Không Chiến Zero Rực Lửa
Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*
Quỷ Atula
- Định mệnh của hắn là phải chết. - Cựu thượng
đẳng binh tào Không lực Hải quân, Kageura Kaizan nhìn thẳng vào mắt tôi nói. -
Tao biết hắn muốn sống sót trong cuộc chiến ấy nhưng tự hắn đã dập tắt ước vọng
đó.
Ngực tôi đánh trống dữ dội, cố gắng nắm bắt
cảm xúc của ông Kageura nhưng gương mặt ông không chút biểu cảm.
Ông Kageura vốn từng là Yakuza*. Nhà ông nằm
trên một khu phố yên tĩnh tại Nakano nhưng trên cổng không có bảng tên, các bức
tường xung quanh được gắn máy chống trộm. Dù ông ta đã lui về nghỉ ngơi rồi
nhưng tôi cũng có chút do dự khi đến viếng thăm. Chị Keiko muốn đi cùng, nhưng
tôi không định đưa chị đến nơi ở của người từng có tiền án giết người.
*[Thế lực xã hội đen Nhật Bản]
Chuông reo, một thanh niên đầu trọc tiến
ra. Gã nói năng rất nhã nhặn nhưng ánh mắt vô cùng sắc bén. Sau khi báo danh
tính và lý do đến thăm, gã lịch sự dẫn tôi vào phòng khách.
Gian phòng khách không hào nhoáng nhưng tôi
nhận thấy tường và trần được làm bằng vật liệu loại tốt. Nội thất tối giản, gần
như không có.
Ông Kageura hình như đã 79, tóc đã thưa
nhưng da dẻ và dáng điệu thì chỉ như 60 tuổi thôi vậy.
Gã đón tôi ở sảnh luôn đứng phía sau ông.
Có lẽ là vệ sĩ.
- Mày là cháu của Miyabe sao? - Ông Kageura
nói, miệng không nở nụ cười. Giọng nói trầm, nhẹ nhưng đầy uy lực.
Dù hơi bị áp đảo về tinh thần, tôi vẫn lặp
lại mục đích đến thăm lần này một lần nữa. Sau khi nghe hết, ông ta nói.
- Tao căm ghét hắn!
Tôi im lặng gật đầu. Chuyện đó tôi cũng đã
cảm nhận được qua điện thoại, vả lại cũng không phải lần đầu nên tôi không bị
dao động.
- Chiến tranh đã là chuyện xưa hơn sáu mươi
năm rồi. Tao đã quên gần hết những người tao gặp khi ấy. Nhưng hắn, đến bây giờ
tao vẫn nhớ rất rõ. Thật kỳ lạ!
Tao căm ghét Miyabe. Đó là nỗi căm ghét đến
cực độ.
Tao vẫn nhớ lần xuất kích tấn công cảm tử của
hắn. Vì máy bay của tao khi ấy có nhiệm vụ hộ tống.
Đáng tiếc, tao đã không nhìn thấy giây phút
cuối cùng của hắn. Từ sau trận Okinawa, máy bay cảm tử hầu như không thể đến được
Hạm đội Mỹ. Ba tầng máy bay chiến đấu địch đã chờ sẵn ở phía xa trước hạm đội
cơ động. Chắc chắn không thể ôm một bụng đạn dược nặng nề tiến đến gần hạm đội
địch được. Ngay cả máy bay hộ tống nhanh hơn cũng vô số chiếc không thể quay về.
Tao căm thù hắn!
Chẳng có lý do gì đặc biệt. Xung quanh mày
chắc cũng có thằng khó ưa nào đó, những thằng mà sự tồn tại của nó thật khiến
mày khó chịu.
Hắn luôn trân trọng tấm ảnh một ả nào đó với
một đứa nhóc. Bọn trẻ thời bây giờ chắc sẽ bảo, “Ai chẳng thế!”. Tao chẳng phàn
nàn chuyện đó. Trong thời buổi yên ả, những thằng làm công ăn lương nhu nhược
chỉ dựa vào công ty, coi hình vợ con trong ví như tấm bùa hộ mệnh, cũng có phần
đáng quý. Tuy nhiên, sáu mươi năm trước không như vậy, bọn tao chiến đấu bằng cả
sinh mạng.
Từ liều mạng bây giờ dùng phổ biến quá rồi
nhưng chỉ là cách nói màu mè của việc gắng sức thôi. Nhưng trước kia thì không
phải chuyện đùa đâu. Tao sẽ dạy cho mày biết từ liều mạng có nghĩa là thế nào.
Vào thời của bọn tao, nó có nghĩa là đánh liều mạng sống. Hắn lại giống như
công nhân viên chức bây giờ, ngồi ngắm bức ảnh và nói “Muốn sống trở về”. Bọn
bay thử nghe mấy câu tỉnh rụi đó trong lúc đang liều mạng chiến đấu xem!
Thực sự tao cũng không nhớ mình đã từng
nghe hắn nói vậy chưa, nhưng dù không nói ra miệng thì suy nghĩ đó của hắn mọi
người đều rõ.
Tao tốt nghiệp khóa thực hành dự bị ở
Kasumigaura vào đầu năm 1943. Đầu tiên là Đài Loan, sau đó tao đến Bắc Đảo,
Java rồi Balikpapan ở Borneo. Tao chỉ thực hiện bổn phận của một phi công lái
máy bay chiến đấu. Đó là bắn càng nhiều máy bay địch càng tốt.
Thật may mắn vì chiến trường đầu tiên ta
tham gia là Balikpapan. Ở đó có mỏ dầu, nhiên liệu phong phú nên tập huấn bao
nhiêu cũng được. Tao nghĩ kỹ thuật của tao được nâng cao chính nhờ nơi ấy.
Tao đã bắn rơi được máy bay địch trong trận
đầu tại Balikpapan. Đó là một chiếc Spitfire*. Giai đoạn đó, những phi công trẻ
đi cùng ta từ Nhật Bản đến đều mất mạng ngay trận đầu tiên. Những bọn đến sau
cũng thế. Giống như đến đó để chết vậy. Những người có thể sống sót qua ba lần
không chiến là rất hiếm. Máy bay địch với tính năng vượt trội hơn Reisen, kỹ
thuật của phi công cũng đã nâng cao. Hơn nữa, chúng còn có radar, số lượng lại
áp đảo.
*[Supermarine Spitfire: một kiểu máy bay
tiêm kích một chỗ ngồi của Anh]
Vậy mà trong tình cảnh đó, ngay trong tuần
đầu với bốn lần xuất kích tao đã bắn rơi hai chiếc. Mọi người nhìn tao hoàn
toàn bằng con mắt khác. Không phải tự mãn, nhưng tao phải thừa nhận tài không
chiến của mình. Trong nửa năm đầu, bao gồm cả những chiếc không xác định được
thì tao đã bắn được gần 10 chiếc máy bay địch.
Tao đến Rabaul vào mùa thu năm 1943. Rabaul
khi đó đã không còn là Phi đội Rabaul hiển hách như xưa. Các hòn đảo xung quanh
lần lượt bị quân Mỹ chiếm đóng, quân ta chỉ chiến đấu phòng thủ. Mệnh lệnh điều
chuyển đến Rabaul được gọi là tấm vé một chiều.
Liên tiếp hằng ngày đều bị không kích. Quy
mô của chúng lại rất khủng khiếp. Cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom từ
150 đến 200 chiếc được điều đến mỗi ngày. Khi nhiều còn lên đến 300. Phe ta chỉ
vỏn vẹn 50 chiếc. Các trận chiến hầu hết đều là đánh chặn. Tuy nhiên, việc này
hợp với tính tao. Nói thẳng ra tao rất ghét việc hộ tống cho các máy bay ném
bom chậm chạp, bởi việc đó như bị xích lại. Nếu là các trận đánh chặn thì tao
có thể tự do chiến đấu.
Với các trận đánh chặn thì cơ bản là người
nhanh sẽ thắng. Khi có cảnh báo địch đến tấn công, các phi công chạy hết tốc độ
leo lên các máy bay chiến đấu đã được lính bảo trì chuẩn bị, chạy động cơ và cất
cánh.
Tao không chọn các máy bay cỡ lớn để chiến
đấu. Kẻ thù của ta chỉ là máy bay chiến đấu. Bổn phận của máy bay đánh chặn là
bắn hạ máy bay ném bom đến căn cứ không kích nhưng tao không cần biết. Tao chiến
đấu theo cách riêng.
Máy bay chiến đấu địch rất kiên cố. Bắn bằng
súng 7.7 li không thể rơi. Dùng pháo 20 li thì có thể bắn rơi nhưng vận tốc ban
đầu chậm, tầm bắn ngắn nên hiếm khi trúng. Dù vậy, tao đã bắn hạ được máy bay địch
bằng pháo 20 li.
Làm thế nào ư? Đoán chừng mà bắn thôi. Bắn
các máy bay địch không lọt vào ống ngắm.
Máy bay đã lọt vào tầm ngắm thì đạn khó mà
trúng được. Chính vì thế tao dự đoán vị trí của địch sắp đến rồi bắn vào khoảng
không.
Chuyện đó, trong khóa huấn luyện bay không
ai dạy. Mà ngay cả các phi công giàu kinh nghiệm cũng có mấy ai tác chiến như
thế. Biến tấu mà. Tao hẳn là có tài năng thiên bẩm. Nghe nói, Marseille của Đức
cũng là người nổi tiếng với kiểu bắn dự đoán này.
Tao tập bắn kiểu này hằng ngày. Trong đội bắt
đầu bình phẩm kỹ thuật đặc biệt này của tao. Mọi người khiêu chiến nhưng hiếm
người có thể vượt qua được.
Ở Rabaul, tao đã bắn được hơn 20 chiếc.
Không phải là thành tích chính thức, bởi thời
ấy Hải quân không công nhận việc ghi nhận thành tích của cá nhân. Việc bắn hạ
chỉ được ghi nhận bởi quân đội. Đúng là cách làm của Nhật Bản. Thành tích cá
nhân ghi nhận không được xem ra gì.
Tao ngờ rằng việc Hải quân không chấp nhận
việc ghi nhận thành tích của cá nhân vì nếu công khai số máy bay bắn rơi của cá
nhân thì ai là người có kỹ thuật cao, ai là kẻ ngớ ngẩn nhất sẽ bị nhìn rõ chân
tướng. Các sĩ quan vô dụng hẳn sẽ rất khó chịu.
Các phân đội trưởng chỉ huy đội hình đều được
chọn từ các sĩ quan mà không cần kỹ thuật.
Hiếm hoi cũng có những kẻ xuất sắc nhưng hầu
như các phân đội trưởng xuất thân từ trường Hải quân đều vô dụng, lại thiếu
kinh nghiệm. Chuyện đội hình bị mắc vào nguy hiểm do các quyết định sai lầm của
chỉ huy nhiều như núi. Bản thân tao nhiều lần cũng gặp cảnh nguy hiểm. Tuy
nhiên, trong quân đội, mệnh lệnh của thượng cấp tuyệt đối phải tuân theo, dù biết
rằng bay về phía ấy sẽ chết. Sau đó y như dự đoán, quân ta bị địch tấn công
tiêu diệt.
Nếu công khai số lượng máy bay bắn hạ chẳng
phải sẽ thấy rõ mồn một biểu đồ các chỉ huy vô dụng chạy theo đuôi các hạ sĩ
quan tài năng sao?
Quân đội Mỹ thì khác. Các phi công đều là
sĩ quan, những người xuất sắc sẽ được chọn làm chỉ huy. Công bố số điểm bắn máy
bay của cá nhân, khen thưởng nghiêm túc. Các phi công hăng hái chiến đấu nhằm
tăng số điểm của mình. Trong trường hợp hai chiếc cùng bắn thì mỗi chiếc được
cho 0.5 điểm. Chẳng phải là đúng kiểu Mỹ sao? Nếu thế, họ cũng sẽ cố gắng hợp
tác với người khác.
Hải quân Đế quốc thì không như vậy. Dù là
phi công ưu tú thế nào thì hạ sĩ quan cũng tuyệt đối không thể trở thành chỉ
huy. Một số ít chỉ làm tới tiểu đội trưởng. Cấp bậc của ta là nhất đẳng binh,
là binh sĩ cấp ba từ dưới lên. Có bắn bao nhiêu máy bay địch thì tốc độ thăng
tiến cũng không tăng. Trong Hải quân Đế quốc, cá nhân kiệt xuất tuyệt nhiên
không thể đi lên bằng con đường binh nghiệp được.
Trong tình cảnh đó vẫn có kẻ tự đắc và chống
đối. Iwamoto Tsuzou còn tự ý vẽ lên chiếc chiến cơ yêu quý của hắn vô số ký hiệu
bắn hạ là hoa anh đào, nhìn từ xa vô cùng lấp lánh. Hắn ta từng tự xưng là “Hiệp
khách bần hàn”. Đúng là một gã kỳ lạ!
Nishizawa Hiroyoshi khi nghe tin có phi
công bắn rơi B17 bằng chiếc Nguyệt Quang* kiểu mới được ban thưởng thanh bảo
đao đã lớn tiếng mỉa mai cho mọi người nghe thấy, “Tao phải bắn bao nhiêu chiếc
mới được ban nó nhỉ?”. Nishizawa là người trầm tính nhưng phong thái toát lên vẻ
cương nghị. Hắn ta nói vậy vì muốn thể hiện sự bất mãn của các phi công Reisen
chiến đấu miệt mài ngoài tiền tuyến không được đền đáp. Nghĩ lại, chính hắn mới
là thanh bảo đao của Hải quân Đế quốc. Vậy mà Hải quân lại bắt hắn lên tàu vận
tải ở Bắc Đảo và đánh mất viên ngọc ấy một cách dễ dãi. Quả là quá sức ngu xuẩn!
*[Tức chiếc Nakajima J1N kiểu 11 Gekko, là
một kiểu máy bay hai động cơ, chuyên dụng tiêm kích đêm]
Tao lại không vẽ ký hiệu bắn hạ lên thân
chiến cơ nhưng số máy bay bắn được tao đều nhớ cả. Không ai biết cũng chẳng
sao, chỉ cần bản thân tao biết là được.
Mỗi lần bắn được một chiếc tao lại đếm nhẩm
trong đầu. Tao đã nghĩ đến một lúc nào đó sẽ bắn hạ được hàng trăm chiếc. Số
máy bay Iwamoto và Nishizawa bắn rơi khi ấy đã vượt hơn trăm chiếc, bọn họ là
những anh hùng kỳ cựu từ thời chiến tranh Trung-Nhật, trải qua bao năm mới tích
lũy được số lượng đó. Tao hoàn toàn vẫn chỉ là một tân binh, chắc chắn sẽ đến
lúc tao bắt kịp.
Thời ấy thành tích không được ghi nhận công
khai nên số lượng bắn hạ của mỗi người đều chỉ biết được qua lời nói của họ. Cả
Iwamoto và Nishizawa cũng vậy, con số bọn hắn tán gẫu với nhau được mọi người
lan truyền. Các con số cũng biết nói mà, có khoa trương hay không thì thực tài
của bọn họ thế nào, ai cũng biết rõ. Đó là môi trường không thể nói láo được.
Tao rất khoái không chiến. Chính bầu trời mới
là thế giới tao được sống, dù bị kẻ thù bắn chết tao cũng không ân hận.
Sau chiến tranh, tao trở thành Yakuza, sự
khát khao được chiến đấu của tao đã đẩy tao vào thế giới ấy, tao luôn nghĩ dù vậy
cũng không đáng bị căm ghét như những kẻ dựa vào quyền thế, kêu gọi bạo lực.
Sau một thời gian dài tìm ý nghĩa nơi để chết, tao chợt nhận ra mình đã trở
thành một kẻ vô lại.
Ta từng giết người, nhiều lần phải vào
khám, mạng sống cũng bị đe dọa không biết bao lần nhưng cao số nên vẫn còn sống
được đến giờ này. Dù thế, những thứ đó so với cuộc chiến trên bầu trời vẫn quá
ngọt ngào, mọi việc đều có thể giải quyết bằng tiền, kể cả mạng sống.
Trên bầu trời thì hoàn toàn không có sự thỏa
hiệp. Một sơ suất nhỏ cũng có thể bỏ mạng. Tuy nhiên, nếu bị kẻ thù giỏi hơn bắn
diệt, tao sẽ chấp nhận chết như một thằng đàn ông.
Chiến cơ địch quả thật rất ưu việt nhưng chỉ
dùng mỗi chiến thuật bắn và thoát. Đã tránh được một cú đầu tiên rồi sẽ thấy
chúng chẳng còn đáng sợ. Lính Mỹ hiếm khi đấu tay đôi vì bọn chúng cũng biết rõ
năng lực chiến đấu đáng gờm của lão già Reisen.
Dù vậy, tao vẫn thường dẫn dụ địch tấn
công, cố tình né xuống phía bên dưới, bắt địch đuổi theo. Những lúc ấy, việc xê
dịch trục đường súng máy của địch rất quan trọng, chỉ cần xê dịch trục đường
thì dù bắn bao nhiêu đạn cũng không trúng. Địch nghĩ chỉ trong nháy mắt là có
thể bắn được tao, nhưng sau rốt, kẻ ra tay lại là tao. Nâng đầu máy bay, kéo địch
vào cuộc chiến xoay vòng. Khi địch phát hiện ra thì đã quá muộn. Ngay trong
vòng xoay đầu tiên, ta bám phía sau địch rồi phát pháo. Bằng cách đó, tao đã bắn
được vô khối chiếc.
Có mấy ai dùng cách đánh này chứ! Chẳng hạn
như Iwamoto, hầu như chẳng đấu tay đôi bao giờ, tay ấy rất giỏi bắn và thoát.
Cách đánh của hắn giống quân Mỹ, nhanh chóng phát hiện kẻ địch, tiếp cận từ
phía trên bắn một phát và thoát ngay. Hơn nữa, thường nhắm vào một chiếc máy
bay địch đơn độc. Trong các cuộc đánh chặn, ban đầu sẽ không tiến đánh, đến khi
địch rút lui sẽ quyết liệt tấn công từ phía sau. Tao có cảm giác như hắn là một
bậc thầy Iai*, hoàn toàn trái ngược với Nishizawa, kẻ giỏi lối tấn công trực diện.
Iwamoto là người bị ám ảnh bởi các cuộc không chiến, hắn đã mạo hiểm cả mạng sống
cho điều đó. Ta cũng đặt cược tất cả cho các cuộc không chiến, nhưng khi ta trở
thành phi công năm 1943, Iwamoto đã chiến đẩu được bảy năm. Nếu xem Nishizawa
là thanh bảo đao chính tông Masamune**, thì Iwamoto là thanh yêu đao
Muramasa***. Đương nhiên đó chỉ là quan điểm tùy tiện của tao mà thôi, nhưng
nhìn chung cũng không sai lệch lắm.
*[Nghệ thuật đấu kiếm dài Nhật Bản]
**[Một trong những bảo vật quốc gia của Nhật]
***[Một trong những bảo vật quốc gia của Nhật]
Yêu đao Muramasa sẽ biến người cầm nó thành
một tên đồ tể đáng sợ. Đối với Iwamoto, có lẽ Reisen chính là Muramasa. Tao
nghe nói Iwamoto sau chiến tranh không thể dung hòa với xã hội, bị người đời
quên lãng. Vết thương chiến tranh để lại là nguyên nhân dẫn đến cái chết bất hạnh
của hắn. Có lẽ đó không phải là thế giới dành cho các phi công át chủ bài.
Tao không chiến đấu vì quốc gia. Hiển
nhiên, càng không phải vì quốc dân. Cũng không phải vì gia đình. Lại càng không
phải vì Thiên hoàng. Tuyệt đối không!
Tao không có người thân. Vì thế không có
chuyện chiến đấu vì bất cứ ai cả. Tao là một đứa con hoang. Mẹ tao là vợ lẽ. Bà
sớm mồ côi, phải đi làm thiếp để sống. Cha tao là một thương nhân mới nổi. Khi
vào trung học, mẹ mất, tao được cha đón về. Trong dinh thự rộng lớn ấy, bà vợ cả
và các anh trai cùng cha khác mẹ nhìn tao như thể tao là thứ đồ dơ bẩn. Tao
không nhận được dù chỉ chút tình thương hay thậm chí cả tên họ của cha. Cha tao
ở rể, tính tình nhu nhược, không bao giờ dám cãi lại vợ.
Trận Trân Châu Cảng diễn ra khi tao học năm
thứ năm trung học. Khi tốt nghiệp vào năm sau, tao dự thi vào khóa huấn luyện dự
bị. Vì sau khi cuộc chiến với Mỹ nổ ra, khóa dự bị ấy cũng bắt đầu chiêu mộ đại
trà, kẻ kém cỏi như tao cũng có thể qua.
Sau đó, tao không một lần gặp lại gia đình.
Mà không, ngay từ đầu nó đã không phải là gia đình của tao.
Từ khi trở thành phi công, tao đã quyết sống
như một võ sĩ. Cụ ngoại tao là võ sĩ Nagaoka, hy sinh trong cuộc chiến Mậu
Thìn*. Đứa con trai lại mang tiếng xấu là nghịch tặc, từ sau cuộc Duy Tân, gia
đình lâm vào cảnh lầm than. Sau đó, ông bỏ lại mẹ tao mới 15 tuổi và chết trong
bần cùng.
*[Tức chiến tranh Boshin, chiến tranh Minh
Trị Duy Tân, là cuộc nội chiến ở Nhật Bản (1868-1869)]
Hồi tao còn nhỏ, mẹ tao thường nói. “Trong
người con chảy dòng máu Samurai. Hãy sống anh dũng như một võ sĩ!”. Chính vì thế,
cuộc chiến tranh đó là dành cho tao. Tao không chiến đấu vì ai cả. Tao chiến đấu
vì chính mình.
Giống như Miyamoto Musashi* chiến đấu vì
thanh kiếm của mình, tao chiến đấu như một phi công đơn độc.
*[Kiếm sĩ thời kỳ nội chiến Nhật Bản vào thế
kỷ 17]
Ta cũng chẳng có bạn bè. Từ thời con nít đã
không có bạn. Tình bạn là gì? Thứ đó chỉ đơn giản là sự đú đởn mà thôi. Đú đởn
nhau chơi bời, đú đởn nhau uống rượu. Tao chưa từng nghĩ mình cần một người như
vậy.
Còn vợ con ư? Ngần này tuổi rồi ta cũng
chưa từng kết hôn, và đương nhiên, cũng chẳng có con.
Phụ nữ thì tao có nhưng không trói buộc dài
lâu. Có người đã từng chung sống với tao, nhưng đó đều là chuyện sau chiến
tranh. Khi ấy, tao không có người yêu cũng chẳng có người trong mộng, hãy còn
là trai tân. Tao biết đến đàn bà qua bọn gái Geisha. Tao cũng không nghĩ mình
muốn có con. Tao lại không có anh em, nên nhà Kageura đến ta là chấm hết.
Nhiều lần bọn đàn bà của tao có thai, nhưng
mỗi lần như thế tao đều bắt bỏ. Năm 40 tuổi, tao đã đi thắt ống dẫn tinh. Tao
đã được giải thoát, không còn bị phiền phức bởi chuyện này nữa. Thậm chí tao
còn nghĩ giờ thì muốn chết lúc nào cũng được. Nếu đã lỡ sinh con thì không thể
sống như một hảo hán được. Đương nhiên chuyện có phụ nữ cũng vậy. Phụ nữ cũng
chỉ là trò vui để giải trí. Có người đã sống cùng tao nhiều năm. Thế nhưng tao
chưa từng yêu ai, hẳn họ cũng chẳng yêu thương gì tao.
Thế nhưng, Miyabe lại là thằng nghĩ về gia
đình nhiều hơn bất cứ việc gì trong cuộc chiến sống chết ấy. Các võ sĩ vừa đâm
chém nhau trên chiến trường vừa có thể nghĩ về gia đình sao? Tao không thể chấp
nhận việc xem trọng vợ con khi quốc gia đang gặp lâm nguy.
Nếu hắn chỉ là một tên sâu mọt hèn yếu thì
tao sẽ chỉ cười vào mặt hắn.
Nhưng tao lại không thể chịu được trước những
lời bàn tán hắn ta là phi công xuất chúng.
Vừa nghĩ về gia đình vừa chiến đấu mà kỹ
thuật không chiến lại xuất sắc. Không thể chấp nhận được. Tao không thể chịu được
việc trong lúc tất cả mọi người, bao gồm cả tao đang liều mạng chiến đấu, thì một
mình hắn lại mong nhớ vợ con, chiến đấu trên không như thể trò vui, hơn nữa lại
xoay xở xuất sắc hơn bất kỳ ai.
Tao chưa trực tiếp chứng kiến kỹ thuật của
Miyabe nhưng nhiều phi công kỳ cựu, đặc biệt là Nishizawa rất đề cao hắn. Thế
mà số lượng máy bay hắn bắn hạ lại là điều bí mật. Người ta bàn tán đủ điều, từ
cả trăm chiếc đến những lời đồn chỉ 10 chiếc. Đó là bởi hắn không bao giờ báo
cáo. Con số bắn rơi chính xác được chấp nhận là khi máy bay địch phát nổ trên
không trung, hoặc phi công thoát ra ngoài, hoặc máy bay rơi xuống biển. Ngoài
những trường hợp đó thì việc nhìn thấy máy bay địch đang rơi hoặc bắt lửa đều
không được tính. Do vậy, Miyabe thường không được xác nhận.
Một hôm, tao đã trực tiếp hỏi hắn.
“Chuẩn úy Miyabe đã bắn được bao nhiêu máy
bay địch?”
“Tôi không nhớ”.
Câu trả lời của hắn thật đơn giản, cách
dùng từ lịch thiệp một cách ngu ngốc. Nói chuyện với người dưới cấp đến ba bậc
mà vẫn đối đáp như đang nói với thượng cấp. Điều đó càng làm tao phát điên.
“Nhiều người bàn tán về điều đó, có người bảo
mười chiếc nhưng cũng có người bảo trăm chiếc. Sự thật là thế nào?”. Tao kiên
trì nói tiếp.
“Tôi nghĩ là trên 10 chiếc”.
Câu trả lời ngoài dự đoán của tao. Tao đã
suy nghĩ mãi với cách trả lời đó thì ước chừng là bao nhiêu chiếc đây? Nếu hắn
chỉ cười trừ và lảng tránh câu hỏi thì con số máy bay mà hắn bắn rơi chẳng to
tát gì. Còn nếu nói nhiều thì rõ ràng là khoác lác. Nhưng câu trả lời của
Miyabe lại không thuộc kiểu nào cả.
“Dù có bắn được bao nhiêu máy bay địch đi nữa
thì chỉ bị địch bắn một lần cũng xem như chấm hết”, Miyabe nói.
Trong phút chốc tao chẳng nói được lời nào.
“Chiến tranh là cuộc chiến gây tổn thất lẫn
nhau. Phe ta tổn thất ít, đối phương tổn thất nhiều thì Bộ Tổng tư lệnh sẽ đoán
định phe ta thắng. Phe ta thiệt hại 1, quân địch thiệt hại 10 là thắng lớn. Thế
nhưng, chẳng may chiếc duy nhất đó lại chính là ta thì sao?”
Tao bối rối trước câu hỏi của Miyabe.
“Tôi chỉ chiến đấu cuộc chiến của tôi, thế
thôi”.
“Tôi cũng vậy. Chính vì thế tôi cố hết sức
chiến đấu để bản thân không bị bắn hơn là bắn được bao nhiêu”, Miyabe cười.
Tao có cảm giác mình bị giễu cợt.
Tao đã nghĩ không chiến giống như trận chiến
của các kiếm sĩ. Cái chết chẳng mảy may đáng sợ. Nếu đã dùng hết tuyệt kỹ rồi
mà vẫn thua, tao cũng mãn nguyện. Những lời nói của Miyabe phủ định hoàn toàn ý
niệm đó.
Miyabe ôm lấy vai tao, nói:
“Nghe nói Nhất đẳng phi tào Kageura hâm mộ
Miyamoto Musashi. Thế nhưng Musashi trong đời cũng đã vài lần trốn chạy. Còn điều
này nữa. Musashi tuyệt đối không đấu với đối thủ mà ông không thể thắng. Chẳng
phải chính điều đó mới là cảnh giới của kiếm thuật hay sao?”
Tao biết rõ mặt mình đang nóng lên. Rõ ràng
hắn đang cười dòng chữ KIẾM THIỀN NHƯ NHẤT*, câu nói của Miyamoto Musashi, tao
viết trên khăn choàng. Như thể muốn nói “Mày, đối với tao, chỉ như một đứa con
nít thôi”.
*[Kiếm đạo và thiền hợp nhất làm một, là cảnh
giới giác ngộ của các võ sĩ].
Sau khi Miyabe bỏ đi, tao tức giận xé toạc
chiếc khăn. Tao quyết phải trở thành phi công vượt xa Miyabe.
Nỗi căm hận của tao đối với Miyabe không phải
một sớm một chiều. Dù thức hay ngủ trong đầu tao vẫn ám ảnh về Miyabe. Ngay cả
trong những giấc mơ, nghe tiếng cười của hắn khiến tao mồ hôi đầm đìa bật dậy.
Một hôm, tao nói với Miyabe.
“Chuẩn úy Miyabe, xin nhờ anh!”
Miyabe vẻ mặt bình thản như thường ngày, hỏi
lại.
“Chuyện gì vậy?”
“Tôi muốn cùng anh thử một trận diễn tập
không chiến, nghe đồn tài nghệ không chiến mô phỏng của anh không ai sánh bằng.
Mong anh chỉ giáo!”
“Diễn tập không chiến nói cho cùng cũng chỉ
là tập luyện, không phải thực chiến. Về thực chiến thì cậu giỏi hơn tôi”.
“Xin anh đấy!”
“Nơi đây là tiền tuyến. Hiện nay, quân đội
ta không dư thời gian cho việc đó. Bộ Tổng tư lệnh cũng sẽ không cho phép”.
Tao quỳ xuống trước mặt Miyabe, nói.
“Làm ơn!”
“Tôi từ chối!”, Miyabe dứt khoát nói rồi vội
bỏ đi.
Tao chưa từng chịu sự sỉ nhục đến thế. Kể từ
đó về sau, đời tao cũng chưa từng nếm lại nỗi nhục nào đến nhường vậy. Tao đập
cho hắn một trận tơi tả. Nếu không có vài lính bảo trì nhìn từ đằng xa, chưa biết
chừng tao đã làm thế rồi.
Nhiều ngày sau đó, tao cứ nghĩ suốt về chuyện
đấu với Miyabe. Thậm chí tao còn nghĩ, phải chi tao là phi công Mỹ thì đã có thể
thực hiện không chiến với Miyabe rồi.
Vài ngày sau, khi đang chạy đến chiếc chiến
cơ chuẩn bị cho cuộc đánh chặn, tao nhận thấy Miyabe chạy bên cạnh.
Tao nói lớn để không bị tiếng bom át đi.
“Chuẩn úy Miyabe, sau khi kết thúc trận hôm
nay, hãy diễn tập không chiến với tôi!”
Miyabe vừa chạy vừa nói, không thèm nhìn về
phía tao.
“Tôi từ chối!”
“Dù chuẩn úy Miyabe không đồng ý, tôi vẫn
làm!”. Tao nói như hét lên.
Miyabe liếc nhìn tao. Đó là gương mặt tức tối
nhất của hắn mà trước đó tao chưa từng thấy. Sau đó, hắn không nói lời nào, tiếp
tục chạy về phía phi cơ.
Trong trận không chiến ngày hôm đó, địch có
khoảng 30 chiếc B17 và 150 chiếc Grumman. Số lượng Reisen bay lên đánh chặn chỉ
có 40. Địch áp đảo hơn hẳn nhưng chúng ta có lợi thế chiến đấu trên không phận
của căn cứ địa.
Địch bắt đầu ném bom từ độ cao 3.000 mét. Đội
đánh chặn chúng ta tấn công máy bay địch khi chúng vừa kết thúc trận ném bom.
Grumman liền tấn công lại. Để dẫn dụ chúng, tao tạm trốn xuống bên dưới cho
chúng thấy. Khi kẻ thù đã mắc bẫy, tao lập tức nâng đầu máy bay, đưa chúng vào
trận chiến xoay vòng. Xoay một vòng ngắn tao đã bám vào phía sau địch. Khi quân
địch phát hiện, định bổ nhào thoát thân thì chỉ chờ có thế, tao liền bắn pháo
20 li vào hướng mà tao đoán địch định né qua. Ngọn lửa vàng vụt cháy “Phụt!”. Vừa
thoáng thấy phi công nhảy dù thoát ra, tao liền quay đi tìm chiếc chiến cơ địch
khác.
Nhìn lên trên, thấy hai chiếc Reisen đang tấn
công chiếc BI7, tao nâng đầu máy bay hướng đến đó. Không phải để tham gia cùng,
tao định tóm chiếc Grumman nhắm vào các Reisen đang tấn công BI7.
Tao bám sau lưng chiếc Grumman, nã súng 7
li và pháo 20 li. Grumman rơi xuống nhưng đồng thời chiếc Reisen bị nó bắn cũng
rơi theo. Chiếc B17 vội chạy trốn để không bị bắn.
Trận đánh chặn kết thúc sau 10 phút. Mặt biển
xa tít bên dưới dâng lên vài đợt sóng lớn khi các chiến cơ rớt xuống. Chẳng rõ
máy bay bên nào rơi nhiều hơn.
Xung quanh tao không còn chiếc nào của phe
mình.
Khi tao trở lại Rabaul, bên dưới có một chiếc
Reisen. Đó là Miyabe. Quyết định thực hiện điều mình mong muốn, tao lập tức bổ
nhào xuống, tấn công phía sau máy bay hắn. Rồi nổ súng ở cự li khoảng 1.000
mét. Đó tuyệt nhiên không phải khoảng cách có thể bắn trúng. Phát súng đó chỉ
là ám hiệu “Chúng ta thực hiện không chiến đi!”
Miyabe nâng đầu máy bay, xoay vòng đến.
Phút chốc tạo thành thế đối đầu, cự li quá gần. Cứ thế, hai chiếc bay ngược chiều
qua nhau, khoảng cách chẳng mấy chốc đã mở ra 2.000 mét. Tại đó, cả hai xoay một
vòng lớn hướng vào nhau, kẻ xướng người tùy.
Miyabe đã chấp nhận diễn tập không chiến.
Đôi bên đang cân bằng cao độ. Đó gọi là trận chiến đồng vị.
Hai chiếc cùng thu hẹp khoảng cách. Tao
xoay vòng lớn theo hướng trái bám vào sau Miyabe. Hắn ta cũng xoay vòng như thế.
Cả hai dần dần thu hẹp khoảng cách, tạo thế bám vào đuôi đối phương. Tiếng anh
gọi là Dogfight, vì giống hai con chó chạy vòng quanh cố cắn vào đuôi của nhau.
Cả hai nghiêng cánh, liên tục xoay vòng gấp,
thân người bị cuốn theo lực G*, đau đớn như thể nội tạng và tròng mắt sắp vỡ
ra. Chưa từng nếm trải sự đau đớn bởi lực G này chắc sẽ không hiểu được, nhưng
nó là cơn đau tột cùng, như bị một tảng đá vài trăm cân đè nặng lên người vậy.
Nếu không luyện tập cơ bụng và cơ lưng thì xương cốt chắc sẽ gãy mất. Cơ mặt
như bị giật ngược về phía sau, không còn là gương mặt con người nữa. Nhãn cầu
cũng bị hút sâu bởi một lực khủng khiếp, tròng mắt hõm xuống như chỉ có khung
xương. Tầm nhìn nhanh chóng bị thu hẹp, cảm giác giống như ngắm ngược kính viễn
vọng vậy. Khoảnh khắc một bên chịu thua sự đau đớn do lực G mà ngừng xoay vòng,
đó là lúc trận không chiến kết thúc.
*[Lực G là gia tốc tương đối của một vật
khi rơi tự do]
Tao định rằng nếu đã tham gia không chiến
mô phỏng, dù có chết cũng không ngừng xoay. Tao thét lên đau đớn, liếc nhìn máy
bay Miyabe phía sau đầu. Tao dùng sức kéo cần lái nhưng nó chẳng chịu quay về.
Đột nhiên hắn ngừng xoay, di chuyển theo đường
bay ngang. Thắng rồi! Tao vòng ra phía sau, máy bay của hắn lọt vào ống ngắm. Bỗng,
giây tiếp theo hắn lộn nhào. Lộn nhào ở thế yếu hơn với tốc độ rơi nhanh là
hành vi tự sát. Tao cứ thế dõi mắt theo máy bay hắn và kéo cần điều khiển đuổi
theo. Khi vừa kết thúc vòng lộn nhào, hắn lọt vào ống ngắm. Khi ấy, mạng sống của
hắn nằm chắc trong tay tao.
Nhưng lúc ấy, một chuyện không thể tin được
xảy ra. Máy bay hắn đã biến mất. Không phải chỉ trong ống ngắm mà hoàn toàn biến
mất khỏi tầm nhìn. Tao vừa lộn nhào vừa quay đầu nhìn quanh. Không thấy hắn đâu
cả! Tao bổ nhào xuống theo phản xạ. Khi ấy, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng.
Ngoảnh lại, đã thấy hắn ở ngay sau lưng.
Nỗi kinh hoàng đó bây giờ tao vẫn không thể
quên. Sau chiến tranh, nhiều lần tao đã bị đe dọa đến tính mạng, nhưng chưa bao
giờ có cảm giác sợ hãi như khi ấy.
Máy bay hắn đã kề sát máy bay tao. Không cần
ngắm, cũng có thể bắn trúng. Trò chơi đã kết thúc. Cảm giác lúc ấy thế nào nhỉ?
Phải nói là kinh hãi. Hắn dò xét gương mặt tao đang ngoảnh lại rồi tăng tốc bay
ngang qua, cứ thế tiến lên phía trước. Và rồi máy bay hắn lọt vào ống ngắm, khi
tao nhận thức được việc đang xảy ra thì quá trễ. Tao đã ấn nút nổ súng.
Tao không muốn biện mình.
Tao đã làm chuyện không nên làm, chẳng khác
nào trong trận đấu kiếm trúc, đã thua rồi mà còn vung kiếm chém vào lưng đối thủ.
Tao hận hắn! Hắn là đối thủ khiến tao thất bại hoàn toàn. Nhất thời không suy
nghĩ, tao đã chớp lấy cơ hội đó bắn hạ đối thủ. Dù bị coi là kẻ bỉ ổi tao cũng
chấp nhận. Thế nhưng thật không ngờ, giây tiếp theo, viên đạn ấy như sợ hãi mà
chệch hướng. Tao thấy mình như lạc trong cơn ác mộng, vào thế giới ma quái. Hắn
là ma ư?
Hắn lập tức lộn nhào bám vào phía sau tao.
Lần này tao không quay lại nhìn, cũng không nghĩ sẽ chạy trốn. Tao đã thầm mong
bị Miyabe bắn. Từ giây phút ấn nút phát pháo, tao đã là một thằng không đáng sống
nữa rồi. Nếu bị Miyabe bắn, tao cũng thỏa nguyện. Bị một phi công thực thụ bắn
rơi là ước mơ của tao. Không quan trọng là người Mỹ hay người Nhật.
Thế nhưng Miyabe đã không bắn.
“Bắn đi!”. Tao dùng hết sức thét lên. “Bắn
đi! Bắn tôi đi!”
Khi nhận ra hắn không có ý sẽ bắn, tao
nghiêng cánh bổ nhào xuống. Đã đến nước này thì chỉ có thể tự sát thôi. Vậy mà
chuyện không thể tin được lại xảy ra. Hắn bay xuống chặn trước, cắt ngang đường
bay của tao. Tao xoáy vòng gấp để tránh. Hắn mở kính chắn gió của khoang điều
khiển, dùng tay ra hiệu “Dừng lại!”
Khi nhìn thấy hiệu lệnh ấy, tao đã từ bỏ ý
định tự tử, ra hiệu lại “Biết rồi!”
Tự sát là hành động của kẻ hèn nhát.
Tao quyết trở về phi trường sẽ kể việc đã bắn
hắn với toàn đội, sau đó sẽ mổ bụng tự sát.
Tao không có ý sẽ tạ lỗi cùng Miyabe. Không
thể xin lỗi mà xong được. Hơn nữa, xin lỗi suông thì ích gì chứ, chỉ có mổ bụng
mới thể hiện ý chí của tao.
Đáp xuống đường băng, tao leo ra khỏi ghế
điều khiển, tiến về phòng chỉ huy. Miyabe đáp xuống sau, vội chạy theo nói.
“Được rồi. Đừng nói gì hết! Đây là lệnh!”,
Miyabe nói, vẻ mặt uy nghiêm. “Cậu đã bắn nhưng tôi vẫn còn sống. Vậy nên đừng
nói gì hết!”
Sau đó, lại nói thêm. “Đừng chết một cách
vô ích!”
Hắn đã biết. Hắn đã biết toàn bộ suy nghĩ của
tao. Ý định tự sát trong tao tắt ngấm.
Bọn bay có nghĩ tao quá yếu đuối không? Nếu
là cụ ngoại tao chắc ông ấy đã rạch bụng hình chữ thập*. Thế nhưng tao lại không
mổ bụng tự sát. Vì sao chứ? Bởi tao nghĩ mạng sống của mình giờ đã do hắn định
đoạt.
*[Mổ bụng Harakiri cách bình thường sẽ có
người thân giúp chém đầu để sớm kết thúc sự đau đớn. Nhưng rạch bụng chữ thập
thì người mổ bụng sẽ chịu đựng sự đau đớn của cái chết từ từ do mất máu]
Thế nhưng, kỹ thuật của hắn là cái thứ quái
quỷ gì vậy?
Tao lập tức có câu trả lời. Xoắn trái. Đó
là kỹ thuật được cho là bí truyền của phi công Hải quân Nhật Bản. Là kỹ thuật
khi bị chiến cơ địch bám đuôi, tại đỉnh của vòng lộn nhào, xoay vòng như xoắn
sang trái, rồi đảo ngược bám vào phía sau địch. Chuyện này khi còn là thực tập
sinh tao đã nhiều lần được nghe nói. Thế nhưng các giáo quan chẳng ai làm được
chuyện đó. Từng có người chứng kiến trong trận diễn tập không chiến đã kể lại rằng
người sử dụng kỹ thuật ấy là một phi công giàu kinh nghiệm chiến đấu từ chiến
tranh Trung-Nhật. “Máy bay biến mất trong không trung. Đó là thứ kỹ xảo đầy ma
thuật. Chắc trong Không lực Hải quân người có thể sử dụng kỹ xảo ấy chẳng ai
còn sống”. Ông ta còn nói thêm vậy.
Đó chính là kỹ thuật Miyabe cho tao thấy
ngày hôm ấy. Quả thực thần kỳ! Thật không thể tin rằng có thể điều khiển máy
bay như vậy.
Tuy vậy, điều ngạc nhiên hơn lại là chuyện
sau đó. Ống ngắm của tao rõ ràng đã bắt được hắn, vậy mà đạn súng máy lại trượt.
Tao cũng lập tức hiểu ra ngay lý do. Máy bay của tao đã bị “ngã”. Thật khó để
giải thích việc này. Tóm lại là hắn đã không bay ngang.
Việc đầu tiên bọn tao phải học khi trở
thành phi công là bay ngang. Những người lái máy bay lần đầu hầu như sẽ bay
nghiêng về một bên nào đó, như vậy gọi là “ngã”. Thực tập sinh sẽ bị sửa triệt
để việc đó trước tiên. Nếu thân máy bay bị ngã thì chiến cơ không thể bắn trúng
máy bay địch. Nói xa hơn, bom hay ngư lôi của máy bay cũng sẽ không thể trúng
đích. Chính vì thế, việc bay ngang được khắc sâu vào nhận thức phi công một
cách triệt để.
Thế nhưng, khi bay ra phía trước tao, hắn
đã cố ý cho thân máy bay ngã. Tao lại đuổi theo hắn theo bản năng. Tuy nhiên,
khi đuổi theo thẳng hướng máy bay của hắn thì máy bay tao cũng ngã đi mà không
biết. Hiểu không? Tao bám ngay sau hắn. Hai chiếc Reisen bay thành hàng dọc,
nhưng thật ra lại cùng ngã. Tao đã bắn trong trạng thái đó, đạn bị lệch một khoảng
lớn.
Không phải vô ý mà hắn bay lên phía trước.
Là hắn thử tao. Tao đã hiểu tại sao hắn vẫn còn sống từ trận Trân Châu Cảng đến
giờ. Người nắm bắt kỹ thuật ấy như vậy thì không có lý nào bị phi công Mỹ bắn hạ.
Hắn đích thị là một phi công đáng sợ như quỷ Atula.
Tao bị nhấn chìm trong cảm giác thất bại thảm
hại. Đã thua trong trận không chiến, lại còn bị thử lòng. Khi nhận ra điều đó,
lòng tao dâng tràn giận dữ. Tao đã thề một ngày nào đó nhất định sẽ bắn bằng được
hắn. Đêm hôm ấy, trong căn phòng tối, tao đã mơ thấy cảnh máy bay Miyabe bốc
cháy và rơi xuống.
Đối với tao, kẻ địch không phải Mỹ, cũng chẳng
phải Nhật. Tao sẽ trở thành phi công không thất bại trước bất kỳ ai. Đó là ước
mơ, là khát vọng của tao. Tao hoàn toàn không sợ cái chết, một khi đã dùng toàn
lực chiến đấu thì dù có bị bắn, tao cũng cảm thấy thỏa lòng. Bị tiêu diệt trong
trận không kích đặc biệt khoan khoái hơn chết vì những căn bệnh tầm phào như sốt
rét hay sốt xuất huyết. Huống chi chết vì già cỗi thì quá tầm thường. Chẳng phải
vậy sao?
Thế mà tao đã không chết trên bầu trời. Sau
chiến tranh, nhiều lần mạng sống của tao cũng đã bị đe dọa, nhưng chẳng mảy may
một lần sợ hãi cái chết. Trên người tao có vô số vết dao, có cả lỗ đạn, nhưng
có lẽ thần chết đã bỏ qua tao chăng. Tao cũng không nghĩ mình có thể sống đến
ngần này tuổi.
Thằng đứng cạnh tao là thành viên trong
băng gửi đến đào tạo, định kèm cả cận vệ cho tao. Đúng là một sự chu đáo dư thừa.
Linh hồn của tao cho đi lúc nào cũng được, nhưng nếu thế sẽ lại gây ra cuộc chiến
không cần thiết. Đó là lý do vì sao tao vẫn để hắn bên cạnh.
Tao chỉ thua Miyabe một lần, mà thật ra
cũng chưa phải thua bởi hắn đã không bắn rơi tao. Bọn bay nghĩ tao nghĩ lợi về
phía mình à? Không phải vậy đâu. Hắn đã không thể giết tao.
Từ sau hôm đó, tao đã biết quý trọng sinh mạng.
Tao sợ cái chết uổng phí. Đời tao trân trọng mạng sống của mình, chỉ có lúc ấy.
Cho đến ngày bắn hạ được máy bay Miyabe thì
tao quyết không thể chết. Tao không thể chết nếu ngày đó chưa đến. Ước mơ của
tao là giao chiến với Miyabe, súng máy của tao sẽ bắn máy bay hắn lỗ chỗ như tổ
ong, rồi rơi xuống.
Tao biết rằng chuyện ấy chẳng thể xảy ra.
Chính vì thế nguyện vọng của tao là sống lâu hơn Miyabe. Tao tự nhủ trong lòng
rằng khi nghe tin báo Miyabe bị địch bắn hạ, tao sẽ cười nhạo hắn. Chính lúc ấy,
chiến thắng thuộc về tao.
Hắn chết rồi! Tao đã thắng!
Nghe vậy bọn bay có căm ghét tao không?
Nhưng căm phẫn tao là sai rồi. Hắn chết vì tấn công cảm tử. Không phải do tao
giết hắn.
Phi công thuộc phi đội Rabaul chẳng bao lâu
được thu hồi về nội địa. Tất cả phi công được tái tổ chức. Tao và Miyabe bị
phân tách.
Kỳ lạ thay, tao đã nghĩ, “Miyabe à, đừng có
chết đấy. Mày phải chết trước mắt tao. Tao nhất định sống đến ngày đó!”
Tao trở thành giảng viên tại căn cứ
Iwakuni, huấn luyện học viên dự bị. Công việc của giảng viên chán ngán đến buồn
nôn. Khóa huấn luyện bay của học viên dự bị được chỉ định là một năm. Dù bọn
chúng rất hăng hái và ưu tú, nhưng một năm là chuyện không tưởng. Tao đã nghĩ,
đào tạo số lượng lớn phi công không thể sử dụng được thì để làm gì. Nhưng ngay
từ đầu, quân đội đã chiêu mộ chúng để làm phi công cảm tử.
Nhiều lần tao đã cầu xin Phi đội trưởng cho
tao ra tiền tuyến, nhưng những lời thỉnh cầu ấy chẳng được đáp lại.
Tháng Mười năm 1944, tao dẫn bọn chim non ấy
đến Wonsan ở Triều Tiên. Thứ chờ đợi tao ở đó vẫn lại là cuộc sống giảng viên.
Tao đã nghe chuyện đội Shikishima vào khoảng thời gian ấy. Tao tuyệt đối không
tán thành tấn công cảm tử. Nếu chết vì bị địch bắn rơi đã đành nhưng tao căm
ghét vì tấn công cảm tử mà phải chết. Tao muốn mình được chết như một phi công,
bị người giỏi hơn mình giết hạ.
Ngày hôm sau, ngay cả ở Wonsan, Tư lệnh
cũng trưng cầu ý nguyện tấn công cảm tử. Toàn đội được phát cho phong bì và mảnh
giấy. Trên mảnh giấy có ba lựa chọn: ao ước được tham gia, tình nguyện tham
gia, không tình nguyện. Chúng ta sẽ khoanh dấu tròn vào đó.
“Quyết định cuối cùng là ý nguyện tự do của
mỗi cá nhân. Dù có chọn không tình nguyện cũng không sao. Hãy suy nghĩ kỹ!”, Tư
lệnh nói.
Tao vẽ vòng tròn vào dòng “Ao ước được tham
gia”. Vì bọn ta thừa hiểu đánh dấu vào các mục khác sẽ gặp phải chuyện gì rồi.
Quân đội là nơi như thế đấy. Nếu hy sinh ngoài tiền tuyến thì không sao, nhưng
để bị tước máy bay và đưa đến các đơn vị đồn trú trên đảo thì thật không thể chịu
đựng nổi.
Tháng Một năm sau, phi đội Wonsan trở thành
đội cảm tử quân. Trận đầu không có tên tao mà chủ yếu là các sĩ quan xuất thân
từ học viên dự bị. Họ sẽ xuất kích từ cứ địa cảm tử Kyushu. Các thành viên
trong đội từ biệt những người ở lại, mỉm cười cất cánh.
Sau đó, đội cảm tử quân lần lượt hướng về nội
địa xuất kích. Tao đưa tiễn bọn chúng, bụng nghĩ, Nhật Bản đã đến nước này thì
chắc sắp hết thời rồi. Để các phi công mới không hề có kinh nghiệm thực chiến
xuất kích chắc chắn sẽ chẳng có hiệu quả gì. Tao có thể nhìn thấy trước cảnh
chúng bị máy bay đánh chặn của địch bắn rơi.
Chẳng bao lâu sau, tao cũng bị chuyển về nội
địa, thuộc căn cứ Kanoya, đảo Kagoshima. Tại đó, tao được phân vào đội khống chế
không phận, không phải làm cảm tử quân.
Quân đội không công nhận số lượng bắn rơi
máy bay của cá nhân, nhưng chắc hẳn Tư lệnh cũng biết việc tao bắn rơi được số
lượng kha khá. Lúc bấy giờ, số phi công lão luyện từ khi khai chiến hầu như đã
không còn ai sống sót, nên ngay cả người trở về từ Rabaul như tao cũng xem như phi
công giàu kinh nghiệm.
Tháng Ba, sau khi Hạm đội Mỹ xuất hiện tại
vùng ven Okinawa, tại Kanoya đội cảm tử quân xuất kích gần như hằng ngày. Phần
nhiều là các phi công trẻ của khóa thao luyện và học viên dự bị.
Đám học viên dự bị thật đáng thương. Vừa vào
quân đội đã được thăng sĩ quan, nhưng lại chỉ được học cách lái máy bay và tấn
công cảm tử. Tuy nhiên, tao nghĩ chúng chẳng thể đến được tàu địch. Để điều khiển
thuần thục chiến cơ chỉ với khóa huấn luyện chưa đầy một năm không phải chuyện
đơn giản. Chắc chắn chúng chẳng thể thoát khỏi vô số chiến cơ địch đến tấn
công, treo theo quả bom nặng nề đó thì ngay cả phi công lão luyện cũng vất vả.
Giai đoạn ấy, Hải quân cũng như Lục quân chỉ
nhắm vào việc xuất kích cảm tử. Ngay cả chiếc 96 đời cũ và thủy phi cơ cũng tấn
công cảm tử. Ta nghe nói, những lúc cam go ngay cả máy bay tập luyện cũng bị
đem đi xuất kích.
Tuy không phải là kẻ biết cảm thông, nhưng
tao nghĩ lũ nhóc đó thật đáng thương. Hy sinh vì Tổ quốc, vì gia đình nhưng lại
chẳng được đền đáp, chết một cách vô nghĩa như thế.
Xuất kích tấn công cảm tử vốn là việc
nghiêm trọng, khốc liệt nhưng thấy nó diễn ra hằng ngày rồi cũng dần quen. Lính
bảo trì ban đầu còn khóc lóc, vẫy mũ tiễn biệt nhưng sau rồi cũng thấy đó chỉ
là công việc thường ngày. Nghe tàn nhẫn làm sao, nhưng nhân sinh vốn như thế đấy.
Thế nhưng những kẻ bị phân công lại vô cùng
bản lĩnh. Tao từng nghĩ rằng sĩ quan dự bị xuất thân từ Đại học ắt hẳn chỉ là
đám công tử bột, nhưng vì lẽ gì chúng lại đều kiên cường đến vậy.
Tao từng thấy biết bao sĩ quan xuất thân từ
trường Hải quân miệng lúc nào cũng đầy khí thế nhưng tuyệt không bao giờ lăn xả
vào các trận đấu ác liệt. Vậy mà bọn học viên dự bị, kỹ thuật lái dở tệ thì tất
thảy lại hiên ngang ngã xuống. Tao còn thấy vài gã xuất thân từ trường Hải quân
bị hạ lệnh đi tấn công cảm tử đã cao giọng hỏi lại rằng “Tôi cũng phải đi
sao?”. Lũ khốn đớn hèn!
Sau chiến tranh, tao đã gặp rất nhiều
Yakuza nhưng chưa một ai trong số chúng gan góc được bằng các học viên dự bị.
Đám nhóc đó, một năm trước mới chỉ là sinh viên bình thường, vậy mà lại đầy bản
lĩnh nam nhi như vậy. Động lực chết vì người mình yêu thương có thể khiến những
thanh niên bình thường mạnh mẽ đến vậy sao? Lũ người sinh ra sung sướng trong
thời bình như bọn bay làm sao có thể hiểu được. Ngay cả tao cũng không tài nào
thấu hiểu.
Đội cảm tử quân ấy có cả đám lính trẻ chỉ mới
mười tám đôi mươi. Dù chúng có khí khái bảo rằng sẽ vui vẻ hy sinh, nhưng tao
biết trong thâm tâm chúng luôn phải chiến đấu với nỗi sợ hãi. Sáng nào mắt bọn
chúng cũng đều sưng húp. Chắc hẳn đêm đến chúng đã khóc thầm trong chăn. Nhưng
nhất định sẽ không để một ai thấy sự yếu đuối đó.
Dù vậy với tao, cái chết của chúng hoàn
toàn lãng phí. Tấn công cảm tử là kế hoạch tác chiến vì sĩ diện của quân đội.
Khi trận Okinawa diễn ra, Hải quân vốn không còn hạm đội nào có thể chiến đấu
ngang ngửa với quân đội Mỹ nữa. Vốn dĩ, khi đã không còn khả năng chiến đấu thì
nên xin hàng, vậy mà không. Tại sao chứ? Vì vẫn còn máy bay! Thế nên những chiếc
máy bay đó được dùng cho các cuộc tấn công cảm tử. Các cảm tử quân đã bị giết
là vì thế.
Cả soái hạm Yamato cũng chung số phận. Tại
Okinawa, Lục quân tiến hành một trận chiến không có đường thắng, Hải quân lại
không thể khoanh tay đứng nhìn. Trong khi tất cả chiến hạm khác đều đã bị tiêu
diệt, chỉ còn lại Yamato thì có được không? Thế nên dù sẽ cầm chắc phần thua,
Yamato vẫn phải ra trận.
Sau chiến tranh, nhiều lần tao đã mở sòng
bài. Càng là người mới thì càng hăng máu. Khi đã mất một số tiền kha khá thì
máu dâng lên, chúng nghĩ dù có để lại chút tiền cỏn con cũng chẳng thể làm gì,
liền cược hết số còn lại.
Với Bộ tư lệnh thì chiến hạm, chiến cơ hay
binh sĩ cũng giống như tiền trong canh bạc vậy. Khi thắng thì chỉ nhỏ từng giọt,
bỏ qua cơ hội thắng lớn. Đến khi bắt đầu nghèo túng, sắp thua trắng rồi thì
chơi hẳn một cú. Đó là kiểu đánh bạc điển hình của những kẻ nghiệp dư.
Cuộc tấn công cảm tử của Yamato là hoàn
toàn vô nghĩa sao? Những cảm tử quân hy sinh trong trận Okinawa là hoàn toàn vô
ích sao? Ở Okinawa, nhiều binh sĩ và thường dân đã chiến đấu trong tuyệt vọng.
Họ sẵn sàng hy sinh trước số quân Mỹ áp đảo dù biết sẽ chẳng thể sống được.
Nhưng kết quả đúng là vô ích thật. Đề đốc Ito và hơn 3.000 thuyền viên đã tuẫn
tiết cho Okinawa, không khác gì đội cảm tử quân Thần Phong.
Họ bị giết vì Bộ quân lệnh và Bộ tư lệnh Hạm
đội Liên hợp, nhưng bản thân họ đã dâng sinh mạng của mình cho Okinawa, cho Tổ
quốc. Thôi, chuyện về Yamato còn đầy!
Nhiệm vụ của tao là hộ tống máy bay cảm tử,
bắn hạ các chiến cơ địch đến tấn công. Tuy nhiên vào thời gian đó, chúng ta thiểu
số đấu với đa số, không cách nào thắng nổi. Quân đội Mỹ đã đưa đến nhiều khu trục
hạm quan sát, bố trí từ khoảng xa phía trước Hạm đội cơ động. Chúng đã bắt sóng
được máy bay cảm tử bằng radar, thậm chí còn biết cả cao độ. Chúng tao bay
3.000 thì chúng bay 4.000, bay 5.000 thi chúng bay 6.000, luôn luôn phục sẵn
phía trên, sau đó tấn công xuống. Các máy bay yểm trợ giàu kinh nghiệm sẽ xoay
xở được cú ấy nhưng các máy bay cảm tử hầu như không thoát được và bị tiêu diệt
kha khá ngay từ cú đầu tiên. Số máy bay cảm tử có thể đến được Hạm đội cơ động
địch là vô cùng hiếm.
Cũng có những chiếc máy bay cảm tử đoán
mình không có khả năng tiến đến Hạm đội cơ động, bèn đâm vào các khu trục hạm
quan sát. Cái chết đó có giá trị hơn là cứ lao đầu nhắm vào mẫu hạm rồi bị bắn
rơi.
Dường như đám khu trục hạm cũng không chịu
nổi chuyện ấy, có chiếc còn vẽ hình mũi tên trên boong tàu như muốn nói “Mẫu hạm
ở hướng này”. Khi lần đầu thấy cảnh tượng ấy, tao rất sững sờ nhưng sau đó lại
vô cùng khâm phục họ. Chẳng phải có thể làm những điều như vậy mới thật sự là một
đội quân đáng nể hay sao?
Máy bay cảm tử tuy không thể đánh chìm các
chiến hạm cỡ lớn của Mỹ nhưng chắc hẳn đã đánh chìm nhiều tàu cỡ nhỏ như khu trục
hạm và tàu vận tải. Tao nghĩ các thành viên thủy thủ đoàn khu trục hạm của quân
Mỹ phải gánh chịu máy bay cảm tử phía trước Hạm đội cơ động cũng thật dũng cảm.
Nhiệm vụ của máy bay yểm trợ chúng tao là bảo
vệ máy bay cảm tử. Vậy nhưng máy bay địch liên tục dồn đến tấn công, mỗi lần
như thế, đều có một, hai chiếc máy bay cảm tử bị bắn rơi. Có khi toàn đội bị bắn
rơi trước mắt tao. Thật bi thảm! Nhắc đến máy bay cảm tử, người ta thường mường
tượng ra cảnh chúng hùng hổ đâm vào tàu địch hy sinh. Nhưng thực tế, hầu hết
chúng đều bị bắn rơi trên mặt biển từ xa phía trước. Tại Mariana, quân Mỹ thích
thú bắn hạ các máy bay tấn công của Nhật Bản, còn cười cợt gọi là Cuộc bắn gà
tây tại Mariana. Việc bắn các máy bay cảm tử trong trận Okinawa chắc còn dễ hơn
thế.
Số thằng có thể đột kích vào Hạm đội cơ động
địch vô cùng hiếm hoi. Dù bị pháo đối không tiêu diệt thì đến được đó cũng mãn
nguyện rồi.
Sau khi máy bay cảm tử bị bắn rơi, máy bay
yểm trợ có thể tự do không chiến, nhưng cũng chẳng rảnh rang gì bởi vô số địch
bao vây. Hơn nữa, đối thủ lại là Grumman F6F và Skorsky có tính năng vượt trội
hơn hẳn Reisen. Nếu phe ta cũng đông ngang ngửa với địch thì còn có thể chiến đấu,
nhưng đây lại là thiểu số chống đa số thì ngay từ đầu đã không có cơ hội thắng.
Dù có tiêu diệt được một chiến cơ địch thì
ngay khoảnh khắc đó đã có tên địch khác bám phía sau. Hơn nữa, dù ta bắn đôi
chút đạn chúng cũng chẳng hề hấn gì, ngược lại, bọn ta dù chỉ bị bắn một viên
thôi cũng đủ xong đời rồi.
Kỹ thuật điều khiển của phi công địch đã
hơn hẳn thời Rabaul hai năm về trước. Vì thế, cũng có nhiều máy bay chiến đấu yểm
trợ bị bắn hạ, có đôi khi toàn đội yểm trợ đều không trở về được.
Vả lại, vào giai đoạn đó, nhà máy trong nội
địa bị tàn phá vì các đợt không kích, không thể chế tạo ra các máy bay hoàn thiện.
Thực tế, mỗi ngày có khá nhiều máy bay cảm tử xuất kích rồi lại quay về vì động
cơ gặp sự cố. Số máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống Kikaijima cũng không ít, những
thằng xấu số thì trước đó đã rơi xuống biển.
Trong lúc làm nhiệm vụ yểm trợ máy bay cảm
tử, tao cũng không quên chuyện Miyabe. Ban đêm, tao nằm dài trên bờ đê gần đường
băng, ngắm nhìn bầu trời sao, đôi khi lại nghĩ về Miyabe. Lúc này, chắc hẳn hắn
cũng đang ngắm những vì sao ấy. Tao thầm nghĩ trong lòng, “Đừng chết đó,
Miyabe!”
Giây phút mày chết, tao phải được chứng kiến
tận mắt.
Trận Okinawa kéo dài ba tháng. Tao nhiều lần
thực hiện nhiệm vụ lái máy bay yểm trợ, cũng có khi tham gia đội khống chế
không phận, xuất kích trước máy bay cảm tử, chiến đấu với máy bay địch đang phục
kích.
Cuối tháng Sáu, Okinawa hoàn toàn bị quân đội
Mỹ chiếm đóng, đã có hơn 2.000 máy bay cảm tử hy sinh. Vì Iwojima đã bị chiếm từ
tháng Ba nên thời điểm Okinawa thất thủ, xem như hào trong của Nhật Bản cũng bị
san bằng.
Trước đó, các khu vực thành thị của Nhật Bản
đã bị B29* đến từ Saipan không kích gần như hằng ngày. Nhưng từ sau khi Iwojima
bị chiếm đóng, chúng lại có P51 hộ tống. Trước đội hình khổng lồ kết hợp máy
bay chiến đấu và máy bay ném bom, đội phòng không tại các căn cứ Nhật Bản chỉ
như bọ ngựa đá xe.
*[Tức Boeing B29 Superfortress, một loại
máy bay ném bom hạng nặng bốn động cơ]
Tao cũng vài lần tham gia các trận chiến
phòng không. P51 quả là một chiếc chiến cơ phi thường, hệt một con quái vật! So
với tính năng của Reisen thì cách biệt như thể so sánh người trưởng thành với một
đứa nhãi ranh vậy.
Vận tốc hành trình của P51 là 600km/h. Ngay
cả vận tốc tối đa của Reisen cũng không thể đạt tới mức đó. Vận tốc hành trình
là vận tốc khi bay với chế độ ít tốn nhiên liệu nhất. Nói cách khác, vận tốc
hành trình của Reisen là xấp xỉ 300km/h. Vận tốc nhanh nhất của P51 là hơn
700km/h, trang bị vũ khí và thiết kế chống đạn cũng vượt xa Reisen. Hơn nữa,
con quái thú ấy lại bay thong dong từ Iwojima đến nội địa, chiến đấu hăng hái rồi
lại quay về Iwojima. Chúng đã di chuyển cả quãng đường xa hơn cả Rabaul và
Guadalcanal mà Reisen bay khi xưa.
Tính năng tại cao độ của P51 cũng vượt trội,
nó có thể thực hiện không chiến nhẹ nhàng dù ở cao độ 8.000 mét. Ở độ cao đó,
chiến cơ Nhật Bản bay không thôi đã khó khăn rồi, bởi không khí loãng, hơn nữa
lại rất lạnh. Trong ghế điều khiển có mặt nạ oxy, nhưng không có trang thiết bị
chống lạnh. Chính vì thế khi P51 yểm trợ B29, bọn tao hoàn toàn bất lực. Chẳng
có chiếc chiến cơ nào có thể thắng P51 ở cao độ 8.000 mét.
Bọn tao cố sống cố chết chiến đấu nhưng mỗi
lần phe ta bay lên đánh chặn đều bị bắn rơi thảm hại. Cả P51 và Grumman ung
dung đáp xuống tầm thấp bắn phá mọi thứ: công trình xây dựng, xe lửa, xe hơi,
sau đó là con người. Bọn chúng dửng dưng bắn vào những người dân đang chạy loạn.
Chắc hẳn bọn chúng không nghĩ người Nhật cũng là con người. Chúng hành động chẳng
khác nào đang đi săn một loài động vật nào đó.
Tuy nhiên, cơ hội đến khi bọn chúng hạ cao
độ. Khoảng tháng Sáu năm 1945, tao đã bắn được P51. Sau khi bay lên đánh chặn
không kích, trên đường trở về căn cứ, tao phát hiện 4 chiến P51 đang bắn phá một
đoàn xe lửa.
Tao tấn công đám P51 từ trên cao. Địch lập
tức nhận ra, ngạc nhiên là trong 4 chiếc chỉ có một chiếc tiến lên, 3 chiếc còn
lại đứng yên quan sát. Bọn chúng khinh miệt phi cơ Nhật!
Vào giai đoạn ấy, phi công Nhật Bản đều chỉ
là những tân binh. Hầu như không ai có thể chiến đấu với máy bay Mỹ tính năng
cao, huống chi P51 lại là chiến cơ vô địch, thằng tiến về phía tao ắt hẳn đã
nói qua điện đàm rằng: “Thằng đó cứ để tao, bọn bay đừng có động tay!”. Hẳn ba
thằng kia đã cười nhăn nhở chờ xem. Chiếc P51 dù ở tầm thấp vẫn thách tao đấu
tay đôi.
Chờ đó, tao đâu phải tay mơ. Tao đã sống
sót tại Rabaul. Hơn nữa, ở tầm thấp Reisen khá mạnh. Tao tránh làn đạn liên
thanh như vòi sen của P51, xoay vòng gắt, bám vào phía sau. Địch cho máy bay lượn
đi, định thoát thân nhưng quá muộn, hắn lãnh phát pháo 20 li của tao, bay mất cả
cánh.
Thấy đồng bọn bị bắn, ba chiếc kia kết
thành đội hình tiến về phía tao. Tao vừa tránh vừa bay lên trên. Hai chiếc tao
né được, lao thẳng về phía trước, chiếc cuối cùng tăng mã lực vùn vụt đuổi theo
tao. Khi ấy, tao lộn nhào, máy bay địch cũng bám theo. Đồ ngu! Tao xoay vòng ngắn,
vòng ra phía sau hắn. Địch hoảng hốt định bổ nhào chạy trốn. Tao bắn pháo 20 li
vào hướng địch bổ nhào xuống. Chiếc P51 tự lao vào làn đạn tao vừa nã. Đạn
xuyên thủng thân máy bay, kính chắn gió của ghế điều khiển bay tán loạn. Chiếc
P51 xoay mòng mòng và rơi xuống.
Hai chiếc còn lại từ trên cao tấn công xuống
như thế gọng kìm. Tao nâng đầu máy bay, hướng về một chiếc. Địch nã đạn xối xả
nhưng tao đã thấy trục đường, đạn đánh dấu bay lệch hết lên trên. Địch có cảm
giác như tao sắp đâm vào nên né sang phải. Đó là hành vi tự sát! Tao bắn tất cả
số đạn mà mình có. Bùm! Chiếc P51 bốc khói đen nghi ngút, rơi xuống núi. Chiếc
còn lại đã vội bay trốn ra xa.
Đó là trận bắn P51 duy nhất của tao, cũng
không có gì đáng tự kiêu. Đối phương đã phạm sai lầm khi khiêu chiến tay đôi với
Reisen ở tầm thấp, kỹ thuật lại vụng về. Nếu là thằng có kỹ thuật lại ở tầm cao
thì chắc hẳn không có chuyện đó đâu.
Sau chiến tranh, tao biết chuyện Akamatsu
Sadaaki nổi danh từng đơn độc khiêu chiến đội hình khổng lồ 75 chiếc P51, bắn
rơi một chiếc và trở về. Hắn là kẻ khoe khoang hiếm thấy nhưng lúc ấy có nhiều
người chứng kiến, hơn nữa cũng phải nói rằng tài không chiến của hắn là thứ thiệt.
Sống sót từ sau chiến tranh Trung Nhật thì hẳn cũng không phải tay vừa.
Tuy nhiên, tao chưa từng nghĩ mình không đấu
lại P51. Nếu một chọi một thì tao tự tin rằng sẽ không thua, vì chiến thuật của
bọn chúng là bắn và thoát nên nếu tránh được cú đầu tiên thì chúng không phải đối
thủ đáng sợ đến thế. Chỉ là, các phi công trẻ non nớt thì khó mà tránh được màn
tấn công của P51.
Từ sau mùa xuân năm 1945, các thành phố trọng
yếu của Nhật Bản như Tokyo, Osaka, Nagoya, Fukushima bị đốt cháy thành bình địa
bởi các cuộc ném bom rải thảm. Tin tức đó truyền đến cả Kanoya. Sự thật rằng
phe ta dù chiến đấu thế nào cũng không thể thắng đã rõ như ban ngày. Các công
xưởng quân giới hầu như đều bị phá hủy, có tiếp tục chiến đấu nữa cũng vô ích.
Vào tháng Năm, Đức quốc xã đầu hàng. Kẻ chiến
đấu với Thế giới giờ chỉ còn lại Nhật Bản.
Khoảng thời gian ấy, căn cứ không quân Nam
Kyushu chịu đòn hủy diệt với những trận không kích của quân đội Mỹ từ Okinawa,
nên phải di chuyển hầu hết máy bay lên cứ địa ở Bắc Kyushu. Tao cũng chuyển đến
Omura.
Tháng Bảy, toàn đội Không lực Hải quân đều
được tổ chức thành cảm tử quân. Các phi công trẻ, toàn bộ phải tham gia, các
phi công giàu kinh nghiêm cũng lập thành đội ném bom bắn phá - gần như tuyên bố
chấm dứt nhiệm vụ máy bay chiến đấu.
Tin tức về thứ bom đạn tối tân thả xuống
Hiroshima lan rộng, rằng trong nháy mắt cả thành phố đã biến mất. Không lâu
sau, thứ bom đó cũng đã ném xuống Nagasaki. Vì Omura gần Nagasaki nên tình trạng
thảm khốc đó lập tức được lan tới. Vậy nhưng tao vẫn không dao động. Tao chỉ
chiến đấu vì cuộc chiến của mình. Dù có là chiếc chiến cơ cuối cùng, tao vẫn phục
kích máy bay Mỹ.
Tao được lệnh điều đi từ Omura đến Kanoya
ngay trước khi chiến tranh kết thúc, nhận nhiệm vụ yểm trợ máy bay cảm tử xuất
phát từ Kanoya. Tại đó, tao đã tái ngộ người mà trong mơ tao cũng thấy, Miyabe.
Đó là lần gặp lại đầu tiên sau một năm rưỡi.
Vậy mà khi thấy Miyabe, tao đã không nhận
ra vì sắc diện hắn hoàn toàn khác hẳn. Má hóp, râu ria không cạo, riêng đôi mắt
toát lên vẻ dị thường. Trước đây hắn là kẻ chỉn chu, lúc nào cũng cạo râu sạch
sẽ. Nhìn phù hiệu cấp bậc, hắn đã là thiếu úy.
Nói cho mày nghe tâm trạng thật sự của tao
khi gặp lại Miyabe nhé: Là vui mừng! Dù cũng không biết vì sao.
Có lẽ trong hơn một năm qua tao đã thấy quá
nhiều người chết. Nhiều phi công lão luyện cũng hy sinh vì thực hiện nhiệm vụ bảo
vệ máy bay cảm tử.
“Thiếu úy Miyabe!”
Tao cất tiếng gọi. Nhưng Miyabe chỉ khẽ liếc
nhìn, không trả lời.
“Sau dạo ấy, tay lái của tôi đã khá lên nhiều
rồi. Tôi sẽ không thua anh dễ dàng nữa đâu”.
Hắn nhìn tao nghi ngại, lờ đờ gật đầu,
không nói gì và quay lưng đi.
Hắn không nhớ tao. Cơn phẫn nộ và sự nhục
nhã một năm trước sống lại. Tao từng muốn tận mắt thấy cái chết của con người ấy.
Tao sống đến tận hôm nay là để nhìn thấy hắn chết trước mắt tao.
Mờ sáng hôm sau, các phi công được lệnh tập
trung tại phòng chỉ huy. Trên đường băng ngày hôm trước, đã dàn đầy những chiếc
máy bay được thu gom từ các khu vực thuộc Kyushu. Tất cả các chiến cơ đều đã được
khởi động. Trong tiếng gầm rú của động cơ, tao đọc bảng phân công nhiệm vụ được
viết trên tấm bảng đen phía trước phòng chỉ huy. Tên tao có trong đội hộ tống
như đã được báo từ hôm trước.
Sau màn chào hỏi của Tư lệnh, uống hết ly
rượu cuối cùng, các cảm tử quân bước về hướng phi cơ. Tao nhìn theo bọn hắn,
phút chốc, người tao cứng đờ. Trong đám cảm tử quân, không phải là Miyabe kia
sao?
Giây tiếp theo, tao đuổi theo Miyabe.
“Thiếu úy Miyabe!”
Miyabe có vẻ giật mình, ngoảnh lại.
“Anh tham gia cảm tử đấy ư?”
Miyabe lơ mơ gật đầu. Tao nghẹn lời.
“Nếu được Kageura hộ tống thì tôi yên tâm rồi”.
Miyabe mỉm cười, vỗ vai tao. Sau đó, bước về phía chiếc Reisen đã được trang bị
bom.
Đây là chuyện tao chưa từng nghĩ đến.
Miyabe mà lại tham gia tấn công cảm tử thì... Tao chỉ sững người nhìn theo bóng
dáng Miyabe.
Vài phút sau, tất cả máy bay cất cánh.
Ánh mắt tao chỉ dõi theo máy bay của
Miyabe. Đáng ngạc nhiên là chiếc Reisen mà Miyabe lái không phải chiếc đời 52
mà là đời 21 cũ kỹ.
Nó là chiếc Reisen kiểu cũ thời Trân Châu Cảng.
Chiếc Reisen cũ kỹ đó đào ở đâu ra vậy? Trên bụng nó được gắn 250kg bom.
Trong đầu tao chỉ có một điều duy nhất. Tao
quyết yểm trợ Miyabe. Chỉ có vậy thôi.
Dù có chuyện gì xảy ra tao cũng phải bảo vệ
máy bay Miyabe đến cùng, không cho địch bắn trúng viên đạn nào. Tao sẽ bắn tất
cả máy bay địch tấn công Miyabe. Nếu hết đạn, dù phải liều mình tao cũng sẽ
tiêu diệt chúng.
Thế nhưng, đột nhiên máy bay tao rung lên bần
bật, động cơ phụt ra khói.
“Đống sắt vụn này! Bay lên xem nào!”
Tao hét lên nhưng động cơ không vì thế mà
bình thường trở lại. Tao nhanh chóng bị tụt lại. Đội hình của Miyabe đã mất hút
ngoài xa.
Tao lấy hết sức bình sinh kêu gào: “Nhật Bản
bại trận đi! Hải quân Đế quốc diệt vong đi! Quân đội, biến đi cho tao! Còn nữa,
đám binh lính chết hết đi!”
Sau khi kêu gào dữ dội, tao thì thào với cổ
họng khô khốc:
“Miyabe, tha thứ cho tôi”.
Khi tao nhận ra mình lẩm bẩm như thế thì nước
mắt đã chảy ròng ròng.
Một tuần sau, chiến tranh kết thúc.
Khi nghe tuyên bố đầu hàng Gyokuon*, tao phục
xuống đất mà khóc thảm thiết. Có vài người cũng khóc nhưng không ai khóc cạn tiếng
như tao. Tao không khóc vì Nhật Bản thua trận, vì đã biết trước dù thế nào
chúng ta cũng thua. Tao khóc vì Miyabe. Nếu hắn sống thêm một tuần nữa thôi thì
đã được cứu rồi. Sẽ có thể trở về bên người vợ mà hắn hết mực yêu thương.
*[Nhật hoàng Hirohito đọc bản diễn văn
Gyokuon trên đài phát thanh, tuyên bố Nhật Bản đầu hàng]
Sau chiến tranh, tao trở thành Yakuza. Tao
muốn báo thù cuộc đời đảo điên này. Tao đã giết người, giết nhiều người đến nỗi
tao ngạc nhiên là mình vẫn còn sống đến giờ. Tao cũng đã quên chuyện về Miyabe,
mãi cho đến hôm nay tao chưa hề nhớ lại.
Chuyện của tao đến đây hết rồi! - Ông
Kageura thẳng thừng.
Từ giữa câu chuyện ông ta đã đeo kính râm
nên tôi không thể nhìn thấy biểu hiện trên gương mặt. Gã đứng sau lưng ông ta
mím chặt môi.
- Khi ấy... - Bất ngờ ông ta thì thầm. -
...Ánh mắt của hắn không phải là ánh mắt chấp nhận cái chết. - Nói rồi ông ta
ngước lên trần nhà.
Có phải ông Kageura muốn nói rằng đến phút
cuối ông ngoại vẫn không mất đi khát vọng sống không? Ông Kageura khoanh tay lại,
không biết đôi mắt đằng sau chiếc kính râm đang nhìn vào nơi nào.
Một lát sau, ông ta nói:
- Bà ngoại mày đã mất rồi nhỉ?
- Bà mất sáu năm trước ạ.
- Bà ấy có sống hạnh phúc không?
- Cháu nghĩ là có.
Tôi thấy biểu cảm của ông ta thoáng dịu lại,
nhưng cũng có thể do tôi tưởng tượng nên.
- Vậy thì tốt rồi!
- Ông đã từng gặp bà cháu phải không ạ?
- Không. - Ông ta lập tức phủ định. - Tao
chẳng có hứng thú gì với gia đình của hắn cả.
Ông ta đột ngột đứng dậy, và nói như quát.
- Chuyện của tao hết rồi. Về đi!
Tôi đứng lên, cúi đầu cảm ơn. Khoảnh khắc ấy,
một chuyện không ngờ đã xảy ra. Ông Kageura ôm chầm lấy tôi. Không biết phải
làm sao, tôi chỉ đứng yên. Hơi ấm từ người ông lão gầy gò truyền sang tôi. Khi
thả tôi ra, ông Kageura nói:
- Xin lỗi, thứ lỗi cho tao! Tao thích những
chàng trai trẻ!
Ông Kageura khẽ cười, sau đó bảo tên đàn em
dẫn tôi ra rồi rời khỏi phòng.
Gã vệ sĩ tiễn tôi ra đến sảnh, sau cùng hắn
nói.
- Cám ơn anh đã cho tôi nghe một câu chuyện
hay!
Gã thanh niên cúi thấp đầu chào.
Tôi cũng cúi đầu và rời khỏi dinh thự ông
Kageura.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét