Không Chiến Zero Rực Lửa
Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*
Chân tướng
Ông tựa lưng vào chiếc ghế trong thư phòng,
mắt nhắm lại, sau đó nói.
- Ta đã định một lúc nào đó phải kể cho các
cháu nghe.
Chị em tôi yên lặng gật đầu.
- Khi nghe các cháu bảo sẽ tìm hiểu về
Miyabe, ông đã dự cảm sẽ có ngày này.
Ông vừa nói vừa đưa tay lấy viên thuốc trị
bệnh tim trong chiếc hộp nhỏ ra uống.
- Matsuno bảo không cần phải nói với bọn trẻ
chuyện ấy nhưng ông đã định một lúc nào đó sẽ nói. Nếu vạn nhất không có cơ hội
đó thì còn có một bức thư ông viết lại toàn bộ câu chuyện. Hơn mười năm trước
ông đã đưa cho một luật sư giữ hộ. Phòng khi ông đột ngột qua đời, bức thư sẽ
được gửi đến cho Kiyoko.
Ông gặp Miyabe tại Phi đội Tsukuba.
Tại đó, chúng ta được huấn luyện để làm cảm
tử quân. Tuy nhiên lúc đó chúng ta chưa biết gì, ban đầu chỉ là khóa huấn luyện
bay cơ bản. Khi đó, Miyabe làm giáo quan.
Sau khi giáo trình kết thúc, học viên chúng
ta được phát một mảnh giấy rằng có tình nguyên tham gia tấn công cảm tử không.
Ông đã đánh dấu tình nguyên dù không muốn tham gia. Chắc hẳn ai cũng vậy, thế
nhưng tất cả đều tình nguyện. Là chúng ta không có dũng khí sao? Không phải vậy.
Vào độ ấy, cả trên đại lục và nhiều đảo
trên Thái Bình Dương, mỗi ngày đều có vô số binh sĩ hy sinh. Trên báo đăng những
bài viết hào hùng của Tổng hành dinh Đế quốc nhưng một mặt cũng đầy những dòng
Chết cho vinh quang. Trong tình cảnh ấy, ông đã nghĩ dù hy sinh thân mình mà có
thể bảo vệ Tổ quốc và những người mình thương yêu thì chết cũng cam tâm, dù là
tấn công tự sát.
Thế nhưng một mặt ông lại không muốn chết.
Chúng ta không phải là những thằng điên. Chúng ta cũng không phải loài chuột
Lemming lập thành bầy mà lao xuống biển. Chúng ta muốn cái chết của mình mang một
ý nghĩa.
Miyabe là người có phong thái và ngôn từ
nhã nhặn. Phong thái điềm tĩnh đó không giống như người đã từng đi qua nơi địa
ngục không biết bao nhiêu lần. Hoàn toàn khác với các giáo quan khác.
Ông nhớ sự mâu thuẫn trong cách thầy ấy dạy.
Miyabe đã rất khổ tâm khi dạy những kỹ thuật bay cho chúng ta.
Khi chúng ta dần giỏi lên, Miyabe lúc nào
cũng khen ngợi nhưng luôn ẩn sâu một nỗi buồn trong gương mặt cười đó. Miyabe
là người có lòng trắc ẩn.
Một lần, trong buổi huấn luyện bay có đồng
đội đã tử nạn. Trước sự đau buồn của chúng ta, một sĩ quan đã buông những lời
lăng mạ. Khi ấy, Miyabe đã liều mình rửa nhục cho học viên dự bị đó.
Mọi người chúng ta đều nghĩ vì vị giáo quan
này có chết cũng cam lòng.
Nếu khi ấy Miyabe im lặng, chắc là vận mệnh
của ông và Miyabe đã hoàn toàn khác rồi phải không? Vận mệnh con người chỉ vì một
chuyện nhỏ nhặt đã xoay chuyển một vòng lớn. Định mệnh quả là kỳ lạ.
Chuyện xảy ra một tháng sau đó.
Ngày hôm ấy, khi đang bay tập, quân địch đột
ngột đến tấn công. Giáo quan Miyabe lo tập trung vào chúng ta nên không phát hiện
ra địch. Ngay cả người lão luyện như Miyabe cũng có lúc như thế.
Ông phát giác ra quân địch, vừa đúng lúc kết
thúc lượt bổ nhào, đang định quay về đội hình. Ông liền lao vào giữa máy bay địch
và giáo quan. Khi đó, ông không nghĩ gì cả, chỉ làm trong vô thức. Nhưng quả thực
lúc đó ông không thể để thầy Miyabe gặp nguy hiểm được.
Máy bay thực tập của học viên chúng ta
không được trang bị súng máy. Dù vậy ông vẫn lao đến phía trước và bị trúng đạn
của địch thật. Đạn phá vỡ ghế điều khiển. Ông bất tỉnh, cứ thế rơi xuống nhưng
gần chạm mặt đất thì ông tỉnh táo trở lại nên kịp thời hướng đầu máy bay lên.
Ngước nhìn lên, ông thấy máy bay địch đang rơi. Chiếc máy bay địch còn lại cũng
bị thầy Miyabe bắn rơi nốt. Chuyện xảy ra sau đó, ông không còn nhớ bởi vì sau
khi tiếp đất, ông đã thực sự bất tỉnh.
Ông được đưa vào bệnh viện Hải quân. Miyabe
chỉ đến thăm một lần duy nhất, tặng ông một chiếc áo choàng. Chắc hẳn Miyabe đã
nhìn thấy chiếc áo choàng đã sờn, rách tả tơi của ông. Áo choàng của Miyabe là
quân trang nhưng có chỉnh sửa thêm đôi chút. Bên trong được chần thêm bông và
may thêm một miếng da trên cổ.
Tuy nhiên, chưa kịp xỏ tay qua chiếc áo
choàng ấy một lần thì mùa xuân đã đến rồi. Ra viện, ông trở về đội, lúc đó đã
không còn thấy thầy Miyabe đâu, cả bạn bè cùng khóa của ông nữa. Họ đã đi trước
ông rồi. Ông có cảm giác mình cũng sẽ sớm nối gót theo họ thôi.
Tâm trạng lúc ấy thực sự rất phức tạp. Ban
đầu ông không thể chấp nhận cái chết, nghĩ rằng không thể có chuyện vô lý đến
thế. Dù vậy, dần dần ông lại nghiêng về tâm trạng chấp nhận cái chết. Đó là cảnh
giới tinh thần ông đạt được sau khi trải qua sự đau khổ và đấu tranh nội tâm cực
độ. Một lời không thể giải thích được tâm trạng ấy. Sau chiến tranh ông suy
nghĩ về chuyện này rất nhiều nhưng tới giờ vẫn không thể tái hiện lại được những
suy nghĩ lúc ấy. Trong thời đại đảo điên ấy, có lẽ suy nghĩ cũng thật điên
khùng.
Dù vậy, ông có thể khẳng định bọn ông không
hăm hở đón nhận cái chết, không vui sướng gì khi tấn công cảm tử. Ông chưa bao
giờ nghiêm túc nghĩ về gia đình và đất nước nhiều như lúc ấy, chưa từng nghĩ đến
cuộc sống của những người yêu thương sau khi ông chết đi như lúc ấy.
Ông nhận được lệnh xuất kích đến cứ địa
Omura ở Kyushu vào tháng Bảy. Ngay sau đó, ông nhận được một lá thư báo tin buồn
từ mẹ, vị hôn thê của ông đã qua đời. Cô ấy là em họ của ông, từ nhỏ chúng ta
đã rất thân thiết, mọi người đều xem cô ấy là hôn thê của ông. Cả hai đều mến nhau
nhưng theo ông thì đó không phải là tình yêu. Mối quan hệ đó rất trong sáng, đến
tay còn chưa nắm. Tuy nhiên khi trở thành học viên phi công dự bị, ông đã hủy
hôn ước vì nghĩ mình không thể sống sót trong cuộc chiến này.
Trong thư mẹ viết, cô ấy bị bỏng nặng trong
đợt không kích Tokyo vào tháng Năm, hai tuần sau thì mất. Ông đã tình nguyện
tham gia tấn công cảm tử vì mong muốn cứu lấy những người mình yêu thương, vậy
mà... Khi biết cô ấy trước khi chết đã gọi tên ông, ông không kìm được nước mắt.
Vào tháng Tám, ông nghe tin Hiroshima và
Nagasaki bị một thứ bom tối tân tàn phá thảm khốc. Một học viên dự bị từng theo
học khoa Vật lý tại Đại học Kyoto đã nói, “Thứ bom được thả xuống Nagasaki chắc
là bom nguyên tử”.
“Nó là thứ gì vậy?”, ai đó hỏi.
Anh chàng kia giải thích: Bom nguyên tử là
loại bom phân hạch các hạt nhân nguyên tử, có sức tàn phá mà không loại bom nào
từ trước đến giờ có thể so sánh được.
“Thứ được ném xuống Nagasaki là bom nguyên
tử thật à?”
“Tôi không biết. Nhưng nếu tin đồn về tình
trạng hủy diệt là thật thì có khả năng đó. Loại bom đạn tối tân được ném xuống
Hiroshima có lẽ cũng chính là nó”.
Ông đã nghĩ, nếu đúng vậy thì đất nước Nhật
Bản có lẽ sẽ bị diệt vong thật sự. Nếu tham gia tấn công cảm tử mà có thể bảo vệ
Tổ quốc thì ông sẽ nguyện chết một cách anh dũng. Hơn nữa, ông sẽ có thể đến
bên vị hôn thê của mình...
Chẳng bao lâu sau, ông nhận được lệnh tấn
công cảm tử cùng một người bạn cùng khóa Teranishi. Vì chúng ta đã chấp nhận
nên hầu như chẳng nao núng gì, cả hai đều nói “Chúng ta sẽ đi cùng nhau”.
Nơi ông đến là Kanoya. Tại đó ông đã gặp lại
Miyabe. Lúc ấy Miyabe gần như là một người khác. Nói sao nhỉ... Đó là gương mặt
của người đã mất đi linh hồn, mắt đỏ ngầu, toàn thân đằng đằng sát khí. Lần đầu
ông thấy Miyabe như thế.
Ông không thể cất tiếng gọi nhưng Miyabe đã
nhận ra.
“Vết thương của cậu đã lành chưa?”, Miyabe
hỏi, mặt không chút biểu cảm.
“Rồi ạ”
“Vậy thì tốt”
Cuộc đối thoại giữa ông và Miyabe chỉ có thế.
Vừa đến Kanoya, ông được thông báo là hai
ngày sau sẽ xuất kích. Không hề nao núng, ông chỉ cảm thấy tiếc vì không thể
nói lời từ biệt mẹ. Đêm đó, ông đã viết di thư cho bà.
Ngày tiếp theo, ông tản bộ ngoài căn cứ, rời
thôn bản, đi về hướng núi. Hôm ấy là một ngày nắng nóng, nhưng mồ hôi đổ ra nên
cũng thấy dễ chịu. Từ ngày mai thì ngay cả mồ hôi cũng không chảy được kia mà.
Tất cả mọi thứ trong mắt ông đều đáng yêu.
Thứ gì cũng đẹp cả. Cỏ dại ven đường cũng đẹp vô cùng. Ông ngồi ngắm những bông
hoa màu trắng nhỏ nở giữa đám cỏ dại. Ông thầm nghĩ “Đẹp thật!”. Lần đầu tiên
ông nhìn thấy loài hoa ấy trong đời.
Ông cởi giày, thả chân xuống suối. Cái lạnh
của dòng nước khiến ông rất dễ chịu. Ông cứ ngâm cả hai chân như thế vào nước,
nằm bên bờ suối, khép mắt nghe tiếng ve sầu. Lần đầu tiên ông thấy cả tiếng ve
sầu cũng êm tai đến thế. Con của những chú ve này chắc cũng sẽ kêu như thế vào
mùa hè bảy năm sau. Khi ấy Nhật Bản ra sao? Nghĩ đến đó, tâm trạng ông đau đớn
vô ngần.
Ngày hôm sau, trời chưa sáng chúng ta đã tập
trung tại sở chỉ huy, nghe Tư lệnh phát biểu trước khi xuất kích. Khi ấy, ông
kinh ngạc thấy Miyabe trong nhóm cảm tử quân. Bởi ông nghĩ Miyabe sẽ lái máy
bay hộ tống. Đến cuối cùng, Hải quân còn giết cả người này ư?
Sau khi uống ly rượu cuối cùng, toàn đội hướng
về phía phi cơ, ông và Teranishi đến chào Miyabe.
“Được chết cùng thầy Miyabe, tôi cảm thấy rất
mãn nguyện”.
Trước câu nói của Teranishi, Miyabe chỉ im
lặng gật đầu rồi đặt tay lên vai bọn ông. Bàn tay ấy rất có lực. Bộ râu ria xồm
xoàm của Miyabe đã được cạo sạch sẽ.
“Tôi vẫn chưa trả lại chiếc áo choàng quý
giá mà thầy Miyabe đã tặng”.
Lúc đó, chẳng hiểu tại sao ông lại nói câu ấy.
“Mùa hè thì cần gì đến nó đâu”, Miyabe cười
đáp. Ông cũng bất giác bật cười.
“Nào, đi thôi!”
Miyabe nói và bước về phía đường băng.
Động cơ đã được khởi động sẵn. Khi ông định
leo lên máy bay thì Miyabe bước đến lên tiếng.
“Thiếu úy Oishi, nhờ cậu một việc”.
“Gì vậy ạ?”
“Cậu đổi máy bay cho tôi được không?”
Miyabe nói muốn đổi chiếc 52 sang chiếc 21.
Chiếc 52 vận tốc nhanh hơn hẳn. Ông nghĩ rằng Miyabe nên lái chiếc tốt hơn nên
đã từ chối.
Miyabe quay về. Nhưng chẳng mấy chốc ông ấy
lại quay lại, một lần nữa muốn đổi máy bay. Sau nhiều lần tranh luận, ông đã chấp
nhận việc hoán đổi máy bay.
Ông xuống khỏi chiếc 21, leo lên chiếc 52.
Không lâu sau, miếng chèn bánh xe được lấy
ra, máy bay từ từ chuyển động, sau đó rời mặt đất. Bên cạnh ông là máy bay của
Miyabe. Nhìn thấy ông ấy ở ghế điều khiển, đột nhiên nước mắt ông giàn giụa.
Ông đã nghĩ bản thân mình chết cũng không sao, nhưng ông muốn Miyabe ấy được sống.
Nếu ông chết thì có thể cứu được người này không?
Ông quyết dùng thân mình bảo vệ Miyabe. Ông
sẽ bám sát Miyabe cho đến phút cuối cùng. Nếu chiến cơ địch tấn công ông ấy,
ông sẽ lao vào. Tất cả pháo đối không, ông sẽ lãnh hết.
Đội hình di chuyển theo hướng nam. Bầu trời
phương đông rạng sáng yếu ớt. Ngắm bầu trời lúc bình minh bất chợt ông nhớ đến
từ hừng đông.
Hừng đông... Người xưa dùng từ mới đẹp làm
sao.
Ông ngước nhìn phía sau, vịnh Kagoshima ánh
lên lấp lánh, những ngọn núi Kyushu phủ đầy màu xanh dần tắm mình trong nắng sớm.
Đẹp quá!
Nếu vì bảo vệ Tổ quốc xinh đẹp này mà hy
sinh thì ông không hối hận. Giờ mình sẽ được chết cùng một người đàn ông bản
lĩnh thật sự.
Ông nhớ về vị hôn thê. Sắp được về bên em rồi...
Mẹ, con xin lỗi. Ông kêu lên trong lòng. Cuộc
đời con thật hạnh phúc. Con đã lớn lên trong tình yêu thương tràn đầy của mẹ. Nếu
được sinh ra một lần nữa, con vẫn muốn được làm con của mẹ. Nếu có thể, lần này
con sẽ là con gái để suốt đời sống cùng mẹ.
Rồi ông dẹp bỏ mọi lưu luyến. Cả vẻ đẹp Tổ
quốc, cả tình yêu thương dành cho vị hôn thê, cả sự tưởng nhớ về mẹ già. Tất cả.
Từ bây giờ, việc đâm mình vào tàu địch là tất cả. Và chuyện ông quyết hy sinh
vì Miyabe nữa.
Dù vậy, xuất kích chưa đầy một giờ đồng hồ,
động cơ có biểu hiện lạ thường. Cỗ máy bắt đầu rung lên từng đợt, dầu bôi trơn
từ động cơ bắn lên. Dầu dính vào kính chắn gió, nhanh chóng nhuộm đen mặt kính.
Ông hoàn toàn không thể nhìn rõ phía trước.
Thỉnh thoảng ông thay đổi góc độ máy bay,
tránh không làm hỏng đội hình và tiếp tục bay. Tuy nhiên, tình trạng động cơ
ngày càng tệ hơn. Lực đẩy giảm rõ rệt, tốc độ bị hạn chế. Ông mở van tiết lưu
nhưng cũng không thể tăng tốc, ngay lập tức ông bị tụt lại.
Phân đội trưởng bay sát bên hông, ra hiệu hỏi
“Sao thế?”. Ông báo động cơ có dấu hiệu bất thường. Phân đội trưởng nhìn thấy
kính chắn gió của ông bị nhuộm đen ngòm, ra chỉ thị bằng tay “Rút về!”. Ông đáp
“Không!”. Tuy nhiên, đúng lúc ấy, máy bay lại rung lên bần bật. Phân đội trưởng
ra lệnh “Quay về!” một lần nữa và rời khỏi.
Ông đã thử nhiều cách nhưng động cơ không
thể phục hồi được nữa. Máy bay ông bị bỏ rơi khỏi đội hình.
“Miyabe!”. Ông gào hết sức lực. Sau đó vừa
khóc vừa cho quay đầu phi cơ.
Thế nhưng, máy bay dường như không thể quay
về tận Kanoya. Ông tìm vị trí Kikaishima trên bản đồ. Nó nằm cách khoảng 50 hải
lý về phía tây. Động cơ có thể chịu được hay không còn nhờ vào vận may. Nếu động
cơ ngừng trước khi đến Kikaishima thì ông sẽ chết. Giữa đường chiến đấu cơ địch
xuất hiện cũng chết. Tất cả là định mệnh của ông.
Để giảm sức nặng cho máy bay, ông rút dây
thả bom. Thế nhưng quả bom không rơi, dù ông có rút dây bao nhiêu lần. Nó đã được
gắn chặt vào thân máy bay, không thả xuống được. Họ đã làm chuyện tàn nhẫn như
vậy sao? Nếu vậy, thậm chí còn không thể hạ cánh khẩn cấp được ư? Mục đích của
Bộ Tổng tư lệnh là đã xuất kích cảm tử thì toàn đội đều phải chết.
20 phút sau, Kikaishima đã xuất hiện trong
tầm nhìn của ông. Trên không phận đảo không có bóng dáng quân địch.
Vừa lúc đó động cơ cũng ngừng hoạt động, chỉ
còn cách lướt trên không. Hơn nữa, kính chắn gió lại dính đầy nhớt đen, tầm
nhìn rất hạn chế. Nếu sai góc độ tiếp đất, bom dưới bụng máy bay sẽ phát nổ.
Cũng không thể bay ngược lên để thực hiện tiếp đất lại.
Đã chuẩn bị tâm lý đón cái chết, đột nhiên
khi đó ông nghe tiếng của Miyabe vang lên.
“Thiếu úy Oishi! Tuyệt đối đừng bỏ cuộc! Dù
thế nào cũng phải sống!”
Ông nghe tiếng nói đó rất rõ ràng, dù đã
qua sáu mươi năm, tiếng nói ấy vẫn còn đọng trong ký ức. Không phải là ông
hoang tưởng đâu, có chuyện ấy thật đấy.
Ngay trước khi vào đường băng, ông nghiêng
thân máy bay nhìn bao quát phi trường. Ghi nhớ cự li và góc độ rồi quay máy bay
lại như cũ. Sau đó, ông nhắm mắt lại và quyết định tiếp đất bằng con mắt của
trái tim.
Trong đầu ông hiện rõ khung cảnh của phi
trường như nhìn rõ bằng mắt vậy. Trạng thái máy bay đến gần đường băng cũng cảm
nhận được một cách sinh động. Cho chiếc máy bay đang hạ xuống quay theo chiều
ngang, vào tư thế tiếp đất ba điểm. Máy bay hạ thấp hơn nữa. Cao độ 50 mét... 20
mét... 5 mét... Sau đó khi ông đoán chừng chỉ còn 1 mét, bánh xe gõ xuống đường
băng, máy bay cứ thế trượt đi, không lâu sau thì dừng lại.
Đến giờ ông vẫn nghĩ đó là một kỳ tích. Bảo
ông làm lại một lần nữa, cũng tuyệt đối không thể, chỉ có thể nghĩ đó là một trải
nghiệm hy hữu.
Ông đã được cứu. Dù vậy, khi trở lại nội địa
chắc chắn sẽ phải tiếp tục xuất kích trong đội cảm tử quân khác. Tuy nhiên, động
cơ máy bay đã bị hỏng hoàn toàn, không thể sửa lại một cách nhanh chóng.
Chiều tối hôm đó ông được thông tín viên cứ
địa thông báo, đợt tấn công hôm ấy, ngoại trừ ông, tất cả các phi công còn lại
đều hy sinh.
Miyabe đã mất.
Ông cũng nghe phát Tuyên bố đầu hàng
Gyokuon tại Kikaishima.
- Đó là số mệnh của ông ngoại rồi! - Chị
Keiko thì thầm.
- Đó không phải là số mệnh! - Ông nói rành
mạch. - Đến Kikaishima, khi định bước ra khỏi ghế điều khiển, ông phát hiện một
mảnh giấy. Trên đó là dòng chữ viết nhanh nguệch ngoạc của Miyabe.
- Hả? - Tôi bất giác bật thốt lên.
- Trên tờ giấy viết: “Nếu thiếu úy Oishi
may mắn sống sót trong cuộc chiến này, tôi xin nhờ cậu một việc. Nếu gia đình
tôi lưu lạc, sống khổ cực đầu đường xó chợ, mong cậu hãy giúp họ”. Có lẽ anh ấy
đã viết nó khi quay lại chiếc 52 một lần nữa. Điều đó không thể là ngẫu nhiên
được.
Tôi im lặng lắc đầu, khó khăn lắm mới mở miệng
được.
- Sao...
Ông khẽ lắc đầu.
- Chuyện đó, ông không biết. Nhưng... - Ông
nhìn tôi nói. - Ông nghĩ, khi leo lên chiếc 52, Miyabe đã phát hiện ra động cơ
không ổn. Lúc ấy, người đó đã nhận ra trong tay mình có tấm vé sống còn của bản
thân...
Trong lòng tôi dâng lên thứ cảm xúc rất khó
diễn tả thành lời. Nữ thần số mệnh vào phút cuối lại trao cho ông Miyabe sự lựa
chọn quá tàn nhẫn.
Ông Miyabe đã do dự quay về chiếc 52 một lần.
Nhưng rồi, ông đã dứt khoát trao tấm vé sống còn lại cho ông Oishi... Bên cạnh
tôi, chị đang nhìn xuống, trên má đẫm nước mắt.
Một lúc sau, ông ngoại lại khẽ kể tiếp.
- Tuy nhiên, ông phải mất ba năm mới gặp được
vợ Miyabe.
Nhà Miyabe ở Yokohama nhưng cả thành phố đều
bị hủy hoại sau trận không kích tháng Năm. Không có người hàng xóm nào biết tin
tức của cô ấy.
Ông quay về trường Đại học. Hễ có thời gian
là ông đi hỏi thăm về vợ của anh ấy, nhưng hoàn toàn không có tin tức gì. Hai
năm sau, ông tốt nghiệp và vào làm trong Sở đường sắt Quốc gia.
Khoảng thời gian ấy, nhiều người trong khu
phố mà vợ anh Miyabe từng sống đã quay trở về, nhưng vẫn không thấy cô ấy đâu.
Ông cũng thường xuyên liên lạc với các bạn cùng khóa, bởi ông nghĩ nếu vợ anh
Miyabe gặp khó khăn có thể sẽ liên lạc với ai đó. Vậy mà vẫn không nhận được
tin tức gì, cứ thế lại một năm nữa trôi qua.
Thời ấy, ai cũng bận rộn với cuộc sống của
mình. Ông có thể quay lại học Đại học quả là một điều may mắn. Mẹ ông là giáo
viên Tiểu học ở Tokyo nên cũng không phải khổ sở để kiếm cái ăn. Thế nhưng đó
cũng không phải một cuộc sống no đủ. Áo quần đều phải sửa từ các quân phục cũ,
áo choàng thì ông cứ mặc suốt chiếc áo anh Miyabe đã tặng.
Ông biết tin tức về gia đình Miyabe là nhờ
một người bạn làm trong Bộ Y tế và Phúc lợi. Nghe nói văn phòng cựu quân nhân của
Bộ Y tế và Phúc lợi nhận được đơn xin trợ cấp từ nhà của quả phụ Miyabe, địa chỉ
ở Osaka.
Ông tức tốc đến Osaka. Đó là mùa đông năm
1949. Khi ấy, từ Tokyo đến Osaka phải đi mất mười mấy tiếng, bằng thời gian bay
sang Mỹ bấy giờ.
Đó là một ngày đông lạnh giá. Ông lần theo
địa chỉ tìm đến, nơi ấy là một xóm nghèo, đến độ có thể gọi là khu ổ chuột. Đó
là một dãy nhà như trại lính, cả xóm bốc lên một thứ mùi hôi thối xộc vào mũi.
Ngực ông thắt lại. Vợ con anh Miyabe, những
người anh ấy sống chết muốn bảo vệ lại phải sống nơi đây, thật quá đau lòng.
Không, còn hơn cả đau lòng, ông còn cảm thấy phẫn nộ.
Ông len vào con hẻm nhỏ. Một cô bé đang lẻ
loi đứng đó, mặc bộ đồ đầy mảnh vá, choàng thêm chiếc khăn len màu đỏ. Khi thấy
gương mặt khả ái đó, ông chợt nhớ đến gương mặt Miyabe.
“Cháu có biết nhà Miyabe ở đâu không?”, ông
cất tiếng hỏi. Cô bé quay lưng chạy đi, ông vội bước theo sau. Rồi cô bé chui
vào một gian trong dãy nhà. Đó cũng gọi là nhà sao? Dãy nhà được ghép từ những
tấm ván cũ tạp nham, mái nhà lợp bằng kẽm.
Ông đứng trước nhà. Tấm thớt Kamaboko* được
dùng thay cho bảng tên, trên đó viết nắn nót dòng chữ “Miyabe”.
*[Tấm gỗ đựng một loại chả cá Nhật Bản]
“Xin lỗi ạ!”, ông chào.
“Vâng”. Cùng với tiếng thưa, một phụ nữ bước
ra.
Cô ấy mặc quần thụng, quấn khăn. Tuy xuề
xòa nghèo túng nhưng vẫn là một mỹ nhân. Ông bỗng quên hết những lời cần nói,
chỉ nhìn cô ấy chăm chăm.
Thật lạ là cô ấy cũng đứng nhìn ông sững sờ,
như thể nhìn thấy ma hay thứ gì đó rất đáng sợ.
“Tôi là Oishi Kenichiro. Trong thời chiến
đã từng được anh nhà chiếu cố nhiều”.
Cô ấy như giật mình, cúi người chào.
“Tôi là vợ anh Miyabe. Cám ơn cậu đã giúp đỡ
chồng tôi”.
“Không, người hàm ơn là tôi”. Bên cạnh cô ấy,
bé gái lúc nãy nhìn ông không rời mắt.
“Mời cậu vào nhà”.
Ông từ hiên bước vào, không có cửa trước, lập
tức vào đến gian phòng. Hơn thế, căn phòng chỉ rộng chừng bốn chiếu Tatami,
trên sàn chỉ là chiếu rơm trải trên ván. Trong nhà, nút áo chất cao như núi.
“Thật ngại quá! Tôi nhận việc làm tại nhà
nên bày bừa nhiều”.
Cô ấy gọi con gái, lấy vài đồng xu bảo con
bé mua nước về.
“Nước ép? Thật hả mẹ?”. Đứa bé ngạc nhiên hỏi
lại.
Ông bối rối, lấy tiền trong ví mình ra đưa
cho cô bé.
“Con hãy mua nước hay kẹo, bất cứ thứ gì
con thích”.
“Thật khó xử quá, chuyện này...”
“Không sao. Tôi không mang theo gì, lại đường
đột đến thăm nhà, hãy để tôi gửi tiền”.
“Vậy nghe theo cậu”. Ông nói mãi cô ấy mới
đồng ý.
Ông kể với cô ấy chuyện ông được thầy
Miyabe chăm sóc khi còn là học viên dự bị và chuyện ở cùng căn cứ Kanoya với
Miyabe.
Nhưng chuyện hôm xuất kích tấn công cảm tử,
ông không thể nào mở miệng nói được rằng Miyabe đã chết thay ông. Thay vào đó,
ông nói Miyabe đã cứu ông trong trận không chiến. Cô ấy chỉ yên lặng lắng nghe.
“Tôi còn sống như bây giờ là nhờ ơn anh
Miyabe”.
“Miyabe, anh ấy... Anh Miyabe thích giúp đỡ
người khác nhỉ”. Cô ấy nói.
“Không phải chỉ riêng tôi, anh Miyabe còn
giúp đỡ nhiều người khác nữa”.
“Anh Miyabe chết không phải vô ích rồi”.
Vừa nghe câu nói của cô ấy, mắt ông ngấn lệ.
“Tha lỗi cho tôi”. Ông chống hai tay xuống
sàn. “Phải chi tôi chết thay được cho anh ấy”. Nước mắt rơi lã chã trên tay
ông.
“Xin cậu ngẩng mặt lên”. Cô ấy nói. “Anh
Miyabe đã chết vì chúng tôi. Không, không riêng gì anh ấy, những người chết vì
cuộc chiến đó, tất cả đều vì chúng tôi mà đúng không?”
Ông ngước lên, thấy cô ấy đang mỉm cười.
“Phút cuối của anh Miyabe như thế nào?”
“Anh ấy đón nhận giây phút cuối cùng của
mình đầy khí khái như một quân nhân thực thụ”.
“Vậy là tôi vui rồi.” Cô ấy nói thế rồi lại
cười. Ông nghĩ, người phụ nữ này mới mạnh mẽ làm sao.
“Nhưng mà, người đó đã nói dối tôi”. Đột
nhiên, cô ấy trở giọng lạnh lùng. “Anh ấy đã hứa nhất định sẽ trở về, vậy
mà...”
Đôi mắt cô ấy ngấn lệ, hai giọt nước mắt
lăn dài xuống má khi nhắm mắt lại.
Ngực ông thắt lại. Sau đó là nỗi ăn năn lớn
nhất trong ba năm qua của ông. Tại sao khi đó ông lại đổi máy bay? Tại sao lại
không kiên quyết từ chối yêu cầu của anh ấy? Nếu thế bây giờ cô ấy đã có thể sống
hạnh phúc cùng Miyabe rồi.
Lúc ấy, cô bé gái quay trở lại, giật mình
khi thấy mẹ khóc.
“Không có gì đâu”, cô ấy nói với con gái.
“Mẹ nói chuyện về cha nên buồn chút thôi”.
“Cha của Kiyoko hả? Cha là người như thế
nào?”
“Là người đàn ông bản lĩnh, tốt bụng, dũng
cảm hơn bất kỳ ai”, ông trả lời thay.
“Nhưng cha chết rồi”.
Một lần nữa, ông lại đau nhói như ngực bị
bóp nghẹt. Khi từ biệt, ông đưa cho vợ anh Miyabe một phong bì ông đã chuẩn bị
từ trước.
“Chút lòng thành này mong chị nhận cho”.
“Cái này là…”
“Tôi chỉ muốn trả lại anh Miyabe một phần sự
quan tâm của anh ấy trong thời chiến.
“Tôi không thể nhận”.
Tuy nhiên, ông rất mực kiên quyết:
“Nếu không thể báo đáp ân nhân cứu mạng của
mình thì tôi không còn là người nữa”.
Cuối cùng cô ấy cũng chịu thua.
Đó là cuộc gặp gỡ giữa ông và Matsuno.
Cứ vài tháng ông lại dối mẹ đi công tác một
lần, đến thăm nhà cô ấy ở Osaka. Mỗi lần như thế, ông đều đưa tiền. Matsuno nói
không thể nhận nhưng ông vẫn cố để lại. Số tiền thì ông quên rồi, nhưng có lẽ
là phân nửa lương của ông khi đó. Ông nói dối Matsuno rằng lương của nhân viên
Đường sắt, đã tốt nghiệp Đại học thì cao lắm.
Mẹ ông cũng khổ sở lắm. Sau khi ông tốt
nghiệp Đại học và đi làm thì bà phải nghỉ việc ở trường tiểu học do cơ thể suy
nhược. Hình như bà nghĩ ông giở trò quậy phá, nhưng cũng không nói gì. Có lẽ bà
nghĩ ông muốn tìm cách quên đi trải nghiệm cay đắng là cảm tử quân bằng cuộc sống
phóng đãng.
Các đồng nghiệp ở Sở thì nghĩ ông là một
tên keo kiệt, bủn xỉn. Ông không đi chơi cùng đồng nghiệp, áo quần vẫn là quân
phục được sửa lại. “Nghe nói thằng ấy tích góp cũng được kha khá rồi đấy”. Tin
đồn như thế còn lọt vào tai, nhưng ông vẫn bình thản. Còn có cả tin đồn rằng,
“Hắn để tiền cho gái”. Tin đồn ấy có lẽ cũng đúng nửa phần. Bởi vì ông đã bị
Matsuno lôi cuốn.
Lúc nào đi Osaka ông cũng bắt chuyến đêm.
Buổi sáng là đến nhà cô ấy. Cả ngày hôm ấy phần lớn thời gian ông dạo phố cùng
Matsuno và Kiyoko. Chúng ta đi gần như hết thành phố Osaka: Shinsekai, thành
Osaka, Dotonbori, nhà ga Tenroku, phố Sennichimae.
Mỗi lần đến Osaka, ông đều nhận thấy thành
phố ấy đang dần dần hồi phục. Khuôn mặt mọi người tươi vui hơn, nhịp sống cũng
năng động hơn. Dù vậy, vẫn còn đó những tàn tích của chiến tranh. Những tòa nhà
bị hư hại vì không kích, vẫn còn các lều bán chợ trời trên những cánh đồng bị
thiêu rụi.
Hơn thế, trước nhà ga Osaka có khá nhiều
thương binh. Người hỏng mắt, người mất tay, người cụt chân, có người mất cả tay
lẫn chân mặc áo trắng của bệnh nhân, ngồi bên đường. Cảnh đó thậm chí còn có ở
Tokyo. Nhìn thấy vậy, ngực ông đau nhói. Họ vì đất nước mà mất đi một phần thân
thể, phải tiếp tục sống cuộc đời đau khổ kéo dài. Nhưng mặt khác, đường phố
ngày ngày đổi mới như muốn quên đi ký ức về chiến tranh. Khoảng cách đó thật
đáng sợ.
Mỗi lần đi ngang các thương binh, Matsuno đều
đưa tiền cho Kiyoko, bảo cô bé bỏ vào thùng quyên góp.
Chúng ta thường ăn cơm trưa tại quán. Ông kể
chuyện về thời còn là học viên phi hành dự bị. Thầy Miyabe là một giáo quan tốt
như thế nào. Matsuno khi vui vẻ, khi đượm buồn khi nghe chuyện của chồng.
Matsuno hầu như không kể gì về Miyabe, chỉ
duy nhất một lần cô ấy kể về chuyện kết hôn. Cô ấy kết duyên với Miyabe qua việc
xem mắt. Khi Miyabe trở về từ Trung Quốc năm 1941 và tạm dừng ở phi đội của hạm
Yokohama, đã được ông chủ quán nơi đó yêu mến và gả cho cô con gái duy nhất của
mình. Có lẽ ông ấy nhìn thoáng qua đã thấu anh Miyabe là người thích hợp với
con gái mình rồi. Ông mất trong trận không kích tại Yokohama vào năm 1945. Anh
Miyabe và Matsuno đã tổ chức lễ cưới mà chưa từng nói chuyện với nhau câu nào.
Ông cùng Matsuno và Kiyoko đi dạo giống như
đôi vợ chồng dẫn theo đứa con nhỏ. Kiyoko dần gắn bó với ông, ông thường cho
Kiyoko ngồi rên vai. Sau một ngày dạo phố như thế, ông lại đi chuyến đêm về
Tokyo. Cứ như thế liên tục vài tháng một lần.
Đến thăm Osaka được vài lần thì Matsuno mặc
váy. Vì cô ấy chỉ luôn mặc quần thụng nên đó là một hình ảnh tươi mới đáng ngạc
nhiên.
“Hôm trước có một người quen bán rẻ vải
cho, nên tôi đã may”. Matsuno nói, vẻ ngượng ngùng.
“Rất hợp với chị. Hơn nữa lại...”. Tuyệt đẹp!
Ông định nói thế nhưng không thốt ra miệng được.
Hôm ấy không có Kiyoko, cô bé đã đi chơi
cùng đám bạn. Ông cùng Matsuno đi dạo ở Shisaibashi. Trong buổi hẹn riêng lần đầu
của hai người khi ấy, trống ngực ông đập mạnh, nhưng đồng thời cũng có cảm giác
tội lỗi.
Buổi chiều hôm ấy, khi ở quán ăn tại
Takashima, cô ấy đã nghiêm túc hỏi.
“Tại sao cậu Onishi lại tốt với chúng tôi
như vậy?”
“Vì tôi đã được anh Miyabe cứu mạng”.
“Đó chẳng phải là chuyện đương nhiên ở chiến
trường sao?”
“Không. Anh Miyabe thật sự đã liều mình bảo
vệ tôi”.
“Chuyện đó xảy ra khi nào, ở đâu?” Cô ấy hỏi
như tra vấn. “Lúc trước tôi đã hỏi nhưng cậu không trả lời”.
Ông nghẹn lời.
“Xin cậu hãy nói sự thật cho tôi biết”.
“Tôi biết rồi. Tôi sẽ nói”. Ông hạ quyết
tâm và kể cho Matsuno nghe về lần xuất kích cuối cùng của ông và anh Miyabe. Tất
cả.
Từ giữa câu chuyện, Matsuno yên lặng nhìn
xuống. Ngay cả sau khi câu chuyện kết thúc, cô ấy cũng cúi mặt, không nói câu
nào.
“Sau chiến tranh tôi cũng không ngừng suy
nghĩ về chuyện của anh Miyabe khi ấy. Anh Miyabe đã tìm thấy một sợi dây có thể
cứu mạng mình. Nhưng cuối cùng anh ấy đã từ chối nắm lấy nó”.
Matsuno vẫn kiên nhẫn hướng mắt xuống, rồi
một lúc sau, cô ấy nói như thì thầm.
“Tại sao anh Miyabe lại chọn cậu?”
“Tôi không biết. Nhưng tôi nhớ lại một chuyện”.
Ông kể về sự việc hồi còn là học viên dự bị, chuyện ông vô tình cứu mạng thầy
Miyabe, sau đó bị thương và được thầy tặng chiếc áo khoác khi đến thăm ông tại
bệnh viện.
“Chiếc áo đó là do tôi sửa lại”. Matsuno
nói giọng yếu ớt.
Ông nhớ bên trong chiếc áo khoác có chần
bông, trên cổ còn may thêm lớp da.
“Vậy sao ạ? Anh Miyabe đã tặng tôi món đồ
quý giá quá”.
“Ngày xuất kích đó, anh Miyabe gặp cậu đúng
là định mệnh”. Matsuno ngẩng mặt lên nói, nhìn thẳng vào mắt ông. Khi nhìn vào
đôi mắt đầy đau buồn đó, lòng ông lại dâng lên nỗi ân hận sâu sắc. Tại sao lúc
đó ông lại đồng ý đổi máy bay?
“Xin hãy tha thứ cho tôi”. Ông nói. Matsuno
im lặng cúi đầu. “Tôi còn sống đến hôm nay là nhờ ơn anh Miyabe. Chính vì vậy,
hãy cho tôi được toại nguyện. Anh Miyabe đã nhờ tôi chăm sóc chị và Kiyoko. Vì
lý do đó mà tôi mới có thể sống, nếu không thể thực hiện việc ấy, cuộc đời tôi
sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa”.
Matsuno không đáp gì. Dù vậy, cô ấy không từ
chối sự giúp đỡ của ông. Nhưng ông đã quyết dù cô ấy nghĩ thế nào, ông cũng
không ngừng việc giúp đỡ đó lại. Thế nên ông vẫn tiếp tục lui tới Osaka.
Hai năm sau, cô ấy chuyển nhà từ nội thành
Osaka đến Toyonaka. Đó chỉ là một căn hộ nhỏ nhưng có cả bếp. Matsuno cũng được
nhận vào làm tại một công ty vận tải ở Toyonaka. Công ty ấy lại có quan hệ với
Sở Đường sắt, ông đã lợi dụng sự kết nối này.
Ông chỉ nói dối cô ấy một điều. Ông nói vì
giữ lời hứa với di ngôn của anh Miyabe mà tận lực vì Matsuno và Kiyoko. Đó là
thật nhưng không chỉ có thế. Ông muốn gặp Matsuno...
Lý do ông lui tới Osaka cũng vậy. Nếu là
chu cấp tiền bạc thì chỉ cần gửi đến là xong rồi.
Ông cất công bắt chuyến tàu đêm, không gì
hơn là muốn gặp cô ấy.
Matsuno chắc cũng biết chuyện ấy. Không,
cũng có thể cô ấy không biết. Ông chẳng thể nhớ tâm trạng của mình nữa. Tuy
nhiên, dù thế nào Matsuno cũng không phải cô gái có thể mở miệng nói, “Chỉ cần
gửi tiền là được rồi”. Cứ như thế, mối quan hệ kỳ lạ của chúng ta kéo dài năm
năm.
Trong khoảng thời gian ấy, mẹ ông mất,
Kiyoko cũng đã là học sinh Trung học. Cô bé đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp,
hoạt bát. Ông 30, còn Matsuno đã 33 tuổi.
Đó là vào ngày giỗ anh Miyabe, tháng Tám
năm 1954. Chúng ta đi thăm mộ. Hai năm trước, Matsuno đã mua phần đất của nghĩa
trang phía Bắc Osaka, xây một ngôi mộ nhỏ cho chồng tại đó. Matsuno không gắn
kèm pháp danh, trên bia chỉ khắc Miyabe Kyuzo chi mộ.
Cách khu mộ không xa có một ngôi chùa,
chúng ta sau khi viếng mộ đã ghé qua. Trong chùa không một bóng người, chúng ta
ngồi xuống trước hiên của chính điện. Bất ngờ Matsuno nói.
“Cậu Oishi, thời gian qua, rất cám ơn cậu”.
Ông khá bất ngờ, không biết phải nói gì.
“Chúng tôi đã được cậu Oishi chăm sóc quá
nhiều rồi”. Matsuno gập đầu xuống. “Không có lý do gì chúng tôi lại nhận của cậu
nhiều hơn nữa”.
“Tôi vẫn chưa báo đáp xong ân tình của anh
Miyabe.”
Matsuno nhìn thẳng vào mặt ông và nói:
“Cậu định báo đáp ơn ấy đến bao giờ? Nếu là
báo ơn cho Miyabe thì cậu đã báo đáp đủ rồi”.
“Vẫn chưa...” Ông khổ sở nói.
“Cậu định sống vì chúng tôi cả đời như thế
sao?”
“Không được sao? Tôi đã được anh Miyabe cứu
mạng, không, là anh Miyabe đã chết vì tôi”.
“Còn cuộc sống của cậu thì sao? Hạnh phúc của
cậu sẽ thế nào?”
“Tôi có vị hôn thê. Khi tôi trở thành học
viên dự bị, hôn ước đã được hủy bỏ nhưng nếu tôi sống sót trở về, có thể tôi đã
sống cùng cô ấy”.
“Cô gái đó bây giờ ra sao?”
“Cô ấy đã mất trong một trận không kích”.
Matsuno im lặng. Giữa hai người có một khoảng
lặng khá dài. Người phá vỡ sự im lặng đó là Matsuno.
“Cậu tận lực vì chúng tôi như thế, chỉ vì
ân tình với anh Miyabe thôi sao?”. Matsuno nhìn thẳng vào mắt ông, ánh mắt sắc
sảo. Ông bất giác đưa mắt sang hướng khác.
“Tôi thật đáng xấu hổ”. Ông quay lưng về
phía Matsuno. “Quả là vì ân nghĩa với anh Miyabe. Nhưng tôi tận lực vì chị
không phải chỉ vì thế. Tôi là một thằng đê tiện!”
Tiếng ve ở đâu đó vang lên. Ông bật khóc vì
sự xấu xa và tủi thẹn của mình. Khi ấy, có thứ gì đó nhẹ nhàng chạm vào vai
ông. Quay lại, Matsuno đang đặt tay lên vai ông. Từ mắt Matsuno một giọt nước mắt
lớn lăn xuống.
“Nghe tôi nói có được không?”
Ông gật đầu.
“Lần cuối cùng tôi gặp anh Miyabe... là khi
anh ấy từ phương Nam trở về đất liền, lấy được vài ngày phép trở về Yokohama.
Người ấy khi từ biệt đã nói nhất định sẽ sống trở về, dù có cụt tay, què chân,
cũng sẽ trở về...”
Ông gật đầu.
“Sau đó, anh Miyabe còn nói Giả dụ có chết,
ngay cả như thế, anh cũng sẽ trở về. Dù có đầu thai kiếp khác, anh cũng nhất định
quay về bên em”.
Matsuno liếc nhìn ông. Đôi mắt ấy rất đáng
sợ, lần đầu tiên ông nhìn thấy ở cô ấy.
“Khi lần đầu nhìn thấy cậu, tôi đã nghĩ anh
Miyabe tái sinh quay về. Ngày hôm ấy, khi nhìn thấy cậu mặc chiếc áo choàng của
anh ấy đứng trước cửa nhà, tôi nghĩ anh Miyabe đã giữ lời”.
Ông đã ôm chặt Matsuno. Cô ấy cũng ôm chặt
ông. Cả hai cùng lặng lẽ khóc.
- Các cháu nghĩ rốt cuộc cũng là chuyện
tình nam nữ thôi phải không?
Kể xong, ông ngoại hỏi. Tôi lắc đầu, không
nói được câu gì.
- Thế là ông và Matsuno đã kết hôn. Chiến
tranh đã kết thúc được chín năm. Sau đó, hai người chưa một lần nhắc đến
Miyabe. Tuy nhiên chưa lúc nào chúng ta quên Miyabe. Matsuno cho đến khi mất vẫn
tận tụy vì ông.
Tôi nhắm mắt hồi tưởng về bà. Bà trong ký ức
của tôi là người có nụ cười nhẹ nhàng, hiền từ, vậy mà lại có cuộc đời như thế...
- Chuyện này ông chỉ nói riêng với tụi cháu
thôi. Thật khó nói với Kiyoko. Chuyện này ông đã định mang theo xuống mồ. - Ông
khẽ nói.
Tôi im lặng gật đầu.
- Matsuno sau chiến tranh vô cùng cực khổ.
Thời gian ấy, phụ nữ một mình nuôi con, không người thân thuộc là chuyện vô
cùng vất vả. Hiểu ý ông muốn nói không? Trước khi kết hôn, Matsuno đã nói hết với
ông chuyện bản thân đã sống ra sao trong thời kỳ hậu chiến. Ông đã nghe hết
toàn bộ và chấp nhận Matsuno. Hoàn toàn không do dự. - Ông thở mạnh. - Matsuno
đã bị lừa... trở thành thê thiếp của trưởng nhóm Yakuza nọ. Cô ấy không kể chi
tiết nhưng có lẽ bị khuất phục bởi tiền và vũ lực. Cũng không chừng là vì mất
anh Miyabe nên đành phó thác số phận.
Chị Keiko ôm mặt.
- Thường thì khó thoát khỏi sự chi phối của
thứ ác ma đó. Nhưng một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Đó là việc lạ kỳ đến mức ông
không nghĩ trên đời lại có chuyện kỳ diệu đến thế. - Ông ngoại hạ giọng. - Tại
ngôi nhà mà Matsuno bị giam cầm, nhiều người đã bị tấn công và giết chết. Hai
thằng Yakuza của nhóm cũng bị thương nặng.
Tôi cảm giác có một luồng hơi lạnh chạy dọc
sống lưng.
- Khi ấy Matsuno đã trải qua một chuyện kỳ
lạ. Cô ấy cũng có mặt tại đó nhưng... Cô ấy đã nhìn thấy một người đàn ông mang
thanh gươm đẫm máu, đó là một người không hề quen biết. Người đàn ông toàn thân
đầy máu ấy ném ví tiền xuống cho Matsuno, và bảo “Cố mà sống”.
Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh một người.
- Matsuno đã nghĩ người đó là anh Miyabe sống
lại. Vốn biết không thể nào có chuyện đó nhưng trên đời lại xảy ra kỳ tích như
thế. Có lẽ những việc đó được dẫn dắt bởi tình cảm của anh Miyabe dành cho
Matsuno. Cô ấy đã được anh Miyabe bảo vệ. Ông nghĩ cũng giống như việc kéo ông
đến với Matsuno, Miyabe đã điều khiển tên sát nhân đó.
Người đàn ông đó chính là ông ấy. Tuy không
có căn cứ nhưng tôi tin chắc là vậy. Cả ông ấy sau chiến tranh cũng không ngừng
tìm kiếm vợ của ông ngoại... Cả ông ấy cũng liều mạng vì Miyabe Kyuzo.
Nước mắt tôi rơi xuống. Ông ngoại nhìn tôi
chăm chăm.
- Matsuno khi lâm chung đã nói cảm ơn ông.
Chuyện đó tôi cũng nhớ. Đó là câu nói cuối
cùng của bà. Sau đó, bà ngoại nhắm mắt.
- Các cháu còn nhớ khi ấy ông đã khóc
không?
Tôi gật đầu. Khi ấy, ông ngoại đã đã bám lấy
thi thể của bà gào khóc vang vọng cả căn phòng bệnh.
- Ông đã muốn nói người cám ơn phải là ông.
Nhưng ông khóc còn vì một lý do nữa. Khi ấy ông đã nhìn thấy Miyabe. Miyabe mặc
bộ đồ bay, đang đứng bên cạnh Matsuno. Anh ấy đến đón Matsuno... Chuyện ấy chắc
các cháu không tin phải không? - Ông ngoại nói, ánh mắt nhìn xa xăm. - Không
tin cũng không sao. Bản thân ông cũng có cảm giác như mình thấy ảo giác. Có lẽ
là ảo giác. Nhưng lúc ấy cảm giác của ông rất rõ ràng. Sau đó anh Miyabe và
Matsuno rời đi. Lúc Matsuno rời đi, đã nói lời cám ơn với ông.
- Ông ơi, không phải vậy đâu. - Tôi nói. -
Bà yêu ông mà.
- Cháu cũng nghĩ vậy. - Chị Keiko nói.
Ông ngoại không đáp, một giọt lệ trào ra.
- Ông chắc cũng chẳng còn lâu nữa. Thời trẻ
thì sợ chết. Khi nhận lệnh tấn công cảm tử cuối cùng cũng sợ hãi. Khi ấy ông đã
cố gắng chiến đấu với nỗi sợ hãi đó. Tuy nhiên, bây giờ ông còn không sợ gì nữa.
Ông đã sống một cuộc đời hạnh phúc. Khi ông chết, Matsuno sẽ đến đón ông, anh
Miyabe cũng sẽ đến phải không?
Sau đó, ông bảo muốn được ở một mình một
lát.
Tôi và chị rời khỏi phòng. Khi ra khỏi nhà
ông ngoại, trời đã tối hẳn. Vừa bước ra khỏi cổng, chị đã bật khóc dữ dội. Tôi
ôm lấy vai chị. Từ khi trưởng thành đến giờ tôi và chị mới lại ôm nhau như thế.
Tôi không biết rằng chị nhỏ nhắn đến thế. Trên khu phố tĩnh lặng, chỉ vang lên
tiếng khóc của chị. Đường ướt sũng, khi nãy có cơn mưa rào chăng?
Một lúc sau, chị Keiko bình tĩnh trở lại rồi
nói:
- Chị sẽ từ chối lời cầu hôn của anh
Takayama. Chị cứ suy nghĩ suốt nhưng đến hôm nay chị đã rõ tình cảm của mình.
Mặt chị đẫm nước mắt nhưng có vẻ tươi tỉnh.
- Chắc cũng khỏi cần phải viết thành sách.
Đáp lại câu đùa của tôi, chị cười nói:
- Vậy thì đã sao. - Sau đó nói khẽ. - Chuyện
này chị chưa nói với Kentaro, chị nhận được một lá thư dài từ anh Fujiki. Anh ấy
xin lỗi về việc cầu hôn qua điện thoại, còn viết rằng mong chị hãy hạnh phúc.
Sau đó, kể lại những kỷ niệm ngày xưa, có cả nhiểu ký ức đẹp mà chị đã quên...
Anh Fujiki vẫn luôn xem trọng chị... - Chị Keiko vừa nói lại vừa khóc. - Nếu chị
không lấy người mình yêu, thì ông sẽ giận chị mất.
Tôi gật đầu, vô tinh ngước nhìn bầu trời
đêm. Thật ngạc nhiên, cả bầu trời đầy sao. Đây là lần đầu tiên tôi thấy nhiều
sao đến thế trên bầu trời Tokyo. Chị cũng ngước lên nhìn trời.
Khi ấy, tôi thấy một ngôi sao phương đông vẽ
một đường ngắn và biến mất.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét