Ernest Thompson Seton
Dịch giả: Lê Thùy Dương
Rách tai, hay Rách, là tên một chú thỏ non đuôi bông. Sở dĩ
chú có cái tên này là vì một bên tai chú bị rách, hậu quả cuộc phiêu lưu đầu
tiên của chú. Chú sống cùng với mẹ trong đầm lầy của ông Âuliphân, nơi mà tôi
đã làm quen với hai mẹ con chú và được biết về cuộc sống cũng như lối ăn ở của
hai mẹ con. Có lẽ khi đọc truyện này bạn sẽ cho rằng tôi đã biến những con vật
thành những nhân vật giống người quá mức. Song nhưng ai sống gần chúng và đã
nghiên cứu cách cư xử và suy nghĩ của chúng sẽ không nghĩ như vậy. Tất nhiên là
thỏ không biết nói như chúng ta, song chúng có một hệ thống âm thanh, ký hiệu,
khứu giác và động tác mà nhờ đó chúng hiểu nhau. Trong truyện này tôi dịch từ
ngôn ngữ loài thỏ sang tiếng Anh và tôi không thêm bớt gì vào những điều chúng
nói.
* * *
Cỏ ở đầm lầy che khuất cái tổ nơi Rách tai nằm. Khi phải đi
đâu mẹ chú lấy một ít cỏ phủ lên mình chú và lần nào thỏ mẹ cũng dặn, bằng ngôn
ngữ loài thỏ phải “nằm mọp”, nghĩa là không động đậy và không gây tiếng động.
Chú nằm yên một lát và đôi mắt trong sáng của chú ngắm nhìn cải mảnh thế giới
tươi xanh ngay phía trên đầu chú. Rồi một con chim cà cưỡng xanh và một con
nhím bắt đầu cãi nhau và chẳng bao lâu lùm cây phía trên chỗ Rách nằm bỗng trở
thành chiến trường của bọn chúng. Một chú chim hoàng anh nhỏ bắt một con bướm
màu xanh ngay trên mũi Rách và một con bọ cánh chấm bò ngang qua tổ rồi bò lên
cả mặt chú thế mà chú vẫn không nhúc nhích.
Một lát sau chú nghe thấy có cái gì chuyển động là lạ trong
khóm lá ở bụi rậm gần đấy. Đó là một âm thanh lạ, vì dù cảm thấy vật đó chuyển
động sang phía bên này hoặc bên kia và nghe thấy âm thanh ấy mỗi ngày một gần,
song chú vẫn không thấy tiếng chân bò. Rách mới ra đời có ba tuần lễ và chú tò
mò muốn biết cái vật không chân đang chuyển động ấy là con gì. Âm thanh lạ tai
ấy vẫn tiếp tục, lúc đầu hướng về phía bên phải rồi lại tạt sang bên trái và
cuối cùng lạit tạt sang phải. Rách tai nhỏm thân hình nhỏ bé và béo mỡ của chú
trên bốn chân ngắn ngủn, ngóc cái đầu tròn xinh xắn lên trên tổ và lén nhìn vào
rừng cây. Khi chú cựa quậy thì âm thanh kia ngừng bặt. Chẳng nhìn thấy gì nên
chú rướn lên một bước và đảo mắt nhìn quanh. Lập tức một con rắn đen to tướng
đớp lấy tai chú. “Mẹ ơi!”, chú la lên trong cơn hãi hùng. Chú hoàn toàn bất lực
khi bị con rắn giữ chặt.
Song mẹ của Rách đã nghe tiếng la và lao vụt qua rừng cây để
về cứu con. Tình yêu của người mẹ đã làm cho thỏ mẹ trở nên can đảm như một anh
hùng. Hóp! Thỏ mẹ nhảy chồm vào con rắn khủng khiếp ấy. Hoách! Thỏ mẹ đánh
trúng con rắn bằng những móng sắc ở cặp chân sau khi nhảy qua con rắn. Con rắn
rít lên vì đau đớn và giận dữ. Thỏ mẹ nhảy vọt lên, nhiều lần và tấn công mạnh
hơn cho tới khi con rắn phải nhả tai chú Rách ra để tìm cách cắn địch thủ. Mỗi
lần đớp con rắn chỉ được một mồm đầy lông, trong khi đó những đòn của thỏ mẹ
làm da rắn bị rách toạc ở nhiều chỗ. Con rắn chuẩn bị sẵn sàng đợt tấn công
mới. Lúc ấy chú bé Rách nhanh chóng chạy vào bụi rậm. Lòng chú đầy hãi hùng
song chú không bị thương, chỉ có điều là tai trái của chú bị răng rắn làm cho
rách toạc. Đó là cuộc phiêu lưu đầu tiên của chú.
Môli - tên mẹ chú Rách - thấy đứa con bé bỏng của mình dã an
toàn nên không tiếp tục chiến đấu nữa. Thế là nó chạy thật nhanh về phía rừng
cây, chú Rách bám sát phía sau. Chẳng bao lâu hai mẹ con lại an toàn trở về đầm
lầy.
* * *
Khắp bốn phía quanh đầm lầy của ông già Âuliphân đều là
những thửa ruộng lớn. Ngang qua những thửa ruộng này có vệt đi của một con cáo
hung dữ. Con cáo này sống ngay gần đầm lầy nơi hai mẹ con Môli và Rách ở. Hai
mẹ con nhà Rách không có bà con xóm giềng mà họ hàng thân thuộc gần gũi nhất
thì đã chết cả. Đầm lầy này là nhà của chúng, chúng chẳng còn nơi ở nào khác.
Môli là một thỏ mẹ nhỏ nhắn tốt bụng và đã nuôi dậy đứa con trai rất cẩn thận.
Rách không bao giờ quên bài học đầu tiên mà thỏ mẹ dạy chú và chú nhớ mãi cơn
hiểm nghèo khi bị rắn cắn. Từ đó trở đi bao giờ chú cũng làm đúng lời mẹ dặn.
Bài học thứ hai mà chú học là “ngưng tụ”, vừa mới biết chạy
chú đã học ngay bài ấy. “Ngưng tụ” nghĩa là không cử động mà biến thành một pho
tượng. Khi có kẻ thù ở gần thì một con thỏ đuôi bông sẽ lập tức ngừng mọi cử
động, bởi vì thú vật trong rừng có màu sắc giống môi trường xung quanh nên chỉ
khi nào chúng cử động kẻ khác mới nhìn thấy. Do đó con thỏ này tranh thủ được
chút thời gian để có thể chuẩn bị tấn công hoặc chạy trốn. Tất cả mọi loài vật
đều biết cái trò “ngưng tụ” này song không con nào có thể thực hành giỏi hơn
thỏ mẹ đuôi bông Môli. Mẹ Rách dạy chủ trò này. Khi Môlo chạy qua rừng, Rách cố
chạy thật nhanh để theo kịp mẹ. Và khi thỏ mẹ bỗng nhiên dừng lại và “ngưng tụ”
thì chú cũng làm như vậy.
Bài học quí giá hơn cả mà Rách học được ở mẹ là bài học về
điều bí mật của bụi cây dã tường vi. Thỏ mẹ nói: “Dã tường vi là người bạn tốt
nhất của con”. Và đây là câu chuyện về cây dã tường vi.
“Ngày xưa hoa hồng mọc trên những bụi cây không có gai. Song
bọn sóc và chuột, gia súc và các loài cầm thú dùng sừng hoặc đuôi dài hay móng
chân sắc nhọn làm rụng hết hoa. Vì vậy cây dã tường vi đã tự vũ trang bằng gai
nhọn để bảo vệ những bông hồng và tuyên chiến với tất cả các loài thú leo cây
cũng như thú có sừng, có móng hoặc đuôi dài”.
Người bạn duy nhất của dã tường vi là thỏ mẹ đuôi bông Môli
vì thỏ mẹ không biết trèo, không có sừng hay móng sắc còn cái đuôi thì lại ngắn
ngủn. Bởi vậy mỗi khi lâm vào cơn hiểm nghèo chú thỏ nào cũng chạy vào bụi dã
tường vi gần nhất và hiểu rằng bụi cây sẵn sàng dâng muôn triệu gai nhọn để bảo
vệ cho chú.
Mùa ấy Rách cũng tìm hiểu khu đất xung quanh đầm lầy. Chú
học bài này thuộc đến nỗi chú có thể đi khắp quanh đầm bằng hai con đường khác
nhau mà bao giờ cũng gần những bụi dã tường vi. Ít lâu sau ông già Âuliphân đem
trồng một loại cây gai mới thành từng hàng khắp nơi nơi. Loại gai này cứng và
nhọn đến mức chẳng loài dã thú nào dám phá đổ hàng rào. Song thỏ mẹ đuôi bông
Môli không sợ bởi vì đó chẳng qua là một loại dã tường vi mới và Môli cùng với
đứa con sống bình an dưới những cành gai này. Tên của loại cây gai mới kinh
khủng này là hàng rào dây kẽm gai.
* * *
Thỏ mẹ Môli chỉ có mỗi mình Rách nên chú ta được mẹ hết lòng
chăm sóc. Chú rất nhanh nhẹn, thông minh, khoẻ mạnh và hay ăn chóng lớn. Suốt
mùa ấy thỏ mẹ dạy con tất cả các mưu mẹo đi đường, dặn con cái gì nên ăn, cái
gì nên tránh. Chú ngồi sát ngay bên mẹ khi ở trên cánh đồng hay trong rừng cây
và bắt chước những điều mẹ làm. Cứ như thế, chú học cách dùng móng chân để chải
tai, học cách rửa ráy bộ lông và bắt rận cho mình. Chú cũng được bảo cho biết
rằng chỉ có những giọt sương đọng trên cánh dã tường vi là thỏ có thể uống một
cách an toàn còn nước đã chạm đất thường có một ít chất độc.
Khi Rách vừa đủ khôn lớn, có thể ra khỏi tổ một mình, thỏ mẹ
dạy chú hệ thống tín hiệu. Loài thỏ có một hệ thống tín hiệu đập chân xuống đất
và chúng dùng để báo tin cho nhau. Âm thanh truyền xa trong đất và vì thỏ rất
thính tai nên từ xa hai trăm yard chúng có thể nghe thấy tín hiệu ấy. Một đập
nghĩa là “coi chừng” hoặc “ngưng tụ”. Hai đập theo nhịp chậm nghĩa là “đến đây”.
Hai đập nhanh nghĩa là “nguy hiểm” và ba đập thật nhanh nghĩa là “cố hết sức mà
chạy”.
Một lần khác, khi trời đẹp, Rách bắt đầu học một bài mới.
Thỏ mẹ Môli dùng tín hiệu đập chân bảo “đến đây”. Rách chạy đến chỗ mà chú cho
rằng có mẹ, song chẳng tìm thấy mẹ chú đâu. Chú dùng chân đánh tín hiện song
không thấy trả lời. Chú tìm và phát hiện thấy mùi chân của mẹ. Chú lần theo vệt
đi lạ lùng của mùi ấy, thứ vệt đi mà loài thú biết rất rõ mà con người thì
không biết chút nào và tìm thấy mẹ trong đám dã tường vi. Đó là bài học đầu
tiên mà chú học về cách lần theo vệt đi. Thỏ mẹ dạy chú tất cả các dấu chân để
phân biệt các loại kẻ thù và cách trốn kẻ thù. Diều hâu, cú mèo, cáo chó, mèo
và các loại thú khác, tất cả thảy đều tìm kiếm và theo dõi con mồi của mình
bằng những cách khác nhau. Môli dạy chú cách chiến đấu và cách chạy trốn đối
với mỗi loài kẻ thù trong bọn chúng. Tuy nhiên, chú luôn luôn nhớ rằng bụi cây
dã tường vi là nơi tốt nhất để chú ẩn mình khi phải chạy trốn kẻ thù.
Mẹ chú còn dạy cho chú biết kẻ thù tiến đến như thế nào. Chú
học để biết trước hết phải dựa vào bản thân mình, sau đó đến mẹ và rồi đến cà
cưỡng xanh. Thỏ mẹ nói: “Cà cưỡng là một tên trộm và một tay gây hiềm khích
song y không thể làm hại được chúng ta vì chúng ta có bụi dã tường vi, và kẻ
thù của y cũng là kẻ thù của chúng ta. Vì vậy hãy chú ý đến lời báo động của y.
Y hay nói dối, song khi y loan tin xấu thì con có thể tin y”.
Bức rào kẽm gai là vật thứ hai mà chú bắt đầu nghiên cứu.
Thỏ mẹ Môli nói: “Những người làm cái hàng rào này quả đã lập một kỳ công. Khi
có người săn đuổi con và đàn chó của y tìm cách tóm con thì con chỉ cần chạy
cách chúng một bước nhảy. Rồi con dẫn bọn chúng đâm thẳng vào hàng rào kẽm gai,
trong khi ấy con hãy ngoặt sang một bên và chạy trốn. Gã chó hay lão cáo đuổi
con sẽ đâm vào hàng rào gai mà bị toạc da hoặc bị giết chết ngay lập tức”.
Rách hiểu rằng khi dùng thuật “độn thổ” nghĩa là “ẩn mình
trong một cái lỗ trên mặt đất khi bị kẻ thù săn đuổi”. Thuật đó chỉ an toàn khi
kẻ săn đuổi là một con người, một con chó, con cáo hoặc con chim lớn, nhưng lại
có thể mất mạng nếu như kẻ đó là con chồn hôi hay cầy hương. Gần đầm lầy chỉ có
hai cái lỗ trên mặt đất. Một lỗ ở về phía nam đầm lầy nơi mặt trời chiếu sáng
chói lọi và vào những ngày đẹp trời loài thỏ thường tắm nắng ở đó. Còn lỗ kia ở
dưới đám rễ của một cây thông. Một hôm chủ nhân cái lỗ dưới gốc thông bị một
con chó giết chết và một giờ sau thỏ mẹ đuôi bông Môli chuyển vào lỗ ấy. Nhưng
Môli không lưu lại đó. Thỏ mẹ và chú Rách không đến gần những lỗ ấy vì không
muốn để lại dấu vệt đi mà kẻ thù có thể theo dõi. Chỉ khi nào thật hiểm nghèo
hai mẹ con mới vào đấy. Còn có một lỗ nữa trong thân một cây cổ thụ. Lỗ này
hổng cả hai đầu nên mẹ con chú có thể vào đầu này, ra đầu kia. Lão cầy hương
sống ở lỗ đó đã bị giết vào một đêm tối trời khi lão tìm cách lấy trộm một con
gà. Vì vậy Môli và Rách lại có thêm một chỗ để trú ẩn khi gặp nguy hiểm.
* * *
Hôm ấy là một ngày tháng tám đẹp trời. Mặt trời chiếu sáng
trên mặt nước bẩn thỉu ở đầm lầy. Một chú sẻ non đậu trên lùm cây gần đầm lầy
và kêu chiêm chiếp. Cặp mắt của chú chim nhỏ ấy không thấy được vẻ đẹp của
phong cảnh song chú lại nhìn thấy cái mà có lẽ chúng ta không thấy: hai khối gồ
lên phía dưới mấy chiếc lá to trên mặt đất là hai sinh vật có lông mao và mũi
chúng đang thở phập phồng.
Đó là Môli và Rách, hai mẹ con đến đây để nghỉ ngơi yên
tĩnh. Song chúng không ở đây lâu vì bỗng nghe tiếng bác cà cưỡng già lên tiếng
báo động. Môli nhìn quanh và kìa, phía bên kia đầm lầy là con chó trắng lang
đen của ông Âuliphân.
“Nghe này”, Môli nói, “con hãy nằm im trong khi mẹ đi gặp gã
điên kia”. Rồi thỏ mẹ băng mình ngang qua con đường chó chạy. “Gâu, gâu, gâu”,
con chó sủa vang. Song Môli chỉ chạy cách mõm chó một quãng ngắn và dẫn hắn lao
thẳng vào bụi dã tường vi, ở đó hàng triệu mũi dao găm đâm toạc người hắn. Khi
con chó ra khỏi bụi cây, Môli lại chạy vụt đi và con chó lao theo. Lần này thỏ
mẹ dẫn hắn tới bức rào kẽm gai. Con chó gào lên vì đau đớn và chạy về nhà. Khi
quay về chỗ cũ, thấy Rách kiễng hai chân sau lên cố nhìn trò đùa vừa qua Môli
tức giận đến nỗi dùng chân sau giáng cho chú một cái đá khiến chú ngã lăn vào
đống bùn.
Một hôm khi hai mẹ con đang ăn loại cỏ thơm lá tròn trong
một thửa ruộng gần đó thì một gã diều hâu sà xuống tìm cách bắt. Môli và Rách
chạy dọc theo một lối mòn quen thuộc và nấp vào một bụi dã tường vi nên gã diều
hâu không đuổi theo được. Dọc lối mòn này có mấy cây leo mọc. Môli một mặt để
mắt đến gã diều hâu đồng thời lập tức cắn đứt vài cây leo. Rách quan sát mẹ rồi
chạy vọt lên và cắn đứt thêm vài dây leo nữa mọc ngang đường.
“Đúng đấy”, Môli nói, “bao giờ cũng phải giữ cho đường
quang. Con sẽ luôn luôn cần đến đường. Không cần rộng nhưng phải quang. Song
nếu cứ thấy cái gì giống cây leo là con cắn thì có ngày con sẽ bị sa vào bẫy
đấy”.
“Cái gì hả mẹ?”, Rách vừa hỏi vừa lấy bàn chân trái gãi gãi
tai phải.
“Cái bẫy”, Môli nói, “là một vật nom giống như dây leo song
nó không mọc được. Mà nó còn tệ hại hơn tất cả bọn diều hâu trên đời”.
“Con không tin rằng nó có thể bắt được con”. Rách vừa trả
lời vừa nhổm hai chân sau và hếch cái cằm lên cọ vào một thân cây nhẵn nhụi.
Khi một chú thỏ hành động như vậy có nghĩa là chú không còn là một đứa trẻ nít
nữa. Mẹ chú quan sát chú và cũng hiểu điều đó.
* * *
Trong dòng nước chảy có chứa đựng phép màu. Ai là người
chẳng biết hoặc chẳng cảm thấy điều đó. Người du khách bị khát trên sa mạc
không chịu uống gì nhưng khi thấy một dòng nước chảy tươi mát thì anh ta uống
thỏa thuê.
Trong dòng nước chảy có chứa đựng phép màu. Một dã thú chốn
sơn lâm đang chạy trốn kẻ thù. Nó biết thuật gì thì đã trổ ra hết. Nó cảm thấy
cái chết đến gần. Bỗng thấy một dòng nước chảy và nó lao mình xuống nước, thế
là an toàn.
Trong dòng nước chảy có chứa đựng phép màu. Đàn chó chạy đến
chỗ một con vật nhỏ bé đã biến mất cách đó một phút. Con vật ẩn mình đâu đó
trong dòng nước và đàn chó không còn thấy vệt đi của nó bởi vì dòng chảy không
để lại dấu vết.
Và đó là một trong những bí quyết quan trọng mà Rách tai học
được từ mẹ: “Sau dã tường vi, còn có Nước là bạn của con”.
Vào một đêm tháng tám nóng nực, Môli dẫn Rách qua rừng. Chú
theo núm bông tròn trắng ở đuôi mẹ khi mẹ chú chạy phía trước. Thỏ mẹ dừng lại
ở mép đầm lầy. Giữa ao nước có một khúc gỗ trên đó một chú ếch béo đang ngồi
hát. “Hãy theo mẹ”. Môli nói, và “phlốp” thỏ mẹ lao xuống nước bơi đến khúc gỗ
giữa ao. Rách lưỡng lự đôi chút rồi chú cũng nhảy theo mẹ và cảm thấy rất tự
hào. Từ đó trở đi, vào những đêm ấm áp khi hai mẹ con nghe tiếng lão cáo già
gần đầm lầy là Môli lại lắng nghe bài hát của ếch, đại khái nghĩa là: “Lại đây,
lại đây nếu như các bạn bị nguy hiểm, lại đây!”. Và lúc nào thỏ mẹ cũng sẵn
sàng cùng với Rách chạy ra ao.
Thực tế này quả thật là điều quí nhất mà Rách học được ở mẹ
chú.
* * *
Chẳng có dã thú nào chết vì già. Hoặc sớm hoặc muộn, cuộc
đời của nó đều kết thúc một cách bi đát. Chẳng qua chỉ là vấn đề nó trốn tránh
kẻ thù được bao lâu hoặc phải mất bao lâu mới chiến thắng được kẻ thù. Loài thỏ
đuôi bông có nhiều kẻ thù khắp xung quanh. Hàng ngày chúng phải chạy trốn bọn
chó, bọn cáo, mèo, rắn, diều hâu hoặc cú mèo và những con thú khác, những kẻ
luôn luôn sẵn sàng giết hại chúng. Chúng chịu muôn ngàn hiểm nghèo, ít nhất mỗi
ngày chúng phải chạy tháo thân một lần và hoặc nhờ bộ chân hoặc nhờ bộ óc mà
chúng sống sót.
Có lần, bác thợ săn cùng con chó của bác bắt sống được Rách.
Nhưng Rách đã may mắn trốn thoát được vào ngày hôm sau. Đã nhiều lần chú phải
lao mình xuống nước và bơi đi để trốn chạy một con mèo. Nhiều lần diều hâu và
cú mèo săn đuổi chú song đối với mỗi nguy hiểm chú lại có một thuật khác nhau
để đối phó và lần nào chú cũng thoát nạn. Càng lớn và càng khôn ngoan bao nhiêu
thì chú lại càng ít phải dùng đến bộ cẳng để chạy trốn kẻ thù mà dùng đến bộ óc
nhiều hơn.
Lúc ấy có một con chó đang tơ tên là Rêngiơ. Chủ nhân của
con chó này đã dẫn nó đến vệt đi của loài thỏ đuôi bông để huấn luyện cách dò
đường. Rách thích mạo hiểm đôi chút. Khi thấy con chó, chú bảo mẹ: “Ôi, mẹ ơi,
con chó lại đến. Hôm nay con phải giỡn với nó một lúc”.
“Con bạo phổi quá đấy, Rách ạ”. Thỏ mẹ trả lời.
“Nhưng mẹ ạ, chính giỡn như vậy lại khiến con chó phải chạy
và có ích cho việc luyện tập của con. Nếu bị lâm nguy con sẽ đánh tín hiệu và
khi ấy mẹ sẽ đến giúp con”.
Rồi chú chạy vụt đi và con chó đuổi theo. Bao giờ chú cũng
thoát khỏi con chó bằng một thủ thuật khôn ngoan nào đó, hoặc chú đánh tín hiệu
cho mẹ và mẹ chú lập tức đến ngay. Theo cách ấy chú học được tất cả các thủ
thuật của rừng. Tỷ dụ như, chú biết là mùi của chú đậm hơn nhiều khi chú ở gần
mặt đất hoặc khi chú cảm thấy nóng nực. Nếu như chú rời khỏi mặt đất nửa giờ
thì ở vệt đi mùi của chú sẽ giảm đi. Vì vậy khi đã mệt mỏi vì cuộc săn đuổi và
con chó Rêngiơ đang ở phía sau thì chú chạy vào bụi dã tường vi là nơi con chó
không thể theo vào được. Rồi chú rời khỏi bụi dã tường vi để chạy thẳng vào
rừng. Ở đó chú bắt đầu chạy chữ chi và để lại vệt đi khúc khuỷu đến nỗi cuối
cùng khi con chó tìm được vệt đi cũng chẳng biết chạy hướng nào. Rồi chú lại
nhảy vọt sang một bên và tiếp tục chạy cho đến khi gặp một khúc gỗ cao. Chú
chạy đến một đầu khúc gỗ và “ngưng tụ”.
Rêngiơ mất nhiều thời gian sục sạo trong đám dã tường vi và
khi nó tìm thấy vệt đi thì mùi thỏ đã nhạt rồi. Một lần con chó chạy qua phía
dưới thân cây mà thỏ ngồi im thin thít và “ngưng tụ”. Rồi Rêngiơ lại đến ngửi
ngửi thân cây song không nhìn thấy thỏ và bỏ đi. Thế là hôm ấy Rách lập được
một chiến công.
* * *
Ngoài mẹ ra chú Rách không biết một con thỏ nào khác. Thậm
chí chú không nghĩ rằng còn có thỏ khác nữa. Thời gian ấy chú ngày càng xa mẹ
nhiều hơn song chú chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn. Vào một ngày tháng chạp chú
nhìn thấy sau bụi rậm có một cái đầu và một đôi tai của một gã thỏ lạ. Gã nhìn
Rách một cách thân thiện và đi lại phía chú. Song Rách nổi giận vì kẻ mới đến
đang đứng trên con đường của chú, con đường dẫn đến đầm lầy của chú. Chú càng
giận dữ hơn khi kẻ lạ mắt dừng lại bên một thân cây mà chú vẫn dùng để cọ mình.
Lúc này Rách nhận thấy rằng con thỏ kia cao hơn chú nhiều. Lập tức chú thấy căm
ghét gã và chỉ muốn giết chết gã. Thế là chú 'nhảy ra một khoảnh đất rắn và lấy
chân đập chầm chậm “thăm, thăm, thăm”, theo tiếng loài thỏ có nghĩa là “cút
khỏi khu đầm của tao hoặc là phải đánh nhau với tao”. Gã thỏ lạ vểnh tai lên,
ngồi thẳng người trong khoảnh khắc, hạ hai chân trước xuống và đập tín hiệu trả
lời to hơn, mạnh hơn: “thăm, thăm, thăm”. Thế là hai chú thỏ tuyên chiến với
nhau.
Mỗi bên đều đứng thủ thế cẩn thận và đề phòng đối thủ tấn
công. Rồi chúng đi ngang qua mặt nhau để quan sát cho rõ hơn. Kẻ lạ mặt là một
gã thỏ lớn, nặng nề và chắc chắn có thể thắng bởi vì gã rất to và khỏe. Song gã
không có được nhiều mưu mẹo như Rách. Cuối cùng gã tấn công trước và Rách
nghênh chiến với thái độ cực kỳ tức giận.
Mỗi bên đều giáng một đòn bằng chân sau. Chú Rách khốn khổ
ngã nhào và chỉ nháy mắt chú đã cảm thấy răng gã thỏ lớn cắn vào cổ. Rách bị
mất một túm lông rồi mới đứng dậy được. Chú lao vào gã thỏ lạ và gã lại đánh
chú lộn nhào và cắn chú. Rách hiểu rằng chú yếu hơn kẻ địch. Và, tuy đã bị
thương, chú nhảy vọt lên và bỏ chạy. Gã thỏ lạ đuổi theo. Bộ giò của Rách rất
giỏi chạy trong khi gã kia vừa to lớn vừa nặng nề nên chẳng bao lâu gã phải bỏ
cuộc. Chú Rách tội nghiệp được an toàn song chú mệt mỏi và đau đớn vì những vết
thương. Từ hôm ấy Rách sống trong hãi hùng. Chú đã được huấn luyện tốt để chạy
trốn bọn chó, cú mèo và người, song khi bị một con thỏ khác đuổi thì chú chẳng
biết làm thế nào.
Thỏ mẹ Môli nhỏ bé cũng sống trong hãi hùng. Môli chẳng thể
giúp được Rách mà chỉ biết lẩn tránh. Song chẳng bao lâu gã thỏ lớn tìm được
Môli. Thỏ mẹ cố chạy trốn song không thể chạy nhanh như Rách và lần nào cũng bị
gã thỏ nọ bắt được. Gã không tìm cách giết Môli mà lại trêu ghẹo Môli. Song vì
căm ghét gã nên Môli tìm cách bỏ trốn do đó gã đâm ra tàn nhẫn với thỏ mẹ. Gã
đánh thỏ mẹ lộn nhào và ngoạm từng túm lông mềm trên thân mình Môli. Tình trạng
này tiếp tục hết ngày này sang ngày khác bởi vì thỏ mẹ đi đâu là gã theo đấy.
Tuy nhiên mục đích thật sự của gã là giết chú Rách.
Tình hình trở nên rất khốn quẫn đối với Rách. Chẳng có đầm
lầy nào cho chú đến và lúc nào chú cũng phải sẵn sàng chạy thục mạng. Hàng ngày
gã thỏ lạ to lớn nọ năm lần bảy lượt bò đến chỗ Rách nằm ngủ song lần nào Rách
cũng thức dậy kịp thời và trốn thoát. Song cnộc sống của chú thực là cơ cực! Gã
thỏ đực to lớn đánh đập cấu xé mẹ chú hàng ngày mà chú đành chịu bó tay bất
lực. Kẻ mới đến cứ đương nhiên coi tất cả các nơi trú ẩn của Rách như nhà của
gã, ăn thức ăn của Rách, sử dụng những lối mòn tốt nhất của Rách mà chú chẳng
làm gì được, chú căm ghét gã thỏ lớn hơn bất kỳ con cáo hoặc con chó nào.
Chẳng biết rồi chú sẽ ra sao. Chú mệt mỏi và biết rằng Môli
nhỏ bé chẳng còn nhiều sức lực. Thế mà gã thỏ lạ chẳng để cho mẹ con chú được
yên thân và tìm mọi cách để giết chú. Một hôm gã thậm chí còn làm một việc mà
tất cả loài thỏ đều coi là bất lương. Loài thỏ có thể căm ghét lẫn nhau song
tất cả những con thỏ tốt đều quên mối thù riêng khi có một kẻ thù chung xuất
hiện. Thế mà, khi thấy một con diều hâu lượn trên đầm lầy, gã lại nhiều lần tìm
cách xua Rách ra khỏi nơi ẩn nấp để diều hâu có thể giết hại chú. Một đôi lần
con diều hâu đã suýt tóm được Rách thì bụi dã tường vi lại cứu chú. Chỉ mãỉ đến
khi bản thân gã thỏ đực suýt sa vào vuốt diều hâu thì gã mới chịu bỏ cái trò
này. Rách chạy trốn, và lần này chú quyết định sẽ cùng với mẹ rời khỏi khu đầm
lầy vào tối hôm sau và đi tìm một nơi mới.
Lúc ấy Rách nghe tiếng chó sủa gần đầm lầy và lập tức chú
quyết định chơi một trò mạo hiểm. Chú chạy vụt ra trước mặt chó. Con chó lập
tức lao theo chú. Chú chạy quanh đầm lầy ba vòng cho đến khi Rách chắc chắn
rằng mẹ chú đã an toàn và kẻ thù mà chú căm ghét nhất - gã thỏ đực to lớn -
đang ở trong hang. Rồi chú chạy tọt vào hang đó, nhảy vọt qua gã thỏ nọ và nện
cho gã một cú đá chân sau.
“Mày điên à, tao giết mày bây giờ”, gã thỏ đực thét lên và
nhảy ra ngoài hang, Song lúc này gã chạy giữa Rách và con chó. Con chó lao vào
gã và sủa giận dữ. Trọng lượng và kích thước của gã thỏ đực thuận lợi trong
những cuộc chiến đấu với loài thỏ song lúc này những cái đó thật vô tích sự. Gã
không biết nhiều xảo thuật. “Độn thổ” không dùng được vì gã chẳng biết những
cái lỗ kia ở đâu. Bụi dã tường vi cố gắng hết sức. Những cái gai xé toạc da con
chó song con chó không dừng lại mà vẫn đuổi theo gã thỏ đực. Rồi hai mẹ con
nghe những tiếng kêu la khủng khiếp. Rách và Môli hiểu ý nghĩa của những tiếng
la đó và rùng mình. Song chẳng bao lâu tất cả đều qua đi và Rách cảm thấy sung
sướng vì chú lại là chủ nhân của khu đầm lầy thân yêu ngày xưa.
* * *
Ông già Âuliphân rõ ràng có quyền đốt trụi tất cả những bụi
rậm trong khu vực đầm lầy và ông có quyền thủ tiêu bức rào kẽm gai cũ kỹ. Đó là
điều rủi đối và Rách và mẹ chú. Bức rào kẽm gai bảo vệ chúng khi chúng lâm
nguy. Chúng cảm thấy mỗi bộ phân của đầm lầy đều là của chúng, và thậm chí mảnh
đất của ông Âuliphân cũng là của chúng. Cái quyền làm chủ đầm lầy, quyền chiếm
lâu dài cũng giống như cái quyền mà nhiều dân tộc đã tuyên bố về đất nước của
họ. Khó mà có thể tìm thấy một quyền chính đáng hơn!
Suốt tháng giêng ông Âuliphân và anh con trai hạ một số cây
to gần đầm. Và vì vậy vương quốc của gia đình thỏ đuôi bông bị thu hẹp khắp bốn
phía. Song chú Rách và mẹ chú vẫn ở lại khu đầm bởi vì đó là nhà của hai mẹ con
chú và chúng không muốn đến một nơi ở mới. Cuộc sống hàng ngày của chúng đầy
những nỗi hiểm nghèo lại tiếp tục như xưa.
Một hôm trời rất sáng và ấm áp. Môli cảm thấy hơi đau trong
cẳng chân nên vào trong đám bụi rậm tìm lá thuốc trị bệnh thấp khớp. Rách ngồi
tắm nắng trên bờ đầm lầy. Làn khói tuôn ra từ ống khói nhà ông Âuliphân nom
giống như một đám mây nâu nổi bật trên nền trời trong sáng. Những âm thanh từ
phía ngôi nhà đưa lại và mùi thức ăn hòa trong khói cho Rách biết rằng bầy gia
súc đang ăn bữa bắp cải buổi chiều trong sân. Rách rất thích ăn bắp cải. Tất
nhiên chú có thể đến đó để nhặt vài miếng. Song vì là một chú thỏ tinh khôn nên
chú đã hành động khôn ngoan. Chú bỏ đi đến một nơi không thể ngửi thấy mùi bắp
cải và ăn bữa tối bằng món cỏ khô mà chú thấy trên mặt đất.
Mặt trời lặn và trời bắt đầu tối. Khi Môli đến chỗ chú, hai
mẹ con chuẩn bị đi nghỉ. Nhưng gió nổi lên và trời mỗi lúc một lạnh hơn.
“Trời rét kinh khủng! Uớc gì chúng ta có những bụi rậm để
chui vào cho ấm áp”. Rách nói.
“Đêm nay mà ngủ trong cái lỗ trên cây thông thì tốt”. Môli
trả lời, “nhưng có lẽ cái gã chồn hôm qua đuổi chúng ta đang ở đó”.
Quả thực là lúc ấy gã chồn đang ở trong cái hốc trên một cây
gần đó. Thế là hai con thỏ đuôi bông đến bờ phía nam đầm lầy và vào một bụi rậm
để ngủ qua đêm, mỗi con hướng mũi về một phía khác để có thể chạy theo hai
hướng nếu có kẻ thù xuất hiện. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, trời ngày càng lạnh
và tuyết bắt đầu rơi. Thật là một đêm không thuận lợi cho việc săn mồi, thế mà
gã cáo già nọ vẫn ra khỏi tổ. Gã đến đầm lầy để tránh bị gió thổi và ở đó đánh
hơi thấy hai mẹ con thỏ đuôi bông lúc ấy đang ngủ. Gã dừng bước một lát rồi bò
rất khẽ vả cẩn thận đến chỗ mà mũi của gã đánh hơi thấy mẹ con thỏ đuôi bông
đang nằm. Gió thổi mạnh nên mãi khi gã cáo đến rất gần Môli mới biết. Thỏ mẹ
lay Rách dậy đúng vào lúc gã cáo nhảy chồm tới hai mẹ con. Song Rách và mẹ chú
trong khi ngủ bao giờ chân cũng chuẩn bị sẵn để nhảy. Môli nhảy sang một phía
và lao vào cơn bão, gã cáo đuổi theo sau. Rách chạy vụt theo một hướng khác.
Môli chỉ còn một con đường, đó là chạy ra cái ao. Thỏ mẹ chạy hết sức nhanh cho
tới khi đến bờ ao. Gã cáo ở ngay phía sau. Thỏ mẹ không thể quay lại được mà
phải chạy nữa.
Thỏ mẹ băng qua đám lau sậy và “tõm” một cái thỏ nhảy xuống
ao sâu. Lại “tõm” một cái nữa, gã cáo theo sát ngay thỏ mẹ.
Song như thế là đã quá sức đối với gã cáo trong đêm lạnh và
nước lạnh như vậy. Gã quay trở lại. Môli bắt đầu bơi sang bờ ao bên kia. Có một
trận gió to và những gợn sóng nhỏ lạnh như băng nhô lên trùm lấy đầu thỏ mẹ mà
nước thì đầy những tuyết lạnh. Bờ ao bên kia nom lờ mờ tưởng như rất xa, xa
tít. Mà biết đâu gã cáo đang chờ ở đó.
Ngược gió và ngược sóng nhưng thỏ mẹ vẫn cố hết sức bơi. Sau
một lúc lâu dầm mình trong nước lạnh, khi thỏ mẹ hầu như đã bơi tới đám lau sậy
phía bờ bên kia thì một đống tuyết lại trôi ngay ra cản lối. Gió và băng tuyết
làm thỏ mẹ kiệt sức và bị đẩy lùi xa bờ.
Thỏ mẹ lại cố sức bơi, song chậm chạp, ôi lúc này sao mà
chậm chạp. Và cuối cùng, khi đến được đám lau sậy ở bờ bên kia thì chân Môli
không cử động được nữa, chúng bị lạnh cóng. Và lúc này thỏ mẹ quá yếu. Trái tim
nhỏ bé và dũng cảm của Môli trĩu nặng và thỏ mẹ chẳng cần quan tâm xem gã cáo
có còn ở đó hay không. Thỏ mẹ tiếp tục bơi chầm chậm, rất chậm qua đám lau sậy.
Rồi bỗng tuyết đóng thành băng khắp xung quanh khiến thỏ mẹ phải dừng hẳn lại. Chỉ
trong khoảnh khắc, bộ chân lạnh cóng và yếu ớt của Môli không cử động được nữa
và cặp mắt nâu dịu dàng của thỏ mẹ đuôi bông nhỏ bé nhắm lại đón nhận cái chết.
Suốt thời gian ấy Rách ở đâu? Sau đợt tấn công đầu tiên của
gã cáo, chú chạy trở lại để giúp đỡ mẹ và gặp gã cáo đang đi quanh bờ ao tìm
kiếm Môli. Khi thấy Rách, gã cáo liền vụt đuổi theo chú. Song Rách chạy tạt
sang phía bờ rào kẽm gai và để mặc gã cáo ở đó giãy giụa, kêu gào vì đau đớn.
Rồi Rách trở lại ao, chú tìm thấy vệt đi của mẹ ở gần đấy và đánh tín hiệu song
chẳng thấy trả lời. Chú không tìm được mẹ. Chú không bao giờ gặp lại mẹ nữa và
cũng chẳng biết mẹ đã đi đâu bởi vì mẹ chú chẳng bao giờ tỉnh dậy trong vòng
tay lạnh giá của người bạn mình là nước.
Tội nghiệp thay thỏ mẹ đuôi bông Môli nhỏ bé!
Môli đã là một người anh hùng chân chính, một trong biết bao
nhiêu triệu anh hùng đã sống với những cố gắng cao nhất trong thế giới nhỏ bé
của mình và đã chết. Song lòng dũng cảm của Môli không bao giờ chết. Môli còn
sống trong Rách, đứa con trai của mình, và qua đứa con ấy, thỏ mẹ truyền lại
lòng can đảm và trí tuệ của mình cho đồng loại.
Còn Rách vẫn sống ở khu đầm lầy. Ông già Âuliphân đã chết
mùa đông năm ấy. Các con trai ông chẳng quan tâm đến đầm lầy. Họ không hoàn
thành công việc còn dở dang. Một năm sau khu vực ấy trở thành một nơi hoang dại
hơn bao giờ hết. Nhiều cây và bụi rậm mới mọc lên, và trong những đám rào kẽm
gai có bao nhiêu là lâu đài của thỏ đuôi bông mà bọn chó và cầy cáo không dám
tấn công. Và mãi cho đến bây giờ Rách vẫn sống. Chú là một chàng thỏ đực to
lớn, lực lưỡng và chẳng biết sợ điều gì. Chú có một gia đình đông đúc và một cô
vợ thỏ nâu xinh xắn mà tôi cũng không biết là chú kiếm được ở đâu. Ở đó chắc
chắn chú và nhiều đời con cháu của chú sẽ sống biết bao năm tháng. Và ở đó bạn
có thể nhìn thấy chúng vào bất kỳ buổi chiều nào trời nóng nếu như bạn học được
hệ thống tín hiệu của chúng và chỉ cần biết cách đánh tín hiệu lên mặt đất vào
đúng lúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét