Không Chiến Zero Rực Lửa
Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*
Trân Châu Cảng
Sau tuần gặp ông Hasegawa, chúng tôi tôi
thăm ông ngoại, chủ đích là để thưa việc chúng tôi đang điều tra về ông ngoại
ruột.
Chị bảo không cẩn thiết phải nói, nhưng tôi
lại ghét phải giấu giếm người ông mà tôi yêu quý. Vả lại, tôi nghĩ ông sẽ không
cảm thấy khó chịu vì chuyện này. Chỉ là, tôi cũng lo lắng. Bởi sau khi căn bệnh
tim chuyển biến xấu vào nãm ngoái, ông đã ở nhà dưỡng bệnh. Ông nghỉ hưu từ mấy
năm trước, văn phòng luật sư cũng đã giao cho người khác. Cuộc sống hằng ngày
do bà quản gia chăm sóc.
Câu nói cửa miệng của ông là, “Khi nào cháu
trở thành luật sư nhớ nhanh chóng đến văn phòng của ông làm việc đấy”. Giờ ông
đã thôi không nói vậy nữa. Có đượm một chút buồn trong đó. Nhưng chắc ông nghĩ
chính mình sau khi làm nhân viên đường sắt mười năm mới đỗ kỳ thi tư pháp quốc
gia, thì việc tôi đi đường vòng ba, bốn năm, cũng không phải chuyện lớn lao gì.
Nhà ông đang có khách. Đó là anh Fujiki
Shuiichi từng làm thêm tại văn phòng của ông.
Fujiki là một học sinh cần mẫn, cũng từng đặt
mục tiêu đỗ kỳ thi Tư pháp.
Sau khi tốt nghiệp, anh vừa làm việc tại
văn phòng của ông vừa tiếp tục học. Mấy năm trước, bố anh ở nhà đổ bệnh qua đời.
Vì phải nối nghiệp xưởng sắt của gia đình nên anh đành bỏ dở kỳ thi Tư pháp trở
về quê.
Mấy hôm trước, nhân dự buổi họp lớp Đại học,
nên giờ anh ghé thăm ông sau khoảng thời gian dài.
- Anh Fujiki, đã lâu không gặp.
- Lâu quá không gặp.
Đã hai năm tôi không gặp anh. Mỗi lần lên
Tokyo, nhất định anh lại ghé thăm nhà ông ngoại.
- Kentaro dạo này cao lớn quá. Hồi anh mới
nghỉ làm ở chỗ thầy, em mới học cấp ba.
Lần gặp trước anh cũng nói những lời này.
Tôi rất sợ anh ấy hỏi “Năm nay thế nào?”. Bởi anh thường bảo “Anh chưa thấy ai
thông minh như Kentaro, em sẽ đỗ kỳ thi tư pháp khi còn đang đi học thôi”. Tôi
luôn nhận được sự yêu thương trìu mến từ anh ấy. May sao, anh Fujiki không hỏi
gì về tình trạng của tôi hiện nay. Anh thật tốt!
- Xưởng sắt của anh thế nào rồi?
- Không được thuận lợi lắm. - Anh Fujiki vừa
gãi gãi đầu vừa nói. - Công ty càng làm càng lỗ, anh thât sự rất muốn đóng cửa
xưởng, nhưng còn bao nhiêu công nhân ở đó nên không thể.
Cảm nhận được sự mệt mỏi của một người đàn
ông trưởng thành, tôi thoáng nao lòng khi thấy dáng vẻ này của anh Fujiki bây
giờ, một người trước đấy lúc nào cũng hoạt bát, tràn đầy sức trẻ. Tôi chợt
thoáng thấy hình ảnh tương lai của mình, những người chờ vượt qua kỳ thi tư
pháp.
- Anh lấy vợ chưa?
- Vẫn chưa. Anh cứ mải việc xưởng sắt, giờ
đã 36 tuổi rồi. - Anh cười nói.
Một lát sau, anh chào tạm biệt ông cháu tôi
rồi ra về.
- Hồi thằng nhóc ấy mới đến văn phòng ông,
ông vẫn còn hăng hái làm việc. - Ông nói, thả mình vào dòng suy nghĩ.
- Ông à! - Tôi cắt đứt mạch cảm xúc của
ông. - Tụi con đang tỉm hiểu về ông Miyabe Kyuzo.
Nét mặt ông đanh lại. Thôi chết! Có vẻ chuyện
này khiến ông không vui.
- Chồng trước của bà Matsuno à?
Tôi bẽn lẽn giải thích chuyện chị nhờ tôi
giúp đỡ, chuyện mẹ muốn biết về người cha ruột của mình.
- Kiyoko nó… - Ông nói đến đó thì hạ giọng.
- Con cũng hiểu được tâm trạng của mẹ.
Ông ngoại nhìn như xoáy sâu vào mắt tôi.
Trong mắt ánh lên chút gì đó rất đáng sợ.
Khi bà mất, ông gào khóc thảm thiết ôm chặt
lấy bà không rời. Lần đầu tiên tôi thấy ông khóc. Các y sĩ ở bệnh viện cũng cảm
động, bất giác khóc theo. Sâu thẳm trong trái tim ông rất yêu bà. Có lẽ vì vậy
mà việc bà từng là vợ của một người đàn ông khác hẳn là một ký ức tồi tệ đối với
ông. Thời xưa, đàn ông thường đòi hỏi sự trinh bạch của phụ nữ, nhưng bà lại có
con với người đàn ông khác. Chắc chắn ông ngoại không hoan nghênh sự tồn tại của
người đàn ông tên Miyabe Kyuzo này.
- Cháu điều tra được rằng, bà ngoại và ông
Miyabe Kyuzo sống chung với nhau chẳng được mấy ngày. Nghe nói ông ấy kết hôn
xong thì ra chiến trường suốt.
Tôi cảm thông cho nỗi lòng của ông ngoại,
nhưng ông chỉ khẽ gật đầu.
- Vậy các cháu tìm hiểu vể người đó bằng
cách nào?
- Cháu viết thư cho vài hội cựu chiến binh,
tìm những người biết về ông Miyabe Kyuzo. Bọn cháu đã gặp được một người rồi ạ.
Ông ấy đã chiến đấu cùng phi đội với ông Miyabe ở Rabaul trong hai tháng.
- Ông ấy nói sao?
Tôi thoáng do dự, rồi cũng nói thật.
- Nghe nói ông Miyabe là một kẻ hèn nhát,
luôn trốn chạy trên chiến trường. - Tôi nói thêm, có pha chút tự giễu. - Cháu
thiếu ý chí thế này chắc cũng do mang dòng máu của ông Miyabe.
- Cháu nói nhảm gì thế? - Ông mắng. - Mẹ
cháu từ nhỏ đã là một đứa mạnh mẽ, chưa bao giờ nói những lời yếu đuối. Cha
cháu mất đi, một tay mẹ cháu đã quản lý văn phòng tài chính, nuôi lớn các cháu.
Chị cháu cũng kế tục dòng máu đó, là một đứa biết nỗ lực. Trong người cháu,
hoàn toàn không có thứ máu của kẻ hèn nhát.
- Cháu xin lỗi, cháu không có ý đó.
Ông nhìn dáng vẻ chán nản của tôi, hiền từ
nói.
- Kentaro à, cháu là một đứa khá hơn cháu
nghĩ đấy. Một lúc nào đó cháu sẽ nhận ra.
- Ông lúc nào cũng tốt với cháu, mặc dù...
- Mặc dù chẳng có quan hệ máu mủ gì phải
không?
- Dạ...
- Ta yêu thương cháu vì cháu là một đứa trẻ
có trái tim nhân hậu. Chị Keiko của cháu tính tình mạnh mẽ nhưng cũng là một cô
bé hiền lành.
Ông mỉm cười.
- Nói về hiền lành thì Fujiki cũng là một
chàng trai tốt. Thằng bé ấy dù chính mình chịu khổ, vẫn muốn cố gắng vì người
khác. Chính bởi tính cách đó nên bây giờ nó vẫn khổ sở với xưởng sắt.
Tôi gật đầu. Anh Fujiki đúng là một chàng
trai thật thà, tốt bụng.
- Người như vậy, đáng ra nên trở thành luật
sư... - Ông nói trong niềm tiếc nuối.
Khi anh Fujiki mới đến văn phòng của ông
ngoại thì tôi chỉ là học sinh tiểu học, chị Keiko đang học trung học. Anh ấy đã
cho tôi biết rất nhiều thứ: tiểu thuyết, những câu chuyện về lịch sử, các nghệ
sĩ vĩ đại… Cả tôi và chị đều mê những câu chuyện của anh. Ông ngoại đã từng truyền
nhiệt huyết cho anh về ước mơ trở thành một luật sư cao quý, và anh truyền lại
nhiệt huyết ấy cho tôi. Trong tuổi thơ tôi, anh ấy là chàng siêu nhân mà tôi vô
cùng ngưỡng mộ.
Nhưng thật đáng tiếc, anh Fujiki không giỏi.
Hay nói rõ hơn, anh ấy đã không vượt qua được kỳ thi Tư pháp. Anh ấy yêu tiểu
thuyết và âm nhạc hơn là sách luật. Vì vậy, ngay cả bài thi trắc nghiệm anh ấy
cũng không qua nổi. Chị tôi suốt ngày trêu chọc anh, nhưng đó là mặt trái của
tình yêu mà.
Một lần trước khi về quê, anh thuê một chiếc
xe chở hai chị em tôi đến Hakone. Tôi đang là học sinh năm thứ ba trung học,
còn chị học đại học năm thứ tư. Trước đấy khá lâu tôi nài nỉ anh đưa đi Hakone
chơi, thế rồi quên mất, nhưng anh lại nghiêm túc giữ lời. Khi đó, ở trong xe chị
tôi nói:
- Công sức mười năm, giờ thành vô nghĩa.
Anh đã thành ông chủ công xưởng ở miền quê Yamaguchi rồi nhỉ.
Khi đó, lời trêu đùa của chị không còn thân
thương như mọi lần, nhưng anh Fujiki không nổi giận, chỉ gượng cười. Nghe vậy,
tôi thật sự rất giận chị, bởi tôi luôn mong anh Fujiki được hạnh phúc.
Tối hôm đó, đã rất lâu rồi tôi mới ăn tối
cùng với mẹ. Vì bận quản lý văn phòng tài chính nên mẹ thường về muộn, chúng
tôi hiếm khi ăn tối cùng nhau. Ban đầu, văn phòng do bố mẹ tôi cùng nhau gây dựng,
nhưng mười năm trước bố tôi mắc bệnh qua đời, từ đó mẹ phải một tay lèo lái.
- Mẹ không biết gì về ông Miyabe hả mẹ?
- Bà không kể gì với mẹ cả. Có lẽ ông ấy
không phải người bà chung sống vì tình cảm. Ngày xưa nhiều người kết hôn chỉ
qua mai mối, có khi còn chưa gặp nhau lần nào mà.
- Mẹ đã bao giờ hỏi liệu bà có tình cảm với
ông hay không?
- Khi còn nhỏ, mẹ có hỏi bà một lần duy nhất.
- Bà đã trả lời ra sao ạ?
Gương mặt mẹ mơ màng nhớ lại chuyện xưa cũ.
- Bà hỏi mẹ muốn nghe câu trả lời như thể
nào.
- Như vậy nghĩa là sao ạ?
- Mẹ đã nghĩ là không có... Nhưng giờ nghĩ
lại có lẽ không phải vậy. Mà giả sử có tình cảm thật thì bà cũng không nói ra.
Bởi lúc ấy bà đang yêu ông ngoại bây giờ của con.
Tôi gật đầu. Trong ký ức của tôi, bà luôn
lo nghĩ cho ông. Hễ ông có chuyện gì bà lại chăm sóc ông từng ly từng tí. Ông
ngoại cũng rất quý trọng bà. Thật ra, bà hơn tuổi ông, nhưng khó có thể nhìn ra
được điều đó.
Khi nghe chuyện bà đã có một đời chồng trước
khi kết hôn với ông, tôi khá bất ngờ.
- Mẹ nghĩ chuyện cha mẹ đẻ của mình có yêu
nhau hay không sẽ vĩnh viễn là bí ẩn. Dù vậy, mẹ muốn biết cha mình là một
thanh niên như thế nào?
- Thanh niên ạ?
- Đúng vậy. Khi mất ông chỉ mới 26 tuổi. Bằng
Kentaro bây giờ đấy.
Lật lại trong đầu tiểu sử ông Miyabe Kyuzo,
giờ tôi mới để ý việc ông qua đời khi hãy còn trẻ.
- Mẹ đã rất muốn nghe bà kể chuyện về thời
trẻ của ông.
Tôi bạo gan hỏi mẹ một câu rất khó mở lời.
- Nếu ông Kyuzo bị đánh giá là người không
tốt thì sao hả mẹ?
- Thật vậy hả?
- Không ạ. Con chỉ giả sử thôi, lỡ trong
lúc điều tra phát hiện những chuyện ta không mong muốn đó.
- Khó nhỉ. - Mẹ suy nghĩ một chút rồi nói.
- Mẹ nghĩ lý do bà không kể lại cho con cái, bởi không chừng như vậy lại tốt
hơn.
Những lời của mẹ khiến tâm trạng tôi có
chút ảm đạm.
Tuần sau đó, tôi đến Matsuyama ở vùng
Shikoku gặp một nhân vật khác biết về ông ngoại.
Ban đầu chị Keiko định sẽ đi một mình,
nhưng ngay trước lúc lên đường chị lại nhờ tôi:
- Dù thế nào chị cũng không bỏ công việc được,
em đi thay chị nhé.
Tôi đã từ chối nhưng chị than thở rằng “Vị
trí của một nhà báo tự do thật thấp bé!” nên tôi không nỡ từ chối. Tôi không
nghĩ Keiko nói dối, nhưng chắc hẳn trong lòng chị không còn muốn nghe thêm bất
cứ câu chuyện nào như câu chuyện của ông Hasegawa.
Thế là tôi buộc phải xuống Shikoku một
mình. Tôi không hiểu sao bỗng dưng mình lại tốt bụng đến vậy, nhưng tâm trạng
tôi dần khá hơn, bởi nhờ tiền công tác gấp đôi từ chị, tôi được đi du lịch một
chuyến. Tôi dự định sau khi phỏng vấn xong sẽ thong thả đi tắm suối nước nóng
Doto.
Nhà của cựu trung úy Hải quân Ito Kanji nằm
trong một khu dân cư gần trung tâm nội thành. Dáng người ông bé nhỏ, nhưng rắn
rỏi, rất hoạt bát.
Tuy đã 85 tuổi nhưng nom chỉ chừng 70.
Ông dẫn tôi vào một phòng khách lớn, rồi
đưa tôi tấm danh thiếp của ông, trong đó để khá nhiêu chức danh. Hình như ông
là một nhân vật quan trọng của Hiệp hội Công thương địa phương. Tôi thoáng thấy
hàng chữ ghi Hội trưởng Sản vật gì đó.
- Ông mở công ty kinh doanh ạ?
- Ta đã giao lại nó cho con trai nên bây giờ
sống khá an nhàn. Hơn nữa, đó cũng không phải một công ty lớn.
Nói đến đây thì bà quản gia mang trà tới.
- Sắp đến tháng Tám rồi. Mỗi năm đến thời
gian này, ta lại nhớ về thời chiến tranh. - Ông Ito trầm ngâm. - Cháu là cháu của
Miyabe à... Người ấy có một đứa cháu thế này sao?
Ông ấy chăm chú nhìn vào mặt tôi.
- Ta chưa từng nghĩ sáu mươi năm sau chiến
tranh, cháu của Miyabe lại đến tìm ta. Đúng là cuộc đời!
Tôi nhớ đến câu chuyện của ông Hasegawa,
tâm trạng rất căng thẳng nên nhanh miệng nói một hơi.
- Thật ra cháu không biết gì về ông ngoại.
Bà ngoại cháu sau chiến tranh đã tái giá, mà trước khi qua đời cũng không kể về
ông cho bất kỳ ai trong gia đình. Mẹ cháu cũng không có ký ức nào về ông. Vì vậy,
cháu muốn tìm hiểu về cội nguồn của mình, ông ngoại cháu là người như thế nào.
Cháu phải tìm đến những người đã từng biết ông cháu để nghe những câu chuyện của
họ.
Ông Ito lặng yên nghe tôi nói. Sau đó, ông
lắc lắc đầu như thể gọi các ký ức xa xưa về, rồi đăm chiêu ngước nhìn trần nhà,
dường như không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu.
- Nghe nói ông ngoại cháu là một phi công
khá nhát gan. - Tôi mở lời.
Ông Ito nhìn tôi.
- Nhát gan? Miyabe ấy hả?
Ông ấy lặp lại nhưng không phủ định điều
đó, rồi lại ngước mắt suy nghĩ.
- Ta nghĩ Miyabe không phải một phi công
dũng cảm nhưng ông ấy là một phi công xuất sắc. Như ta đã nói trong điện thoại,
ký ức của ta về Miyabe không nhiều. Ta từng trò chuyện với ông ấy nhiều lần,
nhưng dù sao cũng là chuyện của sáu mươi năm trước nên khó mà nhớ hết.
Ta chiến đấu cùng Miyabe hơn nửa năm trên
chiến trường, từ Trân Châu Cảng đến trận Midway*. Cả hai đều là phi công trên mẫu
hạm Akagi.
*[Trận Midway là một trận hải chiến quan trọng
trong Thế chiến II tại chiến trường Thái Bình Dương, diễn ra ngày từ ngày 4/6 -
7/6/1942. Hai bên tham chiến là hạm đội Nhật Bản và hạm đội Thái Bình Dương của
Mỹ]
Mẫu hạm là cách nói tắt của hàng không mẫu
hạm. Cả chiến hạm như một sân bay thu nhỏ, đây là chiến hạm mạnh nhất trong chiến
tranh Mẫu hạm là cách nói tắt của hàng không mẫu hạm. Cả chiến hạm như một sân
bay thu nhỏ, đây là chiến hạm mạnh nhất trong chiến tranh Thái Bình Dương.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học nâng cao, ta
tham gia khóa đào tạo phi công dự bị. Từ nhỏ đến lớn ta đã trông thấy những chiếc
máy bay của Phi đội Hải quân Iwakuni gần nhà và ao ước trở thành phi công. Đó
là mẫu thanh niên Đế quốc Nhật điển hình. Khi đó, khóa phi công dự bị rất được
ưa chuộng nên tỷ lệ chọi lên đến cả trăm. Khi trúng tuyển, ta vui mừng đến mức
nhảy cẫng lên. Khóa phi công dự bị khác với khóa thao luyện. Khóa phi công dự bị
ngay khi gia nhập Hải quân đã là lính không quân, còn khóa thao luyện lại tuyển
lính không quân từ lính thủy. Miyabe đi lên từ khóa thao luyện.
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện bay, đầu
tiên ta được phân vào Phi đội Yokosuka. Chiến đấu tại đây được hai năm, tới mùa
xuân năm 1941 ta trở thành thành viên phi đội Akagi. Khi đó, lần đầu tiên ta được
lái chiếc máy bay tiêm kích tinh nhuệ Reisen. Đúng vậy, nó chính là chiếc Zero.
Thời đó, bọn ta gọi chiếc chiến đấu cơ kiểu mới là Reisen.
Tại sao nó lại được gọi là Reisen?
Reisen chính thức được sử dụng vào năm Đế
chế Nhật 2600, [Một hệ thống lịch ở Nhật Bản, dựa trên huyền thoại Thiên hoàng
Nhật Bản đăng quang vào năm 660 trước Công nguyên], tức là năm 1940, giờ thì chẳng
còn ai sử dụng lịch Đế chế nữa. Máy bay ném bom được đưa vảo sử dụng năm trước
đó - năm Đế chế Nhật 2599 là máy bay ném bom trên mẫu hạm kiểu 99*. Chiếc máy
bay tấn công từ hai năm trước đó thì gọi là máy bay tiêm kích trên mẫu hạm kiểu
97**. Cả hai đều là thành phần chủ lực trong cuộc không kích Trân Châu Cảng.
Tên chính thức của Reisen là máy bay tiêm kích Mitsubishis kiểu số 0 trên hàng
không mẫu hạm.
*[Máy bay ném bom trên mẫu hạm kiểu 99 là
kiểu máy bay ném bom bổ nhào loại Aichi D3A, tên mã của Đồng Minh là Val]
**[Máy bay tiêm kích trên mẫu hạm 97 là kiểu
máy bay ném ngư lôi loại Nakajima B5N, tên mã của Đồng Minh là Kate]
Reisen là một chiếc tiêm kích tuyệt hảo, là
chiếc chiến cơ làm Nhật Bản có thể ngẩng đầu kiêu hãnh trước thế giới. Tính
năng chiến đấu của nó vượt trội tất thảy. Khả nâng xoay vòng và lộn nhào rất ưu
việt. Nó có thể xoay vòng với bán kính cực ngắn, hơn nữa tốc độ lại rất nhanh.
Có lẽ nó là chiếc máy bay tốc độ cao nhất trên thế giới vào thời đầu cuộc chiến.
Vốn dĩ, đây là hai điểm đối lập của một chiếc
chiến cơ. Nếu xem trọng tính năng chiến đấu thì tốc độ sẽ giảm xuống, tăng tốc
độ thì sẽ phải giảm tính năng chiến đấu. Tuy vậy, Reisen lại là chiến đấu cơ kết
hợp được cả hai điểm này. Nỗ lực của hai nhà thiết kế trẻ đầy nhiệt huyết
Horikoshi Jiro và Sone Yoshltoshi đã biến điều đó thành hiện thực.
Ngoài súng máy thông thường 7.7 li, nó còn
được trang bị thêm pháo 20 li. Đạn súng máy 7.7 li chỉ tạo được lỗ thủng trên
máy bay, nhưng đạn pháo 20 li là đạn nổ nên nếu bắn trúng, nó sẽ làm nổ tung
máy bay địch. Một phát bắn bay đối thủ. Tuy nhiên, súng 20 li có nhược điểm là
vận tốc phát pháo chậm, số lượng đạn ít.
Dù vậy, thật sự không có thứ vũ khí nào
đáng gờm hơn Reisen. Tầm hoạt động của nó cũng vượt trội, có thể bay tới 3.000
cây số. Thời đó, tầm hoạt động của chiến cơ một chỗ ngồi chỉ khoảng vài trăm
cây số. Thế nên, 3.000 là con số khó mà tưởng tượng nổi.
Nói ngoài lề một chút, Đức Quốc Xã đã thất
bại trong cuộc tấn công Anh Quốc. Tại Đức, lực lượng Hải quân đã bị tê liệt. Vì
thế, họ đã dùng máy bay ném bom để tấn công Anh. Đó là trận chiến nước Anh*.
Liên tiếp những chuỗi ngày máy bay ném bom Đức vượt eo biển Dover**. Tuy nhiên,
không quân Anh dồn tổng lực đánh chặn nên lực lượng Luftwaffe đành từ bỏ cuộc
đánh bom Anh Quốc.
*[Trận chiến nước Anh là tên gọi của chiến
dịch không kích dai dẳng của Đức Quốc Xã vào nước Anh mùa hè-thu năm 1940 trong
Thế chiến II, tên tiếng Đức của chiến dịch này là Luftschlacht um England, có
nghĩa là “Cuộc không chiến dành cho nước Anh” , nhằm buộc Anh ký hòa ước và rút
khỏi chiến trường châu Âu. Đây là chiến dịch hoàn toàn bằng không lực đầu tiên
và là chiến dịch ném bom lớn nhất và dài nhất tính đến thời điểm đó của Thế chiến
II]
**[ Eo biển Dover hay eo biển Calais (tiếng
Anh: Strait of Dover hay Dover Strait; tiếng Pháp: Pas de Calais) là khúc hẹp
nhất của eo biển Manche giữa Anh và Pháp. Đây là nơi gần lục địa châu Âu nhất của
nước Anh]
Không quân Đức thất bại trước Anh là do máy
bay ném bom không được máy bay tiêm kích yểm trợ. Máy bay ném bom chứa lượng
bom đạn nặng nề, chậm, không linh hoạt. Một khi bị chiến đấu cơ tấn công thì
khó mà thoát được. Vì thế, máy bay ném bom nhất định phải có chiến đấu cơ hộ tống,
nhưng họ lại không có.
Quân Đức có một loại máy bay tiêm kích tinh
nhuệ là Messerschmitt, nhưng nó lại có một nhược điểm cực lớn, đó là tầm hoạt động
ngắn. Vì thế, nó chỉ có thể chiến đấu vài phút trên bầu trời nước Anh. Nếu cuộc
chiến kéo dài, trên đường về nếu không qua được eo biển Dover thì xem như phải
chết đuối trên biển. Bay đi và bay về qua eo biển Dover chỉ vỏn vẹn 40 cây số
mà đã khó khăn đến vậy, nếu là Reisen thì đã có thể chiến đấu hơn một tiếng đồng
hồ trên bầu trời London. Khi ấy, nếu quân Đức sở hữu chiếc Reisen thì nước Anh
hẳn đã lâm nguy.
Reisen có tầm hoạt động chiến đấu xa như vậy
vì nó là máy bay tiêm kích chiến đấu trên Thái Bình Dương. Máy bay đang trên biển,
nếu không kịp đáp vào đất liền xem như chết, nên phải bay liên tục với cự li
dài 3.000 cây số. Vả lại, nó cũng được chế tạo cho cuộc chiến trên Trung Hoa đại
lục.
Có câu: Ngựa chiến tốt có thể chạy đi nghìn
dặm, chạy về nghìn dặm.
Reisen chính là con ngựa chiến như vậy.
Reisen là chiến cơ vô địch khi kết hợp tất
cả những điểm ưu việt như tính năng vượt trội, tốc độ cao và tầm chiến đấu rộng.
Điều ngạc nhiên hơn cả là Reisen không phải máy bay chiến đấu trên đất liền, mà
được trang bị cho mẫu hạm, có thể cất cánh hạ cánh trên cái boong nhỏ hẹp của
hàng không mẫu hạm.
Nước Nhật thời đó bị xem là kém xa các nước
công nghiệp Âu Mỹ, ấy thế mà lại bất ngờ chế tạo ra chiếc máy bay chiến đấu đạt
đến độ tối ưu như thế. Ta nghĩ đây thật sự là niềm tự hào của nhân dân Nhật Bản.
Ta không cho rằng đi qua chiến tranh là điều
đáng khoe khoang, nhưng đến bây giờ, ta vẫn xem việc lái Reisen bay khắp bầu trời
là một niềm tự hào trong đời. Nếu so với tám mươi lăm năm cuộc đời thì gần hai
năm chiến đấu cùng với Reisen chỉ là một khoảng thời gian ngắn, nhưng thật đáng
sống! Những điều đó, khi về cuối đời càng trở nên quý giá.
Nói những điều này với một chàng trai trẻ kể
cũng khó mà hiểu được.
Sau khi chiến tranh kết thúc, bản thân ta
đã quên đi những trải nghiệm lái chiến đấu cơ vì mải làm việc kiếm cái ăn nuôi
gia đình, dưỡng dục con cái.
Có lẽ đến cuối đời, khi nhìn lại cuộc đời
chính mình, ta mới thấy được thời huy hoàng của tuổi trẻ. Cháu cũng vậy thôi, sẽ
đến lúc cháu nhìn lại đời mình và thấy bản thân hoàn toàn khác bây giờ. Chà, ta
lại lan man sang chuyện khác rồi.
Miyabe lên tàu Akagi vào mùa hè năm 1941. Cậu
ấy từ binh đoàn Trung Hoa đại lục chuyển đến, cùng lúc với vài phi công chuyển
từ Trung Quốc sang. Việc đầu tiên họ phải làm khi đến mẫu hạm là hạ cánh trên
tàu. Khác với đường băng trên đất liền, việc đáp máy bay xuống boong tàu đang lắc
lư dữ dội là rất khó, vì thế đối với những người mới thực hành lần đầu đây quả
là một việc rất đáng sợ.
Phi cơ của Hải quân khác phi cơ của Lục
quân ở phương pháp tiếp đất ba điểm*. Cần phải ngoắc chiếc móc ở đuôi máy bay
vào dây hãm đà, nếu không ngoắc được thì không thể đáp lên khoảnh boong nhỏ của
mẫu hạm được.
*[Là phương pháp hạ cánh đáp cả ba bánh xe
xuống cùng một lúc]
Mặc khác, trong phương pháp tiếp đất ba điểm,
để phần đuôi chúc xuống thì đầu máy bay phải hướng lên. Ghế điều khiển sẽ bị đầu
máy bay che khuất. Không thấy được sàn đáp, phi công phải đáp xuống boong bằng
trực giác. Nếu đáp vội thì đuôi tàu sẽ bị lắc mạnh. Nhưng nếu vì sợ mà cẩn trọng
thái quá, không móc vào được dây hãm đà thì sẽ đâm vào thanh chắn ở đầu tàu. Nếu
làm không khéo sẽ bay từ đầu tàu xuống biển, do đó những phi cơ đâm xuống biển
không phải là cảnh hiếm thấy. Vì thế, trong các buổi tập huấn hạ cánh trên tàu,
luôn phải có tàu khu trục* “câu chuồn chuồn”. Tên gọi đó là do nó dùng cần trục
câu máy bay rơi xuống biển, hệt như câu chuồn chuồn vậy.
*[Tàu khu trục, hay còn gọi là khu trục hạm,
là một tàu chiến chạy nhanh và cơ động, có khả năng hoạt động lâu dài bền bỉ
dùng cho mục đích hộ tống các tàu chiến lớn hơn trong một hạm đội, đoàn tàu vận
tải hoặc một chiến đoàn, và bảo vệ chúng chống lại những đối thủ nhỏ tầm gần
nhưng mạnh mẽ, thoạt tiên là những tàu phóng lôi, và sau này là tàu ngầm và máy
bay]
Nhắc đến đây, việc dây hãm đà bị đứt dù hiếm
nhưng vẫn xảy ra, điều này cực kỳ khủng khiếp. Dây thép đứt giống như roi quất
trên boong. Ta từng chứng kiến chân một người lính bảo trì bị cắt phăng, khiến
cả ngày hôm ấy ta không nuốt nổi cơm. Sau đó, vì còn chứng kiến nhiều cảnh tượng
khủng khiếp hơn trên chiến trường, nên ta dần không kinh sợ nữa. .
Bọn ta đứng xem buổi huấn luyện hạ cánh của
những đồng đội từ Trung Quốc đến. Y như dự đoán, lần đầu họ hạ cánh rất kém.
Nhưng tất cả đều là những phi cồng lão luyện trên đất liền nên cũng có người
xoay sở được, dù cũng nhiều người thất bại, lao thẳng xuống biển, khiến bọn ta
ôm bụng cười.
Vậy mà, trong số đó, lại có người cho bọn
ta xem một màn hạ cánh xuất sắc. Nhẹ nhàng đáp xuống gần chính giữa bằng góc hẹp,
ngoắc vào dây hãm đà gần đầu tàu nhất, dừng máy bay gần sát thanh chắn ngăn va
chạm.
Từ đuôi tàu đến đầu tàu có mười sợi dây hãm
đà, nếu móc vào dây gần đầu tàu nhất thì mới không cản trở thời gian hạ cánh của
máy bay phía sau.
Nhưng nếu dừng ở dây hãm đà này thì khả
năng máy bay đâm vào thanh chắn, lao xuống biển là rất lớn. Vậy mà chiếc máy
bay đó lại móc vào sợi dây phía trước nhất, chuẩn xác đáp xuống tàu.
Chúng ta ai cũng bất ngờ, thốt lên tán thưởng.
Đó chính là Miyabe.
- Chắc do ăn may thôi. - Ai đó đã nói vậy.
Sau buổi hạ cánh đó, ta bắt chuyện với
Miyabe cũng bởi ngưỡng mộ sự điêu luyện của cậu ấy trong buổi tập huấn. Miyabe
là một chàng trai cao lớn, khoảng một mét tám.
- Một màn hạ cánh ngoạn mục!
Cậu ấy cười đáp lại ta. Nụ cười đó thực sự
rất thân thiện.
- Đây là lần đầu tôi hạ cánh trên mẫu hạm,
nhưng nhờ làm theo hướng dẫn của đàn anh nên đã xoay sở được.
Lần đầu tiên hạ cánh trên tàu đã giỏi đến
thế, thì phản ứng tinh thần của cậu ấy quả là không tệ. Khi đó, dù đã hạ cánh
trên tàu đến ba mươi lần rồi, nhưng lần nào ta cũng thấy rất căng thẳng.
- Tôi vẫn chưa biết gì về mẫu hạm nên mong
được anh chỉ giáo. - Miyabe cúi đầu nói.
Ta đã hơi bối rối, bởi hiếm thấy binh sĩ
nào có cách nói chuyện như vậy. Đương nhiên, đối với cấp trên, bọn ta cũng nói
năng lịch sự như thế. Vì nếu không lễ phép sẽ bị đánh. Nhưng Miyabe lại rất lễ
độ với người ngang cấp. Quân nhân như vậy trong Hải quân Đế quốc rất hiếm.
Ta nghĩ Miyabe bị xem thường trong phi hành
đoàn có lẽ cũng bởi cách nói chuyện này. Hải quân là nơi thô lỗ, đặc biệt là thế
giới của các phi công, giống như nơi tập hợp của những gã du côn vậy. Có lẽ là
do cảnh sống mà không biết ngày mai sẽ ra sao. Vậy mà, chỉ riêng Miyabe là
không thế.
Vì sao ngay từ lần đầu gặp ta đã quý
Miyabe? Hoàn toàn đối lập với cậu ấy, ta rất nóng tính, trong đội ta là kẻ
chuyên gây gổ cãi nhau. Chắc là vì tính cách trái ngược nhau vậy nên mới thu
hút. Ngay cả những binh sĩ hạ cấp cũng đối xử với Miyabe bằng thái độ vô lễ,
nhưng cậu ta không quan tâm, luôn trả lời rất nhã nhặn. Vì thế, cậu ấy bị xem
thường.
Dù vậy, trước mặt Miyabe, không một ai dám
tỏ thái độ, bởi kỹ thuật điều khiển máy bay của cậu ấy thuộc hàng cực kỳ điêu
luyện.
Lần đầu cậu ấy hạ cánh trên tàu sân bay, có
người xấu miệng bảo rằng đó là do ăn may, nhưng sự thật không phải vậy. Những lần
sau đó Miyabe vẫn luôn đáp ở đầu tàu. Rất nhiều thành viên phi hành đoàn muốn
xem màn hạ cánh hoàn hảo của Miyabe. Có lẽ kỹ thuật hạ cánh của cậu ấy trong Hải
quân Đế quốc Nhật là số một.
Kỹ thuật hạ cánh trên tàu và năng lực chiến
đấu thường khác xa nhau.
Thế nhưng trong các cuộc không chiến,
Miyabe cũng xử lý rất tài tình. Cậu ấy đã từng bắn rơi hơn 10 chiếc chiến cơ địch
ở Trung Hoa đại lục. Khi đó, bắn được trên 5 chiếc đã là rất giỏi rồi. Ở nước
ngoài người ta gọi những người như vậy là Át chủ bài.
Dường như sự khác nhau giữa thành tích xuất
sắc và vẻ ngoài bình dị đã kéo theo những lời nói xấu sau lưng từ các đồng đội.
Để hiểu về cuộc chiến của bọn ta thì cháu cần
phải biết Kanko và Kanbaku. Đây là những từ giới trẻ bọn cháu nghe không quen
tai, nhưng ở cả hai phía Mỹ và Nhật Bản, không có loại máy bay nào chiến đấu
oanh liệt và có nhiều chiến công như Kanko và Kanbaku. Hơn nữa, tỷ lệ bị bắn hạ
của chúng là cao nhất.
Kanko là tên gọi tắt của máy bay tấn công
trên mẫu hạm, chở được ba người, nhiệm vụ chủ yếu là phóng ngư lôi. Ngư lôi
không phải là vũ khí của riêng tàu ngầm. Tấn công bằng ngư lôi được gọi là Lôi
kích - lối tấn công khủng khiếp nhất đối với các con tàu. Bởi chúng sẽ phá thủng
bụng tàu và khiến nước ồ ạt chảy vào nhấn chìm tàu. Cả Yamato lẫn Musashi vốn
được cho là những thiết giáp hạm* không bao giờ chìm cũng đã bị đánh chìm bằng
ngư lôi.
*[Một loại tàu chiến lớn được bọc thép với
dàn hỏa lực chính là pháo có cỡ nòng hạng nặng]
Kanbaku là tên gọi tắt của máy bay ném bom
trên tàu sân bay, chứa được hai người, nhiệm vụ chính là ném bom xuống các mục
tiêu đưới mặt đất.
Đây cũng là một kiểu tấn công đáng sợ. Từ độ
cao hơn 2.000 mét, nó bổ nhào xuống, ném bom phá vỡ boong và phát nổ ngay trong
tàu. Bên trong chiến hạm chứa đầy đạn pháo và nhiên liệu, nếu bị nổ thì sẽ là một
thảm họa.
Đương đầu với các cuộc tấn công của chúng
là nhiệm vụ của pháo đối không và súng máy. Tuy nhiên, những vũ khí đó chẳng phải
lúc nào cũng bắn trúng. Bắn một chiến cơ đang bay với vận tốc hơn 150 mét/giây
bằng pháo hay súng là việc rất khó.
Vì vậy, thứ hiệu quả nhất có thể bảo vệ chiến
hạm khỏi Kanko và Kanbaku là chiến cơ. Các máy bay chiến đấu sẽ bắn hạ địch trước
khi chúng tấn công tàu. Cả Kanko lẫn Kanbaku đều mang bom và ngư lôi rất nặng,
nếu bị chiến cơ nhanh nhẹn tấn công thì xem như xong đời. Vì thế, để bảo vệ
chúng, phải có chiến cơ yểm trợ. Nói tóm lại, chiến cơ trên hàng không mẫu hạm
được chế tạo với hai nhiệm vụ chính là bảo vệ tàu khỏi Kanko, Kanbaku của phe địch
và hộ tống Kanko, Kanbaku của phe ta.
Từ khi bọn ta trở thành thành viên phi hành
đoàn tàu Akagi thì những buổi tập trận khốc liệt cứ nối dài mãi “2234566”* là vậy.
*[Bài quân ca của Hải quân Nhật. Thời đó Hải
quân tập trận liên tục không có ngày nghỉ thứ Bảy hay Chủ nhật]
Khoảng thời gian đó, giờ bay của các phi
công Hạm đội Không quân Một và Hạm đội Không quân Hai đã vượt quá 1.000 giờ. Tất
cả đều đã là những phi công dày dặn kinh nghiệm. Ta nghĩ, năng lực chiến đấu của
bọn ta lúc đó chắc hẳn phải thuộc hạng mạnh nhất thế giới. Bởi bọn ta là những
phi công giỏi nhất lái những chiến cơ tốt nhất thế giới.
Sau khi kết thúc khóa huấn luyện khắc nghiệt
ở Vịnh Saiki đảo Kyushu vào giữa tháng Mười một, Hạm đội cơ động được chỉ đạo
lên phương Bắc.
Các phi công được phát trang phục mùa đông,
nhưng lại không được biết nơi đến là đâu. Bọn ta cảm giác rằng nơi này rất đặc
biệt, dù hoàn toàn không biết đó là gì.
Lúc đó, đang là thời điểm gay cấn nhất của
chiến tranh Trung-Nhật, đối thủ Trung Quốc đã rất khó xoay xở, bọn ta không
nghĩ sẽ phải chiến đấu với cả Mỹ. Đồng Minh Đức sớm đã giao chiến với Anh nên
trong tình hình đó, Nhật cũng sẽ giao chiến với Anh hoặc Mỹ. Hơn nữa, Hải quân
đã huấn luyện bọn ta chiến đấu với kẻ thù giả định là Mỹ suốt thời gian qua.
Nơi đến là vịnh Hitokappu thuộc đảo Iturup.
Ta còn nhớ biển Okhotsk tháng Mười một rất lạnh. Trong lớp sương mù lạnh lẽo,
những chiến hạm của Hạm đội liên hợp đã sẵn sàng. Quang cảnh ấy rất hùng tráng.
Ngày 26 tháng Mười một, toàn bộ phi công của
mẫu hạm được triệu tập, Phi đội trưởng đã báo rằng: “Chúng ta sẽ tấn công Trân
Châu Cảng đồng thời với việc tuyên chiến”.
Tuy rất kinh ngạc nhưng ta nghĩ điều gì đến
cũng phải đến thôi. Cảm giác căng thẳng tràn ngập các giác quan mà trước nay ta
chưa từng có. Các phi công khác chắc hẳn cũng vậy. Không một ai ngần ngại, ai cũng
mong đợi giáng cho quân Mỹ chết tiệt một đòn.
Sau đó là thông báo phân công nhiệm vụ.
Trong danh sách của đội tấn công không có
tên ta. Trước mắt ta mọi thứ tối sầm lại. Nhiệm vụ của ta là tuần tra và yểm trợ
trên không cho hạm đội, để bảo vệ mẫu hạm khỏi máy bay địch.
Ta khóc lóc cầu xin Phi đội trưởng cho tham
gia không kích Trân Châu Cảng, nhưng không được. Dù vậy, ta vẫn khồng cam tâm
im lặng được. Các thành viên nằm ngoài danh sách tham gia không kích và phi
công dự bị cũng khóc xin cấp trên.
Tối hôm đó, đã có vài cuộc tranh cãi giữa
các thành viên phi đội. Ta hiểu tâm trạng đó, mọi người đều chịu khổ kiên trì tập
luyện chỉ vì dịp này. Nếu chiến dịch thành công thì dù có chết cũng cam lòng. Đặc
biệt là những người bị luân chuyển dự bị cho phi công của Kanko và Kanbaku, tất
cả đều mang dáng vẻ ủ ê, mất nhuệ khí.
Tối hôm đó, Miyabe đã bắt chuyện với ta ở
boong sau. Dưới sàn đáp chính, đầu và đuôi của tàu Akagi đều có sàn phụ. Đó là
dấu tích của tàu chiến tuần dương được cải tiến thành mẫu hạm.
- Ito à, bảo vệ hạm đội là nhiệm vụ rất
quan trọng.
Miyabe được chọn vào đội khống chế không phận
của đợt công kích lần thứ nhất.
- Cậu có hiểu tôi hụt hẫng đến thế nào
không?
- Tôi nghĩ bảo vệ hạm đội còn quan trọng
hơn cả tấn công, bởi nhiệm vụ này bảo vệ tính mạng của rất nhiều con người.
- Vậy ta đổi đi.
- Nếu được thì tôi cũng muốn đổi cho cậu.
- Nếu vậy thì đổi đi.
Nhưng cả hai đều biết điều đó là không thể.
Bảng phân công mà Phi đội trưởng đã công bố không bao giờ thay đổi theo ý nguyện
của các phi công.
Ta ngồi bệt xuống sàn, giàn giụa nước mắt
tiếc nuối. Miyabe cũng ngồi xuống bên. Ta thẫn thờ nhìn ra biển. Bầu trời không
sao, đêm giá như đóng băng nhưng ta không cảm nhận được cái lạnh.
Miyabe không nói gì, chỉ ngồi cạnh. Một lúc
sau, ta đã dần bình tĩnh hơn, có lẽ cũng nhờ Miyabe. Bất ngờ cậu ấy nói nhỏ.
- Tôi từng nói rằng tôi đã cưới vợ rồi nhỉ?
Ta gật đầu.
- Khi từ Thượng Hải trở về, trước khi đi
Omura, tôi đã kết hôn. Hai vợ chồng mới chỉ sống với nhau được một tuần.
Lần đầu nghe cậu ấy tâm sự thế này, nên ta
hơi ngạc nhiên.
- Nếu biết trước sẽ tham gia không kích
Trân Châu Cảng thì tôi đã không cưới cô ấy.
Miyabe chỉ nói vậy rồi cười, nhưng sao ta vẫn
nhớ mãi.
Tại sao khi đó Miyabe lại nói với ta chuyện
đó. Có phải cậu ấy kết hôn vì tình yêu không? Ta đã không hỏi. Thời ấy, chuyện
kết hôn vì tình yêu rất hiếm. Cũng có trường hợp cưới gấp trước khi ra chiến
trường, bởi người thân ở nhà luôn nghĩ phải cho con kết hôn trước khi tử trận.
Dĩ nhiên là muốn có người nối dõi. Thời ấy, chấp nhận việc kết hôn chẳng có gì
to tát.
Hay đúng hơn, kết hôn là chuyện phải làm,
ta chưa từng nghĩ kết hôn là vì điều gì khác.
Những người trẻ bây giờ thì không nghĩ vậy
đâu nhỉ? Họ chỉ kết hôn khi tìm ra người bạn đời tốt nhất cho mình. Cháu gái của
ta cũng vậy, thế nên đã 30 tuổi rồi mà nó vẫn độc thân. Con bé nghĩ rằng nếu
không tìm được đối tượng tốt thì sống độc thân suốt đời cũng được. Thật khốn khổ!
Ta không rõ vì sao Miyabe lại kết hôn vội
vã như thế. Có lẽ là vì yêu. Việc cậu ấy bảo sẽ không kết hôn nếu biết sẽ tham
gia trận Trân Châu Cảng là hoàn toàn có thể hiểu.
Tuy đêm đó các phi công ồn ào cãi vã, nhưng
sáng hôm sau, tất cả đã chẳng còn chút xích mích, mỗi người đều tận lực làm tốt
nhiệm vụ được giao. Ta cũng tập trung tâm trí để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ
hàng không mẫu hạm.
Bình minh ngày 8 tháng Mười hai, ta cất
cánh tuần tra trên không. Chẳng bao lâu sau đội không kích lần thứ nhất cất
cánh. Ta nghiêm chào tiễn đội hình.
Trong suốt cuộc chiến, trên bầu trời của mẫu
hạm không có chiếc máy bay địch nào xuất hiện, nên ta cũng chẳng có cơ hội chiến
đấu.
Như cháu đã biết rồi đấy, trận Trân Châu Cảng
giành chiến thắng vang dội. Lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc không kích của hạm
đội chỉ dựa vào chiến đấu cơ, đánh chìm 5 chiến hạm và phá hỏng 3 chiếc, phá hủy
hơn 200 máy bay của cán cứ quân sự này, lập nên một chiến công vang dội chưa từng
có.
Ngay sau trận không kích Trân Châu Cảng,
phi công chúng ta và thủy thủ đoàn mẫu hạm tổ chức ăn mừng rộn rã. Riêng Miyabe
là khác.
- Sao vậy Miyabe, trông cậu không vui?
- Nghe nói hôm nay có 29 chiếc đã không
quay về.
- Đáng tiếc thật. Nhưng so với chiến công,
thì thiệt hại của chúng ta rất khiêm tốn.
Miyabe im lặng gật đầu. Khi nhìn gương mặt
của cậu ấy, ta cảm thấy hụt hẫng.
- Chiến tranh thì nhất định sẽ có người chết.
- Ta nói.
- Hôm nay tôi đã tận mắt chứng kiến một
Kanko tấn công cảm tử. - Miyabe khẽ nói. - Sau khi phóng ngư lôi, chiếc Kanko ấy
bay lên cao trên chiến hạm địch, nó đã bị trúng đạn của pháo phòng không. Tôi
bay ngay bên cạnh nên có thể thấy nhiên liệu túa ra từ cánh. May mắn sao, nó
chưa bị bắt lửa. Chiếc Kanko đã quay đầu hướng trở về tàu, nhưng nó lại nhanh
chóng xoay vòng, một lần nữa hướng về Trân Châu Cảng. Tôi cũng xoay lại bay bên
cạnh. Khi đó, phi công điều khiển Kanko quay về phía tôi, chỉ ngay phía dưới, rồi
bổ nhào xuống, đâm vào chiến hạm địch.
Ta nghe câu chuyện của Miyabe, bất giác
rùng mình. Thực ra ta đã nghe nói nhiều máy bay không quay về hôm ấy là vì cảm
tử. Chúng ta đã được lệnh rằng, nếu bị trúng đạn trong cuộc không kích và thấy
khó có thể quay về thì phải tấn công cảm tử. Chúng ta cũng được dạy rằng, không
thể sống mà chấp nhận sự nhục nhã của một tù nhân, nên ta nghĩ điều đó là đương
nhiên.
- Trước khi đâm xuống, ba thành viên phi đội
hướng về phía tôi, nghiêm chào với gương mặt tươi cười.
- Họ là những chiến binh chân chính!
Miyabe lại gật đầu.
- Từ lúc họ tạm bay lên cao cho đến khi bay
hướng về Trân Châu Cảng một lần nữa, chưa đến vài phút. Trong khoảnh khắc đó, họ
đã nhận thấy tình trạng hư hại của máy bay nên không bay về hạm đội. Trong khoảng
thời gian rất ngắn, cả ba đã quyết định cảm tử.
Máy bay cường kích trên tàu sân bay có phi
hành đoàn gồm ba người: phi công, trinh sát viên, thông tín viên. Cả đội phải đồng
tâm hiệp sức, nếu không chung một hơi thở thì không thể phóng ngư lôi thành
công được.
Mối liên kết này đôi khi còn khăng khít hơn
cả tình bạn. Mà không, tình bạn là từ không diễn tả hết được. Có câu Vẫn cảnh
chi hữu*, giữa phi công máy bay công
kích và phi công máy bay ném bom là thứ tình bạn như vậy. Có thể việc tấn công
cảm tử là do phi đội trưởng quyết định, rồi truyền đạt cho hai người còn lại.
Sau đó, hai người ấy đồng ý lập tức.
*[Nghĩa là bạn bè hoạn nạn có nhau]
- Gương mặt họ rất tươi cười, tôi đã không
nghĩ rằng đó là gương mặt của những người đang đi vào cõi chết.
- Có lẽ do họ đã đem về chiến thắng vẻ
vang.
- Đúng vậy. - Miyabe suy nghĩ một chút rồi
đáp.
- Tôi cũng muốn khi mình chết đi, có thể
mãn nguyện vì đã góp phần mang lại một chiến thắng vẻ vang.
Miyabe im lặng một lúc lâu, rồi bất ngờ khẽ
nói.
- Tôi không muốn chết.
Ta thật sự kinh ngạc. Ta chẳng thể ngờ những
lời ấy lại phát ra từ miệng của một quân nhân Hải quân Đế quốc.
Hiển nhiên, con người không ai muốn chết.
Nhưng ta nghĩ đã là quân nhân thì phải dẹp bỏ bản năng đó. Giống như con người
kiềm chế nhiều bản năng và dục vọng để sống trong xã hội, quân nhân có thể dẹp
bỏ khao khát muốn sống là việc rất quan trọng. Phải vậy không? Nếu cứ mải suy
tính về việc phải sống sót thì không thể tập trung chiến đấu cho ra trò được.
Trong trận chiến lần này, quân đội chúng ta
đã giành chiến thắng rực rỡ.
Dù vậy, chúng ta cũng mất 29 chiếc máy bay
và 55 người hy sinh. Bây giờ ta đã hiểu ra. Đối với những người thân của các phi
công đã hy sinh, nỗi đau mất mát lớn hơn nhiều so với niềm vui chiến thắng,
nhưng... Dù là cuộc chiến hàng ngàn người hy sinh oanh liệt hay chỉ có một người
ngã xuống, thì đối với những người đang sống, nỗi mất mát người thân đều đau đớn
như nhau.
Nhưng lúc đó ta không hiểu điều ấy. Ta còn
nhớ cảm giác khinh bỉ của ta đối với câu nói “không muốn chết” của Miyabe. Lời
đó một quân nhân Hải quân Đế quốc, hay ít ra là phi công chiến đấu, tuyệt đối
không được nói ra.
Từ khi trở thành phi công, bọn ta đã phải nhận
thức rõ rằng “Sẽ không chết trên tấm chiếu Tatatmi”.
- Tại sao cậu không muốn chết?
- Tôi đã có vợ. Vì vợ mình, tôi không muốn
chết. Đối với tôi, sinh mệnh quan trọng hơn tất cả. - Miyabe nhỏ nhẹ trả lời.
Trong khoảnh khắc, ta không nói được lời
nào, thực sự thấy rất khó chịu.
Tâm trạng này giống việc chúng ta hỏi một
tên trộm “Tại sao mày lại trộm đồ?” và nhận được câu trả lời rằng “Bởi vì tao cần
tiền”.
- Ai mà không quý mạng sống của mình chứ.
Hơn nữa, ai mà không có gia đình. Tuy chưa có vợ nhưng tôi cũng có cha mẹ mà. -
Ta kịp nuốt lại câu: “Dù không muốn chết cũng đừng có nói ra chứ”.
Miyabe cười gượng.
- Tôi là nỗi nhục của Hải quân Để quốc phải
không?
- Có lẽ vậy. - Ta nói.
Miyabe cúi mặt, im lặng.
Ông Ito đột nhiên im lặng.
Ông khoanh tay, nhắm mắt lại, không nói gì
nữa. Một lúc lâu sau, ông mới khẽ nói tiếp.
- Miyabe là một chàng trai kỳ lạ. Khoảng thời
gian đó, phi công bọn ta sống trong một thế giới lạ thường, thế giới gắn liền với
cái chết và cái chết đã chiếm mất gần một nửa rồi. Một thế giới mà chúng ta
không được phép sống bằng cảm giác sợ hãi. Vậy mà Miyabe lại sợ chết. Cậu ấy đã
sống cuộc sống thường nhật trong thời chiến, tại sao cậu ấy lại có thể có suy
nghĩ đó chứ?
Đó không phải là câu mà tôi trả lời được,
hoặc giả ông đang tự hỏi chính mình.
- Sau chiến tranh, ta xuất ngũ và cưới vợ.
Khi có gia đình ta đã hiểu được suy nghĩ vì vợ mà không muốn chết của Miyabe...
Dù vậy, chiến tranh không phải cuộc chiến của một người. Có lúc phải hy sinh bản
thân để chiến đấu.
- Cháu không hiểu.
- Thật ra cũng có chuyện như vậy. Tháng Hai
năm 1942, khi oanh kích Cảng Darwin, do súng máy gặp sự cố nên Miyabe đã quay về
rất sớm. Chiến cơ yểm trợ dù không bắn được cũng có thể xua đuổi kẻ thù. Hơn nữa,
đối với Kanbaku thì chỉ cần có Reisen ở bên cạnh là vững tâm rồi. Mặc dù vậy,
Miyabe đã rút lui quá sớm.
- Vậy ạ?
- Nói nghe hơi có vẻ khoe khoang, nhưng nếu
là ta, ta sẽ cứ thế mà đi, cho dù có bị bắn rơi đi nữa.
Tôi lặng lẽ gật đầu.
- Mong cháu đừng hiểu lầm. Ta không có ý
trách quan điểm của Miyabe. Chỉ là, dù thế nào ta cũng không thấy nó chính
đáng. Trước mặt cháu mà lại nói những lời như thế thật xin lỗi. Mong cháu bỏ
qua cho.
Ông Ito cúi thấp đầu và nói. Tôi cảm nhận
được thành ý từ ông. Ngay lúc đó, có tiếng gõ cửa, một bà lão quý phái bước
vào.
- Đây là vợ ta.
Bà đặt cà phê đá và bánh lên bàn rồi nói.
- Mời dùng!
Sau đó rời khỏi phòng.
- Ta cưới bà ấy sau chiến tranh. - Ông nói
và cười bẽn lẽn. - Là kết hôn nhờ mai mối.
Ông chuyển hướng nhìn, lướt nhanh qua một tấm
hình hai người chụp chung.
- Bà thật chu đáo ạ!
- Đó là điểm tốt của bà ấy. Đúng vậy, bà ấy
thực sự tận tâm với ta. - Ông Ito trầm ngâm nói.
- Tấm hình này chụp ở đâu vậy ạ?
- Ở Hawaii. Ba năm trước chúng ta đi du lịch
để kỷ niệm đám cưới vàng.
Nghe nói đến Hawaii, tôi hơi ngạc nhiên.
Ông Ito như đoán được nên nói thêm.
- Lần đầu ta đến đó.
Tôi nhìn lại tấm hình. Ông Ito đứng thẳng,
tay phải nắm chặt tay vợ, đằng sau là biển xanh vỗ bờ.
- Khi cháu ta còn nhỏ, ta thường hay nói với
nó rằng: “Ông đã từng đến Hawaii đấy”. Nhưng sự thật là ta chưa bao giờ bay
trên bầu trời Hawaii. Đã qua 60 năm rồi, đến giờ ta vẫn còn tiếc.
- Vậy sao ông?
- Nhưng nếu đã có mặt ở đó, không chừng ta
đã chẳng thể gặp những đứa cháu hay vợ ta rồi. - Ông Ito cười.
Tôi chợt nhớ đến chuyện 55 phi công đã hy
sinh trong trận Trân Châu Cảng. Dường như ông Ito cũng nhớ đến chuyện đó, cặp mắt
nhìn xuống.
Sau một khoảng lặng, ông Ito nói tiếp.
- Trận Trân Châu Cảng cũng có điều đáng tiếc.
- Là gì vậy ạ?
- Là chuyện chúng ta đánh lén, tấn công mà
không tuyên chiến.
- Nói đúng hơn, lời tuyên chiến đã đến muộn.
- Đúng vậy. Chúng ta được nghe chỉ thị rằng
sẽ tấn công Trân Châu Cảng cùng lúc với lời tuyên chiến. Nhưng mọi việc đã
không điễn ra như vậy, bởi nhân viên Đại sứ quán Nhật tại Mỹ mất nhiều thời
gian để giải mã bản tuyên chiến, nên khi đưa đến tay bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ
thì đã trễ. Nguyên nhân là ngày hôm trước, nhân viên Đại sứ quán có tiệc chia
tay gì đó nên họ uống đến khuya và hôm sau đã đi làm muộn.
- Vậy ạ?
- Vì một bộ phận nhân viên Đại sứ quán mà
chúng ta phải mang cái danh ô nhục là quân đánh lén. Cả nước Nhật bị dán cái
nhãn dân tộc hèn hạ. Chính tai bọn ta đã nghe rằng sẽ tấn công cùng lúc với
tuyên chiến. Việc đó lại thành ra thế này... Thật chẳng có gì đáng tiếc hơn.
Mặt ông Ito méo mó.
- Thời đó, Mỹ luôn gây áp lực lên Nhật Bản,
nhưng dư luận trong nước họ lại phản đối tham chiến. Trước chiến tranh chúng ta
đã nghe nói Mỹ là quốc gia không có lịch sử, dân tộc cũng hỗn tạp nên không có
lòng yêu nước, quốc dân thì vui sống hưởng lạc với chủ nghĩa cá nhân. Họ hoàn
toàn không có lòng cống hiến sinh mệnh cho Tổ quốc hay Thiên hoàng như chúng
ta. Đô đốc Yamamoto định nhấn chìm thiết giáp hạm của họ trên Thái Bình Dương
trong trận này để làm mất tinh thần của nhân dân Mỹ.
- Kết quả hoàn toàn ngược lại ông nhỉ.
- Đúng thế. Nhờ tuyên truyền về sự bỉ ổi của
kẻ đánh lén, dư luận Mỹ qua một đêm đã đòi sang đánh Nhật, người đến đăng ký
gia nhập Hải quân Lục chiến tăng ồ ạt.
Ông Ito kể tiếp.
- Hơn nữa, thực sự cũng không thể nói đó là
một chiến thuật hoàn toàn thành công. Quân ta đã tiêu diệt tàu chiến và máy bay
Mỹ nhưng ụ tàu, kho trữ dầu và các cơ sở quan trọng khác trên đất liền của họ vẫn
nguyên vẹn. Nếu phá hủy hoàn toàn những thứ đó mới xóa được vai trò căn cứ quân
sự của Hawaii, quyền bá chủ Thái Bình Dương cũng hoàn toàn thuộc về đất nước
chúng ta. Các phi đội trưởng đã đệ trình kế hoạch đợt công kích thứ ba, nhưng
không được chấp thuận. Đô đốc Hải quân Đại tướng Nagumo Chuichi đã chọn rút
quân. Bây giờ nghĩ lại, Đô đốc Nagumo không có tài chỉ huy. Sau đó, tại Thái
Bình Dương, Hải quân Nhật đã nhiều lần bỏ lỡ các cơ hội quyết định, đều do sự
thiếu năng lực quyết đoán và sự dũng cảm của người chỉ huy.
Ông Ito thở hắt ra.
- Ta lại nói lan man rồi, phê phán Hải quân
giờ cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chúng ta quay lại chuyện của Miyabe nào. Sau khi
kết thúc trận không kích Trân Châu Cảng, trên đường trở về Nhật Bản chúng ta
nghe những phi công của đội chiến cơ kể lại rằng đội không kích tấn công rất
oanh liệt. Đội trực phòng vệ mẫu hạm bọn ta nghe rất háo hức nhưng đồng thời
cũng có chút đố kỵ.
Ai đó đã vô tình hỏi Miyabe. “Tàu chiến của
Mỹ như thế nào?”. Khi đó Miyabe trả lời rằng “Hàng không mẫu hạm không có ở
đó”. Mọi người đều sững sờ, Miyabe không quan tâm và nói tiếp. “Ở Trân Châu Cảng
chỉ toàn tàu chiến”.
Chuyện đó thì ai cũng biết rồi. Việc không
thấy bóng dáng của hàng không mẫu hạm đã khiến đội không kích ngậm ngùi tiếc nuối.
Vì thế, giờ nói lại chuyện đó thì để làm gì.
Miyabe không màng để ý đến tâm trạng của bọn
ta, nói tiếp. “Một lúc nào đó hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ tấn công chúng ta, như
chúng ta đã làm hôm nay. Chính vì thế chúng ta đã muốn tiêu diệt hàng không mẫu
hạm trước”.
“Đúng vậy, một lúc nào đó chúng ta sẽ chiến
đấu với chúng”. Ai đó đáp.
“Chẳng phải tung đòn trước mới thú vị sao”.
Mọi người cười ồ trước câu nói đùa của ai đó. Một người trong nhóm tự vệ nói:
“Chẳng chừa phần cho bọn ta gì cả”.
“Đúng đấy. Lần sau tôi muốn tham gia đội tấn
công, không phải là bảo vệ mẫu hạm nữa”.
Các phi công trong đội phòng vệ mẫu hạm đếu
đồng thanh: “Đúng vậy, đúng vậy”. Mọi người đều cười, nhưng riêng Miyabe thì
không.
“Rồi ngày đó sẽ đến”. Cậu ấy lặng lẽ nói.
“Nếu ngày đó đến, mẫu hạm Mỹ sẽ dễ dàng bị
đánh bại. Chẳng phải vậy sao?”
Ai đó đáp lại, và lần đâu tiên Miyabe mỉm
cười.
“Tôi cũng nghĩ vậy. Hôm nay là lần đầu tôi
thấy Kanko và Kanbaku không kích, thực sự quá ngoạn mục. Kỹ năng của họ rất
tinh nhuệ. Tôi không rõ máy bay tấn công của Mỹ thế nào nhưng chắc không đạt đến
kỹ thuật như vậy đâu”.
Đó không phải là lời khí thế của một người
anh dũng, mà do người trầm tính như Miyabe hững hờ nói, nhưng lại làm những lời
đó đầy sức hút.
Chính vì mọi người đều biết tài năng của cậu
ấy nên những nhận xét đó rất có trọng lượng. Trong lòng ta lúc ấy rất tiếc nuối
vì không thể chứng kiến cuộc tấn công của phi đội ta tại Trân Châu Cảng.
“Chúng ta sẽ thắng chứ?”
“Thật lòng mà nói, tôi nghĩ chúng ta sẽ chiến
thắng áp đảo”, Miyake trả lời.
Những lời của Miyabe đã đúng, nhưng theo một
khía cạnh khác lại sai.
Chiến hạm cơ động do Đô đốc Nagumo chỉ huy
sau đó đã càn quét Thái Bình Dương. Chiến hạm cơ động chính là hàng không mẫu hạm.
So với thiết giáp hạm thì tàu sân bay có tốc độ và tính cơ động tốt hơn nên được
gọi là như vậy.
Quân ta tung hoành ngang dọc từ New Guinea ở
phía Nam sang Ấn Độ Dương ở phía Tây. Trong lúc đó, nhiều tàu địch đã bị máy
bay trên tàu sân bay đánh chìm. Đô đốc Yamamoto Isoroku đã nói: “Nửa năm là đủ
để chúng ta bành trướng”. Nó đúng là một cuộc chiến bất khả bại.
Dĩ nhiên, đội cơ động của ta cũng bị máy
bay địch công kích không ít lần, nhưng đội Reisen bảo vệ mẫu hạm đã không để
cho chúng làm được gì.
Khi đó, chẳng có chiếc chiến đấu cơ nào thắng
nổi Reisen. Hơn nữa, nếu nói lực lượng phi công chiến đấu của quân đoàn Nagumo
là số một thế giới cũng không sai.
Kỹ thuật của đội tấn công gần như đến mức
xuất thần. Xác suất đánh trúng của máy bay ném bom bổ nhào khi đánh chìm tuần
dương hạm và mẫu hạm cỡ nhỏ của Anh tại Ấn Độ Dương là gần 90%.
Quân đoàn của tướng Nagumo đã kiểm soát
toàn bộ Thái Bình Dương.
Bây giờ, kẻ nắm được quyền kiểm soát đại
dương, không còn là quốc gia có thiết giáp hạm mạnh nhất, mà là đất nước có
hàng không mẫu hạm mạnh nhất. Điều này đã làm thay đổi kiến thức quân sự từ trước
đến nay.
Trong một thời gian dài, thế giới được cho
là thời đại của chủ nghĩa tàu to súng lớn, các cuộc hải chiến được định đoạt bởi
cuộc chiến của những thiết giáp hạm. Thiết giáp hạm là binh khí lợi hại nhất
trong lịch sử. Để đoạt được quyền kiểm soát hải phận thì phải có những chiến hạm
hùng mạnh.
Đế quốc Anh thống trị thế giới cũng vì sở hữu
nhiều thiết giáp hạm hùng mạnh. Nhìn cảnh những con tàu đen* của Mỹ đến Uraga
đã gây kinh hoàng thế nào cho chế độ Mạc phủ** mới hiểu thiết giáp hạm là thứ
vũ khí lợi hại đến thế nào.
*[Cách người Nhật thời Edo gọi những con
tàu đến từ phương Tây]
**[Mạc phủ: là hành dinh và là chính quyền
của tầng lớp võ sĩ Nhật Bản. Thông thường, hành dinh là nơi sống và lãnh đạo của
người đứng đầu chính quyền quân sự, tức vị tổng tư lệnh quân đội Shogun. Chế độ
Mạc phủ kéo dài từ năm 1192-1867 trong khi triều đình Thiên hoàng chỉ làm bù
nhìn]
Hàng không mẫu hạm xuất hiện sau Thế chiến
I. Tuy vậy, máy bay thời bấy giờ là máy bay cánh kép. Mẫu hạm cũng chỉ là những
chiếc tàu đóng vai trò hỗ trợ, có thể đánh chìm các tàu cỡ nhỏ, chứ không đánh
chìm được những tàu lớn như thiết giáp hạm.
Tuy nhiên, nhờ sự phát triển thần kỳ của
máy bay, sức mạnh của tàu sân bay đã tăng lên lúc nào không hay.
Điều này được chứng minh bằng cuộc mở màn
không kích Trân Châu Cảng. Chỉ bằng máy bay mà 5 thiết giáp hạm đã bị đánh
chìm. Cho đến lúc đó, thiết giáp hạm vẫn được xem là yếu tố chủ lực của cuộc
chiến giành quyền kiểm soát biển trong suốt hàng trăm năm, nhưng giờ đã phải
nhường ngôi vị đó cho mẫu hạm.
Còn có một cuộc chiến khác nữa chứng minh
thiết giáp hạm không còn đóng vai trò chủ chốt trên biển.
Đó là hai ngày sau trận Trân Châu Cảng.
Ngoài khơi vùng biển phía Đông bán đảo Mã Lai, cuộc công kích bằng máy bay đã
đánh chìm chiếc thiết giáp hạm mới toanh Prince of Wales và tuần dương hạm Repulse
của Hạm đội Viễn Đông, niềm tự hào của Anh quốc. 30 máy bay tiêm kích trên tàu
sân bay kiểu 96 xuất phát từ căn cứ Sài Gòn đã tiến hành tấn công bằng ngư lôi,
đánh chìm hai chiếc chiến hạm đó của Anh. Đây là cuộc hải chiến mà sau đó
Churchill gọi là “Sự kiện gây sốc nhất trong Thế chiến II”.
Các chiến hạm bị đánh chìm trong trận Trân
Châu Cảng vì bị đột kích tại nơi neo đậu, còn hai chiếc chiến hạm Anh này bị
tiêu diệt hoàn toàn trong lúc đang chiến đấu, nên theo cách nào đó sự kiện này
gây chấn động hơn hẳn Trân Châu Cảng. Cuộc hải chiến này đã chứng minh rằng các
thiết giáp hạm không có chiến cơ yểm trợ sẽ trở thành mồi ngon cho các phi cơ.
Cuộc quyết chiến giữa các hạm đội thiết
giáp hạm như chiến tranh Nga - Nhật sẽ không còn xảy ra nữa. Cuộc quyết chiến hạm
đội thật sự sẽ trở thành cuộc chiến giữa các mẫu hạm. Thời đó, quân ta có 6 mẫu
hạm chính quy, trong khi Hạm đội Mỹ trên Thái Bình dương có 5 chiếc. Bọn ta
nóng lòng chờ cụộc quyết chiến giữa các tàu sân bay mà một ngày nào đó sẽ xảy
ra.
Cơ hội đó cuối cùng cũng đến sau nửa năm kể
từ khi khai chiến. Đó là vào tháng Năm năm 1942, khi mẫu hạm của quân ta đang
chi viện cho tàu vận tải của Lục quân trong chiến lược đánh chiếm cảng Moresby
và mẫu hạm của Mỹ có nhiệm vụ ngăn chặn chiến lược chiếm đóng Moresby đụng độ.
Đó là cuộc chiến của những mẫu hạm chính quy lần đầu tiên trong lịch sử thế giới.
Nhân nói đến đây, cho đến tận bây giờ không có trận chiến nào giữa các mẫu hạm
ngoài trận Nhật-Mỹ.
Thật đáng tiếc, con tàu Akagi lại không
tham gia vào trận chiến đó. Tham chiến bên phe ta là các mẫu hạm Shokaku va
Zuikaku của Hạm đội Không quân Năm, phe địch là các mẫu hạm Lexington và
Yorktown.
Trong trận hải chiến Biển San Hô này, phe
ta đã đánh chìm chiếc Lexington và khiến Yorktown hư hỏng nặng. Shokaku phe ta
chỉ bị hư hỏng một nửa, còn Zuikaku vẫn nguyên vẹn. Trong cuộc chiến giữa các mẫu
hạm lần đầu tiên trong lịch sử, Hải quân Nhật Bản đã được công nhận là bên chiến
thắng.
Khi đó kỹ thuật của phi công tàu Akagi và
Kaga của Hạm đội Không quân Một được cho là cao nhất. Họ được gọi tắt là Không
chiến Một. Tiếp theo là Hiryuu và Soryuu của Hạm đội Không quân Hai, Shokaku và
Zuikaku của Hạm đội Không quân Năm có phần hơi kém. “Nếu bươm bướm, chuồn chuồn
cũng là chim thì Hạm đội Không quân Năm cũng là chim”. Đó là bài hát xuyên tạc
chúng ta vẫn hay hát. Vì thế khi nghe tin về trận hải chiến Biển San Hô, phi
công đội Một bọn ta tiếc rẻ, “Nếu là chúng ta thì thế nào cũng đánh chìm cả hai
mẫu hạm Mỹ đó”.
Trong lòng bọn ta cũng sôi sục mong muốn sớm
giao chiến một trận với mẫu hạm địch. Và cơ hội đó đã đến sau đó một tháng.
Đúng, đó là trận hải chiến Midway. Trận này
cũng khá nổi tiếng. Kết quả là 4 chiếc mẫu hạm Nhật bị đánh chìm một lúc, gồm
Akagi và Kaga của Hạm đội Một, hạm đội mạnh nhất mà Hải quân tự hào cùng Hiryuu
và Soryuu của Hạm đội Hai.
Sau chiến tranh, ta đọc nhiều sách viết về
nguyên nhân thất bại của trận Midway. Có lẽ tất cả là do sự kiêu ngạo của quân
ta.
Kế hoạch tấn công Midway đã bị rò rỉ toàn bộ
từ trước. Nguyên nhân là mật mã đã bị phá. Tuy vậy, lúc đó Ban giải mã của Mỹ
không biết mục tiêu công kích được gọi là AF của quân đội Nhật Bản là nơi nào.
Vì thế, quân Mỹ ở căn cứ quân sự Midway đã gửi đi một dòng điện tín giả với câu
văn đơn thuần là “Thiết bị lọc nước biển bị hỏng, thiếu nước ngọt”. Trong ngày
hôm đó, quân Nhật đã gửi đi bức mật mã “AF đang trong tình trạng thiếu nước”.
Nhờ thế, quân Mỹ đã biết AF chính là
Midway.
Quân Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng đợi quân ta.
Đương nhiên, Bộ Tư lệnh Hạm đội liên hợp hẳn cũng đã dự đoán được việc này. Chiến
lược tấn công đảo Midway vốn cũng bao gồm mục đích nhử và tiêu diệt mẫu hạm.
Nói cách khác, đó là lý do Hạm đội Mỹ đã xuất hiện.
Toàn bộ Hải quân đang dâng tràn khát vọng
chiến thắng. Các tham mưu vẫn nghĩ phải chăng tàu sân bay Mỹ sợ quân ta nên
không xuất hiện. Sau chiến tranh ta mới biết, trong khi diễn ra trận chiến, một
Tư lệnh nọ dò hỏi Tham mưu Không quân Genda Minoru: “Nếu mẫu hạm đến Midway thì
phải làm sao?”. Nghe nói tướng Genda đã trả lời rằng: “Dễ như búng ngón tay”.
Dĩ nhiên là thế.
Hơn nữa, trước đó không lâu, tại vịnh Hashirajima thuộc
Hiroshima trong lúc diễn tập trên bản đồ trận Midway phân chia ta và địch, các
tham mưu đã giả định cho mẫu hạm Nhật Bản trúng chín quả bom. Khi đó, tham mưu
Ugaki đã nói: “Bây giờ là một phần ba, ba phát”.
Sau đó họ tiếp tục diễn tập bình thường, dường
như không hề suy nghĩ lại về chiến lược. Ta không hiểu diễn tập để làm gì nữa.
Còn những sơ suất khác. Chúng ta đã bố trí
hạm đội tàu ngầm để thăm dò việc xuất hiện của mẫu hạm ngoài khơi Hawaii, thực
tế đội tàu ngầm đã chậm hơn sau khi mẫu hạm Mỹ có mặt. Có lẽ việc này là do
chúng ta vẫn nghĩ rằng mẫu hạm Mỹ sẽ không xuất kích.
Diễn biến ngày hôm ấy hơn sáu mươi năm rồi
ta vẫn còn nhớ rõ. Đó là ngày tồi tệ nhất đối với Hải quân, không, chính xác là
đối với Nhật Bản. Dĩ nhiên, những thất bại kinh khủng hơn thế đã lặp lại rất
nhiều lần sau đó, nhưng tất cả đều bắt đầu từ trận Midway này.
Hôm đó, từ sáng ta đã tham gia đội hộ tống
máy bay ném bom tấn công căn cứ đất liền đảo Midway.
Kế hoạch là không kích căn cứ trên đảo
Midway. Dù vậy, chúng ta cũng không quên cảnh giác đội cơ động của địch có thể ở
đâu đó. Vì vậy, chúng ta đã chuẩn bị các máy bay trinh sát.
Cuộc chiến giữa các mẫu hạm được quyết định
bởi những máy bay trinh sát. Phát hiện và tấn công các đội cơ động đang di chuyển
với vận tốc cao trên Thái Bình Dương rộng lớn trước quân địch dù chỉ một giây,
chính là cuộc chiến của các hàng không mẫu hạm.
Thực ra, lúc đó có một chuyện kỳ lạ đã xảy
ra. Mỹ và Nhật đều đưa đội tấn công đi tìm đối phương nhưng cả hai đều không tiếp
cận được quân địch, đợt tấn công đầu tiên chưa đánh đã tan, khi đó đã xảy ra một
chuyện.
Đội tấn công của Hạm đội Không quân Năm
không phát hiện được đội cơ động của địch mà trời đã chập tối nên quyết định
quay về mẫu hạm. Tuy nhiên việc hạ cánh trên tàu vào ban đêm là rất khó. Vì thế,
chiếc máy bay đầu tiên không hạ cánh được cứ thế bay qua bên trên. Chỉ đến khi
tiếp cận chiếc chiến hạm, họ mới phát giác đó là mẫu hạm Mỹ mà họ đã cất công
tìm kiếm. Phi công máy bay trinh sát muốn hạ cánh khi ấy chắc hẳn đã rất hoảng
sợ khi tưởng rằng đó chính là mẫu hạm phe ta.
Cuộc chiến của các phi đội cơ động tốc độ
cao là thứ phiền hà đến mức đó. Mẫu hạm hai bên đều di chuyển với tốc độ cao, mỗi
giờ xấp xỉ 50 cây số. Qua hai giờ đồng hồ thì khoảng cách giữa ta và địch đã lệch
khỏi vị trí xa nhất là 200 cây số. Bởi thế, đội tấn công phe ta nhầm lẫn một
khoảng cách lớn từ vị trí xuất phát khi trở về tàu sân bay là đương nhiên.
Chính vì thế, nên mới có chuyện suýt hạ cánh nhầm vào tàu địch. Chắc hẳn tàu
sân bay địch cũng rất kinh ngạc.
Cuối cùng, đội tấn công đó bay khỏi mẫu hạm
địch trở về phe mình. Thực là một chuyện hài hước!
Sáng hôm sau, mẫu hạm của hai bên lại đưa đội
trinh sát đi tìm mục tiêu.
Khi gần hết nhiên liệu, máy bay trinh sát của
tàu Shokaku mới tiếp cận hạm đội của địch, liền gửi thông báo. Ngay lập tức đội
tấn công từ Shokaku và Zuikaku xuất phát, giữa đường thì gặp đội trinh sát đang
trên đường trở về tàu. Máy bay trinh sát bèn quay đầu lại, dẫn đội tấn công phe
ta đến vị trí tàu sân bay của địch. Máy bay trinh sát đã gần hết nhiên liệu,
nên việc đó đồng nghĩa với việc bản thần họ không thể còn sống quay trở về.
Chiếc máy bay trinh sát đó là máy bay tấn
công trên mẫu hạm kiểu 97, cơ trưởng là Hạ sĩ trinh sát Kanno Kenzo. Trên cùng chiếc phi cơ đó là phi
công Nhất đẳng phi tào Goto Tsuguo, điện tín viên Nhị đẳng phi tào Kishida
Seijiro. Cả ba người họ vì mong đội tấn công của phe ta thắng trận nên đã không
màng đến mạng sống của mình.
Ta xin lỗi, đến từng này tuổi rồi còn mau
nước mắt. Đội tấn công thật sự đã không uổng phí sự hy sinh của nhóm Hạ sĩ
Kanno. Họ đã tiêu diệt hoàn toàn hạm đội cơ động địch, đánh chìm Lexington và
phá hỏng Yorktown.
Cùng lúc đó, Shokaku và Zuikaku cũng bị máy
bay công kích của địch tấn công, nhưng nhờ uy lực dũng mãnh của Reisen yểm trợ
nên máy bay ném bom và máy bay tấn công của địch hầu như đều bị bắn hạ. Shokaku
bị trúng ba phát pháo nhưng Zuikaku thì vẫn lành lặn. Khi đó, trong đội yểm trợ
hạm Zuikaku có Iwamoto Tetsuzo, người sau này trở thành phi công át chủ bài của
Nhật.
Mặc dù trận này thắng về chiến thuật nhưng
lại thua về chiến lược, bởi mục đích ban đầu của Nhật là đánh chiếm cảng
Morebsy đã bị phá sản.
Nhiệm vụ của Hạm đội Không quân số Năm là hộ
tống tàu vận tải của Hạm đội Lục quân. Nhưng sau cuộc chiến của các mẫu hạm, Đô
đốc Inoue Shigeyoshi đã cho rút tàu vận tải về. Mặc dù Hạm đội cơ động địch đã
rút về sau khá xa, nhưng ông vẫn lo lắng và cho ngưng chiến dịch. Quyết định
này đã khiến mọi sự cố gắng của các binh sĩ ở tuyến đầu thành ra vô nghĩa.
Vì vậy mà sau đó, trong kế hoạch đánh chiếm
cảng Moresby, Lục quân chỉ mang theo lương thực cho một lượt đi, quyết thực hiện
chiến lược cực kỹ liều lĩnh là vượt dãy Owen Stanley bằng đường bộ, khiến hàng
vạn người hy sinh.
Dù sao, theo cách nhìn chiến lược thì ở Biển
San Hô, trong trận chiến của các mẫu hạm, các phi đội đã không thua. Còn trong
trận Midway lần này, Hạm đội Một và Hạm đội Hai tham chiến, mạnh hơn hẳn Hạm đội
Năm nên chúng ta nghĩ không thể nào thua được.
Hạm đội Năm đã không tham gia trận Midway.
Bởi trong trận Biển San Hô, họ đã bị tổn thất một số lượng lớn phi cơ và thành
viên các phi đội. Tuy vậy, ta nghĩ điều này thật kỳ lạ. Hà cớ gì mà không bổ
sung máy bay? Hay ít ra, chiếc Zuikaku còn nguyên vẹn vẫn có khả năng tham chiến
đấy chứ. Ý định thực sự của Bộ Tư lệnh Hạm đội liên hợp là không sử dụng tất cả
các mẫu hạm. Về điểm này, quan điểm của quân Mỹ lại hoàn toàn khác. Chiếc
Yorktown đáng ra cần một tháng để sửa chữa thì sau ba ngày sửa khẩn cấp họ đã kịp
tham gia trận hải chiến Midway. Trong tàu vẫn còn nhiều công nhân đang sửa chữa.
Bọn ta đã từng nghĩ người Mỹ rất thong dong, không có lòng can đảm, nhưng không
phải vậy. Họ là những người rất có khí phách.
Quay trở lại trận Midway ngày 5 tháng Sáu.
Sau khi trở về từ đợt không kích thứ nhất, ta đang ngồi nghỉ ở phòng chờ lệnh
thì đột nhiên trên boong bắt đầu tháo ngư lôi của các máy bay tấn công để thay
bằng bom.
Rõ ràng đã có quyết định vội vàng tấn công
đảo Midway đợt hai. Gho đến lúc đó, các máy bay tấn công đều được trang bị ngư
lôi nhằm tấn công chiến hạm, nhưng theo tình hình thám thính thì không có hạm đội
cơ động địch ở xung quanh. Vì thế, chúng ta chuyển sang dùng bom để tấn công
các căn cứ mặt đất. Bây giờ nghĩ lại, đó là sai lầm đầu tiên.
Ví von đơn giản là thay ngư lôi bằng bom
không giống như thay một đôi giày. Phải tuân theo các trình tự như sau: đưa từng
máy bay xuống khoang chứa bằng thang máy, tháo ngư lôi, gắn bom vào, sau đó lại
dùng thang máy đưa lên boong. Toàn ngư lôi và bom cả nên không thể xử lý cẩu thả
được. Máy bay có mười mấy chiếc, thay xong chắc cũng phải mất hai giờ đồng hồ.
Khi đó, có vài chiếc máy bay tấn công của địch tiến tới nhưng đội Reisen phòng
vệ bên trên đã dễ dàng xua đi.
Khi vừa hoàn thành việc tái trang bị thì
các máy bay trinh sát lại truyền tin phát hiện hạm đội cơ động của địch.
Bọn ta nghĩ: “Mẫu hạm Mỹ đã đến rồi sao?
Nhưng giờ đây trên boong, các máy bay tấn công đều chỉ được trang bị bom tấn
công mặt đất. Trớ trêu thay!”
Đô đốc Nagumo lại ra lệnh thay bom tấn công
mặt đất bằng ngư lôi.
Chẳng có cách xử trí nào khác nữa! Không thể
phá hay đánh chìm tàu của địch bằng bom tấn công mặt đất được. Mục tiêu của chiến
lược Midway là thu hút mẫu hạm Mỹ rồi tiêu diệt một lần. Nếu đánh chìm được
toàn bộ mẫu hạm Mỹ thì đồng nghĩa với việc không còn đối thủ trên Thái Bình
Dương. Do đó, tuyệt đối phải tấn công bằng ngư lôi.
Tất cả lại đồng loạt tháo bom, trang bị ngư
lôi, làm ngược lại các thao tác vừa hoàn tất. Ta nôn nao nhìn trình tự đó. Hạm
đội cơ động địch chỉ còn cách 200 hải lý, nên bọn ta muốn tập trung tấn công lập
tức. Nếu lúc nãy không tái trang bị thì đã có thể tấn công lâu rồi. Cảm giác
lúc ấy bức bối không sao tả xiết. Và không biết tự lúc nào Miyabe đã đứng ngay
cạnh ta.
“Sao trì trệ thế này chứ? Phải tấn công
ngay chứ?”, Miyabe nói, giọng không còn kiên nhẫn như mọi khi.
“Tấn công bằng bom thì sẽ không đánh chìm mẫu
hạm được”.
“Dù không đánh chìm được cũng phải ra tay
trước”.
“Phải đánh chìm tàu bằng được chứ? Nếu chỉ
khiến nó bị thương và chạy thoát thì sẽ mất tất cả”.
“Như vậy còn tốt hơn là không làm gì”.
“Kế hoạch lần này là nhằm tiêu diệt mẫu hạm
địch. Nếu để chúng thoát thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả”.
“Nếu vậy tại sao lúc đầu lại thay ngư lôi bằng
bom? Nếu mục tiêu quan trọng nhất là mẫu hạm, lẽ ra nên giữ ngư lôi rồi chờ tin
phát hiện tàu địch chứ?”
Ta nghẹn lời, đúng là vậy. Chiến lược đảo
Midway lần này là chiến lược hai mặt nên cần thận trọng trong chiến thuật.
“Không chừng đang thay bom thì địch đến”,
Miyabe thì thầm như nói một mình. Thật ngớ ngẩn, lần đầu tiên ta nhận ra điều
này. Ta chỉ biết nghĩ một chiều rằng chỉ có phe ta phát hiện ra hạm đội cơ động
địch.
Lúc đó, dường như máy bay tuần tra trên
không cần chi viện, phi đội trưởng ra lệnh cho Miyabe và vài phi công nữa bảo vệ
trên không.
Miyabe nhẹ vẫy tay với ta, nói “Tôi đi
đây!”, rồi chạy về phía chiếc Reisen trên boong. Đó là lần cuối cùng ta nói
chuyện với cậu ấy.
Nhóm Miyabe đã bay lên rồi mà việc trang bị
ngư lôi vẫn chậm chạp chưa xong. Không biết khi nào địch sẽ phát hiện ra hạm đội
của quân ta. Lần đầu tiên ta có cảm giác thấp thỏm khì không thể tấn công mà
cũng không biết được địch đang ở đâu. Không tham gia vào đội tấn công mà ta đã
cảm thấy bứt rứt đến thế, chắc hẳn các đồng đội trong đội tấn công còn nôn nóng
hơn.
Đột nhiên có tiếng hét lên: “Máy bay địch!”.
Ta ngước nhìn lên, bên trái mạn tàu đội hình mười mấy chiếc máy bay của địch
đang sà xuống, chỉ còn cách hơn 7.000 mét. Khi đó, đội bảo vệ trên không đã hướng
về phía đó.
Máy bay địch là máy bay phóng ngư lôi. Nếu
bị trúng dù chỉ một quả, thì cũng là đòn chí mạng.
Sự căng thẳng và sợ hãi lan khắp người ta.
Nhưng Reisen như chó săn, tấn công và tiêu
diệt toàn bộ máy bay địch chỉ trong vài phút. Quá ngoạn mục! Tuyệt đến nỗi bất
giác các lính bảo trì trên tàu đồng loạt vỗ tay.
Khi đó ta nghe có tiếng hô: “Bên phải!”,
quay lại thì thấy 8 chiếc máy bay ném ngư lôi đang tiến đến gần. Tuy nhiên,
phía sau đã có 3 chiếc Reisen kèm cặp. Trước khi vào tầm tấn công chúng đã lần
lượt bị bắn hạ. Cuối cùng chỉ còn lại 2 chiếc đã vứt ngư lôi bỏ chạy nhưng cũng
bị các Reisen tiêu diệt.
Thành viên các phi đội đang đợi lệnh trên
boong đều ngưỡng mộ tài năng điêu luyện của đội Reisen. Phía sau, các máy bay
phóng ngư lôi tấn công chiếc Kaga cũng bị đội bảo vệ bắn rơi tan tác.
Ta lại được chứng kiến uy lực của Reisen. À
không, là chứng kiến tài năng của những chàng trai giữ cần điều khiển Reisen. Họ
đúng là những anh hùng Nhất tướng địch vạn quân.
Cuộc chiến kéo dài liến tục gần hai tiếng.
Máy bay địch đến tấn công có tất cả hơn 40 chiếc, gần như toàn bộ đều bị Reisen
bắn hạ. Chúng ta hoàn toàn không bị trúng một quả ngư lôi nào.
Trong khi bị tấn công thì chúng ta vẫn tiếp
tục nỗ lực tái trang bị ngư lôi.
Đúng lúc đó, ta nghe một tiếng kêu thất
thanh. Tiếng thét đó, suốt đời ta không thể quên được.
Có đến mấy chiếc máy bay ném bom đang đâm
xuống. Ta tuyệt vọng nghĩ: “Không xong rồi!”. Ta chỉ biết đứng ngây ra nhìn. Ta
đã thấy bom rơi ra từ bốn chiếc máy bay đó. Sự việc chỉ xảy ra trong phút chốc,
giống như cuốn phim quay chậm vậy. Bốn quả bom từ từ rơi xuống như đang giễu cợt.
Âm thanh xé toạc bầu không khí như một tiếng cười nham hiểm. Có lẽ nó đang cười
nhạo sự kiêu ngạo và sơ suất của chúng ta.
Trên sàn đáp vang lên tiếng thét cùng tiếng
nổ lớn. Ta cũng bị thổi bay, va vào tháp chỉ huy. Nếu không có tháp chỉ huy chắc
ta đã rơi xuống biển.
Ta nhìn boong tàu đang cháy, gần như mất nửa
phần ý thức. Những chiếc máy bay cũng lần lượt bị thiêu rụi. Các phi công bị lửa
đốt, văng ra khỏi ghế điểu khiển. Máy bay không người điều khiển, cánh quạt vẫn
còn đang quay bay loạn xạ, có chiếc bị va đập, có chiếc lao xuống biển. Trên
boong hỗn loạn. Trong khoang chứa cũng liên tục phát nổ. Bom và ngư lôi đã bắt
lửa. Mỗi lần phát nổ là con tàu rung lắc dữ dội. Nhìn về bên phải, chiếc Kaga
cũng đang bốc cháy. Phía sau, ta còn thấy bóng dáng một chiếc tàu sân bay nữa
đang cháy. Trong phút chốc 3 chiếc mẫu hạm đã bị tiêu diệt.
Ta chạy xuống sàn phụ nhằm tránh sàn đáp
chính đang cháy. Các phi hành đoàn Kanko cũng đang tập trung ở đó. Trên boong
nhiều người đã bị thương, rất nhiều trong số đó bị mất tay, mất chân. Sàn nhuộm
đỏ một màu máu như cảnh địa ngục. Từ trong khoang chứa tiếng nổ vẫn không ngừng
vang lên. Bọn ta xách nước dập lửa, nhưng cũng chỉ như dã tràng xe cát. Được một
lúc, chúng ta không tạt nước nữa, hoàn toàn bất lực.
Ngọn lửa đốt cháy con tàu cao hàng chục
mét, khói cũng bốc cao hàng trăm mét. Cả con tàu nóng như thiêu đốt. Cầu thang
rừng rực đến mức giày nóng chảy, nếu vô ý đụng vào lan can chắc chắn sẽ bị bỏng
nặng. Bọn ta đứng sững sờ ở sàn phụ, hoàn toàn bất lực.
Khi đó, ta thấy trên mũi tàu các thành viên
thuộc Bộ Tư lệnh, ttong đó có Đô đốc Nagumo, xuống một con thuyền nhỏ và rời
tàu. Đến chỉ huy cũng đã rời bỏ Akagi, vậy là số phận của nó đã kết thúc rồi.
Ít lâu sau, xuồng của tàu khu trục đến để cứu
bọn ta. Tất cả cùng leo lên đó, bỏ Akagi lại phía sau. Từ xuồng cứu hộ ta quay
lại nhìn. Tàu Agaki giờ đã bị một ngọn lửa khổng lồ nuốt chửng. Trên đời lại có
ngọn lửa khủng khiếp vậy sao? Dù đã rời xa hơn trăm mét, bọn ta vẫn cảm nhận được
làn sóng nhiệt đó một cách rõ rệt.
Dù vậy, tàu Akagi vẫn không chìm. Bởi nó
không bị trúng ngư lôi mà là trúng bom, cả con tàu bốc cháy nhưng không chìm.
Nhưng như thế lại càng đau đớn hơn bởi cái chết kéo dài. Các thanh sắt bị nung
đỏ rực rồi tan chảy. Khói đen bốc lên hàng cây số.
Hai luồng khói đen giống như vậy nữa cũng bốc
lên. Ba chiếc mẫu hạm đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Ta bật khóc. Tất cả thành viên phi đội trên
xuồng đều khóc.
Trên không, những chiếc Reisen bị mất mẫu hạm
để quay về đang bay trong tuyệt vọng. Chắc Miyabe cũng nằm trong số đó.
Đó là trận Midway mà ta đã chứng kiến.
Sau chiến tranh, sự kiện đó nổi tiếng với tên
gọi “Năm phút định mệnh”.
Người ta bảo rằng nếu có thêm năm phút trì
hoãn, đội tấn công của phe ta có thể hoàn tất việc tái trang bị, toàn phi đội
có thể cất cánh. Vậy nên, giả sử có bị ném bom cũng có thể tránh khỏi việc nổ
bom trên sàn đáp chính, và có lẽ tàu sân bay đã không bị chìm. Vả lại, phi đội
của ta sẽ tấn công quyết liệt, có thể đánh chìm mẫu hạm địch. Vì thế, mọi chuyện
đều do không may.
Nhưng những điều đó hoàn toàn là bịa đặt.
Khi bị ném bom, việc tái trang bị vẫn đang được thực hiện. Bao lâu thì ta không
biết, nhưng năm phút là không thể.
Lịch sử không có chuyện “giả sử”. Thất bại
đó cũng không phải do đen đủi. Nếu cố gắng tấn công nhanh hơn một chút thì chắc
đã có thể cất cánh.
Bom tấn công mặt đất cũng được hay bất cứ
vũ khí nào cũng được, chỉ cần tấn công mẫu hạm địch trước thì hay biết mấy.
Chính vì kiêu căng, chúng ta đã không làm như vậy.
Ngoài ra, máy bay phóng ngư lôi của Mỹ đến
tấn công khi đó không có máy bay tiêm kích yểm trợ. Máy bay phóng ngư lôi mà
không có máy bay tiêm kích yểm trợ là tự sát. Và sự thật là tất cả đã bị Reisen
bắn hạ. Nhưng nghĩ về chiến thuật thì chúng chính là mồi nhử. Những chiếc
Reisen phòng vệ tàu sân bay bị máy bay phóng ngư lôi làm phân tâm, lơ là cảnh
giác trên không. Sau đó, máy bay bổ nhào ném bom mới đột nhập vào khe hở rồi
tiêu diệt mẫu hạm.
Chuyện này có thể gọi là định mệnh, nhưng
ta không nghĩ như vậy. Sau này ta mới biết, khi quân Mỹ phát hiện ra tàu sân
bay Nhật, họ đã quyết định dù thế nào cũng phải lập tức tấn công. Dù chưa kịp
chuẩn bị đủ máy bay chiến đấu, họ vẫn liên tục cử đi các máy bay đã sẵn sàng.
Nghĩ về tâm trạng của những phi công máy bay phóng ngư lôi của Mỹ lúc đó, ta rất
xúc động. Hẳn họ đã biết tấn công mà không có máy bay chiến đấu yểm trợ là như
thế nào. Chắc rằng họ cũng đã biết rõ về sức mạnh của Zero. Chắc chắn họ đã biết
trước sẽ không thể sống sót quay về. Dù thế, họ vẫn dũng cảm xuất kích.
Sau đó, họ ra sức tấn công mẫu hạm của ta
và lần lượt bị các Reisen bắn rơi. Tuy thế, đợt tấn công liều mình đó đã tập
trung các máy bay bảo vệ mẫu hạm của ta ở tầm thấp, mở đường cho thành công của
máy bay ném bom.
Ta nghĩ người chiến thắng thật sự trong trận
Midvvay này là đội máy bay ném ngư lôi của Mỹ. Cũng như trong trận hải chiến Biển
San Hô, đội trinh sát của ta dù biết hết nhiên liệu vẫn dẫn đường cho đồng đội,
đội máy bay phóng ngư lôi cua Mỹ lần này đã vì chiến thắng mà hy sinh.
Không chỉ có người Nhật mới biết hy sinh vì
Tổ quốc. Chúng ta mang danh nghĩa là chiến đấu vì Thiên Hoàng nhưng người Mỹ
thì không vứt bỏ mạng sống của mình vì Tổng thống của họ được, phải không? Vậy
họ chiến đấu vì điều gì? Chẳng phải vì Tổ quốc hay sao? Mặc khác, sự thật thì
người Nhật chúng ta chiến đấu không màng tính mạng vốn không hẳn vì Thiên Hoàng
mà còn vì tinh thần yêu nước.
Trong trận chiến này, 4 mẫu hạm Nhật bị
đánh chìm. Phía Mỹ chỉ bị đánh chìm một chiếc, chính là chiếc Yorktown bị hư hỏng
nặng trong trận Biển San Hô mà Đề đốc Spruance ra lệnh sửa chữa tạm thời rồi
cho tham gia ngay trận Midway dù thương tích đầy mình. Nhưng nó vẫn giáng cho những
mẫu hạm Nhật một cú rồi mới chịu chìm xuống biển. Nó đúng là một hồn ma chịu
chơi, phải không?
So với nó, chiếc Zuikaku cũng chiến đấu
trong trận Biển San Hô, dù hoàn toàn vô sự, lại nằm nghỉ dưỡng thảnh thơi tại
biển Seto. Trận Midway này từ sớm đã thua rồi.
Tuy nhiên, có một điều đáng khen ngợi cho
phe ta. Đó là sự dũng cảm chiến đấu của tàu Hiryu, chiếc duy nhất tránh được đợt
tấn công của địch.
Sau khi 3 mẫu hạm bị tiêu diệt, Hiryu được
dẫn dắt bởi Tư lệnh Hạm đội Không quân Hai, mãnh tướng Yamaguchi Tamon. Đúng
như câu “Cô quân chiến đấu”, một mình nó chống chọi với 3 mẫu hạm địch, sống chết
với Yorktown rồi bị đánh chìm. Thiếu tướng Yamaguchi cũng quyết chịu chung số
phận với tàu của mình. Ông cũng là người đã phản đối kịch liệt quyết định tái
trang bị ngư lôi của Đô đốc Nagumo và đề nghị phải cho tấn công ngay. Trong trận
Trân Châu Cảng, ông cũng là người đã quyết liệt xin tiến hành đợt công kích thứ
ba.
Thêm nữa, phi đội trưởng đội công kích trên
tàu Hiryu là Đại úy Tomonaga Joichi đã dũng cảm xuất kích bằng chiếc máy bay tấn
công kiểu 97, dù nó đã bị bắn trúng thùng nhiên liệu, chỉ còn đủ nhiên liệu cho
một lượt đi. Nếu trong thể thao thì sau khi kết thúc trận đấu, không chừng các
phi công Yorktown và Hiryu có thể nảy sinh tình bằng hữu. Nhưng đây là chiến
tranh, hai bên bắn giết lẫn nhau và cả hai mẫu hạm đều có rất nhiều người hy
sinh.
Có ý kiến cho rằng, việc mất nhiều phi công
giỏi trong trận Midway là cú đánh mạnh nhất vào Hải quân Nhật Bản. Điều đó
không đúng. Các phi hành đoàn của 3 tàu sân bay bị đánh chìm đa số đều được cứu.
Chỉ các phi công của tàu Hiryu chiến đấu đến cùng là gần như hy sinh cả.
Còn Miyabe ư? Có thể cậu ấy đã chiến đấu
cho đến lúc cạn nhiên liệu và hạ cánh khẩn cấp khi đang trên biển.
Hoặc giả cậu ấy đã đáp lên tàu Hiryu, sau
đó tham gia tấn công Yorktown.
Dù sao, cậu ấy vẫn còn sống và trở về đất
liền, chỉ là, sau đó ta không lần nào gặp lại Miyabe nữa. Hình ảnh cuối cùng ta
còn nhớ là khi cậu ấy cất cánh khỏi tàu Akagi. Ta nghe nói sau trận Midway,
Miyabe và nhiều thành viên của phi đội đã được điều tới Rabaul.
Sau khi bị trận bom thổi bay, mắt ta bị tổn
thương, thị lực hai mắt đều giảm xuống chỉ còn 2/10, không thể lái máy bay chiến
đấu nữa. Ta trở về đất liền, làm giảng viên trong các khóa huấn luyện phi công
dự bị. Nếu mắt không hỏng, chắc sau đó ta cũng được chuyển đến các nơi khác chiến
đấu, và khó mà còn sống đến bây giờ. Nhiều thành viên của phi đội thuộc Rabaul
đã hy sinh oanh liệt ở biển Solomon.
Solomon được xem là mồ chôn của các phi
công. Từ sau giữa nám 1942, lệnh điều chuyển đến Solomon được gọi là tấm vé một
chiều.
Ta nghe nói rằng Miyabe vẫn sống sót sau
hơn một năm ở chiến trường khủng khiếp đó. Có thể nhờ tính nhát chết mà mạng sống
của cậu ấy được kéo dài. Bởi bầu trời là nơi mà cái chết sẽ bắt đầu từ những
người dũng cảm. Miyabe sẽ không hành xử như Hạ sĩ quan Kanno trong trận chiến
Biển San Hô, người đã dẫn đường cho đội tấn công phe ta và không bao giờ quay
trở về nữa, hay như Đại úy Tomonaga xuất kích tấn công quyết tử trong trận
Midway. Nhưng nhát chết không phải là lý do chính đáng để không bị lên án.
Tuy nhiên, ta chỉ nói một điểm này. Kỹ thuật
lái máy bay của Miyabe là số một. Chính miệng ta nói ra thật là xấu hổ, nhưng
việc được chọn vào Hạm đội Không quân Một vào thời đầu khai chiến là minh chứng
cho một phi công thượng đẳng. Sau đó, ở chiến trường tàn khốc Guadalcanal mà vẫn
có thể sống là bởi cậu ấy thật sự là một phi công tài giỏi.
Đá trong hai ly cà phê trước mặt đã tan hết.
Tôi quên cả uống vì choáng ngợp với câu chuyện của cựu Trung úy Hải quân Ito
Kanji. Đối với một đứa trước giờ không biết gì về trận chiến Thái Bình Dương
như tôi, mọi thứ đều quá đỗi kinh ngạc.
Cuộc chiến của các mẫu hạm cuối cùng lại
chính là cuộc chiến giữa con người với nhau. Sự chênh lệnh về lực lượng không
phải là nhân tỗ quyết định thắng bại, mà chính lòng dũng cảm, sự quyết đoán,
hơn hết, năng lực bình tĩnh phán đoán mới là nhân tố phân định thắng-thua,
sinh-tử.
Ngay cả như vậy, những binh sĩ thời đó sống
trong một thế giới mới tàn nhẫn làm sao. Sáu mươi năm trước, thực sự đã xảy ra
một cuộc chiến như vậy. Ông ngoại cũng là một chiến sĩ trên chiến trường đó.
Ông Ito đã nói, ông ngoại tuy nhát chết
nhưng lại là một phi công tài giỏi. Câu chuyện đó đã an ủi tôi phần nào.
- Miyabe đã mất trong cuộc tấn công cảm tử
à? - Ông Ito đột nhiên hỏi.
- Ông cháu tử trận vào tháng Tám năm 1945,
ngoài khơi quần đảo Nansei ạ.
- Tháng Tám ư? Ngay trước khi chiến tranh kết
thúc. Vậy là lúc đó ngay cả những phi công lão luyện như Miyabe cũng phải lái
máy bay cảm tử.
- Hiếm có phi công giỏi giàu kinh nghiêm
nào tham gia đội quân cảm tử hay sao ạ?
- Phần nhiều phi công hy sinh trong các cuộc
tấn công cảm tử đều là những phi công trẻ, học viên của khóa huấn luyện dự bị.
Hải Lục quân đã chọn họ để đào tạo cấp tốc cho cuộc tấn công, đòi hỏi họ phải
liều mình. - Gương mặt ông Ito trở nên đau khổ. - Ta cũng từng là người hướng dẫn,
đào tạo các học viên dự bị. Hoàn tất đào tạo một phi công thật sự thì ít nhất
phải mất hai năm. Nhưng huấn luyện bay cho họ thì chưa đầy một năm đã xong rồi.
Đối với những phi công chỉ cần đào tạo để cảm tử thì như thế là đủ rồi phải
không? - Mắt ông ngấn lệ.
- Thật khủng khiếp! - Tôi thốt lên.
- Đúng vậy. Dù vậy, chiến thuật cần đổi bằng
mạng các phi công giàu kinh nghiệm bằng một đợt tấn công như vậy đúng là lãng
phí. Các phi công lão luyện được giao nhiệm vụ hộ tống các máy bay cảm tử đến hạm
đội của địch. Hơn nữa, họ còn có nhiệm vụ phòng không trên lãnh thổ. Tuy nhiên,
khi thất bại đã không thể tránh khỏi vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, trong
không khí “Một trăm triệu người quyết tử cho vinh quang”*, thì nhất định cũng
có lệnh xuất kích cảm từ dành cho những người kỳ cựu như Miyabe.
*[Một trong những khẩu hiệu của quân Nhật
trong trận chiến Thái Bình Dương, cả nước cùng chiến đấu, quyết tử trong vinh
quang để chống lại kẻ thù]
Lần đầu tiên tôi đâ có thể hiểu được một
chút sự bất mãn của ông ngoại.
Chiến đấu suốt từ cuộc chiến tranh Trung Nhật,
rốt cuộc lại bị dùng một lần rồi vứt trong cuộc tấn công cảm tử. Ông ngoại, người
vốn yêu mạng sống đến thế đó, hẳn đã thất vọng đến độ nào.
- Cho cháu hỏi một câu được không ạ? - Tôi
nói. - Ông cháu có từng nói là yêu bà cháu không ông?
- Yêu ư? Cậu ấy chưa từng nói câu đó. Thời
đại của bọn ta không dùng những lời yêu đương. Miyabe cũng thế. Nhưng cậu ấy từng
nói: “Vì vợ mình, tôi không muốn chết” - Ông Ito nhìn xa xăm, rồi nói tiếp. - Ở
thời của bọn ta, câu nói đó chẳng phải có nghĩa là yêu hay sao?
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét