Bỉ Vỏ
Tác giả: Nguyên Hồng
Chương 6
Tối nay các tay “anh chị” họp đủ mặt ở nhà
Năm Sài Gòn.
Người mặc quần lĩnh, áo nhiễu tây trắng cổ
bẻ, đi săng đan bốn quai, là Tư-lập-lơ, trùm chạy vỏ trong chợ Sắt. Anh chàng
béo nục, bụng hở trễ ra, gương mặt vàng ệch, hai cánh tóc vắt qua vành tai và
tóc mai dài chấm cằm gọi là để theo một mốt “phi-lô-dốp” là Sáu gáo đồng, cầm đầu
các kẻ chuyên môn dắt díu những “cơm thầy cơm cô” ở vườn hoa Đưa người. Anh
chàng gầy, lông mày lưỡi mác, môi đỏ chót, ngồi bên Tư-lập-lơ là Ba Bay mà khắp
tỉnh Hải Phòng không một sòng bạc không kiềng mặt bởi cái đức tính liều thục mạng
và mở bát bửa.
Còn hai anh đang lim dim mắt và thỉnh thoảng
lại ngáp dài là Chín Hiếc và Mười Khai cùng một nghề nghiệp với Tư-lập-lơ. Hai
chàng nghiện oặt này đứng cai quản các cánh ăn cắp suốt dọc bến tàu, suốt phố
khách, phố đầu cầu và những phố đông đúc khác.
Hà Nội thủ đô xứ Bắc Kỳ, một thành phố đầy
rẫy sự ăn chơi xa xỉ, đã tạo ra một số gái mãi dâm nhà nghề không thể đếm xiết,
thì Hải Phòng, một hải cảng sầm uất bực nhất của Đông Dương, một thành phố công
nghệ mở mang, với hơn ba mươi nghìn dân lao động bần cùng ở các tỉnh dồn về,
cũng có một đặc điểm là sản xuất được một số “anh chị” gian ác, liều lĩnh không
biết là bao nhiêu.
Cùng Năm Sài Gòn, năm tướng trên kia làm đại
biểu cho tụi “anh chị” càng ngày càng nhiều, càng hung tợn của đất đồng chua nước
mặn nọ.
Nhả xong khói thuốc phiện, Tư-lập-lơ nhìn
thẳng lên trần nhà, nghĩ tới phiên chợ ngày mai thể nào chả có vài món tiền mà
các “tiểu yêu” của hắn sẽ “hiếc” (hiếc: lần lưng móc túi) hay “khai” (khai: cắt túi xẻo đẫy)
được. Gối đầu lên đùi hắn, Năm Sài Gòn lơ mơ nhìn khoảng không. Chàng này lúc
nào cũng thế, nét mặt không bao giờ mất vẻ điềm tĩnh tự nhiên. Cứ trông lốt dao
chém sâu lõm từ trán xuống mang tai, người ta cũng đủ hiểu rõ Năm không còn sợ
hãi những cái người ta kinh khiếp.
Sáu gáo đồng tiêm xong điếu thuốc, nâng giọc
tẩu vào tận miệng Năm Sài Gòn mời đi mời lại. Nhưng Năm không buồn nhấc môi.
Hình như bữa nay Năm chán thuốc phiện mà mơ tưởng một sự say sưa nào khác lạ
hơn. Ba Bay liền đón lấy, xin phép Năm. Hắn rụt hẳn cổ lại, hai vai gầy so lên
quá mang tai, lấy gân cổ kéo một hơi dài vo... vo... vo...
Tiếng vo... vo... đều đều vang trong ba
gian nhà lá rộng rãi và cao ráo, có cả tủ đứng, sập quang dầu, giá gương, đỉnh
đồng và tranh tàu. Nó khác hẳn những gian nhà lụp xụp ẩm nhớp, mái thì dột nát,
phải che đậy bằng chiếu, bằng vải bao, bức vách thì lở vữa, ám khói, đầy mạng
nhện, giường phản thì thấp hẹp bề bộn quần áo chăn chiếu, hôi hám rách rưới, những
gian nhà cùng ở xóm này của những gia đình làm ăn vất vả, túng thiếu, họ là những
thợ thuyền, phu phen buôn thúng bán mẹt và thất nghiệp không thể nào mon men
lên trên phố đành phải chui rúc ở cái vùng Chợ con, muỗi, bọ và ao đầm ngập rác
này.
Đợi Ba Bay hút xong, Chín Hiếc giục Sáu gáo
đồng tiêm cho hắn một điếu to để hắn lấy hơi hiến anh em một chuyện rất lý thú.
Chuyện thuật sau đây:
“Tối hôm kia, hồi mười giờ, một tiểu yêu của
Chín về báo với hắn có một người đàn bà ở tàu chạy Hồng Gai lên, bế một đứa con
nhỏ tuổi. Hai mẹ con chị này sang lắm: mẹ vận quần lĩnh, áo nhiễu tây nâu, con
mặc quần lụa hồng, áo gấm lam, đeo vòng khánh vàng và khóa xích bạc. Nó hết sức
theo dõi nhưng không làm sao đến gần được vì “bỉ” (đàn bà con gái) này “hắc” (cẩn thẩn khôn
ngoan) lắm. Nó còn khoe với hắn cái “thắt đớm” (thắt đớm: thắt lưng) của chị ta
phồng lên một nấc, chắc chắn là nấc bạc giấy. Lúc bấy giờ người đàn bà đương lò
mò tìm nhà quen ở đường Lạc Viên.
Hắn tức tốc đi luôn, một lúc thì đuổi kịp
người đàn bà. Sương đã xuống, trời tối mờ. Hắn không rõ mặt người ấy. Mãi sau
nhờ ánh đèn điện đằng xa, hắn mới nhận thấy đôi mắt rất sắc trên gương mặt trái
xoan lóng lánh đôi hoa tai vàng. Đường thật là vắng vẻ. Một chiếc xe tay đi khỏi
thì không còn một bóng người khác. Chín Hiếc vội rút dao ra, nhảy xổ lại bóp cổ
dìm người đàn bà xuống đường. Thằng tiểu yêu theo sau bế ngay đứa bé chạy ra lối
ao than. Người đàn bà không kịp kêu lên một tiếng, Chín đã cắt đứt ruột tượng.
Sờ lên đôi hoa tai, hắn không tháo mà nghiến răng dứt nốt. Hắn lẳn gói bạc vào
túi áo trong đoạn lần khắp người đàn bà. Nhưng không thấy tiền nong gì nữa, hắn
bèn rút thắt lưng, trói nghiến chân tay người ấy lại và lấy mùi soa nhét đầy miệng.
Trong chớp mắt Chín đã đặt người ấy còng queo trong khu vườn hoang bên đường. Hắn
nói đến đây cả bọn nhao nhao lên hỏi:
- Có “tễ bướu” (nhiều tiền) không?
- Bao nhiêu “thạnh” (đồng).
Chín Hiếc so vai cười nhếch một cái rồi móc
ở túi ra 12 tờ giấy bạc một đồng và 10 tờ giấy 5 đồng. Hắn đưa mắt trông một lượt,
thong thả nói:
- Trước hết tôi biếu anh Năm “trách chợm” (một chục),
còn mỗi anh “kẹo thạnh” (năm đồng).
Năm Sài Gòn cười nhạt:
- Thôi tôi không cần tiêu lắm, còn chú
đương túng thì cứ giữ “trách chợm” này mà tiêu.
Chín Hiếc trầm ngâm, mắt hắn vừa thoáng gặp
cặp mắt long sòng sọc của Năm.
Hắn vội nói:
- Anh không cần nhưng em muốn anh cứ cầm lấy
và đây em đưa thêm “chợm gập” (mười lăm đồng) nữa để anh xe pháo.
Tư-lập-lơ lấm lét chờ Năm nhận nhời mới hất
hàm hỏi Chín:
- Thế “khánh vọt” (khánh vàng) với “khong bẹt” (khóa vòng bạc)
đâu?
Chín Hiếc vội cười đáp:
- Ấy tôi suýt quên thằng “vỏ lỏi” (ăn cắp còn nhỏ
tuổi) bế đứa bé ra ao than chực tháo khánh và vòng xích thì có bốn
“so quéo”(so:
thằng, quéo: không thuộc về cánh ăn cắp. Tiếng quéo còn dùng để chỉ những kẻ
ngù ngờ đần độn) ở trong ấy đi ra bắt gặp nó, nó hoảng hốt vội vứt đứa
bé xuống một cái hố rồi chạy mất. Một lúc sau tôi và nó đến thì người đã đến
xem đông kín cả đường. Lại thấy cả bóng “cớm chùng” và “cớm tẩy” (Cớm: tiếng chỉ
chung mật thám và đội xếp. Cớm chùng: mật thám. Cớm cộc: đội xếp. Cớm tẩy: Mật
thám tây, đội xếp tây), tôi phải bấm nó rồi cả hai “ngũ dị” (chạy trốn)
thẳng.
Ba Bay liền nhíu đôi mày lưỡi mác nhè nhè hỏi
Hiếc:
- Bỉ ấy có “te” (đẹp) không?
- Te thì mày làm gì?
- Rõ phí của!
Cả bọn cười vang lên. Năm Sài Gòn cũng cười,
nhưng nụ cười ở trên cặp môi xám và dày của hắn có một ý nghĩa khác. Hắn khen
thầm Chín Hiếc ra đời chơi kém hắn hàng mười năm mà đã can trường rồi đấy...
Khói thuốc phiện chập chờn bay, Năm Sài Gòn mơ màng theo làn khói nhẹ nhàng và
thơm lừng cuộn lên nóc nhà rồi tản rộng ra. Qua một cái màn mong manh vương vấn
trước mắt, Năm thấy rung động như có người thật trong những bức tranh nền đỏ cảnh
nước Tầu loạn lạc về đời Tam Quốc và đời Đường, treo trên vách quét vôi trắng kẻ
chữ xanh hẳn hoi.
Những tấm hình đàn bà trần truồng treo hai
bên tủ cũng nổi rõ thêm. Cả hai lưỡi dao gài ở đầu giường tây buông màn, diềm
nhiễu óng ánh, cũng sáng loáng lên. Năm vơ vẩn nghĩ đến cái tuổi ba mươi hai của
mình, cái cảnh đời không vợ con, không anh em, cha mẹ. Năm nghĩ tới sự sống du
đãng hết ngày ấy sang tháng khác.
Mới ba mươi hai tuổi mà án tích Năm kê chật
một tờ giấy trong Sở Liêm phóng. Non hai phần ba đời Năm đã bị cảnh tù tội cướp
mất. Năm đã đi đày Côn Lôn 7 năm, ở Khám lớn Sài Gòn, ở Hỏa lò Hà Nội 2 năm...
Năm còn từng làm cai trại (người tù quỷ quyệt sừng sẹo cắt lên trông coi nhưng tội
nhân khác. Nơi nào có cai trại thì là nơi đầy đọa, làm khổ tội nhân hết sức)
trong đề lao Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, hơn 4 năm. Cuộc đời Năm
trải qua những phen nguy hiểm đã dầy dạn như những lốt dao chém trên mặt, trên
lưng và khắp hai cánh tay Năm.
Giá người khác thì bị chết tự bao giờ,
nhưng hình như số mệnh muốn Năm sống mãi sự sống gian ác, tàn bạo này nên cho
Năm một sức khỏe lạ thường, thêm một sự gan góc ít ai bì kịp.
Tất cả đều phiện phò say sưa. Tiếng gãi đùi
sồn sột. Tiếng gẩy ghét móng tay kêu tanh tách. Thuốc phiện và bữa rượu ban chiều
đương như lửa hun đốt trong người bọn Năm Sài Gòn.
Chín Hiếc khơi mào lè nhè bảo Mười Khai thu
xếp cất bàn đèn để còn sang Hạ Lý “quấy” một đêm.
Sáu cái xe đã kề tận cửa, sáu tấm xác thịt
ngứa ngáy nằm duỗi dài trên xe. Thoáng chốc xóm Chợ Con - sào huyệt của dân “chạy
vỏ” và “anh chị” - lúc nhúc dưới ánh sáng đèn điện vàng mờ bị trại lính khố
xanh che khuất. Xe qua phố Đầu Cầu, qua phố Ba Ty, khỏi cầu Hạ Lý thì dừng lại.
Tức thì ở trong nhà mụ Tài-sế-cấu để xô ra
một lũ gái, vú vê và quần áo phong phanh, rồi trai nào gái ấy nhún nhảy đi vào.
Thật đủ thứ tiếng ồn ào: tiếng cười chen tiếng
nói, tiếng hát lẫn tiếng bông đùa, pha thêm tiếng xuýt xoa, chửi rủa và tiếng
khóc mà người khóc mắt ráo hoảnh. Hai Liên bá vai Năm Sài Gòn dìu hắn vào buồng
Tám Bính. Y chẹn cửa ngoài xong liền ôm ngay Chín Hiếc ẩy vào buồng mình. Sáu
cánh cửa sập lại cùng một loạt. Người ta bắt đầu thấy những giọng rền rĩ.
Tám Bính nghỉ đã nửa tháng nhưng vẫn còn mệt.
Vì có lời Hai Liên dặn hễ Năm Sài Gòn đến thì nên liệu cách tiếp đãi, chuyện
trò cho đằm thắm, nếu hắn vừa lòng thì trong túi có bao nhiêu hắn cũng dốc ra hết.
Và Hai Liên còn bảo kín Bính rằng Năm Sài Gòn phải lòng Bính đấy.
Tám Bính ngồi dựa lưng vào tấm ván ngăn buồng
bên, tay đặt lên ngực Năm. Năm nắm lấy tay Bính vuốt ve, có lúc đưa lên miệng
hôn rất âu yếm.
Gối đầu trên đùi Tám Bính, Năm Sài Gòn đăm
đăm ngắm nghía nhận thấy vẻ mặt Bính vẫn buồn bã và hốc hác, Năm bèn gạn hỏi:
- Bính vẫn còn ốm chứ?
Tám Bính không đáp, chỉ lắc đầu thở dài rồi
cúi xuống lờ đờ nhìn Năm.
- Vậy mụ Tài không cho Bính tiền lấy thuốc
sao?
Bính yên lặng một lúc nữa mới đáp:
- Anh trông đây này, đã ba tháng nay em vẫn
chỉ có cái quần trắng của chị Hai cho, vẫn cái áo cánh mạng vai cũng lại của chị
ấy cho nốt, đến manh quần tấm áo mặc cho sạch sẽ tươm tất có thế mới đắt khách,
mụ còn tiếc rỏ máu mắt không chịu cho vay tiền may, vậy anh tính em trông hòng
gì xin được tiền thuốc tiền men.
- Thế tiền Bính tiếp khách, Bính để làm gì?
Bính như không cất được tiếng lên:
- Nào em có bao giờ để dành được! Vả lại có
tiền đâu mà để dành. Tiếp khách xong, họ vừa bước chân ra khỏi buồng, mụ đã nắn
ngay túi em khám xét, bóp nặn, chỉ để cho tối nào nhiều lắm mới được một hào. Mụ
bảo những nào dạo này nhà ế khách, ăn uống lại tốn hơn, nào em là gái mới nhận
về phải lễ hàng chục cho cẩm đội con gái, nên mụ vay nợ chưa biết đến bao giờ mới
giả được. Vì thế lắm khi nhà hết trầu cau, chị Hai Liên lại phải đưa tiền để em
mua cho em và cả u già ăn.
Đến đây, Bính phải cố cầm nước mắt, nói tiếp:
- Cơ cực hơn đến tiền đi “phiên” (đi khám bệnh một
tuần hai kỳ tự người đi nộp tiền lấy) không có cũng lại phải để chị
Hai Liên ứng cho.
- Sao Bính lại chịu khổ đến thế hở? - Năm
Sài Gòn cau mày hỏi.
Tám Bính vẫn dẽ dàng:
- Nhưng mà nào có ai thương em đâu. Trong
nhà này, trừ chị Hai, còn chị Ba nhớn, Ba con, chị Tư Thìn, chị Năm Thìn, chị
Sáu Huyền, chị Bảy Thanh... hết thảy đều ghen ghét, tức tối, chăm chăm nhìn xem
ai cho em đồng nào là hót ngay với mụ Tài, tức thì mụ lại tra hỏi khám xét, lại
bóp nặn cho ra tiền mới thôi. Thỉnh thoảng em có than thân và chị Hai có bênh
em thì mụ lại nhắc đến khi em ở “Líp phăng xe” (Dispensaire: nơi giữ và chữa bệnh cho các
gái mãi dâm) rồi mụ lại kể ơn kể huệ lại kêu ca “nào nhà ăn uống tốn
kém, nào khách khứa ế ẩm” nên em lại chỉ đành cắn răng mà chịu.
Năm cau mày thêm:
- Sao Bính không trốn đi hay ra ngoài kiếm
tiền thêm để tiêu. Tội gì mà chịu khổ ải như thế?
Bính nghẹn ngào nói:
- Em ra khỏi nhà một bước cũng chả được, nữa
là trốn đi. Mụ Tài để ý tới em luôn và giao hẳn em cho các chị ấy coi giữ. Mà
em có lúc nào rỗi đâu để ra ngoài kiếm thêm? Gái mới, tiếp nguyên khách ở nhà
cũng đủ nhược người, huống chi còn khách khứa riêng thì đến... vào săng mất.
Bính nức nở, quay hẳn mặt đi, tránh nhìn ngọn
đèn dầu tù mù trong gian buồng âm u mà mỗi lúc Bính để ý tới thì lại thấy nó
như là ma quỷ cứ giữ riệt Bính lại với cái đời làm đĩ càng ngày càng nhơ nhớp
không thể đoạn tuyệt được.
Dưới hai vai run rẩy của Bính, Năm Sài Gòn
bỗng thấy tâm trí lạnh và mềm hẳn đi. Năm càng đăm đăm nhìn cái gương mặt xanh
xao buồn thảm của Bính, trong lòng Năm càng rào rạt. Thật là một sự lạ, một sự
lạ kỳ diệu trong cái đời du thủ du thực của Năm là còn biết thương, nhất là còn
biết yêu! Phải! Năm Sài Gòn có thương yêu ai bao giờ đâu vì hắn không được một ai
thương yêu tới. Bố mẹ hắn chết ngay khi hắn mới lọt lòng. Hắn không có anh em
thân thích nào hết. Bé đi làm con mày con nuôi hết cửa này đến cửa khác. Lớn
lên một chút thì trốn đi ăn đi ở. Rồi lang thang đầu đường cuối chợ, rửa bát, bổ
củi, gánh nước, đội than, chẳng làm ở đâu lâu cả vì công việc thất thường, tính
nết lại ngang ngạnh, ham chơi... Sự sống cô độc và bê tha ấy đã biến đổi rất
mau sớm tâm hồn Năm nên khô khan tàn ác.
Năm nắm chặt bàn tay Bính, ấp nữa vào ngực
mình. Thoáng phút giây, chợt nghĩ đến đời mình trơ trọi, Năm cảm thấy cần phải
có gia đình, cần phải lấy Bính, người đàn bà đã làm êm đẹp đến nỗi mắt Năm xưa
nay không biết cái êm đẹp là thế nào và làm Năm phải yêu dấu.
Năm hồi hộp, không thể giữ được, bật tiếng
hỏi:
- Tôi không có cha mẹ, anh em thân thích
nào cả, vậy Bính có thuận tôi nói với mụ Tài cưới Bính không?
Bính chẳng còn do dự, chẳng cần suy xét Năm
là hạng người gì, đời làm vợ Năm rồi sẽ ra sao, chớp chớp mắt, đáp:
- Em thì rắp tâm lắm, nhưng còn anh chả biết
có thực bụng với em không?
- Sao lại không thực! Mà em thực bằng lòng
chứ?
Bính không đáp bằng tiếng nói mà chỉ càng
siết chặt lấy tay Năm rồi thần mặt ra nhìn Năm.
Chợt ngọn đèn lù mù nhảy lên nhảy xuống,
nhoi lên một tý ánh sáng vàng đục rồi vụt tắt. Gian buồng thêm lạnh lẽo, âm u,
không khí càng nặng nề đè nén. Cảnh giấc mơ khủng khiếp hôm xưa lờ mờ bỗng lại
hiện ra giữa khoảng tối tăm: một người đàn bà trơ trọi ở nơi bán trôn nuôi miệng...
một xác chết thối rữa trên chiếc giường mọt gẫy... một cỗ áo quan mỏng mảnh đu
đi đu lại dưới chiếc đòn gánh chạy cót két ra một bãi tha ma. Bính rùng mình vội
bưng lấy mặt, nghẹn ngào, lay người Năm:
- Anh Năm!... Anh có thực bụng với em
không?...
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét