Bỉ Vỏ
Tác giả: Nguyên Hồng
Chương 3
Bính vẫn tin lời nói của Chung nên sáng nay
Bính quả quyết đánh bạo đến đường Cát dài để hỏi tin tức Chung.
Sự ước mong được gặp mặt chồng, Bính có biết
đâu chỉ là ảo vọng đáng dập tắt hẳn trong lòng với cả tình yêu thương nồng nàn
con người bội bạc kia. Nhưng những lúc Bính oán giận Chung chỉ là lúc Bính quá
khổ sở điêu đứng vì sự thực quanh mình, rồi sau một vài phút, khi tưởng đến biết
đâu vì một lẽ gì đấy Chung không kịp bày tỏ nên mới bỏ Bính đi.
Bính ngẫm nghĩ, rụt rè một lúc lâu, sau
cùng gọi cửa một nhà nọ. Cánh cửa hé mở, có tiếng người vẳng ra:
- Ai đấy? Cứ vào tự nhiên.
Bính còn đương khép nép thì một người đàn
ông trẻ tuổi súng sính trong bộ quần áo ngủ ở trong nhà bước ra. Bính giật mình
vội chào và hỏi người ấy:
- Thưa ông, đây có ai là ông tham Chung làm
Sở đạc điền không?
Người trẻ tuổi đưa mắt nhìn Bính một lượt từ
đầu đến chân: cặp mắt lờ đờ nhưng long lanh, cặp mày không tỉa, chiếc khăn
vuông mạng mấy miếng nhỏ, tấm áo tứ thân, cái quần cạp hồng thắt lưng xanh và một
dáng điệu sợ sệt e thẹn, vạch rõ ra trước mắt người ấy tất cả mọi cái dại dột của
cô gái quê hiền hậu ra tỉnh lần đầu. Hắn tủm tỉm cười:
- Cô hỏi có việc gì đấỷ
Bính run run đáp:
- Thưa ông, cháu có việc trong nhà ra tìm ạ.
Bính chưa nói xong, hắn đã vồn vã mời Bính
vào nhà, kéo ghế giục Bính ngồi. Tức thì một quang cảnh lộng lẫy bầy ra trước mắt
Bính. Nào tủ chè, sập gụ; nào tranh ảnh treo la liệt; nào chậu hoa, đôn sứ; nào
hoành phi câu đối. Bính khấp khởi mừng, bụng bảo dạ:
- Đúng như lời Chung dặn mình. Vậy thật là
nhà Chung đây?
Rồi Bính len lét trông xung quanh, tay vẫn
xách đẫy quần áo, băn khoăn mong người trai trẻ trả lời. Bấy giờ bao nhiêu vẻ đẹp
hiền hậu nổi cả lên gương mặt Bính đờ đẫn, lấm tấm vài giọt mồ hôi trán dính lấy
những sợi tóc như tơ. Người trẻ tuổi càng đăm đăm nhìn, Bính phát ngượng nhưng
cố nén hồi hộp thong thả hỏi:
- Thưa ông làm ơn bảo cháu, đây có phải là
nhà ông Chung?
Người kia đưa mắt liếc Bính một cái rất
tình tứ:
- Phải!
Bính luống cuống nhắc:
- Phải ạ?
- Tôi đã bảo phải thì là phải mà. Nhưng cô
hỏi ông Chung có việc gì, phải bảo qua tôi, tôi mới gọi ông ta tiếp chuyện cô
được.
Bính sung sướng tưởng đến vỡ mất trái tim,
bật kêu lên:
- Thế mà tôi!...
Bính định nói: “Thế mà tôi nỡ vội giận
Chung”, nhưng vì ngượng, Bính phải bỏ dở câu. Thấy cái thái độ lạ lùng ấy, người
trẻ tuổi chau mày hỏi:
- Thế mà tôi... làm sao hở cô?
Bính quên cả lễ phép, thở hắt mạnh ra một
cái, lắc đầu rồi đáp:
- Tý nữa tôi...
Đến tiếng “tôi” Bính lại ngừng, hai khóe mắt
ứa nước. Bính phải cố nén sự nghẹn ngào, nói tiếp:
- Tôi quyết không nghĩ gì đến nữa thì thật
là tội nghiệp!
Người trẻ tuổi chống cằm ngồi nghe. Sự ngây
thơ của Bính bỗng trở nên kỳ dị và u uẩn và tình tứ. Người ấy rót nước chè nóng
mời Bính uống, đoạn nghiêm trang nhìn vào mắt Bính nói:
- Ông Chung của tôi chắc hẳn là tình nhân của
cô?
Bính đỏ mặt, cúi đầu không đáp. Người trẻ
tuổi nhắc lại câu hỏi ban nãy:
-Vậy cô tìm ông Chung làm gì? Phải bảo qua
tôi mới được.
Bính hơi luống cuống, cúi mặt rồi run run
đáp:
- Vâng thôi thì cháu xin nói thật: ông
Chung là nhà cháu.
- Cô là vợ ông Chung? Vợ ông tham Chung?
- Thưa ông vậy ông chắc là người họ của nhà
cháu?
Người ấy lắc đầu, tủm tỉm cười:
- Là bạn thân tôi.
Người trẻ tuổi định nói nữa, Bính đã tiếp lời:
- Là bạn thân của nhà cháu thì cháu mới dám
nói các sự thể sau đây...
Bính mân mê chén nước mời vừa thong thả kể
vì sao Bính biết Chung, vì sao Bính phải bỏ nhà đi. Bính đã chất phác, giọng
nói đầy nước mắt của Bính càng làm sự chất phác đầy đủ hơn và sắc mặt Bính thêm
linh động với những giọt lệ long lanh.
Người trẻ tuổi sung sướng lạ thường, hắn cố
tạo một giọng nói thật thân thiết, hiền từ mà nhủ Bính:
- Thôi cô đừng lo, để tới 12 giờ trưa tôi sẽ
dẫn cô lại nhà bác Chung tôi.
Hắn tươi cười đón lấy câu cảm ơn rất cảm động
của Bính, xong quay đầu gọi:
- Nhỏ!
- Dạ?
Một đứa bé quần áo cũng chải chuốt ở trong
nhà chạy ra. Chợt thấy Bính đứng trước mặt chủ thì nó lấm lét cười, như biết
trước một cảnh ngộ nghĩnh gì sắp xảy ra. Người trẻ tuổi vội đưa mắt. Nó liền
khoanh tay khúm núm thưa:
- Cậu bảo gì con?
Người trẻ tuổi nghiêng mình móc cái ví ở
túi quần, lấy một tờ giấy bạc một đồng dúi vào tay thằng bé và thầm dặn nó.
Được một lúc thằng bé bưng về một khay những
thức ăn khói bay nghi ngút. Nó chưa kịp đặt các món ăn lên bàn, người trẻ tuổi
đã lau một cái thìa và đôi đũa bằng tờ giấy bản con, hai tay để trước mặt Bính,
mời cầm:
- Cô ăn sáng với tôi. Ăn rồi cùng đi. Hôm
qua tôi phải thức khuya để kiểm tra mấy công việc sổ sách nên đói sớm. Cô ăn đi
với tôi cho vui...
Bính ngần ngại. Tuy từ hôm qua đến nay Bính
chưa có hột cơm nào vào bụng, đói như cào, mà không dám cầm đũa. Mãi khi người
trẻ tuổi đưa đũa và thìa vào tận tay Bính và y ăn trước, vừa ăn vừa giục Bính,
Bính mới rụt rè đón lấy bát cháo.
Bính lập cập mãi mới dám múc ăn. Bính mới
húp có một thìa đầu đã thấy ấm ran cả ruột, đến thìa thứ hai thì dạ dày Bính
đang cồn cào dịu hẳn đi, Bính tự nhủ:
- Ông này thật tử tế quá!
Bính chưa ăn hết bát cháo, người trẻ tuổi vội
sẻ “mằn thắn” sang bát Bính và tất cả sá síu, tim, gan, trứng gà, Bính luống cuống
không biết nói sao, má đỏ ửng lên, mắt đờ đẫn, nhìn người trẻ tuổi. Hắn tình tứ
nhìn lại. Bính cúi mặt xuống. Hắn mỉm cười.
Đồng hồ treo trên tường ngân nga như một
khúc đàn rồi buông chín tiếng, gieo sâu vào không khí phảng phất mùi nước hoa
nhài một âm thanh náo nức. Người trẻ tuổi còn ép Bính ăn thêm mấy chiếc bánh ngọt
mới gọi thằng nhỏ lên dọn bàn và mời Bính lên trên gác rửa mặt. Bính bâng
khuâng theo người ấy, trống ngực Bính đập mạnh hơn. Bính không thể nào ngăn giữ
sự lo lắng, nghi ngại. Chợt người ấy tới đầu cầu thang, thì dừng lại nhìn Bính,
Bính khép nép nói:
- Thưa ông, cháu... cháu... ông làm ơn dẫn
cháu.
Người trẻ tuổi cười:
- Làm quái gì cái đó! Thôi cô lại rửa tay
đi, chứ không nước nguội hết.
Người trẻ tuổi chỉ cái chậu thau bằng sứ để
trước tấm gương to, rút chiếc khăn mặt bông trắng tinh vắt lên vai Bính, vuốt
má Bính, Bính giật mình, vội lui người lại, kêu khe khẽ:
- Ông!.. Ông!..
- Anh chứ!
Bính tái mét mặt, nghĩ ngay đến cái đêm ghê
gớm vừa qua. Bính run không được:
- Thưa ông sao lại thế?
Mắt hắn sáng lên khác thường, hắn nghiêng đầu
ngắm khuôn mặt Bính nhợt nhạt dưới nếp khăn vuông. Bính lập cập lùi dần về phía
cầu thang. Thấy cửa đã khóa trái Bính nghẹn ngào:
- Cháu van ông làm ơn dẫn cháu lại với nhà
cháu.
Hắn cười tít mắt, vỗ ngực đáp:
- Tôi là “nhà cháu” đây, còn phải đi tìm
đâu cho tốn công?
- Không! Cháu van ông... ông thương cháu.
Hắn cười sặc sụa át cả tiếng sụt sùi của
Bính. Hắn rút ví tiền, đếm năm đồng đưa vào tay Bính:
- Đây ông làm ơn cho cháu.
Nói đoạn hắn bá lấy vai Bính, hôn mãi vào cặp
má trở nên xám ngắt. Bính toan kêu to lên. Hắn bịt ngay lấy miệng Bính:
- Cô kêu ai bây giờ? Biết điều thì im nghe
tôi...
Hắn đã ôm xốc Bính vào lòng, bế đặt lên cái
giường tây gần đấy. Cửa màn tụt ngay xuống. Hắn liền cưỡi lên người, ngực ép ngực,
má ép má, cặp mắt sáng quắc chiếu lên cặp mắt long lanh.
Bính mềm nhũn cả người. Cặp vú cương sữa tưởng
sắp vỡ bung.
Bính rùng mình. Bính định nói, định van thì
cổ ứ lại.
Bính xanh mắt lên trông gian buồng âm u giữa
buổi trưa mùa thu trong sáng, và ú ớ nói những tiếng nhỏ nhỏ trong cổ họng như
một người bị cơn mê bóp nghẹt:
- Giê su ma... Con chết mất! Lạy chúa con.
Không!... Không!...
... Bỗng ngoài cửa đập thình thình. Bính
chưa kịp ngồi dậy thì cánh cửa đã bị đạp tung. Một người đàn bà nhảy xô vào túm
chặt ngay đầu Bính. Người trẻ tuổi cuống quít vớ vội cái áo chạy mất. Bính mặt
cắt không còn hột máu, kêu thất thanh:
- Ông! Ông bỏ tôi à?
Bao nhiêu ghen tức điên cuồng ngụt bốc lên,
người đàn bà, mặt đỏ bừng, dìu luôn đầu Bính vào nách rít lên:
- Này bỏ tôi à!... Này bỏ tôi à!... Này bỏ
tôi à!...
Mỗi một tiếng rít lại theo một tiếng gằn
nghe ghê hết cả da thịt. Người đàn bà nghiến răng, quắc mắt, rút guốc phang
Bính chẳng từ mặt mũi, Bính giằng không ra. Người đàn bà to béo khỏe hơn nhiều!
Cực chẳng đã Bính hết van lơn lại khóc lóc. Nhưng người nọ cứ tru tréo ầm ĩ, sỉa
sói vào mặt Bính, vừa rủa sả...
Ván gác dận sầm sầm. Bính khản đặc nói
không thành tiếng. Bính khủng khiếp đau xót vô cùng.
Hàng phố kéo đến xem thoáng chốc đã đông
nghịt cả nhà dưới. Mấy người đàn bà quen vợ gã trẻ tuổi rẽ đám đông lên gác.
Theo sau họ, hai người đội xếp, một người tây và một người ta.
Người đàn bà nọ vẫn gầm thét, đánh đập
Bính. Người đội xếp ta vội chạy lại giằng lấy guốc. Người đội xếp tây kéo Bính
dậy. Nhưng Bính mình mẩy đau dừ, rã rời, quằn quại như con sâu rau bị xéo. Dưới
mớ tóc tả tơi, mắt Bính sưng vù, nổ đom đóm, ràn rụa nước mắt.
Thấy có đội xếp đến can thiệp, mụ vợ người
trẻ tuổi bèn quấn vội mớ tóc rối, sấn đến trước người đội xếp tây, soi sói chỉ
mặt Bính nói:
- Thưa ông con này là hàng đĩ lậu ghê gớm lắm,
bao nhiêu “a dăng” cũng phải lòng nó hết. Giờ nó lại quyến rũ đến chồng con. Nó
dám ban ngày ban mặt dẫn xác đến nhà con ngủ với chồng con. Bao nhiêu tiền
lương của chồng con, nó bòn rút hết, nó... nó...
Người đội xếp tây xua tay ra hiệu đừng nói
nữa và bảo người đội xếp ta đỡ Bính dậy, Bính cố gắng kéo lê người lại gần giường
nhặt lại khăn vuông đội, mặt chỉ gằm xuống.
Bính càng gạt, nước mắt càng đầm đìa; Bính
tưởng đến đứt ruột mất. Mấy bà đứng xem đã không tỏ chút thương hại, một người
còn mắng như tát nước vào mặt Bính.
- Thôi, đồ đĩ trăm thằng, nghìn thằng, đồ
voi giày ngựa xé, xéo đi, xéo ngay đi, chẳng các mẹ mày ngượng mặt lắm rồi.
Trẻ con cũng thi nhau cười vang lên và chế
nhạo Bính.
Vợ người trẻ tuổi thưa Bính là một gái
chuyên mãi dâm không có “giấy”, nên khi lên đến “bóp” chính, viên cẩm truyền giữ
Bính lại để chờ thứ Sáu tới, thì đưa Bính sang nhà thương khám xét để rồi bộ phận
“đội con gái” quyết định.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét