Không Chiến Zero Rực Lửa
Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*
Kẻ hèn nhát
Ông Hasegawa Umeo là cựu thiếu úy Hải quân,
nhà ở ngoại thành quận Saitama. Họ cũ của ông là Ishioka, có lẽ sau chiến tranh
ông đã được nhận làm con nuôi.
Tôi đi từ Tokyo tới đây mất một tiếng. Xung
quanh nhà ga nơi tôi xuống vẫn còn dáng dấp thành thị, nhưng chỉ đi bộ một lúc
thì khung cảnh đã thay đổi, những đồng lúa trải dài tít tắp, côn trùng kêu râm
ran. Mặt trời thẳng đứng trên đỉnh đầu, không có nổi một gợn mây. Tháng Bảy mới
về mà nắng đã gắt vậy ư? Nóng như thiêu đốt, khác hẳn cái nắng ở thành phố, tôi
có cảm giác đây mới thực sự là mùa hè.
- Nóng quá! - Tôi nói với chị Keiko đang đi
bên cạnh.
- Chị thấy vui quá!
Câu trả lời chẳng khớp vào đâu. Tôi bắt đầu
thấy sốt ruột. Chị Keiko đã nói sẽ tự mình phỏng vấn vậy mà ngay trước lúc khởi
hành lại bảo tôi theo cùng. Chị khẩn khoản nài nỉ, “Chỉ lần đầu này thôi, nhờ
em đó”. Tôi cũng vô thức nhận lời, nhưng khi đi trên con đường quê nóng bức này
tôi mới thấy hối hận.
- Chị đã tìm hiểu chút gì về thời chiến
chưa?
- Chị đâu có nhiều thời gian đến vậy. Vả lại
chị muốn đi phỏng vấn mà không mang những định kiến trong đầu.
Lại nói năng tùy tiện, tôi chẳng buồn đáp lại.
Người tôi đẫm mồ hôi, chắc cũng đi được ba mươi phút từ nhà ga rồi. Dọc đường
chị tôi cũng không nói gì thêm.
Theo địa chỉ xin được, chúng tôi tìm đến một
nông gia nhỏ. Đó là căn nhà một tầng tồi tàn, có lẽ đã được xây từ 50 năm trước.
Xung quanh là ruộng lúa, và một chiếc xe tải nhỏ đậu ở sân trước.
Tôi vốn nghĩ, nhà của một cựu thiếu úy Hải
quân thì phải nguy nga, đồ sộ cơ, nhưng gia cảnh này khiến vai vế đó phần nào bị
lu mờ. Quay sang, chị Keiko vẫn đang chăm chú quan sát ngôi nhà. Tôi nhấn
chuông gắn trên cửa kính bên hông nhà, nhưng đợi mãi mà không thấy gì, rõ ràng
nó đã hư rồi.
Tôi mở cửa kính, gọi vọng vào. Lập tức từ
trong có tiếng sang sảng đáp lại.
- Mời vào!
Một ông lão gầy gò ra tiếp đón. Nhìn ống
tay trái chiếc áo sơ mi đung đưa, tôi bỗng sợ hãi khi thấy ông đã mất một cánh
tay. Đó chính là ông Hasegawa.
Chúng tôi được mời vào phòng khách kế bên sảnh.
Căn phòng có gì đó bất ổn. Trong khoảng bốn chiếc rưỡi chiếu tatami đó có đặt một
chiếc bàn gỗ, tường treo một bức tranh chép, cây đèn chùm rủ xuống từ trần nhà
trông có vẻ rẻ tiền. Căn phòng nóng hầm hập. Ngay khi bước vào trong, tôi đã đổ
mồ hôi đầm đìa nhưng không dám mở miệng xin bật máy lạnh. Ông Hasegawa mặc áo
sơ mi màu xanh và quần dài màu xám, tóc đã bạc trắng và để ria mép. Ông nhìn dò
xét chúng tôi qua đôi mắt nhỏ.
[Tatami: là một loại chiếu truyền thống của
người Nhật Bản, được làm từ rơm khô đan ép chặt với nhau, kích thước chuẩn là
910mm x 1820mm, dày 55mm. Người Nhật hay dùng làm đơn vị đo diện tích]
Chị tôi thưa chuyện với ông Hasegawa về mục
đích của chuyến thăm này, rằng chúng tôi muốn biết ông ngoại Miyabe Kyuzo là
người như thế nào, trong khi ông ấy nhìn chăm chăm từng đứa một. Mồ hôi tôi túa
ra như tắm trong cái oi nồng của căn phòng.
- Người đứng tên trong thư là nam mà? - Ông
Hasegawa cất tiếng hỏi.
- Dạ, em trai cháu là người đã liên lạc.
Ông ấy gật đầu, sau đó lại nhìn chăm chăm
hai đứa một lượt nữa.
- Vậy... - Chị ấp úng mở lời. - Vậy là ông
biết ông ngoại của bọn cháu phải không ạ?
- Biết. - Ông Hasegawa trả lời ngay không cần
suy nghĩ. - Hắn là một thằng hèn của Không lực Hải quân.
- Sao ạ? - Tôi bất ngờ.
- Miyabe Kyuzo là thằng nhát chết.
Mặt chị tôi đỏ bừng. Tôi đặt bàn tay lên đầu
gối chị Keiko dưới gầm bàn trấn an. Chị cầm tay tôi ý nói không sao, rồi cố gắng
hỏi bằng giọng bình tĩnh.
- Chuyện đó là sao ạ?
- Chuyện đó là sao ư? - Ông ta lặp lại câu
hỏi của chị. - Hắn là một thằng quý mạng sống hơn bất cứ thứ gì. Bọn ta lái máy
bay là xác định trao mạng sống của mình cho Tổ quốc. Từ khi ngồi lên chiếc máy
bay chiến đấu, ta đã không còn nghĩ đó là mạng sống của mình nữa rồi.
Ông Hasegawa vừa nói vừa chạm vào tay áo
trái. Nó khẽ động.
- Ta luôn cảm nhận được cái chết cận kề. Dù
trên bất cứ chiến trường nào chăng nữa, ta cũng không nghĩ đến việc thương tiếc
mạng sống của mình. Nhưng, thằng Miyabe đó thì khác. Hắn ta luôn trốn chạy. Hy
vọng lớn nhất đời hắn là cứu lấy mạng sống của chính mình, với hắn điều đó còn
quan trọng hơn cả chiến thắng.
- Quý trọng mạng sống, cháu nghĩ đó là tâm
lý tự nhiên.
Ông Hasegawa nhìn thẳng vào chị tôi.
- Đó là thứ tâm lý của lũ đàn bà.
- Ý ông là sao?
Tôi khẽ gọi nhưng chị Keiko vờ như không
nghe thấy.
- Cháu nghĩ nam nữ đều như nhau. Việc quý
trọng mạng sống của mình chẳng phải là lẽ đương nhiên sao?
- Này cô gái trẻ, đó là suy nghĩ trong thời
bình. Còn bọn ta lúc đó đang trong trận chiến mà không biết nước Nhật còn hay mất.
Nếu hy sinh mà có thể bảo vệ đất nước thì ta cũng cam lòng. Nhưng hắn lại muốn
chạy trốn khỏi chiến trường.
- Cháu thấy suy nghĩ đó hay đấy chứ!
- Hay? - Ông ta cao giọng. - Binh sĩ mà lúc
nào cũng mang suy nghĩ trốn chạy thì xông pha chiến trường để làm gì?
- Nếu ai cũng nghĩ được vậy thì sẽ chẳng
bao giờ có chiến tranh.
Ông ta sững sờ, miệng há hốc.
- Mày đã học được gì ở trường thế? Không được
học lịch sử thế giới à? Lịch sử nhân loại là lịch sử của chiến tranh. Đương
nhiên chiến tranh là xấu, là tồi tệ nhất, điều đó ai cũng biết, nhưng không ai
có thể xóa bỏ nó.
- Ý ông nói chiến tranh là điều xấu xa cần
thiết à?
- Giờ ta tranh luận với chúng mày xem chiến
tranh có phải là xấu xa cần thiết hay không cũng chẳng nghĩa lý gì. Cái đó,
chúng mày trở về công ty, thỏa thích tranh luận với sếp và đồng nghiệp của
chúng mày ấy. Sau đó, nghĩ ra cách triệt tiêu chiến tranh, rồi viết sách, đem tặng
cho các nguyên thủ trên thế giới. Chắc là sau đó chiến tranh sẽ chấm dứt thật đấy.
Hoặc chúng mày có thể đến những nơi đang giao tranh rồi bảo với người ta rằng nếu
họ chạy trốn thì chiến tranh sẽ kết thúc. Thế nào hả? Chiến trường là nơi chiến
đấu, không phải nơi để chạy trốn. Dù đó là chiến tranh xâm lược hay chiến tranh
vệ quốc thì cũng không phải là vấn đề của binh sĩ bọn ta. Nếu đã ra chiến trường
thì phải tiêu diệt kẻ địch trước mắt, đó là nhiệm vụ của một quân nhân. Còn hòa
hay chiến, đó là công việc của chính trị gia. Không phải sao?
Ông ta vừa nói lại vừa lấy tay phải sờ lên
vai trái.
- Miyabe luôn chạy trốn khỏi chiến trường.
Chị tôi không thể nói thêm gì. Tôi lên tiếng.
- Ông ghét ông ấy phải không?
Ông ta nhìn tôi.
- Ta nói Miyabe là thằng nhát chết bởi hắn
là phi công chiến đấu cơ. Nếu hắn bị gọi nhập ngũ theo Giấy đỏ* thì chuyện hắn
tham sống chẳng có gì đáng nói. Nhưng thằng ấy là tình nguyện quân, có nguyện vọng
trở thành lính phòng không. Vì vậy mà ta không thể nào tha thứ cho hắn. Thế chúng
mày có muốn nghe câu chuyện của ta không?
*[Giấy gọi nhập ngũ của quân đội Nhật
hoàng]
Thấy chị Keiko ngồi im lặng, tôi đành mở lời.
- Xin ông kể ạ!
Ông Hasegawa khịt mũi. Tôi hỏi liệu có thể
bật máy ghi âm không, ông ta đồng ý và bắt đầu câu chuyện.
- Ta sinh ra trong một gia đình nông dân
nghèo ở Saitama, là con thứ sáu trong gia đình tám anh chị em. Ta gia nhập Hải
quân vào mùa xuân năm 1936.
Nghe này, nếu không biết gì về quân đội và
chuyện lái phi cơ thì chắc hẳn chúng mày không thể hiểu được tại sao ta lại
ghét thằng hèn đó.
Ta được học lớp phổ cập tiểu học. Không phải
khoe khoang chứ ta luôn đứng đầu lớp, nhưng lại không được học lên trung học. Học
đến được tiểu học nâng cao đã là một may mắn lớn, khi đó trẻ con trong làng đều
như vậy cả. Chỉ có con trai trưởng làng mới được học lên trung học. Thầy giáo bảo
với cha ta rằng, “Một đứa trẻ ưu tú thế này mà không được học lên nữa thì thật
đáng tiếc”. Nhưng thay đổi được gì đâu. Ba anh trai của ta cũng học rất giỏi
nhưng nào có ai được vào trung học.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học nâng cao, ta được
cho đi học nghề để bớt miệng ăn. Đó là một cửa hàng đậu hũ ở Osaka. Công việc rất
nặng nhọc, thường từ sớm tinh mơ đến tận đêm khuya khoắt. Mùa đông nào cũng đem
đến cho ta sự đau đớn, không thể nào diễn tả nổi khổ cực khi ngày ngày phải
ngâm tay trong nước lạnh, đến nỗi các ngón đều thâm tím, mất cảm giác, da tróc
đến tứa máu. Chỗ này chưa lành, chỗ khác đã lại tróc ra. Ngâm những ngón tay ấy
vào nước lạnh lại càng đau đớn đến tột cùng.
Ta đã khóc rất nhiều, nhưng chủ tiệm là một
gã rất hà khắc, những chuyện như rộp tay lão chỉ xem là làm nũng. Lão bảo, “Tao
làm mấy chục năm nay rồi có rộp tay bao giờ đâu”.
Ta thường bị lão đánh đập. Bây giờ nghĩ lại,
đó đúng là một chứng bệnh, lão quá tàn nhẫn, xem việc đánh người là niềm vui.
Lão thuê ta về như chỉ để đánh đập mua vui mỗi ngày vậy.
Khi đi học nghề ta định ban đêm sẽ theo học
tiếp trung học, nhưng dự định đó lập tức bị dập tắt. Tuy vậy, ta vẫn phải nhẫn
nại bởi chẳng còn nơi nào để trốn về. Hai năm sau, ta đã cao gần 1,8 mét, nặng
75 kg.
Lão chủ tiệm dường như không nhận ra sự
thay đổi đó. Một hôm, tâm trạng không vui, lão ấy lại đánh ta như mọi lần. Vì
hoàn toàn không làm gì sai, ta nổi giận và lần đầu tiên phản kháng. Lão nổi
điên, lấy gậy định đánh chết ta, nhưng ta tóm được vả đánh trả. Lão lập tức
khóc lóc, cầu xin tha thứ và quỳ mọp xuống sàn. Vợ lão cũng lao đến van nài. Bà
ta trước nay dù thấy ta bị đánh thậm tệ thế nào cũng không ngăn cản, giờ lại
khóc xin cho lão chồng. Thấy vậy, ta càng giận dữ hơn bao giờ hết, bèn đẩy bà
ta sang bên và dùng gậy đánh lão chủ tiếp. Lão vừa khóc vừa kêu van, rồi lăn ra
bất tỉnh. Ta bị cảnh vụ bắt. Vì chưa đủ tuổi thành niên nên ta không bị đưa đến
Sở Hình vụ, nhưng bị cảnh sát đánh cho bầm dập.
Chỉ còn một nơi duy nhất ta có thể đến. Đó
là quân đội. Nguyện vọng gia nhập Hải quân của ta được chấp thuận. Ta trở thành
lính hải quân trên tàu tuần dương. Ở đó ngày nào ta cũng bị đánh. Hẳn không nơi
nào đánh người tàn bạo như quân đội Nhật Bản, nhất là với lính hải quân. Bởi nếu
bị tấn công trong lúc hỗn loạn ở tiền tuyến, lính lục quân thường được trang bị
súng rồi nên họ chỉ bị đánh ở mức vừa phải. Còn lính hải quân thì tay không bắt
giặc, nên sĩ quan cấp trên đánh rất thẳng tay.
Ta vào Hải quân được ba năm thì nghe tin
tuyển mộ lính Không quân. Vì mơ ước được trở thành phi công, ta đã ra sức học
hành. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ ở hạm đội, ta dùng thời gian rảnh ít ỏi của
mình để học tập.
Ta đã vượt qua kỳ thi và trở thành phi công
tập sự. Nghe nói tỷ lệ chọi rất lớn, nên ta càng thấy hãnh diện về bản thân.
Miyabe cũng xuất thân từ khóa huấn luyện truyền thống của Hải quân. Hắn trên ta
đến vài khóa.
Sự huấn luyện trong Hạm đội Kasumigaura rất
khắt khe, nhưng so với việc phục dịch trên tàu thì chẳng thấm vào đâu. Hơn nữa,
vì say mê những chiếc máy bay nên ta thấy hào hứng với tất cả các bài tập bay.
Kể từ khi tốt nghiệp tiểu học, đây là lần đầu
tiên trong đời ta được nếm trải niềm vui sống. Ta đã nghĩ mình thuộc về nơi ấy.
Vào thời đó, việc lái chiến cơ cũng đồng nghĩa với vứt bỏ mạng sống của chính
mình, bởi phi công thường phải tấn công sâu vào địa phận quân địch, hoặc đối mặt
với kẻ thù khi chúng tấn công. Việc lái chiến cơ luôn đồng hành với cái chết.
Máy bay thời bấy giờ không mấy an toàn, thường
hỏng hóc, trục trặc. Đã có không ít người hi sinh trong khi tập luyện. Tuy vậy,
ta tuyệt nhiên không sợ hãi, dù đang luyện tập để giành giật mạng sống có thể
lâm nguy.
Chúng ta giao phó thân mình cho những chiếc
chiến cơ, lao vào luyện tập bằng cả linh hồn và thể xác, bởi không phải tất cả
thực tập sinh đều trở thành phi công. Người ta sẽ xem xét khả năng của từng người,
nếu ai không đủ tiêu chuẩn trở thành phi công sẽ được phiên chế làm lính liên lạc,
hoặc làm trinh sát cho máy bay ném bom và máy bay tấn công. Để được sắp xếp lái
máy bay chiến đấu, máy bay ném bom hay máy bay cường kích*, học viên còn phải
được xem xét tỉ mỉ hơn theo năng khiếu. Những lính dự bị ưu tú nhất sẽ trở
thành thành viên của phi đội máy bay chiến đấu. Và ta đã được chọn lái máy bay
chiến đấu.
*[Hay còn gọi là máy bay tấn công mặt đất
đánh phá mục tiêu]
Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện, ta được xếp
vào Phi đội 12 và được điều đến Hán Khẩu, Trung Quốc. Khi ấy là đầu năm 1941. Tại
đó, ta đã được lái máy bay tiêm kích trên hàng không mẫu hạm kiểu 96* đầu tiên.
Không bằng chiếc Zero** nhưng nó đúng là một chiến cơ đáng gờm. Ta đã bắn hạ
vài chiếc máy bay Trung Quốc bằng chiếc 96 đó.
*[Mitsubishi A5M là máy bay cánh đơn đầu
tiên hoạt động trên hạm đội, và là tiền thân của kiểu Mitsubishi A6M - Zero nổi
tiếng]
**[ Mitsubishi A6M Zero (A để chỉ máy bay
tiêm kích hoạt động trên hàng không mẫu hạm, kiểu thứ 6, M viết tắt cho
Mitsubishi) là máy bay tiêm kích hạng nhẹ hoạt động trên hàng không mẫu hạm được
Không lực Hải quân Đế quốc Nhật Bản sử dụng từ năm 1940 - 1945. Vào lúc được
đưa ra hoạt động vào đầu Thế Chiến II, Mitsubishi A6M là máy bay tiêm kích hoạt
động trên hàng không mẫu hạm tốt nhất thế giới, kết hợp tính cơ động xuất sắc
và tầm bay rất xa; trong các hoạt động ban đầu, nó được ngưỡng mộ gần như là một
huyền thoại.
A6M được biết đến nhiều nhất dưới tên gọi
Zero do cách đặt tên của Hải quân Nhật. Tại Nhật nó được gọi không chính thức
là Rei-sen hay Zero-sen. Phi công Nhật thường gọi máy bay của họ là Zero-sen]
Cuối năm đó, chiến tranh Thái Bình Dương nổ
ra. Khi biết việc sẽ oanh kích Trân Châu Cảng, ta ao ước được lên hàng không mẫu
hạm Akagi của Hạm đội Không quân Một, chiến đấu với quân Mỹ. Ta từng nghĩ rằng,
nếu được chiến đấu trên đó thì dù chết cũng cam tâm.
Nhưng mơ ước đó đã không thành sự thật. Ta
được đổi sang lái chiếc Zero nhưng lại không có lệnh điều động sang hàng không
mẫu hạm, ngày qua ngày ta vẫn phải chiến đấu với Trung Quốc. Khoảng thời gian
đó, không quân Trung Quốc lại triệt để tránh Zero nên ta cũng chẳng có cơ hội bắn
hạ chúng bằng chiếc máy bay chiến đấu mới.
Đến tháng Ba năm sau, ta được điều chuyển
sang Phi đội số Ba và đến đảo Borneo. Năm trước đó, Không đội Tainan đã tiêu diệt
căn cứ quân sự Mỹ tại Philippin của Mỹ. Vì Nhật Bản muốn đặt sự thống trị từ
Đông Nam Á đến Đông Ấn Hà Lan*. Ta có cảm giác ở đó không có quân thù.
*[ Ngày nay là Indonesia, trước là thuộc địa
của Hà Lan]
Chúng ta hòa vào cuộc chinh phạt của quân
Nhật, tiến vào các đảo Borneo, Sulawesi, Sumatra, Java, [Các hòn đảo tại
Indonesia]. Ở Java, đâu đâu cũng có dân bản địa da đen hầu như khỏa thân, hệt
như thế giới trong truyện “Cuộc phiêu lưu của Dankichi” [Truyện tranh đăng trên
tạp chí thiếu nhi ở Nhật vào những năm 1930]. Ấy vậy mà họ lại nhìn bọn ta như
đám kỳ quái vậy.
Nơi cuối cùng chúng ta đến là căn cứ quân sự
Kupang trên đảo Timor, cứ điểm để oanh kích thành phố Darwin của Úc.
Tại đây, lần đầu tiên ta được đối đầu với
các máy bay chiến đấu của Anh-Mỹ. Trận đầu tiên, ta đã bắn rơi chiếc P40. Vì được
cảnh báo rằng máy bay Anh-Mỹ không như Trung Quốc nên ta hết sức cảnh giác,
nhưng hóa ra chúng cũng tầm thường. Một lần nữa, ta được thấy sự lợi hại của
Zero. Nó đúng là một chiến cơ tuyệt hảo. Máy bay Anh-Mỹ cũng không thể sánh với
nó.
Chẳng khó khăn gì để vượt mặt đối thủ, nhả
đạn 20 li là có thể thổi bay máy bay địch. Ta từng chiến đấu với chiếc P39,
P40, Hurricane và cả chiếc Spitfire nổi danh của Anh từng xé rách Không quân Đức
tại châu Âu, nhưng tẩt cả đều không phải là đối thủ của Zero.
Zero đúng là đứa con cầu tự của chiến
tranh. Mỗi lần xuất trận nó đều càn quét máy bay địch. Đoàn quân Zero đã bắn
rơi hơn 100 máy bay địch, trong khi tổn thất phe ta chưa đến 10 chiếc. Chính ta
cũng đã bắn rơi 5 chiếc.
Ta luôn tiếp cận máy bay địch và tiêu diệt
chúng. Bạn bè trong quân ngũ gọi đó là “chiến thuật áp sát của Ishioka”. Khi đó
tên ta là Ishioka.
Khi luyện tập, chúng ta được dạy bắn ở cự
li 100 mét nhưng khi chiến đấu thực sự, nỗi sợ hãi vượt lên mọi cảm xúc và lý
trí, nên từ cự li 200 mét, các chiến cơ đã đồng loạt nhả đạn rồi. Tất nhiên
không phải lúc nào cũng trúng. Còn ta thường tiếp cận địch ở cự li 50 mét mới bắn.
Đến gần như vậy, máy bay địch sẽ hiện rõ trong ống ngắm. Vạn lần không trượt. Bởi
vậy, ta đã bắn là trúng.
Lúc đó, kỹ năng của chúng ta thuộc loại
khá. Mọi người nói phi đội trên hàng không mẫu hạm là những người ưu tú, nhưng
kinh nghiệm chiến trường thực tiễn lại là chuyện hoàn toàn khác. Kỹ năng khá
thì Lúc đó, kỹ năng của chúng ta thuộc loại khá. Mọi người nói phi đội trên
hàng không mẫu hạm là những người ưu tú, nhưng kinh nghiệm chiến trường thực tiễn
lại là chuyện hoàn toàn khác. Kỹ năng khá thì hiển nhiên rồi, nhưng chỉ giỏi
trong việc điểu khiển chiến cơ và đáp tàu, giỏi trong diễn tập không chiến.
Dù có giỏi diễn tập không chiến đến đâu thì
đó cũng không phải thực chiến, nó khác xa những người ngày nào cũng phải giành
giật mạng sống.
Nói ví von, nó như sự khác biệt như giữa kiếm
pháp võ đường và kiếm pháp lâm trận vậy. Cũng bởi là phi công hàng không mẫu hạm
nên ta khá tự phụ về năng lực của mình.
Mùa thu năm 1942, ta chiến đấu tại Rabaul.
Bắt đầu bằng trận Guadalcanal*, một phần Hạm đội Không quân** Ba tiến vào
Rabaul. Chúng ta tham gia dưới sự chỉ huy của Không đội Tainan.
*[Chiến dịch Guadalcanal mà Đồng Minh đặt mật
hiệu là Chiến dịch Watchtower, diễn ra từ ngày 7/8/1942 - 9/2/1943 trên đảo
Guadalcanal và khu vực phụ cận tại quần đảo Solomon ở mặt trận Thái Bình Dương
trong Thế chiến II. Việc tranh chấp diễn ra ác liệt cả trên bộ, trên biển và
trên không; đây là cuộc tấn công lớn đầu tiên của phe Đồng Minh chống lại Đế quốc
Nhật sau một thời gian dài phòng thủ]
**[Hạm đội Không quân: là một đơn vị cấu
thành của Hải quân và Không quân, trong Hải quân Đế quốc nó được dùng để chỉ Đội
cơ động hàng không mẫu hạm và đội không quân cứ địa]
Đảo Guadalcanal là một chiến trường khốc liệt.
Từ Rabaul phải bay một chặng dài hàng nghìn cây số. Trước nay chúng ta chưa từng
tấn công ở khoảng cach xa đến thế. Bay chặng đi đã mất ba tiếng đồng hồ. Hơn nữa,
máy bay chiến đấu của địch lại lực lưỡng như những gã ở cảng Darwin.
Ngày đầu xuất kích, hai tay lão luyện thuộc
Phi đội số Ba cùng ta đến Rabaul đã một đi không trở lại.
Chắc hẳn họ đã đến một nơi rất thiêng
liêng.
Hầu như ngày nào cũng có đợt xuất kích. Mỗi
1 lần như thế, lại có rất nhiều phi cơ không quay trở về. Chuyện này chưa từng
có ở Kupang. Tuy vậy, các chàng trai ở Rabaul không lấy đó làm ngạc nhiên. Đó
là chuyện hết sức bình thường tại nơi đây. Máy bay chiến đấu nào quay về được cũng
lãnh đầy thương tích. Rất hiếm chiếc lành lặn trở về.
Vậy mà, Miyabe luôn trở về nguyên vẹn. Dù
là trận chiến ác liệt, gần nửa số máy bay chiến đấu xuất kích bị hạ, hắn vẫn trở
về với vẻ mặt thản nhiên.
Chiến mã hắn cưỡi cũng lành lặn, tinh tươm
như trước khi xuất kích.
Chắc chúng mày nghĩ rằng hắn thật cừ khôi
đúng không? Sự thật không đẹp đẽ vậy đâu. Ta đã hỏi một phi công có thâm niên ở
Rabaul vì sao Miyabe luôn trở về hoàn hảo như thế, có phải do hắn xuất sắc
không. Ông ấy vừa cười cay đắng vừa bảo ta rằng: “Là do hắn giỏi chạy trốn”.
Thế đấy! Chiến trường trên không hoàn toàn
khác với dưới mặt đất. Khi máy bay của quân ta và quân địch bay lẫn vào cuộc hỗn
chiến thì chẳng còn biết ai bạn ai thù. Đó là một cảm giác đáng sợ hơn hẳn trên
bình địa.
Trên không chẳng có hầm hào, tất cả đều được
phơi bày. Trước sau, trái phải, trên dưới đều có địch. Tên địch trước mặt chạy
trốn, ta đuổi theo. Phía sau lại thêm một tên địch khác. Phía sau nữa là đồng đội
của ta đang đuổi theo. Đây căn bản không phải là cuộc chiến đối mặt đơn thuần
giữa ta và địch.
Đó là khoảng giữa tháng Chín. Trên bầu trời
Guadalcanal đã nổ ra cuộc hỗn chiến giữa phe ta với máy bay địch phục kích.
Quân địch sử dụng Grumman F4F* một cỗ máy cứng cáp, vững chãi. Nó không nhanh bằng
Zero, nhưng lại rất lì đòn. Ta lạc lối và mệt mỏi giữa hai chiếc Grumman có chiến
thuật tấn công nhuần nhuyễn. Ta bám theo một chiếc Grumman, lập tức có một chiếc
khác nối gót. Khi ta vừa đánh lạc hướng chiếc bám theo, thì chiếc ban đầu đã
vòng lại. Trong đội hình bay, dù đã thống nhất chiến thuật hỗ trợ các góc chết
của máy bay từ trước, nhưng lúc thực chiến chúng ta vẫn không thể thực hiện triệt
để việc đó được. Có lẽ là do điện đàm. Thời đó, thiết bị điện đàm rất thô sơ, đầy
tạp âm, chẳng thể nghe rõ được gì.
*[Grumman F4F Wildcat (Mèo hoang) là máy
bay tiêm kích trang bị cho hàng không mẫu hạm bắt đầu đưa vào phục vụ cho cả Hải
quân Hoa Kỳ lẫn Không lực Hải quân Hoàng gia Anh vào năm 1940. Mặc dù được Anh
Quốc sử dụng trong chiến đấu trước tiên ở Châu Âu, Wildcat là máy bay tiêm kích
chủ lực trên hàng không mẫu hạm trong một năm rưỡi đầu của Hải quân Hoa Kỳ tại
Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế Chiến II.
Kiểu FM Wildcat đã được General Motors cải
tiến và sản xuất, tiếp tục phục vụ cho đến hết chiến tranh trên các hàng không
mẫu hạm hộ tống, nơi không thể sử dụng những chiếc tiêm kích mới to và nặng
hơn]
Sau nhiều lần bị bám sát, ta vờ hoảng sợ
tháo chạy, bay vọt về phía trước, ngay lập tức hai chiếc Grumman đuổi theo.
Giây phút ta mong chờ đã đến. Ta kéo mạnh tay lái, làm một màn nhào lộn. Hai
chiếc phi cơ cũng đồng thời nhào đuổi theo. Một sai lầm nghiêm trọng! Không gì
có thể thắng Zero trong trò lộn nhào này, bán kính quay ngắn của nó là điểm vượt
trội nhất. Điều này quân địch hẳn cũng biết, nhưng khi cơ hội đang ở trước mắt,
chúng đã nhất thời quên mất. Quay một vòng, một chiếc Grumman đã bị xóa sổ
trong chùm lửa. Chiếc thứ hai bay xuống hết tốc độ bỏ trốn. Ta định đuổi theo
nhưng vì nhào lộn mất đà nên đành bỏ qua.
Lúc đó, ta nhận ra mình đã cách chiến trường
một quãng xa. Khi chiến đấu với hai chiếc Grumman, ta đã bay xuống gần 2.000
mét. Phía trên các máy bay vẫn đang hỗn chiến. Quay lại chiến trường, ta vô
tình phát hiện cách đó không xa, có ba chiếc Zero đang bay nhàn nhã. Đó chính
là tiểu đội của Miyabe.
Hắn đã sớm dẫn đồng bọn khoanh tay đứng
nhìn cuộc chiến. Đương nhiên là ta không có bằng chứng. Cũng có thể bọn hắn bị
rớt khỏi chiến trường giống ta, nhưng ta không tin. Vì sao ư? Bởi hắn chính là
một thằng hèn!
Mỗi khi bay, hắn đặc biệt cảnh giác. Đối với
một phi công thì không điều gì quan trọng hơn việc cảnh giác. Những phi công xuất
sắc nhất đều có đôi mắt tinh tường, sức tập trung cao độ và chắc chắn luôn phát
hiện ra kẻ thù trước. Thế nhưng sự cảnh giác của hắn cao quá mức. Dù thế nào, hắn
cũng chỉ bay dè chừng ở vòng ngoài.
Mọi người rất ngạc nhiên vì điều đó. Có nhiều
người nói sau lưng rằng hắn đã quá sợ hãi. Đội bay Rabaul lừng danh đến vậy,
sao lại có kẻ thế này, thật là sỉ nhục!
Rabaul được xem là mồ chôn của các phi
công. Vậy mà ở nơi khắc nghiệt ấy, hắn vẫn sống sót. Cứ lẩn trốn thành công thì
cái chết sẽ không bao giờ đuổi kịp.
Cái mạng quý giá của hắn là chuyện cười cho
cả đội. Không ai không biết tới “danh ngôn” của hắn: “Tôi muốn sống sót trở về”.
Ta không biết tin đó lan truyền từ đâu. Nhưng nếu đã lan rộng đến vậy, chắc hẳn
hắn đã phun ra không biết bao lần.
Đó là những lời mà một quân nhân Hải quân
tuyệt đối không nên nói.
Bọn ta không phải quân lính bị triệu tập
theo Giấy đỏ. Bọn ta tự nguyện gia nhập Hải quân, tự ứng tuyển lính Không quân.
Vậy mà thằng đàn ông như thế lại bảo “Muốn sống sót trở về”. Đáng tiếc ta đã
không chính tai nghe những lời đó. Nếu không, chắc chắn ta sẽ đánh hắn một trận
nhừ tử. Lúc đó, hắn là Nhất đẳng phi tào, [Tương đương thượng sĩ], còn ta là
Tam đẳng phi tào, [Tương đương hạ sĩ]. Đương nhiên, ta biết rõ hình phạt của việc
đánh thượng cấp là bị bỏ tù.
Đối với một phi công, không gì cận kề hơn
cái chết. Kể từ khi thao luyện cái chết đã luôn đồng hành, nhiều người cùng
khóa với ta đã chết trong bài huấn luyện xoay vòng hoặc bổ nhào. Ta nghe nói
khi Zero ra đời, rất nhiều phi công tập lái nó đã hy sinh. Vậy mà, ở chiến trường,
hắn lại dám tuyên bố muốn sống sót trở về cơ đấy.
Hằng ngày đều có các đồng đội không trở về,
nhưng mọi người vẫn chiến đấu hết mình, trong khi đó, chỉ mình hắn mong được sống
sót lành lặn. Hắn nghĩ gì vậy chứ.
Hãy còn một chuyện nữa phơi bày sự hèn nhát
của Miyabe. Đó là chuyện về chiếc dù. Hắn không bao giờ quên kiểm tra dù. Một lần
ta đã mỉa mai. “Nhất đẳng phi tào Miyabe này, anh định nhảy dù xuống đâu vậy?”
Hắn chỉ cười, đáp lại. “Dù là thứ quan trọng. Tôi luôn trang bị dù trên máy
bay”.
Nơi bọn ta chiến đấu là Thái Bình Dương rộng
lớn, hơn nữa lại là chiến trường thuộc không phận địch, dù có nhảy thoát, bị
quân địch tóm thì cũng xong đời. Hơn nữa, cho dù thoát thân, không chết đuối
thì cũng thành mồi ngon cho cá mập.
Lúc đó, những kẻ lái máy bay chiến đấu bọn
ta chẳng ai mang theo dù.
Xin lỗi vì nói thô tục, chứ bọn ta còn tiểu
vào dù. Ai cũng phải ở riệt trong máy bay hàng giờ liền. Giữa đường đâu thể ngừng
lại để đi tiểu bên lề đường được. Trong máy bay có sẵn túi giấy nhưng vừa điều
khiển máy bay, vừa đưa của quý vào cái túi đó thì quá phiền phức. Hơn nữa, còn
phải hé kính chắn gió ném túi nước tiểu ra ngoài, nếu làm không khéo thì có mà
tắm đầy nước tiểu. Không có tay phi công nào chưa bị giội nước tiểu vào người.
Bởi vậy đành phải tiểu vào dù. Bọn ta kẹp chiếc dù giữa đũng quần, từ từ cho thấm
qua. Hầu như tất cả phi công của Rabaul đều làm vậy. Vì thế chiếc dù bốc mùi
khai nồng nặc. Bên trong còn hôi đến độ nào thì ta cũng chẳng muốn tưởng tượng
thêm.
Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, khi bọn
ta không chiến gần đất liền, nhiều phi đội đã chuẩn bị dù nhảy, bởi nơi bọn ta
đáp xuống là lãnh thổ Nhật Bản. Vả lại, khi đó không còn phải ở trên không hàng
tiếng đồng hồ nữa, nên chẳng còn cảnh khốn khổ vì tiểu tiện.
Nhưng Miyabe lại cẩn thận chuẩn bị dù dẫu
đang ở Rabaul, nghe nói hắn còn không quên kiểm tra định kỳ. Ta cũng mong sao hắn
có cơ hội dùng dù để nhảy một lẩn.
Một hôm, ta nói với Miyabe, lúc hắn đang gấp
dù. “Anh kiểm tra cẩn thận như vậy, chắc sẽ không có chuyện không mở ra được
khi gặp bất trắc đâu nhỉ?”
Dường như hắn chẳng thèm bận tâm đến lời
mai mỉa của ta, trả lời không do dự. “Tôi cầu mong sẽ không có cơ hội đó”.
Nghe vậy, ta chán chẳng buồn nói thêm.
Nhưng nhắc đến dù, ta nhớ ra một việc. Hắn đã bắn chết đám phi công Mỹ đang nhảy
dù. Chuyện xảy ra ở Guadalcanal. Đó từng là chuyện gây ồn ào một thời gian. Ta
không tận mắt thấy, nhưng có nhiều người đã chứng kiến. Hắn đã bắn bọn phi công
nhảy dù từ các phi cơ Grumman mà hắn bắn hạ trong cuộc không chiến.
Khi nghe chuyện đó, ta thực sự cảm thấy ghê
tởm. Chiến đấu trên không, quyết định thắng thua là lúc bắn hạ máy bay địch.
Phi công Mỹ đúng là kẻ thù, nhưng có cần thiết phải giết người đã mất máy bay,
chỉ cầu sinh bằng dù hay không. Chuyện hắn làm cũng giống như giết Khi nghe
chuyện đó, ta thực sự cảm thấy ghê tởm. Chiến đấu trên không, quyết định thắng
thua là lúc bắn hạ máy bay địch. Phi công Mỹ đúng là kẻ thù, nhưng có cần thiết
phải giết người đã mất máy bay, chỉ cầu sinh bằng dù hay không. Chuyện hắn làm
cũng giống như giết một người mất vũ khí, mất khả nảng chiến đấu, gục ngã trên
chiến trường vậy. Khi nghe chuyện đó, tận đáy lòng ta khinh bỉ Miyabe vô cùng,
chắc hẳn những người có suy nghĩ như ta cũng không ít.
Ta cũng từng càn quét bằng súng máy, nhưng
luôn bắn vào ụ pháo cao xạ và tàu chiến, ta chưa bao giờ bắn một người không có
vũ khí. Theo ta đó là hành động của kẻ hèn hạ. Hiểu chứ? Hắn là một kẻ như vậy
đấy. Hắn là kẻ hết lần này đến lần khác trốn chạy chiến trường, nhưng lại thản
nhiên bắn giết người không còn sức phản kháng.
Từ khi lái máy bay chiến đấu, ta đã quyết sẽ
chiến đấu oanh liệt và hy sinh anh dũng. Bởi vậy, trong cuộc không chiến, ta
chưa bao giờ bỏ chạy, đó chính là tấm huân chương của ta. Dù thực sự ta chẳng
nhận được tấm huân chương nào cả, nhưng chỉ riêng điều đó đã là niềm tự hào của
ta rồi.
Ta đã mất cánh tay ở chiến trường New
Britain vào tháng Mười năm 1942.
Hôm ấy, ta lái máy bay yểm trợ cho các
Chuko. Chuko là từ giản lược để gọi máy bay ném bom tầm trung kiểu Một* của Hải
quân. Tốc độ của máy bay ném bom khá chậm, nên nếu bị máy bay địch tấn công thì
rất khó chạy thoát. Vì vậy, các Chuko nhất thiết cần Zero yểm trợ. Bởi Zero vốn
dĩ là chiến đấu cơ hộ tống.
*[Máy bay ném bom tầm trung kiểu Một:
Mitsubishi G4M, là một loại máy bay ném bom xuất phát căn cứ trên đất liền của
Hải quân Nhật trong Thế Chiến II]
Mục tiêu ném bom của Chuko hôm đó là tàu vận
tải địch ở Guadalcanal.
Có 12 chiếc chuko và 12 chiếc Zero bay kèm,
trong số đó có Miyabe.
Trên bầu trời Guadalcanal, khoảng 40 máy
bay chiến đấu của địch đợi sẵn. Quân Mỹ hôm đó phục kích rất gắt. Hải quân Đế
quốc dùng từ “phục kích” để chỉ việc mai phục đánh chặn. Bọn ta đã chiến đấu với
Grumman để bảo vệ Chuko, nhưng quân địch lại tránh đối đầu, chỉ tập trung tấn
công Chuko. Cứ đuổi theo máy bay địch thì sẽ có một tên khác tấn công Chuko.
Những chiếc Chuko lần lượt bốc cháy và rơi
xuống. Quân địch xâu xé như một bầy sói.
Nhiệm vụ yểm trợ là phải ưu tiên bảo vệ
Chuko hơn bất cứ điều gì, quan trọng hơn cả việc bắn hạ máy bay địch. Trong chiếc
Chuko có 7 binh sĩ đang ôm bom chờ tấn công hàng không mẫu hạm địch, họ mạo hiểm
mạng sống vì cuộc tấn công đó. Chúng ta dù mất mạng cũng phải bảo vệ các Chuko.
Đó là nhiệm vụ.
Khi đội Chuko chuẩn bị vào lộ trình ném
bom, một khe hở xuất hiện. Trong phút chốc hai chiếc Grumman lao tới. Theo bản
năng, ta lướt vội tới chen giữa đội Chuko và chiến đấu cơ địch, không kịp suy
nghĩ gì.
Ngay lúc đó, ta bị tấn công từ phía trên.
Kính chắn gió bay ra, đầu ta bị va chạm mạnh, mọi thứ trước mắt tối sầm, nhưng
ta lập tức lấy lại ý thức, nhìn ra phía sau chiếc Chuko đã an toàn.
Khi đó, ta cảm nhận được cơn đau dữ dội nơi
cánh tay trái, nhìn xuống đã thấy máu từ vai chảy xuống ướt đỏ. Ta tạm lùi khỏi
khu vực không chiến để kiểm tra máy bay. Cánh và thân máy bay đầy những lỗ thủng,
nhưng bình nhiên liệu và động cơ may mắn không bị trúng đạn.
Sau trận không kích, dù mất rất nhiều máu,
ta cố gắng bay về Rabaul bằng một tay. Ngày hôm đó, 6 chiếc Chuko đã không trở
về. Ba chiếc Zero cũng đã tử nạn. Đó là một trận chiến rất khốc liệt. Đội Zero
trở về, không chiếc nào thiếu những lỗ đạn trên thân, vậy mà hắn vẫn hoàn toàn
lành lặn, không thương tích. Trong khi bọn ta chiến đẩu hết mình thì hắn ở đâu?
Khi ta bị trúng đạn thì hắn đã ở đâu?
Cuối cùng, ta đã mất cánh tay trái. Nếu ở đất
liền, chưa chắc đã đến mức phải cắt bỏ. Sống cuộc đời phi công tròn một năm rưỡi,
và chiến đấu ở Rabaul gần hai tháng, ta cũng không rõ vậy là ngắn hay dài nữa.
Nhưng cuộc đời sau chiến tranh mới thực sự là một chuỗi dài đau khổ.
Người đời ghẻ lạnh ta - kẻ đã mất một cánh
tay vì Tổ quốc. Là một thiếu úy xuất ngũ, nhưng chức danh đó trong xã hội sau
chiến tranh chẳng có giá trị gì, thậm chí còn bị bỡn cợt là “Thiếu úy Potsdam”.
Không có công việc nào cho người cụt tay cả. Thời trẻ phải rời bỏ quê hương để
bớt miệng ăn, đến cuối đời lại trở về và mắc kẹt nơi đây như vậy đấy.
[Những quân nhân được phong Thiếu úy sau
Tuyên bố Potsdam, mỗi quân nhân được thăng một cấp trước khi xuất ngũ.
Tuyên bố Potsdam được Harry S. Truman,
Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch đưa ra ngày 26/7/1945, trong đó phác thảo
các điều kiện cho sự đầu hàng của Nhật Bản như đã thỏa thuận tại Hội nghị
Potsdam]
May mắn là ta lấy được vợ, dù phải ở rể
nhưng cũng xem như có người chăm sóc. Lẽ nào sau tất cả, ta lại chẳng gặp được
nổi một cô gái tốt? Nếu không bị cụt tay, chắc hẳn ta đã đợi người tốt hơn. À
không, nếu không cụt tay thì chưa biết chừng ta đã hy sinh trên không trung.
Như vậy cũng tốt.
Ta chưa bao giờ sợ cái chết. So với cuộc sống
khổ sở lấm lem bùn đất ở nơi quê mùa này, thì hy sinh oanh liệt như một đấng
nam nhi chẳng phải đích đáng hơn sao.
Những năm gần đây, ta suy nghĩ rất nhiều.
Ta vẫn ước được hy sinh trong cuộc tấn công cảm tử. Nếu cơ thể còn toàn vẹn thì
ta nhất định đã thực hiện được mong ước đó.
Hai năm sau khi ta bị mất cánh tay, Miyabe
chết vì cảm tử. Có lẽ đó không phải là ý nguyện của hắn. Chắc hẳn đó là mệnh lệnh
mà bất đắc dĩ hắn buộc phải thi hành. Cái tên xem trọng mạng sống, mong chờ được
cứu rỗi đến thế rốt cuộc đã chết.
Đó không phải là sự trớ trêu của đời người
thì là cái gì?
* * *
Đã sáu tiếng đồng hồ trôi qua, vậy mà trời
vẫn tỏ. Trên đường trở về nhà ga, bước chân tôi nặng trịch. Chắc hẳn Keiko cũng
vậy, nét mặt chị đầy u ám. Chiếc máy ghi âm câu chuyện của ông Hasegawa nằm
trong túi xách kia, nhưng liệu rằng chị có muốn nghe lại nữa hay không.
Cuộc đối thoại ấy thật căng thẳng. À không,
đó chỉ là màn độc thoại của ông Hasegawa thôi. Ông ta càng nói càng bùng phát nỗi
căm ghét ông ngoại, trắng trợn tỏ thái độ với chúng tôi. Ánh mắt đầy ác ý và
thái độ thù địch đó gần như khiến tôi bị áp đảo.
- Ông ta thật đáng ghét. - Cách nhà ông
Hasegawa một quãng xa, tôi nói. - Chắc do ông ta hận đời, hận vì mất đi cánh
tay nên mới nghĩ mình bị cướp mất cuộc sống sau chiến tranh. Có lẽ ông ta cũng
đổ lỗi việc mất cánh tay ấy là do ông ngoại.
Chị im lặng một lúc lâu rồi nói.
- Thật là một người đáng thương.
Nhất thời, tôi không nói được lời nào.
- Lần đầu tiên chị nghe một câu chuyện về
chiến tranh. Thật quá khắc nghiệt! Chị nghĩ chị hiểu được tâm trạng của ông ấy,
chắc hẳn sau chiến tranh cuộc sống quá khốn khổ.
Tôi không nói gì, cảm thấy xấu hổ vì những
lời cay nghiệt của mình.
Chúng tôi bước đi trong im lặng một lúc
lâu.
- Nhưng em không nghĩ câu chuyện về ông ngoại
Kyuzo là bịa đặt.
Chị nhẹ buông tiếng thở dài.
- Đúng vậy. Thật lòng mà nói, chị có chút
thất vọng về ông ngoại. Vì ông vốn là cảm tử quân nên chị nghĩ hẳn phải dũng cảm
lắm, vậy mà hóa ra ông lại là kẻ hèn nhát. Chị chủ trương chống chiến tranh nên
cũng chẳng mong muốn ông là một chiến sĩ dũng cảm, nhưng đối với việc này thì
chị đặc biệt thất vọng. Em cũng cảm thấy thế đúng không?
Tôi lặng lẽ gật đầu, trong lòng vẫn đọng lại
đầy những lời chê bai ông ngoại là kẻ hèn nhát, xem trọng mạng sống, lẩn trốn
chiến trường. Khi đó, lần đầu tiên tôi nhận ra rằng, tôi đã chấp nhận từ kẻ hèn
nhát một từ dành cho chính mình. Bởi vì, bản thân tôi lúc nào cũng chạy trốn.
Có phải trong người tôi đang chảy dòng máu của ông?
Dĩ nhiên là ông chạy trốn cái chết, hoàn
toàn khác với tôi. Nhưng chuyện ông ngoại trốn tránh nhiệm vụ của một phi công
lái chiến đấu cơ là thật.
Thứ mà tôi đang trốn tránh là gì đây?
- Ôi trời, cuộc điều tra này gian nan quá!
- Chị Keiko lẩm bẩm.
Tôi cũng mang cảm giác như chị.
------------
Còn tiếp.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét