Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Bỉ Vỏ - Chương 22


Bỉ Vỏ

Tác giả: Nguyên Hồng


Chương 22

Năm Sài Gòn cầm cốc rượu đặt trước mặt Bính, gắp miếng gà rán bỏ vào bát Bính, rồi cùng bọn Tư-lập-lơ cười phá lên. Tiếng cười của mấy người phút chốc bị tiếng pháo ran ở ngoài phố át đi. Năm nói thật to nhưng Bính và bọn Tư-lập-lơ chỉ loáng thoáng nghe thấy:
- Họ đương ăn mừng tết đấy! Chúng ta... à... mình... à... chú... Tư... chú Chín... chú Hai “riễn” (rượu) cho thật “sưa” (say) vào... để... à để... mừng năm mới... mau nào.
Khói pháo và hương hoa cúc từ ngoài vườn tràn vào nhà làm Bính càng bừng bừng. Hứng trí, Bính nâng cao cốc rượu mai quế lộ cười nói:
- Thế thì mình và chú Tư cùng uống nào!
Dứt lời, Bính hơi ngả đầu, chun mũi lại, lim dim mắt, tợp một hớp thật to. Men rượu bốc lên thắm cả khuôn mặt trái xoan và long lanh cặp mắt. Đôi hoa tai Năm kéo lại cho Bính, óng ánh ẩn hiện dưới mái tóc đen mượt, càng tăng thêm những nét tươi sáng. Ấy là với món tiền bán số vàng lấy được của ông cụ già, Năm Sài Gòn chỉ sắm cho Bính ít quần áo, còn thì Năm đánh bạc thua hết, chứ nếu Bính đòi may mặc và trang điểm như người khác thì tết năm nay chắc Bính còn trẻ đẹp hơn.
Năm Sài Gòn nồng nàn nhìn vợ, nhẹ nhẹ vuốt má Bính:
- Này chú Tư, chú xem vợ một “so chạy” có kém gì vợ một ông hoàng không!
Tám Bính hắt tay Năm đi, lườm rất yêu:
- Hoàng gì! Hoàng tháng Năm ấy à!
Năm vẫn lả lơi, vuốt ve:
- Thôi làm bộ vừa chứ! Thử ngẫm dạo nào làm vợ so “cớm” với ngày nay làm vợ thằng Năm Sài Gòn thì bao giờ hơn!
Tư-lập-lơ cười ngất:
- Bao giờ chị Năm chẳng sướng hơn. Vì có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, chừng nào cũng vừa, chừng nào cũng ít, không tính toán bần tiện. Nhất là Năm là dân chạy vỏ, một dân không yêu thì thôi, chứ yêu ai thì đến thân mình cũng chẳng quản và chẳng bao giờ chịu giương mắt ếch nhìn người tình mình bỏ mình đi gắn bó với người khác những khi mình ba đào cùng khổ, kém sắc thua tài.
Bính tê mê ngồi nghe. Sự vui sướng đương nhóm lên trong lòng Bính phút chốc tan hẳn. Một ý nghĩ buồn tiếc thương nhớ và bao hình ảnh quê nhà, cha mẹ, chị em, chúng bạn thoáng qua tâm trí Bính như cơn gió lạnh. Bính thẫn thờ đưa mắt trông những ánh nắng thoi thóp còn lấp lánh trên khóm đào lá lăn tăn đằng góc vườn, tưởng tới bao nhiêu sự bấp bênh và cuộc đời cứ một ngày một âm u héo hắt, khó mà còn hy vọng thay đổi được.
Tiếng pháo ròn rã lại tới tấp ran lên khắp một vùng. Dẫy phố trong khói pháo thơm thêm mịt mù, đầm ấm, êm đềm.
Bính mải nghĩ, tay vẫn giữ chén rượu không, người ngây ra. Năm Sài Gòn vỗ vai, cười:
- Kìa! Đưa anh rót rượu rồi uống nữa đi chứ.
Tám Bính giật mình, Hai Sơn nháy Năm.
- Chị ấy vờ say để anh bế vào giường đặt đấy.
Năm gật gù nhăn nhở ghé tai Bính nói thầm nhưng cũng để cho mọi người nghe rõ.
- Ai lại thế? Phải uống hết chai rượu kia rồi muốn gì thì muốn mình nhỉ?
Bính chớp mắt cúi đầu trông xuống chén rượu cạn. Năm tưởng Bính vui sướng nên bẽn lẽn, bèn xoa lưng Bính:
- À anh hẵng xếp cái chuyện ấy đi mình nhé. Vậy chúng ta rót rượu thêm uống đi, vui đi, kẻo ít lâu nữa hết tết, xuân hết, chúng ta có muốn cũng chẳng làm sao có được cái ngày thư thả ấm cúng này mà ăn uống say sưa.
Chín Hiếc gật gật, nói theo:
- Phải đấy! Anh Năm nói phải đấy. Chỉ đến mùng mười hay mười rằm chúng mình lại xuôi ngược, nay Nam Định, mai Hải Phòng, ngày kia Hà Nội, lo cuống vó vì “làm tiền” vì “cớm” vì Hỏa Lò. Vậy được những lúc rỗi rãi này tội gì ta không nốc rượu cho túy lúy càn khôn.
Chín Hiếc ngừng lại, gọi Tám Bính:
- Kìa chị Tám ngồi thừ người nghĩ gì đó? Không ăn uống, chúng tôi ăn uống xong kéo anh ấy đi chơi lại kêu.
Bính gượng tươi nét mặt:
- Vâng các chú cứ ăn uống đi, cứ chuyện đi, tôi xuống bếp đây để hâm qua nồi cà ry, lấy thêm cái đùi gà, không thức nhắm còn ít quá.
- Phải, phải lắm, mau lên mình ạ...
Tám Bính vội vàng xuống bếp. Bính vừa bước khỏi ngưỡng cửa, nước mắt đã ứa ra, chan hoà. Qua những giọt nước mắt đầm đìa, Bính thấy hiện vụt ra một cảnh mịt mù, buồn tẻ trong lớp tre xanh rì ở đằng tít xa... Làng Sòi! Làng Sòi!

...Sáu năm đã qua... lâu biết bao... dài biết bao! Mà biết đến bao giờ Bính mới có được một cuộc đời trong sạch êm đềm như cuộc đời của mọi người trong buổi đầu xuân?
Khó lắm. Nếu Năm Sài Gòn vẫn còn sống và vẫn yêu thương Bính. Nếu đứa con Bính vẫn biệt tăm tin tức. Nếu cha mẹ Bính vẫn cùng làng nước, đinh ninh Bính là một sự xấu xa gớm ghiếc cần phải xa lánh.
Hơn nữa, nếu Bính còn lấy tình thương yêu của Năm để an ủi mình những lúc bối rối chán nản vì những kỷ niệm thảm khốc... sự lừa dối của “tham” Chung... bán con... vợ thằng trẻ tuổi độc ác và thằng khốn nạn nọ, sở Cẩm, nhà Lục xì, mụ Tài-sế-cấu... cứ đến vây bọc tối tăm cả tâm trí Bính.
Hơn thế nữa nếu Bính càng yêu thương Năm Sài Gòn, càng thắt chặt lại với Năm và theo Năm mãi mãi.
Ánh chiều vàng đã xanh nhạt rồi dần lẫn với sắc lam nhuộm màn sương.
Cánh đồng bên sông chạy dài theo chân đê biến thành một biển khói hương rung động. Những cụm tre lơ thơ chỉ còn là những bóng lờ mờ, nhìn những đám lông chim phất phới tan tác...

Tám Bính lạnh tê cả tâm trí. Mệt mỏi, Bính dựa lưng vào bức vách, lim dim mắt, thẫn thờ nhìn bóng tối tràn ngập mọi nơi mọi chốn.
Tiếng pháo lại tới tấp vang khắp một vùng. Tám Bính giật mình. Ở nhà trên, loáng thoáng tiếng Năm đương lè nhè hò rượu và gọi lấy thức nhắm thêm. Vội vàng Bính chạy vào bếp, chất thêm củi, đặt chảo mỡ lên, rồi cúi rạp xuống thổi cho ngọn lửa bén tới lượt mạt cưa rắc chung quanh bếp.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét