Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

Không Chiến Zero Rực Lửa - P 9

Không Chiến Zero Rực Lửa

Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*

Hoa Anh Đào

Vài ngày sau, tôi gọi điện cho chị.
- Em liên lạc được với một người từng là cảm tử quân rồi đấy. - Tôi cảm nhận được sự ngạc nhiên của chị từ đầu dây điện thoại. - Người đó có biết ông ngoại.
Nhưng không ngờ chị Keiko lại bảo.
- Chị không muốn đi.
- Tại sao? Chẳng phải chị muốn nghe câu chuyện của một cảm tử quân sao?
- Chị muốn chứ. Nhưng chị không muốn nghe thêm những chuyện đau lòng về ông ngoại nữa. - Chị ấy nói như đang tức giận. - Bản thân chị đã tìm hiểu về tấn công cảm tử, đau lòng đến độ không thể đọc tiếp.
- Em hiểu.
- Chính vì thế, trong câu chuyện của người cảm tử quân từng quen biết ông ngoại kia, có thể sẽ nhắc tới chuyện ông ngoại khi tấn công cảm tử. Chị không thể chịu đựng nổi nữa, em có thể sao?
- Tất nhiên em cũng thấy khó khăn lắm. Nhưng em có cảm giác chuyện lần này sẽ mang đến điều gì đó. Miyabe Kyuzo không ai biết đến trong suốt sáu mươi năm qua, giờ đang bắt đầu hiện rõ trước mặt em.
Tôi biết chị đang ngẩn người ở đầu dây bên kia.
- Có lẽ nào đó là kỳ tích không? Những người đi qua chiến tranh đang dần biến mất khỏi vũ đài lịch sử. Đúng vào lúc này, chúng ta lại bắt đầu cuộc điều tra, không thể không nghĩ đây là vận may của số mệnh. Nếu chậm năm năm nữa thôi, chuyện về ông Miyabe Kyuzo sẽ mãi chôn vùi trong lịch sử. Chính vì thế, em nghĩ, chúng ta phải nghe câu chuyện của tất cả những người biết về ông ngoại.
Chị im lặng chốc lát rồi nói:
- Kentaro, em đã thay đổi rồi.
- Em hiểu tâm trạng khổ sở của chị khi phải nghe những chuyện ấy, bởi em cũng cảm thấy vậy. Thôi, lần này cứ để mình em đi.
Chị Keiko chỉ im lặng.
* * *
- Chị đã đồng ý với anh Takayama chưa?
Tôi vừa lái xe vừa hỏi chị đang ngồi bên ghế phụ. Nhà của cựu thiếu úy Hải quân Okabe Masao ở Narita, thuộc tỉnh Chiba.
- Vẫn chưa nhưng chị định sẽ đồng ý.
Trước hôm xuất phát, Keiko lại đổi ý bảo rằng chị sẽ đi.
- Chị này, chị từng thích anh Fujiki phải không?
Chị nhìn tôi vẻ kinh ngạc.
- Đã có lần em vô tình nhìn thấy chị khóc khi ở cạnh anh Fujiki.
Chị lặng thinh. Cả hai im lặng khá lâu. Sau đó chị Keiko bắt đẩu nói.
- Nói ra em đừng cười chị nhé, được không? Đúng là chị từng thích anh Fujiki. Chị đã mơ ước sau khi anh ấy đỗ kỳ thi tư pháp, sẽ trở thành vợ anh. Bởi thế nên khi hay tin anh ấy từ bỏ kỳ thi tư pháp rồi trở về quê, chị rất sốc. Chị từng nói với anh ấy rằng một khi đã quyết định sự nghiệp thì đừng trở về quê.
- Chị và anh Fujiki đã từng hẹn hò với nhau à?
- Bọn chị còn chưa nắm tay nữa cơ. Cũng chưa từng bày tỏ tình cảm, cũng chưa từng đi chơi riêng hai người với nhau. Cho nên vẫn chưa phải là người yêu hay gì của nhau cả.
- Vậy sao?
- Có thể nói, việc chị khóc khi ấy cũng giống như một lời tỏ tình. - Chị cười, đượm chút buồn bã. - Vậy nhưng, anh ấy đã bỏ về mà không nói một lời nào.
Tôi nghĩ thầm trong đầu, người như anh Fujiki sẽ không bao giờ nói đâu. Anh ấy không phải là người sẽ bảo ai đó đi cùng mình khi biết sẽ phải cực khổ lăn lộn với cuộc sống.
- Chị không hối hận sao?
- Hối hận ư? Tại sao chứ? Chị nghĩ mình đã chọn lựa đúng. Chị thấy thật may khi lúc đó anh ấy không bảo chị theo cùng. Với một đứa trẻ như chị khi ấy, không chừng sẽ từ bỏ việc học Đại học mà đi theo ấy chứ. - Chị cười, sau đó hỏi tôi. - Em biết nhà máy của anh Fujiki đang rất khó khăn không?
Tôi gật đầu.
- Nếu kết hôn với anh Fujiki thì hẳn chị đã phải chịu cực chịu khổ rồi.
Chị lấy từ trong túi ra một điếu thuốc rồi châm lửa. Tôi có hơi ngạc nhiên.
- Chị hút thuốc à?
- Chị không hút trước mặt mẹ thôi.
Chị mở cửa sổ. Một làn gió nóng ùa vào.
- Hôm qua, anh Fujiki ngỏ lời cầu hôn chị đấy.
Trong phút chốc tôi không hiểu chị ấy đang nói gì.
- Chị đã viết thư cho anh Fujiki bảo rằng chị được một chàng trai cầu hôn và sẽ lấy chồng. Đây là lần đầu tiên chị viết thư đấy. Sau đó, khoảng mười ngày, đột nhiên anh Fujiki gọi điện đến.
- Chị làm gì vậy hả?
Tôi quay về phía chị ấy, quát lên. Chị giật bắn mình. Suýt chút nữa thì xe của chúng tôi va chạm, tôi hốt hoảng đạp phanh.
- Có phải chị muốn trả thù vì bị anh ấy từ chối không?
- Chị chỉ muốn phân biệt rạch ròi thôi. Quan trọng hơn là em chú ý phía trước mà lái xe đi!
- Vậy chị trả lời anh ấy như thế nào?
- Chẳng phải rõ ràng là chị từ chối sao?
Tôi cho xe vào làn đường vượt, đạp ga. Chị nín thinh. Tôi cảm thấy rất khó chịu khi nghĩ cho tâm trạng của anh Fujiki. Cứ như thế cho đến khi ra khỏi đường cao tốc, hai người chúng tôi không ai nói với ai một lời nào.
Cựu thiếu úy Hải quân Okabe Masao đã đảm nhiệm vai trò nghị viên hội đồng tỉnh Chiba bốn nhiệm kỳ. Trước đó, ông làm việc khá lâu với chức vụ ủy viên giáo dục của tỉnh. Ban đầu khi vừa biết lý lịch đó, tôi đã khá ngạc nhiên về việc nguyên cảm tử quân lại trở thành một nghị viên nhưng ngẫm kỹ lại cũng không phải là việc quá kỳ lạ. Tất cả những thanh niên trẻ thời đó đều đi lính, hầu hết những người gây dựng lại nước Nhật sau chiến tranh đều từng là binh sĩ. Trong số đó có cả người từng tham gia cảm tử quân cũng không có gì đáng kinh ngạc.
Nhà ông Okabe nằm trong khu dân cư yên tĩnh của Narita. Thật không ngờ căn nhà nhỏ, ấm cúng này lại là nhà của người từng là nghị viên hội đồng tỉnh bốn nhiệm kỳ.
- Ngôi nhà bình dị quá! - Chị cũng đồng cảm với suy nghĩ của tôi.
Chúng tôi bấm nút chuông bên hông cửa, lập tức cánh cửa mở ra, một ông lão dáng người nhỏ nhắn xuất hiện.
Cựu cảm tử quân đã là một ông lão hói đầu, nụ cười mỉm dễ gây thiện cảm. Tôi hơi hẫng vì vốn tưởng tượng cựu cảm tử quân với hình tượng hống hách, oai dũng hơn.
- Bà nhà ta đang đi dạy cắm hoa ở nhà văn hóa. Một mình ta không tiếp đãi khách chu đáo được.
Ông Okaba nói rồi dẫn chúng tôi vào căn phòng kiểu Nhật truyền thống.
- Hai ông bà già sống với nhau nên cũng chẳng biết đem gì ra tiếp các vị khách trẻ. - Ông nói và đem ra ít rượu táo.
- Ông đừng bận tâm ạ. - Tôi vội đáp.
Ông lão điềm tĩnh ngồi trước mặt tôi hoàn toàn không mang chút hình tượng nào của phi công cảm tử quân.
- Thầy Miyabe là một giáo quan tuyệt vời.
- Giáo quan là sao ạ?
- Là giảng viên của Đội không quân thực hành. Cùng là giảng viên nhưng sĩ quan thì gọi là giáo quan còn hạ sĩ quan thì gọi là giáo viên. Quân đội là nơi mà cả chuyện đó cũng phân biệt sĩ quan và hạ sĩ quan.
- Cháu không biết ông ngoại từng là giáo quan ạ.
- Thầy Miyabe đến làm giáo quan tại Đội không quân thực hành Tsukuba vào đầu năm 1945. Ta là học viên dự bị khoa phi hành. Học viên dự bị nói đơn giản là sĩ quan tốt nghiệp Đại học. Hải quân vốn sử dụng số ít học viên dự bị nhưng từ năm 1943, quân đội tuyên bố sẽ chiêu mộ học viên dự bị với số lượng lớn.
Khoảng thời gian ấy, không phải ai cũng có thể vào Đại học như bây giờ, chắc cả trăm người cũng không có lấy một người vào được Đại học đâu. Đó là lý do vì sao ngay cả quân đội cũng không sử dụng thành phần này. Nhưng đến năm 1943, khi chiến cục chuyển biến xấu, không thể nhàn nhã như vậy nữa. Năm đó là năm chúng ta thảm bại tại Guadalcanal, cũng là năm Đô đốc Yamamoto Isoroku* tử trận.

*[Yamamoto Isoroku (1884-1943) là một đô đốc tài ba của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Thế chiến II. Người ta nhớ nhiều tới ông vì thành tích tấn công hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng. Ông được sách Thập Đại Tùng Thư - 10 Đại Tướng Soái Thế Giới coi là 1 trong 10 viên tướng xuất sắc nhất trong lịch sử quân sự thế giới]

Vì vậy, ngay cả sinh viên Đại học từ trước đến nay được hoãn nghĩa vụ quân sự cũng bị bắt đi quân dịch. Chúng ta bước vào thời đại cả quốc dân đều là lính chiến. Nhiều sinh viên vì được hoãn nghĩa vụ quân sự vô cùng đau khổ. Những thanh niên đồng trang lứa đi lính, chiến đấu và hy sinh, vậy mà chúng ta có thể thanh thản ngồi yên học tập được sao? Đương nhiên, vẫn có một số người ghi danh vào Đại học nhằm trốn tránh quân dịch. Các tuyển thủ bóng chày chuyên nghiệp thời đó, cũng có người ghi danh học Đại học buổi tối để trốn nghĩa vụ quân sự. Nhưng chắc số người trốn tránh như vậy cũng không nhiều.
Năm ấy có hơn 100.000 người đăng ký dự tuyển, các trường Đại học trên toàn quốc đều trở nên vắng vẻ.
Định mệnh thật mỉa mai! Phần nhiều đội cảm tử quân được Hải quân chọn từ học viên dự bị khóa 13 năm đó. Điều khiển máy bay không hề đơn giản như lái một chiếc xe, những điều cần nhớ trước khi bay nhiều vô số. Vì thế các học viên khóa huấn luyện hay thực hành dự bị trước chiến tranh đều là những thiếu niên ưu tú được chọn lọc rất gắt gao. Nói cách khác, không quân cần những nhân tài ưu tú, bởi sinh viên có kiến thức và thông minh, là đối tượng thích hợp để truyền đạt kỹ thuật lái một cách nhanh chóng. Chúng ta đã được huấn luyện tốc hành để trở thành phi công cho các cuộc tấn công cảm tử. Có hơn 4.400 người chết vì tấn công cảm tử. Gần một nửa số đó là các phi công xuất thân từ học viên dự bị.
Ta là học viên dự bị khoa phi hành khóa 14 năm sau. Nhiều cảm tử quân cũng được chọn từ khóa này ra.
Đội Shikishima của Đại úy Seki được tuyên truyền rộng rãi là đội cảm tử quân đầu tiên nhưng cảm tử quân số một thực sự là Thiếu úy Kuno Kofu của đội Yamato cũng tại Leyte. Thiếu úy Kuno là học viên dự bị khóa 11.
Đội Shikishima của Đại úy Seki tấn công vào ngày 25 tháng Mười nhưng đội Yamato của Thiếu úy Kuno lao mình xuống vào ngày 21. Ngày hôm đó, cả hai đội Shikishima và Yamato đều không thể tiếp cận địch, quay về căn cứ địa nhưng chỉ riêng Thiếu úy Kuno không trở về mà tìm đến quân địch và cuối cùng không trở lại.
Thiếu úy Kuno là cảm tử quân đầu tiên, nhưng anh ấy không được nhận danh dự đó. Cũng có thể do không xác nhận được thành quả chiến đấu, nhưng lý do quan trọng hơn là vì Thiếu úy Kuno là sĩ quan xuất thân từ học viên dự bị.
Đối với Hải quân, vinh dự cảm tử quân số một phải của sĩ quan tốt nghiệp trường Quân sự Hải quân, nên họ công bố rằng cảm tử quân số một là Đại úy Seki. Nhìn từ điểm này có thể thấy được Hải quân xem trọng sĩ quan trường quân sự và xem nhẹ học viên dự bị đến nhường nào.
Sau đó, một số lượng lớn học viên khóa 13,14 được chọn làm phi công, với mục đích huấn luyện thành cảm tử quân.
Việc các phi công giàu kinh nghiệm tham gia tấn công là rất hiếm. Trên mặt trận Bắc Đảo năm 1944 cũng có vài phi công kỳ cựu được lệnh tấn công cảm tử, nhưng đến trận Okinawa* vào năm sau 1945 việc đó không còn nữa. Vào giai đoạn đó, các phi cồng kỳ cựu từ thời kỳ đầu khai chiến gần như đã hy sinh cả, nên đối với quân đội các chiến binh kỹ thuật cao thật sự rất quý báu.

*[Trận Okinawa, hay còn gọi là chiến dịch Iceberg (chiến dịch Băng Sơn) là trận đánh trên mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II giữa quân Đồng Minh và Nhật Bản tại đảo Okinawa thuộc quần đảo Ryukyu. Đây là cuộc đổ bộ quân sự lớn nhất tại mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II.
Trận đánh kéo dài trong 82 ngày, từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1945, kết quả quân Mỹ chiếm được Okinawa. Đây cũng là một trong những trận đánh có số thương vong cao nhất trong Thế chiến II: phía Nhật mất hơn 100.000 quân và quân Đồng Minh (chủ yếu là lính Mỹ) thương vong hơn 50.000 người trong đó hơn 12.000 người chết. Ngoài ra hàng nghìn dân thường trên đảo chết do bom đạn, bệnh tật và tự sát]

Hầu hết các phi công lão luyện được giao nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, xuất kích yểm trợ đội cảm tử quân hoặc trở thành giảng viên của thực tập sinh. Như ta đã nói, các học viên dự bị và các phi công trẻ của khóa dự bị thực hành được chọn dùng rồi vứt vào cuộc tấn công cảm tử.
Ta từ học viên dự bị trở thành học viên phi hành dự bị khóa 14 vào năm 1944. Nửa năm sau đó, cuộc tấn công của Đại úy Seki mới diễn ra, nhưng có lẽ Hải quân đã suy tính chiến thuật tấn công cảm tử từ trước đó. Ta nghĩ họ đã quyết định sẵn việc dùng các học viên dự bị khóa 13 và 14 cho đội cảm tử. Hiển nhiên, chuyện đó bọn ta không tài nào biết được.
Chúng ta không được dạy bất cứ thứ gì về không chiến hay ném bom, chắc vì sợ uổng công vô ích. Bởi bọn ta chỉ cần ôm đạn dược đâm vào tàu địch thôi mà.
Khóa huấn luyện bay rất khắc nghiệt, bình thường kéo dài hai, ba năm, giờ gói gọn chưa đầy một năm khiến cả người dạy lẫn người học đều phải cố sống cố chết. Bởi Hải quân cũng muốn bọn ta nhanh nhanh chóng chóng có thể bay được để tấn công cảm tử.
Tuy nhiên, vì giảng viên là hạ sĩ quan nên dạy rất kiêng nể. Bởi học viên dự bị chúng ta là sĩ quan nên so về cấp bậc lại cao hơn so với giảng viên. Hơn nữa, khi khóa huấn luyện kết thúc sẽ được thăng hàm thiếu úy. Kiểu sĩ quan không có bất kỳ kinh nghiệm chiến đấu nào. Các binh lính thông thường thì phải mất hơn mười năm mới có thể leo lên cấp sĩ quan, điều này quá sức phi lý.
Hơn nữa, dù là đội không quân thực hành thì cấp bậc của người học cao hơn người dạy cũng làm đôi bên rất khó xử. Các giảng viên rất e dè với bọn ta, dù họ có muốn nghiêm khắc, nhưng sự chênh lệch cấp bậc như vậy cũng không thể. Dù thế nào, chúng ta vốn cũng chỉ được đào tạo để trở thành phi công cảm tử.
Ấy vậy bọn ta lại không hề biết mình sẽ là những cảm tử quân, luôn nỗ lực tập luyện mong sớm trở thành phi công chính thức đi tiêu diệt máy bay địch. Thật nực cười!
Đến khi biết chuyện của đội Shikishima vào tháng Mười năm 1944, sau đó lại nghe tin tại Bắc Đảo nhiều đội cảm tử Thẩn Phong liên tiếp xuất kích, bọn ta dần cảm nhận có lẽ bản thân mình cũng phải tham gia tấn công.
Đầu năm 1945, thầy Miyabe đến làm giáo quan vào lúc chúng ta sắp kết thúc huấn luyện.
Ta vẫn còn nhớ rất rõ ấn tượng đầu tiên về thầy, phong thái thầy thật khác thường. Có vài người ở phi đội Tsukuba từ chiến địa trở về, họ đều mang vẻ uy nghiêm của người vượt qua sinh tử. Thầy Miyabe cũng mang phong thái như thế.
Kỳ lạ là thầy không hề kể chuyện về chiến trường ác liệt, cũng chẳng kể gì về kinh nghiệm chiến đấu. Thầy ấy là người hoàn toàn không nói những chuyện hào nhoáng và chiến công.
Cấp bậc của thầy Miyabe là thiếu úy nhưng thầy luôn dùng những lời trịnh trọng với chúng ta. Các giáo quan ít ỏi xuất thân từ trường Hải quân hầu như ngôn từ đều thô lỗ, quát tháo to tiếng là chuyện đương nhiên. Nhưng thầy Miyabe thì chưa một lần như vậy với học viên. Hơn nữa, thầy Miyabe lại là thiếu úy đặc vụ, thấp hơn một bậc. Sĩ quan thăng tiến từ hạ sĩ quan được gọi là sĩ quan đặc vụ, bị đối xử thấp hơn sĩ quan tốt nghiệp từ trường Hải quân. Một lần, ta đã từng thấy cảnh một thiếu úy trẻ xuất thân từ trường Hải quân quát một trung úy đặc vụ lớn tuổi nọ. Đó là chuyện của quân đội đấy.
Tuy nhiên, khác hẳn với sự trịnh trọng trong lời nói, thầy Miyabe là một giảng viên vô cùng nghiêm khắc. Thầy ấy nổi tiếng với việc kiên quyết không chấm bọn ta điểm đạt, trái ngược hẳn với các giảng viên khác. Thầy bị nhiều học viên dự bị bao gồm cả ta không vừa lòng.
“Chắc ý của lão rằng, dưới con mắt của người từ chiến trường trở về thì chúng ta chỉ là gà mờ. Như thế còn đáng ghét hơn cả những kẻ ra vẻ từng trải”.
“Hẳn ông ta không ưa việc chúng ta là sĩ quan dự bị, nhưng cũng không cần gây khó dễ kiểu đó chứ”.
Ta cũng cảm giác rằng cách làm ấy của thầy Miyabe độc đoán. Như ai đó đã nói, phải mất mười năm cố gắng mới lên được cấp bậc thiếu úy, thì chắc thầy ấy có tâm trạng khó chịu với các học viên dự bị không cần phải bỏ chút công lao nào. Tâm trạng đó ta hiểu, nhưng đâu phải lỗi của bọn ta.
Sau khi thầy Miyabe đến, tốc độ giáo trình của bọn ta chậm hẳn. Vì thế, vài học viên dự bị đã báo cáo việc đó lên giảng viên cấp trên.
Ngày hôm sau, chúng ta được thầy Miyabe đào tạo kỹ thuật xoay vòng nhưng một lần nữa thầy lại cho cả lớp không đạt. Nếu là phần đông không đạt thì còn chấp nhận được nhưng cả lớp không đạt thì quả là gây khó dễ quá lộ liễu.
Chúng ta lại đi mách với giảng viên cấp trên. Thế nhưng thái độ của thầy Miyabe vẫn cố chấp. Bọn ta cũng thấy khâm phục đối thủ của mình về việc này. Người giảng viên này quả là có cốt cách không ngờ. Nhưng rồi ít lâu sau, thầy Miyabe bị bãi miễn chức giáo quan.
Tuy nhiên, vì số lượng giảng viên không đủ nên chẳng bao lâu sau thầy Miyabe lại được phục hồi chức giáo quan. Dù thế, thầy Miyabe chỉ được giao đào tạo kỹ thuật bay, còn đánh giá kỹ thuật đạt hay không lại do một giảng viên khác đánh giá. E rằng đó là lệnh của thượng cấp.
Có vẻ thầy Miyabe cũng phải chịu nhẫn nhục vì chuyện ấy. Làm thầy mà không thể đánh giá học sinh đạt hay không, ắt hẳn thầy Miyabe cũng cảm thấy tổn thương lòng tự trọng nặng nề. Kể từ sau chuyện đó, cách dạy của thầy ấy với chúng ta càng kiêng nể hơn trước. Trong lòng chúng ta cười cợt: “Nhìn dáng vẻ của ông kìa!”
Tuy nhiên, khi thầy Miyabe bảo “Khá rồi đấy!” kèm thái độ khó chịu, biểu cảm ấy lại khiến chúng ta tức điên.
Một hôm, sau khi kết thúc bài xoay vòng, thầy Miyabe bảo ta “Tiến bộ hơn rồi đấy!”, nhưng có thể thấy rõ lời nói không xuất phát từ trong tâm.
Vì bản thân thể hiện cũng tạm ổn nên ta thẳng thừng nói:
“Có phải thầy không hài lòng khi kỹ năng của tôi khá dần không?”
Gương mặt thầy Miyabe lộ vẻ ngạc nhiên, trả lời.
“Không có chuyện đó đâu. Nếu làm cậu cảm thấy như vậy thì đó là do sự khinh suất của tôi”.
Thầy Miyabe nói, rồi cúi đầu xuống thấp. Thái độ ấy lại khiến ta cảm thấy thầy thật đạo đức giả.
“Nếu thật sự nghĩ thế, thầy phải tỏ ra vui mừng hơn khi nói lời ấy với tôi chứ?”
Thầy Miyabe im lặng.
“Hay thầy nghĩ nó thực sự tệ hại?”
Dù thế, thầy vẫn không đáp trả.
“Sao hả? Hay thầy làm thế chỉ để cho bõ ghét?”
Lúc ấy, thầy mới đáp lời:
“Thật lòng mà nói, tôi nghĩ kỹ thuật lái của học viên Okabe hoàn toàn không được”.
“Thầy lấy gì mà...”, mặt ta đỏ bừng, chỉ nói được có thế.
“Nếu bây giờ đưa học viên Okabe ra chiến trường thì chắc chắn cậu sẽ bị bắn”.
Ta muốn đáp trả lại nhưng không nói được gì.
“Tôi liên tục chấm rớt mọi người không phải làm cho bõ ghét. Trên chiến trường, tôi đã thấy nhiều phi công mất mạng. Ngay cả những phi công kỳ cựu, kỹ thuật tốt hơn ta rất nhiều cũng bị bắn rơi. Reisen đã không còn là chiếc chiến cơ vô địch nữa. Chiến cơ địch vừa tinh nhuệ lại áp đảo quân ta về số lượng. Chiến trường là nơi thật sự khắc nghiệt. Cậu có nghĩ là tôi đang ra vẻ hiểu biết về chiến trường không?”
“Không”.
“Cả ở Mariana, cả ở Leyte, nhiều phi công trẻ chưa được đào tạo đầy đủ đã bị đưa ra chiến trường. Và hầu hết bọn họ đều hy sinh ngay trong trận đầu tiên”.
Ta không thể nói gì trước những lời thầy Miyabe đang chậm rãi nói.
“Tôi cũng từng nói chuyện này với Phi đội trưởng. Thế nhưng, anh ấy không hiểu cho tôi. Ngược lại, tôi còn bị ra lệnh nếu không có vấn đề gì thì cứ chấm đạt cho các cậu qua, trong lúc khó khăn như bây giờ thì chỉ một phi công họ cũng cần”.
Ta chỉ biết gật đầu.
“Đào tạo những người ưu tú như các cậu, nói thật tôi thấy không thích hợp trở thành phi công. Các cậu phải làm những việc to lớn, vĩ đại hơn thế. Nếu có thể, tôi không muốn các cậu phải chết”.
Những lời khi ấy của thầy vẫn còn đọng lại trong tim ta mãi sau chiến tranh. Mỗi khi mệt mỏi vì công việc, ta luôn nhớ đến những lời nói ấy.
“Tôi đã nói những lời vô lễ rồi. Thành thật xin lỗi”.
Thầy cúi đầu nói và hướng về phía phòng nghỉ tập thể.
Ta cảm thấy rất xấu hổ, không thể tha thứ cho mình khi dùng trí óc nông cạn mà bình phẩm thầy Miyabe.
Cuối tháng Hai, chúng ta đã kết thúc tất cả các giáo trình đào tạo trong chưa đầy một năm. Vì thời gian đào tạo khóa thực hành dự bị thông thường phải mất hai năm, nên chúng ta cũng hiểu bản thân được đào tạo tốc hành đến thế nào.
Đêm ấy chúng ta được phát một tờ giấy viết câu hỏi “Có ý nguyện tham gia đội cảm tử quân không?”. Chúng ta được yêu cầu nộp lại vào ngày hôm sau. Chuyện phải đến cũng đã đến rồi sao? Tuy nhiên, cơn sốc khi được phát tờ giấy ấy quá lớn, vượt xa sự giác ngộ của bản thân ta.
Từ khi gia nhập quân đội làm học viên dự bị ta đã nhận thức được cái chết. Chuyện ấy ta cũng từng tâm sự với các chiến hữu khi đó. Nhưng đó chỉ là sau khi ta đã chiến đấu hết mình rồi hy sinh, còn việc tình nguyện tham gia cảm tử quân, định sẵn cái chết là chuyện vượt quá sự giác ngộ.
Tuy nhiên, vì đã biết chuyện các cuộc tấn công cảm tử được tiến hành từ năm trước, nên bản đăng ký tham gia cảm tử không còn là chuyện gây kinh hãi. Nhiệm vụ của đội Shikishima tại Leyte mùa thu năm 1944 được công bố rộng rãi trên các mặt báo. Sau đó, tin tức về đội tấn công đặc biệt Thần Phong cũng được đưa tin liên tiếp trên báo và các phát biểu của Tổng hành dinh. Do đó, ta cũng chuẩn bị trước tâm trạng lỡ như...
Nỗi kinh hoàng của ta khi lần đầu nghe tin về đội cảm tử quân à? Thành thực mà nói, ta nghĩ không kinh hoàng đến thế, nhưng tâm trạng ta khá căng thẳng.
Có lẽ thời gian đó ta đã lãnh cảm với cái chết của con người. Ngay cả trên báo cũng không hiếm các dòng Hy sinh oanh liệt. Nó có nghĩa là Toàn diệt. Là toàn quân đều phải chết. Người ta dùng từ Hy sinh oanh liệt thế cho Toàn diệt, nhằm che giấu đi sự bi thương. Thời ấy, Quân đội Nhật Bản dùng vô số từ thay thế như vậy. Chạy nạn từ thành thị về nông thôn thì gọi là Dàn quân, gọi rút lui là Chuyển hướng. Vậy nhưng, Hy sinh oanh liệt lại là một ví dụ quá kinh khủng, có ý đồ ví cái chết như một thứ đẹp đẽ. Chẳng mấy chốc, trên báo tràn ngập những câu như “Một triệu người chết cho vinh quang”.
Liên tục đọc thấy nhiều cái chết như thế, sinh mệnh dần dần bị xem thường. Trong số hàng ngàn người chết ngoài chiến trường hàng ngày, thì cỡ 10 người đội cảm tử quân không phải quá kinh khủng. Thế nhưng, khi bản thân lâm vào tình cảnh ấy, sự tình hoàn toàn khác hẳn. Con người vốn ích kỷ mà.
Ta đã nghĩ đến bố mẹ, những người yêu thương ta hơn tất cả. Rồi nghĩ về đứa em gái kém 10 tuổi, ta đã tưởng tượng rằng nếu mình chết đi, bố mẹ ta dù có chịu đựng được thi em gái cũng sẽ khóc thương thế nào. Con bé yêu ta hơn bất kỳ ai khác, nó thường nói: “Em yêu anh nhất, yêu hơn cả bố, hơn cả mẹ luôn”.
Thật ra, em gái của ta mắc bệnh thiểu năng. Cũng như nhiều đứa trẻ mắc chứng bệnh này, nó rất thuần khiết không bao giờ nghi ngờ người khác, con bé rất tội nghiệp và đáng thương. Nếu đã có vợ hay người yêu, chắc ta đã suy nghĩ khác nhưng thật may ta vẫn còn độc thân. Hơn nữa ta cũng chẳng có người con gái nào để nhớ thương. Vì thế, lúc ấy chỉ có bố mẹ và em gái là gánh nặng trong lòng ta.
Bố mẹ chắc sẽ chịu đựng được chứ? Có thể tha thứ cho đứa con bất hiếu như ta chứ? Họ sẽ tự hào vì ta hy sinh để bảo vệ Tổ quốc phải không? Thế nhưng lòng ta đầy cảm giác có lỗi với đứa em gái. Hơn nữa, khi bố mẹ mất đi, sẽ chẳng còn ai chăm sóc con bé. Điều đó cũng làm ta áy náy.
Ta không còn nhớ mình đã quyết tâm đưa ra quyết định như thế nào trước bản đăng ký. Ta không thể nhớ mình có nhận thức được việc lựa chọn con đường đi hay không nữa.
Gần sáng, ta khoanh tròn vào mục “Tình nguyện”. Hẳn chính ý nghĩ nhiều người sẽ đánh dấu tự nguyện đã buộc ta làm vậy. Ta không muốn chỉ mình ta trở thành kẻ nhát gan. Ta đã cố gắng để chữ viết không bị run khi viết tên.
Hình như toàn đội học viên phi công đều đánh dấu tình nguyện. Nhưng sau đó, ta nghe đồn rằng có vài người đã không đánh dấu, và bị thượng cấp gọi riêng ra thuyết phục. Lời thuyết phục của thượng cấp trong quân đội Nhật Bản thời ấy tương đương với mệnh lệnh, không thể kháng cự.
Các cháu có nghĩ bọn ta thiếu chí khí không? Dù vậy, đó là việc mà những người sinh ra và lớn lên trong bầu trời tự do bây giờ không thể hiểu được. Ngay cả hiện tại, trong các tổ chức, cơ quan, có bao nhiêu người có thể thẳng thắn nói “Không” với cấp trên khi cuộc sống của mình đang dựa vào họ?
Khi nghe tin có vài người không đánh dấu tham gia, ta đã nghĩ dù sao cũng sẽ bị thuyết phục, cũng sẽ bị bắt tình nguyện tham gia, vậy thì đánh dấu tình nguyện ngay từ đầu có phải tốt hơn không.
Thế nhưng, bây giờ ta tin chắc rằng những chàng trai không đánh dấu tham gia ấy thật sự rất bản lĩnh. Không trói buộc chuyện sống chết của bản thân mình vào những người khác, quyết định bằng chính ý nguyện của bản thân. Đó chính là những người đàn ông thật sự. Nếu đa phần người Nhật, bao gồm cả ta đều giống như thế chắc chiến tranh đã sớm kết thúc rồi.
Người bắt ép họ phải tình nguyện tham gia có lẽ không phải thượng cấp mà là chính chúng ta cũng nên. Bọn ta tuyệt nhiên không cảm thấy mừng rỡ khi đón nhận cái chết, nhưng vào thời ấy, không có sự lựa chọn nào khác. Quân đội ắt sẽ không tha cho các chiến sĩ không tình nguyện tham gia đội cảm tử.
Thực ra ta còn nghe tin đồn thế này: Những người kiên quyết không đăng ký tình nguyện tại các phi đội thực hành khác bị đưa ra lực lượng đổ bộ ở tiền tuyến hoặc sẽ bị đưa vào các trận chiến gần như đã tuyệt vọng. Vì là tin đồn nên ta không biết độ tin cậy thế nào, nhưng sống qua thời chiến này rồi, ta tin nó cũng không xa sự thật là bao.
Quân đội thời bấy giờ hoàn toàn không nghĩ đến sinh mệnh của binh sĩ. 4.400 thanh niên trẻ đã hy sinh vì tấn công cảm tử, nhưng chỉ một cuộc tấn công cảm tử trên biển của chiến hạm Yamato tại trận Okinawa, chúng ta đã mất số mạng người gần như vậy.
Cuộc tấn công của Yamato hoàn toàn không có hy vọng. Chiến hạm này đã được đưa vào chiến dịch hoang đường rằng phe ta tiến đến bờ biển Okinawa, tạo thành pháo đài trên đất liền và pháo kích quân Mỹ đã đổ bộ. Tuy nhiên, chuyện đó là không thể.
Nói cách khác, Yamato là tấn công tự sát. Có 3.300 thủy thủ Yamato và thủy thủ của các con tàu cỡ nhỏ khác tham gia chiến dịch, nghĩa là chừng ấy thủy thủ của Yamato đã phải chịu chung số phận với con tàu. Chắc hẳn với các tham mưu lập ra kế hoạch ấy, mạng người là thứ chẳng cần phải quan tâm. Họ không thể nghĩ tới 3.300 thủy thủ, mỗi người đều có gia đình, con cái, anh chị em hay sao? Trận chiến đã cầm chắc sẽ thua, nhưng lý nào họ lại khoanh tay đứng nhìn. Chiếc Yamato và các tàu tuần dương hạng nhẹ, tàu khu trục, và cả mấy ngàn binh tướng đã được sử dụng chỉ vì sĩ diện của quân đội, cố gắng chiến đấu bằng cuộc tấn công đặc biệt.
Ngay cả Yamato, niềm tự hào của Hạm đội Liên hợp còn bị ném ra tác chiến trong cuộc tấn công này thì hẳn các cán bộ Bộ tư lệnh và Hạm đội Liên hợp cũng chẳng hề do dự khi sử dụng các học viên dự bị. Nếu suôn sẻ thì một mạng người và một chiếc máy bay không chừng có thể đánh chìm một chiến hạm. Chắc họ nghĩ, được như vậy thì dù lãng phí mười mấy chiếc cũng là chuyện chấp nhận được phải không?
Mặt khác, dù đã đăng ký tình nguyện tham gia tấn công cảm tử nhưng không phải lập tức trở thành cảm tử quân. Việc tình nguyện là tiền đề hiển nhiên trong quân đội thời đó, là một thủ tục thôi. Một khi đã đăng ký tham gia, quân đội có thể chỉ định cảm tử quân bất cứ lúc nào trong số đó.
Bọn ta dù đã kết thúc thời hạn đào tạo và được bổ nhiệm nhưng vẫn tiếp tục tập huấn.
Khoảng thời gian đó, dù có cảm tử quân thì cũng không đủ máy bay. Không chỉ vậy, ngay cả nhiên liệu cũng không đủ. Trong tình thế ấy, ngay cả việc luyện tập cũng không được kỹ càng.
Chiến dịch tấn công cảm tử Okinawa bắt đầu vào khoảng thời gian đó.
Bước vào tháng Ba năm 1945, các máy bay cảm tử xuất phát từ căn cứ Kyushu ngày ngày nhắm vào Hạm đội Mỹ tại các hải vực quanh Okinawa. Những đợt tấn công ấy cũng được đăng tin rộng rãi trên báo.
Một ngày tháng Tư, tên 16 sĩ quan dự bị khóa 14 chúng ta được công bố cho nhiệm vụ cảm tử quân. Không có tên ta trong ấy. Những người được chọn đều có kỹ thuật giỏi.
Trong 16 người ấy, có cậu bạn học thân Takahashi Yoshio của ta ở Keio. Anh chàng ấy say mê văn chương, mơ ước trở thành một học giả. Đồng thời, cũng là một võ sĩ Judo, kỹ thuật của cậu ấy thuộc hàng tam đẳng Kodokan. Thân cao một mét tám, người vững chãi, chính xác là văn võ song toàn.
Có một ký ức về Takahashi mà ta không thể nào quên. Hôm cậu ấy đến nhà chơi, vô tình đúng lúc đứa em gái của ta vừa chạy về vừa khóc. Hỏi bé gái hàng xóm đi cùng thì biết trên đường đi học về, nó bị tụi trung học châm chọc là “Đồ chậm phát triển”, và bị đánh liên tiếp vào đầu nên khóc. Từ trước đến giờ, em gái ta luôn bị bỡn cợt, bắt nạt, mỗi lần như thế ta đều bực tức nhưng riêng lần ấy thật sự điên tiết không kiềm chế được. Chỉ vì chậm phát triển mà bị đánh sao? Thật vô lý.
Ta liền hỏi cô bạn rằng tụi kia là học sinh trường nào. Nhưng đúng lúc ấy, ta thấy một chuyện ngạc nhiên. Takahashi đang xoa đầu em gái ta và khóc.
“Tội nghiệp! Tội nghiệp quá! Bé Kazuko có làm gì xấu đâu”. Vừa nói, nước mắt cậu ấy vừa rơi lã chã.
Giờ đây, anh chàng Takahashi ấy đã bị chọn làm cảm tử quân.
“Đổi cho tao đi!”, Ta đã bảo Takahashi.
“Đừng có nói xàm”. Cậu ấy cười nói.
“Xin mày đấy. Đổi cho tao đi”.
“Không được!”
Ta túm lấy cổ áo câu ấy, như thét lên.
“Đổi cho tao!”
“Không được!”
Takahashi cũng lớn tiếng đáp lại. Ta ra sức xô ngã cậu ta.
“Đổi đi, Takahashi!”
“Không!”
Takahashi đáp, đẩy ta văng ngược ra. Ta liền đứng dậy, bám vào hông cậu ấy. Cậu ấy lại đẩy văng ta ra. Ta đứng dậy, vừa khóc vừa xông tới. Cậu ấy cũng vừa khóc vừa liên tục đẩy ta ra. Đến cuối cùng, ta kiệt sức, nằm bẹp xuống đất mà khóc.
“Okabe, mày phải sống! Vì Kazuko, mày không được chết!”, Takahashi ôm lấy vai ta nói.
Cậu ấy cũng đang khóc.
Ngày hôm ấy, những thằng đàn ông rơi lệ không chỉ có một mình ta. Tối đó, khi rượu vào, những thằng không được chọn khóc lóc, luôn miệng lải nhải “Đổi cho tao đi”. Trong đó, có những đứa vừa khóc vừa trực tiếp cầu xin Phi đội trưởng, “Hãy cho tôi đi tấn công!”
Cả người được chọn và người không được chọn đều khóc.
Sau buổi hôm đó, 16 người được chọn bắt đầu tập huấn với nhiên liệu hàng không có trị số octan* cao dùng trong thực chiến. Tập huấn cho cái chết.

*[Trị số octan (Octane Number) là một đại lượng quy ước đặc trưng cho tính chống kích nổ của nhiên liệu. Trị số này được đo bằng % thể tích của iso-octan (2,2,4-trimetylpentan) có trong hỗn hợp của nó với n-heptan và có khả năng chống kích nổ tương đương khả năng chống kích nổ của nhiên liệu thí nghiệm ở điều kiện chuẩn]

Dù vậy, bọn Takahashi vẫn vững vàng. Được chọn làm cảm tử quân cũng đồng nghĩa với việc nhận bản án tử hình. Thế nhưng trước mặt bọn ta, họ tuyệt đối không nói những điều sợ hãi, cũng không lộ vẻ mặt ảo não, thay vào đó lại hành xử vui vẻ, phấn khởi.
Những điều đó có lẽ không thật lòng, bọn họ chỉ cố tỏ ra như thế vì nghĩ cho bọn ta. Đứng trước cái chết, suy nghĩ chu đáo cho những người ở lại... Họ là những người như thế nào vậy?
Giáo quan của họ là Miyabe, thầy ấy hiển nhiên đã biết việc bọn Takahashi bị chọn làm cảm tử quân.
“Ông ấy thật sự là một người có tâm”, Takahashi đã nói vậy về thầy Miyabe.
Ta hỏi đó là ý gì.
“Ông ấy đau đớn vô cùng khi đào tạo bọn tao. Tao có thể cảm nhận rõ chuyện đó. Cái chết của bọn tao thật đau đớn”.
“Vậy sao?”
“Tao rất đau lòng khi nhìn thấy gương mặt khổ sở của thầy Miyabe”.
Ta kể Takahashi nghe về những lời thầy Miyabe đã nói. Takahashi gật gật đầu.
“Ừ... ừ... thầy ấy là người như vậy đấy”.
Sau đó, cậu ấy đã kể câu chuyện thế này.
“Là lời đồn thôi nhưng nghe nói thầy Miyabe đã từng từ chối tham gia tấn công cảm tử tại Bắc Đảo”.
Chuyện đó thật đáng kinh ngạc.
“Tao nghĩ, có lẽ chuyện đó là thật”, Takahashi nói. “Tao kính trọng con người đó”.
Ta đã không thể nói gì khác. Sau đó, Takahashi nói với gương mặt u buồn.
“Bọn chúng ta là những kẻ yếu hèn”.
Đầu tháng Năm, nhóm Takahashi cất cánh từ căn cứ Kokubun. Vi số lượng máy bay không đủ nên chỉ có 11 trong số 16 người lái Reisen đi. Dẫn đường là thầy Miyabe.
Trước khi xuất phát, Takahashi đã nói với ta.
“Tao đi nhé!”
Ta chẳng biết nói gì đáp lại.
“Đừng thiểu não thế!”, Takahashi mỉm cười rạng rỡ nói, sau đó, cậu ấy chạy về phía đường băng.
Sau này ta mới biết, 11 người đi khi ấy, không đầy một tháng sau toàn bộ đều chết cả.
Thầy Miyabe ở lại cứ địa Kokubun, nhiều lần đảm nhiệm vai trò yểm trợ cho máy bay cảm tử. Ta nghe nói thầy ấy mất trong cuộc tấn công cảm tử ngay trước chiến tranh kết thúc.
Sau đó, ta được phân về căn cứ Gounoike thuộc tỉnh Ibaraki. Tại đó ta trở thành phi công Oka*.
*[Nghĩa là hoa anh đào]
Các cháu biết Oka không? Nó là loại tên lửa đạn đạo do con người điều khiển, không phải máy bay, mà thật sự là một quả bom. Tự Oka không thể cất cánh, hạ cánh, cũng không thể xoay vòng được, nó chỉ có thể lướt thẳng một mạch. Đó là tên lửa được gắn vào máy bay tấn công mặt đất kiểu 1, từ không trung bay thẳng xuống tàu địch. Làm thế nào người ta lại có thể chế tạo thứ vũ khí phi nhân tính đến thế?
Chương trình huấn luyện tại đây chỉ có thuật bổ nhào: từ trên không lao xuống, đâm thẳng vào mục tiêu. Chỉ vậy thôi! Reisen được sử dụng cho tập huấn bổ nhào.
Tập huấn bổ nhào chỉ diễn ra một lần thôi. Vì không có bánh xe dùng cho việc hạ cánh, Oka được gắn đế trượt, nó lao xuống với vận tốc khủng khiếp từ trên cao, bay ngang dần và tiếp đất trên đường băng. Những người tiếp đất thành công sẽ xếp hạng A và được đăng ký làm phi công Oka. Sau đó, họ sẽ bị đưa đến Kyushu.
Những người thất bại trong buổi đào tạo tiếp đất thì sao à? Họ sẽ chết ở đấy!
Có những quả tên lửa không bay ngang được, đâm thẳng xuống mặt đất; có quả lao mạnh qua đường băng, đâm vào đê; có quả đế trượt bị hỏng, ma sát với đường băng rồi bốc cháy; có quả máy phóng tên lửa gặp sự cố, rơi hẳn xuống... Đợt tập huấn đó thật sự quá khủng khiếp!
Ta cũng từng trải qua sự kinh hãi đó. Khi di chuyển từ máy bay mẹ sang Oka, tay chân ta cứng đờ. Sàn chiếc máy bay tấn công mặt đất kiểu 1 vừa mở, ta nhảy vào ghế điều khiển Oka trước áp lực gió thổi muốn bay người. Đương nhiên là không có thiết bị bảo hộ nào. Nếu lúc ấy, xảy ra sự cố gì khiến Oka rơi xuống thì cầm chắc sẽ mất mạng.
Nhưng so với nỗi kinh hãi khi rơi xuống thì điều đó chẳng là gì. Vừa bị cắt rời khỏi máy bay mẹ, Oka rơi xuống khoảng 300 mét với xung lực kinh hoàng. Gia tốc trọng trường* cực mạnh làm máu toàn thân dồn lên đầu như sắp nổ tung, lục phủ ngũ tạng như chực bay ra khỏi mồm. Ta cố hết sức chịu đựng để không bị mất ý thức, dồn sức lực toàn thân kéo cần điều khiển, nâng thân máy bay lên lướt về phía phi trường. Sau đó, càng kéo cao hơn nữa khi đến sát mặt đất, di chuyển theo hướng bay ngang. Với trọng lực lớn quá mức tưởng tượng, ta sa sẩm mặt mày, không còn thấy gì phía trước. Có lẽ những người bạn của ta thất bại cũng vì lâm vào cảnh như vậy. Cú va chạm khi Oka tiếp đất khủng khiếp vô cùng, cảm giác như cả thân xác bị đập xuống mặt đất. Ta đã sống qua 80 năm rồi, nhưng chưa từng trải nghiệm nỗi sợ nào khủng khiếp đến thế.
*[Trong vật lý học, gia tốc trọng trường là gia tốc do lực hấp dẫn tác dụng lên một vật]
Chắc hẳn những người thực sự đâm vào tàu địch trong các đợt tấn công tự sát còn nếm trải nỗi kinh hoàng khủng khiếp hơn nhiều.
Tháng Bảy, ta nhận nhiệm vụ phi công đội Oka, di chuyển đến căn cứ Omura, Nagasaki.
Giai đoạn đó, nhóm căn cứ Nam Kyushu như Kagoshima hay Miyazaki bị không kích và mất chức năng căn cứ. Vì thế, nhóm căn cứ đảo Kagoshima chỉ được dùng khi xuất kích cho những cuộc tấn công đặc biệt.
Ta nhớ là mình đã gặp thầy Miyabe tại Omura, nhưng không rõ lúc ấy có nói chuyện với thầy hay không. Những chuyện xảy ra vào khoảng thời gian đó chỉ là một dòng ký ức mơ hồ. Sáng nào không thấy tên mình trong bảng phân công nhiệm vụ thì biết mạng sống của mình được kéo dài thêm một ngày. Tuy nhiên, trước khi có lệnh xuất kích thì chiến tranh kết thúc.
Tâm trạng của ta khi chiến tranh kết thúc sao? Chính xác là rất nhẹ nhõm, nhưng đồng thời ta cũng cảm thấy chiến tranh kết thúc quá muộn màng. Ta thấy thật áy náy khi chỉ còn riêng ta sống sót, xót thương cho những đồng đội đã ra đi. Suy nghĩ ấy mãi không biến mất được, đến bây giờ cũng không.
Ông Okabe dứt lời, sự im lặng bao trùm cả căn phòng. Tôi có thể nghe cả tiếng muỗi vo ve.
“Kẻ nghĩ ra Oka không phải là con người!”. Chị nghẹn ngào thốt lên.
Ông Okabe gật đầu không chút lưỡng lự.
“Nghe nói căn cứ Gonoike nơi ta tập huấn bây giờ là công viên Oka. Tại đó còn trưng bày cả những chiếc Oka. Nhưng ta không nghĩ mình còn muốn thấy lại chúng lần nữa”.
“Cháu hiểu”, tôi đáp.
“Tuy nhiên, ta lại vô tình nhìn thấy chúng tại Viện bảo tàng Smithsonian khi đi Mỹ du lịch 10 năm trước. Chiếc Oka được treo trên trần nhà. Ta thoáng kinh ngạc. Sau đó, việc làm ta sốc hơn chính là tên gọi họ đặt cho nó. Các cháu có biết là gì không? Là Baka* Bomb”.
*[Baka trong tiếng Nhật nghĩa là ngu ngốc]
“Bakabon?”, chị hỏi lại.
“BAKA BOMB, tức là quả bom ngu ngốc ấy. Dù đang đứng cạnh vợ chồng đứa con trai nhưng ta đã bật khóc thành tiếng. Tức tối, xót xa. Khóc bao nhiêu nước mắt cũng không vừa. Dù vậy, họ nói nó ngu ngốc không sai chút nào. Chiến thuật tấn công cảm tử là chiến dịch ngu ngốc nhất trong lịch sử mà đội quân điên cuồng ấy đã nghĩ ra. Nhưng ta không khóc chỉ vì chuyện ấy. Mà bởi bọn Takahashi đã chết vì chiến thuật ngu ngốc ấy, thật... đáng thương... đáng thương... mà ta không ngăn được nước mắt”.
Mặt ông Okabe đột nhiên rúm lại, nước mắt lã chã rơi. Nỗi thương xót và phẫn uất của ông ấy như truyền sang cả tôi. Tôi cũng chịu một cú sốc lớn với từ ngu ngốc ấy.
“Nhắc đến đây, mục đích chính của phi đội Thần Sấm là tấn công bằng Oka. Số người chết khi lái Oka là hơn 150 người, nhưng số người chết của toàn phi đội Thần Sấm là hơn 800 người. Tại sao lại như vậy? Đó là vì những thành viên phi đội máy bay tấn công mặt đất kiểu 1 mang Oka cũng tử nạn”.
“Máy bay mẹ cũng bị bắn rơi ạ?”
“Đúng vậy đấy”, ông Okabe đáp lại câu hỏi của tôi. “Một quả Oka nặng gần 2 tấn. Máy bay tấn công mặt đất kiểu 1 treo theo Oka hầu như không bay nổi, cứ lờ đờ như miếng mồi ngon vậy đó. Tầm bắn Oka xa nhất là 30 cây số. Tuy nhiên, máy bay ném bom ôm Oka phải đột phá qua trận đánh chặn của chiến cơ địch, tiếp cận Hạm đội đối phương với khoảng cách 30 cây số là chuyện hoàn toàn không thể. Kẻ chế tạo ra Oka ắt hẳn chẳng hiểu gì về thực trạng không chiến”.
Ông tức tối nói.
“Đợt không kích Oka đầu tiên diễn ra vào tháng Ba năm 1945. 15 chiếc Oka được chất lên 18 chiếc máy bay ném bom. Toàn đội đã bị máy bay chiến đấu địch bắn rơi. Khi ấy, chỉ huy đội Thần Sấm là Thiếu tá Nonaka Goro kịch liệt phản đối chiến thuật liều lĩnh này nhưng Đô đốc Ugaki Matome buộc họ phải tác chiến. Dù thiếu tá Nonaka đã yêu cầu phải cho 70 chiếc Reisen yểm trợ nhưng thực tế thì họ chỉ được 30 chiếc bay kèm. Thiếu tá Nonaka không chịu được việc các thuộc cấp của mình phải tiến hành chiến dịch này, nên anh ấy đã tham gia xuất kích với cương vị chỉ huy”.
“Ôi!”. Chị bật thốt lên.
“Những người biết đều nói anh ấy là một thượng cấp tuyệt vời. Câu cửa miệng của anh là “Anh em, chúng ta cùng tung hoành một trận nào!”. Thiếu tá Nonaka xem trọng cấp dưới từ tận đáy lòng. Đội của anh ấy được gọi là Gia đình Nonaka, anh ấy được nhiều thuộc cấp tôn kính như cha chú”.
“Quả là một người có khí phách!”
“Thiếu tá Nonaka dù không phải tự thân xuất kích cũng đã có lập trường đúng đắn rồi. Thế nhưng, anh ấy quyết đi theo thuộc cấp của mình vì không thể đứng nhìn họ chết. Đồng thời cũng tính dùng mạng sống của mình để chứng minh cho các sỹ quan cấp cao biết đó là một chiến thuật ngu ngốc”.
“Ông ấy đúng là một quân nhân thực thụ”.
“Thế nhưng, dù cả Gia đình Nonaka bị tiêu diệt hoàn toàn, đội Thần Sấm sau đó vẫn tiếp tục xuất kích. Hầu hết đều không thể đến được Hạm đội cơ động địch, máy bay mẹ cũng bị bắn rơi cùng. Cứ thế, toàn bộ phi đội Thần Sấm đã chết cả thảy 800 người”.
“Ông Okabe, sao ông lại chấp nhận tấn công cảm tử?”, chị Keiko hỏi.
“Chấp nhận là sao?”
“Trong cuộc tấn công cảm tử, ông đã thuyết phục bản thân về cái chết của mình như thế nào ạ?”
“Hỏi khó đấy!”. Ông Okabe khoanh tay trước ngực.
“Cháu nghĩ một khi đã chấp nhận cái chết thì không thể không có mục đích cao cả vượt qua cái chết ấy. Với ông Okabe mục đích đó là gì ạ?”
Ông Okabe trầm mặc một lúc rồi mở lời.
“Ta đã nghĩ rằng ta sẽ bảo vệ được gia đình bằng cái chết của mình mà vui vẻ hiến dâng sinh mạng”.
“Ông nghĩ có thể bảo vệ gia đình bằng cái chết sao?”
Ông Okabe lặng lẽ nhìn chị chằm chằm.
“Vậy cháu muốn nói cái chết của các cảm tử quân chẳng có nghĩa lý gì hay sao?”
“Không ạ”, chị lắc đầu, vẻ hốt hoảng.
Ông Okabe nói tiếp.
“Ta kể về chuyện khác một chút có được không? Mỹ là một quốc gia dân chủ, tôn trọng sinh mạng của quốc dân hơn bất cứ đất nước nào. Nước Mỹ ấy trong chiến tranh Thế giới II đã chiến đấu với Đức quốc xã để bảo vệ nền tự do của thế giới. Sau đó, để phá hủy nhà máy vũ khí của Đức, Mỹ đã cho máy bay B17 ném bom vào ban ngày mà không có máy bay chiến đấu yểm trợ. Bởi thời đó Mỹ không có chiếc máy bay chiến đấu nào có tầm hoạt động như thế, hơn nữa, họ ném bom ban ngày vì ban đêm không thể nhắm trúng được nhà máy”.
“Vâng”.
“Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm. B17 gặp phải các đợt đánh chặn dữ dội của không quân Đức, mỗi lượt đều có hơn 40% máy bay không trở về. Nghe nói, không có phi công nào sống sót qua bốn lần xuất kích. Mặc dù vậy, để đánh bại Hitler và Đức quốc xã, quân Mỹ đã không cho dừng các đợt ném bom ban ngày, vẫn dũng cảm đột kích vào không phận Đức. Số phi công B17 tử trận lên đến hơn 5.000 người. Con số này thực sự vượt xa 4.000 người chết vì tấn công cảm tử Thần Phong”.
“Như thế...”
“Đó là chiến tranh. Chúng ta cũng liều mạng mình như các binh sĩ Mỹ, tin tưởng vào chiến thắng của Tổ quốc mà xả thân chiến đấu. Giả như mình có chết mà bảo vệ được Tổ quốc và gia đình thì cái chết đó cũng không vô nghĩa. Chúng ta tin vào điều đó mà chiến đấu. Ta biết những người lớn lên trong nước Nhật hòa bình như các cháu không thể hiểu được. Thế nhưng, chúng ta đã tin tưởng vậy mà chiến đấu đấy. Nếu không, làm sao có thể chết vì tấn công cảm tử. Có thể đi chết mà nghĩ rằng cái chết của mình vô nghĩa, chẳng có giá trị gì hay sao? Dù thế nào ta cũng không thể nói với những người bạn đã chết của mình rằng “Mày chết chẳng có nghĩa lý gì cả”.
Chị Keiko lặng thinh. Cả căn phòng tràn ngập bầu không khí nặng nề. Người phá vỡ sự im lặng là ông Okabe.
“Nhưng dù vậy ta vẫn không đồng ý với việc tấn công cảm tử. Kiên quyết phản đối”. Ông Okabe nói giọng chắc nịch. “Tấn công cảm tử là chiến thuật chỉ có chết chứ không thể sống. Phi công B17 của Mỹ rất nhiều người đã hy sinh nhưng họ có khả năng sống sót trở về, vì thế họ vẫn dũng cảm chiến đấu. Còn thứ chiến lược buộc phải chết thì sao gọi là chiến lược chứ. Chuyện này ta nghe được từ một người sau chiến tranh. Đô đốc Ugaki Matome, Tư lệnh Hạm đội Không chiến Năm, người hô hào toàn quân tấn công cảm tử, sau khi bắt tay từng người, rơi nước mắt khích lệ trước khi đội cảm tử quân xuất phát đã hỏi “Bọn bay có câu hỏi gì không?”. Khi đó, một phi công kỳ cựu chiến đấu từ trận Midway đã hỏi “Nếu chúng tôi ném bom trúng tàu địch thì có thể quay về không?”. “Không thể”, Đô đốc Ugaki thẳng thắn trả lời”.
“Hả?”, tôi bất giác thốt lên.
“Đó là sự thật về tấn công cảm tử. Nó không phải chiến dịch nhằm giành thắng lợi. Tới nửa sau trận Okinawa thì không còn chuyện lựa chọn tình nguyện hay không nữa, mà nó được tiến hành như một mệnh lệnh thông thường”.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét