Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Người con gái

Người con gái

Tác giả: Nguyên Hồng


Người con gái ấy da nâu nhờn. Ðó vừa là nước da của hai cha mẹ không nhan sắc mấy, vừa là cái sắc riêng biệt của hạng người phải làm ăn lấm láp. Vả lại, muốn có trau chuốt, người con gái ấy cũng không thể khác hơn. Những thứ phấn màu gạch non hay da cam cho hợp làn da và những thứ son thắm tươi, thơm hạng tốt, y không có tiền mua, mà dùng táp nham hay xỉn của chị em bạn mỗi người một tí thì chỉ làm rõ rệt cái nghèo nàn đắng cay của mình.
Ðiều này chết thì thôi, chứ người con gái ấy không dám để ai nhìn thấy. Y ghê gớm nó lắm. Mỗi lần yên lặng tưởng đến nó thôi, y đều rùng rợn, tâm trí xám lại. Những lúc đó y chỉ muốn nhắm nghiền mắt để khỏi trông thấy một ai và muốn mình khuất hẳn đi giữa cái mặt đất này.
Ai đấy ở lâu Hải Phòng chắc còn phải nhớ cái ngõ hẹp giữa hai bức tường thẳng vút, tỏa ra mấy ngõ nữa với những dãy nhà một mái cho thuê từng giường. Cái ngõ Hàng Gà trước cầu Ca-rông đi sang chợ Sắt ấy. Ðây, đêm ngày nhớp nháp vì người ta gánh nước, đổ rác, đưa rau đậu đi chợ và luôn luôn nổi lên những tiếng kêu cướp giật, ăn uống chằng bửa, đi xe quỵt, đánh chém nhau!
Mười ba, mười bốn năm về trước, con bé ấy vẫn thường bế em ra ngoài ngõ này, hau háu nhìn những hàng quà và sự nhộn nhịp suốt bờ hè. Nhà y cũng thuê được một gian, chen ngay vào dãy nhà của phường buôn gà vịt. Mẹ y mất đã hơn một năm, phường buôn kia thường chép miệng nhắc đến người bạn tháo vát mà biết điều, không biết đến bao giờ họ mới được một kẻ như thế. Cha y đi làm cho xưởng thợ tiện của người khách bên kia phố. Ba cha con ăn uống do vợ người em trai ở chung nhà thổi nấu.
Con bé ấy cũng được đi học như mấy đứa trẻ con mấy nhà buôn bán và đi làm khá ở trong ngõ. Cái trường tư nọ ở ngay đầu phố. Một ông giáo không biết đỗ bằng gi, đã già và lại đông con bé, mở ra và trông coi một mình. Ông dạy cả học trò khác to lớn gấp ba ông, và buổi tối, những người thợ đứng tuổi.
Một nách hai con dại, người ta thường khuyên cha con bé ấy lấy vợ kế, ông chỉ cười và lắc đầu. Không hiểu vì ông làm không được mấy đồng, vì ông thương con cái sợ chúng bị đày vào cảnh mẹ ghẻ cay nghiệt, hay vì ông thấy đã có em dâu cũng đông con, số tiền kiếm được để y trông nom cho còn tốt hơn hay còn vì lẽ gì nữa mà người cha ấy cứ ở vậy. Sáng sớm ông ra đi, trưa ăn quàng quéo trên phố, chiều tối mới về, từ năm ông mười bảy, mười tám tuổi tới giờ đã hơn hai mươi năm ròng như thế. Ông gần như không có một người bạn. Cả những tầm chiều, trời đất xam xám, hai con ông tong tong ra đường đón ông, ông chỉ nhếch mép cười và nhiều khi cau mày bảo đứa con lớn:
- Thôi cho nó vào đi!
Chẳng chờ đợi con, ông đi trước. Cái mũ vàng sờn vải, quần áo vá víu, xộc xệch, đầy vết dầu mỡ, người cha lùi lũi bước, lom khom như trên đầu, trên lưng bị sự mệt nhọc và một ý nghĩ rã rời đè trĩu xuống.
Cũng như vợ, ông nóng, sốt, ho, người cứ rốc đi, ăn uống không được rồi chết. Năm đó, thằng nhỏ con ông đã chập chững đi và con bé ấy đi học biết đọc, viết thông quốc ngữ.
Ai muốn hai đứa trẻ này bây giờ? Chôn cất người cha xong, một buổi chiều cúng cơm có tiếng kể lể rên rỉ trước cái bàn thờ loi nhoi ánh đèn nhang, những người họ và quen biết bỗng ứa nước mắt. Họ gọi hai chị em đến, nói với chú thím chúng và xin chúng về nuôi, cái ý kiến này nảy ra chính họ không ngờ. Một bà nhà cày cấy nhiều, không thể tin vào ai mà giao phó một phần công việc, một bà buôn bán ngược xuôi được mỗi mụn con gái thì lại quặt quẹo luôn, một ông là em họ mẹ hai đứa trẻ nhỏ làm cai bao thầu, ba người ấy đến giờ mới rõ mặt chúng mà không hiểu sao lại đối với chúng một cách sốt sắng như thế?
Trong phút đó, tình thương xót của họ chan chứa ra, tưởng chừng vì hai đứa trẻ mồ côi họ có thể quên cả thân mình. Kẻ thề sẽ trông nom cho con mình sao thì chúng vậy. Kẻ cam đoan xây dựng đứa biết buôn bán, đứa học hành đỗ đạt chúng làm rạng vẻ cho cha mẹ như con ai kia giàu sang. Kẻ xin làm giấy khai sinh nhận chúng là con đẻ để sau này chung hưởng sự sung sướng bằng con họ.
Người chú kéo hai cháu lại gần bàn thờ. Chờ mọi người dứt câu, ông mới nói qua một nụ cười nhẹ:
- Thưa chư ông, chư bà, vợ chồng tôi xin cám ơn tất cả chư ông bà đã có lòng nghĩ tới tình hai cháu dại. Tôi chỉ còn biết lạy tạ chư ông bà, chứ thật không còn biết nói sao. Còn gì hơn để hai cháu nương tựa chư ông bà để sau thành người. Nhưng xin chư ông bà rộng lòng hiểu cho vợ chồng tôi mà để hai cháu ở với vợ chồng tôi. Dù vợ chồng tôi làm ăn vất vả, lần hồi bữa rau bữa cháo, tôi cũng không thể xa hai cháu được. Trời để tôi còn sống ngày nào, tôi xin lo cho trọn cái đạo đối với vong linh anh chị tôi, đối với hai cháu dại.
Chỉ là những câu nói chập chừng đến nhiều chữ khó thì ngắc lại, nhưng nghe nó nức nở trong cái yên lặng thoáng mùi nhang va mùn cưa, thật là đầm đìa nước mắt. Em người chết không khóc! Chỉ thấy những nếp nhăn và gương mặt đen sạm của ông quằn quại. Ông cũng ít nói, nhưng không bơ phờ như anh. Dưới đám lông mày rậm, mắt ông luôn luôn long lanh như có lửa. Thường những buổi trưa đi tầm, người đàn ông này dắt con và cháu ra tận đầu phố, cười vẫy chúng tới khi chúng lấp ló trở vào ngõ. Thì sau phút đó, cái trán kia lại chau lại, mắt đăm đăm vào những lớp người dồn dập. Vẻ vui tươi không còn một gợn. Những nét se sắt rắn và tối thêm. Rồi đến chiều tối, ông cũng về tầm mải mốt, không chuyện trò gì với ai, đầu hơi cúi phảng phất như cha người con gái.
Con bé ấy phải thôi học. Y ở nhà để trông coi cả em mình và hai đứa con nhỏ của chú thím. Mười tuổi đầu rồi. Vào cái trạc này, những trẻ nhà nghèo khác đã xách được ấm nước, cái hòm kem phấn đánh giày mũ, hay rá bánh rán, bánh kê đi rong phố kiếm ngày mươi lăm xu đỡ cha mẹ. Ðây y không phải dầu dãi mưa nắng, đầu đường cuối chợ, chỉ nhởn nhơ chơi với các em cho người lớn lo ăn thì cũng phải tập làm đôi việc chứ.
Quét tước nhà cửa, dọn cơm rửa bát, dần dà biết đun ấm nước, luộc mớ rau rồi ghế nồi cơm, con bé ấy còn phải nhận lấy nhiều công việc lặt vặt khác, cái con bé tóc cợp bằng chiếc lược nhựa kia luôn luôn có mặt ở ngoài ngõ, giờ thỉnh thoảng mới dám ra khỏi nhà. Nhưng chỉ chơi đùa được một lúc rồi sực nhớ ra y lại vội dắt lũ em về trước cửa, trống ngực đập thình thình. Cửa vẫn khép chặt, đồ đạc vẫn y nguyên, tiếng reo cười ngoài kia vẫn rộn ràng, con bé thần mặt ra, vẻ mến tiếc và tủi cực hiện như in qua sắc da bừng bừng mồ hôi nhễ nhại.
Người thím, trưa không gửi hàng về nhà nữa, còn người chú, ông vào làm thay anh và cũng lại biền biệt từ sáng sớm đến chiều tối. Tinh sương, con bé ấy dậy cùng người đàn bà nọ. Bà thổi cơm cho cả nhà ăn rồi nắm sẵn mấy bát để lúc nào những đứa bé đói thì bảo chị lấy cho ăn. Không buôn cất của người ta, bà lần mò đi những chợ xa mua rau đậu, hoa quả. Hai gánh hàng của bà nặng trĩu, cả những đàn ông khỏe nhấc lên cũng phải nhăn mặt. Thế mà nó cứ lẽo đẽo trên vai bà một tháng đủ ba mươi ngày, nắng mưa cũng mặc.
Ðã nhiều hôm, sau một đêm ngủ li bì bàng hoàng thức dậy, người thím thấy mặt mày choáng váng, hai thái dương đau chói và khắp người ê ẩm, đã tưởng đến nằm liệt giường mất. Nhưng chỉ một nồi lá tre, lá bưởi hay lá sả đun sôi lên xông, và ít gừng giã, hòa rượu đánh với tóc rối, người thím lại áo dài nâu thắt vạt ra đi với những người đàn bà khác.
Mặt trời mới lột một khoảng hồng phớt mà người thím cuống quít lo sợ như ngày đã bị cướp đi gần hết. Bà quẳng vội cho con bé ấy đồng năm xu, nói qua những tiếng thở:
- Ðây, cầm lấy trưa mua bún hay canh bánh đa cho chúng nó ăn. Trưa nay không có cơm và tối tao mới về được đấy.
Cúi mặt xuống, nghe từng tiếng nói khản ấy dằn ra, con bé thấy rõ trên đầu mình hai hàm răng người thím rít lại và hai con mắt bà lại gờm gờm đưa nhìn qua mình ra thằng bé em còn nằm ngủ thiếp đây kia. Thằng em con bé này nuôi mãi mà đi vẫn chưa vững. Ðến bao giờ nó mới lớn, đi làm được và có đồng tiền đưa về?

*
*    *

Ðó là những chiều hè, hoa xoan tây đỏ ối, bụi lầm đường, những màu tơ lụa phấp phới. Phố xá ồn ào như có những tiếng hát mọi rợ tràn lên cuồn cuộn. Những giờ đó, con bé ấy thường bế em ra chơi. Tuy nhà cơm nước thu dọn xong rồi, người thím đã về chợ rửa ráy cho con cái, con bé ấy được phép đưa em ra đường, nhưng y vẫn phải lảng vảng gần nhà. Trẻ con đứa nào đứa ấy về quấn quít lấy bố mẹ, y có muốn nô đùa cũng không có bạn. Y chỉ còn biết thơ thẩn nhìn những cái ồn ào rực rỡ tỏa ra mọi nơi trong khi thằng bé em lò dò dưới những tủ hàng, mắt ngơ ngác.
Qua ngõ nhà con bé ấy, khu Trại Cau, An Dương mở ra bên kia. Ðường đầy rộng, trắng xóa, chạy vút về những vùng quê xa có ruộng lúa chín vàng và bóng núi tím mờ mờ lẫn với mây. Những ô tô bóng loáng thỉnh thoảng phóng qua. Mui xe cụp xuống, những người ngồi thoáng hiện ra như trên màn ảnh. Tóc họ bay phất phới rắc trong gió những mùi thơm sực nức cùng với những mùi phấn sáp và quần áo. Những đứa bé tóc như tơ vàng, da thịt hồng hào lồ lộ, đứng hẳn lên, cười hát, vẫy gọi, trông chúng xinh tươi hơn những tiểu thiên thần trong tranh.
Những người khác không ô tô thì đi xe nhà, chồng một xe, vợ một xe, người ôm con lớn, người ôm con bé, song song chuyện trò theo những bước chân của người kéo. Cũng có nhà để con nhỏ vào xe đun để người ở trông rồi dắt con lớn đi sau mà hưởng cái mát của chiều. Trong đám trẻ ấy, thường có mấy đứa trước học với con bé. Từ ngày y thôi đến trường ông giáo già kia, những bạn nhỏ mặt mày rạng rỡ, quần áo đẹp mắt, cười nói ngoan ngoãn ấy thế là xa hẳn. Không một đứa tìm y. Có qua nhà y, chúng mải ríu rít với nhau cũng có và cố làm lơ đi cũng có.
Gần gũi con bé chỉ còn những đứa tên nghe thế nào ấy: cái Sẹo, cái Bống, thằng Nhớn. Bố mẹ chúng thì nào bác xế Cấu, bác Phở, bác Bò, bác Củi.
Nhiều nhà còn để chúng nó rách rưới hơn y và lắm khi phải sang nhà y cầu cạnh vay tiền, vay gạo và xin cả cơm về mớm cho con. Họ ở gần nhà y. Không một tí gì y không biết. Hết mè nheo, cắn rứt lại đánh chửi nhau, họ như là bị đày vào với nhau chứ không phải là tình gia đình thương yêu, hi vọng vào hạnh phúc.
Khác hẳn những cảnh trên kia, con đường ngoài ngõ và dãy phố bên kia con sông Lấp bị chặn một đầu, lúc đó huyên náo vô cùng. Suốt bờ sông, bờ hè san sát hàng quà. Toàn những hàng nước chanh, nước đá, kem và hoa quả. Những ánh chai lọ thủy tinh đựng những thứ nước chanh xanh đỏ và những sắc tươi của dưa hấu, mận, xoài làm nhức cả mắt. Vang vang tỏa trên mấy khu đó, những tiếng sôi ngùn ngụt của những phố Hàng Cháo, Ðầu Cầu dồn lại. Ðây người ta đương mê mải ăn uống, may mặc, sắm sửa, như không biết chán, như đã bị bao năm hết sức kìm hãm sự khát khao rõ những tiếng thở hổn hển và nóng rực.
Nhưng thế nào nhỉ, những buổi chiều mùa hè ở những xứ gần đường xích đạo trong những bài ám tả chúng ta đã viết và trong những đoạn văn ta đã đọc thuở nhỏ? Chiều có chân trời vàng diệp, trên cao pha lê xanh, hương hoa dạ hợp cay ngát bay ngợp không khí mọng như trái dưa đã chín. A! Thần tiên! Người ta đê mê trong cái phút giờ của hoàng hôn mà ánh nắng lưu luyến với cảnh vật như đôi tình vương víu. Tất cả lúc đó chỉ là cái cảm giác bừng bừng với bao hương sắc kì lạ. Phải không? Chúng ta đã chia nhau chép những câu văn lộng lẫy và chép vào những cuốn sổ nhỏ giấy trắng tinh, bìa cứng chữ vàng, rồi học thuộc ngâm nga với nhau như thơ.
Người chú về tầm ăn cơm xong là giở đồ làm ra ngay. Nhà ông không có tiền mắc điện, thắp cây đèn dầu ngọn vặn cao, vàng ngụt. Búa, đục, giũa, kìm, đinh ốc, dây thép, sắt vụn... bày la liệt trên cái mặt bàn rộng như cái giường, tự tay ông đóng lấy với những mảnh ván thùng xi măng. Trước ông chỉ nhận việc tư về làm những ngày nghỉ. Giờ, cả trưa và tối. Ông chữa xe đạp, đồng hồ, khóa, máy chữ, bất cứ cái gì hỏng của những máy móc thường dùng.
Một gian nhà thuê chung đã kê hai cái giường, một tấm phản xếp và một cái bàn đã chật ních, lại còn xếp bao nhiêu thúng, mẹt và những đồ đạc, trông bức bối còn hơn cái lò. Mồ hôi vã ra đầm áo, tóc dính bết vào trán mà người chú không quạt lấy một cái. Mặt ông chỉ tái đi thêm và môi mím lại. Dưới đất, chỗ cửa ra vào, người thím cũng cặm cụi như thế. Bà chọn, nhặt rau, đậu bó lại từng mớ rồi xoay ra chẻ củi, gánh nước, giặt giũ cho cả nhà.
Hai đứa con trai lớn của người chú cũng đã tám, chín tuổi. Không thể để nấn ná ở nhà, ông đã phải cho đi học tư. Chơi một lúc, chúng lại vào ngồi học ngay dưới ánh đèn trên bàn người cha làm việc. Nghe chúng ê a một cách trơn tru là ông bằng lòng, chứ không biết các con đọc đúng hay sai những vần chữ Pháp. Ông cũng như con bé cháu, đọc và viết được chữ quốc ngữ thì thôi. Giờ ông phải tháng tháng bỏ ra hơn hai đồng bạc tiền học và giấy bút cho con vì thấy mình đã chịu thiệt thòi quá, mà đã cay đắng vì thế lại còn để dây dưa đến kẻ máu mủ thỉ tủi cực vô cùng cho ông. Nhưng cả hai vợ chồng ông đều mong mỏi chúng theo đuổi chữ nghĩa lấy dăm năm rồi mau mau phải xin ngay cho chúng vào làm một trong những xưởng máy đương chạy ầm ầm đêm ngày đây kia.
Thằng em còn bé đã ngủ rũ ra trên vai chị. Y len lén bế nó vào giường, đặt nằm ở mé trong. Ra ngoài chơi một lúc thế là quá đủ rồi. Cả hai đứa lớn đã học thuộc bài và làm tính, viết tập thêm đã xong. Hai em chúng nó, mình mẩy đầy rôm sẩy như gai mít vẫn chưa chịu lên giường, còn quấy khóc. Con bé nhìn chú, nhìn thím rồi ngồi xuống chỗ những đống rau cạnh giường hai đứa lớn ngủ. Y nhặt nhạnh, xếp đặt, cùng với hai bàn tay thoăn thoắt của người thím. Thỉnh thoảng y lại lấy quạt quạt cho hai đứa nhỏ, xoa lưng và dỗ dành chúng nó.
Giữa những tiếng nhèo nhèo của con nhà mình và những tiếng khóc tiếng ru của những mẹ con nhà chung quanh, người chú như một cái máy, chỉ có cử động chứ không một lời nói. Thông phong đèn lau lúc chập tối đã cháy bỏng và đặc khói bên trên. Sương đêm mờ mờ xám dần là xuống mái ngói. Cái cửa sổ xế bàn người chú vẫn sáng rực. ánh đèn vàng ngụt tỏa ra với những bụi bặm. Chiếc bóng đèn của ông đầu tóc bơ phờ, in dài ra ngoài đường rõ như cắt. Tiếng sắt giũa ken két xiết sâu vào cái yên lặng. Ông càng cúi mặt vào những đồ làm.
Lúc đó, ở cái máy nước đầu ngõ, tiếng ầm ầm xô xát giành giật nhau vẫn không giảm đi chút nào. Những giọng cười hát kệch cỡm vẫn thấp thoáng trong cái không khí đặc sệt dưới bầu trời sao dày như cắt.

*
*    *

Nhà người con gái ấy phải dọn đi phố khác. Trong cái ngõ chật hẹp nhớp nháp và khuất nẻo kia không thể nào xoay trở cách làm ăn khác được. Người thím buôn hàng khác và người chú phải có nhiều khách mới và một chỗ tiện để họ đưa đồ đến thuê chữa.
Một cảnh tượng khác đã đổi trong gia đình. Một con lớn ông lấy vợ được một cháu. Người con thứ cơm nhà đi tập việc hàn xì sắt thành nghề. Hai con nhỏ ông và thằng em người con gái thì đứa lớp nhất, đứa lớp nhì. Và, lạ lùng, người thím bẵng đẻ đi tám năm, tưởng đã ngoài bốn mươi thì thôi hẳn, bỗng lại có mang và đẻ một cô sau khi con dâu bà ở cữ được một tháng.
Người con gái ấy không phải chăm bẵm các em nữa, và y không còn cái quần vải thâm kéo xếnh đến bắp chân, áo cánh cứ mướp ra như khăn lau vì các em bôi bẩn, giằng xé. Y luôn luôn ở trong nhà, có công việc ra ngoài hay đến nhà chị em, y đều áo dài quần trắng tha thướt và tóc chải mượt, búi ý nhị. Y đi nhanh như bị thúc giục, mắt cúi xuống thỉnh thoảng chớp chớp. Một tiếng gọi to, một cái nhìn sáng vút, một cái va chạm nhẹ, đủ làm y giật mình, trống ngực thình thịch, trong người bừng bừng, gò má đỏ lên.
Trước mặt người con gái ấy, sự thay đổi tuy dần dà, nhưng sực nghĩ đến, y không thể nào không ngạc nhiên vì thấy lại thật là nhanh chóng, rõ rệt quá. Phần nhiều những người con gái mà y biết đã chồng con ríu rít cả. Kẻ ở ngay gần phố y. Kẻ ở một tỉnh bên cạnh. Kẻ theo chồng đi xa hàng mấy năm y mới gặp. Không biết họ thật thế nào, chứ y thấy họ sung sướng lắm. Người thì chồng đi làm sở nọ, sở kia, người có riêng cửa hàng buôn bán. Vợ chồng họ ở một căn nhà có bàn ghế tiếp khách, có giường tây, tủ đứng. Ngày ngày, vợ đi chợ, vú em, con sen cắp rổ theo sau.
Người con gái cứ thấy họ hây hây. Mặt họ tươi, miệng, mắt hớn hở, tuy người họ hoặc gầy đi đôi chút, hoặc sồ sề hẳn. Phải kể những người con gái lấy chồng được như thế, chứ những kẻ con cái nheo nhóc, làm ăn đầu tắt mặt tối, nhiều khi còn bị đầy đọa do nhà chồng hay chồng bê tha, tình phụ, thì nói đến làm gì. Vả lại, dù thế, người con gái ấy cũng không cho là khổ. Ðời đàn bà phải vui lòng chịu những tình cảnh, nguồn cơn kia, nhất là mình lại con nhà nghèo.
Nhà hơn mười miệng ăn, lo toan mãi, người thím đã không còn thể gắng gượng hơn được nữa. Giờ bà đi buổi nào hay buổi chợ ấy, và, công việc nhà giao phó cả cho con dâu và cháu. Nhưng người con gái ấy phải nhận lấy cả. Vì người em dâu kia đẻ xong đã phải đi làm ngay không có tháng tháng nhà hụt đi bảy, tám đồng thì sẽ khổ vì nợ và cái chân trông máy chỉ hở một chút là mất! Vả lại, ở không là một cái tội. Y vốn con nhà không buôn bán các chợ thì lại chen vào các chỗ làm ngay từ thuở nhỏ, chân tay y giờ không thể nào ngừng cử động được.
Tuy quần quật việc của nhà cả ngày mà người con gái ấy vẫn phải chịu nhiều sự eo óc. Tiếng rằng mấy người lớn kiếm được tiền ấy, nhưng có đủ đâu? Người chú vẫn nhận việc thêm mà chẳng được mấy đồng vì thợ thuyền và máy móc tinh xảo mỗi ngày một nhiều, ông chỉ phải cặm cụi thêm. Vài chục bạc của ông và tiền của vợ, của con dâu, đong gạo, mua thức ăn, lắm tháng đến ngoài hai mươi đã hết. Bao nhiêu sự chi tiêu khác thế là phải trông cả vào người con lớn. Thì người này sức làm việc cũng có hạn và anh không đừng được sự may mặc cho vợ con. Do nào thiếu thốn, vất vả, công nợ, sự riêng tây, người kêu ca, kẻ nghiến rứt, khiến trong nhà không mấy ngày không ầm ỹ.
Cái không khí nặng nề càng nén thấp xuống đầu họ nhức nhối. Người chú đã ít nói lại ít nói thêm. Trái lại, người thím hễ về đến nhà là bắt đầu chửi rủa, rêu rao, kể lể ngay từ ngoài cửa. Trước, mỗi người con gái ấy, giờ thêm người con dâu và cả nhà phải nghe cái đĩa máy nói không ngừng mở nguyên một giọng. Cất tay bà nói, cất chân bà nói, nhấc cái chén bà nói, cầm cái phất trần bà nói, sáng sớm dậy trước nhất nói cho tới khuya, người đàn bà khô đét như con mắm nay không hiểu sao lại có thể sa sả nói được như thế? Nhiều lúc người chú đã hắt tung cả mâm cơm và những đồ làm đi mà gầm lên:
- Trời ơi! con vàng nanh đỏ mỏ kia, mày có câm đi không! Mày có muốn để người ta sống mà làm ăn hay nhà cửa tao phá tan hoang, mỗi đứa mỗi nơi?
Người con gái ấy và lũ em chỉ biết nhìn người cha già và nghe sự đau đớn ran lên trong lòng giữa cái yên lặng khó thở lúc đó. Những lần xảy ra cảnh đập phá ấy, y chỉ biết ghi vào cuốn nhật ký, rồi giở ra đọc thầm qua những giọt nước mặt vào những buổi xế trưa cả nhà đi vắng và những đêm khuya tiếng ngáy ngủ dồn dập cất lên rõ mồn một trong bóng tối. Những phút yên lặng được khóc thầm với mình này còn là những lúc sung sướng cho người con gái ấy.
Bếp nước xong, chân tay sạch sẽ, y lừa cho hai đứa nhỏ con người thím và người em dâu ngủ thật say. Không giở những quần áo rách của cả nhà ra vá thì y đem những đồ đan của chị em bạn nhận cho. Vài đồng bạc công ấy y muốn đưa cho người thím để rồi xin lại bà một món may mặc, hay y giữ lấy cũng được. Nhưng thường người con gái đan được bọn đồ nào đều đưa cho bà, và, có thì chỉ bớt dăm hào để tiêu vặt về phần mình và mấy đứa em nhỏ. Nhịp với hai que sắt mạ kền thoăn thoắt kết những sợi len, chỉ lại, người con gái ấy để cuốn tiểu thuyết mượn của chị em bạn xế trước mắt đọc miên man từng dòng, từng chữ. Có cần gì đâu những truyện sâu sắc và đưa đến những ý tưởng tươi đẹp! Người con gái ấy chỉ cần thấy mình cùng đau đớn và chán nản với những cảnh thê thảm trong truyện là y cho rằng truyện viết hay, là y sung sướng với sự giải trí sách vở đó. Có rung động một cách như thế, y mới là người và cao quí nữa. Vì so sánh mình với những nhân vật tiểu thuyết, y thấy hai cảnh đời sao mà gần gũi với nhau thế, cùng là những cái gì người ta phải coi là kiểu mẫu và tấm tắc rằng trên mặt đất này chỉ những linh hồn đau khổ ấy mới xứng đáng yêu mến, kính phục thôi. Với y, những linh hồn chị em trong sự tối tăm thật là chứa chan thi vị, phải có những con đường đi riêng cho những đời sống cô độc, lạnh lùng không được mấy ai hiểu biết kia.
Người con gái ấy xót xa cho mình vô cùng. Và y xót xa cho cả những người thân mến, họ đau khổ mà không rõ, y thương cho người chú cặm cụi nuôi các con, cháu đến tận giờ mà cũng chưa được đền bù chút gì. Y thương cho người thím cằn cỗi gần như điên cuồng, đến y là kẻ dễ tha thứ và chứa chan cảm tình với mọi người mà lắm lúc cũng không thể chịu đựng được bà và cũng bị bà coi như quân thù, quân hằn. Y thương cho hai đứa con nhỏ của chú và người em của y thua anh, kém bạn. Và y man mác nghĩ đến hai đứa bé mới đẻ của thím và người em dâu kia, cha mẹ chúng làm ăn lam lũ như thế nào còn mong gì gây dựng cho chúng được sung sướng.
Người con gái ấy đã khóc rất nhiều, khóc luôn luôn trên những trang tiểu thuyết. Càng đầm đìa nước mặt, y càng thấy mình được gội trong một làn nước mát hay những lớp sương gió. Sự uất ức ngùn ngụt hun đốt người y được giây phút tắt đi. Y được nhắm mắt lại trước cuộc đời như là những ngọn lửa cuồn cuộn lao vào mặt.
Lệ Hà, cái tên hai chữ này bắt đầu từ đây. Cái Lệ Hà đen, cái Lệ Hà mùa thu, tất cả bạn người con gái ấy đều gọi y với cái tên đó. Và trong những bức thư, những tấm khăn nhỏ của y dùng, hai chữ Lệ Hà viết rất đậm, thêu thật uốn éo, nổi lên đỏ như máu.

*
*    *

Người con trai ấy đến với Lệ Hà, và Lệ Hà đã ra đi với người con trai ấy. Anh ta được một người bạn gái thường sụt sùi than thở với Lệ Hà giới thiệu. Anh đã gửi cho y một thư. Y đã trả lời luôn hai thư. Sau liên tiếp năm thư viết cho nhau trong những đêm buồn như tận thế, họ đã cầm tay nhau và nức nở nói rằng yêu nhau.
Trắng trẻo, tầm thước, tóc không uốn mà bồng lên, và mắt sáng nước, anh ta mới hăm ba tuổi, hơn người yêu vừa đúng ba tuổi. Anh giữ chân bán hàng cho một hiệu cao đan, hoàn tán mở nguy nga như nhà bào chế tây giữa một phố lớn. Ngoài những thì giờ bán hàng, anh còn giúp vào việc gửi gắm hàng nghìn thứ thuốc cho những đại lý ở tỉnh xa cứ một ngày lại mọc thêm sau những cách quảng cáo rất kỳ lạ của ông chủ tốn hàng bạc nghìn.
Thôi học, ở nhà quê ra, anh ta đã ngoi ngóp đi bốn năm tỉnh và xin việc làm đủ mọi nơi. Nhưng chẳng có lấy một cái bằng, và vai không thể vác được gạo, tay không thể kéo được xe anh ta nấn ná làm ở vài chỗ rồi cậy cục vào hiệu thuốc nọ thì khư giữ lấy cái việc sổ sách đó như kẻ sắp chết đuối vớ được cọc. Anh tự nguyện phải hết sức cẩn thận và ghê tởm như kẻ giết người, những kẻ dại dột đã vì mê chơi hay đứng núi này trông núi nọ mà bỏ công việc.
Kể ra không phải đeo đẳng vài bổn phận thì anh cũng có thể như vài người bạn trẻ kia chiều chiều nhởn nhơ ngoài phố với cái đầu nhẫy bóng, áo lót mình bằng hàng tơ, túi quần xóc xách tiền, nghênh ngang vào hiệu cao lâu, rạp chớp bóng, ganh đua với những trai gái khác. Lương tháng anh hai mươi đồng, ngoại tài trung bình chục bạc, một thân một mình ăn tiêu vừa phải thật ung dung. Vì dạo đó gạo một hào được hơn một ống cân, chúc bâu trắng tốt nhất có ba hào một thước, gian gác kê đủ bàn, tủ, giường và mắc cả điện thuê tháng đắt lắm chỉ tới bốn đồng. Sự sinh hoạt dễ chịu quá, số tiền anh kiếm được biết cách ra có thể làm giàu được.
Ðây anh ta còn một người cha mới sau mươi tuổi mà đã lọm khọm, ngồi lâu một lúc cũng thở không ra hơi, như một cụ già tám, chín mươi ngấp nghé miệng lỗ. Ông ta có hai đời vợ, hai bà đều khỏe mạnh mà lại chết cả. Mỗi bà đẻ đến tám chín bận, nhưng chỉ còn một mình anh là con trai và hai đứa con gái nhỏ con bà hai. Ba người này ở luôn luôn bên cạnh anh như sợ anh sểnh một chút là bị những cái rất ghê gớm trong đời cướp nghiến ngay đi. Nhà anh là ngành trưởng. Bao nhiêu giỗ tết, còn sống hai người đàn bà kia phải lo đủ, giờ anh phải gánh vác cả. Tuy đã dắt nhau ra tỉnh, bốn cha con thuê hai gian nhà lá ở một xóm xa thành phố mà người làng, người họ vẫn cứ tìm đến không một kỳ đóng góp nào bỏ sót.
Người con trai và người con gái ấy yêu nhau lắm. Không được như những trai, gái khác đường hoàng âu yếm khoác tay nhau ngoài phố, họ phải hẹn hò nhau ở những phố xa, vắng và có bóng cây. Họ đi song song, bước đếm từng miếng xi măng lát hè, nói nhỏ nhỏ từng lời rồi yên lặng thoáng nhìn lên nhau qua những cái chớp mắt. Họ còn tìm nhau ở vài nơi bên bờ sông, trên một con đường quê gần tỉnh, và đã vài lần, say lên quên cả mọi sự, họ đã lang thang ở một vùng có sông rộng, chân trời in nét núi xanh.
Họ sung sướng và thấy không gì bằng. Vì họ được xa chốn đông đúc, bụi bậm. Họ được xa những cảnh ăn chơi nhộn nhịp, lâng lâng trong sự khoáng đãng. Như thế chứng tỏ rằng họ hiểu nhau lắm, hòa hợp với nhau bằng hai tấm tình tinh túy nhất của tâm hồn. Họ đã khác hẳn những cặp trai gái khác. Một sự tự kiêu xứng đáng khiến họ có thể cất cao đầu lên giữa những cái gì mà người đời ghê gớm lắm, gọi nào là bùn lầy, nào là tội lỗi, nào là trụy lạc. A! tuổi xanh! Họ còn trẻ quá và lại được gặp nhau, tha thiết với nhau, sự tha thiết đầu tiên của tâm hồn.
Phấp phỏng gần gũi nhau như thế nhiều lắm mới được vài giờ, rổi họ phải chia tay nhau. Ði xa rồi, trông lại nhau, ruột gan họ đau buốt thâu đêm. Ðã thương nhau lại càng thương nhau vô cùng. Họ thấm thía thấy mình cùng phải chịu bao nhiêu sự thiệt thòi, cùng chung một tương lại không có gì tốt đẹp. Hơn nữa, họ còn phải vì nào cha mẹ, anh em, những người ruột thịt mà chìm đắm vợi họ trong sự khổ não mãi mãi.
Một tháng... hai tháng... nửa năm, thế họ đã yêu nhau được một năm. Càng ngày, tưởng gần nhau chốc lát hay trông thấy mặt nhau là đủ, ngờ đâu sự nhớ mong càng ngùn ngụt. Không phải hàng tuần, mà chỉ một ngày hay một buổi vắng nhau, họ càng nghẹn ngào, bứt rứt, chán nản rũ ra được. Về phần người con gái, lòng nung nấu đôi lúc còn dịu đi vì y hết sức đè nén bởi phải giữ gìn với người chung quanh và với cả chính mình. Chứ người con trai thì anh đau khổ quá, khó mà chịu hơn được. Anh không còn cất nhắc nổi cái quản bút, tính trọn một trang sổ mà cả người không rởi rã, bải hoải như bị tra tấn thâu đêm. Cứ thế mãi, anh đến chết mất. Không phải trên cái giường bệnh hay trong tay một người nâng giấc, anh sẽ chết, cái chết khủng khiếp của một người điên lên cơn, treo mình lên cành cây, lao vào đầu tàu xe lửa, đốt cháy nhà rồi đâm vào...
- Lệ Hà ơi! Chúng ta phải lấy nhau.
Những tiếng này đã rên rỉ hoang mang bên tai người con gái. Y rùng rợn. Mặt anh con trai sáng một cách dữ dội. Hơi thở anh hồng hộc như con lợn giẫy giụa chống với con dao đổ tể. Người con gái đã run run đẩy người tình ra, lắc đầu nhìn.
Không còn có thể giấu giếm được nữa cuộc yêu đường này. Cả người chú cũng đã biết. Không phải ông nghe vợ ông hay con dâu ông nói. Chính ông là người nhà đầu tiên bắt được cháu gái mình đi tình tự với người con trai. Buổi trưa ấy, ông đưa đồ của sở đến đặt làm và nhận riêng của vài bọn khác. Người con gái đã tái mặt đi, tưởng đứt thở mất trước cái nhìn từ từ rồi quay đi của người chú như không hay biết. Tối hôm đó và luôn một tuần lễ sau, y không dám đi đâu. Lúc vội vàng đem ngay quần áo nhận đan làm ở bên cái ánh sáng ấy. Y thức khuya hơn mọi khi, ngồi hàng giờ thoăn thoắt đưa những mũi que mà không nói, không ngả lưng. trong khi ấy người chú còm cõi, tóc đã lớt phớt bạc kia, thỉnh thoảng mới đưa mắt nhìn cháu. Vẫn với hai con mắt yên lặng, lờ đờ, ông nhìn cái vẻ mặt như muốn trốn tránh của cháu, thấy trong lòng nổi lên vừa đau đớn, bực tức và bùi ngùi thương xót.
Ðã lâu lắm, ông mới chú ý đến cháu. Ông ngạc nhiên thấy cháu cao và nở nang khác hẳn đi. Y gần như không còn tí gì của thuở bé. Từ đôi mắt, cái cằm xuống đến vai, đến ngực đều thay đổi. Tóc chải bông, da nâu chín, môi dày, tươi, răng tuy thô một chút nhưng trắng muốt, cháu ông không xấu lắm tuy chẳng trắng trẻo, son phấn như những người con gái khác.
Người chú nhẹ thở dài;
- Nó đã lớn rồi!
Ông nghĩ đến nếu cháu vào một nhà có buôn bán hay cha làm sở nọ, anh em sở kia, vàng đeo cổ, quần áo lụa là, thì ít ra cũng được vài nơi nhòm ngó. Ðây những nhà giàu sang như thế họ tìm những dâu con nhà như họ hay hơn họ. Còn những kẻ thợ thuyền hay làm ăn nghèo ngặt thì vừa không lo được tiền cheo cưới, vừa phải lấy hoặc gái phu hồ, hàng gạo để cùng gánh vác sự lam lũ với chính mình và không khinh mình, chứ họ, đâu dám với tới cháu ông, chẳng gì cũng là con nhà hàng phố, tân thời, chỉ biết có việc bếp nước nhẹ nhàng. Trở lại, chỉ những tụi trai lơ, vô công rồi nghề mới tìm đến. Thì thà rằng thấy con cháu mình chết già chứ chẳng cha mẹ nào dám liều gả đi, vì con cháu họ sớm tối rồi cũng chết khổ sở đày đoạ thôi!
Người cháu gái ông lấy chồng giàu sang, ông không dám và cũng không thích mơ tưởng đến sự đó. Ðôi khi chợt tưởng đến sự chồng con của cháu, ông chỉ muốn y làm vợ một người nào đó nghèo nàn hay bơ vơ cũng được, nhưng cốt nhất phải có nghề nghiệp. Cheo cưới thế nào cho khỏi mang tiếng để cháu theo trai, ông sẽ cho cháu về với người ta. Vợ chồng đều còn trẻ sẽ vui vẻ với nhau mà kiếm cách sinh sống cho khỏi đòi rách, con cái khỏi nheo nhóc là được. Ông chú đã nghĩ thế, tâm trí nao nao. Người anh ông hay người chị dâu còn sống và có đôi chút tiền của để lại, ông chẳng lo làm gì. Ðây người cháu gái sống với ông đã khổ sở lại còn khổ sở nữa thì ai oán cho y quá. Thôi y đã thương yêu ai, và người ta thương yêu y, hai người có thể gắn bó với nhau, ông chảng cần gì hơn, và, cả hai con người đã chết sớm kia cũng chỉ mong thế.
Người con gái ấy hồi hộp nhìn người chú luôn tay kìm, búa dưới ánh đèn, thỉnh thoảng mới ngẩng lên. Y cảm thấy rõ sự yên lặng thấm thía của chú mà ứa thầm nước mắt. Y tưởng đến hình ảnh của bố mẹ mà y chỉ còn thể nhớ được lờ mờ. Mười mấy năm rồi, người đàn ông này không bao giờ nói đến chị em y một lời. Bố mẹ y cũng chỉ hiền từ đến như thế. Cái búa tạ dùng lâu còn vẹt đi nữa là người. Cứ còm cọm hết việc này chưa xong đã bắt ngay sang việc khác mà chẳng được lấy vài ngày nghỉ ngơi, ăn uống tâm bổ, không khéo mai kia thôi chẳng thể gượng gạo được nữa, ông chỉ bị một trận ốm là khuỵu. Nhắm mắt chết, ông nào đã được gì, được một chút gì thật êm vui trong đời đâu?
Người con gái lại thấy không thể nào lìa bỏ chú mà ra khỏi cái nhà này được. Yêu người yêu, tha thiết với người yêu, y sung sướng với cái ý nghĩ ấy thì càng phải biết thương chú, hết lòng với chú, một người tận tụy với chị em y không một lời than thở. Y nhất định ở với chú tới bao giờ hai đứa con trai nhỏ của chú và đứa em của y lớn lên, có vợ con tử tế, làm ăn phụng dưỡng ông, y sẽ lấy ai hay không cũng được, chứ đương lúc này trong nhà luôn luôn eo óc, giờ ăn uống nghỉ ngơi cũng đầy khổ não như chốn tù tội, thế mà y về nhà người khác, thật vô cùng nhẫn tâm. Y chẳng làm được nhiều tiền giúp đỡ, nhưng có y cơm nước sạch sẽ, đồ đạc thu dọn gọn gàng, các trẻ nhỏ trông nom cẩn thận và sự an ủi, âu yếm, người đầy tớ hết lòng nào như y thuê được.

*
*    *

Người con trai ấy phải đi, không còn thể viện một lẽ gì cưỡng lại được. Anh đã mất việc, ông chủ hiệu thuốc bảo anh nghỉ để nhường cái chân bán hàng và giúp việc lặt vặt ấy cho người cháu họ ông. Tuy người cháu này ít tuổi, chưa làm đâu cả và dại nghếch, nhưng ông cần gì! Cốt sao cho ông bảo thế nào y nghe vậy. Y không biết ăn cắp của ông, thông với người ngoài tiết lậu những cái bí mật của ông, nói tóm tắt làm lợi cho ông là đủ.
Nghỉ một ngày, chơi một ngày là hư hỏng một ngày và để gia đình phải khổ sở. Bởi vậy, người cha già anh con trai tức tốc bắt anh phải tìm ngay việc khác, và cả ông sáng sớm uống xong chén chè tàu nghiện ngập, ông liền khăn áo đi cậy cục chỗ làm ăn cho con. Một người bà con đã làm ơn nhận lời cầu khẩn của ông, đưa anh con trai đi với mình. Họ đi Sài Gòn. Trong đó, người bà con nọ trông coi một nhà in còn mở mang to nữa. Anh con trai không bán hàng thì giúp việc ấn loát, hay nếu xem ra chí thú, có chí lập thân, y sẽ bảo cho anh cách giữ sổ sách và tiền nong làm phụ y.
Lương tháng y sẽ xin ông chủ trả cho ba mươi đồng, khi nào thông thạo việc sẽ tăng. Ăn ở nhà y, y lấy rẻ hai mươi đồng kể cả các khoản giặt giũ quà sáng. Như thế anh còn có thể gửi về nhà dăm bảy đồng hay chịu thương chịu khó không tiêu pha gì thì cả chục. Ðó là một món tiền cha và em kiếm đâu ra được ngần ấy bây giờ? Vậy chủ nhật tới này, hai người sẽ lấy vé tàu hỏa đi suốt vào chốn làm ăn kia.
Người cha đã thân dẫn anh con trai về quê lấy thẻ căn cước. Ông thân làm mấy mâm lễ để dâng gia tiên trình ngày lên đường của con và cầu sự phụ hộ. Ông mua cả cho con những khăn mặt, xà phòng, dầu bạc hà, thuốc kí ninh... Cộng với tiền tàu bè về quê, tiền chè, tiền xe cho lí trưởng và những tiền khác, tất cả đúng hai chục bạc. Ấy là không kể hai chục bạc lấy vé tàu cho con và cảm tạ người bà con cứu tinh kia một vé. Ba sào ruộng giỗ chạp cuối cùng thế là đi đứt. Nhưng người cha không một chút hối hận. Rồi lại tự tay ông, ông bỏ tất cả sách vở, ống quyển và những di tích của thời lều chõng của ông gói ghém cất đi, nhường cái hòm sơn chắc như cái tủ sắt ấy cho con. Ông xếp vào đó không thiếu một thứ gì cần dùng của con kẻo vào đến cái xứ tiêu tiền như ăn gỏi ấy mà cứ thiếu một tí lại đi sắm thì kiếm được bạc trăm cũng chết vì nợ mất. Luôn mấy đêm ông không ngủ được. Ông càng cố nhắm mắt thì trong người càng bừng bừng như lửa đốt và như là có những tiếng đàn hát ran ran bên tai. Sự chiêm nghiệm của ông càng thấy đúng. Cái may thường kèm cái rủi, trong cái rủi thưởng nảy ra cái may, tưởng người con trai ông thất nghiệp dông dài, hay đây nhờ sự tu nhân tích đức của ông và số kiếp tới ngày đạo đạt, người bà con kia đến, chuyến này phải là chuyến bay nhảy của con ông. Vừa được giữ sổ sách, vừa được học tập công việc nhà in, con ông cũng có đôi chút thông minh, y dần thông thạo, ấy là sẽ có một cái gậy chắc cầm tay. Rồi giao dịch buôn bán nhiều với Tây, Tàu, với kẻ nọ người kia, y thế nào chả gặp cơ hội tốt.
Cái mộng đêm ngày ông xây đắp gần lụn đi ấy ngày nay sắp thực hiện rực rỡ. Ông sẽ chuộc lại ruộng vườn, làm lại nhà cửa, có trâu cày ngựa kéo, ăn trên, ngồi trốc trong làng. Con trai ông sẽ lấy con gái một nhà khá giả, sự giàu sang cứ đời nọ tiếp đời kia. Càng tưởng tượng, người cha già càng thấy sự cho con đi làm mai đây chỉ có một bề như là sự sống chết. Bỏ lỡ dịp này, ông sẽ tiếc suốt đời. Con trai ông rồi cũng cả đời khó lòng mở mày mở mặt. A! Mà lâu nay ông đã được biết y đi vào con đường tình và say mê sắp quên cả mọi sự. Tuy ông không được rõ mặt, nhưng nghe người ta nói thì người con gái cám dỗ con trai ông kia phải là hạng hư hỏng lắm. Cái thứ đàn bà con gái gì mà tóc chải cuộn lên, mặt đầy phấn sáp, quần áo mỏng dính, chỉ cựa mạnh là toạc ra, chẳng biết chịu thương chịu khó, chắp bóp dành dụm gì, cứ nhà hát, chớp ảnh, xe đạp, tiểu thuyết? Ðó là những yêu tà tác quái cho người ta, chứ không phải là người.

*
*    *

Lệ Hà! Người yêu đầu tiên của người con trai và, người con trai, nguồn hy vọng đầu tiên của Lệ Hà.
Ðôi này đã khóc đầm đìa với nhau tuy họ nhất định đi với nhau. Người con gái cũng xin gấp được thẻ căn cước và sắp xong mọi hành trang. Y phải đi vì thấy không thể chịu được sự nhục nhã, đau khổ hơn nữa. Người thím y cứ sáng, chiều, hết ngày ấy sang ngày khác rêu rao chửi rủa y. Nào y hư hỏng, bội bạc, bôi tro trát trấu cho nhà, sống cũng bằng thừa. Không phải giờ bà mới quyết liệt như thế, mà ngay từ khi được biết cháu phải lòng trai, dám hò hẹn lén lút với trai.
Người con gái ấy đi, ai chứ, bà đã chẳng giữ lại, còn gạo muối tiễn tống nữa. Y không tự ra khỏi nhà bà thì giờ bà đã nuôi cho mười chín, hai mươi tuổi đầu, bà cũng chẳng còn hơi sức đâu trông coi. Y muốn theo ai, làm gì bà cũng mặc. Và chết thì thôi chứ bà không sao nhìn nhận được người con trai kia làm cháu rể bà, dù anh và ả trở nên ông nọ, bà kia, tiền trăm, bạc nghìn đưa bà, bà cũng hắt đi.
Người con gái ấy cũng biết lắm, cũng tủi cực lắm. Y biết ra đi như thế sẽ gieo bao nhiêu tai tiếng cho nhà, làm lo phiền cho người chú và các em, và, đối với bà thím, tức là đánh một cái dấu tận tình. Biết làm sao? Ở lại để chán nản rồi chết vì buồn ư? Ðương yêu nhau mà nhìn kẻ ở người đi thì sớm chầy trong sự chia li cũng có một sự không hay xảy đến, và, theo liền là cảnh tan nát không thể nào hàn gắn được. Người ta chỉ có một đời, một tấm tình và một hạnh phúc để sống. Thế mà tất cả những cái này không ghì riết lấy, không hết lòng với nó thì còn gì là con người, là sự vui sướng? Nhất là tấm tình! Tấm tình yêu bao trùm cả sự vật trong đó hai con tim kia gần nhau chung một nhịp thở đã thấy sự hòa hợp êm đềm bên cạnh bao nhiêu con tim khác đã thành đôi!
Vả lại, cái mắt nhìn, cái miệng cười, cái tiếng nói, cái hơi thở, cái bóng dáng của người nhau. Tất cả những cái đó thành như một thức ăn uống của họ rồi. Gần nhau, không những họ được tỉnh táo mà còn hăm hở chung sức với nhau để gây hạnh phúc. Càng ngẫm mình, người con gái thấy chịu khó làm việc, dành dụm lấy ít tiền gửi về nhà cheo cưới rồi mới ăn ở với nhau. Họ sẽ có một vốn nhỏ mở một hàng tạp hóa, nhận cả các quần áo đan. Khấm khá, người con gái sẽ cho đứa em ruột mình và hai em họ theo học lâu để đỗ lấy “thành chung”, “Tú tài”. Ông chú sẽ nghỉ nhà. Bà thím cũng thế, rồi cùng người cha già, người con trai, chú thím y sẽ hiểu tấm lòng của cháu thủy chung hiếu nghĩa.
Còn một buổi tối nữa. Sáng sớm mai, người con gái đã ra đi. Một làn nữa, y rụt rè đến trước mặt bà thím, đầu cúi thấp, run run xin lỗi bà và xin phép bà. Nhưng bà đứng phắt dậy, xua tay bỏ sang hàng xóm. Người con gái đành gạt nước mắt nhìn theo. Ðể tránh sự xô xát tan hoang làm đau lòng thêm cho chú, đến trưa, người con gái lên sở chú. Ông chỉ yên lặng nhìn cháu rồi thở nhẹ một tiếng. Ông nói ừ thì y đi. Nhưng, đã biết y không phải là hạng gái hư hỏng, ông vẫn dặn dò y và xin y hết sức giữ gìn thân mình, phải cẩn thận từng li từng tí trong bất cứ công việc gì để khỏi hối hận về sau. Ông lấy ở túi áo trong ra mười đồng bạc, bắt người con gái phải cầm để thêm vào tiền tàu và lại dặn hễ vào tới trong đó phải gửi ngay thư về, rồi làm ăn ra sao hay gặp sự gì không hay cũng phải cho ông biết tin. Người con gái lại chan hòa nước mắt. Trưa hôm ấy nắng. Những tiếng reo vàng rực của gió và cây cỏ làm hoa cả mắt y. Y đã chợt toan ở lại vì thấy những cái như là dây chão, là dao sắc, trói ghì lấy lòng mình và xẻo ra từng miếng.
Sài Gòn, một trong những viên ngọc Viễn Ðông. Ðây người ta nói thành phố to như Thượng Hải hay xa xôi hơn, như Nữu Ước của Mỹ châu. Ban đêm, sự buôn bán làm ăn không ngừng, ánh sáng còn rực rỡ hơn ban ngày. Chung quanh, các miền cày cấy cứ thẳng cánh cò bay, lúa chín rừng rực, sông mước mát rượi, cá ăn không hết. Bao nhiêu công việc tạp nhạp, người trong ấy để cả cho khách trú và người Bắc làm hết. Hầu hết họ cứ đến bữa ăn thì ra tiệm, tối đến đi chơi, chẳng lo nghĩ gì cả. Ðồng tiền thật như nước. Bao nhiêu kẻ đã nhờ đây mà nổi cơ đồ. Cả những kẻ đi phu, vợ con dắt díu nhau với chăn chiếu, quần áo tay xách nách mang kia, họ bước chân xuống tàu đều tươi như hoa nở.
Chuyến xe lửa suốt chạy vào Sài Gòn khởi hành lúc sáng sớm. Người con gái dậy sớm từ bốn giờ, chào lạy chú thìm, nức nở cầm tay các em bé, cháu bé rất lâu rồi đi...

*
*    *

Tám tháng sau, người con trai trở về Bắc. Anh về mỗi mình với cái hòm sơn của anh. Người anh gầy tóp, xơ xác, phải nhận mới ra. Cái nhà in anh làm sang tay chủ khác đã năm tháng. Anh là một trong bọn người ông chủ mới giãn ra. Còn người con gái nghe đâu y cũng ốm lắm. Mà vừa ốm, vừa tiền không, quần áo lành lặn không, y đâu dám trở về cái nơi đã ghen tức nhìn y ra đi với một người con trai hớn hở. Một dạo, được tin y thôi giữ chân bán hàng, lại về ở trọ nhà người quen nhận quần áo các nơi đan. Bẵng đi lâu mới thấy nói y theo giúp một chị em người Bắc mở nhà hộ sinh. Rồi cả người con trai và người chú cũng không hay biết gì về y. Hiện giờ người con gái này ở đâu, còn sống hay chết và làm gì?
Lệ Hà! Lệ Hà da nâu chín, trán thô, tóc cứng chải bồng lên kia hiện giờ ở đâu, còn sống hay chết và làm gì, hỡi những bạn đọc tin cậy của tôi?

Tiểu thuyết thứ bảy, từ số 486 (6-11-1943) đến số 489 (27-11-1943).
In trong tập Miếng Bánh, nhà xuất bản Ðời Nay, Hà nội, 1945

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét