Bỉ Vỏ
Tác giả: Nguyên Hồng
Chương 14
Có tiếng những câu hát riêng dân “chạy vỏ”
nghe hiểu thôi. Những câu hát ấy chỉ thấy cất lên trong những khi gió mưa buồn
bã mà một trinh không dính túi, hay sắp lâm vào bước gian nan, cảnh tù tội.
Không biết ai đã đặt ra những câu hát ấy,
và ai đã dùng cái giọng lẳng lơ, bổng không ra bổng, chìm không ra chìm, lờ lờ
như dòng nước xanh rêu nhờn nhụa chảy vào một vũng tối - cái giọng nôm na gọi
là giọng nhà thổ ế - để bây giờ nó thành một câu hát ở cửa miệng từ trẻ con đến
người lớn, trong cái xã hội ăn cắp tối tăm kia.
Trong bọn trẻ con ăn cắp dù là những đứa xấu
xí ngu độn tới bực nào cũng cảm thấy, cũng hiểu biết thấy hết mọi ý nghĩ ai oán
trong câu hát ấy. Thế rồi khi tưởng tới cái đời đầu đường xó chợ, cái tuổi trứng
nước mà đã bị xa cha mẹ hay bồ côi vơ vất của mình, chúng sẽ rớt nước mắt than
thân bằng những câu hát ấy với cái giọng không được thành thuộc lắm, nhưng nghe
thật thấm thía vô cùng.
Còn các “yêu tạ” cằn cỗi tới tột bực, lấy đề
lao là quê hương và gia đình, anh em thân thích là tụi đồng nghệ quỷ quyệt gian
ác, sự vui vẻ ấm cúng cả trong những ngày tù bó buộc, mỗi khi chán nản túng thiếu,
mỗi khi cảm thấy bao nhiêu cái điêu linh bấp bênh, có ăn ngày nay không dám chắc
ngày mai, thì mới chịu mở cặp mắt mỏi mệt nhìn quãng tương lai trơ trọi đầy tuyệt
vọng. Nhưng đã bao lâu lười biếng, giai gái, thuốc sái quen thân đi, sức lực
sút yếu đuối lắm. Vậy bỏ nghề “chạy vỏ” bọn chúng không thể làm được một nghề
gì khác vừa ý, vừa sức hơn, bọn chúng đành bíu chặt lấy nghề chạy vỏ, tuy biết
chắc rằng một ngày rất gần kia cái kết quả thảm khốc của nghề sẽ đến kết liễu đời
mình: đi đày.
Rồi vì cảm động, rồi vì thổn thức, bọn
chúng cũng dùng cái giọng đục lờ lờ hát những câu hát ấy để than thân.
... Năm Sài Gòn đứng bên cửa sổ, thẫn thờ
nhìn những làn mây trắng phớt, mềm mại lúc tản rộng ra, lúc cuốn dồn lại trên
trời thu trăng sáng.
Năm chợt cất tiếng hát lên:
“Anh
đây công tử không “vòm” (nhà)
“Ngày
mai “kện rập” (hết gạo) biết “mòm” (ăn), vào đâu?”
Dư âm tiếng “đâu” vang hẳn lên mấy giây rồi
im lìm, rồi chìm mất giữa khoảng đêm khuya, vừa lúc gió lạnh rào rào qua bụi
găng đằng cuối vườn.
Trông Năm Sài Gòn bấy giờ như pho tượng núp
trong bóng tối của ngôi chùa hoang. Dưới ánh trăng xanh, nước da Năm rám nắng
tái đi như chì, những vệt sẹo dài và sâu càng thêm sâu. Năm vung tay thở hắt mạnh
ra một cái rồi cau mày nhìn ngoài đường không một bóng người.
Đã mười hai giờ mà chưa thấy hút Tám Bính về!
Năm bứt rứt, e ngại không hiểu Tư-lập-lơ có xoay giúp cho vợ chồng mình được lấy
vài chục bạc không? Và Tám Bính có tránh thoát khỏi những cặp mắt ranh mãnh của
“cớm” chùng không? Tiếng gió vang mỗi lúc một to. Cảnh vật càng yên vắng. Tâm
trí Năm càng thêm rời rã. Năm lại vươn vai ngáp dài rồi nhíu mắt trông một làn
mây trắng lẩn dần dưới góc trời đen xám xa xa và lại vẳng cất tiếng lên:
“Không
“vòm” không “sộp” không “te”
“Niễng
mũn” (một trinh nhỏ) không có ai mê nỗi gì?”
Bỗng Năm giật mình ngoái cổ trông lại: Bính
tươi cười vỗ vai Năm “òa” một tiếng gọi. Năm luống cuống:
- Thế nào mình?
Bính hớn hở đáp:
- Được rồi, hơn hai chục anh ạ!
- Của ai thế?
Bính sán ngay đến bên Năm nhìn Năm cười,
Năm tát nhẹ má Bính:
- Lại của “so” nào rồi! Mà mình làm hay Tư?
- Em đứng “cản”, Tư khai.
- Ở đâu?
- Của một “bỉ” bên đò Bính sang mua vải ở
phố Khách ra.
Dứt lời, Bính đếm đúng hai mươi tờ giấy bạc
một đồng mới tinh và thơm phức đưa vào tay Năm, Năm liền nắm chặt cả lấy, long
lanh nhìn thẳng vào mặt Bính bừng bừng ngây ngất. Hồi lâu hắn cúi xuống, thì thầm
bên tai Bính những tiếng khàn khàn:
- Mình khá lắm! Khá lắm! Đáng mặt “chị” Tám
lắm!
Bính những nở nang cả gan ruột, Bính im lặng
một lúc rồi hỏi Năm:
- Ừ khá lắm! Nhưng mà này ban nãy mình hát
câu gì mà não ruột thế?
Năm tần ngần:
- Anh có hát đâu!
Bính nâng cằm Năm lên:
- Rõ ràng giọng hát của mình mà mình còn dối
em ư.
Năm không đáp, nét mặt thẫn thờ hơn, Bính
lay vai Năm:
- Kìa sao mình cứ buồn thế?
- Tại...
- Tại làm sao?
- Thấy mình đi lâu quá thì anh lo ngại và
buồn chứ sao!
Bính soắn chặt má Năm và kéo căng ra:
- Mình lạ lắm! Việc gì mà sợ mà buồn? Em đã
bảo “cớm” có tài thánh cũng không động được đến người em. Ngay như ban nãy, khi
chia tiền ở nhà Tư-lập-lơ, em biết có một chú đạp xe theo rình em. Mặc kệ, em cứ
thong thả đi, nhưng đến gần vườn hoa Đưa người, em rảo bước rẽ ngay vào ngõ
Nghè, tạt qua ngõ Trần Xuân Lịch, rồi ngược lên phố Đầu cầu, đi vòng về Chợ Con.
Thế là chú em hết “trõm”.
- Vậy mình về gần nhà có gặp “so” nào
không?
- Không, em về lối sau nên chẳng gặp ai hết.
Năm Sài Gòn hơi tươi nét mặt, vuốt lưng
Bính:
- Mình thật hơn anh nhiều.
Nũng nịu, Bính hất tay Năm đi:
- Thôi đi em không cần mình khen đâu. Đây
này bát sắt, đĩa sắt, ngày kia hội đây, mình sóc cái, mình cất đi rồi đi ngủ
cho béo mắt.
Năm Sài Gòn thấy vợ vui vẻ thì mừng thầm,
tin đó là cái điềm may của canh bạc nay mai.
* *
*
- Lại sấp hai!
Không bảo nhau mà khi Năm Sài Gòn vừa mở
bát mọi người cùng reo lên. Họ reo ầm ĩ xong lại bàn tán ồn ào như lúc chợ vỡ.
Chiếu bạc của Năm Sài Gòn giải được “vía” hay sao mà một phần người đi xem hội
Đình chiến ở trước nhà Hát Tây kéo nhau đến, xúm đông xúm đỏ, vòng trong vòng
ngoài, người đánh cũng lắm, khách máu mê không tiền chầu rìa cũng nhiều. Mặt
nào cũng kín những xu, hào và cả giấy bạc nữa. Họ mê mệt, họ khao khát, họ giận
dữ vì cái canh bạc lạ lùng này. Đời thủa nào “bạc” “đi” thông luôn mười cái sấp
hai, hai cái sấp ngửa tư, một cái sấp bốn bao giờ?
Hai cái túi áo tây vàng của Tư ngồi làm hồ
lỳ đã chật ních. Hắn phải giải chiếc khăn mặt bông để đựng tiền. Sự sung sướng
khoái trá trong lòng hắn bốc lên ngùn ngụt, mặt hắn đỏ bừng. Còn mọi người đều
vã mồ hôi, họ trông đổ dồn vào Năm mỗi khi Năm tươi tỉnh ruỗi thẳng hai cánh
tay rung rung chiếc bát sắt úp trên đĩa sắt.
Tiếng tiền kêu sang sảng làm cho mọi người
càng hồi hộp, trống ngực ai cũng đập thình thịch. Nhất là người lính thủy đứng
bên Tám Bính thở mới mạnh làm sao. Anh ta đã thua nhiều quá!
Có bao giờ cờ bạc cò con từng hào một mà “sạt”
tới mấy chục đồng. Anh đâm cáu, vứt cả giấy năm đồng xuống chiếu bạc, anh cố
đào thấy “lẻ”, thấy sấp một mới nghe.
- Lại sấp hai!
- Lại sấp hai!
- Sấp bốn!
- Giời đất, lạ quá!...
- Lại sấp hai!
- Mười tám cái chẵn!
Năm Sài Gòn khoan khoái, hai tai nóng cháy,
hai tay rung bát càng dẻo:
- Lại sắp hai!
Mười chín cái chẵn!
Tiếng reo vừa dứt, mấy tiếng xì xào thoáng
qua tai Tám Bính:
- Hay tiền thửa?
- Đĩa hai lòng? Bát đặc?
Đứng ngoài để “trõm”, thấy có kẻ bảo chồng
mình bạc “giảo” (bạc
gian), Tám Bính hậm hực cúi vội xuống:
- Này bác cái, cho tôi xem tiền nào.
Bính ném tung cái đĩa ra chiếu như ném vào
mặt người hóc hách không đúng nọ, rồi Bính lật đi lật lại bốn đồng trinh trên
cái đĩa sắt mỏng cho ai ai cũng rõ. Mọi người mất hết ngờ vực, Tám Bính cười
mũi:
- Những “so quéo” đã không tiền lại chỉ hay
tán láo thôi!
Tiếng tiền lại reo đổ hồi, lanh lảnh và ròn
rã hơn.
Năm Sài Gòn vừa đặt đĩa xuống, người lính
thủy đã ném theo tờ giấy bạc một đồng nhìn Năm nói:
- Còn mỗi một đồng đây, bác cái tính sao
thì tính.
Năm Sài Gòn cười không đáp, nhấc bổng cái
bát ra. Tiếng reo hò ầm lên:
- Sấ... â, ấp... một!
Người lính lắc đầu nhăn mặt cười:
- Gớm thật! Tôi “khát nước” mất vừa đúng 39
đồng, đến giờ mới được một tay lẻ. Thôi cứ để hai đồng ấy ở mặt sấp một cho
tôi.
Mọi người càng mải miết xem canh bạc gay go
to nhất Hội Tây năm nay. Có kẻ bàn tán, có kẻ nguyền rủa, có kẻ tức tối, và có
cả kẻ khấn thầm cho người lính thủy được, vì nét mặt Năm đáng ghét, đáng sợ lắm.
- Lại sấp một!
- Lại sấp một!
- Lẻ, lại sấp ba!
Hai đồng thành bốn. Bốn đồng thành tám. Tám
đồng thành mười sáu. Tư-lập-lơ run run sỉa 16 tờ bạc giấy. Chờ Tư sỉa tiền
xong, Năm Sài Gòn đưa mắt nhìn Tám đứng bên người lính thủy.
Người lính cho mấy đồng giấy mới vào ví còn
lại để mặt lẻ.
- Sấp ba, lại lẻ!
Tư-lập-lơ tái mặt, Năm lắc đầu. Bính khẽ
nói:
- Thật lạ lùng!
Mọi người cười nói ầm ỹ, tỏ ra ý sung sướng
hộ người lính thủy. Có kẻ lại phỉnh thêm:
- Ông cứ đặt cả hai mươi bốn đồng ở mặt lẻ,
tôi chắc ông thế nào cũng được, vì vận ông đương “tấy” lắm.
Người lính không đáp, cười rộ - tiếng cười ấy
cất hết mọi vẻ bực tức trên nét mặt lầm bầm từ nãy đến giờ.
Gấp 14 đồng cho vào ví rồi đút lên túi áo
trên, đoạn hắn bảo Năm:
- Bác cái ạ, 10 đồng này bác đánh sang chẵn
cho tôi. Tiếng này phi ngửa tư thì sấp bốn.
Năm Sài Gòn vã mồ hôi trán, đón lấy. Tư-lập-lơ
vun gọn tiền, mặt nào mặt nấy rồi đưa mắt nhìn Tám Bính. Năm Sài Gòn xóc bát
xong cũng đưa mắt nhìn Tám Bính. Hai cặp mắt long lên khác thường nọ cũng thúc
giục Bính “mõi” cái ví đầy bạc kia. Nhưng... Bính tự nhiên run bần bật. Bính có
vẻ hoảng sợ. Thấy thế Năm Sài Gòn vội hắng giọng:
- Kìa mau “mõi” đi! Các ngài thêm mỗi mặt một
tý chút nữa đi.
Năm dằn mạnh tiếng “mõi” cố ý để vợ nghe rõ,
giúp vợ thêm can đảm để tránh một sự ghê rợn sẽ xảy ra nếu tiếng bạc chót này
Năm lại thua.
Thì quái lạ! Tám Bính cứ run lẩy bẩy. Có lẽ
ngoài cái lần đầu tiên, cách đây hai năm, Bính thò bàn tay lấy tiền của người
ta thì không còn một lần nào Bính bối rối như lần này cả. Dù người lính vô tình
không biết Bính đứng bên mà Bính không sao đưa được ngón tay móc cái ví bỏ mấp
mé trong túi áo trên kia. Hễ Bính chực nhấc tay lên thì người Bính lại càng
run, trống ngực lại càng đập mạnh, hình như đâu đấy có mấy người mật thám cầm
xích lăm lăm và người lính kia cũng giả vờ chờ Bính động tới túi là chộp ngay.
Tám Bính vừa bị lo sợ, vừa như bị thôi miên
bởi bốn đồng tiền đen, trắng nó hút chặt lấy mắt Bính.
Chỉ trong khoảnh khắc mà Bính cảm thấy bao
nhiêu cái ghê gớm sẽ làm tan nát đời Bính nếu tiếng bạc chót này Năm lại thua.
Sao lúc này đối với Bính món tiền lạ lùng
thế? Bính tiếc món tiền được rồi lại thua đi một cách chua xót khác thường.
Tám Bính lại mím chặt môi, dùng hết nghị lực,
rón rón thò tay lên cái túi đựng ví tiền. Nhưng Bính lại vội rụt tay ra... mắt
Bính hoa lên... Bính càng run... vì.. người lính có vẻ “sửng mòng” (hơi biết, chột dạ).
Bỗng Tám Bính rú lên và mọi người cùng kêu:
- Sấ... â... ấp... bố... ô... ốn!
- Ha ha sấp bốn...
Mười đồng thành hai mươi đồng, Năm Sài Gòn
và Tư-lập-lơ mắt trông nhau, dốc túi đếm giam đủ hai mươi đồng.
Người lính thủy cúi xuống nhặt tiền - cái
ví vẫn nguyên trên túi áo.
Năm đỏ tía mặt lại, cổ họng nghẹn ứ như bị
bóp chặt. Năm toan cướp sấn cái ví đầy bạc kia thì người lính đã nhảy tót lên
chiếc xe đạp dựa ở vỉa hè, phóng thẳng một mạch để lại sự ồn ào như chợ vỡ với
đám đông nhớn nhác, trông theo.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét