Không Chiến Zero Rực Lửa
Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*
Điên cuồng
Sau khi gặp ông Nagai, tôi đã lùng sục tìm
đọc những cuốn sách nói về trận chiến Thái Bình Dương. Tôi muốn biết các trận
chiến đã diễn ra như thế nào tại nhiều chiến trường khác nhau.
Càng đọc càng cảm thấy căm phẫn. Các binh
lính và hạ sĩ quan ở hầu hết các chiến trường đều bị sử dụng như những viên đạn
pháo. Chắc các tham mưu cấp cao của Bộ Tổng tư lệnh và Tổng hành dinh Đế quốc
chẳng hề quan tâm đến sinh mạng của binh sĩ. Chắc họ cũng chẳng quan tâm đến việc
các binh lính còn có gia đình hay người thương. Chính vì thế họ mới nghiêm cấm
việc đầu hàng, nghiêm cấm việc trở thành tù binh, kêu gọi việc xả thân vì danh
dự. Họ đã ra lệnh “Chết!” cho những người đã tận lực chiến đấu nhưng cuối cùng
vẫn chỉ nhận được thất bại.
Trung đoàn Ichiki tận diệt tại Guadalcanal
cũng vậy. Sau khi trận chiến kết thúc, bờ biển lúc rạng đông đầy rặt những
thương binh. Thấy quân Mỹ đến gần, dù không thể di chuyển nhưng họ vẫn cố dùng
hết sức lực cuối cùng nã súng, những người không còn đạn thì tự sát bằng lựu đạn.
Chuyện này lặp đi lặp lại ở bất cứ đâu.
Không quân cũng vậy. Họ được huấn luyện rằng
nếu bị trúng đạn, không còn hy vọng trở về thì phải tự phát nổ.
Thế hệ ông ngoại đã sống một thời kỳ vĩ đại
làm sao. Trong cuộc chiến chiến đấu anh dũng hết mình, sau chiến tranh lại dựng
xây đất nước từ tro bụi.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều tôi chưa hiểu
về Kamikaze. Có sách viết tất cả đều do tự nguyện nhưng cũng có cuốn lại cho rằng
đó là do ép buộc. Rốt cuộc ông ngoại tôi thuộc nhóm nào đây? Dù thế nào thì những
người như ông ngoại đã không được tự do tận hưởng tuổi thanh xuân của mình.
Cựu Trung úy Hải quân Tanikawa Masao đang sống
ở viện dưỡng lão Okayama.
Keiko nói muốn đi cùng tôi. Không biết từ
bao giờ tôi đã dẫn dắt chính trong vụ này, bởi việc liên lạc với các hội cựu
chiến binh đều do tôi thực hiện.
Chúng tôi đi tàu điện đến Okayama.
- Em nói với chị trước... - Vừa ngồi xuống
ghế, tôi đã nói ngay với Keiko. - Chuyện anh Takayama nói sẽ viết báo về cuộc
tìm hiểu ông ngoại, em chính thức từ chối.
Chị Keiko chỉ gật đầu.
- Có thể anh Takayama sẽ thấy khó chịu
nhưng em không thích đem chuyện của ông lên báo.
- Anh Takayama sẽ hiểu mà.
Tôi thoáng để ý biểu hiện của chị.
- Chị có gì với anh Takayama phải không?
- Có gì đâu. - Keiko nhìn ra ngoài cửa sổ,
tôi biết chị đang nói dối. Xưa nay chị tôi không giỏi che giấu cảm xúc, thế nên
tôi thường băn khoăn liệu chị có hợp với nghề phóng viên.
- Anh ta nói gì với chị à?
- Anh ấy cầu hôn chị. - Chị nhún vai.
Tôi ngạc nhiên dò xét gương mặt chị nhưng
không biết được chị vui hay buồn.
- Chị nói cho chị thời gian suy nghĩ.
- Chị đùa giỡn anh ta đấy à?
- Chị đâu phải con nít. Chuyện một đời người,
không thể trả lời đơn giản thế được.
- Thực lòng thì chị nghĩ sao?
- Chị nghĩ anh Takayama là người tốt, điều
kiện cũng khá. Vì thế chị định sẽ đồng ý.
Tôi vừa định mở miệng nói thì chị chặn
ngay.
- Chuyện này đến đây thôi!
Tôi nhắm mắt muốn ngủ nhưng cuối cùng cứ
miên man trong dòng suy nghĩ. Tôi không chắc anh Takayama có hợp với chị hay
không. Dù thế nào, đó cũng không phải việc tôi quản được.
Nhiều lần hé mắt, tôi vẫn thấy chị thẫn thờ
nhìn ra ngoài cửa sổ. Gương mặt nghiêng nghiêng của một phụ nữ 30 tuổi, chị
Keiko của tôi thật xinh đẹp mặn mà.
Bỗng nhiên lúc đó, trong đầu tôi chợt hiện
lên khung cảnh tám năm về trước, lúc anh Fujiki an ủi cô chị mít ướt của tôi
ngày anh trở về quê. Đó là tuần sau khi chúng tôi lái xe đến Hakone. Hôm đó,
tôi đến văn phòng của ông chơi, lâu lắm rồi mới lại mò lên sân thượng. Trên sân
thượng có trồng nhiều cây cảnh nên tôi rất thích lên đó ngồi yên tĩnh một mình.
Nghe thấy tiếng con gái khóc đâu đó gần cửa
sân thượng, tôi rón rén lén nhìn qua cửa kính. Chị đang ngồi sụp xuống đất
khóc. Anh Fujiki đứng bên cạnh với vẻ mặt đầy khổ sở. Anh Fujiki nói gì đó,
nhưng tôi không nghe được. Mỗi lần anh nói gì chị lại lắc đầu bật khóc. Ban đầu
tôi nghĩ anh Fujiki đã làm gì chị nhưng hình như không phải. Chị khóc như một đứa
trẻ vòi vĩnh vậy. Đó là lần đầu tiên tôi thấy người chị mạnh mẽ của mình khóc,
cũng chưa từng thấy gương mặt đau khổ của anh Fujiki khi nhìn chị như vậy. Tôi
lẳng lặng bước xuống cầu thang.
Tôi không biết lúc đó giữa hai người đã xảy
ra chuyện gì. Nhưng khi ấy, cô sinh viên Đại học mới lớn là chị, đang một lòng
yêu anh Fujiki.
Viện dưỡng lão nằm ở ngoại ô Okayama, là một
tòa nhà màu trắng mang kiến trúc cận đại, thoạt nhìn giống một căn hộ chung cư.
Ngay sau viện là núi, thiên nhiên rất hài hòa. Keiko đã tìm hiểu trên internet
và nói rằng chỉ cần nộp vài chục triệu yên là có thể sống ở đây đến cuối đời.
Chúng tôi đến văn phòng hỏi gặp ông
Tanikawa và được mời vào phòng khách. Gọi là phòng khách nhưng nó giống như một
phòng họp nhỏ. Giữa phòng đặt một cái bàn.
Không lâu sau, một ông lão ngồi xe lăn được
hộ lý đưa đến.
- Ta là Tanikawa. Xin thứ lỗi vì không thể
đứng dậy chào được.
Chúng tôi chào đáp lại.
- Rất lâu rồi mới lại có người đến thăm ta.
Cô hộ lý pha trà mời chúng tôi. Ông Tanikawa
cẩn trọng cầm chén, chậm rãi nhấp trà.
- Ta chưa từng nhắc lại chuyện thời chiến
khi ấy. Ta ghét bị nghĩ rằng mình khoe khoang chiến công, cũng không muốn bị
thương hại. Chưa nói đến chuyện ta không thể chịu nổi thói tọc mạch. Chắc đó là
tâm trạng chung của nhiều người từng trong cuộc chiến đó.
Chị định nói gì đó, nhưng ông Tanikawa quạt
tay chặn lại.
- Ta biết cháu muốn nói gì. Có lẽ đây thực
sự là chuyện phải kể cho thế hệ sau, là nhiệm vụ của những người từng ra chiến
trường. Ta nghĩ nhiều người kể về những trải nghiệm chiến tranh như sứ mệnh của
mình. - Ông Tanikawa đặt chén trà lên bàn. - Ta không còn sống lâu nữa. Vợ ta
đã đi trước rồi, sau khi chỉ còn một mình trên đời, ta đã suy nghĩ về việc này
nhiều năm, nhưng vẫn chưa có đáp án. Không chừng một ngày không xa nữa ta sẽ ra
đi.
Ông Tanikawa nhìn vào mắt tôi nói.
- Nhưng, hôm nay ta sẽ kể. Ta và Miyabe
cùng chiến đấu với nhau trong Phi đội 12 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Miyabe là
một phi công dũng cảm, không biết sợ hãi. Hơn nữa, lại là thiên tài về kỹ thuật
điều khiển trong các cuộc không chiến. Một khi đã bám theo địch thì tuyệt đối
không buông tha. Ta còn nhớ có ai đó đã nói, “Miyabe giống như con ba ba trơn vậy”.
Thời gian đó ở Thượng Hải đầy rẫy những tay
có tiếng như Akamatsu Sadaaki, Kuroiwa Toshio, Kashimura Kanichi. Cả Iwamoto
Tetsuzo nữa, nhưng thời ấy vẫn còn là phi công dự bị.
Akamatsu thường hay gây gổ. Cứ rượu vào là
mất kiểm soát. Các hành vi sai trái của anh ta không sao đếm xuể, đến mức không
được đề xuất huân chương. Sau chiến tranh, anh ta bị đánh giá không tốt, nhưng
về tài điều khiển thì không ai có thể chối cãi được. Anh ta khoác lác rằng đã bắn
rơi 350 máy bay nhưng kỹ thuật không chiến thì thực sự không hề khoác lác.
Kuroiwa là người kỳ cựu trong các cuộc
không chiến tay đôi. Chuyện anh ấy quay cậu Sakai Saburo như chong chóng trong
trận diễn tập không chiến khá nổi tiếng.
Trước chiến tranh Thái Bình Dương, anh ấy
làm việc tại hãng hàng không dân dụng. Trong cuộc chiến lại nhận nhiệm vụ vận
chuyển. Đến năm 1944, anh đã hy sinh ngoài khơi biển Mã Lai. Ta nghĩ nếu anh ấy
là người cầm cần điều khiển máy bay chiến đấu thì tuyệt đối đã không bị bắn.
Còn Kashimura nổi tiếng trong vụ bay một
cánh. Trong trận không chiến Nam Xương, chiếc chiến cơ trên mẫu hạm kiểu 96 của
anh ấy bị mất một cánh. Với khả năng điều khiển tài tình của mình, anh đã bay về
được. Chuyện khi đó còn được đăng báo, anh là phi công hải quân nổi tiếng nhất
cả nước thời tiền chiến. Hiển nhiên kỹ thuật không chiến cũng siêu việt. Ta
cũng được diễn tập không chiến cùng anh ấy vài lần nhưng hoàn toàn không thể địch
nổi. Dù vậy, năm 1943, Kashimura đã tử trận tại Guadalcanal.
Tài điều khiển của Miyabe cũng không hề
thua kém các đàn anh. Akamatsu từng nói, “Thằng nhóc ấy có vẻ là một thiên tài
đấy”.
Thế nhưng, Kuroiwa lại bảo, “Cứ liều lĩnh
như thế thì có mấy cái mạng cũng chẳng đủ đâu”.
Ta với Miyabe không mấy thân thiết. Bọn ta
cùng tuổi, vào hải quân cùng lúc nhưng Miyabe trở thành thực tập sinh khóa huấn
luyện bay sớm hơn, tay nghề cũng cao hơn hẳn nên ta không mang lòng ganh đua.
Duy có một điều khiến ta kiêu hãnh, đó là trước khi chiến tranh Thái Bình Dương
bắt đầu, chương trình huấn luyện vô cùng cao. Thời của ta, trong 8.000 người dự
thi thì chỉ có 50 người đỗ, cuối cùng chỉ còn 20 người có thể trở thành phi
công lái máy bay chiến đấu trên mẫu hạm. Tỷ lệ chọi vào khoảng 400.
Mùa xuân năm 1941, cả hai bọn ta đều được gọi
về nội địa, lên chiến đấu trên mẫu hạm. Tuy nhiên, Miyabe chiến đấu trên tàu
Akagi, còn ta thuộc Soryu đến cuối trận chiến. Vì vậy, từ sau trận Trân Châu Cảng,
dù cùng hoạt động trong một hạm đội suốt nửa năm nhưng chúng ta không có dịp gặp
gỡ. Đó là khoảng thời gian quân ta bành trướng. Nơi chúng ta tiến đánh không hề
có đối thủ. Nhưng liệu đó có phải là điều tệ hại nhất không? Các đô đốc vì thế
đều không tin rằng họ lại thua trận.
Thế nhưng, vì chúng ta luôn luôn chiến đấu ở
tuyến đầu, dù có trăm trận trăm thắng cũng không thể tránh được thiệt hại của
các thành viên phi đội. Trong cuộc chiến dù áp đảo đến mức nào vẫn luôn có những
chiế máy bay không trở về. Ngay cả trận Trân Châu Cảng cũng thiệt hại đến 29
chiếc. Bởi thế, bọn ta luôn phải nỗ lực hết mình, bởi nếu xảy ra sơ suất, chính
bọn ta là người thiệt mạng.
Ngay cả trong trận Midway, đội Reisen chúng
ta đã bắn hạ hơn cả trăm máy bay tại căn cứ và trên mẫu hạm địch. Kẻ gây ra thất
bại của trận hải chiến đó và cả trận Harada nữa, có lẽ là Nagumo*.
*[Nagumo Chuichi là đại tướng Hải quân Đế
quốc Nhật trong Thế chiến II, tướng tiên phong hàng đầu trong Hạm đội Liên hợp
của Nhật Bản và từng tham gia các trận đánh lớn của chiến trường Thái Bình
Dương như trận Trân Châu Cảng và trận Midway. Ông đã quyết định tự sát trước thất
bại của quân đội Nhật trong trận Saipan]
Sau khi trở về từ Midway, phi công bọn ta bị
giam giữ gần một tháng trong đất liền. Việc 4 mẫu hạm bị đánh chìm được ban lệnh
tuyệt đối giấu kín. Nếu để lộ ra ngoài, sẽ phải chịu hình phạt nặng nề trước
tòa án quân sự. Thật ngớ ngẩn! Tại sao lại không để cho quốc dân biết sự thật
chứ? Hơn thế nữa, còn giấu nhẹm sự thật đó với cả Lục quân. Vì thế đến khi đánh
trận Guadalcanal, Lục quân ngạc nhiên trước việc vì sao Hải quân có ưu thế hơn
quân Mỹ lại không thể chiếm được quyền kiểm soát biển và không phận.
Sau đó, ta được phân về hạm đội không quân
mới được hình thành. Các đồng đội không được phân lên mẫu hạm đã bị đưa đến
Rabaul. Ta lên chiến đấu trên con tàu được cải tiến thành mẫu hạm Hiyo, tham
gia chiến dịch cướp lại Guadalcanal. Chiến đấu trong cả trận hải chiến Nam Thái
Bình Dương* vô cùng cam go. Qua nhiều đợt tấn công, chúng ta đã đánh chìm chiếc
Hornet, thế nhưng quân ta lại mất quá nhiều phi công kỳ cựu, đặc biệt là các
chàng trai ưu tú của Kanbaku và Kanko.
*[Trận chiến Santa Cruz]
Kết cục vẫn không thể chiếm lại
Guadalcanal. Cuộc chiến cứ thế kéo dài nửa năm, phần lớn các phi công sống sót
từ trận Midway đã hy sinh trên bầu trời Solomon. Ta nghĩ chúng ta đã mất tám
mươi phần trăm phi công giàu kinh nghiệm quý giá tại đó. Hải quân Đế quốc đã để
xảy ra một lỗi lầm không thể nào khắc phục.
Sau đó ta quay về nội địa làm giảng viên nửa
năm, rồi được phân đến chiến đấu tại căn cứ Kupang trên đảo Timor thuộc
Indonesia. Tại đây chúng ta ngày ngày tấn công cảng Darwin của Úc.
Khoảng thời gian đó, Mỹ hoàn toàn nắm thế
chủ động Đông Nam Thái Bình Dương. Rabaul đã phải hứng chịu các chiến dịch phản
công của Mỹ. Trong tình thế đó, việc tấn công Úc hoàn toàn không thích hợp.
Người ta bảo Rabaul là mồ chôn các phi
công. Từ nửa cuối năm 1943, số đồng đội gạo cội ít ỏi bằng kỹ thuật lão luyện của
mình đã chống đỡ lại các đợt phản công của địch để sống sót. Đó là giai đoạn
đánh chặn những đợt tấn công của đối phương, nên cũng là cuộc chiến trên sân
nhà của chúng ta.
Iwamoto Tetsuzo khi ấy hình như cũng chiến
đấu tại Rabaul. Anh là phi công át chủ bài tuyệt vời trong cuộc chiến Thái Bình
Dương. Cuối cùng số máy bay anh bắn hạ có lẽ đã vượt quá con số 200 chiếc.
Có cả Nishizawa Hiroyoshi nữa. Có một khoảng
thời gian anh trở về đất liền nhưng đến năm 1943, anh đã trở lại Rabaul. Có lẽ
tài nghệ của Nishizawa còn hơn cả Iwamoto, được quân Mỹ đánh giá rất cao, đến độ
Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn còn trưng ảnh của anh.
Ngoài ra, còn có Iwai Tsutomu và Komachi
Sadamu. Komachi là một người trẻ có tài. Dù không nhiều nhưng họ thật sự là những
người xuất sắc, không dễ dàng bị bắn rơi. Miyabe cũng trong số đó.
Nhờ sự cố gắng của những người như
Nishikawa, Rabaul đã được giữ vững trong một khoảng thời gian nhưng thật tiếc,
đó vẫn là thiểu số chống đa số. Hơn nữa, chúng ta đã bị tước mất quyền kiểm
soát biển nên không thể nhận được sự viện trợ. Vì lý do đó, Rabaul rơi vào bế tắc.
Địch cũng nhận thấy không cần thiết phải cố gắng xâm chiếm Rabaul khi nó đã rơi
vào tình cảnh như vậy. Sau khi cô lập Rabaul, Mỹ quyết định một bước tấn công
thẳng Saipan.
Đầu năm 1944, ta trở thành phi công mẫu hạm
Zuikaku, chiến đấu trên Đảo Bắc, tức Philippines. Zuikaku đã chiến đấu từ trận
Trân Châu Cảng, đánh chìm Lexington trong trận Biển San Hô và Hornet tại Nam
Thái Bình Dương. Nó là mẫu hạm may mắn, chưa một lần bị thiệt hại. Khi gia nhập
thủy thủ đoàn Zuikaku, ta cảm thấy thật may mắn. Ta nghĩ nếu chiến đấu trên mẫu
hạm này không chừng có thể kéo dài được mạng sống của mình. Binh lính lại là những
kẻ quá tin vào vận mệnh.
Nhiều phi công từ các nơi được gom lại đưa
lên mẫu hạm.
Tại đó, ta đã bất ngờ gặp lại một người.
Miyabe. Cả hai chúng ta đều vô cùng ngạc nhiên. Bởi khi ấy, hầu như những người
còn sống từ thời chiến tranh Nhật-Trung đều đã tử trận, nên khi gặp lại chiến hữu
xưa, chúng ta vui mừng khôn xiết.
Ta và Miyabe không có mối quan hệ thân thiết
đặc biệt nhưng lần gặp lại ấy, vui mừng khôn xiết. Dường như Miyabe cũng vậy.
“Cậu vẫn còn sống à?”
“Tanikawa, anh cũng vẫn bình an”, Miyabe
nói.
“Thôi ngay! Chúng ta cùng tuổi, cậu cứ xưng
kiểu đó tôi khó nói chuyện lắm. Cứ xưng hô “tôi” với “cậu” là được rồi!”.
Miyabe mỉm cười. Sống trong quân đội mười
năm, cấp bậc của cả hai đều là Chuẩn úy.
“Được rồi, Tanikawa”.
Không ai kể về những trận chiến của mình
nhưng cả hai đều hiểu rõ việc còn sống được đến tận bây giờ là điều hết sức khó
khăn.
“Đợt này là tấn công tổng lực”, ta nói.
“Sẽ là một cuộc chiến gay go đây”.
“Không chừng đợt này chúng ta lại mất mạng”.
Nghe ta nói vậy, Miyabe chỉ giữ im lặng.
Hạm đội cơ động Nhật đánh chặn đội cơ động
Mỹ phản công gồm Shokaku và Zuikaku, hai mẫu hạm kỳ cựu từ trận Midway, và mẫu
hạm cỡ lớn mới chế tạo Taiho. Ngoài ra còn có 8 mẫu hạm khác, nhưng chỉ có mỗi
3 mẫu hạm này chính quy, những chiếc còn lại là mẫu hạm cỡ nhỏ được chế tạo từ
các tàu buôn. Mặt khác, quân Mỹ liên tục đầu tư mẫu hạm cỡ lớn như Essex. Theo
thông tin từ máy bay trinh sát, mẫu hạm địch có 10 chiếc. Binh lực giữa ta và địch
quá mức chênh lệch. Các mẫu hạm Essex này vô cùng kiên cố. Đến cuối cuộc chiến,
Hải quân Nhật vẫn không thể đánh chìm một chiếc nào.
Tuy nhiên, dù địch có hùng mạnh đến cỡ nào,
ta vẫn phải chiến đấu. Đó là chiến tranh.
Có một niềm khích lệ rằng các phi cơ thuộc
Hạm đội Không quân Một gồm Shokaku, Zuikaku, Taiho đều là những chiếc tối tân.
Máy bay chiến đấu là Reisen đời 52 kiểu mới, Kanbaku là Suisei*, Kanko là
Tenzan**. Phe ta đã không thể chiến đấu với Kanbaku 99 và Kanko 97 đời cũ nữa.
Sự xuất hiện của các máy bay đời mới đó giúp chúng ta vững tâm hơn. Đặc biệt,
chiếc Kanbaku Suisei có tốc độ nhanh hơn cả chiến cơ địch nên khá được kỳ vọng.
*[Yokosuka D4Y Suisei là kiểu máy bay ném
bom bổ nhào hoạt động trên các mẫu hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Tên mã của
Đồng Minh là Judy]
**[Nakajima B6N Tenzan là máy bay ném bom -
ngư lôi. Tên mã của Đồng Minh là Jill]
Hơn nữa, mẫu hạm mới Taiho lại là loại chiến
hạm cỡ lớn 40.000 tấn, sàn đáp được bọc thép và có thể chịu được các cuộc ném
bom bổ nhào với 500kg bom.
“Nếu có chiếc Taiho trong trận Midway thì
có lẽ chúng ta đã thắng rồi nhỉ?”
Đứng trên boong tàu Zuikaku ngắm chiếc
Taiho, ta nói với Miyabe. Bốn mẫu hạm trong trận Midway đều bị đánh chìm bằng
bom 500kg.
“Nói vậy là ngược rồi. Chẳng phải chính vì
chúng ta thảm bại trong trận Midway nên mới chế tạo chiếc hàng không mẫu hạm thế
này sao?”, Miyabe cười nói.
“Đúng vậy thật!”
“Hơn thế, tôi còn muốn được trang bị máy
bay có khả năng phòng vệ”.
Ta cũng nghĩ như thế. Đã có bao nhiêu phi
công lão luyện đã hy sinh vì không có tấm chắn đạn. Chỉ vì một viên đạn lạc mà
mất mạng thật hết sức vô lý.
Những chiếc như Grumman F6F dù bị cả trăm
phát bằng súng máy 7.7 li cũng chẳng hề hấn gì. Khi ở căn cứ Kupang, có lần ta
đã nhìn thấy xác chiếc F6F bị phe ta bắn rơi. Lúc đó, ta đã sửng sốt trước độ
dày của tấm chắn đồng. Đặc biệt, tấm chống đạn dày được đặt sau lưng phi công
là thứ mà súng máy 7.7 li không thể đâm thủng.
Ta khâm phục việc quân Mỹ thực sự coi trọng
sinh mạng phi công của họ. Ngoài ra, mỗi khi đến không kích, quân Mỹ luôn bố
trí tàu ngầm dọc đường đi. Việc đó nhằm cứu những phi công buộc phải hạ cánh khẩn
cấp trên biển.
Khi ta nói chuyện đó với Miyabe, cậu ta bảo.
“Việc máy bay bị bắn hạ nhưng phi công vẫn
có thể trở lại chiến trường sẽ giúp họ tận dụng những kinh nghiệm từ thất bại của
mình”.
“Còn chúng ta dù chỉ một lần thất bại, cũng
xem như chấm hết phải không?”
“Đúng vậy. Còn bọn họ làm vậy sẽ tích lũy
kinh nghiệm và dần được đào tạo thành những phi công thuần thục.”
“Có phải đó là nguyên nhân các phi công lão
luyện của chúng ta bị hao hụt đi không?”
Vào khoảng thời gian đó, kỹ thuật của quân
Mỹ đã được nâng cao, khác xa so với thời khai chiến. Ngoài ra, hai chiến cơ
tinh nhuệ mới Grumman F6F và Sikorsky đã hơn hẳn Reisen. Bọn họ điều khiển các
chiến cơ ưu việt đó, liên lạc bằng điện đàm, thực hiện các cuộc không chiến với
đội hình khéo léo. Hơn nữa, còn áp đảo về mặt số lượng. Dù thế nào, cuộc chiến
này sớm đã không thể thắng được.
Ngược lại, phi công phe ta hầu hết đều là
những người trẻ chưa tròn hai năm kinh nghiệm bay. Sự sụt giảm kỹ thuật đó
không gì có thể phủ lấp được. Điều đó hiện rõ như ban ngày khi ta xem buổi tập
cất cánh, hạ cánh trên tàu tại bến Tawi Tawi ở Bắc Đảo. Họ liên tục đáp hỏng, hết
đâm vào đuôi tàu, lại lật ngược trên boong, dùng dư lực từ đầu tàu khiến máy
bay rơi xuống. Mỗi buổi tập huấn đáp tàu lại tổn thất một số lượng tương đối lớn
máy bay và phi công, chính xác là hơn 50 vụ như thế. Chỉ tập huấn đáp tàu mà mất
binh lực tương đương một chiếc mẫu hạm.
“Trời ơi, chuyện gì đang diễn ra thế?”, ta
nói khi trong phòng chờ chỉ còn lại Miyabe. “Phi công không thể hoàn thành nổi
việc đáp tàu thì làm sao chiến đấu được đây?”
Miyabe ngồi xuống ghế, vắt chân.
“E rằng họ đã rút ngắn thời gian tập huấn,
cho tham gia thực chiến ngay. Trước đây, tôi có hỏi những phi công trẻ về số giờ
bay, chỉ 100 giờ. Với 100 giờ bay mà đáp được xuống mẫu hạm là việc quá sức”.
“100 giờ thì chỉ bay thôi cũng đã khó khăn
rồi”. Miyabe gật đầu, ta nói tiếp: “Chúng ta khi tấn công Trân Châu Cảng, tất cả
đều vượt quá 1.000 giờ”.
Miyabe nhìn xuống.
“Thẳng thắn mà nói, hoàn toàn khác Hạm đội
Không quân Một khi xưa”.
Chẳng bao lâu sau, chương trình tập huấn
đáp tàu bị ngưng lại. Bởi nếu cứ tiếp tục tập huấn như vậy, chỉ hao tổn vô số
phi công và máy bay. Còn một lý do khác, tàu ngầm địch thường di chuyển ngoài cảng
Tawi Tawi. Vì vậy, tập đáp tàu tại nơi như thế rất nguy hiểm. Tàu thuyền khi
tránh tàu ngầm sẽ di chuyển theo hình chữ chi, hay còn gọi là zigzag, nhưng khi
các máy bay cất và hạ cánh, mẫu hạm phải di chuyển thẳng theo hướng gió. Đó là
mục tiêu tấn công tuyệt hảo cho tàu ngầm.
Khu trục hạm của ta lại thiếu trầm trọng khả
năng chống tàu ngầm, không thể tiêu diệt các tàu ngầm địch đang hoành hành. Đó
cũng là bởi các thiết bị định vị và đo lường dưới nước ưu việt của địch. Hay
nói cách khác, đó là do sự chênh lệch về kỹ thuật công nghệ. Bộ Tổng tư lệnh chắc
hẳn cũng không thể để các mẫu hạm quý giá rơi vào tình trạng nguy hiểm bằng việc
tập huấn đáp máy bay.
Tối hôm nghe tin ngưng tập huấn đáp máy
bay, ta rủ Miyabe lên sàn đáp chính.
“Họ định làm gì mà cho ngưng tập huấn vậy
chứ?”
Một làn gió ấm áp thổi qua, hai chúng ta ngồi
xuống sàn boong.
“Phải chăng Bộ tham mưu nghĩ chỉ cần cất
cánh khỏi tàu là được. Bởi vì cất cánh là việc có thể xoay sở được”, Miyabe
nói.
“Nếu vậy nghĩa là chỉ có thể tiến hành tấn
công một lần?”
Miyabe gật đầu.
“E rằng Bộ Tổng tư lệnh định tấn công cảm tử.”
“Chuyện đó là sao?”
“Chắc hẳn họ định đánh cược vào một đợt
công kích.”
Nghe vậy, tâm trạng ta trở nên u ám. Việc
ngưng tập huấn là một tổn hại to lớn đối với các phi công. Sự thành thạo của một
phi công được duy trì bởi việc tập luyện, giống như trong thể thao vậy.
Gần một tháng trước trận chiến lớn nhất nổ
ra, chúng ta không được bay.
Và rồi tháng Sáu năm 1944, sau cùng quân Mỹ
cũng tấn công mạnh vào Saipan.
Đây dường như là điều các tham mưu không dự
đoán được. Khu vực Saipan và Guam có rất nhiều căn cứ địa của quân ta, nên chắc
họ không nghĩ rằng quân Mỹ sẽ đến tấn công. Đây cũng là một sự sơ suất nữa.
Hạm đội cơ động Mỹ đưa một số lượng lớn máy
bay đến những căn cứ đó. Đội phòng không tại căn cứ Nhật từng chiếc một gần như
bị phá hủy hoàn toàn.
Tuy nhiên, Saipan là nơi mà quân đội Nhật
phải cố giữ. Guadalcanal và Rabaul là những hòn đảo quân ta chiếm giữ từ khi
chiến tranh Thái Bình Dương bắt đầu, nhưng Saipan thì khác. Đây là lãnh thổ thống
trị của Nhật từ thời tiền chiến, có khu phố Nhật, có nhiều cư dân đang sinh sống.
Hơn nữa, nếu để mất Saipan, lãnh thổ Nhật Bản có thể sẽ gặp nguy hiểm bởi các
cuộc tấn công của máy bay ném bom đời mới B29. Chính vì thế, quân đội Nhật Bản
xem nơi đây là khu vực quốc phòng tuyệt đối phải bảo vệ.
Đô đốc Hạm đội Liên hợp khi biết việc quân
Mỹ đổ bộ vào Saipan đã phát lệnh tác chiến chiến dịch A. Chiến dịch A là chiến
dịch hủy diệt Hạm đội cơ động Mỹ.
Đô đốc Jisaburo Ozawa chỉ huy Hạm đội cơ động
số 1 từ Tawi Tawi tiến đến Saipan, ngày ngày đưa máy bay đi thám thính địch.
Đây là bài học rút ra từ thất bại của trận Midway.
Sau cùng, vào ngày 18, máy bay thám thính
đã phát hiện Hạm đội cơ động Mỹ. Thế nhưng vừa lúc mặt trời lặn, cự li lại quá
xa nên cuộc tấn công được dời sang ngày hôm sau.
Ngày hôm sau, khoảng cách giữa ta và địch
đã gần 400 hải lý. Thời điểm đó, Hạm đội cơ động của ta vẫn chưa bị Mỹ phát hiện.
Đối với ta, đây là một cơ hội lớn. Dù vậy, giả sử có bị phát hiện thì cũng chẳng
sao, bởi máy bay Nhật có tầm hoạt động xa hơn máy bay Mỹ, chúng ta có thể tấn
công từ khoảng cách mà đối thủ không với tay tới được. Nó cũng giống như độ dài
tay của võ sĩ quyền anh vậy.
Đây là chiến thuật Outrage* của Đô đốc
Ozawa trứ danh khắp thế giới. Bởi tấn công từ cự li Hạm đội cơ động Mỹ không thể
tấn công nên nó được cho là chiến thuật không có rủi ro.
*[Outrange: Chiến thuật tầm xa]
Nghe thì đúng là chiến dịch lý tưởng, nhưng
thực tế chuyện lại không thuận lợi như thế.
Đúng là đối với Hạm đội cơ động thì không
có rủi ro nhưng đối với đội không quân thì lại khác. Các phi đội bay 400 hải lý
tấn công địch không hề dễ dàng. 400 hải lý tương đương 700km. Cần phải bay trên
biển hơn hai giờ đồng hồ để đến không phận địch. Nếu là căn cứ địa cố định như
Hawaii thì tốt rồi, nhưng mục tiêu tấn công lần này là Hạm đội cơ động di chuyển
với tốc độ cao. Lúc đến được không phận địch thì địch cũng đã di chuyển cả trăm
cây số rồi. Thực sự có thể chạm trán được Hạm đội cơ động địch hay không cũng
không biết. Nhiệm vụ dẫn đường do các phi công kỳ cựu thực hiện, nhưng giữa đường
gặp máy bay đánh chặn của địch, đội hình tan rã, quân ta gần như không còn khả
năng đến được Hạm đội cơ động địch.
Vả lại, hầu hết phi công của ta bấy giờ đều
là người mới, ý chí vô cùng mạnh mẽ, hơn hẳn những phi công lão niên đã mệt
nhoài vì cuộc chiến. Thế nhưng, trên bầu trời chỉ có tinh thần thôi thì không đủ.
Nó thuần túy là cuộc chiến của tính năng máy bay và kỹ thuật điều khiển.
Sau khi kết thúc thành công đợt tấn công,
những phi công không đủ tự tin để quay lại mẫu hạm thì nhận lệnh bay đến căn cứ
địa đảo Guam, trang bị nhiên liệu, vũ khí, lặp lại các cuộc tấn công.
Cột buồm chính trên chiếc soái hạm Taiho
ngày hôm trước đã treo cờ Z*. Đó là tín hiệu cờ danh tiếng mà khi xưa Đô đốc
Togo Heihachiro đã treo ngay trước trận Hải chiến biển Nhật Bản**. Trong cuộc
chiến lần này, lá cờ Z chưa được treo lại lần nào từ sau trận Trân Châu Cảng.
Đúng là “Sự hưng vong của Đế quốc phụ thuộc vào trận đánh này”.***
Tâm trạng bọn ta lại ngày thêm căng thẳng.
*[Tín hiệu cờ zulu tập trung các tàu chiến
chuẩn bị cho trận đánh lớn]
**[Trận hải chiến Tsushima giữa Nga-Nhật]
***[Lời hiệu triệu của Đô đốc Togo]
Và rồi, vào một sáng tháng Sáu năm 1944,
Phi đội Ba cất cánh khỏi mẫu hạm tiến hành đợt không kích thứ nhất. Tiếp theo
Phi đội Một sẽ thực hiện đợt không kích thứ hai. Ta đảm nhiệm vai trò máy bay yểm
trợ cho Suisei của đội không kích thứ hai.
Ngày hôm đó, Hạm đội cơ động phe ta đã cho
xuất kích sáu đợt tấn công, con số khổng lồ tổng cộng vượt quá 400 máy bay. Đội
tấn công như vậy trước nay chưa từng có. Quy mô vượt xa trận Trân Châu Cảng.
Hơn nữa, tham chiến đều là các máy bay tinh nhuệ mới như Reisen đời 52, Kanbaku
Suisei, Kanko Tenzan.
Chỉ có điều đáng buồn là những phi công điều
khiển chúng lại khác thời Trân Châu Cảng. Điều đó hiện rõ ngay sau khi máy bay
cất cánh khỏi tàu. Họ không thể tạo nên một đội hình đẹp tập trung mật độ cao.
Không còn là đội Không lực Hải quân năm xưa nữa.
Kết quả à? Như các cháu tưởng tượng đấy.
Địch với thiết bị dò tìm định vị nâng cao
đã bắt sóng được đội không kích phe ta cách cả trăm hải lý, ngạc nhiên hơn là họ
còn đọc được cả cao độ. Nhưng tất cả đều là việc sau chiến tranh ta mới biết.
Ta không biết rằng các tham mưu từ Đô đốc Ozawa trở xuống có biết được khả năng
của thiết bị định vị Mỹ hay không. Có lẽ không, nhưng bọn ta buộc phải biết bằng
chính trải nghiệm của bản thân.
Quân Mỹ sử dụng toàn bộ các máy bay chiến đấu
cho nhiệm vụ đánh chặn, chờ mai phục đội không kích của ta. Với chiến thuật
Outrange, chúng ta sẽ bắt đầu tấn công trước nhưng ngược lại, ngờ đâu kẻ bị tấn
công lại chính là chúng ta.
Máy bay chiến đấu địch tấn công với số lượng
lớn hơn gấp bội từ vị trí cao. Ta loay hoay thoát khỏi cuộc tấn công nhưng
thành viên đội bay của ta nhanh chóng biến thành một ngọn lửa và rơi xuống. Ta
tìm cách tiêu diệt chiếc Grumman nhưng lại rơi vào tình trạng cứ bám đuôi một
chiếc, lại bị một chiếc khác bắn từ phía sau, không thể nào bắn trả được.
Máy bay quân ta lần lượt bị bắn rơi. Các
phi công non kinh nghiệm ngay cả bay tránh cũng không thể, cứ thế liên tục làm
mồi cho địch.
Các cháu có biết cuộc chiến khi đó được
binh lính Mỹ gọi là gì không? “Trận bắn gà tây tại quần đảo Mariana”.
Gà tây thế nào ta không biết nhưng nghe nói
nó di chuyển rất chậm chạp, ngay cả một đứa con nít cũng có thể bắn hạ. Đối với
phi công Mỹ, máy bay Nhật khi đó giống như đám gà tây vậy.
Dù lọt qua trận thứ nhất thì còn có trận thứ
hai. Địch bố trí mấy tầng máy bay chiến đấu. Kết cuộc chẳng có mấy chiếc đột phá
qua hàng phục kích đó, rất nhiều đã bị bắn rơi.
Dù vậy ta cũng hộ tống được vài chiếc
Kanbaku Sao chổi, đưa đến không phận địch. Suisei có tốc độ cao nên có thể xoay
sở được nhưng các Kanko Tenzan tốc độ chậm đều bị tiêu diệt hết.
Ta vẫn nhớ mình đã run rẩy thế nào khi đến
được không phận địch. Có khoảng 10 mẫu hạm cỡ lớn đang tập trung. Số mẫu hạm
chính quy Hải quân Nhật đầu tư cho trận chiến này chỉ có 3 chiếc, như là một võ
sĩ hạng nhẹ khiêu chiến với một võ sĩ hạng nặng vậy.
Trên không phận địch vẫn còn vô số các máy
bay bảo vệ đang đợi sẵn. Ta đã chấp nhận rằng vận mệnh của mình đến đây là kết
thúc. Nếu phải chết, ta cũng muốn để cho Kanbaku ném trúng địch một phát.
Ta tiến tới xáp lá cà với các chiến cơ địch
đến tấn công Kabanku Suisei. Không biết có phải nhờ ta chăm sóc kỹ lưỡng không
mà đạn địch không thể đến được Suisei. Ta bám sát Suisei, xua đuổi chiến cơ địch,
chờ đến lúc cần thiết sẽ làm vật thế thân.
Ta đã nhìn thấy Suisei bổ nhào xuống. Tàu địch
bắn pháo đối không lên dữ dội, màn đạn khủng khiếp nhất mà ta từng thấy. Cả bầu
trời tối đen. Suisei vẫn dũng mãnh xông vào màn đạn ấy. Ta thầm cầu mong “Cố
lên nhé! Bất kể là châu chấu đá xe, cho chúng một cú. Dù không thắng nổi cũng
chém nó một nhát đi”.
Nhưng giây tiếp theo, thật không thể tin
vào mắt mình. Kanbaku Suisei lần lượt bốc cháy, rơi xuống, lửa pháo đối không của
quân Mỹ đã bắn rơi Kanbaku Suisei như bắn tỉa bằng súng có ống ngắm. Ta ngẩn
ngơ nhìn những chiếc Suisei rơi.
Cuối cùng, Kanbaku Suisei hầu như không thể
mang về chiến tích nào. Ta cũng bị Grumman tấn công, chỉ có thể chạy trốn bằng
bản năng, không thể đánh trả lại. Địch liên tục đến tấn công kiểu mèo bắt chuột,
né chiếc này thì lại bị chiếc khác tấn công. Trốn được khỏi làn đạn của địch đã
là một sự cố gắng lắm rồi.
Mãi rồi mới thoát ra khỏi không phận địch,
đám Grumman đã thôi đuổi theo. Có lẽ chúng nhận nhiệm vụ bảo vệ hạm đội, nếu
kiên trì truy đuổi, chắc ta đã tiêu thật rồi.
Ta quyết định trở về hạm đội. Xung quanh
không hề có một chiếc máy bay nào phe mình. Ta cũng nghĩ sẽ bay đến căn cứ đảo
Guam, nhưng cuối cùng lại mạnh dạn chọn quay về mẫu hạm. Quyết định này đã cứu
sống đời ta. Đội tấn công đợt thứ ba xuất kích sau ta đã không thể tìm ra mẫu hạm
địch, không trở về tàu mà hướng đến Guam nhưng tất cả đều bị chiến cơ địch mai
phục trên không phận Guam bắn diệt.
Khi ta trở về tàu, mẫu hạm phe ta chỉ còn mỗi
một chiếc. Không thấy bóng dáng Taiho và Shokaku đâu, dù có vẻ như máy bay địch
chưa đến tấn công.
Ta hạ cánh xuống Zuikaku, báo cáo tình hình
chiến đấu với Phi đội trưởng, rằng cuộc đánh chặn của địch đã khiến chúng ta mất
nhiều máy bay tấn công, và địch gần như không chút hề hấn nào.
Phi đội trưởng nghe xong, chỉ nói “Vậy à?”.
Rồi lặng im.
Sau khi báo cáo xong, ta dò hỏi các thủy thủ
đoàn về Taiho và Shokaku thì được biết chúng đã bị tàu ngầm địch dùng ngư lôi
đánh chìm. Toàn thân ta rã rời. Trong khi trận công kích tổng lực của bọn ta kết
thúc trong thảm bại thì 2 chiếc mẫu hạm cũng bị đánh chìm... Thua đậm rồi!
Không lâu sau, một chiếc Reisen khác cũng
trở về. Là Miyabe. Cậu ta đã mất đồng đội. Trong trận không chiến ấy, hầu như
không ai dẫn được thành viên đội bay về. Máy bay Miyabe cũng bị trúng nhiều
phát đạn. Miyabe từ máy bay bước xuống, trông hoàn toàn kiệt sức.
Sau khi báo cáo tình hình chiến đấu, Miyabe
nhìn thấy ta, có vẻ ngạc nhiên. Ta biết rằng ánh mắt đó như muốn nói “Cậu cũng
giỏi sống sót đấy!”
Hai chúng ta vào phòng chờ phi hành đoàn,
căn phòng trống trải. Thành viên các phi đội xuất kích hôm nay hầu như đều
không trở về.
“Chúng ta bị thiệt hại thê thảm quá!”
“Có lẽ do thiết bị định vị của địch”,
Miyabe đáp.
“Cậu đã đến được không phận địch phải
không?”
Miyabe gật đầu.
“Vậy cậu thấy nó rồi chứ?”
Miyabe lặng yên một lát rồi đáp.
“Thấy”.
“Cậu có báo cáo không?”
“Nói qua rồi nhưng dường như Phi đội trưởng
lẫn các cán bộ đều thờ ơ”.
“Tôi cũng vậy. Tôi cố hết sức báo cáo mà họ
chẳng thèm chú tâm”.
“Có lẽ không tận mắt chứng kiến thì không
thể hiểu được”.
“Nó là cái quái quỷ gì vậy?”
Miyabe lắc đầu.
“Tôi không biết nó là gì nhưng tôi biết nó
khủng khiếp không thể tin được. Có lẽ chúng ta sẽ không thể đánh chìm mẫu hạm địch
được nữa”.
Thứ mà bọn ta đang nói đến là pháo đối
không của địch, có thể bắn trúng các máy bay ném bom với xác suất khủng khiếp.
Và bọn ta đều đã đoán đúng.
Thứ vũ khí bí mật đó được gọi là ngòi nổ gần,
có biệt danh Magic fuze hay VT fuze*, một thứ vũ khí đáng sợ. Đầu đạn pháo có một
radar cỡ nhỏ, nếu có máy bay tiến đến trong phạm vi đạn vài chục mét sẽ lập tức
tự phát nổ.
*[Variable time fuze: ngòi nổ cảm biến định
giờ]
Những chuyện này nhiều năm sau chiến tranh
ta mới biết. Để phát triển VT fuze, quân Mỹ đã bỏ số tiền tương đương với dự án
phát triển bom nguyên tử Manhattan. Khi biết chuyện đó, ta đã hiểu tư tưởng của
Mỹ và Nhật hoàn toàn khác nhau. VT fuze là vũ khí phòng vệ khỏi các đợt tấn
công, ý tưởng đó quân Nhật hoàn toàn không có. Quân Nhật chỉ suy nghĩ chế tạo
các loại vũ khí tấn công địch. Chủ yếu là các chiến cơ, với đầy đủ các ưu điểm:
tầm hoạt động xa, tính năng không chiến tuyệt vời, lại có pháo 20 li hùng hậu
nhưng lại không có gì phòng vệ.
Về căn bản tư tưởng đã khác nhau. Quân Nhật
ngay từ đầu đã thấm sâu tư tưởng xem thường sinh mệnh con người. Và đó chính là
nguyên do dẫn đến những cuộc tấn công cảm tử sau này.
Nhật Bản khi đó hoàn toàn không biết về VT
fuze. Vậy nhưng theo bản năng của mình, các đồng đội Kanbaku Suisei may mắn sống
sót vẫn nhận biết được.
“Nó đột nhiên phát nổ trước mắt tôi, như thể
có cơ chế nào đó”. Đó là lời một phi công Kanbaku Suisei kể lại với ta khi trở
về. Cậu ta là phi công máy bay ném bom sống sót từ sau trận Trân Châu Cảng nên
những lời của cậu ấy rất có trọng lượng. Tuy nhiên, dù có cố gắng truyền đạt thế
nào, các tham mưu đều không muốn tin về sự xuất hiện của một thứ vũ khí bí ẩn mới.
Họ chỉ nghĩ có lẽ kẻ thù đã gia tăng số lượng pháo đối không. Dù vậy, giả sử có
biết về VT fuze, ta nghĩ họ cũng không thể vạch ra được một đối sách hiệu quả.
Trong cuộc chiến tổng lực của Hải quân Đế
quốc Nhật Bản - Hải chiến quần đảo Mariana, trong ngày đầu tiên, phe ta đã mất
hơn 300 máy bay và 2 mẫu hạm quý báu. Chỉ trong vài giờ binh lực đều bị tàn
phá. Ngược lại, tổn thất của quân Mỹ gần như là con số không.
Ngày thứ hai, đến lượt Hạm đội cơ động Mỹ tấn
công hạm đội đang tẩu thoát của phe ta. Vô số máy bay chiến đấu trên mẫu hạm tiến
đến không kích hạm đội ta. Ta lên đánh chặn nhưng cũng bất lực trong cảnh thiểu
số chống đa số ấy. Vừa bắn máy bay ném bom, vừa phải cố hết sức không để bị chiến
cơ địch bắn hạ. Mười mấy chiếc chiến cơ sao có thể bảo vệ được mấy trăm chiếc
máy bay ném bom cơ chứ?
Trong trận này, chiếc Zuikaku bị trúng bom,
hư hỏng nhẹ. Đây là lần đầu tiên từ sau khi khai chiến, chiếc Zuikaku bị bắn
trúng. Cuối cùng, phe ta đã thoát được sau khi mất mẫu hạm cải biến Hiyo và hai
tàu chở dầu.
Ta hạ cánh khẩn cấp xuống biển, rồi được
khu trục hạm cứu. Chắc Miyabe cũng được cứu ở đâu đó.
Vậy là trận đánh cược Hải chiến quần đảo
Mariana đã hoàn toàn đại bại, Hạm đội Liên hợp đã mất khối lượng lớn binh lực,
hoàn toàn không thể động được gì đến bộ binh của địch tại Saipan.
Lục quân Nhật Bản tại Saipan hầu như đều bị
tiêu diệt, người dân cũng hy sinh rất nhiều. Nhiều người Nhật đã nhảy xuống
vách núi Vạn Tuế* tự sát. Sau chiến tranh, khi xem bộ phim do Mỹ dựng, quay cảnh
từng người từng người dân Nhật Bản từ trên vách đá nhảy xuống, ta đã không thể
cầm được nước mắt. Trong lòng ta vang lên câu “Xin thứ lỗi cho chúng tôi!”
không biết bao nhiêu lần.
*[Tức Banzai Cliff, thuộc Quần đảo Bắc
Mariana]
Sau khi từ Mariana trở về đất liền, Zuikaku
được đưa vào bến tàu sửa chữa. Phi công chúng ta được phân về các nơi. Khi ấy,
chúng ta được mấy ngày phép. Ta không nhớ Miyabe được phân đến phi đội nào,
nhưng vẫn còn nhớ cuộc nói chuyện của ta và cậu ấy trước khi chia tay.
“Đã lâu rồi tôi chưa gặp lại gia đình”,
Miyabe nói. “Tanigawa, cậu định làm gì?”
“Tôi chỉ có ba ngày phép, thời gian di chuyển
Okayama đã ngốn hết thời gian. Tôi sẽ về khi có nhiều ngày phép hơn”.
Miyake suy nghĩ một chút rồi hỏi.
“Cậu không có người thương hả?”
“Phụ nữ ấy à?”
Miyabe gật đầu.
“Làm gì có ai. Đám phụ nữ tôi gặp chỉ có ở
nhà tiêu khiển thôi”.
“Ở quê không có sao?”
“Không có”, ta cười nói nhưng bất giác lúc
đó lại nhớ đến khuôn mặt của một cô gái.
“Thực ra có một người”, ta nói. “Đó là cô bạn
thời thơ ấu. Thời con nít ngây ngô ấy mà. Chắc đã lấy chồng lâu rồi”.
Nói đến đó, lòng ta chợt man mác buồn. Ta
đã sống trong Hải quân từ hồi 15 tuổi. Giờ đã 25, nhưng ngoài Hải quân ta chẳng
biết gì khác. Không có thời thanh xuân nào khác.
Câu chuyện chỉ có vậy nhưng nó đã tạo nên một
bước ngoặt thay đổi cuộc đời ta.
Ta làm giáo quan* tại Kisarazu một thời
gian ngắn, rồi mùa thu lại quay ra chiến trường. Nơi ta đến là Bắc Đảo.
*[Giáo quan: những sĩ quan giảng dạy trong
quân đội không quân thực hành]
Sau khi có quyết định trở lại chiến trường,
trong lúc chờ sắp xếp tàu vận tải, ta lấy được một tuần phép.
Trở về quê hương sau một khoảng thời gian
dài, dân làng làm một buổi tiệc đón tiếp ta. Vì là phi công từng tham gia Trận
Châu Cảng nên từ hai năm trước ta đã trở thành người hùng của làng. Nhưng thật
khó xử khi bị dân làng hỏi về tình hình chiến trận. Bởi những phát ngôn của Tổng
hành dinh Đế quốc đều hoàn toàn là bịa đặt. Thế nhưng, dân làng lại tin vào những
điều ấy nên buộc lòng ta phải nói những lời hoa mỹ. Cuộc sống thường nhật thiếu
thốn vật chất nhưng khi đó lãnh thổ vẫn chưa bị không kích, nên người dân hậu
phương vẫn chưa cảm nhận thật sự nỗi sợ hãi chiến tranh.
Ta cũng chẳng thể mở miệng kể chuyện xảy ra
ở Mariana cho họ. Hơn nữa ta được lệnh rằng trong lúc nghỉ phép, tuyệt đối
không được bàn tán tình hình chiến sự.
Khi ấy, đến phụ giúp có một cô gái khá xinh
đẹp tên là Shimada Kae. Thời tiểu học, cô bạn ấy chính là tình yêu đầu của ta,
người mà ta đã nói với Miyabe.
“Masao giờ đã ra dáng rồi nhỉ”. Cô ấy nói.
“Cám ơn”.
Cố gắng lắm ta cũng chỉ nói được vậy. Khi ấy,
ta vẫn chưa biết gì về phụ nữ. Rất nhiều lần được rủ đến nhà tiêu khiển nhưng sự
thật là ta chưa đi lần nào.
“Masao bây giờ lại là anh hùng dân tộc, thật
không thể tin được”, Cô ấy nói, bật cười khanh khách.
“Tôi cũng nghĩ vậy”, ta trả lời nghiêm túc
nên cô ấy càng cười dữ dội hơn.
“Ngày xưa có lần tôi còn làm Masao khóc nữa”.
“Tôi nhớ chứ”.
Chính xác là vào khoảng năm một tiểu học.
Kae là một cô bé mạnh mẽ. Khi đó, bọn ta cãi nhau chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt.
Ta bị Kae đánh liên tục vào đầu nên òa khóc. Kỷ niệm đó thật bẽ mặt nên trong
suốt một thời gian dài ta vẫn nhớ rất rõ.
“Nhưng giờ cậu đã là phi công bắn máy bay
Anh Mỹ”.
“Ừ”.
“Cậu đã vất vả vì quốc gia rồi”.
Kae gập người chào rồi rời khỏi ghế, không
quay lại lần thứ hai.
Trong suốt buổi tiệc, ta nghĩ mãi về cô ấy.
Có lẽ do ta uống nhiều rượu chăng? Cuối buổi, ta hỏi bác trưởng thôn.
“Cô Shimada Kae bây giờ đang sống một mình ạ?”
“Cậu để ý Kae rồi à? Có hơi trễ đấy, nó là
hoa khôi của làng mà”.
“Cô ấy đã chọn được ai rồi ạ?”
“Chuyện đó thì chưa. Cậu muốn cưới Kae
không?”
Ta trả lời không cần suy nghĩ.
Thế là trưởng thôn bảo “Ta biết rồi”. Chuyện
ở đó chỉ vậy thôi. Ngày hôm sau, khi ta đang nghỉ ngơi ở nhà thì trưởng thôn và
cha của Kae đến. Hai người nói chuyện với cha và anh trai ta, đồng ý cho ta và
Kae thành hôn với nhau.
Sau đó, quyết định tổ chức hôn lễ vào hai
ngày sau. Ba ngày sau ta phải trở về quân đội.
Đây không phải lúc có thể chờ đợi được nữa,
ta đã sẵn sàng. Hai ngày sau, hôn lễ diễn ra tại nhà ta. Từ sau ngày hôm đó,
chúng ta chưa từng nói chuyện lại. Sau buổi tiệc, khi chỉ còn hai người, đêm
cũng đã khuya.
Kae cúi đầu nói.
“Từ nay trông cậy vào anh đấy”.
Ta cũng nhẹ nhàng đáp lại.
“Chính anh mới là người phải nói câu đó”.
Bấy giờ ta đã rất căng thẳng, ở chiến trường
cũng chưa từng căng thẳng đến thế.
Dù vậy, ta bấm bụng nói.
“Anh có chuyện không thể không nói với
Kae”.
“Dạ”.
“Tổng hành dinh thông báo với quốc dân rằng
Nhật Bản đang giành thắng lợi nhưng sự thật là chúng ta đang dần thua trận”.
Kae lẳng lặng gật đầu. Ta hiểu ra sự thật rằng
dân làng không tin vào những phát ngôn của Tổng hành dinh. Mặc dù chưa bị không
kích nhưng họ cảm nhận được tình hình chiến sự đang diễn biến xấu đi.
“Ngày mai, anh phải trở về quân đội. Lần
này không biết sẽ đi đâu. Nếu lại phải ra chiến trường, không chừng khó có thể
sống sót trở về”.
“Dạ”.
“Hôn lễ vừa xong lại nói những lời này... Nếu
có nói gì không phải, anh xin lỗi. Nhưng nếu anh hy sinh, em sẽ trở thành góa
phụ. Khi đó, em đừng quan tâm gì đến chuyện nhà anh, hãy tìm cho mình một người
đàn ông khác”.
“Xin anh hãy cố sống trở về”.
“Anh không thể hứa. Anh muốn giữ Kae vẫn là
một cô gái còn trong trắng. Bởi nếu anh không trở về, em đến với người khác sẽ
tốt hơn”.
Kae chăm chú nghe những lời ta nói. Im lặng
một lúc lâu sau, cô ấy nói.
“Tại sao anh lại muốn em trở thành cô dâu của
anh?”
“Vì anh yêu em”.
“Anh có biết vì sao em lại đồng ý lấy anh
không?”
“Vì sao?”
“Vì em cũng yêu anh”.
Cả đêm hôm ấy, ta ôm chặt lấy Kae không rời.
Bắt các cháu nghe chuyện tào lao rồi. Bỏ
qua cho ta nhé. Ngày hôm sau, ta từ biệt Kae.
Ba ngày sau, ta rời Nhật Bản. Địa điểm phản
công kế tiếp của quân Mỹ là đảo Leyte ở Bắc Đảo.
Hạm đội Liên hợp đã triển khai kế hoạch tác
chiến nhằm tiêu diệt quân Mỹ đổ bộ xuống Leyte. Gọi là chiến dịch Ichi-go*.
Mabalacat**... âm thanh nghe mới chướng tai
làm sao. Không, đó không phải là lỗi của tên vùng đất ấy. Nhưng với ta, chỉ cần
nghe tên thành phố đó thôi tâm trạng đã phủ một màn u ám rồi.
*[Chiến dịch Ichi-go (Nhất hiệu tác chiến)
là một chiến dịch quy mô lớn của Lục quân Đế quốc Nhật Bản nhằm bình định tuyến
đường nối từ Hoa Bắc xuống Đông Dương và tiêu diệt căn cứ không quân Mỹ ở miền
Đông Nam Trung Quốc]
**[Mabalacat là thành phố thuộc tỉnh
Pampanga]
Một đêm không lâu sau khi ta đến, toàn bộ
thành viên phi hành đoàn từ hạ sĩ quan trở xuống được gọi tập trung tại sở chỉ
huy. Trước đông đủ các thành viên, phó chỉ huy nói.
“Tôi tập trung các cậu đến đây, không gì
khác hơn là muốn nói: Hiện nay, Nhật Bản đang rơi vào tình cảnh nguy hiểm chưa
từng có. Tình hình chiến sự vô cùng cam go. Vì thế, từ bây giờ, chúng ta sẽ tổ
chức các đợt tấn công cảm tử với quân đội Mỹ”.
Ta lập tức hiểu ra điều đó có nghĩa gì. Họ
bảo chúng ta dùng thân mình đi công kích.
“Tuy nhiên, vì tấn công cảm tử là chiến thuật
chỉ có chết chứ không thể sống, nên chỉ những người tự nguyện mới được tham
gia”.
Không khí trở nên căng thẳng, một sự im lặng
nặng nề bao trùm khắp căn phòng chỉ huy.
“Những người tự nguyện bước lên một bước!”
Sĩ quan đứng bên cạnh Phó chỉ huy lớn tiếng
ra lệnh.
Thế nhưng chẳng ai động đậy. Đây không phải
là việc có thể dễ dàng bước lên và bảo “Có tôi”.
Làm sao có thể lập tức trả lời khi được bảo
“Bây giờ, ở đây, những cảm tử quân hãy tự ứng cử đi”. Chuẩn bị sẵn sàng cho cái
chết và chuyện này là hoàn toàn khác nhau.
“Có đi hay không?”
Một sĩ quan gằn giọng. Vào giây phút đó, có
vài người tiến lên trước một bước. Như bị lôi kéo, toàn đội đều bước lên một bước.
Bất giác nhìn lại ta cũng đã tiến lên cùng mọi người.
Sau chiến tranh, ta đã đọc một quyển sách
viết về chuyện lúc ấy. Nó viết rằng thành viên các phi đội chen chúc nhau tiến
ra “Hãy để tôi đi!” đáp lại lời kêu gọi của sĩ quan.
Dối trá!
Như vậy đấy, đó là một mệnh lệnh bất thành
văn. Bọn ta đã không được cho thời gian để suy nghĩ. Chúng ta chỉ làm theo mệnh
lệnh như một phản xạ quen thuộc của một quân nhân và chợt nhận ra, điều đó đồng
nghĩa với việc ký tên vào bản án tử hình của chính mình vậy.
Khi trở về doanh trại, không khí nặng nề
lan truyền. Người đầu tiên ta nghĩ tới chính là Kae. Ta không thể giữ lời hứa với
cô ấy được nữa rồi. Thứ hiện lên trong đầu ta không phải gương mặt giàn giụa nước
mắt của Kae mà là gương mặt giận dữ của cô ấy. Là gương mặt của Kae khi còn nhỏ
đã đánh ta. Trong lòng ta cảm thấy thật có lỗi.
Đến lúc ấy, ta chưa từng viết qua thứ gọi
là di thư, nhưng đó là lần đầu tiên ta viết. Ta không nhớ khi ấy mình đã viết
gì, chỉ nhớ câu mở đầu rằng: “Gửi Kae yêu dấu!”
Thực lòng mà nói, ta không sợ chết, không
phải vì cố làm ra vẻ như vậy đâu. Từ sau trận Trân Châu Cảng, ta đã không còn
nghĩ nhiều về mạng sống nữa. Nhiều phi công ưu tú hơn ta đã hy sinh. Bản thân
ta đến lúc ấy đã trải qua gần trăm trận không chiến, nhiều lần máy bay bị trúng
đạn của địch. Chúng đều không phải những đòn chí mạng nhưng nhiều lần chỉ cần
xê dịch vài chục centimet là bị tiêu diệt rồi. Ta còn sống đến bây giờ chẳng
qua nhờ may mắn thôi. Sau cùng rồi ta cũng phải đi theo đồng đội.
Tuy nhiên, việc sẵn sàng cho cái chết khi
đi tấn công và việc xuất kích xác định trước cái chết là hai chuyện hoàn toàn
khác nhau. Cho đến tận lúc đó, dù khả năng rất nhỏ nhoi nhưng chúng ta vẫn còn
một tia hy vọng trong chiến đấu. Thế nhưng, cuộc tấn công đặc biệt này khó lòng
may mắn. Tất cả mọi nỗ lực để sống sót đều vô ích. Nếu xuất kích nhất định sẽ
chết.
Dù vậy, một khi đã tình nguyện tham gia thì
phải chết như một đấng nam nhi. Ta chỉ cảm thấy hối tiếc về chuyện của Kae. Tận
sâu trong đáy lòng, ta hối hận vì đã kết hôn, nhưng một mặt, ta lại nghĩ vì Kae
ta có thể hy sinh.
Ta còn nhớ việc Đô đốc Hạm đội Không quân Một
Onishi Takijiro đến Mabalacat sau khi chúng ta đã tự nguyện tham gia.
Theo lịch sử thì Đô đốc Onishi đến
Mabalacat để đưa ra phương án tấn công cảm tử và giao nhiệm vụ đội trưởng cho Đại
úy Seki Yukio nhưng chuyện đó thật kỳ lạ. Bởi vì, các hạ sĩ quan trước đó đều
đã bị bắt tình nguyện tham gia tấn công cảm tử. Chắc chắn trước khi Đô đốc
Onishi đến, cuộc tấn công cảm tử đã được định.
Sau đó chẳng bao lâu, thành viên đội tấn
công cảm tử được công bố. Gồm 24 người với đội trưởng là Đại úy Seki.
Ta thở phào khi trong danh sách không có
tên mình. Ta cũng biết rằng một khi đã đăng ký tự nguyện thì sớm hay muộn cũng
phải tham gia tấn công nhưng lúc ấy ta vẫn thấy nhẹ nhõm. Ta cũng ghê tởm chính
bản thân mình.
Tâm trạng các phi công được chọn rất khó diễn
tả. Không thể nhìn họ bằng con mắt đáng thương hay xui rủi. Các cháu có hiểu
không? Sắc mặt của họ không đổi. Đúng như sự chờ đợi của họ. Ta tự hỏi nếu là
mình, liệu ta có cư xử được như thế không. Có lẽ nhiều phi công không bị chọn
cũng nghĩ vậy.
Đô đốc Onishi nói trước các phi công được
chọn.
“Nước Nhật đang đứng trước hiểm nguy. Người
có thể cứu quốc gia khỏi cơn nguy này không phải là Bộ trưởng, Đại tướng, cũng
không phải là các chỉ huy quân sự. Dĩ nhiên càng không phải Đô đốc ta. Đó chỉ
có thể là những chàng trai trẻ tràn đầy sinh lực như các cậu đây. Thay mặt cho
trăm triệu quốc dân, tôi xin nhờ các cậu. Cầu mong thành công. Mọi người từ lâu
đã quyết hy sinh tính mạng mình nên chắc cũng không mong muốn gì phải không? Chỉ
là, nếu không thể cho quốc dân biết thành quả chiến đấu của mình thì thật đáng
tiếc. Tôi sẽ là chứng nhân cho việc này và nhất định sẽ trình báo lên Thiên
hoàng”.
Sau khi kết thúc lời huấn thị, ông bước xuống
bục và nắm lấy tay từng người, từng người trong đội tấn công cảm tử.
Đội tấn công cảm tử được đặt tên là Đội tấn
công đặc biệt Thần Phong. Lúc ấy đọc là Shinpu, nhưng về sau được gọi là
Kamikaze. Sau đó, các phi đội được đặt tên là “Shikishima*”, “Yamato**”,
“Asahi***”, “Yamazakura****”. Những tên gọi trên được rút ra từ bài thơ của
Motoori Norinaga. “Nếu có ai hỏi bạn về linh hồn của nước Nhật, hãy trả lời đó
là đóa anh đào trên núi đang tỏa hương dưới ánh ban mai”.
Cùng lúc, Hạm đội Liên hợp phát lệnh tiến
hành chiến dịch Ichi-go. Đó là chiến dịch Hạm đội Liên hợp đưa tổng lực ngăn chặn
việc quân Mỹ đổ bộ xuống Bắc Đảo.
*[Tên nước Nhật trong thơ ca]
**[Tên nước Nhật xưa]
***[Ánh ban mai]
****[Hoa anh đào trên núi]
Nhật Bản đã sắp bị dồn đến đường cùng.
Quân Mỹ đã vây hãm Saipan và mục tiêu tiếp
theo là Bắc Đảo. Nếu Bắc Đảo bị Mỹ chiếm thì chúng ta sẽ bị cắt liên lạc hoàn
toàn với phía Nam. Như vậy thì nguồn nhiên liệu như dầu mỏ cũng sẽ bị cắt đứt.
Vì vậy, Lục quân và Hải quân đều quyết sống chết cố thủ Bắc Đảo.
Hạm đội Liên hợp đã xuất quân tấn công quân
Mỹ đổ bộ lên Bắc Đảo.
Tiêu diệt đoàn tàu vận tải địch. Đó là sứ mệnh
được giao, chính vì thế, Hạm đội Liên hợp đã nghĩ ra một chuyên vô cùng khủng
khiếp. Sử dụng Hạm đội cơ động làm mồi nhử, dẫn dụ Hạm đội cơ động Mỹ. Trong
lúc đó, sẽ cho lực lượng tàu nổi dẫn đầu bởi hai chiếc Yamato và Musashi đột
kích vào vịnh Leyte, chôn vùi một loạt đoàn tàu vận tải địch. Đó chính xác là
chiến lược chịu đấm ăn xôi.
Dù vậy, toàn bộ những chuyện ấy sau chiến
tranh ta mới biết. Lúc bấy giờ, các phi công tại căn cứ quân sự hoàn toàn không
biết toàn bộ tình hình chiến sự đang diễn ra thế nào, chỉ chiến đấu như đã được
lệnh.
Đội tấn công đặc biệt được giao nhiệm vụ yểm
trợ lực lượng tàu nổi đột kích Leyte từ mạn sườn. Nếu tấn công cảm tử vào sàn
đáp của mẫu hạm Mỹ thì các máy bay chiến đấu trên đó không thể cất cánh được.
Như vậy sẽ giảm thiểu việc lực lượng tàu nổi bị tấn công từ trên không, đột
kích vào vịnh Leyte sẽ dễ dàng hơn.
Nếu phe ta có đầy đủ máy bay chiến đấu thì
phi đội ở căn cứ có thể yểm trợ lực lượng tàu nổi, hoặc trực tiếp tiêu diệt Hạm
đội cơ động Mỹ. Thế nhưng, không quân Nhật không còn khả năng thực hiện tấn
công quy mô lớn như thế nữa.
Trong tình hình đó, cuộc tấn công cảm tử đã
ra đời.
Phi toán Shikishima dưới sự chỉ huy của Đại
úy Seki Yukio, xuất kích vào ngày 21 tháng Mười. Thế nhưng hai ngày liên tiếp
không gặp được địch, đành phải quay về căn cứ. Ta nghĩ đây là một việc vô cùng
tàn nhẫn.
Đại úy Seki mới cưới vợ. Bỏ lại cô ấy mà chết
thì thật quá đắng cay. Anh ấy trước khi xuất kích đã nói với đồng đội thân thiết
rằng: “Tôi không hy sinh vì Tổ quốc, tôi hy sinh vì người vợ yêu quý của mình”.
Tâm trạng đó ta hiểu. Ta nghĩ ngoài Đại úy Seki, các đồng đội khác trước khi chết
đều suy nghĩ về sự hy sinh của mình, sau nhiều lần đấu tranh tinh thần mới tấn
công bình thản.
Không phát hiện ra địch, tâm trạng mỗi khi
trở về sẽ ra sao? Thêm chút thời gian hưởng thụ cuộc sống, đối với họ đau khổ đến
nhường nào. Cứ nghĩ đêm nay là đêm cuối cùng của cuộc đời nhưng tối hôm sau lại
phải trải qua một đêm nữa. Đau đớn tột cùng!
Thế nhưng các thành viên trong phi đội, gồm
cả Đại úy Seki đều không để lộ sự đau khổ ấy. Thật xứng là những người đàn ông
vĩ đại!
Đến lần xuất kích thứ tư thì họ đã không
còn quay trở về.
Ngày hôm đó, yểm trợ phi đội Shikishima là
4 chiếc Reisen được dẫn dắt bởi Chuẩn úy Nishizawa hôm trước được gọi đến từ
căn cứ không quân Clark. Đúng, chính là Nishizawa huyền thoại của Rabaul. Chắc
hẳn ngoài việc hộ tống máy bay cảm tử anh ấy còn được gọi đến với nhiệm vụ dẫn
đường đến tàu địch.
Toàn bộ 5 chiếc máy bay thuộc phi đội
Shikishima của Đại úy Seki đã công kích thành công, đạt chiến tích lớn, làm hư
hỏng nặng 3 mẫu hạm hộ tống. Chuyện này ta nghe qua điện báo từ căn cứ đảo
Cebu. Cuộc tấn công cảm tử đầu tiên trong lịch sử đã kết thúc thành công. Người
báo cáo thành quả chiến đấu là Chuẩn úy Nishizawa. Báo cáo khi ấy của Nishizawa
rất chính xác. Sau này, quân đội Mỹ phát ngôn rằng họ đã bị đánh chìm một chiếc
và hư hỏng nặng 2 chiếc.
Chuẩn úy Nishizawa đã bảo vệ phi đội
Shikishima khỏi các chiến cơ của địch. Sau khi chứng kiến cuộc đột kích trong
làn đạn pháo đối không hung tợn, anh đã truy đuổi và bắn hạ hai chiếc Grumman
F6F rồi bay đến căn cứ đảo Cebu.
Ta nghe các thành viên phi hành đoàn chiến
đấu tại căn cứ đảo Cebu nói, Chuẩn úy Nishizawa từ Reisen bước xuống, sát khí kỳ
quái, không ai dám bắt chuyện.
Ngoài ra, trận tấn công khi ấy có chiến
tích lớn nhất trong các chiến dịch tấn công cảm tử cho đến cuối cuộc chiến. Gây
cho quân Mỹ một đòn bất ngờ là yếu tố thành công lớn nhất, nhưng có phi công giỏi
nhất Hải quân Nhật Bản hộ tống cũng là một lý do quan trọng phải không? Thật mỉa
mai, không chừng chính thành công rực rỡ khi ấy lại làm cho Bộ quân lệnh tin tưởng
rằng chính cuộc tấn công cảm tử là con bài quyết định.
Tối hôm ấy, Nishizawa đã thì thầm với đồng
đội rằng, “Chẳng bao lâu sau tôi cũng sẽ nối gót theo họ”.
Trong trận công kích ngày hôm ấy, Nishizawa
đã mất chiếc máy bay đồng đội thứ hai bởi pháo đối không. Nghe nói đó là lần đầu
tiên anh ấy để mất thành viên đội bay. Huy chương thực sự đáng tự hào nhất của
chàng trai đã tham gia mấy trăm trận xuất kích, bắn rơi hơn trăm máy bay địch ấy
chính là chưa một lần để cấp dưới của mình mất mạng. Ngoài chàng trai này ra chỉ
có anh Sakai Saburo. Cũng không hẳn. Có thể nói chiến đấu tại địa ngục Rabaul
đó hơn một năm mà chưa từng để mất một thành viên đội bay nào, Nishizawa còn
tài năng hơn cả anh Sakai.
Nishizawa cho rằng mình “sẽ nối gót” bởi
nghĩ về phi đội Shikishima của Đại úy Seki hay về thành viên đội bay bị mất?
Nhưng những lời đó của Nishizawa đã thành sự thật.
Hôm sau, Nishizawa định quay về cứ địa
Mabalacat nhưng chỉ huy ra lệnh anh ấy phải để Reisen ở lại, chỉ có phi công
quay về căn cứ thôi. Nishizawa cùng hai phi công khác lên máy bay vận tải
Douglas, hướng về Mabalacat. Chiếc máy bay vận tải ấy đã bị máy bay chiến đấu địch
bắn rơi. Đó là giây phút thương tâm cuối cùng của chàng trai được quân Mỹ khiếp
sợ gọi là Ma vương Rabaul.
Nishizawa chắc hẳn đã uất ức biết chừng
nào. Nếu anh ấy cầm cần điều khiển Reisen, tuyệt đối đã không bị bắn rơi. Giây
phút cuối cùng của cuộc đời lại ngồi trên chiếc máy bay vận tải chậm chạp không
có vũ khí ấy.
Ngày sau đó, phi công át chủ bài huyền thoại
của Hải quân Nhật Bản đã hy sinh trong trận tấn công cảm tử ở tuổi đời 24.
Đại úy Seki là vị thần chiến tranh được ca
tụng khắp Nhật Bản, lớn lên trong cảnh một mẹ một con. Mẹ anh mất đứa con duy
nhất, cũng được ca ngợi là người mẹ anh hùng. Vậy mà sau chiến tranh, xoay một
vòng lại thành mẹ của tội nhân chiến tranh, phải chịu sự tẩy chay của người đời,
bán hàng rong kiếm sống. Cuối cùng, bà được thuê vào làm tạp vụ trong một trường
tiểu học. Đến năm 1953 thì một mình lạnh lẽo mất trong phòng tạp vụ. “Ít ra
cũng cố xây mộ cho Yukio”. Đó là lời cuối của bà. Trong xã hội chủ nghĩa dân tộc
sau chiến tranh, những chiến sĩ cảm tử hy sinh anh dũng vì Tổ quốc bị đối xử
như tội phạm chiến tranh, ngay cả việc xây mộ cũng không được phép. Nghe nói vợ
của Đại úy Seki sau chiến tranh đã tái hôn.
Ta sẽ kể cho bọn cháu cả chuyện chiến dịch
Ichi-go. Dù không được mắt thấy tai nghe, nhưng sau này ta biết được qua vô số
tài liệu.
Cùng lúc phi đội Shikishima liên tục lặp lại
các cuộc tấn công cảm tử, Hạm đội Kurita nhắm vào vịnh Leyte lại bị máy bay
trên mẫu hạm địch không kích dữ dội tại biển Sibuyan. Dưới các đợt tấn công như
sóng vỗ, nhiều tàu phe ta đã bị thiệt hại, các cuộc tấn công đó đều nhắm vào
chiếc Musashi. Musashi là chiếc tàu chị em với Yamato, là chiến hạm lớn nhất Thế
giới, được mệnh danh là chiến hạm không bao giờ chìm. Thế nhưng, trước các đợt
không kích của hàng trăm máy bay địch thì Musashi vĩ đại cũng mình đầy thương
tích.
Mặt khác, Hạm đội mẫu hạm dưới sự chỉ huy của
Đô đốc Ozawa Jisaburo tiến vào phía nam vịnh Leyte lôi kéo các đợt tấn công của
địch vào Hạm đội Kurita về phía mình, và nhằm thu hút sự chú ý của Hạm đội cơ động
địch, đã cố tình phát điện tín và cho xuất phát nhiều máy bay thám thính.
Sau đó, cuối cùng đã phát hiện ra Hạm đội
cơ động địch và cho đội tấn công xuất phát. Trận tấn công này không phải là tấn
công cảm tử nhưng cũng gần như vậy, bởi chúng ta không thể quay về. Mẫu hạm được
dùng làm mồi nhử nên phải chịu số phận bị đánh chìm. Hay nói khác đi, khi đội tấn
công quay trở về, mẫu hạm vốn đã không còn nữa. Các phi công được ra lệnh rằng
sau khi tấn công Hạm đội cơ động địch, trong trường hợp khó trở về thì hãy bay
đến các căn cứ địa rải rác ở Philippines. Tuy nhiên, đối với các phi công trẻ,
chưa quen thực hiện phi hành trên Thái Bình Dương rộng lớn, đó là chuyện không
thể. Hơn nữa, sống sót trước các đợt đánh chặn của máy bay chiến đấu cất cánh từ
mẫu hạm hùng hậu của địch là chuyện quá sức.
Sự thật thì đội tấn công khi ấy hầu như đều
bị tiêu diệt. Dù vậy, kế hoạch quyết tử của Đô đốc Ozawa đã thành công. Hạm đội
cơ động Mỹ được dẫn dắt bởi tướng Halsey đã phát hiện ra hạm đội của Ozawa và lầm
tưởng rằng đây là hạm đội chủ lực.
Vào lúc ấy, hạm đội của Kurita chuyển hướng,
nên Halsey nghĩ rằng hạm đội ta rút lui vì bị thiệt hại nặng nề. Halsey đã
không đuổi theo hạm đội Kurita mà dùng toàn lực nhắm vào hạm đội Ozawa. Hạm đội
Ozawa dự đoán Hạm đội cơ động Mỹ sẽ tiến đến vị trí của mình, vì thế đã đi về
phía Bắc, buộc Halsey phải đuổi theo.
Suy tính này của Halsey hẳn là điều đương
nhiên. Bởi từ sau trận Trân Châu Cảng, các trận chiến trên Thái Bình Dương đều
dựa vào mẫu hạm làm chủ lực. Hơn nữa, hạm đội Ozawa còn có mẫu hạm Zuikaku mạnh
nhất Hạm đội Liên hợp, đã từng lập chiến công lớn trong trận Trân Châu Cảng,
sau đó còn đánh chìm 2 mẫu hạm Mỹ. Nó là chiếc hàng không mẫu hạm đáng sợ mà địch
phải chịu đựng trong suốt ba năm.
Ta nghe kể đợt tấn công của Hạm đội cơ động
Mỹ rất khủng khiếp. Hạm đội Ozawa bị đánh chìm vô phương cứu giúp. Zuikaku, chiến
hạm kỳ cựu từ trận Trân Châu Cảng, được trang bị rất nhiều vũ khí chiến đấu của
Hạm đội Liên hợp phe ta, cuối cùng đã chìm ngoài khơi mũi Engano.
Tuy nhiên, Halsey đã bị dụ đi khá xa, hải vực
xung quanh đảo Leyte hoàn toàn trống rỗng.
Thực sự lúc ấy, hạm đội Kurita không còn bị
địch không kích, đã tiến vào vịnh Leyte lần nữa. Mặc dù bị máy bay và tàu ngầm
của địch tấn công, nhiều tàu và cả chiếc Musashi đã bị đánh chìm nhưng hạm đội
Kurita với chiếc Yamato hùng hậu nhất thế giới, vẫn còn lực lượng của nhiều tàu
khác.
Hạm đội Mỹ chỉ gồm 6 mẫu hạm hộ tống cỡ nhỏ
và 7 khu trục hạm đột nhiên nhìn thấy hạm đội Nhật ngoài khơi biển Samar, cực kỳ
sửng sốt. Giăng màn khói, cho khu trục hạm phóng ngư lôi, định ra sức đào tẩu.
Hạm đội cơ động tốc độ cao đã bị Ozawa dẫn dụ. Hạm đội Mỹ biết mình sắp bị tiêu
diệt toàn bộ.
Cuối cùng chiến thuật chịu đấm ăn xôi của Hải
quân Nhật đã đạt được mục đích. Thế nhưng, kỳ tích đã xảy ra với quân đội Mỹ. Hạm
đội Kurita đột ngột chuyển hướng. Đây là “Sự chuyển hướng bí ẩn của Kurita” nổi
tiếng trong lịch sử.
Tại sao hạm đội Kurita lại quay đầu? Có vô
số những giả thuyết nhưng Đô đốc Kurita mất sau chiến tranh và chưa một lời biện
minh về chuyện đó.
Đô đốc Kurita hoàn toàn không biết việc Hạm
đội cơ động của Halsey bị hạm đội Ozawa nhử ra khoảng xa phía Bắc Philippines.
Chịu nhiều đợt tấn công máy bay, nên có lẽ ông phán đoán rằng Hạm đội cơ động địch
vẫn còn ở gần. Và nếu cứ thế tiến vào vịnh Leyte thì hạm đội của ông sẽ bị tiêu
diệt hoàn toàn.
Lịch sử không có mệnh đề “nếu”, nhưng nếu
khi ấy hạm đội Kurita tiến sâu vào vịnh Leyte thì ắt hẳn các tàu vận tải đạn dược
của Mỹ đã bị tiêu diệt rồi. Và chắc chắn chiến dịch xâm chiếm Philippines của Mỹ
sẽ gặp trở ngại vô cùng lớn. Quân Mỹ bị mất khối lượng lớn vũ khí và binh lính,
sẽ phải mất hơn một năm xây dựng lại chiến dịch ấy. Ít nhất có thể hạn chế mấy
trăm ngàn binh lính Lục quân Nhật Bản chết trong trận đánh bộ trên đảo Leyte diễn
ra sau này.
Tuy nhiên, vì hạm đội Kurita chuyển hướng,
chúng ta đã mất cơ hội cuối cùng phản công quân đội Mỹ. Số lượng binh lính hạm
đội Ozawa đã hy sinh vô ích. Hơn nữa, mọi cố gắng chiến đấu của chiếc Musashi một
mình chịu tấn công của máy bay trên mẫu hạm địch rồi bị đánh chìm tại eo biển
Surigao cũng hoài phí.
Cuộc tấn công cảm tử của phi đội Shikishima
diễn ra vào ngày hôm sau hạm đội Kurita chuyển hướng. Dù thế, cơ hội giành chiến
thắng đã trôi qua rồi.
Người ta nói rằng tấn công cảm tử là ý tưởng
của Trung tướng Onishi Takijiro. Ban đầu nó là chiến thuật phục vụ cho chiến dịch
Ichi-go, nhằm hỗ trợ hạm đội Kurita đột kích Leyte, liều thân đâm mình vào sàn
đáp mẫu hạm địch. Nếu khiến sàn đáp chính không sử dụng được, chúng ta sẽ không
bị máy bay trên mẫu hạm địch tấn công. Tấn công cảm tử chỉ giới hạn trong chiến
dịch đảo Leyte.
Tuy nhiên, hạm đội Kurita đã bỏ lỡ cơ hội
và dù kể hoạch Ichi-go đã thất bại nhưng cuộc tấn công cảm tử không ngừng lại,
mà bắt đầu phát triển theo một hướng riêng. Có phải các Đô đốc đã bị nó ám ảnh
chăng?
Hằng ngày, các máy bay cảm tử vẫn xuất kích
từ Mabalacat. Vì lý do nào đó, ta chưa vướng vào cuộc tấn công cảm tử mà được
giao nhiệm vụ bảo vệ. Có thể vì số lượng phi công thiện chiến ít ỏi mà nhiệm vụ
bảo vệ lại không hề dễ dàng gì. Quân Mỹ sau khi chịu các cuộc tấn công quyết liệt
của quân đội Nhật, đang ngày càng tăng cường lực lượng đánh chặn. Khó có thể bảo
vệ máy bay cảm tử trước hàng chục chiến cơ mai phục tính năng cao của Mỹ. Nhiều
máy bay yểm trợ đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ máy bay tấn công cảm tử.
Thiếu úy Minami Yoshimi, một phi công lão luyện, chiến đấu từ chiến tranh
Trung-Nhật cũng đã không thể trở về.
Thiếu úy Minami là một phi công thiện chiến,
anh đã chiến đấu vô số trận hải chiến từ sau đợt không kích Trân Châu Cảng, là
phi công lái máy bay chiến đấu quý giá của Không lực Hải quân. Là người nỗ lực
đi lên từ hạ sĩ quan, về nhân cách cũng là một người tuyệt vời. Anh là một người
trầm tính, hiền lành đã chỉ dạy ta rất nhiều điều ở Thượng Hải. Anh từng là phi
công thuộc mẫu hạm trong trận hải chiến ngoài khơi vịnh Leyte. Khi bay về thì mẫu
hạm đã mất, rơi vào tình thế thập tử nhất sinh, anh đáp xuống Bắc Đảo. Sau đó
không may hy sinh trong khi làm nhiệm vụ hộ tống máy bay tấn công đặc biệt.
Ta cũng từng cảm nhận cái chết tại nơi ấy.
Vài ngày sau, trên đường trở về từ đợt tấn
công, động cơ xảy ra sự cố nên ta tiếp đất tại căn cứ Nichols. Tại đây, ta đã
tái ngộ Miyabe. Hỏi ra thì Miyabe chiến đấu trên mẫu hạm Zuikaku, sau khi bị địch
tấn công cậu ấy đã đáp xuống phi trường này.
Miyabe đã biết chuyện tấn công cảm tử. Chuyện
của phi đội Shikishima dưới sự chỉ huy của Đại úy Seki Yukio được bố cáo toàn
quân. Tại căn cứ Nichols vẫn chưa có chiếc máy bay nào tấn công đặc biệt nhưng
chí khí của các phi công đã tụt giảm mạnh.
Sau chiến tranh, có không ít cuốn sách viết
rằng khi đợt tấn công đặc biệt của phi đội Shikishima được công bố toàn quân,
sĩ khí của toàn thể phi công dâng trào nhưng tuyệt nhiên không hề có chuyện đó!
Sĩ khí của phi đội giảm sút rõ rệt. Đương nhiên là vậy rồi!
Hôm sau khi ta đến căn cứ Nichols, toàn thể
phi công được tập trung. Nhìn dáng vẻ căng thẳng của Đô đốc và Phi đội trưởng,
ta đã đoán được ngay cả nơi này chuyện phải đến cũng đã đến. Ắt hẳn các phi
công khác đều nghĩ như vậy.
Đô đốc sau khi lặp lại những lời đao to búa
lớn về việc hiện nay nước Nhật đang gặp nguy hiểm sống còn, đã nói, “Tình nguyện
viên tham gia tấn công đặc biệt tiến lên phía trước!”
Toàn đội tiến một bước về phía trước. Có lẽ
các phi công sau khi nghe chuyện phi đội Shikishima đã chấp nhận việc này. Cũng
như lần trước ở Mabalacat, ta tiến lên một bước. Giờ không còn là lúc có thể
nói ngừng lại được nữa rồi.
Khi ấy, ta thấy một chuyên không thể nào
tin được. Duy nhất một người không hề động đậy. Đó là Miyabe. Mặt Phi đội trưởng
tím tái, hét lớn.
“Tình nguyện viên tham gia bước lên một bước!”
Thế nhưng Miyabe vẫn đứng yên như phỗng.
Phi đội trưởng giận run người.
“Chuẩn úy Miyabe!”, Phi đội trưởng hét lên.
“Mày yêu mạng sống lắm à?”
Miyabe không trả lời.
“Sao? Trả lời!”
Miyabe nói như kêu lên:
“Mạng sống rất đáng quý ạ!”
Phi đội trưởng sửng sốt như vừa nghe thấy
chuyện không thể tin được.
“Mày... còn là quân nhân của Hải quân Đế quốc
không?”
“Tôi là quân nhân ạ”.
Miyabe nói rõ ràng rành mạch. Phi đội trưởng
nhìn về phía Đô đốc. Đô đốc nhỏ giọng:
“Giải tán!”
Sĩ quan quát: “Giải tán!” Các phi công theo
hàng trở về phòng nghỉ, chẳng ai bắt chuyện với Miyabe.
Sáng hôm sau, không có đợt xuất kích nhưng
một bầu không khí kỳ lạ bao trùm toàn đội.
Việc tình nguyện tham gia tự sát hôm qua đè
nặng tâm trạng các phi công.
Ta rủ Miyabe leo lên ngọn đồi cách xa phi
trường một khoảng. Cả hai không nói một lời nào. Leo đến phía trên ngọn đồi nhỏ,
ta và Miyabe ngồi xuống bãi cỏ.
Sau đó, Miyabe nói:
“Tôi tuyệt đối không tham gia tấn công tự
sát. Tôi đã hứa với vợ rằng sẽ sống sót trở về”.
Ta lẳng lặng gật đầu.
“Tôi chiến đấu đến tận bây giờ không phải để
đi chết”.
Ta vẫn không thể nói gì.
“Dù trong trận chiến tàn khốc đến thế nào,
dù cơ hội sống sót có mong manh đến đâu, tôi cũng có thể cố hết sức chiến đấu.
Nhưng tôi không thể nào chấp nhận được cuộc chiến định sẵn sẽ chết”.
Ta cũng có suy nghĩ ấy. Tuy nhiên bây giờ
nhìn lại. Hàng ngàn phi công thời ấy, mấy ai có thể mở miệng nói ra những lời
này. Thế nhưng, những gì Miyabe nói chính là những suy nghĩ tự đáy lòng của hầu
hết các phi công.
Dù vậy, khi nghe thế, ta cảm thấy sợ hãi. Một
cảm giác kinh sợ lạ lùng không hiểu vì sao. Đó là nỗi sợ nhìn thấy hình ảnh của
chính bản thân mình.
Bỗng Miyabe hỏi:
“Tanikawa lần đầu đăng ký tình nguyện à?”
“Lần thứ hai. Lần đầu là ở Mabalacat”.
“Tôi đã có vợ rồi”, Miyabe nói.
“Tôi cũng vậy!”
Nghe ta nói thế, Miyabe tỏ ra ngạc nhiên.
Ta kể cậu ấy về việc ta đã cưới vợ trước khi rời Nhật Bản ba ngày.
“Cậu yêu vợ cậu chứ?”
Ta gật đầu không suy nghĩ trước câu hỏi của
Miyabe. Vậy sao, ta yêu vợ mình sao?
“Nếu vậy, tại sao cậu lại tham gia tấn công
cảm tử?”. Câu hỏi của Miyabe mang ý trách móc.
“Tôi là phi công của Hải quân Đế quốc!”
Ta hét lên rồi bật khóc. Lần đầu tiên ta
rơi nước mắt từ sau khi trở thành phi công lái máy bay chiến đấu. Miyabe nhìn chăm
chăm không nói gì.
Khi ta dợm đứng lên, Miyabe nói.
“Nghe này Tanikawa. Nếu cậu được lệnh tấn
công cảm tử thì hãy hạ cánh khẩn cấp lên bất cứ hòn đảo nào”.
Ta sửng sốt đến độ sợ hãi, câu nói ấy nếu bị
đem ra Tòa án binh chắc chắn sẽ bị xử tử.
“Nếu cậu chết vì tấn công cảm tử thì chiến
cục cũng không thay đổi nhưng nếu cậu chết thì cuộc đời vợ cậu sẽ thay đổi rất
lớn đấy”.
Trong tâm thức ta bỗng hiện lên hình ảnh của
Kae.
“Đừng nói nữa. Nếu được lệnh tấn công cảm tử
thì tôi chỉ biết làm theo thôi”.
Miyabe không nói gì thêm. Khi đó, còi cảnh
báo vang lên, xa phía sau nghe thấy cả tiếng bom. Địch đến tấn công. Chúng ta
chạy vào hào phòng không. Dưới phi trường các máy bay đã sớm được lính bảo trì
đưa vào boong-ke. Khoảng thời gian ấy, chúng ta không xuất quân đánh chặn, chọn
đối sách bảo tồn máy bay hơn việc đánh chặn ít ỏi rồi bị đội hình khổng lồ của
địch bắn giết. Số máy bay có thể hoạt động ở Nichols chỉ còn vài chiếc.
Dù vậy, ngày hôm đó thật không may. Phe ta
phát hiện ra địch quá muộn nên nhiều máy bay đã bị bắn phá trên mặt đất. Kết quả,
không còn chiếc máy bay nào tại Nichols có thể hoạt động.
Không lâu sau có lệnh đưa các phi công ở
căn cứ Nichols về nội địa. Từ căn cứ không quân Clark ngồi máy bay vận tải qua
Đài Loan đến Omura, Kyushu. Tại đó, các phi công trở về phi đội của mình.
Ta từ biệt Miyabe ở Omura. Ta không còn nhớ
cuối cùng bọn ta đã nói những gì. Sau đó ta không còn gặp lại Miyabe nữa. Sau
khi trở về Iwakuni, ta làm giáo quan, rồi nhận nhiệm vụ ở Phi đội Yokosuka, chiến
đấu bảo vệ lãnh thổ. Tháng Ba năm 1945, nhiều máy bay tấn công cảm tử từ Nam
Kyushu đã bay đến Okinawa. Giai đoạn cuối cuộc chiến được gọi là “Toàn quân tấn
công cảm tử”. Ta nghe nói rằng khoảng thời gian ấy, dù không tình nguyện cũng
có lệnh bắt buộc phải tham gia.
Ta cũng nghĩ rằng một lúc nào đó mình sẽ được
lệnh tấn công cảm tử nhưng may thật, ngày ấy đã không đến. Ta đã ở Iwakuni đến
khi chiến tranh kết thúc. Nhiều năm sau ta mới biết chuyện Miyabe hy sinh vì
tham gia tấn công cảm tử.
Sau chiến tranh ta trở về quê, cách nhìn của
mọi người đã thay đổi. Họ nhìn ta như thứ gì đó dơ bẩn, không ai đến gần. Những
người trong làng nói sau lưng ta rằng, “Thằng đó chẳng phải là tội phạm chiến
tranh sao?”. Một hôm khi đi bộ trên bờ kè, những đứa trẻ trong làng vừa ném đá
về phía ta vừa hét: “Tội phạm chiến tranh đến kìa!”
Lòng ta đau khôn xiết. Những người mới hôm
qua còn gọi quân Đồng Minh là “quái vật Anh-Mỹ” nay đã quay sang tung hô Mỹ. Ta
từng là người hùng của làng, giờ lại như trở thành kẻ gieo rắc bệnh dịch hạch.
Sau khi cha ta mất, anh trai hưởng thừa kế. Ta và Kae ở tách biệt với nhà anh
trai nhưng anh ấy lại đối xử ra mặt với ta như một kẻ phiền toái.
Không biết từ đâu có tin đồn lan truyền rằng
những người không kích Trân Châu Cảng sẽ bị xem là tội phạm chiến tranh, rồi bị
bắt và treo cổ. Ai che giấu tội phạm cũng sẽ bị buộc tội. Ta lo âu chuẩn bị cho
số phận mình. Một ngày, anh trai đưa cho ta chín cân gạo xem như tiễn biệt, bảo
ta trốn lên Tokyo. Ta dẫn Kae rời khỏi miền quê.
Chúng ta đến Tokyo vào cuối tháng Mười. Tất
cả là một bình nguyên cháy rụi. Ta và Kae ngủ trong một túp lều bằng thép mạ kẽm.
Mỗi ngày đều đi tìm việc, nhưng chẳng tìm được việc gì. Chín cân gạo cũng mau
chóng cạn hết. Ta đi làm công ngày, xoay sở mãi cũng không đủ ăn.
Thời gian đó thật sự rất khổ. Trên đường phố
đầy quân chiếm đóng. Binh lính Mỹ dẫn theo phụ nữ Nhật Bản. Chuyện đánh nhau mới
ba tháng trước nghe như chuyện đùa.
Lúc ấy bọn ta xoay sở được cái ăn là nhờ
Kae nhìn thấy một tấm áp phích “Tuyển thợ may” và được thuê vào một tiệm trang
phục nhỏ. Ta cũng có thể ở cùng. Bọn ta sống trong một căn phòng chỉ khoảng hai
chiếu Tatami nhưng nó là cả thiên đường so với việc ngủ trong túp lều trước
đây.
Năm sau, được sự giúp đỡ của thượng cấp cũ
trong Hải quân, ta được nhận vào làm nhân viên thời vụ của Cục cấp thoát nước.
Nhưng một năm sau lại có đợt thanh lọc công chức nên ta bị sa thải. Trải qua mười
một năm sống trong Hải quân, cấp bậc cuối cùng của ta là Trung úy, vì thế bị
xem là quân nhân chuyên nghiệp. Khi biết ta bị mất việc, Kae an ủi.
“Quân nhân chuyên nghiệp nghe thật ghê tởm!
Em thật không thể chấp nhận việc nói những người chiến đấu hết mình vì Tổ quốc
như kẻ chiến đấu để kiếm ăn”.
Vô cùng vui sướng vì câu nói ấy của Kae, ta
đã quyết tâm sống vì người phụ nữ này.
Ta quyết định tự mình làm ăn, đầu cơ vào
nhiều ngành kinh doanh. Nhiều lần ta đã bị lừa, bị bội phản. Sau chiến tranh,
con người hoàn toàn khác với thời tiền chiến. Những đêm sau khi bị lừa, ta thường
nhớ về những đồng đội của mình, ta nghĩ chắc rằng họ hạnh phúc hơn ta, ganh tỵ
rằng họ thật may mắn đã chết trước khi thấy Nhật Bản thành ra thế này.
Tuy nhiên, sự hỗn loạn và bần cùng sau chiến
tranh chỉ là tạm thời. Phần đông người Nhật có lòng thương người và trái tim ấm
áp. Có những người nghĩ mình còn có thể sống nên gắng giúp đỡ những người gặp
khó khăn. Ta nghĩ chính vì thế mà bọn ta mới có thể sống sót trong thời đại bi
thảm đó. Hai vợ chồng ta có được căn hộ nhỏ ở Tokyo cũng là nhờ sự giúp đỡ của
nhiều người.
Người Nhật bị biến chất là chuyện về sau
này.
Nhật Bản trở thành nước Chủ nghĩa dân tộc,
xã hội hòa bình, phát triển kinh tế tốc độ cao, người người hưởng thụ cuộc sống
tự do, giàu có. Thế nhưng sau cái bóng ấy, đất nước đã mất đi một thứ rất quan
trọng. Sự phồn thịnh và chủ nghĩa dân tộc sau chiến tranh đã cướp mất đạo đức của
con người Nhật Bản.
Trên đường phố đầy rẫy những người chỉ cần
bản thân mình tốt là được. Sáu mươi năm trước không phải như vậy. Ta đã sống
quá lâu rồi chăng?
* * *
Ánh chiều đã chiếu vào căn phòng khách.
Chỉ vừa qua vài giờ đồng hồ nhưng tôi có cảm
giác như đã lâu lắm rồi. Ông Tanikawa khi kể chuyện giống như một chàng thanh
niên, có thể thấy được bóng dáng một chàng trai trẻ dũng cảm, tràn đầy sinh
khí.
Giờ ông Tanikawa trước mặt tôi đây lại là một
ông lão gầy nhom ngồi trên chiếc xe lăn.
Cánh tay mảnh khảnh của ông như thể sắp gẫy
ra ngay tức thì vậy. Cánh tay ấy khi xưa đã từng cầm cần điều khiển Reisen,
tung hoành chiến đấu trên bầu trời. Nghĩ về ngày tháng sáu mươi năm trước,
trong lòng tôi dâng trào cảm xúc.
Ông Tanikawa nói nhỏ nhẹ.
- Đến bây giờ, đôi lúc ta vẫn mơ hồ không
biết chuyện khi ấy ở căn cứ Nichols là thật hay mơ.
- Chuyện ông ngoại cháu từ chối tham gia tấn
công cảm tử phải không ạ?
- Đó không phải là mệnh lệnh nhưng vậy vẫn
là kháng lệnh phải không?
- Kháng lệnh là sao ạ?
- Là chống lại mệnh lệnh. Trong quân đội
tương đương với án tử.
Ông ngoại là người như thế nào đây?
- Tuy thế, chuyện ta không hiểu được là khi
được lệnh tấn công cảm tử vào năm cuối thế chiến, sao anh ấy lại không hạ cánh
khẩn cấp. Người khi đó đã bảo ta hãy hạ cánh khẩn cấp ở đâu cũng được nhưng đừng
tự sát, tại sao lại tự sát chứ?
Ông Tanikawa khoanh tay nói tiếp.
- Nhiều phi công giàu kinh nghiệm đã hy
sinh tại Leyte, có lẽ là do hỗn loạn. Tuy không phải tấn công cảm tử nhưng Thiếu
úy Minami xuất kích từ hạm đội Ozawa, sau khi tấn công Hạm đội cơ động địch,
đáp đến Echague. Tại đây anh được giao nhiệm vụ yểm trợ máy bay tấn công cảm tử
và hy sinh.
- Thực chất vẫn giống tấn công cảm tử phải
không ông?
Ông Tanikawa gật đầu.
- Thời đó, những người như Thiếu úy Iwai từ
hạm đội Ozawa bay đến Bắc Đảo đều bị bắt tham gia tấn công cảm tử. Tuy nhiên,
các phi công lão luyện không tham gia trong trận tấn công cảm tử Okinawa bắt đầu
từ tháng Ba năm 1945. Bởi vì chúng ta cần các phi công giàu kinh nghiệm cho việc
huấn luyện và bảo vệ lãnh thổ.
- Như vậy tấn công cảm tử phần nhiều là các
phi công trẻ tuổi phải không ạ?
- Các đợt tấn công cảm tử đa phần diễn ra
vào trận Okinawa năm cuối thế chiến. Khi đó, những người chết vì tấn công cảm tử
hầu như là các học viên dự bị và những phi công trẻ. Theo ta, việc đưa các phi
công giàu kinh nghiệm vào cuộc tấn công đặc biệt là một sai lầm. Đương nhiên dù
là phi công lão luyện hay những tân binh thì sinh mệnh đều đáng quý như nhau.
Tuy nhiên, ta vẫn không chấp nhận cấp trên lệnh cho Minami tấn công cảm tử. -
Ông Tanikawa lớn tiếng. - Hèn hạ nhất là những kẻ oang oang rằng “Tao sẽ tiếp
bước theo sau” rồi ra lệnh cho cấp dưới phải hy sinh. Đến khi chiến tranh kết
thúc thì lại sống an nhàn!
Ông Tanikawa đập bàn làm chiếc gạt tàn bật
lên khiến tôi giật cả mình.
- Xin lỗi! Ta có hơi kích động.
- Không sao ạ.
Ông Tanikawa lấy thuốc từ trong túi áo ra,
bỏ vào miệng. Chị tôi đứng dậy, lấy cốc rót nước đưa cho ông.
- Cám ơn. - Ông Tanikawa nhận lấy cốc nước
và uống thuốc. Một lát sau, ông nói. - Ta vẫn không hiểu vì sao Miyabe không hạ
cánh khẩn cấp. Với khả năng của Miyabe nếu cậu ấy đã quyết định thì chắc chắn sẽ
làm được.
- Có phi công đã từng làm thế sao ạ?
Ông Tanikawa cau mày.
- Có những thành viên đội tấn công cảm tử với
lý do thất bại trong việc tiếp cận địch hoặc động cơ xảy ra sự cố nên đã quay
trở về.
- Có nghĩa là...
Ông Tanikawa lắc đầu mạnh trước câu nói của
chị.
- Ta không biết có ý đồ khác không nhưng
đúng là có những phi công như thế.
Cả căn phòng im bặt.
- Ông ngoại cháu chết trận trên vùng biển
Okinawa. Nếu động cơ gặp sự cố thì có thể hạ cánh khẩn cấp ở đâu đó phải không ạ?
- Tôi mở lời.
- Đảo Kikaijima. - Ông Tanikawa lập tức đáp
lời. - Những máy bay cảm tử cất cánh từ phía nam Kyushu, trong trường hợp động
cơ gặp trục trặc, không thể tiến hành tác chiến thì sẽ hạ cánh ở đảo ấy.
- Vậy ạ?
- Tuy nhiên, ngay trước khi chiến tranh kết
thúc, vùng trời đảo Kikaijima cũng nằm dưới quyền kiểm soát không phận của địch
nên có thể ngay cả Miyabe khi phải ôm một lượng bom nặng nề cũng đành chấp nhận
số phận.
Tôi gật đầu.
- Dù thế nào đỏ cũng là chuyện của sáu mươi
năm trước. Ta không rõ chân tướng thế nào.
Ông Tanikawa buông tiếng thở dài. Sau đó,
ông với tay nhấn công tắc trên tường, mở đèn trong phòng rồi chậm rãi rút từ
trong túi ra một tấm ảnh.
- Đây là hình bà xã ta. Bà ấy mất năm năm
trước. Khi Kae thấy dáng vẻ của ta lúc xuất ngũ trở về quê, bà ấy đã khóc lớn.
Người phụ nữ mạnh mẽ ấy, trước sau chỉ khóc mỗi lần ấy.
Nhìn tấm ảnh vợ ông Tanikawa, bất giác mắt
tôi ướt đẫm.
- Nếu không vì những lời khi xưa của
Miyabe, chắc ta và bà ấy đã không thể thành vợ chồng.
- Hai ông bà yêu nhau lắm ạ?
Ông Tanikawa gật đầu đáp lại câu nói của chị.
- Tuy không thể có con nhưng chúng ta đã sống
một cuộc đời hạnh phúc.
Sau khi ra khỏi viện dưỡng lão, tôi thấy chị
lấy khăn lau nước mắt.
- Chị đau lòng quá. - Chị ấy nói. - Ông ngoại
đem lại hạnh phúc cho mọi người, bản thân ông lại hy sinh. Chuyện đó sao có thể,
thật không công bằng.
- Đâu phải chỉ có mỗi ông ngoại hy sinh.
Trong trận chiến đó có 3.000 người chết, chỉ binh lính thôi cũng đã 2.300 người
chết trận. Ông ngoại chỉ là một trong số họ.
Chị không nói gì thêm. Ngồi trong taxi chị
cũng không nói câu nào. Khi xuống xe đi vào nhà ga, chị đột nhiên phản bác.
- Lúc nãy em bảo ông chỉ là một trong 2.300
người tử trận, nhưng đối với bà thì ông là người chồng duy nhất. Hơn nữa với mẹ,
ông cũng là người cha duy nhất.
- Cũng như ông là người chồng duy nhất đối
với bà, 2.300 người hy sinh kia, từng người từng người đều là những người không
thể thay thế được đối với ai đó.
Chị ngạc nhiên nhìn tôi.
- Nói ra thì chắc chị cười em nhưng bây giờ,
em cảm nhận được nỗi đau của nhiều người đã chết trong cuộc chiến tranh đó.
- Chị không cười đâu. - Chị Keiko gật đầu.
Trên tàu điện cả hai chị em cùng im lặng.
Chị mải suy nghĩ về chuyện gì đó. Tôi thì
trầm tư về câu chuyện của ông Tanikawa. Nếu nhắm mắt lại, dường như tôi sẽ nhìn
thấy hình ảnh của ông hiện lên trong đầu. Thế nhưng đó chỉ lờ mờ như làn khói,
không thể bắt được hình ảnh rõ ràng. Tàu vừa qua Shin Osaka một lúc, bất ngờ chị
bắt chuyện.
- Nghe câu chuyện của những người từng tham
gia chiến tranh, chị cảm giác các binh sĩ đúng là bị sử dụng một lần rồi vứt.
Tôi gật đầu.
- Chỉ cần một tờ Giấy đỏ thì có thể bổ sung
bao nhiêu cũng được. Các binh sĩ ngày xưa còn bị thượng cấp khinh miệt: “Chiến
mã quan trọng hơn mày, mày chỉ đáng một đồng năm cắc, bao nhiêu cũng có thể
thay thế được”.
- Một đồng năm cắc là sao?
- Là giá tiền của tờ lệnh chiêu quân. Hay
nói cách khác, đối với sĩ quan cấp cao của quân đội, binh lính Lục quân, binh
sĩ Hải quân và cả phi công là thứ chỉ cần tốn một đồng năm cắc là có thể triệu
tập bao nhiêu cũng có.
- Vậy mà mọi người vẫn dũng cảm chiến đấu
vì đất nước.
Chị gật đầu, gương mặt thương xót. Sau một
lúc im lặng chị lại mở lời:
- Nghe này! Chị đã tìm hiểu nhiều về chiến
tranh Thái Bình Dương và nhận ra một điều. Đó là sự yếu kém của hàng ngũ Đô đốc
Hải quân.
- Chẳng phải quân đội Nhật Bản toàn lập những
kế hoạch tác chiến kiên trì táo bạo sao?
- Là thiếu suy nghĩ thì đúng hơn. Họ lập ra
nhiều chiến dịch liều lĩnh. Guadalcanal, New Guinea, trận hải chiến ngoài khơi
Mariana và cả trận hải chiến vịnh Leyte đều như vậy. Cả trận Imphal* nổi tiếng
nữa. Nhưng đừng quên Bộ Tổng tư lệnh và Tổng hành dinh Đế quốc, những người
nghĩ ra các chiến dịch đó đều hoàn toàn không phải lo lắng về việc mình có thể
chết.
*[Trận Imphal là một trong những trận đánh
thảm họa tồi tệ nhất của quân đội Đế quốc Nhật Bản tại mặt trận Miến Điện]
- Vì người chết trong các chiến dịch là
binh lính nên họ có thể lập các chiến dịch bất hợp lý đến thế nào cũng được phải
không?
- Đúng, nhưng khi chỉ huy trên tiền tuyến,
khả năng thiệt mạng cao, thì họ lại hành xử vô cùng yếu đuối. Dù trong thế thắng
trận, họ cũng sợ bị phản công, lập tức tháo lui.
- Ra thế.
- Là yếu đuối hay thận trọng? Như trong trận
Trân Châu Cảng, mặc dù chỉ huy tại mặt trận đã đề trình đợt không kích thứ ba
nhưng Đô đốc Nagumo đã nhanh chân trốn thoát quay về. Trong trận hải chiến Biển
San Hô cũng thế. Sau khi đánh chìm mẫu hạm Lexington của địch, Đô đốc Inoue đã
cho rút lực lượng đổ bộ hải cảng Moresby. Trong khi chiến dịch lại vốn nhằm chi
viện cho lực lượng tiến chiếm. Còn tại trận hải chiến đảo Solomon lần thứ nhất,
trong các cuộc chiến quanh Guadalcanal, Đô dốc Mikawa sau khi đánh bại hạm đội
địch, toại nguyện rút lui, không đuổi theo đoàn tàu vận tải địch. Trong khi mục
đích ban đầu là phá hủy tàu vận tải địch. Khi ấy nếu tàu vận tải bị tiêu diệt
thì không chừng chuyện bi thương ở Guadalcanal sau đó đã không xảy ra. Có lẽ
đúng như những gì Halsey nói, nếu bị quân Nhật giáng thêm một đòn thì phe ông
đã bị tiêu diệt. Đỉnh điểm là việc quay đầu của Đô đốc Kurita trong trận hải
chiến Leyte lúc nãy chúng ta vừa nghe.
Tôi giật mình khi nghe những chuyện của
Keiko, đúng là chị ấy đã đọc kha khá sách.
- Có lẽ, chỉ là nhận định cá nhân nhưng chị
nhận thấy số Đô đốc như thế nhiều quá, có lẽ đó là do cơ cấu tổ chức. Các Đô đốc
đều là tầng lớp tinh hoa của trường Đại học Hải quân, được chọn từ các sĩ quan
ưu tú tốt nghiệp trường Quân sự Hải quân. Có thể nói là lớp tinh túy nhất nong
những người được chọn. Đây là ý kiến cá nhân của chị thôi, nhưng có phải chính
vì là tầng lớp tinh hoa nên họ mới yếu kém đến thế, hoặc giả trong đầu họ lúc
nào cũng nghĩ đến sự thăng tiến.
- Thăng tiến? Trong thời chiến sao?
- Có thể do chị đọc nhiều sinh đa nghi,
nhưng có quá nhiều tình tiết khiến chị nghĩ như vậy. Dường như họ chỉ cố làm
sao để không gây lỗi lầm hơn là nghĩ phải làm sao để bắn phá được nhiều quân địch.
Giống như ông Izaki đã nói, trong việc thẩm định huân chương cho Đô đốc Hải
quân thì việc đánh chìm chiến hạm được ghi điểm cao nhất. Vì thế dù có bắn phá
cảng đóng tàu, phá hủy kho chứa dầu, bắn chìm tàu vận tải thì cũng không được cộng
điểm trong việc đánh giá. Vì thế...
- Nhưng không thể vì vậy mà nói họ lo nghĩ
nhiều về việc thăng tiến được.
- Có lẽ chị đã nghĩ nhiều, nhưng tầng lớp
tinh hoa Đại học Hải quân đó, khoảng mười mấy tuổi vào trường Quân sự Hải quân,
giành thắng lợi trong các cuộc tranh giành khủng khiếp, sống còn của thế giới Hải
quân nhỏ hẹp, việc thăng tiến đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Đặc biệt là tầng
lớp quan chức từng là học viên ưu tú nổi bật thì tâm lý đó càng mạnh mẽ. Các Đô
đốc thời chiến tranh Thái Bình Dương tất cả đều trên 50 tuổi đúng không? Sự thật
là từ sau trận Hải chiến biển Nhật Bản gần bốn mươi năm trước, Hải quân chưa thực
hiện trận hải chiến nào khác. Nói cách khác, các Đô đốc suốt từ khi gia nhập Hải
quân, cho đến chiến tranh Thái Bình Dương chưa từng có kinh nghiệm thực chiến,
họ chỉ sống trong thế giới tranh đấu thăng tiến trong nội bộ Hải quân.
Sự phong phú về kiến thức không ngờ của
Keiko làm tôi kinh ngạc và hơn thế nữa tôi khâm phục cái nhìn sắc bén của chị.
- Khi tìm hiểu về Hải quân thời đó, chị khá
quan tâm đến một chuyện. Đó là nhân sự Hải quân Nhật Bản căn bản dựa vào thứ tự
ưu tiên của Đại học Hải quân. Hình như được gọi là Hammock Number*. Đó mới là
chuyện đáng nói.
*[Mỗi học viên Hải quân đều được phát một
chiếc võng (hammock) có gắn số thứ tự của từng người, được gọi là Hammock Number.
Họ sẽ mắc võng lên khi tới giờ ngủ. Số thứ tự sẽ được đặt theo xếp hạng của từng
người, và sẽ được thay đổi nếu được chuyển sang bộ phận khác]
- Thành tích tốt nghiệp quyết định một đời
đây.
- Đúng thế. Giống công chức bây giờ ấy. Những
học viên ưu tú sẽ cứ thế mà thăng tiến. Và chỉ cần không gây ra lỗi lớn sẽ cứ
thế mà tiến thân. Có thể chị suy nghĩ cực đoan nhưng các học viên ưu tú được
xác định qua các bài kiểm tra viết thì lý thuyết vô cùng giỏi, nhưng thực hành
thì có phần yếu kém hơn. Điều đó khiến chị nghĩ mình không sai.
- Nghĩa là, các chỉ huy thường dự đoán trước
các tình huống trong chiến tranh chỉ nhờ lý thuyết thôi sao?
- Chị không biết sự yếu kém của Hải quân có
phải do điểm này không nữa.
Tôi gật đầu đồng tình.
- Còn Mỹ thì sao?
- Chị chưa tìm hiểu kỹ đến đó, nhưng về sự
thăng tiến thì Mỹ dường như cũng thế. Tuy nhiên thứ tự ưu tiên tốt nghiệp Đại học
Hải quân chỉ có trong thời bình. Khi chiến tranh trở nên khốc liệt, các nhân vật
ưu tú trong chỉ huy chiến đấu được chỉ định. Tổng Tư lệnh Thái Bình Dương Đề đốc
Nimitz đã được chọn ra như vậy. Hiển nhiên họ cũng phải nghiêm túc chịu trách
nhiệm trước các thất bại. Việc hạm đội tại Trân Châu Cảng bị quân đội Nhật bắn
phá, đã khiến Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc Kimmel bị bãi nhiệm, ngoài
ra ông còn bị giáng từ Đại tướng xuống Thiếu tướng. Thảm bại Trân Châu Cảng có
phải trách nhiệm của Kimmel hay không cũng thật khó nói, nhưng trong quân đội Mỹ,
thất bại thì phải chịu trách nhiệm. Thêm một điểm nữa, trong quân đội Mỹ hầu
như không có chỉ huy nào nhu nhược, tất cả đều vô cùng quyết đoán.
Chị Keiko đã tìm hiểu nhiều đến vậy ư? Từ
xưa chị ấy đã có năng lực tập trung đáng nể.
Trong lần điều tra này, dường như chị ấy thật
sự rất nghiêm túc.
- Ra thế, không chừng đây là điểm mạnh của
Mỹ.
- Chúng ta đang nói về Hải quân nhưng dường
như Lục quân Đế quốc cũng thế. Đại học Hải quân và Đại học Lục quân thời tiền
chiến còn gắt gao, khó qua hơn cả Đại học Tokyo thời bây giờ. Càng tìm hiểu về
quân đội Nhật Bản xưa chị càng nhận ra nhiều điểm chung với cơ cấu quan chức của
nước Nhật ngày nay.
Tôi lặng lẽ nhìn Keiko, không lẽ bấy lâu
tôi chưa hiểu hết về con người của chị.
- Thật ra khi tìm hiểu về quân đội em cũng
nhận ra vài điều.
- Là gì?
- Như chị nói đấy, đó là cách nhận trách
nhiệm của các sĩ quan cao cấp Hải quân Nhật Bản. Bọn họ dù có gây ra thất bại
trong chiến dịch cũng không ai nhận trách nhiệm. Tại Midway, Đô đốc Nagumo đã
phạm một sai lầm lớn, làm mất 4 mẫu hạm. Ngay trước trận hải chiến ngoài khơi
Mariana, Tham mưu trưởng Trung tướng Fukudome bị du kích kháng Nhật bắt, để
quân Mỹ cướp mất hồ sơ tác chiến quan trọng. Mặc dù bị địch bắt giữ nhưng Trung
tướng Fukudome* lại không bị cấp trên chất vấn. Nếu là binh lính thông thường
chắc chắn đã không được bỏ qua dễ dàng như vậy.
*[Shigeru Fukudome (1891-1971): là Đô đốc
và Tham mưu trưởng của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Thế chiến II]
- Ra lệnh cho binh sĩ phải chết để không bị
bắt làm tù binh, trong khi bản thân tướng lĩnh rơi vào hoàn cảnh ấy thì lại được
lờ đi.
- Trong Lục quân, việc không truy cứu trách
nhiệm của lớp tinh hoa cao cấp cũng giống vậy. Trung tướng Mataguchi lập ra kế
hoạch tái chiếm làm 30 vạn binh lính chết đói đã không chính thức nhận trách
nhiệm. Tsuji Masanobu cho tái diễn kế hoạch tác chiến ngu ngốc tại Guadalcanal
cũng không bị tra vấn trách nhiệm, thậm chí chiến dịch ấu trĩ Nomonhan* của ông
ta đã khiến không biết bao nhiêu người hy sinh, vậy mà sau này ông ta vẫn tiếp
tục được thăng tiến. Thay vào đó, trách nhiệm lại bị đổ cho các tướng sĩ hạ cấp
tại mặt trận. Nghe nói có nhiều phân đội trưởng đã bị ép tự sát.
*[Hay còn gọi là chiến dịch Khalkhyn Gol,
là trận giao tranh nhưng không tuyên bố trong Chiến tranh biên giới Xô-Nhật năm
1939]
- Khủng khiếp quá!
- Nếu thời Nomonhan, các tham mưu cao cấp
nghiêm túc nhận lãnh trách nhiệm thì đã không có bi kịch Guadalcanal sau này.
- Nhưng tại sao họ lại không nhận trách nhiệm?
- Mặt chị lộ rõ vẻ bất bình.
- Chuyện này em không rõ... nhưng em nghĩ
có thể là vì tổ chức quan liêu. - Tôi nói.
- Có lẽ vậy. Giới tinh hoa ấy muốn bao che
lẫn nhau, nếu truy cứu thất bại của người này thì người kia cũng sẽ không tránh
khỏi bị truy xét.
- Em nghĩ điều đó đúng. Trong trận Imphal,
Sư đoàn trưởng Sato Kotoku trái lệnh Mataguchi cho rút quân lại không bị đưa ra
Tòa án quân sự. Ông được cho là tâm trí bất ổn nên không bị tra hỏi. Nếu mở
phiên tòa quân sự, sẽ liên quan đến vấn đề trách nhiệm của Tổng tư lệnh
Mataguchi. Vì thế để bảo vệ ông ta, cũng không truy xét lỗi lầm của Sư đoàn trưởng
Sato nữa. Nói xa hơn, bởi vì nó còn liên quan đến trách nhiệm của các tham mưu
Tổng hành dinh Đế quốc, những người đã chấp thuận kế hoạch Imphal, tức là chính
bản thân bọn họ. Nhắc đến chuyện này, Trung tướng Kawabe, cấp trên của
Mataguchi, người đã thông qua chiến dịch Imphal còn được thăng cấp Đại tướng.
- Tệ hại thật! - Chị nói thầm. - Các binh
lính đã nỗ lực chiến đấu vì những con người như thế ư?
- Cũng liên quan đến vấn đề trách nhiệm,
trong trận Trân Châu Cảng, Đô đốc Yamamoto Isoroku đã căn dặn nhiều lần rằng “Đừng
để mang danh đánh lén”. Vậy mà việc trao thư tuyên chiến vẫn trễ. Kết cục, việc
chúng ta đột kích một cách hèn hạ là do sự lơ là nhiệm vụ của nhân viên Đại sứ
quán tại Washington Mỹ. Thế nhưng sau chiến tranh, chẳng một ai nhận lãnh trách
nhiệm.
- Lơ là nhiệm vụ sao?
- Ngày hôm ấy, họ mải mê nhậu nhẹt trong buổi
tiệc chia tay, dù đã nhận được điện báo 13 bản vô cùng quan trọng về Đối sách
chống Mỹ. Sáng hôm sau, khi điện báo bản tuyên chiến được gửi đến, lúc ấy họ mới
hốt hoảng dịch từ bản đối sách. Trễ càng thêm trễ, khi lời tuyên chiến đến tay
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hull* thì đợt không kích Trân Châu Cảng đã kết thúc rồi. Điện
báo tuyên chiến vỏn vẹn chỉ có tám dòng, vậy mà...
*[Cordell Hull (1871-1955): được biết đến
như một chính trị gia người Mỹ giữ vị trí Ngoại trưởng lâu nhất (11 năm, từ
1933-1944) dưới quyền Tổng thống Franklin Delano Roosevelt trong suốt Thế chiến
II]
- Tội này đáng phải xử lý kỷ luật!
- Phải hơn thế chứ. Vì sai phạm ấy mà nước
Nhật ta phải chịu mang tiếng nhơ là “hèn hạ”. Khiến Mỹ khăng khăng việc đáp trả
bằng bom nguyên tử là điều hiển nhiên dành cho quân đê tiện Nhật Bản. Các
phương tiện truyền thông Mỹ đã so sánh vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín với trận
Trân Châu Cảng. Mặc dù gây ra sự ô nhục đến vậy cho nước Nhật, nhưng các quan
chức cấp cao Đại sứ quán tại Mỹ đương thời không ai bị truy cứu trách nhiệm. Một
quan chức có lý lịch đổ lỗi cho nhân viên điện tín.
Keiko thở dài.
- Kết cục, các quan chức cao cấp đương thời
không bị truy cứu trách nhiệm đã đành, mà vài người còn leo lên cả chức thư ký
thường trực của Bộ Ngoại vụ. Nếu lúc đó, chúng ta truy cứu gắt gao trách nhiệm
của bọn họ thì người Nhật đã không bị mang tiếng Dân tộc hèn hạ, không chừng đã
có thể phục hồi danh dự. Mỹ cũng có thể hiểu rằng chúng ta không phải quân đánh
lén. Thế nhưng đến tận bây giờ, Bộ Ngoại vụ vẫn không chính thức thừa nhận lỗi
này. Đối với thế giới, không kích Trân Châu Cảng là đòn đánh lén của người Nhật.
- Nhật Bản là đất nước như vậy sao? - Chị
vò đầu bứt tai.
Không có câu trả lời nào cho câu hỏi ấy. Chắc
hẳn chị cũng chỉ nói vậy chứ không chờ đợi gì.
- Đất nước này được chống đỡ bởi những con
người vô danh như vậy. Trong cuộc chiến ấy, các binh lính và hạ sĩ quan đã chiến
đấu kiên cường. Dù việc liều mình hy sinh trong trận chiến là tốt hay xấu, thì
họ cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
- Họ đã chiến đấu hết mình vì quốc gia này.
- Chị Keiko đưa mắt ngắm bầu trời đêm ngoài cửa sổ. Tấm kính phản chiếu gương mặt
chị đang đanh lại. Rồi chị lẩm bẩm. - Chị nghĩ ngay cả ông Hasegawa mất một
cánh tay kia, sâu thẳm trong lòng ông hẳn cũng có một nỗi đau vì không được đáp
đền.
- Vì thế ông ấy đã đem cơn phẫn nộ trút vào
ông Miyabe chăng?
- Chị nghĩ đó còn là vì cách đối xử lạnh nhạt
của những người xung quanh nữa. Họ nhìn ông bằng con mắt binh lính chuyên nghiệp
tự làm tự chịu hơn là biết ơn vì công sức ông bỏ ra.
Tôi gật đầu.
- Chính vì thế, hãy tha thứ cho ông ấy vì
đã nói những điều không hay về ông ngoại.
- Em biết mà.
Nãy giờ chị mới cười được một chút. Thế mà
ngay lập tức nụ cười đã tắt ngúm.
- Nhưng, chị vẫn nghĩ các nhân vật lớn của
quân đội Nhật Bản thật sự đã sử dụng sinh mệnh của các chiến sĩ như một thứ
công cụ.
- Điển hình là cuộc tấn công cảm tử
Kamikaze.
Tôi nhắm mắt lại, nghĩ đến nỗi bất bình của
ông ngoại.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét