Bỉ Vỏ
Tác giả: Nguyên Hồng
Chương 17
Thấy Bính hãy còn ngần ngại. Hai Liên vuốt
lưng Bính nói:
- Chỉ còn cách ấy thôi, nếu chị không thuận,
em cũng đến bó tay, vì không còn cách nào giúp chị được. Suốt buổi sáng nay em
hỏi mọi nơi, mọi chỗ nhưng họ đều chối bai bải. Bảy, tám chục bạc bây giờ em mới
biết nó là to.
Bính thừ người ra một lúc rồi buồn rầu bảo
Hai Liên:
- Em khổ quá! Em khổ quá!
Đoạn, Bính quay hỏi thẳng Cun đứng bên cạnh
bà cụ mà năm kia Bính gặp ở Hải Phòng:
- Bốn hôm thôi à?
Thằng Cun gật đầu:
- Họ chỉ cho khất có bốn hôm thôi, nếu
không chạy đủ tiền nộp phạt họ sẽ giải thầy lên tỉnh, tống lao.
Bính cảm động nhìn thằng Cun nói, Bính thấy
nó vẫn còn thương Bính vô cùng. Chiều hôm qua, ở giữa chợ đông đúc, chợt gặp
Bính, nó liền ôm choàng ngay lấy, khóc như mưa gió. Bính đương sung sướng được
gặp gỡ em thấy em khôn nhớn, thì nỗi lo lắng lại bừng bừng trong tâm trí Bính,
Bính bảo Cun:
- Này Cun! Ban sáng tao rối ruột quá, nghe
câu được câu chăng, vậy mày kể lại lần nữa cho tao rõ hơn.
Thằng Cun vân vê tà áo, kể ngành ngọn cái
tai nạn đã xảy ra.
Hôm kia, lúc nó đang lúi húi thổi cơm ở dưới
bếp, một người đàn ông vận quần áo vàng, cầm cái xiên sắt sồng sộc chạy đến thộp
tay ngực nó, khám xét nó, rồi dẫn lên nhà trên. Nó không còn hồn còn vía nào. Bố
mẹ nó cũng run bây bẩy, mặt cắt không còn hột máu trước cặp mắt mà quá xanh tựa
mắt mèo của người Tây Đoan đứng chắn lối ra vào. Một lúc sau trong bếp nhao
nhao lên những tiếng cười. Người mặc quần áo vàng ban nãy và hai người ăn vận
giống thế đi lên trên nhà, giơ trước mặt bố mẹ nó hỏi cái gì đây? Giời ơi cái ấy
là nửa cút thuốc phiện tìm thấy trong đống rơm sau bếp.
Tức khắc họ giải bố mẹ nó lên huyện. Hôm
sau lý trưởng rong bố mẹ nó về bắt khai tất cả đồ vật, ruộng vườn. Bố mẹ nó liền
nhắn bà cụ già ngày năm kia gặp Bính, nhờ dẫn nó đi tìm Bính chạy cho tiền nộp
phạt, bằng không sẽ phải ít ra cũng một năm tù, còn nhà cửa đất cát sẽ bị mất hết.
Bính bị sôi máu lên, hỏi dồn:
- Thế chỗ thuốc phiện là của thầy mẹ hay là
của ai. Có phải của người ta đi đò đến bến thuê tiền giữ cho người ta phải
không?
Bà cụ ngồi bên thằng Cun vội đáp:
- Cô còn lạ gì, ông bà làm cái gì chứ với
những của quốc cấm ấy thì có gan bằng cái mẹt cũng chẳng dám! Chẳng qua vài năm
nay thấy ông bà làm ăn tấn tới có đồng ra đồng vào, người nọ vay, người kia mượn,
rồi nghề đời trâu buộc ghét trâu ăn, kỳ dịch trong làng họ hỏi không được họ bỏ
thuốc phiện báo Đoan để làm hại cho bõ tức đấy thôi.
Bính chán nản:
- Nhưng mà Đoan cứ thấy thuốc phiện ở nhà
mình là họ phạt chứ họ xét gì đến những sự rắc rối thù hằn kia.
Chuyện một hồi lâu nữa, mọi người đi ngủ.
Đồng hồ treo trên tường điểm mười hai tiếng.
Đêm khuya rồi. Bính suốt ngày chạy vạy, mệt nhọc cố nhắm mắt ngủ, nhưng hai mi
mắt cứ khô cứng đi, tâm trí càng sôi nổi không biết bao nhiêu lo buồn. Lúc nguy
biến này Bính không xoay được trăm bạc chạy cho bố mẹ, để bố mẹ bị tù tội, mất
hết nhà cửa vườn đất, thì đời Bính còn là khổ, còn là nhiều tai tiếng. Bố mẹ
Bính sẽ oán giận Bính mãi mãi, sẽ hờn dỗi suốt đời vì đinh ninh con mình dư dật
nhưng tiếc cha, tiếc mẹ. Cái cảnh lao tù nhục nhã kia, cái cảnh không nhà không
cửa, không một tấc đất cày cuốc nuôi thân kia thế nào chả lôi kéo cha mẹ Bính
vào cảnh đói rét, rồi cả thằng Cun cũng vì Bính mà khổ sở, cơ cực vô cùng. Nó sẽ
là cái đích để cho cha mẹ Bính sỉa sói băm vằm những khi giận dữ.
Ngày hôm sau... Ngày hôm sau nữa... Thế là
cái thời hạn nộp phạt chỉ còn có ngày hôm nay thôi.
Nhưng Bính đã bớt lo. Tuy vậy sự chua xót
chiều qua khi Bính liều nhận trăm bạc, món tiền của người mật thám bạn với chồng
Hai Liên bỏ ra cưới Bính cũng về làm lẽ, vẫn dồn dập trong lòng Bính. Nhất là
lúc này Bính lại càng hồi hộp. Tập bạc giấy đã gói kỹ lướng với hai tờ nhật
trình và lượt dây gai chẳng đã thắt bốn năm nút, Bính chỉ còn chờ người học trò
thảo xong lá thư là gói lại làm một gói trao tay bà cụ cầm về cho cha mẹ.
Cả nhà đều yên lặng.
Ngoài tiếng ngòi bút mới chạy soàn soạt
trên tờ giấy, người ta chỉ thấy những tiếng thở.
Bỗng người học trò lên tiếng:
- Đây nghe xem thế này có được không?
Bính thở ra một cái mạnh:
- Vâng cậu làm ơn đọc to lên cho.
Lá thư dài non bốn trang giấy, với những ý của
Bính lời lẽ văn hoa của người học trò kia tả ra rất thống thiết:
“Lạy
thầy mẹ, con là Bính gửi vài hàng chữ về kính chúc thầy mẹ được khỏe mạnh, và
cúi xin thầy mẹ vui lòng chịu mọi sự khốn khó của Chúa bày đặt để thử thách
lòng các con chiên trung tin.
Con
đau đớn biết bao, lòng con như sắp tan nát, khi con được tin thầy mẹ và thằng
Cun mừng rỡ tìm thấy con.
Lạy
thầy mẹ, còn sự thể trong hơn ba năm con bỏ nhà xa thầy mẹ lên tỉnh, con không
dám nói đến vì nói đến chỉ làm thầy mẹ thêm tủi thẹn mà thôi. Một người bơ vơ
như con sống trong hơn ba năm ấy thật là nhơ nhuốc, bởi thế con không dám viết
thư về nhà.
Nhưng
Chúa thế nào cũng ngoảnh mặt lại, và thế nào cũng có một ngày Chúa cất gánh nặng
trên vai con đi.
Người
chồng hư hỏng của con coi như là chết rồi. Con định về Nam Định thu xếp làm ăn
buôn bán chờ dịp may mắn khá giả sẽ trở lại quê nhà thăm thầy mẹ và em. Ngờ
đâu.
Lạy
Chúa! Con nói thế, nếu thầy mẹ không tin đã có Chúa trên đầu soi xét cho. Quả
thật con khốn khó vô cùng: và nghĩ tới thầy mẹ ruột lại đau hơn cắt.
Trăm
bạc bây giờ to quá! Con suy nghĩ đến nát cả tâm trí nhưng không thể tìm được một
phương kế gì ra tiền. Con đã tưởng đến phải chịu nhìn thầy mẹ bị tù tội nhục
nhã, gia đình tan nát.
Nhưng
thôi, lạy Chúa! Lạy thầy mẹ! Xin Chúa và thầy mẹ tha thứ cho con. Trong lúc khó
khăn ngặt nghèo này chỉ còn có cách ấy, con đành nhắm mắt liều lấy làm lẽ một
người có đạo, có vợ, có con, như thế thật trái với điều răn buộc của hội Thánh
truyền. Đau đớn cho con!”.
Nghe hết đoạn đó, Tám Bính bủn rủn cả chân
tay, nước mắt chảy ròng ròng.
Bính không chờ người học trò đọc hết lá
thư, vội giằng lấy, xé vụn ra. Hai Liên trừng mắt nhìn toan hỏi thì Bính kéo vội
thằng Cun và bà cụ già lại, nức nở nói:
- Thôi cụ, xin cụ làm ơn đưa gói tiền này về
cho thầy mẹ con. Cụ đi ô tô về ngay. Cả Cun mày cũng về ngay.
Nói đến đây, nước mắt Bính càng tràn ra, cổ
họng Bính nghẹn ứ lại. Thằng Cun ngây người nhìn chị không chớp mắt.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét