Ernest Thompson Seton
Dịch giả: Lê Thùy
Dương
1
Chúng tôi bước qua cái cửa bên vào trong tàu ngựa. Mùi cỏ
khô thơm dịu dàng át hẳn mùi thoang thoảng của các ngăn chuồng ngựa được giữ
gìn sạch sẽ. Chúng tôi leo thang lên một gian gác thượng dài. Phần phía nam của
gian gác được ngăn riêng ra, và những tiếng gù quen thuộc “gu-ù- ù, gu-ù-ù” xen
lẫn tiếng vỗ cánh “xè-è, xè-è” mách cho chúng tôi biết là mình đang đứng trước
một chuồng chim bồ câu.
Ở chuồng chim này có nuôi những con chim bồ câu nổi tiếng và
chính ngày hôm nay sẽ có cuộc thi tài giữa khoảng năm chục con bồ câu trẻ.
Người chủ chim đã mời tôi tham gia chấm thi trong cuộc đua tài này.
Cuộc đua này thực chất là một cuộc thử thách lũ chim non. Đã
hai lần chúng được mang cùng với chim bồ câu mẹ ra ngoài cánh đồng và thả cho
bay tự do để học cách quay trở về chuồng nuôi. Bây giờ là lần đầu tiên chúng
được thả cho bay độc lập không có chim bố mẹ bay kèm. Người ta đã quyết định
đem thả chúng tại thị trấn Elizabeth đối với lũ chim non thì khoảng cách như
thế đã là khá lớn.
- Vấn đề là chúng ta sẽ loại được những con chim ngờ nghệch.
- người huấn luyện chim giải thích. - Chỉ những con chim tốt nhất mới quay trở
về được, và chúng ta cũng cần có chính những con chim như thế.
Các chủ chim và những người láng giềng thích chơi chim đánh
cá với nhau về những con chim khác nhau. Họ thỏa thuận về những giải thưởng cho
những con thắng cuộc. Tôi là người giám khảo sẽ phải quyết định xem con chim
nào thắng. Con thắng cuộc sẽ không phải là con bồ câu quay trở về đầu tiên mà
phải là con bồ câu chui vào chuồng đầu tiên, bởi vì con bồ câu chỉ trở về khu
vực đặt chuồng mà không chui vào chuồng ngay thì sẽ là con chim đưa thư tồi.
Con bồ câu nào luôn luôn quay trở về nhà được không kể thả
tại chỗ nào thì gọi là con bồ câu quy hồi. Những con bồ câu này không có màu
lông khác biệt và không có những vệt trang trí kì quặc như những con chim nuôi
làm cảnh. Người ta nhân giống những con chim này không phải để trưng bày mà bởi
vì chúng bay nhanh và thông minh. Với chúng đòi hỏi phải có sự gắn bó với nơi
quê hương và năng lực tìm ra nơi đó không chút lầm lẫn. Bây giờ thì người ta
cho rằng cơ quan cảm giác phương hướng là đường rối trong tai. Ở trên đời này
chẳng có một sinh vật nào có cảm giác phương hướng tinh tế hơn con bồ câu quy
hồi tốt. Bao giờ cũng có thể nhận ra, thứ chim này căn cứ vào những cái mấu lớn
ở phía trên tai chim và đôi cánh khỏe của chúng.
Thế là đã đến lúc thử thách năng lực của lũ chim bồ câu non.
Mặc dầu có nhiều người làm chứng nhưng tôi cho rằng cách làm
đáng tin cậy hơn phải là đóng tất cả các cửa chuồng chim lại chỉ để chừa ra một
cửa thôi, và ngay sau khi con bồ câu thứ nhất bay về chuồng thì phải kịp thời
đóng nốt cái cửa chuồng đó lại.
Tôi không bao giờ quên được những điều đã trải qua cái ngày
hôm đó. Người ta đã báo trước cho tôi biết là sẽ thả chim vào lúc mười hai giờ.
Khoảng một giờ rưỡi chúng sẽ về tới đây nhưng phải cảnh giác bởi vì chúng bay
tới như cơn bão lốc. Chỉ vừa mới nhận ra chúng là chúng đã bay lọt vào chuồng
chim rồi.
Chúng tôi đứng gác ở gần tường bên trong chuồng chim, và
người nào cũng dán mắt vào khe hở hoặc qua cánh cửa khép hờ đăm đăm nhìn về
hướng tây nam.
Đột nhiên có ai đó kêu to:
- Xem kìa, chúng nó kia kìa?
Một đám mây trắng bay là là phía trên các mái nhà thành phố,
bay vòng qua ống khói nhà máy và không đến hai giây sau lũ chim đã tới nơi. Đám
mây trắng nhỏ hiện ra cùng với tiếng vỗ cánh, mọi việc xảy ra đột ngột, nhanh
như chớp đến nỗi dù tôi đã chuẩn bị sẵn sàng thế mà vẫn bị bất ngờ. Chỗ tôi
đứng chỉ có một cánh cửa chuồng duy nhất mở. Một mũi tên xanh lao vút ngang qua
tôi, cánh chim vỗ mát rượi mặt tôi và tôi vừa kịp đóng sập cửa chuồng chim là
đã nghe có tiếng reo hò:
- Arnaux! Arnaux! Tôi đã nói với anh là nó sẽ thắng mà! Ôi,
con chim đáng yêu của ta! Cả thảy mới có ba tháng mà chiếm giải rồi! Niềm vui
của ta ơi.
Và người chủ của con Arnaux nhảy cẫng lên vì vui sướng trước
thành tích của con chim nhiều hơn là vì tiền thưởng.
Tất cả mọi người đều ngồi chồm hỗm xung quanh con chim bồ
câu chiêm ngưỡng kẻ chiến thắng với vẻ tôn sùng trong lúc con này uống no nước
đã rồi mới quay sang chỗ đựng thức ăn.
- Xem những con mắt kia, đôi cánh kìa! Mà các vị đã có khi
nào được thấy một bộ ngực như thế kia chưa? Ôi chàng chim non, tuyệt lắm! -
Người chủ của con Arnaux ba hoa với những chủ chim khác đứng ngậm tăm vì thất
bại.
Đó là chiến công đầu tiên của con Arnaux. Nó là con bồ câu
tốt nhất trong số năm chục con bồ câu xuất sắc và một danh phận chói ngời đã
hứa hẹn sẽ đến với nó.
Nó được nhận một cái vòng bạc tặng cho những con bồ câu tốt
nhất. Trên vòng nổi bật số hiệu của nó: 2590C, con số mà mãi tận bây giờ những
người chơi chim còn thường nhắc đến một cách thán phục.
Cả thảy chỉ có bốn mươi con bồ câu bay trở về chuồng. Hầu
như bao giờ cũng thế cả. Một số con mệt mỏi và rớt lại, một số khác lạc đường
vì ngờ nghệch. Những người chủ chim dùng cách lựa chọn đơn giản này để hoàn
thiện nòi chim. Trong số mười con có năm con lạc mất tăm, còn năm con nữa quay
trở về muộn hơn trong cùng ngày hôm đó nhưng đi thành tốp chứ không về riêng
rẽ. Con về cuối cùng trong số này là một con bồ câu xám to lớn, vụng về. Người
trông coi chuồng chim nhận ra nó và nói:
- Nó đấy, chính con bồ câu xám đần độn mà lão Jakey đánh cá
đây. Tôi không nghĩ rằng nó sẽ trở về. Nó có cái diều quá to.
Con Xám to lớn cũng còn được gọi là con Góc bởi vì nó ra đời
ở một góc chuồng, ngay từ ngày đầu đã nổi bật ở chỗ có sức khỏe đặc biệt. Mặc
dầu tất cả lũ bồ câu đều gần như thuộc cùng một lứa nhưng nó đã lớn vượt tất cả
anh em nó và đẹp đẽ hơn tất cả. Nhưng những người hiểu biết thì không coi trọng
vẻ đẹp của bồ câu. Con Xám rõ ràng là lấy làm tự hào về vẻ duyên dáng của mình
và lúc còn trẻ nó thường thích bắt nạt những con yếu hơn. Chủ nuôi nó đã đoán
trước được là nó sẽ có một tương lai rực rỡ nhưng anh chàng chăn ngựa Bil1y
không tín nhiệm cái cổ dài, cái diều lớn, cái tính nết vụng về và trọng lượng
quá cỡ của nó.
- Chẳng lẽ con chim có thể bay tốt với cái diều như thế ở cổ
hay sao? Cả những cái chân dài cũng chỉ tăng thêm trọng lượng thôi chứ ích gì.
- Billy cứ làu bàu một cách khinh thị mỗi buổi sáng dọn dẹp chuồng chim.
2
Sau cuộc bay đầu tiên việc huấn luyện được tiến hành một
cách hệ thống. Mỗi ngày khoảng cách lại được tăng thêm từ hai mươi nhăm đến ba
mươi dặm và hướng bay cũng được thay đổi cho đến khi bầy chim quen thuộc khắp
vùng xung quanh New York trên bán kính một trăm năm mươi dặm. Từ năm chục con
chỉ còn lại tất cả hai chục con, bởi vì việc lựa chọn nghiêm ngặt đã gạt bỏ cả
những con yếu và không có năng lực lẫn những con ngẫu nhiên ốm hay gặp rủi ro,
hoặc những con ăn quá no trước khi đua.
Trong chuồng chim có nhiều con bồ câu đẹp, ngực nở, mắt sáng
và cánh dài, chúng được sáng tạo ra để phục vụ con người trong những giờ phút
nghiêm trọng. Màu lông chủ yếu của chúng là trắng, xám và nâu. Chúng không có
một màu lông nhất định nhưng con nào trong số được lựa chọn cũng đều có cặp mắt
sáng và những cái mấu ở phía trên tai của nòi bồ câu quy hồi thượng hạng. Và
con bồ câu tốt nhất trong số chúng cũng là con Arnaux bé nhỏ hầu như luôn luôn
bay về đầu. Khi đậu ở chuồng thì nó chẳng khác gì mấy so với các con khác bởi
vì bây giờ tất cả đám bồ câu đều đã được lắp vòng bạc. Nhưng ở trong không
trung thì người ta nhận ra nó ngay. Vừa mở cửa lồng một cái là Arnaux đã bay ra
trước tiên, bốc lên đến độ cao cần thiết rồi đoán trúng ngay đường về nhà và cứ
thế lao thẳng về không chút lầm lẫn, chẳng bao giờ dừng lại ăn uống hay chơi
bời.
Mặc dầu gã Bil1y đã có những lời tiên đoán đen tối nhưng con
Xám lớn ra đời ở nơi góc chuồng vẫn là một trong số hai chục con được chọn. Nó
thường về chậm và chưa bao giờ là con bồ câu về đầu tiên. Lại còn có lần sau
khi đã về sau những con khác tới vài giờ đồng hồ mà nó vẫn tỏ ra không đói khát:
tức là có những dấu hiệu rõ rệt chứng tỏ nó đã nghỉ lại kiếm ăn dọc đường.
Nhưng lần nào nó cũng quay trở về, và cũng như các con bồ câu khác, ở cẳng chân
nó có gắn một cái vòng bạc mang số. Gã Bil1y khinh thị con Xám nhưng người chủ
nuôi chim nói:
- Phải có thời gian chứ. Con nào chóng trưởng thành thì con
đó cũng chóng tàn lụi. Tôi luôn luôn để ý thấy con chim tốt biểu lộ mình ra
chậm hơn những con khác.
Phải mất thêm một năm nữa Arnaux mới đạt được kỉ lục vinh
quang. Khó nhất là bay trên mặt biển, nơi không thể nhận ra đường dựa vào những
cái mốc nào đó. Tình huống còn xấu hơn nữa nếu phải bay trong sương mù, khi
thậm chí mặt trời cũng chẳng trông thấy nữa. Nhưng những lúc cả trí nhớ, thính
giác lẫn thị giác đều bất lực thì ở bồ câu vẫn còn cảm giác phương hướng. Chỉ
có sự sợ hãi mới có thể diệt mất cảm giác đó mà thôi. Chính vì thế mà ở giữa
đôi cánh khỏe mới cần thiết phải có một trái tim dũng cảm.
Arnaux cùng với hai con chim khác được gửi đi trên một chiếc
tàu biển vượt đại dương, sang châu Âu. Người ta dự định khi tàu đến giữa biển
khơi thì thả chim, nhưng sương mù dày đặc đột ngột đến đã làm phá sản kế hoạch.
Con tàu đã mang lũ chim đi xa hơn. Người ta sẽ chuyển chim trở về khi nào gặp
con tàu đầu tiên chạy trở về bến. Sau mười tiếng đồng hồ chạy trên biển, máy
của tàu bỗng hỏng, sương mù dày đặc thêm và con tàu dường như trở thành một thứ
đồ chơi bất lực của gió và sóng nước. Điều duy nhất có thể làm được là kéo còi
báo tín hiệu bất an. Nhưng kéo còi cũng chẳng giúp được gì cả. Lúc ấy người ta
sực nhớ đến những con bồ câu. Con Starback mang số 2592C được chọn. Người ta
viết thư vào một tờ giấy không thấm nước, cuộn tròn lại và buộc vào phía dưới
lông đuôi chim. Starback cất cánh bay lên và biến mất. Nửa giờ sau đến lượt con
Xám lớn ra đời nơi góc chuồng, mang số 2600C. Nó cũng cất cánh bay lên nhưng
gần như quay trở lại ngay lập tức vì sợ. Chẳng có cách nào bắt nó rời khỏi con
tàu được cả. Nó sợ hãi đến mức để cho người ta bắt nó dễ dàng và cứ nằm chúi ở
trong lồng.
Bây giờ đến lượt con thứ ba, một con bồ câu nhỏ bé chắc
nịch. Các thủy thủ không có khái niệm gì về nó cả nhưng nhận ra tên và số hiệu
nó trên vòng: Arnaux, 2590C. Đối với họ những điều ghi đó chẳng có nghĩa gì cả.
Nhưng người thủy thủ cầm nó trong tay thì có nhận xét rằng nhịp đập của trái
tim nó không dồn dập như con chim trước. Người ta tháo bức thư buộc vào chân
con Xám lớn để buộc sang cho nó bức thư viết như sau:
“10 giờ sáng ngày thứ
ba
Máy tàu hỏng ở cách
New York 210 dặm. Tàu trôi bất lực trong sương mù. Cho tàu kéo đến càng nhanh
càng tốt. cứ sau sáu mươi giây chúng tôi sẽ kéo một tiếng còi dài rồi đến một
tiếng còi ngắn.
Thuyền trưởng”
Bức thư được cuộn tròn lại, bọc kín bằng giấy không thấm
nước, đề gửi cho Hội tàu biển và buộc chặt vào phía dưới lông đuôi con bồ câu.
Con bồ câu vừa được thả ra đã cất cánh bay lượn một vòng
phía trên con tàu, rồi lượn tiếp một vòng nữa cao hơn, và lại một vòng thứ ba
cao hơn nữa cho đến khi khuất tầm mắt. Nó cứ bay lên cao mãi, cao mãi cho đến
khi không còn trông thấy con tàu nữa. Do đã mất hết khả năng sử dụng mọi giác
quan ngoại trừ cảm giác phương hướng nên nó hoàn toàn tin theo cảm giác đó. Cả
sự sợ hãi cũng không che mờ được cảm giác đó. Giống như chiếc kim la bàn nào
cũng trỏ hướng bắc, con chim Arnaux luôn luôn bay về đích của nó không chút dao
động, không chút nghi ngờ. Chỉ một phút sau khi được thả khỏi lồng nó đã bay
thẳng như một tia sáng về hướng cái chuồng chim nuôi nó lớn lên, nơi duy nhất
nó thấy dễ chịu.
Ngày hôm đó Billy trực tại chuồng chim. Đột nhiên anh ta
nghe thấy tiếng chim vỗ cánh dồn dập rồi một mũi tên xanh lao vụt xuống chuồng
và nhảy tới chỗ chậu nước uống. Con bồ câu đang uống lấy uống để từng ngụm nước
thì Billy đã nhận ra nó:
- Mày đấy ư, Arnaux, con chim xinh đẹp của ta?
Sau đó anh ta xem đồng hồ với vẻ thành thạo của người luyện
chim và ghi thời gian: 2 giờ 40 phút. Đúng lúc đó anh ta nhận ra sợi dây buộc ở
phía đuôi con chim. Billy đóng cửa chuồng chim lại và lấy một tấm lưới nhanh
chóng chụp lên đầu Arnaux. Một phút sau anh ta đã cầm trong tay bức thư và hai
phút nữa anh đã ba chân bốn cẳng đến văn phòng hội nhận một món tiền thưởng hậu
hĩ. Tại đấy anh ta được biết rằng con Arnaux đã bay qua hai trăm mười dặm trên
biển trong sương mù mất bốn giờ bốn mươi phút và không đầy một giờ sau một
chiếc tàu cấp cứu đã được phái đi cứu con tàu biển bất hạnh.
Hai trăm mười dặm trên biển trong sương mù bay hết bốn giờ
bốn mươi phút! Kỉ lục đó thật là vinh quang! Kỉ lục đó được ghi vào sổ thống kê
của câu lạc bộ bồ câu đúng như nó xứng đáng được ghi như thế. Người ta giữ con
Arnaux trong tay và viên thư kí hội tay đi găng da đã dùng thẻ mực không phai
ghi chiến công đó cũng như ngày lập chiến công đó vào một trong những cái lông
cánh trắng như tuyết của Arnaux.
Starback, con bồ câu thứ hai không thấy trở về. Chắc là nó
chết ngoài biển cả.
Con Xám ra đời ở nơi góc chuồng thì được chiếc tàu kéo mang
về.
3
Đó là chiến công đầu tiên của Arnaux, và chẳng bao lâu lại
đến những chiến công tiếp theo làm cho nơi chuồng chim trở thành nơi diễn xuất
nhiều màn mà Arnaux là kẻ thủ vai chính.
Một bữa có một chiếc xe ngựa lăn bánh đến chỗ tàu ngựa; rồi
một ông già tóc bạc bước ra khỏi xe, leo chiếc thang gác bụi bặm lên cái chuồng
chim và suốt buổi sáng ngồi đó với gã Billy, đăm đăm nhìn qua cặp kính gọng
vàng, hết vào đống giấy tờ lại lên phía trên nóc các ngôi nhà trong thành phố,
vẻ theo dõi và chờ đợi. Ông ta chờ đợi cái gì vậy? Chờ đợi tin tức từ một thị
trấn nhỏ nằm cách đây bốn mươi dặm, một tin tức quan trọng đối với ông ta, một
tin tức hoặc là sẽ cứu ông ta thoát nạn hoặc là sẽ giết chết ông ta, cái tin
tức mà ông ta cần nhận được nhanh chóng hơn so với tin mà điện báo có thể mang
đến bởi vì điện báo bị giữ lại ít nhất là một giờ đồng hồ trên mỗi tuyến đường.
Cái gì có thể đi nhanh hơn điện báo trong phạm vi bốn mươi dặm? Thời đó chỉ có
một phương tiện duy nhất là chim bồ câu đưa tin hạng nhất.
Tiền không thành vấn đề nếu như thắng lợi vẫn thuộc về ông
ta. Ông chủ ngân hàng già yêu cầu cử đi một con bồ câu tốt nhất dù phải trả giá
bao nhiêu cũng được. Người ta chọn Arnaux làm kẻ đưa tin, con chim đã có ghi
những chiến công không phai mờ trên đôi cánh.
Một giờ đã trôi qua, lại một giờ nữa và đã bắt đầu sang giờ
thứ ba thì một vệt sao băng xanh đã sa xuống chuồng chim kèm theo tiếng vỗ
cánh. Billy đóng cửa chuồng và bắt chim. Anh ta khéo léo gỡ sợi dây và đưa bức
thư cho ông chủ ngân hàng. Ông già mặt trắng bệch như mặt người chết mở bức thư
ra một cách khó nhọc và khuôn mặt ông như người vừa sống lại.
- Cảm tạ thượng đế! - ông ta lầm rầm.
Sau đó ông chủ ngân hàng hạnh phúc vội vã đến chỗ họp của
ban giám đốc sau khi biết mình vẫn thắng. Con chim nhỏ Arnaux đã cứu ông khỏi
chết. Ông chủ ngân hàng muốn mua con bồ câu vì nghĩ rằng ông ta chăm nom săn
sóc được vị cứu tinh của mình. Nhưng Billy đã trả lời:
- Làm như thế phỏng có ích gì? Ông không mua được trái tim
của con bồ câu quy hồi đâu. Ông chỉ có thể biến nó thành kẻ bị cầm tù, thế
thôi. Nhưng không có cái gì ở trên đời này có thể khiến nó quên cái chuồng
chim, nơi nó đã ra đời.
Như thế là Arnaux vẫn ở lại căn nhà số 211 đường phố Tây 1.
Nhưng ông chủ ngân hàng không quên nó.
Trong nước chúng ta không ít kẻ đê tiện coi con bồ câu đang
bay là một thứ mồi săn hợp pháp và giết chết con chim chỉ vì khó lòng buộc tội
được chúng. Không phải chỉ có một con chim đưa thư hào hiệp đang bay với tin
tức về cái sống hay về cái chết đã bị giết vì tay kẻ ác độc và biến thành nhân
bánh.
Con chim Arnolf, em của con Arnaux, từng đoạt ba kỉ lục vinh
quang đã bị giết trong khi mang thư mời gặp tới cho thầy thuốc. Nó rơi xuống
chân người bắn, và đôi cánh tuyệt đẹp của nó dang rộng ra để lộ bức thư. Người
đi săn trông thấy cái vòng bạc ở chân chim và cảm thấy lương tâm bị cắn rứt. Gã
gửi bức thư đi cho bác sĩ và mang con chim bị giết tới Câu lạc bộ bồ câu báo tin
rằng “đã nhặt được nó”. Người chủ chim vào nhà gặp gã, và gã thợ săn bối rối
buộc phải thú nhận rằng chính gã đã bắn con chim đưa thư, nhưng làm ra bộ là vì
người hàng xóm ốm đau của gã thèm ăn bánh nhân thịt chim bồ câu. Người chủ chim
phẫn nộ khóc ròng:
- Con chim bé nhỏ của tôi, con chim Arnolf xinh đẹp của tôi!
Nó đã hai chục lần mang đi những tin tức quan trọng, đã ba lần lập kỉ lục, đã
hai lần cứu sống mạng người, thế mà người ta đã giết chết nó để làm món nhân
bánh! Ta có thể truy tố ngươi trước pháp luật nhưng ta ghê tởm sự trả thù hèn
hạ đó. Ta chỉ yêu cầu người một điều: Nếu có khi nào còn một người hàng xóm của
ngươi ốm đau thèm ăn bánh nhân thịt chim bồ câu thì ngươi hãy đến đây, ta sẽ
cho không ngươi đủ chim cho cái tên súc sinh đó. Nhưng nếu như ngươi còn một
chút phẩm giá thì ngươi hãy chớ bao giờ còn giết chết và cũng đừng cho phép
người khác giết chết những sứ giả thanh cao và vô giá ấy nữa.
Việc này xảy ra vào thời gian người chủ ngân hàng thường tới
thăm chuồng chim và lòng ông đang hừng hực niềm biết ơn con chim bồ câu. Ông là
một người có thế lực và một trong những hệ quả của chiến công của Arnaux là một
đạo luật bảo vệ chim bồ câu đã được thông qua ở Albany.
4
Billy chưa bao giờ ưa thích con Xám ra đời ở góc chuồng chim
mang số hiệu 2600C cả. Mặc dầu con Xám có tên trong danh sách những con bồ câu
được đeo vòng bạc nhưng Billy vẫn tiếp tục tỏ thái độ khinh thị con chim đó.
Câu chuyện trên con tàu biển đã chứng tỏ nó là một con bồ câu hèn nhát. Ngoài
ra rõ ràng là nó còn hay gây chuyện ồn ào nữa.
Một buổi sáng Billy bắt gặp một đám đánh nhau ở chuồng chim.
Hai con chim bồ câu, một lớn và một bé quấn lấy nhau đánh lộn trên sàn nhà làm
bụi tung mù mịt. Billy gạt chúng ra và thấy con bé là Arnaux còn con lớn là con
Xám ra đời ở góc chuồng. Arnaux chiến đấu ngoan cường nhưng con Xám thắng thế
vì nó nặng gấp đôi con Arnaux.
Ngay lập tức người ta biết rõ nguyên nhân của vụ đánh lộn là
một con bồ câu mái bé nhỏ duyên dáng. Con Xám lớn từ lâu đã đem cái thô lỗ của
nó ra trêu ngươi Arnaux, nhưng con bồ câu mái bé nhỏ là nguyên cớ thúc đẩy cuối
cùng dẫn đến trận đánh nhau một sống một chết. Billy không có quyền vặn cổ con
Xám nhưng gã đã làm một việc có thể làm được vì con Arnaux thân thiết của mình.
Billy nhốt con Arnaux cùng với con bồ câu mái bé nhỏ vào một
ngăn chuồng riêng biệt trong hai tuần lễ, và để cho chắc ăn hơn gã cũng làm như
vậy với con Xám lớn bằng cách gán cho nó một con mái thích hợp.
Mọi việc đã diễn ra đúng như gã dự kiến. Con bồ câu mái bé
nhỏ thừa nhận Arnaux là người chủ trái tim của nó, còn con mái thích hợp kia
thì công nhận con Xám to lớn. Chúng đi xây tổ uyên ương và ai cũng tưởng là
chúng sẽ ăn đời ở kiếp với nhau tốt đẹp. Nhưng con Xám lớn là một con bồ câu
rất to lớn và đẹp trai. Nó khéo biết ưỡn diều ra phô cái vòng lông cổ óng ánh
dưới ánh mặt trời khiến cho không có con bồ câu mái nào đứng trước nó mà không
cầm lòng nổi.
Còn con Arnaux của chúng ta thì tuy có thể chất cương nghị
nhưng lại nhỏ con và không đẹp trai cho lắm. Chỉ có đôi mắt của nó là sáng long
lanh một cách khác thường. Ngoài ra nó thường phải rời chuồng chim đi làm những
công việc quan trọng, trong khi con Xám lớn lại chỉ có mỗi một công việc là vây
vo ở bên chuồng chim và khoe khoang đôi cánh thiếu những chữ ghi thành tích của
mình.
Các nhà văn thường thích đi tìm ở các loài vật, đặc biệt là
ở chim bồ câu nhưng ví dụ về tình yêu lứa đôi và về lòng chung thủy. Những đức
tính đó thực ra nói chung là đúng, nhưng than ôi! Cũng vẫn có ngoại lệ.
Vợ của Arnaux ngay từ đầu đã thán phục con Xám lớn, và rốt
cuộc một hôm khi chồng nó được mang đi làm công vụ thì đã xảy ra một sự kiện
khủng khiếp.
Khi từ Boston quay trở về Arnaux đã trông thấy gã Xám lớn
trong lúc vẫn chưa bỏ “vị phu nhân thích hợp” được cưới cheo hợp pháp cho nó
nơi góc chuồng thì lại chiếm đoạt cả vợ mình lẫn ngăn tổ của mình. Thế là một
trận chiến ác liệt đã nổ ra. Chứng kiến cuộc chiến đó chỉ có một mình con vợ
đứng xem một cách hoàn toàn thản nhiên. Arnaux lao vào đánh bằng đôi cánh thần
kì của mình, nhưng các dòng chữ ghi các kỉ lục không gia tăng thêm sự nhanh
nhẹn của đôi cánh. Mỏ và chân của nó nhỏ bé đúng như ở một con chim đưa thư tốt
và trái tim dũng cảm không thể thay thế được chỗ thiếu trọng lượng. Cuộc chiến
nhất định sẽ kết thúc bất lợi cho nó. Con vợ đậu thờ ơ ở tổ như chẳng có chuyện
gì xảy ra cả, và Arnaux có lẽ đã bị đánh chết nếu như Billy không đến kịp thời.
Gã tức giận đến nỗi suýt nữa thì vặn gãy cổ con Xám nếu như tên gây chuyện này
không kịp chạy trốn khỏi chuồng.
Billy âu yếm chăm sóc Arnaux trong mấy ngày liền. Sau một
tuần lễ con chim này đã hoàn toàn bình phục và qua mười ngày thì nó lại lên
đường. Hiển nhiên là nó đã tha thứ cho con vợ bội bạc bởi vì ả đã tiếp tục sống
yên ổn trong tổ. Trong tháng này nó đã lập được hai kỉ lục mới: nó mang một bức
thư đi xa mười dặm chỉ trong tám phút và bay từ Boston về New York trong bốn
giờ. Lúc nào tình yêu nơi chôn rau cắt rốn cũng cuốn hút nó quay trở lại.
Arnaux quay trở về lại gặp chuyện đau lòng bởi vì nó lại bắt
gặp con vợ chuyện trò thân thiết với con Xám lớn. Dù nó rất mệt mỏi nhưng trận
đánh nhau lại nổ ra và có lẽ Arnaux đã chết nếu như Billy không can thiệp. Gã
tách hai kẻ đánh nhau ra, nhốt riêng Xám lớn vào một chỗ và quyết định hễ có
dịp là tống cổ tên này đi.
Giữa lúc này sắp có tổ chức một cuộc thi tài lớn của tất cả
các lứa chim: bay chín trăm dặm từ Chicago đi New York. Lũ bồ câu được gửi đi
Chicago bằng xe lửa. Tại đây chúng sẽ được thả lần lượt từng con một. Con bồ
câu nào bay tốt sẽ được thả muộn hơn. Con Arnaux sẽ được thả cuối cùng.
Sau khi rời Chicago một vài con bồ câu đã tụ họp lại thành
đàn theo bản năng. Con bồ câu quy hồi sẽ bay theo đường thẳng nếu như cảm giác
chung về phương hướng chi phối nó, nhưng khi nó thấy lờ mờ hay là quen thuộc
thì nó thường dựa theo những dấu hiệu đã biết mà nó còn nhớ được. Phần lớn lũ
chim được luyện theo con đường bay qua Columbus và Buffalo. Arnaux đã biết con
đường bay qua Columbus nhưng cũng biết con đường bay qua Detroit. Vì thế khi nó
bay ngang qua hồ Michigan thì nó theo đường thẳng bay tới Detroit. Như vậy nó
sẽ được lợi vài dặm bay.
Detroit, Buffalo, Rochester với những mái nhà và ống khói
quen thuộc cứ liên tiếp nối theo nhau bị bỏ lại phía sau và nó đã bay gần đến
Syracuse rồi. Ngày đã ngả về chiều, Arnaux đã bay sáu trăm dặm trong vòng mười
hai giờ và chắc chắn sẽ về trước tất cả. Nhưng đột nhiên nó muốn uống nước. Khi
bay ngang qua các mái nhà của thành phố nó trông thấy một chuồng chim và thế là
nó nhào xuống sau hai ba vòng lượn lớn rồi xáp vào với đồng loại và uống lấy
uống để nước ở cóng. Trước đấy nó chưa bao giờ làm như thế cả. Bất cứ người
chơi chim bồ câu nào cũng đều luôn luôn ao ước lũ chim đưa thư sử dụng lòng mến
khách của mình. Người chủ chuồng chim có mặt lúc đó và đã nhận ra con chim lạ.
Gã thận trọng đứng yên tại chỗ theo dõi con bồ câu. Một con trong số bồ câu của
gã tới gây gổ với kẻ mới tới và Arnaux dang cánh ra tự bảo vệ và do đó đã để lộ
ra những chữ ghi các kỉ lục của mình. Người chủ chuồng chim liền kéo dây sập
cửa chuồng lại và ít phút sau Arnaux đã trở thành tù nhân của gã.
Gã bắt trộm dang những cánh bồ câu ra đọc những dòng chữ ghi
hết kỉ lục này đến kỉ lục khác rồi lại nhìn cái vòng bạc ở chân con chim mà gã
coi quý như vàng. Gã đọc tên con bồ câu và kêu thốt lên:
- Arnaux! Arnaux! Ôi, ta đã nghe nói về mi, anh bạn ạ, và ta
thật sung sướng đã bắt được mi!
Gã tháo tờ giấy buộc vào chân con chim và đọc:
- Arnaux rời khỏi Chicago hôm nay lúc 4 giờ sáng. Nó tham
gia cuộc bay thi lớn giữa các lứa chim trên hành trình Chicago - New York.
- Sáu trăm dặm trong mười hai giờ! Mi đã phá tất cả các kỉ
lục.
Và tên ăn trộm bồ câu thả con chim đang giãy giụa vào trong
lồng một cách âu yếm gần như tôn sùng.
- Này, anh bạn, - gã nói thêm, - ta biết mi sẽ chẳng bằng
lòng ở lại đây đâu nhưng ta có thể để cho mi tìm được những kẻ thừa kế và nhân
giống nòi chim tốt của mi.
Thế là Arnaux bị nhốt trong một ngăn thuận tiện cùng với một
số tù nhân khác. Người chủ chuồng chim tuy là một gã kẻ trộm nhưng là một người
chơi chim nghiệp dư thành thật. Gã không tiếc kẻ cầm tù của mình một điều gì
cả.
Ba tháng ròng rã cứ thế trôi qua. Lúc đầu Arnaux chỉ làm mỗi
một việc là đi đi lại lại suốt ngày trong lồng, nhìn quanh trên dưới xem có chỗ
nào có thể chui ra được hay không, nhưng sang tháng thứ tư thì nó từ bỏ ý định
chạy trốn, và tên cai ngục chu đáo bắt tay vào thực hiện phần thứ hai của
chương trình. Gã đem đến cho Arnaux một con bồ câu mái trẻ hay thẹn thò. Nhưng
chẳng ăn thua gì cả: Arnaux thậm chí không thèm để mắt tới ả nữa. Gã cai ngục
chờ đợi ít hôm rồi mang con bồ câu mái đi, và Arnaux lại bị nhốt riêng một mình
cả tháng ròng. Sau đó gã lại đưa đến một con mái mới nhưng cũng chẳng hòa hợp
được, và sự việc cứ thế diễn ra suốt cả năm. Arnaux hoặc là hung dữ mổ người
đẹp hoặc là tỏ thái độ lãnh đạm khinh thị, và thỉnh thoảng lại thấy nó biểu lộ
ý muốn quay trở về nhà một cách mạnh mẽ hơn trước: nó húc vào nan lồng hoặc là
bồn chồn đi tới đi lui. Đến mùa kết đôi hằng năm của bồ câu gã cai ngục cẩn
thận thu nhặt làm kỉ niệm từng cái lông quý báu rụng ở cánh con Arnaux ra, và
khi những cái lông mới mọc lên thì gã lại khéo léo ghi lại lên đó những chiến
công hiển hách của Arnaux.
Hai năm trời chậm chạp trôi qua. Gã cai ngục chuyển Arnaux
sang một chuồng chim mới và đem cho nó một con mái mới. Tình cờ con này rất
giống con vợ thay lòng đổi dạ của nó ở nhà và Arnaux đã chú ý tới ả. Một lần gã
coi ngục trông thấy kẻ tù nhân nổi tiếng của mình ve vãn người đẹp, và - đúng
thế không còn nghi ngờ gì nữa! - ả đã bắt đầu làm ổ. Sau khi kết luận được qua
đó rằng hai con chim đã ăn ở với nhau, gã cai ngục liền mở cửa chuồng lần đầu
tiên, và Arnaux đã được tự do. Liệu nó có lần lữa không? Nó có bối rối không?
Hoàn toàn không. Không trung vừa được mở rộng trước mắt nó một cái là nó đã
hành động theo ý chí, dang rộng đôi cánh có những dòng chữ ghi kì lạ và lao ra
khỏi cái ngục tù đáng ghê tởm và bay đi mỗi lúc một xa.
5
Chưa bao giờ có một người nào yêu căn nhà của mình như
Arnaux đã yêu cái chuồng chim của nó.
Trở về nhà, trở về nhà, về ngôi nhà thân thiết? Mọi thử
thách đau khổ mà nó từng chịu đựng ở nơi chuồng chim quê hương đều được lãng
quên hết. Cả những năm tháng ngục tù, cả tình yêu muộn màng, lẫn nỗi sợ hãi cái
chết đều không thể lấn át nổi tình yêu quê hương, và giá như Arnaux biết hát
thì chắc chắn nó sẽ tất tiếng hát một bài ca hào hùng. Nó bay lên không trung
theo những vòng tròn hướng lên trên theo sự chi phối của một ý muốn duy nhất có
khả năng khắc phục đôi cánh vinh quang ấy, đó là ý muốn bay cao mãi, cao mãi,
cuốn hút bởi tình yêu quê hương, tình yêu ngôi nhà tin cậy duy nhất của nó và
người bạn đời thay lòng đổi dạ của nó. Nhắm mắt lại như người ta thường nói,
bịt tai lại như người ta thường khẳng định, và chẳng đòi hỏi gì nữa như chúng
ta thường nghĩ, nó cứ bay trên bầu trời xanh và hoàn toàn tuân theo kẻ điều
khiển bí mật của mình là cảm giác phương hướng.
Arnaux bay nhanh như tên về hướng đông nam. Arnaux từ giã
tên ăn cướp chim ở Syracuse vĩnh viễn.
Phía dưới kia, một con tàu tốc hành đang lao nhanh trên bình
nguyên. Con tàu chạy khá xa ở đằng trước nhưng Arnaux đã đuổi kịp và vượt nó,
chẳng khác gì một con ngỗng trời vào mùa hè bay vượt một con chuột xạ. Nó bay
cao hơn những ngọn đồi, thấp hơn dãy núi Chenango, nơi có những cây thông đang
rì rào với gió, và cứ thế bay đi mỗi lúc một xa.
Một con diều hâu vừa rời khỏi tổ trên một cây sồi đã trông
thấy con bồ câu và nhằm nó định bắt làm mồi ăn. Arnaux không hề rẽ phải hoặc rẽ
trái, cũng không dâng lên cao hay hạ xuống thấp mà cứ hạ cánh đều đều. Con diều
hâu chờ đợi. Nhưng Arnaux đã bay ngang qua như một con hươu đang hồi sung sức
chạy thoát khỏi ổ phục kích của con gấu vậy! Trở về nhà, trở về nhà!
Phần phật, phần phật! Đôi cánh lấp lóa thấp thoáng trên con
đường bây giờ đã quen thuộc. Một giờ sau nó đã trông thấy những ngọn đồi quen
cũ. Hồi đó đã bay trên những ngọn đồi ấy. Những nơi chốn thân thiết đang lướt
nhanh ngược lại gặp nó đã tiếp thêm cho nó sức mạnh mới. Về nhà, về nhà! Con
tim nó chẳng cất lên lời ca nào khác. Đôi mắt cực sáng của nó nhìn đăm đăm một
cách hi vọng vào làn khói xa xăm của đảo Manhattan chẳng khác nào một khách bộ
hành sắp chết khát nhìn thấy những ngọn cây cọ thấp thoáng phía xa xa.
Một con chim ưng chuyên bắt bồ câu bay từ sườn núi ra. Là
con chim nhanh nhất trong số các ác điểu, kiêu hãnh về sức mạnh, về đôi cánh,
nó sung sướng thấy con mồi xứng đáng. Đã có không ít bồ câu sa vào tổ nó, và
giờ đây nó đang hướng theo gió, lượn lờ và giữ sức chờ đợi thời cơ thích hợp.
Ôi nó lựa chọn thời cơ ấy mới chính xác làm sao! Nó lao xuống phía dưới như một
mũi tên. Không một con diều hâu, một con ngỗng trời có thể thoát khỏi tay nó vì
nó là một gã chim ưng.
Hãy bay ngược trở lại đi, bồ câu! Ôi, bồ câu, hãy chạy trốn
đi, hãy lánh xa những ngọn đồi nguy hiểm đi!
Con bồ câu liệu có quay trở lại hay không? Không, bởi vì đó
là Arnaux. Trở về nhà, trở về nhà, về nhà! Nó không hề nghĩ đến điều nào khác
nữa. Để thoát khỏi con chim ưng nó chỉ bay nhanh hơn lên mà thôi. Gã chim ưng
lao vút xuống - nó lao vào cái chấm đang lấp lóa đó - và đã quay trở lại chẳng
bắt được gì. Trong khi đó Arnaux đã xé gió bên trên ngọn đồi vút đi như một
viên đá bay ra khỏi chiếc máy bắn đá cổ xưa; thoạt đầu còn trông rõ là một con
chim trắng, rồi sau là một vệt nhỏ lấp loáng và tiếp theo đó chỉ còn là một
chấm mất hút trong bầu trời... Xa xa, dọc theo ngọn đồi thân thương của Hudson
đã là con đường lớn quen thuộc với nó rồi... Đã hai năm rồi đó mới lại trông
thấy con đường lớn đó. Bây giờ nó đã bay xuống thấp hơn. Một cơn gió nhẹ thổi
từ hướng bắc về làm mặt nước của con sông phía bên dưới nó lăn tăn gợn sóng. Về
nhà, về nhà, về nhà! Cần phải bay thấp bởi vì gió đã nổi lên rồi.
Bay thấp! Than ôi, nó đã bay quá thấp! Con quỷ dữ nào đã xui
khiến một gã đi săn vào hồi tháng sáu nấp ở đỉnh ngọn đồi ấy thế? Vì lẽ gì mà
ma quỷ lại chỉ cho gã ta cái chấm trắng đang chấp chới trên nền trời xanh ngược
về hướng bắc? Ôi, Arnaux, Arnaux, xin đừng có quên cây súng săn khi mày bay
thấp đến thế. Mày đã bay quá thấp, quá thấp nơi ngọn đồi ấy. Quá thấp.
Ánh lửa lóe lên, một tiếng nổ đoàng! - Và một viên đạn chết
người đã bắn trúng Arnaux; bắn trúng, làm bị thương nhưng không bắn rơi được
nó. Từ đôi cánh chấp chới những chiếc lông có ghi chữ rụng xuống, rớt từ từ
xuống mặt đất. “Con số không” của cái kỉ lục trên biển khơi của nó bị mất. Bây
giờ kỉ lục đó không phải là 210 mà chỉ còn là 21 dặm mà thôi. Ôi, thật là một
vụ ăn cướp nhơ nhuốc! Lồng ngực bị một vết thương đỏ lòm nhưng Arnaux không
chịu lui bước. Về nhà, về nhà! Mối nguy hiểm đã lùi lại phía sau. Về nhà, chỉ
trở về nhà thôi, vẫn cứ bay chẳng đường như lúc trước.
Nhưng vận tốc kì diệu bây giờ đã giảm sút rồi: một phút nó
chỉ bay được có không đến một dặm đường và gió lại dâng lên những tiếng ồn ào
không quen thuộc trong đôi cánh bị thương. Vết thương ở lồng ngực khiến cho sức
lực suy sụp, nhưng Arnaux vẫn cứ bay về phía trước. Căn nhà, nó đã trông thấy
căn nhà từ xa và quên cả cơn đau nơi lồng ngực. Những cái tháp chuông cao của
thành phố đã hiện rõ trước cặp mắt nhìn được xa của nó trong khi nó xẹt qua gần
ghềnh đá Jersey . Tiến lên, tiến lên! Cánh có
thể yếu đi và mắt có thể mờ đi nhưng tình yêu quê hương thì cứ mỗi lúc một
tăng.
Nó đã bay dọc theo những ngọn đồi cao, tránh được hướng gió
thổi, bay phía trên làn nước lấp loáng, trên những ngọn cây và bên dưới tổ con
chim ưng chuyên bắt bồ câu, cái dinh luỹ kẻ cướp xây trên một mỏm đá, nơi có
những con ác điểu hung dữ đang đậu. Chúng dõi nhìn một cách tinh tường như
những tên kẻ cướp bị bịt mặt nạ đen và đã nhận ra con bồ câu đang bay lại gần,
Arnaux đã biết rõ chúng từ lâu. Nhiều bức thư không gửi được tới nơi đã đến trú
ngụ tại cái tổ chim ưng này, nhiều chiếc lông chim có ghi các kỉ lục đã run rẩy
rơi từ tổ này xuống đất. Nhưng Arnaux đã từng nhiều lần tranh đua với chúng và
bây giờ nó cứ tiếp tục bay theo đường của mình, tiến về phía trước, về phía
trước thật nhanh, nhưng dù sao cũng không thể nhanh như trước đây được nữa.
Khẩu súng giết người đã làm hao tổn sức lực của nó, đã làm giảm vận tốc của nó.
Tiến lên, tiến lên! Lũ chim ưng chứ đúng thời cơ đã lao ra như hai mũi tên.
Chúng đã vồ được con bồ câu sức tàn lực kiệt bé nhỏ.
Mô tả lại cuộc săn đuổi làm gì kia chứ? Phác họa lại nỗi
thất vọng của một trái tim nhỏ nhoi dũng cảm làm gì kia chứ? Nó đã nhìn thấy
căn nhà của nó rồi mà... Trong phút chốc mọi cái đều kết thúc. Lũ ác điểu bắt
bồ câu cất tiếng kêu khàn khàn đắc thắng và đậu trên mỏm đá của chúng, giữ chặt
cái xác bồ câu trong móng sắc của chúng, đó là tất cả những gì còn lại của con
Arnaux bé nhỏ gan dạ.
Tại đó, nơi mỏm đá, mỏ và móng vuốt của những tên kẻ cướp đã
nhuốm đầy máu vị anh hùng. Đôi cánh không gì so sánh nổi đã bị nhổ thành một đám
lông, và những hàng chữ ghi trên cánh bị rải tung trên đá. Chúng cứ nằm phơi
nắng tại đó cho đến lúc những tên giết người bị hạ sát và dinh lũy của chúng bị
san bằng.
Và số phận của con chim không gì sánh nổi có lẽ sẽ vẫn biệt
vô âm tín nếu như người ta không ngẫu nhiên tìm thấy trong đống đồ thải bỏ và
rác rưởi của cái tổ cướp đó một chiếc vòng bạc - tấm huy chương thiêng liêng
của con bồ câu đưa thư hạng nhất, trên đó nổi bật hàng chữ mang nhiều ý nghĩa:
ARNAUX, 2590C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét