Nhà bố Nấu
Tác giả: Nguyên Hồng
Gọi thế chứ bác Nấu làm gì có nhà. Một gian
nhà lá lụp sụp, thuê tám hào một tháng, là chỗ ở của gia đình bác với những đồ
đạc ọp ẹp, lắt nhắt không bao giờ thay đổi. Khói kẹp luôn luôn lùa vào đầy nhà
khiến bà mẹ bác mỗi khi bế cháu ra sân lại vừa chấm nước mắt, vừa ho sặc sụa và
lại rên rỉ kêu giời. Những ngày hè nung nấu, ở gian nhà ấy, từ cái giường, cánh
phản, cái bàn mất chân đến những quần áo, tã, rổ rá đều nồng hẳn lên trong một
làn bụi nhảy múa và một mùi hôi gây làm nghẹn cả thở. Rồi những ngày mưa cống
rãnh trong xóm tuy nhiều nhưng không có lối thoát, nước mưa ứ lại ngập sân,
tràn vào nhà, dâng lên đến quá chân giường là thường. Bác Nấu gái đã phải đun bếp
ngay trên cánh phản gần đó nổi lềnh bềnh những rác rưởi của các xó xỉnh đùn ra.
Chỉ thêm bốn hào nữa là gia đình bác được ở
gian trên kia, kê được hai cái giường mà vẫn còn lối đi có cửa sổ, mái lá không
dột, vách đất quét vôi lơ hẳn hoi, thềm lát gạch và lại xa bếp, xa cầu rửa. Bốn
mươi xu, món tiền chỉ mua một thỏi son bằng đầu ngón tay, hay một điếu thuốc
hút chỉ vài phút đã hết, hay một ly rượu thơm không đủ súc miệng mà bao nhiêu kẻ
không hề nghĩ tới. Nhưng, với gia đình này, nó đã có giá sinh mệnh một con người
sống trong những cảnh sống suốt đời hai bàn tay trắng và đầy những khó khăn thiếu
thốn.
Năm cái miệng sì sụp húp nhũng bát cháo
lõng bõng chia nhau những ngày mưa dầm, gió lạnh. Một thằng nhỏ cởi trần, mồ
hôi nhễ nhại, tóc trùm xuống quá gáy, cắm đầu cắm cổ đi bốn năm cây sô dưới trời
nắng để đưa cho mẹ thêm vài lạng đường bán cháo. Một người đàn ông thần mặt ra
trước những bàn tay sỉa sói vì thiếu mấy buổi tiền góp... Những dòng đời khổ sở
ê chề nọ.
Hưng ở chung với xóm nhà bác Nấu đã hơn hai
năm, Hưng làm chấm công ngoài Sáu Kho. Buổi đắt, buổi ế. Hưng đã phải nhận sổ
sách về chép và đóng lại để đỡ vực cho nhà cũng năm miệng ăn: một mẹ già và ba
em gái nhỏ. Bảy tám đồng bạc kiếm được hàng tháng của Hưng chỉ đủ tiền bốn, năm
mươi ống cân gạo đong chịu ký người ta mà cả Hưng, mẹ Hưng và các em Hưng chỉ
dám ăn ngày một bữa. Hưng lại đành phải dạy một lớp học tối mà trong số những học
trò tháng nào trả đúng tiền ấy có thằng con bác Nấu.
Một cảm tình thấm thìa đã ràng buộc Hưng với
nhà bác Nấu.
Riêng bác Nấu giai, hễ rỗi là sang nhà
Hưng. Bác kể lể, than thở với Hưng thân mật và tin cậy hơn hết cả. Vì Hưng biết
trả lời những câu bác hỏi về cuộc đời, về sự sống, về số phận mà từ ngày gặp
Hưng, bác choáng váng thấy bác đã u u minh minh, chịu khốn nạn, mà chẳng biết
khốn nạn. Lòng tha thiết thương yêu và tin tưởng ở những con người lầm than đã
làm đậm đà thêm lời nói của Hưng, đưa nó một ngày đi sâu vào sự rung động và
suy nghĩ của bác Nấu. Nhiều lúc bác đã tưng bừng cả người, thấy sao những đau
khổ tàn ác, bất công cứ kéo dài mãi mà người ta rất có thể trừ bỏ đi để sống một
cuộc đời no ấm tốt tươi.
Bác Nấu biết rất nhiều nghề: làm phở, kem,
bánh cuốn, đổ bún, bánh bao, lục tàu xá, cháo gà, kẹo kéo. Có ai thuê, bác còn
làm cả thợ nề, kéo xe, làm vườn, sẵn có sức khỏe và chẳng bao giờ dám ngại
ngùng việc gì, bác làm cho ai mướn bác cũng phải vừa lòng, cũng tin cậy. Nhà bố
Nấu, cái tên này không một ai trong xóm Cấm không biết. Nhắc đến nó, người ta
phải tưởng ngay đến một khổ mặt đầy đặn, một giọng nói thong thả, một dáng đi mạnh
mẽ và những câu chào hỏi thân mật với mọi người.
Bác Nấu cũng còn mẹ già. Bác muộn con. Gần
bốn mươi mà bác mới được đứa nhớn lên tám và ba đứa nhỏ vẫn còn khóc quấy.
Vợ bác, khác hẳn phần đông những người đàn
bà trong xóm. Bác Nấu gái ít điều, ít nhời, lúc nào cũng tươi cười. Không bao
giờ bác chịu bỏ một buổi chợ. Từ giá xôi, nồi ngô bung, đến mẹt bún, bác Nấu
gái biết ế cũng cứ làm. Bác say mê buôn bán đến quên cả ăn cả ngủ. Và bác còn bỏ
cả ăn cả ngủ vì nợ. Bác nợ nhiều quá, chưa xong món này đã tiếp ngay món khác.
Nhiều phen bác phải giấu cả chồng. Bác không dám để chồng thấy sự thua lỗ chồng
chất trong lúc cái khó khăn mà thà một mình bác chịu tất cả mọi nỗi còn hơn để
chồng con hay biết.
Đã có lần, người chồng điên lên, túm lấy
tóc vợ hét:
- Giời ơi! Mày có vay mượn ai cũng phải cho
tao biết chứ. Chỉ thậm thụt, thậm thụt để người ta đương réo rắt chửi bới kia
kìa...
Người vợ gỡ tay chồng, gục mặt vào lòng, nức
nở:
- Biết thì anh làm gì được! Thôi tôi van
anh, họ chửi bao nhiêu tôi xin nghe cả.
Nước mắt người chồng lại giàn giụa, vẻ đau
tủi lại hiện cả lên gương mặt đáng lẽ sáng sủa nhưng vì rầu rãi nên đen xạm và
càng ngày càng hốc hác.
Bác Nấu còn là anh cả. Dưới bác, một người
em giai cũng lấy vợ sớm, con cái bé dại, thuê một gian nhà như bác, và cũng
buôn bán nhỏ nhặt lần hồi. Sau người em này, một người ở nhà quê làm ruộng, một
người làm thợ sắt và một người em gái mới nhớn. Trước kia, người em gái này
theo bác Nấu gái chợ búa. Bỗng một dạo, vắng mặt y. Tý cô đi lấy Tây. Cái tin ấy
đã rùng mạnh tim Hưng trước nhất và hơn hết Hưng bàng hoàng giờ lâu, sau đó,
lòng Hưng bị thắt chặt bởi một tiếc thương tê tái và chua xót.
Tý cô không đẹp lắm nhưng là một con gái nổi
nhất xóm. Nước da Tý trắng hồng, mắt long lanh, môi mỏng tươi, tiếng nói lanh lảnh.
Tý rất có thể trở nên một người vợ đảm đang, một người mẹ nhiều con, một sự
giúp đỡ cho người chồng lam lũ và một niềm an ủi cho một người mẹ chồng thêm
cháu kháu khỉnh và dâu chịu khó.
Cái việc Tý bỗng thay đổi ấy, Hưng vẫn thấy
sao mà nó nhanh chóng đến thế được. Tý hay làm dáng, cười cợt và chỉ ưa buôn
bán những thứ hàng nhẹ nhàng sạch sẽ như bánh trái. Khách hàng của Tý phần đông
ở ga và cổng kho, cổng trại lính. Có khó khăn gì phải cười một nụ cười lẳng lơ
với khách hàng đĩ tính, khi ấy nói giá bao nhiêu họ cũng mua. Rồi từ sự đụng chạm
coi thường đến lúc nắm lấy tay nhau, ngồi sát cạnh nhau, cười tít lên... chả mấy
chốc người con gái nọ coi cả sự ân ái cũng là mua bán!
Không! Tý không thể mãi mãi là một cô hàng
cứ để không cho khách hàng cười đùa mà Tý thấy nhiều kẻ thật cục súc, tàn nhẫn,
đểu giả, chúng chỉ bỏ năm bảy xu một hào mà được cả những nhời ân cần và sự gần
gũi. Nhất là Tý lại có chút nhan sắc và khôn ngoan. Vậy Tý đã nghỉ chợ, tìm một
cảnh nhàn hạ, sung sướng như một số những người con gái cũng nhan sắc và khôn
ngoan khác là một sự tất nhiên. Lấy ai cũng là chồng. Tý không muốn nhận cái tiếng
đĩ thõa của trong xóm, ngoài phố bêu riếu. Tý không muôn ao ước mãi cái ao ước
chỉ được ngày hai bữa ăn chắc bụng, chỉ được khỏi rách rưới, rét mướt. Và Tý
không muốn thấy mãi Tý không có chút hy vọng rực rỡ gì. Tý cứ sống lẽo đẽo mãi
với mẹ, vói anh chị và các cháu nheo nhóc mà Tý cần phải giúp đỡ, tìm mọi cách
làm sao để cũng được mở mày mở mặt.
Khắp mặt người lớn, trẻ con, ông già bà lão
trong xóm đã đổ xô ra nhìn Tý, khi Tý ở trên bước xuống đi vào cái cổng vẫn va
vào mẹt cam, gánh thạch của Tý. Tý mặc áo nhiễu tây hồng, quần cẩm châu trắng,
tóc chải bồng, hoa tai, nhẫn ngọc lung linh. Hình dáng Tý đã nổi ngời lên giữa
cái sân ngổn ngang những chum vại, chậu rửa, bếp than, quang gánh, rác rưởi. Tý
đã chỉ cười, ai hỏi cũng cười, ai gọi cũng cười. Tý đã cho tiền tất cả trẻ con
hàng xóm và xoa đầu chúng nó.
Bà cụ mẹ bác Nấu nhìn con gái, lắc đầu một
cái rồi đi vào nhà, ngồi sụp xuống đất, bưng mặt khóc không ra tiếng. Cuộn bạc
giấy ấn vào tay bà cụ đã bị vứt tung ra hắn giữa đống quần áo mới may: quần
nái, áo the, khăn vuông ba góc tóc, dép da láng biếu bà cụ. Không thể nào dỗ được
mẹ, Tý cũng ngồi xuống bực cửa và úp mặt vào tay khóc theo. Vợ chồng bác Nấu thần
người ra, trông nhau. Đám trẻ con bâu đến trước gian nhà đều ngơ ngác. Chúng
không cười nói ồn ào như trước.
Hôm sau, Tý từ giã mẹ để theo chồng là một
viên cai xếp ra Móng Cái. Đêm qua, Tý khóc nhiều quá, mắt sưng mọng. Một lần nữa,
trước khi ra xe, Tý lại ép mẹ nhận và Tý lại khóc vì bà cụ vẫn nhất định chối từ.
- Cô sung sướng mặc cô. Tôi có rách mặc
rách. Quần lành áo tốt cô may cho tôi đấy, cô đem cho ai thì cho. Và tôi chẳng
dám cần cô đem tôi đi phụng dưỡng báo đáp. Tôi chỉ ở chết già với thằng bố Nấu
và các con nó thôi.
Tý đã ra đi trưóc tiếng reo hò của đám trẻ!
- Hê! Hê!... Hê... Cô Tây! Cô Tý Tây!
Những tiếng reo hò này và biết bao nhiêu
con mắt nhìn giễu cợt đã theo Tý ra tận ngoài đường.
Đến ngày nay.
Cái gia đình lam lũ kia vẫn lúc nhúc trong
giạn nhà úp súp và hôi nồng đã ba năm không một vật gì mới hiện ra ở dưới cái
mái lá tối mờ. Vẫn cái giường tre đu đưa, kêu răng rắc mỗi lần những đứa trẻ
nhún nhảy, vẫn cánh phản lè tè mọt nghiên rền rĩ, vẫn cái bàn mất chân buộc vào
cột vách. Trưa hè, dưới nắng lửa, vẫn những làn bụi lầm lên chập chờn. Ngày mưa
to gió lớn, trên mặt đất ngập nước và rác rưởi, người cha vẫn làm thuyền cho những
đứa trẻ chơi. Sáng sớm và chiều tàn, khói bếp vẫn tuôn vào đầy nhà khiến bà cụ
già lại bế cháu ra sân, vừa ho sặc sụa, vừa giụi mắt và kêu giời da diết.
Trong ba năm Tý đã lấy đến năm đời chồng.
Hiện giờ, Tý về tỉnh nhà, gần mẹ, Tý sang hơn trước nhiều. Bạn của Tý ra vào
nhà anh Nấu Tý cứ như đi xem hội. Ai nấy đều chải chuốt. Vàng ngọc rực rõ. Tý
đã đi xe đạp và nhảy đầm nữa.
Ngày nay đi về ở xóm Cấm, người ta vẫn luôn
luôn gặp bà cụ Nấu ra ngõ. Không bao giờ cụ không chào hỏi trước người quen.
Cũng không bao giờ người ta thấy vắng trên tay cụ cái Tý Rang khóc nhèo nhẽo.
Nhiều nếp nhăn chất thêm lên cái trán lặng lẽ dưới những sợi tóc cứng, bạc lam
nham. Hai gò má bà cụ trũng thêm làm chìa hai hàm răng móm mém. Trên cái thân
hình còm cỏi ấy, vẫn cái thứ áo nâu mỏng tứ thời, lúc nào cũng nhớp nháp dãi của
con bé cháu.
Tất cả người bà cụ đã cằn như một que củi.
Nhưng ở những nụ cười luôn mở rộng ấy, vẫn thắm thiết hiền từ và chịu đựng của
một lòng mẹ già chỉ biết có con và cháu, trong cái cảnh đầu tắt mặt tối, đổ mồ
hôi lấy bát cơm ăn.
1939
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét