Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Lông Tơ - Selma Lagerlöf

1
Tôi tưởng như đang thấy họ lên đường. Tôi thấy rất rõ cái mũ có lò xo của chàng, với vành rộng bỏ ngược lên, kiểu mũ người ta vẫn đội vào quãng năm 1840. Tôi thấy cái áo gilê màu sáng, cái khăn che ngực của chàng. Tôi cũng thấy khuôn mặt đẹp của chàng cạo nhẵn nhụi, với hàng ria ngắn, cái áo cổ cao thẳng đứng, vẻ chững chạc và duyên dáng đúng mực trong mọi cử chỉ của chàng. Chàng ngồi phía bên phải xe. Chàng vừa nắm lấy dây cương; và cạnh chàng là người đàn bà bé nhỏ. Cầu Chúa ban phúc cho nàng: Nàng thì tôi còn nhìn thấy rõ hơn nữa. Trước mắt tôi là một khuôn mặt thanh tú đóng khung trong cái mũ có dải buộc xuống dưới cằm, mái tóc màu nâu sẫm và tấm khăn sau lụa rộng thêu hoa.
Chiếc xe của họ có một ghế dài sơn xanh; và con ngựa của ông chủ quán sẽ chở họ đi dặm đường đầu tiên là một con ngựa nhỏ lông hồng, mập mạp. Ngay từ lúc mới nhìn nàng lần đầu, không hiểu sao tôi đã thấy mến, vì nàng đúng là Lông Tơ, nhẹ nhất, bồng bềnh nhất, vô nghĩa nhất, nàng Lông Tơ nhỏ nhắn. Chỉ cần trông thấy những cặp mắt người ta nhìn theo nàng là lòng tôi cảm mến nàng ngay. Trước hết là ông bố và bà mẹ, đứng trên bậc thềm hiệu bánh mì nhà họ, cứ nhìn theo nàng mãi. Ông bố nước mắt lưng tròng; bà mẹ thì không thể khóc vì còn phải để cho đôi mắt dõi nhìn theo cô con gái cứ vẫy chào mẹ mãi cho đến khi không nhìn thấy được nữa mới thôi. Tiếp đến là những câu chào hỏi vui mừng của tất cả trẻ con dọc đường phố nhỏ, và những cái liếc mắt tinh nghịch của hết thảy các cô gái đứng trong cửa sổ nhìn ra, những cái nhìn mơ màng của các cậu học việc và các chàng thợ trẻ đi qua trông thấy nàng. Ai cũng tỏ vẻ thân ái với nàng và ân cần chào tiễn. Cuối cùng là vẻ lo lắng ái ngại của các bà già nghèo khổ đi ra khỏi nhà để cúi chào nàng và bỏ kính ngắn nhìn thật kỹ vẻ lộng lẫy của nàng. Tôi không hề nhận thấy một cái nhìn ác ý nào suốt dọc con đường nàng đi qua.
Nàng đã đi khuất. Ông bố đưa ống tay quệt vội nước mắt và nói:
- Đừng buồn bà nó ạ. Con nó sẽ xoay sở được. Bé tẹo như vậy nhưng Lông Tơ của chúng mình biết xoay sở đấy!
- Ông nó nói buồn cười thật! - Bà mẹ kêu lên với giọng huênh hoang. - Tại sao An-Maria của chúng mình lại không biết xoay sở kia chứ? Tôi cho rằng nó chẳng kém cạnh ai cả đâu!
- Đúng thế, bà nó ạ! Đúng thế, nhưng dù sao... tôi thì tôi chẳng muốn ở vào địa vị nó và đi đến chỗ nó đang đi. Thật đấy, tôi chẳng muốn chút nào!
- Thì có ai bảo ông đi đâu, cái ông chủ hiệu bánh mì già khọm và xấu xí này! - Bà mẹ cảm thấy cần nói đùa một câu cho chồng hết lo lắng.
Và ông bố liền cất tiếng cười, vì ông cười cũng dễ mà khóc cũng dễ. Rồi hai ông bà già lui vào cửa hiệu.
Trong lúc này, Lông Tơ, bông hoa nhỏ bằng lụa, lòng đầy dũng cảm, đang lên đường. Nàng có phần hơi nhút nhát và sợ sệt bên cạnh vị hôn phu đẹp trai của mình; thật ra thì nàng hơi sợ tất cả mọi người và chính vì vậy mà mọi người đều tốt với nàng và cố tỏ cho nàng thấy chẳng việc gì mà sợ hãi.
Tuy vậy, Môrit chưa bao giờ gây cho nàng một niềm kính phục như hôm nay. Từ lúc họ bỏ lại phía sau phố phường và tất cả các bạn hữu, nàng thấy như Môrit đã lớn thêm lên. Có thể nói rằng cái mũ, cái cổ áo, bộ ria của chàng đều cứng lại và những múi cà vạt của chàng thì phồng lên. Giọng nói của chàng trầm đến nỗi trở thành khàn khàn. An-Maria cảm thấy e sợ hơn, nhưng thấy Môrit oai vệ như vậy nom thật là đẹp. Môrit là người lý lẽ rất sắc sảo; và chàng thuyết giáo nàng. Nói có lẽ chẳng ai tin, nhưng đúng là Môrit cứ nói lý nói lẽ suốt dọc đường. Chàng hỏi Lông Tơ xem nàng có thật hiểu rõ tầm quan trọng của chuyến đi này đối với nàng hay không. Hay là nàng lại tưởng đây chỉ là cuộc đi chơi dã ngoại? Vượt mươi dặm đường trên một chiếc xe vững chãi, bên cạnh vị hôn phu của mình, quả là giống như một cuộc nhàn du. Rồi đến thăm một tòa nhà khang trang và một ông chủ giàu có. Đúng vậy, nhưng coi chừng! Đây đâu phải là một trò giải trí.
Chao ôi! Nếu Môrit biết rằng nàng đã mất bao công sức chuẩn bị cho chuyến đi này, rằng nàng đã qua bao buổi tối bàn đi tính lại với mẹ, đã thấy hàng loạt giấc mơ lo lắng và gặp bao cơn ác mộng!... Nhưng nàng không hé ra một lời nào. Lông Tơ giả bộ khờ dại chỉ là để được thích thú nghe những lý lẽ khôn ngoan rất mực của Môrit mà thôi. Môrit ưa phô trương sự khôn ngoan và lý lẽ của mình và nàng sẵn lòng cho chàng được hưởng cái thú ấy.
- Vô lý thật, - chàng nói, - làm sao em lại kháu khỉnh đến thế!
Quả thật, nếu nàng không kháu khỉnh đến thế thì chàng đã chẳng phạm phải cái điều bất hợp lý là say mê nàng. Ông bố của Môrit không hài lòng về sự lựa chọn của con trai. Còn bà mẹ? Quả thật chàng không dám nhớ lại tất cả những chuyện lôi thôi của bà đã gây ra khi chàng bảo cho bà biết chàng đã đính hôn với một cô gái bé bỏng nghèo hèn ở một phố nhỏ, một cô gái không có học vấn, không có tài năng, đến sắc đẹp cũng không nốt, chỉ được cái là kháu khỉnh.
Dưới con mắt của Môrit thì cô gái một ông chủ hiệu bánh mì chắc chắc cũng sánh được với con trai một ông thị trưởng, nhưng không phải ai cũng có được đầu óc rộng rãi và phóng khoáng như chàng. Và nếu Môrit không có một ông chú giàu sang thì cái dự định hôn nhân này đành là đổ xuống sông xuống biển. Vốn liếng của một sinh viên quèn như chàng không cho phép chàng lập gia đình. May làm sao lại có ông chú. Chỉ cần thu phục được cảm tình của ông là mọi việc sẽ trót lọt.
Tôi nhìn thấy hai người khi họ ngồi xe đi trên con đường lớn. Nàng có một dáng điệu hơi khổ sở trong khi nghe chàng tuôn ra những lời khôn ngoan. Nhưng trong thâm tâm nàng thấy vui lòng biết mấy! Môrit thật quả là khôn ngoan và biết điều! Chàng thích kể lể những nỗi thiệt thòi mà chàng phải chịu vì nàng: đó là cái lối chàng cho nàng biết chàng yêu nàng biết mấy. Có lẽ nàng cũng nghĩ rằng trong một ngày như hôm nay, chỉ hai người ngồi với nhau thôi, thì đáng ra chàng không cần phải giữ ý đến thế, như khi có con mắt kiểm soát của bà mẹ. Không: về phần chàng, làm như vậy chẳng nên đâu. Nàng có thể tự hào về chàng.
Và bây giờ, thì chàng bắt đầu nói chuyện với nàng về ông chú. Chỉ cần được con người ấy che chở cho, thì số phận của chàng và nàng sẽ bảo đảm. Chú Têôdo giàu ghê lắm. Ông là chủ của mười một lô đất, đó là chưa kể đến nhà cửa, những cổ phần hầm mỏ. Ông chỉ có một người thừa kế hợp pháp: đó là Môrit. Nhưng ông không phải là người dễ tính. Nếu người vợ của Môrit không hợp ý ông là ông có thể chọn một người khác cho hưởng gia tài.
Khuôn mặt nhỏ nhắn của nàng mỗi lúc một tái đi và mỏng ra; còn Môrit thì cứ tiếp tục đanh lại và phồng lên. Đừng có ảo tưởng: An-Maria sẽ không làm cho chú Têôdo chết mệt như Môrit đâu! Chú ấy thuộc một loại người khác và Môrit chẳng tin tưởng gì lắm vào sở thích của chú: chắc rằng ông ấy phải ưa loại người đỏ da thắm thịt và ăn to nói lớn kia. Hơn nữa cái ông độc thân thâm căn cố đế này lại cho rằng đàn bà là rợ buộc chân trong cuộc sống. Nhưng miễn là An-Maria đừng làm cho chú ác cảm còn mọi việc khác đã có Môrit lo liệu. Nhất là chớ có ngốc ngếch và khờ dại!... Thôi, mới nói thế mà đã khóc rồi!... Em mà không mạnh dạn hơn lên, chúng mình sẽ được chú tống khứ đi sớm đấy...
Nàng nghĩ rằng, tạ ơn Chúa, ông chú không khôn ngoan như cậu cháu của ông! Như vậy chẳng phải là nghĩ xấu chút nào về Môrit: nhưng nếu Môrit là ông chú, và nếu như hai người trẻ tuổi khốn khổ đến xin tiền để sinh sống thì Môrit, vốn là hiện thân của lý trí, chắc chắn sẽ mời họ trở về nhà và chờ cho đến khi có của nả rồi hẵng cưới nhau...
Ông chú này, theo như lời Môrit nói thì ghê gớm lắm. Ông uống rượu, tiệc tùng ngày này qua ngày khác; và trong nhà ông, người ta sống thật kinh khủng. Không tằn tiện một chút nào, chú Têôdo ấy! Người ta có thể đánh lừa và cho ông thấy là ông bị đánh lừa: ông chẳng vì thế mà bớt một tiếng cười vang. Ông thị trưởng đã giao nhiệm vụ cho con trai phải tuôn cho ông một số cổ phiếu chẳng còn tí giá trị nào. Ông sẽ mua số cổ phiếu ấy không chút nghi ngại. Ông tiêu xài linh tinh vong mạng. Một hôm, ở giữa quảng trường, người ta thấy ông vứt cho trẻ con những đồng bạc trắng. Còn cái chuyện đánh bạc mất một vài nghìn đồng rix-đale trong một đêm và đốt giấy bạc để châm tẩu thuốc, đối với ông là chuyện rất bình thường.
Hai người nói chuyện với nhau như vậy trên đường đi. Họ đến nơi vào chập tối. "Dinh thự" của chú, như cách gọi của Môrit, không phải là một cái lò rèn. Lánh xa khói than và tiếng đe búa điếc tai, nó được xây trên sườn một quả đồi, nhìn xuống một phong cảnh có hồ có núi chạy dài. Ngôi nhà xây thật đẹp, xung quanh là những đồng cỏ xanh và những đám rừng phong.
Hai người trẻ tuổi đi lên một con đường trồng cây du và cây tùng rậm rạp. Nhưng vừa lúc họ sắp rẽ vào sân thì nhìn thấy một cổng chào; và dưới cổng chào, ông chú đang đứng đợi họ cùng với bọn người nhà và thợ thuyền. Nàng Lông Tơ nhỏ nhắn không hề nghĩ rằng Môrit đáng được ông chú đón tiếp như vậy. Nàng lập tức thấy nhẹ cả người. Nàng nắm lấy tay vị hôn phu và bóp thật mạnh. Nàng không thể làm gì hơn nữa, bởi vì họ đã đến nơi...
Ông ta đứng kia, con người đầy quyền lực, ông chủ xưởng đúc Têôđo Frixted cao lớn lực lưỡng, đầy vẻ nhân hậu trong bộ râu cằm đen. Ông lắc lắc cái mũ và kêu lên: U-ra! và đám người cùng kêu lên: U-ra! Và An-Mari vừa chảy nước mắt vừa hé môi cười. Và dĩ nhiên là mọi người đều mến nàng ngay từ phút đầu, chỉ do dáng điệu của nàng nhìn Môrit. Nàng tự nhủ rằng tất cả những người này đến đây là vì chàng, và nàng quay lưng lại cái cảnh trọng thể này để ngắm chàng, khi chàng dang rộng tay cất mũ và cúi chào một cách đường bệ. Chao! Đôi mắt nàng nhìn chàng mới đẹp làm sao! Và ông chủ Têôđo suýt nữa thì ngừng tiếng hoan hô và thốt lên một tiếng rủa.
Quả thật là Lông Tơ chưa bao giờ mong muốn điều không hay cho một người nào; nhưng nếu như số phận dành cho Môrit cái cơ ngơi này, thì chúng hoàn toàn phù hợp với địa vị ông chủ. Chàng đẹp lộng lẫy khi đứng trên bậc thềm cảm ơn mọi người. Ông chủ xưởng đúc cũng đẹp trai, nhưng so với Môrit, ông chẳng có chút phong thái lịch sự nào. Ông chỉ biết đỡ nàng xuống xe, cầm giúp nàng cái khăn san và cái mũ như một người đầy tớ, trong khi ấy, Môrit cất mũ nhiều lần và nói: "Cảm ơn các chú!". Không, ông chú Têôđo chẳng có kiểu cách lịch sự gì cả. Ông sử dụng quyền làm chú của mình, ôm lấy nàng, hôn nàng, và khi nhận thấy nàng đưa mắt liếc Môrit, ông chửi thề và lại còn rủa nữa. Lông Tơ không có thói quen cho người khác là khó chịu, nhưng nàng tự nhủ rằng làm vừa lòng được ông chú Têôđo không phải là chuyện dễ dàng.
- Ngày mai, - ông chú nói, - sẽ có tiệc lớn và khiêu vũ, nhưng hôm nay, các vị khách trẻ tuổi của tôi hãy nghỉ ngơi sau chuyến đi xa. Chúng ta sẽ đi ăn tối ngay; rồi đi ngủ.
Ông đưa hai người vào phòng khách và để họ ở đó một mình. Ông chạy trốn như một luồng gió sợ bị giam giữ. Năm phút sau; người ta thấy ông ngồi trong chiếc xe lớn của ông, đi xuống con đường hai bên trồng cây, và người xà ích quất ngựa phi rạp xuống đất. Năm phút nữa trôi qua, và khi ông chú trở về thì có một bà già ngồi cạnh ông trong xe.
Ông khoác tay bà đi vào phòng khách. Bà này, rất dễ thương và rất hay chuyện, lập tức ôm hôn An-Maria; nhưng bà chào Môrit không được vồn vã lắm. Vả chăng, ai mà dám sỗ sàng với Môrit cơ chứ?
An-Maria rất sung sướng vì bà già hay chuyện này đã đến. Bà và ông chủ xưởng đúc có một kiểu nói đùa và trêu chọc nhau thật ngộ nghĩnh làm cho người ta càng thấy dễ chịu, càng thấy như ở nhà mình.
Sau bữa ăn tối, An-Maria được dẫn đến căn phòng nhỏ dành cho nàng. Nhưng ở đó, nàng đã gặp một điều rất phiền và rất khó chịu. Dưới cửa sổ phòng nàng, ông chú và Môrit đi dạo trong vườn; và nàng không thể ngăn mình nghe những điều họ nói. Môrit trình bày những dự kiến tương lai của chàng. Ông chú im lặng lấy chiếc can phạt đứt những ngọn cỏ và những bông hoa. Chắc hẳn Môrit sẽ nhanh chóng thuyết phục được ông rằng không có gì thích hợp với chàng bằng một chân quản lý ở một trong những xưởng đúc của ông. Môrit đã tự phát hiện ra mình có năng lực đáng kể về công việc thực tế, từ khi chàng bắt đầu yêu. Chàng thường nói với vị hôn thê: “Một khi số của anh đã định là anh sẽ trở thành một ông chủ lớn thì cần gì phải thi tốt nghiệp luật khoa nữa? Bắt đầu vào làm quen ngay với việc quản lý tài sản có hơn không?”.
Đôt nhiên ông chú Têôđo đứng lại: ông có vẻ bực tức. Thậm chí ông còn có vẻ nổi khùng lên nữa. Lông Tơ những muốn kêu lên cho Môrit biết mà đề phòng. Nhưng chậm quá rồi; ông chú Têôđo đã túm lấy ngực Môrit; vò nát cái khăn che ngực của anh; lắc anh quay tròn và xô mạnh đến nỗi anh lảo đảo và nếu không dựa được vào một thân cây thì đã ngã bổ nhào xuống đất.
Nhưng Môrit thật đáng khen. Bị hành hung như vậy mà anh chẳng hề tức bực. Anh không muốn chuyến đi của anh và nàng trở nên vô ích. Chắc rằng anh đã nghĩ đến vị hôn thê, và anh đã tự kiềm chế được. Anh chỉ thì thào có một tiếng: “Sao? Sao?”.
Lông Tơ khâm phục sự bình tĩnh cao độ và sự tự chủ của chàng.
Tội nghiệp Môrit, có lẽ vì nàng mà ông chú đã bực với anh. Sao anh lại không biết rằng chú sống độc thân và nhà của chú là nhà không có đàn bà. Sao anh lại không đưa bà mẹ vợ chưa cưới của mình đến? ... Chà! Thật ra thì bà không thể bỏ cửa hiệu bánh mì mà đi được! Thế còn bà mẹ của anh? Lòng kiêu hãnh đã ngăn không cho bà giúp con trai việc này ư? Nếu vậy, họ chỉ có cách là ở nhà đừng đi đâu nữa. Nếu như bà hàng xóm này của chú không chịu đến thì họ biết xoay xở ra sao? Và đời thuở nào mà vợ chồng chưa cưới lại dẫn nhau đi một mình như vậy? Chắc chắn Môrit chẳng phải là người nguy hiểm! Nhưng miệng lưỡi thế gian nguy hiểm lắm... Lại còn cái xe này nữa! Không biết anh đã tìm ra cái xe kỳ cục này ở nơi quái quỷ nào? Ai lại nghĩ ra chuyện bắt một cô bé tội nghiệp ngồi trong chiếc xe xóc nẩy người lên suốt mười dặm đường! Thế mà ông, ông chú Têôđo, đã cho dựng cả một cái cổng chào để đón tiếp một chiếc xe chỉ có ghế băng như thế này!
Lông Tơ thấy rằng ông chủ đã vượt qua giới hạn của sự vô lý: nàng càng thêm khâm phục sự bình tĩnh của Môrit. Nàng những muốn xen vào câu chuyện để bênh vực chàng. Nhưng nàng không tin rằng chàng sẽ bằng lòng cho nàng làm như vậy.
Trước khi ngủ, nàng còn ngẫm nghĩ đến tất cả những điều nàng những muốn nói ra để bênh vực Môrit. Vừa mới chợp mắt, nàng bỗng thức dậy; một câu đố cũ thẽ thọt bên tai nàng: "Ngày xưa có một con chó ở trên núi. Nó sủa khắp nước Thụy Điển. Tên nó giống tên mày, tên nó giống tên tao, tên nó giống tất cả mọi người. Tên nó ra sao. Nó tên là Ba Sao." Cái điều bí ẩn rồ dại ấy ngày xưa đã làm rối óc nàng biết mấy! Nàng thấy con chó ấy mới ngu làm sao! Thế nhưng bây giờ trong nửa cơn thức nửa ngủ nàng lại lẫn lộn con chó Ra Sao với Môrit, và nàng thấy như con chó mang cái trán trắng trẻo của chàng. Và nàng cười, nàng cười. Nàng cười cũng dễ mà khóc cũng chẳng khác gì cha nàng vậy...

2
“Cái đó” đã đến với nàng ra sao, cái điều mà nàng chẳng dám gọi lên ấy?
Cái đó có lẽ đã đến với nàng như giọt sương đến với cánh hoa, màu đỏ đến với bông hồng, mật ngọt đến với trái cây, êm ái, vô hình, không hề báo trước. Vả lại có quan trọng gì đâu cái cách nó đến, ai cần biết nó là cái gì! Dù nó ngọt ngào hay cay đắng, tốt đẹp hay xấu xa, nó là điều cấm, là điều lẽ ra không bao giờ được tồn tại. Cái đó quấy rối nàng, dằn vặt nàng, làm cho nàng trở nên tội lỗi và đau khổ. Nàng không muốn nghĩ đến nó nữa. Phải rứt nó ra khỏi tim nàng; khổ thay cái đó lại không để cho người ta nắm lấy được, sờ thấy được. Cái đó đẩy lùi và chiếm chỗ dòng máu trong huyết quản nàng. Nó quay cuồng dọc những đường gân và làm cho những ngón tay nàng run rẩy. Khắp người nàng đâu đâu cũng có nó. Giá thân hình nàng không còn nữa thì nàng tin chắc rằng cái đó vẫn giữ lại là một dấu vết của nàng. Thế nhưng cái đó lại chẳng là gì cả.
Nàng không muốn nghĩ đến nó nữa, thế mà lúc nào cũng vẫn phải nghĩ đến nó. Làm sao nàng lại có thể trở nên xấu xa như vậy? Nàng tự xem xét mình; nàng tự xưng tội; một lần nữa nàng tự hỏi cái đó đã đến như thế nào. Chắc hẳn không phải vào lúc ăn sáng. Khi nàng xuống thì trong phòng ăn chỉ có ông chủ nhà máy đúc và bà hàng xóm. Còn Môrit đâu? Nàng đã phát hoảng khi thấy vắng chàng. Nhưng, nghĩ cho kỹ, Môrit đã khôn ngoan lấy cớ đi săn, mặc dù bà già không hiểu có thể săn gì vào tuần lễ Thánh Jăng này. Chàng đã cảm thấy cần phải lánh đi, để cho ông chú chàng có thời gian nguôi giận. Vả lại, Môrit vốn không nhút nhát nên không hề nghĩ rằng một con người bé nhỏ như nàng sẽ suýt ngất khi không thấy chàng và khi phải ở một mình với bà già và chú Têôđo. Bữa ăn sáng mới nhộn làm sao! Mở đầu, ông chú hỏi bà già có biết câu chuyện nàng Xigrid Xinh Đẹp không. An-Mari nhớ rằng Môrit đã nhạo ông chú vì cả nhà ông chỉ có hai cuốn sách Những truyện cổ của lịch sử Thụy Điển của Afzeliut và Lịch sử phổ thông dùng cho phụ nữ, của Nôxen. Nhưng chú ấy thuộc lòng hai quyển ấy, - chàng đã nói vậy.
An-Maria thấy chuyện nàng Xigrid thật hấp dẫn, nhất là đoạn ông pháp quan Bengt cho đem ngọc quý dát kín cái khổ vải len thô của nàng 1.
An-Maria nhìn thấy Môrit: nàng nghe tiếng chàng ra lệnh đem ngọc quý đến. Chàng mà đóng vai này thì rất đạt. Nhưng khi ông chú kể đến đoạn Bengt chạy trốn vào rừng để người vợ trẻ ở lại chịu cơn thịnh nộ của người anh, thì nàng thấy rõ ràng đây là ám chỉ Môrit; nàng đỏ bừng mặt; dao, nĩa tuột khỏi tay nàng và những dự định mà họ đã bàn tính với nhau suốt dọc đường, thế là tan thành mây khói khi nàng ý thức được sự vụng về và ngu ngốc của mình.
Nhưng ông chú chẳng hề tỏ ra thương hại. Ông cứ tiếp tục kể cho đến đoạn ông bá tước kêu lên: “Nếu em tôi không lấy nàng thì chính tôi sẽ lấy”. Ông nói câu này với một giọng hài hước đến nỗi nàng bất giác phải ngẩng mặt lên và bắt gặp cái nhìn đùa cợt trong đôi mắt màu nâu của ông.
Ông chủ đã thấy nỗi bồn chồn của nàng và cười sằng sặc như một đứa trẻ. Nàng càng hoảng hốt bao nhiêu thì ông càng cười to bấy nhiêu. Mắt ông càng như nói: “Nếu em tôi không lấy nàng...”. Nhưng phải chăng đôi mắt ấy nói: “Nếu cháu tôi...”? Nàng khóc òa lên và vùng chạy ra khỏi phòng... Không, cái đó không phải đã đến vào lúc ấy...
Cũng không phải vào lúc đi dạo trước bữa ăn chiều. Lúc ấy nàng còn chú ý đến những cái khác. Thật là thích thú biết bao khi được dạo khắp cái cơ ngơi giàu có này và cảm thấy gần gũi thiên nhiên đến vậy. Nàng tưởng như được gặp lại một cái gì đã mất từ lâu. Cho đến lúc này, nàng vẫn là một tiểu thư của hiệu bánh mì, một thiếu nữ thành thị; nhưng từ khi đặt chân lên lớp cát ngoài sân thì một cô gái nông thôn đã thức dậy trong người nàng. Lông Tơ hiểu rằng nàng là người của thôn dã. Nàng đi dạo trước thềm. Và dáng đi của nàng trở nên tự do thoải mái hơn. Nàng kéo khăn choàng xuống và đeo mũ ở cánh tay. Hai bàn tay chống nạnh, nàng hít vào thật dài và thật sâu, và lại bắt đầu huýt sáo nữa.
Chà! Nàng cảm thấy mình dũng cảm và bạo dạn biết bao. Lúc đầu nàng muốn đi xuống vườn với dáng khoan thai và thật đúng mực; nhưng đột nhiên nàng bỏ lối đi và bước vào cái sân rộng ở giữa những dãy nhà phụ. Nàng gặp cô gái chăn bò và trao đổi vài câu với cô. Chính nàng cũng lấy làm lạ khi nghe giọng nói chắc nịch và quả quyết của mình: giọng nói của một đội trưởng trước hàng quân. Và nàng tự tạo cho mình bộ điệu rất ngang tàng khi đầu ngẩng cao, tay cầm một cái roi mềm, nàng đi và chuồng bò.
Chuồng bò không giống như nàng tưởng. Chẳng thấy những dãy súc vật có sừng để mình thống trị. Chúng đã ra bãi cỏ hết. Chỉ còn một chú bê con ở lại như chờ được săn sóc. Nàng lại gần, kiễng chân lên, một tay giữ váy, tay kia sờ vào trán con vật. Chú bê như thấy được vậy vẫn chưa đủ bèn thè cái lưỡi rộng ra, và nàng âu yếm đưa ngón tay út cho nó liếm. Bất giác nàng quay nhìn xung quanh để tìm một người chiêm ngưỡng sự dũng cảm của mình. Và nàng trông thấy gì? Ông chủ Têôdo đứng cười ở thềm chuồng bò.
Ông đã cùng nàng đi dạo. Nhưng không phải “cái đó” đã đến vào lúc ấy. Lúc ấy chỉ mới có một điều lạ như thế này đến với nàng: nàng không thấy sợ ông chủ Têôdo nữa. Ở bên ông nàng trở lại bình tĩnh như khi ở bên mẹ: tưởng như ông biết tất cả những khuyết điểm và những chỗ yếu của nàng. Nàng không cần phải giả vờ tỏ ra khác với con người thật của mình.
Ông chủ nhà máy đúc đã hứa dẫn nàng đi xem vườn và mấy mảnh đất dọc bờ ao; nhưng nàng chẳng ưa xem những nơi đó. Nàng muốn xem những gì ở các dãy nhà phụ. Thế là ông không chút ngần ngại đưa nàng đi thăm nơi để sữa, nơi đông lạnh, hầm rượu vang, hầm chứa khoai tây, nhà để thức ăn, nhà để củi, xưởng để xe, nơi giặt là quần áo. Rồi họ đi qua chuồng ngựa cày và chuồng ngựa cưỡi, buồng để yên cương, nơi ở của người hầu và người giữ ngựa, cuối cùng là xưởng mộc. Nàng có hơi bỡ ngỡ trong tất cả những phòng này; nhưng trái tim nàng bừng lên niềm hân hoan khi nghĩ đến hạnh phúc được ngự trị trên cái vương quốc ấy. Và nàng chẳng thấy mệt, mặc dù họ còn đi thăm chuồng cừu chuồng lợn và ngó qua chuồng gà chuồng thỏ. Nàng đã xem buồng dệt, lò rèn và lều xông khói làm thịt giăm bông. Tóm lại, nàng bước từ cảnh mê ly này sang cảnh mê ly khác. Và họ đã đi qua bục chứa đầy cỏ và lá khô cho cừu. Trước tất cả những cảnh làm ăn tuyệt diệu này, nàng ý thức được năng lực nội trợ tiềm tàng trong người mình. Hấp dẫn nàng nhất là nhà giặt rộng thênh thang và hai gian nhà nhỏ xinh xắn sạch sẽ để nướng bánh mì với cái lò rộng hoác và chiếc bàn lớn.
- Ôi! Cái này phải cho mẹ cháu xem mới được! - Nàng kêu lên.
Họ ngồi nghỉ một lát và nàng kể lể chuyện gia đình nhà cửa của nàng. Nàng rất thoải mái kể những chuyện lặt vặt của mình với chú Têôdo như với người bạn cũ, mặc dù đôi mắt nâu của chú như giễu cợt tất cả những điều nàng nói.
Cuộc sống ở nhà nàng phẳng lặng: không náo động, không đổi thay. Lúc bé, nàng quặt quẹo luôn; bởi thế bố mẹ nàng không bao giờ ưng cho nàng thật sự bắt tay vào công việc của hiệu bánh mì...
Trong câu chuyện, có lúc nàng kể rằng bố nàng gọi nàng là Lông Tơ, và nàng nói thêm:
- Cả nhà đều nuông chiều cháu, trừ Môrit; vì thế cho nên cháu yêu anh ấy lắm. Anh ấy thật là đứng đắn. Anh ấy không bao giờ gọi cháu là Lông Tơ, mà luôn luôn gọi An-Maria. Môrit thật tuyệt diệu.
Chao! Nàng thấy rõ biết mấy trong đôi mắt chú có một tia nhảy nhót cười cợt! Nàng những muốn cầm que đánh cho chú một cái. Và nàng nhắc lại, giọng nói như có nước mắt: “Môrit thật tuyệt diệu”.
- Phải, chú biết, chú biết, - ông chủ trả lời, - Môrit sẽ là người thừa kế của chú.
Thế là nàng kêu lên:
- Nhưng chú Têôdo, tại sao chú không lấy vợ? Bà chủ của một ngôi nhà như thế chắc sẽ sung sướng biết bao nhiêu!
- Thế còn tài sản thừa kế của Môrit? Ta mà lấy vợ thì việc ấy sẽ ra sao? - Chú Têôdo thì thầm dịu dàng.
... Những lời này làm cho nàng lặng đi một lúc lâu. Nàng không sao nói được rằng Môrit lẫn nàng đều không quan tâm đến việc ấy, bởi vì đó chính là mối quan tâm chủ yếu của họ. Nàng tự hỏi như vậy có đê tiện và xấu xa không; và thốt nhiên nàng cảm thấy như phải xin lỗi chú vì nỗi thiệt thòi mà họ gây ra cho ông.
Khi hai người trở về nhà thì con chó của ông chú ra đón họ. Đó là một con chó cái bé tẹo, cẳng gầy, tai cụp, mắt như mắt linh dương - một con chó bé tí xíu với giọng sủa nghèn nghẹn yếu ớt.
- Chắc cháu ngạc nhiên thấy chú có con chó bé tí như thế này, - ông chủ Têôdo nói.
- Thật thế đấy ạ!
- Không phải ta đã chọn Jenni để nuôi, mà chính Jenni đã chọn ta làm chủ đấy! Cháu có muốn nghe lịch sử của nó không? Lông Tơ?
Ông lập tức giành lấy cho mình cái tên ấy để gọi nàng.
Nàng muốn nghe lắm, nhưng nàng đoán đây lại là một chuyện trêu chọc nữa.
- Lần đầu tiên Jenni đến đây, là trong tay một bà xinh đẹp ở thành phố về. Nó mang trên lưng một cái áo choàng, đầu đội một cái mũ nhỏ. - Im đi, Jenni, mày có thế chứ còn gì nữa! - Lúc ấy chú nghĩ thầm trong bụng : "Thật là một tiểu thư nhút nhát!" Nhưng cháu thử tưởng tượng vừa mới thả xuống đất là con vật bé bỏng chắc phải cảm thấy những kỷ niệm thời thơ ấu thức dậy trong đó, hay là một cái gì đại loại như vậy. Nó gãi, nó co quắp người, nó lăn lộn để làm tuột cái áo choàng ra. Rồi nó bắt chước điệu bộ của chó lợn, làm cho bọn ta nghĩ rằng Jenni chắc chắn là sinh ở nông thôn. Nó nằm lên thềm và không thèm nhìn đến cái tràng kỷ trong phòng khách, nhưng lại chạy đuổi lũ gà mái, ăn vụng của mèo, sủa những người ăn xin và nhảy bổ vào vó ngựa. Rồi đến lúc ra về thì thế là Jenni không chịu đi nữa. Nó rên ư ử một cách khổ sở và nhảy lên lòng chú. Không nghi ngờ gì nữa; nó muốn ở lại. Ai mà đoán được trong con vật bé nhỏ khoác áo choàng này lại có cái thiên hướng làm một con chó thôn quê? Và thế là ta có một con chó bông! Ta chỉ thiếu có một phu nhân xinh đẹp.
Ôi! thật là phiền khi mình nhút nhát và không được dạy dỗ! Chắc ông chú phải ngạc nhiên khi nàng vội vàng chạy đi trong lúc ông đang kể chuyện. Nhưng nàng thấy hình như ông kể chuyện con chó để nói về nàng. Chắc chắn là ông không định làm như thế đâu. Nhưng dù sao...? Nàng cảm thấy thẹn quá đi mất! Có các vàng nàng cũng không thể chuyện trò tiếp được nữa.
Tất nhiên đó cũng chưa phải là lúc “cái ấy” đã đến.
Đúng hơn là nó đã đến vào buổi tối, trong cuộc khiêu vũ. Chưa bao giờ có một dạ hội làm nàng thích đến thế! Tuy nhiên, nàng cũng chẳng nhảy nhiều. Nàng còn hơi bị người ta bỏ quên là đằng khác. Nhưng nàng thích thú quá nên cũng chẳng để ý đến điều ấy nữa. Trước tiên, nàng thấy Môrit đẹp hơn bao giờ hết và trội hơn cả về mọi mặt. Bữa ăn sáng chàng vắng mặt có làm cho nàng hơi mếch lòng; và vì hôm qua nàng đã có lúc cười nhạo chàng, nên bây giờ nàng lại sung sướng được khâm phục chàng nữa. Lúc đầu chàng lo rằng nàng cảm thấy bị hững hờ, bởi vì chàng không chỉ săn sóc riêng một mình nàng. Không! Nàng không đến nỗi ngốc để định phô trương mối tình của họ. Và nàng vui lòng nhận thấy mọi người đều hết sức mến cậu cháu của chú Têôdo. Chàng đã nhảy nhiều lần với cô Elixabet Oetthinh xinh đẹp. Nàng chẳng vì thế mà có chút nào ngờ vực, hơn nữa Môrit đã đến thì thầm vào tai nàng: “Em thấy đấy, anh không thể dứt khỏi cô ấy được. Anh và cô ấy là bạn từ thuở nhỏ. Ở miền quê này người ta chẳng mấy khi được nhảy với một người lịch thiệp vừa biết nhảy vừa biết nói chuyện. Tối nay em phải nhường anh cho các cô tiểu thư này thôi, An-Maria ạ”. Còn ông chú thì lẩn mình đi cho Môrit nổi lên. “Tối nay, - ông nói - cháu là chủ của buổi tiếp khách này”. Và một mình Môrit làm đủ mọi việc: chàng điều khiển cuộc khiêu vũ, tiếp thức uống cho khách, mời nâng cốc chúc mừng xứ sở và các bà các cô. Chàng thật tuyệt vời. Ông chú và nàng không rời mắt ngắm chàng. Hai cái nhìn gặp nhau; ông chú mỉm cười với nàng và gật đầu thân ái. Cho đến lúc ấy, Lông Tơ vẫn còn buồn vì chú Têôdo đánh giá Môrit không đúng với chân giá trị của chàng. Bây giờ thì nàng đã yên tâm. Ông chú hãnh diện vì cậu cháu. Nhưng lúc gần sáng, ông Têôdo bắt đầu trở nên hơi ồn ào và vui nhộn. Ông muốn xen vào cuộc khiêu vũ, và tất cả các cô gái đều chạy trốn khi ông đến mời họ nhảy hoặc họ giả bộ như đã nhận lời nhảy với một người đàn ông khác.
- Chú nhảy với An-Maria đi! - Môrit nói với ông bằng một giọng hơi trịch thượng.
An-Maria hoảng quá đến nỗi run bắn cả người. Và ông chú bị mếch lòng bèn lui vào phòng hút thuốc.
Nhưng Môrit đã đến gần nàng và nói với nàng bằng một giọng rất nghiêm khắc.
- An-Mari, em sắp làm hỏng hết mọi chuyện, thái độ của em khi chú muốn nhảy với em. Em cũng phải góp sức của em vào chứ. Em thấy để một mình anh làm mọi việc thì có đúng hay không?
- Nhưng anh muốn em làm gì, Môrit?
- Ồ! Bây giờ thì hỏng việc mất rồi. Tất cả những điều anh đạt được tối nay chẳng còn ích gì nữa.
- Em sẽ đến xin lỗi chú, nếu anh muốn, Môrit.
Nàng rất áy náy vì đã làm mếch lòng ông chủ Têôdo.
- Đó có lẽ là điều duy nhất hợp lý; nhưng sao mà em lại nhút nhát đến buồn cười như vậy.
Nàng không đáp lại câu nào và đi thẳng về phòng hút thuốc, ở đó chẳng có người nào, còn ông chú thì đã gieo người vào một chiếc ghế bành.
- Chú ơi, sao chú lại không muốn nhảy với cháu. - Nàng nói.
Ông chủ Têôdo mở đôi mắt đang nhắm nghiền và nhìn nàng một lúc lâu. Nàng chưa bao giờ gặp cái nhìn đau khổ như vậy. Một người tù đang nghĩ đến xiềng xích của mình chắc phải có cái nhìn như vậy. Bỗng nhiên nàng thấy có lẽ ông chú rất đáng ái ngại và chính ông mới cần đến nàng hơn là Môrit, bởi vì Môrit thì chẳng cần đến ai cả. Chàng vẫn đường hoàng như thế từ trước đến nay! Nàng đặt bàn tay nhẹ nhàng và vỗ về lên cánh tay ông chủ Têôdo. Mắt ông bỗng trở nên lanh lợi như cũ. Ông đưa bàn tay to rộng của ông lên vuốt ve mái tóc của nàng.
- Mẹ hiền bẹ bỏng của ta! - Ông thì thầm.
Thế là “cái đó” đã đến trong khi ông vuốt ve mái tóc nàng. Nó đến một cách lén lút. "Cái đó" đã trườn vào, đã tuôn vào nàng với một giọng run rẩy, một tiếng sột soạt, một âm thanh rì rào của bọn yêu tinh lướt qua cánh rừng đêm âm u.

3
Những làn mây mỏng xốp giăng kín bầu trời; buổi tối rất yên tĩnh và êm ả; những sợi lông trắng nhỏ li ti của cây bạch dương và cây hoàn diệp liễu bay lơ lửng bồng bềnh trong không khí. Một mình trong đêm khuya, ông chủ Têôdo đi bách bộ trong vườn và nghĩ cách tách chàng trai ra khỏi cô gái. Bởi vì không thể nào, mãi mãi không thể nào, họ lại sẽ cùng nhau ra đi, trong khi ông sẽ đứng trên bậc thềm để chúc họ lên đường may mắn.
Làm sao thậm chí có thể cho nàng ra đi bằng bất cứ cách nào, khi mà đã ba ngày nay cả ngôi nhà tràn đầy giọng nói vui vẻ ríu rít của nàng; khi mà mọi người trong nhà đều cảm thấy xung quanh mình có con người nhỏ nhắn và cẩn trọng. Không thể như thế được! Chú Têôdo không thể thiếu được nàng nữa.
Đêm không lạnh, đêm ở miền bắc này thường như thế. Hơi nóng được giữ lại dưới lớp mềm mây xám. Những ngọn gió lạnh vẫn ở yên đâu đó, không thổi bạt mất hơi ẩm đi.
Ông chủ Têôdo nhìn thấy Lông Tơ trước mắt mình. Nàng khóc vì Môrit đã lìa khỏi nàng. Nhưng ông kéo nàng lại sát người ông và hôn cho đến khi nước mắt nàng không còn chảy nữa. Từ những trái cây già tách ra những sợi lông tơ nhỏ, nhỏ quá, nhẹ quá, mỏng manh đến nỗi hầu như bị không khí giữ lại không rơi xuống được và thật khó mà phân biệt được chúng trên mặt đất.
Ông chủ nhà máy đúc cười một mình khi nghĩ đến Môrit. Sáng mai ông sẽ vào phòng cậu và hỏi: “Này Môrit, chú không muốn cho cháu hy vọng hão. Nếu cháu cưới cô gái ấy thì đừng hòng đợi chú cho một xu. Chú không thể góp phần làm hỏng tương lai của chú”.
“- Cô ấy làm chú không vừa lòng đến thế ư? - Môrit sẽ hỏi ông như vậy.
- Trái lại, cô ấy hiền lành đấy, nhưng không là gì cả đối với cháu. Cháu phải lấy một người vợ ra vợ như Êlizabet Oetthinh. Cháu nên biết điều, Môrit ạ, đừng bỏ dở việc học tập của cháu vì cô gái này. Cháu sẽ không bao giờ làm được một ông chủ nhà máy đúc. Không phải chỉ biết cất mũ một cách duyên dáng và nói: “Cảm ơn, các bạn thân mến của ta!”, là đủ đâu. Không! Cháu phải được đào tạo để trở thành một viên chức hoặc có thể là một bộ trưởng!
- Nếu chú đánh giá cao như vậy, thưa chú. - Môrit sẽ trả lời. - thì chú hãy giúp cháu thi đỗ rồi cho phép chúng cháu cưới nhau sau.
- Không được, không được. Sự nghiệp của cháu sẽ ra sao nếu chưa chi cháu đã tự buộc cháu dính vào một gánh nợ như vậy? Con ngựa mà phải kéo những gánh nặng bánh mì thì không thể chạy được nhanh. Cháu không thể đính hôn trước mười năm; nếu chú để cho chúng mày làm cái việc ngu xuẩn ấy thì rồi sẽ ra sao? Rồi năm nào chúng mày cũng sẽ đến xin tiền tao. Rồi thì cả chúng mày lẫn tao đều sẽ hận nhau.
- Nhưng thưa chú, cháu là người trung thực, cháu đã hứa hẹn với người ta rồi.
- Cháu hãy nghe chú, Môrit ạ. Xem thử thế nào thì hơn? Để cho cô ấy chờ đợi cháu mười năm, rồi sau mười năm cháu sẽ chán nó? Hay là để cho cháu cắt đứt ngay từ bây giờ? Hãy quả quyết lên một chút, con ạ! Dậy đi, cho thắng ngựa vào xe và đi ngay trước khi cô ấy thức dậy.Vả lại tao thấy vợ chồng chưa cưới mà đi một mình với nhau như vậy thì khó coi lắm đấy. Chú sẽ lo liệu cho cô ấy, chỉ cần cháu từ bỏ sự điên rồ của cháu là được. Bà hàng xóm của chú sẽ đưa cô ấy về nhà, trong chiếc xe song mã, có mui kín nếu cháu muốn như vậy. Và chú sẽ chu cấp cho cháu ở trường đại học, làm sao cho cháu khỏi phải lo về tương lai của cháu. Cháu phải biết điều và phải nghe lời chú. Bố mẹ cháu sẽ rất hài lòng. Cháu đi đi. Chú sẽ nói cho cô ấy nghe rõ phải trái và chú tin chắc rằng cô ấy sẽ không muốn làm một vật chướng ngại cho hạnh phúc của cháu. Đi đi, đừng cố gặp lại cô ấy nữa. Có thể cháu sẽ lại mủi lòng vì cô ấy rất dễ thương...”
Thế là Môrit dũng cảm quyết định ra đi.
Môrit đi rồi thì sẽ ra sao nữa?
“Đồ đê tiện”. - Có tiếng kêu cứu ở trong vườn, một tiếng kêu to và dữ tợn như là để dọa một tên kẻ trộm. Ông chủ Têôdo nhìn xung quanh mình. Ai nói đấy? Có phải là tự ông gọi ông như vậy không?
Rồi thì sẽ ra sao?...
Ồ, ông sẽ chuẩn bị tư tưởng cho nàng trước khi nàng biết Môrit đã đi rồi. Ông sẽ chứng minh cho nàng thấy rằng Môrit không xứng đáng với nàng. Nàng sẽ khóc, nhưng khi nàng đã cạn hết nước mắt trên ngực ông thì ông sẽ làm cho nàng hiểu một cách rất dịu dàng và rất thận trọng tình cảm của ông đối với nàng; ông sẽ yêu nàng, ông sẽ thu phục được nàng...
Những sợi tơ của cây hoàn diệp liễu vẫn rơi. Ông chủ Têôdo giơ bàn tay to rộng của ông nắm được một sợi tơ rất đỗi nhẹ, rất đỗi mỏng manh và yếu ớt, và ông cứ nhìn sợi tơ ấy mãi. Những túm lông tơ cứ rơi. Rồi cái gì đến? Gió sẽ thổi bạt nó đi, đất sẽ làm bẩn nó, những bàn chân nặng nề sẽ dẫm lên nó. Những túm lông tơ nhỏ bé rơi lên người ông chủ Têôdo, bây giờ ông thấy như nó nặng bằng chì. Ai đấy sẽ muốn làm cơn gió hay là đất hay là cái đế giầy tàn nhẫn?
Là độc giả say mê quyển Lịch sử phổ thông của Nôxen, ông bỗng nhớ đến một đoạn giống với điều ông tưởng tượng vừa rồi. Buổi sáng hôm ấy, nàng Arian ngủ dưới hang đá ở Naxot; và thần Bắcquýt, trên vai vắt tấm da beo, nhìn theo những cánh buồm đen của Têdê chạy về phía chân trời. Bắcquýt đã đe dọa Têdê trong một giấc mộng nếu Têdê không lìa bỏ cô gái và Têdê đã kéo neo bỏ chạy nên không kịp đánh thức cô gái đang ngủ nữa. Thần Bắcquýt chí tôn sung sướng và kiêu hãnh. Thần sẽ biết cách khuyên giải được Arian. Nàng đang đến; nàng đi từ hang đá ra, hồng hào và rạng rỡ; mắt nàng tìm kiếm Têdê, nàng nhìn quanh nàng rồi nhìn ra xa hơn chỗ con thuyền của Têdê đậu, rồi nhìn xa hơn nữa, trên những ngọn sóng, nơi xa xa kia, nơi những cánh buồm đen đang đi khuất. Nàng kêu thét lên, rồi không chần chừ, lao thẳng xuống biển, lao vào cái chết và chốn lãng quên. Và thần Bắcquýt , kẻ an ủi tài ba ấy ở lại một mình. Chuyện đã xảy ra như vậy đấy.
Nôxen cũng nói rằng một số nhà thơ cổ, do lòng thương xót đã tưởng tượng thêm rằng Bắcquýt đã khuyên bảo được Arian. Nhưng những nhà thơ giàu lòng trắc ẩn này đã lầm. Bắcquýt đã không an ủi được nàng. Không ai an ủi được Arian cả...
Vậy thì nỗi đau đớn phải lìa bỏ vị hôn phu của nàng sẽ là phần thưởng cho những nụ cười duyên dáng mà nàng tặng ông, cho những cái vuốt ve của bàn tay thon thả mà nàng ngây thơ đặt trong tay ông, cho thái độ vui vẻ của nàng khi nghe những lời ông bông đùa.
Vì tội gì mà nàng sẽ bị xử phạt như vậy? Vì đã làm cho ông phát hiện được trong bản thân mình một ngóc ngách của tâm hồn còn thanh khiết và còn bỏ trống và đang chờ đợi một con người giàu tình mẫu tử và dịu dàng - hay vì nàng đã chế ngự được ông đến nỗi ông không còn dám chửi thề trước mặt nàng nữa? Ông chủ Têôdo phát điên lên vì số phận hẩm hiu của mình.
Cái cô bé An-Maria này, sao cô lại không phải là một người có vóc dáng lực lưỡng với đôi má hây hây mà mái tóc đen! Quả thật không dễ dàng gì khi phải xử trí với những con người mảnh mai, yếu ớt và trong suốt như những sợi lông tơ!
Và đúng lúc ấy, một sợi lông tơ rơi xuống và nói với ông: “Em sẽ ngày nào cũng ở bên anh. Anh sẽ nghe em nói thầm vào tai một lời nhắc nhở khi anh ngồi đánh bạc; em sẽ giữ bàn tay anh chờ luôn nâng cốc rượu tràn đầy. Và anh sẽ khổ vì em như vậy đấy”.
“- Đúng, - ông thì thầm, - vì em, anh sẽ chịu đựng được nỗi khổ ấy...”
Một sợi tơ thứ hai rơi xuống và nói: “Em sẽ ngự trị trong ngôi nhà rộng lớn của anh và em sẽ làm cho đời sống tiện nghi, không khí ấm cúng trong nhà thêm thân thiết. Em sẽ đi theo anh trong cảnh cô đơn của tuổi già. Em sẽ nhen lửa trong lò sưởi của anh. Em sẽ là đôi mắt và chiếc gậy cho anh dùng. Anh không tin như vậy ư?”
“- Có chứ, lông tơ bé nhỏ, anh tin như vậy. - ông trả lời, - anh tin như vậy”.
Và đây lại thêm một sợi tơ nữa nói: “Em đau khổ quá. Ngày mai vị hôn phu của em sẽ bỏ đi mà không nói với em một lời từ biệt. Ngày mai em sẽ khóc suốt cả ngày. Em sẽ khóc vì xấu hổ nghĩ rằng em không xứng đáng với Môrit. Và khi trở về nhà, em không biết làm sao có được can đảm bước qua ngưỡng cửa nhà bố em. Suốt dọc đường phố nhỏ người ta sẽ xì xào khi em đi qua; mọi người sẽ tự hỏi em đã làm gì để bị đối xử như vậy. Anh yêu em thì đó có phải là lỗi của em đâu?”
Và ông trả lời giọng đầy nước mắt:
“- Em đừng nói như vậy”.
Ông tiếp tục bước trong vườn. Đến nửa đêm, trời hơi tối đi một chút; ông cảm thấy lòng thắt lại vì lo âu; làn không khí nặng nề và ngột ngạt này như ngưng lại để chờ đón một việc không hay đang được sửa soạn và sẽ được thực hiện vào lúc rạng đông.
Ông những muốn làm cho thiên nhiên dịu lại và nói to lên: “Ta sẽ không làm việc ấy”.
Thế là xảy ra cái điều kỳ lạ nhất trên đời. Những làn gió run rẩy lo âu lướt qua đêm tối. Đó chẳng phải là những túm lông tơ nhỏ đang rơi xuống như mưa nữa. Ông nghe thấy xung quanh mình những tiếng sột soạt của những đôi cánh nhỏ và của những đôi cánh lớn. Một cái gì đang chạy trốn ấy lướt chạm vào mặt ông, quệt vào quần áo và bàn tay ông. Đó là những lá cây, những cánh bướm, những tiếng chim hót. Ông hiểu rằng khi mặt trời ló ra, cả khu vườn của ông sẽ tan hoang, im lìm và lạnh lẽo. Trời hửng sáng, ông hầu như ngạc nhiên thấy trong vườn vẫn còn những mảng lá cây đen sẫm. Vườn ông chẳng thiếu đi một ngọn cỏ nào. Chẳng phải là khu vườn đã trụi hết cây cối: mà chính là ông; ông đi vào mùa đông, và ông đã mất hết lòng can đảm để sống.
- Phì, - ông nói, - cái đó rồi sẽ qua đi như tất cả mọi cái đều qua đi. Thật rõ lắm chuyện vì một đứa con gái bé nhỏ này!...

4
Buổi sáng nay, cái điều kỳ lạ mà nàng không muốn xác định ấy đã giày vò nàng. Trong hai ngày tiếp theo cuộc khiêu vũ, cái đó đúng là như một chất kích thích như một nguyên nhân làm cho người ta hăng hái, nhưng bây giờ đã đến lúc phải ra về, bây giờ đã chắc chắn là "cái đó" sẽ không có vai trò gì trong cuộc đời nàng thì "cái đó" đã chuyển thành một gánh nặng lạnh lẽo đến chết người. Nàng tưởng như trong khi đi xuống ăn sáng, nàng phải lê một tấm thân bại liệt. Bàn tay nàng đưa ra nặng trĩu và lạnh ngắt. Nàng nói, một cách khó khăn với cái lưỡi nặng như chì, và mỉm cười với đôi môi trơ như đá. Gượng nói gượng cười là cả một công việc vô cùng nặng nhọc. Và thật vui mừng thấy mọi việc đã được thu xếp ổn thỏa theo đúng danh dự cổ truyền và đúng lời cam kết.
Ông chủ Têôdo quay mặt về phía An-Maria và tuyên bố với một giọng nghiêm khắc lạ lùng, rằng ông đã quyết định cho Môrit giữ chân quản lý ở Lavahytham.
- Nhưng vì chàng trai này, - ông nói tiếp, vừa cố lấy lại giọng nói bình thường, - vì chàng trai này không thành thạo lắm trong công việc thực tế, cho nên anh ta chỉ có thể giữ chức vụ này sau khi cưới vợ. Tiểu thư Lông Tơ có chăm sóc cây đào kim nhưỡng ở cửa sổ nhà mình để có thể hái được một vòng hoa cho cô dâu vào tháng chín hay không?
Nàng cảm thấy đôi mắt của ông chủ Têôdo dò xét nét mặt của nàng và đợi có được một cánh mắt cảm ơn; nhưng nàng lại cúi đầu xuống.
Còn Môrit, anh ta nhảy cẫng lên. Anh ta ôm hôn ông chú và làm ầm ĩ một hồi.
- Kìa, An-Maria, em không cảm ơn chú à? Em phải hôn chú đi. An-Maria! Lavahytham, đó là nơi tuyệt nhất trần đời đấy. Nào, An-Maria.
Nàng ngước mắt lên. Mắt nàng đẫm lệ, và xuyên qua cái tấm màn trời này, cái nhìn của nàng rơi xuống Môrit chứa đầy vẻ bồn chồn và trách móc lặng lẽ. Rồi nàng quay sang ông chú Têôdo; nhưng không phải với dáng điệu rụt rè và trẻ con như trước nữa. Bây giờ, nàng có đôi chút cao thượng do đau khổ gây nên.
- Chú giúp đỡ chúng cháu quá nhiều, - nàng chỉ trả lời như vậy.
Mọi việc đều tốt đẹp. Ông chủ Têôdo đã không tước mất của nàng lòng tin vào con người nàng yêu dấu. An-Maria đã không tự phản bội mình. Nàng vẫn giữ được lòng trung thành với người đã chọn nàng làm vị hôn thê, mặc dù chỉ là cô gái nhỏ nghèo hèn của hiệu bánh mì trong một phố xép.
Chiếc xe đã có thể lên đường, mấy cái vali đã cài khóa; thức ăn đang được chất vào giỏ. Ông chủ Têôdo rời bàn ăn. Ông đến đứng trước khung cửa sổ. Từ lúc nàng ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn ông, ông không tự chủ được nữa. Tưởng như ông sẽ có thể chạy ùa lại nàng, giữ nàng trong cánh tay ông và thét lên với Môrit: “Đến đây mà giành lấy cô ấy đi!...”
Những cơn co giật thần kinh chạy khắp hai bàn tay nắm chặt của ông để trong túi quần mà ông cứ giữ mãi không chịu rút ra. Ông sẽ để cho nàng đội mũ vào chăng?
Tại sao ông không bước lên và không nói với Môrit: “Nghe đây, ta là tình địch của người. Hãy để cho vị hôn thê của người lựa chọn một trong hai ta! Các người chưa cưới nhau kia mà... Thử chinh phục nàng chẳng phải là một tội ác”. Ông nắm chặt bàn tay đến nỗi khớp xương kêu răng rắc.
Chao, Môrit sẽ tha hồ cười khinh cái ông chú già nua si tình! Còn ông, thì ông sẽ thu được kết quả gì? Ông sẽ làm cho An-Maria sợ hãi và nàng sẽ không muốn nhận sự giúp đỡ của ông nữa khi nàng đã kết hôn.
Ông cứ đứng nguyên ở khung cửa sổ, không quay mặt lại. Sau lưng ông, họ sửa sang quần áo, họ làm nốt những việc chuẩn bị để lên đường. Họ sẽ không bao giờ đi nữa hay sao? Ông đã sống đến nghìn lần cái giây phút hệ trọng này. Ông đã bắt tay NÀNG. Có lẽ nàng đã đi được xa lắm rồi!... Ông cũng đã chúc nàng hạnh phúc, rất nhiều hạnh phúc. Nàng sẽ có tìm được hạnh phúc bên Môrit không? Sáng nay nàng có vẻ không vui. Nhưng không phải đâu! Lúc nãy nàng khóc, chắc là vì vui quá đấy...
Ông bỗng nghe Môrit nói với An-Maria:
- Đầu óc anh lú lấp thế này! Tí nữa thì anh quên không nói cho chú về những cổ phiếu của bố!
- Anh đừng nói chuyện ấy với chú thì hơn anh ạ. - nàng trả lời. - Em thấy làm thế sẽ không hay đâu.
- Sao em ngốc thế, An-Maria! Hiện nay thì những cổ phiếu ấy chẳng có lời lãi gì, nhưng biết đâu? Có thể nó lại sẽ lên giá. Vả lại, đối với chú thì đây chỉ là chuyện vặt có đáng kể gì.
Nàng ngắt lời anh ta một cách hăng hái khác thường, và gần như là với vẻ kinh hãi.
- Em van anh, Môrit, anh đừng làm thế! Anh hãy nghe lời em, một lần này thôi.
Anh ta nhìn nàng có vẻ hơi phật ý.
- Một lần này thôi!... Làm như anh là một bạo chúa ấy... Em đã nói một lời thừa: anh không thể nhượng bộ được...
- Anh đừng bắt bẻ lời nói, Môrit ạ. Đây là chuyện lớn hơn nhiều chứ không phải là chuyện lời lẽ hay là chuyện lịch sự. Em thấy trong chuyện này chú đối xử với chúng mình tốt như vậy mà lại muốn đánh lừa chú thì chẳng đẹp đẽ gì.
- Này, im đi, An-Maria, em im đi! Em chẳng hiểu tí gì về chuyện làm ăn cả!
Anh ta vẫn bình tĩnh, bình tĩnh đến làm cho người ta tức lộn ruột, cứ thản nhiên như không. Anh ta coi nàng như một ông giáo đối với một anh học trò phạm lỗi ngay trong ngày sát hạch.
- Vậy ra anh không hiểu cái gì bị tổn thương cả, - nàng kêu lên, vừa hất tay như để đẩy lùi một cái gì.
- Anh phải nói chuyện với chú ngay, - Môrit nói - Ít nhất cũng để cho chú thấy rằng, không ai định đánh lừa chú bao giờ. Theo như em thì có lẽ bố anh và anh là những tên đểu giả.
Anh ta tiến đến gần chú Têôđo và nói chuyện về những cổ phiếu mà bố anh định bán cho ông. Ông chú Têôdo nghe anh nói câu được câu chăng. Ông hiểu ngay rằng ông anh của ông, ông thị trưởng, đã bị một chuyến đầu cơ thất bát và đang tìm cách chống đỡ một vố thua thiệt không sao tránh được. Có nghĩa lý gì? Những việc như vậy ông vẫn thường giúp đỡ mọi người trong gia đình. Ông cũng chẳng nghĩ gì đến việc ấy nữa. Bây giờ tâm trí ông đang mải nghĩ về An-Maria.
Ông đã bắt gặp ánh mắt giận dữ của nàng nhìn Môrit - hẳn đó chẳng phải là một cái nhìn yêu thương! Giữa nỗi thất vọng của ông, một ánh sáng yếu ớt bắt đầu lóe lên. Ông giống như một người đang ở trong ngôi nhà có ma và thấy từ sàn nhà hiện lên một làn hơi màu sáng, làn hơi ấy tụ lại, to dần lên và trở thành một thực tế sờ thấy được.
- Hãy theo chú vào buồng giấy của chú, Môrit, - ông nói, - Chú sẽ đưa tiền cho cháu!
Vừa nói câu này, ông vừa đưa mắt nhìn Lông Tơ. Cái bóng ma vừa hiện lên kia sẽ quyết định lên tiếng chăng? Song, ông chỉ nhận thấy ở nàng một nỗi tuyệt vọng lặng lẽ.
Nhưng ông vừa ngồi vào bàn giấy thì cửa mở, An-Maria bước vào.
- Chú Têôdo, - nàng nói một cách vững vàng và dứt khoát! - Chú đừng có mua những tờ giấy ấy!
Ôi, Lông Tơ bé nhỏ, có ai ngờ em lại dũng cảm đến thế! Mới cách đây ba ngày, em còn ngồi trong chiếc xe bò bên cạnh Môrit, và cứ một câu anh ta nói thì em lại nép mình lại cho nhỏ thêm và muốn không ai nhìn thấy mình!
Môrit nổi cáu. Anh ta khẽ rít lên với nàng “Im đi!” Và trong khi ông chủ Têôdo đang đếm giấy bạc, anh ta thét to:
- Em làm sao thế? Những cổ phiếu này hiện nay chưa lời lãi gì cả, anh đã nói với chú như vậy, nhưng chú cũng thừa biết như anh rằng một ngày nào đó nó sẽ sinh lời. Em tưởng rằng chú để cho người ta đánh lừa được sao? Chú hiểu những chuyện này hơn em rất nhiều. Anh có bao giờ có ý lừa chú rằng những cổ phiếu này là tốt đâu? Nhưng chúng có thể trở nên tốt đối với ai biết chờ đợi!
Ông chủ Têôdo chẳng nói gì cả, - ông chỉ trao cho Môrit một tập giấy bạc.
- Chú ơi, - con người đấu tranh không khoan nhượng cho chân lý tiếp tục nói (quả thật không ai bướng bỉnh hơn những con người mảnh dẻ này, một khi họ đã bị kích động và dứt bỏ được tính nhút nhát), - chú ơi những cổ phiếu này không đáng giá một xu và sẽ không bao giờ có giá trị gì hết. Ở nhà chúng cháu đã biết rất rõ như vậy.
- An-Maria, cô muốn biến tôi thành một kẻ đểu giả à!
Đôi mắt của cô gái giống như những lưỡi kéo; chúng cắt; và cứ từng miếng một, chúng cắt hết tất cả những gì cô đã khoác lên con người anh ta. Và cuối cùng khi cô thấy anh ta hiện nguyên hình với thói hợm hĩnh và ích kỷ của mình, thì cái lưỡi nhỏ bé ghê gớm của cô đọc lên lời phán quyết tối hậu:
- Anh không phải thế thì là gì?
- An-Maria!
- Phải, cả hai chúng ta là gì? - Cái lưỡi nhỏ không thương xót tiếp tục nói.
Lông Tơ đã hết cả tính nhút nhát; bây giờ nàng cảm thấy cần phải làm sáng tỏ những ý nghĩ mơ hồ đã giày vò lương tâm nàng, từ khi nàng ngờ ngợ rằng con người giàu có và thế lực này có thể có một trái tim, một trái tim, một trái tim đau khổ và dịu dàng.
- Phải, - Nàng nói tiếp. - Chúng ta là gì? Khi ngồi lên xe, chúng ta đã nghĩ gì? Trên đường đi, chúng ta đã nói chuyện gì? Anh đã nói với tôi rằng tôi phải khôn khéo và mưu mẹo. Chúng ta đã mong thu lợi được thật nhiều mà chẳng phải mất một tí gì. Chúng ta đã đến không phải để nói: chú hãy giúp chúng cháu, vì chúng cháu nghèo và chúng cháu yêu nhau. Không, chúng ta chỉ có ý muốn nịnh nọt và vuốt ve để len lỏi vào cảm tình của chú Têôdo. Chúng ta đã không có ý định trả lại cho chú một tí gì, tình thương yêu cũng không, lòng quý mến cũng không, cả sự biết ơn cũng không nốt. Vậy tại sao anh lại không đi một mình? Tại sao tôi lại phải đi với anh? Anh muốn đưa tôi ra phố, anh muốn rằng tôi...
Ông chủ Têôdo nhỏm dậy khi thấy Môrit giơ tay lên định đánh nàng. Ông đã theo dõi cảnh tượng, lòng tràn đầy hy vọng. Ông thấy như lòng mình mở rộng ra để đón lấy nàng, khi nàng thốt lên một tiếng kêu và bay thẳng vào cánh tay ông. Nàng bay vào không do dự, không suy nghĩ, như thể nàng chỉ còn một chỗ ẩn náu trên đời.
- Chú ơi, hắn muốn đánh cháu!
Và nàng nép mình thật sát vào ông.
Nhưng Môrit đã lấy lại bình tĩnh.
- Tha lỗi cho sự hung bạo của anh, An-Maria, - anh ta nói. - Anh đã đau khổ khi nghe em nói như vậy trước mặt chú. Nhưng rất may là chú sẽ hiểu rằng em chỉ là một đứa trẻ. Tuy nhiên anh thú nhận rằng sự tức giận dù chính đáng bao nhiêu cũng không cho phép đánh một người phụ nữ. Bây giờ em hãy lại hôn anh đi. Em không cần phải tìm ai bảo vệ để chống lại anh cả.
Nàng không nhúc nhích, nàng không quay lại, nàng chỉ càng níu chặt hơn lấy ông chủ Têôdo.
- Lông Tơ, ta sẽ để cho em bị giành lại chăng? - Ông thì thầm.
Nàng chỉ trả lời bằng cái run rẩy làm cho ông run lên; nhưng ông cảm thấy mình chưa bao giờ mạnh mẽ, khỏe khoắn và can đảm như bây giờ; và ông chẳng sợ gì mà không đùa cợt.
- Môrit, cháu làm chú ngạc nhiên đấy; tình yêu làm cháu trở thành nhu nhược. Sao cô ấy dám gọi cháu là kẻ đểu giả mà cháu lại tha thứ à? Cháu hãy nghĩ đến danh dự của mình, và hãy lập tức cắt đứt sự cam kết với cô ấy. Này, hãy lên xe và ra đi một mình! Bị lăng nhục như thế thì xử sự như vậy là đúng rồi.
Ông đưa hai tay ôm lấy đầu An-Maria và nâng nàng lên để hôn vào trán.
- Hãy bỏ quách cô gái phạm tội này! - Ông nhắc lại.
Môrit bắt đầu hiểu. Anh ta nhìn thấy ánh mắt chế giễu và nụ cười trên môi ông.
- Lại đây với anh, An-Maria.
Nàng rùng mình. Anh ấy gọi nàng, và anh ấy là người mà nàng đã đính ước. Nàng phải phục tùng. Nàng đột ngột buông ông chủ Têôdo ra, nhưng nàng không thể đi được một bước, nàng khụy xuống một chiếc ghế dựa và nức nở khóc.
- Môrit, cháu hãy trở về một mình trên chiếc xe của cháu,- ông chủ Têôdo nghiêm khắc nói.- Cô gái này đang ở trong nhà chú, và chú muốn bảo vệ cô ấy khỏi sự hung hãn của cháu.
- A! - Chàng trai kêu lên! - Đây là một âm mưu. Tôi bị phản bội. Người ta cướp vị hôn thê của tôi và người ta nhạo báng tôi... Cô vớ bở đấy, An-Maria và tôi xin chúc mừng cô.
Anh ta vừa đâm bổ ra ngoài vừa nói thêm với nàng.
- Đồ hám của!
Ông chủ Têôdo định chạy theo anh ta, nhưng Lông Tơ giữ ông lại.
- Không, không. Để cho anh ấy đi. Để cho lẽ phải về phần anh ấy! Môrit bao giờ cũng có lý. Em chỉ là một kẻ hám hạnh phúc!
Ôi! Lông Tơ, cánh hoa mượt mà! Em không chỉ là kẻ hám hạnh phúc, em còn là người ban hạnh phúc. Người ta cảm thấy điều đó, giờ đây khi đi lại trong ngôi nhà mà em đã ở. Mảnh sân vẫn luôn rạp bóng dưới những cây thích to và những thân cây phong vẫn vươn lên một màu trắng tinh, không một vết gợn, suốt từ gốc lên đến ngọn. Hôm nay, nằm yên sưởi nắng trên bức tường dài và trong cái ao giữa vườn vẫn có những con cá chép già, già đến nỗi không ai nỡ thả cần câu. Và khi tôi đến đây, tôi luôn được hít thở không khí ngày lễ và ngày chủ nhật; và ta tưởng như chim và hoa đang cất tiếng hát dịu dàng để tưởng nhớ em.
------------
1. Viên pháp quan Bengt Manhuxon, trái ý muốn của gia đình, đã lấy một cô gái rất nghèo và dòng dõi rất hèn hạ nhưng rất xinh đẹp, tên là Xigrid. Anh ông, một bá tước, đã gửi cho cô dâu một cái váy bằng lụa đẹp có một khổ bằng vải len thô. Ông pháp quan lập tức ra lệnh lấy ngọc quý dát kín khổ vải ấy. Sau đó, khi ông bá tước đến nhà em và trông thấy em dâu xinh đẹp quá, ông cho rằng cuộc hôn nhân này thật xứng đáng nên đã kêu lên - đây là một câu nói lịch sử: “Nếu em tôi không lấy nàng thì chính tôi sẽ lấy!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét