Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Đêm mưa thiếu rượu nhớ Lý Hạ - Vũ Hữu Định


Lý Hạ xưa say bằng huyễn mộng
Ta nay say bằng rượu pha cồn
Cảm đau thân thế người trong sử
Rượu đắng cay mà sao thấy ngon

Lý Hạ yêu người mà hóa quỷ
Ta yêu người nên nghèo rớt mồng tơi
Đêm mưa thiếu rượu thương người cũ
Ngâm vài câu Lý Hạ, rợn người…

Cứ tưởng nằm kề bên họ Lý
Gác chân nhau nói chuyện biển dâu
Ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu
Gối chai không mà thương nhớ nhau

Thời đại thánh thần đi mất biệt
Còn lại bơ vơ một giống sầu
Rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn
Nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mầu

Mưa nhức, mưa như cuồng, tức thở
Thịt rồng đâu? nem phượng ở đâu?
Đũa ngọc, chén vàng đâu mất cả
Mắm ruốc, me chua cũng cháy hết sầu.

Mời nhau một chén đêm huyền sử
Lý Hạ đâu?  còn ta đâu?
-----------------
Lý Hạ (790 - 816), nhà thơ thời Đường. Ông tề danh cùng Thi Tiên Lý Bạch, Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Phật Vương Duy. Ông được đời xưng tụng là Thi Quỷ. Nền thi ca rực rỡ Thịnh Đường đã khéo sinh, sắp xếp cho bộ Tứ Phật Quỷ Thánh Tiên cùng hội tụ, cùng tỏa sáng như một lẽ huyền nhiệm của đất trời.

6 nhận xét:

  1. Thơ Vũ Hữu Định buồn nhưng buồn ngang tàng bướng bỉnh.
    Bốn câu thơ:
    "Cứ tưởng nằm kề bên họ Lý
    Gác chân nhau nói chuyện biển dâu
    Ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu
    Gối chai không mà thương nhớ nhau"
    Thấy tâm hồn trong trẻo tinh khôi của ông dù cuộc đời chẳng mấy thong dong.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi tác giả buông câu hỏi: "Lý Hạ đâu? còn ta đâu?" là lúc ông say hay ông thật tỉnh? Bạn nhỉ.

      Xóa
    2. Hơn 20 năm đất nước chia cắt (1954- 1975), cái sự khác biệt về chế độ xã hội nó làm cho người dân VN xa nhau khủng khiếp hơn khoảng cách địa lý nhiều. Tôi, một người trai đất Bắc ham học, ham đọc vậy mà biết đến những ông Ốp, ông Ép… ở những phương trời xa lăng lắc nào thì nhiều, còn những Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Hữu Định v.v, những người cùng chung một cội nguồn văn hóa, cùng nói một ngôn ngữ… thì tôi chẳng được biết đến các ông. Từ khi đất nước chia cắt đến tàn cuộc chiến, không, phải nói là đến tận bây giờ, người ta vẫn coi văn học miền Nam hơn hai mươi năm ấy là khoảng chân không, nếu như người ta không coi là một thứ gì bẩn thỉu, xấu xa, độc hại. Ôi, những con người mang danh “chiến thắng” mà hành xử như những kẻ dã man vô học.

      Xóa
  2. Tôi có cậu em bà con làm ăn ngoài HN, lập gia đình ngoài đó, năm nay 35 tuổi, vừa rồi về quê, cậu em nói: ngoài này có hai chặng "tư duy văn hóa: chặng trước 75 và chặng thời sốt đất". (tôi ngạc nhiên về cách dùng từ của cậu em: tư duy văn hóa)
    Khá chủ quan nhưng cũng có lý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em bạn dùng từ không chuẩn, nhưng bây giờ cách dùng từ ấy hơi bị phổ biến, bạn ạ. Người ta không chỉ "tư duy văn hóa" mà còn "tư duy kinh tế", "tư duy bóng đá" tư duy ẩm thực" v,v cho đến tư duy hầm bà lằng thứ cơ mà.
      Còn về tư duy đích thực, là giai đoạn cao của quá trình nhận thức về những sự vật/ sự việc, thì tôi nghĩ: lớp chúng ta, những người sinh ra, lớn lên và học tập dưới mái trường Việt Nam Xã Nghĩa, chúng ta đâu có được học để tư duy. Tư duy ở đâu khi mà "người ta" độc quyền nghĩ, độc quyền nói còn dân đen chỉ dược phép nghe và nhắm mắt tin.
      Bạn xem lại giáo trình ĐH đi. Tôi cũng qua rồi, tôi nhớ, môn Triết tôi được học chỉ bao gồm "Chủ nghĩa duy vật biện chứng", "Chủ nghĩa duy vật lịch sử", "Kinh tế chính trị (Mác Lê), "Lịch sử đảng".
      Các bộ tộc du mục ngoài sa mạc khi chiếm được Trung Hoa, họ tự biết trình độ văn hóa của họ thua kém cái dân tộc bị họ khuất phục. Họ nhanh chóng tự đồng hóa và hấp thụ tinh hoa văn hóa của dân tộc bị đô họ ấy, do đó họ mới có thể duy trị ách thống trị của họ trên đất TH mấy trăm năm.
      Bài học ấy, những người chiến thắng năm 1975 ở VN không học được. VN mấy chục năm sau chiến tranh vẫn điêu linh, nghèo đói có một phần lý do ở đấy.

      Xóa
    2. Ông Tố Hữu, cái loa to nhất của những người cộng sản VN trong lĩnh vực văn học từng hết lời ca ngợi nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới:
      “Thuở Anh chưa ra đời
      Trái Đất còn nức nở
      Nhân loại chửa thành Người
      Đêm ngàn năm man rợ…”
      Điển hình cho thái độ kiêu ngạo cộng sản, lộng ngôn và loạn ngôn.
      Những Voltaire, Rousseau, G. Washington, những Newton, Descartes, những James Watt, Thomas Edison… dưới con mắt của các ông cộng sản thì chỉ là những phó người. Duy chỉ các ông + mới là Người.
      Ngôn ngữ là một hình thức biểu hiện của tư duy, với ngôn ngữ của các ông thì mình có thể đo, đếm được trình tư duy của các ông đến đâu.

      Xóa