Tôi dạy học
Tác giả: Nguyên Hồng
Những trường ấy ở những vùng ngoại ô mà nhà
cửa chen chúc nhau trong một làn không khí nồng nực mùi hôi thối của rác rưởi
và ao lầy, ở những ngõ hẻm giữa những phố xá sầm uất mà người và vật lúc nhúc
trong nhớp nháp, bụi rậm. Những trường ấy có những tốp học trò lóc nhóc từ sáu,
bảy tới mười tuổi, dưới sự trông coi và dạy bảo của những ông thầy cằn cỗi, bơ
phờ trạc tuổi bốn năm mươi hay những cậu giáo mười bảy, mười tám tuổi, cuộc đời
xơ xác và tâm hồn đầy chán nản. Những trường ấy cũng như những kẻ trọng tội bị
truy nã, lẩn lút trong gian nhà ở góc vườn, ở xó gác, hay ở dưới hàng hiên.
Vì học trò không lấy được giấy khai sinh và
là con những gia đình cùng khổ. Vì thầy dạy không có giấy phép bởi sự khai
trình khó khăn phiền phức và không thể chạy được nào tiền bàn ghế, tiền thuê
nhà trong lúc sinh hoạt vô cùng đắt đỏ này.
Học lẩn lút mỗi tháng mất từ bốn, năm tới
sáu bảy hào: dạy lẩn lút luôn luôn hồi hộp mỗi tháng kiếm sáu bảy đồng bạc, món
tiền nuôi sống một cách hèn hạ những con người nheo nhóc: đó trò; đó thầy.
Hơn ba năm, tôi đã là một “cậu giáo”. Hơn
ba năm tôi đã nhờ cái nghề gõ đầu trẻ lẩn lút này mà nuôi sống miệng tôi, được
người mẹ hiền từ quá của tôi, được người chú dượng khờ khạo, lẩm cẩm và đứa em
dại dột của tôi. Xóm tôi ở là Cấm. Cái xóm mà người lạ lớ rớ đi vào thì không
thể nào tránh được nạn bốp mũ, giật khăn ở những con đường chật hẹp, ngoằn
ngoèo hai bên ngập ngụa rác rưởi.
Một cái xóm cặn bã! Nó chứa chấp phần đông
phu Sáu kho - những phu đanh đá, ngỗ ngược cả từ đứa con gái còn có tóc xõa đến
người đàn bà đã có bảy, tám con - những tốp làm xe thất thường, những bọn thợ
không chuyên nghiệp, những đàn bà buôn thúng bán bưng và những me tây, gái kiếm
tiền cùng mạt nhất.
Một cái xóm mà đường đi thường lụt máu! Vì
một cái mở bát chạc, một ván bài ù không được tiền, một giọng cười khiêu khích
của người con gái không cần đẹp lắm nhưng lẳng lơ.
Nhưng mọi người đối với tôi đều tử tế. Họ mến
tôi lắm. Những cha mẹ học trò dù hung bạo chừng nào cũng kính nể tôi. Vì tôi là
cậu giáo, người đã dạy con cái họ...
- Chữ này là chữ C, nó giống cái lưỡi câu.
- Chữ này là chữ O, nó tròn như quả trứng
gà.
- Chữ này là chữ Ơ thì thêm cái móc.
- Chữ Ô thì thêm cái dấu mũ.
- Le
dindon là gà sống tây..
- La
poule là gà mái.
- Père
là cha.
- Mère
là mẹ.
Và nào là luân lý, vệ sinh, toán pháp, địa
dư.
Ba tháng, mỗi tháng bốn hào, tất cả một đồng
hai, món tiền thường thua những lúc mở bát liều. Chỉ mất có một đồng hai mà các
cha mẹ nọ được xem con mình viết, con mình làm tính, và sung sướng khi nghe nó
đọc lai nhai những bài thuộc lòng của tôi đặt ra:
... Đàn con ngày khôn lớn,
Cha mẹ ngày héo hon,
Sữa mẹ dần cạn kiệt,
Thân cha một gầy mòn,
Làm con nên nghĩ tới,
Công ơn trời bể kia,
Giữ tình thương đằm thắm,
Đừng bao giờ san chia...
... Hơn ba năm, cái gia đình bốn người của
tôi đã sống bằng số tiền học thu hàng tháng. Hơn ba năm, chúng tôi yên lặng sống
trong hai căn nhà, một căn, kê một cái giường, một cái phản và một cái hòm
chân, dưới nó xếp nào thạp gạo, vại dưa, rổ bát, nồi niêu; một căn có khoét cửa
sổ hẳn hoi và không che liếp. Gian thứ hai này là gian lớp học, kê chật ních bốn
cái bàn học dài và bốn cái ghế, bằng chân niễng, bằng cái ghế đẩu ghép lại, bằng
một mảnh ván kê lên bệ gạch. Hơn ba năm, tôi đã sống vói hơn hai mươi học trò,
ngồi chen chúc nhau, có khi phải leo cả lên cái bàn mọt chân của thầy giáo -
hơn hai mươi đứa trẻ lau nhau, rách rưới con các phu phen, các người buôn bán
nhỏ nhặt, các người gánh nước, các bồi bếp.
Đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng, con vào
học ngày nào, họ trả tiền ngày ấy. Họ trả rất sòng phẳng vì cậu giáo nghèo, và
hơn nữa, họ còn tỏ ý thương và mến tôi. Tôi còn ít tuổi, mới mười bảy. Họ chỉ
thấy tôi chúi mũi vào sách và cặm cụi viết. Họ chẳng biết tôi viết những gì mà
cứ hết tập này lại tiếp luôn tập giấy khác và đêm nào cũng như đêm nào khuya lắm
mới tắt đèn.
Hơn ba năm, tôi đã yên lặng sống trong sự cần
mẫn làm việc, trong sự túng thiếu luôn luôn và trong tình thương xót của một
người mẹ và một người em gái muốn có việc làm mà không sao được.
Hơn ba năm, tôi đã sống bằng đồng tiền máu
mủ của những cha mẹ cùng khổ như tôi, hay có khi hơn tôi.
Đã có lần tôi hỏi một đứa học trò thường
thiếu tiền học:
- “Bá” [cha, bố] cháu lĩnh lương chưa?
Con bé tóc xõa hung hung và óng ánh như tơ
này ngước mắt nhìn tôi. Mắt nâu trong của nó mờ đi sau màng nước dầy và óng
ánh, nó nghẹn ngào:
- Thưa cậu, “bá” cháu mất việc từ tháng trước
rồi!
Và một đứa nữa:
- U cháu nghỉ chợ hay sao mà cháu chưa giả
cậu tiền?
Thằng bé để tóc rẽ và lúc nào cũng có nụ cười
trong cặp mắt sáng ấy đáp lời tôi với câu gọn lỏn:
- U cháu mới đẻ hai em bé thì đi sao được!
Tôi đã cố gắng giữ tiếng nấc trong cổ họng
và quay rất nhanh mặt đi để chùi nước mắt khi thằng bé An béo sị và ụt ịt như
con lợn khoe với tôi:
- Thưa cậu, “bá” con bị bắt bỏ bóp!
- Sao thế cháu?
Thằng An nói nhiều lắm, nhưng tôi không muốn
nhắc lại, vì mỗi lời ngượng nghịu của đứa trẻ mới chín tuổi đầu mà chịu đói
luôn luôn này như một mũi kim ấn từ từ vào tim tôi.
- Thưa cậu, người ta bắt cả gánh hàng của
“bá” cháu nữa.
An, Phòng, Như, Lết!... Các em nhỏ của tôi!
Cha mẹ các em đã giúp tôi sống trong ba năm đói kém và cùng cực vô cùng; ba năm
mà tôi luôn luôn hồi hộp lo sợ mỗi khi có người đội xếp Tây hay ta cũng vậy đi
vào trong xóm! Nhưng ba năm ấy các em đã cho tôi nhiều phút sung sướng đến tê
tái khi các em biết đọc, biết viết quốc ngữ chỉ sau vài tháng và khi các em bi
bô đọc những tiếng một chữ Pháp. Trong ba năm các em đã cho tôi hưởng một cách
thầm lặng những thấm thìa cái tính quyến luyến, trìu mến của bầy chim nhỏ với
cái bàn tay thường dịu dàng tung thóc.
... Xa xôi lắm, hơn bốn năm rồi, tôi thôi
nghề gõ đầu trẻ này được hơn bốn năm. Sự hoạt động đã lôi cuốn tôi đi hết tỉnh
này sang tỉnh khác và các sự thay đổi dồn dập trong đời đã làm mờ đi bao nhiêu
kỷ niệm của ba năm tôi kiếm sống một cách lẩn lút như kẻ gian ác! Nhưng, mỗi
khi tôi nhìn về quãng dĩ vãng tối tăm kia, mắt tôi vẫn thấy lạnh rợi như nhìn một
cảnh gì hoang vắng qua làn mưa bụi mau hạt về một chiều đông mịt mờ...
1938
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét