Bỉ Vỏ
Tác giả: Nguyên Hồng
Chương 18
- Này mợ, nước sôi rồi đây, pha chè đi. À
còn chục miếng đường tây mợ đem ra mà uống.
Bính đương vá chỗ vai áo, nghe thấy chồng bảo
pha chè nhưng cứ làm lơ đi, mãi lúc rút xong mũi kim cuối cùng, và trên hỏa lò ấm
nước sôi réo lên, bọt nước trào dập gần tắt hết lửa, Bính mới chạy đến tủ chè với
lấy lọ chè và lọ đường.
Bính rót nước sôi vào ấm, chờ một lúc rồi
rót ra hai chén đầy. Hương chè mạn sen ngát cả gian nhà hồng hồng ánh lửa của
lò than bắt đầu cháy rực.
Bính nhả bã miếng trầu, chiêu ngụm nước chè
rồi hỏi chồng:
- Này cậu cái người ở sà lim số tám mà cậu
dặn tôi bảo tù cỏ-vê đưa cơm ban chiều là ai vậy?
Người chồng cười nói:
- “Nốt” tốt của tôi đấy!
- Thế nghĩa là gì?
Người chồng vẫn rung đùi khề khà. Bính cau
mặt phát vào đùi hắn, dỗi:
- Ai thế bảo cho tôi biết, không có tôi và
chị Hai đi xem hát bây giờ.
Hắn phải nói ngay:
- Làm gì mà nóng thế! Để người ta còn nhấp
giọng nào.
Hắn ngừng lại, uống hết chén nước, rồi khề
khà thuật lại cái sự gặp gỡ may mắn đã làm hắn khoan khoái cho Bính nghe:
- Tối hôm kia tôi và mấy thằng “doóc” (chỉ điểm)
ra Tân Đệ khám thẻ xong thì gần mười giờ. Tôi đã đạp xe về đến nửa đường thế
nào lại rớ ngay được bốn người không thẻ, mà một trong bọn đó có án biệt xứ mới
thích chứ.
Bính lắng tai nghe, hắn nói tiếp:
- Và thằng này chính là thằng mà sở Mật
thám ngoài Hải Phòng đương tầm nã riết, song vẫn lẩn tránh được.
Bính băn khoăn, vội hỏi:
- Tội gì thế?
Người chồng gật gù đáp:
- Đủ mọi tội, ăn cắp, giết người, và...
- Vượt ngục à?
- Không, nhưng nó cũng đã năm, sáu lần tù
và đã đi Côn Lôn.
Bính nóng ruột:
- Tên là gì?
- Nó lắm tên lắm. Những Ba, Bốn, Năm, Sáu
gì ấy nhưng tên chính là Nguyễn Chí Thiện. Để ngày mai, tôi chờ ông phó trên Hà
Nội về, tôi lên trình, lúc đó lục “phích” ra xem thì rõ tung tích nó.
Bính bồn chồn, đắn đo hỏi chồng:
- Liệu nó có việc gì không?
Hắn ta cười nhiều hơn, đắc ý lắm:
- Mình ạ, thế nào thằng ấy cũng bị giao trả
tòa án Hải Phòng rồi lại bị đi đày thôi. Còn tôi thế nào chả được tư “nốt” tốt
lên Hà Nội và cuối năm nay mười phần chắc chín là được lên ngạch.
Bính càng hồi hộp. Cái tên Nguyễn Chí Thiện
biết đâu không phải là cái tên giả còn cái tên Năm mà chồng Bính lưỡng lự có thể
là một nửa cái tên Năm Sài Gòn cũng nên. Bính bứt rứt nhưng phải cố nén sự cảm
động, hỏi một cách vẩn vơ:
- Trông mặt mũi nó có ghê gớm không mà nó
tù nhiều thế?
- Không! Thằng này nghiện oặt, gầy gò. Tôi
chỉ còn nhớ mặt nó có một cái sẹo to trên trán và rất nhiều sẹo ở má, ở cằm.
Bính hơi thất sắc:
- Cả trán, má, cằm cũng có sẹo, chắc nó bị
chém nhiều lắm?
- Đúng thế, chứ còn chắc với chả chắc gì! Ấy
là nó còn quấn phu la che đi nhiều dấu dao nữa, nhưng nhìn đến cặp mắt nó thì lại
thấy dữ hơn. Thôi mợ nó quạt màn đi ngủ, khuya rồi.
Vừa nói hắn vừa chỉ ra ngoài trời đã lặng,
sương đã xuống mịt mùng.
Mười một giờ...
Mười hai giờ...
Gần hai giờ thì ánh trắng hơi chếch chếch về
phía tây, chiếu qua khung cửa kéo một vệt sáng dài lên bức tường trắng đục của
gian xà lim vắng vẻ.
Năm... Năm Sài Gòn bó gối nhìn ánh trăng mờ
lạnh báo trước những sự tra tấn khủng khiếp sắp đến và Năm lại vào một nơi mà
Năm hết hy vọng trở lại cuộc đời phóng khoáng.
- Côn Lôn chăng?
- Hà Giang chăng?
- Lai Châu, Sơn La chăng?
Năm Sài Gòn rùng mình, tự hỏi rồi tự trả lời:
- Có thể!
Trong người Năm bỗng nóng bừng lên. Năm thấy
lần này sự giam cầm khổ sở hơn hết mọi lần. Năm vội đứng dậy, vuơn vai thở hắt
ra một cái thật mạnh, đóng lại cúc áo đoạn đi đi lại lại trên sàn xi măng để
tránh và quên những ý tưởng tối tăm ghê sợ. Song những bước ngắn ngủi quanh quẩn
chỉ càng làm cho hai ống chân Năm rã rời, trí não Năm rối beng, và khung ngực
lép kẹp thêm chói tức dưới làn không khí lạnh lẽo nặng nề.
Xà lim của sở mật thám Nam Định mãi bây giờ
mới khiến Năm rùng rợn. Những chấn song sắt to bằng cổ tay, những bức tường dày
quét hắc ín đen sì, những cùm sắt chắc nịch của xà lim A, xà lim B, xà lim Lô cốt
trong Hỏa lò Hà Nội cũng không đáng khiếp sợ bằng những bức tường xi măng nhẵn
bóng của xà lim sở mật thám Nam Định này in ánh trăng xanh trong xanh bóng.
Năm Sài Gòn chặc lưỡi, ngồi xệp xuống sàn lạnh
hơn ướp nước đá, dựa lưng vào góc tường. Tâm trí Năm còn mệt lả hơn xác thịt,
Năm chỉ còn đủ sức dương đôi mắt lờ đờ mà nhìn bóng trăng trên tường, mặc những
hình ảnh quá vãng nổi lên giữa cái tâm tưởng u ám của mình.
Năm mồ côi cha mẹ... Năm không có ai dạy dỗ...
Năm lang thang chẳng bao giờ được có công ăn việc làm chắc chắn. Năm ăn cắp...
Năm bị tù... bị tù... bị tù bị tù... rồi bị đi đày... Năm được gọi là anh chị...
Năm lấy Tám Bính...
Rồi đến ngày nay vì ốm yếu nghiện ngập, vì
tình thế khó khăn, Năm phải rời Hải Phòng về Nam thì lại bị bắt.
Bằng ấy hình ảnh, bằng ấy nỗi niềm, rất
nhanh chóng và rất rõ ràng, liên tiếp nhau, thi nhau làm tê tái cả lòng Năm.
Năm mím môi lại, khoanh tay ra sau gáy, ngả đầu thở dài.
Hơn ba giờ...
Bóng trăng chỉ còn dài bằng cái thước kẻ
trên tưòng xám ngắt, nhắc Năm đêm khuya lắm, gian xà lim sắp tối như mực.
Chợt từ đáy trời im lặng vẳng lên, chắc ở
gác canh trong đề lao gần đấy, những tiếng kiềng rè rè. Năm buồn bã với gáo nước
uống một hơi gần hết, rồi cất giọng nhẹ nhẹ hát nối theo cái thanh âm rền rĩ
đương dần tắt kia:
- Anh
đây công tử không “vòm”
Ngày
mai “kện rập” biết “mòm” vào đâu.
... Tám Bính chập chờn ngủ bỗng thức giấc,
lắng tai nghe. Tiếng hát bằng cái giọng ngao ngán khi xưa từng bào xé ruột gan
Bính trong những giờ vắng vẻ chán nản ở nhà chứa ấy, cái giọng đục lờ lờ, thê
thảm, riêng biệt của hạng gái bán trôn nuôi miệng và hạng giai “du côn” anh chị
“chạy vỏ” ấy, nghe rợn người như một giọng hấp hối, quằn quại đau thương và tuyệt
vọng.
Tám Bính ngồi nhỏm dậy. Tiếng hát im lìm.
Bính để hết tinh thần mới thấy chút dư thanh phảng phất trong tiếng gió khuya ù
ù. Bính bước vội xuống giường, không kịp xỏ dép, mở nhẹ cửa sổ, ngơ ngác trông.
Trong màn sương bàng bạc hoàn toàn chìm trong giấc ngủ say sưa, không bóng một
người.
Nhưng... trong khoảnh khắc tiếng hát lại cất
lên. Cái giọng buồn thảm ấy rõ ràng và vang lên, tỏa hẳn ra xa, lạnh lùng hoang
vắng...
Đích thực Năm Sài Gòn rồi. Bính nức nở, gục
đầu bên cửa sổ, nước mắt ròng ròng long lanh, Bính trạnh lòng tưởng đến bao
nhiêu sự điêu linh bấp bênh, có ăn ngày nay không dám chắc ngày mai và sự tối
tăm nhơ nhuốc của đời Năm, một tên “chạy vỏ”, “anh chị” đến kỳ mạt lộ. Bính cảm
thấy mình tệ bạc và Năm Sài Gòn vì một cơn giận dữ ghen tức ruồng rẫy Bính thì
không đáng trách tý nào. Bính cảm thấy một năm nay, mình êm ấm sung sướng còn
Năm thì cùng cực khổ sở. Rồi Bính rùng mình quay mặt đi, không dám trông bầu trời
u ám sau những mảng mây đen nhờ và một cảnh xa xôi đày ải các kẻ đi đày thoáng
hiện ra trước những giọt nước mắt rưng rưng...
... Cánh cửa sắt nặng chịch của xà lim vừa
hé mở, khóa không kịp đóng lại, hai bóng đen đã cắm đầu chạy mỗi lúc một nhỏ dần,
rồi biến mất trên con đường xa tắp.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét