Bỉ Vỏ
Tác giả: Nguyên Hồng
Chương 21
Hơn hai tháng nay trên những chuyến xe lửa
chạy Hà Nội Hải Phòng lại mất hút vợ chồng Tám Bính.
Những lời kêu ca nguyền rủa tuy đã bớt đi
nhiều song mỗi khi xe chạy tới ga Cẩm Giàng, Đình Dù, Cổ Bi, hành khách vẫn còn
ngơm ngớp lo ngại. Họ bảo nhau kẻ nào có tiền, có hành lý thì phải cẩn thận giữ
lấy, nếu rời tay ra, là các thứ đó tuy không có cánh nhưng sẽ bay ngay.
Rồi người nọ khoác lác với người kia, bịa đặt
ra lắm chuyện lạ lùng mà vai chủ động họ chỉ biết là một con vợ mảnh khảnh xinh
tươi và một thằng chồng xấu xí cực kỳ hung tợn.
Những chuyện ấy đã đến tai sở mật thám Hải
Phòng và Hà Nội. Nhân có nhiều người khai trình tiền và hành lý bị cướp trốc
tay, nên trên Hà Nội phái hẳn mấy “adăng” chuyên dò xét, lùng bắt cho kỳ được
hai tên bợm nọ.
Nhưng thấy bóng cớm chùng săn mình ráo riết,
Năm Sài Gòn và Tám Bính liền nghỉ làm tiền ở đường bộ, đổi sang đường thủy.
Chẳng những vợ chồng Năm Sài Gòn, cả Tư-lập-lơ,
Ba Bay, Chín Hiếc cũng đổi nghề, vì ở Hải Phòng ba gã này cũng bị sở mật thám tầm
nã riết.
Thôi thì tàu nào tàu ấy nhộn hẳn lên, chẳng
mấy khi vắng tiếng kêu ca của hành khách. Mại bản đã tốn công phu ngăn ngừa tụi
Năm Sài Gòn song không có hiệu quả gì hết, vì tụi “quít” tàu thông lưng với
cánh đi “dọc” nên chỉ khám lấy lệ thôi.
Nhất là tàu An Xương, hễ động nói đến nó,
những người đi chuyến Hải Phòng Nam Định ngày hai mươi ba tháng Chạp cùng bọn
thủy thủ đều nhớ ngay ông cụ già kèm nhèm bị mất cắp, lếch thếch ôm đứa bé vừa
đi vừa mếu máo. Chuyến tàu ấy, boong trên boong dưới đông nghịt hành khách và
hàng hóa. Tiếng cười nói ồn ào và tiếng máy chạy ầm ầm huyên náo như cái chợ to
về ngày hội.
Đêm khuya rồi hành khách vẫn còn chuyện trò
ran ran. Họ nói những chuyện không đâu, từ đời Tam hoàng, Ngũ đế, những chuyện
bịa đặt, yêu ma, thần quỷ để cho qua một đêm đằng đẵng. Có lắm cụ già nghễnh
ngãng, câu được câu chăng, cũng cố lắng tai nghe và nhiều người đàn bà cho con
bú mê chuyện quá quên cả con nằm trong lòng đã ngủ mà không kéo yếm xuống. Có lắm
cô gái lơ đãng ngả hẳn cặp đùi lên người nằm bên.
Cùng lúc ấy, đằng cuối tàu, hơn mười người
quây tròn lấy cái bàn đèn bày gọn trên chiếc chiếu hẹp. Họ gối đầu lên đùi nhau
như những cặp tình nhân âu yếm. Khói thuốc làm họ không quản gì quần lành áo
rách, hay già trẻ, hay đạo mạo, hay bốp chốp, mà chỉ biết có ngọn đèn thon thon
thỉnh thoảng hơi rung rung trong chiếc chụp bằng vỏ chai cắt ngắn, và điếu thuốc
thơm tho phân phát sao cho đáng với số tiền từng người bỏ ra mua.
Một người đàn ông đứng tuổi nằm đối diện ngọn
đèn, kéo xong điếu sái nhất thì ì ạch nhỏm dậy, tự rót nước uống vừa cất giọng
nhè nhè nói:
- Cụ phó Tống ngủ rồi à? Cho vài câu Bao
Công kỳ án hay Võ Tòng sát tẩu đi chứ?
Ông cụ thợ cạo già nằm bên kia lim dim mắt,
đáp:
- Mới có mười điếu hơi đâu mà chuyện trò!
Một người khác vội hỏi:
- Vậy thì bao nhiêu bố già mới đủ?
- Ít thôi, mươi mười lăm điếu nữa...
Năm Sài Gòn đưa mắt nhìn cóng thuốc, cười tự
nhủ:
- Dễ thường cụ định hút hết phần mọi người
chắc. Hơi gì mà quý thế!
Nhưng ông cụ thợ cạo già chỉ kéo thêm hai
điếu nữa rồi không đợi ai giục cụ cũng tươi tỉnh kể cái án Quách Hòe mà cụ khoe
là một cái án ly kỳ nhất trong thế gian này cho mọi người nghe. Tuy giọng cụ phều
phào nhưng ông cụ nhớ dai và nói rất có duyên. Đến đoạn nào quan trọng, cụ nói
rất thong thả và chêm vào những câu hỏi hóm hỉnh:
- Tôi đố các ngài Bao Công sẽ xử ra sao? Ai
người tài đảm dám nhận lấy việc ấy! Cái cảnh quỷ khóc, thần sầu kia có làm chuyển
được Quách Hòe không?
Chẳng những người hút, cả những người chung
quanh cũng chăm chú nghe. Mấy ông già ngồi gần đấy gật gù thi nhau tán tụng cái
tài của đấng minh quan nọ, và vạch những án mà các quan ngày nay khép oan cho
người làng mình, người họ mình.
Ông cụ phó cạo già được họ khen nở nang cả
khúc ruột, gật gù:
- Đấy các ngài xem, các quan án bây giờ thuần
công minh như thế đấy!
Một cụ già ôm đứa bé con trong lòng, ngồi
sau lưng Năm Sài Gòn thấy lời mai mỉa của người nói chuyện hợp với cảnh ngộ
mình liền xen nhời:
- Phải! Giờ thì lắm quan công minh lắm.
Công minh đến nỗi nhiều kẻ, nhà không có mà ở, bát không có mà ăn, vợ lìa chồng,
bố bỏ con, nhưng chẳng dám hé răng kêu nửa nhời, vì kêu vào đâu? Ai nghe cho?
Cụ này dằn dọc nói, vẻ mặt buồn rầu vô
cùng, nhác nom qua ông cụ phó cạo già ái ngại hỏi:
- Cụ nói thế chắc hẳn nhà cụ có người bị bắt
bớ oan uổng chứ gì?
Cụ già ôm thằng nhỏ gật đầu, thở ra một cái
đáp:
- Phải cụ ạ! Tôi mất cả cơ nghiệp, tốn kém
tới bạc nghìn, rút cục vẫn phải chịu bao nhiêu sự oan ức, đau đớn thế mới chua
xót chứ!
Hai tiếng bạc nghìn lọt vào tai Năm Sài
Gòn, Năm quay ngay lưng nhìn cụ già. Hắn thoáng nhận ra cái áo nhiễu lót và cái
vòng bạc của thằng bé nằm trong lòng cụ. Nó bảo nhỏ với Năm rằng: “Cụ là một kẻ
giàu ngầm đấy”. Năm liền mời ông cụ xơi nước, hút thuốc, và ngỏ ý muốn biết người
nhà ông cụ bị oan uổng ra sao. Cụ già chối từ không hút thuốc chỉ xin một chén
nước uống. Uống xong ông cụ thuật ngành ngọn các nông nỗi của mình cho Năm Sài
Gòn cùng mấy người nằm bên bàn đèn nghe.
Nguyên cụ có một người con trai năm nay hai
mươi tám tuổi, mới lấy vợ, đứa bé cụ bế đây là con người ấy. Hồi bảy, tám năm
trước, vì làm ăn ở nhà quê vất vả mà chẳng đủ nuôi thân, con cụ phải bỏ làng ra
ngoài Uông Bí làm phu.
Trong bốn, năm năm, con cụ dành dụm được ít
tiền, hắn bèn cưới vợ, thôi làm phu, xoay ra buôn bán. Vợ chồng bảo nhau làm ăn
dành dụm, trong hai năm tậu được một gian nhà và mở to thêm cửa hàng. Ngờ đâu,
tháng Tám vừa rồi, một hiệu tây buôn ở Hải Phòng trình sở mật thám bị mất trộm
hơn hai trăm thước lụa và hai hòm bít tất. Người ta bắt ngay được đứa ăn trộm!
Khi tra hỏi nó, nó khai gửi ở nhà con giai cụ. Người ta khám xét nhà con cụ rất
kỹ nhưng chỉ thấy vài chục bít tất cùng một kiểu với thứ mất đi. Con cụ nhất định
chối cãi. Thằng ăn trộm kia nghe đâu chú nó cũng làm mật thám và không hiểu vì
lẽ gì cứ một mực nhận con cụ là đồng đảng và khai rằng xưa nay lấy được đồ vật
gì cũng gửi con cụ bán hộ.
Cụ được tin ấy ra ngay Uông Bí thăm con. Tới
nơi thì con đã bị giải đi Hải Phòng tống lao. Cụ và con dâu nhặt nhạnh thu xếp
được đồng nào đều chạy thầy kiện, lễ lạt quan nọ, quan kia cả. Song công việc một
ngày một kéo dài mãi ra, hơn bốn tháng rồi mà con cụ chưa được giấy gọi đăng đường.
Rồi phần vì uất ức, lo lắng, phần vì cảnh tù tội khổ sở đầy đọa, con cụ ho ra
máu chết ở trong đề lao. Đương khi bối rối ấy, người con dâu lại đâm ra vẩn vơ,
ốm yếu cũng chết nốt, để lại cho cụ đứa bé chưa đầy ba tuổi này.
Nói đến đây nước mắt cụ tràn trề, cụ nghiến
răng nguyền rủa cái đứa gian ác gieo tai, gieo vạ cho cụ và oán trách ông trời
độc địa nỡ lòng phá tan gia đình cụ, giữa cái tuổi già gần đất xa giời này.
Nghe cụ già kể lể than thân, ai cũng tỏ ý
thương hại cho cụ. Một người hỏi: “Thế còn người con dâu chết đi, còn đồng nào
để lại cho ông cháu không?”
Cụ chấm nước mắt đáp:
- Có vài chục bạc thôi, mà trước kia cửa
hàng đáng giá tiền nghìn đấy.
Một người khác vội an ủi:
- Thôi cụ đừng phiền nữa, vui vẻ chăm lấy đứa
bé, lớn lên thế nào nó cũng trả nghĩa cho bố mẹ nó.
Lời nói làm cụ càng ứa nước mắt. Rồi cụ ôm
lại cháu và quấn chăn cho nó. Cánh tay cụ nhấc lên để lộ một bọc vải nằm gọn
trên đầu gối.
Năm Sài Gòn liếc mắt nhìn, tưởng tượng ngay
ra món tiền và những thức quý giá mà vì e ngại ông cụ không muốn nói thật. Hắn
mừng rơn, thỉnh thoảng thân rót nước mời cụ già uống. Ông cụ bế cháu ngồi dưới
chân Năm vừa uống nước vừa tấm tắc khen Năm:
- Ông tử tế quá! Cho tôi uống chè tàu đến
no chắc?
Năm Sài Gòn cười:
- Có gì đâu! Cụ cứ tự nhiên chuyện trò xơi
nước. Với chúng tôi chỉ lấy thế làm vui thôi.
Nghe Năm nói, ông cụ càng gật gù, mặc Năm
vuốt ve đùa bỡn với đứa cháu bé ngồi trong lòng. Năm trước còn xoa má nó, xoa
lưng nó, dần dần khắp người nó, rồi đến cái bọc kia...
Sáng hôm sau khi tàu đỗ bến Nam Định, người
ta thấy ông cụ già rũ rượi thở không ra hơi, lếch thếch ôm đứa cháu bé chạy khắp
mọi chỗ trong tàu. Người ta đón hỏi cụ thì cụ tái mặt trả lời một câu ngắn ngủi:
- “Nó” mất rồi!
Không ai hiểu “nó” là cái gì. Nhưng nếu người
ta là Tám Bính và hỏi Năm Sài Gòn thì ta sẽ biết rõ nó là cái bọc có hai đôi
hoa tai, bốn chiếc vòng xuyến và một nghìn hột vàng gói với bốn chục bạc và một
lá thư của người mẹ chết để lại dặn dò ông cụ bố chồng cố dẹp nỗi buồn mà chăm
nom lấy cháu bé... Ông cụ nên tự nuôi nấng lấy cháu thì hơn và phải tiêu pha dè
dặt, kẻo ông thì đã bảy, tám mươi tuổi già, cháu thì trứng nước, họ hàng lại
không có, nếu hết tiền khi cháu hãy còn thơ ấu thì ông biết trông cậy vào ai.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét