Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Truyện Loài Vật - Cổ đỏ


Ernest Thompson Seton

 Dịch giả: Lê Thùy Dương

1

Con gà gô mẹ dẫn lũ con xuống chân ngọn đồi dày đặc cây rừng Taylor, ở đó có một dòng suối nước trong vắt chảy qua. Dòng suối này chẳng biết do tính khí bất thường của người nào mà lại được gọi là Suối Đục. Gà mẹ dẫn lũ con vừa mới nở hôm qua của nó nhưng đã đứng vững trên những đôi chân bé xíu đến uống nước lần đầu tiên ở chính con suối này.
Gà mẹ đi chậm chạp, gần như dán xuống đất, bởi vì rừng đầy rẫy những kẻ thù, và chốc chốc lại khe khẽ cục cục gọi những đứa con trông chẳng khác gì những quả cầu lông nhỏ nhiều màu. Các chú gà con loạng choạng bước trên những cái chân hồng hồng nhỏ nhoi và mỗi khi rớt lại sau gà mẹ vài inch là lại kêu chiêm chiếp một cách rền rĩ và nũng nịu.
Những con gà con ấy mảnh dẻ đến nỗi thậm chí lũ cào cào trông còn thô và to lớn hơn chúng.
Có tất cả mười hai con gà con, nhưng gà mẹ theo dõi cẩn thận từng con và chăm chú nhìn từng bụi rậm, từng gốc cây, và quan sát thậm chí cả bầu trời. Rõ ràng là ở đâu nó cũng thấy kẻ thù, vì nó có quá ít bạn bè. Và nó cũng đã kịp phát hiện ra một kẻ thù.
Một con thú lớn - con cáo, đang len lỏi qua trảng cỏ xanh bằng phẳng. Con cáo đi thẳng về phía nó và chỉ vài giây đồng hồ nữa là nhất định cáo sẽ đánh hơi thấy lũ gà con và sẽ lao theo dấu vết chúng ngay. Không thể để mất thời giờ được.
“Cục cục!” (“Trốn đi, trốn đi!”) - gà mẹ kêu lên bằng một giọng chắc nịch nhưng khe khẽ, và những chú gà con nhỏ nhoi chỉ nhỉnh hơn những trái sồi chút ít vừa mới được một ngày tuổi đã lập tức chạy tản ra tứ phía (chúng chỉ chạy đi được cả thảy năm - sáu inch mà thôi!) và ẩn trốn. Một chú gà nằm bẹp xuống dưới một cái lá, một chú khác nấp vào giữa hai cái rễ cây, chú thứ ba bò vào trong một cái lá bạch dương cuộn tròn, chú thứ tư nhảy xuống một cái hố nhỏ. Tất cả lũ gà con đều nhanh chóng ẩn náu, ngoại trừ một con không tìm được cho mình một chỗ trốn thích hợp bèn ôm chặt lấy một mảnh gỗ lớn màu vàng rồi nằm xoài ra nhắm nghiền mắt lại và tin tưởng rằng bây giờ chẳng có nguy hiểm nào đe dọa được mình nữa cả.
Lũ gà con đã thôi không kêu chiêm chiếp một cách sợ hãi nữa và tất cả đều im bặt.
Gà gô mẹ bay thẳng lại trước mặt con thú đáng sợ, dũng cảm sà xuống đất chỉ cách nó cả thảy vài bước và vỗ cánh dường như đã bị thương và không thể bay lên nổi nữa. Nó chiêm chiếp kêu to ra vẻ than vãn. Chẳng lẽ nó cầu xin lòng thương hại ở con cáo hung dữ khát máu hay sao?
Không đâu? Gà gô mẹ không ngu xuẩn như thế đâu. Chúng ta vẫn thường nghe nói về sự tinh ranh của loài Cáo. Xin các bạn hãy chờ xem rồi các bạn sẽ thấy con cáo ngu xuẩn như thế nào so với gà gô mẹ.
Con cáo vui sướng thấy miếng mồi đột nhiên lại rơi đến gần như thế, nó liền nhảy ngay tới và vồ... Nhưng không, nó chẳng vồ được cái gì cả - con gà mái tập tễnh dường như nhờ một sự thần kì nào đó đã nhảy ra xa hơn một chút so với khoảng cách đã tính toán của con cáo. Con cáo lại nhảy và lần này chắc mẩm sẽ vồ được mồi nếu như không có một cành cây bỗng nhiên chắn ngang giữa chúng.
Con gà gô khập khiễng vụng về luồn qua bên dưới khúc cây, nhưng con cáo đã nhe nanh chồm tới. Lúc này con gà dường như đã hồi sức được chút ít liền cố bay một cách vụng về và lăn xuống phía dưới một gò đất nhỏ. Con cáo nhảy bổ theo nó và suýt nữa thì tóm được đuôi nó nhưng vẫn hụt. Dù cho con cáo nhảy nhanh thế nào đi nữa thì con gà mái vẫn cứ di chuyển nhanh hơn nó.
Chuyện xảy ra thật hoàn toàn không bình thường. Làm sao mà một con cáo chạy nhanh lại không vồ được một con gà bị thương? Nhục nhã thay cho con cáo?
Nhưng con gà gô đường như đã được tăng thêm sức lực khi con cáo bắt đầu thấy mệt. Sau khi dẫn dụ kẻ thù đi được một phần tư dặm cách đồi Taylor, con gà gô đột nhiên trở thành một con gà khỏe mạnh, nó vỗ mạnh đôi cánh bay qua cánh rừng bỏ mặc con cáo bị đánh lừa ở lại. Con cáo bực tức nhất khi nó nhớ lại trước đây con gà đã lâm vào tình trạng như thế nào.
Trong lúc đó thì gà gô mẹ lượn một vòng rộng trong không trung rồi hạ cánh xuống khu rừng ở đúng chỗ những trái cầu lông bé nhỏ của nó đã lẩn trốn.
Lũ chim rừng nhớ địa hình một cách cực kì tinh tế, vì thế gà gô mẹ đáp xuống đúng cái gò đất nhỏ mọc đầy cỏ mà lúc trước nó đã từ đó cất cánh bay lên để tới gặp con cáo Nó đậu yên một tích tắc, lòng khâm phục bầy con vẫn đứng tại chỗ, yên lặng như tờ. Tiếng chân của gà mẹ không làm cho một chú gà con nào nhúc nhích, kể cả con gà nấp trên mảnh gỗ. Thực ra nó ẩn nấp như thế không tồi đâu. Nhưng khi gà mẹ vừa lên tiếng: “Cục!” (Lại đây, các con!) - là những con gà con bé xíu đã lập tức từ tất cả các chỗ ẩn nấp bò ra, y như có phép thần vậy, và con gà con lớn nhất nằm trên mảnh gỗ cũng mở mắt ra rồi vừa chạy lại nép vào cái đuôi xòe rộng của gà mẹ vừa chiêm chiếp kêu nũng nịu: “Chíp, chíp!”. Tiếng kêu của nó dĩ nhiên chỉ cách ba bước là kẻ thù đã không nghe thấy rồi, nhưng mẹ nó thì có lẽ cách xa đến chín bước cũng vẫn nghe được. Tất cả những chú gà còn lại cũng cất tiếng kêu chiêm chiếp, và rõ ràng là ta có thể tưởng tượng ra được chúng làm huyên náo một cách dễ sợ thế nào. Chúng thật là hạnh phúc.
Mặt trời đã lên cao và hun nóng ghê gớm. Muốn đến suối nước phải vượt qua trảng cỏ trống. Sau khi nhìn quanh cẩn thận không thấy có kẻ thù nào ở gần cả, gà gô mẹ mới thu thập đàn con dưới cái đuôi xòe rộng của mình và dẫn chúng đi, che cho chúng khỏi nắng mà tiến về phía bụi tầm xuân mọc bên bờ suối.
Một con thỏ rừng nhảy từ bụi cây ra làm cho gà mẹ rất sợ hãi. Nhưng lá cờ hòa bình màu trắng mà nó mang phía sau - cái đuôi của con thỏ, làm cho gà mẹ yên tâm ngay: con thỏ là người bạn cố tri của nó. Và lũ gà con ngày hôm đó đã học được một điều: không cần phải sợ hãi con thỏ. Chúng đã biết được rằng, thỏ yêu chuộng hòa bình nhất thế giới.
Sau đó chúng uống thứ nước trong vắt của con suối mà những người ngốc nghếch không hiểu sao đã gọi là Suối Đục.
Thoạt đầu lũ gà con không biết phải làm thế nào để uống được nước, nhưng chúng đã bắt chước mẹ chúng và nhanh chóng học được cách uống nước như mẹ là cúi xuống nhấp từng ngụm nhỏ nước một. Mười hai trái cầu lông màu vàng nâu bé nhỏ đó đứng dàn hàng bên bờ suối trên hai mươi bốn cái chân hồng hồng xinh xinh và cùng cúi mười hai cái đầu nhỏ nhoi màu vàng xuống như chào một người nào đó vậy.
Gà gô mẹ trèo lên nóc một tổ kiến, đảo mắt nhìn quanh, và sau khi không thấy có điều gì khả nghi thì bắt đầu dùng ngón chân bới đất. Tổ kiến lộ ngay ra tức khắc, và trên cỏ rác đầy những tàn tích các đường hầm trong lòng đất. Lũ kiến dần dần chui ra ngoài và rõ ràng chúng không hiểu phải làm gì nên bắt đầu cãi lộn nhau. Phần lớn kiến bối rối xúm xít quanh tổ kiến, và chỉ có một số ít con thông minh nhất là bắt đầu tha những cái trứng kiến béo trắng chạy ra ngoài. Nhưng gà gô mẹ đã tóm ngay lấy một cái trứng béo ngậy đó và vừa ném nó ra cỏ trước mắt lũ gà con vừa cục cục. Sau đó nó lại kêu cục cục và mổ lấy cái trứng nuốt gọn.
Lũ gà con xúm xít quanh gà mẹ và tò mò nhìn mẹ. Cuối cùng một chú gà con, chính là cái con gà đã nằm ẩn trên mảnh gỗ, mổ lấy một cái trứng kiến. Nó đánh rơi cái trứng mấy lần rồi sau đó dường như bị một sự kích thích đột ngột nào đó thôi thúc nó liền nuốt chửng cái trứng. Thế là nó đã học được cách ăn. Hai mươi phút sau tất cả lũ gà con đều biết cách ăn cả.
Tìm kiếm trên đất những cái trứng kiến hảo hạng mỗi khi gà mẹ bới tổ kiến và lật tung những đường hầm ngầm cùng với những thứ chứa trong đó mới thú vị làm sao! Lũ gà con cứ tiếp tục cái công việc nhặt tìm đó cho đến khi chúng ních đầy diều không còn ăn thêm nổi nữa mới thôi.
Sau đó cả đàn gà thận trọng đi lên phía trên dọc theo bờ suối đến một bãi cát nhỏ, chung quanh có những bụi mận gai che kín. Chúng ở đó suốt ngày, tận hưởng cái thú nhúng ngập những đôi chân bé nhỏ nóng hổi vào trong cát mát rượi.
Tuân theo cái khuynh hướng bắt chước bẩm sinh. chúng cũng nằm nghiêng trên cát y như mẹ, giãy giãy những cái chân xinh xẻo và đập đập những cái cánh tí xíu, tuy rằng chúng vẫn còn chưa có cánh, mà ở bên sườn mới chỉ có những cái mấu nhô lên chứng tỏ đó là nơi trong tương lai sẽ có những cái cánh mọc ra.
Đêm hôm đó gà mẹ dẫn bầy con đến một bụi cây có cây khô, và ở đó giữa đám lá khô giòn mà không một kẻ thù nào có thể mò đến lại không gây ra tiếng động, gà mẹ chui vào bên dưới những cành cây tầm xuân rậm rì lá có thể che chở cho chúng khỏi bị những kẻ thù ở trên trời đe dọa. Gà mẹ ấp ủ đàn con dưới đôi cánh mềm mại của mình, trong lòng cảm thấy vui vui khi nghe thấy những đứa con bé bỏng khe khẽ kêu chiêm chiếp trong giấc mơ và tin cậy nép sát vào thân người ấm áp của mẹ.

2

Đến ngày thứ ba lũ gà con đã đứng vững được rồi. Chúng đã không cần phải chạy vòng quanh trái sồi mà thậm chí còn có thể nhảy lên trên trái thông được, và những cái mấu nhỏ - nơi sẽ mọc ra đôi cánh, bây giờ đã thấy nhô rõ những mạch máu xanh xanh.
Sau một ngày nữa từ những chỗ mấu có mạch máu nổi rõ đó đã thấy nhú ra những mẩu đầu lông. Những cái lông ấy cứ ngày một mọc dài thêm ra mãi, và sau một tuần lễ tất cả những chú gà con đều đã có những cái lông cánh vững chãi. Thực ra không phải tất cả chúng nó đều đã có đủ lông cánh. Chú gà con bất hạnh Runtie ngay từ đầu đã rất yếu. Sau khi chui ra khỏi vỏ chú còn cứ mang một nửa cái vỏ trứng ở trên lưng cả tiếng đồng hồ. Nó chạy chậm chạp và kêu chiêm chiếp nhiều hơn các anh chị nó, và một lần vào buổi tối khi mẹ nó thoáng trông thấy một con chồn hôi và vội gọi các con: “Cúc, cúc!”, có nghĩa là “bay lên” thì Runtie lại cứ đậu nguyên ở dưới đất.
Và thế là sau đó khi gà mẹ tập hợp đàn con lại trên ngọn đồi thì Runtie không đến được và đàn gà chẳng bao giờ còn được trông thấy nó nữa.
Trong khi đó việc dạy dỗ đàn gà con vẫn cứ tiến triển bình thường. Chúng đã biết được là ở bãi cỏ cao bên bờ suối có những con cào cào tuyệt diệu. Chúng đã biết rằng có những con sâu xanh mềm mềm, béo ngậy rơi từ những bụi cây phúc bồn tử xuống đất. Chúng đã biết rằng các tổ kiến ở bên bờ trảng cỏ đầy rẫy những cái trứng ngon lành. Chúng cũng biết rằng quả dâu tây tuy không giống sâu nhưng ăn cũng gần ngon như thế. Chúng cũng biết rằng những con bướm đốm to lớn là một thứ con mồi hảo hạng mặc dầu không dễ gì tóm bắt được chúng, và một miếng vỏ cây bứt ra khỏi một khúc gỗ mục thường chứa đựng nhiều thứ thú vị khác nhau. Ngoài ra chúng còn biết rằng không nên đụng vào những con ong vò vẽ, sâu róm và cuốn chiếu thì vẫn tốt hơn.
Đã đến tháng Bảy, gọi là “tháng Quả”. Lũ gà con đã lớn lên và phát triển một cách kì lạ trong tháng trước đó. Chúng đã lớn đến nỗi gà mẹ khi muốn ủ chúng dưới đôi cánh thì đã phải đứng suốt đêm.
Ngày nào chúng cũng tắm cát, thoạt đầu tắm ở chỗ bãi ven suối, rồi về sau lên tận ở trên đồi là nơi nhiều loài chim khác vẫn bay đến tắm. Lúc đầu gà mẹ không bằng lòng như thế. Nhưng cát ở đây mịn và dễ chịu đến nỗi lũ con nhào đến tắm với vẻ thích thú đặc biệt khiến cho gà mẹ cũng thấy yên tâm.
Sau đó hai tuần lễ lũ gà con bắt đầu gầy rộc đi, và ngay bản thân gà mẹ cũng cảm thấy trong người khó chịu. Chúng bị cái đói khủng khiếp giày vò. Và mặc dầu chúng đã ăn nhiều một cách dễ sợ nhưng chúng vẫn cứ gầy đi nhanh chóng. Mẹ chúng ốm chậm hơn nhưng lại ốm nặng hơn. Gà mẹ vừa đói, vừa đau đầu lại vừa bị yếu hẳn đi. Chính nó cũng không rõ tại sao mắc bệnh. Nó không thể biết được rằng, cái thứ cát mà nhiều con chim khác nhau đến tắm và lúc đầu do một linh tính đúng đắn nào đó nên nó đã ngần ngại, quả thực là độc hại. Cát ấy lúc nhúc những bọ kí sinh và cả gia đình gà gô đã bị nhiễm phải chúng.
Gà mẹ không có mảy may hiểu biết nào về cách chữa bệnh, nhưng một nhu cầu bí ẩn nào đó mà chính bản thân nó cũng không rõ đã bắt nó phải ăn tất cả những thứ gì nó cảm thấy ăn được, cũng như là đi tìm nơi râm mát nhất trong rừng để náu. Ở đó nó đã gặp một bụi cây đầy những trái độc. Một tháng trước đây nó đã đi ngang và bỏ qua bụi cây ấy, nhưng bây giờ nó nếm thử những trái cây không mấy hấp dẫn kia. Cái thứ nước quả chua chua, hăng hắc của chúng dường như thỏa mãn được cái nhu cầu kì lạ của cơ thể nó. Nó cứ ăn mãi các trái cây đó, và lũ gà con cũng bắt chước mẹ. Không có vị bác sĩ nào ghi cho nó được một toa thuốc tốt hơn. Chất nước quả hăng hắc của trái cây đó là một thứ thuốc xổ mạnh, và kẻ thù bí ẩn, lạ lùng liền bị thuốc tống ra khỏi ruột nó. Cơn nguy hiểm đã qua. Nhưng không phải tất cả lũ gà đều được cứu thoát. Bốn con gà con quá yếu không chịu đựng nổi thuốc. Chúng bị cơn khát hành hạ và cứ uống nước suối liên tục rồi đến sáng hôm sau thì chết. Nhưng cái chết của chúng lại là một đòn trừng trị con chồn hôi - chính cái con chồn đã thủ tiêu đứa em bé nhỏ đáng thương Runtie của chúng. Con chồn hôi ăn những cái xác gà con và chết ngoẻo vì chất độc mà lũ gà đã ngốn phải.
Bây giờ chỉ còn bảy con gà con đáp lại tiếng gọi của gà mẹ và con nào cũng có tính cách riêng cả. Những con yếu ớt nhất đã chết, nhưng trong lứa gà có một con biếng nhác và một con ngờ nghệch. Gà mẹ không thể nén lòng không chiều chuộng những đứa con này nhiều hơn những đứa con khác. Nó cưng chiều con gà con lớn nhất đã từng ẩn náu trên miếng gỗ vàng hồi nào. Nó không những lớn nhất mà còn khỏe mạnh nhất và đẹp đẽ nhất so với tất cả lũ gà con. Nhưng điều tốt hơn cả là nó ngoan ngoãn, dễ bảo nhất. Cái tiếng “grừừừ!” (“nguy hiểm”) của mẹ nó cảnh cáo đàn con không phải lúc nào cũng ngăn được chúng khỏi chạy thêm những bước chân liều lĩnh và mò ăn những thứ đáng nghi ngờ. Chỉ có con gà lớn nhất bao giờ cũng biết vâng lời. Nó không khi nào không lên tiếng đáp lại tiếng gọi trìu mến của mẹ “cục, cục!” (lại đây!). Và phần thưởng cho sự vâng lời sẽ là sống được lâu hơn.
Đã đến tháng Tám là “tháng Thay lông”. Lũ gà con đã gần trưởng thành. Chúng đã hiểu biết nhiều và tự coi là cực kì thông thái. Lúc nhỏ chúng ngủ trên mặt đất và được mẹ ấp ủ, nhưng bây giờ chúng đã lớn và mẹ chúng dạy cho chúng những tập quán của những con chim trưởng thành. Đã đến lúc phải đậu trên cành cây. Những con rái cá, chồn, cáo và chồn hôi đã bắt đầu chạy trong rừng. Ngủ đêm ở dưới đất trở nên mỗi ngày một nguy hiểm hơn, và gà mẹ cứ mỗi buổi hoàng hôn là lại kêu lên: “cúc!” và bay lên một cái cây rậm thâm thấp.
Lũ gà con đều bay theo mẹ, ngoại trừ một con bướng bỉnh, ngờ nghệch cứ muốn ngủ đêm ở dưới đất như trước. Đêm thứ nhất qua đi yên ổn nhưng đến đêm thứ hai thì đám anh chị em nó bị tiếng gà kêu đánh thức dậy. Sau đó lại yên lặng như tờ và chỉ nghe thấy xương gãy rau ráu ghê rợn và tiếng nhai tóp tóp. Lũ gà con nhìn xuống bóng đêm rùng rợn ở phía dưới. Chúng nhìn thấy hai con mắt sáng quắc ngồi gần đó, ngửi thấy một mùi đặc biệt và hiểu rằng một con rái cá đã giết chết đứa em ngờ nghệch của chúng.
Bây giờ hằng đêm chỉ còn có sáu con gà con đậu bên cạnh mẹ. Thực ra khi chúng bị lạnh chân thì chúng nhảy cả lên lưng mẹ chúng.
Nhưng việc dạy dỗ chúng vẫn được tiếp tục. Bây giờ chúng học vỗ cánh ầm ĩ. Nếu chúng muốn thì lũ gà gô có thể vỗ cánh êm như ru, nhưng tiếng vỗ cánh ầm ĩ đôi khi cũng rất quan trọng. Chúng vỗ cánh như thế nhằm nhiều mục đích; một là tiếng vỗ cánh ầm ĩ báo cho những con gà khác biết có mối nguy hiểm đang ở gần, hai nữa nó thu hút kẻ thù chú ý đến con đang bay ầm ĩ mà quên khuấy những con khác và chúng có thể nhờ đó mà lặng lẽ lẩn trốn hoặc ẩn náu đi.
Với gà gô có thể có câu tục ngữ: “Tháng nào thức ăn nấy và kẻ thù nấy”. Đã đến tháng Chín. Thay thế các quả mọng và trứng kiến là các hạt quả và hạt cốc, và thay thế những con chồn hôi và rái cá là loại kẻ thù khác: thợ săn.
Lũ gà gô biết rõ cáo nhưng chưa bao giờ trông thấy chó. Chúng biết rằng với lũ cáo có thể dễ dàng xử sự theo kiểu bay lên cây. Nhưng đến “tháng Săn bắn” khi ông già Cuddy cùng với một con chó vàng có cái đuôi xén ngắn tiến vào mương xói tiến hành cuộc săn, thì gà gô mẹ vừa trông thấy họ đã vội vàng kêu vang: “cúc, cúc!” (bay, bay!). Hai con gà con cho rằng mẹ chúng làm cho chúng lo lắng một cách vô ích trước một con cáo, và muốn tỏ ra mình phớt đời. Nghe thấy mẹ chúng kêu: “cúc, cúc!” - chúng liền bay lên cây chứ không chịu bắt chước mẹ bay êm ru ra xa.
Trong lúc đó con cáo kì lạ có cái đuôi xén ngắn đã chạy tới chỗ cái cây và sủa điên cuồng. Hai con gà con nhìn nó với vẻ giễu cợt và chẳng chú ý gì đến tiếng sột soạt ở các bụi cây. Hai tiếng “đoàng, đoàng” vang lên, và hai con gà gô đẫm máu đã rơi xuống đất với đôi cánh còn giãy giãy, và con chó vàng liền ngoạm ngay lấy chúng tha đi.

3

Cuddy sống trong một túp lều tồi tàn gần con sông Don ở phía bắc thành phố Toronto. Cuộc đời của lão theo quan điểm của các triết gia Hy Lạp thì có thể gọi là một sự tồn tại lí tưởng. Lão chẳng có tài sản và cũng chẳng phải nộp thuế. Lão làm việc rất ít và thích tiêu khiển: lão ưa đi săn. Láng giềng chỉ coi lão là người thất nghiệp. Lão bắn và đặt bẫy suốt năm. Cuddy khoe khoang rằng lão không cần nhìn lịch mà chỉ căn cứ vào mùi vị của thịt gà gô săn được là có thể nói ngay lúc đó là tháng nào. Dĩ nhiên điều này chứng tỏ rằng lão có kinh nghiệm dồi dào và óc quan sát sắc sảo đồng thời cũng chứa đựng một cái gì đó đáng trách cứ. Luật lệ quy định được bắt đầu săn gà gô từ ngày 15 tháng Chín, nhưng Cuddy chẳng đợi đến thời hạn đó mới đi săn. Tuy vậy không hiểu bằng cách nào đó lão vẫn tìm được mưu mẹo tránh khỏi bị phạt từ năm này qua năm khác, và một phóng viên của một tờ báo thậm chí còn đăng tải một bài phỏng vấn lão và nhận xét về lão như một loại người thú vị.
Lão ít khi bắn chim đang bay, nhưng bắn hạ một con chim đậu trong đám lá cây rậm rì không phải là chuyện dễ; chính vì thế mà lứa gà gô ở mương xói thứ ba mới sống yên ổn được lâu đến thế. Nhưng khi ngày 15 tháng Chín gần đến thì Cuddy quyết định thanh toán chúng vì sợ những người đi săn khác tìm thấy những con chim mà lão đã lựa chọn. Lão không nghe thấy tiếng vỗ cánh khi gà mẹ bay lên và lôi cuốn theo bốn đứa con còn sống sót của nó. Vì thế lão đành bằng lòng với hai con gà gô đã bắn hạ được và quay trở về túp lều của mình.
Nhưng bây giờ lũ gà con đã hiểu rằng, chó không phải là cáo và phải xử sự với nó theo cách khác. Và cái quy tắc cũ kĩ nói rằng sự vâng lời đảm bảo sống được lâu đã được khẳng định thêm một lần nữa và được in sâu mãi mãi vào trí nhớ chúng.
Suốt cuối tháng Chín chúng phải trốn tránh những người đi săn và cả những kẻ thù cũ.
Chúng vẫn ngủ đêm như trước trên các cành mảnh dẻ vươn dài của những cây lớn, giữa tán lá rậm rạp bảo vệ chúng khỏi bị những kẻ thù trong không trung tấn công. Cây cao che chở chúng chống lại những kẻ thù sống trên mặt đất, và chúng chỉ sợ những con gấu trúc biết leo trèo mà thôi. Nhưng tiếng răng rắc của những cành cây phía dưới bao giờ cũng báo trước cho chúng kịp thời những mối hiểm nguy.
Nhưng rồi lá cây bắt đầu rụng. Mỗi tháng đều có thức ăn và kẻ thù của tháng ấy. Và bây giờ đã đến thời kì của các trái hồ đào và của lũ chim cú: những con chim cú phương bắc đã di trú về phương nam, và ở đây trước kia chỉ có một con chim dữ ăn đêm thì nay đã có hai con và có lúc có tới ba con chim săn mồi. Đêm đã lạnh hơn và gấu trúc đã bớt nguy hiểm hơn. Gà gô thay đổi chỗ trú đêm, chúng bỏ các cành cây thân gỗ và xuống ẩn nấp ở đám lá rau cần chuột rậm rì.
Chỉ có một con gà con bỏ ngoài tai tiếng gọi “cúc, cúc!” của mẹ và cứ đậu đêm trên một cành cao của cây du đã gần trụi hết lá. Và đến gần sáng thì một con cú mắt vàng to tướng đã quắp nó đi mất.
Bây giờ gà gô mẹ chỉ còn có ba đứa con. Nhưng những con gà con này đã lớn gần bằng mẹ. Còn con lớn nhất, chính là cái chú gà hồi nào ẩn náu trên mảnh gỗ vàng, thì thậm chí còn lớn hơn mẹ nữa.
Những con gà non trẻ đã mọc những cái lông đầu tiên của vòng lông cổ tương lai. Lúc này những cái lông ấy còn là lông tơ rất nhỏ nhưng đã đủ để hình dung ra tương lai chúng sẽ mọc dài ra như thế nào rồi. Và những chú gà trẻ trung cũng rất tự hào về cái vòng lông trang sức đó.
Vòng lông cổ đối với gà gô cũng giống như cái đuôi đối với con công. Đó là thứ trang sức chủ yếu của chúng. Gà gô mái có vòng lông cổ màu đen điểm những vệt sắc xanh lục, còn gà gô trống thì có vòng lông cổ rộng hơn, đen hơn và có vệt xanh lục tươi hơn. Nhưng đến lúc một con gà gô nào đó đạt được kích thước và sức lực cao hơn bình thường thì vòng lông cổ của nó sẽ có màu đỏ đồng điểm những vệt tím hoa cà; vệt xanh lục và vệt vàng.
Chú gà con từng có lúc nằm trên mảnh gỗ và luôn luôn nghe theo lời mẹ, ngay từ trước tháng Mười, tức là “tháng Quả Sồi” đã đạt được mức trưởng thành, và bây giờ đã mang một vòng lông cổ lấp lánh màu đỏ đồng xen lẫn những vệt vàng. Đó cũng chính là con Cổ Đỏ, một con gà gô trống nổi tiếng của vùng thung lũng sông Don.

4

Một bữa trong “tháng Quả Sồi”, vào giữa tháng Mười, sau khi gia đình gà gô ăn đẫy diều rồi đang nằm tắm nắng ở gần một khúc gỗ thông thì nghe xa xa có tiếng súng nổ vang. Cổ Đỏ liền nhảy phắt lên khúc gỗ, đi qua đi lại vài lần ra vẻ quan trọng, rồi sau đó như bị không khí và ánh sáng kích thích nó đập cánh phành phạch ầm ĩ cho đến khi khắp cánh rừng gần đó đều nghe vang tiếng đập cánh. Lũ em trai và em gái nó lắng nghe tiếng đập cánh của nó một cách ngạc nhiên và khoái trá. Nhưng mẹ nó từ giờ phút đó đã bắt đầu e ngại nó phần nào.
Tháng Mười Một là “tháng Cuồng điên”. Tuân theo một quy luật thiên nhiên kì lạ nào đó, tất cả mọi con gà gô trong năm tuổi đầu tiên của chúng đều mắc chứng điên cuồng vào tháng Mười Một. Chúng không cưỡng lại được ước muốn lên đường đi bất kì đâu cũng được! Và những con gà khôn ngoan nhất lại chính là những con làm nhiều điều ngốc nghếch. Chúng bay đêm vô mục đích và hấp tấp vội vàng đến nỗi thường bị chết, hoặc là bị những sợi dây căng cắt đứt làm đôi, hoặc là bị đập vào đèn pha ở cây đèn biển hay ở đầu máy xe lửa. Sáng ra người ta thường bắt gặp chúng ở những nơi bất ngờ nhất: ở các kho chứa, ở ngoài đồng lầy trống trải, hoặc ở trên các đường dây bưu điện trong một thành phố lớn nào đó, hoặc thậm chí trên cả những con tàu biển thả neo trên bờ.
Ước muốn viễn du đó chắc có lẽ là di tích của tập quán di trú về mùa thu. Những con gà gô trẻ nhất thiết có ước muốn đó trong năm tuổi đầu tiên, và có khi cả trong năm tuổi thứ hai nữa bởi vì nó rất dễ lan truyền, nhưng những con gà đã trưởng thành thì không mắc phải chứng bệnh đó nữa.
Mẹ của Cổ Đỏ hiểu rằng thời kì đó đã đến, khi thấy những chùm nho đã chín mọng và cây phong đã bắt đầu trút những chiếc lá đỏ xuống đất. Nhưng người mẹ có thể lo lắng đến sức khỏe của những đứa con đã lớn của mình và giữ được chúng ở nơi yên tĩnh nhất của khu rừng.
Những đàn ngỗng trời đã nối đuôi nhau bay về phương nam. Lũ gà gô trẻ chưa bao giờ trông thấy chúng. Bọn gà gô trẻ nhận lầm chúng là những con diều hâu cổ dài. Nhưng sau khi thấy mẹ không sợ hãi, lũ chúng cũng đánh bạo quan sát những đàn ngỗng bay với nỗi xúc động mãnh liệt nhất.
Không hiểu tiếng kêu hoang dã trong trẻo của lũ ngỗng làm cho gà gô xao xuyến hay là sự thôi thúc bên trong đã xuất hiện, nhưng chỉ có chúng mới có sự khao khát kì lạ bay theo bầy ngỗng. Chúng nhìn theo bầy chim có tiếng kêu như tiếng kèn đồng ấy bay về phương nam và khuất dần ở phía xa xa, rồi chúng lại tụ tập nhau lên những cành cây cao nhất để nhìn thấy bầy chim một lần chót. Và cũng từ giờ phút ấy trong chúng đã có sự thay đổi.
Mặt trăng đêm tháng Mười Một càng ngày càng tròn hơn, và đến đêm rằm thì đàn gà bắt đầu vào thời kì mắc chứng điên cuồng, nó hành hạ chúng mãnh liệt làm cho chúng ngày một gày mòn đi. Cái gia đình bé nhỏ tan tác. Đã vài đêm Cổ Đỏ tiến hành những cuộc viễn du. Nó bay về phương nam nhưng dải nước mênh mông của hồ Ontario đã ngăn nó lại, và Cổ Đỏ đành quay trở lại. Khi “tháng Cuồng điên” kết thúc, nó lại trở về bên bờ Suối Đục nhưng chỉ còn có một mình.

5

Mùa đông đã đến và thức ăn mỗi ngày một ít hơn. Cổ Đỏ vẫn tiếp tục sống trong khe mương của khu rừng, nhưng mỗi tháng lại mang tới cho nó thức ăn cũng như kẻ thù của tháng ấy. Tháng Mười Một mang lại sự cuồng điên, sự đơn độc và những chùm nho; tháng Chạp tức là “tháng Tuyết” thì mang đến những trái kim anh, còn “tháng Bão” tức là tháng Giêng lại mang đến bão tuyết. Thật là khó lòng bám chắc được trên cành cây và bứt được những cái chồi cứng ngắc ra khỏi cây. Cổ Đỏ đau nhức mỏ một cách ghê gớm và thậm chí không thể nào ngậm chặt lại được.
Tuy vậy thiên nhiên cũng đã giúp cho Cổ Đỏ thích ứng được với việc đi lại trên đất trơn. Trên những bàn chân mảnh dẻ và duyên dáng của nó đã mọc ra những cái mấu sừng nhọn, và đến khi tuyết rơi thì nó đã được trang bị đầy đủ cho mùa đông rồi: thiên nhiên đã cung cấp cho nó loại “giày trượt tuyết”.
Giá lạnh đã xua bạt lũ diều hâu và cú vọ đi, và cũng làm cho những kẻ thù bốn chân của Cổ Đỏ không thể đến gần nó êm ru được. Như vậy Cổ Đỏ gần như là được an toàn tuyệt đối.
Những cuộc bay kiếm ăn hằng ngày mỗi lúc một đưa Cổ Đỏ đi xa hơn cho tới khi nó khám phá ra bờ suối Rosedale mọc đầy bạch dương và khu rừng Chester có những trái cây chín đỏ dưới tuyết.
Tuy mùa thu chưa hết nhưng những con chim sơn tước vui vẻ đã bắt đầu say sưa cất lên bài hát nổi tiếng: “Xuân sắp về rồi!” và cứ không ngừng lắp lại cái điệp khúc tươi vui ấy ròng rã qua các trận bão tuyết khắc nghiệt nhất cho đến tận lúc “tháng Đói” - tức là tháng Hai cũng qua đi và những dấu hiệu thực thụ của mùa xuân xuất hiện. Lúc ấy những con sơn tước bèn đắc thắng tuyên bố với thế giới: “Thì chúng tôi đã nói với các bạn rồi mà!”. Mặt trời đã trở nên ấm áp hơn và làm tan tuyết trên sườn phía nam của ngọn đồi Castle Frank, để lộ ra vô số những bụi cây việt quất xanh tươi đầy trái mọng nước mà Cổ Đỏ dùng làm thức ăn ngon lành. Nó thôi không bứt những mầm cây cứng ngắc từng ăn trong mùa đông nữa. Bây giờ cái mỏ của nó đã được nghỉ ngơi và lại lấy lại hình dạng cũ.
Chẳng bao lâu con chim chìa vôi đầu tiên đã đến, nó vừa bay ngang trời vừa ríu rít: “Xuân về!”. Mặt trời mỗi ngày một sáng chói hơn và ấm áp hơn, và một hôm vào tháng Ba tức là “tháng Nàng Xuân tỉnh giấc”, đúng lúc bình minh bỗng nghe vang vang tiếng kêu “quạ, quạ!" của con quạ Chấm Bạc vừa dẫn đầu bầy đàn của nó từ phương nam trở về và tuyên bố.
“MÙA XUÂN ĐÃ ĐẾN!”
Cả thiên nhiên đều khẳng định mùa xuân đã bắt đầu và một năm mới cũng đã đến với thế giới loài chim. Lũ sơn tước cứ cuống quýt ca vang: “Xuân! Xuân! Xuân!” một cách kiên nhẫn và kéo dài dường như chúng bất giác ngạc nhiên vì chúng đã có đủ thời gian để tìm kiếm thức ăn.
Cả Cổ Đỏ cũng cảm thấy niềm vui rạo rực khắp thân. Nó nhảy lên một gốc cây với vẻ hào hứng đặc biệt và vỗ mạnh cánh gây thành một tiếng vọng ở phía xa xa như để biểu lộ niềm vui của mình nhân dịp xuân về.
Ở xa phía dưới kia, trong thung lũng, là túp lều của Cuddy. Khi nghe thấy tiếng vỗ cánh vang động cả bầu không khí buổi sáng mai, lão Cuddy hiểu rằng đó là con gà gô trống lên tiếng. Lão vớ lấy cây súng tiến về phía khe mương. Nhưng Cổ Đỏ đã bay đi êm như ru và đến gần Suối Đục mới dừng lại. Nó đậu lên chính cái khúc cây mà nó đã từng đứng trên đó vỗ cánh ầm ĩ lần đầu, rồi cũng lại vỗ cánh thật mạnh đến nỗi một cậu bé đi ngang qua rừng phải vội vã chạy về nhà hớt hải nói với mẹ cậu rằng các thổ dân da đỏ sắp sửa tấn công họ bởi vì cậu vừa nghe thấy tiếng trống trận của thổ dân ở cánh rừng nhỏ.
Tại sao một đứa trẻ kêu toáng lên thích thú? Tại sao một chàng thanh niên lại thở dài? Những người ấy tự bản thân họ không thể giải thích được tại sao và cũng không hiểu gì về chuyện đó nhiều hơn Cổ Đỏ khi nó hằng ngày đậu trên một khúc cây nào đó và vỗ cánh mạnh mẽ như đánh trống khắp rừng như vậy. Sau đó nó bắt đầu đi tới đi lui một cách quan trọng, xù những cái lông sáng của vòng lông cổ. Nó thích thú vì những cái lông ấy sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời như những viên đá quý và lại bắt đầu đập cánh.
Không biết do đâu mà nó đột nhiên ước ao được kẻ nào đó ngắm nghía nó. Và cũng không biết do đâu mà nó không hề có niềm ao ước đó trước lúc tháng Tư tức là “tháng Chùm liễu” về.
Cổ Đỏ cứ tiếp tục đập cánh ầm ĩ.
Ngày nào nó cũng trở lại chỗ cái khúc gỗ ưa thích của nó. Mỗi ngày nó một đẹp hơn lên. Phía trên cặp mắt sáng rực của nó lại thấy xuất hiện thêm một số trang sức mới là những cái lông đỏ thắm. Những cái cựa ở chân thay “giày đi tuyết” vụng về đã hoàn toàn mất đi. Vòng lông cổ của nó lại càng đẹp hơn, ánh mắt nó càng long lanh hơn, và khi nó đi đi lại lại một cách quan trọng làm rung rung những cái lông nhiều màu sắc dưới ánh mặt trời thì trông nó lại càng lộng lẫy.
Nhưng bây giờ nó lại cảm thấy cô đơn vô cùng!
Nó vẫn đi dạo và vỗ cánh như trước. Cuối cùng đến đúng đầu tháng Năm, khi khúc cây của nó được trang điểm thêm những bông hoa trắng trông như những ngôi sao bạc thì đôi tai thính của Cổ Đỏ bỗng nghe thấy trong bụi cây có tiếng gì sột soạt khe khẽ. Nó hồi hộp đợi chờ và biết rằng người ta đang quan sát nó.
Liệu có thể như thế không? Đúng! Ở đó, trong bụi cây có một con gà gô mái, bé nhỏ, nhút nhát đang thẹn thùng ẩn nấp. Nó nhảy xổ đến gần cô gà. Toàn thân nó hừng hực. Và nó mới kiêu hãnh phô diễn làm sao, giương những cái lông ra khoe đẹp trước cô nàng hăng hái làm sao! Nhưng do đâu mà nó biết rằng làm như vậy có thể khiến cho cô nàng bằng lòng? Nó xù cái vòng lông cổ nhiều màu sắc lên và cố để cho ánh mặt trời chiếu rọi vào đó. Nó cục cục khe khẽ và trìu mến, ra cái điều quan trọng. Và trái tim cô gà mái đã bị chinh phục. Nói thực ra thì cô nàng đã bị chinh phục từ lâu rồi. Trong suốt ba ngày nay cô nàng đã đến đó, lắng nghe tiếng vỗ cánh của anh chàng, và ngay khi còn ở xa đã thấy yêu chàng tuy còn thấy thẹn thùng, và có phần nào hơi hờn giận vì chàng có thể không nhận thấy mình lâu đến thế tuy rằng cô nàng đã tiến đến gần anh chàng lắm rồi. Và có thể không phải ngẫu nhiên mà cô nàng cuối cùng đã bước mạnh chân để cho anh chàng nghe thấy. Cô nàng khiêm tốn cúi đầu xuống và tiến đến gần anh chàng với một vẻ duyên dáng dễ thương và trìu mến.
Người khách lãng du khát nước, mệt mỏi, đáng thương đã đi qua được bãi sa mạc vất vả và đã gặp được một dòng suối trong mát.
Cảnh sống cô đơn đã chấm dứt.
Ôi, chúng đã trải qua những ngày hạnh phúc biết bao ở cái thung lũng tuyệt vời đó! Trước đây mặt trời chưa bao giờ chiếu sáng như thế, và không khí sặc mùi nhựa cây chưa bao giờ thơm tho đến thế. Con chim lớn tao nhã vẫn hằng ngày đi đến khúc cây của nó có khi đi cùng với người bạn đời, khi lại chỉ có một mình, và lại vỗ cánh thật mạnh vì niềm vui tràn ngập tâm hồn.
Nhưng vì sao Cổ Đỏ không luôn luôn đi cùng với gà Nâu, bạn đời của nó? Vì sao cô nàng đi theo nó hàng giờ rồi sau bỗng nhiên lén biến mất, lánh mặt anh chàng suốt mấy giờ liền, có khi cả một ngày ròng, để cho anh chàng phải đập cánh ầm ĩ bày tỏ sự lo lắng rồi cô nàng mới chịu hiện ra? Đây là một điều bí mật của rừng cây mà anh chàng gà không thể nào đoán ra được.
Càng ngày gà Nâu càng ít ở gần bên Cổ Đỏ hơn và cuối cùng cô nàng biến mất hoàn toàn. Cô nàng không xuất hiện, và anh chàng lo âu vỗ cánh trên khúc cây quen thuộc, bay ngược lên phía trên dọc theo dòng suối rồi lại nhảy lên một khúc cây khác và vỗ cánh hoặc bay qua ngọn đồi sang khe mương khác và lại vỗ cánh ầm ĩ ở đó. Nhưng lời kêu gọi của nó không được đáp lại. Cuối cùng đến ngày thứ tư, nó lại đến và vỗ cánh gọi to cô nàng như trước, và đột nhiên cũng giống như lúc nó nghe thấy tiếng sột soạt trong bụi cây lần trước, cô gà Nâu bước ra khỏi bụi cây nhưng không phải chỉ đi có một mình? Đi theo nó là mười chú gà con kêu chiêm chiếp.
Cổ Đỏ lượn xập xòe quanh gà Nâu và làm cho những con gà con có cặp mắt long lanh sợ hãi. Nó hơi lúng túng khi thấy chúng biểu thị quyền lực với người bạn đời của mình và được gà Nâu chú ý đến nhiều hơn so với nó. Dù sao nó cũng nhanh chóng bằng lòng với sự thay đổi ấy và bắt đầu chia sẻ với gà Nâu việc chăm sóc đám gà con, một điều mà bố nó chưa bao giờ làm cả.

6

Trong loài gà gô hiếm thấy những con gà bố tốt. Thường thì gà mái xây tổ và dạy dỗ gà con không có sự giúp đỡ của gà bố. Gà mái cũng thường giấu không cho gà bố biết chỗ xây tổ và chỉ gặp nó ở những chỗ nhất định; ở chỗ khúc cây mà con trống đập cánh, hoặc ở nơi mà chúng quen kiếm mồi, và cũng có khi ở nơi chúng tắm cát.
Khi đám gà con vừa nở, cô mái Nâu bị lôi cuốn vào việc chăm sóc chúng và thường quên khuấy gà bố tuyệt trần của chúng và không đáp lại lời kêu gọi của nó. Nhưng đến ngày thứ tư khi gà con đã hơi cứng cáp thì gà mẹ dẫn chúng ra mắt bố chúng.
Một số gà bố không quan tâm đến con cái, nhưng Cổ Đỏ không như thế. Nó bắt đầu giúp đỡ ngay người bạn đời dạy dỗ đàn con. Chúng cũng học uống và ăn như bố chúng xưa kia đã học, và có thể chúng đã ngã lăn quay khi chạy theo mẹ nhưng bố chúng đã đỡ phía sau rồi.
Rồi đến ngày hôm sau khi chúng đi ra bờ suối, nối đuôi nhau như một chuỗi hạt cườm và theo sườn đồi đi xuống dưới, thì một con sóc đỏ nấp sau một thân cây thông nhìn ra cái đám chim non ấy đã kịp nhận thấy con gà Runtie yếu nhất đang rớt lại đằng sau khá xa các anh em nó. Cổ Đỏ nhảy lên một gốc cây đang rỉa lông, và con sóc không để ý đến nó. Sóc nảy ra ước muốn kì lạ nếm thử máu chim và con gà nhỏ rớt lại sau có vẻ là một miếng mồi để bắt làm cho cơn khát uống máu của nó càng gia tăng. Gà Nâu mãi sau mới hiểu điều gì đã xảy ra, nhưng Cổ Đỏ đã trông thấy con sóc và lao ngay vào tên giết người lông hung đỏ. Nó chẳng có vũ khí nào khác ngoài những cái vấu, tức là những cái xương cánh nhô ra, nhưng nó dùng vấu giáng những đòn mới ghê gớm làm sao! Mới đánh cú thứ nhất nó đã nện trúng chỗ nhạy cảm nhất của con sóc là chót mũi làm cho sóc ta lăn nhào trên mặt đất. Sóc vùng dậy, đi tập tễnh đến một đống cành khô, nằm dài ra đó thở hổn hển, máu rỏ thành giọt to từ vết thương ở mũi. Cổ Đỏ mặc kệ sóc nằm ở đấy, chẳng cần biết nó làm gì mà cũng chẳng quan tâm đến số phận tương lai của nó nữa.
Gia đình gà gô đi về phía con suối, nhưng một con gà con bé xíu đã rơi xuống một trong những hố do vết chân sâu hoắm của một con bò nào đó để lại trên cát. Chú gà con chiêm chiếp kêu thảm thiết vì không thể nào trèo ra khỏi hố được.
Tình thế thật khó xử. Gà bố mẹ cũng chẳng biết làm gì. Nhưng trong khi chúng giẫm đạp quanh cái hố thì cát ở miệng hố lở xuống và tạo thành một đường dốc thoai thoải. Chú gà con liền chạy theo dốc đó ra khỏi hố và vui vẻ đến nhập bọn với lũ anh chị em nó đang đứng dưới cái đuôi xòe rộng của gà mẹ.
Mái Nâu là một mẹ gà bé nhỏ vui vẻ, rất linh hoạt, cần cù và thông minh. Ngày đêm không lúc nào nó không săn sóc đàn con. Nó mới kiêu hãnh làm sao khi vừa cục cục vừa cùng lứa gà dạo chơi trong rừng! Nó mới cố gắng làm sao khi xòe cái đuôi thật rộng để có được nhiều bóng râm hơn và luôn luôn dè chừng kẻ thù trong tư thế sẵn sàng chiến đấu hoặc bay lên vì lợi ích của bầy con nhỏ nhoi.
Lũ gà con chưa học bay thì đã gặp lão Cuddy rồi. Mặc dầu mới là tháng Sáu và luật lệ còn cấm săn bắn, nhưng lão đã vác súng cùng với con chó Tike chạy đằng trước men theo sườn khe mương thứ ba vào rừng, và tiến sát tới chỗ mái Nâu và lứa gà đến nỗi Cổ Đỏ phải lao thẳng về phía đó. Nó sử dụng mánh khóe quen thuộc nhưng luôn luôn thành công là cuốn hút con chó theo nó về phía dưới, nơi dòng sông.
Nhưng lão Cuddy đã tình cờ tiến về phía lứa gà và mái Nâu vội phát tín hiệu cho lũ gà con ẩn nấp “cù, cù!” rồi cố lôi cuốn người đi săn theo mình theo đúng cách thức mà Cổ Đỏ đã dùng với con chó.
Với tấm lòng người mẹ tràn đầy tận tụy hi sinh và sự hiểu biết sâu sắc cánh rừng, nó bay êm ru cho tới khi gặp người đi săn thì vỗ cánh phành phạch ngay trước mắt lão rồi ngã nhào xuống đám lá, giả bị thương một cách khéo léo tuyệt vời đến nỗi lão đi săn trái phép cũng bị mắc lừa. Nhưng khi nó kéo lê một bên cánh kêu chiêm chiếp rồi đứng lên và chậm chạp tập tễnh chạy ra xa, thì lão hiểu ngay sự việc. Lão biết đó chỉ là một sự đánh lừa, với ý muốn kéo lão rời xa lứa gà.
Lão hung dữ ném cái gậy về phía con gà. Nhưng mái Nâu rất nhanh nhẹn và khéo léo. Nó lăn nhào tránh rồi tập tễnh đến nấp sau một cái cây non. Ở đó nó lại giãy giụa, ngã xuống đám lá và kêu một cách thảm thiết, và làm ra vẻ như cánh bị gãy nên không thể bay đi được. Cuddy lại ném cái gậy về phía nó nhưng nó lại tránh được. Do ý muốn lôi kéo lão đi xa khỏi nơi có những đứa con yếu đuối dù phải trả giá thế nào, nó dũng cảm bay về phía lão rồi để rơi người xuống, lồng ngực mảnh dẻ đập vào mặt đất, miệng khe khẽ kêu dường như muốn cầu xin lòng thương hại. Cuddy không ném gậy nữa. Lão nâng khẩu súng lên, nhả ra một viên đạn đủ để giết chết một con gấu và biến con mái Nâu dũng cảm đáng thương thành một đám đẫm máu giãy chết.
Người đi săn thô bỉ, hung ác biết rằng lứa gà tất phải ẩn nấp gần đâu đó nên đã quyết định đi tìm. Nhưng chẳng có con gà con nào động đậy hoặc lên tiếng kêu ở đâu cả. Lão không trông thấy một con gà con nào. Lão đi qua đi lại nhiều lần nơi lũ gà ẩn nấp và đã giẫm chết nhiều con trong đám gà con khốn khổ lặng thinh đó.
Cổ Đỏ đã dẫn được con chó vàng ra xa và quay trở lại nơi người bạn đời của nó còn ở lại. Kẻ giết người đã đi rồi sau khi lượm cái xác mái Nâu và quăng cho con chó của lão. Cổ Đỏ đi tìm mái Nâu nhưng chỉ tìm thấy máu và lông. Đó là lông người bạn đời của nó và nó đã hiểu tiếng súng có nghĩa là cái gì...
Ai là người có thể kể lại nỗi đau xót và khiếp sợ của nó! Nó đứng bất động như hóa đá vài phút, đầu cúi gục, mắt đăm đăm nhìn chỗ vấy máu. Sau đó nó đột nhiên thay đổi - nó bỗng nhớ đến những đứa con yếu đuối.
Nó quay trở lại nơi chúng đã ẩn nấp và cất tiếng kêu những lời chúng đã quen thuộc: “cúc, cúc!”. Nhưng nhiều con gà con đã chết rồi. Chỉ còn sáu quả cầu lông mềm mại đứng dậy, mở to cặp mắt long lanh và chạy đến với người cha, còn bốn con chỉ còn là những nắm lông nhỏ nhoi nằm bất động.
Cổ Đỏ cứ tiếp tục gọi con cho đến khi tin chắc rằng tất cả những con gà có thể nghe thấy nó gọi đều đã đến hết rồi. Lúc đó nó mới dẫn chúng rời xa cái nơi khủng khiếp đó để đến nơi mà hàng rào dây thép gai và cánh rừng mọc đầy cây đũm hương có thể dùng làm chốn nương thân đáng tin cậy hơn nhưng cũng kém dễ chịu hơn.
Ở nơi đó nó lại dạy dỗ đàn con giống như trước kia mẹ nó từng dạy dỗ nó. Nhưng nó có kinh nghiệm hơn và hiểu biết nhiều hơn mẹ nó, vì thế nó làm công việc này có nhiều ưu điểm hơn. Nó biết rõ toàn bộ khu vực này, biết tất cả những nơi có thể tìm được thức ăn, biết cách đề phòng những trường hợp không may thường hay đe dọa sức khỏe và tính mạng lũ gà gô.
Nhờ kinh nghiệm và việc cảnh giác theo dõi của nó cho nên suốt mùa hè không có một con gà nào bị chết cả. Chúng trưởng thành, phát triển và thịnh vượng, và đến “tháng Săn bắn” thì đó đã là một gia đình nhà gà tuyệt diệu gồm sáu con gà gô lớn khỏe với Cổ Đỏ đứng đầu, một con gà vẫn đáng tự hào về bộ lông trang sức lộng lẫy màu đỏ lấp lánh.
Từ ngày bạn đời của Cổ Đỏ bị chết, nó không đập cánh nữa. Nhưng việc đập cánh đối với gà gô cũng giống như tiếng hót đối với chim sơn ca vậy. Đó không phải chỉ là khúc hát tình yêu mà còn là việc biểu lộ sự dư thừa sức lực, năng lượng và sức khỏe. Và khi thời kì thay lông đã qua và tháng Chín lại trả lại vẻ óng ánh cho bộ lông nó cũng như vẻ sảng khoái cho tâm hồn nó, thì nó lại đến khúc cây quen thuộc của mình. Tuân theo một sự kích thích nào đó không sao cưỡng được, nó nhảy lên khúc gỗ và lại đập cánh ầm ĩ.
Từ đó trở đi nó thường đến đây và đập cánh, còn lũ con thì đậu xung quanh và lúc là con này lúc lại là con khác nhảy lên khúc cây gần đấy hoặc lên một tảng đá rồi cũng bắt chước bố đập cánh ầm lên.
Các chùm nho đã chín sậm, tháng Mười Một đã đến, đó là “tháng Cuồng điên”. Nhưng lũ con của Cổ Đỏ đã cứng rắn và khỏe mạnh, và tuy chúng cũng bị ước muốn viễn du xâm chiếm tâm hồn nhưng chỉ sau một tuần lễ ước muốn đó đã trôi qua và chỉ có ba con gà gô rời bỏ bố mà thôi.
Cổ Đỏ cùng với ba đứa con vẫn sống trong khe mương như trước. Mùa đông lại đến và tuyết lại rơi. Tuyết nhẹ và mềm. Thời tiết ấm và gia đình gà gô trú đêm bên dưới những cành tuyết tùng thấp và phẳng phiu. Ngày hôm sau trời trở lạnh hơn, bão tuyết nổi lên và sau một ngày đã dồn thành những đống tuyết lớn. Đến đêm tuyết ngừng rơi nhưng trời rét nhiều hơn và Cổ Đỏ dẫn cả gia đình tới chỗ cây bạch dương nhô cao hơn đống tuyết. Nó rúc vào trong tuyết, và lũ con cũng làm theo bố. Gió thổi tuyết xốp vào những cái hố mà gà gô đã bới và phủ lên chúng một lượt tuyết mỏng như đắp lên người chúng một tấm vải chăn. Chúng thiu thiu ngủ trong hố ngon lành suốt đêm bởi vì tuyết giữ ấm và cho lọt qua đủ không khí để thở. Sáng hôm sau lũ gà gô trẻ thấy phía trên chúng có một bức tường băng khá dày do hơi thở của chúng đông cứng lại tạo thành, nhưng khi chúng nghe thấy Cổ Đỏ cất tiếng gọi buổi ban mai: “Cúc, cúc, cúc!” (Đến đây, các con!) thì chúng chui ra ngoài chẳng khó khăn gì cả.
Đó là đêm đầu tiên chúng ngủ trong đống tuyết, mặc dầu Cổ Đỏ chưa hề ngủ đông như thế. Đến đêm sau chúng lại rúc vào trong đống tuyết và gió bắc lại phủ cho chúng tấm chăn trắng. Nhưng thời tiết đã thay đổi và đến đêm gió thổi theo hướng đông tới. Lúc đầu có mưa tuyết rơi, rồi sau mọi vật đều bị băng phủ kín, và sáng ra khi lũ gà tỉnh giấc muốn chui ra ngoài thì chúng mới biết rằng đã bị cầm tù bên dưới một lớp băng cứng ngắc.
Tuyết ở dưới sâu vẫn mềm như trước, và Cổ Đỏ không khó khăn gì cũng bới được một lối đi lên phía trên. Nhưng đến đây rồi thì lớp băng cứng phía trên lại ngăn cản không cho nó thoát ra ngoài. Mọi cố gắng chọc thủng lớp băng ra ngoài đều vô ích và nó chỉ xây xát đầu và cánh ra mà thôi. Từ trước đến giờ nó chưa từng gặp khó khăn như thế. Tuy nó vẫn thường gặp những phút khó khăn, nhưng rõ ràng là bây giờ nó đã gặp phải tình hình tồi tệ nhất.
Cổ Đỏ cảm thấy thất vọng. Sức lực nó đã yếu đi, và chẳng một cố gắng giải thoát nào dẫn đến kết quả gì hết. Nó nghe thấy các con nó giãy giụa cố thoát ra ngoài trời, và chúng kêu mới thảm thiết làm sao khi lên tiếng gọi bố đến giúp: “Chi-i-íp, chi-i-íp!”
Ở nơi trú ẩn của mình chúng không sợ kẻ thù nào cả nhưng lại bị cơn đói hành hạ; và khi màn đêm buông xuống thì những kẻ bị cầm tù mệt mỏi, kiệt sức vì những cố gắng vô ích và bị cái đói giày vò, đã cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng. Lúc đầu chúng còn sợ một con cáo sẽ tới và chúng sẽ rơi vào tay nó. Nhưng khi đêm thứ hai tiến lại dần dần thì ý nghĩ về con cáo chẳng còn làm cho chúng lo ngại nữa. Thậm chí chúng còn cầu mong nó hãy đến mau đi và đập vỡ dùm băng tuyết cứng ngắc nữa.
Tuy nhiên đến khi con cáo thực sự xuất hiện và đi chậm chậm trên tuyết đóng băng thì tình yêu cuộc sống bám rễ sâu trong chúng lại sống lại, và chúng đã đứng yên không nhúc nhích cho đến lúc con cáo đi qua.
Ngày thứ hai bắt đầu có bão tuyết. Gió bắc thổi mạnh rít lên đuổi tuyết chạy trên mặt đất. Những hạt tuyết lớn bị gió thổi chạy cọ sát mãi vào lớp vỏ tuyết cứng đã phá hỏng nó làm cho nó cứ mỏng dần và trở thành trong suốt. Cổ Đỏ ở bên dưới lớp vỏ đó ra sức đục khoét suốt ngày cho đến khi đầu đau nhức và mỏ bị thương. Nhưng khi mặt trời lặn thì nó vẫn cảm thấy còn lâu mới thoát ra được chẳng khác gì ngày đầu.
Đêm thứ hai cũng trôi qua như đêm đầu tiên, chỉ không thấy con cáo đi qua trên đầu chúng nữa mà thôi. Sáng ra Cổ Đỏ lại bắt đầu đào nhưng không còn khỏe như trước nữa. Nó không còn nghe thấy con kêu mà cũng không nghe thấy chúng đào bới gì nữa. Nhưng trời mỗi ngày một sáng và nó đã có thể nhìn thấy rõ hơn nơi ở của nó, thế là nó lại đào, đào, đào mãi. Bão tuyết vẫn mài mòn băng như trước, và đến cuối ngày hôm đó Cổ Đỏ đã thò được cái mỏ ra ngoài. Nó như được tiếp thêm sức lực mới, sức sống mới.
Nó tiếp tục đào bới,.và cuối cùng trước lúc mặt trời lặn, cả đầu, cổ và thậm chí cái vòng lông cổ tuyệt diệu của nó đã nhoài được ra ngoài lỗ. Cái lỗ còn quá nhỏ chưa đủ lọt đôi vai rộng của nó, nhưng bây giờ nó đã có thể khoét lớp vỏ băng lên trên với sức mạnh tăng gấp bốn lần. Và chẳng bao lâu lớp vỏ đã chịu thua sức tấn công của nó. Nó thoát ra khỏi căn nhà tù băng.
Nhưng lũ con ra sao đây? Cổ Đỏ vội vã bay tới ngọn đồi gần nhất, ăn một vài quả kim anh để làm dịu cơn đói và lại quay trở về nơi đó đã bị tù. Nó gọi cục cục và mổ mỏ, nhưng chỉ nghe thấy một tiếng kêu yếu ớt đáp lại: “Chi-i- íp! Chi-i-ípp!” vẳng từ phía dưới lên. Nó dùng móng chân nhọn bới tuyết, nhanh chóng đục thủng được lớp vỏ, và con gà con Đuôi Xám vất vả mới bò được ra khỏi hố.
Tất cả cũng chỉ có thế thôi. Những con gà con còn lại bị vùi dưới tuyết ở những chỗ khác nhau đã không đáp lại lời nó. Nó không biết chúng ở đâu nên bắt buộc phải ngừng tìm kiếm. Đến khi mùa xuân về, băng tuyết tan thì thân thể của chúng mới lộ ra. Chúng chỉ còn là những bộ xương bọc da và phủ lông không hơn không kém!

7

Phải mất một thời gian khá dài sau Cổ Đỏ và Đuôi Xám mới hồi phục hoàn toàn. Nhưng thức ăn hậu hĩnh và sự nghỉ ngơi đã chữa được mọi bệnh. Những buổi ban ngày trong trẻo giữa mùa đông đã lại tác động đến Cổ Đỏ giống như hồi trước, và nó lại đến nơi khúc cây quen thuộc, ưa thích của nó và lại đập cánh. Không biết có phải tiếng đập cánh ấy hay là dấu chân của chúng trượt trên tuyết đã tố cáo Cổ Đỏ và Đuôi Xám với lão Cuddy, nhưng Cuddy lại xuất hiện với cây súng và con chó. Lão lén lút đi khắp khe mương, quyết tâm theo dõi lũ gà gô.
Con gà gô trống lông đỏ to lớn đã nổi tiếng khắp thung lũng và trong mùa săn đã có nhiều người đi săn ráng sức bắn hạ nó.
Tuy nhiên Cổ Đỏ đã có nhiều kinh nghiệm trong khoa học về rừng. Nó đã biết khi nào ẩn trốn và khi nào bay đi êm ru, đã biết khi nào phải nằm ép xuống đất im thít cho đến khi người thợ săn đi qua, nhưng sau đó phải đứng dậy vỗ cánh để lẩn ngay vào phía sau một thân cây mộc to nào đó và bay đi.
Nhưng Cuddy vẫn không ngừng mang súng truy đuổi Cổ Đỏ và đã không chỉ một lần bắn trượt nó.
Cổ Đỏ vẫn cứ sống và thịnh vượng và vẫn đập cánh ầm ĩ bất chấp tất cả.
Đến tháng Chạp tức là “tháng Tuyết” nó lại cùng với Đuôi Xám chuyển tới rừng Castle Frank, nơi đó có thức ăn dồi dào và nhiều cây cổ thụ to cao. Nơi đây có một cây thông lớn đứng giữa đám rau cần chuột bò lan. Những cành thấp của nó cũng ở ngang tầm ngọn những cây khác Về mùa hè có một đôi chim giẻ cùi xây tổ ở trên ngọn cây thông ấy. Chúng sống an toàn và vui vẻ nhảy nhót chơi đùa ở tầng cao vút không súng nào bắn tới được. Con giẻ cùi trống xòe cái đuôi có những chiếc lông xanh óng ánh và cất tiếng ca những bài ca trìu mến, thần kì mà chỉ dành riêng cho ai thì người ấy mới có thể hiểu được.
Cổ Đỏ rất ưa thích cây thông to lớn ấy, và bây giờ nó cùng với đứa con độc nhất đến sống ở gần đó. Nhưng nó không để ý đến phía ngọn thông mà chỉ quan tâm đến phần thân cây dưới thấp mà thôi. Xung quanh đó mọc lan đầy những cây rau cần chuột, nho dại và việt quất. Còn ở bên dưới tuyết thì có thể bới được những trái sồi đen óng ả. Khó lòng có thể tìm được nơi nào tốt hơn luôn luôn hậu hĩnh với nó như thế. Và nếu như người đi săn có đến đây thì nó có thể ẩn nấp được bằng cách chạy qua đám rau cần chuột tới cây thông lớn rồi nấp sau thân cây to lớn mà bay đi xa một cách an toàn.
Cây thông đã cứu chúng khỏi chết hàng trăm lần trong mùa săn đúng luật. Nhưng lão Cuddy đã nghĩ ra một mưu chước mới. Lão nấp sau một mô đất, còn bạn lão - một người thợ săn khác thì đi vòng quanh ngọn đồi Củ cải đường để xua cho lũ chim sợ bay lên. Gã vừa đi vừa làm ầm ĩ trong đám cây bụi rậm rạp nơi Cổ Đỏ và Đuôi Xám đang kiếm ăn. Cổ Đỏ vội phát ra một tiếng kêu phòng bị: “r-rù” (nguy hiểm) - rồi chạy luôn tới chỗ cây thông lớn và chuẩn bị bay đi.
Đuôi Xám hơi chậm chân hơn một chút, nó còn ở trên sườn đồi thì đã trông thấy một kẻ thù mới ở rất gần. Đó là một con chó vàng nhỏ đang chạy thẳng lại phía nó. Cổ Đỏ đã chạy xa và những bụi cây đã che khuất nó khỏi con chó. Đuôi Xám rất bối rối.
“Cúc, cúc!” (Bay đi, bay đi!) - Đuôi Xám vừa kêu vừa chạy theo sườn đồi xuống phía dưới và chuẩn bị bay lên.
“Cúc, cù!” (Nấp vào đây!) - Cổ Đỏ bình tĩnh hơn kêu lên sau khi trông thấy một người có súng tiến lại phía nó. Nó đã đến được cây thông lớn. Náu được mình sau thân cây rồi, nó dừng lại một chút và gọi Đuôi Xám: “Đây, đây!” - nhưng nó đã nghe thấy một tiếng sột soạt khẽ vang lên ở các lùm cây sau mô đất và đã hiểu rằng chúng bị phục kích rồi.
Sau đó nó nghe thấy tiếng kêu sợ hãi của Đuôi Xám. Con chó đã nhảy bổ vào nó.
Đuôi Xám bay lên không trung để tới ẩn nấp sau thân cây tránh người đi săn đang đứng ở quãng trống, và vừa đến đúng dưới tầm súng của kẻ hung ác nấp sau mô đất.
“Vrrù!” - nó khẽ vỗ cánh và bay lên cao với dáng vẻ duyên dáng tràn đầy sức lực của một con chim.
“Đoàng!” - và nó đã rơi xuống, đẫm máu và giãy giụa, và chỉ còn là một cái xác chết nằm bất động trên tuyết.
Cổ Đỏ nấp xuống phía dưới. Con chó chạy ngang qua nó chừng một chục bước còn người bạn của Cuddy thì chỉ đi cách nó có năm bước. Nhưng Cổ Đỏ không nhúc nhích. Mãi sau nó mới trườn ra đằng sau thân cây to lớn và ẩn nấp khỏi hai người đi săn. Bây giờ nó có thể bình tĩnh bay lên và đi tới khe mương quê hương của nó.
Khẩu súng tàn nhẫn đã lần lượt giết chết tất cả những người gần gũi của nó, và Cổ Đỏ lại trở thành kẻ cô độc.
“Tháng Tuyết” trôi qua chậm chạp và Cổ Đỏ thường xuyên gần kề cái chết bởi vì những người đi săn cứ liên tiếp truy đuổi nó sau khi biết rằng trong cả gia đình nó chỉ còn mỗi một mình nó sống sót. Và cũng do sự truy đuổi đó mà nó mỗi ngày một trở thành hoang dã hơn.
Nhưng rõ ràng rằng cầm súng trong tay truy đuổi nó chỉ là công việc phí thời giờ vô ích, và do đó Cuddy đã nghĩ ra một kế hoạch khác. Khi tuyết đã rơi dày và thức ăn trở thành hiếm hoi hơn lão liền đặt một số bẫy cần ở nơi Cổ Đỏ vẫn tới kiếm ăn. Người bạn cố tri của Cổ Đỏ là con thỏ đuôi ngắn đã dùng răng nhọn cắn đứt một số bẫy, nhưng những cái còn lại vẫn nguyên vẹn. Một bữa Cổ Đỏ mải chú ý đến một chấm đen nào đó trên bầu trời và còn đang tự hỏi không biết đó có phải là một con diều hâu hay không thì đã vô ý sa vào bẫy. Trong chớp mắt nó đã bị hất bổng lên trời một chân treo tòn ten vào cần bẫy.
Con người có quyền gì hành hạ một sinh vật lâu dài đến thế chỉ vì nó không nói được thứ ngôn ngữ của mình?
Suốt cả ngày hôm đó con gà Cổ Đỏ bất hạnh phải chịu dựng những sự giày vò quá sức, chân treo lơ lửng, và nó cứ vỗ mạnh đôi cánh khỏe cố thoát ra nhưng vô ích. Cái cực hình đó cứ kéo dài suốt ngày và suốt đêm, và nó chỉ mong mỏi sao cho cái chết đến nhanh đi và chấm dứt ngay nỗi đau khổ của nó.
Nhưng cái chết vẫn chưa đến.
Bình minh lại đến, một ngày nữa lại trôi qua, và hoàng hôn lại bắt đầu từ từ buông xuống.
Sức lực và sức khỏe của Cổ Đỏ lại trở thành những thứ đáng nguyền rủa đối với nó.
Màn đêm đã phủ xuống mặt đất. Và đến khi một con chim cú bự có đôi tai to nghe thấy tiếng vỗ cánh yếu ớt lần đến kết thúc tức khắc nỗi đau đớn của Cổ Đỏ thì đó đúng là nó đã thực sự làm một công việc từ thiện rồi...
Gió bắc thổi về và xua tuyết chạy trên đầm lầy đóng băng. Bốn bề đều một màu trắng xóa. Gió thổi bay tứ tung những chiếc lông sẫm màu trên mặt tuyết trắng. Đó là di tích cái vòng lông cổ tuyệt vời, đồ trang sức nổi tiếng của Cổ Đỏ. Và gió cứ mang những cái lông đó đi xa mãi về phương nam, đến tận cái hồ nước xám xịt mà xưa kia chính Cổ Đỏ đã đến trong thời gian “tháng Cuồng Điên”. Cuối cùng tuyết đã vùi kín những cái lông ấy, và những vết tích cuối cùng của loài gà gô sống ở thung lũng sông Don đã bị vĩnh viễn xóa sạch.
Bây giờ không ai còn nghe thấy tiếng đập cánh vang động của con gà gô ở Castle Frank nữa, và khúc cây thông thầm lặng và chẳng còn ai cần đến nữa cũng dần dần mục ruỗng ở khe mương của dòng Suối Đục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét