Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Không Chiến Zero Rực Lửa - P 2

Không Chiến Zero Rực Lửa

Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*

Hương hồn

Tiếng chuông điện thoại đánh thức tôi. Tôi liếc nhìn đồng hồ, đã quá trưa.
Chị tôi gọi:
- Em đang làm gì đó?
- Em đang đi dạo.
- Đang ngủ chứ gì?
- Chiều em sẽ đi tìm việc.
Chị tôi thoáng khựng lại.
- Đừng có phét lác! Cứ lang thang lêu lổng suốt ngày, không chịu đi làm, người ta gọi kiểu như em là đồ vô công rồi nghề đó, Kentaro. Nếu hôm nay em rảnh, chị sẽ giới thiệu cho em một công việc làm thêm hấp dẫn.
Tôi biết ngay lại là chuyện này mà.
Đương nhiên, bản thân tôi cũng không thể thông cảm cho chính mình khi đã 26 tuổi đầu mà chỉ ăn không ngồi rồi.
Được tiếng là thí sinh đang đợi kỳ thi tư pháp quốc gia* thì cũng hay đấy, nhưng năm nay tôi lại không tham dự. Tôi bắt đầu dự kỳ thi này từ năm thứ tư đại học và trượt bốn năm liên tiếp. Năm đầu tiên là đáng tiếc nhất. Tôi đã vượt qua bài thi viết khó nuốt nhất nhưng lại mắc một lỗi nghiêm trọng trong bài thi vấn đáp. Tôi đã khiến vị giáo sư dạy mình năm ấy vô cùng thất vọng.
*[Kỳ thi quốc gia chứng nhận trình độ pháp lý để trở thành thẩm phán, công tố viên, luật sư,...]
Năm sau đó, ai cũng nghĩ lần này tôi sẽ ổn, bởi những người đã vượt qua bài thi viết năm trước sẽ được miễn bài thi viết. Nhưng tôi lại tiếp tục sảy chân ở phần thi vấn đáp - chính việc được miễn thi viết đã khiến tôi chủ quan. Năm tiếp theo tôi muối mặt rớt bài thi viết, năm sau nữa thì trượt cả phần trắc nghiệm. Lúc đó, tôi bị cô người yêu từ thời sinh viên bỏ nên đi thi trong tâm trạng cực kỳ tồi tệ.
Dần dà, tôi gần như mất hết tinh thần và sự tự tin, ngày qua ngày quẩn quanh tìm cách giết thời gian. Ở trường, người ta luôn nói bằng mọi giá phải vượt qua kỳ thi tư pháp quốc gia mới xứng tầm. Vậy mà tôi liên tục tụt lại phía sau những người bạn cùng khóa. Thỉnh thoảng tôi đi dạy thêm, nếu thích thì làm một số việc lao động chân tay, nhưng cũng chỉ để giết thời gian. Tôi vẫn một mực tin rằng chỉ cần nghiêm túc học hành, tôi sẽ vượt qua được kỳ thi dễ dàng. Nhưng thực tế tinh thần của tôi giờ đã không còn được như xưa nữa. Tôi luôn cảm giác sẽ có một cơ hội hay động lực nào đó, nhưng chúng chưa kịp đến thì một năm thấm thoắt đã trôi qua. Trong thời gian đó, chồng sách luật của tôi đã phủ kín bụi mất rồi.
- Việc làm thêm đó là gì vậy?
- Trợ lý cho chị.
- Thôi nào, chị khiêm tốn chút đi.
Chị Keiko hơn tôi bốn tuổi, là nhà báo tự do. Nói vậy nhưng chị cũng chỉ mới vào nghề. Sau khi vào làm cho một tờ tạp chí thông tin bốn năm, Keiko ra ngoài tác nghiệp tự do, nhưng công việc chính vẫn là viết bài phỏng vấn cho tờ tạp chí cũ. Dù vậy, chị vẫn tự thuê được một căn hộ chung cư ở nội thành, có lẽ bằng cách nào đó chị đã xoay xở để có được mức thu nhập ổn định. Keiko luôn nói sẽ trở thành nhà báo chân chính nhất, nhưng dường như đó chỉ là mơ tưởng. Dẫu vậy, quyết tâm của chị quả thực rất lớn.
- Nghe này, thật ra công việc đó là tìm hiểu về ông ngoại của chúng ta.
- Tìm hiểu gì về ông ngoại chứ?
- Không phải ông ngoại bây giờ, mà là người chồng trước của bà ngoại ấy.
- À, ra thế.
Người chồng đầu tiên của bà hy sinh trong chiến tranh, khi tham gia đội cảm tử quân. Cuộc sống hôn nhân tuy ngắn ngủi, nhưng ông bà đã có một người con là mẹ tôi. Sau chiến tranh, bà tôi tái hôn và người đó là ông ngoại tôi bây giờ. Chúng tôi được biết sự thật ấy sáu năm trước, khi bà tôi qua đời. Vừa qua bốn mươi chín ngày của bà, ông ngoại gọi tôi và chị Keiko đến, đó là lần đẩu tiên chúng tôi được nghe kể về ông ngoại ruột của mình. So với chuyện đó, chuyện người ông tôi vẫn xem là ruột thịt thực ra lại không cùng máu mủ khiến tôi sốc hơn nhiều.
Từ thuở nhỏ, hai chị em tôi đã được ông ngoại thương yêu hết mực. Hơn nữa quan hệ giữa ông và mẹ tôi cũng rất tốt. Bà ngoại sau khi tái hôn với ông đã có thêm hai người con trai - là hai cậu của tôi. Mẹ và các cậu cũng rất thương yêu nhau.
Dù biết vậy, nhưng tôi vẫn không có mấy tình cảm đặc biệt với ông ngoại ruột của mình. Ông đã mất trước khi tôi được sinh ra ba mươi năm, trong nhà lại chẳng còn tấm ảnh nào. Vì thế thật khó để tôi có nhiều tình cảm thương mến dành cho ông. Có vẻ kỳ lạ, nhưng thi thoảng tôi có cảm giác như hương hồn ấy vẫn còn lẩn khuất nơi đây.
Dường như ông ngoại cũng không biết nhiều về người chồng trước của bà. Tôi chỉ biết rằng ông là lính Không lực Hải quân chết trận khi tham gia đội ngũ Kamikaze. Mẹ tôi cũng không có mấy ký ức về ông. Khi ông qua đời, mẹ mới chỉ 3 tuổi. Trước đó, ông cũng chiến đấu suốt ngoài chiến trường.
- Tại sao lại phải tìm hiểu về ông ấy?
Tôi gọi “ông ấy”, bởi đối với tôi, chỉ có ông của tôi bây giờ mới thực sự là ông ngoại.
- Trước đây mẹ đã từng thắc mắc người cha đã mất của mình là người thế nào bởi mẹ không biết gì về cha mình…
Tôi ừm một tiếng rồi nhỏm dậy.
- Khi nghe chuyện, chị rất muốn làm gì đó cho mẹ. Chị hiểu tâm trạng của mẹ. Dù sao đó cũng là cha đẻ của mình mà. Đương nhiên đối với mẹ, ông ngoại là người rất quan trọng. Mẹ cũng xem ông ngoại bây giờ như cha ruột vậy. Nhưng, biết nói thế nào nhỉ, đó là một thứ tình cảm khác, mẹ muốn biết rốt cuộc cha đẻ của mình là người như thế nào.
- Nhưng tại sao lại vào lúc này?
- Có lẽ do đã có tuổi rồi chăng.
- Ông ngoại không biết gì về ông ấy à?
- Không. Vì hình như bà ngoại không kể gì với ông cả.
- Hừm.
Tôi rất yêu ông ngoại. Tôi đặt mục tiêu vượt qua kỳ thi tư pháp quốc gia cũng bởi ông ngoại là luật sư. Ông từng là cán bộ ngành đường sắt, kiên trì đến hơn 30 tuổi mới đậu kỳ thi tư pháp quốc gia. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật Đại học Waseda, ông trở thành luật sư, sau đó chạy đông chạy tây giúp đỡ người nghèo khổ. Nếu nói theo lối cổ là luật sư thanh bần. Tôi noi tấm gương đó mà đặt mục tiêu làm luật sư.
Ông ngoại thấy tôi thi mấy lần không đỗ, lại ăn không ngồi rồi, nhưng chẳng khi nào nổi giận. Ông còn nói với mẹ rằng, “Thằng bé nhất định sẽ thành công! Đừng lo lắng”.
Những lời đó hình như đã làm mẹ và chị tôi thất vọng.
- Vậy trong vụ điều tra về ông ngoại lần này, tại sao lại cần tới em chứ?
Tôi hỏi.
- Chị rất bận, lại không thể theo suốt vụ này được. Hơn nữa, việc này cũng liên quan đến em mà. Chị không bắt em làm không công đâu, sẽ trả thù lao đàng hoàng.
Tôi cười gượng, làm thử cũng được. Dù sao tôi cũng đang rảnh.
- Nhưng chúng ta sẽ tìm ra bằng cách nào?
- Em đã lên tinh thần chưa vậy?
- Chúng ta có đấu mối nào chưa?
- Chẳng có gì cả. Chúng ta hoàn toàn không biết liệu ông có người thân nào hay không. Nhưng chúng ta biết tên thật của ông nên chắc có thể tra được thời đó ông đã chiến đấu trong binh đoàn nào, đúng không?
- Không lẽ chị định tìm lại những người đồng đội xưa của ông, rồi hỏi về ông à?
- Kentaro, em thông minh ra phết đấy.
- Thôi đi! Thứ nhất, đó là chuyện của sáu mươi năm trước rồi. Giả sử có người biết về ông đi nữa thì em cũng không nghĩ họ vẫn còn nhớ đâu. Chưa kể là họ cũng đã qua đời cả rồi.
- Đó là ông ngoại ruột của em đấy!
- Đúng vậy, nhưng em không nghĩ là mình thật sự muốn biết đâu.
- Chị muốn biết! - Keiko gằn giọng. - Chị rất muốn biết ông ngoại ruột của mình là người thế nào. Dù sao đó cũng là cội nguồn của chị. Cũng là cội nguồn của em đấy.
Lòng tôi chẳng mảy may xúc động, nhưng tôi cũng không hơi sức đâu phản bác.
- Vậy giờ sao đây? Em có tham gia không?
- Được rồi. Em sẽ tham gia.
Không hẳn là tôi không muốn biết về ông, chẳng qua chỉ muốn làm bộ làm tịch một chút, kẻo mang tiếng làm vì tiền.
Ngày hôm sau, tôi gặp chị ở Shibuya*, cùng ăn cơm và bàn bạc. Đương nhiên là chị ấy trả tiền. Chúng tôi vào một nhà hàng Ý. Chị mặc chiếc quần jeans đã sờn, khuôn mặt để mộc như thường lệ.
*[Shibuya là trung tâm thời trang nổi tiếng của Nhật Bản, đặc biệt là dành cho giới trẻ]
- Lần này có thể chị sẽ nhận được một công việc hấp dẫn. Chị đang tham gia dự án của một tờ báo với chủ đề sáu mươi năm kết thúc chiến tranh, sẽ ra mắt vào năm sau. - Keiko có vẻ rất hãnh diện vì đó là một tờ báo lớn.
- Ồ, tuyệt nhỉ! Từ một tạp chí rẻ tiền, chỉ một bước đã nâng tầm rồi.
- Đừng có dùng từ rẻ tiền! - Chị gằn giọng, rồi tiếp tục câu chuyện. - Vì vậy, nếu thuận lợi còn có thể xuất bản được sách nữa.
- Thật sao? Sách gì?
- Đặc san các câu chuyện về những người đã kinh qua chiến tranh. Vẫn chưa biết có xuất bản được hay không, nhưng chị nghĩ chắc phải viết cùng ai đó.
Chị nói mà đôi mắt sáng bừng lên. Ra vậy, điểm mấu chốt là đây. Chị muốn kết hợp sự nghiệp với việc tìm hiểu về ông ngoại, vừa có thể hiểu về ông, vừa có thể giúp mẹ. Tôi chắc chị thật lòng muốn tìm hiểu chuyện này, nhưng mong muốn chứng tỏ khả năng viết báo có lẽ quan trọng hơn. Bởi từ nãy đến giờ, chị chưa hề nhắc đến ông một lời nào.
Thật lòng mà nói, tôi từng nghĩ chị không thích hợp với nghề phóng viên.
Tính khí mạnh mẽ nhưng thường không tiết chế được cảm xúc sẽ khiến chị không thể đặt những câu hỏi sâu hay rất dễ gây khó chịu với đối tượng phỏng vấn. Chuyện đó không cần tôi nói, ngay bản thân chị cũng tự nhận ra. Vì lẽ đó, chắc hẳn Keiko muốn nhờ dự án lần này để lột xác.
- Mà chuyện ông Miyabe hy sinh cảm tử có thật không chị?
- Bà ngoại nói vậy đó.
Chị dùng dĩa cuốn mì pasta, rối nói khơi khơi.
- Họ nhà mình cũng có người tuyệt thế chứ!
Tôi dửng dưng đáp lời.
- Ừ!
- Nhưng hình như đội quân cảm tử bị xem là khủng bố đó.
- Khủng bố?
- Chuyện họ làm cũng giống như việc đâm vào tòa tháp đôi ở New York vậy đó.
[Chỉ cuộc khủng bỗ diễn ra ngày 11/9/2001, làm tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại Quốc tế Mỹ ở New York sụp đổ]
- Em nghĩ Kamikaze không thể nào là khủng bố đâu.
- Vì thời đại và bối cảnh khác nhau nên cách nhìn nhận cũng khác, nhưng điểm chung là đều một lòng yêu nước điên cuồng.
Đó quả là một lập luận táo bạo, nhưng lời nói ấy của chị rất có sức thuyết phục.
- Người nói với chị những chuyện này rất giỏi, trước đây từng là phóng viên chính trị. Trong một lần đi ăn, chị có kể ông ngoại là cảm tử quân, người đó liền cho mượn một quyển sách tập hợp di thư của các cảm tử quân. Trong đó kín đặc những từ “trung hiếu”, “báo quốc”. Đáng ngạc nhiên là những cảm tử quân không hề sợ cái chết, có những câu làm chị cảm thấy niềm vui của họ khi được chết trong vinh quang. Khi đọc những dòng đó, chị mới biết thì ra Nhật Bản từng có thời nhiều người yêu nước đến vậy.
- Vậy ư? Nhưng ông Miyabe không thể là một tên khủng bố. Không thể thế được!
- Cháu của những tên khủng bố Hồi giáo sáu mươi năm sau chắc cũng nói thế đấy.
Chị vừa cho mì vào đầy miệng vừa nói, sau đó tu nước ừng ực. Con gái gì mà chẳng có chứt ý tứ nào! Dù chị tôi trông rất ưa nhìn, nhưng chẳng bao giờ chịu chăm chút vẻ ngoài hay để ý tới hành vi cử chỉ.
- Ông có để lại di thư không?
- Hình như không.
- Vậy là chẳng có chút dấu vết nào vể cuộc đời của ông cả.
- Thế nên chúng ta mới tìm hiểu.
- Vậy cụ thể em sẽ phải làm gì nào?
- Chị muốn em tìm ra những đồng đội xưa quen biết ông. Bây giờ chị đang bận tối mắt tối mũi nên nhờ em vụ điều tra này nhé. Chị sẽ thanh toán trước cho em một khoản.
Chị nói liến thoắng và mở túi xách, lấy ra một chiếc phong bì đưa cho tôi.
- Dù sao em cũng rảnh mà đúng không? Em có thể điều tra qua điện thoại hoặc fax hoặc bất cứ cách nào em muốn. Tìm được họ rồi thì việc đi gặp và phỏng vấn chị sẽ lo.
Tôi chán nản cầm lấy phong bì chị đưa.
- Vậy nếu ông Miyabe còn sống thì năm nay bao nhiêu tuổi?
Chị lấy cuốn sổ tay từ trong túi ra, lật lật giở giở.
- Ông sinh năm 1919, nếu còn sống thì năm nay đã 85 tuổi.
- Gặp được đồng đội của ông e rằng không dễ. Bọn họ tham gia từ thời khai chiến, bao nhiêu năm đã trôi qua, giờ chắc qua đời hết cả rồi.
- Ừ... có phải đã quá trễ rồi không?
Dù đã nhận lời nhưng đến hơn một tuần sau, khi chị gọi điện hối thúc, tôi mới bắt tay vào việc. Tiền nhận rồi, không làm cũng không được.
Tôi hỏi được hồ sơ quân dịch của ông từ Bộ Y tế - Phúc lợi.

“Miyabe Kyuzo, sinh năm 1919 tại Tokyo. Năm 1934 gia nhập Hải quân.
Năm 1945 tử trận ngoài khơi quần đảo Nansei”.

Cuộc đời ông ngoại nếu tóm gọn trong một dòng chỉ có như vậy. Đương nhiên, nếu muốn chi tiết thì bao nhiêu cũng viết được. Ban đầu ông gia nhập Hải quân, làm lính vũ trang, sau đó tham gia huấn luyện trở thành phi công, rồi tham gia chiến tranh Trung-Nhật năm 1937. Năm 1941, chiến đấu trên hàng không mẫu hạm, tham gia oanh kích trận Trân Châu Cảng. Sau đó, ông chuyển xuống chiến đấu tại quần đảo phía Nam. Năm 1945, quay về chiến đấu ở đất liền. Trước khi chiến tranh kết thúc vài ngày, ông hy sinh trong lần tấn công cảm tử Kamikaze.
Từ năm 15 đến năm 26 tuổi, ông đã cống hiến cho quân đội khoảng thời gian mười một năm đẹp nhất đời người. Trong tám năm cuối, ông chiến đấu với vai trò là một phi công. Rồi bị cái chết đuổi kịp trong một cuộc oanh kích cảm tử.
Thật không may, nếu chiến tranh kết thúc sớm vài ngày thôi, thì chắc ông vẫn còn sống.
- Thời đại mà ông sinh ra thật quá ác liệt, ông Kyuzo à! - Tôi thì thầm.
Về cuộc sống riêng thì năm 1941, ông kết hôn với bà ngoại rồi sinh mẹ tôi vào năm 1942. Cuộc sống hôn nhân ấy chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 năm. Hầu như suốt thời gian đó ông đều ở chiến trường. Dù được trở về đất liền thì thời gian thực sự sống với nhau không biết được bao nhiêu. Bà không kể chuyện về chồng trước của mình, có lẽ không phải vì muốn giấu giếm mà thực sự không có gì đáng kể.
Hồ sơ quân dịch chẳng tiết lộ gì thêm về con người ông. Muốn biết, buộc phải tiếp xúc với những người đồng đội của ông. Nhưng nếu còn sống thì giờ ông ngoại cũng đã 85 tuổi, những đồng đội năm xưa ấy chắc gì đã còn trên cõi đời này.
Đầu tôi văng vẳng những lời chị Keiko nói, có phải đã quá trễ rồi không.
Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, có lẽ bây giờ là thời điểm cuối cùng còn kịp để điều tra.
Tôi biết thông tin vể tổ chức Thủy Giao Hội, chuyên tập hợp những cựu binh hải quân từ Bộ Y tế - Phúc lợi. Tôi hỏi thăm và được chỉ cho vài hội cựu chiến binh.
Có hội từng là hội lính hải quân cùng thời, cũng có tập trung quân nhân từ không quân và hàng không mẫu hạm. Thành viên của các hội ngày càng cao tuổi nên vài năm gần đây nhiều hội đã giải tán. Những người đã đi qua chiến tranh đã dần biến mất khỏi vũ đài lịch sử.
Trong những hội cựu chiến binh mà người ta chỉ cho tôi, có bao nhiêu người biết ông ngoại? Dù có thì liệu họ còn nhớ được bao nhiêu về câu chuyện sáu mươi năm trước? Sáu mươi năm sau, nếu được hỏi về những người bạn bây giờ của mình, thì tôi có thể lật lại ký ức của mình đến đâu?
Dù vậy cũng không thể bỏ cuộc, tôi lần lượt viết thư cho từng hội cựu chiến binh, để xem liệu có ai biết về ông ngoại hay không.
Hai tuần sau, có thư hồi âm từ một hội nọ, báo có người cùng phi đội với ông tôi ở Rabaul. Người viết thư là cán bộ của hội cựu chiến binh, chữ viết rất bay bướm. Tôi căng mắt vẫn không thể nào đọc được, đành đem bức thư đến gặp chị Keiko. Chị đang bận túi bụi, mãi tôi mới hẹn gặp được ở một quán ăn gia đình. Tốt nghiệp khoa Văn như chị mà dường như cũng rất khó đọc được nét chữ “bay bướm” kia.
- Sáu mươi năm đổi mới rồi, chữ viết có vẻ cũng trở nên khó đọc hơn nhỉ.
Tôi trông chị nhìn chằm chằm vào bức thư, nghĩ mình đúng là lươn ngắn chê trạch dài.
- Chúng ta chỉ biết chữ giản thể, hoàn toàn chưa học qua loại chữ này. Trong đó có cả chữ giống và không giống với chữ gốc. Ví dụ như chữ này.
Chị chỉ vào một chữ trong bức thư.
- Em đọc được chữ này không?
Tôi hoàn toàn không đọc được.
- Chị tình cờ biết nên đọc được. Là Hạm đội Liên hợp đấy.
[Hạm đội Liên hợp là một hạm đội không thường trực của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, được thành lập trên cơ sở ít nhất hai hạm đội thường trực]
- Chữ này là chữ Liên đó hả? chẳng giống gì cả. Có thêm bộ Nhĩ, cấu tạo chữ cũng khác.
[Nguyên tiếng Nhật phồn thể là Nguyên ti]
Chị tôi cười nói.
- Hơn nữa, thư này viết theo lỗi chữ thảo*, đọc rất khó đó.
[Là kiểu viết có bút pháp phóng khoáng và tốc độ viết chữ nhanh]
- Em có cảm giác như người viết thuộc chủng tộc hoàn toàn khác vậy. - Tôi thở dài.
- Cũng là con người thôi. Em nghĩ ông ngoại là người chủng tộc khác sao? Đây là ông ngoại của những người khác hiện đang còn sống đấy.
- Em không nghĩ ông ngoại là người chủng tộc khác. Nhưng với em, ngoài họ hàng nhà mình thì những người trên tám mươi tuổi gần như là một chủng tộc khác.
Chị đặt lá thư lên bàn, nhấp ly cà phê đá rồi nói.
- Họ chắc cũng nghĩ như vậy đấy.
Nghĩ đến chuyện đi gặp những người đó, lòng tôi thoáng nặng nề.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét