Bỉ Vỏ
Tác giả: Nguyên Hồng
Chương 8
Một trưa dân “chạy vỏ” tụ họp ở nhà Năm Sài
Gòn.
Vẫn ngọn đèn dầu lạc búp măng sáng trong giữa
cái khay Nhật Bản viền chỉ vàng, vẫn chiếc giọc tẩu dài hơn một thước ta bịt bạc
và chiếc tẩu đầu hổ ngậm nửa quả cam lên nước mun đen bóng, nhưng trên giường
và ở các ghế chung quanh, ta thấy thêm nhiều nhân vật mới lạ.
Chín Hiếc, Mười Khai dắt theo một người hom
hem mắt sếch, luôn nhấp nháy tên gọi là Tư nhấp nháy. Sau lưng Tư-lập-lơ, ba
anh vốn chuyên môn “khai” (cắt, xẻo), “mõi” (móc, rút) ở chợ Đồng xuân Hà Nội
mà Tư mới chiêu tập xuống Cảng để thêm vây cánh hoành hành khắp chợ Sắt, chợ
Con và chợ Lạc Viên. Ba gã này đều mảnh khảnh, mắt nhìn đều nhanh như chớp,
lông mày đều rậm, đuôi nhọn và sếch, cũng quần đen chùng rộng ống, áo cánh trắng
cổ bẻ, và cái tên kép cũng chỉ khác nhau chữ đầu thôi: Hai Con, Ba Con, Tư Con.
Còn anh chàng Ba Bay lúc nào cũng “đi” có một
mình vì không có ai dù là dân “anh chị” dám đánh đu với hắn. Đời thuở nào trong
túi không xu nhỏ nhưng hễ “hồ lỳ” (người tính toán tiền ở chiếu bạc) cất mồm “thừa”
(gọi khách
đánh) hàng bạc trăm. Ba Bay ta cũng thò tay mở bát liền. Được thì lấy,
thua thì hắn thủng thẳng rút dao giắt ở bên đùi ra gạt nợ. Đã lắm phen gặp phải
“hồ lỳ” và con bạc sừng sẹo, hai bên xô xát nhau, nhưng rút cục cái liều thục mạng
của Ba vẫn chiếm phần thắng. Người cuối cùng trong bọn là một gã trẻ tuổi ngồi ở
góc tường gần Sáu gáo đồng, đương nghển cổ trừng trừng nhìn vào mặt Năm Sài
Gòn. Ý chừng hắn thèm cái hân hạnh được mặt đầy những lốt dao chém và cái đời “anh
chị” độc nhất của Năm hay sao nên mắt hắn cứ long lên. Hắn mới cắt máu ăn thề dạo
tháng trước, và nhận cái danh hiệu “Ba trâu lăn” của anh em tặng.
Bỗng tất cả im lặng, Chín Hiếc đương chực
kéo một hơi thuốc lào cũng phải buông xe điếu xuống chiếu nghe Tư-lập-lơ nói:
- Anh em ơi! Nguy đến nơi rồi!
Năm Sài Gòn mỉm cười:
- Nguy ra sao?
Giọng nói khinh thường ấy không đủ dẹp được
sự lo lắng của Tư-lập-lơ, hắn thong thả bảo Năm:
- Anh không lo, nhưng chúng tôi lo, bây giờ
“cớm” (mật
thám, đội xếp) nó “trõm” (rình mò truy nã) ghê lắm.
Ba trâu lăn, Ba Bay nhao nhao lên hỏi:
- Trõm ai, trõm aỉ?
Tư-lập-lơ lắc đầu trách Chín Hiếc:
- Chỉ tại mày thôi, trêu ngay vào cái của “hóc
búa” ấy rồi để khó khăn cho anh em.
Chín Hiếc chực cãi, Tư-lập-lơ đã nói át đi.
- Người đàn bà mất tiền ấy là vợ một cớm
chùng (mật
thám) ở Hồng Gai mới đổi về đây, không biết “tiểu yêu” của mày làm
ăn ra sao để đến nỗi thằng bé rơi xuống hố, đập cả sống mũi, vào nhà thương được
năm hôm thì chết.
Không một vẻ cảm động trên mười mấy khuôn mặt
đen xạm, Năm Sài Gòn chậm rãi nói:
- Nó chết thì bố mẹ nó chôn, việc gì mình
phải lo.
Ba trâu lăn và Ba Bay đồng thanh:
- Đúng đấy!
Tư-lập-lơ mặt đỏ bừng, muốn đá thốc cho hai
thằng này mấy cái, nhưng có Năm ngồi đấy, hắn phải cố nuốt sự uất ức.
- Các anh thì việc gì, bình chân như vại,
chỉ khổ riêng cho cánh chúng tôi thôi. Hai tháng nay tôi không được một xu nhỏ.
Tôi bãi hẳn các “tiểu yêu” vì chung quanh và trong chợ lúc nào cũng có mật
thám, phụ mật thám, đội xếp đi lại. May mà tháng trước tôi nhờ người nói lót
lão đội Lễ nửa tá sâm banh và hai trăm trứng gà ngày cưới vợ bé của lão, chứ
không “cớm” và “phụ cớm” (phụ mật thám) nể gì mà không “tôm” (bắt)
tôi.
Tư-lập-lơ ngừng lại một giây, uống chén chè
tàu tự rót đoạn nói luôn:
- Mà anh Năm ạ, chúng lại rục rịch bắt hết
những “yêu” (kẻ
cắp lâu năm, sành sỏi và can án nhiều lần. Còn có hạng “yêu tạ”. Hạng này đã trải
qua nhiều lần tù nữa, nhiều lần đâm chém người nữa) quen mặt ở phố
Khách, phố Đầu Cầu, phố Ba Ty, những cánh chơi ở ngõ Trần Đông, Lạc Viên và An
Dương, những sòng bạc ở Cấm và ở Vẻn, và cấm hẳn những cơm thầy, cơm cô tụ họp ở
vườn hoa Đưa người. Nếu như thế này anh em mình đến phải kéo cánh lên Hà Nội
hay về Nam, chứ ở đây thì tù dắt nút mất.
Năm Sài Gòn hất hàm:
- Ai bảo chú chạy đồ lễ cho “cớm”. Sao chú
hèn thế?
Tư-lập-lơ chưa kịp đáp. Chín Hiếc nhìn Tư-lập-lơ
càu nhàu:
- Mấy tháng này khó dễ là bởi tại đâu chứ
nào phải tại tao mà mày gieo cho nhiều điều tiếng thế?
Ba Bay xen nhời:
- Trách Chín Hiếc làm gì? Tao đây trần như
dộng mà vẫn phải cắn răng chịu nữa là.
Sáu gáo đồng chêm vào:
- Cả tôi cũng “kện” sạch “bướu” (hết cả tiền)
mà cũng đành phải bó tay!
Chớp chớp mắt, Tư-lập-lơ trông mọi người; vẫn
dẽ dàng nói:
- Thế này mới lại khổ chứ, mới quái ác chứ!
Tháng trước đây trong đề lao Hải Phòng ở “trại áo đen” (trại giam những người chưa thành án)
có một “so phụ cớm” bị giam vì làm tiền một người. Cai trại ấy vốn dòng dõi “yêu
đạo” liền nhắn ngay người đi làm “cỏ vê” kiếm cho mấy thẻ hương để hành tội so
phụ cớm kia. Các anh có biết hắn hành bằng cách gì không?
Để mấy người ngơ ngác, Tư-lập-lơ nhăn mặt
cười, tự trả lời:
- Một sự hành hạ chắc chưa từng thấy ở thế
gian này, các anh ạ. Cai trại hắn chờ một tối thứ Bảy các cửa khóa đâu đấy, liền
thắp ba nén hương cắm lên nắp thùng phân nằm cuối trại, và sai một “tiểu yêu”
giải chiếu, một tiểu yêu lôi người “so phụ cớm” đến. Hắn bắt, “so” nọ lạy cái
bàn thờ ấy ba lạy. Lạy đoạn, hắn bắt quỳ thẳng lên rồi dõng dạc đọc từng tội một
của “so” cho cả hàng trại nghe: nào vì “so” vụ mất trộm đồ thờ ở đền Cấm vỡ lở,
nào vì “so” cánh “chạy” trong làng Vẻn bị bắt không còn sót một mống, thằng nào
thằng ấy bị “xăng-tan” dừ tử, nào vì “so” ba sòng sóc đĩa của dân “yêu” bẹp tai
ở Lạc Viên và hai sòng trạc sếch ở phố
Khách bị phá. Cai trại kể tội xong, một “yêu” khác nhảy xuống chiếu đóng vai
Chánh án bệ vệ tuyên án. Tên “phụ cớm” này phải nói to lên nhận từng tội của mình,
phải quỳ lạy thùng phân thêm ba lạy nữa, rồi phải tự xúc lấy một bát phân mà ăn
cho mọi người xem, nếu không “tòa” chỉ sai phí một người chịu 15 ngày xà lim,
cùm hai chân, ăn cơm nhạt để đền vào cái mạng người dám trái lệnh tòa. “So phụ
cớm” run không được, mặt tái mét, đánh nhắm mắt nuốt... cho cả trại tù reo vỗ
tay cười. Việc ấy lọt ra ngoài nên ngày nay dân “cớm” quyết bắt kỳ hết dân “yêu
vỏ”.
Tư-lập-lơ kể xong, Năm Sài Gòn cười váng
lên. Năm chợt nhớ lại năm xưa trong hỏa lò Hà Nội và trong khám lớn Sài Gòn,
Năm cũng sai trả thù hai “phụ cớm” như thế. Tiếng cười của Năm chưa dứt, những
giọng cười ròn rã khác thi nhau ran lên.
- Hả! Hả! Phụ mẫu ạ!
- Ít quá! Bắt nó ăn ít quá. “Thâm bo” (ba bát)
cũng còn là nhẹ tội.
Một gã đứng phắt lên:
- Vì còn thiếu vài chai rượu “bia” nữa.
Lại một dịp cười ran lên với những tiếng đập
bàn, đập chiếu làm rung chuyển cả nhà. Chợt Tám Bính đẩy cửa bước vào. Năm Sài
Gòn liền hất hàm giới thiệu với mọi người:
- Nhà tôi đấy các chú ạ!
Ba trâu lăn trố mắt nhìn. Hắn cố nhớ xem đã
gặp Bính lần nào chưa mà trông Bính quen quá.
- Chị trước ở nhà mụ Tài-sế-cấu phải không
anh Năm?
Năm Sài Gòn cười, gật đầu. Ba trâu lăn hỏi
luôn:
- Anh cưới về đã bao lâu mà chị đã bưng trống
thế kia?
Năm sung sướng:
- Bét dịp (tám tháng) rồi.
Thấy hàng chục cặp mắt tinh quái nhìn trõ
vào mặt mình, hai má Bính nóng lên, Bính vội đi vào buồng. Tuy ngả lưng xuống
giường, nhưng Bính vẫn lắng tai nghe bên ngoài chuyện trò và bàn tán.
Ba Con nắm tay Chín Hiếc hỏi:
- Vậy làm khó dễ cho anh em vì cả anh vào
trong đề lao, anh nghĩ sao bây giờ?
Chín Hiếc quắc mắt lườm:
- Anh lôi thôi quá! “Cớm” canh gác riết thế
này mình cứ “làm tiền” mới can trường chứ. Tôi thật lấy làm lạ: lúc chia năm
chia bảy, chẳng ai trách tôi, mà ngày nay xảy ra cơ sự này, các anh lại trút cả
lên đầu tôi thì còn giời đất nào nữa!
Ba trâu lăn về hùn với Chín:
- Bất quá chúng ta nghỉ “chơi” độ dăm tháng
cho đỡ nhọc xác, vậy càng hay. Có một tý thế mà cũng rối beng cả lên, chả trông
anh Năm, nước đến chân vẫn cứ như thường.
Một người đáp:
- Anh Năm khác!... Chúng mình khác!...
Ba trâu lăn cười mũi:
- Anh Năm khác; các anh khác, vì các anh sợ
bị bắt, sợ chết chứ gì!
Tức thì Ba Bay phanh ngực nói to:
- Như tôi đây gầy còm thế này cũng có thể
chịu nổi vài nhát dao chém, vài trận đòn “xăng tan”, vài tháng tù, huống chi
các anh béo khỏe như vâm ấy mà sợ thì lạ thật!
Tư-lập-lơ hừ một tiếng:
- Mình để cho người ta chém tức là mình
kém, mình chém người ta rồi ngồi tù mới giỏi chứ, và mình sả cả “cớm” mới can
trường hơn. Nội bọn ta đây, tôi dám hỏi rằng ai là tay chơi, ai can trường, quyết
bênh vực anh em mà thí cho “cớm” vài nhát nào?
Năm Sài Gòn nóng sôi người lên, nghiến
răng, nắm chặt bàn tay đập mạnh một cái xuống giường, làm rung chuyển cả chân
niễng:
- Chú muốn thịt ai?
- Đội “cớm” Minh, “cớm chùng” Hiếu và thằng
xếp Bảy mề đay anh lạ gì còn phải hỏi?!
Năm đã đỏ tía mắt lên, vùng dậy rút lưỡi
dao sáng loáng cài trên đình màn xuống, xăm xăm chực đi. Bính chạy xổ ra, run cầm
cập, ôm chặt lấy Năm, ríu lưỡi kêu:
- Đừng hung tợn thế!... Em van mình! Đừng
hung tợn thế!... Em van mình!... Em van mình!...
Năm gỡ tay Bính, mắt sáng quắc, long lên,
miệng sùi bọt mép:
- Mặc tôi! Mặc tôi!
- Em lạy mình đấy! Thương em chứ!
Năm toan gạt Bính ra bên nhưng Bính nằm lăn
ra đất và giữ lấy ống quần Năm khóc nức nở. Năm vội cúi xuống, ẵm bổng Bính đặt
lên giường, thì Bính vòng hai tay qua nách, túm chặt lấy áo Năm:
- Em lạy mình! Đừng hung tợn thế! Em van
mình! Mình thương em! Giời ơi!...
Mấy giọt nước mắt của Bính qua lần lụa mỏng
thấm vào da thịt Năm Sài Gòn. Một cảm giác ghê lạ chuyển khắp người Năm khi bụng
Bính ép vào lưng Năm. Hắn ngoái cổ trông lại. Mắt long lanh vừa gặp mắt Bính
chan hòa, Năm Sài Gòn cực chẳng đã thở hồng hộc ngồi xuống giường:
- Ừ, thì mình cứ buông tôi ra.
- Để mình đi à?
- Không, tôi không đi đâu, mình đừng sợ.
Năm vừa ngừng nói, Ba trâu lăn tiến đến giằng
lấy dao:
- Thôi anh Năm ở nhà cho tôi mượn con “đoản”
(đoản: dao
to, bút: dao nhỏ) này để tôi thay anh sả chúng cho.
Hơn mười con mắt sáng ngời đổ dồn vào Ba.
Riêng Tám Bính kinh ngạc.
... Đêm khuya rồi, Bính muốn chợp mắt ngủ,
song không được. Tâm trí Bính cứ phải liên miên nghĩ tới những sự xảy ra ban
ngày mà Bính thấy có thể lại làm tan nát cả đời Bính và đẩy Bính vào một quãng đời
lại khốn nạn vô cùng. Khắp xóm Chợ Con đều im lặng trong khoảng đêm thu sao
thưa. Thỉnh thoảng vài tiếng rao hàng uể oải của người bán bánh cuốn nóng phào
lên rồi khi tiếng rao im lìm, không khí lại vắng vẻ nặng nề hơn.
Bính đưa mắt trông ra ngoài đường. Dưới cột
đèn ở trước nhà Bính, một người xe gác càng xe lên bệ xi măng, dựa lưng vào hòm
xe ngủ li bì. Cách đấy vài bước, một người ăn mày nằm co quắp trên chiếc chiếu
rách mướp. Bính chỉ nhận ra là một người, không ra là đàn ông hay đàn bà, và
cái đống thịt ấy đương ngủ say hay còn trằn trọc trong bóng tối của những nỗi
đói rét khổ sở. Cách đấy không xa, trên mặt đường lù lù những đống rác bẩn. Mấy
con chuột rúc rích kéo nhau đến sục sạo tìm thức ăn.
Bính rợn cả người. Không khi nào vùng quê
Bính lại có một cảnh vật thê thảm như thế! Cũng vắng lặng, cũng tối tăm, nhưng
cái vắng lặng tối tăm khoáng đãng khác hẳn cái vắng lặng lù mù bẩn thỉu này.
Bính liền so sánh cảnh ở nhà mụ Tài ván gỗ ám khói, ánh đèn lù mù, phản mọt,
chiếu giải không bao giờ khô ráo ngay ngắn, gối vàng mồ hôi với cảnh anh phu xe
ngồi rũ rượi, người ăn mày co rúm ở xó hè ri ri tiếng, muỗi và đống rác cao ngất
này, Bính thấy đều tanh tởm, nhơ nhớp như nhau. Thì ra từ khi đi khỏi chốn quê
hương đồng ruộng bát ngát đến giờ chẳng lúc nào Bính không ghê sợ vì cảnh vật
chung quanh mình. Bất giác, Bính quay nhìn Năm Sài Gòn nằm ngủ bên cạnh. Nhờ
ánh đèn vặn to, Bính nhận rõ từng nét mặt Năm. Năm đen cháy, cằm bạnh, xạm râu,
hai mắt sếch, mé trên mắt bên phải vẹt hẳn một nửa lông mày dưới vết dao chém
sâu hõm. Trên má Năm, trên trán Năm, mấy cái sẹo nữa chằng chịt như những vết rạn
của chiếc vại sành. Cứ khuôn mặt ấy mà người khác đoán thì Năm sẽ mất hết tính
người.
Bính lắc đầu, thở dài... Bính ngạc nhiên
cho cách đối đãi lạ lùng của Năm đã săn sóc Bính từng miếng cơm, từng hớp thuốc,
suốt mấy tháng ròng, Bính nằm liệt giường liệt chiếu. Nhất là mấy tháng nay
Bính có mang, Năm càng nâng nhắc chiều chuộng. Năm mời hết thầy lang nọ đến thầy
lang kia, tốn kém đã nhiều mà cứ luôn luôn hỏi Bính: “Mình nghe trong người thế
nào? Ăn uống có biết ngon không?”
Trước kia Bính đinh ninh rằng Bính chỉ là một
người chịu ơn Năm thôi, nhưng bây giờ Bính mới rõ Bính hoàn toàn là vợ Năm, yêu
thương Năm thấm thía. Tuy thế Bính vẫn lo sợ cho sự sống của Năm.
Nhất là mấy hôm nay sự thực càng mở to mắt
Bính ra: Năm càng không phải là một người Bính có thể khuyên nhủ dần dần trở về
làm ăn lương thiện. Năm đứng đầu hẳn những du côn anh chị nhất.
Năm làm trùm cả ăn cắp. Năm là một hạng người
mà hết thảy mọi người tử tế xa lánh, ghê sợ.
Bính đau xót quá! Lúc Bính kiếm được miếng
ăn thì thân thể bị giày vò. Lúc gặp bước an nhàn thì lương tâm bị cắn rứt vì
mình sung sướng mà người khác thiệt thòi, khổ sở. Nhưng Bính có thể bỏ nhà mụ
Tài-sế-cấu theo Năm, chứ bỏ Năm để đi tìm cảnh vui tươi khác, Bính thật không
sao có can đảm. Tấm lòng tốt chan chứa yêu thương của Năm sẽ giữ nàng ở với Năm
cho tới ngày trọn đời.
Bính nghẹn ngào quay mặt đi, không dám nhìn
Năm nữa. Bính bối rối và tưởng đến sau khi sinh nở mẹ tròn con vuông, đứa bé một
ngày một khôn lớn, cả hai mẹ con vẫn đều nuôi nấng bởi những của phi nghĩa mà
ngưòi bị thiệt hại nguyền rủa thâu đêm suốt sáng kẻ chiếm đoạt, Bính càng
choáng váng. Bính cúi chằm xuống gối. Trong tâm trí Bính lại hiện ra nhiều hình
ảnh quái gở. Gió thổi ào ào bỗng vẳng lên những tiếng kêu ca oán trách, rủa sả,
Bính vội lắc đầu xua đuổi. Nhưng những tiếng kêu rên rõ ràng hơn, day dứt từng
miếng thịt Bính ra.
- Giê su! Lạy Chúa con!...
Cánh cửa ngoài sịch động. Bính hoảng hốt
thêm, tưởng có ai sắp đến bắt mình, Bính run rẩy vội nắm lấy tay Năm, chực lay
gọi thì Năm đã cất tiếng cười, cười sặc sụa, cười đổ hồi. Hắn đương mơ màng
vùng vẫy trong một giấc mơ đỏ rực, hai tay hoa hai lưỡi dao nhọn đẫm máu người.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét