Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Không Chiến Zero Rực Lửa - P 12

Không Chiến Zero Rực Lửa

Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*

Phút cuối

Mùa hè nóng bức đã sắp qua. Chuyến tìm hiểu về Ông ngoại cũng sắp kết thúc. Tôi sẽ tổng hợp câu chuyện về ông cho mẹ đọc. Tôi lưu phần ghi âm vào máy tính, nghe đi nghe lại những câu chuyện về ông. Tôi đã bảo chị Keiko cho tôi đảm nhận việc tổng hợp câu chuyện. Những tưởng sẽ bị từ chối, nhưng chị lại đồng ý.
- Lần điều tra này, em đã bỏ công sức từ đầu đến cuối, em tổng hợp là đương nhiên rồi.
Tôi nghe tin cáo phó của ông Izaki Genjiro từ bà Emura Reiko vào giữa tháng Tám.
- Gương mặt ông rất thanh thản. - Khi gặp tại lễ tang, bà Emura đã nói vậy.
Lúc thắp hương, tôi thấy Seichi - cháu trai ông Izaki, nhưng ban đầu tôi đã không nhận ra cậu ấy. Mái tóc dài đã cắt ngắn, tóc vàng đã nhuộm đen lại. Dù không trò chuyện nhưng khi nhận ra tôi, cậu ấy đã cúi thấp đầu chào.
Trong lòng tôi cũng xuất hiện một sự thay đổi. Tôi đã đọc lại đống sách luật phủ đầy bụi, định thử sức với kỳ thi tư pháp một lần nữa. Tôi đã lấy lại quyết tâm làm luật sư, muốn tận lực vì mọi người như khi xưa. Bản thân tôi cũng thấy kỳ lạ.
Cuối tháng Tám, chị rủ tôi đi uống nước, chuyện vốn hiếm có nhưng thoáng thấy chị, tôi biết đã có chuyện gì đó.
- Anh Takayama lại cầu hôn chị lần nữa. - Sau khi vào tiệm, chị hờ hững nói.
- Chị trả lời sao?
Keiko lặng yên không trả lời.
- Em không muốn gọi người đó là anh rể đâu!
- Đừng nói thế! Chuyện khi ấy, anh Takayama đã kiểm điểm lại rồi. Bị ông Takeda nói về tòa soạn mình như thế nên anh ấy mới nổi cơn thịnh nộ như vậy...
- Anh ấy đã sỉ nhục ông ngoại. Tuy không phải trực tiếp nhưng anh ta đã sỉ nhục tất cả cảm tử quân.
- Anh Takayama đã hối lỗi rồi. Nghe ông Takeda nói, anh ấy đã nhận ra mình sai. Có lẽ em không tin nhưng anh ấy đã khóc khi nói vậy đấy.
- Chị nghĩ lấy người như vậy sẽ hạnh phúc sao?
Keiko dường như hơi giận trước cách nói chuyện của tôi.
- Chị nghĩ chị sẽ hạnh phúc. Anh Takayama yêu chị, hơn nữa...
- Điều kiện cũng tốt để lấy làm chồng?
- Không được sao?
Tôi lắc đầu. Đối với phái nữ, kết hôn rất thực tế. Hơn nữa anh Takayama lại yêu chị. Có thể anh ấy là người có suy nghĩ lệch lạc nhưng không phải vì thế mà là kẻ xấu. Người rơi nước mắt nhận sai lầm của mình chắc hẳn chân thành. Vả lại, chị có ước mơ mãnh liệt muốn phát hành sách, anh ta thì có khả năng thúc đẩy giấc mơ đó.
- Em quan tâm một chuyện. - Tôi nói. - Chị chưa nói đến trọng tâm. Chị có yêu anh Takayama không?
Thay vì trả lời, chị im lặng uống rượu Mizuwari. Khi cốc đã cạn, chị đưa lên ngang tầm mắt, ngắm những viên đá.
- Còn anh Fujiki thì sao?
Mặt chị bỗng biến sắc.
- Đối với anh Fujiki, việc cầu hôn chị có lẽ sánh ngang với chuyện nhảy xuống từ đài Shimizu vậy. Em nghĩ chắc hẳn anh ấy đã lấy hết dũng khí để thổ lộ.
Chị gật đầu, sau đó nói nhỏ.
- Chị cũng nghĩ vậy.
- Chị làm như thể chuyện trả đũa của trẻ con ấy. Em chỉ mong chị hãy xin lỗi anh Fujiki đàng hoàng.
Chị yên lặng gật đầu.
- Cuộc đời chị là của chị, vì vậy chuyện kết hôn không cần bàn gì thêm, cứ quyết theo những gì bản thân chị cho là tốt.
- Chị biết rồi. - Keiko đáp.
Tôi chuyển đề tài, nói rằng mình sẽ ra sức học hành một lần nữa, năm sau sẽ lại đối mặt với kỳ thi tư pháp quốc gia.
Chị có hơi ngạc nhiên nhưng chỉ mỉm cười động viên:
- Cố lên nhé!
Tôi chẳng lo lắng gì về kỳ thi. Bây giờ nghĩ lại, khi tham dự kỳ thi tư pháp lần đầu, do lòng đầy hoài bão nên khi thất bại tôi đâm ra mất kiên nhẫn. Giờ định tâm lại, quyết chí học hành, tôi thấy nếu đã cố gắng hết sức mình, thì ra sao cũng là số mệnh. Nếu thi hỏng, tôi định sẽ xin làm một công việc nào đó.
- Nhưng rốt cuộc, tại sao ông ngoại lại tham gia tấn công cảm tử? - Bất giác chị hỏi.
- Đây chỉ là ý nghĩ của em thôi... - Tôi chợt khựng lại.
- Nói đi. Không sao đâu.
- Theo lời ông Kageura, Yamato dù biết sẽ bị đánh chìm nhưng vẫn tiến vào Okinawa. Đó là một cái chết vô ích nhưng họ cũng không thể bỏ mặc những người đang chiến đấu tại Okinawa.
Chị nhìn tôi với ánh mắt nghiêm trọng.
- Có phải do ông đã đưa tiễn quá nhiều đội cảm tử... Trong đó, cũng có những học viên mà mình dạy dỗ, ông không thể chịu được việc chỉ riêng mình còn sống chăng?
Ánh mắt chị chuyển xuống mặt bàn, nhìn đăm đăm chiếc cốc trước mặt, sau đó nhỏ giọng thì thầm.
- Chị không nghĩ như vậy.
Tôi chờ, nhưng chị không nói gì hơn.
- Chuyện về ông Kageura, chị hiểu tâm trạng của con người ấy. - Bất ngờ chị nói. - Trong tâm khảm ông ấy rất ngưỡng mộ ông ngoại.
Tôi cũng nghĩ vậy.
- Vậy cuộc điều tra về ông sẽ kết thúc phải không? - Chị hỏi.
- Thực ra vài ngày trước, chúng ta lại có liên lạc từ Hội cựu chiến binh. Ở căn cứ Kanoya, Kyushu có người từng làm thông tín viên, nhưng hình như người đó cũng không nhớ nhiều chuyện lắm.
- Vậy thôi, đừng đi.
- Em muốn đến nơi cuối cùng mà ông đã cất cánh, tiện thể đi gặp luôn. Sau đó, sẽ chấm dứt cuộc hành trình tìm hiểu về ông ngoại.
- Khi nào em đi?
- Cuối tuần này.
Chị suy nghĩ một chút rồi nói giọng quả quyết.
- Chị đi cùng được không? Không, nhất định em phải dẫn chị đi cùng.

Cứ địa Kanoya khi xưa giờ đã là căn cứ của Lực lượng phòng vệ, nằm giữa bán đảo Osumi, phía tây nam có thể nhìn thấy ngọn núi Kaimon. Tôi có thể trông thấy đường băng từ ngọn đồi nhỏ Kirishimagaoka gần đó, đường băng thời chiến được giữ nguyên để sử dụng, hầm trú ẩn từ sáu mươi năm trước cũng vẫn còn. Tôi như thấy khung cảnh mà ông đã thấy khi xưa, trong lòng dâng lên nhiều cảm xúc.
Cạnh căn cứ Lực lượng phòng vệ, có một Viện lưu trữ triển lãm tư liệu về Không lực Hải quân khi xưa. Lần đầu tiên, tôi tận mắt thấy một chiếc Reisen. Chiếc máy bay nhỏ hơn so với những gì tôi tưởng tượng. Trong viện còn trưng bày cả di thư của đội cảm tử quân nhưng tôi không thể cầm lòng đọc nổi, vội bước ra khỏi Viện lưu trữ.
Chị Keiko đã đọc vài bức di thư, mắt đỏ au bước ra. Tôi và chị không nói gì, cả hai đều thấu hiểu nỗi niềm của các cảm tử quân. Sau đó, chúng tôi đến viếng Đài tưởng niệm cảm tử quân, rồi rời thành phố Kanoya.
Nhà của cựu Nhất đẳng phi tào Hải quân Onishi Yasuhiko nằm trong nội thành Kagoshima.
Từ Kanoya đi xe buýt và qua phà hết ba giờ đồng hồ.
Ông Onishi đang kinh doanh một quán trọ nhỏ, nhưng đã giao lại cho con trai và sống cuộc đời điền viên rồi.
Tôi và chị được đưa vào phòng khách của quán trọ. Đó là một căn phòng hướng nam sáng sủa, nhìn ra khu vườn nhỏ. Điều ngạc nhiên khi chúng tôi gặp Onishi là ông ấy dùng chuẩn âm quốc ngữ.
- Ông phát âm chuẩn quá ạ! - Chị Keiko nói.
- Ta vốn sinh ra ở Tokyo mà. - Ông Onishi cười đáp, trải đầy cuốn tập sinh viên cũ mèm trên bàn. Cuốn nào bìa cũng tả tơi, vàng úa.
- Đây là mấy thứ ta viết những khi nhớ về thời ấy. - Ông Onishi vừa lật giở trang vở vừa nói. - Ta còn ghi lại toàn bộ tên những cảm tử quân cất cánh từ cứ địa Kanoya.
Ta đến Kanoya vào năm 1944, đã sáu mươi năm rồi. Đến giờ ta vẫn chưa thể nói trôi chảy tiếng địa phương nơi đây, nhưng kinh doanh quán trọ thi nói chuẩn quốc ngữ cũng tiện lắm.
Sau chiến tranh, ta cũng định quay về Tokyo nhưng quê nhà đã bị thiêu rụi vì không kích, gia đình lại di tản về nhà bà con ở Chiba. Ta quay về cũng chẳng để làm gì. Hơn nữa, ta lại có tình cảm với bà xã ta bây giờ. Đó là lý do ta ở lại nơi đây.
Bà xã ta từng hoạt động trong đội tình nguyện xây dựng hào phòng không của căn cứ Kanoya. Dù vậy, trong thời chiến chúng ta chưa từng nói chuyện một lần nào, mãi cho đến khi chiến tranh kết thúc. Nhà bà ấy kinh doanh quán trọ này, vợ ta có hai người anh nhưng đều chết trận. Ta ở rể và thừa kế lại ngôi nhà này. Đến bấy giờ tình cảm của chúng ta vẫn tốt lắm.
Nhiệm vụ của ta ở Kanoya là thông tín viên, làm những việc như liên lạc với các quân đoàn khác, trao đổi thông tin với đội tấn công, nhưng từ mùa xuân năm 1945, công việc chủ yếu là nhận điện tín từ đội cảm tử quân. Đó là một công việc đầy đau đớn.
Các đội cảm tử quân giai đoạn ấy hầu như không được kèm máy bay xác nhận chiến tích. Dù đội cảm tử có ngoạn mục đâm được vào tàu địch mà không có người chứng kiến báo cáo lại thì phe ta cũng không thể biết được.
Trận ở Philippines luôn có máy bay xác nhận chiến tích được gửi đi, nhưng đến giai đoạn Okinawa, nếu gửi đi thì ngay cả máy bay xác nhận chiến tích cũng sẽ bị bắn rơi nên không được bay kèm.
Những lời Đô đốc Onishi từng nói với đội Shikishima, rằng “Chiến tích của các cậu nhất định sẽ được trình báo lên trên!” cũng sớm bị ném vào thùng rác. Chiến công của cảm tử quân không được thông báo cho bất kỳ ai.
Vậy việc xác nhận chiến tích phải làm sao đây? Các máy bay cảm tử được gắn điện tín không dây, phi công buộc phải truyền tin bằng điện tín lúc tấn công. Điện thoại vô tuyến thời ấy của Hải quân Nhật Bản đầy tạp âm, hoàn toàn không dùng được, thứ mà chúng ta có thể trông cậy là tín hiệu Morse*.
*[Mã Morse dùng một chuỗi ký hiệu đã được chuẩn hóa gồm các phần tử dài và ngắn để biểu diễn các chữ cái, chữ số, dấu chấm, và các kí tự đặc biệt của một thông điệp]
Trường hợp máy bay cảm tử phát hiện chiến cơ địch sẽ liên tiếp gửi các mã ngắn, khi sắp đâm vào tàu địch sẽ đánh mã dài, và ấn giữ nút điện tín cho đến giây phút va chạm.
Khi nghe âm thanh đó là cả cơ lưng chúng ta đông cứng lại. Âm thanh đó vang lên đồng nghĩa với chính lúc này đây các cảm tử quân đang lao mình xuống. Âm thanh ấy kết thúc, cuộc sống của họ cũng chấm dứt. Tuy nhiên, chúng ta lại không thể cảm thương cho sự hy sinh ấy ngay lúc đó. Chúng ta phải tính toán thời gian máy bay cảm tử bắt đầu đánh mã dài cho đến khi âm thanh đó kết thúc, và suy đoán liệu máy bay có thể lao mình xuống tấn công không hay bị pháo đối không địch bắn rơi. Nếu âm thanh đó tắt quá nhanh sau khi bắt đầu thì chúng ta sẽ đoán định chiếc ấy đã bị pháo địch tiêu diệt, còn nếu nó kéo dài liên tục mới tắt thì có thể đoán chiếc đó đã lao mình xuống thành công. Nói cách khác, điện tín viên chúng ta vừa nghe âm thanh đó vừa phải xác định chiến tích.
Tin nhắn cuối cùng mà các cảm tử quân để lại trong đời là tín hiệu thông báo chiến tích cho Bộ Tổng tư lệnh. Bây giờ nghĩ lại, chuyện đó thật tàn nhẫn quá! Chuyện xác nhận chiến tích lẽ ra phải do ai đó thực hiện, phi công máy bay cảm tử cần vứt hết tạp niệm mà lao mình vào chiến hạm địch thôi chứ? Phút giây trước khi chết còn phải xác nhận chiến tích, phát tín hiệu cho cái chết của chính mình. Không có chuyện nào nhẫn tâm hơn thế!
Thế nhưng, cảm tử quân là những chàng trai đầy khí phách, nhiều người đã đánh mã dài khi lao xuống. Dù trước khi chết họ vẫn trung thành với nhiệm vụ của mình. Xoay sở trong trận đánh chặn khủng khiếp của chiến cơ địch, giữa màn pháo đối không kinh hoàng đó, họ vừa điều khiển máy bay nhắm vào tàu địch mà lao xuống, vừa đánh điện tín. Hơn nữa, máy điện tín nằm phía tay phải, để đánh mã phải đổi tay cầm lái sang tay trái. Trong trạng thái cùng cực của cái chết, sự bình tĩnh đó... họ lại không được tập luyện mà chỉ làm việc ấy duy nhất một lần trong đời.
Khi ấy ta không nhận ra nhưng bây giờ ta biết, họ đã mạnh mẽ biết nhường nào. Chẳng có ai hoảng sợ, thất kinh trước cái chết.
Đã nhiều lần nghe mã dài, ta nín thở, tập trung toàn bộ ý thức để lắng nghe tín hiệu cuối cùng của cuộc đời họ. Chẳng có gì ví được với nỗi nặng nề của khoảng thời gian âm thanh đó vang lên cho đến khi nó ngừng lại. Khoảnh khắc âm thanh đó kết thúc, cuộc đời của một chàng trai trẻ cũng chấm hết. Ta không biết phải diễn đạt nỗi sợ hãi và đau đớn lúc đó như thế nào, cảm giác như kim đâm vào tim vậy.
Trong tai ta bây giờ vẫn còn vang lên âm thanh ấy. Ngay cả bây giờ, nhiều khi nghe thấy những âm thanh giống như vậy, người ta đông cứng, trống ngực đập dữ dội, không thể đứng dậy nổi.
Nói về chuyện Miyabe nhé!
Vì anh ấy là phi công kỳ cựu từ trận Trân Châu Cảng, nên ở căn cứ Kanoya ai cũng kính nể.
Thực ra ta từng mơ ước trở thành phi công. Ta đã dự thi khóa huấn luyện dự bị, nhưng bị trượt. Nói ra điều này thật không phải với những người đã khuất, nhưng ta nghĩ việc trượt khóa huấn luyện dự bị lại là điều may mắn. Nếu lúc ấy được nhận vào khóa huấn luyện dự bị chắc ta đã chết vì tấn công cảm tử rồi.
Ta và thiếu úy Miyabe thường xuyên gặp nhau trong phòng thông tín.
Thiếu úy Miyabe là phụ tá phân đội trưởng nên thường đến hỏi về thông tin của đội tấn công và đội trinh sát. Miyabe là Thiếu úy đặc vụ nhưng không tỏ vẻ kiêu ngạo như những sĩ quan xuất thân từ trường Hải quân, mà rất thân thiện bắt chuyện với các binh lính nên ta khá mến con người ấy.
Thiếu úy Miyabe ở Kanoya thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cho máy bay cảm tử trước máy bay chiến đấu địch, tiến đến mẫu hạm địch bình an vô sự. Tuy không hiểu lắm về chiến cơ, nhưng ta có thể tưởng tượng được việc bảo vệ máy bay cảm tử khỏi các chiến cơ vượt xa về tính năng, lại áp đảo về số lượng là chuyện khó khăn đến mức nào.
Mỗi lần xuất kích đều có máy bay yểm trợ hy sinh, có lúc toàn đội không ai quay về được. Nói cách khác, dù không phải máy bay cảm tử nhưng họ cũng giống các cảm tử quân vậy. Giai đoạn ấy, ngay cả những máy bay trinh sát cũng không thể quay về.
Có lần ta đã hỏi thiếu úy Miyabe.
“Máy bay yểm trợ cũng giống đội cảm tử quân phải không?”
Thiếu úy Miyabe lập tức phản bác.
“Hoàn toàn khác. Đúng là trong hoàn cảnh đó máy bay yểm trợ cũng gặp khó khăn. Nhưng dù thế, chúng tôi vẫn là thập tử nhất sinh, dù tuyệt vọng cũng có thể chiến đấu để sống sót. Nhưng các cảm tử quân là thập tử vô sinh”.
Thập tử vô sinh là từ được dùng để nói về đội cảm tử quân Thần phong thời ấy. Trong tiếng Nhật có từ Hisshi*, dù ý chỉ liều mạng nhưng nghĩa thực sự không phải vậy. Thập tử vô sinh thì khác, ngay từ đâu đã định sẵn là sẽ chết rồi.
*[Tiếng Nhật nghĩa là cố gắng hết sức, liều mạng làm việc gì đó]
Bi thảm nhất trong các cuộc tấn công cảm tử là đội Thần Sấm.
Thần Sấm là đội Oka, không có cuộc tấn công nào kinh khủng hơn thế.
Chiếc máy bay ném bom trên mẫu hạm kiểu 1 là loại bom người. Không chuyện nào táo bạo hơn thế. Trong trận xuất kích đầu tiên vào tháng Ba, đội Thần Sấm gồm 18 chiếc máy bay ném bom kiểu 1 toàn bộ đã không quay về. Trong số 30 chiếc Reisen hộ tống, có đến 10 chiếc hy sinh. Ta nghe nói vì số lượng máy bay hộ tống không đủ nên Tư lệnh và tham mưu đã khuyên Trung tướng Ugaki cho hoãn kế hoạch, nhưng Trung tướng gạt phắt. Trung tá Nonaka - người dẫn đầu đội ném bom đã xuất kích sau khi nói “Không có chiến dịch nào ngu ngốc hơn thế!
Ngày hôm ấy, ta đợi tín hiệu từ đội ném bom, nhưng một tín hiệu nhỏ cũng không có, kể cả tin “Đã nhìn thấy chiến cơ địch”. Điều đó thật kỳ lạ! Trên máy bay ném bom thuộc mẫu hạm kiểu 1 có cả thông tín viên chuyên môn. Dù bị chiến cơ địch đánh chặn, cũng vẫn có thể đánh điện “Đã thấy chiến cơ địch”. Vậy mà cả 18 chiếc máy bay ném bom không gửi một dòng điện tín nào. Ta nghĩ, phải chăng đó là sự ngấm ngầm chống đối của Trung tá Nonaka.
Tuy vậy, sau đó đội Thần Sấm vẫn tiếp tục được lệnh tấn công.
Chuyện ấy xảy ra vào tháng Năm. Thiếu úy Miyabe lần đầu tiên được lệnh hộ tống đội Thần Sấm từ sau khi đến Kanoya. 6 chiếc Reisen hộ tống 6 chiếc máy bay ném bom kiểu 1 treo Oka. Thiếu úy Miyabe xuất kích với gương mặt xanh xao hiếm thấy.
Hôm ấy chỉ có mỗi máy bay Miyabe trở về. Anh ấy đã báo cáo rằng toàn đội máy bay ném bom đã bị bắn hạ. Thân máy bay của Thiếu úy Miyabe lỗ chỗ vết đạn, đặc biệt là phần đuôi. Thiếu úy Miyabe hầu như chưa bao giờ trở về trong tình trạng như thế.
Đêm hôm ấy, khi định trở về phòng nghỉ, ta nhìn thấy trên bờ đê gần đường băng có một phi công đang ngồi. Đó là một đêm trăng sáng, ta nhận ra ngay Thiếu úy Miyabe.
Miyabe nhận ra ta và vẫy tay gọi.
“Murata, ngồi đây không?”
Họ cũ của ta là Murata.
“Tôi ngồi cùng nhé”.
Ta ngồi xuống bên cạnh Thiếu úy. Khi đó, người anh ấy nồng nặc mùi rượu.
“Uống cùng không?”. Thiếu úy nắm chai rượu đặt bên cạnh, đưa cho ta. “Không có ly, nên uống vậy đi”.
Ta thấy ngại nên từ chối. Thiếu úy chẳng lấy gì làm khó chịu, ngửa cổ uống rượu.
“OKA CHẮC CHẮN KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG!”. Thiếu úy nói to dõng dạc, những lời ấy khiến ta hoảng hồn. “Ngay cả máy bay cảm tử còn khó tiếp cận Hạm đội cơ động, thì chắc chắn Chuko mang Oka không thể nào tiếp cận được”.
“Máy bay cảm tử cũng khó lắm sao?”
“Quân Mỹ định vị được chúng ta bằng radar, rồi phục kích bằng vô số máy bay chiến đấu. Chúng ta không thể đột phá được chỉ với vài chiếc máy bay hộ tống. Huống hồ máy bay cảm tử lại ôm bom nặng nề, phi công thì kinh nghiệm non yếu”.
“Nhưng trong đó vẫn có những chiếc có thể đến được Hạm đội cơ động mà”. Vì ta vẫn nhận được những tín hiệu dài nên phản bác lại.
“Đúng là đôi lúc vẫn có những chiếc đột phá được. Nhưng trong vài chục chiếc họa hoằn lắm mới có một chiếc qua được. Trong trận Okinawa phe ta đã đưa đi hơn 2.000 chiếc máy bay cảm tử, có bao nhiêu chiếc đã đánh điện tín báo về là đang lao xuống?”
Bị hỏi thế, ta chẳng thể trả lời được. Quả thực có vài chục tin điện báo, nhưng so với 2.000 máy bay cảm tử thì tỷ lệ thành công quá thấp.
“Dù có may mắn thoát khỏi sự truy kích của chiến cơ địch, vẫn còn hàng loạt pháo đối không kinh khủng của mẫu hạm địch đang chờ. Nhiều lần ta đã thấy máy bay cảm tử đâm mình xuống. Chẳng có gì khủng khiếp như pháo đối không của quân Mỹ. Ở trận Mariana ta đã nghĩ nó khủng khiếp lắm rồi, vậy mà giờ nó còn vượt xa hơn thế. Vậy mà Bộ Tổng tư lệnh chẳng biết gì hết. À không, là họ biết mà vờ như không biết mới đúng chứ”.
Thiếu úy Miyabe bắt đầu khóc.
“Bổ nhào, đâm mình xuống cũng cần có kỹ thuật. Nếu là các phi công máy bay ném bom đánh trận Trân Châu Cảng thì chắc đã có thể thành công, nhưng những phi công trẻ này thì không thể. Để tránh pháo đối không của địch thì phải lao sâu xuống hết mức có thể. Nếu lao theo góc hẹp, thì sẽ trực tiếp lãnh đạn pháo đối không. Nhưng nếu bổ nhào, lao xuống theo góc đứng thì vận tốc nhanh quá, cánh nặng vô cùng, thân máy bay sẽ bị thả trôi. Ngay trước khi đâm xuống dù muốn thay đổi góc độ, phương hướng cũng không phải chuyện dễ dàng. Vì vậy mà lao luôn xuống biển”.
Thiếu úy nói cứ như ta là thực tập sinh vậy. Rõ ràng anh ấy đã say rồi. Đây là lần đầu ta thấy dáng vẻ đó của thiếu úy.
Đột nhiên anh ấy nắm chai rượu, ném về phía đường băng. Cái chai vẽ một hình cung dưới ánh trăng, rơi xuống đất vỡ tan tành.
“Hôm nay, 6 chiếc Chuko bị bắn rơi ngay trước mắt. Ta đã không thể làm gì cả”.
Thiếu úy thét lên. Tiếng thét đó làm ta sợ đến run người.
“Trong nhóm phi công Oka hôm nay có đứa trẻ ta đã dạy ở Tsukuba. Trước khi xuất kích, nó đã nhìn ta mà nói rằng Có giáo quan Miyabe hộ tống, tôi yên tâm lắm. Vậy mà trước mắt ta, chiếc máy bay ném bom kiểu 1 mang thằng nhóc đã bốc cháy, rơi xuống. Các thành viên đội Chuko còn chào ta trong lúc rơi xuống”.
Thiếu úy nhìn trừng trừng vào ta mà nói.
“Ta chẳng bảo vệ được một chiếc nào”. Miyabe nói với giọng đau lòng. “Chỉ một chiếc cũng không”.
“Không thể làm gì hơn mà”.
“Không thể làm gì hơn sao?”, Thiếu úy quát. “Cậu có biết bao nhiêu người đã chết rồi không? Máy bay hộ tống có nhiệm vụ bảo vệ máy bay cảm tử, dù bản thân bị bắn đi chăng nữa. Vậy mà ta đã bỏ mặc bọn họ”. Thiếu úy ôm gối, gục đầu, vai khẽ run lên.
Không biết phải nói gì, ta cảm nhận được sự tự trách và nỗi tuyệt vọng trong lòng thiếu úy Miyabe.
“Mạng sống của ta hiện giờ là đạp trên sự hy sinh của họ”.
“Tôi hiểu những gì anh nói, nhưng tôi nghĩ không phải như vậy đâu”.
“Đúng là vậy đó. Vì họ chết mà ta vẫn có thể sống”.
Nghe câu nói ấy, ta hiểu Miyabe cảm thấy bị dày vò như thế nào. Con người ấy quá lương thiện.
Thiếu úy im lặng đứng dậy, bước loạng choạng về doanh trại. Ta nhìn dáng lưng ấy, không nói được lời nào.
Từ nửa sau trận Okinawa, Miyabe thay đổi rõ rệt. Râu ria để dài, mắt ánh lên vẻ dị thường.
Anh ấy vốn đã cao, giờ trông lại càng gầy đi. Gò má hõm sâu trông thấy, dáng vẻ đã thay đổi, ngay cả nụ cười cũng biến mất.
Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ hộ tống máy bay cảm tử là mỗi lần thiếu úy bị bào mòn. Ta còn nhớ cảm giác kinh hoàng vào một buổi chiều, ta nhìn thấy thiếu úy Miyabe đứng trên đường băng. Anh ấy đứng trong làn sương mù nhìn hư ảo như không còn giống người của thế giới này. Cảm giác như anh ấy vốn đã đặt một chân sang bờ bên kia.
Ngay cả sau khi Okinawa bị chiếm đóng, tấn công cảm tử vẫn tiếp tục được tiến hành. Tuy nhiên không lâu sau, quân Mỹ từ Okinawa ồ ạt đến không kích, phi công và máy bay tại các căn cứ Nam Kyushu, đặc biệt là Kanoya được dời đến căn cứ Bắc Kyushu. Sau đó, căn cứ Kanoya chỉ được sử dụng khi đưa đội cảm tử quân đi tấn công. Ta vẫn ở lại Kanoya.
Ta nghĩ Nhật Bản sắp thua thật rồi. Vào tháng Tám, Hiroshima và Nagasaki bị ném một loại bom tối tân, lòng ta tràn đầy cảm giác tuyệt vọng, phải chăng nước Nhật sắp bị diệt vong.
Từ nửa sau trận Okinawa, cùng lời kêu gọi toàn đội tấn công cảm tử, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh tấn công cảm tử như các đợt tấn công thông thường. Ngoài các phi công trẻ và học viên dự bị, ngay cả phi công tốt nghiệp trường Hải quân và phi công kỳ cựu xuất thân từ khóa dự bị cũng lần lượt được lệnh tấn công. Nếu cãi lại mệnh lệnh đương nhiên là mang tội kháng lệnh.
Tuy nhiên, vào giai đoạn ấy có nhiều chiến cơ dù đã xuất kích nhưng vì động cơ gặp sự cố nên quay trở lại. Cũng có không ít chiến cơ rơi xuống biển trước khi đến được Hạm đội địch. Bản thân ta cũng từng nhìn thấy chiến cơ vừa cất cánh khỏi Kanoya đã rơi xuống. Dù lính bảo trì đã cố gắng hết sức nhưng trung bình cứ ba chiếc sẽ có một chiếc vì động cơ gặp sự cố mà quay về. Lúc tệ nhất, thậm chí cả đội đều quay lại. Nhật Bản đã không còn khí tài, không còn nhiên liệu, không còn gì cả.
Trong tình hình đó, cuối cùng, ngay cả thiếu úy Miyabe cũng có lệnh xuất kích.
Vào sáng hôm xuất kích, ta đến nói lời từ biệt với thiếu úy Miyabe. Lúc ấy trời vẫn chưa rạng đông, trời tối mịt, không nhìn rõ ai với ai nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy bóng dáng anh ấy.
Ta không biết phải bắt đầu như thế nào, mãi mới nói được câu “Chúc anh thành công...”
Thiếu úy gật đầu nhưng vì tối quá nên ta không nhìn thấy biểu hiện trên gương mặt anh ấy.
Động cơ máy bay đã được chuẩn bị từ lâu, các cảm tử quân bước về phía máy bay của từng người. Khi ấy thiếu úy Miyabe đã nhờ một sĩ quan dự bị đổi máy bay.
Máy bay của thiếu úy Miyabe là đời 52. Reisen của sĩ quan dự bị là chiếc đời cũ 21. Thời ấy chiếc đời 21 vô cùng hiếm. Ta nghĩ chắc nó đã là đống sắt vụn bị bỏ quên ở cứ địa nào đó, được sửa chữa lại và đưa đến. Lần đầu tiên ta thấy nó.
Thiếu úy bảo anh ấy muốn lái chiếc 21, loại máy bay anh đã lái khi ở Rabaul. Tính năng chiếc 21 không thể so sánh với chiếc 52. Chiếc 52 mã lực lớn hơn, tốc độ cũng vượt trội hơn. Dù vậy, chiếc 21 lại có tính năng chiến đấu tốt hơn, nhưng với máy bay cảm tử thì tính năng chiến đấu không quan trọng. Có tốc độ và mã lực thì vẫn hơn.
Sĩ quan dự bị được thiếu úy Miyabe yêu cầu cũng biết thế nên đã từ chối.
“Thiếu úy nên lái chiếc đời 52. Thiếu úy giỏi hơn tôi nhiều. Chiến cơ tốt đương nhiên phải được lái bởi người có kỹ thuật cao”.
Thiếu úy biết rõ điều ấy nhưng vẫn nhất mực xin đổi. Thiếu úy Miyabe nói lớn để át tiếng động cơ.
“Kỹ thuật của tôi là hàng thượng đẳng. Chính vì thế dù lái chiếc 21 tôi vẫn thực hiện nhiệm vụ một cách hoàn hảo”.
Khi nghe câu nói ấy, ta đã nghi ngờ đôi tai của minh. Bởi những lời đó không giống với ngôn từ của anh ấy. Anh ấy không phải người tự mãn về kỹ thuật của mình và tuyệt đối không phát ngôn những câu như thế.
Tuy nhiên, việc thiếu úy bảo muốn lái chiếc 21 hình như có ý riêng. Phải chăng đó là cơn tức giận đối với Hải quân Nhật Bản: “Hạ lệnh tấn công cảm tử đối với phi công ưu tú như ta sao? Vậy được! Nhưng ta sẽ lái chiếc kiểu cũ đời 21”.
Dù vậy, có thể sự thật như thiếu úy Miyabe nói, anh ấy muốn lái chiếc 21 đầy hoài niệm đó.
Reisen là chiếc chiến cơ đặc thù của Hải quân Đế quốc. Thời kỳ đầu khai chiến nó từng là chiếc chiến cơ vô địch nhưng cứ thế chiến đấu liên tục ngoài tiền tuyến, không có thế hệ kế thừa. Con chiến mã tung hoành khi xưa giờ đã là một con ngựa già yếu. Chiếc 21 sau khi ra đời, tung hoành hai năm trên Thái Bình Dương và Trung Hoa đại lục, tạo nên huyền thoại Reisen vô địch. Có thể thiếu úy thấy chiếc 21 như gặp lại một người chiến hữu xưa.
Trao qua đổi lại với chàng sĩ quan dự bị trẻ nhiều lần, cuối cùng cậu ta đành thua cuộc, đồng ý đổi máy bay. Tình cảnh lúc ấy ta vẫn còn nhớ rõ. Cuộc đối thoại giữa hai người rất kỳ lạ nhưng sự việc xảy ra sau đó lại càng in đậm trong ký ức ta. Họ xuất kích trước lúc bình minh. Hôm đó, thiếu úy Miyabe đã không trở về.
Ông Onishi có vẻ sợ hãi, lặng im. Sau một khoảng lặng dài, ông nói.
- Trong chuyện này, có điều thật khó nói.
- Là gì vậy ạ?
Ông Onishi dường như vẫn loay hoay để nói thành lời.
- Dù là chuyện gì, xin ông hãy nói cho chúng cháu biết.
Nghe tôi nói vậy, ông Onishi như hạ quyết tâm, mở lời.
- Reisen trang bị bom xuất kích tấn công cảm tử khi ấy có 6 chiếc, nhưng một chiếc duy nhất vì sự cố động cơ đã hạ cánh khẩn cấp xuống Kikaijima.
Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi.
- Chiếc đó... Lẽ nào là...
- Đúng vậy. Đó là chiếc lẽ ra ban đầu Miyabe sẽ lái. Chiếc Reisen 52. Phi công là người đã nhường chiếc 21 cho anh ấy.
Tôi nghẹn lời.
- Nếu Miyabe không bảo đổi máy bay, thì người được sống có thể đã là anh ấy.
- Sao lại thế chứ! - chị cất tiếng kêu bi thảm.
- Đây chính là định mệnh phải không? Cuối cùng thì Miyabe đã bị nữ thần số mệnh bỏ rơi.
- Thật kinh khủng! - Chị kêu lên, còn tôi chết lặng.
- Nhưng nếu đó là số mệnh thì chẳng phải ông ngoại đã lựa chọn con đường chết cho mình sao?
Ông Onishi không đáp lại câu nói của tôi.
Vào ngày xuất kích cuối cùng ông ngoại đã nhìn thấy chiếc 21 đầy kỷ niệm và muốn lái nó đi chết sao? Có phải ông muốn chết cùng người chiến hữu khi xưa ở Guadalcanal không?
Nếu không xuất hiện chiếc 21 đó, có phải ông sẽ không đổi máy bay, và có thể kéo dài mạng sống của mình hay không?
Chiếc 21 có phải là vị thần chết đưa ông ngoại đến thế giới bên kia không? Trên đời có định mệnh đáng sợ đến thế sao? Không, không phải. Không thể nào. Chuyện này quá ngẫu nhiên.
Phút giây ấy, có một dòng điện chạy ngang tim tôi.
- Ông Onishi, tên người ấy là gì ạ? - tôi dốc hết nghị lực, hỏi.
Ông Onishi phút chốc không hiểu chuyện gì.
- Tên của người phi công đã hạ cánh khẩn cấp đó là gì vậy ông?
- Thời đó, mỗi ngày đều có học viên dự bị hy sinh. Ta không có thời gian để nhớ hết tên của họ.
- Có ký lục không ạ?
- Có đấy.
Ông Onishi mang kính lão vào, lật các trang vở trước mặt.
- Đây rồi. - Ông Onishi chỉ. Trong đó, với mốc thời gian là tháng Tám năm 1945, có ghi tên của những người đã chết vì tấn công cảm tử. Tôi liếc nhìn cuốn vở. Bên cạnh tên năm cảm tử quân là tên một người kèm dòng chữ “Hạ cánh khẩn cấp tại Kikaijima”.
- Cho cháu xem được không ạ?
Ông Onishi gật đầu, tôi vội cầm cuốn tập như giật từ tay ông. Trong đó, một dòng chữ được viết ngay ngắn:
“Thiếu úy Oishi Kenichiro, 23 tuổi. Học viên dự bị khóa 13, Đại học Waseda”.
- Trời ơi! - tôi thốt lên.
- Sao vậy? - chị hỏi, giọng hoảng hốt. Sau đó, liếc nhìn quyển vở rồi cũng thốt lên sửng sốt.
Tôi định nói gì đó nhưng không tài nào cất nên lời, răng đánh cầm cập. Mãi rồi mới lên tiêng nổi.
- Oishi Kenichiro... Là ông ngoại... của chúng ta!
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét