Ernest Thompson Seton
Dịch giả: Lê Thùy
Dương
Có một năm tôi sống ở một vùng phía bắc Canada gần hồ nước
trong xanh, xung quanh đầy những cây cối xanh tươi. Ở Canada. vùng ấy cũng là
nơi cư trú của loài ngỗng trời, và tôi luôn mong để được nghe tiếng kêu của
chúng. Khi ngỗng trời bay về người ta biết rằng chẳng bao lâu nữa tuyết sẽ tan
và các loài muông thú sẽ trở lại những quả đồi nâu, mùa đông đã qua đi và những
ngày ấm áp đầy ánh nắng sẽ trở lại nơi đây. Khi bay trên bầu trời tiếng kêu của
đàn ngỗng mang theo bản thông điệp ấy đến cho tổ tiên của chúng ta.
Và bây giờ tôi cũng mong đợi bản thông điệp ấy. Tôi muốn
được nghe tiếng gọi ấy. Nhưng trên hồ của tôi không có ngỗng trời, thế là tôi
đem một đôi ngỗng cổ đen từ một hồ khác tới. Chúng làm tổ trên một hòn đảo nhỏ
trong hồ. Chẳng bao lâu trong chiếc tổ bằng lông xám mềm mại đã có sáu quả
trứng trắng ngần. Ngỗng mẹ kiên nhẫn nằm ấp trứng suốt bốn tuần không nghỉ, chỉ
trừ độ nửa tiếng đồng hồ vào mỗi buổi chiều. Còn con ngỗng đực thì bơi quanh
đảo như một chiếc thuyền tuần tiễu. Một hôm tôi tìm cách lên đảo để xem cái tổ.
Ngỗng cái đang ấp kêu quang quác báo động cho ngỗng đực là có nguy hiểm. Bỗng
một tiếng rít dài chói tai và trước khi thuyền của tôi cập bờ thì ngỗng đực đã
bơi đến giữa thuyền và bờ đất của đảo, mặt đối mặt với tôi và sẵn sàng chiến
đấu. Rõ ràng là tôi chỉ có thể lên đảo sau khi giết chết con ngỗng đực này. Thế
là tôi lặng lẽ rút lui.
Cuối cùng sáu quả trứng nứt vỏ và sáu chú ngỗng non vàng óng
thò đầu ra ngoài. Ngày hôm sau đàn ngỗng rời tổ. Ngỗng mẹ đi trước, đàn ngỗng
con theo sát phía sau, và cuối cùng là ngỗng bố. Chúng luôn luôn giữ thứ tự
này. Ngỗng mẹ bao giờ cũng đi đầu và ngỗng bố đi phía sau. Mà nó quả là một vệ
sĩ dũng cảm! Ngỗng đực sẵn sàng tử chiến với bất cứ con gì nếu bầy con bị nguy
hiểm, ít có loài chim nào bằng cỡ nó lại dám đương đầu với nó.
Thế là đàn ngỗng con cứ mỗi ngày một lớn lên và khỏe ra. Sau
ba tháng chúng đã lớn gần bằng bố mẹ. Sau bốn tháng cánh chúng đã đủ khỏe để
bay. Giọng chúng vẫn còn nhỏ và yếu, chúng chưa có được tiếng kêu trầm như
tiếng những con ngỗng lớn. Rồi chúng bắt đầu những cuộc bay ngắn ngang qua mặt
hồ. Khi cánh chúng càng khỏe thì giọng chúng cũng trở nên ngày một trầm hơn.
Chẳng bao lâu cái điều mà tôi mơ ước đã đến: đàn ngỗng trời
bay lên không và cất tiếng kêu. Dần dần những cuộc bay của chúng ngày một cao
hơn và xa hơn, song bao giờ chúng cũng quay trở lại hồ.
Một hôm, vào cuối tháng chín, khi lá cây bắt đầu rụng, những
đàn chim nhỏ bay qua hồ. Phía trên cao là những đàn ngỗng trời từ miền cực bắc
trên đường bay về phương nam ấm áp và tôi nghe thấy tiếng kêu “hoong hoong”
vang vang của chúng. Đàn ngỗng trời trên hồ của tôi ngước nhìn lên, cất tiếng
trả lời và lập tức xếp thành hàng trên mặt nuớc. Ngỗng mẹ dẫn đường, nó bơi
ngày càng nhanh. Nó kêu quang quác và cất tiếng gọi, rồi cả đàn ngỗng cất tiếng
kêu vang. “Hoong, hoong!”, chúng kêu và bay đi, nhập đàn với những con ngỗng
trời khác đang vừa kêu “hoong, hoong” vừa bay về phía trời nam.
“Hoong, hoong, hoong!”, chúng vừa kêu vừa bay. Song lạ thay!
Ngỗng mẹ không có trong hàng. Nó vẫn còn vùng vẫy trên mặt nước hồ. Và lúc này
tiếng đàn ngỗng kêu van: “Nào, nào, cố lên !” được trả lời bằng tiếng gọi của
ngỗng mẹ và ngỗng bố: “Quay lại! Quay lại!”. Thế là khi nghe tiếng gọi của
ngỗng mẹ, đàn con quay lại, lao xuống mặt hồ làm nước bắn tung tóe.
“Cái gì thế nhỉ?”, chúng vừa cất tiếng gọi nhau vừa bơi
quanh quẩn, “Tại sao chúng con lại không đi ? Sao thế hả mẹ?”. Ngỗng mẹ không
thể trả lời. Ngỗng mẹ chỉ biết rằng khi ra hiệu cho cả đàn bay lên thì bản thân
nó không bay theo được. Đàn Ngỗng trẻ bay lên song đôi ngỗng già, những người
dẫn dắt khỏe mạnh của chúng còn ở lại.
Rồi ngỗng mẹ dẫn đàn con đến một chỗ khác trên hồ, ở đó hồ
dài và rộng hơn. Ngỗng mẹ cho bầy ngỗng sắp thành hàng và truyền khẩu lệnh: “Chú
ý, chú ý!”, rồi bơi về phía nam. Những con ngỗng trẻ cũng truyền đi khẩu lệnh: “Chú
ý, chú ý!”, rồi bơi theo và ngỗng bố bơi ở phía cuối đàn cất giọng khỏe và trầm
kêu lên “Chú ý, chú ý!”. Thế là cả đàn ngỗng đều bơi. Rồi chúng vươn rộng cánh
bay lên cao, cao mãi và cái tiếng kêu vang “hoong, hoong” ngày một to hơn.
Chúng bay lên, lên mãi qua những ngọn cây. Song lại một lần nữa, vì một lý do
đặc biệt nào đó, ngỗng mẹ và ngỗng bố không có mặt trong đàn, cả hai ở lại trên
mặt hồ. Và một lần nữa bầy ngỗng trẻ nghe tiếng gọi: “Quay lại, quay lại!”. Cả
bầy vâng lời, lao xuống mặt hồ làm nước bắn tung tóe.
Mỗi ngày không phải một mà đến hai mươi lần tôi thấy chúng
xếp thành hàng và bay lên, song lần nào chúng cũng quay lại khi nghe tiếng gọi
của ngỗng mẹ. Mối giàng buộc của tình cảm và nghĩa vụ còn mạnh hơn tập quán
hàng năm. Quy luật mạnh mẽ nhất của chúng là vâng lời.
Sau một thời gian bầy ngỗng đã ổn định cuộc sống trên hồ
trong mùa đông. Chúng đã bay nhiều chuyến rất xa song bổn phận của chúng đối
với đôi ngỗng già có sức mạnh khiến chúng phải quay lại. Thế rồi mùa đông qua
đi. Mùa hè năm ấy có thêm nhiều ngỗng con và đến tháng chín đàn ngỗng con bơi
lội trên hồ cùng với các anh các chị chúng. Tháng mười chim chóc lại bay về
phương nam. Một lần nữa bầy ngỗng sắp hàng trên mặt hồ khi nghe hiệu lệnh ngỗng
mẹ bảo: “Bay”. Cảnh ấy cứ lặp đi lặp lại song bây giờ có đến mười hai con ngỗng
bay lên rồi đậu xuống trước khi nghe tiếng ngỗng mẹ gọi: “Quay lại!”.
Sự việc cứ như thế mà diễn ra suốt trong tháng mười. Rồi đến
cuối tháng mười, một việc kỳ lạ xảy ra. Một hôm khi. ngỗng mẹ truyền lệnh cất
cánh, ít nhất là lần thứ một trăm, cả đàn ngỗng bay lên. Đúng như vậy, cả ngỗng
mẹ nữa cũng bay lên, và tiếng “hoong” của nó vang to hơn bao giờ hết. Ngỗng mẹ
xếp đàn ngỗng trẻ thành hàng vả cả đàn bay đi theo hình mũi tên lớn. Cứ thế
chúng bay, cao mãi, cao mãi trên những ngọn cây về phương nam, và chẳng bao lâu
khuất dạng trong bầu trời xanh. Trên mặt hồ con ngỗng đực cứ “hoong, hoong” gọi
đàn quay lại hoài nhưng vô vọng. Cũng như lần trước, nó không bay lên được. Bầy
ngỗng trẻ đã theo ngỗng mẹ.
Suốt mùa đông năm ấy con ngỗng đực đứng lẻ loi trên mặt
băng. Đôi khi có một chú diều hâu bay lướt phía trên và cặp mắt cảnh giác của
con ngỗng cổ đen ấy chỉ thoáng ngước lên nhìn kẻ đang bay. Thỉnh thoảng nó cất
tiếng kêu, nhưng những tiếng “hoong, hoong” của nỏ bao giờ cũng ngắn ngủi. Nhìn
nó lúc ấy sao mà thương, bởi vì tôi nghĩ rằng gia đình của nó sẽ chẳng bao giờ
trở lại. Nó không lấy vợ nữa vì loài ngỗng trời trong đời chỉ lấy vợ một lần.
Ngỗng bố cổ đen già cả khốn khổ. Giờ đây vô cùng lẻ loi.
Những ngày tươi sáng đã đến và băng tuyết bắt đầu tan. Trên
bầu trời, những đàn ngỗng trời trở về “hoong hoong” và con ngỗng đực vừa bơi
trên mặt hồ vừa cất tiếng gọi: “hoong, hoong, quay về, quay về!”. Song những
đàn chim cứ bay đi.
Tiếp theo là những ngày tràn ngập ánh sáng, còn con ngỗng
đực vẫn bơi loanh quanh trên mặt hồ. Chúng tôi thương hại nó biết bao nhiêu!
Rồi tháng Tư tới khoác lên rừng rậm một màu xanh biếc. Ngỗng già cổ đen vùng
vẫy làm nước bắn lên tung tóe, nó vừa bơi quanh vừa nghe ngóng và trả lời những
âm thanh làm nó chạnh lòng. Rồi một hôm, khi cả khu rừng rộn tiếng chim, một sự
kiện lớn lao đã xảy ra. Ngỗng bố cổ đen già nua luôn luôn đợi chờ, đợi chờ bỗng
ngước nhìn chăm chắm lên không, những cái lông trên cổ nó dựng đứng lên, nó xúc
động quá chừng, nó cất tiếng kêu “hoong, hoong” ngày một to hơn. Và khi nó còn
đang kêu thì tiếng trả lời đã tới - từ trên trời - và tiếng trả lời ngày một to
hơn. Rồi một đàn mười ba con ngỗng trời đẹp đẽ từ trên bầu trời xanh lượn xuống
và bơi trên mặt hồ. Đàn ngỗng trẻ xúm xít xung quanh ngỗng bố nhỏ nhẻ chuyện
trò.
Đúng là đàn ngỗng ngày xưa. Những chú ngỗng trẻ lúc này đã
trưởng thành và nom có vẻ khác lạ, song chúng tôi nhận ra được ngỗng mẹ. Ngỗng
mẹ đã trở về và giờ đây cặp vợ chồng thủy chung ấy sống trên hồ.
Mùa thu đem đàn ngỗng đi xa, trong khi ngỗng bố vẫn ở lại
trông nhả. Song mối ràng buộc tất cả bọn chúng đã đưa chúng đi xa và đem chúng
trở về, nó còn mạnh mẽ hơn cả sự sợ hãi trước cái chết. Vì vậy tôi đã bắt đầu
yêu mến và quí trọng tiếng kêu của ngỗng trời, mặc dù sự thể nghiệm lâu dài và
chậm chạp của thời gian đã chứng tỏ vai trò thứ yếu của con ngỗng đực dũng cảm,
bất khuất và sẵn sàng chiến đấu ấy. Vị tri của nó là ở sau rốt trong đàn, bởi
vì theo một qui luật không thay đổi nào đó, bầy ngỗng con chỉ vâng lời ngỗng
mẹ. Tuy vậy lần nào đàn ngỗng trẻ cũng quay trở về với ngỗng bố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét