Không Chiến Zero Rực Lửa
Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*
Kamikaze
Tôi gặp cựu Trung úy Hải quân Takeda
Takanori tại khách sạn Shirogane. Vì cuộc nói chuyện này, ông ấy đã cất công đến
ở tại khách sạn.
Điều ngạc nhiên rằng ông Takeda đã từng là
giám đốc một công ty hàng đầu mà tôi biết, ngay cả chị Keiko cũng từng nghe
danh. Ông trở thành học viên phi công dự bị khi đang là sinh viên Đại học
Tokyo. Sau chiến tranh, ông quay lại học tiếp. Khi ra trường, ông xây dựng xí
nghiệp và là người đi đầu trong việc khôi phục nền kinh tế thời hậu chiến.
Tôi thấy ngạc nhiên vì một nhân vật quan trọng
của giới doanh nghiệp lại từng là cựu cảm tử quân, nhưng theo tiểu sử thì thời
gian hơn một năm làm lính Hải quân của ông Takeda vô cùng phi thường.
Tôi hẹn Keiko tại sảnh nhưng chị nhắn đến
trễ một lát nên tôi gọi điện lên phòng ông Takeda.
- Ta là Takeda. - Một lúc sau ông và vợ đi
xuống, chào tôi bằng giọng sang sảng.
Ông Takeda người to lớn, tóc bạc trắng, còn
để cả ria trắng, rất lịch lãm. Thật không thể nhận thấy ông đã qua tuổi 80.
- Cháu là Saeki Kentaro, cháu ngoại ông
Miyabe Kyuzo ạ.
Tôi xin lỗi việc chị sẽ đến trễ, sau đó cám
ơn ông vì đã cất công đến ở tại khách sạn. Ông Takeda quay nhìn người vợ mỉm cười
nói.
- Không có gì. Vợ chồng ta cũng nhân tiện
đi nghỉ thôi mà, lâu rồi không ra khỏi nhà. Vậy chúng ta uống chén trà chờ người
đi cùng cậu đến nhé.
Ba người chúng tôi ngồi vào bàn gọi thức uống
xong thì chị đến. Tuy nhiên, không ngờ đi bên cạnh chị là anh Takayama.
- Anh Takayama nhất định muốn nghe chuyện của
ông Takeda nên cháu dẫn theo. Anh ấy cùng nghe có được không ạ?
Ông Takeda không trả lời, quay sang nhìn
tôi.
- Khó xử quá chị à. Đây là chuyên riêng,
anh Takayama không liên quan.
Chị Keiko tỏ vẻ khó xử, Nhưng ông Takeda
nói.
- Xin thứ lỗi ạ.
Anh Takayama lịch sự cúi đầu và ngồi vào
bàn, sau đó trao danh thiếp cho ông Takeda và tự giới thiệu.
- Nhà báo à? - Ông Takeda cầm danh thiếp,
nói như cằn nhằn. Gương mặt thoáng u ám.
- Hôm nay không phải cháu đến lấy tư liệu,
chỉ mong ông cho cháu ngồi cùng, tham dự vào câu chuyện riêng tư này. - Anh
Takayama cúi thấp đầu.
Ông Takeda im lặng gật đầu.
- Chúng ta sẽ nói chuyện thong thả trên
phòng sau.
Nghe ông Takeda nói thế, chị và anh
Takayama bèn gọi người phục vụ, chọn thức uống.
- Tuy nhiên, như đã nói trong điện thoại,
ta sẽ không nói chuyện về bản thân ta, về cuộc tấn công cảm tử, chỉ đơn thuần
là những ký ức về ông Miyabe Kyuzo thôi.
Ông Takeda vừa cho sữa vào hồng trà vừa
nói.
- Tại sao ông lại không nói về chuyện tấn
công cảm tử ạ? - Đột nhiên, anh Takayama lên tiếng. - Cháu có mối quan tâm rất
lớn về việc ông Takeda từng là cảm tử quân.
- Ta không phải là cảm tử quân, chỉ là quân
nhân dự bị. Cảm tử quân là những người được chọn vào đội tấn công cảm tử.
- Xin thứ lỗi nếu có quá lời, nhưng cháu
nghĩ câu chuyện của những người từng trải nghiệm cuộc tấn công cảm tử như ông
Takeda hết sức đáng quý.
- Ta không muốn nói về chuyên tấn công cảm
tử. Đặc biệt là với cậu.
- Tại sao vậy ạ?
Ông Takeda thở hắt, nhìn thẳng vào mặt anh
Takayama nói.
- Bởi vì ta không tin tờ báo của cậu.
Mặt anh Takayama đờ ra.
- Tờ báo của cậu sau chiến tranh đã quay phắt
lại chối bỏ tất cả những việc trước chiến tranh, đáp ứng thị hiếu đại chúng. Rồi
cướp mất lòng yêu nước của người dân.
- Chúng cháu xác nhận sai lầm trước chiến
tranh, phản đối chiến tranh và quân đội. Sau đó, uốn nắn lại lòng yêu nước sai
lệch của người dân, vì hòa bình.
- Ta mong cậu đừng nói ra từ hòa bình nhẹ
tênh như thế.
Mặt anh Takayama biến sắc trước lời nói của
ông Takeda. Sau một quãng im lặng nặng nề, anh nói.
- Xin cho cháu hỏi một câu. Cảm tử quân được
chọn ra từ những quân nhân dự bị cho đội cảm tử, phải không ạ?
- Đúng vậy.
- Quân nhân dự bị ấy đều tự nguyện phải
không?
- Về hình thức thì đúng vậy.
- Vậy ông Takeda cũng tự nguyên chứ ạ?
Ông Takeda không trả lời câu ấy, đưa tách hồng
trà lên miệng.
- Thế có nghĩa là cả ông cũng có thời là kẻ
yêu nước mù quáng phải không?
Bàn tay cầm tách trà của ông Takeda khựng lại.
Anh Takayama không bận tâm, tiếp tục nói.
- Sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã trở
thành một nhân viên xuất sắc trong công ty, nhưng ngay cả người như ông, cũng
có thời từng yêu nước mù quáng. Thời kỳ ấy, tất cả người dân, ngay cả những người
như ông, đều bị tẩy não ư?
Ông Takeda đặt mạnh tách trà lên đĩa, vang
thành tiếng.
- Ta là một người yêu nước nhưng không bị tẩy
não. Cả những đồng đội đã chết của ta cũng vậy.
- Cháu nghĩ các cảm tử quân nhất thời bị tẩy
não. Đó không phải lỗi của họ, mà là lỗi của thời đại, lỗi của quân đội. Tuy nhiên,
sau chiến tranh việc tẩy não đó đã được xóa bỏ. Chính vì thế sau chiến tranh,
Nhật Bản đã trở thành nước chủ nghĩa dân tộc, đạt được sự phục hồi như thế đó.
- Ôi trời! - Ông Takeda lẩm bẩm.
- Nói thẳng ra, cháu nghĩ tấn công cảm tử
là một dạng khủng bố. Điều đó có thể thấy được qua các di thư họ để lại. Họ
nghĩ về lòng tự hào nhiều hơn ca thán về sự hy sinh cho đất nước, tận lực vì quốc
gia. Cháu còn đọc thấy trong đó có cả chủ nghĩa anh hùng nữa.
- Câm ngay! - Bất thình lình ông Takeda
quát lớn. Người phục vụ cũng giật mình quay phắt lại. - Đừng có nói như mày biết
tất cả. Bọn ta không hề bị tẩy não!
- Nhưng nếu đọc di thư của các cảm tử quân,
tinh thần tử vì đạo rất rõ rệt.
- Đồ ngu! Mày nghĩ những bức di thư đó là lời
thật lòng của các cảm tử quân sao?
Mặt ông Takeda đỏ rần vì tức giận. Mọi người
xung quanh đều nhìn về phía chúng tôi, nhưng ông chẳng quan tâm.
- Nhiều loại giấy viết tay thời đó đều có sự
kiểm duyệt của cấp trên, trong số đó đương nhiên có nhật ký và di thư. Những
câu chữ phê phán quân đội hay chiến tranh là tuyệt đối cấm. Hơn nữa, cũng không
được phép viết những điều nhu nhược không xứng với một quân nhân. Họ đã phải đặt
suy nghĩ của mình vào từng dòng từng chữ trong sự quản chế khắt khe đó. Đừng bị
lừa bởi những từ yêu nước hay trung thành với quốc gia. Chỉ bởi họ viết vui mừng
vì được chết là mày nghĩ thật sự họ vui mừng hay sao? Vậy mà cũng là nhà báo
sao? Mày có đầu óc không, có trái tim của một con người không vậy?
Ông Takeda run lên vì giận. Vợ ông đưa tay
đỡ cánh tay chồng. Anh Takayama vươn người tới trước như khiêu chiến, nói tiếp.
- Những người không có ý vui mừng khi chấp
nhận cái chết ắt hẳn không cần cất công viết làm gì.
- Vậy họ phải viết “Không muốn chết! Đau khổ
quá!” trong lá thư gửi gia đình à? Mày có biết đọc những dòng đó, cha mẹ họ sẽ
đau lòng đến nhường nào không? Biết đứa con trai mình cực khổ nuôi lớn chết
trong những suy nghĩ đau đớn đó, họ sẽ bi thương đến mức nào. Khi đối mặt với
cái chết, ít nhất họ cũng muốn cho cha mẹ thấy hình ảnh của đứa con trai chết
trong bình thản, mày không hiểu sao? - Ông Takeda vẫn tiếp tục lớn giọng. - Dù
không viết những lời thật lòng nhưng gia đình thương yêu vẫn hiểu được tâm trạng
của họ, bởi di thư chứa đựng vô vàn suy nghĩ được gói ghém dành cho những người
thân. Những người vui mừng vì được chết liệu có thể viết những lá thư ẩn giấu sự
yêu thương như vậy sao?
Ông Takeda rơi nước mắt. Từ nãy đến giờ người
phục vụ vẫn trân trân đứng nhìn.
- Là nhà báo... mày lại không đọc ra được tấm
lòng ẩn chứa sau những dòng chữ của người sắp chết, kìm nén tâm trạng rối bời để
viết về cho gia đình hay sao?
Trong khi ông Takeda rơi nước mắt thì trên
miệng Takayama nở nụ cười lãnh đạm.
- Tôi hiểu các dòng chữ được viết như nó vốn
thế. Văn chương thường vậy mà. Có những cảm tử quân viết về ngày xuất kích rằng
“Hôm nay là một ngày vui lớn”. Lại có người viết rằng họ vui mừng vì được hiến
dâng thân mình cho Thiên hoàng. Các cảm tử quân viết những điều tương tự nhiều
vô kể. Về mặt tâm lý, họ giống như những tên khủng bố đánh bom cảm tử vì đạo.
- Đồ ngu!
Ông Takeda đập tay xuống bàn, làm chiếc
tách va vào thìa kêu lanh canh. Người phục vụ bất giác tiến lên một bước. Từ
nãy đến giờ, những người xung quanh nhìn về phía chúng tôi suốt.
- Khủng bố? Mày ăn nói cho cẩn thận! Đối tượng
tàn sát của chúng là những người dân vô tội. Máy bay khủng bố tại New York chẳng
phải thế sao? Mày trả lời xem!
- Đúng vậy. Chính vì thế nên chúng là những
tên khủng bố.
- Mục tiêu của đội cảm tử chúng tao không
phải những tòa nhà của người dân vô tội, mà là đám mẫu hạm chất đầy máy bay ném
bom và chiến cơ. Mẫu hạm Mỹ đang không kích Tổ quốc chúng ta, nổ súng, ném bom
vào dân chúng. Bọn chúng là những người vô tội sao?
Takayama bỗng cứng họng.
- Mẫu hạm là thứ vũ khí hủy diệt đáng sợ. Cảm
tử quân lái máy bay công suất thấp, mang bom nặng nề, lại được ít máy bay yểm
trợ, phải vượt qua số lượng gấp bội máy bay chiến đấu của địch. Sau khi thoát
qua cảnh ấy lại tắm trong màn pháo đối không khủng khiếp. Tuyệt đối không giống
những tên đâm vào tòa trung tâm thương mại không có sự phòng bị kia.
- Tuy nhiên, riêng điểm vứt bỏ mạng sống vì
đức tin, có thể xem là điểm chung...
- Câm ngay! - Ông Takeda chặn miệng. - Là
nhà báo... Mày định về phe chính nghĩa à? Tao luôn nghĩ những kẻ thổi phồng cuộc
chiến tranh này chính là đám báo chí. Chiến tranh Nga-Nhật kết thúc, Hòa ước
Portsmouth được ký kết nhưng xung quanh các điều kiện hòa giải, nhiều tòa soạn
đã bày tỏ sự tức giận, dùng giấy mực tranh luận liệu có thể chấp nhận điều kiện
như thế không. Người dân bị báo chí kích động, gây bạo loạn chống chính phủ khắp
nơi trên cả nước. Hội trường Hibiya bị đốt phá, dinh thự của Komura Jutaro -
người ký hòa ước cũng bị thiêu hủy. Chủ trương phản đối chiến tranh là tờ báo
quốc gia của Tokutomi Soho. Cả tờ báo quốc gia ấy cũng bị đốt phá.
- Đó là... - Anh Takayama toan nói nhưng
ông Takeda phớt lờ.
- Ta nghĩ những chuỗi sự kiện đó chính là
bước ngoặt của Nhật Bản. Sau đó, xảy ra sự kiện ngày 15 tháng Năm*. Các binh sĩ
trẻ của quân đội đã ám sát người đứng đầu chính phủ khi chiến tuyến xâm lược được
thu hẹp, dần hướng đến việc giải trừ vũ khí. Đó chẳng phải cuộc đảo chính quân
sự sao? Vậy mà nhiều tòa soạn xưng tụng chúng như những anh hùng, chủ trương giảm
nhẹ hình phạt cho chúng. Bị báo chí kích động, phong trào yêu cầu giảm án lan
ra toàn quốc, hơn một triệu thư thỉnh cầu được gửi về tòa án. Rốt cuộc những
thành phần chủ mưu được giảm án vô cùng nhẹ. Người ta nói chính sự giảm hình bất
thường đó đã dẫn đến biến cố ngày 26 tháng Hai**. Ngay cả bây giờ, những kẻ chủ
mưu biến cố đó vẫn được coi là chiến sĩ yêu nước chân chính. Từ đó về sau,
không còn ai có thể chống lại các quyết định của quân đội, Nhật Bản mang một
màu chủ nghĩa quân phiệt, đến lúc nhận ra điều đó là không nên thì đã quá muộn
rồi. Những kẻ biến quân đội thành con quái thú chính là đảm bảo chí và cả những
người dân bị kích động.
*[Sự kiện 15/5/1932, Thủ tướng Nhật Bản
Tsuyoshi Inukai bị 11 sĩ quan hải quân trẻ ám sát trong một cuộc đảo chính]
**[Sáng sớm ngày 26/2/1936, bốn trung đoàn
mở một chiến dịch ám sát các nhân vật trong chính phủ và quân đội Nhật. Nhiều
tướng lĩnh, đô đốc và các nhà lãnh đạo chính trị bị sát hại]
- Đúng là trước chiến tranh các phóng viên
đã sai lầm nhưng sau chiến tranh thì không. - Takayama ưỡn ngực nói.
Vợ ông Takeda lại ấn nhẹ tay chồng một lần
nữa. Ông Takeda nhìn về phía vợ khẽ gật đầu, sau đó nói tiếp giọng bất mãn.
- Sau chiến tranh, nhiều tờ báo tranh luận,
hướng quốc dân vứt bỏ lòng yêu nước. Như thể yêu nước là một cái tội vậy. Không
một quốc gia nào sản sinh ra những nhà văn hóa, chính trị gia bán nước, khinh
miệt nước nhà, xu nịnh các quốc gia láng giềng như đất nước này.
Sau đó, ông nhìn thẳng vào anh Takayama nói
rõ ràng từng tiếng.
- Ta không quan tâm tư tưởng chính trị của
cậu. Tuy nhiên, hãy ngừng việc bàn luận về đội cảm tử từ quan điểm của hệ tư tưởng
ngu xuẩn ấy đi. Người không thể đọc ra nỗi lòng của những cảm tử quân khi quyết
chọn cái chết thì không xứng được gọi là phóng viên.
Trước câu nói của ông Takeda, Takayama ngạo
nghễ xoay người. Sau đó, khoanh tay nói.
- Dù có tô điểm ra sao thì đa phần các cảm
tử quân là những tên khủng bố.
Ông Takeda nhìn chằm chằm Takayama. Sau đó,
lặng lẽ nói.
- Những thằng như mày chỉ giỏi khua môi múa
mép. Làm ơn về cho!
- Tôi biết rồi. Xin chào!
Anh Takayama vẻ mặt thất vọng, đứng lên.
Trong phút chốc, chị Keiko tỏ ra bối rối rồi vội đuổi theo.
- Không về sao? - Ông Takeda hỏi khi thấy
tôi vẫn ngồi lại.
- Ông ngoại cháu chết vì tấn công cảm tử.
- Đúng rồi. Cháu của thầy Miyabe đây mà.
- Cháu không biết về phút cuối của ông ngoại.
Trong nhà cháu cũng không có di thư của ông. Nhưng bây giờ, nghe ông Takeda
nói, cháu nghĩ mình đã hiểu đôi phần về nỗi đau của ông ngoại.
Ông Takeda chậm rãi lắc đầu.
- Nếu không phải là cảm tử quân thì không
hiểu nỗi đau của họ đâu. Ta nghĩ rằng giữa quân nhân dự bị như ta và họ lớn như
một bờ vực vậy.
Khi ấy, chị Keiko quay trở lại.
- Anh Takayama đã về rồi, cho cháu ngồi lại
nghe chuyện có được không ạ?
- Nếu có lòng muốn nghe thì chẳng hề gì.
- Có ạ.
Ông Takeda gật đầu nói:
- Chúng ta lên phòng thôi.
Đây là lần đầu tiên tôi vào phòng Suite một
khách sạn cao cấp. Vợ ông Takeda lấy trà trong phòng pha mời chúng tôi.
Ông Takeda lặng lẽ uống trà, dường như cơn
kích động trong lòng đã dần lắng xuống. Một lát sau, ông khẽ mở lời.
- Trước khi nói chuyện thầy Miyabe, ta muốn
kể chuyện này:
Sau chiến tranh, cảm tử quân bị khen chê đủ
điều. Có lúc được xưng tụng như những bậc anh hùng xả thân vì Tổ quốc nhưng
cũng có khi bị bôi nhọ là những kẻ yêu nước mù quáng.
Tuy nhiên, cảm tử quân không phải người
hùng, cũng chẳng phải kẻ điên. Họ chỉ là những người chấp nhận cái chết không
thể tránh được, muốn để lại cuộc sống ngắn ngủi đó chút ý nghĩa. Ta đã chứng kiến
họ suy tư về gia đình, nghĩ về đất nước. Họ không hề ngốc nghếch, bởi họ cũng
biết không thể thay đổi cục diện lúc bấy giờ bằng việc tấn công cảm tử.
Họ không phải những binh lính trẻ cuồng tín
trong sự kiện ngày 26 tháng Hai. Không chàng trai nào mơ tưởng về một cái chết
vinh quang của chủ nghĩa anh hùng. Chắc hẳn cũng có những người tự ép mình vào
trạng thái tinh thần đó để chấp nhận cái chết, nhưng giả sử có thế thật, thì ai
có thể trách cứ họ chứ.
Các cảm tử quân không vì bị chọn mà trở nên
mất kiểm soát. Đương nhiên, cũng không ai kêu khóc khi xuất kích. Phần nhiều
trước khi xuất kích đều mang nụ cười trên gương mặt, họ vốn đã giác ngộ từ trước
rồi.
Nhiều tử tù vào ngày hành quyết gào khóc vì
sợ hãi, có những người không thể đứng mà đi nổi. Dù phải trả giá cho những việc
làm sai trái của mình, họ cũng bi đát không thể chấp nhận chuyện đó.
Trong số những người phản đối việc tử hình,
có người nói nỗi sợ hãi tâm lý ấy là quá tàn nhẫn. Có lẽ đúng là như vậy. Sau
khi bị tuyên án, họ sống trong nỗi sợ hãi ngày hành quyết khi nào sẽ đến. Sự
tra tấn kéo dài cho đến ngày đó đúng là nỗi đau đớn cho việc chuộc tội.
Thế nhưng, giây phút quân nhân dự bị được
chọn làm cảm tử quân cũng mang tâm trạng giống như vậy. Khi nào có tên trên bảng
đen phân chia nhiệm vụ trong phòng chỉ huy thì đó là ngày chết, không có tên
thì kéo dài mạng sống thêm một ngày. Không biết khi nào ngày ấy sẽ đến, không
thể gặp người thân yêu, việc muốn làm cũng không còn cơ hội. Tương lai chỉ còn
vài giờ sẽ chấm hết - điều đó đáng sợ đến thế nào?
Vậy mà họ lại có thể bình thản chấp nhận điều
đó. Nhiều người bạn mỉm cười cất cánh trước mắt ta, họ đã phải đấu tranh như thế
nào cho đến khi đó. Những người không thể hiểu ngay cả việc đó thì không có tư
cách kể chuyện của họ. Ta nói cảm tử quân và quân nhân dự bị hoàn toàn khác
nhau là vì vậy.
Hiển nhiên quân nhân dự bị chúng ta cũng nhận
thức rằng nếu bị chỉ định làm cảm tử quân, sẽ hy sinh như một người đàn ông.
Tuy nhiên, vẫn chênh lệch rất lớn với những cảm tử quân thực thụ.
Nhiều nhà văn hóa và trí thức đã viết phần
đông người Nhật trước chiến tranh tin Thiên hoàng là thần linh. Lập luận đó thật
ngớ ngẩn, chẳng có ai tin vậy cả. Chẳng phải giới quân phiệt cực hữu cũng không
tin vào chuyện đó hay sao?
Ta đã nói rồi, kẻ biến nước Nhật thành một
quốc gia thế này chính là bọn nhà báo!
Trước chiến tranh, báo giới lan truyền phát
ngôn của Đại bản doanh, mỗi ngày đều hăm hở viết bài nâng cao tinh thần chiến đấu.
Sau chiến tranh, Nhật Bản bị GHQ*của Mỹ chi phối, đám báo chí lại hăm hở viết
bài theo mệnh lệnh của chúng, ca ngợi chủ nghĩa dân tộc. Nhật Bản trước chiến
tranh là một quốc gia ngu muội. Chúng viết như thể toàn bộ quốc dân đều không
có học thức. Việc coi riêng mình là chính nghĩa, xem thường dân chúng thật đáng
khinh bỉ.
*[General Head Quarters, Tổng hành dinh Mỹ]
Chà, lại lạc đề mất rồi. Đến tuổi này,
không tránh được việc càu nhàu những chuyện như vậy. Chỉ là nhìn anh chàng lúc
nãy, ta chợt nhớ đến bọn sĩ quan trong quân đội ngày ấy. Tin tưởng mù quáng vào
tổ chức, không dùng cái đầu để suy nghĩ mà luôn tin những điều mình nghe theo
là đúng, vì tổ chức mà tận sức trung thành.
Nhiều kẻ chỉ huy chiến dịch tấn công cảm tử
cũng thế. “Không phải chỉ có bọn bay chết đâu. Chính tao cũng nhất định sẽ nối
gót theo sau!”. Chúng đã nói như vậy đấy. Nhưng hầu như chẳng có ai nối gót
theo họ cả. Chiến tranh kết thúc, tất cả tỏ vẻ như thể bản thân chẳng có trách
nhiệm gì. “Cảm tử quân là tự nguyện. Họ chân thành hiến dâng tính mạng cho Tổ
quốc từ tận đáy lòng”. Chúng tâng bốc các cảm tử quân, nhằm tránh né trách nhiệm
của mình, hoặc giả để giảm bớt sự dằn vặt lương tâm đi phần nào. Chính vì sự ngụy
biện thổi phồng của bọn chúng mà việc phán xét, khen chê cảm tử quân mới bắt đầu.
Tuy vậy, Trung tướng Onishi Takijiro người
được xem là cha đẻ của việc tấn công cảm tử đã mổ bụng tự sát vào ngày thế chiến
kết thúc. Có không ít người coi đó là cái chết anh dũng. Chết vì nhận trách nhiệm.
Ta lại chẳng nghĩ nó oanh liệt chút nào. Liệu một ông già tự sát có thể lãnh được
trách nhiệm về việc cướp đi mạng sống của bao thanh niên trẻ có tiền đồ sao?
Đành rằng chiến dịch đòi hỏi việc cảm tử ở
trận Leyte là xác đáng. Nhưng các cuộc tấn công cảm tử từ trận Okinawa trở về
sau là hoàn toàn vô nghĩa. Nếu có dũng khí hy sinh tại sao không mổ bụng mà
nói: “Dù có đổi mạng mình, cũng phản đối tấn công cảm tử”. Chiến thuật tấn công
cảm tử được cho là do trung tướng Onishi Takijiro đề xuất và tiến hành vào
tháng Mười năm 1944 nhưng sự thật có phải vậy không? Bản thân ông ấy gọi tấn
công cảm tử là chiến dịch bá đạo.
Hải quân sử dụng các vũ khí tấn công như
Kaiten và Oka vào năm cuối thế chiến, nhưng nó được phát triển từ đầu năm 1943.
Bất kỳ loại vũ khí mới nào được phát triển cũng phải có chính sách của quân đội.
Nếu nói vậy, trung tướng Onishi chắc chắn bị hàm oan. Vậy nhưng cho đến lúc chết,
trung tướng Onishi vẫn không biện minh gì về chuyện này. E là ông ấy đã chết vì
bảo vệ cho nhiều người. Nếu thực vậy, ta mong ông ấy che giấu cho những người
trẻ tuổi.
Nhắc đến Kaiten, nó là quả ngư lôi sống.
Ngư lôi hiện đại bây giờ do máy tính điều khiển, dù tàu địch có chạy trốn, nó vẫn
bám đuổi chính xác, vẫn có thể bắn trúng đích, còn Kaiten thì nhiệm vụ đó sẽ
giao cho con người. Chắc chẳng có quân đội quốc gia nào nghĩ ra được chuyện như
thế đâu nhỉ.
Tuy nhiên, đối với Hải quân có lẽ nền tảng
tấn công cảm tử đã có từ thuở ban đầu. Trong trận Trân Châu Cảng mở đầu cho cuộc
chiến, cũng đã có chuyện những chiếc tàu ngầm Ko-hyoteki tấn công cảm tử.
Ko-hyoteki là loại tàu ngầm đặc biệt do hai
người điều khiển. Trong đợt tấn công Trân Châu Cảng, Hải quân đã cho lắp đặt
Ko-hyoteki vào tàu ngầm mẹ, đưa đến gần biển Hawaii, cho lao vào cảng Trân
Châu. Nhưng tàu ngầm loại nhỏ không thể phá vỡ hàng cảnh giới nghiêm ngặt của cảng
quân sự Mỹ. Dù có thể thành công, thì thoát ra ngoài chờ tàu ngầm thu về là điều
không thể. Tóm lại, nó cũng không khác gì đội tấn công cảm tử. 10 chiến sĩ tàu
Ko-hyoteki đã xuất kích mà không mong có thể sống sót quay trở về. Có thể nói
chuyện xảy ra khi đó đã hứa hẹn cho việc tấn công cảm tử sau này.
Chuyện ngoài lề thôi, nhưng khi ấy có một
chiếc mắc kẹt tại cửa vịnh, một người đã bị bắt làm tù binh. Đại bản doanh rầm
rộ tán dương 9 chiến sĩ hy sinh và bỏ qua sự tồn tại của người bị bắt và còn sống
là thiếu úy Sakamaki. Tuy nhiên, chẳng bao lâu tên của thiếu úy Sakamaki lộ ra
ngoài, nhà của anh ấy bị ném đá, các bức thư quấy nhiễu đầy những lời lẽ như “Đồ
phản động”, “Sao không tự sát?”... từ khắp cả nước đổ tới.
Tàu của thiếu úy Sakamaki bị hỏng la bàn
con quay hồi chuyển, thứ tuyệt đối cần thiết cho việc di chuyển*. Cũng vì vậy
mà Thiếu úy không thể lái tàu, lạc mất vị trí và bị mắc cạn. Đồng đội đi cùng
đã chết. Nghe nói ngược với thiếu úy Sakamaki, 9 chiến sĩ đã hy sinh kia, dân
làng và trẻ con xếp hàng xưng tụng họ như anh hùng. Vậy mà sau chiến tranh, lại
quay phắt trở thành tội phạm chiến tranh, bị dân trong làng nhìn bằng ánh mắt lạnh
nhạt. Không gì đau lòng bằng giai đoạn ấy.
*[Con quay hồi chuyển là một thiết bị dùng
để đo đạc hoặc duy trì phương hướng, dựa trên các nguyên tắc bảo toàn mô men động
lượng]
Những biến cố và con người liên quan đến tấn
công cảm tử nhiều vô số, nhưng dù thế nào ta cũng không thể tha thứ cho Đô đốc
Hạm đội Không quân Năm Ugaki Matome. Ugaki sau khi biết chiến tranh sẽ kết
thúc, đã tìm chỗ chết cho mình, ông ta dẫn theo 17 thuộc cấp đi tấn công cảm tử.
Cha của đại úy Nakaturu, một trong những người bị dẫn theo đã nói rằng, “Nếu muốn
chết, ông ấy chết một mình đi”. Quả đúng vậy.
Tuy nhiên, có cả những người ta không thể
quên. Đó là thiếu tá Minobe Tadashi, người kiên quyết phản đối tấn công cảm tử.
Thiếu tá Minobe là người đã phản đối thẳng
thắn phương châm “Toàn lực tấn công tự sát” do tham mưu trưởng thông báo trong
hội nghị tác chiến mặt trận Okinawa của Hạm đội Liên hợp được tổ chức tại
Kisarazu với sự tham gia của hơn 80 chỉ huy.
Quân lính bị áp đặt rằng “Lệnh của cấp trên
là lệnh của Thượng Đế”. Với tội kháng lệnh nếu bị đưa ra Tòa án quân sự có thể
sẽ bị tử hình. Vậy mà thiếu tá Minobe đánh cược bằng tính mạng mình, mạnh dạn
phản đối. Không những vậy còn hỏi ngược lại vị thượng cấp rằng, “Đưa các máy
bay luyện tập ra tấn công cảm tử là điều vô cùng khủng khiếp. Nếu các vị nghĩ
tôi nói láo thì có thể leo lên máy bay tập luyện thử tấn công đi. Tôi sẽ bắn
rơi toàn bộ bằng Reisen”.
Khi biết được những lời thiếu tá Minobe đã
nói, ta khâm phục từ tận đáy lòng, không ngờ trong Hải quân Đế quốc cũng có vị
chỉ huy dũng cảm đến thế. Nếu trong hội nghị ngày ấy có nhiều người như thiếu
tá Minobe thì cuộc tấn công cảm tử Okinawa không chừng đã không xảy ra.
Tên của thiếu tá Minobe Tadashi không được
nhiều người Nhật biết đến là thiếu sót của nghề làm báo.
Tại sao anh ấy lại không được biết đến? Ta
nghĩ đó là do quá trình hoạt động của anh ấy sau chiến tranh. Thiếu tá Minobe
sau chiến tranh là sĩ quan của Lực lượng tự vệ. Các phóng viên tiến bộ nghĩ xấu
về Lực lượng tự vệ ắt chẳng tán dương sĩ quan của họ đâu phải không? Thêm một
điều nữa, Minobe không hoàn toàn chối bỏ tấn công cảm tử. Sau chiến tranh, anh ấy
từng bày tỏ rằng, “Khi không còn biện pháp tấn công nào hiệu quả ngoài tấn công
cảm tử thì cũng đành phải chọn cách đó”. Dù vậy, thiếu tá Minobe đã không cho bất
cứ máy bay nào trong đội của mình tham gia cảm tử.
Minobe mới chính là một người Nhật có bản
lĩnh thật sự. Anh ấy được đánh giá cao tại hải ngoại hơn là ở Nhật. Thật đáng
tiếc. Ta nghĩ đó là người chúng ta không nên cho vào quên lãng.
Thiếu tá Shido Saburo cũng là một chỉ huy
chiến đấu cơ anh dũng. Shido Saburo là vị chỉ huy 13 chiếc Reisen trình diễn
màn mở đầu ngoạn mục tại Trung Hoa đại lục. Sau đó, anh chiến đấu tại Rabaul rồi
chuyển về Mariana và Leyte. Năm cuối thế chiến thì trở thành Phi đội trưởng phi
đội 203 của Kagoshima. Thế nhưng trước sự kêu gọi toàn quân tấn công cảm tử của
cấp trên, một chiếc anh ấy cũng không cho tham gia.
Thiếu tá Okajima Kiyokuma thuộc phi đội chiến
đấu 303 cũng kiên quyết từ chối đưa máy bay tấn công đi tự sát, dù bị Bộ tư lệnh
tuyên bố là kẻ phản quốc. Trong số các sĩ quan xuất thân từ trường Quân sự Hải
quân cũng có những người bản lĩnh như thế đó. Tiếc là số lượng ấy quá nhỏ nhoi.
Chúng ta nói chuyện về thầy Miyabe nào!
Thầy ấy là một giáo quan tuyệt vời, được
nhiều học viên dự bị ngưỡng mộ. Cung cách tử tế, giọng điệu lễ độ, hoàn toàn
không giống các quân nhân. Tuy vậy, cả người thầy toát lên một uy lực gì đó rất
khó diễn tả. Bọn ta bàn tán rằng đó là chính là sự chuyên nghiệp.
Chúng ta không được huấn luyện không chiến.
Bởi vì các học viên dự bị đều là phi công tấn công cảm tử.
Chúng ta bị bắt viết đơn tình nguyện tham
gia tấn công vào ngày cuối của khóa đào tạo. Đó là một mệnh lệnh mang hình thức
đơn xin tự nguyện. Chính vì thế mà các cảm tử quân bị những người ban lệnh nói
rằng “Bọn chúng tham gia tấn công là do ý nguyện của bản thân”. Và sau sáu mươi
năm vẫn tiếp tục bị những người như anh chàng vừa rồi phán xét đấy. Ta bảo đảm
với các cháu. Tấn công cảm tử đều làm theo mệnh lệnh, từ một bộ phận nhỏ ngoại
lệ.
Dù kết thúc giai đoạn học viên phi hành và
nhậm chức Thiếu úy nhưng bọn ta chưa được bố trí thực chiến mà tiếp tục tham
gia tập huấn điều khiển. Khoảng thời gian đó, vì nhiên liệu bay không có nên học
viên hầu như không được bay, tốt nghiệp chỉ là hình thức thôi.
Thứ chúng ta được lái trong khóa tập huấn
là những chiếc máy bay huấn luyện cánh kép “Chuồn chuồn đỏ” hay những chiếc máy
bay tiêm kích trên mẫu hạm kiểu 96 đời cũ. Những chiếc máy bay huấn luyện đó
bay bằng xăng thô, dầu thông hoặc cồn ethyl. Sau này ta nghe nói, ngay cả máy
bay thực chiến cũng không được sử dụng xăng hàng không chuyên dụng có chỉ số
octan cao.
Đây là chuyện ngoài lề thôi. Sau chiến
tranh, khi quân Mỹ kiểm tra tính năng của các chiến đấu cơ Nhật Bản, họ cho
xăng có chỉ số octan của Mỹ vào máy bay tiêm kích loại 4* của Lục quân thì tính
năng của nó còn vượt cả chiếc mustang P51. P51 được cho là máy bay chiến đấu mạnh
nhất trong chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi nghe chuyện đó, ta đã nghĩ chiến
tranh thật sự là một cuộc đọ sức toàn diện. Dù có một hay hai điểm vượt trội
cũng chẳng làm nên trò trống gì.
*[Tức loại Nakajima Ki-84 Hayate]
Mặc dù vậy, bọn ta vẫn cố gắng, nguyện dùng
chút sức lực nhỏ bé của mình, dâng hiến thân mình để bảo vệ đất nước. Suy nghĩ
đó là của kẻ yêu nước mù quáng sao?
Sau khi trở thành quân nhân dự bị cho đội cảm
tử quân, ta được lái Reisen trong khóa huấn luyện và bất ngờ vì tính năng tuyệt
vời của nó khác xa các loại máy bay tập huấn. Đây là chiếc Reisen đã bắn máy
bay Mỹ rơi rụng sao? Chỉ ngồi vào ghế điều khiển thôi cũng đã ngập tràn cảm xúc
rồi.
Tuy nhiên, bài tập huấn của bọn ta là bổ
nhào bằng Reisen. Đó là bài tập huấn cho tấn công cảm tử, bài tập cho cái chết.
Mang bom, tìm tàu địch và đâm vào. Dù vậy chúng ta vẫn tham gia huấn luyện một
cách nghiêm túc. Tại sao ư? Con người là vậy mà phải không?
Một hôm, ta nghĩ mình đã thể hiện khá tốt
trong buổi tập bay nâng đầu máy bay sau khi bổ nhào. Khi buổi tập kết thúc, ta đã
nói với thầy Miyabe tại phi trường.
“Hôm nay tôi làm khá lắm phải không?”
“Cậu làm tôi ngạc nhiên đấy. Làm rất tốt!”,
thầy Miyabe cười nói.
“Thật chứ?”
“Thật! Không phải nịnh đâu. Không riêng cậu
mà tất cả mọi người đều rất xuất sắc. Tôi hiểu vì sao Hải quân lại chọn nhiều
sinh viên cho việc lái máy bay. Nhưng mà...”. Nụ cười trên gương mặt thầy
Miyabe tắt lịm. “Những người thể hiện tốt sẽ bị đưa ra chiến trường trước
tiên”.
Ta hiểu ngụ ý câu nói đó. Ra chiến trường
có nghĩa là tấn công cảm tử. Thầy Miyabe nói tiếp.
“Đối với tôi, các bài huấn luyện bay là luyện
để sống sót. Làm sao để bắn địch, làm sao để tránh khỏi địch. Nhưng với các cậu
thì khác. Các cậu được đào tạo để chết. Hơn nữa, lại tuần tự bắt đầu từ những
người giỏi. Vì thế, cứ dở hoài lại tốt hơn”.
Ta không biết phải trả lời thầy thế nào.
“Tất cả các cậu đều là những người cần thiết
cho nước Nhật, rất cần, rất cần sau khi chiến tranh kết thúc”. Thầy nói rất rõ
ràng.
Thế nhưng bây giờ ta tin, chính thầy Miyabe
mới là người cần thiết cho Nhật Bản. Chính thầy ấy mới là người không nên chết.
“Chiến tranh sẽ kết thúc sao?”
“Sẽ kết thúc”.
“Chúng ta sẽ thắng chứ?”
Thầy Miyabe cười. Đó là một nụ cười buồn.
“Điều đó thì tôi không biết”. Thầy nói.
“Tôi đã chiến đấu trên Thái Bình Dương với quân Mỹ từ sau trận Trân Châu Cảng.
Quân lực của họ rất đáng sợ”.
“Về số lượng ư?”
“Không chỉ số lượng mà tất cả đều hơn hẳn
chúng ta”.
“Vậy còn những chiếc Reisen tuyệt vời thì
sao?”
“Thời khai chiến, nó là chiếc chiến cơ vô địch.
Tôi từng nghĩ rằng chỉ cần ngồi trên nó thì chắc chắn sẽ không thua. Tuy nhiên,
từ nửa sau năm 1943, Mỹ đã tung ra các chiến đấu cơ có tính năng vượt hơn hẳn
Reisen là Grumman F6F và Sikorsky”.
Những lời nói ấy thật bàng hoàng. Cho đến
lúc đó, chúng ta vẫn được dạy Reisen là máy bay chiến đấu mạnh nhất thế giới,
đã bắn rơi vô số máy bay Mỹ.
“Reisen đã chiến đấu quá lâu rồi!”, thầy
Miyabe nói. “Nó đã chiến đấu liên tục trên tuyến đầu suốt năm năm từ chiến
tranh Trung-Nhật. Dù đã được cải tiến nhiều lần nhưng không có tính năng nào vượt
trội. Điều đáng buồn với Reisen là không phát triển được thế hệ máy bay tiếp nối.
Reisen khi xưa là một chiến binh vô địch còn bây giờ... đã là một người lính
già rồi!”
Ta như thấy hình ảnh chiếc Reisen mà thầy
Miyabe vừa nói trùng khớp với bản thân thầy ấy. Có phải chính Reisen là một
hình ảnh khác của thầy Miyabe không?
Dù trong lúc chiến cuộc ngày càng chuyển biển
xấu, chúng ta vẫn cố gắng tập huấn hằng ngày. Dù là tập huấn nhưng cũng nguy hiểm
đến tính mạng, chỉ cần sai sót một bước trong màn bổ nhào là có thể dẫn đến cái
chết. Thực tế đã có nhiều học viên chết trong buổi tập bay ấy.
Người bạn thân chí cốt của ta cũng vì thế
mà chết. Ito thất bại trong việc nâng đầu phi cơ tại buổi tập bổ nhào và cứ thế
đâm thẳng xuống đất. Cậu ấy là một chàng trai vui vẻ, được mọi người yêu mến,
giỏi thơ Dodoitsu*. Sau những buổi tập huấn cực khổ, cậu ấy lại dùng chất giọng
trời phú của mình khiến mọi người vui vẻ. Chàng trai ấy đã chết ngay trước mắt
ta. Không có cú sốc nào hơn thế.
*[Một thể thơ Nhật từ thời Edo]
Giáo quan khi ấy là thầy Miyabe. Thầy từ
máy bay bước xuống, mặt xanh xao. Đêm đó, toàn bộ học viên dự bị được gọi tập
trung thành hàng. Một Trung úy xuất thân từ trường quân sự kích động quát tháo.
“Tao nghĩ chuyện xảy ra ngày hôm nay bọn
mày đã biết rồi”.
Bọn ta đã nghĩ vị trung úy sẽ nói những lời
tiếc thương với Ito. Nhưng những lời phát ra từ miệng hắn thật quá sức tưởng tượng.
“Sĩ quan dự bị đã chết không có đủ tinh thần.
Không thể chiến đấu ngoài chiến trường với trạng thái như thế được!”
Trung úy quát như hét lên, quất đầu gươm xuống
sàn. Vì truyện của Ito mà cất công gọi các sĩ quan dự bị tập trung để miệt thị.
“Những kẻ mất mạng trong các buổi huấn luyện
không xứng đáng được gọi là quân nhân. Làm sao có thể làm tổn thất các chiến cơ
quý giá như thế! Bọn bay, đừng bao giờ lặp lại chuyện đó lần thứ hai!”
Bọn ta bất mãn đến độ ruột gan cháy bỏng, đổ
lệ trong lòng. Chiến tranh là đây ư? Quân đội là đây ư? Nơi đây sinh mạng con
người còn bị xem nhẹ hơn một chiếc máy bay.
“Trung úy!”
Khi ấy, ta nghe tiếng của thầy Miyabe.
“Thiếu úy Ito đã mất là một chàng trai bản
lĩnh. Không phải là người không có tư chất quân nhân”.
Không khí lúc bấy giờ đặc quánh như đóng
băng. Mặt tên trung úy biến sắc, run lên bần bật vì tức giận.
“Mày!”
Tên trung úy từ trên lao xuống, đấm thẳng
vào mặt thầy Miyabe. Gã đấm liên tục không ngơi tay. Máu từ mũi và miệng phun
ra nhưng thầy không ngã.
Trung úy thấp người, dù hắn có đánh hết sức
thì thầy Miyabe cũng không thể ngã. Không những thế, còn như đứng từ trên nhìn
xuống tên trung úy.
“Thiếu úy Ito là một chàng trai đầy khí
phách!”
Thầy Miyabe không chịu thua, lớn tiếng đáp
lại khiến toàn thân hắn bắt đầu run lên.
“Sĩ quan đặc vụ mà dám xấc láo!”
Tên trung úy nói, tiếp tục đấm đá. Được một
lúc rồi quay lưng bỏ về phía doanh trại. Phi đội trưởng thoáng bối rối cho giải
tán.
Vết thương trên mặt thầy Miyabe rất trầm trọng.
Môi rách, cả trên mắt cũng chảy máu. Tất cả bọn ta đều hết lòng cảm phục, thầm
cám ơn thầy Miyabe đã bảo vệ danh dự cho Ito. Khi ấy ta đã nghĩ, nếu tham gia tấn
công mà có thể bảo vệ con người này ta cũng bằng lòng.
Tâm trạng đó không phải chỉ của riêng ta.
Thực tế đã có người liều mạng bảo vệ thầy Miyabe.
Chuyện đó xảy ra không lâu sau khi Ito qua
đời. Thầy Miyabe dẫn ba học viên dự bị tập bổ nhào. Khi đó, phía sau thầy
Miyabe bốn chiếc Sikorsky từ đám mây tiến ra công kích.
Không có tín hiệu cảnh báo. Có lẽ đó là lực
lượng máy bay trinh sát đến từ mẫu hạm gần biển. Khi lực lượng canh phòng phát
hiện ra thì chúng đã tiến xuống cao độ khá thấp. Thầy Miyabe lại hoàn toàn sơ
ý, không phát hiện máy bay địch. Thầy đang bay bảo vệ các phi cơ của sĩ quan dự
bị tập bổ nhào. Đám Sikorsky từ từ tiến đến thu hẹp khoảng cách. Chúng ta dùng
hết sức kêu gào nhưng chắc chắn thầy Miyabe không thể nghe thấy.
Đúng lúc ấy, chiếc Reisen của học viên dự bị
đã hoàn thành bài bổ nhào, bay ngược lên đâm bổ vào giữa phi cơ của thầy Miyabe
và chiếc Sikorsky. Vì máy bay của sĩ quan dự bị không được trang bị đạn súng
nên không thể bắn được kẻ thù. Dù thế, cậu ấy một lòng muốn cứu thầy Miyabe nên
đã liều mình bay bổ vào máy bay địch.
2 trong 4 chiếc Sikorsky không bận tâm, vẫn
tiếp tục bám theo thầy Miyabe. Chiếc dẫn đầu nổ súng. Khoảnh khắc ấy, thầy
Miyabe đã nhận ra, cho phi cơ trượt đi nhưng dường như đã muộn.
Thế nhưng khi Reisen của sĩ quan dự bị nhắm
Sikorsky đâm thẳng vào thì 2 chiếc chiến cơ địch né ra, một chiếc cứ thế bay thẳng
lên. Đó là quyết định sai lầm chết người! Từ phía dưới, máy bay thầy Miyabe nổ
súng khiến nó bốc cháy trong phút chốc.
Một chiếc Sikorsky sau khi xoay vòng định
bay lên trên trốn thoát nhưng thầy Miyabe đã bắt được vị trí cao độ. Vì đây là
cuộc chiến tầm thấp nên địch không thể dùng thuật bổ nhào trốn thoát đặc trưng.
Máy bay địch đảo chiều, quay về hướng máy
bay thầy Miyabe. Hai chiếc bay ngược chiều nhau, máy bay địch nghiêng thân máy
và rơi xuống, cũng chẳng nhảy dù ra, e là đã bị bắn trực diện vào ghế điều khiển.
Hai chiếc Sikorsky rút lui lên cao, hoặc giả là dụ ta bay lên, nhưng thầy
Miyabe không đuổi theo bọn chúng.
Thầy Miyabe tập hợp các máy bay học viên dự
bị trên không, bản thân thầy thì bay lên cao, canh chừng khoảng mười phút. Sau
đó, cho bọn họ hạ cánh.
Thầy Miyabe đáp xuống sau cùng. Ta nhìn chiếc
máy bay đó mà rùng mình, hai cánh và bụng máy bay lỗ chỗ như tổ ong. Sau đó kiểm
tra thấy, có cả vết đạn cách thùng nhiên liệu bên trong cánh chỉ chừng một
centimet. Nếu trúng vào thùng nhiên liệu đó chắc chắn máy bay của thẩy Miyabe sẽ
phát nổ.
“Sơ suất quá!”. Giọng thầy run run, gương mặt
tái mét. “Ai là người vừa cứu tôi?”
Sĩ quan dự bị đã cứu thầy Miyabe bị trúng đạn
vào thẳng ghế điều khiển, kính chắn gió vỡ bay từng mảnh, đồng hồ đo cũng nhảy
loạn xạ. Bản thân phi công cũng bị trúng đạn, giữ được mạng đúng là kỳ tích.
Thầy chạy theo cậu ấy, đang được chuyển đi
bằng băng ca.
“Cậu làm trò ngu ngốc gì vậy hả?”
Sĩ quan dự bị đó nằm liệt trên băng ca, ngẩng
gương mặt đầy máu lên hỏi.
“Thầy không sao chứ?”
“Sao cậu lại hành xử liều lĩnh như vậy?”
“Thầy là người cần thiết cho đất nước này.
Thầy không thể chết!”
Khi nghe câu nói đó, lòng ta bồi hồi cảm
xúc. Cậu ấy đã truyền đạt được sâu sắc tình cảm của mình. Chắc hẳn cậu ấy đã
nghĩ, vì thầy Miyabe, dù chết cũng cam lòng. Và ta cũng có cùng một tâm trạng ấy.
Dù bị bất ngờ vậy, kỹ thuật không chiến của
thầy Miyabe có thể gói gọn trong từ “Tuyệt hảo!” Thầy đã bắn rơi hai chiếc
Sikorsky vượt xa về tính năng trong tíc tắc, quả là viên ngọc quý của Hải quân
Nhật Bản.
Vậy mà, Hải quân cũng không để cho người
như thầy được sống. Thầy Miyabe sau đó dẫn vài sĩ quan dự bị di chuyển đến căn
cứ Kyushu. Nghe nói toàn bộ các sĩ quan dự bị bay đến Kyushu khi ấy đều hy sinh
vì tấn công cảm tử. Sau đó, ta cũng nhanh chóng được lệnh đến Kyushu.
Nơi ta đến là cứ địa Kokubun ở Kagoshima.
Ta đã nghĩ những ngày cuối đời của mình sắp kết thúc rồi, thế nhưng lệnh tấn
công chưa được ban ra ngay. Những chiếc Reisen bọn ta mang đến, được các cảm tử
quân khác lái đi tấn công.
Giai đoạn đó, máy bay tấn công cảm tử từ
Kokubun xuất kích gần như mỗi ngày. Ta đã tiễn đưa nhiều người bạn và nghĩ tiếp
theo sẽ tới lượt mình. Ta còn viết di thư để lại cho cha mẹ. Trước khi ra đi,
ta ước ao cháy bỏng được gặp lại họ dù chỉ một lần, nhưng e rằng không thể thực
hiện được.
Sau khi trận Okinawa kết thúc, căn cứ
Kokubun nhiều lần bị quân Mỹ không kích. Với các trận ném bom và bắn phá mặt đất,
nhiều máy bay đã bị phá hỏng. Nhiều người, bao gồm cả ta được lệnh chuyển đến
Phi đội Usa tại Oita.
Khi vừa bước ra khỏi căn cứ thì ta bị một
đôi vợ chồng già gọi lại. Họ hỏi thăm tin tức của con trai là một học viên dự bị
nọ. Người thiếu úy ấy, cách đó vài hôm đã tham gia tấn công cảm tử. Khi nghe ta
thuật lại vậy, người đàn ông cúi đầu lặng lẽ, còn người phụ nữ ngồi sụp xuống đất.
“Vừa nghe tin nó ở Kokubun, chúng tôi liền
đến đây ngay nhưng đã không kịp rồi”. Người cha thất vọng nói.
“Cậu ấy rất vững vàng, còn mỉm cười trước
khi xuất kích, rồi cất cánh bay đi như một nam tử hán”.
“Cám ơn cậu. Nghe thế chúng tôi đã yên tâm
rồi”.
Người cha nói thế rồi cúi thấp đầu. Người mẹ
ngồi sụp cất lên những tiếng thổn thức.
“Nó là con một”.
Ông ấy lẩm bẩm sau đó ôm lấy người vợ, đỡ
bà đứng dậy, chào ta một lần nữa và rời khỏi căn cứ.
Đó là cảnh tượng không hiếm gặp ở Kokubun.
Các cảm tử quân bị cấm thông báo cho gia
đình biết việc xuất kích. Những người bạn còn sống sẽ nhờ người bên ngoài căn cứ
chuyển thư thông báo về cho gia đình. Nhưng đến kịp trước khi xuất kích là chuyện
hy hữu, nhiều người thân đến sau khi xuất kích và rời khỏi căn cứ cùng nỗi bi
thương.
Tại căn cứ, ta cũng thấy những phụ nữ trẻ
được thông báo về cái chết của chồng mình. Và cả ở Kokubun lẫn Usa nữa. Có những
người vì quá đau buồn và sốc nên không thể đứng vững. Nhìn họ ta thầm nghĩ việc
mình chưa kết hôn quả là may mắn. Thế nhưng, cùng lúc đó ta lại thấy thương bản
thân mình đến lúc chết vẫn không biết người phụ nữ mình yêu là ai.
Tại Usa ta vẫn là quân nhân dự bị. Tâm trạng
khi ấy ta chẳng còn nhớ rõ. Có lẽ rằng sợ hãi. Thế nhưng nỗi đau đớn khi đưa tiễn
bạn bè của mình, có muốn chắc cũng không thể quên được.
Ở Kokubun hay Usa ta đều không gặp được thầy
Miyabe.
Một khoảng lặng ngắn sau những lời của ông
Takeda. Người mở lời trước là vợ ông.
- Đây là lần đầu tiên ông kể về tấn công cảm
tử.
Trước câu nói của vợ, ông Takeda gật đầu.
- Tôi đã không kể với bất cứ ai về chuyên tấn
công cảm tử. Vì tôi nghĩ, dù có kể với ai họ cũng sẽ không hiểu được.
- Ông cũng nghĩ tôi như vậy à?
Ông Takeda lắc đâu.
- Nhiều lần tôi đã định nhưng mãi vẫn chưa
nói được. Một mặt, tôi muốn người khác hiểu về nỗi đau của tôi, nhưng riêng bà,
tôi không muốn bà biết điều đó.
- Tôi cũng có một chuyện đến giờ vẫn chưa
nói với ông. - Vợ ông Takeda nhìn vào mắt chồng. - Tôi và ông quen nhau tại nơi
làm việc và kết hôn vào năm 1950. Tôi từng nghe bàn tán rằng ông là cảm tử quân
nhưng tôi hoàn toàn không thể tưởng tượng được chuyện đó. Bởi tại nơi làm việc
ông lúc nào cũng vui vẻ, cười nói.
Ông Takeda gật đầu.
- Trước khi cưới ông cũng không hề nói về
chuyện đội cảm tử quân. Thế nhưng khi đã thành vợ thành chồng tôi đã rất kinh
ngạc. Mỗi đêm ông đều mơ thấy ác mộng bật lên những tiếng kêu đau đớn. Đó là vẻ
mặt đáng sợ mà ban ngày tôi chưa từng thấy. Khi ấy, tôi đã nghĩ con người này
đã gặp những chuyện đau đớn đến thế nào đây, và tôi không cầm được nước mắt.
- Tôi đã không biết... - Ông Takeda nói. -
Sao bà không nói với tôi?
- Nói cũng để làm gì chứ? Tôi cũng không thể
gánh giúp ông nỗi đau ấy. Khi con trai đầu của chúng ta học trung học, cuối
cùng những cơn ác mộng đêm đã biến mất. Nhìn gương mặt bình yên của ông trong
giấc ngủ, tôi nghĩ cuối cùng ông cũng thoát khỏi chiến tranh và trở về.
Ông Takeda khẽ nói cám ơn rồi đặt tay mình
lên tay vợ.
Lúc từ biệt, ông Takeda đã nói.
- Thầy Miyabe là một người đầy khí phách.
Tuy chỉ tiếp xúc chưa đầy vài tháng nhưng ta thấy thầy ấy thực sự là một người
tuyệt vời.
- Cám ơn ông.
- Chính thầy ấy mới là người phải sống.
- Cháu rất vui vì câu nói ấy.
Mặt ông Takeda hơi đanh lại.
- Khi thầy Miyabe sắp leo lên Reisen bay đến
Kyushu, ta đã nói “Thầy bảo trọng nhé”. Lập tức thầy bảo “Tôi tuyệt đối sẽ
không chết” với gương mặt nghiêm nghị, trong mắt thầy tràn đầy ý niệm sống mãnh
liệt. Ta đã nghĩ con người ấy tuyệt đối sẽ không chết.
- Dù vậy, chiến tranh cũng không tha cho
ông ngoại cháu.
- Không phải chiến tranh. - Chị nói. - Ông
ngoại đã bị Hải quân giết chết.
Ông Takeda gật đầu.
- Đúng như cháu nói, có lẽ người giết thầy ấy
chính là Hải quân.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét