong một gia đình tá điền. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ta vào làm trong một xưởng làm tương. Xưởng đóng cửa, ta không còn nơi nào để đi nên đã vào quân đội. Có lẽ đây là chuyện mà thế hệ trẻ bây giờ không thể tưởng tượng được, nhưng bọn ta đều vì miếng ăn nên nhập ngũ.
“Sau khi chiến tranh kết thúc, anh sẽ lại đặt mục tiêu làm kỳ thủ chuyên nghiệp chứ?”, ta hỏi Miyabe.
Anh ấy chỉ cười, không hiểu có phải vì giả định “nếu chiến tranh kết thúc” của ta thú vị không.
“Không được nữa rồi. Tôi đã lỡ mất thời gian quý báu để làm kỳ thủ chuyên nghiệp rồi”.
“Nếu nỗ lực thì vẫn được chứ?”
“Để trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp, thời niên thiếu phải trang bị rất nhiều thứ, tôi đã không thực hiện được. Bây giờ đã 23 tuổi rồi. Giả sử chiến tranh kết thúc, dù tôi có cố gắng đến chết cũng không trở thành ký thủ chuyên nghiệp được”.
“Tiếc nhỉ”.
“Cũng không đáng tiếc lắm”, Miyabe nói không chút do dự. “Khi còn bé, vì một chuyện nhỏ cũng buồn cũng vui. Đến khi học trung học, lại đau đầu về việc sẽ học cao đẳng hay trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp. Sau đó, tôi rất đau khổ khi cả hai ước mơ đều tan vỡ. Thế nhưng so với việc mất cha, mất mẹ, điều đó chúng chẳng có nghĩa lý gì”.
Nói đến đây, Miyabe bất giác mỉm cười.
“Nhưng bây giờ nhìn lại, ngay cả việc đó cũng chẳng còn to tát. Trong cuộc chiến này, những chuyện khủng khiếp vẫn xảy ra hằng ngày. Mỗi ngày lại có nhiều chàng trai phải hy sinh. Các gia đình trong đất liền khi nghe tin báo tử sẽ thế nào”.
Ta không thể tán đồng câu nói đó. Bởi vi tử trận là hy sinh danh dự, phải vui mừng, không thể biểu lộ đau buồn. Những lời của Miyabe vô tình mang tính phản động.
Nhìn khuôn mặt hoang mang của tôi, Miyabe nở nụ cười buồn. Một lát sau, anh nói:
“Cậu có biết ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là gì không?”
“Là gì?”
“Là còn sống và trở về nhà!”
Ta vẫn còn nhớ sự thất vọng cực độ của mình khi nghe cậu ấy. Đó là lời nói của một phi công lái chiến đấu cơ của Không lực Hải quân sao? Tin đồn về “Thằng hèn” đúng là thật rồi.
Đối với ta khi ấy, gia đình là nơi ta bắt đầu cuộc hành trình. Cả cha mẹ đều tiễn ta ra trận. Vì thế, câu “muốn trở về” đó nghe yếu ớt như đàn bà. Ta chưa thể hiểu nổi việc “gia đình” là thứ mà “người đàn ông phải bảo vệ”, mãi cho đến khi chiến tranh kết thúc, ta xuất ngũ và có gia đình. À không, cũng chưa hẳn. Phải đến lúc có con, lần đầu tiên ta mới hiểu cuộc đời này không chỉ của riêng mình. Đối với một thằng đàn ông thì phải gánh vác gia đình bằng tất cả sức lực của mình. Lúc đó, ta mới nhận ra lời nói của Miyabe có sức nặng đến thế nào. Thật đáng xấu hổ.
Các cháu có biết sở thích của ta bây giờ là gì không? Là cờ vây đấy. Mỗi tuần đánh cờ một lần ở Hội người cao tuổi, đó là niềm vui lớn nhất của ta hiện giờ.
Nếu có thể ta cũng muốn Miyabe dạy ta chơi một ván.
Sau mùa hè 1943, ngay cả Rabaul cũng bị không kích hằng ngày. Cả phi trường Lae mà các phi công thiện chiến của Phi đội Tainan xưa kia chiến đấu cũng rơi vào tay địch, các đảo xung quanh lần lượt bị chiếm, Rabaul như đèn treo trước gió.
Sau đó, cuối năm 1943, chiếc Grumman F6F xuất hiện, nó là một chiến cơ vô cùng dũng mãnh, vượt xa Grumman F4F.
Ta nhớ đã rất sửng sốt khi lần đầu nhìn thấy chiếc Grumman F6F rơi tại Rabaul. Thân máy gồ ghề, động cơ bên trong khổng lồ, đáng sợ như một con quái vật. Do va đập khi rơi nên nó đã hỏng, nhưng đội trưởng đội bảo trì ước lượng công suất của nó khoảng 2.000 mã lực. Gấp hai lần Reisen. Nhờ mã lực khổng lồ đó, các vũ khí hạng nặng và thiết bị chống đạn cũng được trang bị đầy ấn tượng.
Dưới sự lãnh đạo của đội trưởng đội bảo trì, mọi người tháo rời động cơ đã hỏng ra nghiên cứu. Ta đã thấy nó được chế tạo tinh xảo đến thế nào. Đội trưởng lắc đầu nói. “Chế tạo một cỗ máy thế này ở Nhật là việc vô cùng khó khăn”.
Chiến cơ thiện chiến của địch không chỉ có Grumman. Chiếc Sikorsky có cánh dạng chim mòng biển ngược cũng rất lợi hại và có trang bị động cơ công suất lớn. Lính bảo trì chúng ta đã cảm nhận được thời thế đang dần thay đổi.
Các phi công cũng nói chiến cơ lợi hại mới của địch rất ưu việt. Mặc dù vậy các phi công Reisen ở Rabaul vẫn anh dũng chiến đấu.
Thời gian này cuộc chiến giành lại Guadalcanal không còn nữa mà chủ yếu là các trận mai phục đánh chặn quân địch, nên phi công có thể chiến đấu với lợi thế sân nhà, chiến đấu không cẩn lo lắng đến nhiên liệu, cũng như về đạn dược. Lúc gặp bất trắc, nhảy dù thoát ra là được cứu. Trước đây dù là thứ không ai mang theo, nhưng khoảng thời gian đó, phần lớn phi công đều đã trang bị dù.
Dù thế những trận chiến ấy cũng tuyệt đối không dễ dàng. Grumman và Sikorsky đều ưu việt hơn Reisen, lại áp đảo về số lượng. Mỗi trận không kích đều có khoảng 200 máy bay địch tấn công, nhưng quân ta bay lên đánh chặn chỉ vỏn vẹn chừng 50 chiếc. Địch bị bắn hạ bao nhiêu máy bay cũng chẳng nhằm nhò, trong khi phe ta bổ sung vài chiếc máy bay đã khó, bổ sung các phi công lão luyện lại càng không thể.
Cả đội phi công Reisen chỉ sau một tháng hầu như đã thất sắc. Những người vẫn giữ được phong thái như Nishizawa Hiroyoshi, Iwai Tsutomu, là rất ít. Nishizawa vang danh là Át chủ bài của Hải quân Đế quốc. Iwai cũng là một tay lão luyện, là một trong 13 người tham gia trận Reisen đầu tiên vào năm 1940. Đó là trận không chiến huyền thoại khi phe ta không mất một chiếc nào mà tiêu diệt sạch 27 chiếc máy bay của không lực Trung Quốc. Sau này, khi làm giảng viên anh được các học viên dự bị đặt cho biệt danh là “Chiến thần Zero”, ta nghe nói kỹ thuật không chiến đã đạt đến mức thần kỳ.
Cả Nishizawa lẫn Iwai đều nói, “Chỉ cần qua được cú đầu tiên thì máy bay Mỹ cũng chẳng có gì ghê gớm đến thế”. Nhưng là họ nên mới có thể nói thế, mới có thể tự tin đến vậy phải không?
Iwamoto Tetsuzo nổi tiếng cũng cùng chiến đấu ở Rabaul thời đó, nhưng ở phi trường Torabe cách phi trường phía Đông chỗ ta khá xa nên ta không có cơ hội nói chuyện. Anh ấy là chiến binh ưu tú sánh ngang với Nishizawa nên không được gặp mặt cũng thật tiếc. Ngoài ra, trong những người luôn giữ được phong thái còn có Miyabe. Bây giờ nghĩ lại, vì vẫn sống sót trên chiến trường đó nên có lẽ Miyabe không chỉ đơn giản là một kẻ hèn nhát.
Nửa cuối năm 1943 chủ yếu là các cuộc đánh chặn địch nên ở Rabaul có nhiều máy bay địch bị bắn hạ. Hầu hết phi công đều nhảy dù xuống. Nếu là phi công Hải quân chúng ta thì đã tấn công liều chết, nhưng họ lại nhảy dù. Họ hoàn toàn không cảm thấy nhục nhã khi bị bắt làm tù binh. Chuyện này khiến bọn ta có phần ngạc nhiên, bởi bọn ta vẫn luôn được huấn luyện rằng “Không được sống trong nỗi nhục của tù binh”.
Một lần nọ, các máy bay ném bom B17 của Mỹ đến Rabaul không kích bị đội pháo cao xạ của phe ta bắn hạ. B17 rơi ngoài rìa phi trường. Các phi công đều thoát thân bằng dù trước khi máy bay rơi, nhưng do không đủ độ cao, dù nhảy không thể bung ra hết, tất cả họ đều chết.
Trong đó, có một người rơi xuống gần phi trường của Rabaul. Lính bảo trì chúng ta và các phi công đi xem, thì thấy dù bị mắc trên cây. Thân thể của người lính Mỹ đó không có vết thương nào nghiêm trọng nhưng anh ta đã ngừng thở.
Chúng ta lôi thi thể người lính Mỹ đó từ trên cây xuống. Bất chợt một người kêu lên, trong tay cậu ta cầm một tấm ảnh.
“Thằng đó đem theo thứ này đi chiến đấu này!”
Cậu ấy chuyển cho mọi người xem tấm ảnh. Đó là ảnh khỏa thân của một cô gái. Nói vậy nhưng chỉ là nửa thân trên thôi. Khi thấy bộ ngực trần đó, ta thật sự bị sốc, sốc vì tấm hình khỏa thân đó hơn cả việc tên lính Mỹ mang theo tấm hình như vậy bên mình. Trước đó ta chưa từng xem qua thứ gọi là ảnh khỏa thân phụ nữ.
Trong phút chốc, ta quên cả việc đang ở chiến trường, chăm chú nhìn tấm ảnh khỏa thân của người phụ nữ da trắng. Cả đám người ồn ào ban đầu cũng lặng phắc ngắm tấm ảnh.
Mọi người truyền tay nhau rồi đến lượt Miyabe. Anh ấy cũng như mọi người im lặng ngắm trong chốc lát rồi đột nhiên xoay nhìn mặt sau tấm ảnh. Khi thấy Miyabe nhìn chằm chằm vào mặt sau, ta đã có một suy nghĩ thật ngu ngốc, “Mặt sau cũng có à?”
Miyabe bỏ lại tấm hình vào túi áo ngực của thi thể. Khi một phi công vươn tay định lấy tấm ảnh ra lần nữa, Miyabe hét lên, “Dừng lại!”. Thế nhưng anh chàng đó không quan tâm, vẫn cho tay vào túi áo. Lúc ấy, Miyabe vung tay đánh cậu ta. Anh chàng bị đánh đó rất bất ngờ, nhưng ngay cả Miyabe cũng giật mình về hành động đó.
“Xin lỗi!”, Miyabe nói như sắp khóc.
“Chuyện này là sao?”. Anh chàng bị đánh biến sắc hét lớn.
“Đó là hình vợ người đàn ông đó”, Miyabe nói như rít lên. “Mặt sau viết dành tặng người chồng yêu dấu... cũng có thể là người yêu. Nếu được, tôi muốn chôn nó cùng anh ta”.
Khi nghe vậy, anh chàng bị đánh cũng im bặt. Sau đó, Miyabe lại xin lỗi một lần nữa, và một mình quay lại phía phi trường.
Ta nhìn lại người lính Mỹ đã chết. Anh ta còn trẻ, chỉ trạc 20 tuổi. Ta nhớ lại tấm ảnh cô gái kia, nụ cười có vẻ ngượng ngùng. Có lẽ đây là tấm ảnh mà cô ấy lấy hết can đảm để chụp tặng cho người chồng trước khi ra trận. Vậy mà người chồng ấy giờ đã chết tại hòn đảo nhỏ bên Nam Thái Bình Dương, và người vợ đang ở nhà ngóng trông chồng trở về vẫn chưa biết chuyện này. Sau đó, tấm hình được chôn cùng người lính Mỹ đã chết trong khu rừng già trên đảo.
Đến bây giờ ta vẫn nhớ như in câu chuyện đó. Trên chiến trường, ta đã thấy rất nhiều thi thể, phải nói là không đếm xuể. Xác của đồng đội cũng có, xác của lính Mỹ cũng có. Nhiều hình ảnh đã phai nhòa trong ký ức. Thế nhưng sao hình ảnh đó còn hằn sâu mãi trong tâm trí ta đến thế.
Sau đó, chắc vợ của anh ta ở đất liền sẽ nhận được tin báo về cái chết của chồng. Đối với người đã chết, bỏ người yêu thương lại thì còn gì đau đớn hơn.
Ta trở về quê hương sau khi chiến tranh kết thúc, và tìm được người bạn đời. Không phải ta thành tâm mong muốn kết hôn, chỉ là cảm thấy đã đến lúc phải ổn định cuộc sống và lập gia đình. Đối tượng tuổi tác cũng xấp xỉ chắc cũng mong muốn ổn định nên mới đến với ta. Sau khi xem mặt, không có ấn tượng xấu về nhau nên đã cưới. Dù vậy, ta lại không nhớ gì về cảm giác lúc đó.
Cảm giác yêu thương xuất hiện sau khi bọn ta đã kết hôn được một năm. Đêm hôm đó, ta vô tình ngắm vợ mình. Dưới ánh đèn, bà ấy đang ngồi khâu lại chỗ rách trên chiếc quần cho ta. Khi đó, ta là nhân viên bưu cục, đạp xe đi phát thư mỗi ngày.
Trước đó ta chưa từng ngắm vợ mình chuyên tâm khâu vá, ta bỗng nhìn xuống chiếc áo mình đang mặc, chỗ khuỷu tay cũng có miếng vá. Ta chăm chú nhìn bà ấy khâu từng mũi, từng mũi thận trọng. Giây phút thấy cảnh đó, ta cảm thấy một thứ tình cảm không diễn tả được bằng lời. Người phụ nữ này, họ hàng không có, nhan sắc cũng không. Người phụ nữ này đã khâu vá quần áo cho ta, đã chuẩn bị bữa cơm cho ta. Người phụ nữ này đây...
Ta bất ngờ ôm chầm lấy vợ. “Cẩn thận!”. Bà ấy khẽ kêu, lo kim may sẽ đâm vào tay ta. Ta mặc kệ, nhất mực ôm chặt lấy. Khi đó, lần đầu tiên ta gọi tên bà ấy. Vợ ta khá ngạc nhiên vì chuyện bất ngờ này, ngại ngùng đáp nhỏ “Dạ”. Chính giây phút đó ta đã yêu.
Các cháu có biết thứ hiện lên trong đầu ta lúc đó là gì không? Chính là người lính Mỹ năm xưa. Và rồi hình ảnh Miyabe bỏ tấm hình vào túi áo anh ta.
Ta ôm chặt lấy bà ấy. Sau đó bà ấy bảo ta đã khóc. Ta không nhớ, nhưng bà ấy đã nói thế, nên chắc là vậy.
Chúng ta đã có con trai vào lúc đó. Là người đã đón hai cháu lúc nãy. Giờ con ta đã là thành viên hội đồng thị trấn này rồi đấy. Một báu vật nữa trong cuộc đời ta.
Còn một lần nữa ta nhớ đến Miyabe và bật khóc.
Đó là ngày hội thể thao đầu tiên khi con trai ta lên tiểu học, năm 1955. Bọn trẻ mặc áo thể thao màu trắng chạy quanh sân. Ta và vợ ngồi ngoài rìa sân vận động, cổ vũ cho con trai. Mọi người đều rất vui vẻ. Cả người lớn lẫn trẻ con đều cười sảng khoái. Thằng con trai về áp chót trong cuộc đua nên mếu máo. Dù thế ta vẫn rất đỗi vui mừng.
Khi đó, nhìn khung cảnh vui vẻ xung quanh, bất chợt lòng ta tràn đầy cảm giác lạ kỳ, như bản thân lọt vào một thế giới nào khác. Ta đột nhiên nhận ra, mười năm trước, đất nước này đây vẫn còn chìm trong chiến tranh loạn lạc.
Những người cha đang cười nói nơi đây, trước kia đều là những binh sĩ cầm trên tay cây súng. Đều là những binh sĩ đã chiến, đấu ở Trung Quốc, ở Liên bang Đông Dương*, và các hòn đảo tại Nam Thái Bình Dương.

*[Đôi khi gọi là Đông Dương thuộc Pháp, hoặc Đông Pháp, là lãnh thổ thuộc quyền cai trị của thực dân Pháp nằm ở khu vực Đông Nam Á]

Hiện tại họ là thương gia, là công nhân viên chức đang ngày ngày nỗ lực làm việc vì gia đình, nhưng 10 năm trước, họ đều là những chàng trai chiến đấu quên mình vì đất nước này.
Lúc đó, ta bỗng nhớ tới Miyabe. Nếu còn sống, Miyabe cũng có thể cùng con đến tham gia Hội thao như thế này. Không còn là phi công Hải quân, không còn là người lái Reisen, chỉ là một người cha hiền từ, đến reo hò cổ vũ cho đứa con gái đang chạy trong sân trường. Không chỉ một mình Miyabe mà tất cả các sĩ quan và binh lính bị bắn ở Guadalcanal, hy sinh trong rừng già tại Imphal hay chìm cùng soái hạm Yamato. Quá nhiều chàng trai đã hy sinh trong cuộc chiến đó, tất cả họ đều bị cướp mất hạnh phúc này.
Ta đã không ngăn được nước mắt. Vợ ta ngẩn ra không hiểu nhưng vẫn giữ im lặng. Ta đứng dậy, đi về phía cuối sân trường, sau lưng lại vang lên tiếng reo mừng của bọn trẻ,
Ta ngồi sụp xuống bên gốc cây dẻ mà khóc.
* * *
Từ lúc câu chuyện được giãi bày, chị Keiko sụt sịt mãi, tôi cũng ngây cả người. Sau một hồi trầm mặc, ông Nagai nói.
- Đến cuối năm 1943, Rabaul đã không còn là căn cứ không quân nữa, toàn bộ phi công bị rút về. Những người còn lại cũng không còn máy bay để đánh chặn quân Mỹ. Hằng ngày, chúng ta đào đường hầm, chuẩn bị cho cuộc chiến trên mặt đất. Tuy nhiên, quân Mỹ không hề để mắt đến Rabaul mà hướng thẳng đến Saipan. Nếu khi đó họ tấn công Rabaul chắc mạng ta đã không còn. Rabaul bị cắt đường tiếp tế nên với cả Mỹ và Nhật, nó đều trở thành hòn đảo bị lãng quên. Ta ở Rabaul suốt đến khi chiến tranh kết thúc nhưng cuộc sống ở đó thực sự quá cực nhọc nặng nề.
Tôi khó khăn gật đầu. Ông Nagai nói tiếp.
- Dù vậy, cũng may mắn là nhờ đó kéo dài được mạng sống. Sau chiến tranh ta ra sức làm việc. Ta đã tìm được niềm vui trong lao động. Không chỉ riêng mình ta. Nhiều người đàn ông hạnh phúc khi được sống và được lao động. Không, ta nghĩ không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ cũng thế. Nhật Bản đã hồi phục thần kỳ sau chiến tranh. Nhưng mà này, cô cậu Saeki à, ta nghĩ đó là bởi những người đàn ông ngập tràn niềm vui sống, lao động và nuôi dưỡng gia đình. Và hạnh phúc đó là nhờ những người như Miyabe đã đổ máu và ngã xuống.
Ông Nagai lau nước mắt.
- Chỉ là có một điều ta thắc mắc. Miyabe là người rất quý trọng mạng sống, dù bị rêu rao là kẻ hèn nhát vẫn chọn con đường sống. Con người ấy... - Ông Nagai khẽ nghiêng đầu. - Tại sao lại tự nguyện tham gia cuộc tấn công cảm tử? Đúng là chuyện quá mức lạ lùng.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét