Bỉ Vỏ
Tác giả: Nguyên Hồng
Chương 12
Thằng Sẹo so vai, cong bàn tay phải, ngón
tay cái để vào lỗ mũi, phì phì nói:
- Tao lạy mày cả nón thôi!
- Mày vẫn không tin à?
- Có giời tin được!
Thằng Minh văng tục, nói:
- Chị Tám Bính là bà mày hay sao mà mày phải
bênh bà chầm chập lấy?
Sẹo cười mũi:
- Ừ thì là bà tao, đã chết ai chưa? Và tao
bênh bà tao thì đã làm sao?
- Giời ơi! Rõ ràng chúng tao nom thấy chị ấy
“làm tiền”, chúng tao nói thật mày cũng không tin!
Dứt lời Minh hăm hở chạy đến gốc xoan gần đấy,
lôi tay một thằng bé chừng bằng chạc nó, nhưng quần áo rách rưới hơn, tóc cứng
đen nháy cụp xuống che kín cả gáy và tai:
- Đây Hiếu, hôm kia mày trông thấy những gì
mày nói cho thằng Sẹo nghe, chứ ông không hơi đâu cãi với nó cho tổn thọ.
Hiếu liền nhe bộ răng đầy bựa, hóm hỉnh cười:
- “Bỉ” Bính “hắc” lắm!
Thằng Sẹo méo miệng nhìn, Hiếu vỗ vai nó
nói:
- Mày cứ ngồi xuống hè đây rồi tao nói cho
mà nghe.
Sẹo ngồi xệp trên vỉa hè, hai cánh tay
choàng lấy Minh và Hiếu, chăm chú nghe Hiếu nói.
Ngày hôm kia, Hiếu và Minh đương phất phơ
ngoài phố, chợt thấy một người đàn bà xách một bị nặng ở một cửa hàng vải bước
ra. Chắc chắn cái bị nọ đựng ít ra cũng bạc chục nếu toàn tiền trinh, còn toàn
hào hay “xanh xăng” (tiền đồng trị giá năm xu) thì món tiền nhiều
không thể tính xiết được. Chúng vội bấm nhau, cả hai đứa cùng theo sau người
đàn bà. Nhưng, khi tới vườn hoa Đưa người, chúng gặp ngay Năm Sài Gòn và Tám
Bính từ nhà Hát đi lại. Không biết cặp mắt Năm tinh đến chừng nào mà thoáng liếc
qua cái bị đậy kín, Năm đã ra hiệu bảo chúng phải “chuỗn”.
Minh bực tức ngắt lời:
- Sẹo! Mày tính thế có ức nhau không?
Sẹo cau mày, gật đầu, rồi giục Hiếu kể nốt.
Chúng nó bất đắc dĩ phải rẽ sang vườn hoa
song vẫn để ý xem Năm Sài Gòn “làm tiền”. Thốt nhiên người đàn bà dừng bước,
Tám Bính sán đến bên, Năm Sài Gòn khẩn khoản đổi cái giấy bạc hai chục, các tám
xu. Người đàn bà đặt ngay bị xuống đất.
Sẹo nhịn không được cười phá lên:
- Thế thì “mẻ béng” (mất ngay) còn gì!
Minh đáp:
- Phải bàn!
Hiếu chêm một câu:
- Mà Tám Bính “siên” (lấy) mới thần tình chứ.
Vừa nói Hiếu vừa bắt chước những cử chỉ của
Bính ngồi bên cái bị tiền. Mắt nó cũng đưa nhìn sáng loáng, mồm nó cũng hỏi những
câu không đâu, hai ngón tay cũng nhẹ nhẹ đưa vào cái mũ phớt bóp bẹp giả làm bị
tiền. Nó lại còn làm ra một vẻ mặt rất bình tĩnh để nhắc lại vẻ mặt Tám Bính
khi chuyền nhanh như chớp những cọc hào sang lòng Năm. Hiếu chuyên môn ăn cắp,
nên các cử chỉ của Bính nó diễn lại một cách khéo léo tự nhiên vô cùng làm Sẹo
phải tròn mắt kêu lên:
- Tám Bính “dựa nhẩu” (lấy nhanh) đến thế cơ à?
Minh hất hàm cười:
- Ấy chết. Bà mày có biết “làm tiền” tí nào
đâu.
Mất hết cả ngờ vực, thằng Sẹo gật gù:
- Khoái đấy! Thích đấy!
Nó rất sung sướng được thấy một người đàn
bà thùy mị như thế sa ngã. Nó coi như là sự an ủi cho cái số phận khốn nạn của
nó. Nó vui vẻ cất tiếng:
- Chúng mày nhỉ, “bỉ” ấy dễ lắm, tốt lắm,
thế nào những lúc “đét” (túng thiếu) chúng ta chả “trách phõ” (nhờ vả)
được tý tỉnh.
Thằng Minh nhiều tuổi hơn Sẹo, thấy nó cả
tin như thế vội bĩu môi:
- Đấy mày xem, Tám Bính lại như chị Tư
Khuyên dạo trước thôi!
Sẹo ngơ ngác:
- Tư Khuyên nào?
Minh không đáp. Nó chua chát nhớ tới năm nó
12 tuổi, cách đây đã bốn năm, và những ngày mùa đông rét mướt, buồn bã. Hai hôm
ròng, nó không có lấy một hột cơm vào bụng. Cái đói đã hùa với rét mà nghiến rứt
nó, làm nó mờ cả mắt, rã rời cả chân tay. Những tia mưa phùn cứ nhè mặt nó tới
tấp sỉa vào. Đã thế chiếc áo cánh mướp của nó, mỗi lần gió bấc thổi, lại tốc
lên, đón lấy cái lạnh tê buốt. Nó dựa lưng vào một góc tường, lờ ngờ trông những
kẻ qua lại ngoài đường, để tìm một người bộ hành nhiều tiền và vô ý.
Nhưng nó thất vọng. Ai ai cũng co ro, hai
tay thủ túi cho dẫu túi không. Xe nào cũng buông mui kín mít dù trong xe không
có một người.
Chợt, một xe nhà đỗ gần chỗ nó ngồi.
Hai người đàn bà trong xe bước xuống, để lại
trên đệm xe một gói đồ to xụ. Hai bà chủ vừa đi khỏi, anh xe tót ngay vào hàng
nước. Một lúc lâu, rồi anh xe vẫn sòng sọc hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc
khác, trong khi ngoài đường vẫn vắng lạnh dưới những lớp mưa rào rạt.
Thằng Minh vội hết sức rón rén vòng đến sau
xe. Anh xe vừa hất hàm nhìn lên khói thuốc tỏa, nó bê liền gói đồ, lủi dần vào
ngõ gần đấy.
Nhưng nó lại thất vọng, và lần này sự thất
vọng và tủi cực lên không biết tới mực nào. Nước mắt nó chảy ra giàn dụa, nó chỉ
còn sức thở nấc lên mấy tiếng rồi lịm hẳn đi. Chị Tư Khuyên không hiểu ở đâu lại
xin khéo ngay nó cái gói kia, cướp trốc tay nó cái gói đựng bao nhiêu no nê ấm
áp. Nó ừng ực nhìn chị giở từng thứ một, nào áo len, nào mũ nồi, nào bánh tây,
nào thịt quay, nào sữa...
Đến giờ Minh vẫn còn đau, tức vì phải chịu
lép vế vợ một người đàn anh. Nó nghĩ lại mà lặng cả người. Thấy thế, thằng Sẹo
vội vỗ vai nó:
- Kìa sao mày đương vui lại thừ người ra thế?
Nó cười nhạt, đứng dậy lùi lũi lại ghế vườn
hoa. Nó bâng khuâng nhớ nốt buổi khốn cùng ở trong cái ngõ hẻm kia. Nó đói quá,
lả đi mê mệt, nằm rũ trên thềm gạch xây cạnh chuồng tiêu. Nó đã muốn nguyền rủa
“chị” Tư, song cổ họng khô khan không sao cất tiếng được. May mà sáng hôm sau
thằng Hiếu ăn cắp được một đôi giầy ta mới, bán được hai hào rưỡi, mua phở cho
nó ăn, chứ không nó đến chết đói mất. Và may hơn, cuối tháng ấy vợ Tư Khuyên chết,
Tư Khuyên bị kết án đi đày, dân “chạy” mất trùm, tiền “bồi” không ai thu.
Thật là những ngày không thể quên được. ở Hải
Phòng từ “yêu tạ” đến “vỏ lỏi” đều phớn phở sung túc tung hoành. Nhưng từ khi
Năm Sài Gòn ở Sài Gòn về, Tư-lập-lơ và Chín Hiếc trên Hà Nội xuống, các cánh chạy
lại nép mình dưới một oai quyền cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết, bảo
tù phải ngồi tù của Năm Sài Gòn.
Thằng Minh chán ngán. Nó lo ngại từ nay trở
đi lại càng bị ức hiếp:
- Tám Bính! Tám Bính!
Nó nhắc tên đó hai ba lượt. Nó ghê rợn tưởng
đến sự kiêu căng tàn ác của một người đàn bà thành “yêu tạ”. Nó sơn sởn gáy tưởng
chừng đương bị hai bàn tay cứng như sắt của Năm Sài Gòn bóp chặt vì đã chót
tiêu món tiền ăn cắp được.
Một ước vọng bỗng nảy ra trong tâm trí
Minh.
Một ngày kia Minh trở nên anh chị, cũng năm
bảy lần tù, tay Minh cũng từng phen đẫm máu, chẳng phải máu các kẻ tầm thường
đâu, mà của bọn anh chị, của bọn “cớm” để có tên tuổi trong những phích ở nhà Đọ.
(Phích:
(fiche) tờ giấy kể tên tuổi quê quán án tích của tội nhân và có cả hình ảnh điểm
chỉ và các dấu vết riêng ở nhà Đọ)
Cả ngực Minh sẽ trổ lằn lên những rồng xanh
đủ các kiểu uốn khúc, vì thế người ta gọi Minh là “anh” Minh rồng, và vợ Minh
là “chị” Minh rồng. Vợ Minh cũng là một “bỉ vỏ”, song tinh anh sắc sảo hơn cả vợ
Tư Khuyên, xinh xắn hơn cả Tám Bính, biết mọi cách trưng bảnh cái “anh chị” của
chồng mình.
Minh khoan khoái quá đứng ngay dậy rảo bước
đi. Minh mím chặt môi, nắm chặt tay, đấm thinh không, tự nhủ:
- Đã biết mặt Minh rồng chưa?
Nhưng, mặt tủ kính bỗng thoáng chiếu bóng
Minh: một đứa trẻ thấp bé, bẩn thỉu, áo tây vàng dài quá đầu gối, tay áo đã sắn
lên hai nấc mà vẫn còn chùm kín bàn tay, quần cháo lòng rách mướp, mũ dạ đội là
thứ mũ “sọt rác”, mũ “tầu phở”.
Minh tủi thẹn vô cùng. Nó nghiến răng rít
lên:
- Phải chơi. Đi “đọ” thì đi! (đi đày, tòa án
hay kết án đi đày không thời hạn những kẻ cắp nhiều lần can án)
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét