Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Không Chiến Zero Rực Lửa - P 6

Không Chiến Zero Rực Lửa

Tác giả: Naoki Hyakuta
Người dịch: Võ Vương Ngọc Chân
NXB Văn Học & Alpha Books Co - 2016
*

Guadalcanla

- Ta nghỉ một chút có được không? - Ông Izaki nói rồi ngả lưng xuống giường.
Cô Emura nhấn chuông gọi hộ lý.
- Ông không sao chứ ạ?
Ông Izaki nằm im trên giường trả lời.
- Tôi hơi đau.
Cô hộ lý vào tiêm thuốc. Một lát sau, ông Izaki nhắm mắt lại, người dần thả lỏng.
- Vậy tụi cháu xin phép ạ! - Chị tôi nói với cô Emura. Vừa nghe thế, ông Izaki nói lớn.
- Hãy chờ đó. Ta vẫn còn chuyện cần kể.
- Bố à, bố không sao chứ? - Con gái ông lo lắng hỏi.
- Ta ổn. Đã hết đau rồi. - Ông Izaki ngồi dậy, nhưng nét mặt cho thấy ông đang cố chịu đựng cơn đau.
- Ông ơi, hôm khác tụi cháu lại đến thăm ông ạ!
- Không cần phải vậy đâu. - Ông Izaki nói. - Sống đã 80 năm rồi thì cơ thể chỗ này chỗ kia có chút bất ổn là đương nhiên mà.
Cô hộ lý nói cũng vừa hết giờ làm nên sẽ ở lại đây thêm một lát.
- Có cô hộ lý kèm thì yên tâm rồi. - Ông Izaki cười nói nhưng tôi có cảm giác ông đang gắng gượng.
Cô Emura Reiko nhìn cha lo lắng.
- Hồi trẻ ta rất tự tin về sức khỏe của mình. Khi ở Rabaul ta chỉ... bằng tuổi Seiichi hiện giờ.
Cậu trai trẻ Seiichi phút chốc cứng mặt.
- Ông và ông cháu có mối quan hệ thân thiết đến thế ạ? - Chị Keiko hỏi.
- Nhờ là thành viên đội bay của tiểu đội trưởng Miyabe mà ta có thể sống sót trong cuộc chiến đó. Khi vừa đến Rabaul, ta hoàn toàn không sợ cái chết. Một thanh niên 19 tuổi thì chắc không thể biết quý trọng mạng sống. Có thể so sánh một cách hơi bông đùa, nhưng nó cũng giống việc ta không có số tiền lớn mà đi đánh bạc vậy, nghĩ rằng dù thế nào cũng thua nên bình thản đặt cược hết số tiền mình có. Thế nhưng, vì lý do nào đó ta lại liên tục thắng, cứ như thế đến lúc biết được cảm giác sợ hãi, bắt đầu không muốn thua. Đó là thứ tâm trạng giống như vậy đấy.
- Cháu hiểu.
- Mùa thu năm 1942, những phi công lão luyện còn sống trong trận Midway lần lượt được đưa từ nội địa ra. Tuy nhiên, dù là những phi công đầy kinh nghiệm thì Rabaul vẫn quá tàn khốc.
- Là mồ chôn của các phi công phải không ạ?
Ông Izaki gật đầu.
- Nhưng bọn ta dù thế vẫn còn may mắn. Những người thấy địa ngục thật sự... - Ông Izaki khẽ thở hắt. - ... là lính lục quân chiến đấu trên đảo Guadalcanal. Các cháu biết về trận chiến của Lục quân tại đảo Guadalcanal chứ? Lớp trẻ bây giờ chắc không biết gì về chuyện ấy đâu nhỉ? Chuyện này không liên quan tới tiểu đội trưởng Miyabe nhưng ta cũng muốn các cháu biết về lính lục quân chiến đấu trên đảo Guadalcanal. Không, nếu đã là người Nhật, ta không muốn ai quên bi kịch này. Ta cũng muốn Seiichi biết. Hơn nữa, nếu không biết về nó, chắc chắn không thể hiểu phi đội Rabaul của ta và tiểu đội trưởng Miyabe vì sao lại đánh đổi mạng sống để chiến đấu như vậy. Tuy vậy, sau chiến tranh ta mới biết về những điều xảy ra ở Guadalcanal, đó chính là hình ảnh thu nhỏ của chiến tranh Thái Bình Dương. Những thành phần ngu xuẩn nhất của Tổng hành dinh Đế quốc và quân Nhật đều hiện rõ trong trận chiến trên đảo này. Đó là chiến trường bộc lộ một phần tồi tệ nhất của nước Nhật. Chính vì thế, ta muốn toàn bộ người Nhật đều biết về trận Guadalcanal. Trận chiến kéo dài nửa năm này là bước ngoặt thật sự của chiến tranh Thái Bình Dương.
Ngày 7 tháng Tám, khi quân đội Mỹ tấn công đảo Guadalcanal, ban đầu Tổng hành dinh Đế quốc chỉ nghĩ đó là cuộc chiến nhỏ, và Mỹ chỉ tấn công vì Guadalcanal có phòng vệ mỏng. Những điều này cũng là sau chiến tranh ta mới biết. Lúc nãy, ta có kể phi đội Rabaul lập tức tấn công tàu vận tải của Mỹ. Sau đó, nhằm cướp lại sân bay trên đảo Guadalcanal, tháng sau Tổng hành dinh Đế quốc đã đưa Lục quân tham chiến. Đó chính là lúc bi kịch bắt đầu.
Tổng hành dinh Đế quốc không cho trinh sát tình hình địch trước mà phán đoán rằng quân đội Mỹ có khoảng hai vạn người, cho nên đưa tới đó hơn 9.000 quân. Ta không rõ con số hai vạn từ đâu ra, nhưng điều khiến ta ngạc nhiên là họ lại cho rằng có thể cướp lại sân bay và hòn đảo với binh lực chỉ bằng một nửa binh lực địch mà họ ước đoán. Họ nghĩ rằng Lục quân Đế quốc mạnh đến thế sao? Mặt khác, trên thực tế lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên đảo là 13.000 người.
Theo một tài liệu ta đọc sau chiến tranh, đêm trước đột kích, lực lượng đổ bộ của Lục quân Nhật đã sẵn tâm lý chiến thắng. Chỉ huy trưởng, Đại tá Ichiki lại là người kiêu ngạo. Khi vừa nhận lệnh tiến hành kế hoạch lần này, ông ta đã hỏi Tổng tư lệnh. “Không chỉ Guadalcanal mà chúng ta tấn công cả Tulaghi bờ đối diện được không?”.
Đây là cuộc quyết đấu đầu tiên giữa Lục quân Nhật Bản và Thủy quân lục chiến Mỹ. Binh lính Lục quân chắc hẳn đã mang tâm lý sẽ tiêu diệt sạch bọn Yankee hèn yếu. Thời đó, chúng ta luôn được dạy rằng người Mỹ hèn nhát và yếu đuối. Với bọn chúng gia đình là số một, chúng chỉ chờ đợi cuộc sống an nhàn khi trở về nước. Bọn chúng ghét chiến tranh, yêu sinh mạng hơn bất cứ thứ gì khác. Chính vì thế khi cuộc chiến trở nên khắc nghiệt thật sự, chúng sẽ không ngần ngại đầu hàng. Ngược lại, quân đội Đế quốc lại mang tinh thần quyết tử, thà hy sinh anh dũng còn hơn là phải làm tù binh. Vì vậy, không có lý nào chúng ta lại thua. Việc ước lượng binh lực chỉ bằng phân nửa quân địch thế này có lẽ cũng do định kiến đó. Vậy nên cũng không thể trách các binh sĩ trung đoàn Ichiki khi họ vui đùa “Ngày mai sẽ chiến thắng dễ dàng thôi”.
Thế nhưng kết cuộc thì... nói ra cay đắng quá. Trung đoàn Ichiki đã bị tiêu diệt hoàn toàn ngay trong đêm công kích. Trước hỏa lực áp đảo của quân Mỹ, cuộc đột kích giáp lá cà của quân đội Nhật Bản hoàn toàn thất bại.
Về cơ bản, cuộc chiến của Lục quân Nhật Bản là cuộc đột kích lưỡi lê, là cách đánh liều lĩnh tiến vào trại địch, đâm chết quân địch bằng lưỡi lê. Trong khi đó, quân Mỹ được trang bị cả pháo hạng nặng, súng máy hạng nặng và súng máy hạng nhẹ. Quân Mỹ trút pháo như mưa vào quân Nhật, xả súng máy vào binh lính Nhật vốn tay không đến đột kích.
Chắc chắn không thể nào thắng nổi trong một trận chiến như thế. Hay nói cách khác, quân Nhật giống như đoàn kỵ binh của Takeda trong trận Nagashino [Trận Nagashino diễn ra vào năm 1575 gần lâu đài Nagashino, trên đồng bằng Shitaragahara ở tỉnh Mikawa, Nhật Bản] khiêu chiến với binh đoàn súng hỏa mai của Oda Nobunaga [Oda Nobunaga, lãnh chúa nổi tiếng thời chiến quốc có công rất lớn trong việc thống nhất Nhật Bản]. Làm sao lại có thể cho tiến hành kế hoạch ngu xuẩn như vậy được? Bộ Tổng tham mưu đã nghĩ gì vậy chứ? Ta hoàn toàn không thể hiểu được căn nguyên vì đâu mà họ cho rằng sẽ thắng quân Mỹ với cách tác chiến như thời chiến quốc vậy.
Sau chiến tranh, ta có dịp xem những tấm ảnh chụp hàng loạt xác binh lính Nhật trên bãi cát vào buổi sáng sau khi trận chiến kết thúc. Trên thi thể họ không còn vết máu nào, phải chăng sóng đã gột sạch rồi? Tấm ảnh nào cũng đầy đau thương. Tất cả họ đều là những chàng trai có cha mẹ hoặc vợ con nơi quê nhà. Ta không thể tiếp tục xem những bức ảnh đó vì nhòa lệ.
Người ta nói rằng chỉ trong một đêm, cứ khoảng 800 người xuất kích thì 777 người thiệt mạng. Lữ đoàn trưởng Ichiki đã đốt cờ và tự vẫn. Số quân Mỹ tử trận rất ít.
Khi nhận được tin Lữ đoàn Ichiki bị tiêu diệt hoàn toàn, Tổng hành dinh Đế quốc quyết định đưa thêm 5.000 quân đi, đinh ninh rằng như vậy là đủ. Thế nhưng, quân Mỹ đã bổ sung lực lượng. Tuy đã đẩy lùi quân Nhật nhưng họ dự đoán rằng sau đó quân Nhật sẽ tăng viện, nên đã tăng quân đồn trú lên đến 18.000 người.
Chiến lược của các tham mưu Tổng hành dinh Đế quốc hoàn toàn bốc đồng. Ban đầu là không điều tra lực lượng địch, chỉ thuần đánh giá theo điều kiện của phe mình, nghĩ rằng đưa đi lữ đoàn chưa đến 1.000 người là đủ. Trận ấy không xong thì quan niệm đơn giản là đưa tiếp 5.000 người sẽ thắng. Chiến thuật “xuất quân nhỏ giọt” này là nên tránh nhất. Thế nhưng, tầng lớp ưu tú của Tổng hành dinh Đế quốc lại không hiểu kiến thức cơ bản này. Binh pháp Tôn Tử có một câu nổi tiếng: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Không biết gì về địch mà lại muốn chiến đấu, thật không còn gì để nói!
Thương tâm nhất là những binh sĩ được sử dụng như những quân tốt thí trong các chiến lược bốc đồng này.
Lần tấn công thứ hai, quân Nhật cũng bị đánh tan tác, nhiều binh lính đã phải trốn vào rừng để rồi lại bị cái đói hành hạ. Ta gọi Guadalcanal là đảo Ga, đôi khi viết là đảo Đói cũng là vì thế. Sau này Tổng hành dinh Đế quốc liên tục lặp lại việc đưa người nhỏ giọt, tất cả những binh sĩ đến đó đều phải chịu đựng cái đói. Và rồi họ chết không phải vì chiến đấu mà chết vì đói.
Các chiến sĩ đảo Ga đã bị định đoạt số mệnh như thế đấy.
Người còn đứng được thì sống được 30 ngày, còn ngồi được thì 3 tuần, nằm liệt thì còn 1 tuần, không còn nói được nữa thì còn 2 ngày, đến khi không còn chớp mắt được nữa thì chỉ còn sống một ngày thôi”.
Cuối cùng, quân Nhật đổ bộ tổng cộng hơn 30.000 quân, nhưng 20.000 binh sĩ đã mất mạng ở Guadalcanal. Trong 20.000 quân đó, số người chết vì chiến đấu là 5.000. Số còn lại chết vì đói. Trên thân thể của các binh sĩ còn sống đều lên giòi. Bi thảm đến nhường nào các cháu có hiểu nổi không?
Nói đến đây, các chiến dịch mà quân Nhật phải chịu đựng cơn đói còn nhiều. Cả New Guinea, cả Leyte, cả Luzon, cả Imphal, hàng chục nghìn sĩ quan và binh lính đã chết vì đói.
Vì họ không được chuẩn bị quân lương. Lục quân Nhật Bản chỉ chuẩn bị lương thực cho kế hoạch tác chiến trong vài ngày, sau khi chiếm được đồn địch sẽ lấy lương thực ở đó cho những ngày tiếp theo, hơn nữa sau khi tấn công vào đồn địch sẽ bổ sung lương thực. Chắc họ nghĩ các chiến sĩ không có lương thực, vì bị dồn vào chân tường nên sẽ phải chiến đấu điên cuồng. Các binh lính Lữ đoàn Kawaguchi được đưa đến sau Lữ đoàn Ichiki gọi lương thực của quân Mỹ là “Lương Roosevelt” và trông chờ vào đó.
Tuy thế, chiến tranh lại không dễ dàng diễn biến theo kế hoạch. Sự thật thì trên chiến trường, chính những binh đoàn của ta mới bị địch xóa sổ. Sau đó sẽ là trận chiến với cái đói trong rừng già. Hậu cần quân sự, nghĩa là việc tiếp tế lương thực và đạn dược cho quân đội, luôn là nền tảng của cuộc chiến.
Thứ mà các võ tướng thời chiến quốc xem trọng nhất trong cuộc chiến chính là hậu cần. Thế nhưng các tham mưu của Tổng hành dinh Đế quốc lại không nghĩ đến cả điều này. Tất cả họ đều là những nhân tài ưu tú hàng đầu của Đại học Lục quân, mà tầng lớp hàng đầu của Đại học Lục quân khi đó chẳng hề thua kém tầng lớp hàng đầu của Khoa luật Đại học Tokyo.
Vậy là 30.000 sĩ quan và binh lính đã bị bỏ rơi tại Guadalcanal. Dù Hải quân đã đưa rất nhiều tàu vận tải tiếp lương thực và đạn dược đến Guadalcanal, nhưng trước khi đến gần đảo, chúng đã bị các máy bay địch đến từ phi trường Guadalcanal đánh chìm.
Sau đó, bằng một biện pháp tuyệt vọng, việc vận chuyển lương thực được giao cho các tàu khu trục tốc độ cao thi hành. Gạo được đóng thùng và đưa vào bờ biển bằng dây thừng. Hạm trưởng của các khu trục hạm chế giễu rằng đây là Vận tải chuột *. Tuy nhiên nỗ lực này với một chiếc khu trục hạm cũng chỉ vận chuyển được lượng lương thực vài ngày cho số binh sĩ lên đến hơn 20.000 người. Sau đó, liên tiếp nhiều tàu khu trục bị địch phục kích đánh chìm. Hơn nữa, nhiều thùng bị súng máy của chiến cơ Mỹ bắn chìm.
* [Như loài chuột hoạt động ban đêm]
Sau cùng, các tàu ngầm vốn có nhiệm vụ quan trọng là thả ngư lôi lại được giao việc vận chuyển gạo.
Trong thời gian đó, tại biển Solomon, nhiều trận hải chiến cũng nổ ra. Hạm đội liên hợp đánh bại quân Mỹ cũng có, nhưng ngược lại, hạm đội Mỹ cũng đánh chìm tàu của Nhật. Tuy vậy, hải chiến Guadalcanal đã từng có một cơ hội lớn.
Ngày 7 tháng Tám, quân Mỹ đã đột kích Guadalcanal, khi đó Hạm đội số Tám ở Rabaul lập tức xuất kích nhằm tấn công tàu vận tải địch. Đêm hôm sau, ngày 8, họ đã gặp hạm đội Mỹ yểm trợ cho đoàn tàu vận tải ở ngoài khơi đảo Savo. Nó được gọi là “Trận chiến biển Solomon lần thứ nhất”, trong trận chiến đó, Hạm đội Tám do Tư lệnh Mikawa Gunichi chỉ huy đã đánh bại hoàn toàn hạm đội tuần dương Mỹ.
Cuộc đột kích ban đêm do Hải quân Nhật tiến hành đã thành công.
Thế nhưng, hạm đội Mikawa lại lập tức lui quân. Nếu khi đó tiếp tục tiến lên tấn công đoàn tàu vận tải địch thì có thể đã tiêu diệt hoàn toàn đoàn tàu vận tải. Thuyền trưởng Hayakawa của tàu tuần dương Chokai đã xin tấn công đoàn tàu vận tải ấy nhưng Đô đốc Mikawa vẫn cho rút quân.
Đô đốc Mikawa e sợ tàu sân bay Mỹ. Dù có cho tiêu diệt được đoàn tàu vận tải, thì khi trời sáng, nếu bị các máy bay trên tàu sân bay Mỹ tấn công, đối với hạm đội không được máy bay chiến đấu yểm trợ như thế, họ sẽ lâm vào một cuộc chiến tuyệt vọng.
Nhưng sự thật là khi đó, 3 chiếc tàu sân bay Mỹ đều ở khá xa Guadalcanal. Do ngày 7 hôm trước, Nhất đẳng phi tào Sakai và Nhất đẳng phi tào Nishizawa đã chiến đấu anh dũng. Sáng hôm đó, đội Reisen ở Rabaul mà trong đó có ta và tiểu đội trưởng Miyabe tham gia, lại tấn công địch kịch liệt nên đội chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ đã bị thiệt hại tương đối. Vì thế, chỉ huy mẫu hạm là Đô đốc Fletcher tưởng rằng tàu sân bay Nhật đang tiến đến gần. Vì cho rằng không thể ngăn chặn cuộc tấn công của tàu sân bay Nhật trong tình trạng tổn thất nhiều máy bay chiến đấu như vậy nên ông ta đã rút lui về phía đông. Cuộc tấn công quyết liệt trong hai ngày của đội Reisen Rabaul đã đẩy lùi đám tàu sân bay Mỹ.
Vậy mà hạm đội Mikawa đã không thể nắm bắt cơ hội chiến thắng này. Khi ấy, đoàn tàu vận tải địch không thể cho đổ bộ những thứ như pháo hạng nặng, nên nếu hạm đội Mikawa tấn công, rất nhiều vũ khí đạn dược của đoàn tàu vận tải Mỹ sẽ phải chìm xuống biển. Nếu thế thì các trận chiến của trung đoàn Ichiki và trung đoàn Kawaguchi diễn ra sau này sẽ diễn biến theo một hướng hoàn toàn khác. Các sĩ quan và binh lính ở tuyến đầu chiến đấu hết mình, vậy mà sự yếu đuối của Bộ Tổng tư lệnh lại khiến nó thành ra thế này, thật là đáng tiếc.
Đây cũng là chuyện sau chiến tranh ta mới biết. Khi Đô đốc Mikawa được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hạm đội Tám, Tham mưu trưởng Hải quân Nagano đã nói. “Nền công nghiệp nước ta còn non kém, cố hết sức đừng làm chìm thuyền”. Trời ạ! Đó là lối suy nghĩ gì vậy? Sinh mạng của binh lính và phi công bị xem như vật hiến tế, còn mấy chiếc chiến hạm lại thành quan trọng đến thế ư!
Ta còn nghe được một tin đồn không hay khác. Đối với một tư lệnh Hạm đội, tiêu chí đánh giá quan trọng để được trao tặng huân chương danh dự nhất, huân chương Diều hâu vàng, là đánh đắm nhiều chiến hạm trong cuộc hải chiến. Xem chiến hạm là quan trọng nhất, tiếp xuống lần lượt là tuần dương hạm và khu trục hạm, còn tàu vận tải thì đánh chìm bao nhiêu chiếc cũng không ghi nhận. Nhưng nếu để mất tàu thì lại bị điểm trừ rất lớn. Nếu nói rằng Đô đốc Mikawa vì thành tích mà sau khi bắn chìm tuần dương hạm và khu trục hạm đã chẳng thèm để mắt đến các tàu vận tải mà nhanh chóng rút lui, thì cũng không phải quá lời.
Dù sao việc Hạm đội Mikawa lui quân là một nỗi hối tiếc lớn đối với trận hải chiến Guadalcanal.
Sau đó, Hạm đội Nhật Bản đã giáng cho Hạm đội Mỹ nhiều đòn đau. Vào tháng Tám, chiếc tàu ngầm I-26 của ta đã phóng ngư lôi làm tàu sân bay Saratoga của Mỹ mất khả năng chiến đấu, cũng trong tháng Tám chiếc I-19 đã bắn chìm mẫu hạm Wasp.
Ngày 26 tháng Mười, trong trận Hải chiến Nam Thái Bình Dương, cuộc quyết đấu giữa các tàu sân bay từ sau trận Midway, phi hành đoàn mẫu hạm chúng ta tấn công kịch liệt đánh chìm mẫu hạm Hornet, làm hư hại nặng mẫu hạm Enterprise. Chiếc Hornet chính là mẫu hạm đã tiến hành không kích Tokyo. Nghe nói khi đó phi đội mẫu hạm của ta dũng cảm tấn công từ cự li xa, có nhiều người hy sinh nhưng cuối cùng đã đánh chìm được Hornet.
Thực ra, có một điều mà quân Nhật không biết, đó là ngay sau trận hải chiến Nam Thái Bình Dương, quân Mỹ rơi vào tình thế nguy hiểm, bởi trên Thái Bình Dương họ không còn một chiếc mẫu hạm nào có thể hoạt động. Ngày hôm ấy, hình như được đặt là ngày kỷ niệm Hải quân Mỹ, gọi là “Ngày kỷ niệm Hải quân tồi tệ nhất trong lịch sử”. Khi đó, đội đồn trú Guadalcanal của Mỹ đã nghĩ đến việc rút quân.
Sau chiến tranh, nhiều sử gia chiến tranh Mỹ đã nói rằng: “Khi đó, nếu Hạm đội liên hợp Nhật dồn tất cả binh lực để tấn công thì họ đã có thể chiếm lại Guadalcanal”. Thế nhưng, một lần nữa Hải quân Đế quốc lại chọn chia nhỏ binh lực, bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một đó. Ngược lại, kẻ dồn hết binh lực chiến đấu đến cùng lại là quân Mỹ.
Chiến hạm lớn nhất thế giới Yamato nằm yên bình ở đảo Truk cách hơn 1.000 cây số về phía Bắc Rabaul, chưa một lần xuất kích đến Guadalcanal. Các sĩ quan thuộc Bộ Tổng tư lệnh từ Đô đốc Yamamoto trở xuống, vừa ăn bữa trưa thịnh soạn trong khi ban quân nhạc diễn tấu, vừa hạ lệnh cho sĩ quan và binh lính tuyến đầu. Các cháu có biết những người lính thủy gọi Yamato là gì không? Là Khách sạn Yamato đấy!
Trong khi đó, các chiến sĩ chiến đấu ở tiền tuyến lại luôn nỗ lực. Ngoài khơi Lunga, hạm đội khu trục “Vận tải chuột” bị bốn chiếc tàu tuần dương hạng nặng tấn công bất ngờ, nhưng chúng ta chỉ mất một tàu khu trục, đánh chìm một và phá hỏng ba chiếc tàu tuần dương hạng nặng. Đó là một chiến công đáng tuyên dương. Vốn dĩ, khu trục hạm không đấu với tuần dương hạm hạng nặng được. Việc đó giống như một chiếc xe hơi nhẹ đâm vào chiếc xe tải đồ sộ vậy. Tuy nhiên, Tư lệnh Tanaka Raizo đã phản công táo bạo, và đánh bại tàu tuần dương hạng nặng đó.
Nói ngoài lề một chút, Tư lệnh Tanaka, người đã lập nên thành quả chiến tranh đó, sau trận hải chiến này không biết vì lý do gì lại bị giáng cấp. Ông ấy là người mà chính quân Mỹ vinh danh, ca ngợi đến tận mây xanh là “Vị tướng bất khuất, dũng cảm nhất Hải quân Nhật Bản”.
Nhắc đến đây, tàu ngầm I-26 khiến chiến hạm Saratoga lâm vào tình trạng mất khả năng chiến đấu suốt ba tháng do bị một quả ngư lôi phóng trúng. Đây là vinh dự không gì hơn cho toàn thủy thủ đoàn. Họ đã nhẫn nại chịu đựng sau trận lôi kích suốt 12 giờ đồng hồ, lại liên tục bị tấn công bằng bom chống tàu ngầm mà vẫn sống sót.
Nhìn chung, Hải quân Đế quốc rất lạnh nhạt đối với các chiến sĩ chiến đấu hết mình ở tuyến đầu. Nó là tổ chức mà các sĩ quan xuất thân từ trường Đại học Hải quân dù có mắc lỗi thế nào cũng vẫn có thể thăng tiến, trong khi các sĩ quan binh lính khác hiếm khi được tưởng thưởng. Những người tốt nghiệp trường Đại học Hải quân với thành tích xuất sắc sẽ được bảo đảm tương lai, nhưng những người chỉ dừng lại ở Học viện Quân sự thì không thể thăng tiến cao được. Chúng ta, binh sĩ và hạ sĩ quan, ngay từ đầu chỉ là công cụ của bọn họ, đối với các sĩ quan, mạng sống của hạ sĩ quan và binh lính cũng chỉ như những viên đạn của khẩu súng. Tổng hành dinh Đế quốc và Bộ Tổng tư lệnh không phải là con người!
Xin lỗi. Ta đã quá xúc động rồi. Trở lại câu chuyện nào. Ừm... Tuy vậy, những trận mà chúng ta bị đánh bại cũng không phải ít.
Trong trận chiến đêm trên biển Savo, tàu tuần dương hạng nặng đã bị đánh chìm bằng súng radar, trong trận chiến trên biển Solomon lần thứ ba, quân ta cũng mất hai thiết giáp hạm đời cũ vì súng radar. Ngay cả lúc đó, Hạm đội Liên hợp cũng không nỡ đưa Yamato vào tham chiến mà chỉ cho thiết giáp hạm hạng hai xuất kích.
Tuy nhiên, khó khăn của từng trận hải chiến là không dễ dàng gì mà tiến hành được các chiến dịch vận tải. Đó là do chúng ta không có khả năng kiểm soát không phận. Thậm chí dù định hộ tống hạm đội bằng máy bay nhưng khoảng cách 560 hải lý từ Rabaul là quá xa. Sau này khi đã xây dựng căn cứ không quân tại Buin trên đảo Bougainville, nằm giữa Rabaul và Guadalcanal thì dễ thở hơn chút ít, nhưng đó cũng không phải khoảng cách có thể giành lại quyền khống chế không phận.
Chiến thuật còn lại là dùng mẫu hạm yểm trợ tàu vận tải, nhưng việc đến gần căn cứ không quân hùng mạnh của địch là hành động vô cùng nguy hiểm.
Huống chi, sau khi 4 chiếc mẫu hạm bị đánh chìm trong trận Midway, Tổng hành dinh Đế quốc và Bộ Tổng tư lệnh Hạm đội liên hợp sẽ không dám đề ra những chiến lược mạo hiểm như vậy nữa.
Chẳng hiểu tại sao Lục-Hải quân Nhật Bản lại có thể tác chiến trong tình trạng không được chi viện kéo dài đến thế. Dù sao, trận chiến đã nổ ra. Để chiếm lại phi trường trên đảo Guadalcanal thì buộc phải tiêu diệt lực lượng không quân địch. Gánh vác trọng trách đó là phi đội Rabaul chúng ta. Câu chuyện ta sắp kể sau đây chính là việc Rabaul bắt đầu được gọi bằng cái tên Mồ chôn của các phi công.
Phi đội Rabaul bị tiêu hao nhanh chóng từ sau trận hải chiến Guadalcanal. Việc xuất kích diễn ra hằng ngày. Mỗi lần như vậy, số lượng máy bay không trở về khá nhiều.
Trong các phi đội, đội có nhiều người hy sinh nhất là các Chuko, máy bay tấn công mặt đất kiểu số 1, bởi tính phòng ngự rất yếu. Reisen cũng là máy bay có tính phòng ngự yếu nhưng khả năng chiến đấu và tính năng xoay vòng hiếm có đã bù lại cho tính phòng vệ yếu kém. Còn Chuko tốc độ lại chậm, nếu đã bị máy bay chiến đấu nhằm vào thì không thể cứu nổi.
Mùa thu năm 1942, gần nửa số máy bay xuất kích của phi đội Chuko đã không trở về. Đôi khi có những đợt tấn công mà tất cả đều bị tiêu diệt. Các thành viên phi đội Chuko có vẻ đều từ bỏ hy vọng sống. Chẳng phải vậy sao? Vì rằng xác suất bị bắn rơi trong không chiến với Mỹ là trên năm mươi phần trăm. Vả lại, việc xuất kích lại lặp lại nhiều lần. Gương mặt họ chẳng còn chút sinh khí nào, chỉ hằn lên vẻ kiệt sức vì chiến đấu. Tuy vậy, họ vẫn can trường đến phút cuối, không ca thán một câu mà tận lực thi hành nhiệm vụ được giao. Sau này các cảm tử quân của đội Kamikaze cũng can trường chấp nhận vận mệnh của mình mà xuất kích như thế. Đội Chuko Rabaul cũng chiến đấu khi cầm chắc là mình sẽ chết.
Ngay cả đội Reisen mỗi lần xuất kích cũng mất một hoặc hai chiếc. Trong phòng nghỉ của thành viên phi đội dần xuất hiện những vật dụng không còn chủ nhân. Những thứ đó được gom lại và gửi về cho gia đình ở đất liền. Trong số đó có cả những bức di thư. Trong phi đội có người viết di thư, nhưng cũng có người không viết. Ta cũng từng nghĩ đến lúc bất trắc và viết di thư, nhưng không ít người có cảm giác rằng viết di thư nghĩa là mình sắp chết trận nên đã không viết.
Nỗi đau buồn vì mất đồng đội không cảm nhận được ngay khi trận chiến kết thúc mà là vào bữa cơm tối. Những đồng đội mới cùng ăn bữa sáng với chúng ta, buổi tối đà không còn xuất hiện nữa. Cơm tối luôn được chuẩn bị phần cho tất cả phi đội. Nhà ăn không quy định ai ngồi ở đâu nhưng do thói quen mỗi người đều luôn ngồi những chỗ cố định. Trong cuộc họp ở công ty cũng định những vị trí ngồi giống như vậy phải không?
Nếu một chiếc ghế trống trong giờ cơm tối, nghĩa là người ngồi ở đó đã hy sinh. Nếu đó là anh chàng vẫn thường ngồi cạnh ta thì càng không thể chịu đựng nổi. Những người lính lái máy bay thì khi chết thi thể cũng chẳng còn. Sau những trận chiến ác liệt, có khi trống rất nhiều chỗ. Chính vì thế, tại bữa cơm tối, chúng ta tuyệt nhiên không thể cười đùa nổi.
Tại bữa ăn sáng vào một ngày tháng Chín, Nhị đẳng phi tào Higashino, đàn anh của ta cũng từng ở phi đội Yatabe, đã nói to rằng. “Ta muốn ăn bánh Đại phúc *, dù chỉ một lần thôi cũng được”.
*[Là một loại bánh ngọt wagashi của Nhật gồm viên bột nếp mochi tròn nhỏ với nhân ngọt, thường là đậu đỏ xay nhuyễn]
Nghe anh ấy nói thế, ta cũng ứa nước miếng. Từ khi đến Rabaul, bọn ta chưa từng được ăn những thứ như vậy.
“Chúng ta chiến đấu cật lực, cũng nên được ăn bánh Đại phúc hoặc thứ gì đó đại loại như thế chứ nhỉ”.
Nghe Higashino nói đùa, mọi người cùng cười vang.
Tối hôm đó, trên bàn ăn bày bánh Đại phúc. Các nhân viên nhà bếp đã nghe được những lời đó nên cố gắng chuẩn bị bánh Đại phúc cho chúng ta. Nhưng bữa tối hôm đó đã trống chỗ Higashino. Không ai động tay vào chiếc bánh Đại phúc nào.
Chẳng bao lâu, cảnh đó trở thành chuyện hằng ngày.
Nhất đẳng phi tào Sakai sau đó bị mất một mắt và được trở về đất liền. Át chủ bài của Rabaul là Trung úy Sasai Junichi cũng đã không trở về khi trận Guadalcanal bắt đầu chưa được ba tuần. Tháng Chín, chiến binh kỳ cựu Chuẩn úy Takatuka Toraichi và Tam đẳng phi tào trẻ tuổi nhưng thành thạo không chiến Uto Kazushi cũng hy sinh. Đến tháng Mười, Nhất đẳng phi tào Ota Toshio, người từng cùng tạo đội hình nhào lộn với Nhất đẳng phi tào Nishizawa và Nhất đẳng phi tào Sakai tại Cảng Moresby, cũng đã không trở về. Những chuyện đó thật không tin được. Ta không biết đám phi công Mỹ mới hiện nay thế nào, nhưng những phi công - niềm tự hào của Không lực Hải quân Nhật bản thì đã dần một đi không trở lại.
Nghĩ lại thì đó cũng là chuyện đương nhiên. Bởi lẽ chúng ta đã bay đi bay về với khoảng cách trên 2.000 km, chiến đấu trên bầu trời của địch ngày nối ngày. Một lượt tấn công ngồi suốt bảy giờ đồng hồ trên ghế điều khiển. Vả lại luôn cận kề cái chết, thật sự rất mệt mỏi.
Xuất kích bay đến đảo Guadalcanal không thể lơ là, bởi chúng ta không biết địch sẽ đến tấn công lúc nào. Cứ thế cho đến khi vào không phận địch, tiếp theo là chờ đối đầu với máy bay đánh chặn của địch. Địch đã dò tìm được đội không kích của ta trước bằng thiết bị định vị, nên thường phục kích tại những vị trí chiếm ưu thế. Đó là Hệ thống dò tìm và định vị bằng sóng vô tuyến radar. Thời đó, kỹ thuật này đã tạo ra sự khác biệt rất lớn.
Dù là Reisen thì khi bắt đầu trận không chiến từ vị trí yếu thế cũng không dễ dàng. Hơn nữa, đối với đội Reisen, nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ đội Chuko. Không tùy ý chiến đấu được. Vả lại, do còn chất đầy nhiên liệu để trở về nên thân máy nặng nề, không chuyển động linh hoạt được.
Kết thúc trận ném bom của phe mình, lại phải tránh máy bay địch đuổi theo, quay lại lộ trình hơn ngàn cây số một lần nữa. Vì trên đường trở về cũng có quân địch theo đuôi phục kích nên không thể khinh suất dù chỉ một giây. Sự mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần đó là thứ trước giờ ta chưa từng trải qua. Ngoài ra, trên đường trở về, nếu bị lạc mất đội hình của mình thì chỉ có thể trở về bằng cách dùng bản đồ và compa tính toán đường bay.
Nhiều trường hợp bị trúng đạn trong lúc chiến đấu, dù không bị bắn hạ ngay thì chẳng bao lâu sau cũng sẽ bị thương nghiêm trọng. Ta đã nói nhiều lần, khoảng cách giữa Rabaul và Guadalcanal là 1.000 cây số. Máy bay là một cỗ máy rất mỏng manh, dù chỉ trục trặc nhỏ ở động cơ cũng sẽ không thể tiếp tục vận hành.
Còn vấn đề nhiên liệu nữa. Nhiên liệu để Reisen đi và về Guadalcanal rất khít khao. Nếu tiêu hao một lượng nhiên liệu lớn trong trận không chiến trên bầu trời Guadalcanal thì sẽ không đủ nhiên liệu cho chặng về. Hơn nữa, nếu thùng nhiên liệu bị trúng đạn, chảy ra ngoài thì cũng không thể quay về. Giữa đường, điều hướng sai, lạc mất thì cũng không quay về được. Chỉ một quãng đường vòng ngắn cũng biến thành sai lầm chết người.
Chuyện bị trọng thương mà một mình vẫn có thể trở về từ Guadalcanal như anh Sakai Saburo là kỳ tích hiếm có. Phi công như thế không có mấy ai.
Một lần xuất kích phải mất một, hai ngày mới hồi sức. Thế nhưng trước khi cơn mệt mỏi qua đi thì lại có lệnh xuất kích tiếp. Một tuần mỗi phi công xuất kích ba bốn đợt không phải là chuyện hiếm. Nhiều thành viên phi đội, bao gồm cả ta đều chiến đấu trong tình trạng cận giới hạn chịu đựng của mình. Vì thế một số phi công bị bắn rơi vì những sai sót do mệt mỏi. Trung úy Sasai bị bắn hạ cũng vì anh ấy là trung đội trưởng, phải xuất kích năm ngày liên tiếp. Không chỉ có Trung úy Sasai, những phi công khác nếu được nghỉ dưỡng đầy đủ thì có lẽ đã không tử trận.
Những ngày không xuất kích thì dù thế nào ta cũng ngủ. Đây cũng là điều mà tiểu đội trưởng Miyabe dạy ta.
“Izaki. Nghe rõ đây! Nếu có thời gian thì phải nghỉ ngơi. Ăn uống đầy đủ vào và dù thế nào cũng phải ngủ. Đây là cuộc chiến dựa vào việc cậu nghỉ ngơi được bao lâu”.
Ta đã chân thành nghe theo lời dặn dò của tiểu đội trưởng. Ngay khi có thời gian rảnh là ta ngủ. Lạ lùng thay, ngủ cũng là một kỹ thuật. Nếu mình đã quyết tâm phải ngủ thì dù xung quanh có ồn ào thế nào, sáng đến đâu cũng vẫn ngủ được.
Sau chiến tranh, ta bắt đầu nghề vận tải. Ta nói đi nói lại với nhân viên của mình là dù thế nào cũng phải ngủ, đừng nghĩ sẽ lái xe bằng sức mạnh tinh thần. Có phải nhờ thế hay không thì ta không rõ, nhưng công ty vận tải của ta hầu như chưa hề xảy ra sự cố nào nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tiểu đội trưởng Miyabe lại bị một bộ phận thành viên phi đội nói xấu sau lưng. Đó là do cách chiến đấu của anh khi đảm nhiệm vai trò bảo vệ Chuko, hỗ trợ họ ném bom. Nhiều phi công Reisen ưu tú vì bảo vệ Chuko mà đã mất mạng.
Tiểu đội trưởng cũng truy đuổi máy bay chiến địch đến tấn công Chuko, nhưng anh ấy quyết không dùng thân mình đỡ đạn thay Chuko. Anh ấy cũng không cho bọn ta làm thế. Cách tác chiến như thế bị một bộ phận thành viên phi đội gọi là “Thằng tồi.” Ta nhiều lần đảm nhiệm vị trí thành viên đội bay của tiểu đội trưởng nên cũng bị đánh giá như vậy.
Các cháu muốn hỏi ta nghĩ sao phải không? Cầu hỏi khó trả lời đấy.
Reisen chỉ có một người lái. Phi hành đoàn Chuko thi có 7 người. Nếu đổi một mạng người mà có thể cứu được 7 người, về chiến thuật thì chắc hẳn là việc đáng hy sinh. Nhưng nếu mất đi một phi công ưu tú như tiểu đội trưởng thì có phải là có nhiều sự hy sinh hơn không. Chuyện này khó mà trả lời được. Miyabe nghĩ thế nào ta không biết. Nhưng ta nghĩ, có thể người đó không muốn chính mình phải chết.
Từ nửa sau năm 1942, chiến thuật của Mỹ đối với Reisen đã thay đổi hoàn toàn.
Đến lúc đó quân Mỹ vốn đã ít chiến đấu trực diện với Reisen, nhưng sau năm 1942, họ bắt đầu né tránh giao chiến với Reisen một cách rõ rệt. Sau khi thực hiện triệt để Bắn và Chạy thì hai chiếc lập tức tạo thành một nhóm tấn công, chiến thuật mới của quân Mỹ đã khiến chúng ta bối rối.
Sau chiến tranh khá lâu ta mới biết, vào tháng Bảy năm 1942, quân Mỹ đã có được một chiếc Reisen nguyên vẹn. Sau khi xem xét nó, họ đã đưa ra biện pháp đối phó.
Đó là do một Reisen phải hạ cánh bất đắc dĩ tại đảo Akutan trong chiến dịch quần đảo Aleutian. Phi công do hạ cánh khẩn cấp đã tử thương, sau đó chiếc Reisen này bị máy bay tuần tra Mỹ phát hiện.
Cho đến lúc đó, Reisen là một máy bay chiến đấu hoàn toàn bí ẩn đối với quân đội Mỹ. Vì thế, trong lúc cố gắng chụp bắt một chiếc Zero Fighter nhưng chỉ lấy được những mảnh xác máy bay vỡ nát, thì tin báo phát hiện một chiếc Zero hầu như nguyên vẹn khiên họ rất vui sướng.
Chiếc Reisen được đưa về lãnh thổ Mỹ và phân tích triệt để. Thế rồi tấm màn bí mật về Reisen thần bí đối với quân Mỹ từ trước đến giờ đã hoàn toàn bị vén lên.
Người ta nói rằng, các giới chức trách hàng không Mỹ rất kinh hoàng trước kết quả phân tích. Họ ngạc nhiên vì biết rằng bọn “khỉ vàng” và Jap * mà họ khinh miệt đã chế tạo được một chiếc máy bay chiến đấu thật sự đáng sợ. Rồi họ thừa nhận rằng, tại thời điểm đó đất nước họ không tồn tại máy bay nào có thể chiến đấu ngang với Reisen. Đó là câu trả lời đáng sợ đối với họ.
*[Viết tắt từ Japanese, cách gọi miệt thị người Nhật]
Tuy thế, quân Mỹ cũng nhìn thấu được nhược điểm của Reisen. Không được trang bị tấm chắn đạn, tốc độ bổ nhào hạn chế, tính năng giảm ở tầm cao... Sau đó, quân Mỹ đã đưa ra các chiến thuật tập trung triệt để vào các nhược điểm của Reisen.
Quân Mỹ đã ra lệnh cho tất cả phi công quán triệt “Ba không” khi chiến đấu với Reisen: Không đánh giáp lá cà với Zero; Không chuyển động giống Zero với tốc độ dưới 300 dặm/giờ; Không đuổi theo Zero ở bên trên khi vận tốc thấp. Những người phạm các lỗi “Không” này sẽ phải chịu số mệnh bị Zero bắn rơi.
Bằng cách này, quân Mỹ đã triệt để chuyển sang chiến thuật Bắn và Thoát. Thêm nữa, đối đầu với một Reisen thì bắt buộc phải phối hợp chiến đấu từ hai máy bay chiến đấu trở lên. Chiến thuật này hiệu quả nhờ vào nguồn lực dồi dào của Mỹ. Chúng áp đảo về nguồn lực, và luôn rất xem trọng sinh mạng của các phi công. Còn lực lượng phe ta lại ngày càng bị hao hụt.
Vào mùa thu, các tù binh phi công Mỹ được đưa về Rabaul.
Các phi công Mỹ bị bắn rơi trong trận không chiến tại Guadalcanal được khu trục hạm của ta vớt lên và bắt làm tù binh. Những câu chuyện của họ khiến chúng ta quá đỗi ngạc nhiên. Nào là sau khi chiến đấu một tuần họ sẽ được quay về hậu phương, ở đó nghỉ ngơi đầy đủ, sau đó mới lại ra tiền tuyến. Hơn nữa, nếu chiến đấu vài tháng thì sẽ được rời khỏi chiến trường.
Khi tin này lọt ra, thành viên phi đội bọn ta mang một tâm trạng khó nói. Chúng ta không bao giờ được ban phát những thứ như nghỉ phép, lại phải xuất kích gần như hằng ngày.
Các phi công ưu tú ngày càng giảm như lược mất răng. À không, chính là cái chết bắt đầu với những phi công như thế. Với lý do các phi công ít kinh nghiêm sẽ có khả năng bị bắn hạ và đánh mất những chiếc máy bay quý giá, nên các phi công lão luyện được ưu tiên xuất kích. Họ xem trọng những chiếc máy bay hơn phi công. Bay quãng đường một chiều hơn ba giờ đồng hồ, chiến đấu bảo vệ Chuko trên bầu trời địch đã mai phục, sau đó lại quay về hơn ba giờ đồng hồ. Chuyện đó lặp đi lặp lại, khiến thể lực và khả năng tập trung tất yếu bị giảm sút. Chúng ta dù chỉ một lần mắc sai lầm cũng là chấm hết. Thất bại với chúng ta không phải là thứ dẫn tới thành công để mà được phép tái diễn. Thất bại một lần tất cả sẽ chấm dứt. Ta thường nghe trong các trận bóng chày chuyên nghiệp câu “Ném hụt một quả chết người”. Lái máy bay chiến đấu nếu ném hụt một quả thì đúng với chữ chết người.
Nói sang chuyện khác, sau chiến tranh ta đọc tài liệu về các phi công át chủ bài của Đức, có một chuyện đã làm ta kinh ngạc. Đứng đầu là Hartmann đã hạ 350 chiếc, các Ace bắn hạ hơn 200 máy bay có đến mười mấy người. Chuyện đó Hải quân Nhật Bản không thể nào nghĩ đến. Nhưng thiết nghĩ đó là do họ chiến đấu trên bầu trời Đức Quốc Xã. Đây chính là lợi thế lớn của sân nhà. Dù bị bắn rơi, họ vẫn có thể thoát thân bằng cách nhảy dù, dù động cơ trục trặc cũng có thể tiếp đất kịp thời. Bởi vì họ chặn đánh quân địch đến tấn công nên có thể phục kích, lại không phải lo về nhiên liệu. Chúng ta thì không được cho cơ hội thứ hai. Trong cuộc chiến khốc liệt như thế, những người bắn hạ hơn trăm chiếc như anh Iwamoto Tetsuzo và anh Nishizawa Hiroyoshi thực sự là những chiến binh ưu tú.
Nửa sau năm 1942, trận chiến đã trở nên khốc liệt.
Việc bổ sung máy bay không được tiến hành nhanh chóng, việc bổ sung các phi công cũng vậy. Mà không, vấn đề phi công còn nghiêm trọng hơn. Dù máy bay có ít, nếu đưa thêm máy bay mới đến là ổn nhưng không thể nào thay thế được các phi công lão luyện. Để đào tạo các phi công giỏi phải mất vài năm. Bổ sung những thành viên phi đội như thế là điều không thể.
Những trận đánh quanh các hòn đảo nhỏ nổi trên Nam Thái Bình Dương mang dáng dấp của một cuộc chiến tổng lực giữa Nhật Bản và Mỹ. Dù thế, đánh mãi đánh mãi mà địch vẫn đưa thêm người mới đến. Ta đã nghĩ rằng nguồn lực của bọn họ là vô hạn.
Vào tháng Chín năm 1942, nỗ lực chiến đấu của đội Reisen và cuộc không kích của quân ta đã đem về những chiến tích lớn lao. Chúng ta đã hạ rất nhiều máy bay địch và bắn phá vô số máy bay trên mặt đất. Tuy nhiên hai ngày sau, ta thấy số lượng máy bay trên phi trường đảo Guadalcanal vẫn giống y như hai ngày trước. Khi đó, ta cảm giác sợ hãi cực độ, cứ như kẻ thù mà chúng ta đang chiến đấu là một con quái vật bất tử.
Việc này khiến ta nhớ ra chuyện tiểu đội trưởng Miyabe bắn các binh sĩ Mỹ nhảy dù.
Hình như chuyện xảy ra khoảng một tháng sau khi trận hải chiến Guadalcanal bắt đầu. Ngày hôm đó, sau khi kết thúc trận không kích Guadalcanal, đột nhiên chúng ta bị hai chiếc Grumman tấn công bất ngờ trên đường trở về Rabaul. Nơi đó đã cách Guadalcanal cả trăm hải lý. Trên bầu trời bỗng xuất hiện hai chiếc Grumman bổ nhào công kích đội hình chúng ta. Hoàn toàn bất ngờ. Trước mắt ta một chiếc Reisen bốc cháy.
Ta lập tức bổ nhào đuổi theo, không bao lâu đã bị bỏ lại phía sau. Không thể đuổi kịp chúng với chiếc Reisen có tốc độ bổ nhào chậm chạp này được. “Chết tiệt!”. Thế nhưng ta cũng không thể làm gì khác.
Khi đó, ta thấy một chiếc Reisen đuổi theo chiếc Grumman, đó là tiểu đội trưởng Miyabe. Tiểu đội trưởng đã phát hiện cuộc đột kích của địch, nên đã lập tức bổ nhào, bọc bên dưới. Ta thấy súng máy của tiểu đội trưởng lóe sáng, một chiếc Grumman phát nổ.
Lúc đó, một chiếc Grumman khác đảo chiều, hướng vào tiểu đội trưởng. Dường như trong phút chốc, tiểu đội trưởng cũng bị đột kích. Ta đã ngỡ sẽ có một vụ va chạm giữa không trung. May sao, tiểu đội trưởng tránh được trong đường tơ kẽ tóc. Khoảnh khắc tiếp theo, chiếc Grumman bốc cháy. Ta thấy từ thân máy bay rơi, phi công thoát ra, bung dù.
Ta đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ mới nói thì hơi muộn, nhưng ta rất khâm phục tài cán của tiểu đội trưởng.
Tuy nhiên, sự việc kinh ngạc đã xảy ra ngay sau đó. Tiểu đội trưởng xoay một vòng lớn, hướng đầu máy bay về người lính Mỹ đang nhảy dù thoát thân, nổ súng. Súng máy xé rách dù nhảy, tên lính Mỹ bắt đầu rơi xuống. Đúng là chúng ta đã mất một đồng đội nhưng đó là chuyện không thể tránh trên chiến trường, đâu cần bắn giết người phi công không có sức kháng cự đang cố thoát thân bằng dù chứ.
Chắc hẳn nhiều người cũng đã thấy cảnh ấy. Khi trở về Rabaul, chỉ huy đội hình tiến về phía tiểu đội trưởng và bất ngờ quát lớn.
“Mày không có lòng độ lượng của một võ sĩ à?”
Các thành viên phi hành đoàn khác không ai nói gì nhưng ánh mắt của họ lộ vẻ khinh miệt tiểu đội trưởng. Tâm trạng ta cũng có gì đó không chịu được.
“Chẳng phải là không truy cùng giết tận kẻ địch khi chúng không thể phản kháng hay sao?”
“Vâng”, Tiểu đội trưởng đáp.
“Phi công chúng ta cũng nên là những chiến binh Samurai. Đừng bao giờ lặp lại việc dùng kiếm trúc đâm chết võ sĩ đã ngã đó”.
“Vâng”.
Chuyện này chẳng mấy chốc đã lan truyền cả đội, nhiều thành viên phi đội bàn tán chuyện này, lọt cả vào tai ta. Hầu hết đều nói Miyabe “không đáng mặt đàn ông!”
Ta còn nhớ người điều khiển chiếc máy bay số ba là Nhất đẳng binh Koyama cũng tức giận vì hành động của tiểu đội trưởng, cằn nhằn với ta rằng, “Tao không muốn làm thành viên đội bay của tiểu đội trưởng Miyabe nữa”.
“Đừng ăn nói nhảm nhí. Không biết từ trước đến giờ tiểu đội trưởng giúp đỡ chúng ta bao nhiêu à?”
“Chuyện đó và chuyện này khác nhau. Izaki, mày nghĩ hành động của tiểu đội trưởng là đúng à?”
“Đồng đội mình bị bắn ngay trước mắt nên anh ấy muốn trả thù cũng là đương nhiên”.
“Trả thù chẳng phải bắn rơi là xong rồi sao? Tao nghĩ không cần phải cướp đi mạng sống của phi công”.
Ta đã không thể phản biện. Koyama vốn đã mang lòng bất mãn với tiểu đội trưởng. Cậu ấy không thể chịu được việc bị nói móc sau lưng là thằng tệ hại hay đại loại như vậy.
Ngày hôm sau, ta quyết định hỏi thẳng tiểu đội trưởng.
“Tiểu đội trưởng, tôi có việc muốn hỏi ạ?”
“Chuyện gì?”
“Mấy hôm trước, tại sao anh lại bắn chiếc dù đó?”
Tiểu đội trưởng nhìn thẳng vào mắt ta nói.
“Để giết phi công”.
Thật lòng mà nói, ta đã muốn nghe tiểu đội trưởng nói “Tôi rất hối hận”. Nhưng câu nói vừa bật ra từ miệng của tiểu đội trưởng là thứ ta hoàn toàn không dự liệu.
“Chúng ta đang chiến đấu. Chiến đấu nghĩa là giết kẻ thù”.
“Vâng”.
“Nền công nghiệp Mỹ rất mạnh. Những thứ như máy bay chiến đấu họ có thể lập tức chế tạo. Thứ chúng ta không thể không giết chính là phi công”.
“Nhưng...”
“Ta là kẻ giết người!”. Khi đó, tiểu đội trưởng quát lớn tiếng.
“Sao ạ?”
“Những kẻ lái máy bay chiến đấu Mỹ cũng là những kẻ giết người. Nếu bắn rơi một chiếc Chuko, thì sẽ có bảy người Nhật chết. Nhưng nếu Chuko ném bom vào tàu thì càng có nhiều quân Mỹ phải chết hơn. Để tránh chuyện đó, các phi công Mỹ sẽ phải giết các thành viên phi hành đoàn Chuko”.
“Vâng”.
Ta chưa từng thấy tiểu đội trưởng gay gắt đến thế.
“Kẻ địch của chúng ta là máy bay, nhưng kẻ thù thật sự chính là các phi công. Nếu có thể, không chỉ trong không chiến, mà ta còn muốn giết chúng bằng cách bắn phá mặt đất!”
“Vâng”.
“Tài năng của tên phi công đó là quá rõ ràng, dự đoán đúng đường về của chúng ta rồi ẩn nấp trong mây. Sau đó, khi quay lại, một phát đạn đã bắn thủng kính chắn gió ghế điều khiển của ta. Nếu lệch một tấc thì đã xuyên qua thân máy bay của ta rồi. Kỹ thuật thật đáng sợ. Ắt hẳn hắn ta đã bắn rơi khá nhiều máy bay Nhật. Ta thắng được chỉ là nhờ may mắn. Nếu để thằng đó sống trở về thì sẽ có thêm bao nhiêu người Nhật nữa bị giết. Và rồi, ta có thể sẽ là một người trong số đó”.
Thì ra là vậy sao. Lần đầu tiên ta nhận ra chiến tranh là như thế đó. Cuộc chiến của chúng ta không phải là thứ tốt đẹp. Xét cho cùng chính là chém giết lẫn nhau. Chiến tranh là một người không bị giết thì có thể giết thêm nhiều quân địch.
Dù vậy, lần đầu ta thấy tiểu đội trưởng bị kích động đến thế. Nhìn dáng vẻ đó, ta đã nghĩ rằng khi tiểu đội trưởng bắn tay lính Mỹ nhảy dù ấy, chắc anh đã rất đau đớn.
Phần tiếp theo của câu chuyện này cũng thật đáng ngạc nhiên. Thật ra tay phi công Mỹ lúc đó vẫn còn sống. Năm 1970 sau chiến tranh, ta đã gặp người đó tại “Triển lãm hàng không Thế chiến thứ II” ở St. Louis, Mỹ.
Triển lãm này tập trung nhiều cựu phi công chiến đấu cơ của Mỹ, Đức và Nhật, là Cuộc hội ngộ vĩ đại mà các tờ báo địa phương đã rầm rộ đưa tin. Khi đó, phi công lực lượng Hải quân Mỹ thuộc Không lực Cactus trong trận Guadalcanal có mặt rất đông.
Tại đó, ta đã được nhiều phi công Mỹ bắt chuyện thân mật. Quả thật là kỳ lạ, lúc gặp nhau, đôi bên đều như gặp lại người bạn cũ. Ta còn gặp Ace đã bắn rơi hơn 20 chiếc máy bay Nhật. Bình tâm suy nghĩ lại thì đó chính là kẻ đã giết hơn 20 đồng bào của ta, ấy vậy mà sao ta không hề cảm thấy căm ghét hay hận thù. Có lẽ thời gian đã xóa nhòa tất cả, hoặc cũng có thể vì chúng ta đã chiến đấu đường đường chính chính trên bầu trời. Ắt hẳn họ cũng có cảm giác giống như vậy.
Họ đều nhất trí nói rằng “Phi công Zero rất dũng mãnh”.
Tại đó, ta đã gặp cựu Đại úy Hải quân Tony Bailey từng chiến đấu tại phi trường Henderson, Guadalcanal. Tony chiến đấu tại Guadalcanal từ năm 1942 đến năm 1943. Chính xác trên cùng chiến trường vào đúng thời gian chiến đấu của ta.
Đối chiếu sổ tay của nhau thì có đến bảy lần chúng ta chiến đấu cùng một ngày. Chúng ta đã ôm lấy nhau. Lạ thật phải không?
Khi đó, Tony đã kể một câu chuyện ngạc nhiên, chuyện một lần ông ấy bị Zero bắn rơi. Tony đã đùa rằng, “Không chừng là ông đấy?”
Hỏi ra thì đó là ngày 20 tháng Chín năm 1942. Đúng vào ngày ta xuất kích.
Chuyện của Tony khiến ta khá sốc. Khi đó, ông ta định tiêu diệt các máy bay Nhật tập kết trên đường về, nên đã cùng thành viên đội bay mai phục trong đám mây. Nhưng vừa tấn công thì bị một chiếc Zero phát hiện, đồng đội của ông đã bị bắn rơi. Nhìn thấy đồng đội hy sinh ông ấy đã phản đòn thay vì bỏ chạy. Thế nhưng ông bị bắn trực diện, động cơ bị trúng đạn nên đã phải thoát thân bằng dù nhảy.
Ta còn nhớ khi nghe câu chuyện đó, toàn thân ta đã run lên.
“Phi công khi đó không phải là ông đấy chứ?”
Ta lắc đầu trả lời câu hỏi của Tony. Sau đó hỏi lại.
“Cho tôi hỏi câu này, khi rơi xuống bằng dù nhảy, ông đã không bị bắn trúng à?”
“Sao... ông biết chuyện đó?”, Tony ngạc nhiên dang rộng hai tay.
“Bởi vì tôi đã chứng kiến chuyện đó. Tôi nghĩ ông đã chết”.
“Tôi cũng đã tưởng vậy. Nhưng chiếc dù nhảy bị bắn rách đã bay đến gần mặt biển rồi, và trước khi phát sinh vận tốc rơi thì tôi đã đâm xuống biển nên không chết. Thật may mắn”.
“May thật”.
“Ông có biết người phi công đã bắn rơi tôi không?”
“Đó là tiểu đội trưởng của tôi”.
“Ô!”. Ông ấy bật thốt lên. “Anh ta vẫn còn sống chứ?”
“Anh ấy mất rồi”.
“Bị bắn rơi à?”
“Không. Anh ấy mất trong cuộc tấn công Kamikaze”.
Giây phút ấy, Tony há hốc miệng, rồi lẩm bẩm “Lạy chúa tôi!”. Giây tiếp theo, Tony nhăn nhúm mặt, bật khóc.
“Tên anh ta là gì?”
“Miyabe Kyuzo”.
Tony lặp đi lặp lại.
“Miyabe... Kyuzo”. Rồi nói. “Tôi đã rất muốn gặp anh ấy”.
“Ông hận anh ấy lắm à?”
“Tại sao lại hận?”
“Anh ấy đã bắn ông khi đang rơi xuống với dù nhảy”.
“Chiến tranh đương nhiên là phải vậy. Chúng tôi đang trong một cuộc chiến. Anh ấy có bắn hạ một tù nhân đâu”.
Là vậy sao? Ta thầm nghĩ.
“Anh ấy đã nói rằng ông là một phi công đáng gờm. Hơn nữa, anh ấy rất đau đớn khi bắn ông”
Tony nhắm mắt lại.
“Miyabe là một Ace đích thực. Sau đó tôi đã chiến đấu với các Reisen nhiều lần, nhưng không có phi công nào giỏi như thế”.
“Anh ấy là một người bản lĩnh”.
Tony liên tục gật đầu, vẻ như muốn nói “Tôi biết.”
“Phi công Mỹ tại Guadalcanal rất tuyệt”.
Tony lắc đầu đáp lại câu nói của ta.
“Chúng tôi thắng là nhờ vào những chiếc Grumman. Không có cỗ máy nào kiên cố như vậy. Tôi còn sống đến bây giờ là nhờ tấm ốp lưng của ghế điều khiển”.
“Chúng tôi bắn Grumman nhiều lần nhưng mãi mà nó không rơi”.
“Chúng tôi luôn dè chừng Reisen. Khi đó, máy bay của Nhật ít nhưng các chàng trai cầm lái đều là những tay tài năng. Mỗi lần đánh chặn, máy bay của tôi đều bị thủng lỗ chỗ. Không biết đã bao nhiêu chiếc bị biến thành đống sắt vụn. Chúng tôi tham gia trận chiến mà như thể mười lần bị đánh mới có một lần phản công. Dù vậy với một cú đấm, chiếc Zero đã bốc cháy. Trong trận Guadalcanal, quân chúng tôi đã xuất hiện nhiều Ace, tôi cũng là một trong số đó nhưng...”, Tony cười tinh quái. “Nhưng, cả tôi, tất cả đều từng bị Zero bắn. Các Ace tự hào của Thủy quân lục chiến Smith, Carl, Foss, Everton đa phần đều một lần bị Zero bắn. Ngay cả Carl, người đã bắn rơi Ace Sasai Junichi của Nhật Bản, cũng bị đánh bại. Chúng tôi vẫn còn sống chỉ vì được chiến đấu trên sân nhà”.
“Vậy sao? Ngay cả Marion Carl, người bắn hạ Trung úy Sasai cũng từng một lần bị bắn rơi sao?”
Tony gật đầu.
“Các phi công Zero rất tuyệt. Không phải khen nịnh đâu. Tôi đã nhiều lần bị bắn đầy lỗ trên thân máy bay. Các ông đã có những phi công thực thụ”.
“Tôi nghĩ nếu những đồng đội đã hy sinh trên bầu trời Rabaul của tôi nghe được những lời này, họ sẽ vui lắm”.
“Đồng đội của tôi chết cũng nhiều. Không chừng bây giờ bọn họ đang tán gẫu với nhau trên thiên đường ấy chứ”.
Ta cũng mong là thế. Cái quá khứ từng phải bắn giết lẫn nhau với những người đàn ông tốt như vậy thật đau buồn không thể tả xiết.
Tony là một người hoạt bát, sáng sủa, bây giờ chắc hẳn vẫn khỏe mạnh. Ông ấy nói rằng đã có năm người cháu, còn cho ta xem hình nữa đấy.
Nhất đẳng binh Koyama, người nói muốn từ bỏ nhiệm vụ làm thành viên đội bay của tiểu đội trưởng Miyabe, sau đó chẳng bao lâu đã chết.
Koyama là người lái chiếc máy bay thứ ba trong tiểu đội của tiểu đội trưởng Miyabe. Vào một ngày tháng Mười, trên bầu trời Guadalcanal, cậu ấy đã xem thường mệnh lệnh của tiểu đội trưởng, và truy sát quân địch.
Cậu ấy đáng được tuyên dương vì đã bắn rơi hai chiếc Grumman. Nhưng ngày hôm đó lại là trận chiến cuối cùng trong đời cậu ấy.
Sau trận không chiến, tiểu đội của chúng ta bị lạc khỏi đội hình, chỉ có ba chiếc nhắm Rabaul trở về.
Bay được khoảng một giờ đồng hồ thì Koyama bay ngang với tiểu đội trưởng Miyabe, ra hiệu là sẽ quay lại. Ta cũng tiến đến gần, câu ta ra hiệu hình như nhiên liệu còn ít, cậu ấy không có khả năng trở về nên sẽ quay lại Guadalcanal liều mình tấn công.
Chúng ta, không chỉ là những phi công lái máy bay chiến đấu, mà còn là phi công của Hải quân, đều được huấn luyện rằng khi máy bay gặp sự cố, khó lòng trở về thì phải tấn công liều chết vào tàu hoặc căn cứ địch. Đặc biệt là khi bị trúng đạn trên không phận địch thì nhất định phải làm thế. Tại Guadalcanal, ta đã từng nhiều lần nhìn thấy các Chuko bị trúng đạn đâm vào sân bay địch. Khi đó ta nghĩ rằng việc ấy là hiển nhiên, nếu là ta thì cũng không do dự mà đâm vào căn cứ hay tàu địch.
Bây giờ nghĩ lại, có lẽ vùng đất này đã sản sinh ra đội cảm tử quân Thần phong sau này.
Nhưng bấy giờ, khi thấy người bạn chiến đấu vì không đủ nhiên liệu nên sắp phải tấn công liều chết trước mắt, ta không đành lòng. Koyama là đàn em sau ta một năm ở Yatabe, là đồng đội cùng ăn cùng ngủ, là bạn thân nhất của ta tại Rabaul.
Tiểu đội trưởng thấy thế cũng giơ tay ra hiệu. Thời đó, máy bay của chúng ta có trang bị bộ đàm nhưng nó hoàn toàn vô dụng, đầy tạp âm, chẳng thể nghe thấy gì. Chính vì thế, các thành viên phi đội chỉ có thể trao đổi với nhau bằng tay. Trong trận Trân Châu Cảng, cũng vì không thể dùng điện đàm mà các phi công đội công kích đã sử dụng pháo tín hiệu.
Đáp lại câu hỏi “Còn khoảng bao nhiêu nữa?”. Koyama cho biết, “Trước Buin khoảng 100 hải lý.” 100 hải lý nghĩa là khoảng 180 cây số.
Tiểu đội trưởng Miyabe ra dấu “Dù thế nào cũng gắng lên, hãy bay về!”.
Nhất đẳng binh Koyama đáp “Rõ!”
Ta định động viên Koyama nên bay đến khá gần, ghẹ cánh máy bay của ta vào cánh của cậu ấy. Cậu ấy nhận ra, dùng tay ra hiệu “Đánh nhau đi!”
Cả hai chúng ta đều cười. Kỳ lạ thật, con người lại có thể cười ngay cả trong những lúc như vậy.
Máy bay của tiểu đội trưởng chậm rãi tăng độ cao để tiết kiệm nhiên liệu hơn. Vả lại khi hết nhiên liệu, ở độ cao lớn thì quãng đường trượt sẽ dài hơn. Nhưng, ở trên cao không khí loãng, nhiệt độ thấp, đối với phi công không phải hành trình dễ dàng gì. Hơn nữa, nếu tăng độ cao quá gấp sẽ ngốn một lượng nhiên liệu khổng lồ.
Tiểu đội trưởng đã nghĩ vậy nên từ từ nâng độ cao lên, còn chỉ thị cặn kẽ cho Koyama về tốc độ và van tiết lưu. Koyama vẫn hoàn toàn bình tĩnh. Cậu ấy cười đáp lại nụ cười của ta.
Chúng ta tiếp tục nhắm Rabaul bay về như thể không có chuyện gì. Chẳng bao lâu ta đã có thể thấy đảo Bougainville. Chỉ còn một chút nữa thôi.
Chúng ta vẫn bay. Còn 30 hải lý là đến đảo. Chiếc máy bay dự liệu sẽ rơi 100 hải lý trước khi đến Buin đã có thế đến được đây rồi. Thêm chút nữa thôi. Chỉ cần bay thêm 10 phút nữa thôi sẽ sống.
Ta không nghĩ Koyama sẽ chết. Ta không thể nào tin chàng trai mỉm cười như thế sẽ chết. Thế nhưng, thời khắc đó đã đến. Buin đã ở ngay trước mắt, đột nhiên máy bay của Koyama rơi xuống.
Ta và tiểu đội trưởng cũng lao ngay theo. Trong lúc lao xuống, tiểu đội trưởng vẫn không quên xoay tròn máy bay, cảnh giác xung quanh.
Lúc rơi xuống, cánh quạt của Koyama đã ngừng quay, cứ thế rơi dần rơi dần, chẳng mấy chốc đã rơi xuống biển rồi nổi lên. Koyama nhanh chóng thoát ra khỏi ghế điều khiển, đứng lên cánh máy bay, ngước nhìn. Ta xoay vòng phía trên, dùng hết sức gào tên Koyama. Chắc hẳn cậu ấy cũng lớn tiếng hét lại. Ta thấy cậu ấy vẫy chiếc khăn quàng cổ màu trắng, hét lên gì đó, vẫn đang nở nụ cười.
Chiếc máy bay của Koyama dần chúi đầu chìm xuống biển. Trước khi chìm hẳn, Koyama đã nhảy xuống biển. Theo ta biết, áo phao có thể giữ được bảy giờ đồng hồ. Gói lương thực mang theo vào khăn quàng cổ ném xuống, ta thật không nỡ rời đi, cứ bay nhiều vòng phía trên.
Trên nhưng không thể cứ ở đó suốt. Máy bay của ta cũng đang cạn dần nhiên liệu. Sau cùng, ta đảo một vòng lớn, nghiêng cánh. Koyama cũng vừa bơi vừa chào đáp lại.
Trong lúc đó, tiểu đội trưởng đang bay chờ phía trên một chút. Vì là tiểu đội trưởng nên luôn cảnh giác việc địch bất ngờ xuất hiện.
Chúng ta đáp xuống phi trường Buin, thông báo địa điểm rơi của Koyama. Lập tức một thủy phi cơ được phái đi, nhưng một giờ sau họ vô vọng trở về, báo rằng tại điểm rơi không thấy bóng dáng của Koyama, và có vài con cá mập đang bơi ở đó.
Nghe tin báo ấy, ngực ta như bị xé nát. Ta không thể tin nổi Koyama lại chết trong hàm cá mập. Đau đớn và uất ức. Nụ cười cuối cùng của Koyama cứ hằn mãi trong tâm trí ta. Cố gắng đến vậy, chỉ còn một chút nữa thôi là trở về, vậy mà lại mất mạng. Còn gì đớn đau hơn thế. Nếu điện đàm có thể nghe rõ thì đã gọi được cứu trợ rồi. Hoặc giả có điện tín giống như máy bay ném bom thì mọi việc hẳn đã khác. Càng nghĩ càng dâng trào tiếc nuối. Về đến doanh trại, ta không còn kiềm chế được cơn giận dữ.
“Tiểu đội trưởng! Tại sao anh không để Koyama tấn công liều chết?”
Tiểu đội trưởng Miyabe dừng chân.
“Koyama chắc sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu được chết vinh quang khi tấn công, còn hơn là chết trong hàm cá mập!”
“Tại thời điểm đó vẫn có khả năng cứu”.
“Anh luôn nghĩ là sẽ cứu được sao?”
“Điều đó ta không biết, nhưng nếu tiếp tục bay thì có lẽ sẽ được cứu. Còn nếu tự sát thì chắc chắn chết”.
“Nhưng thông thường chẳng phải sẽ không cứu được sao? Thế nên cậu ấy mới muốn đón nhận giây phút cuối cùng như một phi công chiến đấu cơ”.
Ta vừa nói vừa khóc trong cơn tức tối.
“Cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào. Nên phải cố gắng mà sống”.
“Dù thế nào chúng ta cũng không thể cố sống theo kiểu đó. Nếu tôi bị trúng đạn, xin hãy để tôi tự sát như một người đàn ông!”
Ngay khi đó, tiểu đội trưởng Miyabe túm lấy cổ áo ta.
“Izaki! Đừng có nói những lời ngớ ngẩn như vậy! Sinh mệnh chỉ có một thôi!”
Ta đã không thể đáp lại trước thái độ giận dữ của tiểu đội trưởng.
“Cậu không có gia đình sao? Khi cậu chết không có ai đau lòng sao? Hay cậu sống cô độc một mình trên thế gian này?”. Trong mắt của tiểu đội trưởng lúc này cơn giận dữ bốc lên ngùn ngụt. “Trả lời đi! Izaki!”
“Tôi có cha mẹ ở quê”.
“Chỉ thế thôi sao?”
“Còn em trai nữa.” Gương mặt đứa em 5 tuổi Taiichi hiện lên trong đầu ta.
Cậu chết rồi gia đình cậu không thương tiếc à?”
“Không phải vậy.”
Khi đó ta như nhìn thấy gương mặt khóc nấc của Taiichi. Nước mắt ta giàn giụa.
“Nếu thế thì đừng chết! Dù có khổ sở thế nào cũng phải cố mà sống!”
Tiểu đội trưởng buông tay khỏi quân phục của ta, rồi bước về phía doanh trại. Đó là lần duy nhất tiểu đội trưởng lên tiếng chỉ trích ta, nhưng những lời nói ấy mãi mãi ta không quên được.
Những lời của tiểu đội trưởng lại vang lên vào một năm sau. Khi đó, ta rời Rabaul và trở thành thành viên phi đội mẫu hạm Shokaku.
Tại cuộc hải chiến tại quần đảo Mariana vào năm 1944, sau trận không chiến kịch liệt với máy bay chiến đấu mai phục của địch, thùng nhiên liệu của ta bị bắn trúng. Cũng may chưa bắt lửa, nhưng không thể trở vể tàu nữa. Trước đó, ta đã bị vô số máy bay địch bao quanh, chắc chắn là bị bắn. Hơn nữa, máy bay chiến đấu địch lúc đó là chiếc Grumman F6F, ưu việt hơn hẳn F4F trước đó. Reisen đã không còn vượt trội. Mặt khác, thiểu số đấu với đa số thì không thắng được. Đã sống sót sau nhiều trận chiến ác liệt, nhưng lần này ta nghĩ mạng mình đã tận rồi.
Dù sao cũng sẽ bị bắn nên ta đã quyết định chí ít cũng cố liều mình kéo theo máy bay địch làm bạn đồng hành.
Đột nhiên khi đó trong đầu ta vang lên tiếng thét của tiểu đội trưởng Miyabe. “Izaki!”. Âm thanh đó rõ mồn một bên tai ta. “Cậu vẫn không hiểu sao?”. Đồng thời, gương mặt của Taiichi cũng hiện lên.
Giây tiếp theo, ta bổ nhào thoát thân. Chiếc Grumman đuổi theo sát nút. Tốc độ bổ nhào của Grumman hơn hẳn Reisen. Ta xoay gấp mấy vòng hòng trốn thoát, chẳng bao lâu đã hạ xuống gần mặt biển, rồi cứ thế bay là là trên mặt biển. Địch từ trên cao không thể nhắm bắn, bởi lẽ sẽ bị đâm xuống biển. Tuy nhiên, phi công của hai chiếc Grumman bám đuôi ta quả thực có năng lực, chúng theo sát, nã đạn liên tục. Ta hét lên “Còn thế này thì sao?”. Rồi hạ độ cao xuống đến mức cánh quạt gần chạm mặt biển. Một chiếc Grumman đâm xuống biển. Chiếc còn lại từ bỏ việc bám đuôi, bay lên. Ta cứ thế tiếp tục bay là là trên mặt biển. Chiếc Grumman còn lại theo ta từ trên không hơn 30 phút nhưng rồi đành đảo chiều bỏ đi. Cuối cùng ta cũng thoát khỏi những chiếc Grumman.
Thế nhưng nhiên liệu đang cạn dần. Ta đáp máy bay xuống biển rồi nhảy xuống. Từ đó cách đảo Guam khoảng 20 hải lý. Để được cứu, chỉ còn cách bơi. Nếu nhắm sai hướng của đảo thì chết chắc. Giữa đường kiệt sức cũng chết. Hơn nữa, nếu bị cá mập tấn công thì cũng mất mạng. Thế nhưng ta vẫn còn sống tới tận bây giờ, bởi ta đã chiến đấu hết mình vì sự sống.
Ta cởi quần, tháo Fundoshi*, thả cho nó dài ra. Bởi ta được học rằng cá mập sẽ không tấn công những vật lớn hơn nó.
*[Một loại khố truyền thống của người Nhật Bản dành cho nam giới, được làm từ một miếng vải dài]
Ta bơi ròng rã suốt chín giờ đồng hồ, cuối cùng cũng đến được đảo Guam. Áo phao sau bảy giờ đồng hồ sẽ không sử dụng được nữa, sau đó ta trần truồng, bơi bằng toàn bộ sức mình. Bản thân ta cũng bất ngờ về việc bản thân còn nhiều sức lực đến vậy.
Thứ truyền cho ta tinh thần khi nhiều lần định bỏ cuộc là gương mặt của đứa em trai. Là gương mặt của Taiichi khóc gọi “Anh ơi! Anh ơi!”
Thế nhưng, ta nghĩ người cứu ta thật sự chính là tiểu đội trưởng Miyabe.
Chúng ta trở lại câu chuyện ở Rabaul nào.
Reisen chính xác là một máy bay chiến đấu tuyệt vời. Nó đã áp đảo các máy bay của quân Đồng Minh trong chặng đua đầu tiên. Nhưng như ta nói đó, họ đã học được cách chiến đấu với Reisen.
Hơn nữa, quân địch lại được chiến đấu trên sân nhà. Dù bị bắn cũng có thể lập tức trở về căn cứ, và dù bị bắn rơi cũng chỉ cần nhảy dù thoát thân. Bổ sung đạn súng hay nhiên liệu đều dễ dàng, chính vì thế nên chúng có thể chiến đấu quyết liệt, đạn cũng bắn thỏa thích. Chúng ta thì dù chỉ bị bắn một phát cũng có thể thành đòn chí mạng.
Ta không thể nào quên những lời tiểu đội trưởng Miyabe nói khi chạm vào cánh Reisen.
“Bản thân ta oán hận người tạo ra chiếc máy bay này”.
Ta rất ngạc nhiên, bởi luôn cho rằng Reisen chính là chiếc máy bay chiến đấu tuyệt hảo nhất thế giới.
“Tôi không định phản bác anh, nhưng tôi nghĩ Reisen rất ưu việt. Chỉ nhìn tầm hoạt động của nó thôi thì...”
Tiểu đội trưởng chặn lời tôi.
“Chính xác là tầm hoạt động của nó vô cùng kinh khủng. Thật không thể nghĩ một chiếc máy bay chiến một người lái lại có thể bay đến 1800 hải lý. Bay liên tục 8 giờ đồng hồ quả là đáng nể”.
“Tôi nghĩ công suất của nó hẳn phải rất lớn”.
“Ta cũng nghĩ vậy. Reisen có thể bay đến bất cứ đâu trên Thái Bình Dương rộng lớn, điều này thật sự tuyệt vời. Bản thân ta, khi chiến đấu trên mẫu hạm, luôn có cảm giác tự tin như cưỡi con chiến mã chạy nghìn dặm vậy. Thế nhưng...”
Nói tới đó, tiểu đội trưởng nhìn một lượt xung quanh. Sau khi chắc chắn không có ai, anh nói.
“Thế nhưng thứ quý giá ấy giờ đây đang hành hạ chúng ta. Bay 560 hải lý, chiến đấu ở đó rồi bay 560 hải lý quay về. Chính bởi năng lực của Reisen mà kế hoạch khủng khiếp này mới được lập nên”.
Ta đâu hiểu những điều tiểu đội trưởng muốn nói.
“Ta nghĩ chiếc máy bay có thể bay 8 giờ đồng hồ là thứ tuyệt diệu. Thế nhưng người ta không nghĩ cho những phi công điều khiển nó. Suốt 8 tiếng đó, phi công không được lơ là dù chỉ một giây. Chúng ta không phải là phi công lái máy bay dân dụng. Việc bay 8 giờ trên chiến trường mà không biết khi nào địch sẽ tấn công là một việc vượt quá giới hạn thể lực. Chúng ta không phải là những cỗ máy. Chúng ta là con người bằng xương bằng thịt. Những người tạo ra chiếc máy bay có thể bay đến 8 tiếng đã dự liệu việc con người sẽ lái chiếc máy bay đó sẽ thế nào hay chưa?”
Ta không có lời đáp nào. Đúng như những gì tiểu đội trưởng nói. Việc ngồi trên ghế điều khiển suốt bằng ấy tiếng đồng hồ thật sự vượt quá giới hạn thể lực và chúng ta đã bù đắp chỉ bằng sức mạnh tinh thần.
Bây giờ ta đã hiểu những lời tiểu đội trưởng Miyabe nói khi đó là đúng. Ngay cả thời hiện đại, khi nghe kể về Reisen, nhiều người đã trầm trồ năng lực vận hành kỳ diệu của nó.
Nhưng chính vì năng lực đó mà nó đã phải thực hiện một chiến dịch liều lĩnh đến thế nào.
Sau chiến tranh, ta đã từng nghe giảng viên Lực lượng phòng vệ trên không nói thế này: Giới hạn thể lực và sức tập trung của phi công lái máy bay chiến đấu là khoảng một tiếng rưỡi. Còn chúng ta bay khoảng hơn 3 tiếng để đến Rabaul là đã mất khá nhiều thể lực và sức tập trung. Dĩ nhiên giảng viên ấy đang nói đến máy bay phản lực, nhưng dù là cánh quạt hay phản lực thì khác gì nhau chứ?
Đó thực sự là một cuộc chiến khốc liệt.
Các trận chiến quanh đảo Guadalcanal bắt đầu vào tháng Tám năm 1942 và kết thúc vào tháng Hai năm 1943. Trải qua nửa năm, cuối cùng cuộc chiến ác liệt đã hạ màn.
Tổng hành dinh Đế quốc đã từ bỏ việc giành lại đảo Guadalcanal, rút 10.000 binh sĩ còn lại trên đảo bằng khu trục hạm. Khi nhìn thấy các chiến sĩ gầy nhom trên đảo Guadalcanal, các thuyền viên trên khu trục hạm đã không thể thốt nên lời.
Trong nửa năm ấy, có quá nhiều hy sinh trong các trận chiến trên đảo Guadalcanal. Số người chết vì chiến đấu trên bộ là 5.000, số người chết đói là 15.000. Hải quân cũng đổ nhiều máu xương. Số tàu bị đánh chìm là 24, thiệt hại 839 máy bay, số phi công tử trận là 2.362. Tổn thất lớn đến thế mà cuối cùng lại bại trận. Hơn nữa, sau khi cuộc chiến kết thúc, hầu hết những phi công lão luyện quý như châu ngọc mà hải quân tự hào đều đã hy sinh.
Bây giờ nghĩ lại, thất bại của Nhật Bản đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, cuộc chiến với Mỹ vẫn kéo dài hơn hai năm nữa. Dù mất đảo Guadalcanal, nhưng hải vực Solomon vẫn là chiến tuyến quan trọng trong cuộc đụng độ Mỹ-Nhật.
Tháng Tư, đô đốc Yamamoto Isoroku đã phát lệnh tiến hành chiến dịch I-Go nhằm bắn phá lực lượng không quân địch. Chiến dịch tập trung các máy bay và thành viên phi đội ít ỏi còn lại tại các căn cứ địa quanh Rabaul, công kích tổng lực, phá hủy máy bay địch.
Đích thân chỉ huy, Đô đốc Yamamoto đã đến Rabaul. Binh lính tiền tuyến chúng ta được trực tiếp nghe những lời của Đô đốc Hạm đội liên hợp, các thành viên phi đội đều cảm thấy phấn chấn.
Chiến dịch I-Go đã thành công, dự định ban đầu là trong 15 ngày nhưng qua 13 ngày đã có thể kết thúc. Tuy nhiên, để đổi lấy thành quả đó, chúng ta đã tổn thất khá nhiều máy bay và thành viên phi đội.
Hơn nữa, thảm kịch đã xảy ra ngay sau đó. Sau khi chiến dịch kết thúc, chiếc máy bay tấn công căn cứ mặt đất kiểu số 1 chở đô đốc Yamamoto đến căn cứ đảo Buin, tiến xa hơn nữa từ Rabaul đã bị máy bay địch bắn rơi.
Quân Mỹ đã giải mã được bức điện mật của quân đội Nhật Bản và cho phục kích máy bay Đô đốc. Máy bay Đô đốc được hộ tống bởi 6 chiếc Reisen, nhưng họ đã không thể chống lại được cuộc tấn công bất ngờ của địch khi chúng mai phục trong đám mây.
Cái chết của Đô đốc Yamamoto là một nỗi đau không thể đong đếm được đối với toàn thể lực lượng Hải quân. Tất nhiên, cả bi kịch của sáu phi công thất bại trong việc hộ tống máy bay của Đô đốc khi đó nữa.
Họ phải xuất kích liên tiếp trong nhiều ngày như một sự trừng phạt. Chỉ trong vòng 4 tháng, 4 người đã tử trận, một người mất cánh tay phải. Chỉ có Phi đội trưởng Sugita Shoichi đã sống sót trong các trận chiến điên cuồng này, lập kỷ lục rạng rỡ bắn hạ hơn 100 chiếc máy bay. Anh ấy đã chiến đấu khủng khiếp như để an ủi linh hồn Đô đốc Yamamoto. Dù vậy, vào năm cuối cùng của chiến tranh, anh đã hy sinh tại căn cứ Kanoya, vùng Kyushu. Sau chiến tranh, ta đã được nghe kể về phút cuối của anh ấy.
Ngày hôm đó, máy bay chiến đấu địch đến công kích, Thượng đẳng phi tào Sugita định lên máy bay đánh chặn nhưng địch đã tiến sát rồi. Thiếu úy Sakai đã hét lên: “Không kịp rồi. Quay lại đi!”. Đúng, chính là Nhất đẳng phi tào Sakai đã sống sót thần kỳ tại Guadalcanal.
Khi ấy, anh đã là Thiếu úy của Phi đoàn Hải quân 343. Mặc dù Thiếu úy Sakai đã ngăn cản, nhưng Sugita vẫn dũng cảm leo lên chiếc Shidenkai *, trượt trên đường băng. Sau đó, khi vừa cất cánh, anh đã bị máy bay địch từ trên cao bắn trúng và rơi xuống đường băng.
*[Shidenkai: Kawanishi N1K2-J, một loại máy bay tiêm kích thủy phi cơ, được xem là mạnh hơn cả Zero]
Sau khi chiến dịch I-Go kết thúc, nhằm bổ sung thành viên cho các phi đội mẫu hạm đã bị tiêu diệt, ta được chuyển sang mẫu hạm Shokaku. Shokaku là chiến hạm kỳ cựu từ sau trận Trân Châu Cảng. Nó cùng với mẫu hạm Zuikaku thuộc Hạm đội Không quân Một là nòng cốt của đội cơ động. Tuy nhiên, đội cơ động đã không còn uy thế như xưa, mà đang chờ đợi cuộc chiến tuyệt vọng với Hạm đội cơ động Mỹ không ngừng lớn mạnh.
Tiểu đội trưởng Miyabe vẫn tiếp tục ở lại Rabaul. Từ tháng Mười một năm trước, danh xưng của các cấp từ Hạ sĩ quan trở xuống đã được thay đổi. Nhất đẳng phi tào Miyabe trở thành Thượng đẳng phi tào. Ta từ Nhất đẳng binh thành Phi hành binh trưởng, đồng thời được thăng một bậc thành Nhị đẳng binh tào.
Dù chiến dịch giành lại Guadalcanal đã chấm dứt nhưng Rabaul vẫn là địa điểm chiến lược tại Nam Thái Bình Dương. Giờ nó là căn cứ quan trọng nhất, và phải một mình nhận các đợt phản công của địch. Thực tế thì khoảng thời gian này các đợt không kích của địch từ các đảo như New Guinea diễn ra hằng ngày.
Đúng là cảnh đi cũng chết mà ở cũng chết.
Khi ta nhận lệnh rời Rabaul, làm phi công của mẫu hạm, ta và Miyabe đã đứng ngắm nhìn Hanabuki*.
*[Núi lửa Tavurvur]
“Izaki, không được chết đấy nhé!”
“Vâng, tôi sẽ không chết đâu.”
“Dù cho mẫu hạm có chìm cũng đừng dại dột tấn công liều chết đấy.”
“Chết ấy à? Tôi đã sống sót trên Rabaul hơn một năm rồi. Không thể chết dễ dàng đâu. Hơn nữa mạng của tôi là được tiểu đội trưởng hai lần cứu. Nếu để mất nó đơn giản thế thì thật có lỗi với tiểu đội trưởng.”
Thượng đẳng phi tào Miyabe bật cười. Khi đó, chúng ta thấy ngọn núi Hanabuki đang phụt khói.
“Hôm nay nó sôi sục thật.” Miyabe nói.
“Có lẽ hôm nay là lần cuối tôi ngắm ngọn núi đó.”
Miyabe không đáp lại. Ngọn núi Hanabuki mà trước đây ta nhìn đến phát chán, khi nhìn nó lần cuối, sao lại đột nhiên xúc động, muốn ghi sâu hình ảnh này. Ngay cả đến bây giờ, nhắm mắt lại, hình ảnh của ngọn núi ấy vẫn hiện lên trong tâm trí ta. Nói ngoài lề một chút, gần 50 năm sau chiến tranh, ngọn núi lửa ấy đã phun trào dữ dội, cả thành phố lẫn sân bay bên dưới đều biến thành tro. Những thứ gợi nhắc về thời đó đã không còn lại gì. Chắc là ngọn núi muốn nói: “Ta sẽ quên hết tất cả mọi thứ về chiến tranh”. Sau khi chiến tranh kết thúc, ta cũng định khi nào đó sẽ quay lại thăm Rabaul, nhưng mãi đến hôm nay vẫn không có cơ hội. Tuy vậy, ta cũng chẳng hối tiếc lắm.
“Ông của ta là Gokenin* của Mạc phủ Tokuyama”. Bất chợt Thượng đẳng phi tào lẩm bẩm. “Khi còn nhỏ, ta thường được nghe ông kể chuyện xưa. Hễ ông dẫn ta đến Ueno, thì chắc chắn ta sẽ được nghe ông kể chuyện tham gia Shogitai* và chiến đấu với quân triều đình tại núi Ueno. Không chỉ ở đó, mà hễ ta đi cũng xuống phố, ông cũng kể lể “Ngày xưa con phố này…”. Kỳ lạ nhỉ. Chuyện về thời đại Edo nghe cứ như chuyện kể Kodan* hay kịch nghệ vậy đó. Thế mà ông của ta lại từng chiến đấu với những người như Saigo Takamori trong giai đoạn đó”.

*[Gokenin: các võ sĩ được Mạc phủ bảo vệ và ban tặng lãnh địa mới theo thân phận. Đổi lại, khi có chiến tranh Gokenin phải mang theo tùy tùng chiến đấu quên mình]

**[Chương Nghĩa đội]

***Lối kể chuyện lịch sử dễ hiểu và lôi cuốn người nghe. Đây là một trong những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản]

Thượng đẳng phi tào Miyabe cười thích thú.
“Khi ấy, với con mắt của một đứa trẻ thì đó là một chuyện rất đáng sợ. Trên người ông có cả những vết sẹo bị đạn bắn. Ông nói đạn vẫn còn nằm trong cơ thể. Nếu ông mà biết thằng cháu ông bây giờ đang chiến đấu với quân Mỹ, chắc ông ngạc nhiên lắm”. Miyabe bật cười. “Một ngày nào đó, ta cũng sẽ kể với những đứa cháu về cuộc chiến này. Trong khi phơi nắng dưới hiên nhà, ta sẽ bảo rằng: Khi xưa ông đã lái máy bay chiến đấu, đánh nhau với Mỹ đấy”.
Khi nghe những lời ấy, ta có cảm giác rất kỳ lạ. Tuy không thể tưởng tượng ra chuyện mấy chục năm sau, nhưng ta cảm nhận được ngày ấy rồi sẽ đến.
“Khi đó, Nhật Bản sẽ trở thành một quốc gia như thế nào nhỉ? Cháu ta có lẽ cũng xem chuyện này như chuyện ngày xửa ngày xưa giống như ta nghe chuyện thời Edo mà ông đã kể thôi”.
Ta cũng thử tưởng tượng cảnh ta ngồi dưới mái hiên, các cháu vây quanh nài nỉ. “Ông ơi, kể chuyện cho bọn cháu đi”. Và ta sẽ kể, “Ngày xưa ông từng chiến đấu tại các hòn đảo ở phương Nam...
“Mong rằng nó sẽ là một quốc gia hòa bình.”
Ta chợt giật mình về câu nói bất giác thốt lên, như thể không ngờ đó là câu nói của chính mình. Phi công lái máy bay chiến đấu đánh cược mạng sống mà chiến đấu, huống gì bản thân đã chấp nhận hy sinh trong cuộc chiến này, vậy mà lại nói những lời đó. Miyabe không nói gì, chỉ gật đầu.
Sáng sớm ngày hôm sau ta đã bay khỏi Rabaul. Miyabe vẫy chào, nhìn theo ta.
Sau khi rời khỏi mặt đất, ta xoay một vòng trên bầu trời, thấy Miyabe đang gào lên gì đó, hình như anh ấy nói “ĐỪNG... CHẾT... ĐẤY!”.
Đó là hình ảnh cuối cùng của Miyabe mà ta thấy.
Ta chào anh ấy và bỏ lại Rabaul sau lưng.
Một năm sau khi chiến tranh kết thúc, ta mới biết việc Miyabe tử trận vì tấn công cảm tử. Ta đã khóc thương anh ấy. Ta thực lòng nghĩ rằng, một đất nước đã giết người con ưu tú như thế bằng một cuộc tấn công cảm tử thì thật đáng bị diệt vong.
* * *
Chị bật khóc nức nở từ nửa sau câu chuyện. Ông Izaki nhìn chị chăm chú, đôi mắt ấy cũng đã rơi lệ tự lúc nào, rối trầm lắng nói.
- Thật ra, ta bị ung thư.
Tôi giật mình.
- Nửa năm trước bác sĩ đã bảo ta chỉ còn sống được ba tháng nữa thôi. Chẳng biết vì sao, ta vẫn còn sống đến bây giờ. - Ông Izaki nhìn thẳng về phía chúng tôi nói. - Đến giờ thì ta đã biết. Ta có thể sống tiếp là để kể cho các cháu nghe câu chuyện này. Khi từ biệt ở Rabaul, Miyabe đã nói chuyện đó với ta là để một ngày nào đó, ta thay anh ấy, kể câu chuyện này cho các cháu.
Khi đó, thằng nhóc cháu ông Izaki khóc lớn, chẳng ngần ngại ánh mắt của mọi người. Con gái ông Izaki và cô hộ lý cũng dùng khăn chặm mắt nhiều lần.
- Tiểu đội trưởng! Tôi đã gặp các cháu của anh rồi đấy. Cả hai đều rất ưu tú. Cháu trai thật giống anh, là một thanh niên oai vệ đấy. Tiểu đội trưởng! Anh có nhìn thấy không? - Ông Izaki ngước nhìn trần nhà nói.
Chị tôi lấy hai tay lau mắt. Ông Izaki nhắm mắt, ngả người xuống.
- Xin lỗi. Ta hơi mệt một chút.
- Ông không sao chứ ạ? - Cô hộ lý vội chạy đến kế bên.
- Không sao. Nhưng ta phải nghỉ một lát.
Cô hộ lý dùng mắt ra hiệu với chúng tôi.
- Chúng cháu rất cảm ơn ông ạ!
Tôi đứng dậy nói nhưng ông Izaki dường như không nghe thấy. Ông thực sự đã dốc hết sức để kể chuyện cho chúng tôi. Tôi đặt tay lên vai Keiko đang lau nước mắt. Chị lẳng lặng gật đầu, đứng lên.
- Ông hơi mệt phải không? Chúng cháu sẽ để ông yên tĩnh một lúc nhé. - Cô hộ lý nói.
Ông Izaki chìm vào giấc ngủ với gương mặt yên bình. Tôi cúi gập người chào ông và rời khỏi phòng bệnh.
Khi ra đến sảnh, mẹ con cô Emura theo kịp chúng tôi.
- Đây là lần đầu tiên cô nghe cha mình kể câu chuyện đó.
- Tôi cũng lần đầu tiên nghe ông kể chuyện như vậy. - Nước mắt của cậu trai trẻ ấy vẫn đang rơi. - Tệ quá! Ông chưa hề kể chuyện cổ tích nào cho cháu. Cháu đã rất muốn ngồi ở hiên nhà nghe ông kể đấy.
Thế rồi cậu ấy khóc, quay sang mẹ.
- Mẹ... Con xin lỗi... Con...
Cuối cùng cậu ấy nói gì tôi không nghe rõ. Cô Emura nhin đứa con trai rồi cũng bật khóc.
- Đối với chúng tôi hôm nay là một ngày rất đáng ghi nhớ. Cảm ơn các cháu! - Cô Emura lau nước mắt, cúi gập người. - Cha cô có thể còn sống trở về từ cuộc chiến đó là nhờ ông Miyabe. Cô nghe cha kể mà xúc động lắm. Thật lòng cảm ơn các cháu!
Tôi không biết phải nói sao nên chỉ cúi đầu đáp lại. Bản thân tôi cảm thấy hổ thẹn. “Cháu trai thật giống anh, là một thanh niên oai vệ!”. Lời ông Izaki nói lúc nãy như đấm vào ngực tôi.
Keiko vẫn lặng im cho đến khi ra khỏi bệnh viện. Tôi cũng không nói câu nào. Ra ngoài đường một lúc, chị mới thì thầm.
- Ông ngoại là một người tuyệt vời em nhỉ.
- Đúng vậy. - Tôi đáp. - Em cũng nghĩ thế.
- Ông có gặp được mẹ không nhỉ? Có gặp được bà không?
- Không rõ nữa. Em cũng không nghĩ ông ở suốt ngoài chiến trường...
- Nếu tìm hiểu thì chắc có thể biết được chứ. Chị... muốn tìm hiểu một cách nghiêm túc.
- Trước giờ chúng ta không nghiêm túc sao? - Nhưng câu nói của tôi bị phớt lờ.
Tôi tạm biệt chị ở cửa tàu điện ngầm, chúng tôi đi hai chuyến ngược hướng nhau.
- Chị nghĩ bà được ông yêu đến vậy thật sự rất hạnh phúc. - Khi chia tay Keiko đã nói vậy.
Tôi lại thấy chị rơi nước mắt, nhưng trước khi tôi kịp nói gì, chị đã bảo “Vậy nhé!” rồi bước xuống cầu thang.
Tôi ngẫm nghĩ câu nói của chị. Có phải bà đã thật sự hạnh phúc không? Có phải bà hạnh phúc vì ông yêu bà đến thế không?
Đó là điều tôi không biết.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét